Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sông xuôi ra biển - Sư cô Trí Hải không còn nữa - In Memoriam

11/02/201722:09(Xem: 6108)
Sông xuôi ra biển - Sư cô Trí Hải không còn nữa - In Memoriam

SÔNG XUÔI RA BIỂN

Cao Huy Thuần

      

Tôi gặp lại Sư cô Trí Hải ngay lần đầu về nước, tại Huế, năm 1980. Từ trong chùa Hồng Ân bước ra sân, tôi gặp Cô đang ngoài sân bước vào chùa. Tôi chắp tay cúi chào Cô, Cô chắp tay cúi chào tôi. Mười lăm năm xa cách mới gặp lại Cô, cảm động dường ấy, xôn xao nỗi này, vậy mà niềm vui như nằm yên trong hai bàn tay, tĩnh lặng như sân chùa buổi sáng. Khi tôi buông bàn tay ra, nỗi vui mới sổ lồng như chim. Cô cũng vậy, như nắng tháng tám vừa làm tan sương buổi sáng. Tôi nói: “Xin chị cho phép tôi gọi chị là ‘chị’ lần này nữa thôi, tôi chưa quen gọi chị là Sư cô được”. Tôi nói thế, nhưng trong lòng tôi, tôi biết ngay từ giờ phút ấy, chị Phùng Khánh bạn tôi đã vĩnh viễn tan như sương buổi sớm dưới nắng ban mai của một đại nguyện.

Cách đây mấy năm,, cũng một buổi sáng, nhưng giữa Sài Gòn náo nhiệt, tôi nhân dịp ghé thăm Vạn Hạnh, tỏ ý với Thầy Trung Hậu muốn cùng đi qua thăm Cô. Thầy nói: “Giờ này chắc cô Trí Hải đang ngồi thiền”. Thầy tưởng tôi thất vọng. Không phải đâu, tôi nghe nói thế, lòng quá vui. Lòng tôi quá vui như mỗi khi về Huế, bước qua cổng chùa nào trên đồi Nam Giao vào hai thời công phu sáng chiều, đều nghe đồi núi văng vẳng tiếng tụng kinh. Ở thời buổi nhiễu nhương náo loạn này, còn có một người ngồi thiền không ai dám động, còn có tiếng kinh kệ văng vảng giữa núi với mây, tôi còn giữ được niềm tin, cuộc đời còn đẹp, cái đáng tin vẫn tin, cái thật còn thật.

Thật, chuyện bây giờ đã thành khó thấy ấy, ai cũng thấy nơi Cô. Cô thật như một người trí thức, trong suy nghĩ cũng như trong hành động. Cô thật như một người đạo hạnh, bên trong lẫn bên ngoài. Cô thật như một Ni sư lớn, lớn nhất, trong thế hệ của chúng tôi. Cô thật như một tấm gương.

Có lẽ vì chuộng cái thật như thế nên Cô suốt đời làm người học, học không mỏi mệt, và cách học hay nhất của Cô là dịch. Cô dịch kinh và dịch sách. Sách Phật học nào có giá trị nhất, lợi ích nhất, kim cổ Á Âu, là Cô dịch, không nghỉ. Nhìn công trình dịch thuật của Cô mấy ai theo kịp, vừa lượng vừa phẩm. Cô giỏi ngoại ngữ tư khi còn ở trung học. Cô viết văn rất hay, vui, nghịch, đài các. Lúc trẻ, Cô dám dịch cả Hermann Hesse, văn viết như thơ. Nhưng Cô viết ít, dịch nhiều, như tuồng dịch cũng là cách tu của Cô. Như tuồng Cô không muốn phô trương về mình. Như tuồng Cô chỉ muốn mượn cái đúng trong sách, trong kinh, để nói đúng, nhìn đúng, hiểu đúng, thấy đúng. Tài riêng của Cô trước khi đi tu, nét bút văn chương hoa gấm trời cho, Cô chỉ dùng để làm trong sáng bản dịch. Có lẽ Cô cho đó là hình thức, không phải nội dung.

Chỉ với phong cách tu đó mà thôi, Cô đã gần Phật rồi. Huống hồ ai chẳng biết Cô còn đi đây đi đó, xả thân cho việc từ thiện, cứu khổ. Riêng tôi, tôi cứ nghĩ Cô còn gần Phật hơn nữa với hạnh khiêm tốn của Cô. Sinh trưởng trong một gia đình quý phái, bẩm chất thông tuệ, học giỏi, nghịch ngầm và cứng đầu. Tôi cứ nghĩ rằng điều khó nhất cho Cô lúc đi tu là những luật lệ nhằm chế ngự tính kiêu hãnh, ngã mạn, nhất là những luật mà giới Ni phải chấp hành đối với giới Tăng. Nhưng hình như đó không phải là vấn đề đối với Cô. Đối với Cô, người đã dịch Đạt Lai Lạt Ma, trở ngại là bạn tu, nghịch chướng là giải thoát. Càng cúi xuống, Cô càng cao lên trong sự ngưỡng mộ của mọi người.

Với tất cả những đức tính hiếm có đó, ai cũng tiếc thương lặp lại ngàn lần: Cô là một bậc Ni lớn. Đời tu hành của Cô, vững chắc trên niềm tin của Đại thừa và trong an vui của Thiền; là câu trả lời bình thản – và quá đẹp - của Phật giáo Việt Nam trước những tranh luận gay gắt của thời đại, nhất là ở Âu Mỹ về vấn đề nam nữ. Giữa nam và nữ, đạo Phật tuyên bố bình đẳng, tuy giới tu có khác nhau. Bình đẳng? Đạo Phật đã giải phóng cho phụ nữ. Nhưng ngay trong hai chữ “giải phóng” đã hàm chứa ý niệm phân chia. Chưa kể những ràng buộc xã hội, sinh lý, khiến nam và nữ, dù có bình đẳng tuyệt đối vẫn không giống nhau. Muốn giống nhau, cả về mặt tánh lẫn mặt tướng, về bản chất lẫn hiện tượng, chỉ có cách duy nhất là thực hiện triệt để khẩu hiệu mà phong trào nữ giới chủ nghĩa ở Mỹ thả bay như bươm bướm trong những năm bảy mươi: “kill man!”. Nhưng có chắc giết đàn ông thì vấn đề nam nữ sẽ được giải quyết rốt ráo? Hay là phải tìm chìa khóa trong hai chữ sau đây của Tổ Bồ Đề Đạt Ma? Tôi định bụng sẽ hỏi ý  trong dịp hè sắp đến, nhưng Cô đã đi mất rồi!

