Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Cội Nguồn Sanh Tử Và Giải Thoát

07/01/201716:52(Xem: 6819)
09. Cội Nguồn Sanh Tử Và Giải Thoát

CỘI NGUỒN SANH TỬ VÀ GIẢI THOÁT

Giảng tại Hoa Kỳ - 2002

Bài giảng hôm nay với đề tài Cội nguồn sanh tử và giải thoát, quí vị cố gắng lắng nghe, nếu lãnh hội được thì rất tốt, ứng dụng tu tập sẽ thấy lợi ích rất lớn. Chúng ta trầm luân sanh tử đã vô lượng kiếp rồi, vì không biết nguồn gốc tại sao phải trầm luân sanh tử, nên theo đó tạo nghiệp nối tiếp sanh tử mãi mãi. Bây giờ muốn ra khỏi sanh tử, phải biết nguyên nhân dẫn đi trong sanh tử, đoạn trừ nguyên nhân ấy mới có thể giải thoát sanh tử được.

Trong kinh Phật nói, chúng sanh do si mê tạo nghiệp đi trong sanh tử luân hồiSi mê là gì? Là vật trắng mà nói đen, phải nói quấy, đúng nói sai, cái nhìn lệch lạc không đúng sự thật gọi là si mê. Như vậy chúng ta có đồng ý mình đang si mêkhông ? Chắc không đồng ý, vì ai nói mình si mê thì giận lắm. Sự thật chúng ta đang si mêSi mê cái gì? Thân này giả mà nói thật hoặc cũng biết nói giả, nhưng thực tế chưa sống được với cái thấy giả ấy. Đa số đều thấy thân này thật, thấy như vậy có đúng với sự thật không? Nếu thật thì ông cố, ông sơ, ông nội, ông ngoại mình tới giờ còn nguyên, vì thật nên đâu có mất. Chúng ta kiểm lại còn người nào không, tới cha mẹ, rồi lần lần tới mình, ai có mặt rồi cũng phải chết hết. Có mặt một thời gian rồi mất thì nói thật được không? Vậy mà chúng ta cứ thấy thật.

Sự còn mất của chúng ta trên thế gian này không ai lường trước được. Có cơ quan bảo hiểm nào dám bảo hiểm cho mình sống trăm tuổi không? Bảo hiểm khi nào chết bất đắc kỳ tử thì họ bồi hoàn, chớ không ai dám bảo hiểm tới một trăm tuổi. Đó là một lẽ thật. Vì mạng sống chúng ta mong manh, bất thường. Nếu xét kỹ chúng ta không biết mình sống được bao lâu, hết duyên thì đi chớ không ai biết mình sống tới lúc nào. Đức Phật dạy “mạng người trong hơi thở”, hít vô không thở ra là chết. Thở ra không hít lại thời gian bao lâu? Chừng vài giây đồng hồ. Có nhiều người đang ngồi nói chuyện với mình, bất thần nhồi máu cơ tim tắt thở. Hồi đang nói chuyện mình thấy họ thật, khi tắt thở thấy không thật. Những hình ảnh này luôn xảy ra trước mắt chúng ta. Như vậy thân giả mà ngỡ thật, có phải si mê không? Si mê rồi. Đó là nói theo thời gian.

Trong cái giả mà ngỡ là thật thì có những tai hại vô cùng. Thân giả mà ngỡ là thật, nên những gì nó đòi hỏi chúng ta chiều theo, chạy theo nó, mới có tranh giành vật chất. Ít thì tranh giành trong phạm vi giới hạn của gia đình, còn nhiều thì tranh giành không thể kể. Bởi vì thấy thân là thật, nên tất cả những nhu cầu vật chất chúng ta quí và muốn giành phần hơn về mình. Có ai chịu nghèo hơn người khác đâu, cái gì người ta hưởng thụ mình cũng muốn hưởng thụ cho được. Muốn mà không toại nguyện, sanh ra bực tức, hung dữ. Như vậy từ mê lầm sanh ra tham lam.

Tham lam muốn thụ hưởng tất cả mọi thứ trên đời, người ta có mình cũng phải có. Từ tham lam nên giành giựt với nhau, nhỏ thì giành giựt trong chòm xóm, lớn nữa thì giành giựt cả làng cả nước. Đó là lý do tại sao nước này đem quân đánh nước kia, cũng tại tham mà ra. Từ thấy thân thật nên con người sanh ra hung dữ, giành giựt với nhau. Hung dữ giành giựt là cái cớ để giết hại tàn sát lẫn nhau, gốc từ si mê mà ra. Khi nhìn thấy tường tận thân này là giả thì không còn tham nữa. Nó không thật thì tham cái gì, tham để làm gì, tự nhiên hết tham. Tham hết thì tự nhiên không giành giựt đấu tranh giết hại lẫn nhau. Nếu chúng ta nhìn thấy đúng như thật, thân không thật thì gốc tham hết. Tham hết thì sân cũng hết, bao nhiêu đó thành Thánh chưa? Không tham gì hết, không giành giựt với ai, không nổi giận ai, không chống đối ai… Chỉ cần một cái nhìn đúng về con ngườicủa mình thì mọi xấu xa hết. Mọi xấu xa hết thì tự nhiên chúng ta trở thành người hiền lươngtốt đẹp. Cho nên, biết thân này duyên hợp, tạm bợ không thật để chúng ta không còn lầm mê nữa. Đó là cái nhìn thứ nhất.

