Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cao Lãnh, Quê Tôi

28/03/201609:44(Xem: 10972)
Cao Lãnh, Quê Tôi
      CAO LÃNH, QUÊ TÔI
 
 
        GS    Nguyễn Vĩnh Thượng

 

 

 

 

 

Lời tác giả :     Bài “ Cao Lãnh, Quê hương tôi” đã đăng trong Tập San Nghiên Cứu Văn Hoá: Đồng Nai- Cữu Long” ở California, Hoa Kỳ, số 2: tháng 7 năm 2005:

             

“Đồng Nai chim đậu đất lành,

Cửu Long trù phú dân tình ấm no.

Phương Nam khai phóng cõi bờ,

Con đường nhân bản tự do đời đời”.

                       NTL

 

Tôi đăng lại bài viết này để tưởng nhớ đến hai vị đã giúp tài liệu để tôi viết bài này, một phần  của non sông gấm vóc ở  phương Nam: - Bà Nguyễn thị Quỳnh đã qua đời vàongày 27 tháng Giêng năm 2010 tại Paris, Pháp,hưởng thọ được 95 tuổi. Và cụ Trần Quãng Đại đã qua đời vào ngày 13 tháng 12 năm 2010, hưởng thọ được 89 tuổi tại Toronto, Canada.

 

Tôi có sữa chữa và bổ túc một vài chổ trong bài đăng lần thứ hai này  .

 

                                            Toronto, 24 tháng 12 năm 2013

                                                          NVT

 

 

 

* * *

 

 

"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ"

Cách đây hơn 10 năm, ông bà Trần Quãng Đại đã định cư tại Toronto, Canada, do một người con bảo lãnh. Ông cụ đã cho tôi một số sách và tài liệu nói về đất Cao-Lãnh đồng thời cũng kể lại cho tôi nghe những nơi và những điều ông đã biết trong quãng đời ông đã sống tại Cao-Lãnh và Sa-Đéc. Cụ nay đã 83 tuổi.

Nhà văn Huỳnh Trung Chánh, từ một thành phố ở California Hoa Kỳ, đã gởi cho tôi một số tài liệu về Cao-Lãnh.

Mẹ tôi, Bà Nguyễn Thị Quỳnh, nay đã 90 tuổi, đang định cư ở Paris, Pháp cũng đã kể cho tôi nghe nhiều điều mắt thấy tai nghe về Cao Lãnh, nhất là Bà đã chép lại một bài thơ duy nhất mà bà đã sáng tác vào năm 1947, ghi lại tâm sự của Bà trong cuộc tản cư của dân Cao-Lãnh trước cảnh khói lửa chiến tranh vào hồi đó.

Thêm vào đó, một số thân hữu của tôi ở xa và gần: có vị gởi tài liệu, có vị điện thoại kể lại việc này việc khác, có vị đã gởi e-mail (điện thư) góp ý và cho thêm tài liệu về Cao-Lãnh.

Tôi chân thành cám ơn tất cả các vị đã nêu trên.

Khi sắp xếp tài liệu lại để căn cứ vào đó mà viết về Cao-Lãnh, tôi nhận thấy rằng tài liệu vẫn hãy còn thiếu sót, có nhiều điều tôi chưa biết hết, và ngay cả điều tôi được biết thì cũng chưa chắc đã đúng. Thiếu sót, lệch lạc thì có thể đưa đến chỗ những điều tôi viết có thể sai lầm. Tôi ước mong các độc giả sau khi đọc những gì tôi viết về đất Cao-Lãnh nếu có chỗ thiếu sót, có chỗ sai thì quí vị giúp giùm bổ sung và sửa chữa lại.

 

 

* * *

 

Cao-Lãnh chỉ là một vùng đất nhỏ ở phương Nam của đất nước Việt Nam. Ngày xưa, cả vùng đất mới ở phương Nam gọi là Nam-Kỳ Lục Tỉnh vì gồm có 6 tỉnh như sau: 1. Biên Hòa, 2. Gia Định, 3. Định Tường, 4. Vĩnh Long, 5. An Giang, 6. Hà Tiên. Đất nước ta đã bắt đầu mở mang bờ cõi đi về vùng đất phía nam, một miền đất trù phú và thịnh vượng, đã được khoảng 300 năm nếu tính từ lúc chúa Nguyễn Phước Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II năm 1620 rồi mượn đất Prey Nokor-Kaskobey để thiết lập trạm thuế (1623), rồi được quốc vương Nặc Tôn của nước này dâng đất Tầm Phong Long năm 1757 để tạ ơn. Rồi Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh lo việc bảo vệ và mở mang đất Gia Định trong vòng 11 năm (1754-1765), rồi Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tứ với chức vụ Khâm Sai Đô Đốc trấn thủ Hà Tiên đã mở mang đất Hà Tiên (gồm Hà Tiên - Rạch Giá – Cà Mau) … cho đến ngày nay, năm 2004.

Trong bài này, tôi sẽ viết về nguồn gốc địa danh Cao-Lãnh, di tích Tháp Mười và nền văn hóa Óc Eo.

Trong tương lai, nếu có cơ hội thuận lợi, tôi sẽ viết tiếp về

- Các nhà cách mạng kháng chiến chống Pháp tại Cao-Lãnh và các nhân vật có uy tín tại Cao-Lãnh,

- Tinh thần dân Cao-Lãnh hay là phong cách của người dân Cao-Lãnh. Văn thơ Cao-Lãnh, một mảnh văn chương của văn học miền Nam;

- Phật giáo xứ đàng trong ở tại Cao-Lãnh, Hòa Thượng Phạm Văn Hổ, tức Hòa Thượng Hấu, và quan niệm độc đáo của vua Tự Đức (1847-1883) trong việc sắc phong các cư sĩ có đạo cao đức trọng làm Hòa Thượng, một chức sắc cao cấp trong hàng giáo phẩm của Phật Giáo.

I.                  Nguồn gốc địa danh Cao-Lãnh

 

Cao-Lãnh cách Sài Gòn 162 km đường bộ. Từ Sài Gòn đi quốc lộ 4 (bây giờ là quốc lộ 1A) tới An Hữu rồi rẻ về phía phải để đi vào đường liên tỉnh 40, tức là đường đi về phía Tây Bắc thì Cao-Lãnh cách ngả ba An Hữu 36 km. Chúng ta cũng có thể đi qua Sa Đéc rồi từ Sa Đéc đi về Cao-Lãnh cũng được, nhưng thời gian lâu hơn vì phải qua bắc Mỹ Thuận (bây giờ đã có bắt cây cầu ngang qua sông Tiền khỏi phải chờ đợi qua bắc như trước) rồi qua Sa Đéc, từ Sa Đéc đi Cao-Lãnh, trước khi qua Cao Lãnh thì phải qua bắc Cao Lãnh. Cao Lãnh nằm bên dòng sông Cao Lãnh dài 16 km là một nhánh nhỏ của Tiền Giang.

Dưới thời vua Gia Long (1802-1819), Cao Lãnh (chưa có tên là Cao Lãnh) là một phần đất thuộc phủ Tân Thành tỉnh Định Tường. Phủ Tân Thành gồm hai huyện: huyện Kiến Hưng và huyện Kiến Phong. Ông Chưởng Dinh Nguyễn Hữu Cảnh đã thi hành lịnh của triều đình Huế để kêu gọi các đồng bào từ miền Bắc và miền Trung vào khai khẩn đất hoang ở vùng đất mới này. Một số lưu dân Cao Lãnh từ Thuận Hóa nhưng nhiều nhất là từ Quảng Nam, một ít từ Phú Xuân và từ miền Bắc. Các lưu dân đến từ miền Bắc đã dứt khoát rời khỏi lũy tre làng bao quanh các làng mạc ấm cúng của họ để đi vào vùng đất mới mà khai khẩn đất hoang, những người đến từ miền Trung cũng rời bỏ nơi chôn nhao cắt rún để đi lập nghiệp ở vùng đất mới này. Lúc đầu, các lưu dân Việt Nam tiền phong đến khai khẩn ở Cao Lãnh phải cực nhọc và đối phó với nhiều thú rừng như rắn độc, voi, cọp …, và phá các đám rừng nhứt là các rừng tràm ở vùng Đồng Tháp Mười, thật sự thì không phải dễ ăn đâu. Cho mãi tới mấy đời sau, con cháu mới được hưởng cảnh “làm chơi ăn thiệt”, một khi các rừng rậm đã được khai khẩn để trở thành đồng ruộng bao la, “cò bay thẳng cánh”.

Các vị tiền phong khai khẩn đã nói:

Muỗi kêu như sáo thổi,

Đỉa lội tựa bánh canh.

Cỏ mục thành tinh,

Rắn đồng biết gáy.”

