Cách nói “xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ..."
thời LM Alexandre de Rhodes
(phần 1)
Nguyễn Cung Thông[1]
Phần này bàn về các cách dùng xuống thuyền, lên đất, ra đời từ nhận xét của linh mục/LM de Rhodes trong cuốn từ điển Việt Bồ La (1651). LM de Rhodes đã phải cố gắng ghi chú thêm khi thấy các cách dùng này, rất khác biệt (hay có lúc ngược lại) với các cách dùng ngữ pháp truyền thống của tiếng Pháp, La Tinh ... Thật ra khi hiểu cách nhìn tổng hợp của người An Nam từ xưa đến nay trong các trường hợp khác như thời gian, tín ngưỡng (kiếp trước, kiếp sau), cách xưng hô (vị trí trong xã hội và gia đình), các câu chuyện hàng ngày (ra chợ, thuyền đi trên sông ...) thì ta có thể hiểu phần nào các cách dùng đặc biệt này. Vấn đề phân định thời gian và không gian trong ngôn ngữ là một chủ đề được nghiên cứu rất nhiều trong vòng ba mươi năm nay, đa phần thuộc về lãnh vực Ngôn Ngữ Học Tri Nhận (Cognitive Linguistics, viết tắt NNTN). Một kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy các ngôn ngữ Tây phương thường xem thời gian từ tiêu chí động (dynamic - như người nói đang di chuyển hay thời gian trôi đi như giòng nước) so với tiêu chí tĩnh (static) và khả năng dùng các giới từ định vị (không gian) cho thời gian ở phương Đông ... Ngoài ra, nguyên tắc Gestalt sẽ được bàn đến để giải thích phần nào các khác biệt này qua ngôn ngữ. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là P (tiếng Pháp), A (tiếng A), L (tiếng La Tinh), LM (Linh Mục), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), Hán Việt (HV). Số trang trích từ VBL là số trang (tờ, cột ...) trong phần tiếng La Tinh (Index - Latin Sermonis).
1. LM de Rhodes ngạc nhiên về cách dùng ‘xuống thuyền, lên đất’ …
1.1 Trên so với dưới
Ngoài những nhận xét về phong tục, tôn giáo vào thế kỷ XVII ở VN, LM de Rhodes còn đặc biệt chú ý đến cách dùng ‘xuống thuyền’ (VBL - trang 899) và ‘lên đất’ (VBL - trang 409) qua các cách giải thích trong VBL - xem các hình chụp ở dưới. Đến Việt Nam bằng tàu và di chuyển trong nội địa (qua Đàng Ngoài) cũng bằng tàu, nên LM de Rhodes không thể không quan tâm đến các cách diễn đạt liên hệ đến phương tiện giao thông này. Xuống thuyền cũng hiện diện trong PGTN như 'đức Chúa Iesu thì xuống thuyền Pedro', nhưng khi viết về thuyền lớn thì dùng chữ tàu[2] và 'vào tàu' (không thấy dùng *xuống tàu, Ngày Thứ Bốn PGTN). Có thể thuyền bè (trong sông lạch) thường là thấp nhỏ hơn so với tàu (đi biển), nên cũng không khó hiểu cách dùng xuống thuyền trong tiếng Việt thời VBL.
VBL – trang 899
VBL – trang 409
Trong từ điển VBL, LM de Rhodes thường phải giải thích thêm khi chính mình có những nghi vấn trong phạm trù nghĩ hay cách dùng tiếng Việt. Trong trường hợp "xuống thuyền", thì mặt nước thường thấp hơn mặt đất (tính chất của chất lỏng thường tụ lại ở nơi thấp), cho nên từ đất liền qua đến thuyền bè thì là xuống - khắc hẳn với cách nói "lên đất". Đây quả là một cách dùng hoàn toàn khác biệt với các ngôn ngữ mà LM de Rhodes đã biết qua (Pháp, La Tinh, Bồ Đào Nha ...). ‘Xuống thuyền’ thật ra là vào trong thuyền hay lên trên thuyền (tiếng Anh: get on a ship, go aboard ship, embark on) như lên xe, lên ngựa, lên đồi, lên lầu, lên núi ... So với tiếng Pháp embarquer sur, để ý các giới từ (preposition) on và sur là trên. Ngữ pháp này rất khác với cách dùng "thượng thuyền" (lên thuyền) 上船 hay “đăng thuyền” 登船 trong tiếng Hán. Nhưng tiếng Việt lại dùng xuống vì nhìn từ vị trí người nói hay từ góc nhìn xa hơn, không phải nhìn từ vị trí người đang di động để lên đến một nơi cao hơn (lên thuyền). Điều này phản ánh một tư duy tổng hợp (nhìn rộng ra thấy nhiều chi tiết hơn) so với tư duy phân tích (chi tiết từng phần) hay nhìn ngay từ vị trí của đối tượng đang đi lên thuyền, vị trí lại này cho thấy sự việc chính xác hơn (độ phân giải/resolution cao hơn vì mắt nhìn gần hơn). Chúng ta sẽ bàn thêm về những lối tư duy này thể hiện qua ngôn ngữ ở phần sau.