Người đời chấp thân thật rồi, còn chấp tâm thật nữa. Những suy nghĩ hơn thua, phải quấy, tốt xấu, được mất, thành bại v.v… đều cho là tâm mình và luôn chấp tâm suy nghĩấy đúng. Bây giờ trong gia đình chồng hoặc vợ trình bày suy nghĩ của mình, chồng trình bày, vợ bảo sai, chồng giận không? Bên nào cũng cho mình đúng, một hồi nổi nóng cãi lộn nhau, mà chắc gì cái nghĩ của mình đúng. Suy nghĩ của mình trong một giai đoạn nào đó là hợp lý, nhưng thời gian sau thay đổi nó không còn đúng nữa. Tất cả đều chuyển biến, mà chúng ta cứ cho kinh nghiệm cũ là đúng, lấy đó làm chuẩn bắt mọi người nghe theo. Ai không nghe mình giận, mình ghét. Có phải si mê không?

Quí vị thử tìm xem cái suy nghĩ ở đâu, ra sao? Nếu nó không có chỗ nơi, bỗng dưng dấy lên rồi một lát mất tiêu, thì nó thật không? Quả là không thật. Cái không thật mà bắt người ta nghe theo mình, nghĩ theo mình, thì có độc tài không? Như vậy cả thế gian độc tài hết trơn. Bởi vì ai cũng muốn thiên hạ nghe lời mình, theo cái suy nghĩ của mình. Nhưng thử đặt câu hỏi lại, chúng ta nghĩ đúng trăm phần trăm không? Không ai dám chắc. Không dám chắc mà bắt người ta theo, có khổ chưa! Đó là điều tất cả chúng ta đang mắc phải. Nhỏ thì trong gia đình, lớn thì ngoài xã hội, lớn nữa thì cả thế giới. Nhóm nào cũng phải, cũng hay hết thành ra cãi lộn nhau, mạnh nữa thì giết chóc luôn. Đó là điều hiểm nguy của nhân loại. Thân và tâm không thật mà thế gian ngỡ thật là lầm lớn, dẫn đến khổ lớn. Đó là căn bản đau khổ của loài người.

Có người đặt câu hỏi, nếu thấy thân không thậttâm không thật thì con người hết muốn làm ăn, chán đời chết. Phải vậy không? Không phải vậy. Bồ-tát thấy thân không thật, thấy tâm sanh diệt giả dối, nên lăn vào cứu đời. Tại sao? Vì thương chúng sanh lầm tưởng cái không thật mà cho là thật nên si mê đau khổ. Bồ-tát thấy thế tạo phương tiệnđể gần gũi, giúp đỡ, hướng dẫn chúng sanh. Thấy chân lý rõ ràng rồi mới thương những kẻ si mê chịu đau khổ vì sự mê lầm, muốn tìm cách kéo họ lên. Cho nên trong nhà Phật có những phương tiện dạy người tu bằng cách đồng sự hóa. Chúng sanh làm việc gì, Bồ-tát cũng làm việc đó để gần gũi giáo hóa họ. Vì lòng từ bi, khi thấy đúng lẽ thật rồi tự nhiên thương người còn mê. Đã thương thì đâu nỡ bỏ, phải làm sao hướng dẫn chỉ dạy dìu dắt họ. Do đó Bồ-tát lăn xả vào đời hơn người thế gian nữa. Biết cuộc đời không thậtbản thân mình không thật, những suy nghĩ không thật, càng thương người càng cố gắngtìm dạy dỗ họ, nên càng sống tích cực hơn.

Đạo Phật là con đường hay phương pháp giác ngộGiác ngộ là thấy đúng như thật. Phật thấy đúng như thật nên nói thân người hư dốiChúng sanh thấy sai sự thật nên nói thân này thật. Từ thấy thân thật dẫn đến bao nhiêu sai lầm khác, chớ không dừng một chỗ. Đó là do chúng ta không tỉnh giác. Nếu thấy thân này giả, lúc đó mê hay giác? - Giác. Thấy thân thật là mê, thấy thân giả là giác. Như vậy tu muốn giác ngộ dễ hay khó? Chỉ đổi cái nhìn thôi, nhìn sai lầm chuyển lại nhìn đúng, hợp với chân lý, đó là giác. Tu theo Phật là giác ngộ tức nhìn đúng, nhìn đúng thì sự tu hành rất dễ. Bình thường nếu thấy thân thật, ai chửi mình không thể nào nhịn nổi. Mình thật thì chửi cũng thật. Bây giờ thấy thân giả thì lời chửi cũng giả, nên Bồ-tát nghe chửi bới, khinh miệt, các ngài cười thôi, vì có dính gì đâu. Đức Phật ngày xưa, khi bị người ta chửi Ngài cũng ung dung tự tại, không một chút buồn giận. Còn chúng ta ngày nay bị chửi thì sao? Đỏ mặt đỏ mày. Cho nên người thấy đúng lẽ thật thì dễ tu, còn thấy sai lẽ thật thì rất khó tu.

