Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nụ Cười Chay

03/09/201620:23(Xem: 7003)
Nụ Cười Chay

NỤ CƯỜI CHAY

buddha-cuoi-chay

 

 

CƯỜI, LÀ GÌ? NÊN CHĂNG?

Người ta biết đến giá trị của cái Có nhưng không mấy ai biết được cái Dụng của cái Không.

Trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp, con người đã thể hiện những năng lực của bàn tay, khối óc và con tim … , nhưng ít ai biết tới một thứ đã tác động rất lớn lao và sâu xa đến bộ mặt thật của nhân loại, đó là Nụ Cười.

Thật vậy, chúng ta cứ tưởng tượng nếu thiếu vắng nụ cười thì thế giới con người sẽ như thế nào? Và sẽ đi về đâu?

Triết gia Bain (người Anh) đã phát biểu:

- Cười là đối ngược lại sự nghiêm trang. Hàng ngày đứng trước cái thế giới trang trọng và thúc bách của công việc, của bổn phận, chúng ta như bị trói buộc một cách căng thẳng vào mọi sự. Nếu thình lình thoát khỏi những ràng buộc ấy, (bằng tiếng cười) lập tức chúng ta cảm thấy vui sướng, phấn khởi, tình trạng này tương tự như bọn học sinh trong giờ ra chơi.

Đúng thế, cuộc sống càng gấp rút, bươn chải, thì tâm trí chúng ta càng khốn khổ vì bị trói buộc vào công việc, và luôn luôn tỏ ra căng thẳng. Nhất là trong thời đại công nghiệp - con người sản xuất nhiều của cải hơn, nhiều tiện nghi đến mức thừa thãi, nhưng tiếc thay con người hôm nay lại có quá ít tiếng cười. Một bức ảnh gần đây của một tay săn ảnh người Mỹ đã cho thấy, trên ảnh: từng đoàn người hối hả đi làm việc với khuôn mặt cứng đờ, ủ dột, lo âu mà không ai có một nụ cười. Ngay cả khi người ta đi chơi cũng vậy, (hoặc ngồi chuyện trò trong quán cà phê chẳng hạn) luôn luôn hối hả, tất bật, - không một ai có thể chường ra một bộ mặt tươi cười, khoan khoái.

Nụ cười quả cần thiết cho cuộc sống - nếu không muốn nói là vô cùng cần thiết, nếu chúng ta không muốn dẫy chết trong một nền văn minh sắp sửa sụp đổ bất kỳ lúc nào vì chiến tranh hạch tâm hoặc do sự hủy hoại môi sinh do con người tạo ra.

          Nguyễn Công Trứ đã nói:

Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe

Đời có vui sao chẳng cười khì?

Khóc thì ai cũng biết khóc, dường như bản năng con người là dễ dàng khóc, nhưng kiếp người này mấy ai sẵn nụ cười trên môi?

Đức Phật Thích Ca bảo: “Nước mắt chúng sinh chứa đầy hơn bốn biển”. Đó không phải là lời thở than mà là một nhận xét trung thực. Trong cái đại dương đầy nước mắt nầy, ta dẫu ráng buông một nụ cười thì cũng khó khăn - họa may chỉ là: cười xã giao, cười trừ, cười khan, cười gượng, cười nhạo, cười chua chát, cười đau khổ, cười tức tưởi, cười rầu rĩ, cười căm hận, cười đắng nghét, cười “tiếng khóc khô không lệ” (Xuân Diệu), cười mếu máo, cười ra nước mắt, ...

Các bậc cha mẹ cho đến nhà trường, xã hội, đều dạy cho chúng ta rất nhiều điều, nhưng chưa hề “dạy cười”. Người lớn khuyên “hãy làm người cho tốt” nghĩa là phải có những đức tính tối thiểu nào đó, nhưng quên rằng nếu không biết cười cho ra hồn thì … ta chỉ là “nửa người nửa ngợm nửa đười ươi” mà thôi. Khó mà làm nên một Con Người đầy đủ tính nhân văn và trí tuệ lắm. Vì sao?

