Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trào lưu cuồng tín và khủng bố

31/03/201620:28(Xem: 8189)
Trào lưu cuồng tín và khủng bố
Trào lưu cuồng tín và khủng bố                
 
Phỏng vấn Jürgen Habermas do Giovanna Borradori thực hiện
 
 
Đỗ Kim Thêm dịch  

 

                                 

 philosophie_in_zeiten_des_terrors

 

Jürgen Habermas sinh năm 1929 là giáo sư Triết học tại Đại học Frankfurt (Đức) mà tên tuổi cuả ông gắn liền với Trường phái Triết học Frankfurt. Ông nổi danh với các luận thuyết về các Thay đổi Cấu trúc của Công luận (Strukturwandel der Öffentlichkeit, 1962) và Lý thuyết về Hành vi Thông đạt (Theorie des kommunikativen Handeln, 1981). Với nhiệt tình tham gia tranh luận trong các vấn đề chính trị sôi bỏng, ông được nể trọng là một trí thức can đảm dấn thân và nhận nhiều giải thưởng cao quý. Hiện nay, ông là một trong những triết gia hàng đầu tại châu Âu.

 

Giovanna Borradori, Giáo sư Triết học tại Vassar College (US). Bà là tác giả The American Philosophie, University of Chicago Press và Biên tập viên cuả Recoding Metaphysics:The New Italian Philosophy.

 

                                               ***

Ông có xem biến c mà chúng ta hin nay thường gi là "11 tháng 9" là chưa tng có không, mt s kin đã làm thay đi trit đ s hiu biết của chúng ta không?  

 

Trước tiên, xin bà cho phép tôi nói là tôi sẽ trả lời câu hỏi này của bà trong ba tháng sau biến cố[1]. Tuy thế, khi đề cập đến những kinh nghiệm của tôi liên hệ đến biến cố này, có lẽ cũng là điều hữu ich. Từ đầu tháng 10 tôi lại đến ở tại Manhattan khoảng 2 tháng. Nếu so với các lần lưu ngụ trước, tôi phải thú nhận là trong lần này, tôi cảm thấy xa lạ hơn trong một "Thủ đô của Thế kỷ XX", nơi mà tôi đã từng say đắm trong hơn ba thập niên qua. Không phải chỉ là lòng ái quốc kiên cường dưới lá cờ bay "Hãy đoàn kết chúng ta cùng đứng lên" làm cho không khí thay đổi, không phải chỉ lời đòi hỏi đoàn kết bất thường và những cảm xúc ràng buộc để chống lại "chủ trương bài Mỹ". 

 

Lòng hào hiệp đầy ấn tượng của người Mỹ đối với người ngoại quốc, sự thu hút cuả họ khi giao tiếp bằng cách ôm nhau nồng nhiệt, đôi khi có cả tự ý thức – nhiệt tình cao cả này đã nhường chổ cho mối nghi ngờ ít nhiều. Liệu chúng ta, cho dù lúc đó không có mặt, hiện tại có nên tỏ tình đoàn kết không điều kiện với người Mỹ chăng? Ngay cả những người đã được các người bạn Mỹ không có chút nghi ngờ gì, trong đó có tôi, cũng cần phải cẩn trọng khi phê phán. Từ khi có vụ can thiệp tại Afghanistan, chúng ta đột nhiên nhận ra rằng trong các cuộc tranh luận chính trị, chúng ta chỉ nói chuyện giữa châu Âu với nhau, (hoặc chỉ với Israel).   

 

Mặt khác, tôi cảm nhận được tầm quan trọng của biến cố này ngay tại chổ. Tôi nhận ra rằng biến cố kinh hoàng từ trời xanh rớt xuống, ý nghiã của một việc tấn công bất chợt cũng như tinh thần sa sút trong cơn giận dữ của toàn thành phố, tất cả cảm nhận hoàn toàn khác hẳn với lúc tôi còn ở nhà. Mỗi người bạn và đồng nghiệp đều nhớ lại rõ ràng về hoàn cảnh của mình vào buổi sáng ngày này lúc sau 9 giờ. Tóm lại, chỉ có ở tại chổ, tôi mới hiểu rõ hơn về tâm trạng đầy linh tính cho định mệnh này mà câu hỏi của Bà đặt ra.

 

Ngay trong chính giới cánh tả cũng đã có một ý thức lan rộng về một thời kỳ chuyển biến. Tôi không rõ là chính phủ có mắc bệnh hoang tưởng không hay là họ chỉ sợ nhận trách nhiệm. Trong mọi trường hợp thì các loại cảnh báo cứ lập đi lập lại và không cụ thể là sẽ có đợt khủng bố mới và những lời kêu gọi vô nghĩa "Hãy báo động" – nó dấy lên một mối sợ hải mơ hồ và một tình trạng sẳn sàng báo động trong bất định - chính vì thế, tất cả nằm trong ý định của bọn khủng bố. Tại New York, người ta đang lo gặp phải chuyện trầm trọng hơn nữa sẽ xãy đến, họ quy kết các cuộc tấn công bằng bom than (hoặc là chuyện rớt máy bay tại khu phố Queen)[2] là thuộc về hoạt động của nhóm người Osama bin Laden và xem đó như là chuyện hiển nhiên.

 

Trước hoàn cảnh này, Bà sẽ thông cảm cho một sự ngờ vực nhất định. Những gì mà chúng ta, những ngưòi đương thời, đang cảm nhận được trong phút giây này, liệu nó có là quan trọng đối với những tiên đoán lâu dài không? Như nhiều người lập luận là cuộc tấn công của bọn khủng bố vào ngày 11 tháng 9 tạo ra một cột móc cho lịch sử thế giới, họ phải so sánh với các biến cố khác của lịch sử thế giới. Để so sánh như vậy, họ đem trận chiến Trân Châu Cảng, mà đúng hơn hết là nên đem tháng 8 năm 1914. Với sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất, một thời kỳ yên bình đã kết thúc, nhưng nhìn trở lại, đó là một giai đoạn vô tư. Đó là thời kỳ mở ra một cuộc chiến tranh toàn diện, đàn áp một cách độc tài, man rợ theo một cơ chế, tàn sát tập thể theo hệ thống. Lúc đó, người ta có linh tính báo trước là có một cái gì đó đang lan rộng.

 

Nhưng về sau này khi nhìn trở lại, chúng ta có thể nhận ra rằng liệu sự sụp đổ mang tinh biểu tượng của thành trì của chủ nghĩa tư bản tại phía nam của thành phố Manhattan có hàm chứa một thay đổi sâu xa không, hoặc liệu là tai hoạ này chỉ xác nhận về một tình trạng tổn thương có ý thức từ lâu của nền văn minh phức tạp của chúng ta một cách bi thảm và vô nhân đạo không. Khi biến cố này không phải là Cách mạng Pháp - mà Kant sau đó cho là “một dấu hiệu lịch sử“, cho thấy một khuynh hướng đạo đức cho loài người – thì vấn đề rõ rệt là các ảnh hưởng về tầm vóc của biến cố lịch sử này sẽ được nhận đinh về sau.

 

Có lẽ với thời gian, người ta sẽ tìm ra dấu tích của những chuyển biến quan trọng của ngày 11 tháng 9. Nhưng chúng ta không biết những kịch bản nào mà chúng ta tô điểm hôm nay sẽ thực sự xãy ra trong tương lai. Một liên minh do chính quyền Mỹ khôn ngoan kết hợp để chống lại bọn khủng bố, cho dù mong manh, nhưng có thể hỗ trợ làm chuyển tiếp vai trò của luật quốc tế cổ điển sang một tình trạng luật pháp có tính địa phương, nếu có điều kiện thuận lợi.

 

Hội nghị về Afghanistan tại Peterburg (Bonn) đặt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đề ra cách mềm dẻo vế một phương hướng đúng đắn, ít nhất đó là một dấu hiệu đầy hy vọng[3]. Nhưng các chính phủ châu Âu đã hoàn toàn thất bại. Hiển nhiên, họ không có khả năng để nhìn quyền lợi riêng ra khỏi phạm vi quốc gia, nhưng tối thiểu họ là người châu Âu, họ dựa sức mạnh của Ngọai trường Powell để chống lại thành phần cứng rắn. Dường như chính quyền Bush tiếp tục theo một đường lối tự tập trung của một chính sách siêu cường kiên quyết. Trước cũng như sau, họ chống lại việc sử dụng Toà án Hình sự Quốc tế. Thay vì thế, họ lại quen thuộc hơn với Toà án Quân sự Hoa Kỳ, cho dù Toà này phạm luật quốc tế. Họ từ chối ký kết Hiệp ước Vũ khí Sinh học. Hoa Kỳ đơn phương hủy bỏ Hiệp ước ABM và cảm thấy là mình làm đúng đắn, khi qua vụ ngày 11 tháng 9, mà họ lập một mạng lưới chống hoả tiển, đó là một kế hoạch vô nghĩa. Đối với một chủ thuyết đơn phương không che đậy, thế giới này trở nên quá phức tạp.

 

Ngay cả khi châu Âu không trỗi dậy để tự nắm vai trò cường quốc khai hoá văn minh, thì quyền lực đang trỗi dậy của Trung Quốc và tình trạng suy tàn của Liên Xô không thể thích nghi một cách đơn giản trong khuôn mẩu Hoà Bình theo kiểu Mỹ. Thay vì theo đuổi hoạt động trị an của cảnh sát mà chúng ta hy vọng trong cuộc chiến Kosovo, lại có một loại chiến tranh với tình trạng kỷ thuật mới, nhưng lồng trong phong cách củ.

