Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hạt bụi theo về

11/02/201721:54(Xem: 4161)
Hạt bụi theo về

HẠT BỤI THEO VỀ

 

Là khách vãng lai của thế giới sinh tử thì gặp gỡ hay ly biệt là thường tình. Thế nhưng, cái lúc nhận được tin một người thân đột ngột lìa bỏ mình, là một giây phút cực kỳ khó khăn. Chấp nhận được vô thường với cõi lòng an nhiên thật là không dễ dàng gì bởi mất mát nào cũng là thương tích. Đôi mắt như sẳn đau niềm đau của kiếp người cũng ướt đẫm những dòng thương cảm, tâm hồn chới với thẫn thờ. Hôm nay, lại có thêm một người đã vẫy tay đi xa, thêm một tấm lòng thân cận cảm thông giã từ lên đường về theo hạt bụi, những hạt bụi tình cờ cho cuộc khứ lai: Ni sư Thích Nữ Trí Hải, con người thân thuộc của khung trời văn hóa Phật giáo Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX, gương mặt nữ tu thạc học mà tâm hồn gắn liền với những trang chữ long lanh diệu pháp, đã bất ngờ bỏ đời, để lại biết bao bùi ngùi xúc cảm trong lòng kẻ ở.

Tôi gặp Phùng Khánh khi cô mới vừa rời mái gia đình quý phái và thâm nghiêm bên bờ sông Hương để lên đường du học. Với dáng dấp đoan trang thanh nhã cộng với một tâm hồn mẫn cảm đã dẫn dắt người thiếu nữ hoàng phái đi vào thế giới sung túc của chữ nghĩa và không khí trí thức trầm mặc của hàng hàng kệ sách thư viện. Sống ở Hoa Kỳ những năm đầu 60 với cõi lòng ẩn mật rất Huế, khi về lại Việt Nam, cô đã ra mắt với người đọc quê hương hai bản dịch nổi tiếng là Câu chuyện dòng sông của Herman Hesse, và Bắt trẻ đồng xanh của Salinger, mà không lâu sau đó người đọc đều đã nhận ra gương mặt tuyệt vời của một dịch giả vừa uyên bác cẩn trọng, vừa trong sáng nghiêm túc. Mãi cho tới mấy chục năm sau, cô vẫn giữ vị trí của người chuyển ngữ tài hoa nhất. Sau ngày hồi hương không lâu, Phùng Khánh quyết định cắt ái từ thân xuất gia với pháp hiệu Trí Hải. Cô về làm việc cho Đại học Vạn Hạnh với phần vụ Thư viện trưởng, một thư viện trưởng độc nhất suốt thời gian hưng thạnh của Vạn Hạnh. Thầy Minh Châu và tôi vô cùng cưng quý thư viện và cũng rất nể trọng vị thủ thư nên đã nhìn thấy và hoàn toàn cảm thông sự khó tính trong điều hành của cô thư viện trưởng. Biết chúng tôi chịu “chìu mệ” trí thức nên các nhân viên thư viện cũng dựa vào cô mà thách thức các nguyên tắc điều hành chung, nhưng nhờ biết khéo léo quản trị, chúng tôi duy trì được mọi tôn ti trật tự. Trí Hải là một người rất thương quý sách, biết giá trị của sách nên Cô đã vận động nhiều cách để đem về cho thư viện những mặt sách quý hiếm, làm thuận tiện cho sự nghiên cứu xử dụng không chỉ riêng cho sinh viên Vạn Hạnh mà còn chung cho cả giới trí thức thành phố, không chỉ phong phú cho tầng lớp đạo gia mà còn làm giàu có cho những nhà tìm hiểu thế tục. Nếu tất cả sách mà Thư viện Vạn Hạnh hiện có đã tạm là hình ảnh của một đại dương trí thức thì cái pháp hiệu định phận của Cô Thủ thư Trí Hải (biển tuệ) đã hòa nhập là Một, khiến cho không khí thư viện lúc nào cũng thoảng mùi trầm hương: trầm hương tỏa ra từ lòng sách và hồn người. Và từ xứ trầm hương đó, cô Trí Hải đã gửi tặng cho đời những trang chữ thơm tho màu nhiệm. Nếu nghĩa của Văn là Đẹp thì cả đời Ni sư đã phụng sự cho cái Đẹp đó hết sức tận tụy và những ai đã có một lần để cho lòng trầm tư theo hồn sách (trong hơn 10 tác phẩm đã được phổ biến) thì sẽ biết cám ơn sự thanh cao còn lưu lại trong hồn mình từ sự hiến tặng lân mẫn của người vừa mới đi xa.

