Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2: Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes (phần 2)

19/04/201706:34(Xem: 6618)
Phần 2: Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes (phần 2)
Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ...
Tiếng Việt thời LM de Rhodes
(phần 2)

Nguyễn Cung Thông [1]

(xin xem file pdf cuối trang có hình minh họa)



Phần này bàn về các cách dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất vào thời linh mục (LM) Alexandre de Rhodes đến An Nam truyền đạo. Cách gọi đại từ nhân xưng với các ngôi chính là vết tích của truyền thống ngữ pháp La Tinh như sẽ thấy rõ hơn ở phần sau. Bài này chú trọng đến cách dùng vào thời các giáo sĩ qua An Nam, chứ không phê bình cách phân loại này có chính xác hay không cho loại hình ngôn ngữ đặc biệt của tiếng Việt. Một điều rất rõ qua các tài liệu vào thời này là LM de Rhodes phải đối phó với một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, nhất là cách xưng hô thật là phức tạp khiến ông phải giải thích bằng nhiều trang giấy hơn so với các cách dùng khác như danh từ, động từ, giới từ ... Các LM Dòng Tên cũng như các Dòng khác đều đã học ngữ pháp La Tinh kỹ lưỡng ngoài những kinh kệ bằng La Tinh dùng hàng ngày, nên đều có khả năng ghi chép một ngoại ngữ qua ‘mẫu có sẵn’ hay ngữ pháp La Tinh. Kết quả là tài liệu ghi lại ngôn ngữ địa phương vào thế kỷ XVI và XVII trở nên cần thiết trong việc tìm hiểu lịch sử hình thành chúng. Các tương quan ngữ âm ghi nhận trong bài viết không nhất thiết khẳng định nguồn gốc (Việt, Khme hay Hán cổ) của các đại từ nhân xưng. Các cách dùng đại từ nhân xưng trong bản chữ Nôm Thiên Nam Ngữ Lục (TNNL) cũng được tham khảo vì khả năng xuất hiện cùng thời kỳ hay ngay sau thời VBL. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/124), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo) LM (Linh Mục), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK).

Để hiểu rõ cách dùng đại từ nhân xưng của tiếng Việt cách đây gần 400 năm, ta sẽ xem lại bối cảnh truyền giáo cũng như nội dung các tài liệu này từ những góc độ khác nhau như ngôn ngữ tri nhận (NNTN/Cognitive Linguistics) chẳng hạn. Văn hóa cổ truyền Á Đông không khuyến khích cách dùng trực tiếp đại từ danh xưng vì khiêm nhường, hay muốn tỏ thái độ tôn trọng người chung quanh hay người nghe. Điều này phản ánh qua cảm nhận của pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713) 義淨 vào đời Đường[2], sau khi có dịp học/trải nghiệm và so sánh nhiều ngôn ngữ khác nhau trên con đường tìm đạo:

若有人問云。爾親教師其名何也。或問。汝誰弟子。或可自有事至須說師名者。皆應言我因事至說鄔波馱耶名。鄔波馱耶名某甲。西國南海稱我不是慢詞。設令道汝亦非輕稱。但欲別其彼此。全無倨傲之心。不並神州將為鄙惡。若其嫌者改我為今。斯乃咸是聖教。宜可行之

Nhược hữu nhân vấn vân. nhĩ thân giáo sư kì danh hà dã。 hoặc vấn。 nhữ thùy đệ tử。 hoặc khả tự hữu sự chí tu thuyết sư danh giả。 giai ứng ngôn ngã nhân sự chí thuyết ổ ba đà da danh。Ổ ba đà da danh mỗ giáp。Tây quốc nam hải xưng ngã bất thị mạn từ。 thiết lệnh đạo nhữ diệc phi khinh xưng。 đãn dục biệt kì bỉ thử。 toàn vô cứ ngạo chi tâm。 bất tịnh thần châu tương vi bỉ ác。 nhược kì hiềm giả cải ngã vi kim。 tư nãi hàm thị thánh giáo。 nghi khả hành chi

Tạm dịch/NCT: Nếu có ai hỏi "tên của upādhyāya (Ổ ba đà da ~ thầy dạy) anh là gì?" hay "Anh là đệ tử ai?" hoặc trong các trường hợp phải nói tên của thầy dạy mình, thì nên nói rằng "Thầy tôi tên là người ấy". Bên Ấn Độ và Nam Hải, dùng tôi/tao không có nghĩa ngạo mạn, cũng như không có ý khinh thường khi xài đại từ anh/chị/mày. Cách dùng này để phân biệt người này với người nọ mà không có ý khinh miệt. Không như cách dùng như vậy ở Thần Châu (Trung Quốc) thì bị xem là ác ý không tốt. Nếu không thích dùng tôi/tao, thì dùng "người này, đây ..." thay vì tôi/tao. Đây là những lời Phật dạy. Thực hành các điều trên thì thật là thích hợp (trích từ quyển 3 "Nam Hải Kí Quy Nộp Pháp Truyện" 南海寄歸內法傳 - Nghĩa Tịnh soạn năm 691).

Gần đây hơn và vào thập niên 1930, học giả Phan Khôi cũng từng suy nghĩ về đại từ tiếng Việt từ lăng kính văn hóa Pháp/Hán và phân vân "Tôi thường lấy làm lạ sao trong tiếng nói hiện hành của ta không có một thứ đại danh từ trung lập[3], nghĩa là không trọng, không khinh, ai nấy dùng mà xưng mình, xưng người đều được cả" (Việt ngữ nghiên cứu, trang 129).

Thật ra, đại từ nhân xưng là một cửa sổ hé mở cho ta thấy phần nào truyền thống văn hóa giao lưu và tư tưởng của người trước, cũng như đã để lại không ít vết tích trong tiếng nói con người. Pháp sư Nghĩa Tịnh đã chỉ rõ một khác biệt giữa cách xưng hô của phương Đông và phương Tây vào thế kỷ VII, tư duy này rất ít thay đổi cho đến ngày hôm nay - khi giao lưu văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đã bắt đầu có hiệu lực hơn trước vì nhiều tác động khác nhau. Để ý cách dùng mỗ giáp từ thời cổ đại trong đoạn văn trên, phần sau sẽ đi vào chi tiết thêm.

1. Bối cảnh truyền giáo vào thời VBL ra đời

Các LM Dòng Tên đều được huấn luyện và đào tạo về giáo lý (thần học) và ngôn ngữ[4] (nhất là ngữ pháp La Tinh/cổ điển) rất cẩn thận trước khi đi đến các địa phương trên thế giới để truyền đạo, ngoài ra vấn đề học tập là một hoạt động luôn được các LM nhắc đến. Để hiểu rõ các đóng góp của GS Dòng Tên trên phương diện ngôn ngữ, nhất là trường hợp của LM Alenxandre de Rhodes, sau đây là vài hoàn cảnh đáng chú ý

1.1 LM Thomas Stephens (1549-1619) soạn và in cuốn ngữ pháp tiếng Konkani (1640), một phương ngữ ở vùng tây nam Ấn Độ. Đây là sách in đầu tiên của ngôn ngữ địa phương (vùng Goa, Ấn Độ) này, cùng với sách giảng về giáo lý (Catechism) năm 1622.

1.2 LM Ludovico Bertonio (1555−1628) soạn và in hai cuốn ngữ pháp và tự vị của tiếng Aymara (1612) đầu tiên, không có các tài liệu này thì việc khôi phục và tìm hiểu lịch sử tiếng Aymara trở nên cực kỳ khó khăn. Hiện nay, Aymara là ngôn ngữ chính thức của các nước Bolivia và Peru.

