Đầu Xuân ván cảnh Tổ đình Sắc tứ Hội Phước –
ngôi chùa cổ có cây lão Mai cao 12m
Chiếu mùng hai Tết Đinh Dậu, vản cảnh Tổ đình Sắc tứ Hội Phước, đảnh lễ Phật, Hòa thượng trú trì tặng Tập Tổ đình Sắc tứ Hội Phước (Chùa Cát ) Nha Trang- Khánh Hòa. 330 năm khai sáng – Truyền thừa & phát triển (1680-2010). Cầm trên tay tập sách, thật tâm đắc với bài thơ Hòa thượng trú trì đã ghi:
Ta-bà vật đổi sao dời
Chuông nhà thờ đổ trên đồi chùa xưa,
Hoa Sơn dù trải nắng mưa
Dấu chân khai phá khi xưa vẫn còn.
Tai sao chuông nhà thờ đổ trên đồi chùa xưa? Theo thư tịch, Tổ đình Sắc tứ Hội Phước còn gọi là “Chùa Cát” tọa lạc tại 153/2 đường Hoàng Văn Thụ, phường Phương Sài, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngày xưa, chùa ở trên đồi Hoa sơn (Núi Bông – Núi Một) với tên là Phước Am do Tổ Phật Ấn và Tịch Viễn khai sáng năm 1680, như vậy chùa xây dựng chỉ sau 27 năm chúa Nguyễn mở đất Khánh Hòa, một trong những chùa cổ nhất Khánh Hòa. Hai Ngài Phật Ấn và Tịch Viễn thuộc Thiền phái Lâm Tế, dòng Đạo Mân-Mộc Trần và dòng Trí Thắng Bích Dung, đời thứ 35. Ban đầu, hai Ngài dựng một am tranh để tu hành và an danh là Phước Am:
“Hoa Phước Đức trên đồi nở rộ,
Hoằng hóa ở Phước Am, được 10 năm, ngài Tịch Viễn viên tịch, trụ thế 43 năm (1648-1690). Và rồi sau ba mươi sáu năm hoằng hóa độ sanh, ngày 09 tháng chạp năm Bính Thân (1716), Tổ Phật Ấn xã báo thân, trụ thế 115 năm. Môn đồ Phước Am làm lễ trà tỳ thỉnh xá lợi tôn trí trong bảo tháp trên đồi Hoa Sơn (Núi Bông – Núi Một), từ đó Hoa Sơn có tên Kim Qui đới tháp (Rùa vàng đội tháp) một trong bốn biểu tượng linh thiêng “tứ thú tụ” gìn giữ bền vững cuộc sống an cư lạc nghiệp của cư dân thành phố biển hiền hòa Nha Trang.
Đến năm 1742, ngài Đại Thông (Tổ thứ tư) đã dời chùa xuống đất bằng, cách đồi Hoa sơn 300m và đổi tên thành chùa Hội Phước. Năm 1940, tổ đình được sắc phong “Sắc tứ Hội Phước tự” năm Bảo Đại thứ 15.
Sau hơn 330 năm xây dựng phát triển Tổ đình Sắc tứ Hội Phước được truyền thừa qua các đời tổ sư trụ trì:
Tổ thứ 3: Tế Điền (1716-1741),
Tổ thứ 4: Đại Thông (1741-1810),
Tổ thứ 5: Đạo An (1810-1841),
Tổ thứ 6: Tánh Minh (1841-1853),
Tổ thứ 7: Như Huệ (1895-1905),
Tổ thứ 8: Thanh Minh (1905-1914),
Tổ thứ 9: Chơn Hương (1915-1917).
Tổ thứ 10: Thanh Chánh - Phước Tường (1917-1920),
- Bổn sư của Bồ tát Thích Quảng Đức.
Tổ thứ 11: Thị Thọ (1920-1929),
Tổ thứ 12: Ấn Ngân (1929-1949),
Tổ thứ 13: Đồng Kỉnh (1949-1978).
Trụ trì hiện nay là Hòa thượng Thích Quảng Thiện - trụ trì từ năm 1978 đến nay. Ngài có công lớn trong việc trùng tu đại quy mô qua thời gian hơn 30 năm kể từ năm khởi công 1984. Ngôi chùa mới vẫn tọa lạc trên khuôn viên cũ. Lối vào chùa vẫn là con hẻm trên đường Hoàng Văn Thụ.