Phật tử nói tu không nổi, khó quá. Nhưng thật ra tu không khó mà trái lại rất dễ, chỉ đổi cái nhìn thôi. Cái đó trắng nhưng hồi xưa mình nói đen, bây giờ thấy rõ lẽ thật rồi, trắng mình nói trắng. Đổi cái nhìn như vậy có tốn bao nhiêu công đâu, tại sao chúng ta không chịu đổi? Không chịu đổi rồi nói tu khó, đó là tại mình cố chấp chớ đâu phải tu khó.

Hồi xưa có một anh chàng bán thịt ngoài chợ. Hôm đó được vị thiện tri thức giáo hóathức tỉnh, anh liền làm bài kệ sau:

Tạc nhật dạ-xoa tâm,
Kim triêu Bồ-tát diện,
Bồ-tát dữ dạ-xoa,
Bất cách nhất điều tuyến.

Dịch:

Hôm qua tâm dạ-xoa,
Ngày nay mặt Bồ-tát.
Dạ-xoa cùng Bồ-tát,
Không cách một đường tơ.

Không cách một đường tơ, chỉ đổi cái nhìn thì thành liền. Thấy tất cả pháp là thật cũng như tay úp, bây giờ thấy nó giả giống như lật ngửa tay lại. Có gì khó đâu mà chúng takhông chịu đổi, rồi cứ kêu trời kêu Phật khó quá. Tu không khó mà khó là do ta không can đảm chuyển đổi cái nhìn của mình. Như vậy mê và giác chỉ là đổi bàn tay úp thành ngửa, một chút xíu thôi, không cách một đường tơ. Không cách một đường tơ mà chúng ta cứ nói khó là sao?

Hôm qua tâm dạ-xoa tức là tâm giết hại. Bữa nay đổi lại thấy tất cả đều giả hết, đó là tâm Bồ-tát. Như vậy chuyển mê thành giác không phải nặng nề như xô ngã cả núi đá, mà nhẹ như tờ giấy thổi liền bay, nhưng không hiểu sao chúng ta không chịu đổi? Bồ-tát với chúng sanh đâu có gì lạ, một bên thấy đúng như thật là giác là Bồ-tát, một bên thấy sai sự thật là mê là chúng sanh. Ta cứ ngỡ Bồ-tát với mình cách xa muôn trùng nhưng sự thật không cách một đường tơ nữa, xoay qua liền xong. Chúng ta biết điều đó sai sự thật, mà cố giữ hoài là đồng ý đi trong đường mê muôn đời rồi.

Tu là phải chuyển đổi từ mê ra giác, chớ không phải cầu Phật cho cái này, cái kia. Nhiều người tu Phật mà cứ cầu xin, ham Phật cho mà không ham chuyển tâm mê thành tâmgiác. Đó là sai lầm của đa số người tu ngày nay. Đường giác thì muốn đi, mà đường mê lại không chịu bỏ. Có lạ chưa! Bồ-tát là phần giác tức giác ngộ từng phần. Những gì ta thấy đúng, thực hiện đúng thì thành Bồ-tát. Nếu đúng ít gọi là Bồ-tát con, lớn hơn là Bồ-tát lớn, như các vị Bồ-tát Sơ địa chẳng hạn.

Thế gian cứ cãi lý với nhau hoài, cái phải luôn thuộc về “tôi”. Một trăm cái “tôi” thì một trăm cái phải, cho nên càng phải chừng nào càng cãi chừng đó. Nếu biết được tất cả phải quấy đều không có lẽ thật thì thiên hạ đâu còn cãi nhau nữa. Năm rồi tôi qua bên Mỹ, có một Phật tử kể lại: Ở Mỹ tới bữa cơm, mấy đứa bé trèo lên ngồi trước, rồi cha mẹ, ông bà lên sau. Còn ở Việt Nam dọn cơm ra mời ông bà, cha mẹ rồi con cháu mới lên sau. Phật tử hỏi như vậy bên nào phải? Tôi nói tùy theo phong tục tập quán của mỗi địa phương, không quyết định phải quấy thuộc về bên nào cả. Nếu chúng ta ngồi cãi phải quấy với nhauchừng nào mới xong. Người này thấy phải thì người khác thấy quấy. Người khác thấy phải thì người này thấy quấy. Hai cái phải gặp nhau thì chỉ còn có cách cãi nhau, không gì khác hơn.