Trên trời tiếng Anh là in the sky ("trong" trời) cũng như tiếng Pháp là dans le ciel ("trong" trời). VBL ghi trên trời là in caelo (tiếng La Tinh in là trong, caelo là trời/thiên đàng). Khi học tiếng Việt, LM de Rhodes phải dùng các từ để ghép thành câu hay nhóm từ nhưng khó mà quên đi các ngôn ngữ của chính mình (tiếng mẹ đẻ). Trong phần "Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh", LM de Rhodes ghi lại các giới từ như trên (supra/L), dưới (infra/L), trong (intra/L) ... Để diễn đạt "trên hết mọi sự" thì ghép từ khá dễ dàng: super omnia (VBL trang 809), nhưng khi "trên trời" hay "trên/lên thiên đàng" (một cách dùng cốt lõi[3] của Thiên Chúa giáo) thì sự khác biệt trở nên rất rõ nét! VBL phải nhắc độc giả là khi dời từ vị trí thấp tới chỗ cao hơn thì thêm chữ trên.
VBL – trang 809
1.2 Ngày sau, đời sau, kiếp sau
Cũng như nhiều ngôn ngữ con người, giới từ không gian (giới từ định vị) như trước/sau/trên/dưới/ giữa/trong thường được tận dụng để chỉ thời gian. Tuy nhiên có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý trong tiếng Việt. Để truyền đạo cho hữu hiệu, LM de Rhodes cần phải nắm vững một số điểm cơ bản trong văn hóa VN thời bấy giờ như lòng tin vào đời trước, sau và hiện tại. Do đó, ta không ngạc nhiên khi thấy VBL ghi nghĩa của sau chỉ tương lai trong tiếng Việt, như ngày sau/đời sau/kiếp sau ... Cũng như trước chỉ quá khứ. Xem hình chụp ở bên dưới - sau khi giải thích nghĩa các cách dùng ngày sau, đời sau, kiếp sau ... VBL cũng không quên nhắc độc giả là giới từ sau chỉ tương lai và trước chỉ quá khứ!
1.3 Đàng Trong, Đàng Ngoài và Đàng Trên
Đàng Ngoài, theo VBL, là bốn tỉnh[4] chung quanh thủ đô Đông Kinh (Kẻ Chợ). Đàng Ngoài , theo VBL, là các tỉnh phía Nam so với các tỉnh phía Bắc cho tới biên giới Chămpa. Điều quan trọng là VBL còn ghi là Đàng Trong cũng chỉ (vương quốc) Chămpa và Kampuchia (Cambogia). Đi từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong thì gọi là vào trong, ngược lại là ra ngoài.
1.4 "Ra Kẻ Chợ"
Ra Kẻ Chợ, theo VBL, là đi từ các tỉnh (dinh/xứ, trấn) phía Nam đến kinh đô Đông Kinh. VBL cũng ghi nhận từ xuất nghĩa là ra (trang 900), nhưng không cho thí dụ hay cách dùng như trong mục ra (trang 631); một nhận xét ở đây là số từ HV hiện diện khá giới hạn trong VBL. Vào trong[5] ngoài nghĩa thông thường là từ ngoài đi vào bên trong, còn có nghĩa là đi từ các vùng phía Bắc tới các vùng phía Nam (VBL trang 806).
2. Tại sao lại có những cách dùng như trên?
2.1 Nhận thức hình ảnh theo nguyên tắc Gestalt
Hình dạng/nền (figure/ground) của các hình bên dưới: có thể là hình cái bình với nền trắng, hay hình hai mặt người nhìn nhau. Hình bên phải có thể là một hình ô vuông đen với nền trắng hay ngược lại. Một số hình có thể đổi thành nền hay ngược lại như các thí dụ trên, tuy nhiên một số hình ta đã rất quen thuộc thì khó hoán chuyển cho nhau được; thí dụ là các con chữ hiện ra ở trang này là hình so với trang giấy là nền …v.v…
Hình các gạch rời - giống (gợi ấn tượng) như chữ B hoa.
Hình các gạch rời, tuy khoảng cách giữa các gạch có khác nhưng vẫn gây ấn tượng của một hình tròn (law of closure - nguyên tắc “đóng”).
Nguyên tắc pragnanz (tạo hình tốt/dễ nhận, quy luật đơn giản) - hay nguyên tắc tạo hình đơn giản (law of simplicity) - cho ta thấy hình của các gạch rời rạc bên dưới tạo thành hình chữ B (b hoa). Não bộ con người đã tự động nối liền các gạch (không liên tục) thành một hình ảnh (từ kinh nghiệm/quá khứ) đơn giản nhất, hay là chữ B hoa.