Họ, kẻ không biết cười thì bộ mặt chằm quặm, căng thẳng, luôn luôn sống vật vờ, chẳng biết trôi về đâu. Không sống cũng không chết, họ chỉ hối hả trôi qua một chặng sanh tử “buồn tênh cát bụi” cho đến khi vô quan tài. Có thể họ là những siêu nhân, Batman hay Người Nhện hoặc một đại ca “chuyên đeo kính thầy bói” trong những bộ phim xã hội đen, hay những con người vắng mặt trên cõi sống rộn rã, tưng bừng này! Cứ ngỡ rằng, cười là chuyện “thiếu nghiêm túc”, mà quên rằng đôi khi lắm kẻ học suốt đời vẫn không biết cười là gì!

E rằng, điều này chúng ta buộc phải “tự học” mà thôi, không có con đường nào khác! Có sách dạy nấu ăn, dạy chính trị, kinh doanh, dạy đánh tennis, dạy yêu đương … khắp mọi đề tài, nhưng sách dạy cười thì ít ỏi lắm thay.

Nụ cười cũng cần thiết như là thực phẩm, tiện nghi vậy. Thiếu cơm gạo, thơ ca với lại cả … biểu diễn người đẹp chân dài, thì con người sẽ ốm yếu, còi cọc. Chắc chắn rồi. Nhưng, thiếu nụ cười thì con người không những không thể lớn lên nổi, mà còn chết dần mòn trong ao tù cuộc sống và trong lao ngục tiện nghi vật chất mà thôi. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh hồi đầu thế kỷ 20, vốn là một nhà nho “khắc kỷ, thận độc” (tiết chế bản thân và cẩn thận khi ở một mình) luôn luôn đạo mạo nên cụ quen đè nén tâm lý, không hay cười, nhưng không sao. Tiếc rằng cụ đã viết báo đả phá và miệt thị “cái thói hay cười của người An Nam”, hãy xem là quá khứ nên quên.

 

NGƯỜI XƯA ĐÃ CƯỜI …

Ngày xưa ở Trung hoa có ba vị thiền sư, gọi là ba “Ông Phật Tếu”, bởi vì họ không bao giờ làm gì cả, ngoài việc ... Cười!

Họ vừa cười vui, từ làng xóm này tới chợ búa khác. Mọi người bao vây xung quanh ba ông sư ấy, ai nấy ngừng việc cày cấy, mua bán, quên mọi sự đời để cười theo, đôi khi quên cả mưu sinh, làm quan, lên chức!

Một kẻ kính tín yêu cầu: “Hãy thuyết pháp cho đệ tử!”, thì ba vị Phật Tếu cười ầm: “Có gì để thuyết? Đơn giản tụi chúng tôi chỉ biết cười và tiếng cười sẽ làm cho cuộc sống trở nên sâu thẳm, thanh khiết và sáng sủa hơn”.

Chợ búa trở nên vui nhộn như buổi tấu hài, như đại nhạc hội, như rạp xiếc. Không còn ai quan tâm lời lỗ, mọi cơ quan đều trở nên như bữa tiệc.

Người ta chỉ sống với âu lo, sợ hãi … nên ít có niềm vui nội tâm, làm cho khuôn mặt ai nấy đều ủ dột, cáu gắt, u buồn, bất an. Làm sao họ có thể buông ra một nụ cười vô tư, trong sáng, hoan lạc? Vậy nên, khi có cơ hội để quên lãng thế sự vặt vãnh, những cảnh đời tủn mủn, thì mọi người đều sướng thích, khoái hoạt và trong giây lát, đã bật lên những tiếng cười rộn rã. Rồi sau những tràng cười dài, tâm tư sẽ nhen nhúm đôi chút hy vọng, vài ba mơ ước nhỏ bé để tiếp tục sống khỏe, sống hạnh phúc.

Từ đó, người ta sực nhớ ra rằng, nụ cười cũng cần thiết hơn là cơm áo, bạc tiền, quyền lợi, danh vọng vậy! Hoặc đôi khi còn quan trọng, cần thiết, vượt hơn những thứ kia nữa!

Một hôm, một trong ba Ông Phật Tếu qua đời, mọi người dân bảo nhau:

- Bây giờ một “ngài” đã ngủm, chắc hai “ngài” còn lại mần chi mà cười nổi được!

Nhưng khi dân làng tới nơi, họ thấy hai vị Phật còn lại vẫn đang nhảy nhót, cười cợt tỉnh bơ. Vài người nói:

- Một người bạn vừa qua đời, mà các vị lại ca hát cười đùa như vậy?

Hai vị Phật Tếu cười:

- Cùng cười với nhau suốt cả cuộc đời, tụi tui phải tiếp tục cười để chia tay nhau bên bờ sinh tử chứ!