1.3 LM Jean de Brébeuf (1593 – 1649), sau được phong Thánh bởi tòa thánh La Mã (1930), học và soạn một số tài liệu về tiếng Huron (một phương ngữ ở Canada) và đặt nền móng cho một số công trình ngôn ngữ về tiếng này. Ông cũng soạn "Phép giảng giáo lý" (Catechism) tiếng Huron viết bằng chữ La Tinh lần đầu tiên. Ông cũng là tác giả viết lời cho bài ca Giáng Sinh - "Huron Carol" - xưa nhất của Canada.

1.4 LM Matteo Ricci (1552 – 1610) đến Macau vào năm 1582. Ông có công lớn trong quá trình truyền đạo CG ở Trung Hoa. LM Ricci đã viết nhiều tài liệu bằng chữ Hán như Thiên Chủ Thực Lục, Thiên Chủ Thực Nghĩa, Thiên Học Thực Lục, Thiên Học Thực Nghĩa, Kỉ Hà Nguyên Bổn, Khôn Dư Vạn Quốc Toàn Đồ (năm 1602/Bắc Kinh  - LM Ricci từng làm cho các bậc danh sĩ TQ ngạc nhiên và thán phục khi cho thấy bản đồ thế giới người Âu Châu vẽ; khác hẳn với bản đồ TQ vẽ - trong đó các nước chung quanh TQ nhỏ tí và nếu hợp lại thì không bằng một tỉnh TQ thời bấy giờ), Tây Tự Kì Tích, Nhị Thập Ngũ Ngôn, Giao Hữu Luận, Tây Quốc Kí Pháp, Biện Học Di Độc (xuất bản năm 1635, ghi nhận các trao đổi giữa CG và Tịnh Độ Tông), Đồng Văn Toán Chỉ, Thật Dụng Toán Thuật Khái Luận, Trắc Lượng Pháp Nghĩa, Viên Dung Giác Nghĩa ...v.v... Nhà Thần Học LM Peter C. Phan (Phan Đình Cho) còn đề nghị là LM de Rhodes đã dựa vào "Thiên Chủ Thật Nghĩa" để soạn "Phép Giảng Tám Ngày" (bài viết “Alexandre de Rhodes and Inculturation in Seventeenth-Century VietNam" trang 135-140, trong cuốn "Mission and Catechesis" Maryknoll, N.Y. Orbis Books 1998). Cũng nên nhắc đến câu chuyện sau liên hệ đến LM de Rhodes, sau khi rời Goa (1622) đến Ma Cao, ở đó ông từng ghi nhận (cho thấy rõ ràng ảnh hưởng của LM Ricci):

"Người Trung Hoa rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bản đồ chúng tôi vẽ. Trung Quốc vĩ đại của họ chỉ còn là chấm nhỏ trong vũ trụ Trái Đất bao la. Trái lại, nơi bản đồ trái đất hình vuông do họ vẽ, Trung Quốc nằm chính giữa, đúng như tên gọi (Trung Quốc-nước ở giữa). Sau đó, họ vẽ biển nằm bên dưới Trung Quốc, trong đó rải rác mấy đảo nhỏ, và họ đề tên: Châu Âu, Châu Phi và Nhật Bản..."

Khôn Dư Vạn Quốc Toàn Đồ 坤輿萬國全圖 (Bản đồ thế giới) – LM Matteo Ricci (1602)

 Sau đó, LM de Rhodes cũng vẽ một bản đồ xứ An Nam (có thể dựa vào bản đồ Hồng Đức 1490). LM Ricci cùng với các LM Ruggieri, Fernandez soạn cuốn Bồ Hán Tự Điển 葡漢詞典 (Portuguese-Chinese dictionary) vào khoảng 1583-1588. Đây có thể coi như là lần đầu tiên chữ Hán được ký âm bằng chữ La Tinh một cách có hệ thống, cũng là nằm trong một số mục đích của các giáo sĩ Dòng Tên thời bấy giờ. Cũng nên nhắc ở đây là các tài liệu đầu tiên viết tiếng Nhật bằng chữ La Tinh cũng do các giáo sĩ Dòng Tên soạn ra như “Dictionarium latino lusitanicum ac Japonium” Tự điển La Bồ Nhật (Amakusa, 1595), 日葡辞書 Nhật Bồ từ thư - (Nagasaki, 1603)…v.v…

1.5 LM Alexandre de Rhodes (1593-1660) soạn các cuốn từ điển Việt-Bồ-La (1651) và Phép Giảng Tám Ngày (1651), lần đầu tiên[5] về ngữ pháp và tự vị bằng tiếng Việt. Nên nhắc ở đây là chữ La Tinh đã được dùng để phiên âm tiếng Trung Quốc và Nhật Bản trước đó nhưng không được trọng dụng, có thể vì liên hệ Pháp Việt sau giai đoạn truyền đạo của các giáo sĩ Tây phương (thế kỷ 16/17) mà chữ quốc ngữ có vai trò quan trọng hơn. Trong BBC, LM de Rhodes đã nhắc đến vấn đề kỵ húy (tị húy, kiêng húy): tên của một bà vợ quan trấn thủ là Tuyền (BBC ghi là Tiền) thì các người khác trong hay ngoài gia đình, đầy tớ phải gọi trại đi là Toàn. Ngay cả tên của cha mẹ hay người ở địa vị cao hơn, ta cũng phải giữ phép kỵ húy[6] này. Truyền thống này làm vấn đề xưng hô trở nên rắc rối thêm nữa, tuy nhiên không nằm trong phạm vi bài viết này.

1.6 Tuy nhiên, các GS Dòng Đa Minh (Dominican Order) đã có trước Dòng Tên lâu đời hơn (từ năm 1216) cũng có những đóng góp không nhỏ về ngôn ngữ. Thí dụ như LM Domingo de Santo Tomás (1499-1570) đã đến truyền đạo ở Peru/Nam Mỹ và soạn cuốn "Grammatica o arte de la lengua general de los indios de los Reynos del Perú" viết bằng tiếng Quechua qua con chữ La Tinh lần đầu tiên (1560), và "Lexicon o Vocabulario de la lengua general del Perú"... Để ý là vùng này đã trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha từ năm 1533 (cũng vào năm này thời nhà Lê có một vị GS tên là I Nê Khu đến Nam Ninh truyền "tà đạo"). Ảnh hưởng của Bồ Đào Nha (tới TQ vào năm 1514, An Nam vào năm 1524) rất phù hợp với nghĩa Hòa Lang (Pha Lang/PGTN) chính là Bồ Đào Nha vào thế kỷ XVI. Trong cuốn đầu tiên đã dẫn, LM de Santo Tomás bàn về tính chất bao hàm người nghe (inclusive) hay loại trừ người nghe (exclusive) trong tiếng Quechua, đây là những khám phá đầu tiên trong ngôn ngữ khác với tiếng La Tinh, Bồ, Pháp ... Các GS Dòng Tên như Diego González Holguín (1560-1620) và Ludovico Bertonio (1555−1628) cũng có viết về sự khác biệt (gồm người nghe hay không – inclusive and exclusive distinction) trong phạm trù nghĩa của đại từ nhân xưng của ngữ pháp Inca và Aymara. Quá trình ghi chép lại các ngôn ngữ xa lạ bằng con chữ La Tinh đã cho ta nhiều tài liệu quý báo để tìm hiểu thêm chính xác tiến trình hình thành và tính chất của các ngôn ngữ này - ngay cả vài chi tiết lịch sử - trong đó có tiếng Việt. Một điểm quan trọng cũng cần nhắc ở đây là các ngôn ngữ như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Romanian, Catalan ... Đều có liên hệ mật thiết với nhau và cùng một gốc La Tinh, nên được sắp vào họ ngôn ngữ La Mã (Romance languages) khác với họ ngôn ngữ Đức (Germanic languages) gồm có tiếng Anh, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy ... Thành ra các giáo sĩ đều có căn bản rất vững chắc và mở rộng về ngôn ngữ khi ra ngoại quốc để truyền giáo, ai cũng có khả năng trở thành một nhà ngôn ngữ học thâm trầm cả, miễn là các vị ghi chép (ký âm) các tiếng này lại một cách cẩn thận. Chỉ cần dựa vào một ngữ pháp nào đã có sẵn (những quy chiếu cố định, như từ ngữ pháp La Tinh trung cổ), một ngôn ngữ khác có thể được ghi nhận lại một cách có hệ thống và truyền bá hiệu quả cho việc giảng dạy giáo lý Ky Tô và giao tiếp hàng ngày (mục tiêu đầu tiên). Phương pháp như vậy có chính xác hay phù hợp với ngôn ngữ bản địa hay không lại là một vấn đề khác không nằm trong phạm vi bài viết.