Lương Vũ Đế hỏi Bồ Đề Đạt Ma:

-          Ý nghĩa cao nhất của Phật pháp là gì?

Bồ Đề Đạt Ma đáp:

-          Trống rỗng, chẳng có cái gì là cao.

Vua lại hỏi:

-          Vậy ai đang ngồi trước mặt ta đây?

Đáp:

-          Không biết.

Đưa hai chữ “không biết” cao siêu của Tổ vào đây, tôi ý thức được sự nông cạn của tôi. Nhưng ai rốt ráo hơn ai, “kill man” hay là “không biết”? Tổ không biết cả Tổ, nói gì đàn ông với đàn bà! Tôi dựa thêm và kinh Pháp Hoa để nắm vững chìa khóa trong tray. Phẩm 14, Phật dạy Văn Thù:

“Trong thời kỳ dữ dội sau này, muốn diễn giảng Pháp Hoa thì phải đặt mình vững chắc vào trong bốn cách sống yên vui”. Một trong bốn cách là “thường ưa ngồi thiền, ở chỗ không bị quấy nhiễu, tập trung mà sửa chữa tâm mình”. Rồi sao nữa? Rồi xét sự vật là không, thấy thật tướng các sự vật là “không thác loạn, không dao động, không suy thoái, không chuyển biến … không phát sinh, không xuất hiện, không nổi dậy, không danh từ, không khái niệm … không số lượng, không giới hạn, không trở ngại, không ngăn cách … chỉ do tương quan mà có”.

Dạy “không” như vậy rồi, Phật mới nói tiếp:

“Cũng không phân biệt

Này đây là nam

Này đây là nữ”

Cô Trí Hải gọi sư mẫu của Cô, Sư bà Diệu Không là Thầy. Thiện nam tín nữ gặp Cô, gọi Cô là Sư, chỉ thân thuộc mới gọi Cô là Cô. Người đang sống yên vui diễn giảng Pháp Hoa kia là Ni hay Sư? Ai thàng Phật trong kinh Pháp Hoa, đàn ông hay long nữ? Mà long nữ lại thành Phật rất nhanh, chỉ trong chớp mắt:

“Bấy giờ, long nữ hai tay nâng viên ngọc hiến lên Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhận liền. Long nữ thưa: ‘Đem thần lực của các ngài nhìn sự thành Phật của con thì sự ấy còn mau hơn việc này’”.

Phụ nữ cũng có thể thành Phật là xác quyết của chính Phật. Thân xác nam nữ không phải là cản trở, nữ biến thành nam trong Pháp Hoa, nam chuyển thành nữ với Quán Thế Âm bồ tát. Thông hiểu kinh sách thâm sâu, hành thiền chuyên cần, tinh tấn, còn ai biết sống hơn Cô trong chữ “Không” của Pháp Hoa để đối đãi trọn vẹn với giới luật? Cô để lại hình ảnh một bậc Ni toàn vẹn mà Phật giáo Việt Nam tự hào, hình ảnh đẹp và thanh thoát của một hành trình đi vào chữ “Không”. Trước chữ “Không” đó, đâu là tăng, đâu là ni; có ai cao, có ai thấp; có ai giống, có ai khác? Kinh Duy Ma, kinh Thắng Man tuyệt vời trên quan điểm này. Tôi chỉ xin được thêm ở đây một kinh ít người biết, rốt ráo hơn cả Pháp Hoa, đưa sự “không phân biệt” của Pháp Hoa đến mức tận cùng: kinh Hải Long Vương, mà tôi muốn đọc vài câu trong niềm tưởng nhớ Cô Trí Hải.

Phẩm 14: “Ngài Ca Diếp nói với long nữ Bảo Cẩm và các long nữ khác: ‘Vô thượng chánh giác rất khó thành đạt, không thể dùng thân nữ để thành Phật được’ Bảo Cẩm thưa: ‘Nếu người nào đêm tâm vốn thanh tịnh thực hành bồ tát thì thành Phật không khó. Người ấy phát đạo tâm, thành Phật như thấy lòng bàn tay… Nếu nói rằng không thể lấy thân nữ để thành Phật thì thân nam cũng không thành Phật được. Tại sao? Vì đạo tâm đó không nam, không nữ. Tai, mũi, miệng, thân, tâm cũng thế, không nam, không nữ…’”.

Cô Trí Hải đang cười tôi lý luận. Lý luận là chưa tu. Cô đã vượt trên lý luận rồi. Như thế, giòng sông đã êm xuôi ra biển.

 

 

 

SƯ CÔ TRÍ HẢI KHÔNG CÒN NỮA

Nguyễn Tường Bách

 

Thiền viện Vạn Hạnh trên đường Nguyễn Kiệm tại thành phố Hồ Chí Minh là một tòa nhà uy nghi to lớn. Bên cạnh thiền viện là một con hẻm nhỏ dẫn đến một ngôi chùa khiêm tốn, được gọi là tịnh thất của các tỳ kheo ni. Mỗi lần khách bấm chuông lại thấy một ni cô tuổi còn trẻ chạy ra cẩn thận hỏi tên khách mới mở cửa.

Kể từ hơn mười lăm năm nay, mỗi lần về thăm nhà tôi đều đến đó bấm chuông để tìm gặp và thăm Sư cô Trí Hải. Thường thì tôi đến buổi sáng hơi muộn giờ, ngồi chưa đầy một tiếng đã thấy nhà chùa chuẩn bị thọ trai nên tôi xin về. Tuy thời gian không nhiều nhưng mỗi lần tôi vẫn cảm nhận một thiền vị nhẹ nhàng, quên hẳn mình đang ngồi không xa đường Nguyễn Kiệm ồn ào đầy tục lụy của những hàng quán gần đó. Ngồi ngoài sân chùa, tôi thường được nghe tiếng tụng kinh trong trẻo và đầy khí lực của các vị ni và nhất là được nghe Cô Trí Hải đàm luận Phật pháp. Từ lúc ban đầu tôi đã gọi Cô bằng “cô” và về sau giật mình khi nghe các vị ni khác cũng như các vị cư sĩ đến thăm đều gọi Cô bằng “sư”. Thế nhưng đã lỡ thì tôi cho lỡ luôn và hình như Cô cũng không quan tâm gì đến việc xưng hô.