Trở lại với ngôn ngữ, ta hãy xem câu nói "Nó làm vậy là không tốt": các từ nó, làm vậy, là, không, tốt đều có nghĩa riêng biệt - cũng như các cái gạch rời rạc trong hình. Tuy nhiên, khi đứng gần nhau hay ráp thành một nhóm từ hay câu (law of proximity, law of continuation) thì người nghe sẽ hiểu rõ "nó" là ai (như đã nói từ trước - kinh nghiệm – law of past experience), "làm vậy" là làm như thế nào ...v.v... Hay các từ riêng rẻ khi ráp lại sẽ mang một nghĩa đặc biệt cho người nghe (law of closure). Nghĩa đặc biệt này của nguyên câu (vd. ‘làm vậy’ là đi học không đúng giờ, ‘không tốt’ có thể là bị phạt ...) chứa nhiều thông tin hơn là các thành phần của câu nói hay của nguyên câu.
Cũng nên nhắc lại nguyên tắc căn bản của trường phái Gestalt[6] là cái toàn thể thì khác (lớn) hơn tổng đơn giản của các thành phần (the whole is different/greater than the sum of its parts). Thí dụ như câu nói "mắt láo liên" - hàm ý chỉ những người gian ác - rõ ràng là nội dung chứa nhiều (ý nghĩa) hơn là các thành phần của câu nói "mắt" và "láo liên", đây cũng chính là nguyên tắc chi phối phép ẩn dụ (metaphor) thường gặp trong ngôn ngữ. Câu nói "Nó làm vậy là không tốt" cũng chứa một số thông tin nhiều hơn (và khác hơn) tổng số các thông tin riêng biệt từ mỗi thành phần của câu nói. Nên nhắc lại ở đây là không phải chỉ vào đầu thế kỷ XX mà nguyên tắc căn bản Gestalt đã khởi sắc, nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại Aristoteles (Aritstốt 384-322 TCN) từng nhận ra điều này (toàn phần lớn hơn tổng số các thành phần). Để ý là các nguyên tắc Gestalt nêu trên có thể ảnh hưởng qua lại/lẫn nhau, và đương nhiên cũng có những trường hợp mà một nguyên tắc chiếm ưu thế hơn. Nguyên tắc Gestalt rất tự nhiên vì dựa vào nguyên lý ít tốn công nhất (principle of least effort) có tính chất phổ quát (áp dụng trong khoa học), ngay cả cách cư xử hay ăn ở của chúng ta trong xã hội đa phần đều có quan hệ tương tự hay có khuynh hướng theo cách nào dễ dàng (‘thoải mái’, dựa vào trí nhớ và kinh nghiệm) nhất - hay đỡ “mệt” nhất! Ngôn ngữ là một thành phần bất khả phân từ đời sống con người, do đó liên hệ giữa ngôn ngữ và nguyên tắc Gestalt có khả năng hiện diện với các mức độ khác nhau tuỳ từng văn hoá và môi trường sống. Ngoài ra, ảnh hưởng của thị giác trong tiếng Việt cho ta mối dây liên hệ trực tiếp đến nguyên tắc Gestalt phản ánh qua các dữ kiện của phần sau.
2.2 Ảnh hưởng của thị giác (thấy) trong tiếng Việt
Kho tàng ca dao tục ngữ tiếng Việt cho ta nhiều dữ kiện liên hệ đến cách nhìn sự vật qua ngôn ngữ. Ta thấy cảm nhận từ thị giác đóng vai trò quan trọng để cho ta khái niệm và tư tưởng về đối tượng như
Cái răng cái tóc là gốc con người
(nếu có nói là góc con người thì cũng không phủ nhận được cảm nhận đầu từ thị giác)
Trông mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon
...v.v...
Các cảm giác khác từ khứu giác (ngửi), thị giác (thấy, xem, trông, nhìn, ngó, dòm/nhòm), xúc giác (sờ/rờ, đụng), vị giác (nếm), thính giác (nghe) đều phải qua ‘con đường thị giác’ để tạo ra nhận thức trong tiếng Việt:
Ngửi thấy
Xem/nhìn/trông/dòm/ngó thấy
Nếm thấy
Nghe thấy
Sờ/rờ thấy
Và ngay cả sự cảm nhận trong lòng (không qua một giác quan rõ ràng nào) cũng phải qua ‘cửa thị giác’ để tạo ra nhận thức
Cảm thấy (hay “thấy”)
Nhận thấy (hay “thấy”)
Trong lòng/bụng/tim “thấy”
Anh “thấy” chưa? (anh có hiểu chưa?) - so sánh với cách dùng động từ see (thấy, cũng là hiểu) trong tiếng Anh như “can you see?” hay voir (thấy > hiểu, trải nghiệm - tiếng Pháp) … So với chữ Hán kiến 見 (thấy) cũng hàm ý hiểu trong tiếng TQ - kiến thức: thấy và biết, kiến văn: nghe và biết. Điều này cho thấy tính chất phổ quát (universal) của cách dùng thấy (nhìn thấy - cụ thể) để chỉ sự hiểu và cảm nhận (tinh thần).