 

Sự bất hạnh của Afghanistan bị chiến tranh tàn phá gợi lại những hình ảnh của cuộc chiến 30 năm. Dĩ nhiên, cũng có những lý do tốt đẹp, kể cả có  các lý do luật pháp, là dùng bạo lực để thay đổi chế độ Taliban, một chế độ đàn áp dân chúng, không phải là họ chỉ có tàn bạo với phụ nữ. Đó là lý do chính đáng chống lại việc dẫn độ bin Laden

 

Nhưng so giữa sức công phá tập trung của các vũ khí trong không gian và sự tàn bạo của các lãnh chúa vô chính phủ gây chiến trong bộ tộc trên đất liền là không đối xứng, nó tạo nên một sự vi phạm về mặt đạo đức. Người ta cảm nhận điều này khi nhớ lại lịch sử thời thuộc địa do bạo lực dày xéo, tự quyền chia cắt lãnh thổ, biến đất nước thành một trò chơi cho các cường quốc. Nhưng Taliban cũng đã thuộc về lịch sử.

 

Vâng, đề tài của chúng ta là trào lưu khủng bố mang lại một ý nghĩa mới vào ngày 11 tháng 9...

 

Mới vì đó là một hành vi cực kỳ tàn bạo. Tôi không chỉ đề cập tới cách của các tên sát nhân cảm tử, những người biến một chiếc máy bay cùng với các con tin thành một loại vũ khí sống động, không phải chỉ với số lượng nạn nhân quá mức, và với mức độ hủy diệt kinh hoàng. Chuyện mới là sức mạnh biểu tượng của mục tiệu đạt được. Cảm tử quân không những làm tan hoang từng cao nhất của Mahattan thành hố thẩm, mà còn phá hủy hình ảnh biểu tượng của nước Mỹ. Trước hết do sôi sụt lòng ái quốc, người ta mới nhận ra sau đó giá trị chủ yếu; nhìn qua bóng đen của Manhattan, người ta mới nhận ra được biểu tượng hùng mạnh của tiềm năng kinh tế và ý chí thuộc về tương lai, để từ đó mà hình dung ra toàn thể dân tộc.

 

Tuy nhiên, điều mới lạ cũng là sự có mặt cuả các ống kính và truyền thông, nó biến một biến cố địa phương cùng lúc thành toàn cầu, và dân chúng toàn thế giới thành những nhân chứng sững sờ. Trong một ý nghiã nghiêm túc, người ta có thể nói ngày 11 tháng 9 là một biến cố đầu tiên trong lịch sử thế giới. Sự cọ sát, bùng nổ và sụp đổ từ từ, không phải là hình ảnh trong phim Hollywood, không có thực, mà chính là một thực tế tàn nhẫn, xãy diển rõ ràng trước mắt của công luận thế giới. Một bạn đồng sự của tôi ngồi trên sân thượng trong nhà của ông ta ở phố Duane, chỉ cách World Trade Center mấy mét, ông thấy chiếc máy bay thứ hai đụng tầng trên của mái nhà nổ tung, ông có cảm giác sống thực khác như tôi thấy trước khung kính truyền hình tại nước Đức, nhưng ông cũng không nhìn thấy có gì là khác hơn tôi.

 

Những quan sát về một biến cố độc nhất chưa đủ để giải thích tại sao trào lưu khủng bố đạt được một ý nghiã mới. Trong nhãn quan này, trước hết, đối với tôi, dường như có một tình trạng liên quan tới vấn đề. Người ta thực sự không biết ai là kẻ thù. Cá nhân của Osama bin Lasen chì đóng một vai trò của người đại diện.

 

Khi nói về Isarel, chúng ta so với quân kháng chiến hay quân khủng bố thông thường. Những người này thường chiến đấu không tập trung trong những đơn vị nhỏ và họ tự quyết định. Cũng trong những trường hợp này, họ không tập trung vào một lực lượng hay một trung tâm tổ chức, có thể họ tạo ra một mục tiêu tấn công dễ dàng. Quân kháng chiến đấu tranh trong trong một lãnh thổ quen thuộc với mục tiêu chính trị đặt ra là để chiếm quyền lực.

 

Có sự khác biệt giữa họ với mạng lưới của bọn khủng bố theo nguyên tác bí mật, mà trong mọi trường hợp chúng ta nhận ra có các động lực cuồng tín tôn giáo, nhưng họ không theo một chương trình nào ngoài việc phá hủy và gây bất ổn. Quân khủng bố mà chúng ta gắn liền tên tuổi với Al Quada, làm chúng ta không thể xác định danh tánh của kẻ thù và ước lượng thực tế về mối nguy hiểm. Có một đặc điểm mới dành riêng cho quân khủng bố là chúng ta không thể tấn công họ.

 

Chắc một điều là các mối nguy hiểm là bất định, nó thuộc về bản chất của khủng bố. Nhưng những kịch bản do truyền thông Mỹ tô vẽ chi tiết về một cuộc chiến có vũ khí sinh học hay hoá học, suy đoán các loại khủng bố bằng vũ khí hạt nhân làm lung lạc các khả năng cuả chính quyền, tối thiểu là việc không xác định được tầm vóc quy mô của các nguy hiểm. Người ta không biết rõ có nguy hiểm nào không.

 

Ở Isarel, người ta biết rõ cái gì sẽ xãy ra khi đi hay bước vào trong một trung tâm thương mại, dừng lại nơi một quán khiêu vũ nhạc hay một địa điểm công cộng và người ta biết nguy hiểm thường xãy ra như thế nào. Ở Mỹ và châu Âu người ta không thể giới hạn các mối nguy hiểm như vậy, không thể  ước lượng xác thực về các loại tầm vóc nguy mô, xác suất của các nguy hiểm, và cũng không hề xác định giới hạn các khu vực bị ảnh hưởng.

 

Điều này làm cho đất nước bị đe doạ, khi phản ứng chống lại các nguy hiểm không thể xác định bằng phương tiện quyền lực do tổ chức của nhà nước; trong tình trạng không may, có thể có phản ứng quá mức, vì không thể biết được tin tình báo để liệu xem sẽ có phản ứng quá mức không. Do đó, nhà nước ở trong tình trạng nguy hiểm, tự làm hại mình khi dùng các biện pháp không thích hợp, thí dụ như quân sự hoá mọi biện pháp nội an, điều này tác hại đến nhà nước trọng pháp, hoặc huy động đến khả năng kỹ thuật quân sự quá mức mà không hữu hiệu.

 

Vào giữa tháng chạp, trong một hội nghị của cơ quan Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), do những động lực rõ rệt mà Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld lại cảnh báo về những đợt tấn công mới. nhưng không thể xác định là của quân khủng bố: "Khi chúng ta nhìn về sự phá hủy gây ra tại Mỹ, chúng ta có thể hình dung rằng khủng bố sẽ xãy ra tại New York, Luân đôn hay Paris với vũ khí sinh học hay hoá học."[4] Điều khác biệt là chính quyền Mỹ thực hiện ngay sau khi bị tấn công các biện pháp hữu hiệu dâu lài và tất yếu, đó là xây dựng một liên minh toàn cầu các quốc gia để chống khủng bố, kiểm soát hữu hiệu các luồng tài chánh nghi ngờ và các liên hệ với ngân hàng quốc tế, xây dựng mạng lưới về các luồng thông tin liên quan của các cơ quan tình báo quốc gia cũng như phối hợp quốc tế về các cuộc điều tra cảnh sát liên hệ.   

 

Trí thức là khuôn mặt chính trong tiến trình đặc biệt của lịch sử, nếu đúng như vậy, thì giới này có đóng một vai trò đặc biệt gì trong bối cảnh hiện tại của chúng ta không?

 

Tôi sẽ không nói như vậy. Các văn sĩ, triết gia, học giới thuộc khoa học xã hội, nghệ sĩ cũng đã có lên tiếng trong các trường hợp khác và họ cũng phản ứng trong trường hợp này. Các quan điểm thường tình về chống đối và ủng hộ, các xáo trộn với sự dị biệt quen thuộc trong phong cách và âm vang trong công chúng - cũng không khác nhiều hơn so với cuộc chiến vùng Vịnh và Kosovo. Có lẽ ý kiến của Mỹ được người ta nghe nhanh hơn và rõ hơn bình thường, rút cục cũng có các ý kiến theo chính phủ và nặng lòng ái quốc. Ngay cả chính giới theo tự do cánh tả hiện nay cũng có vẻ đồng ý với chính sách của Bush. Nếu như tôi không lầm, quan điểm của Richard Rorty bày tỏ minh bạch cũng là tiêu biểu.

 

Mặt khác, giới phê bình đã có những tiên đoán sai lầm về triển vọng thành công trong việc tham chiến ở Afghanistan. Lần này, không phải chỉ đòi hỏi các kiến thức thuộc về nhân chủng và lịch sử, mà còn cần có các hiểu biết về địa chính trị và quân sự nữa. Tôi không có quy kết các định kiến chống trí thức theo quan điểm là giới trí thức thường thiếu hiểu biết về chuyên môn. Khi người ta không phải là nhà kinh tế học, người ta cũng dè dặt về việc nhận xét các mối quan hệ kinh tế phức tạp. Nhưng trước các vấn đề quân sự, hiển nhiên, giới trí thức thường bày tỏ thái độ không khác gì các nhà chiến lược xa lông.    