2. Đại từ nhân xưng trong tiếng La Tinh

Các LM thời VBL đều thuộc lòng[7] cách chia động từ/danh từ tiếng La Tinh: tùy theo vị trí của chúng trong câu mà phải thay đổi chữ cho phù hợp (conjugation). Thí dụ như đại từ nhân xưng (personal pronouns) và các dạng biến đổi theo cách/ngôi/số ít hay nhiều sau đây:

Singular (số ít)

 

Plural (số nhiều)

Case / Person

(Cách/Ngôi)

1st
(I)

2nd
(you)

3rd
(he, she, it)

 

1st
(we)

2nd
(you)

3rd
(they)

NOM

ego

tu

Is

Ea

Id

 

nos

Vos

Ei

eae

Ea

GEN

mei

tui

Eius

eius

eius

 

nostri

Vestry

Eorum

earum

Eorum

DAT

mihi

tibi

Ei

Ei

Ei

 

nobis

Vobis

Eis

eis

Eis

ACC

me

Te

eum

Eam

Id

 

nos

Vos

eos

eas

Ea

ABL

me

Te

Eo

Ea

Eo

 

nobis

Vobis

eis

eis

Eis

 

Bảng sau tóm tắt đại từ phản thân (reflexive pronoun) tiếng La Tinh

Case/Gender

 

(Cách/giống)

Singular/Plural       (số ít/nhiều)

Masculine

(Giống đực)

Feminine

         (Giống cái)

Neuter

(Trung tính)

NOMinative   (Danh cách)

VOCative   (Hô cách)

ACCusative   (Đối cách)

sēsē

GENitive   (Thuộc cách)

Suī

DATive   (Tặng cách)

Sibi

ABLative  (Trạng/Ly cách)

sēsē

LOCative   (Vị trí cách)

sēsē

 

Tuy tiếng Việt không có các cách chia rắc rối và phải nhớ nằm lòng như trên, tiếng Việt không phải thay đổi/chia động từ/danh từ/túc từ tùy vào vị trí/giới tính và cách dùng chữ trong câu; bù vào đó thì một vấn đề phức tạp[8] khác lại xuất hiện: "Tùy địa vị khác nhau và tùy sự khác biệt của người ta nói với nhau mà ta có rất nhiều đại từ nguyên thủy" (BBC). Trong 8 chương của BBC, chương 4 và 5 viết về đại từ tiếng Việt và chiếm khoảng 6 trang so với tổng số 22 trang. Một điểm đáng ghi nhận ở đây là ngôi thời VBL chỉ ngôi vị cao cả, nơi ở của các bậc cao thượng ("ba ngôi cùng một đức Chúa trời" trang 532, "mất ngôi" trang 533), dịch từ tiếng La Tinh persona, mà nghĩa La Tinh là người, tính cách, mặt nạ (“mặt mẻ” - VBL trang 463). Bài viết nhỏ này chỉ chú trọng đến các cách gọi ngôi giao tiếp thứ nhất dùng trong VBL, BBC và PGTN, và không đề cập chi tiết đến những cách xưng hô tùy thuộc địa vị xã hội, huyết thống (ba/cha/bố, con, anh/em ...) và tương quan nghề nghiệp, tuổi tác (cháu/bác, ông/bà, thầy/em ...v.v…).

3. Đại từ nhân xưng số ít/ngôi thứ nhất chuyên dùng trong VBL

Dựa vào cách hiểu của LM de Rhodes qua từ La Tinh ego (tôi) và nos (chúng tôi), và dựa vào cách dùng trong VBL/PGTN, ta có thể tóm tắt một số đại từ nhân xưng[9] như sau:

3.1 Tao

Dùng cho người trên nói với người dưới (hay "rất thấp"/VBL trang 724): (a) cha với con cái (b) chủ với đầy tớ (c) chồng với vợ hay khi nói chuyện có ngụ ý khi thường (BBC). Trong PGTN, đức chúa Giêsu từng phán "...Tao bởi chết mà sống lại ..." (trang 202), "...Tao đã ra đời đến phán xét thế này ..." (trang 199) ...v.v... Trích từ TNNL, một dạng chữ Nôm của tao là 蚤 (tảo) hay  月蚤  (tao, bộ nhục) 騷  (tao ~ thối thúi hôi) :

Vua rằng còn có mặt tao (c. 7101)

Bụt liền biết ý thốt ra rằng vầy

Tao đi áng hội mấy chày

Vắng nhà phá giới là mày đã cam (c. 7349-7351) …v.v…

Cũng nên nói thêm ở đây về cách dùng tao/tau thời VBL. Trong công thức rửa tội, câu khẩu ngữ ghi lại vào năm 1645 (hội nghị[10] ở Ma Cao) là

“Tau rữa mâi nhân danh Cha ùa Con, ùa spirito santo”

(Tao rửa mày nhân danh Cha và Con, và spirito santo[11])

Cách nói như trên là rất trân trọng vào thời đó chứ không được hiểu như tiếng Việt hiện đại. Ngay cả các các đối thoại trong các tài liệu Phật giáo xưa, ta cũng thường gặp cách xưng hô tao/mày này trong phần nói chuyện của đức Phật Tổ hay các cao tăng

Bụt bảo A Nan rằng "Mày tuy là đệ tử cả tao" (Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh/PT)

"Tao vậy nên kính lễ" (PT)

"Mày nay xét nghe, tao hầu vì mày rẽ ròi chú thuyết" (PT)

...

"Bây chừ mày trong phép tao, tuồng có duyên xưa" (Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục/CC - sư Khâu Đà La bảo Man Nương)

"Tao đáp (giúp) nhà mày một áng sức vậy" (CC) ...v.v…

3.2 Tôi/tui

Dùng với tính cách khiêm nhượng, hay khi nói chuyện với người bề trên: như vua nói chuyện với mẹ cũng dùng tôi (hàm ý tôi tớ/BBC). Tôi cũng có nghĩa là đầy tớ" (làm tôi, tôi tá - VBL/trang 822). Tiếng Khme cũng dùng cách nói nhún nhường này: tôi tớ[12]kho-nhum, tôi/tao cũng là kho-nhum, so với thần 臣 (bầy tôi) và bộc 僕 trong tiếng Hán, bộc có dạng boku tiếng Nhật (boku còn là tôi/tao tiếng Nhật). Tam Thiên Tự, trang 8, còn ghi "僕 口綿 bộc min" cho thấy cách dùng nhũn nhặn này, hay người nói/phát ngôn luôn hạ mình xuống như tôi tớdân thường trong câu nói. Các cách dùng "con dân" hay "dân tôi" đều cho thấy khoảng cách của giới cai trị (trẫm, thiên tử/con trời) và người dân trong một nước. Phần sau sẽ bàn thêm về cách dùng min dựa vào tư cách khiêm nhường này. VBL cũng ghi nhận dạng tui là nói một cách quê mùa[13]. Các dạng chữ Nôm là 碎 (toái) hay 倅 (thối).