Các dữ kiện ngôn ngữ trên cho ta thấy chức năng của thị giác, trong quá trình xử lý các thông tin nhận được từ các cảm giác vật chất, không chỉ giới hạn trong tiếng Việt. Vai trò then chốt của thị giác (thấy, nhìn, trông, xem, ngó, nom, dòm) dẫn ta đến lý thuyết Gestalt về nhận thức hình ảnh (visual perception) hay lý thuyết cấu trúc hình thức - khởi đầu từ Tâm Lý Học, sau đó được áp dùng vào các ngành Ngôn Ngữ Học Tri Nhận (Cognitive Linguistics), Tâm Lý Trị Liệu, Giáo dục, Âm nhạc, Hội họa ...v.v...
Vai trò của người nói (speaker) trở nên quan trọng tùy theo vị trí quan sát - không gian - người nói đóng góp hay là một thành phần của câu nói, phản ánh một tư duy tổng hợp của phương Đông so với tư duy phân tích của phương Tây, thể hiện qua khái niệm về thời gian chẳng hạn. Bốn hình bên dưới cho thấy một điểm trở thành đường tròn và đường thẳng tùy vị trí quan sát của người nói. Chính tư duy tổng hợp cho ta thấy khả năng tuần hoàn (quay trở lại, vòng tròn) của thời gian so với chiều mũi tên (đường thẳng, càng ngày càng xa điểm khởi hành) thường gặp trong văn hóa Tây phương. Ta có thể xem những đoạn thẳng nhỏ hay điểm trong hình (d) là hình chụp ở các thời điểm liên tục của cùng một điểm, hay quỹ đạo của một điểm khi di động. Do đó, ta có mối dây liên hệ giữa trường hợp tĩnh (đường cong/thẳng cố định) và động (điểm di động vạch nên) qua thông số thời gian.
-----
(a) Nhìn từ xa (b) Nhìn gần hơn (c) Nhìn gần hơn nữa (d) Rất gần/ kính hiển vi …
2.3 Cách dùng xuống thuyền, trên trời, Đàng Trong/Ngoài thời VBL
Nếu người nói nhìn từ xa thì quá trình đi xuống thuyền phải đi từ nơi cao đến nới thấp hơn - hay mặt nước/vị trí của thuyền. LM de Rhodes không quen với tư duy tổng hợp này nên mới thấy cách dùng này đặc biệt như vậy. Từ cách suy nghĩ như thế nên các giới từ định vị không gian (trên, dưới ...) trở nên không chi tiết (hay độ chính xác kém) khác với kết quả từ một tư duy phân tích phản ánh qua tiếng Anh. Thí dụ như tiếng Anh on là trên mặt (tiếp xúc với mặt dưới), over là ngay (phía) trên, above là trên (ở vị trí cao hơn mà không cần tiếp xúc) - so với under, underneath, beneath là ngay (phía) dưới, below là dưới (ở vị trí thấp hơn mà không cần phải ở ngay dưới). Như vậy tiếng Anh có ít nhất 3 giới từ chỉ trên (on, above, over) và 4 giới từ chỉ dưới (below, under, beneath, underneath). Xem lại cách dùng xuống thuyền từ vị trí xa hơn, không gian và thời gian, ca dao cũng ghi lại hình ảnh của lính thú đời xưa khi lên thuyền đi đánh giặc
Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
Với cách nhìn tổng hợp (Gestalt) thì ta có thể giải thích cách dùng “xuống thuyền” và “lên đất”, vì có phần đóng góp (ảnh hưởng của vị trí người nói) của người nói trong ngôn ngữ. Các giáo sĩ và người Tây phương, (nếu) có học qua chữ Hán trước khi đến Việt Nam, lại càng kinh ngạc khi thấy dân An Nam dùng xuống thuyền tương đương với lên thuyền. Trong từ điển “Dictionnaire annamite francais” (Saigon, 1898), Génibrel cũng lặp lại nhận xét về cách dùng “xuống tàu” rất đặc biệt của dân An Nam. - để ý Génibrel dùng hai động từ monter (lên/P) để dịch cách dùng "xuống" (thuyền) và descendre (xuống/P) để dịch nghĩa. Tiếng Pháp vẫn dùng descendre à terre là lên bờ (xuống đất liền so với lên đất/VBL)
Trích từ cuốn “Dictionnaire annamite français” (SaiGon, 1898) của Jean-François Génibrel
Để ý “xuống thuyền” (hạ thuyền 下船) tiếng Hán nghĩa là rời khỏi thuyền hay lên đất liền! Cách dùng “lên đất liền” hay rời thuyền (débarquer/P - debark/A) cũng giống như “đăng lục” 登陸 (đăng là lên, lục là đất cao hơn mặt nước). Tuy có khác về cách diễn đạt "di chuyển đến thuyền" để đi đến một vị trí khác, khi nói đến thời gian, tiếng Việt và tiếng Hán đều dùng tính từ định vị "cao" để chỉ người lớn (trọng, nhiều) tuổi hơn
người cao tuổi (tiếng Ạnh/Pháp không dùng "cao" cho tuổi tác như vậy)
Cách nhìn tổng hợp thời-không-gian này (time-space perspective) một phần là do ảnh hưởng xã hội Đông phương thường tôn trọng những người già (quá khứ/thời gian) và để các vị này ngồi (có địa vị trên cao/không gian) cao hơn người ít tuổi. Trong văn hóa Hán, học giả Cao
Dụ 高誘 thời Đông Hán, đã từng dùng cụm từ vũ trụ[7] để chỉ vùng không gian vô tận và trong đó cũng hàm ý thời gian vô tận.