Cuộc đời cô Trí Hải không chỉ là người bạn thân thiết của sách vở, Cô còn là người chị cả đáng yêu trong gia đình Anh sinh Xã hội Vạn Hạnh. Từ vị trí người chị hiền lành độ lượng này, Cô đã là chiếc cầu cho bao lớp trẻ đi vào đời để phụng sự. Người chị có đôi mắt biết thương xót đã cúi xuống thiết tha trên những nỗi đời bất hạnh, có đôi tay biết chở che đã đưa ra nâng đỡ những mảnh sống khốn cùng, mà đôi chân vương giả đã không từng biết chối từ đi vào những xóm quê lầy lội, những đường làng tả tơi, những miền đất bão lụt hoang tàn. Mấy mươi năm dài, mặc cho thời thế đổi thay mà tấm lòng vì đời không lay chuyển. Khắp những chốn đau nhức bất an nhất của đất nước, người dân khổ hạnh mãi còn giữ lại trong đôi mắt mến thương của họ hình ảnh tà áo màu lam dịu hiền biểu tượng của ban vui và cứu khổ đã một dạo nào thấp thoáng giữa mưa nắng đời thường. Tào áo ấy đã gắn liền với công tác từ thiện, thuỷ chung cho đến ngày cuối cùng phủi tay giải nghiệp. Chọn lựa của trái tim từ bi là nhiều lúc tình nguyện hứng chịu khổ nạn thay cho chúng sanh, bị đau đớn riêng mình cho tâm được an vui mà đi tiếp trên con đường cứu độ. Ni sư Trí Hải đã vào đời trong ước nguyện, đã phụng sự con người như thế và hôm nay, giã đời giữa lúc thực hành hạnh lớn của trái tim từ bi “chúng con khổ nguyện xin cứu khổ”. Chưa có ai của Ni giới Việt Nam, trong mấy mươi năm mu lệ của quê hương đã nuôi tâm bố thí theo sáu pháp qua bờ nhiệt thành như Ni sư Trí Hải. Chừng ấy cũng đủ cho Ni sư trong cuộc giã từ này cất lên một tiếng cười lớn giữa biển khổ kiếp người.

Một lần mới đây thôi, Ni sư kể cho tôi biết rằng Ni sư đã viết và đem treo những câu thơ của Huyền Không trong vườn chùa. Cho thơ nói chuyện với hoa cỏ lá cành, cho thơ cũng thở với gió mùa, cho thơ đi vào mắt rồi ở lại trong lòng người, cho thơ sống với một chút đất trời quê hương. Tôi ở xa mà cũng được ấm lòng vì những dòng thơ viết ra ngày nào đã tìm thấy một tâm hồn bầu bạn. Mà thôi. Hết rồi. Ngày 7 tháng 12 đã là một ngày tang tóc. Thị giả của Ni sư, khi thuạt lại cho tôi nghe chi tiết về sự ra đi đột ngột và nặng nhọc này, tôi đã không dừng được nước mắt xót thương. Tôi khóc theo niềm cảm xúc từ muôn trùng. Ngày trước, khi nghe tin Huệ Minh và Tiểu Phượng mất tích tại Rạch Giá, tôi có đau buồn nhưng niềm đau thấm chậm. Bây giờ, với cái chết trong tai nạn thảm khốc nơi vùng đất đỏ Long Khánh của Ni sư thì niềm đau trong tôi mãnh liệt bội phần. Tôi chấp tay lạy Phật, nguyện cầu cho những người thân yêu đó có được những tái sinh thuận lợi, để nối tiếp con đường cứu độ dở dang của các vị Bồ tát nhập thế làm lợi lạc cho đời. Hạt bụi sẽ luân hồi trở lại bằng nguyện lực vô biên.