Rằng "tôi tuổi tác đã nhiều" (c. 6897)

Rằng tôi vâng mệnh quốc gia (c. 5816, TNNL)

...

Rằng tôi con trẻ học trò (c. 5951, TNNL)

Tôi nguyền một kiếp làm tôi (c. 6065, TNNL)

Tôi thấy sự lạ hồ nghi (c. 5935, TNNL)

Tôi chẳng dấu mẹ làm chi (c. 301, TNNL)…v.v…

3.3 Ta

Cách nói của người bề trên đối với người bề dưới - để ý là người bề dưới này phải thuộc hàng sang trọng (VBL trang 711). Một dạng chữ Nôm là 些 (ta), trích từ TNNL

Bỏ thầy bỏ nước ta lòng gian ngoan

Rủ ta về cứ Châu Hoan

Một ý dấy loàn ra dạ bất nhân

Ta nay vâng lệnh Khúc quân (c. 3237-3239) …v.v…

我 些    Ngã ta (Ngũ Thiên Tự, Tam Thiên Tự)

吾 些    Ngô ta (Ngũ Thiên Tự, Tam Thiên Tự)

予 些    Dư ta (Ngũ Thiên Tự)

Một dữ kiện nên nhắc ở đây để gợi ý về tương quan ta tiếng Việt và một dạng ta trong tiếng Hán. Chữ ta/tra 咱 偺 喒 㑑 là chữ hiếm - không thấy TVGT/ĐV/QV/TV/LT/VH ghi nhận - có lẽ xuất hiện sau các thời kỳ này (hay vào thời nhà Nguyên/Minh). Theo TNAV (năm 1324) thì thanh mẫu là tinh 精, vận mẫu là gia ma 家麻, dương bình - có các cách đọc theo phiên thiết

子葛切,音咂 tử cát thiết, âm táp (TH 篇海) - các phụ âm tắt cuối t/p đã bắt đầu tha hóa vào thời TNAV nên các âm ta, *tát, *táp đều đọc gần giống nhau

兹沙切,音查 tư sa thiết, âm tra (TCAV 中州音韻) - Trung Châu Âm Vận là tài liệu thời nhà Minh (1368-1661)

莊加切,鮓平聲 trang gia thiết, trả bình thanh (TVi)

莊加切, 音查 trang gia thiết, âm tra (CTT) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là zǎ zá zán zǎn so với giọng Quảng Đông zaa1 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] zap7 za1 [梅县腔] za1 [台湾四县腔] zap7 za1 [客英字典] za1 [宝安腔] zia1 潮州话:za1, tiếng Nhật san và tiếng Hàn cam, phản ánh thời kỳ nhập vào gần đây mà thôi. Ta tiếng Việt đọc gần âm Triều Châu za1.

Ngã môn 我們 tiếng Hán nghĩa là chúng tôi (không bao gồm người nghe/exclusive) so với Ta/Tra Môn 咱們 là chúng ta (bao gồm cả người nghe/exclusive), tương thích với cách dùng của ta trong tiếng Việt.

3.4 Tớ

Dùng khi giận dữ (so với cách dùng hiện đại), như kiểu nói "Tớ làm chi ngươi" (ngươi là ngôi thứ hai, hàm ý khinh bỉ/VBL trang 818). Một dạng chữ Nôm là 伵

Chồng tớ quan hệ gì ngươi (c. 1669, TNNL)

Khá cho làm tớ khá cho làm thầy (c. 4644, TNNL)

Ngươi nghe miệng tớ mặc lường (c. 6477, TNNL)

Cáo rằng tớ giấu chi ngươi

Tớ tài thiện bốc biết loài cát hung (c. 7255-7256)…v.v…

Với nét nghĩa giúp việc (đày tớ, tôi tớ[14]), cách xưng hô tớ có khả năng liên hệ đến tá - chữ tá 佐 (thanh mẫu tinh 精 vận mẫu 歌 ca, khứ thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

則箇切 tắc cá thiết (TVGT, QV) - QV/TV ghi khứ thanh

子我切 tử ngã thiết (TV, LT) - TV ghi thêm thượng thanh

子賀乀 tử hạ phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

子賀切,左去聲 tử hạ thiết, tả khứ thanh (TV, LT, TTTH, CV, TVi)

TNAV ghi vận bộ 歌戈 ca qua (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 左 佐 作 (tả tá *tác)

遭歌切, 左平聲 tao ca thiết, tả bình thanh (TVi)

祖過切,左去聲 tổ quá thiết, tả khứ thanh (CTT) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là zuǒ so với giọng Quảng Đông zo3 và các giọng Mân Nam 客家话:[台湾四县腔] zo3 [海陆丰腔] zo3 [宝安腔] zo3 [梅县腔] zo3 [客语拼音字汇] zo3 [客英字典] zo3 [东莞腔] zo3 [陆丰腔] zo3 潮州话:zo2(tsó) zo6(tsǒ), giọng Mân Nam/Đài Loan cho3, tiếng Nhật sa và tiếng Hàn cwa. Âm tớ gần với âm zo1 Triều Châu và Quảng Đông (nguyên âm o/ơ là âm cổ hơn nguyên âm sau/lớn a).

3.5 Min

Dùng cho người trên nói với người dưới, tuy không quá cách xa nhau (so sánh trường hợp tao, trong truyện "Mùa ăn chay cả", chúa Giê Su cũng xưng là min). Trích từ TNNL, một dạng chữ Nôm của min là miên 綿

Nhà min thầy sãi khó khăn ly hèn

Chẳng có con trai nối truyền

Hay đâu trời chẳng đem min sự này (c. 4504-4506)

...

Min xin nuôi lấy người này

Nên thân min cậy nàng bây được nhờ (c. 4511-4512) …v.v…

Min có thể là dạng âm cổ của chữ dân 民, âm dân là kết quả của quá trình ngạc hóa (palatalisation) trong tiếng Việt. Quá trình ngạc hóa đã đóng góp quan trọng trong lịch sử hình thành các ngôn ngữ Hàn, Nhật, Trung (Quốc), Việt Nam, Anh (nhánh Đức/Germanic, họ Ấn Âu), Pháp (nhánh La Mã/Romance, họ Ấn Âu) ...v.v... Trở lại với các ngôn ngữ ĐNA, khi tiếng Hán nhập vào tiếng Việt, phụ âm đầu môi môi (bilabial) có khả năng ngạc cứng hóa để trở thành phụ âm d (j), khi đi sau là nguyên âm trước (front vowels) với độ mở miệng nhỏ như i, e. So sánh các tương quan sau đây

民 mín (BK) dân (HV)

名 míng danh (tên)

茗 míng mính HV là chè/trà - tiếng Việt còn dùng từ dành (cây dành dành)

滅 míe diệt (như cách dùng diệt đế, diệt độ, diệt pháp ...)

妙 miào diệu (thần diệu)

面 miàn diện (mặt)

 彌 mí di (phiên âm Phạn mi/me/mai như A Di Đà Phật, Di Lặc, Tu Di, Sa Di, Cù Đàm Di ...)