Một triết nhân phương Đông bảo: “Tiếng cười là vĩnh cửu như cuộc sống vậy. Các diễn viên và sân khấu có thể thay đổi. Nhưng vở diễn vẫn tiếp tục mãi. Cuộc sống là bất diệt, miên trường, không bao giờ ngừng nghỉ. Như sóng biển lúc thì trào dâng hoặc vỗ lao xao, lúc chìm lắng, thinh lặng, nhưng đại dương thì bao giờ cũng vẫn tồn tại. Bạn sống rồi bạn chết. Thiên hạ sống rồi thiên hạ qua đi, nhưng tiếng cười thì vẫn còn mãi mãi, luôn luôn là nhu cầu quan trọng của nhân gian.”

Khi mọi người đặt thi thể người quá cố lên giàn thiêu, thì một hiện tượng xảy ra: Trước khi tắt hơi, Ông Phật Tếu vừa quá cố kia giấu sẵn rất nhiều pháo hoa trong mình, cho nên khi gặp ngọn lửa, pháo hoa nổ tung và phọt lên không gian nhưng chùm bông đủ màu. Toàn thể không gian tràn ngập pháo hoa, nổ tung và phun ra vô số chùm bông lòe loẹt. Và cả làng bật nên tiếng cười, Cười chết bỏ, cười liên tục, cười hoài …

Đạo Phật dạy: Không có một cái gọi là Cái Chết. Cuộc sống vốn là một chuỗi sinh diệt liên tục không bao giờ ngưng nghỉ. Bởi vì một hiện tượng này kết thúc thì nẩy ra một hiện tượng khác, mới mẻ, sinh động hơn. Cho nên chúng ta có thể bảo rằng, cuộc sống không có điểm dừng mà luôn luôn bắt đầu dưới dạng thức này hoặc dạng thức khác.” (Tài liệu lưu trữ của Huỳnh Hội)

 

CÓ BAO NHIÊU CHỦNG LOẠI NỤ CƯỜI?

Các nhà khoa học cho rằng, Cười là một trong những hình thức diễn đạt cảm xúc tinh tế nhất của con người. Cười là cách tốt nhất để bộc lộ những trạng thái tình cảm con người chúng ta đang có. Nụ cười không chỉ để bày tỏ sự hài lòng mà còn vì nhiều nguyên nhân tâm lý và tình cảm phức tạp khác. Người ta đã liệt kê ra hàng chục kiểu cười khác nhau: cười mỉm chi, cười khẩy, cười ruồi, cười trừ, cười đểu, cười hết ga, cười xởi lởi, cười cầu tài...

Theo sự tìm hiểu và nhận định tạm thời của chúng tôi, trong vô số loại nụ cười của con người, thì chỉ có HAI loại nụ cười có thể thăng hoa tâm hồn chúng ta: đó là Nụ Cười Chay và Nụ Cười Minh Triết. Ở đây chỉ nói Nụ cười chay mà thôi, trong một cơ duyên khác, chúng tôi sẽ bàn đến Nụ Cười Minh Triết.

 

THẾ NÀO LÀ NỤ CƯỜI CHAY?

Chà, khó quá! Làm sao định nghĩa được từ ngữ Nụ Cười Chay, trong khi hầu hết tất cả chúng ta đều có những cuộc sống cực kỳ mặn? Sống mặn mà muốn nở một nụ cười chay, e rằng chúng ta chỉ trưng bày ra những nụ cười giả trá, không thật, hoặc chỉ là những nụ cười ỡm ờ, giả lả, như cười cầu tài, cười bổ bã, tếu táo cho qua truông qua ải. Cuộc đời có quá nhiều truông đèo hiểm trở cho nên đôi khi nụ cười của chúng ta cũng chỉ là nụ cười ba xạo, ba trợn, hay chăng?

          Thôi đành nhờ cậy vào tài uyên bác của nhà văn Phùng Khánh kiêm nữ tu Trí Hải định nghĩa giúp, đó là … gặp chuyện khó khăn thì xin nhờ cậy sư phụ ra tay chứ còn biết nương tựa vào ai? Đây là quan niệm rất nhân ái về Nụ Cười Chay, của một nữ sỹ kiêm nữ tu:

“... vẫn có những nụ cười rất đẹp đã tô điểm cho cuộc đời ảm đạm, đó là những nụ cười chay.