Huyền Không

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/05/2014(Xem: 6430)
Tôi gặp anh trong lần đến thăm một người bạn ngày cuối tuần. Trông anh phúc hậu, nói chuyện có duyên với dọng nói ấm áp, dễ nghe. Mỗi người chúng tôi kể những câu chuyện của mình, trao đổi về phương pháp và kinh nghiệm tu tập. Anh cũng vậy. Tôi giật mình khi anh nói về gia đình anh. Hóa ra trước mặt tôi là người đàn ông của một gia đình công giáo nòi.
19/05/2014(Xem: 6498)
Rất nhiều người người nói “Tôi muốn được hạnh phúc nhưng lại không biết làm sao”. Họ không hề cảm thấy hạnh phúc hoặc nếu có thì chỉ thoáng thấy hạnh phúc nhưng rồi lại cảm thấy bất toại nguyện và cô đơn hoặc trải qua cảm giác trống vắng trong một thời gian rất lâu. Nguyên nhân ở đâu và cách thức để có hạnh phúc là gì. Liệu chăng có phải là tình yêu thương với tất cả những ai quanh mình, mọi chúng sinh trên thế gian này.
16/05/2014(Xem: 6212)
Tôi nhận được lời mời từ quý thầy huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế làm khách mời cho khóa tu “Hoa ưu đàm” thật bất ngờ. Nói thật rằng nếu mời tôi nói về quản trị doanh nghiệp hay kỹ năng lãnh đạo thì tôi nhận lời ngay chứ đây là khóa tu có đến hai ngàn Phật tử tham dự.
16/05/2014(Xem: 6164)
Để cảm tạ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, nhiều học sinh đã tham gia lễ rửa chân cho mẹ Hàn Quốc vào ngày hôm qua (8/5). Tại các nước phương Tây, Chủ nhật thứ hai của tháng Năm được coi là ngày của Mẹ. Bởi vậy, rất nhiều hoạt động đã được tổ chức trên toàn thế giới để những người con có thể tạ ơn công sinh thành, dưỡng dục trời bể của mẹ.
15/05/2014(Xem: 7240)
Tôi về quê Thái Bình nghỉ ngày cuối tuần. Tự nhiên nhớ đến anh bạn Nguyễn Văn Tứ, người đã và đang mang phương pháp thiền xông hơi ra ứng dụng giúp bà con tu tập và chữa bệnh. Được biết rằng sau tết âm lịch anh đã rời thành phố Biên Hòa ra Thái Bình để bà con quê lúa được hưởng công dụng của phương pháp này. Thế là tôi quyết định lái xe đến tận nơi, một mặt thăm hỏi và động viên anh, mặt khác để mục sở thị và tiếp xúc với bà con nơi đây.
04/05/2014(Xem: 13312)
Hằng năm tại Thụy Sĩ nói riêng, Âu Châu nói chung, nhằm vào lễ Phục Sinh được nghỉ 4 ngày liên tiếp từ thứ 6 đến thứ 2, thiên hạ thường nô nức mua sắm, du lịch hay tiệc tùng ăn nhậu..v.v..và..v.v.. để đền bù và thưởng thức cuộc sống cho bõ những ngày tháng làm việc mệt nhọc mà họ cho là "đi cày" vất vả.
30/04/2014(Xem: 12601)
Vi Tâm xin gửi một bài rất hay, do John Phạm chuyển ngữ, ghi lại cuộc nói chuyện của Bác sĩ Richard Teo Keng Siang (Singapore) với một số sinh viên nha khoa về kinh nghiệm sống của mình. Richard Teo, sanh năm 1972, là một bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ, rất ham sống, ham làm việc và …ham làm giầu. Năm 40 tuổi, anh đã
29/04/2014(Xem: 12324)
Dựa theo thuyết Thiên mệnh của Khổng Tử thì thiên mệnh là mạng lịnh của Trời. Thiên mệnh là chủ thuyết rất quan trọng trong triết lý của đạo Nho. Trong đó, Không Tử quan niệm rằng tất cả sự biến chuyển của Trời, Đất cho đến sự sống chết của các loài từ con người đến các loài cầm thú thì Ngọc Hoàng Thượng đế nắm toàn quyền sinh sát trong tay.
22/04/2014(Xem: 8885)
Chúng ta nghe khá nhiều về việc phải tu tập hạnh từ bi nhưng mình cứ loay hoay mãi không biết bắt đầu từ đâu! Có người bảo rằng mình phải học cách sống hy sinh cho người khác thì tâm từ bi mới nở rộ. Nhưng có người lại nói rằng từ bi mà không có trí tuệ là một kẻ dại khờ, ngu dốt. Câu chuyện làm đề tài từ bi thêm hấp dẫn là câu hỏi: 'có nên hay không nên cho tiền người vô gia cư, không nhà, không chốn nương thân (homeless)?'
21/04/2014(Xem: 10564)
Tôi rời Singapore đến đây từ hôm qua và đang bị trúng thực. Suốt đêm hôm qua tôi ốm liệt giường, và ngay trong lúc này thì bao tử vẫn còn không tốt lắm. Cách nay không lâu có một người hỏi tôi như thế này: "Thái độ của người tu tập Phật Giáo trước sự đau đớn trên thân xác và các nỗi đau buồn trong cuộc sống nên là như thế nào?" Tôi nghĩ rằng câu hỏi ấy có thể là một chủ đề lý thú cho buổi nói chuyện tối hôm nay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567