泯 mǐn mẫn, dân, miến (để ý có khả năng đọc m- hay d-) - hầu như chỉ có tiếng Việt mới cho thấy khuynh hướng ngạc hóa rõ nét khi so sánh với các giọng Quảng Đông, Hẹ, Mân Nam… 

獼 mí mi, còn đọc là di (một loài khỉ)

渺 miǎo miểu, diểu

緬 miǎn miễn, miến, diến

緬甸 Miến Điện hay còn là Diến Điện (Myanmar bây giờ) ...v.v...

Xem lại các cách đọc chữ dân 民 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu chân 眞 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

彌鄰切,音泯 di lân thiết, âm mẫn (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, VH, CV)

彌申切 di thân thiết (NT)

TNAV ghi cùng vần 真文 chân văn (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 民 泯 珉 玟 䃉 岷 汶 閩 旻 忞 旼 緡 緍 暋 罠 𤸅 (dân dân/mân mân/vấn *mẫn)

彌隣切, 閔平聲 di lân thiết, mẫn bình thanh (TVi)

彌延切,音眠 di diên thiết, âm miên (TVi/CTT)

鄰溪切,音黎 lân khê thiết, âm lê (TVi/CTT)

謨陽切,音庬 mô dương thiết, âm mang (TVi/CTT)

彌平切, 閔平聲 di bình thiết, mẫn bình thanh (CTT)

鄰知切,音離 lân tri thiết, âm li (KH) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là mín so với giọng Quảng Đông man4 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] min2 [宝安腔] min2 [东莞腔] min2 [台湾四县腔] min2 [客语拼音字汇] min2 [海陆丰腔] min2 [客英字典] min2 [沙头角腔] min2 [陆丰腔] min3, giọng Mân Nam/Đài Loan bin5, tiếng Nhật và tiếng Hàn min. Một dạng âm cổ phục nguyên của dân là *min, thời Tự Vị (1615) thì *min có âm *mien. Để ý rằng chữ Nôm ghi min bằng chữ miên 綿 緜, phù hợp với cách đọc vào thời Tự Vị (năm 1615 - xem bảng liệt kê ở trên). Truyền thống khiêm nhường trong lời ăn tiếng nói còn thấy dân hay *min dùng làm đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất trong thời cổ đại (TQ). Thí dụ như Thảo Dân 草民 (người bình thường như cỏ rác này, cách xưng hô của phái nam) và Dân Nữ 民女 là cách xưng hô dành cho phái nữ. Để ý Thần Tử (HV) là dân, con dân hay tôi (Petit Dictionnaire francais annamite/Trương Vĩnh Ký 1884 - trang 1098).

Một chi tiết nên ghi lại ở đây để gợi ý: min còn có thể liên hệ với tiếng Khme dơng យើង /yəəŋ/ (tôi/ta/chúng ta/chúng tôi) vì khuynh hướng ngạc cứng hóa, dân đọc theo giọng Nam VN rất gần với /yəəŋ/ Khme. Liên hệ với tiếng Khme và tiếng Hán không làm ta ngạc nhiên vì lịch sử tiếng Việt cho thấy nhiều dấu vết của họ Môn Khme và tiếng Hán Cổ, cũng như cách dùng va[15] chỉ nó (hắn, hàm ý khinh bỉ). Đây là những đề tài cần được nghiên cứu chi tiết và sâu xa hơn để cho thấy các ảnh hưởng qua lại của ngôn ngữ thêm chính xác.

3.6 Qua

Dùng cho người trên nói với người dưới. Qua còn bảo lưu trong một số vùng ở Nam Bộ, khi các cộng đồng cư dân (Việt, Hoa, Khme ...) đã ổn định đời sống ở vùng đất mới này. Một dạng chữ Nôm là 戈 (qua), không thấy dùng đại từ này trong TNNL. Một cách giải thích hiện tượng qua dùng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long so với miền nam Trung Bộ (thời VBL) là kết quả của quá trình Nam Tiến, một số cách dùng[16] đã được nhập vào Nam Bộ từ Đàng Trong. Qua tương ứng với dạng ua2 giọng Triều Châu (Mân Nam) và ngã HV với các nét nghĩa tôi/ta/tao.

Chữ ngã 我 (thanh mẫu nghi 疑 vận mẫu ca 歌 thượng thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

五可切 ngũ khả thiết (TVGT, NT, ĐV, QV, LT, TTTH, TG 字鑑, TVi, CTT)

語可切 ngữ khả thiết (TV, LTCN 六書正擶)

TNAV ghi cùng vần 歌戈 ca qua (thượng thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 我 硪 騀 (ngã)

延知切, 音夷  diên tri thiết, âm di (TVi)

阮古切 - nguyễn cổ thiết - CTT/TViB ghi âm ngũ 音五

五可切, 俄上聲 ngũ khả thiết, nga thượng thanh (CV, TVi, CTT)

烏可切 ô khả thiết (CTT) - cách đọc này rất gần với dạng *wa (qua giọng Nam) ...v.v...

Giọng BK bây giờ là wǒ ě so với giọng Quảng Đông ngo5 o5 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] nga1 ngai2 ngoe.2 ngo1 [海陆丰腔] ngo1 ngo3 (ngai2) [客语拼音字汇] ngai2 ngo1 [客英字典] ngo1 ngo3 [沙头角腔] nga1 ngo1 ngai2 [台湾四县腔] ngo1 ngo3 (ngai2) [东莞腔] ngo1 [宝安腔] ngo1 [陆丰腔] ngo1 潮州话:ua2, giọng Mân Nam/Đài Loan goa2, tiếng Nhật là ga, Hàn là a.

Từ thời VBL (1651) qua là từ được dùng riêng rẻ, hay tổ hợp mớ qua (Gustav Hue/1937 và Paulus Của/1895 ghi là mới qua); Béhaine và Taberd (1772/1838) ghi thêm các cách dùng qua bậu[17], chúng qua ... Giọng Mân Nam/Đài Loan là goa2 và giọng Triều Châu là ua2 phù hợp với âm qua tiếng Việt (giọng Nam). Tiếng Mường Bi (Hòa Bình) còn dùng qua với nghĩa là chúng tôi/chúng tao/chúng tớ, có thể là dấu vết của qua đã được VBL ghi nhận, so với cách dùng ha có nghĩa là chúng ta (gồm người nghe). Điều này cũng không gây ngạc nhiên khi nhìn lại lịch sử nhà Trần, vốn gốc Mân (Nam TQ - như Phúc Kiến, Triều Châu ...) nên có thể vẫn dùng dạng qua trong vòng gia đình khi mới sang An Nam sinh sống. Ngoài ra, hàm ý của qua là người trên nói với kẻ dưới phản ánh xã hội VN khi nhà Trần đang ở vị thế cai trị cả nước. Một hệ luận là âm cổ của dân, hay min, trở thành phổ thông cho đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất như đã bàn ở trên.