“Gọi là nụ cười chay, bởi vì nó thật hoàn toàn ... chay, không có một ẩn ý chua xót, mỉa mai, hiểm độc, mà chỉ đơn thuần là nụ cười. Lại nữa, nó không phải trả giá bằng nỗi khổ đau của mình (cười chua chát) hoặc của người khác (cười đắc thắng). Chỉ có những nụ cười như vậy mới xứng đáng được xem là “ánh mặt trời xua đuổi mùa đông ra khỏi nét mặt con người” như Victor Hugo diễn tả. .

 (Phùng Khánh-Trí Hải, “Từ Nguồn Diệu Pháp”  NXB Tôn giáo)

Trong một bài viết của bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, một vị thầy thuốc kiêm văn sỹ, đã cho biết:

Ngay khi còn ở trong thai mẹ, thai nhi chỉ có việc … ngủ và cười. Y học mới phát hiện gần đây là thai nhi cũng cười. (Thư gởi người bận rộn, trang 195).

Đối với bác sỹ họ Đỗ, thì nụ cười vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Người xưa cho rằng, nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, nhưng bác sỹ còn đề cao sự quan trọng của nụ cười đến nỗi đã viết nên cuốn sách: “Nụ cười như ngàn thang thuốc bổ”, do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2002.

Còn các triết gia Ấn độ thì từ lâu đã khẳng định giá trị tất yếu của nụ cười trong cuộc sống mà không cần chứng minh luận lý gì cả, phương pháp truyền đạt trực quan nhưng ra vẻ dứt khoát hơn. Nhà triết gia đương đại Bhagavan Rajneesh nói:

Tiếng cười có năng lực Thiền và năng lực Thuốc.

Tiếng cười chắc chắn làm thay đổi chính hoá chất trong thân tâm của bạn, làm chuyển hoá sóng não của bạn, làm thăng hoa trí tuệ của bạn, bạn trở nên thông minh hơn. Khi tiếng cười xuất hiện, phần tâm trí ngái ngủ bên trong bạn bỗng nhiên bừng tỉnh dậy. Tiếng cười đạt tới phần thâm sâu nhất của bộ não bạn, lay động tới trái tim thầm kín của bạn. Kẻ nào hay cười thì không thể đau tim, không thể tự tử được. (Từ Thuốc đến Thiền, GS Ngô Trung Việt dịch)

 

TẠI SAO BẠN KHÔNG BẮT ĐẦU CƯỜI LÊN?

Con khỉ không biết cười. Các nhà bác học chuyên về động vật tuyên bố: Loài vật dường như không bao giờ biết cười, chúng ta đành tin họ vậy. Chỉ có loài người mới biết cười.

Có kẻ bảo: Một nụ cười không làm mất mát gì cả, nhưng lại ban tặng rất nhiều. Nó làm giàu có những ai đón nhận nó mà không làm nghèo đi người sinh ra nó. Nụ cười nuôi dưỡng hạnh phúc trong gia đình, gầy dựng thiện ý trong làm ăn, và làm lớn mạnh mối tương giao trong tình bạn, mang đến sự thư giãn những khi ta mỏi mệt, niềm hi vọng những khi tuyệt vọng và ánh sáng những khi ta tăm tối trong muộn phiền.

Nụ cười, cũng như tình yêu, là cái không thể mua bán, vay mượn, hay thậm chí mua trả góp dài hạn, hay mượn tạm xài đỡ của người khác. Bởi vì, khi đó, nó chỉ là vật trao đổi bán chác miễn cưỡng và vô nghĩa, chứ không phải là nụ cười đúng nghĩa.

Có những người không bao giờ nở một nụ cười với bạn. Gặp những kẻ khốn khổ như vậy, chúng ta vẫn cứ nên trải lòng mình ra và tặng ngay một nụ cười miễn phí rồi biếu thêm liên tục. Họ là những người dè sẻn của cải và keo kiệt luôn cả nụ cười, vì lẽ đó, họ chính là những người tội nghiệp nhất thế gian - họ cần nụ cười hơn ai hết. Hãy tươi cười với mọi người. Chúng ta chẳng những không mất gì, mà trái lại, sẽ nhận được rất nhiều.

Khi nhà báo Ngọc Anh phỏng vấn nhà văn Lê Đạt nhân giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007:

- Sau từng ấy thăng trầm trong cuộc sống, ở tuổi 79, nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông luôn vui vẻ và hài hước?