 

Trong diễn từ đọc tại Paulkirche[5], tại sao ông gọi trào lưu cuồng tín là một hiện tượng hiện đại đặc thù?

                

Vấn đề còn tùy thuộc vào việc người ta muốn dùng thuật ngữ như thế nào. “Cực đoan cuồng tín“ có một hàm ý xâu. Với thuộc từ này, chúng ta ám chỉ một thái độ tinh thần, mà từ một niềm tin riêng và các lý do riêng, họ kiên quyết thực hiện yêu sách chính trị, thái độ này là khác hẳn và không được công luận chấp nhận.

 

Đặc biệt điều này cũng đúng cho chân lý thuộc về niềm tin tôn giáo. Chúng ta không được phép tùy tiện lầm lẫn giữa Giáo điều và niềm tin với  cuồng tín cực đoan. Mỗi lý thuyết tôn giáo dựa trên điểm cơ bản tín điều do chân lý tôn giáo. Và đôi khi cũng có một đấng quyền năng như Đức Giáo Hoàng hay Bộ Truyền giáo của Giáo hội La Mã, họ có quy định quan điểm nào là đúng theo Giáo điều và xa rời quan điểm Chính thống. Chủ thuyết cực đoan là một loại chính thống như vậy, khi mà các Đấng đại diện cho đức tin xem thường tình trạng lý giải để khai minh trong một xã hội đa nguyên về các thế giới quan. Họ sử dụng kể cả bạo lực để kiên quyết đạt được về mặt chính trị và tạo mọi ràng buộc chung về niềm tin này.

                        

Những lý giải tiên tri phát sinh trong thời xưa cũng còn tồn tại mãi cho đến khi các tôn giáo thế giới hiện đại du nhập, các giáo lý này cũng có thể mở rộng chân trời kiến thức vì được xem như là một thế giới bao trùm mọi lĩnh vực. Lĩnh vực này có tính cách phổ quát, dường như trọng tâm cuả  nó làm xoá nhoà các biên giới, nó đem lại một nền tảng đúng đắn cho một yêu sách độc quyền về tôn giáo thế giới. Nhưng trong điều kiện của sự phát triển về tính phức tạp với gia tốc của thời hiện đại, chúng ta không thể duy trì một yêu sách dành độc quyền chân lý như thế một cách ngây thơ.     

 

Tại châu Âu, sự phân hoá đức tin và thế tục hoá xã hội buộc các tôn giáo phải suy gẫm lại về vị thế không còn độc tôn cuả mình trong tiến trình thảo luận, để chia sẽ cùng với các tôn giáo khác về mức giới hạn cuả các kiến thức thế tục. Hiển nhiên, ý thức nền tảng của việc tương đối hoá về vị thế riêng không hàm chứa việc tương đối hoá chân lý tôn giáo của mình. Khi thành quả suy tuởng về tôn giáo là do việc học hỏi qua cách nhìn của người khác, nó sẽ có những ảnh hưởng chính trị quan trọng. Từ đó, tín đồ có thể nhận ra tại sao họ phải từ bỏ bạo lực chung và bạo lực của nhà nước, để đòi yêu sách theo chân lý của riêng mình. Trước tiên, những nhận thức thúc đẩy tạo điều kiện cho sự thành hình các khoan dung tôn giáo và phân chia tôn giáo theo quyền lực nhà nước qua một thế giới quan trung dung.

 

Khi một chế độ đương thời như Iran từ chối việc tách rời giáo quyền và thế quyền, hoặc có những phong trào bắt nguồn từ tôn giáo nỗ lực làm hồi sinh các hình thức Hồi giáo trong giáo quyền, chúng ta nên xem họ như là cuồng tín cực đoan. Tôi muốn giải thích thái độ cực đoan này là do sự cố dồn nén các phân biệt về hiểu biết. Điều này sẽ cần thiết, nếu như có những điều kiện hiểu biết về thế gian trong tinh thần khoa học và đa nguyên về thế giới quan, nhưng người ta v ẩn còn truyền bá tinh thần độc tôn về quan điểm tôn giáo trước đây được tái diễn, sau khi họ mất đi các kiến thức về viễn cảnh toàn diện của thế giới.

 

Quan điểm này phát sinh sự phân biệt sai lệch về nhận thức, bởi vì hoàn cảnh sống phức tạp trong những xã hội đa nguyên, mà về phương diện luật pháp, người ta chỉ nên theo một nguyên tắc chặt chẽ, phổ quát và phù hợp, đó là nguyên tắc tôn trọng mọi người là bình đẳng, dù họ là theo Công giáo hay Tin lành, Hồi giáo hay Do thái giáo, Ấn độ giáo hay Phật giáo, dù họ có tín ngưỡng hay không.

 

Làm thế nào để phân biệt được trào lưu cuồng tín Hồi giáo, như chúng ta chứng kiến hiện nay, với các trào lưu và cách thực hành cực đoan từ xa xưa, thí dụ như việc truy lùng qủy sứ trong lúc đầu của thời ký mới? 

 

Có lẽ động lực nối kết hai hiện tượng mà Bà vừa trình bày, mà cụ thể là có một phản ứng chống lại trước một sự sợ hải về tình trạng buộc phải mất gốc, không còn có thể sống theo truyền thống. Thời kỳ đầu của trào lưu hiện đại hoá kinh tế và chính trị tại một vài khu vực tại châu Âu đã gây nên sự sợ hải này. Với việc toàn cầu hoá thị trường, mà đặc biệt nhất là thị trường tài chính và đầu tư trực tiếp, tất nhiên, hiện nay chúng ta đang sống trong một thời kỳ hoàn toàn khác hẳn. Sự thể thay đổi, khi xã hội thế giới bị phân phân hoá thành các quốc gia chỉ tính bằng cách là kẻ thắng, giới trục trục lợi và người thua.

 

Đối với thế giới Á Rập, Hoa Kỳ là một lực đẩy của việc hiện đại hoá theo chủ nghĩa tư bản. Hoa Kỳ có ưu thế phát triển mà không ai vượt qua, ưu tiên trong chính trị, quân sự, kinh tế và cộng nghệ, nhưng cùng lúc họ có một cảm giác bị thương tổn do tự ý thức và một khuôn mẩu đáng hãnh diện đầy bí mật.

 

Nhìn chung, phương Tây bị xem là nơi chứa chấp mọi tội lỗi, vì dân chúng phải kinh qua chịu đựng các mất mát thực sự to tát về truyền thống văn hóa trong tiến trình hiện đại hoá gia tốc. Châu Âu ở trong tình trạng may mắn hơn, những gì mà họ tiếp thu được trong tiến trình phá hủy có tính sáng tạo, thì tại các nước khác, trong cách biệt thế hệ lại không có hứa hẹn sẽ có được đền bù cho những thương đau do những đỗ vỡ các lối sống quen thuộc.   

 

Về phương diện tâm lý, người ta có thể hiểu ra rằng các phản ứng tự vệ bắt nguồn từ giá trị tâm linh, dường như nó đang chuyển động để chống lại quyền lực thế tục hoá của phương Tây, mà những tiềm năng quyền lực này đang mất dần.

 

Khi trào lưu cực đoan đầy thịnh nộ dựa vào một niềm tin tôn giáo, người ta trong thời hiện đại không cần đến một tiến trình học hỏi để tự tư duy mà cũng không cần phân biệt rach ròi giữa về ý nghĩa của thế giới bị tách rời do chính trị, họ có thể thuyết phục được là họ có một bản chất, mà phương Tây dường như thiếu thốn. 

 

Phương Tây đang đối phó với các nền văn hoá khác, mà đặc điểm chính của họ là nhờ thấm nhuần trong các tôn giáo lớn trên thế giới, nên họ đề kháng trước một nền văn hoá thuần tiêu thụ vật chất. Chúng ta phải thú nhận là phương Tây, về mặt quy phạm, họ tự biểu hiện như là một khuôn mẫu bị tướt mất hết các nền tảng, khi họ quan tâm đến ý nghĩa vấn đề nhân quyền không nhiều hơn là việc mở rộng các quyền tự do của thị trường. Và ngay trong nước, trong sự phân chia công việc của giới bảo thủ mới có hai trào lưu đang cạnh tranh nhau: cuồng tín tôn giáo và thế tục hoá không còn nội dung.   

 

Nhìn theo phương diện triết học, ông có xem khủng bố là một sự đã rồi, chung cục, chỉ là một hành vi chính trị?

 

Không trong ý nghỉa chủ quan mà Mohamed Atta, người Ai cập đến từ Hamburg, ông ta là người đầu tiên lái một trong hai chiếc phi cơ gây thảm hoạ, ông là người đem lại một câu trả lời chính trị cho bà. Nhưng trào lưu cuồng tín cực đoan Hồi giáo hiện nay hiển nhiên là có một động cơ chính trị.

 

Trong mọi trường hợp, người ta không nên xem thường các động cơ chính trị mà hiện nay chúng ta đang đuơng đầu trong một hình thừc cực đoan tôn giáo. Điều này giải thích là khi có thông tin cho là một vài kẻ khủng bố nằm trong cuộc thánh chiến hiện nay, trong một vài năm trước đây, họ là những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc thế tục. Khi tìm hiểu về lai lịch của các người này, chúng ta ghi nhận là có một sự liên tục. Sự thất vọng về chế độ toàn trị theo tinh thần dân tộc làm cho tôn giáo là một hình thức đem lại sự chuyển hướng trong phương diện chính trị lỗi thời với một loại ngôn ngữ chủ quan thuyết phục hiển nhiên hơn và mới lạ hơn.