Thời gian trước khi gặp Cô tôi đã biết Cô là một tu sĩ Phật giáo xuất sắc, giỏi ngoại ngữ, giỏi viết văn, dịch sách, yêu văn thơ. Nghe tôi dịch sách Phật, Cô tặng tôi cuốn từ điển Pali-Việt do Cô soạn. Hồi đó cuốn từ điển đó được đánh máy trên giấy pelure mỏng dính. Trong những năm tám mươi, tôi chưa kịp mong Cô đi học đánh máy vi tính thì ngày nọ nghe Cô nói:

-     Thì ra cái máy vi tính hắn cũng giống tâm người.

-          Giống chỗ nào Cô?

- Mình ở trong một cái file nào thì mình không thể erase nó. Mình ra khỏi file thì mới erase nó được.

- Thì giống chỗ nào?

-     Tâm cũng thế thôi. Đang giận thì khó biết mình đang giận lắm, khó ra khỏi lắm.

Thì ra Cô đi học vi tính để viết lách mà Cô  cũng không quên Phật pháp. Tôi nghiệm ra rằng Cô sống trong nhận thức luận của Phật pháp nên không có chuyện “quên” hay “không quên”. Mỗi lần ghé thăm tôi đều mang theo ít chocolate, thực tế là tôi không biết đem theo vật gì ngoài thứ đó. Có lần Cô nói:

- Cứ mỗi lần anh về thì tôi thấy mình như con nít, được chocolate.

Thực tình tôi không biết Cô bao nhiêu tuổi và thấy không có gì quan trọng để hỏi. Tôi chỉ thấy Cô thực dẻo dai, đi cứu trợ đường xa dài ngày không biết mệt. Nhìn quanh thấy nhà chùa chất đầy mì gói, tôi hỏi Cô:

- Sao Cô không đem tiền phát cho khỏe, đem phẩm vật vừa cồng kềnh, vừa mua bán mất công?

- Biết thế nhưng cho tiền, đàn ông họ lấy đi nhậu hết cả, vợ con không còn gì. Cuối cùng mì gói vẫn hơn.

Thì ra đi cứu trợ mà cũng có chiến thuật chiến lược hẳn hoi. Thời gian giữa các lần cứu trợ, Cô dùng để nhập thất hay dạy học, viết lách, dịch thuật. Ngày nọ, tôi nói với Cô:

- Thưa Cô, con tìm được một chữ dịch cho từ appearance hay lắm. Chữ đó ta nên dịch là “trình hiện”.

- Hay chỗ nào?

- Đó, thì sự vật “trình hiện” lên đúng như tâm thức của ta. Đúng quá chứ còn chi nữa.

- Tôi thì dịch là “giả tướng”.

- Thưa Cô, trong chữ “giả tướng” có chữ “giả”. Mà nói “giả” tức là ta phê phán rồi. Ta không được phê phán, ta phải khách quan.

Cô cười khanh khách. Tôi không rõ tại sao lần đó Cô cười lớn. Cô thú vị điều gì? Tôi nghiệm ra rằng chỉ đối với Cô Trí Hải tôi mới mạnh dạn nói những điều tôi nghĩ. Tôi đã từng gặp các vị tu sĩ khác và ít có những cuộc đàm luận tự nhiên và bình đẳng như với Cô. Một điều đặc biệt nữa là Cô biết lắng nghe. Có lẽ đó là điều mà Cô học của Hòa thượng Thiện Siêu. Thầy Thiện Siêu và Cô là hai người mà tôi được gặp, hai vị tu sĩ chịu lắng nghe những ý kiến của một người tại gia sơ cơ như tôi.

Đời sống xã hội của Cô có nhiều phiền toái, Cô cũng chịu lắm điều khổ nạn. Ngày nọ Cô nói với tôi:

- Tôi mong kiếp sau sẽ được tái sinh ở cõi Phật A-Di-Đà. Tôi không muốn làm kiếp người nữa.

Cô nói với một giọng thanh thản và vững chắc. Tôi không ngạc nhiên lắm mặc dù thông thường Cô ít nói về cõi Cực lạc phương Tây. Phải thôi, kiếp của một ni sư trong đời làm người thật là khó khăn, nhất là khi trên thế giới bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Con người phải kiên quyết lắm, nghị lực lắm mới vừa giáo hóa học trò, vừa đi cứu trợ, vừa sống trong thế gian tục lụy, vừa trau dồi Phật pháp, vừa tự mình sáng tác, vừa dịch thuật và giới thiệu kinh sách. Ai đã từng sống ở thành phố Hồ Chí Minh ồn ào hẳn phải biết đây thật là một điều bất khả. Ngày nọ Cô nói:

- Anh biết không, Ngài Đạt-Lai-Lạt-Ma có thần thông đó nghe.

- Thiệt không Cô, sao Cô biết?

- Cách đây không lâu tôi có viết thư cho Ngài xin một tấm hình. Không ngờ, không những Ngài gửi cho một tấm hình mà còn có cả chữ ký nữa. Vừa rồi đây, tôi dịch một tác phẩm của Ngài và nguyện chỉ uống nước thôi, không ăn suốt mười ngày để dịch cho xong. Tôi để tấm hình của Ngài trước mặt và quả nhiên không hề thấy mệt mà còn khoẻ lên nữa.

Sau đó Cô gọi người đem tặng tôi một chồng sách do Cô viết và dịch, trong đó có tác phẩm nọ của Đạt-Lai-Lạt-Ma. Cô lắng nghe tôi kể đã gặp Ngài tại Bonn và lời tôi tâm sự, sao giọng của Ngài nghe rất quen thuộc đối với tôi. Cô muốn nói điều gì nhưng cuối cùng giữ im lặng.

Ngày nọ trên đường từ Tây Tạng về, tôi “gùi” trong ba-lô một bức tượng của Bồ-tát Văn Thù đem đến cúng dường trong chùa. Tôi biết tuy Cô mong thác sinh về cõi Cực Lạc nhưng con người của Cô không phải chỉ chuyên tâm niệm Phật mà là người lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Thế nên Văn Thù tay cầm kiếm bén chém màn vô minh phải là tính cách của Cô. Và quả như thế, nội dung của các câu chuyện giữa Cô và tôi đều thuộc về nhận thức luận, lý giải cảnh đời, cảnh người, tác động của nghiệp, về các bậc thầy đã xuất hiện trên thế gian trong thế kỷ XX. Ngày nọ Cô nói:

- Đau răng mới biết rõ ý nghĩa của vô ngã!