(Ca dao)

 

Vùng Đồng Tháp Mười là một vùng nước mặn đồng chua, nước có nhiều phèn. Đất đai ở đây rất thích hợp với cây tràm. Do đó có rất nhiều tiền nhân đến đây gây dựng thêm các cánh đồng tràm, ngoài các rừng tràm sẳn có.

 

* *  *

* Tôi xin mở ngoặc ở đây để nói một chút về các chuyện có liên đến bên ngoại tôi .Ông Nguyễn Xuân Trước (1874 – 1957) là ông ngoại của tôi, theo lời kể lại của má tôi thì ông ngoại là một bậc thâm nho và cũng là một thương gia có tiếng ở Cao Lãnh. Ngoài lãnh vực thương nghiệp ông còn tạo lập hàng ngàn mẫu ruộng và cấy trồng hàng trăm mẫu tràm. Tràm là loại cây sống ở vùng nước động. Vườn tràm của ông nằm kế vườn Tràm của người em thứ sáu của ông là ông Nguyễn Thành Tố, dân Cao Lãnh trong thập niên 1940 thường gọi là Sáu Tố. Vườn tràm Sáu Tố là vườn tràm nổi tiếng ở nơi đó.Ông ngoại tôi cấy trồng tràm nhằm cung ứng cho nhu cầu vật liệu xây cất. Ngoài ra ông còn trồng hàng trăm bụi tre và cây sao – một loại cây cung cấp ván gỗ trong việc đóng ghe thuyền, đó là một phương tiện giao thông tối cần thiết cho vùng sông nước Đồng Tháp Mười.

Ông ngoại tôi đã lập Vạn Thọ Trang” ở làng Hòa An vào thập niên 1930, cách chợ quận lỵ Cao Lãnh khoảng 800 mét. Tại đây ông trồng nhiều loại cây kiểng có dược tính trong thuốc nam để giúp chữa bệnh cho các bệnh nhân trong vùng; ông trồng hoa Vạn Thọ rất nhiều, hoa Vạn Thọ là biểu tượng cho “Vạn Thọ Trang”. Vạn Thọ Trang gồm có một biệt thự lớn để thờ ông bà và để ở, phía trước có hàng rào đúc bằng xi-măng cốt sắt, có hai cửa lớn để đi vào gia trang , chạy thẳng hai bên hông biệt thự, thích hợp với nguyên tắc phong thuỷ về thiết kế ngoại thất. Ngoài sau biệt thự có nhiều mẫu đất , có một nhà dựa lúa để trử lúa sau muà gặt hái , có trồng nhiều loại cây xoài như xoài thanh ca , xoài hòn, xoài tượng, xoài nghệ, có trồng nhiều loại mận có cây trái rất bự ,đặc biệt có loại mận xanh rất ngọt, có nhiều cây quit, cây cam, nhiều vú sửa như vú sửa tím,vú sửa trắng, có loài vú sửa có thể lột vỏ như lột vỏ củ khoai lang. Ở phía sau hơn nữa, có nhiều mẫu đất vào mùa nước nổi thì trồng lúa , còn mùa nước khô thì trồng thuốc hút để Ông hút và bán … Sau 1975, Vạn Thọ Trang đã trở nên hoang tàn, vì các con cháu không còn sống ở đây nữa.

Má tôi kể lại rằng anh của Má tôi là ông Nguyễn Xuân Khôi (1912 – 1943) đã đến sống ở đồng Tháp Mười mấy tháng rồng rả để trông coi việc cấy trồng tràm trong các cánh đồng của ông ngoại tôi. Trong thời gian này, cậu N.X. Khôi đã dùng quả lắc (pendule) để tìm hiểu tính chất của vùng đất này dựa vào khoa học quả lắc, Ông tiên đoán vùng Đồng Tháp Mười có quặn mỏ ở dưới lòng đất như mỏ dầu lửa, dầu khí. Trước năm 1975, Ba tôi đã dựa vào các sách vở tài liệu mà ông đã đọc thì thấy nói nơi nào có nhiều tôm thì nơi đó có thể có mỏ dầu lửa. Ba tôi nói lời tiên đoán của cậu Khôi hồi khoảng năm 1930 có thể đúng. Cậu Khôi đã được ông Ngoại tôi cho đi du học ở Hà Nội vào đầu thập niên 1930. Hồi đó, các thanh thiếu niên ở miền Nam thường được cha mẹ cho đi du học hoặc ở Pháp hoặc ở Hà Nội vì Saigon chưa có trường Cao đẳng hoặc Đại học. Cậu Khôi là một công tử thông minh và hiếu học. Ở Hà Nội , vào thập niên 1930, ông là người Việt Nam đầu tiên đã diển thuyết, giới thiệu công dụng của quả lắc trong việc chuẩn mạch bệnh nhân, dự đoán người phụ nử đang mang thai sẽ sanh ra con trai hay con gái, việc tìm mạch nước ở dưới lòng đất, quặng mỏ v… v…

Hồi tháng 9 năm 2012, một vị bà con với tôi là cụ Trần Châu Trần đã gởi tặng cho tôi quyển sách xưa đã được in lại bằng phóng ảnh do cậu Khôi đã viết như sau :

 Tác giả :   NGUYỄN XUÂN KHÔI

Tên sách :  KHOA HỌC QUẢ LẮC

                  La Science du Pendule – ( Radiesthésie)

Lời tựa:    Bác Sĩ NGUYỄN VĂN NHÃ

Nhà xuất bản:  VŨ-TRANG, ở Cholon: Juillet 1938

Cao-lanh-que-huong-toi-000Cao-lanh-que-huong-toi-001Đây là một quyển sách có giá trị vào cuối thập niên 1930: giới thiệu khoa học quả lắc, và chỉ cách sử dụng quả lắc để dự đoán các điều đã viết ở trên.

Trong lời tựa, Bác sĩ Nhã đã giói thiệu tác giả và tác phẩm về khoa học quả lắc như sau:

“… ông Nguyễn Xuân Khôi là một thiếu niên háo học.

(…) người ta chẳng những dung cái quả lắc để tìm mội nước, mà người ta lại dung để đoán bịnh, để bói món thuốc nào trị lành bịnh, để hỏi coi vật ăn thức uống có bị tẩm độc không?

……………………………………………………

Tôi thấy nhiều lần cái quả lắc không cải tôi những khi tôi xem mạch định chứng binh.Thành thử, lắm khi tôi dùng quả lắc để hỏi nhỏ trước coi người bịnh đau chứng gì. Vậy sau tôi mới dùng khoa học mà nghiên cứu lại.

…………………………………………

Ông N.X.K có công khảo cứu một khoa-học ít người An-nam để ý. Rất khen ông ham học, tò mò sưu tầm. ( …..) Chắc rằng công chúng sẽ hoan-nghinh cuốn sách của ông”.

Saigon, Juillet 1938

Docteur NGUYEN-VAN-NHA

 

* * *

  • * Tương truyền vào năm Đinh Sửu (1817) dưới đời vua Gia Long (1802-1819), Ông và Bà Đỗ Công Tường gốc ở Quảng Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chưởng Dinh Nguyễn Hữu Cảnh di dân tới lập nghiệp tại làng Mỹ Trà. Ông Đỗ Công Tường, có tục danh là Lãnh, là người chánh trực, nho học am tường nên được cử làm chức Câu Đương, chức này có nhiệm vụ phân xử các vụ tố tụng trong làng. Ông lập một vườn quýt rộng lớn, các cây quýt có rất nhiều trái nặng trĩu, trong vườn quýt này có một sân rộng sát bên nhà được ông và nhiều người dân dùng làm nơi buôn bán đổi chác như một cái chợ.

Vào năm Canh Thìn (1820), tại làng Mỹ Trà đã xảy ra một nạn dịch trời, dịch này lan tràn quá nhanh chóng, dân chúng bị dịch chết như rạ, không thuốc nào chữa trị được để ngăn chận dịch này. Cái chợ bên nhà ông Tường dần dần vắng bóng người lui tới vì nạn dịch này. Ông Bà Đỗ Công Tường động lòng trắc ẩn trước cảnh dân chúng ở đây chết chóc bởi nạn dịch này mà không có thuốc nào chữa chạy, nên hai Ông Bà mới nghĩ ra cách đặt bàn hương án giữa trời, tại sân chợ bên nhà ông, rồi Ông Bà khấn vái xin Trời Phật cho Ông Bà chết thế mạng cho dân chúng ở vùng này. Rồi vào mùng 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1820), Ông Bà bắt đầu ăn chay liên tục và cầu khấn Phật Trời mỗi ngày để dân tình thoát khỏi nạn dịch này. Qua ngày mồng chín thì Bà Tường lâm bịnh dịch trời, tắt hơi thở vào lúc 10 giờ đêm. Ngày hôm sau, tức ngày mồng mười, thì Ông bất thần ngả ra chết theo Bà. Dân làng xúm lại lo an táng cho hai Ông Bà cùng một lượt.Một điều thần bí và kỳ diệu xảy ra là sau khi dân chúng đã chôn cất Ông Bà xong thì dịch trời chấm dứt và dân chúng không còn bị dịch trời hoành hành nữa, dân chúng được bình phục và trở lại cuộc sống bình thường. Lời cầu nguyện rất thành tâm của Ông Bà Đỗ Công Tường đã được ơn trên chứng giám.