 

Ông định nghĩa thế nào là trào lưu khủng bố? Có thể nào phân biệt ý nghĩa rõ rệt giữa khủng bố quốc gia và quốc tế không?

 

Theo một chiều hướng, trào lưu khủng bô của người Palestine có một cái gì đó chắc hẳn là lỗi thời. Ở đây, vấn đề là giết người, tàn sát mà không hề phân biệt kẻ thù, đàn bà và trẻ con. Giành mạng sống để đổi mạng chết. Điều này phân biệt với quân khủng bố trong một hình thức bán quân sự của một cuộc đấu tranh du kích. Đó là một hình thức trong nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong hậu bán thế kỷ XX và hiện nay hằn sâu trong công cuộc đấu tranh dành độc lập của Tschetschen, đó là một thí dụ.

 

Ngược lại, trào lưu khủng bố toàn cầu mà cuộc tấn công vào ngày 11 tháng 9 lên đến đỉnh điểm, đó là một tiến trình vô tổ chức của một cuộc phản kháng bất lực nhắm tới một kẻ thù, mà các hành động hướng về mục tiêu này có một ý nghiã thực tiển là họ không thể đánh bại chính quyền. Một hiệu ứng duy nhất có thể xãy ra là tạo nên cú sốc và bất ổn cho chính quyền và dân chúng.

 

Nhìn về phương diện kỷ thuật, sự động loạn cao độ dễ gây ra tai hoạ trong xã hội phức tạp của chúng ta, nó chỉ tạo cơ hội làm ngăn chận mọi sinh hoạt thông thường. Chỉ cần một ít trở ngại nhỏ, với chi phí tối thiểu cũng có những hậu quả tác hại nghiêm trọng. Trào lưu khủng bố toàn cầu đưa tớí hai chuyện cực đoan, sai lầm trong mục tiêu thiết thực, tận dụng về khả năng tổn thương của một hệ thống phức tạp theo một cách đạo đức giả.

 

Chúng ta có nên phân biệt trào lưu khủng bố với các tội phạm hình sự thông thường do việc sử dụng các loại bạo lực khác không?

Có và không. Về phương diện đạo đức, không thể có một lời biện minh nào cho bất cứ một hành vi khủng bố nào, bất kể là trong động lực nào và trong hoàn cảnh nào để cho họ hành động. Chúng ta không có quyền chấp nhận đổi lấy cuộc đời và đau khổ cuả người khác và chọn đó làm cho mục tiêu cuả mình. Mỗi tội sát nhân đã là quá nhiêu.

 

Về phương diện lịch sử, trào lưu khủng bố đặt trong một khung cảnh khác gồm có các tội phạm, mà giải quyết vấn đề này có liên hệ đến vị chánh án tòa hình. Không giống như một vụ việc vi phạm riêng tư, vấn đề có quan tâm của công luận nên đòi hỏi một loại phân tích tội giết người khác hơn là lòng ganh tị. Nếu không, chúng ta sẽ không có cuộc phỏng vấn này.

 

Khi phân biệt giữa khủng bố chính trị và tội phạm hình sự thông thường, ta sẽ thấy rõ hơn trong việc thay đổi chế độ, khi kẻ khủng bố xưa kia, nay lên nắm quyền và trở thành người đại diện khả kính của đất nước. Trong sự chuyển tiếp sinh hoạt chính trị như vậy, người ta hy vọng là kẻ khủng bố sẽ theo đuổi các mục tiêu chính tri một cách thực tiển có thể hiểu được, và khi nhìn trở lại, họ cũng có thể tìm ra lý do chính đáng cho các hành vi tội phạm của họ để nhằm san bằng một tình trạng bất công hiển hiện. Tuy nhiên, hiện nay, tôi không thể hình dung ra một khung cảnh nào đó mà từ một tội ác kinh tởm của ngày 11 tháng 9 người ta biến thành một hành vi chính trị có thể hiểu được.

 

Ông có nghĩ là khi lý giải hành vi 11 tháng 9 như là một hình thức tuyên chiến, liệu nó có đúng không?

 

Ngay khi gọi đó là một cuộc chiến, nó ít gây ra hiểu lầm và về phương diện đạo đức, nó ít gây tranh cải hơn là như khi gọi đó là "thánh chiến". Khi Tổng thống Bush kêu gọi "một cuộc chiến chống khủng bố", tôi xem quyết định này là sai lầm nặng nề về phương diện luật pháp và thực tế. Về phương diện luật pháp, ông nâng cao các phạm nhân thành một đối thủ chiến cuộc, về phương diện thực tiển, chúng ta không thể khai diển cuộc chiến chống lại một mạng lưới khó có thể nắm bắt được, cho dù danh từ chiến tranh có một ý nghiã nào đó nhất định.

 

Phương Tây cần phải tỏ ra nhạy cảm hơn và tự phê nhiều hơn trong mối quan hệ với các nền văn hoá khác; nếu đúng như vậy, thì phương Tây phải làm gì? Trong mối quan hệ này, ông có nói tới việc tìm kiếm một ngôn ng chung và vấn đề phiên dịch? Điều này có nghiã là gì?

 

Sau ngày 11 tháng 9, tôi thường được hỏi là trước một hiện tượng bạo lực như thế thì toàn bộ khái niệm về những hành vi tạo nên cảm thông mà tôi trình bày trong luận thuyết thông đạt cuả tôi liệu có còn giá trị nữa không. Thực vậy, chúng ta đang sống trong các xã hội thuộc khối OECD an lành và thịnh vượng, mặc dù có hàm chứa mức độ nào đó về bạo lực theo một cấu trúc quen thuộc, có bất công xã hội, phân biệt đối xử làm mất phân phẩm, bần cùng hoá và gạt ra ngoài lề. Vì mối quan hệ xã hội có đầy bạo lực, hành vi chiến lược và ngụy tạo, tuy nhiên, có hai sự thật khác mà chúng ta không được xem thường.

 

Một mặt, thực tế của việc chung sống hằng ngày dựa trên cơ sở vững chắc của những niềm tin chung, các sự thật hiển nhiên thuộc về văn hoá và các kỳ vọng hỗ tương. Ở đây, vấn đề phối hợp hành động là dựa trên trò chơi ngôn ngữ theo thông lệ, với ít nhiều lập luận thuyết phục, mà qua đó cả hai phiá có đưa ra các yêu sách về giá trị để được công nhận trong phạm vi công cộng, ngay cả khi họ chì có ngụ ý.

 

Mặt khác, từ xáo trộn trong việc cảm thông nhau, hiểu lầm nhau, không còn hiểu nhau, thiếu chân thành, lừa đảo, chính vì thế mà xung đột xãy ra. Khi vụ việc trầm trọng, chúng ta tìm tới các nhà tâm lý trị liệu hoặc đưa ra toà án. Các vòng lẩn quẩn của bạo lực bắt đầu với việc cảm thông nhau bị xáo trộn, từ việc mất tin tưởng nhau mà chúng ta không thể kềm chế được đưa tới một tình trạng là cắt đứt mọi liên lạc nhau. Nhưng khi bạo lực khởi đầu với xáo trộn về cảm thông, người ta có thể biết rằng có những gì sai trái xãy ra và có cái gì cần phải sửa chửa sau khi nó bộc phát. 

 

Những nhận thức thông thường này có thể áp dụng cho các xung đột mà Bà đang nói tới. Sự thể ở đây phức tạp hơn là vì có nhiều đất nước, lối sống, văn hoá khác nhau, có khoảng cách biệt xa xôi và họ đối với nhau quá xa lạ. Họ không gặp nhau trong tình đồng chí hay nguời thân thuộc, những ngưởi trong cùng một gia đình hay trong đời sống hằng ngày, khi niềm thông cảm bị trục trặc một cách có hệ thống làm cho tất cả trở nên xa lạ nhau.

 

Trong mối quan hệ quốc tế, các phương tiện cuả luật pháp làm giảm đi bạo lực, nếu đem ra so sánh thì nó có một vai trò yếu kém. Và trong mối quan hệ liên văn hoá, luật pháp, trong trường hợp tốt đẹp nhất, cũng tạo được những khuôn khổ thể chế cho những nỗ lực cảm thông về mặt hình thức, thí dụ như qua Hội nghị LHQ về Nhân quyền tại Wien. Vì các cuộc thảo luận liên văn hoá trong nhiều cấp độ khác nhau để giải thích các vấn đề đầy tranh cải về nhân quyền là quan trọng, nên những cuộc gặp gở hình thức như thế không thể tự nó làm phá huỷ các việc tạo nên các mô hình chủ yếu. Tinh thần cởi mở chính ra là qua việc tự do hoá các điều kiện sống, thoát bỏ một cách khách quan mọi áp lực và sợ hải. Trong việc thực hành hằng ngày về các thông đạt, người ta phải tự tạo ra niềm tin tưởng nhau như một loại nguồn vốn. Chỉ khi có được như thế, thì mọi sự khai sáng có hiệu năng lan toả qua các phương tiện truyền thông, học đường và gia đình mới đạt được. Tinh thần khai sáng này phải tạo nên các tiền đề cho nền văn hoá chính trị.