- Răng cỏ với vô ngã ăn thua gì đâu Cô?

- Khi răng không đau thì mình không để ý tới hắn, coi như không có. Khi hắn lên tiếng là có chuyện. Cũng thế, nếu mình vô ngã thì môi trường xung quanh mình sẽ rất dễ chịu. Còn mình lên tiếng “có tôi đây” thì có chuyện ngay. Bởi vậy, muốn lành mạnh là vô ngã, vô ngã là lành mạnh.

Lần nọ tôi kiếm thăm Cô và kể chuyện vừa đi chiêm bái Linh Thứu ở Ấn Độ về. Cô chăm chú nghe và mừng cho tôi được đi thăm các thánh địa. Tôi hơi có chút xấu hổ vì kẻ nhập môn như mình mà đã được đi chiêm bái, còn Cô thì chưa. Trong giọng nói của Cô tôi nhận ra có một niềm mong ước rất lớn được đi thăm dấu chân của Đức Phật.

Cách đây chưa đầy một năm, cuối tháng 12 năm 2002, Cô đưa chúng tôi về thăm tịnh thất tại Nhà Bè và Hóc Môn. Nhờ Cô mà tôi được gặp thầy Nhật Từ trong lần này. Thầy Nhật Từ gọi Cô bằng “Ni trưởng” hết sức trân trọng, còn tôi xưng hô cứ như cô cháu trong nhà. Nhà Bè là một cơ sở nuôi dạy các cháu mồ côi, nay đã khang trang. Còn Hóc Môn là một ngôi chùa khiêm tốn mới xây, có phòng giảng pháp và lớp cho trẻ em học. Đất ở Hóc Môn do một đệ tử cúng dường để cho Cô có chỗ yên tĩnh để làm việc và nghỉ ngơi, xa bớt đường Nguyễn Kiệm bụi bặm. Chúng tôi ngồi uống trà trong một cái cốc lợp bằng tre lá, nghe tiếng gió bên ngoài xào xạc chen giữa các hàng cây. Tôi nói giọng cải lương:

- Bây giờ Cô cũng có một chốn để về rồi!

            - Tôi mà cũng có phước báo sao?

            Chúng tôi mỉm cười. Phước báo hiểu theo nghĩa nhà đất, tài sản thì đúng là xưa nay Cô không có và Cô cũng chưa bao giờ cần có. Bao nhiêu năm gặp Cô tại Nguyễn Kiệm chưa bao giờ tôi nghe Cô nói cần một cái gì, thậm chí chưa bao giờ Cô than “không có thì giờ”. Còn hiểu phước báo là tài năng và trí tuệ thì Cô có thừa và đang chia sẻ cho tăng ni sinh của Cô.  Trong dịp này Cô cho hay là được cấp lại hộ chiếu rồi. Tôi thầm mong có đủ nhân duyên để Cô đi thăm thánh địa và qua châu Âu thăm Phật tử một chuyến.

            Ngày 11.10 năm 2003 vừa qua, tôi lại bấm chuông nơi chiếc cửa sắt màu bạc của ngôi chùa nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm. Ni cô thị gi mở cửa cho tôi vào. Vị ni cô cho hay cách đây vài tháng Sư bị té ngã nằm nhà thương tưởng nguy hiểm tính mạng nhưng bây giờ lành rồi. Gặp tôi Cô tiếp câu chuyện tai nạn đó và kể:

            - Lúc tôi té xuống, thật tâm tưởng mình sắp chết, tôi hết sức vui mừng sắp thoát được kiếp người.

            - Thật sao Cô?

            Tôi ngẩn người nhìn Cô. Nhưng tôi liền nhớ ngay đến câu chuyện Cực Lạc phương Tây và tin là Cô nói thật. Đúng thôi. Đối với một người sống từ nhỏ trong Phật pháp như Cô thì sống chết có nghĩa gì, chết là đi từ một cảnh giới này qua một cảnh giới khác thôi. Tôi bỗng nhớ đến thân phận mình:

            - Cô được tự tại như thế chứ con thì không. Người tại gia bị vướng bận lắm Cô ạ. Vướng bận vợ con, nhất là con cái. Con không biết tới cái ngày đó mình sẽ ra sao.

            - Ừ thì tại gia xuất gia chỉ khác nhau chỗ đó.

            Cô nói nhỏ tiếng. Tôi ngẫm nghĩ một lát:

            - Nhưng nếu cho con được ước nguyện thì con không thích về cõi Cực Lạc. Con thích về cung trời Đâu Suất nghe Đức Di-Lạc giảng pháp hơn.

            - Anh coi chừng về Đâu Suất thì phải nhớ Đâu Suất nội viện nghe.

            - Đâu Suất mà cũng có nội ngoại sao Cô?

            - Có chứ. Ngài Di-Lạc ở Đâu Suất nội viện, còn Đâu Suất ngoại viện chỉ là vòng ngoài vui chơi hưởng lạc thôi.

            Thấy tôi cười, Cô nói tiếp:

            - Thì cũng như có người tới chùa không vô nội điện lạy Phật mà chỉ ở vòng ngoài ăn cơm chay thôi.

            Tôi càng cười lớn tiếng. Tôi ghé qua nội điện của chùa thì thấy tượng Văn Thù “của tôi” được thờ ở đó, nhưng lại có thêm bức thứ hai. Cô nói có một Phật tử ở Hồng Kông cũng thỉnh về một bức Văn Thù cho Cô. Cô nói trí tuệ thì không bao giờ đủ. Thứ bảy hôm đó Cô hẹn tuần sau tôi đến trình bày đề tài “Sự tái sinh trong quan điểm ca đạo Phật":

            - Bắt đầu 6 giờ đó nghe. Anh dậy sớm nổi không?

            - Dạ được chứ!

