Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tâm Sự với những giới tử trẻ

05/04/201720:02(Xem: 6903)
Tâm Sự với những giới tử trẻ


Gioi Dan Tam Hoan (3)

TÂM SỰ VỚI NHỮNG GIỚI TỬ TRẺ

Thân gửi các Sư Em!

Hôm nay là ngày Húy Kỵ thường niên cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tâm Hoàn, một bậc Long Tượng Phật Pháp mà các thế hệ tu sỹ Phật Giáo tại Bình Định thường tán dương nhắc nhở. Ngày 06 tháng 03 năm nay ( Đinh Dậu) còn đặc biệt hơn các năm khác là Đại Giới Đàn Phật Giáo Tỉnh Bình Định được khai mở với Hồng Danh của Ngài – Tâm Hoàn. Sư Anh biết là các Sư Em (xin được mượn cách gọi của Làng Mai như thế để chỉ cho tình Huynh Đệ, thứ lớp trước sau trong Tăng Đoàn) đang ưu tư nhất, hy vọng nhất, trang nghiêm thành kính nhất để chuẩn bị đăng đàn thọ giới, tâm trạng mà Sư Anh đã trải qua cách đây hơn 22 năm về trước. Với kinh nghiệm là người đi trước, giờ này Sư Anh tâm tình với các Sư Em về những gì các Sư Em cần tâm niệm, cần hướng đến, cần làm để xứng đáng đánh dấu một bước ngoặc mới trong hành trình tu học của mình.

Giới Luật là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với người tu học. Đức Phật dạy : “Giới Luật là thọ mạng của Phật Pháp – Giới Luật còn là Phật Pháp còn”. Trước khi nhập Niết Bàn, khi Ngài A Nan hỏi : sau khi Như Lai Thế Tôn nhập diệt, Tăng chúng nương tựa vào đâu, Đức Phật trả lời :“Này Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Đạo sư không còn nữa. Chúng ta không có Đạo sư (giáo chủ)”. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các Ngươi” (“Kinh Trường Bộ” tập 1). Con đường giải thoát của Phật Giáo là con đường Bát Chánh Đạo, tựu trung là Giới – Định – Tuệ, nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ. Kể từ khi mới vào chùa, người tu sỹ đã được huấn luyện nếp sống chánh niệm tỉnh giác với Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, để ý thức, sống trong hiện tại và làm chủ trọn vẹn mọi oai nghi, sinh hoạt hàng ngày của mình. Đó là Thân Hành Niệm là “thân đâu tâm đó”, nội tâm định tĩnh chiếu soi, từng bước chế ngự, điều phục các giác quan của mình, biểu hiện bên ngoài phong thái vững chái, thảnh thơi, ung dung, giải thoát, đầy thiền vị. Phong thái an nhiên tự tại đó là bài Pháp không lời, có sức cảm hóa lớn lao. Với dáng đi siêu phàm, khác thường của mình, Đức Phật đã cảm hóa năm anh em Kiều Trần Như đứng dậy đón tiếp Ngài và chờ nghe Giáo Pháp, cũng vậy Ngài Mã Thắng tức A Xã Bệ Thệ chinh phục Ngài Xá Lợi Phất bằng dáng đi khoan thai, thoát tục của mình, nhờ ấn tượng đó mà Ngài Xá Lợi Phất đến với Phật Pháp.

Tại sao người tu phải giữ nhiều Giới Luật? Thực ra trong 12 năm đầu tiên, Đức Phật chỉ dạy Giáo Pháp tu hành mà không đặt ra Giới Luật cho đến năm thứ 13 nhân phạm mà chế giới để ổn định hòa hợp Tăng Đoàn, để thuận tiện cho việc tu học, để quần chúng kính ngưỡng. Giới Luật không phải là sự ràng buộc mà là bảo hộ hành giả trong quá trình tu tập, giúp không đọa lạc vào ác đạo chịu nghiệp báo xấu xa. Thọ nhiều Giới Luật hơn không phải là mất tự do hơn mà là né tránh được nhiều nguy hiểm hơn, phẩm hạnh được bảo toàn hơn, tự do là ung dung trong điều Luật.