3.7 Thần

Thần có nghĩa là tôi, hàm ý khiêm nhượng hay cách nói của người bề dưới/thủ hạ (VBL trang 740: thần, tôi ego). VBL cũng ghi nghĩa của thần là quan trong triều của một nước có vua (quan đại thần, VBL/trang 742). Thần viết chữ Nôm là 臣 (thần HV):

Nào đâu là chẳng xưng thần (c. 4033, TNNL)

臣 碎    Thần tôi (Ngũ Thiên Tự, Tam Thiên Tự)

Không thấy VBL/PGTH/BBC dùng từ trẫm[18], có thể vì LM de Rhodes hay những người thân cận ít giao thiệp trực tiếp với vua/gia đình "hoàng tộc" ngự ở Đông Kinh (Kẻ Chợ) so với các nhà Chúa ở Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Trẫm là long chủng, nàng là tiên phong (c. 170, TNNL)

Chiêu Hoàng phán bảo trước sau dòng dòng

Trẫm nay nào khác tơ hồng  (c. 5746-5747, TNNL)

朕 蚤  Trẩm tao (Ngũ Thiên Tự)

朕 些  Trẩm ta (Tam Thiên Tự)   

4. Mình, mỗ mỗ giáp

4.1 Cũng nên nhắc đến trường hợp chữ mình (mềnh/VBL trang 464). Mình có các dạng chữ Nôm là 𨉟 𠵴 命 (mệnh). LM de Rhodes ghi hai nét nghĩa:

a) thân xác

b) dùng như các từ La Tinh sui, sibi, se (đại từ phản thân/reflexive pronoun).

VBL đưa ra các thí dụ như của mình, vợ mình, đánh mình (trang 464); trang 821 còn ghi cách dùng của tôi. Mình (thân thể) sau thời VBL đã mở rộng nghĩa để chỉ tôi, ta, chúng ta (ngôi thứ nhất) và ngôi thứ hai, thứ ba. Tiếng Java (Javanese), Mã Lai[19] còn dùng awak nghĩa là mình (body/thân thể), tự mình và tôi/tao ...v.v...Đây là một trường hợp cho thấy cách dùng mở rộng rất rõ trong ngôn ngữ: từ trải nghiệm cá nhân cụ thể (thân thể) dẫn đến khả năng chỉ tôi hay ta (ngôi thứ nhất), người đối diện (ngôi thứ hai) hay gồm chung lại.

4.2 Mỗ chỉ ngôi thứ ba hay cái gì đó (người ấy, ông ấy, sự ấy … Vì không biết rõ tên, khiêm nhượng tránh dùng tên riêng, tỵ húy ...) hay ngôi thứ nhất (mỗ vẫn còn dùng trong tiếng Việt hiện đại tuy không phổ thông). Thời VBL (1651), mỗ có nét nghĩa là quispiam (L. người đó, ai đó, gì đó - VBL trang 475) và ghi thêm cách nói "Danh là mỗ" (nomen est N. - tên là gì đó). Mỗ hiện diện trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh 1 lần. Chữ Nôm và Hán đều là 某  (thượng thanh). Nguyễn Trãi (1380-1442) từng dùng mỗ nhiều lần như

Thủy chung mỗ vật đều nhờ chúa (Mạn Thuật)

Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm (Ngôn Chí) …v.v…

Cũng như chữ mình, mỗ cũng mở rộng nghĩa để chỉ tôi, ta, của ta ... Mỗ còn được dùng làm trạng từ phủ định (so với mựa); không thấy VBL ghi lại các nét nghĩa này.

Một cách xưng hô cho ngôi thứ nhất dựa vào chữ mỗ là mỗ giáp 某甲 (tôi, ta) và mỗ ất 某乙 (so với mỗ nhân 某人). VBL có ghi mỗ, giáp và ất (ớt hợi); nhưng không ghi cụm từ mỗ giáp và mỗ ất (đều có thể dùng như mỗ chỉ tôi/ta trong tiếng Hán). Mỗ giáp hiện diện trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh 4 lần và đều tương ứng với ngã 我 trong văn bản Hán: “Ấy vậy mỗ giáp kính lễ, mộ giáp nay niệm đọc, mỗ giáp hay đều vui mừng thuận làm đòi, nguyện mỗ giáp nay vội trừ rầy bao nhiêu nghiệp chướng”.

5. Đại từ chỉ số nhiều

Khác hẳn với các đại từ chỉ số nhiều tiếng La Tinh[20], chúng chẳng có liên hệ gì đến các đại từ số ít (xem bảng tóm tắt phần 2 bên trên), đại từ chỉ số nhiều tiếng Việt là loại từ ghép gồm một từ chỉ số đông/nhiều) như chúng, mớphô (hàm ý kính trọng) vào thời VBL. Tuy VBL không có mục chúng riêng so với chúng tôi (trang 121, ghi thêm chúng nó), nhưng giải thích chúng là chỉ số nhiều. Chúng là âm đọc HV của chữ 眾. Từ điển Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi thêm chúng qua, cho tới thời Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895). Sự hiện diện của mớ qua (Béhaine/Taberd/Huỳnh Tịnh Của) cho thấy cách dùng qua[21] (tôi) đã trở nên phổ thông ở Đàng Trong từ thế kỷ XVIII. Bây giờ thì ít thấy ai dùng qua (tôi) ở Nam Bộ, trừ vài trường hợp người già hay ở các vùng quê hẻo lánh. Tiếng Mường Bi còn dùng tàn (đàn) để chỉ số nhiều như tàn miềnh (chúng mình), tàn nả (chúng nó), tàn qua (chúng tớ, chúng em) so với cách dùng đàn người ta trong VBL (trang 198).

Tóm lại, qua khung cửa nhỏ của đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít vào thời VBL, ta có thể nhận ra phần nào các đẳng cấp trong một xã hội quân chủ phong kiến và cách nói khiêm tốn (tôi, tớ, thần), một bản chất cố hữu của con người Á Đông. Ngoài ra, LM de Rhodes còn ghi lại vết tích của một số giao lưu ngôn ngữ theo dòng thời gian minva (so với dơngvia là tiếng Khme), qua (tôi, giọng Triều Châu/Mân Nam), và bậu (so với tiếng Thái, Tày Nùng)… Cách xưng hô phức tạp trên còn phản ánh một tư duy tổng hợp từ truyền thống nông nghiệp, khi đại từ nhân xưng còn có khả năng là một dấu ấn của cơ cấu cộng đồng rộng lớn hơn. "Cái tôi" (tính chất cá nhân) đã mờ nhạt đi khi tận dụng cách xưng hô dựa vào liên hệ gia đình và xã hội, khác hẳn với khuynh hướng của ngôn ngữ Ấn Âu. Đây có thể xem là bức tranh giản lược vẽ lại tình trạng xã hội Việt Nam vào thế kỷ XVII, khi biên giới phía nam còn chung đụng với Chiêm Thành (vĩ tuyến 12/LM de Rhodes). Cấu trúc "mở", phản ánh các tương quan xã hội không đơn giản của cách xưng hô tiếng Việt. Cấu trúc "mở" này còn có thể dẫn đến những trường hợp tiếng nước ngoài[22] nhập vào dễ dàng hơn trong quá trình giao thoa ngôn ngữ theo dòng lịch sử.

6. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

2) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

4) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

5) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai Dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

6) Nguyễn Thị Ly Kha (2007) "Từ xưng hô thuộc hệ thống nào?" Tạp chí Ngôn Ngữ & Đời Sống - số 6, 2007.

7) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) "Từ điển Mường Việt" NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

8) Phan Khôi (1954) "Việt ngữ nghiên cứu" NXB Đà Nẵng in lại (1997).

9) Vương Lộc (2002) "Từ điển từ cổ" NXB Đà Nẵng - Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).

10) Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (1974) "Từ điển Tày-Nùng-Việt" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

11) Hoàng Thị Ngọ (1999) "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

12) Nguyễn Tá Nhí (1988) "Tìm hiểu nghĩa của từ Mỗ" Tạp chí Hán Nôm - Số 1 (4) Tr.88-91

13) Nguyễn Phú Phong (2000?) "Đi tìm (cái) tôi" trích từ trang mạng http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyenphuphong/npph065.htm

                                      (2000?) "Personal pronouns in Vietnamese and in Muong" trích từ trang mạng http://sealang.net/sala/archives/pdf8/nguyen2000personal.pdf

14) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

                                     (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

                                    “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

                                    "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

15) Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (2001) "Từ điển từ Việt cổ" NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).

