Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đạo phật trong thế giới ngày nay

18/03/201708:09(Xem: 7808)
Đạo phật trong thế giới ngày nay
ĐẠO PHẬT 
TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
Nguyễn Thế Đăng

Từ hơn 25 thế kỷ nay, Phật giáo không chỉ dừng lại là một nền tảng của văn hóa văn minh nhân loại mà còn phát triển song hành cùng lịch sử để phổ cập khắp thế giới. Ngày nay, Phật giáo phát triển khắp các nước Âu Mỹ, sách Phật giáo chiếm số lượng lớn, là một phần không thể thiếu của văn hóa toàn cầu. Đạo Phật đã và đang là một động lực lớn thúc đẩy và hướng dẫn sự tiến hóa của nhân loại.

Năm 1949, trong cuốn Nguồn gốc và Mục đích của Lịch sử, Karl Jaspers (1883-1969), triết gia hiện sinh Thiên Chúa giáo, một trong vài triết gia quan trọng nhất của thế kỷ XX, đã nêu lên khái niệm thời trục và sau đó được công nhận như là một cột mốc khách quan của lịch sử nhân loại. Thời trục (axial age) là thời gian khoảng thế kỷ thứ VIII đến thứ III trước tây lịch. 
 
Trong thời gian này, ở Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa và Hy Lạp, La Mã đồng thời xuất hiện những triết gia mở đầu cho văn hóa và văn minh nhân loại. Ấn Độ có Đức Phật và bộ kinh Upanisad, Trung Hoa có Khổng Tử và Lão Tử, ở Iran có Zarathustra, ở Palestine là những vị lập ra Do Thái giáo, Hy Lạp thì có Socrates, Parmenides, Heraclitus, Platon…Thời trục là bình minh của văn hóa văn minh nhân loại. Nói như Jaspers, “…trong thời trục, những nền tảng đó đồng thời nhưng độc lập được thiết lập ở Ấn Độ, Trung Hoa, Ba Tư, Judea và Hy Lạp. Trên chính những nền tảng này mà nhân loại tồn tại và phát triển cho đến ngày nay”.

Như bất kỳ một công trình vật chất hay tinh thần nào được sáng tạo trên trái đất, nếu không đáp ứng được nhu cầu của con người hiện thời thì sẽ dần dần mai một. Phật giáo càng ngày càng có sức sống mạnh mẽ khắp thế giới, vậy Phật giáo đáp ứng cho nhu cầu nào của con người hiện đại?

Thoát khỏi cái chết, sự vô thường

Đây là nhu cầu, sự ước ao căn bản của con người. Chưa bao giờ con người được đáp ứng hầu hết các nhu cầu vật chất như ngày nay, nhờ khoa học kỹ thuật. Nhưng vẫn luôn luôn có đó nỗi bất an, sự buồn phiền, mau chán, sự mong manh và hữu hạn của thân phận con người. Mỗi chúng ta đều có thể biết bản đồ gien của mình, có thể biết những hạt và sóng tạo thành thân thể mình là hạt nào, sóng nào, nhưng gien nào hạt nào sóng nào cũng vô thường, không ai có thể thỏa mãn với những sự trả lời “khách quan” như vậy. 
 
Tôi là cái gì, tôi từ đâu sanh ra và chết tôi đi về đâu, đây vẫn là câu hỏi treo trên đầu mỗi người.

Trong khi đó, Đức Phật là người đã chiến thắng số phận sanh già bệnh chết của thân phận con người, khám phá con đường đưa đến “cánh cửa bất tử” . Thế nên Đức Phật được xưng là bậc Chiến Thắng  (Jina).

“Rồi này các Tỳ-kheo, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, già, bệnh, chết, ta tìm cầu cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, cái vô thượng an ổn các khổ ách tức Niết-bàn, và đã chứng được cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, cái vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, tức Niết-bàn.

Những cửa mở đến Bất Tử đang rộng mở
Cho những ai muốn nghe”. 
(Kinh Thánh Cầu, Trung bộ).