 

Đối với chúng ta, cũng chính trong mối quan hệ này, phương cách tự thể hiện cuả chúng ta về các mặt quy phạm đối với các nền văn hoá khác là quan trọng. Trong tiến trình duyệt xét lại hình ảnh của chính mình, thí dụ như phương Tây có thể học được là chính trị cuả mình phải thay đổi gì, nếu phương Tây muốn được cảm nhận mình là một cường quốc khai hoá văn minh. Không có một sự kềm chế chính trị của chủ nghiã tư bản vô độ, thì sự phân biệt tầng lớp đang gây tác hại trong xã hội thế giới sẽ còn xãy ra. Năng động phát triển bất cân xứng cuả nền kinh tế thế giới ít nhất cũng đem lại một tình trạng quân bình trong các hậu quả cực kỳ tác hại, tôi nghĩ tới sự bần cùng hoá của một khu vực hay một châu lục. Đó không phải chỉ thuần là chuyện phân biệt đối xử, một sự sĩ nhục hoậc hạ giá các nền văn hoá khác. Đề tài "Xung đột giữa các nền văn minh" thường là một tấm màng che đậy các quyền lợi vật chất sống còn của phương Tây, thí dụ như vấn đề quyền sừ dụng các giếng dầu và bảo đảm các cung cấp nguồn năng lượng[6]

 

Trước hết chúng ta phải tự hỏi rằng liệu khuôn mẫu đối thoại có phù hợp với việc trao đổi thuộc về liên văn hóa không. Có phải luôn luôn là chỉ dựa vào các khái niệm của chúng ta mà chúng ta tạo tình liên đới giữa các nền văn hoá không?

 

Trong triết học, Trường phái Hủy cấu trúc luôn có nghi ngờ về các định kiến của châu Âu, họ tạo ra một vấn đề đối nghịch: Tại sao các mô hình thuộc Trường phái Giải minh thành công trong việc tìm hiểu qua các cuộc nói chuyện hàng ngày và sau thời kỳ Humboldt, nó được triển khai một cách có phương pháp để giải thích các văn bản, nay nó lại đột nhiên thất bại trong việc giải thích các vấn đề vượt qua các giới hạn của một nền văn hoá, lối sống và truyền thống? 

 

Trong mọi trường hợp, việc lý giải phải nối kết sự cách biệt giữa hai phiá các theo sự hiểu biết tiên khởi dựa vào Trường phái Giải minh, dù có khoảng cách về địa lý và văn hoá, dù gần hơn hay xa hơn, nó cũng tạo ra sự dị biệt trong ý nghiã ít hơn hay nhiều hơn,  

 

Mọi cách lý giải là cách phiên dịch đơn thuần. Chúng ta không cần phải dựa theo quan điểm của Donald Davidson để tìm hiểu xem là tư tưởng thuộc về một loại khuôn khổ khái niệm nào, để xem người ta phải suy nghĩ không có tương phản nhau. Với cách lập luận của Gadamer người ta có thể chỉ ra rằng ý tường trong một vũ trụ bị khép kín sẽ là một khái niệm không phù hợp với các vũ trụ khác, nó là một khái niệm không chặt chẻ.

 

Từ đó, chúng ta không nhất thiết phải theo một phương pháp cuả Trường phái Nhân chủng. Rorty hay McIntyre bảo vệ cho một mô hình đồng hoá của mọi sự hiểu biết, mà theo đó hai ông có một lối giải thích cực đoan, vì có nghĩa hoặc là so sánh theo các chuẩn mực hợp lý hoá của riêng mình hoặc là chuyển dạng hình thể, chính vì thế mà có sự tùy thuộc trong một lý tính của một hình ảnh thế giới hoàn toàn xa lạ.

 

Chúng ta có thể phải hiểu những gì tuỳ thuộc vào sự sao chép một loại ngôn ngữ gắn bó với thế giới. Nhưng theo Trường phái Giải minh đòi hỏi thì sự mô tả một cách thích hợp nhất là dựa trên tình trạng kiến thức ban đầu cuả sự giải thích, bởi vì tinh trạng này làm cho những người tham gia sẽ có ý thức về tinh thần đem lại ý nghĩa ban đầu. Khi những người tham gia thảo luận có khó khăn trong việc cảm thông như thế, họ có thể mở rộng tầm viễn kiến của mình và cuối cùng mang cho họ lại gần nhau, bởi vì khi họ chấp nhận vai trò đối thoại của “người nói“ và “người nghe“ trong một tư thế bình đẳng, một tình trạng mà người ta đòi hòi trong tất cả mọi tình trạng thảo luận.

 

Mỗi người nói có kỷ năng đã học cách sử dụng hệ thống phát biểu cá nhân, cùng lúc họ tiếp thu được khả năng cách trao đỗi viễn kiến của người khác trong cuộc đối thoại như thế nào. Trong tinh thần năng động qua việc tiếp nhận viễn kiến cuả nhau, do đó mà có phát sinh một sự hợp tác để vạch ra một chân trời tạo cho một ý nghĩa chung, kết cuộc là cả hai phiá không phải đề ra một khuôn khổ chung thuộc về nhân chủng hoặc phải chuyển hoá hình thể, mà họ đạt được một lối lý giải chung có tính cách liên hệ giữa các chủ thể.

 

Ngoài ra, mô hình của Trường phái Giải minh giải thích tại sao có những nỗ lực cảm thông sẽ có triển vọng thành công, khi cách giải thích có thể xảy ra trong điều kiện tương đồng để chấp nhận các viễn kiến của nhau. Khi có thiện ý và không biểu lộ việc sử dụng bạo lực, đó là điều kiện cần thiết, nhưng chưa đủ. Không có một cấu trúc cuả một tình trạng thông đạt tự do không bị bóp méo, hoặc từ một mối quan hệ quyền lực mơ hồ, thì người ta nghi ngờ kết quả của vần đề luôn là một tình trạng ban phát.

 

Trong sự chọn lọc, khả năng mở rộng và nhu cầu điều chỉnh về những ý nghĩa mong đạt tới, dĩ nhiên đa số có sự tự diễn đạt với những đặc điểm sai lạc mà người ta không thể nào tránh được theo một tinh thần bất tận, thường thì các ý nghĩa này không thể phân biệt tùy theo, có lúc mù quáng, có lúc các cách giải thích lệ thuộc vào các dấu vết của sự đồng hoá mình với kẻ có thế mạnh. Trong khi sự thông cảm có hai ý nghiã, thì ngay cả khi đó là một lối diễn đạt có tiềm tàng sử dụng bạo lực. Nhưng khi người ta mô tả các thông cảm nhau qua cách bản thể hoá, người ta không nhìn thấy trong đó có bạo lực và điểm chủ yếu là mục tiêu của sự cảm thông và trong sự chuyển hướng tới mục tiêu này – khi có sức mạnh của tinh thần phê phán sẽ phả vỡ việc sử dụng bạo lực, không tạo ra bạo lực trong một hình thái mới.

                                                                               

Trào lưu toàn cầu hoá buộc chúng ta phải xét lại vấn đ chủ quyền tối thượng, một khái niệm luật quốc tế. Ông nhận xét gì về vai trò của các tổ chức quốc tế? Trong hiện trạng của chủ thuyết khu vực, ý tưởng chính của tinh thần khai sáng có luôn gi một vai trò hữu ích không?  

 

Quan điểm thuyết hiện sinh của Carl Schmidt cho là vấn đề chính trị chỉ giới hạn trong phạm vi tự xác quyết về một bản sắc tập thể để chống lại một bản sắc tập thể khác. Tôi cho quan đểm này là sai và nếu xét về những hậu quả thực tiển thì nguy hiểm. Phân loại mối quan hệ bạn-thù xét theo tính bản thể cho thấy là các nỗ lực luật hoá trên bình diện quốc tế các mối quan hệ giữa các chủ thế luật quốc tế (quốc gia) gây chiến luôn là một sự che đậy chung để bảo vệ quyền lợi riêng.

 

Người ta không thể tha thứ cho các chế độ độc tài của thế kỷ XX với sự tàn bạo của tội ác tập thể chính trị mà họ luôn đính chánh khi  suy đoán là vô tội theo luật quốc tế cổ điển. Với các lý do lịch sử, chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ tỉnh trạng luật quốc tế cổ điển sang một tình trạng mà Kant kỳ vọng là tình trạng luật công dân thế giới. Đó là một sự kiện mà về phương diện pháp luật, tôi cũng không thấy có một giải pháp tương ứng khả thi nào khác có ý nghĩa hơn cho sự phát triển này.

 

Tuy nhiên, người ta không thể xem thường các mặt trái của tình trạng này. Từ khi có Toà án Quốc tế về chiến tranh tại Nürmberg và Tokyo sau khi chấm dứt Thế chiến thứ Hai, từ khi cơ quan LHQ thành hình và đề ra Bảng Tuyên bố Nhân quyền của LHQ, từ khi chính sách về nhân quyền trở thành tích cực hơn sau kết thúc Chiến tranh Lạnh, sau khi có sự can thiệp của cơ quan NATO trong vùng Kosovo gây nhiều tranh cài và từ khi có tuyên chiến chống khủng bố quốc tế, - tất cả làm cho tình trạng phức tạp của giai đoạn chuyển tiếp này ngày càng thể hiện rõ hơn.

 

Một mặt, ý tưởng về một cộng đồng quốc tế, thông qua việc trừng phạt hữu hiệu các cuộc chiến tranh xâm lược, nó sẽ giải quyết tình trạng tự nhiên giữa cá quốc gia, tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, trừng phạt các vi phạm nhân quyền được chấp nhận thành một thể chế nhất định trong cơ quan LHQ và các cơ quan phụ thuộc.