Như hồi xưa tổ tiên mình theo đức Khổng Tửquan niệm phái nữ phải khuê môn bất xuất, tức người con gái phải ở trong nhà không được ra ngoài đường. Hoặc tam tòng tứ đứctam tòng là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, nghĩa là ở nhà theo cha, xuất giá theo chồng, chồng mất theo con, người phụ nữ không có chút quyền hạn gì cả. Quí vị phái nữ ngày nay có đồng ý với quan niệm tam tòng không, có khuê môn bất xuất không? Dĩ nhiên không ai chịu nữa rồi. Bây giờ người nữ chạy xe vùn vụt ngoài đường. Rõ ràng những gì dưới thời phong kiến là phải, đến thời này thì hết phải rồi.

Cho nên tất cả lập thuyết, triết lý này, triết lý nọ không phải là chân lý, nó chỉ đúng ở khía cạnh nào thôi. Đức Phật nói tất cả những gì có hình tướng đều tạm bợ, giả dốiKinh Kim Cang Phật nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.” Phàm cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy các tướng không thật (phi tướng) tức là thấy Phật. Như vậy Phật gần hay xa? Chỉ thấy đúng là thấy Phật vì Phật là giác. Lẽ thật hết sức gần gũi mà chúng ta lại không chịu thấy lẽ thật.

Người tu Phật là người đi đúng với chân lý đức Phật chỉ dạy. Nhưng ngày nay người tu Phật đi sai lệch nhiều quá, nhiều đến gần tám mươi phần trăm. Cứ theo Phật, xưng đệ tửPhật, vào chùa thắp hương xin Phật đủ thứ hết. Phật gia hộ cho con khỏe mạnh, cho con thi đậu, cho con làm ăn phát tài v.v… Nếu Phật cho được thì không còn lý nhân quả nữa. Nhân ai gây thì quả người đó phải hưởng, chớ Phật đâu có can dự vào mà cho quả này quả nọ được. Vậy mà Phật tử cứ cầu xin đủ thứ, đó là sai lầm. Cho nên người học Phật phải đi thẳng vào lẽ thật, nguyện con giác ngộ thấy đúng như thật. Thân giả biết giả, tâm suy nghĩ phân biệt giả biết giả, không tạo nghiệp trong sanh tử nữa, đó mới là người học Phật tu Phật chân chánh.

Chúng ta thấy mê và giác thật quan trọng. Từ mê chấp thân, chấp tâm suy nghĩ hơn thua, phải quấy là thật, nên con người tạo đủ thứ nghiệp, không biết bao nhiêu nỗi khổ. Thân tuy chấp thật nhưng ít nguy hiểm bằng tâm. Vì tâm sai khiến thân, tâm nghĩ bậy thì miệng nói bậy, thân làm bậy. Cho nên tâm là chủ sai khiến, chủ đã sai lầm các bộ phận tùy thuộc cũng sai lầm theo. Ba nghiệp cứ thế mà tạo nghiệp không có ngày dừng, trôi lăn trong đường sanh tử không bao giờ dứt. Trong nhà Phật nói thân, khẩu, ý tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử. Trong ba nghiệp thì ý nghiệp là tối trọng. Khi chúng ta lầm cho ý nghiệp là thật, rồi chạy theo nó, nó lôi đâu mình đi đó, như vậy luân hồi muôn kiếp.

Phật tử tu hành thành lập đạo tràng cũng là điều hay. Vì sao? Ví dụ Phật tử hiểu đạo, ra đường bị kẻ xấu khinh miệt chửi bới, người đó làm thinh đi, những người chung quanh thấy tức, nói ngu quá. Phật tử sống tốt mà bị chê. Nếu có tu trong đạo trànghuynh đệcùng hiểu đạo, hôm nào bị người ta chửi, mình nhịn được về khoe với anh em “hôm qua tôi bị người ta chửi quá mà không giận”, anh em sẽ vui mừng động viên thêm “anh, chị tu khá rồi đó”. Như vậy, có một nhóm cùng chung tu, hiểu biết nhau mới dễ thông cảm. Một người giác sống trong trăm ngàn người mê thì rất khó tu. Người nhịn nhục không được khen mà còn bị chê ngu dốt nữa. Thành ra người ấy bị hai ba cái phiền, bên này đã phiền, bên kia còn phiền hơn.

Chỗ khó của tu hành là vì không có người thông cảm cho mình. Người tỉnh sống với người tỉnh thì rất dễ. Một người tỉnh sống với trăm ngàn người mê rất khó. Khó là tại vìhọ mê mình tỉnh. Mình nói cái gì cũng giả họ nói mình điên, còn họ nói thật là đúng. Như vậy để thấy đạo lý khó khăn không phải vì đạo khó, mà vì nhiều người mê quá. Chúng tamuốn tỉnh cũng khó tỉnh vì số đông mê sẽ lôi mình theo họ. Đó là lý do phải có chùa để Phật tử cùng đi chùa, có đạo tràng để cùng tới đạo tràng tu tập, anh em huynh đệ thông cảm nhau. Những gì hay chúng ta khích lệ nhau tiến lên, những gì dở cùng khuyên nhau chừa bỏ. Ngoài thế gian không được tâm đó nên sống gần họ rất khó tu.