Giữ được trọn vẹn Giới nhiều thể hiện sự chinh phục điều ngự của hành giả ấy được nhiều hơn, đối trị được những buông lung, phóng túng, dính mắc thế gian, đạo hạnh cao hơn. Người thế gian sẵn sàng lễ lạy người xuất gia không phải vì chúng ta học nhiều, có bằng cấp cao hơn họ mà là vì họ tin tưởng hàng xuất gia đạo hạnh cao hơn họ, bỏ được điều khó bỏ, giữ được điều khó giữ, làm được điều khó làm. Chúng ta cũng đừng vì sự lễ lạy, tôn kính, cúng dường của Phật tử tại gia mà thỏa mãn, tự cao tự đại, dễ duôi, thụ hưởng. Cho dù chúng ta có trách nhiệm trụ trì Chùa to, Phật lớn, với nhiều phương tiện khác, tất cả cũng chỉ là của đàn na tín thí cúng dường còn chúng ta chỉ là “người hành khất”. Cuộc đời này có cho và có nhận. Hạnh phúc là ban cho chứ không phải tích lũy về cho mình. Mỗi ngày chúng ta thọ nhận ăn, mặc, ở, thuốc men từ tín thí vậy chúng ta vậy chúng ta đã và đang làm gì cho đạo, cho đời, để xứng đáng với sự thọ nhận này, nếu không thì chúng ta mang nợ vì “của tín thí khó tiêu”. Chúng ta vừa lo trau dồi tu học cho mình vừa làm gương sáng cho hàng hậu học và phật tử trưởng dưỡng niềm tin chứ không phải khiến cho phật tử thất vọng và thối thất niềm tin mỗi khi tiếp xúc với mình. Phật Giáo hưng thịnh không phải xét về số lượng tu sỹ, chùa chiền, không phải căn cứ nơi hiện diện chùa to, Phật lớn,.. hình thức bên ngoài mà chủ yếu là nội lực bên trong tu học của Tăng Ni và Phật tử thế nào. “Sư tử trùng thực sư tử nhục” (Chính vi trùng trong lông sư tử ăn hại sư tử), cho dù các thế lực Ma quân bên ngoài có đánh phá Phật Giáo cũng không khiến Phật Giáo suy tàn được, nhưng nếu các thành phần Phật Giáo chỉ hình thức suông, bị cuốn lôi theo dục vọng thế gian, không ý thức tầm quan trọng trau dồi Giới – Định – Tuệ thì đó là Mạt Pháp, như Nhơn Vương Kinh Sớ nói: Có giáo lý, không hành trì, không quả chứng gọi là Mạt Pháp.

Cha mẹ sinh chúng ta vào đời, ngày hôm nay còn quan trọng hơn ngày sinh trong vòng thế gian, ngày các Sư Em nhập vào hàng Tăng Bảo, được giới thân huệ mạng. Người xuất gia không lấy tuổi thế gian để phân định lớn nhỏ mà lấy ngày thọ giới và tuổi hạ an cư để quy định cao thấp. Việc được phép làm trụ trì, nhận đệ tử xuất gia, … đòi hỏi một số lượng tuổi Hạ khả dĩ đảm bảo uy tín (được 10 hạ mới nhận đệ tử xuất gia), kinh nghiệm và đạo lực để đảm đương những Phật sự quan trọng đó.

Các Sư Em cũng từng bước : “Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai”. Ba Y Một Bát là gia phong của ba đời mười phương chư Phật với hạnh Khất Sỹ (khất thực) bố Ma ( làm chúng Ma khiếp sợ), phá ác ( dứt trừ điều ác). Ôi tuyệt vời làm sao hình ảnh của chư Phật, chư Tổ Sư đi khất thực, ngủ dưới gốc cây, tùy duyên hóa độ xuyên qua nhiều làng mạc, phố thị, rừng núi, sông biển, xuyên qua các quốc gia lục địa mang ánh sáng Phật Pháp đến tận hang cùng ngõ hẻm cuộc sống, chuyển Pháp âm đến những người có tai và muốn nghe. Hình ảnh đó đơn sơ, giản dị, không chấp trước, buộc ràng, ít muốn, biết đủ, làm ruộng Phước cho chúng sanh. Với các món vật dụng đơn giản mang đi thọ giới : ba Y, một Bát, tích trượng, tọa cụ, đãy lược nước, các Sư Em xác định cho mình lối sống thanh cao, thoát tục, chuẩn bị hành trang, kế tục sự nghiệp Chư Phật Tổ, truyền đăng tục diệm, kế vãng khai lai, thuyết Pháp độ sanh:"Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người" (Tương Ưng I, 128)