 

Toà án The Hague xét xử vụ Milosevic, một cựu lãnh tụ. Hầu hết tất cả các vị chánh án tối cao của nước Anh đồng ngăn trở việc dẫn độ Pinochet, nhà độc tài gây nhiều tội ác. Việc thiết lập Toà án Quốc tế đang tiến hành. Nguyên tắc bất can thiệp vào nội bộ cuả một quốc gia tối thượng bị suy yếu. Nghị quyết của Hội đồng An ninh chấp nhận cho chính quyền Irak tự do sử dụng không phận của mình. Đội binh Mũ Xanh bảo đảm an ninh tại Kabul cho chế độ sau thời Taliban. Mazedonien đứng bên lề của cuộc nội chiến, dưới áp lực của Liên Âu nên đã chấp nhận mọi đòi hỏi của thiểu số người Albanie.

 

Mặt khác, các tổ chức quốc tế thường không còn được coi là cọp giấy nữa. Các tổ chức quốc tế bị ràng buộc trong sự hợp tác các cường quốc. Hội Đồng Bảo An LHQ có thể tạo ra những cách tôn trọng có chọn lọc về nguyên tắc của cộng đồng quốc tế mà họ đã tuyên bố sau sự chuyển hoá vào năm 1989. Như tình cảnh bi đát của Srebrenica cho thấy, thường thì các đạo quân cuả LHQ không đủ khả năng để giữ lời hứa mà họ bảo đảm. Trước các xung đột ở Kosovo, các quyết định cuả HĐBA bị phong toả. Khi  thay vào đó, liên minh khu vực như khối NATO hành sử quyền của mình mà không có thừa uỷ nhiệm, thì sự cách biệt về quyền lực thể hiện rõ như định mệnh an bài, một bên là một cộng đồng quốc tế có chính danh nhưng yếu kém về quyền lực, và một bên là những nhà nước có khả năng hành động về mặt quân sự, nhưng lại theo đuổi mục tiêu riêng.

 

Sự cách biệt giữa những điều phải làm và có thể làm, giữa luật pháp và quyền lực, soi rọi cả hai trong một ánh sáng lệch lạc, vừa về mức độ khả tín của cơ quan LHQ, vừa về cách can thiệp của các quốc gia hành động tự quyền, họ chỉ lạm dụng quyền thụ ủy - cho dù họ có những lý do chính đáng - mà qua đó họ biện luận đó là hành vi trị an cuả cảnh sát, gây tác hại thành hành vi chiến tranh. Người ta không còn phân biệt được giữa những hoạt động trị an của cảnh sát với các hoạt động bẩn thiủ thông thường trong chiến cuộc. Tình trạng hàm hỗn này bắt nguồn từ một chính sách quyền lực cổ điển, quan tâm đến các đối tác liên minh trong khu vực và các phương sách của một chế độ luật pháp chung cho khu vực, không những đẩy mạnh những quyền lợi dị biệt hiện đang có trong các khối Nam và Bắc, Đông và Tây giữa cơ quan LHQ, mà nó còn tạo thêm mối nghi ngờ giữa các siêu cường trong việc chống lại các giới hạn luật lệ về các quyền tự do di chuyển. Qua đó, ngay trong các quốc gia phương Tây cũng có bất đồng giữa các quốc gia Anh Mỹ và các quốc gia trong lục địa châu Âu. Một phe, họ theo chủ thuyết hiện thực trong quan hệ quốc tế, trong khi phe bên kia, họ cần làm chính danh các quyết định của mình kể cả trong khía cạnh luật lệ để hỗ trợ và gia tăng các chuyễn hoá luật quốc tế thành một hệ thống luật pháp liên quốc gia.

 

Trong suốt thời kỳ chiến tranh Kosovo và trong chính sách về  Afghanistan, những dị biệt trong các việc xác đinh mục tiêu này thể hiện rõ. Sự dị biệt giữa hai Trường phái Thực tiển và Trường phái Hành động trong tinh thần tuân thủ luật pháp có thể xảy ra, trong khi các tác nhân có tầm vóc lục điạ như EU, NAFTA và ASEAN[7] trở thành tác nhân có khả năng hành động, để họ đạt được các thoả thuận liên quốc gia và đảm nhận trách nhiệm cho sự kềt nối liên quốc gia ngày càng chặt chẽ hơn trong các tổ chức, các buổi hội thảo và phương cách áp dụng. Với kiểu cách của một tác nhân toàn cầu có thể tạo nên một đối trọng về mặt chính sách đối với việc bành trướng toàn cầu của thị truờng, cơ quan LHQ có thể tìm ra một cơ sở hạ tầng để áp dụng cho những chương trình và chính sách đầy tham vọng. 

 

Nhiều ngưòi thán phục về triết thuyêt phổ quát mà ông bảo vệ trong các tác phẩm về chính trị và đạo đức, nhiều người khác lại phê bình nó. Triết thuyết này có liên hệ gì đế lòng bao dung không? Tinh thần bao dung đúng ra không phải một khái niệm của các bậc trưởng thượng, liệu nó có thể thay thế bằng khái niệm về lòng hiếu khách được không?

 

Qua lịch sử việc sử dụng khái niệm khoan dung có hàm ý gần như vậy. Bà hãy nhớ lại chuyện Edikt von Nantes là một thí dụ: Hoàng gia nước Pháp cho phép nhóm Hungenotte, đó là một tôn giáo thiểu số có quyền bày tỏ đức tin và tu tập, nhưng trong một điều kiện là họ không có quyền đặt vấn đề về quyền lực của Hoàng gia và ưu quyền thống trị cuả Thiên Chúa giáo. Khái niệm bao dung với một tinh thần trưởng thượng này đã được áp dụng trong cả thế kỷ dài. Trong lời tuyên bố cuả các bậc trưởng thượng có tính cách một chiều, có hàm chứa họ là nhà lãnh đạo tối cao hay là nền văn hoá của đa số, do cân nhắc của họ là họ sẳn sàng chiụ đựng phong cách hành động dị biệt của nhóm thiểu số. 

 

Trong bối cảnh này, khoan dung gồm có sự chịu đựng một gánh nặng, một cái gì đó từ một hành vi ân huệ hay một chứng minh ban phát một đặc quyền. Phía bên này cho phép phía bên kia có một sự chệch hướng nhất định ra khỏi tình trạng thông thường trong một điều kiện là: thiểu số được hưởng sự khoan dung và không được phép vượt qua “Mức giới hạn của sự chịu đựng“.

 

Đã có lời phê bình hợp lý về khái niệm cho phép mang tình độc tài này. Điều hiển nhiên là chính quyền tự quyền quyết định về lằn ranh này, một giới hạn giữa những gì mà người ta còn được phép làm và những gì không thể chấp nhận được nữa. Chính vì thế mà ta có cảm tưởng phát sinh là lòng khoan dung chỉ có thể thực hiện trong phạm vi giới hạn này. Không còn có lòng khoan dung, khi còn có mầm móng cuả tinh thần bất khoan nhượng. Những suy nghĩ này nằm trong câu hỏi của Bà.

 

Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nghịch lý này trong khái niệm về một nền dân chủ cực đoan, có nghĩa là, các quyền công dân của nền dân chủ cần tìm ra giới hạn trong việc áp dụng cho nhũng kẻ thù của dân chủ. Không có tự do dành cho những kẻ thù của tự do. Qua thí dụ này cho thấy là sự phá hủy toàn bộ khái niệm lòng bao dung đang xãy ra. Nhà nước pháp quyền dân chủ đi ngược lại tiền đề mà trong đó khái niệm bao dung  có hàm chứa ý nghiã của tinh thần trưởng thượng.

 

Trong nội bộ của một cộng đồng chính trị, nơi mà các công dân cùng chấp nhận cho nhau các quyền luật định, thì không còn chổ cho nhà cầm quyền tự ý đơn phương quyết định lằn ranh của mức độ chịu đựng. Dựa trên căn bản công nhận hỗ tương về quyền bình đẳng giữa công dân, không ai được phép có ưu quyền đặt ra giới hạn của lòng bao dung dựa trên quan điểm giá trị của riêng mình. Lòng bao dung lẫn nhau trong phạm vi tín ngưỡng của ngưòi khác khi mà người ta phủ nhận, hoậc khoan dung trước một lối sống mà người ta đánh giá thấp hơn so với lối sống của mình, cả hai việc này đòi hỏi rõ ràng là ta phải tìm ra một giới hạn dựa trên cơ sở là cùng hướng tới để chia sẽ một gía trị chung. Nhưng trong một cộng đồng dân chủ, vấn đề này được xem là các nguyên tắc công bình đã  được Hiến pháp quy định. Dĩ nhiên, cũng còn những cuộc tranh luận về các nguyên tắc của Hiến pháp. Điều quan trọng là tính cách uyển chuyển của những nguyên tắc này và dựa vào điểm này mà chúng ta trở lại vấn đề nguyên tắc phổ quát. 