Dân chúng lại tiếp tục nhóm chợ ở vườn quýt bên nhà Ông Bà Tường. Để tưởng nhớ công đức Ông Bà Đỗ Công Tường, dân chúng đặt tên cái chợ ở vườn quýt bên cạnh nhà Ông Bà là chợ “Câu Lãnh”. Dân chúng đã họp lại, bàn luận, quyết định lấy chữ “Câu” từ chức “Câu Đương” của ông, và chữ “Lãnh” là tục danh của ông mà kết hợp lại thành “Câu Lãnh”. Lâu dần chữ “Câu” đã được đọc trại ra là “Cao”, có nhiều bô lão đã giải thích vì có nhiều người Việt gốc Hoa buôn bán ở chợ này phát âm là “Cao” thay vì “Câu”, âm Cao nghe cũng suông tai nên rồi mọi người đều phát âm là “Cao Lãnh” cho đến ngày nay.

Sau đó dân chúng đã cùng nhau đóng góp: kẻ góp công, người góp tiền mua vật liệu, để lập miếu thờ Ông Bà Đỗ Công Tường ở ngay nơi hai ngôi mộ của Ông Bà ở làng Mỹ Trà làm nơi thờ phượng hai Ông Bà.

Hằng năm, vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 6 âm lịch là ngày vía Ông Bà, ban Tế Tự và dân chúng tấp nập kéo đến miếu cúng vái và cầu nguyện khói hương nghi ngút. Dân chúng ở đây đã và đang hết lòng kính trọng Ông Bà Cao Lãnh, nên trải qua nhiều biến cố và chiến tranh lâu dài ở Việt Nam, miễu thờ Ông Bà Cao Lãnh vẫn còn nguyên vẹn trước nhiều cảnh thay chủ đổi ngôi ở đây. Miễu thờ ở dựa mé kinh Thầy Khâm, cách châu thành quận lỵ độ ba trăm thước. Theo dân chúng, miễu thờ Ông Bà Cao Lãnh rất hiển linh, họ thường đến đây để khấn vái cho tai qua nạn khỏi và làm ăn phát đạt thịnh vượng, gia đình bình an v.v…

Rất nhiều người đến đây để xin xâm, lấy quẻ xem điềm tốt xấu mỗi khi muốn quyết định làm một việc gì, chẳng khác nào quang cảnh xin xâm ở lăng Quan Thượng Tả Quân Lê Văn Duyệt tại bà Chiểu, thuộc tỉnh Gia Định ngày trước.

Trần Quang Hạo trong quyển “Cao Lãnh đến 1954” xuất bản tại Cao Lãnh tháng 7 năm 1963, tr. 24 đã ghi “Ủy Ban Hành Chánh địa phương (1945) và tướng Nguyễn Hòa Hiệp, đệ tam sư đoàn (1946) trước khi rút vô Đồng Tháp Mười lập chiến khu đều đến xin xâm nơi đây”.

Văn tế Ông Bà Câu Lãnh ở làng Mỹ Trà

“Lò tạo ai xây, mảnh hình ai đấp, tiếng tiêu thiều chín chặp; sùi sụt kia vì nỗi đắng cay, thiết vắn tế mấy hàng tình tự kể ra tích lớp.

Thuở Minh Mạng kinh quyền, người có chức chốn thị thuyền, sắm sửa cũng xuê xang, năm Canh Thìn (1820), phong khí đất khôn dời, thấy thiên hạ nhộn nhàng như sấm chớp.

Ngài thấy vậy đau lòng xót dạ, thiết đàn cầu an ổn nhơn dân; Trời nghe cho trước vợ, sau chồng, muốn tiếng để cho thạnh hòa hương ấp, thời đồng theo đi xuống chốn huỳnh tuyền, đều dị oái mới về miền thạch lập, cơn sóng gió phu thê là nghĩa trọng, đem thân cầu thế từ ít muôn ngàn; cuộc sống tang thương biến cải khó bao nài.

Thay phận cứu tri sanh nhiều mấy thập, thảm là thảm Bà mồng chín ngày trong tháng sáu, bước chân lên Ngọc Đế quì tâu; thương là thương Ông mồng mười sau có một ngày, nhón gót xuống Diêm Vương mà báo cấp.

Người dường ấy mà công trạng dường ấy, nay hương thôn cám tưởng tấm lòng vàng; thấy giang san mà tủi hổ với giang san, nên phổ hội sấm dưng bàn lễ bạc, ngọn rau tấc đất nhân ân, bát nước cây hương xin hưởng giúp cho hương lý thờ thay, võ lao thiểu nhựt tân, trong phổ hội đặng khương cường sĩ dân tập.

Hởi ôi ! Thương thay !

(Khuyết danh)

 

 

Bài thơ vịnh Ông chủ chợ Cao Lãnh

Muôn miệng như nhau đã nói rành,

Câu-Đương là chức, Lãnh là danh.

Lập làng khó nhọc, công vừa dứt,

Cất chợ chăm nom, việc mới thành.

Dân đụng giặc trời, cam thọ tử,

Cụ đền nợ nước, quyết hy sinh.

Thoát nàn, bá tánh lo thờ phượng,

Miễu đó ngàn thu rạng tiết lành.

( Lãng Ba )

 

 Cao-lanh-que-huong-toi-002

 

 

Ở trước giữa miếu thờ Ông Bà Cao Lãnh có 4 chữ lớn :

CHỦ THỊ ĐỖ CÔNG

Hai câu liễn ở trước hai bên miếu :

Mỹ kiểng Câu Đương hữu chí lập thành sanh bửu cuộc,

Trà giang Lãnh thị triêm ân thương mãi nhựt vinh ba.

 

Một tấm liễn treo ở trong miếu do ông Đại Hương Cả Huỳnh Kim Sanh cúng dường :

“Chủ Thị Miếu”

 

Một tấm liễn treo tại bái đường do ông Huỳnh Thanh Phẩm cúng dường :

“Hien Thế Lưu Danh”

 

Năm 1914, dưới triều vua Duy Tân (1907-1916) quận Cao Lãnh được thành lập thuộc tỉnh Sa Đéc. Châu thành quận Cao Lãnh được đặt tại làng Mỹ Trà. Lúc đó tỉnh Sa Đéc gồm có 3 quận : Quận Châu Thành, quận Cao Lãnh và quận Lai Vung. Sa Đéc do tiếng Miên là Phsar-Dek, nghĩa là chợ sắt.

Hồi năm 1935, ông Huỳnh Kim Sanh là Đại Hương Cả làng Mỹ Trà đã thỉnh cầu ông Đốc Phủ Lê Văn Giáp, chủ quận (bây giờ là quận trưởng) Cao Lãnh đệ trình lên triều đình Huế xin phong thần cho ông Chủ Chợ Cao Lãnh. Qua năm 1936, vua Bảo Đại (1926-1945) đã ra sắc phong ông Đỗ Công Tường là “Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng Chi Thần”.

 

 Cao-lanh-que-huong-toi-003

Cao-lanh-que-huong-toi-004
hình   chợ Cao Lãnh : internet

 Cao-lanh-que-huong-toi-005

Cao-lanh-que-huong-toi-006

 

 

Quận Cao Lãnh ở giữa Nam Việt, nằm bên phía trái sông Tiền, phía đông giáp tỉnh Mỹ Tho (sau đổi là tỉnh Định Tường và Kiến Tường), tây giáp tỉnh Long Xuyên (An Giang) phía nam giáp Sông Tiền, phía bắc giáp tỉnh Tân An (Long An).

Quận Cao Lãnh có 3 tổng là :

1. Tổng An Tịnh gồm có các làng Hòa An, Tân Thận Đông, Tân Thuận Tây, Tân Tịch, Tân Thới.

2. Tổng Phong Thạnh thuộc châu thành quận Cao Lãnh đặt tại làng Mỹ Trà gồm có các làng An Bình, Mỹ Ngãi, Mỹ Trà, Nhị Mỹ, Phong Mỹ, Tân An.

3. Tổng Phóng Nẫm gồm có các làng Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung, Bình Thạnh, Mỹ Hiệp, Mỹ Hội, Mỹ Long, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Xương.