Những cánh cửa mở vào cái không sanh, không già, không bệnh, không chết đã được mở ra, đang mở ra, và mãi mãi còn mở ra. Đó là lý do sự hấp dẫn của đạo Phật trong một thời đại mà mọi thứ đã được bão hòa như ngày nay.

Có trong hiện tại

Nhưng chúng ta không phải đi ngược về quá khứ mấy ngàn năm hay chờ đợi ở tương lai bao lâu nữa. “Pháp được Thế Tôn khai thị là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, trực tiếp hướng thượng, mỗi người trí tự mình chứng nghiệm”.

Đạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa tin và chờ đợi một cách thụ động mà là trực tiếp chứng nghiệm cái đang có trong hiện tại. “Thiết thực hiện tại” nghĩa là luôn luôn có trong bất kỳ không gian thời gian nào. Nó hiện diện bình đẳng khắp không gian và thời gian.

“Mỗi người” nghĩa là ai cũng có thể. Mọi người đều bình đẳng trước “cánh cửa bất tử” ấy, không có điều kiện gì khác ngoài việc phải “tự mình chứng nghiệm”. Sự việc có trong hiện tại và mỗi người tự mình chứng nghiệm là sự bình đẳng rốt ráo của đạo Phật.

Có nhiều phương tiện, nhiều con đường

Trong cuốn kinh nào cũng nói đến nhiều phương tiện để thực hành. Những phương tiện ấy không bị giới hạn trong hoàn cảnh sống nào. Những phương tiện để thực hành ấy dựa vào những cơ sở mà mọi người đều có như hơi thở, cảm thọ, thân thể, tâm thức, sắc thọ tưởng hành thức, đất nước lửa gió…

Những pháp môn của đạo Phật khởi từ những yếu tố hàng ngày mà ai cũng có chứ không bắt nguồn từ một yếu tố siêu nhiên. Chính vì những phương pháp thực hành đặt cơ sở trên những yếu tố cụ thể của cuộc sống mà đạo Phật là hiện thực cụ thể: “thiết thực hiện tại, đến để mà thấy”. Hơn nữa, mỗi một phương tiện, pháp môn đều huy động toàn bộ thân khẩu ý, lý trí và tình cảm, nói theo ngôn ngữ ngày nay là chỉ số thông minh và chỉ số cảm xúc.

Tóm lại, vì lấy nguyên liệu là tất cả những gì của trần gian này nên những phương pháp, con đường của đạo Phật đáp ứng cho mọi loại khuynh hướng, mọi loại cấu trúc thân tâm, bởi thế, đạo Phật trở nên phổ quát cho toàn nhân loại. Đó là con đường rộng lớn đến bao la, chứa đựng tất cả những con đường nhỏ khác thích hợp với từng loại người. Như kinh xưng tán Đức Phật là Đại Y vương, vua thầy thuốc, có thể chữa tất cả mọi loại bệnh của con người.

Tương tục kế thừa

Sau khi có một số đệ tử đã đạt đạo quả A-la-hán, Đức Phật nói các đệ tử hãy truyền bá chánh pháp khắp nơi:

“Này các Tỳ-kheo! Hãy ra đi khắp nơi, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc cho đại chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, lợi ích, an lạc cho loài người loài trời. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỳ-kheo, hãy hoằng dương chánh pháp, toàn hảo ở giai đoạn đầu, toàn hảo ở giai đoạn giữa, toàn hảo ở giai đoạn cuối cùng; toàn hảo trong cả hai, ý nghĩa và văn tự . Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng, vừa toàn thiện, vừa trong sạch…

Hãy đưa cao ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang đến sự tốt đẹp cho người khác. Được như vậy, là các con đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngay khi còn tại thế, Đức Phật đã cho các đệ tử truyền bá giáo pháp khắp nơi. Khi sắp nhập diệt, Đức Phật không nói ai là người duy nhất có trách nhiệm với việc hoằng pháp, như một “giáo chủ”; mà “Pháp và Luật, sau khi ta diệt độ, sẽ là đạo sư của các ông”.