Nhà thơ Lê Đạt trả lời:

- Nếu không hài hước để sống thì tôi không thể là tôi bây giờ. Làm sao có thể tưởng tượng được mình đang là người tử tế thế này, một buổi sáng thức dậy bỗng nhiên trở thành một thằng hủi. Bạn bè hôm qua tay bắt mặt mừng, hôm nay nhìn thấy mình đi bên này là phải đổi sang vỉa hè bên kia. Kinh khủng lắm!

Vâng, chúng ta hoàn toàn cảm thông với nhà văn Lê Đạt: Chỉ có nụ cười hài hước mới giúp ta trụ vững giữa cuộc sống mà không tỏ ra thù hận bất cứ ai. Nụ cười sẽ làm khô những vết thương tấy mủ và đưa chúng ta tới chân trời khoan dung, khoáng đãng.

Do đó, tất cả giáo lý của mọi nền minh triết Ấn độ đều nhiệt liệt cổ vũ cho nụ cười. Và từ đó, hàng trăm triệu du khách khi ghé thăm đất nước Ấn độ đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến giữa cuộc sống nghèo khổ, khó khăn nhưng người dân quê Ấn độ vẫn luôn luôn nở nụ cười trên môi và cả trong ánh mắt. Và trong kho tàng chuyện cổ sau đây:

Theo lời yêu cầu của các đệ tử, một vị đạo sư Ấn độ đã thuật lại các giai đoạn tu tập của mình: Trước hết, ta được Đấng Chí Tôn nắm tay dẫn đến xứ sở của những công tác từ thiện. Ta đã lưu trú ở đây để phục vụ chúng sanh một thời gian.

Tiếp theo, Ngài đưa ta đến chốn đau thương. Tại nơi đây, tâm hồn ta được tẩy rửa hoàn toàn khỏi mọi khổ lụy và hạnh phúc thế gian.

Sau đó Ngài đưa ta đến miền đất cô đơn, nơi ấy mọi giấc mơ nhỏ bé của con người đều bị diệt tận, để ta có thể chảy tan vào chốn tịch liêu, của sự im lặng siêu việt. Khi ấy, bao bí mật sâu kín của Sinh và Tử đều được hé mở rõ rệt.

Nghe tới đây, tất cả các đệ tử liền hỏi:

-Phải chăng sư phụ đã đạt tới giai đoạn cuối cùng trong cuộc tìm kiếm chân lý?

Vị đạo sư bình thản trả lời:

- Đâu dễ dàng đến thế! Một ngày nọ, Đấng Chí Tôn nói: Lần cuối Ta sẽ đưa con đến chốn linh thiêng, sâu thẳm nhất của đền thánh để con được vĩnh viễn ở ngay trong lòng Ta.

Thế là Ngài cùng ta đi tới xứ sở của nụ cười.

 

MẸ THERESA KHUYÊN: HÃY CƯỜI VỚI BẤT CỨ AI

 

          Mẹ Teresa là một phụ nữ nhỏ bé, yếu ớt nhưng bằng những hành động nhân ái phát xuất từ niềm tin chân thật của mình, Mẹ Teresa đã trở thành chỗ nương tựa và là nguồn cảm hứng vô tận cho vô số con người bị bỏ rơi trên hành tinh đầy rẫy bất công và gian trá này.

"Quí vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà. Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế, quí vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương.

Mẹ Teresa: "Hãy cười với nhau, ngay cả với kẻ có thù oán với các con mà không cần nhìn vào mắt của họ."

Lần khác, khi bàn về Bí quyết hạnh phúc Mẹ bảo: Hãy trao tặng một nụ cười!

          …

          Và bạn cũng có thể trình bày vô số kiểu cười khác nhau, chủng loại nụ cười khác nhau, chẳng có ai giống ai. Và ngay cả trong một con người cũng luôn luôn ẩn giấu không biết bao nhiêu cung cách nhếch môi để … cười, tùy theo nội tâm  rung động và hoàn cảnh ứng xử của mình.