Chúng ta tu thiền để được định, nên nói thiền định. Định cái gì? Định cái tâm lăng xănglộn xộn nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ hơn nghĩ thua của mình. Như khi những vọng tưởnggiả dối hư vọng dấy lên, chúng ta biết nó giả không theo, lần lần nó mòn yếu, rồi tới lặng yên. Khi nó lặng hết chúng ta mới không bị nó dẫn đi nữa. Còn nghiệp dẫn đi thì còn luân hồi sanh tử, hết nghiệp dẫn đi tức là giải thoát sanh tử. Như vậy nghiệp là nhân dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử, mà vọng tưởng là gốc tạo nghiệp. Những ý niệm lăng xăng lộn xộn là gốc tạo nghiệp. Bởi vì khởi nghĩ là nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ hơn nghĩ thua, nghĩ tốt nghĩ xấu, nghĩ thương nghĩ ghét v.v… những cái đó là nhân tạo nghiệp. Bây giờ nhân tạo nghiệp dừng lặng rồi thì hết tạo nghiệp. Hết tạo nghiệp là giải thoát sanh tử.

Người tu thiền dùng trí tuệ nhìn sâu, nhìn thẳng vào nội tâm. Trong ba nghiệp, ý là số một, mình nhắm thẳng vào chú mà dẹp. Dẹp chú, chú lặng rồi thì miệng và thân cũng hiền lành theo. Vậy gốc là phải diệt trừ niệm sanh diệt lăng xăngChúng ta tu muốn được an lạcgiải thoát thì dừng hết niệm. Nhiều người đặt câu hỏi, khi những suy nghĩ lặng hết rồi mình còn cái gì? Tôi nói rõ khi suy nghĩ lặng, chưa phải hết. Như khi quí Phật tử ngồi thiền, niệm khởi biết niệm khởi, niệm lặng biết niệm lặng. Ai biết được niệm khởi, niệm lặng? Rõ ràng mình biết chớ ai! Niệm là cái bị mình biết, còn cái biết “biết được niệm khởi niệm lặng”, cái biết đó không sanh diệt. Cái biết đó trong nhà Phật cũng gọi là Trí tuệBát-nhã, dùng nó để thấy thôi, chớ chưa phải cứu kính.

Quí vị nhớ, mười mục chăn trâu trong nhà thiền thường nhắc đi nhắc lại. Mục thứ nhất là chú mục đồng đi tìm trâu. Mục thứ hai gặp trâu rồi tới những mục sau là điều phục trâu, cuối cùng trâu mất. Trâu mất nhưng mục đồng còn, qua mục nữa mục đồng mất luôn, chỉ có một vòng sáng. Đó là tượng trưng khi chúng ta tu, vì còn vọng niệm nên phải vận trí Bát-nhã chiếu phá nó. Nó còn khởi thì mình còn dẹp, chừng nào niệm lặng hết rồi thì trí Bát-nhã cũng buông luôn, lúc đó mới thể nhập cái chân thật. Như vậy, hằng ngày chúng ta nhìn thấy nội tâm dấy động là bỏ, dấy động là quở trách nó hư giả… đó là sử dụng Trí tuệ Bát-nhã. Cho nên trong nhà Phật nói muốn phá dẹp hết vọng tưởng điên đảo phải dùng trí Bát-nhã. Khi dẹp hết tâm lăng xăng rồi, buông luôn Trí tuệ Bát-nhã, lúc đó mình còn cái gì? Nó ra làm sao? Ở đâu?

Bây giờ tôi nói một ví dụ, quí vị nương vào đó nhìn lại sẽ thấy. Khi chúng ta đang tỉnh táothế này, bỗng dưng quên hết mọi niệm lự, không nghĩ suy tính toán gì cả. Lúc đó chim kêu có nghe không, gió thổi mát có mát không, tất cả những tướng động qua lại bên ngoài có thấy không? Tất cả đều rõ ràng. Tâm có hai thứ: một, tâm sanh diệt gọi là vọng tưởng; hai, tâm chân thật gọi là Chân tâm. Tâm là cái biết, cái biết theo vọng tưởng sanh diệt là cái biết hư dối, cái biết hằng hữu nơi mình không bao giờ thiếu đó là cái biết chân thật.

Quí vị không suy nghĩ mà biết, cái biết đó tướng mạo gì? Không có tướng mạo. Còn cái biết suy nghĩ đều có tướng mạo. Cái chân thật hiện tiền luôn ở bên mình mà mình bỏ quên. Tại sao bỏ quên? Ngài Thần Hội dùng một ví dụ rất hay để chỉ điều này. Như cái gương sáng, khi ta nhìn gương thấy bóng thì chỉ nhớ bóng mà quên gương. Bóng ấy từ đâu ra? Từ gương mà có, nhưng có bóng liền quên gương. Cũng vậy, Tâm thể mình trùm khắp, vừa dấy niệm lên mình theo niệm nên quên Tâm thể. Bây giờ muốn trở lạiTâm thể thì phải dừng niệm. Cũng như muốn gương hiện rõ trước mắt thì đừng có bóng, lúc đó ta thấy gương rõ ràng. Đó là lẽ thật mà lâu nay chúng ta không biết, cứ ngỡ cái suy nghĩ là mình, mất nó chắc mất mình. Không phải, mất nó rồi cái mình thật mới hiện ra. Phật dạy chúng sanh có hòn ngọc quí mà bỏ quên, có tánh Phật mà không chịu giác để mê. Tánh Phật luôn sẵn có, không vắng thiếu lúc nào. Còn suy nghĩ khi có khi không, nhưng chúng ta chạy theo cái sanh diệt có không đó mà quên mất cái thật. Đó là si mêđáng thương.