Ngày nay có một khái niệm rất thông dụng đó là “tùy duyên bất biến”. Trước khi nhập Niết bàn, đức Phật có nhắn nhủ : “Này Ànanda! Sau khi Như Lai diệt độ rồi, nếu Chư Tăng có sự mong cầu là nên bỏ bớt một số giới điều nhỏ nhặt không cần thiết - thì nên vì ước nguyện của Chư Tăng mà bỏ bớt đi". và trong Giới Luật có các phương diện Khai, Giá, Trì, Phạm. Thời gian, không gian, phong tục tập quán, nếp sống và sinh hoạt ngày nay ở nhiều vùng miền khác với sinh hoạt Tăng Đoàn thời Đức Phật cho nên Tăng chúng có thể uyển chuyển bỏ đi những điều luật nhỏ. Tuy nhiên, không vì mượn lý do đó mà các hành giả tự “xé rào”, tự cho phép mình giữ giới ít hơn theo hạng bực mình đã thọ lãnh. Hãy cảnh giác vọng tâm, tâm Ma dấy lên với nhiều lý do tự biện bạch cho mình để phạm Giới Luật, phóng túng theo ác nghiệp và dục lạc thế gian. “Tùy duyên bất biến” chớ không phải là “biến chất”. Chúng ta đang đi “nghịch lưu” (ngược với dòng đời) để trừ tập khí và nghiệp chướng sâu nặng lâu đời và được giải thoát, chớ không phải là tìm mọi kẽ hở để chạy theo thất tình lục dục để rồi phải tiếp tục đọa lạc trầm luân. Gương sáng trong Luật Tạng với lời dạy : “ninh thọ tử bất ninh phạm giới” (thà chết chớ không phạm giới) rất đáng để chúng ta suy gẫm.

Đặc biệt, xin gửi lời tán thán đến các Sư Em phát tâm thọ trì Bồ Tát Giới. Các loại Giới trước là “chỉ trì” (dừng lại mới giữ được : không được, không được), còn Bồ Tát Giới có nhiều giới thuộc loại “tác trì” (có làm, có hoạt động thì mới giữ được, ví dụ bố thí, cúng dường, thuyết pháp,…). Vậy nên, hành giả Bồ Tát Giới là hành giả với đại nguyện, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, hãy năng động, tích cực dấn thân phụng sự cho Đạo Pháp và chúng sanh trong muôn nẻo cuộc sống như 32 ứng hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm. Tứ Vô Lượng Tâm và Lục Độ Ba La Mật là tư lương cần thiết trên hành trình hướng đến quả vị Vô Thượng Bồ Đề như lời Đức Phật dạy : Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp” (Kinh Hoa Nghiêm)

Là hàng xuất gia, chúng ta phải ngày đêm miệt mài tinh tấn hành trì pháp môn, trau dồi pháp học, phát triển Tuệ Trí và hành thiện pháp chứ không phải là cuộc sống tạm ổn rồi tụ họp vui chơi qua ngày trong tư thế : chẳng có gì phải lo, không có gì để mất. Mạng sống vô thường trong từng hơi thở, bao nhiêu hạnh duyên quý giá mà chúng ta đang có để trở thành một thành viên của Tăng già, cơ hội này là để hoàn thiện mình, vượt thoát sanh tử, hoằng Pháp lợi sanh. Có biết bao nhiêu việc ý nghĩa đang chờ đón các Sư Em : nghiên cứu Kinh sách biết bao giờ cho thấu triệt, hành trì pháp môn đến bao lâu mới thâm nhập và trừ bỏ tập khí xấu xa phiền não, biết bao chúng sanh mê mờ, đau khổ đang chờ chúng ta cảm hóa, dắt dìu. Thế giới còn đang ngập chìm chiến tranh, hoạn nạn, bệnh hoạn, khủng bố, tranh đua, loạn lạc,…đang cần nhiều và nhiều hơn nữa những hành giả đi khắp nơi để gieo trồng giống Thiện, trừ bỏ điều ác tệ. Khi ánh sáng chiếu soi thì mê mờ tan biến. Chúng ta hãy tinh tấn tu sửa chính mình và góp phần làm cho thế giới này Chân Thiện Mỹ hơn.