16) Thiên Nam Ngữ Lục (khuyết danh, chữ Nôm) xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII, có thể đọc trên mạng http://sachbaovn.vn/doc-truc-tuyen/sach/Thien-Nam-Ngu-Luc-MTkwRDRC

17) Jean Louis Taberd (1838) - cố Từ "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

18) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" - có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html ...v.v...

                                          (2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

- Nguyễn Cung Thông/Phan Anh Dũng (2016) "Tản mạn về nghĩa của mực tàu (phần 1)" - có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ngon-ngu-hoc/5947-t%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-ngh%C4%A9a-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B1c-t%C3%A0u-%E5%A2%A8%E8%89%9A-qua-t%E1%BB%AB-%C4%91i%E1%BB%83n-vi%E1%BB%87t-b%E1%BB%93-la-ph%E1%BA%A7n-1.html  hay trang  http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyencungthong/ncthong_TanManVeMucTau1_a.htm

19) Nguyễn Hoàng Trung (2015) "Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ (1651) và những ảnh hưởng của nó trong việc miêu tả ngữ pháp tiếng Việt" nguồn từ bài viết đăng trên trang mạng của khoa Văn Học và Ngôn Ngữ, Trường Đại Học KHXH và NV, Thành phố HCM, hay trang http://vci.vnu.edu.vn/an-pham/ngu-phap-tieng-viet-cua-dac-lo-1651-va-nhung-anh-huong-cua-no-trong-viec-mieu-ta-ngu-phap-tieng-viet.html ...v.v...



[1] Nhà nghiên cứu ngôn ngữ độc lập, hiện ở Melbourne (Úc)  email [email protected]

[2] Pháp sư Nghĩa Tịnh từng qua Inđônêsia, Ấn Độ ... nhiều năm để học và dịch kinh Phật. Upādhyāya (thầy dạy/giáo sư) là tiếng Phạn: upa là theo/dưới/với, ādhyāya là học. Chữ này dùng làm tên họ cho một số pháp sư Bà La Môn, Jain ở Nepal và Ấn Độ.

[3] Tiếng Việt thời Phan Khôi đã có dùng "đây và đó" (tôi và anh/chị), trạng từ chỉ nơi chốn đây/đó (khoảng cách không gian) không nhất thiết mang ý khen chê hay coi trọng/rẻ người nghe (khoảng cách xã hội/cảm tính).

[4] Trong Luật Dòng Tên 1556 (Constitution) bằng La Tinh, phần IV, chương vi, đoạn 4 ghi " cần phải có căn bản nghiêm túc về tiếng La Tinh trước các môn học nhân văn khác, sau đó là các môn Thần học (tạm dịch/NCT)"

[5] Một dữ kiện cần phải nhắc ở đây là để hoàn thành VBL, LM de Rhodes đã dựa vào nhiều tài liệu và đóng góp của những vị đi trước như LM Francisco de Pina, Gaspar D'Amaral và Antonio Barbosa (phần giới thiệu của VBL) - không kể đến nhiều người/giáo dân VN đã không được nêu đích danh.

[6] Các danh từ riêng như An nam, Hán, Chúa, Iesu (Giê Su), Adam, Sem, Cam, Noe ... đã bắt đầu viết hoa trong các tác phẩm của Đắc Lộ, tuy không hoàn toàn thống nhất: như cách viết thiên trúc (viết thường), đại minh, ngô, pha lang, đại tây dương, ông khổng tử ...v.v...

[7] Học từ nhỏ trong trường, ngoài ra học Thánh Kinh/Thần Học bằng La Tinh, lại xài thường xuyên các ngôn ngữ họ La Mã, rồi hàng ngày đọc kinh cũng bằng tiếng La Tinh ...v.v…  Các giáo sĩ Dòng Tên cũng từng (được huấn luyện trong nhà Dòng) đi dạy tiếng La Tinh trước khi được gởi truyền đạo ở khắp nơi trên thế giới. La Tinh là ngôn ngữ quốc tế (lingua franca) trước và vào thế kỷ 16 và 17. Các tác phẩm khoa học, triết lý, tôn giáo, pháp luật, ngoại giao quan trọng thời trước thường dùng tiếng La Tinh. Tòa Thánh La Mã và cộng đồng CG nói chung chỉ bắt đầu ngưng dùng La Tinh vào giữa thập niên 1960, tuy nhiên một số địa phương vẫn còn đọc kinh bằng La Tinh.

[8] Các từ chỉ thị (deixis) có những trục quy chiếu như thời gian, không gian, con người ... Trong các ngôn ngữ Á Đông, từ chỉ thị ngôi thứ xã hội (social deixis) phát triển cao độ.

[9] LM de Rhodes gọi các đại từ này là đại từ cơ bản (Primitivorum Prominum, mượn trực tiếp từ ngữ pháp La Tinh), ảnh hưởng đến ngữ pháp Anh/Pháp à Cách dịch sau này là primitive/personal pronoun (A) hay pronom personnel (P), ít thấy dùng cụm từ primitive pronoun.

[10] Trong 35 giáo sĩ dự cuộc họp để bàn về mô thức rửa tội bằng tiếng Đông Kinh thì có 31 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và 2 phiếu chống từ LM de Rhodes và Metellus Saccanus.

[11] spirito santo là Thánh Thần (tiếng Bồ Đào Nha), thuở ban đầu tiếng Việt dùng trực tiếp các từ khó dịch/hiểu như spito santo, limbo (L/Bồ - lâm bô), cu/câu rút (cây thánh giá, crux) ...v.v...

[12] Nô bộc/đầy tớ tiếng Khme cổ là តួ /tuə/, gần giống với âm tui (tôi) tiếng Việt - តួ /tuə/ bây giờ có nghĩa thân (người, xe, nền móng...), mẫu tự ...v.v…

[13] So với thối thúi, tôi tui … (Béhaine/Taberd), có thể đây là một dạng biến âm ở Đàng Trong vào thời VBL (giọng Quảng Nam) mà Nam Bộ vẫn còn bảo lưu. Để ý rằng khi LM Cristoforo Borri đến Đàng Trong từ năm 1621, ông từng ký âm Tui ciam biet (Tôi chẳng biết). Một số phương ngữ Mường vần còn dùng dạng tui: 4 trong 30 phương ngữ tiếng Mường/Nguyễn Văn Tài (1982).

[14] VBL ghi là tôi tá (trang 711), đầy tớ (trang 214, 818). Từ thời Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) bắt đầu ghi thêm dạng tôi tớ (cùng nghĩa với tôi tá).

[15] va có khả năng liên hệ với tiếng Khme វា vie (nguyên âm a khi nhập vào tiếng Khme thường trở thành iê), nghĩa là nó/hắn/cô ấy/chúng nó với hàm ý không tôn trọng. Điều này còn thấy trong cách dùng "dùi va" (đánh nó, VBL trang 853).

[16] VBL (trang 551) cũng ghi nhĩ chỉ mày/mi/anh (số ít và nhiều), tương ứng với nhĩ 伱 爾 ... Quanhĩ là là các dạng khẩu ngữ bình dân như kiểu nói ngọ nị (ngã nhĩ ~ tao mày) trong tiếng Việt hiện đại.