Chúng ta tu Phật là để giác ngộGiác ngộ thân này không thậtgiác ngộ tâm sanh diệtkhông thật, để nhận cái chân thật của chính mình, trong nhà thiền gọi là trở về quê cũ. Đức Phật đã từng tuyên bố: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Tại sao mình chưa tu mà nói Phật sẽ thành? Bởi vì đã có sẵn tánh Phật rồi, chỉ lúc nào nhớ bỏ cái mê lầm thì trở lại ông Phật chớ gì. Như vậy tánh Phật không phải riêng đức Phật có, mà tất cả chúng ta đều có. Phật định được tâm, nên sống trở lại Tánh giác gọi là thành Phật. Còn chúng ta tâm rong ruổi tạo nghiệp luân hồi hoài, vì vậy lang thang mãi trong dòng trầm luân sanh tử.

Thế thì con đường trở về quê hương dài hay ngắn? Nói sao cho đúng? Dường như dài mà thật là ngắn. Chỉ biết rõ tâm sanh diệt không thật, khẳng định như vậy. Chúng ta hiện đang có tâm thật hiện tiền, mà chạy theo bóng thì quên cái thật. Trong kinh Lăng Nghiêmđức Phật dụ, như chàng Diễn-nhã-đạt-đa sáng lấy gương soi mặt. Nhìn vào gương thấy mặt mày đẹp quá, khi úp gương lại anh ôm đầu chạy la “tôi mất đầu rồi”. Mình có giống anh chàng đó không? Khi khởi nghĩ hay dở nói mình hay mình khôn, đến khi hết nghĩ mình hoảng la “mất tôi rồi”. Đó là giống Diễn-nhã-đạt-đa, chấp bóng quên đầu. Hiểu như vậy mới thấy chúng ta mê lầm thật đáng thương! Từ mê lầm này nối tiếp mê lầm khác, không có ngày ra khỏi. Tu là để giải thoát sanh tử, muốn giải thoát sanh tử phải dừng gốc mê lầm đó. Muốn dừng gốc mê lầm phải thức tỉnh nhìn bằng lẽ thật, nếu không như thế dù tu công quả phước đức bao nhiêu, cũng ở trong sanh tử thôi.

Tâm không suy nghĩ hiện tiền của chúng ta chừng bao lớn? Không có giới hạn. Tại sao trong hội Linh Sơn, Phật không nói một lời? Ngài đưa cành hoa sen lên nhìn khắp hết mọi người, tới ngài Ca-diếp thì ngài Ca-diếp mỉm cười. Phật nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâmthật tướng vô tướng, nay trao cho Ca-diếp.” Thế là ngài Ca-diếp được Phật truyền tâm ấnChánh pháp nhãn tạng là cái gì? Là kho con mắt, là cái chân thật mà lâu nay chúng ta quên. Cái thấy không có tướng mạo, hằng có. Có người nói khi nhắm mắt đâu còn thấy. Nhắm mắt thấy không? Như khi chúng ta đang ngủ, mở đèn lên biết sáng không? - Biết. Lỗ tai thường nghe không? - Thường. Khi ngủ có người gõ cửa cộc cộc ta liền nghe. Như vậy nó thường trực ở đó, nơi mắt nơi tai đều sẵn có đó. Khi Phật đưa cành hoa lên, Ca-diếp nhìn, Phật nhìn lại, Ngài liền cười, đủ biết hai thầy trò thông cảm: con có cái đó, con biết được cái đó. Cho nên Phật mới nói chánh pháp nhãn tạng, tức chánh pháp ở kho con mắt, ngài Ca-diếp ngộ được, bây giờ Phật trao cho. Nói trao mà không có gì để trao cả, vì ngài Ca-diếp đã có sẵn rồi. Từ đó Thiền tông truyền mãi, cho tới ngày nay cũng vẫn như vậy. Phật Tổ chỉ cho chúng ta cái chân thật thường có nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

Các Thiền sư dùng phương tiện bằng một tiếng hét hoặc bằng câu nói vô nghĩa. Ví dụ sau khi Phật niết-bàn rồi, hôm đó A-nan hỏi ngài Ca-diếp: “Ngoài y bát ra, Thế Tôn còn truyền cho Sư huynh cái gì khác không?” Ngài Ca-diếp kêu: “A-nan!” A-nan: “Dạ.” Ngài Ca-diếp nói: “Cây phướn trước chùa ngã.” A-nan liền ngộ. Như vậy truyền cái gì? Đó là truyền ở con mắt, truyền ở lỗ tai. Nghe nói cây phướn trước chùa ngã, mình cứ tưởng nói chuyện cây phướn.