2.4 Trong so với ngoài/nội và ngoại
Cách nhìn tổng hợp này cũng giải thích được các cách dùng khác như “trên trời” và “dưới đất”, hay giới từ chỉ vị trí (preposition of location), rất thường gây nhiều trục trặc cho người Việt khi học tiếng Anh hay Pháp! Tiếng Việt thường nói mây (bay) trên trời (literally, "on the sky") so với tiếng Anh clouds in the sky (mây ‘trong’ trời), một cách hiểu là vị trí của mây quả thật luôn luôn ở trên vị trí của người nói. Ngoài ra, khi gặp hoạn nạn hay vấn đề gì thì người VN thường hô hoán "trời ơi" (so với dạng "(Oh) my God" tiếng Anh hay Mon Dieu tiếng Pháp): trời tiếng Việt có nhiều nghĩa - từ cụ thể (trời, không trung/sky) cho đến trừu tượng (ông trời/God) và nhân cách hóa (thần thánh hóa)... Trong khi tiếng Anh thì hầu như độc lập với vị trí của người nói, mây thì luôn ở giữa hay trong không trung (in the sky). Tương tự như cách dùng trên trời, dưới đất (thật tế là trên mặt đất). Ta hãy xem một trường hợp khác: để trả lời câu hỏi "cậu (học sinh) đang chơi ở đâu?"
a) Nếu người hỏi ở ngoài trường học thì trả lời "đang chơi trong sân trường"
b) Nếu người hỏi ở trong trường, thì trả lời "đang chơi ngoài sân trường"
(c) He is playing in the yard (A)
(d) Il jouait dans dans la cour (P)
Do đó, câu trả lời về vị trí của cậu học sinh còn có thể tùy thuộc vào vị trí người hỏi, tương phản với cách nói của tiếng Anh và Pháp - đều dùng giới từ trong. Với cách nhìn rộng hơn và có cả người nói/người hỏi dự phần trong đó, hay là cách nhìn Gestalt tổng hợp, ta có thể giải thích cách dùng ra sân (nếu kể vị trí người nói là ở trong nhà), ra đời vì nhìn từ vị trí người nói hay vào đời nếu xem vị trí của người nói là ở sẵn trong đời - so với cách dùng xuất thế hay nhập thế trong tiếng Hán[8]. Dùng nguyên tắc Gestalt, và tư duy tổng hợp từ truyền thống nông nghiệp, ta có thể giải thích được phần nào cách dùng “xuống thuyền” và “lên đất”, hay “ra đời” so với “vào đời” mà học giả Phan Khôi[9] cũng từng đặt vấn đề cách đây hơn 60 năm. Cách nói áo lạnh tương đương với áo ấm cũng cho thấy khuynh hướng hài hòa (với môi trường thiên nhiên - trời lạnh) của tiếng Việt, so với cách nói "áo mưa, áo gió, áo trận" - phản ánh môi trường rộng lớn hơn so với cá nhân (người mặc áo).
VBL còn ghi nhận cách dùng ra đây (egredere huc/L, egredere là đi ra/xuất, huc là ở đây), so với come here! (A) và viens ici! (P) đều có nghĩa là đến/lại đây. Đến hay tới đây là kết quả từ cách nhìn của người nhận lệnh R (moving ego). LM de Rhodes ghi ra cửa là exire è portu (ra khỏi cửa/L) so với vào cửa là ingredi in portum (đi vào trong cửa/L) ...v.v... Và nhận xét là các giới từ này dùng giống như các ngôn ngữ quen thuộc của ông (La Tinh, Pháp, Bồ Đào Nha ...). Tuy nhiên, ông phải chép lại cách dùng ra Kẻ Chợ (VBL trang 631) và ra ngoài (VBL trang 806) mang ý nghĩa đặc biệt là đi vào (khu vực) Kẻ Chợ và đi vào (khu vực) Đàng Ngoài! Tiếng Việt có các cách dùng tương đương khi kêu gọi người khác tới chỗ của mình
Ra đây
Vào đây
Tới đây T < ----------------------- R
Đến đây
Lại đây L
...