Năm 1956, dưới thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ Sài Gòn đã thành lập tỉnh Kiến Phong, tỉnh lỵ đặt tại Cao Lãnh, từ đó Cao Lãnh tách rời khỏi tỉnh Sa Đéc. Kiến Phong có các quận Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh … Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hai tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc được sát nhập thành tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp gồm có hai thị xã là Cao Lãnh và Sa Đéc. Thị xã Cao Lãnh là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp; như vậy, Sa Đéc không còn là tỉnh lỵ nữa; tỉnh Đồng Tháp có các quận : Tân Hồng, Hồng Ngự, Tràm Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành, Lai Vung.

Tỉnh Đồng Tháp là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, là một trong 9 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, là một trong 58 tỉnh của Việt Nam.

Vị trí Cao Lãnh ở miền Nam  & Tỉnh Đồng Tháp (1999)

Cao-lanh-que-huong-toi-007

 Cao-lanh-que-huong-toi-008

Cao Lãnh Phong Cảnh :

Cao Văn tự thử kiến đa tài,

Lãnh địa tằng văn cửu sĩ giai.

Phong sương sơ đáo tình vô hạn

Cảnh sắc xuân quang phụng hỉ hài.

(khuyết danh)



Vịnh Cao-Lãnh

Cõi Việt trời Nam tiếng sấm vang,

Nước sông Cao-Lãnh trở màu vàng,

Đất vung ngòi viết dòng to nhỏ,

Cồn nổi lòng nghiên cái dọc ngang;

Việt-thạch hiện-thường ngôi chủ-tể,

Bửu-tinh chớp nhoáng cửa văn-chương;

Mỹ-Trà trông thấy Văn-khôi vượng,

Ngựa tía cương buông đã chật đàng.

(Ng. M. T., Sađéc nhơn-vật chí, 1926)

 

Vài đặc điểm của Cao Lãnh:

   *  “Thuốc rê Cao Lãnh thơm nồng,

Con gái Cao Lãnh má hồng thấy mê”.

      ( Ca dao )

  •   * * Gà nòi thuốc lá Cao Lãnh:

    “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,

Thuốc nào bảnh bằng thuốc Hoà An”.

       (Ca dao)

-          Gà nòi Cao Lãnh: ngày xưa, gà Cao Lãnh rất nổi tiếng vì gà có cựa dài, gân rắn chắc,đá nước nạp. Gà Cao Lãnh đã từng đá độ với gà Bà Điểm, thuộc Quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (trước 1975).Gà Bà Điểm có cựa cụt nhưng đòn đá rất nguy hiểm, nổi tiếng ở miền Đông. Có nhiều độ đá ăn thua, gà Cao Lãnh ở Đồng Tháp Mười đã thắng gà Bà Điểm ở miền Đông.

Gà nòi Cao Lãnh nỗi tiếng đến nổi nhiều người dân Cao Lãnh được các nơi khác ví như là “gà Cao Lãnh”, tức là dân Cao Lãnh thì ngon lành , bảnh lắm, cái gì cũng muốn làm trước thiên hạ, không muốn thua ai.

- Thuốc lá: Cao Lãnh là vùng trồng rất nhiều thuốc lá, thuốc thơm với hưong vị đặc biệt. Vào những năm 1940,41,42, thuốc lá  Cao Lãnh đã được bán cho các hảng thuốc lá lớn ở Saigon, Cholon như Bastos, Mic, Mitac, Cofat v..v...

 

  • *  *  *

Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, Cao Lãnh là một vị trí chiến lược cho cả hai phía: Pháp và Việt Minh; bởi vì Cao Lãnh ở gần biên giới Cao Miên, và Đồng Tháp Mười là nơi rừng rậm hiểm trở nên Việt Minh lấy đó làm chiến khu. Theo hiệp định Genève 20 tháng 7 năm 1954, Việt Nam bị phân chia làm hai miền Nam và Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, Cao Lãnh là một trong các điểm Việt Minh tập trung quân để đi tập kết ra Bắc trong vòng 300 ngày.

Quân đội Hoa Kỳ đã đặt căn cứ quân sự ở Cao Lãnh, ngày nay trên internet chúng ta có thể đọc nhiều bài các cựu quân nhân Hoa Kỳ đã từng phục vụ tại Cao Lãnh. Các cựu chiến binh này có người viết bài kỷ niệm, hồi bút hoặc tùy bút về vùng Cao Lãnh.

 

 

  1. II.               Di Tích Tháp Mười và nền Văn Hóa Óc Eo

 

Cao Lãnh nằm trên khu vực sông Cửu Long. Theo các lý thuyết của các nhà địa lý học thì vào khoảng vài ngàn năm trước, mực nước Biển Đông đã lên đến mức tối đa, nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long - Ở hai bên nhánh Sông Tiền và Sông Hậu – đã từng bị ngập nước. Rồi dần dần mực nước biển rút xuống và phù sa sông Cửu Long (hai nhánh Tiền và Hậu giang) đã bồi dần dần thành đồng bằng bao la như ngày nay. Và từ nay cho đến vài trăm năm tới thì mực nước Biển Đông có thể tăng thêm vài thước nữa, do đó hiện nay thường có nhiều nạn lục ở châu thổ sông Cửu Long. Rồi khoảng vài ngàn năm nữa thì mực nước Biển Đông sẽ rút xuống rất nhiều, Vịnh Thái Lan có thể trở thành khô cạn, đồng bằng sông Cửu Long sẽ mở rộng ra.

Đồng bằng Sông Tiền và Sông Hậu gồm có các tỉnh sau đây: An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Ngày xưa, người ta thường đã thấy những di tích của các tàu biển, có thể đã bị chìm, như cột buồm, lòi tói, mỏ neo … gần Cao Lãnh còn thấy các gò cát trắng như Gò Bắc Vung, Gò Da, Gò Bắc Chiên, Gò Đồng Tháp, Gò Động Cát; mà xưa kia có lẽ là các cù lao cát ven biển. Cánh đồng bao la quanh Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười là một vùng đất trũng được phù sa sông Cửu Long bồi đắp, nước mặn vẫn còn ứ đọng nhiều nơi, đất đai ngày xưa hãy còn bỏ hoang và rất thích hợp cho cây Tràm, ở đây có nhiều rừng Tràm dày đặc; có nhiều bàu sen, láng bông súng, lung năng, đồng lác. Ngày Xưa rừng rậm ở đây có nhiều thú dữ như rắn, cọp, voi … ngày xưa có nơi voi đi hàng đàn nên gọi là “Láng Tượng” ở gần làng Tân Phú. Người Việt Nam tiền phong đến khai khẩn đất hoang ở Cao Lãnh ngày xưa đã nhận xét về Đồng Tháp Mười:

“Muổi kêu như sáo thổi,

Đỉa lội tựa bánh canh.

Cỏ mục thành tinh,

Rắn đồng biết gáy.” ( ca dao )

 

 

Cụ Trần Quang Hạo (1899-1981) suốt đời sống tại đất Cao Lãnh, là một nhân sĩ có nhiều uy tín ở nơi đây đã chép:

Hồi năm 1931, ông Đốc Phủ Trần Văn Mẫng, chủ quận Cao Lãnh, sau khi đi kinh lý ở vùng đầm lầy này đã làm phúc trình nói về một ngôi tháp mà ông thấy ở cánh đồng này lên cấp trên của ông. Cho nên qua năm 1932, ông Parmentier, nhà khảo cổ trứ danh của trường Bác Cổ Viễn Đông ở Hà Nội đến viếng di tích này, phái đoàn này đi bằng xuồng, bằng lỉa trâu vì chưa có đường giao thông. Chính nhà bác học này xem chữ Phạn khắc trên mấy bia đá nứt nẻ vì phong sương, tuế nguyệt và tan tác ngổn ngang, đã cho biết rằng đây là cái “Tháp Thứ Mười” trong số mười cái tháp của vua chúa Thủy Chân Lạp hồi xưa. Vì thế thiên hạ đã gọi cánh đồng mênh mông có cái tháp thứ mười ấy là “Đồng Tháp Mười”.

 

Tháp Mười” làm toàn bằng những tảng đá xanh ở trên một gò cát tại làng Mỹ Thọ thuộc quận Cao Lãnh vào lúc bấy giờ. Chung quanh gò cát là một cánh đồng bao la cây cối um tùm, lau sậy chằn chịt. Muốn vào Tháp Mười thì chỉ có thể đi bằng con sông Cần Lố (tiếng Miên gọi là Nước Lộn), con sông này chảy quanh co giữa hai bờ lau sậy.