            Tôi mạnh miệng như thế chứ không ngờ tăng ni sinh ca Cô bắt đầu khóa học sớm như vậy. Tuần sau, ngày 18.10, tôi dậy 5 giờ sáng, lần đầu tiên tôi cả gan đi giảng bài cho môn đệ của Sư cô Trí Hải. Đường từ quận 5 đến Nguyễn Kiệm khá xa, xem như chạy từ đầu này qua đầu kia của thành phố. Đến nơi đúng 6 giờ thì các vị tăng ni sinh đã ngồi đầy sân, có vài vị cư sĩ do Cô thân hành mời riêng. Tôi bắt đầu buổi trình bày và thấy Cô ngồi tuốt đàng sau, gần các vị cư sĩ. Sau này mới biết Cô chu đáo ngồi xa nhất để xem người ngồi sau có nghe rõ. Trong phần trình bày tính chất của ý chí và ước nguyện, nói rằng những niệm lực này có thể tồn tại từ đời này qua kiếp khác, tôi lấy thí dụ:

       - Ví như đời này ta có ước nguyện đi hành hương đất Phật mà chưa đủ điều kiện thì ước nguyện đó vẫn tồn tại và đợi nhân duyên hình thành, đời sau hay đời sau nữa sẽ thực hiện được.

            Tôi bất giác nhìn Cô, thấy Cô mỉm cười gật đầu. Tôi cảm nhận có một sự rúng động nơi Cô. Ngờ đâu, đó là lời thưa gởi cuối cùng của tôi đối với Cô.

            Chưa đầy hai tháng sau, chiều chủ nhật 7.12, tôi đọc một điện thơ của một người bạn cho hay Cô dã bị tai nạn từ trần. Nửa tin nửa ngờ, tôi gọi ngay về Nguyễn Kiệm. Một ni cô giọng đầy nước mắt xác nhận hung tin kinh hoàng đó. Sau khi viết thư báo tin cho thầy bạn, tôi tự hỏi năm nay Cô bao nhiêu tuổi. Trước sau, tôi vẫn không biết đến tuổi Cô.

            Tôi vào Google, gõ từ “Trí Hải". Vô số tài liệu mang tên Cô hiện ra. Tôi lạc vào một website nọ và chợt thấy tác phẩm “Tấm bất sinh”, ngữ lục của thiền sư Bankei, Việt dịch Thích Nữ Trí Hải. Tôi đọc lại “ghi chú của người chuyển ra Việt ngữ” và nhận ra lại văn phong nhẹ nhàng, lấp lánh trí tuệ của Cô. Chiều nay lời văn vô cùng sống động như Cô đang trực tiếp nói với tôi. Tôi đọc lại Bankei và chợt thấy lời dạy của Ngài thật giống với Krishnamurti, một người mà Cô Trí Hải cũng vô cùng quý trọng và đã dịch khá nhiều.

            Khi tôi đọc xong thì bên ngoài trời đã tối. Cô ra I đã hơn 6 tiếng đồng hồ rồi. Cõi nhân sinh lại vắng thêm một người đầy tài năng, đức hạnh và nhiệt tâm phục vụ con người và đạo pháp. Ôi, những con người này càng ngày càng ít ỏi. Tôi lại không tìm thấy số tuổi của Cô vì mãi đọc Bankei nhưng bây giờ điều đó không còn quan trọng nữa. Tâm bất sinh thì làm gì có tuổi. Tôi đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Trăng 14 rực sáng trong một bầu trời hoàn toàn không mây hiếm có của mùa đông châu Âu. Ánh trăng dường như có màu xanh, in rõ bóng đậm của mái nhà trên vách tường. Tôi đang đau buồn nhưng biết đâu Cô đang tiêu dao cùng trăng sao? Cô chẳng đã nói “vui mừng sắp thoát được kiếp người” ư?

            Nghĩ lại thì ra trước khi chia tay, tôi kịp thưa gửi Cô một câu chuyện hành hương, còn Cô kịp nhắn gửi cho tôi một câu về lòng “vui mừng”. May cho tôi được nghe câu đó, nếu không thì lòng tôi bây giờ đau xót đến bao nhiêu. Thế nhưng vẫn xin hỏi Cô, Cô có nhất định muốn thác sinh về cõi A-Di-Đà hay cuối cùng Cô “đổi ý” tái sinh làm lại kiếp người để tiếp tục giáo hóa và để đi thăm thánh địa?

NTB

9.12.2003

 

 

 

 

IN MEMORIAM

 

Để vĩnh biệt Ni sư Thích Nữ Trí Hải

Thế danh Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh

(1938-2003)

 

            Tin đến thật đột ngột và bất ngờ. Tôi về nhà muộn, tối ngày 8 tháng 12, 2003, thì được vợ chồng bác sĩ Vũ Đình Minh báo cho biết là Ni cô Thích Nữ Trí Hải ở Việt Nam vừa bị một tai nạn lưu thông, làm chết ngay trên đường ở Long Khánh, khi từ Phan Thiết trở về.

            Tôi không muốn tin, vì Cô Trí Hải – mà tôi biết từ hơn 30 năm trước đây và vẫn thường chỉ gọi là Cô tại trong đạo không có thời gian, không có chức tước – Cô Trí Hải bị gãy xương sống mới mấy tháng trước, còn chưa hồi phục, ngồi lâu còn chưa được, lẽ đâu lại đã dám đi Phan Thiết để bị tai nạn xe. Không muốn tin nhưng cũng phải tin, vì ngay sáng hôm sau, phối kiểm lại với Mai Hương, đệ tử của Cô ở Gardena không xa lắm, được Cô giao cho việc quảng hóa đã từ 9 năm nay tập nguyệt san Tuệ Uyển, mà Cô ẩn danh để chủ trương, thì được biết rõ chi tiết tai nạn thảm khốc và phi lý đã lấy đi, không những một vị chân tu và tài nữ đã làm vẻ vang cho dân tộc và đạo pháp Việt Nam trong thế kỷ đau thương này, mà còn một vị sư nữ và ba Phật tử  nữa, trên con đường vô tận để cứu khổ cứu nạn của Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Rồi suốt mấy ngày sau, những tin tức qua các làn sóng vô sắc từ Washington, từ Pháp, từ Đức, từ Nhật đổ vào tim, vào đời của kẻ sống tha hương này, cũng vẫn chỉ tin ấy như thể là tất cả thế giới của người Việt ngoài nước Việt cùng đang bàng hoàng và rung động trong cùng một niềm thương cảm và nhớ tiếc.