Hai cách dùng đầu tiên (ra đây và vào đây) thoạt nghe thì có vẻ đối nghịch nếu người nghe L (listener) cùng ở bên (trong) với người nói/phát ngôn T, hay cùng ở bên ngoài với người nhận lệnh R (receiver). Tuy nhiên, nếu nhìn từ xa (cách nhìn tổng hợp Gestalt) để thấy cả T và B và người nghe L cùng ở trong một vùng không gian, thì không còn phân biệt trong và ngoài nữa và từ R đến/tới/lại T có thể nói một cách khác là từ B ra/vào T.
Dựa vào nhận thức bên trên, ta có thể hiểu được phần nào cách dùng Đàng Trong và Đàng Ngoài. Không thấy nhiều tài liệu Hán Nôm viết về các cụm từ trên, dẫn đến khả năng là cách dùng trong khẩu ngữ và không ‘chính thống’ cho lắm. Các vùng của các chúa Trịnh Nguyễn kiểm soát thật ra là đều thuộc về nước An Nam, nên đàng 唐 đã được dùng với nghĩa mở rộng là lãnh thổ (gồm nhiều trấn/phủ/dinh) tương ứng với cách dùng đàng trước (đằng trước) và đàng sau (đằng sau).
Không gian bên ngoài thường có những tính chất như rộng lớn (thoải mái), có thể chứa nhiều người (cộng đồng, người lạ), có những cấu trúc lâu đời/phi vật thể, dễ nhận ra/nhìn thấy, dẫn đến một không gian mở ...v.v...
Không gian bên trong thường có những tính chất như nhỏ (chật hẹp), có thể chứa ít người (gia đình, thân thuộc), có ít cấu trúc (vì nhỏ, diện tích ít), khó nhận/nhìn thấy, dẫn đến một không gian đóng hay khép kín ...v.v...
Do đó, nếu quan sát một căn nhà người VN thì ta dễ nhận ra là phòng khách ở phía ngoài để tiếp đón kẻ lạ, và đi vào trong là phòng ngủ/bếp mang nặng tính chất gia đình quen thuộc hơn. Điều này cho ta một cơ sở để giải thích cách dùng Đàng Ngoài, nơi đã có trước và nuôi dưỡng bao đời vua quan và dân Việt, từ thời có sử sách ghi chép lại hay qua ký ức tập thể. Đàng Ngoài từng có bao nhiều cấu trúc như chùa chiền, cũng như cung vua quan mà mọi người đều nhận biết - khác với Đàng Trong - nơi mà ít người biết đến, và cũng vẫn còn phải tranh đấu liên tục để mở mang bờ cõi. Vì những lý do thiên nhiên mà VN có các rặng núi chạy sát biển ở Trung Bộ, khiến địa thế hẹp đi; nhưng giả sử VN nằm theo chiều đông tây thay vì nam bắc thì khi chúa Nguyễn dẫn gia đình và quân lính đến khai phá vùng đất mới ở phía nam - cách gọi Đàng Trong có thể hiện diện được không? Theo thiển ý của người viết thì vẫn rất có thể vì những lý do đã viết bên trên. Không phải ngẫu nhiên mà VBL ghi thêm Đàng Trong bao gồm cả Chiêm Thành và (vương quốc) Kampuchia, những lãnh thổ mà dân ta ít biết đến so với Đàng Ngoài (VBL trang 806). Trên bản đồ vẽ lại khu vực Đông Nam Á (1651), LM de Rhodes còn ghi khu vực phía tây của Trung Bộ VN là SOLITUDO (vùng hoang dã/L) và RV MOI (Kẻ Mọi)! Thành ra, ta cũng có thể giải thích tại sao LM de Rhodes đặc biệt ghi chú câu "ra Kẻ Chợ", "ra ngoài" (còn có nghĩa là ra Đàng Ngoài/VBL), "vào trong" (còn có nghĩa là vào "Đàng Trong"/VBL).
Nhìn rộng ra thêm về liên hệ thời và không gian, cách dùng Đàng Ngoài và Đàng Trong - chứ không ai nói là Đường Ngoài và Đường Trong - lại có thể là một dấu ấn thời-không-gian (time-space indicator) trong tiếng Việt cũng như Tàu[10] (chỉ người/nước TQ):
Thời gian: đầu thế kỷ XVII khi nước VN chia thành các khu vực (Đàng) dưới quyền của Chúa (vua ở Kinh Đô không có thực quyền):
Không gian: biên giới phía Nam của Đàng Trong đã xuống đến vĩ tuyến 12 ('Còn về vị trí thì toàn nước Annam ở về phía bắc, từ vĩ tuyến 12 tới vĩ tuyến 23. Từ vĩ tuyến 12 tới vĩ tuyến 17 thuộc về Đàng Trong, còn ra là thuộc về Đàng Ngoài' trích từ cuốn "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" Alexandre de Rhodes/1651 - dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên). Khái niệm dấu ấn thời-không-gian không nằm trong bài viết nhỏ này nhưng rất đáng khai triển thêm chi tiết như các cách dùng cao bồi, chữ Nôm ...v.v...