Ở phía trước Tháp Mười có một tượng đá sư tử và một trụ cự thạch (trụ đá lớn) gọi là Linga (dương vật) ở trạng thái đầy sinh lực tượng trưng cho sự sinh thành, sinh tồn tức là sự truyền giống. Trong tôn giáo ở Ấn Độ, thần Siva-Bhadresvara được tượng trưng bằng Linga.

Cao-lanh-que-huong-toi-009

 

Một số di tích cổ cũng được tìm thấy ở đây như tượng Phật, các tượng thờ khác bằng đá, bằng đồng đều được đem về Viện Bảo Tàng Sài Gòn, Viện Bảo Tàng Sài Gòn được xây cất từ năm 1927 và hoàn thành năm 1929, lúc ấy có tên Viện Bảo Tàng Blanchard de la Brosse, đó là tên của Thống Đốc Nam Kỳ vào lúc đó. Năm 1954 có tên mới là Bảo Tàng Viện Quốc Gia có trên 5000 cổ vật thuộc các nền văn hóa của các nước Đông Nam Á.

Hồi năm 1964, giáo sư Nghiêm Thẩm (đã qua đời ở Sài Gòn sau năm 1975) đã hướng dẫn các sinh viên môn nhân chủng học đến thăm viện khảo cổ Sài Gòn nói trên, ở trong khuôn viên Sở Thú/ Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Tôi cũng đã thấy Linga và còn cả Yoni (âm vật) là một trụ đá lớn mà phần trên có hình như một cái chậu không sâu lắm. Linga và Yoni hợp lại để chỉ cho sự sinh thành của vũ trụ. G.S. còn giải thích trên đầu cột trụ đá “Linga” được bóng láng là vì các phụ nữ, theo tôn giáo thờ các hình tượng này, tin rằng khi muốn cầu tự thì có thể lấy bàn tay xoa lên đầu Linga và khấn vái cho được có con.

Ở Nhật Bổn, có vài nơi thờ Linga và Yoni được tạc bằng gỗ. Cứ mỗi năm trước khi làm mùa, người ta thường làm lễ hội để cho Linga và Yoni đụng chạm với nhau với một niềm tin là các vị thần này sẽ giúp cho được mùa.

 

Nhà khảo cổ Pháp Parmentier đã căn cứ vào minh văn ở một tấm bia nơi tháp cổ này mà xác định rằng ngôi tháp cổ này được vua Javavarman VII (1181-1281) cho xây dựng nên.

Tháp Mười cách chợ Cao Lãnh khoảng 9 km.

Ngoài ra chúng ta thấy còn 2 truyền thuyết nữa đã giải thích về nguồn gốc của “ngôi tháp cổ lịch sử” này như sau:

1. Tháp Mười là cây tháp có 10 tầng của Thiên Hộ Dương đã xây cho nghĩa quân làm trạm canh gác. Thuyết này không đứng vững, vì cách kiến trúc của ngọn tháp cùng với những di tích để lại chứng tỏ Tháp Mười thuộc nền văn hóa Óc Eo đã có từ thế kỷ I đến thế kỷ VI. Có thể Thiên Hộ Dương đã sử dụng cây tháp có sẵn để làm vọng gác.

2. Tháp Mười là ngôi mộ tháp của vị vua thứ mười của vương quốc Phù Nam. Thuyết này không có gì chứng minh một cách rõ ràng, như đã nói trên, nhà khảo cổ Parmentier đã xác định là vua Javavarman VII (1181-1281) cho xây ngôi tháp cổ này.

“Tháp Mười nước mặn đồng chua,

Phù sa muôn dậm của vua chùa vàng”

(Ca dao)

Đồng Tháp Mười nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Cửu Long thuộc về vương quốc Phù Nam vào thời xa xưa. Phù Nam (Fu Nan) là tiếng phiên âm trong sử liệu cổ của Trung Hoa như Tấn Thư, Lương Thư từ hai chữ Phạn “Biu Nam” để chỉ một vương quốc có trước vương quốc Khmer. Theo truyền thuyết, vương quốc Phù Nam được thành lập do sự phối hợp của hai dòng họ Somac (Mặt trăng) và Kaundynia (người thuộc đẳng cấp giáo sĩ Bà La Môn) vào đầu thế kỷ I. Đế đô của đất Phù Nam là Vyadhapura (tiếng Phạn có nghĩa là đô thị của các nhà săn bắn) nằm gần đồi núi “Ba Phnom” (Phnom có nghĩa là núi) và ở gần xã “Ba Nam” ở trong tỉnh Prey Veng thuộc Cao Miên (Campuchia) ngày nay. Hồi ấy, Phù Nam nằm trên đồng bằng sông Cửu Long bao gồm nhiều lưu vực của các con sông như Sông Tiền, Sông Hậu, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

 

Qua thế kỷ II cho đến thế kỷ VI, vương quốc Phù Nam đã phát triển thế lực sau một thời gian củng cố xây dựng nên một triều đại lớn. Triều đại Phạm Sư Man (Sri Mara, tiếng Phạn) trị vì khoảng 225-230 Tây lịch là thời kỳ hưng thịnh của xứ Phù Nam, trước sức hung mạnh đang lên, nhà vua cho đóng nhiều chiến thuyền để vượt biển đánh chiếm thêm các nước ở ngoài hải đảo để mở mang bờ cõi. Vương quốc Phù Nam đã thống trị cả vùng đất bao la trải dài từ đồng bằng sông Cửu Long đến sông Ménam (Thái Lan) và xuống đến tận các hải đảo Indonesia, Mã Lai.

Từ giữa thế kỷ III đến giữa thế kỷ VI, Phù Nam đã liên hệ ngoại giao với Trung Hoa và Ấn Độ.

Phù Nam đã là một cường quốc đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Đông Nam Á, cũng như đế quốc La Mã trong lịch sử Âu Châu. Uy thế của cả hai xứ này còn tồn tại khá lâu sau khi bị sụp đổ.

Năm 1944, nhà khảo cổ người Pháp là Louis Mallaret, thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ, đã đào được nhiều cổ vật ở Óc Eo. Óc Eo là nơi thuộc xã Mỹ Lâm, tỉnh Long Xuyên bây giờ; ở gần núi Ba Thê (Ba Phnom) ở Châu Đốc. Óc Eo là hải cảng của Vyadhapura, theo sách cổ Trung Hoa thì đế đô Vyadhapura cách bờ biển 120 hải lý. Tại Óc Eo thấy có nền một thành cổ dài 1500 thước, có nhiều đồ trang sức với nhiều loại khác nhau: đất nung, thủy tinh, đá quý, kim cương, chì thiếc, bạc vàng…còn có bùa đeo, con dấu và đồng tiền nhiều loại, có cả đồng tiền La Mã nữa. Đặc biệt có nhiều đồng tiền cắt đôi, cắt tư, cắt tám làm tiền lẻ … Tôi nhớ lại hồi khoảng 1953, 1954 ở Việt Nam người ta xé 1 đồng bạc giấy “Bảo Đại” ra làm 2 phần bằng nhau theo chiều dọc để làm tiền lẻ, mỗi bên 5 cắc (50 xu). Tại Óc Eo, nhà khảo cổ còn tìm thấy các khuê bài bằng vàng của hoàng đế La Mã, Antonius Pius, năm 152 T.L. và các ấn chiếu ghi chữ Phạn thời này.

Óc Eo là trung tâm thương mãi của nhiều người ngoại quốc ở trên xứ Phù Nam kể từ thế kỷ I. Xứ Phù Nam ở trên con đường thủy giao thông giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Các sử liệu cua Trung Hoa đã chép rằng xứ Phù Nam có nhiều sông rạch lớn, đã giúp người Trung Hoa có thể chạy thuyền buồm đi xuyên qua Phù Nam để đến hải đảo Mã Lai.

Theo truyền thuyết, có một cơn bão lụt dữ dội (tsunami) đã tàn phá hải cảng Óc Eo và kinh đô Vyadhapura của vương quốc Phù Nam thành bình địa. Các nhà khảo cổ và nhà sử học chưa xác định được năm nào.

Các nhà khảo cổ đã giải thích và xây dựng lại đời sống kinh tế, phong tục, tập quán cũng như đời sống tinh thần, tín ngưỡng của cư dân ở đây. Căn cứ trên các cổ vật, di tích tìm được tại Óc Eo, Các nhà khảo cổ gọi nền văn hóa có đặc tính như ở Óc Eo là văn hóa Óc Eo. Văn hóa Óc Eo đã trải khắp trên vương quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VI. Riêng ở Việt Nam, nền văn minh này được trải rộng từ cao nguyên Lâm Đồng cho đến vùng rừng rậm U Minh ở Rạch Giá Cà Mau.