 

Ngay trong Hiến pháp cũng đã có quy định các thể chế và thủ tục về các tranh chấp trong việc giải thích Hiến pháp. Trong trường hợp cá biệt, vấn đề đâu là giới hạn đặt ra, mà khi vượt qua nền tảng của Hiến pháp, sẽ tạo nên những động loạn công cộng, (như trong hiện nay là trường hợp của phong trào cực đoan Hồi giáo). Điểm thú vị là Hiến pháp quy định các thủ tục về phương cách áp dụng và thể chế mà thông qua đó người ta chấp nhận về một nội dung ràng buộc về mặt luật pháp. Hiến pháp chấp nhận việc vuợt qua mức giới hạn của các các điều kiện hợp hiến, khi Hiến pháp khoan dung trước các bất phục tùng dân sự.

 

Một hiến pháp dân chủ còn khoan dung trước sự đối kháng của giới đối lập, sau khi họ tận dụng mọi phương cách cầu cứu đến pháp luật để chống lại các nghị quyết hay các bản án đúng theo luật định. Các biện pháp này được đặt trong điều kiện là các phản kháng chống lại việc vi phạm luật lệ phải được biện minh hợp lý dựa theo tinh thần và văn bản của Hiến pháp. Họ sử dụng đến các phương tiện mà đặc điểm cuả cuộc đấu tranh là kêu gọi phe đa số là nên xét lại quyết định của họ. Bằng cách này, các dự án dân chủ thực hiện quyển công dân bình đẳng làm sống động sự chống đối của phe thiểu số, dù hiện nay dưới mắt đa số họ là kẻ thù cuả dân chủ, những mai kia họ sẽ trở thành người bạn của dân chủ.

 

Trở lại trả lời câu hỏi của Bà, việc tự vượt qua giới hạn về lòng bao dung của một “nền tự do quá khích“ nhờ vào đặc điểm phổ quát cuả nền tảng đạo đức và luật pháp trong một trật tự tự do. Trong một ý nghĩ chặt chẽ, những gì có đặc tính phổ quát có nghĩa là chủ nghĩa cá nhân bình đẳng của một nền đạo đức dựa trên lý trí, nó đòi hỏi mỗi người công nhận lẫn nhau trong ý nghĩa cùng tôn trọng bình đẳng và tương kính.

 

Các thành viên của một cộng đồng đạo đức được mở rộng cho tất cả mọi người, tiếp nhận mọi người, nó không chỉ hứa hẹn một tinh thần đoàn kết, mà còn có nghĩa là có quyền bình đẳng cuả một cá nhân có cá tính riêng và có sự khác biệt. Các cuộc thảo luận mà các ý tưởng do tinh thần này đem lại nguồn cảm hứng, nó khác hẳn với các cuộc thảo luận khác về mặc cấu trúc qua hai đặc điểm chủ yếu sau đây:  

 

Một mặt, các cuộc thảo luận về luật pháp và đạo đức dễ bị lạm dung qua một hình thức có gian ý nhằm tạo ra tính chính danh, bởi vì đằng sau lớp màng chiếu sáng nhân danh công luận có lý trí có thể che đậy các lợi ích riêng tư. Về vai trò ý thức hệ, luận điểm đã bị Marx thời thanh xuân vạch ra, tạo nên những căm ghét của Carl Schmitt, khi ông dồn ép tính nhân bản - một chuẩn mực thuộc về chủ thuyết cá nhân bình đẳng – với thái độ gian ác, súc vật vào chung một chổ. Giống như những người phát xít mà Schmitt xem thường và những gì mà Marx quan tâm, đó là những đậc điểm khác của việc thảo luận này: quy chiếu vào bản thân để thúc đây một tiến trình học hỏi cho việc tự kiểm điểm.

 

Như mỗi lời phê phán, chúng ta áp dụng chuẩn mực của triết thuyết phổ quát có chọn lọc, ngay cả khi phải đặt chuẩn mực này thành điều kiện để áp dụng, việc vạch trần các lạm dụng nhân danh ý thức hệ trong các thảo luận về thuyết phổ quát cần phải được đặt lại trong các luận điểm phê phán đã đề ra. Trong ý nghiã này, triết thuyết phổ quát về luật pháp và đạo đức là một hệ thống tư duy khép kín, nhưng phương cách áp dụng sai lạc chỉ có thể phê phán dựa trên các chuẩn mực của chính mình tạo ra.

 

Câu hỏi cuối cùng là Ông nghĩ gì về khái niệm anh hùng?

 

Người ta có thể chỉ ca ngợi lòng can đảm, tinh thần kỷ luật và hy sinh quên mình của các chiến sĩ đội cứu hoả của thành phố New York trong ngày 11 tháng 9, họ đã đột nhiên hy sinh tính mạng để cứu người. Nhưng tại sao chúng ta tôn vinh họ là những anh hùng? Có lẽ phải chăng khái niệm anh hùng trong Anh ngữ có những thâm ý khác so với Đức ngữ. Đối với tôi, dường như ở đâu mà người ta tôn vinh thành các anh hùng, ở đó cần có vấn đề đặt ra là ai sử dụng và tại sao họ goị là anh hùng. Trong một ý nghiã vô hại này, người ta có thể hiểu lời cảnh báo của Brecht: "Bất hạnh thay cho những đất nước cần đến các anh hùng".   

 

 

                                                 ***

 

Nguyên tác: Fundamentalismus und Terror, Ein Gespräch mit Jürgen Habermas in: Jürgen Habermas, Jacques Derrida, Philosophie In Zeiten des Terrors, Europäisches Verlagsanstalt Hamburg, 2006, pp. 49- 69.   

 



 

Các chú thích có đánh số dưới đây là cuả Giovanna Borradori

 

[1] Cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào tháng chạp năm 2001, ba tháng sau các đợt tấn công vào này 11 tháng 9 năm 2001.

 

[2] Vào ngày 12 tháng 11 năm 2001, chỉ hai tháng và một ngày sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, một chuyến bay đã rơi xuống khu phố Queen, thành phố New York làm cho 260 hành khách và 5 khách bộ hành thiệt mạng. Cả thành phố lo sợ là việc rơi máy bay có thể liên hệ đến việc tấn công của bọn khủng bố. Lúc đó Habermas đang ở New York và chứng kiến giây phút này.

 

[3] Ở đây, Habermas muốn đề cập tới các cuộc hoà đàm đang diễn ra vào tháng 11 năm 2001 tại Peterburg gần thành phố Bonn. Nơi đây các lãnh đạo chính trị cuả Liên Minh miền Bắc, gồm đại diện các sắc tộc của Tadschken, Usbeken và Harazas găp nhau và gồm có ba phân nhóm chính tị nạn thuộc Paschtunen, mà họ nổi tiếng là các nhóm thuộc römische, zyprotisch và Peschawar. Nhóm römisch liên minh vơi cựu hoàng đế, mà sự trở về của cựu hoàng cho dù chỉ có tính cách là biểu tượng, cũng vẫn bị Liên Minh từ chối.

 

[4] Süddeutsche Zeitung vào ngày 19. 12. 2001.

 

[5] Diễn từ của Habermas đọc tại nhà thờ Frankfurt Paulkirche vào tháng 10 năm 2001 nhân dịp ông nhận giải thưởng của các nhà phát hành sách của Đức. Ông dự định trình bày về đề tài Công nghiệp sinh học. Tuy nhiên, lể trao giải được tổ chức một tháng sau các cuộc tấn công 11 tháng 9, nên ông mở rộng đề tài nguyên thủy thành sự đối kháng giữa khoa học và tôn giáo. Một mặt, lý thuyết tối tăm gây lo sợ và ngăn chận nghi ngờ khoa học, mặt khác, lý thuyết kết án các niểm tin vào sự tiến bộ của khoa học trong tiến trình cuả chủ thuyết tự nhiên, làm cho suy yếu đạo đức. Nhưng vào ngày 11 tháng 9 sự căng thẳng giữa xã hội thế tục và tôn giaó bùng nổ theo một cách khác. J. Habermas, Glauben und Wissen, Friedenpreisrede 2001, Zeitsdiagnose, Zwofl Essays, Frankfurt/Main, 2003, S. 249.   

 

[6] Habermas đề cập tới việc thảo luận mà tiểu luận "The Clash of Civilization" của Samuel P. Huntington đăng trong tạp chí Foreign Affairs vào năm 1993 đặt ra. Huntington lập luận là chính trị quốc tế sẽ thành hình dựa trên các lằn ranh về văn hoá. Các tranh chấp trong tương lai không chì là do các lý do chính trị và kinh tế mà nhằm để bảo vệ các giá trị văn hoá khác nhau. Đối với các giá trị Hồi giáo, phương Tây và châu Á, Huntington tỏ ra có nhiều lo âu nhất. S. P. Huntington, The Clash of Civilization? The Debate in: Foreign Affairs (1993); P.L. Berger/S. P. Huntington, Many Globalizations, Cultural Diversity in the Contemporary World, Oxford, 2002.

 

[7] North American Free Trade Agreement và Association of South East Asian Nations.

 

Các chú thích dưới đây là của người dịch

 

Trường phái Triết hc Frankfurt

 

Trường phái thuộc Viện Nghiên cứu Xã hội (Instutut für Sozial Forschung) của Đại học John Wolfgang Goethe, Frankfurt, Đức. Cơ sở này được thành lập vào năm 1924, đến năm 1933 phải đóng cừa vì chế độ Đức Quốc Xã, và đến năm 1950 hoạt động trở lại cho đến nay. Đây là nơi quy tụ một số triết gia tên tuổi như Theodor W. Adorno, Walter Benjamin, Erich From, Max Horheimer, Herbert Marcus (thế hệ thứ I), Jürgen Habermas, Oskar Negt, Alfred Schmit (thế hệ thứ II) và thế hệ hiện nay là Axel Honneth và nhiều người khác.