            Trong khuôn viên của trường Đại học Vạn Hạnh mà tôi đến thường xuyên trong những năm đầu của thập niên bảy mươi, nhưng chỉ thoảng qua như những cơn gió quái, mỗi tuần một giờ để giảng về những về những môn học không y khoa, cũng không Phật giáo như xã hội học, tôn giáo, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa Việt Nam, lịch sử tư tưởng Việt Nam. Có lẽ tôi cũng có thấy bóng hình của người Ni cô ấy, mình thanh mảnh mà vững vàng, khoan thai mà vẫn nhanh nhẹn, đi lại trong sân hay những hành lang của trường giữa khu hành chánh và các lớp học, như một sinh viên chưa có tên, chưa có tuổi. Đó là hình ảnh của một người lý tưởng trong nhãn giới của Phật giáo, một mặt hồ thu trong suốt không gợn sóng, một bầu trời xanh mát không một vẩn mây. Một người mà trái tim đã thoát ra ở cõi chân không trong khi chúng sinh khắp nước còn đang ngụp lặn trong vũng lầy xương máu của những ý hệ bánh vẽ.

            Bẵng đi cả năm tôi không thấy Cô trên cái sân vuông nhỏ của trường hay những hành lang hẹp giữa các lớp học, nhưng cũng chẳng để ý gì đến một sự vắng lặng không liên quan trong một tổ ong đang cuồng nhiệt làm mật. Cho tới một bữa, Thượng tọa Viện trưởng, Thầy Minh Châu, yêu cầu tôi lên diễn đàn lớn của viện để thuyết giảng trong ngày Phật đản về một vấn đề cực khó mà tôi chưa hề rằng có thể có ai dám tưởng là mình hiểu biết được một mảy may. Thượng tọa muốn tôi nói về cốt tủy của giáo pháp trong thời Đức Phật. Tôi thoái thác, Thầy nài nỉ, tôi khước từ, Thầy nhất quyết. Và cuối cùng không trốn được, tôi đành nhận. Và vì không biết gì, tôi phải vào thư viện Vạn Hạnh để tìm tài liệu.

            Và tôi được gặp lại Ni cô Trí Hải. Cô vẫn nhỏ nhắn, Cô ngồi trên một cái ghế gỗ, bên một cái bàn ở gần cửa ra vào, như trong Đại Tạng kinh Đức Thế Tôn dạy các môn đồ trong Tăng già, “ngồi kiết già, lưng thẳng, quan sát sự an tịnh của mình”. Nhưng Cô không đang thiền định. Cô đọc sách hay đọc kinh và chính định khi đọc. Cô đọc mà tọa thiền, Cô đọc mà tham thiền và nhập thiền.

            Tôi lại gần và xin lỗi, rồi hỏi Cô v phòng của Thủ thư. Cô trả lời: “Thưa bác sĩ, là tôi”. Tôi giật mình, không phải vì Cô biết tôi, mà vì trong cái kinh nghiệm cũng đã già dặn về các thư viện trên thế giới, ở Pháp, Đức, Anh, Nhật, người thủ thư bao giờ cũng là một vị học giả tuổi cao đức trọng, với một sự hiểu biết thông cổ quán kim, mà học giới trong nước phải tôn kính và khó có ai có thể đến gần được, nếu không có lời giới thiệu của một tôn giả có uy danh về một vấn đề nghiên cứu khó khăn còn bế tắc. Tôi nhớ lại một truyền thuyết đã gần hai ngàn năm tuổi rằng chùa Thiếu Lâm ở Thất Sơn có một tàng kinh các để trên một đỉnh núi cao. Nhà sư được cử lên để quét dọn và trông nom kinh sách bao giờ cũng là người chỉ đứng sau có Phương trượng về chức vụ và về trí tuệ thì thâm sâu không ai lường được.

            Tôi trình bày với Cô về vấn đề nan giải mà Thượng tọa Minh Châu đòi hỏi ở tôi, và sự rỗng không trong trí óc của tôi về giáo lý. Tôi cần tìm đọc để có một chút hiểu biết. Cô dẫn tôi vào những hàng sách dựng đứng song song trong một từng của viện, như những hàng kẻ của một cuốn vở chép nhạc, hay những luống của một cái máy cày khổng lồ trên mặt nông trường bát ngát, ở trên xếp đều đặn ngay ngắn những sách gáy da trang nghiêm, với những giòng chữ hoa mỹ thếp vàng; đây là chữ Pali và Sanskrit như những rặng cây trồng rể nổi rắn uốn khúc, nọ là chữ Hán vuông vắn, kính cẩn và khắc khổ, rồi chữ Nhật vung vẫy, tài hoa nhưng vẫn khuôn phép, chữ Tây Tạng thanh thản, tĩnh tịch và ảo huyền. Có những ô sách, tôi phải đọc bảng chú mới biết là chữ Miến Điện, Tích Lan hay của một dân tộc không còn trong cõi vô thường thuộc Trung Á xa xưa. Trong cõi ta bà của loài người, đạo Phật đã đến những vùng đất đôong người và những sa mạc không có một ngọn cỏ, những làng mạc chỉ có cỏ bồng và những ngọn gió phủ phàng trãi bong cỏ ra xa ngoài ngàn dặm. Rồi đến những sách của thế giới hiện đang nắm vận mệnh của loài người, mà đạo Phật đang thâm nhập, nhưng mới ở tầng trí thức cao nhất, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nga, đem Trung Đạo vào đứng giữa những chủ nghĩa vô thần và những tôn giáo độc thần. Rồi đến Việt Nam. Sao mà nghèo nàn, èo uột! Sao mà khổ ải, điêu linh! Với cái công khai quốc và khai sáng, sau hai ngàn năm hoằng đạo với Sư Khuông Việt và Sư Vạn Hạnh, mà sao lèo tèo chỉ có ngần này cuốn sách tiếng Việt trong một thư viện Phật học, đương nhiên là nơi chứa đựng tinh hoa cao quí nhất của Phật giáo và của cả quốc gia?

            Đang trầm ngâm khóc thầm cho sự suy vi của tôn giáo có thể gọi là quốc giáo trong thời độc lập Lê, Lý, Trần, trong khi trên khắp thế giới những con hạc trắng đội kinh Phật đang bay đi gieo rắc những lời lành của Thế Tôn đến những đất tuyệt đỉnh văn minh của nhân loại đương thời, tôi bỗng bừng tỉnh khi Ni Cô thủ thư của thư viện hỏi tôi: “Bác sĩ đã có ý nghĩ gì chưa?”.

            Tôi trả lời: “Cốt tủy của giáo lý? Tôi nghĩ rằng không có ai có thể biết được, ngoại trừ chính Đức Phật. Những ngày cuối cùng của Đức Phật, chắc Ngài có nói lại cho các môn đồ trước khi Ngài nhập Đại bát Niết bàn. Nhưng kinh sách như rừng biết tìm đâu cho thấy được trọng tâm của rừng rậm vô biên; trí tuể của Đấng Vô thượng như biển cả, làm sao mà đúc lại được thành một giọt tinh túy?”