Gần đây, một số cổ vật được khai quật có những đặc tính được xếp vào nền minh Óc Eo, các di chỉ này được khai quật ở: Nền Chùa (1982-1983), nhiều di chỉ mới khai quật thêm ở Óc Eo vào năm 1983, 1984,1993, Gò Tháp (1984,1993), Đá Nổi (1985), Cây Gáo (1986-1987), Gò Rộc Chanh (1986); Đồng Bơ (1986 -1987), Lưu Cừ (1986-1987), Bình Tả, thuộc quận Đức Hòa tỉnh Hậu Nghĩa (1987-1989), Gò Thành (1988).

Các nhà khảo cổ học phương tây chia ra 6 thời kỳ để nghiên cứu về khảo cổ học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như sau:

1. Thời kỳ tiền sử và sơ sử: từ nguyên thủy cho đến đầu Tây Lịch;

2. Thời kỳ Óc Eo: đầu Tây Lịch đến thế kỷ VI-VII (tương ứng với vương quốc Phù Nam);

3. Thời kỳ tiền Angkor: thế kỷ VI-VII cuối thế kỷ VIII;

4. Thời kỳ chuyển tiếp: đầu thế kỷ IX cuối thế kỷ IX (thời kỳ tiền Angkor và thời kỳ chuyển tiếp tương ứng với thời kỳ hậu Óc Eo, thời hậu Óc Eo tương ứng với thời kỳ Thủy Chân Lạp);

5. Thời kỳ Angkor: cuối thế kỷ IV giữa thế kỷ XV;

6. Thời kỳ hậu Angkor: giữa thế kỷ XV trở về sau.

 

Về phương diện tín ngưỡng, các di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo, chứng tỏ rằng Ấn Độ giáo và Phật giáo đã được phổ biến và lưu hành trong dân gian ở xứ Phù Nam. Hai tôn giáo này được du nhập vào đồng bằng sông Cửu Long vào thế kỷ thứ I của Tây Lịch.

 

* Về Ấn Độ giáo, người ta tìm thấy Linga bằng đá, biểu tượng của Siva-Bhadresvara, Yoni bằng đá hoa cương, tượng thần Visnu to bằng người thật. Lại còn có bùa đeo làm bằng đá quý, thủy tinh, hợp kim bằng thiếc có hình bò bứu, đinh ba (biểu tượng của Siva) hình con ốc (biểu tượng của Visnu); người đeo bùa tin tưởng rằng sức mạnh của các vị thần có thể che chở hay bảo vệ cho họ. Ta nhận thấy từ xa xưa, con người đã có niềm tin vào ma thuật, tức là tin tưởng rằng các bùa đeo có thể có ma lực tác động một cách có hiệu quả và trực tiếp vào ngoại cảnh. Các nhà khảo cổ còn thấy tượng hình người đàn bà khỏa thân ngồi trong một tư thế rất thoải mái, thường thường là một người đàn bà có bầu.

Người Phù Nam xưa tin tưởng rằng người đàn bà đang mang thai tượng trưng cho một năng lực giúp cho sự sinh sôi nảy nở, đem lại sự phồn thịnh cho việc làm ăn buôn bán và mang lại sự phì nhiêu cho đất đai để có thể gặt hái được vụ mùa tốt.

 

Trong quyển “Sử Liệu Phù Nam”, Lê Hương đã dịch một bản văn viết bằng Phạn ngữ tìm thấy trong di tích Gò Tháp (ở Đồng Tháp Mười). Bản văn này đã được chép lại những nghi thức thờ thần Visnu nhân dịp thái tử Gunavarman được sắc phong để trị vì ở vùng Đồng Tháp Mười hồi thế kỷ thứ VI:

Nhà vua đã cưới một người đàn bà đẹp có một dáng đi …và một thắt lưng xinh xắn, sinh đứa con trai tên Gunavarman, tâm hồn cao thượng và trí thông minh … Do nhà vua gặp vận may có dáng đi hùng dung của vị thần Vikramin và chính là “Mặt Trăng” của dòng dõi tiền vương Kaundinya, vị thái tử này dù còn nhỏ tuổi đã được chỉ định lãnh đạo một địa phương sùng đạo chinh phục trên bùn lầy, nhờ ngài là người có đạo đức và phẩm hạnh.

Do thái tử Gunavarman … của bà mẹ ngài, đã đặt trên mặt đất một dấu chân của thần Bhagavat, dấu chân mà cách trình bày với sắc thái không thể so sánh được do ngài xây dựng, (ngài) không còn muốn hình ảnh nào khác trên đời nữa.

Ngày thứ tám, dấu chân này cúng dâng chư thần do các tu sĩ Bà La Môn, thông hiểu kinh Veda, kinh Upavada va kinh Vedanga, giống như những người bất tử, đã nhận những huấn điều trong kinh điển Cruti, tuyên bố danh xưng trên mặt đất là Crakratirthasvamin.

Mong rằng người sùng đạo đối với vị thần ngự tại địa điểm đã kính dâng lên thần Sri Cakratirtha, điều thiện … của thái tử Gunavarman đạo đức, hiếu thuận và nhân từ hoặc người nào chỉ đi vào (đến), sẽ đến nơi an nghĩ tối cao của thần Visnu với tâm hồn hoan hỉ, giải thoát được nghiệp chướng xấu xa của minh.

Người nào được Gunavarman là vị thái tử rất chuộng sự công bằng ký thác cho thần Bhagavat phải tuân theo lệnh ngài, tùy theo sự sắp xếp của tất cả tu sĩ Bhagavatas, những kẻ khốn khổ không được bảo vệ và những kẻ làm việc tại nơi đây, chiếu theo luật định, kẻ nào làm trái ngược quy tắc sẽ sa xuống địa ngục của diêm vương Yama cùng với những kẻ mang nặng trọng tội.

Mong rằng người có tâm hồn cao thượng sẽ làm khởi sắc những điều tốt đẹp của thần Bhagavat … được đến nơi nghỉ tối cao của thần Visnu và đạt được một thanh danh to tát, vui hưởng niềm hạnh phúc vô biên.”

Cũng trong quyển “Sử Liệu Phù Nam” này, Lê Hương còn dịch bản minh văn “Neak Ta Dambang Dek (Takeo) chép về việc lập tu viện thờ thần Visnu do hoàng hậu Kulaprabhavati, chánh cung của vua Kaundinya-Jayavarman vào thế kỷ V:

Cho người nặng lòng suy tưởng an giấc ngàn thu nơi lăng tẩm này là vùng biển sữa, nằm trên giường đầy những rắn Sesa uống cong mình; chúc người yên nghỉ nơi đây gồm ba thế giới trong lòng minh, người nằm đây có một đóa hoa sen mọc từ cuốn rún*(“người nằm đây có một  đoá sen mọc từ cuốn” là thần Visnu ), bảo vệ hoàng hậu, chánh cung của quốc vương Sri Jayavarman.

…nơi cư ngụ của tín đồ Bà La Môn giáo tại thành Kurumba … đã dựng một tượng thần trang sức bằng vàng …với tâm tư trìu nặng vì những kết quả không tốt của việc làm … dù có điều vui vẻ nhưng thiếu niềm hạnh phúc.

Nổi danh trên hoàn vũ như hoàng hậu,như chánh cung Saci của quốc vương Sakra, Svaha, của thần lửa, Rudrami, của Hara và Sri của Sripati, rất muốn được kết duyên với quốc vương Sri … đã nhiều phen nhận xét sự bất nhất của nhà vua trên thế giới …

Rất thân mật với quốc vương Sri Jayavarman … đã nhận như là người bạn của bà và hưởng nhiều hạnh phúc … đã ý thức rằng việc thụ hưởng nhiều lạc thú chóng tàn như bọt nước … (bà xây cất) một tu viện có hồ nước có một tư thất…”

 

 

Tại chùa Bửu Sơn, ở thị xã Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay, có thờ một tượng thần Visnu bốn tay bằng đá, ở trong một tư thế ngồi, lưng dựa vào một phiến đá hình vòng cung đỉnh nhọn có khắc 9 dòng chữ Chiêm Thành cổ, các nhà khảo cổ dự đoán tượng này được tạc khoảng thế kỷ thứ XIII.

Cao-lanh-que-huong-toi-010

Tượng thần Visnu cao 1 thước 9, ngồi trên bệ đá dày 0 thước 39. Thần Visnu ngồi xếp bằng, hai tay trước đặt lên đùi, mỗi tay cầm một cây gậy ngắn. Hai tay sau đưa lên cao, tay phải cầm một bánh xe nhỏ, tay trái cầm con ốc. Thần Visnu mang nhiều đồ trang sức: mão gồm một vương miện và một chóp tròn nhọn trên đỉnh đầu, hoa tai lớn rũ xuống vai. Vòng đeo cổ lớn, rộng đến nửa vai và che phần trên ngực, gồm hai hạt chuỗi dài treo thõng xuống. Một dây quàng chạy từ vai trái xuống bụng, vòng qua hông phải, luồng dưới mép trên ở cổ tay; hai tay sau có đeo vòng trạm trổ ở cổ tay.