[17] bậu là bạn (socius/L. VBL trang 30), tới thời Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) có nghĩa là mày/anh/em hay đại từ nhân xưng ngôi thứ hai. Cũng như cách nói qua, bậu đã theo đà Nam Tiến để lại nhiều dấu ấn trong văn học Nam Bộ. Tiếng Tày Nùng dùng pậu để chỉ tôi, người ta, họ, bạn. Tiếng Thái ผู้พู่ pôo chỉ người, dùng làm loại từ (classifier) rất phổ thông. Bậu chữ Nôm dùng chữ bạo 暴 (còn đọc là *bo - bổ cố thiết 蒲故切) hay bộ 部 (còn đọc là phầu 否), gần với âm ผู้พู่ pôo tiếng Thái hiên đại. Quốc Âm Thi Tập ghi "Trong mặt những mừng ơn bậu bạn", "Mấy đứa ngư tiều bậu bạn thân", "Ngàn hàng cam quýt con đòi cũ, Mấy đứa ngư tiều: bậu bạn thân" ...v.v...

[18] Trẫm 朕 là đại từ ngôi thứ nhất, từ thời Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN) thì chỉ có vua mới dùng từ này. Trước thời Tần Thủy Hoàng thì dùng Cô 孤 hay Quả Nhân 寡人. Thí dụ: Cửu trùng nay đã gần gang thước, giãi thực niềm đan trẫm được hay (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập); Trẫm cùng Cảnh nghĩa chị em, trẫm cho thay mặt ra xem việc triều (TNNL) ...v.v...

[19] Khác với ý kiến một số học giả trước đây cho rằng chỉ có tiếng Việt mới dùng mình (thân xác) để chỉ cái chủ thể (so với se/soi-même  tiếng Pháp, -self tiếng Anh) như LM Cadière, GS Trần Văn Toàn ... Trong 63 ngôn ngữ có tài liệu về ngữ căn, 47 ngôn ngữ dùng bộ phận thân thể (mình, đầu, tim ...) cho đại từ phản xưng (reflexive pronoun), xem chi tiết trang  http://wals.info/chapter/47

[20] Đại từ nhân xưng La Tinh và các ngôn ngữ Ấn Âu thường là đơn âm và viết hoa, phản ánh một tư duy phân tích (analytical thinking) chú trọng và đề cao cá nhân trong xã hội, do đó phạm trù nghĩa đại từ nhân xưng trong ngôn ngữ Ấn Âu rất hạn hẹp so với ngôn ngữ Á Đông. Có thể coi tập hợp đại từ nhân xưng họ ngôn ngữ Ấn Âu như một cấu trúc "đóng", rất ít khi dùng đến các danh từ chỉ quan hệ trong họ hàng hay ngoài xã hội.

[21] Cũng như mỗ (tôi), qua (tôi, ta) thường xuất hiện trong ca dao tục ngữ và tác phẩm Đàng Trong như Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên), Hồ Biểu Chánh ...

[22] Người viết vẫn còn nhớ các từ toi, moilui (toa, moa và lũy – tôi, anh và nó/P) trong khẩu ngữ vào những thập niên 1950/1960, khi ảnh hưởng văn hóa Pháp vẫn còn lớn mạnh ở miền Nam VN, so với cách dùng youme/I (anh/chị/mày và tôi/tao/A) vào những năm gần đây (2017).



pdf-icon


Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ...Tiếng Việt thời LM de Rhodes (phần 2) Nguyễn Cung Thông








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/08/2013(Xem: 10153)
Sau khì thành Đạo dưới cội Bổ Đề, Đức Phật vân du khắp nơi để diễn bày chân lý nhiệm mầu đến khắp nơi : "Cửa vô sinh bất diệt, đã mở cho tất cả chúng sanh. Hãy để cho ai có tai muốn nghe được hưởng trọn niềm tin tưởng"
22/08/2013(Xem: 8686)
Với Tuệ giác và lòng Từ bi của Đức Phật, thấy chúng sanh ở cõi Ta bà, đang đắm nhiễm trong khổ đau, nên Ngài đã thị hiện xuống trần, vào cung vua, nhưng rồi biết rõ rằng do THAM ÁI với NGŨ DỤC mà con người mãi trầm luân, đau khổ.
22/08/2013(Xem: 11636)
Chúng ta muốn tu hành được tinh tấn và thành tựu thì phải tránh những chuyện thị phi, vì thị phi mất rất nhiều thời gian một cách vô ích, mà lại gây tạo rất nhiều nghiệp khẩu, oan trái.
16/08/2013(Xem: 7617)
Từ năm 1955-1975, những ai học tại trường Trung Học Bồ Đề Nha Trang nói riêng ít nhiều gì cũng được ngắm nét chữ tài hoa, bay bướm; bài giảng ngắn gọn, hàm súc và cốt cách phong lưu, nho nhã của thầy Võ Hồng. Chúng tôi thường kháo nhau: “Kim Trọng hào hoa đến thế là cùng.”
16/08/2013(Xem: 14302)
Mao_HiepChuongNói đến pháp phục của Phật giáo, chúng ta thường đề cập đến pháp phục của người xuất gia, bao gồm pháp phục nghi lễ và pháp phục thường nhật. Pháp phục Phật giáo được xem là hình thức thể hiện thân giáo, đó là pháp tướng bên ngoài của người xuất gia nên các chế tài trong luật nghi quy định rất rõ về các hình thức của pháp phục.
16/08/2013(Xem: 7958)
Trong số tất cả những cảm xúc tiêu cực tai hại của chúng ta, sân hận rõ ràng là cái càm xúc nguy hiểm nhất vì nó không chỉ gây hại cho người khác mà có lẽ nó gây hại cho chính chúng ta nhiều nhất.
14/08/2013(Xem: 10353)
Hơn nửa thế kỷ qua nếp sống đạo hạnh sáng ngời của Ôn đã gắn liền với sinh mệnh của Tăng Ni và tín đồ Phật tử, đặc biệt là Tăng chúng ở các Phật học viện Báo Quốc Huế, Hải Đức Nha Trang và Quảng Hương Già Lam Sài Gòn. Ôn đã yêu thương dưỡng dục chúng Tăng như cha mẹ thương yêu lo lắng cho con. Những ai may mắn được gần gũi Ôn, dù nhìn ở góc độ nào cũng nhận ra điều đó.
14/08/2013(Xem: 7343)
Bao năm bon chen, lăn lộn, nếm đủ mùi sóng gió của cuộc đời hầu chu toàn cái trách vụ công dân, làm con, làm chồng, làm cha… nhỏ thì cặm cụi học hành thi cử, lớn lên lo công ăn việc làm, công danh sự nghiệp; lập gia đình rồi thì lo con cái ăn học, dựng vợ gả chồng; hết con lại đến cháu nội, cháu ngoại,
13/08/2013(Xem: 16287)
Hôm nay chúng tôi được quý ôn, quý thầy trên cho phép và tạo điều kiện cho chúng tôi gặp gỡ đại chúng và quý Phật tử có nhân duyên. Trong hai năm qua, từ các buổi học về Câu xá, học Luật, các thầy, các chú đã có nghe tiếng nói của tôi rồi, nhưng nay mình mới có dịp để nói chuyện với nhau.
13/08/2013(Xem: 8783)
Tôi lớn lên bên cạnh người mẹ Nhật. Bà là một Phật tử. Cha tôi là người Anh gốc Nga, theo đạo Do Thái. Tôi đã tìm hiểu về nhiều tôn giáo, phong tục và văn hóa với tư cách cá nhân, trong vai trò của người làm mẹ, làm báo và người đi tìm chân lý. Hiện giờ tôi thực sự hạnh phúc hơn vì tôi đã biết chấp nhận bản thân, và người khác như họ là, và nhận thức mỗi ngày là một ngày mới, ngày đặc biệt, và tôi mãi mãi hàm ân về điều đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]