Chính vì không có một giáo chủ mà đạo Phật đã mọc lên ở từng nước, riêng biệt nhưng thống nhất trong Pháp và Luật. Như vậy, đạo Phật dù về sau được chia thành những tông phái, nhưng tất cả đều y vào Pháp và Luật, Pháp ấy có thể là từ kinh, tức là những lời dạy của Đức Phật.

Trong các kinh Đại thừa, Đức Phật dạy các Bồ tát tiếp tục ở trong sanh tử giáo hóa cho chúng sanh. Như Kinh Viên Giác nói, “Thiện nam tử! Bồ tát chỉ sống bằng đại bi, từ đó khởi phương tiện vào các thế gian khai phát cho những người chưa ngộ, cho đến thị hiện đủ thứ hình tướng, cảnh giới khi thuận khi nghịch cùng họ đồng sự mà giáo hóa cho. Tất cả đều y vào nguyện lực thanh tịnh từ vô thủy.”

Sự truyền thọ giữa các đệ tử về sau, trong cả bốn chúng, không đứt đoạn, đã tạo thành những dòng truyền thừa tiếp nối chuyển giao Pháp của Phật. Những dòng truyền thừa này chính là sức mạnh của đạo Phật để trụ vững và phát triển với thời gian. Sức sống để tồn tại và phát triển của đạo Phật chính là dòng truyền thọ từ đời này sang đời khác Phật Pháp bất biến mà Đức Phật đã giác ngộ.

Qua thế kỷ 21 này, sự tiến bộ về vật chất hình như đã quá đủ cho con người, nhưng sự thiếu hụt về tâm linh lại lớn lao hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh đó chúng ta có thể hình dung sự phát triển của đạo Phật sẽ như thế nào.

(Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 249)
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/07/2019(Xem: 12890)
Trong tiết trời giá lạnh của mùa đông xứ Úc, mùa Vu Lan lại trở về với những người con Phật trên khắp Năm Châu. Mùa Hiếu Hạnh nhắc nhở cho con cháu tưởng nhớ đến công ơn giáo dưỡng của ÔNG-BÀ-CHA-MẸ nên Lễ VU LAN cũng là Mùa BÁO ÂN ĐÁP NGHĨA, giáo dục đạo đức nhân sinh, xây dựng nếp sống THANH LƯƠNG tiến đến CHÂN-THIỆN-MỸ, góp phần tạo sự an lành trong gia đình và xã hội.
24/07/2019(Xem: 8762)
Nếu tâm hồn biết thầm lặng kết “bạn đường” với thánh hiền tôn giáo, với các nhà hiền triết tâm linh, thì NĂNG LƯỢNG MẦU NHIỆM sẽ hiện hữu, và tâm hồn sẽ được giảm bớt rất nhiều nghiệp chướng khổ đau-xấu ác-mê lầm.
20/07/2019(Xem: 5293)
Anh chị em thân mến, thật sự, tôi rất, rất vui mừng và rất vinh dự để nói chuyện với quý vị. Tôi không nói gì đặc biệt, chỉ là những kinh nghiệm thông thường. Tôi đến đây là lần thứ bảy. Và mỗi lần như vậy, những người ở đây biểu lộ với tôi những cảm nhận nhân bản và thân hữu chân thành. Vì thế, cũng tự nhiên thôi, đó là lý do tại sao tôi cảm thấy hạnh phúc bất cứ khi nào tôi nhận được lời mời. Cho nên tôi rất, rất là vui mừng.
19/07/2019(Xem: 7778)
Phần này bàn về các từ chỉ màu xanh như xanh, thanh và biếc vào thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Ít người biết xanh cũng gắn liền với nền thi ca Việt Nam qua truyện Kiều: hai nhân vật chính là Thúy Kiều và Thúy Vân.
19/07/2019(Xem: 7136)
Pháp là quốc gia theo thế tục và đa tôn giáo. Ở Pháp có nhiều Phật tử sống hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khối Liên Âu. Các ngôi chùa do các tín đồ tự tài trợ. Chuyến đi thăm chư tăng ni của chùa Khánh Anh ở Evry, Paris.
13/07/2019(Xem: 7116)
Karuna là tiếng Pa-li và tiếng Phạn, kinh sách Hán ngữ gọi là "Từ bi" (慈悲). Qua hình ảnh của người Bồ-tát, Karuna hay Từ bi được xem là lý tưởng của toàn bộ Đại thừa, ngang hàng với Trí tuệ. Bồ-tát Quán Thế Âm là vị Bồ-tát tiêu biểu nhất cho lý tưởng đó. Thế nhưng cũng nên hiểu rằng Karuna không phải chỉ là vốn liếng riêng của Đại thừa mà còn là cốt lõi trong việc tu tập của Phật giáo Theravada.
11/07/2019(Xem: 6735)
Chúng tôi được Thầy mở cho xem Video clip do Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ tri sự chùa Phật Đà ở San Diego cũng là Chủ Biên của trang nhà hoavouu.com ở Hoa Kỳ thực hiện ngày 21.01.2019 với tâm ý kính tặng HT Thích Bảo Lạc và HT Thích Như Điển, nhằm giới thiệu Thiền Lâm Pháp Bảo Úc Châu. HT Thích Bảo Lạc, Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo VNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, cho biết Thiền Lâm Pháp Bảo là vùng đất thiêng đã được xây dựng từ 4 năm qua. Tháp Vãng sanh sẽ được xây dựng tại Tự Viện Pháp Bảo và Thiền Lâm Pháp Bảo cũng đang tiến hành công trình những hạng mục mới. Thiền Lâm Pháp Bảo là nơi hoàn toàn thiên nhiên hùng vĩ, núi đồi xanh tươi bao la bát ngát. Trong Vườn Thiền có 4 câu thơ được khắc vào trong đá: Dấu Thiền lắng giữa hư không Tháp hành ? soi bóng Thiền Lâm đậm màu Ngày xưa mãi đến ngàn sau Tâm Không vật cũng nhuốm màu hư không (Thơ Sông Thu TBL)
06/07/2019(Xem: 6443)
Tôi rất vui mừng gặp gở những người trẻ Nhật Bản vì tôi luôn luôn cảm thấy rằng những người của thế hệ tôi thuộc về thế kỷ hai mươi. Thế kỷ hai mươi đã qua. Với thế kỷ hai mươi, chúng ta đã chứng kiến một thế kỷ của máu đổ và bạo động. Theo một số nhà lịch sử nào đó, trong thế kỷ vừa rồi, hơn hai trăm triệu người đã bị giết qua bạo động. Chỉ trong phần sau của thế kỷ một khát vọng cho hòa bình và bất bạo động đã bắt đầu. Có một cảm giác của phẩn uất hay mệt mõi về bạo động.
03/07/2019(Xem: 5795)
Bệnh tật nó đến từ đâu Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường Tránh né việc nặng là thường Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài Đi chơi càng khổ gấp hai Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe Thế nhưng
30/06/2019(Xem: 11304)
Lịch giảng của Ni Sư Thích Nữ Hương Nhũ tại Hoa Kỳ từ 1/7 đến 3/8/2019 - Ảnh Phật Mười Phương Hiện Trong Đó Những Ngọc Mani Diễn Pháp Âm Tiếng Phật Mỹ Diệu Bất Tư Nghì Biển Công Đức Phật Không Cùng Tận . Kinh Hoa Nghiêm Thân Tứ Đại Ta Mất Đạo Như Lai Hằng Còn Nhờ Tăng Ni Thừa Tự Chánh Pháp Được Chuyển Luân .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]