            Ni cô nói: “Bác sĩ tìm trong kinh tạng xem. Thượng tọa Viện trưởng đã dịch được hết Trường bộ. Thư viện có bản Anh văn của cả Tam Tạng, bản Pháp văn và Đức văn cũng có. Bác sĩ cần phần nào xin lấy về mà xem”.

            Tôi vào sổ rồi bưng sách ra cỗ xe tám ngựa của tôi mà về, nghĩ đến cuộc thỉnh kinh ở Tây Trúc xưa của Nghĩa Tịnh và Huyền Trang qua ngàn nguy vạn khó mà rùng mình. Rồi trong những đêm thanh vắng sau đó, dưới ánh sáng của một trăm hai mươi ngọn nến trong cái bong bóng thuỷ tinh, tôi nhận từ nguồn những lời trong và mát như nước suối, cứng và sắt như kim cương, hiền và dịu như lòng mẹ, của Đức Như Lai vô cùng thánh thiện. Và được nghe thấy Ngài tha thiết nói với các môn đồ, có Ananda rầu rĩ, khắc khoải, nghi hoặc quì bên. Ngài nhắc lại Bát Chánh đạo, từ Chánh kiến đến Chánh định, là cốt tuỷ của đường Thanh Văn, và bảo rằng, “Mỗi người là một vị Phật đang thành”, là tinh túy của Bồ Tát đạo rồi Ngài nhắm mắt nhập sơ thiền lên thiền vô sắc mà vào cõi Đại bát Niết bàn ở ngay đây và khắp nơi trong ba ngàn vũ trụ.

            Trong ba năm liền, tôi gặp lại Ni cô trong thư viện, mỗi năm một vấn đề mà tôi phải giải đáp cho tôi, để rồi nói lại cho các đồng đạo hữu học nhưng vẫn cầu học, tu tập như chư thiên và bồ tát trong đại giảng đường của Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm đầu tôi đã thưa, tôi phải nói về cốt tủy của giáo lý. Năm sau tôi bị yêu cầu nói về tư tưởng Cổ Ấm trong thời Đức Phật và nhờ thế, tôi đọc kỹ kinh Phạm Võng (Brahmajala) và hiểu được những im lặng của Thế Tôn. Năm cuối cùng tôi phải nói về Đức Phật và sự cải tạo xã hội. Tôi hiểu ra trong ánh sáng chan hòa, rằng lời dạy của Phật tổ là cho chúng ta trong thế giới của ngày hôm nay, và tôi viết cuốn “Đức Phật giữa chúng ta” để trình bày tư tưởng cứu khổ cứu nạn của Đấng Từ phụ.

            Trong những năm tháng cực kỳ chứa đựng ấy, tôi được biết rằng Ni cô có pháp danh là Trí Hải, “cái bể trí tuệ”, trước đây đã du học ở Hoa Kỳ, và là giáo sư Anh văn bậc trung học. Sinh trưởng trong một gia đình quí tộc nổi tiếng trên thi đàn cỗ văn, Cô đã dùng tên thực là Phùng Khánh cùng với em là Phùng Thăng dịch một tiểu thuyết triết lý có tính cách một thi phẩm trữ tình (roman lyrique philosophique) của Hermann Hesse có tựa đề là Siddhratha, từ nguyên tác tiếng Đức, sang Việt ngữ (Câu chuyện giòng sông). Sau đó là tiểu thuyết nổi danh Catch 22 của Hoa Kỳ.

            Nhưng rồi Cô từ bỏ hết và xuất gia đi tu, thụ giáo Sư bà Diệu Không. Khi thành lập đại học có tên là Vạn Hạnh để vinh danh vị thiền sư đã nuôi dưỡng và giáo huấn Lý Công Uẩn, vị vua mồ côi sáng suốt và nhân từ bậc nhất của lịch sử Việt Nam, Cô Trí Hải, vì thành tích văn hóa của Cô, được gọi về để làm giảng sư ngoại ngữ của trường, đồng thời làm Tổng Thư ký cho viện. Nhân dịp này, Cô lại được truyền thụ cái học uyên bác của Thượng tọa Viện trưởng và học thêm hai Phạn ngữ Pali và Sanskrit, trước khi nhận lãnh công việc Thủ thư Thư viện Đại học.

            Những công quả của Cô trong Phật sự và giáo dục đã được Chư tôn Đức biết rõ cả đến những việc không tên đầy nghĩa Thiền của Cô, như việc Tổ Huệ Năng giã gạo chứng và nói ra.

            Tôi chỉ kể qua cuốn “Câu chuyện giòng sông”, một tuyệt phẩm rất thâm sâu và khó của nhà văn thi sĩ Hermann Hesse mà Cô đã dịch từ nguyên văn tiếng Đức khi mới rời ghế nhà trường. Bản dịch của Cô đẹp và chân đến nỗi người đọc có thể đọc đi đọc lại mà vẫn thấy như là một nguyên bản tiếng Việt với lời văn chải chuốt, tự nhiên, khá thơ mộng. Khi người đọc nhận được cái thông điệp cao cả của sách đã từ bỏ được sự vô nghĩa của đời sống hưởng thụ không phải là ít.

            Sau cuốn Bắt trẻ đồng xanh (Catch 22), Cô Trí Hải để hết tâm trí vào việc dịch các tác phẩm Anh văn của những bậc chân tu ngoại quốc. Trong cái nhìn hời hợt của số đông, người ta thấy Cô đi từ Tiểu Thừa chính thống của phái Trưởng lão (Đạo Phật, Con đường thoát khổ) đến sự thanh thoát của Thiền Môn (Tâm bất sinh) và những giáo pháp Tâm Ấn của Mật Tông. Và Cô không quên hoàn thành bản dịch cuốn luận án rất thông bác của Thầy Minh Châu, so sánh Trung Bộ kinh Pali với Trung A Hàm Hán văn. Tủ sách Phật giáo Việt Nam đời nay được giàu thêm với những công trình cao quý của Cô. Tôi hiểu rằng trong đời, Cô đã được dẫn từ con đường lớn của Bồ Tát sang Đạo Thanh Văn, rồi lại tu học từ Thanh Văn đạo sang Bồ Tát đạo của Đức Quán Âm, và Cô đã thực hiện Pháp Hoa Chân Kinh không phân biệt.