Sau này, Thiền sư Hoàng Bá tới ở nhờ một ngôi chùa nọ. Một hôm, Tướng công Bùi Hưu tới chùa, thấy có tượng Cao tăng mới hỏi Trụ trì: “Tượng Cao tăng ở đây mà Cao tăng ở đâu?” Trụ trì trả lời không được. Bùi Hưu hỏi: “Ở đây có Thiền sư không?” Đáp: “Có.” Vị Trụ trì mới mời ngài Hoàng Bá ra, Bùi Hưu hỏi: “Vừa rồi tôi hỏi một câu, ngài Trụ trì tiếc lời không đáp. Xin Thầy đáp giùm.” Hoàng Bá nói: “Ngài hỏi đi.” Bùi Hưu lặp lại: “Tượng Cao tăng ở đây mà Cao tăng ở đâu?” Ngài Hoàng Bá kêu: “Bùi Hưu!” Bùi Hưuđáp: “Dạ.” Ngài Hoàng Bá hỏi: “Ở đâu?” Bùi Hưu liền ngộ.

Rõ ràng cái thật đó sẵn nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta, trùm hết mà mình không hay. Chúng ta cứ nhớ những lăng xăng trong đầu, chạy theo nó rồi quên hết cái thật hiện tiền. Cái lăng xăng trong đầu thì duyên theo bóng người, bóng vật, bóng cây, bóng cỏ, còn cái sẵn nơi mắt tai mũi lưỡi thân ý của chúng ta, nó hiện tiền mà chúng taquên lửng. Như vậy, chúng ta bỏ Phật hay Phật bỏ chúng ta? Ai bỏ ai? Ai cũng quí Phật, trọng Phật mà không ngờ lại bỏ Phật. Trọng Phật ở ngoài, Phật bằng gỗ, bằng xi măng, còn Phật thật thì lại bỏ, thật đáng thương không! Chúng ta tu là trở lại Phật thật của chính mình. Vì tượng bên ngoài đâu có giác ngộ được, chính tâm sẵn có của mình mới giác ngộ.