Miễn sao, đó là nụ cười chay: Nụ cười chỉ thuần tuý … cười. Không ẩn ý, không mưu toan, không ám chỉ bất kỳ ai, bất kỳ điều gì, việc gì. Mà cười và cười mà thôi …

 

          NGUYỄN XUÂN CHIẾN

Ý kiến bạn đọc
03/09/201622:09
Khách
Cuoi lam cho con nguoi song lac quan, tri duoc dau benh. Toi nghi goi bai "cuoi chay" nay den cho nhung nguoi benh ung thu doc de giup ho song yeu minh, yeu doi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/09/2010(Xem: 9558)
Phật giáo như ánh sáng mặt trời mà nhìn ánh sáng ấy, chúng ta chỉ có cặp mắt nhỏ hẹp. Tuy nhiên, một là tất cả, chúng ta có thể căn cứ một vài điều sau đây mà biết tất cả đặc điểm của Phật giáo. Thứ nhất, đặc điểm của Phật giáo là “y như sự thật”: Lý thuyết, phương pháp, kết quả đều hợp lý, đều như thật.
29/09/2010(Xem: 9672)
Âm nhạc Phật giáo có bước chuyển biến mới trong những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi, khi nền âm nhạc Tây phương thâm nhập và tác động vào nền âm nhạc truyền thống...
29/09/2010(Xem: 8802)
Cà sa là biểu tượng của hạnh khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục. Đức khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục trong Phật giáo liên hệ mật thiết với tinh thần bình đẳng...
29/09/2010(Xem: 9635)
Đức Phật đã hằng dạy cho chúng ta rằng: "Vạn pháp giai không; nhưng nhân quả bất không". Nếu nhân tạo ra tốt thì chắc chắn quả kia không thể xấu được.
29/09/2010(Xem: 8798)
Trong Phật giáo, Tiểu ngã hay Đại ngã, chỉ là những khái niệm giả danh. Nhưng cái giả danh được đông kết bởi tích lũy vô số vọng tưởng điên đảo.
28/09/2010(Xem: 7902)
Sắc là các màu sắc, hình dáng mà mắt tiếp xúc nhìn thấy mọi hình ảnh sự vật rồi sinh tâm phân biệt đẹp xấu, từ đó muốn chiếm hữu, nhất là lòng ham muốn về nam sắc, nữ sắc là đầu mối dẫn chúng sinh luân hồi trong sinh tử trong vô số kiếp. Từ ngàn xưa cho đến nay tình ái vẫn là thứ dễ làm cho con người mù quáng và si mê nhất, nên dễ dàng gây ra nhiều tội lỗi, do đó, rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra làm đau lòng nhân thế. Cảnh nhồi da xáo thịt làm mất đi nhân cách của một con người, con giết cha, mẹ giết con, vợ giết chồng rồi kẻ tình địch giết hại lẫn nhau vì ghen tuông vô cớ. Con người càng ngày làm mất đi giá trị đạo đức do không tin sâu nhân quả, nên dễ dàng gây ra nhiều tội lỗi và làm khổ đau cho nhau.
28/09/2010(Xem: 13093)
Về hình thức, Tranh Chăn Trâu Mục Ngưu Đồ có trên mười bộ khác nhau, có bộ chỉ 5 tranh, có bộ 12 tranh, nhưng phổ biến nhất là những bộ 10 tranh.
27/09/2010(Xem: 7585)
Tập tục Sóc, Vọng theo chân những người Việt di dân khai phá vùng đất mới mà vào Nam bộ. Chính ở đấy, đã hòa hợp vào những con người tứ xứ và đất đai...
27/09/2010(Xem: 8304)
Các kinh luận thường dạy rằng, tất cả mọi loài chúng sinh đều có sẵn khả năng giác ngộ (Phật tính), nhưng vì bị các kiến chấp sai lạc làm cho mờ tối nhận thức...
27/09/2010(Xem: 10032)
Những ngày đầu tiên trở lại Los Angeles sau gần hai chục năm, tình cờ tôi có mua được một số sách của một vị Đại Lạt ma Tây Tạng tên là Tarthang Tulku viết thẳng bằng tiếng Anh và xuất bản tại Califomia từ khoảng năm sáu năm nay thôi; cảm giác đầu tiên là một niềm vui mừng khôn tả khi nhìn thấy một vị tu sĩ Phật giáo viết văn thuyết giảng Phật Pháp qua một văn khí hùng mạnh và ngôn ngữ giản dị trong sáng như lưu ly và những vấn đề trầm trọng nhất của nhân loại hiện nay đã được đặt ra và giải quyết một cách triệt để.... Khi những trực nhận nội tại mình trở nên rõ ràng và thông suốt hơn thì sự tập trung tư tưởng sẽ giúp đỡ mình điều khiển tỉnh lực mình về hướng đi cần thiết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]