            Nhưng rồi một đêm tháng tư, đất trời điên đảo, Viện Đại học Vạn Hạnh phải đóng cửa, thư viện Đại học bị niêm phong, trí tuệ bị bế tỏa và trung cổ thời đại lại hiện ra giữa đương thời như một mặt trời đen đứng vững trên đỉnh đầu là đứt cả giòng thời gian.

            Ít lâu sau, được tin Cô Trí Hải cùng hai vị sư mà tôi kính trọng vì học vấn và đức hạnh cũng như về từ tâm và lòng yêu nước, đã bị bắt giam vì có âm mưu khuynh đảo… Khuynh đảo cái gì? Ba người ấy dầu có hợp sức, cũng không đủ để khuynh đảo một nồi cháo; còn trí óc thì tuy có đủ nhưng trước sau chỉ hướng về giáo pháp của Đức Thế Tôn, làm sao có thể đứng trước quảng đại quần chúng, nói về Độc lập, Tự do, mà làm cho mọi người tin thực mà theo?

            Dưới mệnh lệnh chính trị, toà án đã lên án ba người. Dưới áp lực quốt tế, toà án lại giảm án ba người.

            Cô Trí Hải trở về chùa và trở lại với những hoạt động xã hội và giáo dục của Cô dưới sự trông nom của chính quyền. Trong năm qua, Cô bị gãy xương sống và phải nằm mấy tháng; trong thời gian ấy, mỗi ngày Cô làm một bài thơ để cảm ơn những người đến thăm Cô. Cô chưa khỏi nhưng đã nhịn đau, từ Hóc Môn đi Phan Thiết để giúp đồng bào nghèo đói và trẻ em mồ côi ở vùng đất bị bỏ rơi ấy. Lòng từ vô úy của Cô đã được đáp lại bởi hành vi vô trách của một ông tài xế vội vã.

            Cùng với các Phật tử trên toàn thế giới, cùng với các bậc tri thức thiện tâm trong nước, tôi khóc Ni cô Trí Hải.

Trần Ngọc Ninh

(California USA)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/06/2013(Xem: 7243)
Tâm là của báu chí cao vô thượng, mà chúng ta lâu nay bỏ quên ít chăm sóc, lại chăm sóc thân nhiều hơn. Đa số thường lo chăm sóc thân, hoặc nhà cửa, xe cộ, ruộng vườn sự nghiệp bên ngoài, mà bỏ quên cái tâm. Đây là thiếu sót rất lớn. Tâm quý hơn những thứ đó, là linh hồn của cuộc sống. Nếu chúng ta sống thiếu tâm thì sự sống này thành sự chết. Tâm quan trọng như vậy nhưng ít ai quan tâm đến, bỏ qua chỗ quý báu này.
17/06/2013(Xem: 11188)
Từ Bi và Nhân Cách, Nguyên tác Anh Ngữ: His Holiness Dalai Lama , Việt dịch: Thích Nguyên Tạng, Diễn đọc: Tâm Kiến Chánh
14/06/2013(Xem: 8593)
Một vị giảng sư thành công là vị có kỹ năng và phương pháp. Với kỹ năng và phương pháp, vị giảng sư từng bước xây dựng cho mình sự tin tưởng nơi thính chúng, rèn luyện khả năng khơi gợi sự đồng cảm của thính chúng và khả năng trình bày mọi vấn đề hợp với luận lý. Vị giảng sư cần chuẩn bị cho mình một tư thế để luôn luôn thuyết phục được thính chúng đi đúng con đường của Đức Phật đã dạy hầu đem lại an lạc và hạnh phúc cho họ cũng như xây dựng một xã hội an lạc hài hòa.
10/06/2013(Xem: 12234)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống.
08/06/2013(Xem: 15269)
Mục đích có được thân người quý báu này không phải chỉ để tạo hạnh phúc cho chính mình, mà còn để làm vơi bớt khổ đau, đem lại hạnh phúc cho người. Đó là mục đích đời sống. Bạn có cái thân quý báu thoát được tám nạn[1] và có đủ mười tiện nghi để phục vụ kẻ khác. Ai cũng mong hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Hạnh phúc mà ta cần không chỉ là hạnh phúc tạm thời, mà là hạnh phúc tuyệt đối, thứ hạnh phúc tối thượng của giác ngộ. Khi đi phố chẳng hạn, người ta mua những thứ tốt nhất, bền nhất; cũng vậy, ai cũng muốn có hạnh phúc lâu dài nhất, cao quý nhất. Tùy theo sự hiểu biết của mình và mức hạnh phúc có thể đạt đến, người ta cố gắng đạt hạnh phúc tối thượng theo quan điểm mình.
07/06/2013(Xem: 11753)
Tháng 12 năm 2004, một cơn động đất dữ dội kéo theo những ngọn sóng thần khủng khiếp đã tàn phá không biết bao nhà cửa và giết chết khoảng hai trăm (200) ngàn người dọc theo bờ biển các nước Thái Lan, Nam Dương và Tích Lan. Ngoài vô số người chết và bị thương, thiệt hại về tài sản và hoa màu cũng không phải nhỏ; và cho đến giờ này các nước vẫn còn đang tái thiết những thiệt hại của 10 năm về trước. Chưa hết, mùa thu năm 2005, cơn bão Katrina đã tàn phá nhiều thành phố dọc theo vịnh Mễ Tây Cơ của Hoa Kỳ và chính cơn bão nầy cũng giết chết và làm bị thương rất nhiều người mà cho đến ngày nay chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa thể tái thiết trở lại. Trước những tai họa chung đó, nhà Phật gọi chúng là cộng nghiệp
05/06/2013(Xem: 9910)
Kiêu mạn (Màna) hay tâm lý kiêu căng tự mãn thường xem nhẹ người khác là một chứng bệnh của những con người nông nổi, ham thích danh vọng, nặng về cái tôi, ít rung cảm hay đồng cảm trước những cảm nhận khó khăn của người khác.
05/06/2013(Xem: 19226)
Từ “Công văn” trước đây được dùng trong công việc hành chánh của nhà nước gồm những văn kiện của các Bộ, Ty, Sở đối với chính quyền thuộc địa, hay dưới các chế độ quân chủ chuyên chế. Cho tới ngày nay không ai rõ từ này đã ảnh hưởng vào trong sinh hoạt Phật giáo từ lúc nào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]