“Ngày xưa chùa Cát mênh mông
Ngày nay chùa Cát năm trong xóm làng”
Ngay trước cổng tam quan tổ đình Sắc tứ Hội Phước một câu đối đã giúp người đời nhận thức.
Bờ mê vướng chấp đường danh sắc
Bến giác đi về cõi tịch nhiên.
Qua khỏi cổng tam quan toàn khu già-lam Hội Phước trang nghiêm thanh tịnh. Tượng đài Quán Thế Âm trong phong thái hiền hòa tĩnh lặng nghe những lời cầu nguyện cứu khổ của chúng sanh, hai bên có câu đối:
Cảm đức Quan Âm hằng cứu khổ
Nhớ ơn Bồ-tát mãi ban vui.
Sau tượng đài, hai bên là dãy nhà đông, nhà tây, ở giữa là chánh điện tạo thành hình chữ U. Nằm ở góc phải khuôn viên chùa là bảo tháp Liên Hoa bảy tầng. Sân chùa với những cây tùng, cây phượng… rợp bóng mát. Trong đó có hai cây khế cổ thụ như những nhân chứng của bao sự đổi thay.
Ngôi chánh điện gồm có ba tầng, được trùng tu lại gần mười năm (khởi công ngày 22.4.1994). Tầng dưới bái đường có câu đối:
Hội đủ duyên lành sang bến giác
Phước thành quả tốt vượt sông mê.
Bên trong là giảng đường có câu đối:
Tiền tiền vô thỉ thể tánh bổn lai bất biến
Hậu hậu vô chung chơn như kim cổ thường hằng.
Cuối giảng đường là bàn thờ chư Tổ được tôn trí trang nghiêm trên bậc cao, có bức chân dung Tổ Khai sơn Phật Ấn từ xưa còn lưu lại và câu đối:
Nhất hoa hiện thoại truyền đăng quang tổ ấn
Ngũ diệp lưu phương kế thế hiển tông phong….
Bên trong là chánh điện. Cuối chánh điện trên bậc cao là điện thờ Phật rất trang nghiêm có câu đối :
Thập hiệu toàn chương phóng oai quang truyền chánh giáo cứu mê tình tứ sanh từ phụ.
Tam thân viên tịnh lưu pháp vũ hiển chơn thừa bạt khổ hải vạn thế hùng sư.
Câu đối phía trước chánh điện xưng tán công hạnh của đức Phật Di-lặc :
Đại đỗ năng dung dung thế gian nan dung chi sự
Từ nhan vi tiếu tiếu thiên hạ khả tiêu chi nhơn.
Tầng trên cùng phía trước bái đường, tôn trí tượng đức Phật Di-lặc, phía sau nơi cổ lầu thờ đức Phật A-di-đà có bốn câu đối :
Khứ lai bất tận pháp thân biến chiếu tam thiên giới
Kim cổ vô chung hám mục trừng thanh tứ đại châu. (phía trước)
Tùng Phật hậu đắc đăng thánh địa
Thuận chơn như hội nhập Ta-bà. (phía sau)
Đại lực hoằng khai tam tạng giáo
Bi tâm quang hiện cửu liên đài. (bên phải)
Chấn phá mê đồ khai giác lộ
Diệm thông uế độ hướng tịnh ban. (bên trái)
Tổ đình Sắc tứ Hội Phước hiện nay còn lưu giữ nhiều tượng Phật quý và Chuông cổ từ thời Hậu Lê và Minh Mạng. Chùa có bộ chuông mõ gia trì lớn nhất, cây lão mai cổ thụ cao 12 mét, được trồng phía tay phải từ ngoài cổng đi vào, đến nay đã cao bằng 3 tầng nhà. Chùa được Bộ văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa năm 1995, là một trong những ngôi danh lam cổ tự có chiều dài lịch sử trên 330 năm truyền thừa và phát triển ở xứ Trầm Hương, miền thùy dương cát trắng…
Trí Bửu – Đầu Xuân Đinh Dậu 2017