Chúng ta cách xa thời Đức Phật hơn 25 thế kỷ nhưng hình ảnh những bậc xuất trần Thượng Sỹ, chân tu giải thoát vẫn hiển hiện khắp nơi. Nhìn những gương mặt cương nghị, trang nghiêm, ánh mắt đầy tập trung, định lực, hoan hỷ và tinh tấn tham gia mọi thời khóa và bước vào khảo hạch của “Đại Giới Đàn Tâm Hoàn” Sư Anh rất tùy hỷ công đức, tán trợ và có niềm tin vô biên vào sự trùng hưng của Phật Pháp. Thật là quý hóa, giữa cõi đời ngũ trược, vẫn có những mầm xanh đang tha thiết, hùng tâm, dồn hết mọi năng lực của mình, không tiếc đầu xanh, tuổi trẻ hưởng thụ thế gian, theo hạnh xuất ly, theo dấu Như Lai, hướng đến thanh cao giải thoát. Đường còn dài, sau này chắc chắn các Sư Em gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng với chí nguyện kiên cường và tôn kính hành trì Giới Luật, hãy giữ tâm trung trinh son sắt với Đạo như ngày hôm nay, các Sư Em sẽ vượt qua tất cả như Bồ Tát Tất Đạt Đa chiến thấng mọi ma quân để lên ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Trong giờ phút thiêng liêng đăng đàn thọ giới này và suốt hành trình Đạo nghiệp, các Sư Em hãy tâm niệm lời Phật dạy trong Kinh Di Giáo :

“Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy…

Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót. Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh. Do đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức.”

Cầu hồng ân Tam Bảo gia bị cho các Sư Em thân tâm an lạc, chư duyên thù thắng, phước trí trang nghiêm, chúng sanh dị dộ. Chúc mỗi Sư Em trở thành một Sứ Giả Như Lai đích thực, tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự phá mê, khai ngộ, hóa độ chúng sanh, làm tốt Đạo, đẹp Đời, thành tựu tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

                                                                    