 

* * Về Phật giáo, song song với sự phát triển của Ấn Độ Giáo, Phật Giáo cũng phát triển vượt bực nhờ sự truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ dưới thời vua Asoka (A-Dục Vương). Nhiều tượng Phật bằng gỗ, đá và đồng đã tìm thấy ở nhiều nơi, các di tích này thuộc thời đại văn hóa Óc Eo như ở Kiên Giang (Rạch Giá), Đồng Tháp Mười, Hậu Giang, Vũng Tàu … Nhiều bia đá ở Chiêm Thành (Chân Lạp, Lâm Ấp) khắc bằng chữ Phạn giảng về Phật Pháp cũng đã được tìm thấy. Các nhà khảo cổ tây phương đã tìm thấy ở Mã Lai 2 tấm ngói lợp nhà trong một khu đã hoang phế có khắc chữ Phạn, có lẽ trước đây là một căn phòng của một vị thiền sư, một trong hai tấm ngói ấy có ghi lời giảng của kinh Phật về thuyết nhân quả, được dịch như sau:

Nhân quả là căn nguyên của sự luân hồi, khi người ta sáng suốt thì luật nhân quả không tái sinh nữa, và nếu dứt được nhân quả thì không còn tái sinh nữa (luân hồi).”

( Hall, D.G.E.: Đông Nam Á sử lược, Nguyễn Phúc Tấn dịch, NXB Khai Trí, Sài Gòn 1968.)

G.S. Mai Thọ Truyền, trong bài giảng “Lịch sử Phật Giáo Đông Nam Á”,khóa mùa xuân 1965, tại Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn đã giảng rằng vào đầu thế kỷ VI, hai nhà sư Phù Nam là Sanghapala (Tăng Già Bà La) và Mandra (Mạn Đà La) đã qua Trung Hoa và dịch kinh Phật cho triều đình nhà Lương. Mandra đến kinh đô Trung Hoa vào năm 503; kể từ năm 506 ngài cùng với Sanghapala cộng tác trong việc dịch thuật kinh điển nhà Phật. Năm 546, triều đình nhà Lương đã yêu cầu vua Phù Nam gởi cao tăng đến Trung Hoa, vua Phù Nam đã phái đại sư Paramartha qua thuyết giảng Phật Pháp ở Trung Hoa.

 

Trước đó, vào năm 484, đặc sứ của xứ Phù Nam là đại sư Sakya Nagasena (Sa-Kỳ-Na-Già-Tiên) tại triều đình nhà Nam Tề, đã dâng lên hoàng đế Vĩnh Minh một tờ biểu có một đoạn dài nói về Phật, Bồ Tát, và những khái niệm về Ba-la-Mật (Paramita), kiếp, nghiệp, luân hồi, tam bảo …

Tư tưởng Phật Giáo cũng đã được biên soạn để truyền bá, nhiều minh văn được thấy đã ghi lại tư tưởng Phật Giáo bằng chữ Phạn. Lê Hương, trong quyển “ Sử Liệu Phù Nam” đã dịch bia Võ Canh (ở Khánh Hòa) do vị vua kế nghiệp của Sri Mara lập ra vào khoảng cuối thế kỷ thứ III, có đoạn ghi:

“…lòng trắc ẩn đối với muôn loài …

Người thuộc giòng vua Sri Mara, người được danh dự cùng huyết thống với (vua)Sri Mara đã tuyên bố giữa (buổi họp) những kẻ ấy, lời nói đầy hảo ý đối với muông loài. Người là bậc ưu tú nhất của hai “Karin” khi ngự trên ngai vàng. Người xem xét tình trạng bất an của thế gian mà rằng:

“Khi con trẫm và em trẫm cùng người nào khác được thỏa mãn ý muốn chiếm tài sản làm của riêng …những gì (tạo thành) kho tàng của trẫm, bạc, vàng, những vật hay dời đổi và bất động, tất cả món ấy, trẫm cúng hiến cho họ với niềm vui sướng và sự lợi ích (cho muôn loài) …”

Tư tưởng thương xót muôn loài thể hiện triết lý đại từ đại bi của Phật Giáo và quan niệm về lẽ vô thường của cuộc đời là nền tảng căn bản của triết lý đạo Phật. Sự hy sinh của cải vật chất để giúp đỡ, bố thí cho người nghèo khổ là thể hiện lòng từ bi của nhà Phật. Qua đoạn minh văn trên chứng tỏ vị hoàng đế của xứ Phù Nam lúc ấy đã thấm thuần tư tưởng Phật Giáo.

Cũng trong quyển “Sử Liệu Phù Nam” Lê Hương đã dịch bia Ta Prohm ở Bati như sau:

Vinh diệu thay cho kẻ chiến thắng được kẻ thù là tất cả sự đam mê với những dấu vết của chúng (mầm móng, nghia34la2 sự đam mê trong trạng thái ngủ say). Vinh diệu thay cho những kẻ đạt được trạng thái hoàn toàn trong mọi việc mà lý trí không nhận chân những chướng ngại, hiểu được kinh Jina với lòng từ bi và hướng vào hạnh phúc của người khác, mà điểm vinh quang vĩ đại và không tì vết truyền bá trong khắp lãnh vực của không gian.

Sau khi cứu vớt được thế giới đắm chìm trong lòng đại dương của ba điều kiện tạo dựng (ưa nhục dục, nhục thể, vô hình) và đạt tới Niết Bàn là vùng đất cao nhất không thể thấy được, không thể so sánh được… đấng Tôn Sư ấy mà những thành tích nhắm vào sự tạo hạnh phúc cho muôn loài, hiện nay vẫn còn ban bố hạnh phúc cho kẻ khác.

Tất cả việc thiện của nhà vua rất mực trung thành với Phật pháp (dharma) … mục đích thực hiện những ý định tốt của ngài đối với thế gian và không phải (để thực hiện) những việc làm của tên Ksatrija trái ngược với ý ngài.

Đức Thích Ca, đức Dharma, đức Sangha, mỗi vị với tất cả đức tốt, ưu tú … người thực hiên mọi hành vi của một Upasaka, không bị sa ngã…”

Si mê là một mầm móng của tam độc: Tham, Sân, Si. Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng, Niết Bàn, điều thiện và cách hành trì để khỏi sa ngã đều được giảng dạy. Các điều này đã chứng tỏ các nhà sư Phù Nam đã có một kiến thức về tư tưởng Phật Giáo thật là uyên thâm để đi thuyết pháp và hoằng dương chánh pháp của nhà Phật.

Qua các sử liệu nêu trên chúng ta có thể kết luận rằng Phật Giáo đã được truyền bá qua Trung Hoa, xuyên qua ngã Phù Nam, vào cuối thế kỷ VI. Như vậy Phật Giáo đã được thuyết giảng ở Trung Hoa, triết lý Phật Giáo đã hấp dẫn các đại sư Huyền Trang (629), Nghĩa Tịnh (671) và đã là trợ duyên cho các ngài trong việc quyết định đi qua Ấn Độ để nghiên cứu Phật Pháp và thỉnh các kinh điển nhà Phật.

Người ta đã tìm thấy một pho tượng Phật bằng đá lớn và nhiều tượng nhỏ ở núi lớn gần Gành Rái có đặc tính của thời hậu Óc Eo. Tượng Phật này đang được thờ phượng ở trong một ngôi chùa ở xã Thắng Tam thuộc thị xã Vũng Tàu.

Cao-lanh-que-huong-toi-011

Tượng Phật bằng sa thạch cao 1 mét, bệ đá cao 0.18 mét. Đức Phật ở trong tư thế ngồi thiền, chân xếp bằng theo lối hoa sen, hai tay nối trước bụng, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái, cả hai bàn tay đều tựa trên chân phải. Gương mặt đức Phật theo dóc dáng Ấn Độ, miệng mỉm cười một cách nhân từ, tóc xoăn, khoác áo cà sa bó người để lộ vai phải.

Trong bài này chúng tôi đã không trình bày chi tiết về đời sống kinh tế, phong tục, tập quán … của các cư dân của vương quốc Phù Nam vào thời đại Óc Eo. Chúng tôi chỉ trình bày một số nét chính về Ấn Độ Giáo và Phật Giáo mà thôi.

Các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là thiên đàng của các nhà khảo cổ, vì nơi đây có nhiều cổ vật, nhiều di tích đã, đang và sẽ được khai quật nên các nhà khảo cổ có cơ hội để khám phá và thực hiện khả năng của mình trong việc giải thích và phác họa đời sống tinh thần và vật chất của các cư dân sống vào một thời kỳ xa xưa trong lịch sử Đông Nam Á.