Bản đồ VN khoảng năm 1760, công ty Cóvens e Mortier, Amsterdam. Đàng Trong là Cochinchine, trang https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/6/66/Vietnam_1760.jpg
Trong tâm tư của người Việt, đàng trước là vùng không gian dễ nhận ra hơn cũng như Đàng Ngoài (dân cư đông đảo từ ngàn xưa, chỗ đặt kinh đô) so với đàng sau (cũng như Đàng Trong, vẫn còn trong giai đoạn mở mang bờ cõi vào thời VBL/1651), cho nên trước cũng thường dùng để chỉ quá khứ (kinh nghiệm/vật thể đã từng trải qua). Hãy xem thử các từ chỉ dòng thời gian trong tiếng Việt (để ý các giới từ định vị):
Quá khứ: trước[11], kia, kìa, kĩa, đó, nọ, ấy, qua, quá, nãy, rồi, ngoái, xưa, cũ, cố, tiền, khứ, vãng (không thấy dùng thượng như tiếng TQ - thượng niên 上年 nghĩa là năm trước)
Hiện tại: (giờ) đây, này, nay, hiện tại, (hiện, bây) giờ, (hiện) thời, (đương) thời (không thấy dùng mục hạ như tiếng TQ - mục hạ 目下 nghĩa là hiện nay so với cách dùng thượng tuần/trung tuần và hạ tuần HV)
Tương lai: kia, sau, tới, nữa, hậu 後
Kể luôn các giới từ định vị không gian, sự phân bố từ ngữ chỉ thời gian cho thấy tiếng Việt (và HV) dùng nhiều từ chỉ quá khứ (tổng số là 18 từ), rối đến hiện tại (7 từ) và tương lai (5 từ). Đây có thể là kết quả của một tư duy tổng hợp trọng quá khứ (kinh nghiệm) của truyền thống nông nghiệp, cũng như phong tục thờ cúng tổ tiên, tiên học lễ (phong tục) hậu học văn.
Tóm lại, bằng cách nhìn mở rộng hay tư duy tổng hợp của một xã hội nông nghiệp, ta có thể cảm thông phần nào với các cách dùng trên trời (so với *trong trời), lên đất, ra đời và vào đời, ra ngoài, vào trong, Đàng Ngoài và Đàng Trong mà LM de Rhodes đã ghi nhận khá chi tiết khi ghi lại tiếng Việt vào đầu thế kỷ XVII. Tuy có những cách dùng giống nhau, nhưng ta nên thận trọng khi dùng các từ HV hay các tiếng ngoại quốc tương đương vì có những khác biệt quan trọng và sâu xa, tiềm ẩn trong văn hóa truyền thống lâu đời của người VN. Liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ là một đề tài thật thú vị, đã được nhiều tác giả bàn đến, nhưng vẫn cần phải tìm hiểu sâu xa hơn qua lăng kính thời gian[12] (lịch đại) và không gian (đồng đại).
3. Tài liệu tham khảo
1) Lera Boroditsky (2011) “How languages construct time” trong cuốn "Space, Time and Number in the Brain: Searching for the Foundations of Mathematical Thoughts" Chủ Biên: Stalisnas Dehaene và Elizabeth Brennon 333-41. London, Elsevier
2) Juanma de la Fuente, Julio Santiago, Antonio Román, Cristina Dumitrache, Daniel Casasanto (2014) "When You Think About It, Your Past Is in Front of You - How Culture Shapes Spatial Conceptions of Time" – có thể xem toàn bài trang này http://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/0956797614534695
3) Trần Quang Hải (2010)"Những khác biệt cơ bản trong sử dụng giới từ định vị chỉ các quan hệ không gian trong tiếng Anh và tiếng Việt" - Tạp chí khoa học và công nghệ, đại học Đà Nẵng số 5(40).
4) Nguyễn Văn Hán (2011) "Định vị thời gian trong tiếng Việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (so sánh với tiếng Anh)" Luận án tiến sĩ - Đại học quốc gia Thành Phố HCM - Đại Học khoa học xã hội và nhân văn.
5) Kevin Ezra Moore (2014) "The Spatial Language of Time: Metaphor, metonymy, and frames of reference" NXB John Benjamins (San José State University, USA)
6) Phạm Thị Hồng Nhung (2014) "Nhìn lại một thập niên nghiên cứu áp dụng Ngôn Ngữ Học Tri Nhận vào giảng dạy ngoại ngữ" - Tạp chí Ngôn Ngữ & Đời Sống Số 6 (224)-2014
7) Günter Radden (2011) "Spatial time in the West and the East" trong "Space and Time in Language" Chủ biên Mario Brdar, Marija Omazic, Visnja Pavicic Takac 1-40.
8) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991)
9) Trịnh Sâm (2016) "Mô hình tri nhận và sự tương tác văn hóa" có thể xem toàn bài trang này http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ngon-ngu-hoc/5879-mo-hinh-tri-nhan-va-su-tuong-tac-van-hoa.html
10) Nguyễn Cung Thông (2013) "Tản mạn về từ Hán Việt - thời thì (phần 6.2)" - có thể đọc toàn bài trang này chẳng hạn http://e-cadao.com/ngonngu/tanmantuhanvietthoithi.htm
11) Luu Trong Tuan (2011) “Exploring Metaphors in Vietnamese Prepositions and Adverbial Particles” – Acadamy Publisher in “Theory and Practice in Language Studies” Vol 1, No. 5
[1] Nhà nghiên cứu ngôn ngữ ở Melbourne (Úc) – email [email protected]
[2] Thật ra tàu 艚 là loại thuyền nhỏ theo các tài liệu Hán Cổ (小船也 tiểu thuyền dã/Ngọc Thiên). Tàu tiếng Việt đã mở rộng nghĩa để chỉ các phương tiện di chuyển khác như tàu (hỏa, xe lửa), tàu bay (phi cơ) ...v.v…
[3] 'vì trên trời thì có thiên đàng', 'khi sinh thì ấy là khỏi nơi thung khốn nạn, mà về quê trên trời', 'vui vẻ vô cùng trên trời cùng đức Chúa trời' …v.v… (trích từ Phép Giảng Tám Ngày)
[4] đáng lẽ nên dịch từ La Tinh provincia là trấn, dinh hay xứ - thời đại VBL không thấy dùng tỉnh như ngày nay
[5] Vào trong còn xuất hiện trong câu nói "con gno muon bau tlom laom Hoalaom chian" (con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng? LM Buzomi thời ở Đàng Trong 1618-1621), có lẽ là dòng chữ đầu tiên trong quá trình hình thành chữ quốc ngữ
[6] Gestalt là danh từ có gốc tiếng Đức, số nhiều là Gestalts (theo ngữ pháp Anh) hay Gestalten (theo ngữ pháp Đức), chỉ hình thể hay một cấu trúc tổng quát. Tiếng Anh còn dùng Gestalt để chỉ tập hợp nhiều tính chất vật lý, sinh vật ... Các nhà Tâm Lý Học gốc Đức như Max Wertheimer, Wolfgang Köhler và Kurt Koffka - khi di tản qua Mỹ từ thời Đức Quốc Xã - đã có những cống hiến tiên phong trong lý thuyết Gestalt đề cập trong bài này. Cần nên nhắc ở đây là có học giả phê bình phương pháp tổng hợp gestalt là đơn giản và thiên về định phẩm (qualitative) so vói định lượng (quantitative, do đó có thể làm thí nghiệm một cách khoa học hơn). Thêm vào đó là các lí thuyết gestalt thường mang tính chất mô tả (descriptive) thay vì giải thích có hệ thống (explanatory).
[7] Cao Dụ (thời Đông Hán) soạn các tác phẩm như Hoài Nam Tử Chú 淮南子註, Chiến Quốc Sách Chú 戰國策註 ... Ông viết về nghĩa của vũ trụ như sau
四方上下曰宇,古往今來曰宙,以喻天地 - tứ phương thượng hạ viết vũ,cổ vãng kim lai viết trụ, dĩ dụ thiên địa.
[8]Xuất thế 出世 nghĩa là ra đời, ở ẩn, siêu việt ... Nhập thế 入世 là vào đời, sinh ra ... Để ý tiếng Việt ra đời và vào đời có thể cùng một nghĩa!
[9] Phan Khôi 1955 "Việt ngữ nghiên cứu" NXB Đà Nẵng in lại (1997). Sau khi phân tích các từ trên, dưới, ra, vào … Ông đã đưa ra nhận xét về cách dùng tương đương của lên thuyền và xuống thuyền “... Có lẽ vì e dè đến luận lý mà tiếng nói của ta từ xưa đến nay phải dung nhận cái điều quá rắc rối lôi thôi ấy chăng" (trang 128, sđd)
[10] mực tàu (VBL trang 728) là dây ngâm mực để kẻ đường thẳng đựng trong cái tàu. Chữ Tàu chỉ người/nước TQ chỉ bắt đầu hiện vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, khi các cộng đồng cư dân ổn định đời sống ở Nam Bộ/Đồng bằng sông Cửu Long - xem thêm chi tiết trong loạt bài "Tản mạn về mực Tàu qua từ điển VBL" cùng tác giả Nguyễn Cung Thông.
[11] không chỉ có tiếng Việt mà thời quá khứ ở đàng trước (in front/A) và thời tương lai ở phía sau (behind/A), các ngôn ngữ hoàn toàn không liên hệ như Quechua, Aymara (ở Nam Mỹ), Maori (ở Tân Tây Lan) … cũng có những cách dùng tương tự so với tiền nhân (HV) 前人 là người đời trước, hậu thế 後世 (đời sau, đời tương lai).
[12] Thời VBL (và Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa) vẫn dùng cái ruồi, cái mối, cái dế, cái hến, cái kiến ..