  Đại Giới Đàn Tâm Hoàn, 06/03 Đinh Dậu

        Thích Đồng Trí


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/06/2019(Xem: 9402)
Vào thập niên 20 của thế kỷ XX, khi vùng đất Đà Lạt- Lâm Đồng quanh năm sương mù giá rét còn được mang tên Đồng Nai Thượng (Province du Haut-Donnaï), bốn bế hoang vu với rừng núi ma thiêng nước độc, với thú dữ đầy hung hiểm, có một tăng nhân tuổi trạc trên hai mươi lăm đã đơn thân lặng lẽ rảo những bước chân chánh niệm tinh tấn khắp lối thấp nẻo cao, khắp vùng sâu chốn vắng, và sau cùng dừng lại giữa một ngọn đồi đầy lau sậy gai cỏ.
15/06/2019(Xem: 6007)
Tôi luôn luôn nói trong cung cách bình thường như bổ sung cho tiếng Anh không lưu loát của tôi. Tôi không thích nghi thức. Tôi nghĩ rằng chúng ta cùng là những con người từ thân thể, tinh thần đến cảm xúc. Tầm quan trọng của một người là tính sáng tạo của tâm thức. Khi chúng ta đối xử với nhau như những người anh chị em, thì nó sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc.
13/06/2019(Xem: 6008)
Cái đề của bài viết “Giọt Nước Mắt Sa Di”, thoạt nghe, cứ tưởng như tiếng vọng ai hoài của một cuốn phim truyện đầy tình cảm éo le như Dạ Cổ Hoài Lang hay Hồi Chuông Thiên Mụ… vào một thuở xa xưa!
13/06/2019(Xem: 7925)
Chúng tôi đã dành mấy tháng nay để đến với miền quê các tỉnh thành Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh và huyện Đông Anh, Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi đến những cánh đồng để quan sát. Mà kết quả là rác nhiều vô cùng. Rác ở đây là túi ni lông, vỏ gói thuốc và vỏ chai lọ đựng thuốc trừ sâu. Tại rất nhiều nơi, hai bên đường và cả dưới kênh, mương, bờ ruộng à vô vàn bịch ni nông đựng rác (không rõ bên trong là loại rác nào). Chúng tôi thật sự bất ngờ về túi ni lông bay khắp nơi, bên bờ ruộng, bên đường làng. Nhiều kênh, mương, sông nhỏ ở một số vùng quê này cũng đã bị ô nhiễm, không thể tắm được như hồi chúng tôi còn nhỏ. Giật mình đau xót.
28/05/2019(Xem: 6221)
Vườn Yêu Thương thực hành hạnh yêu thương với chương trình “ĐIỀU ƯỚC CHO EM” tại Viện Huyết học truyền máu trung ương, Chúng tôi là những thành viên của Vườn Yêu Thương nên luôn thực hành hạnh yêu thương ở mọi lúc mọi nơi, ở bất cứ nơi nào có thể. Chúng tôi là những người con Phật nên luôn thực hành lời Phật dạy. Và chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc
27/05/2019(Xem: 9086)
Một hành giả tiến tới Quả Phật như thế nào qua việc trau đồi thiền quán những con đường của động cơ và tuệ trí? Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật trình bày những trình độ của con đường trong một tuyên bố ngắn gọn và thậm thâm, “Tadyata gate gate paragate parasamgate bodhi svaha,” có nghĩa là, “Thật sự là như vậy, tiến tới, tiến tới, tiến vượt tới, tiến vượt tới triệt để, thành tựu Giác Ngộ.”
27/05/2019(Xem: 6547)
Trong Phật giáo có hai loại thực tập căn bản Hiển Giáo và Mật Giáo. Cho đến giờ, chúng ta đang thảo luận về sự thực hành Hiền Giáo. Mục tiêu đặc biệt của Mật Giáo là để cung ứng một con đường nhanh hơn vì thế những hành giả đủ điều kiện có thể phục vụ người khác một cách nhanh chóng hơn. Trong Mật Giáo năng lực của quán tưởng được khai thác để hành thiền trong một sự thực hành gọi là bổn tôn du già. Trong sự thực hành này ta tưởng tượng:
27/05/2019(Xem: 6324)
Vào mỗi lần đại gia đình nhà tôi khi có dịp gặp mặt đầy đủ vào những ngày giỗ lễ lớn quan trọng và phù hợp với School holiday, tôi thường lắng tai nghe các con tôi trao đổi kinh nghiệm sống khi tiếp xúc và xã giao với các bạn bè hay trong công việc của chúng ( hai đứa con tôi mỗi gia đình ngụ tại hai thành phố khác nhau của Australia- Sydney / Melbourne) .
25/05/2019(Xem: 7609)
SỐNG TRỌN VẸN NHƯ THẾ NÀO Nguyên bản: How to practice the way to a meaningful life Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
20/05/2019(Xem: 7774)
Đến tận giây phút này, giờ phút ngồi trước máy tính gõ bàn phím, khi tóc đã bạc sương vào tuổi sáu mươi của đời người ngắn ngủi, tôi vẫn còn nhớ như in buổi học môn Văn của lớp 9/5. Thầy, tôi nhớ không lầm là thầy dạy thế, tạm thời đứng lớp thay cho thầy Xuân mới chuyển công tác, nên cái duyên kết dính với lớp của tôi rất mỏng manh. Buổi học đó thầy giảng đến bài “Các thể loại Thơ”, cứ mỗi thể thơ nhắc đến đều được thầy đưa ví dụ một bài thơ tiêu biểu, và đến thể thơ “Ngũ ngôn” thì thầy đọc ngâm: “Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu, giấy đỏ Bên phố đông người qua…”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]