 

Luận điểm chính cuả Trường phái là lý thuyết phê phán (Kritische Theorie): Lý trí đóng vai trò quan trọng để khai sáng trong một thế giới hiện đại ngày một suy vi. Vì tính cách cá nhân của con người trong xã hội ngày càng mất dần, nên con người trở thành một công cụ lệ thuộc, một vật thể trong một thiên nhiên bị chế ngự do kỷ thuật hoá và phải sống trong một thế giới lệ thuộc vào mọi thủ tục hành chánh hoá. Lý thuyết này tìm cách giải thích về cấu trúc xã hội qua cơ chế cai trị và đàn áp, lột mặt nạ các ý thức hệ để mong đem con người có tư duy trưởng thành sống trong một xã hội hợp lý và hài hoà.

 

Đối tượng nghiên cứu gồm có ba lĩnh vực cơ cấu kinh tế của xã hội, phát triển tâm lý cá nhân và phạm vi văn hoá. Phưởng pháp luận là Mác xít khoan hoà và khảo hướng liên ngành.

 

Lý thuyết về các hành vi thông đạt.

 

Theorie des komminikativen Handeln là một trong các tác phẩm quan trọng của Jürgen Habermas. Ông bàn đến nhu cầu thông đạt trong sinh hoạt cá nhân, gia đình và xã hội và xem nói chuyện với nhau để hiểu nhau là một hành vì chiến lược, cần học tập và áp dụng, dù trong bất cứ tình huống nào.

 

Để đạt đến cảm thông nhau, người nói và ngưòi nghe phải chấp nhận các điều kiện cơ bản là  

1. cùng có cơ hội bình đẳng trong việc đề xuất và tham gia đối thoại

2. cùng có cơ hội bình đằng trong định nghiã và lập luận

3. bình quyền trong đối thoại

4. không che dấu các ý định trong thảo luận.

 

Trường phái Giải minh

 

Hermeneutik là một lý thuyết về cách giải thích các bản văn và tìm hiểu con người, phát sinh từ Thượng cổ, được áp dụng cho đến Trung cổ, được xem như là một khoa học và nghệ thuật. Lý thuyết này được Immanuel Kant cỗ vũ, xem lý tính là một phương tiện để tìm hiểu tư tưởng con người, đặc biệt là trong mối quan hệ với lịch sử.

 

Khái niệm này được hồi sinh trong thời hiện đại với công trình nghiên cứu của Johann Conrad Dannhauer và Wilhelm Dilthey "Với thiên nhiên, chúng ta giải thích, với sinh hoạt tinh thần, chúng ta tìm hiểu", câu nói nổi tiếng của Dilthey trở thành phường châm cuả Trường phái Giải Minh để áp dụng cho mọi lĩnh vực cuả khoa học xã hội. Muốn tìm hiểu văn bản hay con người, người ta cần phải có kiến thức tiên khởi và trực giác như một loại nghệ thuật khởi đầu làm cơ sở.

 

Trường phái Giải cấu trúc

 

Dekonstruktivismus do Jacques Derrida khởi xướng trong thập niên 1960 nhằm đối kháng với phương pháp cuả Trường phái Giải minh, một cách đọc văn bản khác hơn để tìm ra nguồn gốc ý nghiã đích thực. Văn bản không chỉ được cấu trúc trong một ý nghiã thống nhất cuả tác giả, mà còn hàm chứa các ý nghiã tương phản mà nguời đọc cần phát hiện bằng cách phá vỡ ý nghiã trong cấu trúc nguyên thuỷ và tìm hiểu ngược lại.

 

 

***

Bài liên quan:

 

Monique Canto-Sperber: Tìm Hiểu Khái Niệm Về Một Cuộc Chiến Có Chính Nghĩa

https://vietbao.com/a166764/monique-canto-sperber-tim-hieu-khai-niem-ve-mot-cuoc-chien-co-chinh-nghia

 

Le Monde phỏng vấn Jürgen Habermas: Thánh chiến là một hình thức hiện đại để phản ứng trước tình trạng mất gốc  

https://vietbao.com/a248282/thanh-chien-la-mot-hinh-thuc-hien-dai-de-phan-ung-truoc-tinh-trang-mat-goc

 

Joseph S. Nye: Năm sự thật về khủng bố

https://vietbao.com/a249906/nam-su-that-ve-khung-bo

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/10/2010(Xem: 7380)
Một thưở đó, mây hỏi cùng cỏ lá gió chướng mùa, đời vắng lạc về đâu bàn tay mỏng, soi mòn tâm mưa nắng thu réo nguồn, lá cỏ có bâng khuâng? lối chiều nghiêng, khép lại bóng ưu phiền sờn tà áo, bụi đời trên vai cỏ có gì đâu, mảnh trăng vô lượng kiếp một giọt trăng, em- hơi thở vô cùng
19/10/2010(Xem: 8345)
Khi xe chúng tôi đến nơi, đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya. Phòng ốc dành cho 300 giường đã không còn chỗ trống. Ban Tổ Chức đành trưng dụng phòng họp, phòng học - một cho phái nữ, một cho phái nam - với các tấm nệm lót dưới đất cho chúng tôi ngủ tạm. Giải quyết một lúc cho phái đoàn Thụy Sĩ 30 người - chưa kể các nước khác - đâu phải dễ. Vả lại đi chùa thì phải chấp nhận "ăn chay nằm đất". Nằm "đất" còn phải chịu, lựa là nằm "nệm", nên chúng tôi vui vẻ nhận lời, không than van gì cả. Mà than van nỗi gì được khi đã hiểu giáo lý (dù chút chút) của đạo Phật. Mọi sự phải do "duyên" mà có. Và "duyên" này khởi từ "nhân" chiều nay.
19/10/2010(Xem: 6205)
Chúng ta đã tìm Phật và tìm Pháp, nay phải đi tìm Tăng cho đủ Tam Bảo, nói cho đủ là Tăng già, phiên âm chữ Phạn Sangha có nghĩa là một đoàn thể sống chung với nhau ít nhất là bốn người, bỏ nhà đi tu, giữ đủ giới luật của Phật đặt ra, với tôn chỉ tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha, nhằm mục đích giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh.
19/10/2010(Xem: 6245)
Theo Phật học Từ điển thì danh từ Pháp có rất nhiều nghĩa, mà nghĩa rộng nhất và bao trùm nhất là định nghĩa: "Quỹ sinh vật giải, nhậm trì tự tánh", dịch nghĩa là những hình dáng cấu tạo, giải thích rõ một vật, nắm giữ tự tánh của nó, không cho lầm lẫm với vật khác.
19/10/2010(Xem: 6691)
Nhân mùa Phật Đản kỷ niệm đức Thích Ca giáng trần cứu độ chúng sinh, chúng ta hãy thử đi tìm Phật. Hầu hết mọi Phật tử đều thuộc lòng lịch sử Phật Thích Ca giáng sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia, trị vì thành Ca Tỳ La Vệ, nước Ấn Độ bấy giờ; ngài lớn lên lấy vợ, rồi xuất gia thành đạo, chuyển Pháp Luân cứu độ chúng sinh, nhập Niết Bàn ở vườn Ta La. Vậy câu hỏi Tìm Phật Ở Đâu thật là dễ, ai cũng trả lời được.
19/10/2010(Xem: 11265)
10 Hiện Tượng Bí Ẩn Trong Lịch Sử Chưa Thể Lý Giải 10 hiện tượng bí ẩn trong lịch sử mà đến nay các nhà khoa học vẫn không giải thích nổi. Nếu tính cả chuyến bay M370 của Malaysia thì đây được coi là hiện tượng thứ 11.
19/10/2010(Xem: 9705)
Y phục được xem là một trong bốn vật dụng thiết yếu đối với tu sĩ Phật giáo. Là vật dụng thiết yếu vì y phục giúp che kín thân thể, giúp cơ thể tránh khỏi sự xâm hại của "nóng, lạnh và ruồi muỗi," chứ không phải vì một mục đích nào khác. Nói cách khác, người xuất gia (cũng như mọi người) không thể không dùng đến y áo, chứ không dùng y áo làm thước đo cho một giá trị nào đó. Điều này hẳn nhiên không hoàn toàn đúng về sau, nhưng ít nhất nó được phản ánh trong giai đoạn đầu tiên.
18/10/2010(Xem: 10055)
Ðạo Phật quan niệm mỗi cấp bực của sự sống đều mang một Thức tương ứng: cấp vi trùng vi khuẩn cũng có Thức của nó, cũng như mỗi tế bào, mỗi mô sinh vật cũng thế...
18/10/2010(Xem: 9113)
Sự tàn phá do ảnh hưởng bởi lòng thù hận dễ nhận thấy, rõ ràng và tức thời, như là một niệm sân hận có mặt, lớn mạnh, tư nhiên chi phối hoàn toàn bạn và phá hũy sự an lạc cónơi bạn.
18/10/2010(Xem: 8007)
Phật pháp dù cao siêu vi diệu nhưng liệu có ích lợi gì cho tuyệt đại đa số người đời vốn bị nhiều ràng buộc và chịu nhiều hệ lụy trong thế gian? Người thực hành theo giáo pháp của Phật có nhất thiết phải ẩn dật, ly gia cát ái? Thực ra, đạo Phật không tách rời thế gian, luôn gắn liền với cuộc đời, quan tâm đến việc xây dựng hạnh phúc cho con người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]