Trong kinh nói Tánh giác trùm khắp không giới hạn. Bởi vì nó không tướng thì đâu lấy gì giới hạn được. Cái to như vậy mình bỏ quên, còn cái thân mấy chục ký đây ta lại quan trọng. Đó là điều mê lầm. Nếu chúng ta thấy được lẽ thật ấy thì đời mình mới có giá trị. Tu là trở lại ông Phật thật của chính mình. Đó là Tánh giác không sanh không diệt, hoàn toàn không còn sanh tử nữa. Chúng ta muốn tu tới nơi tới chốn thì phải quyết tâm. Tất cả luôn nhớ rõ cội nguồn sanh tử là vọng tưởng, cội nguồn giác ngộ là Tâm chân thật hiện tiền của chúng ta. Thân này có bại hoại, nhưng ta có ông Phật thật rồi, không sợ chếtnữa. Bại hoại thân hư giả, chớ cái thật đâu có mất. Hiểu như vậy thì sự tu an ổn vô cùng, không còn gì sợ sệt nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/07/2018(Xem: 7768)
Khóa tu mùa Hè Hoa Phượng Đỏ tại Tu viện Khánh An vào đầu tháng 7 đã qua nhưng đọng lại trong tôi dấu ấn cảm xúc vì rất nhiều hoạt động ý nghĩa làm sân chơi rất lành mạnh cho trẻ vừa học tập vừa rèn luyện. Cho con đi xong khóa hè về lòng nhẹ nhỏm đi rất nhiều vì những thay đổi rất tích cực của con mà đáng nói hơn là cảm xúc của chính bản thân tôi cũng được cơ hội gột rửa những phiền muộn khi tham gia Đêm Thắp Nến tri ân với nhiều ý nghĩa. TT Thích Trí Chơn đã cho các em giây phút trang nghiêm thanh tịnh dâng ngọn đèn cầu nguyện lên Tam Bảo. Giọng trầm ấm của Thầy đã dẫn đại chúng vào lời kinh thiêng trầm hùng, thanh thoát.
20/07/2018(Xem: 13713)
Vào tháng 10, mùa đông, nhằm tiết đại hàn, giá lạnh, vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) nói với các quan hầu cận rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” (1)
19/07/2018(Xem: 7208)
“Thử Đề Nghị Một Phương Thức Kết Hợp Những Người Con Phật Trong Nhiều Chi Nhánh Phật Giáo Việt Nam Cùng Sinh Hoạt Với Nhau” là một đề tài tế nhị, khó nói, và nói ra cũng rất khó tìm được sự đồng thuận của hầu hết chư Tôn Đức và đồng bào Phật tử hiện đang sinh hoạt trong nhiều chi nhánh Phật Giáo Việt Nam. Đề tài này hàm ngụ hai lãnh vực nội dung và hình thức sinh hoạt, và bao gồm ba hình thái tổ chức là các Giáo Hội Phật Giáo, các Hội Cư Sĩ, và các hệ thống Gia Đình Phật Tử.
19/07/2018(Xem: 4471)
Không hiểu từ lúc nào mà tôi đã tập được thói quen công phu mỗi ngày hơn một tiếng đồng hồ và dành thời gian tương tự cho việc lướt qua các trang mạng phật giáo để chọn lựa những bài thật bổ ích cho cái trí óc còn non kém của mình, hầu học hỏi thêm dù biết rằng kiến thức đó phải được tư duy và trải nghiệm . Và tôi rất hài lòng về thói quen này vì đần dần tự nhiên giống như tôi được khích lệ và ngày nào tôi cũng cảm nhận được cái không gian êm dịu đã ghé vào thăm cuộc đời tôi và cứ như thế tôi trôi theo dòng chảy của cuộc đời dù không phải là thuận duyên lắm, do vậy con cái tôi thường nói đùa rằng " Mẹ không thể nào trầm cảm được đâu "
18/07/2018(Xem: 6445)
Trong tất cả vũ trụ pháp giới thì cái gì là sáng nhất? Chỉ có thể là trí huệ là ngọn đèn sáng nhất soi sáng sự tối tăm mê mờ của vô minh, phá tan xiềng xích của sự buộc ràng thân tâm. Trí huệ mang tới cho hành giả một sự minh triết sáng suốt, là gươm báu chém đứt tham, sân, si nơi cõi lòng của tam độc gây bởi tạo nghiệp vô minh. Chỉ có trí huệ rõ biết hết thảy những vô thường sinh tử luân hồi, để từ đó xa lìa sự đắm nhiễm tâm trần nơi cõi thế. Và giúp cho hành giả tu tập tìm về sự giải thoát khỏi mọi sự phiền não, khổ đau của kiếp sống vô thường.
17/07/2018(Xem: 5428)
Ông Thắng và bà Loan cưới nhau đã được bốn mươi năm. Năm nay ông được bảy mươi hai tuổi và bà Loan được bảy mươi. Thời thanh xuân ông bà đã trải qua với nhau một mối tình thơ mộng, đã tranh đấu chết sống với gia đình hai bên để vượt qua vấn đề môn đăng hộ đối. Cuối cùng được sự nhượng bộ của gia đình, một đám cưới tươm tất đã được diễn ra trong niềm hân hoan tột cùng của cô dâu, chú rể.
17/07/2018(Xem: 6085)
PERRIS, California (VB) – Chùa Hương Sen hôm cuối tuần Thứ Bảy ngày 14/07/2018 đã nhận một món quà tặng quý giá: 120 thùng sách Phật học. Đó là toàn bộ thư viện Phật học của Cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả lưu giữ trong nhiều thập niên tu học, hoạt động.
16/07/2018(Xem: 6234)
Hành giả tu pháp môn Tịnh Độ đều biết có bốn pháp niệm Phật tiêu biểu là: Thực Tướng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật và Trì Danh Niệm Phật. Trong bốn pháp quán này, Trì Danh Niệm Phật thường được số đông hành giả chọn để hành trì vì phương thức tương đối đơn giản hơn. Đây cũng chỉ là quan điểm của đại chúng. Phật thuyết nhất âm, chúng sanh tùy loài giải. Pháp như thế, Phật chỉ dạy như thế, chúng sanh tùy căn cơ mà hành, mà giải.
14/07/2018(Xem: 8913)
Sau 2 năm hoạt động độc lập, LAN vẫn tiếp tục thực hiện nhiều chương trình Phật pháp, cùng với đó là quỹ cộng đồng ý nghĩa mang tên Phụng Sự - Đóng góp xây dựng Chùa, tạc tượng và giúp người nghèo khó. Được lời mời từ Mỹ vào tháng 7/2017 vừa qua LAN đã đi qua các tiểu bang CA, Virginia, Marry Land, Philadelphia, Indianapolis..vv để thực hiện phim tư liệu cho các Chùa cùng phóng sự về khóa tu học Phật Pháp Bắc Mỹ lần 7 ở San Diego
13/07/2018(Xem: 7607)
Sống ở đời người ta hay xem trọng sắc diện, dáng vẻ bề ngoài. Thói thường người phụ nữ xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, hay một nam tử tốt tướng "đẹp trai" diện đúng mốt thời trang... vẫn thu hút được sự chú ý của người xung quanh; ngược lại người có nét mặt buồn rầu u tối, ăn mặc xốc xếch... đi đến đâu cũng thường hay chịu thiệt thòi, dù không bị dè bỉu khinh thường ra mặt nhưng họ không được mọi người thực tâm ưu ái dành cho một chỗ đứng trang trọng, ngay trong giây phút gặp gỡ đầu tiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]