 

Viết lần thứ nhất tại Toronto, ngày 26 tháng 12 năm 2004.

Bản có sửa chửa và bổ túc thêm, tháng 12 năm 2013.

Nguyễn Vĩnh Thượng

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo chính yếu:

 

Bùi Văn Liêm: Vài nét về Đồng Tháp Mười, Đặc san Tiền Giang – Hậu Giang số 7, California, 2003, tr.314-316

Đại Nam Nhất Thống Chí: Lục tỉnh Nam Việt, tập hạ, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, Nhà Văn Hóa Giáo Dục, Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 1959

Huỳnh Minh: Sa Đéc xưa, Sài Gòn, 1970

Hall, D.G.E.: Đông Nam Á sử lược, Nguyễn Phúc Tấn dịch, Khai Trí, Sài Gòn, 1968

Lê Hương: Những người Việt tiên phong trên bước đường Nam tiến tại Cao Lãnh, Sài Gòn, 1970

Châu Lạc Quan: Chân Lạp phong thổ ký, dịch giả Lê Hương, Kỷ nguyên mới, Sài Gòn, 1973

Lê Hương: Người Việt gốc Miên, do Đại Nam in lại, Califonia, 1980

Lê Hương: Angkor, Đế Thiên, Đế Thích, do Đại Nam in lại, Califonia, 1980

Lê Hương: Chợ trời biên giới Việt Nam – Cao Miên (Giải thưởng phóng sự năm 1969) in lại ở Mỹ

Mạng Internet của các tác giả Việt Nam và các cựu quân nhân Mỹ đã từng phục vụ tại các căn cứ Cao Lãnh

Mai Thọ Truyền: bài giảng “Lịch Sử Phật Giáo Đông Nam Á”, Viện cao đẳng Phật Học Sài Gòn, khóa mùa xuân 1965, in Ronéo.

Nguyễn Thanh Liêm: Những biến đổi trong văn hóa Việt Nam”, Califonia: tập san nghiên cứu văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, số 1, 2004, tr. 9-20

Nguyễn Văn Xuân: Khi những người lưu dân trở lại, Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1967

Phan Khoang: Việt sử: xứ đàng trong, Khai Trí, Sài Gòn, 1967

Sơn Nam: Tìm hiểu đất Hậu Giang, Phù Sa, Sài Gòn, 1959

Sơn Nam: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Xuân Thu in lại, Califonia, 1979

Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Tân Việt, Sài Gòn, 1958

Trịnh Hoài Đức: Gia Định Thành thống chí, Nguyễn Tạo dịch, Bộ Văn Hóa Giáo Dục, Sài Gòn, 1972

Trần Quang Hạo: Cao Lãnh Đến 1954, Cao Lãnh, tháng 4 năm 1963

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
05/04/201807:15
Khách
Xin cảm ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2013(Xem: 7154)
Nhà sư trẻ nựng nịu hôn lên má “con” trước bao cặp mắt gièm pha. Có người xỉ vả “sư hổ mang” tằng tịu trai gái mà còn trơ mặt đem con về chùa. Nhiều người đã muốn đuổi sư ra khỏi chùa. Nhưng sư vẫn lặng lẽ chịu khổ nhục cưu mang “con”... Đó là một câu chuyện có thật chứ không phải sự tích “Quan Âm Thị Kính”.
28/05/2013(Xem: 8409)
Giới Phật tử và những người quan tâm đến Phật học ở miền Nam trước 1975, nhất là giới sinh viên Đại học Vạn Hạnh và Văn Khoa Huế, Sài gòn, chắc ai cũng quen thuộc với tên tuổi nầy qua tác phẩm Buddhism–Its Essence and Development; được chuyển ngữ sang tiếng Việt do Chân Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, một gương mặt nổi bật của khung trời Vạn Hạnh hồi đó, với nhan đề Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật.
26/05/2013(Xem: 7783)
ự gia hộ ở đây, theo người viết, mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, khi ta tu tập theo lời Phật dạy có an lạc, thì sự an lạc này có thể nói là sự gia hộ hay sự cứu độ của Đức Phật. Thứ hai, khi ta nhận được niềm tin và cảm xúc thánh thiện từ hành động và nhân cách cao thượng của Đức Phật rồi hành động tốt đẹp trong cuộc đời, thì khi đó ta có thể nói rằng Đức Phật đã gia hộ cho ta.
26/05/2013(Xem: 11406)
Càng ngày nhu cầu học Phật của Phật tử đủ mọi lứa tuổi càng lớn, ngôi Chùa ở Billstedt trở thành quá nhỏ. Có những buổi lễ lớn Phật tử phải quỳ lạy cả ở từ sân Chùa nên đến năm 2006 Sư Bà và Ni Chúng Chùa cũng như chư Phật Tử quyết định mua hảng sửa chữa tàu tại Billbrook Hamburg để sửa thành Chùa. Một cơ duyên lành khác cho Phật tử Hamburg là sau khi hoàn tất xong thủ tục hành chánh mua xưởng sửa tàu là bắt đầu Khóa Giáo Lý Âu Châu tại Đức từ 27.07 đến 05.08. Nhân dịp này Chư Tôn Đức từ các Châu Úc, Á, Mỹ, Âu gồm có Chư Hòa Thượng Minh Tâm, Bảo Lạc, Tánh Thiệt, Trí Minh, Như Điển v.v..., chư Thượng Tọa Hạnh Tuấn, Nguyên Tạng ..., quý Sư Bà Như Tuấn, Ni Sư Diệu Phước v.v... và một số Chư Tôn Đức Tăng Ni khác đã bỏ thì gìờ rất hạn hẹp trong khuôn khổ Khóa Giáo Lý đến thăm và nhiếp tâm hiệp lục cầu nguyện cho công trình xây dựng ngôi Chùa Bảo Quang được thành tựu.
25/05/2013(Xem: 10612)
Thật chẳng có gì mỉa mai hơn khi giới thiệu một vị thầy đã thấy rõ cái giả tướng, hư vọng của đời sống và truyền trao cho đời những giáo pháp từ đơn giản, dễ hiểu, lên đến những thâm sâu, uyên áo bằng những lời chỉ dạy có giải đáp rõ ràng, mà lại được giới thiệu, bắt đầu bằng một câu chuyện thần thoại, hoang đường, có đầu mà không có kết: Một hài nhi vừa mới ra đời đã vươn dạy, đi đứng quen thuộc, tuyên bố lời dị thường, rồi sau đó không lẽ lại rùng mình ngã trở lại vào vòng tay nâng đỡ của thường nhân? hay là gì khác (chẳng thấy kể ra)? hay chỉ tan vào hư ảo như lúc nó xuất hiện?
24/05/2013(Xem: 6204)
Tất cả chúng ta vì bị vô minh che lấp nên khi có mặt trên thế gian đều không có nhận thức sáng suốt, do đó ta chỉ lo thụ hưởng sự ăn uống mà nhẫn tâm giết hại các loài vật. Có những việc cần thiết mà chúng ta không lo, chỉ cố tâm lo phần không
22/05/2013(Xem: 7708)
Mục đích Giáo dục ở nơi nào và lúc nào cũng có mục đích làm thăng hoa cuộc sống, và chủ yếu của giáo dục là truyền đạt cho thế hệ kế thừa; Giáo Dục GĐPT cũng không ngoại lệ, qua các trại huấn luyện cũng như qua tu học.
21/05/2013(Xem: 10940)
Câu hỏi của cư sĩ làm chúng tôi phải tra khảo lại các từ điển Phật học và Hán học, hơn thế nữa, chúng tôi còn nhờ Đại đức Thích Minh Nghị hiện đang du học tại Trung Hoa tra khảo giúp nơi các bộ từ điển lớn của Trung Hoa, nhưng cũng không thấy từ nguyên của bốn chữ này. Như chúng ta biết, phần lớn các thuật ngữ Hán Việt đều được người Việt tiếp thu thông qua các cuộc giao lưu văn hoá, tôn giáo Hán - Việt qua nhiều thời đại. Nhưng bốn chữ này, chúng tôi nghĩ là do các nhà sư Việt Nam sáng tạo, không hề chịu ảnh hưởng văn hoá của Phật giáo Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
12/05/2013(Xem: 6335)
Buổi sáng sớm đầu xuân, tôi theo Scott đi thăm chi hội Phật tử tại nhà tù tiểu bang (Prison Sangha). Từ xa lộ cao tốc hiện đại, lấy lối rẽ vào con đường nhỏ xuyên qua cánh rừng thông cao dày, một nhà tù khổng lồ giữa cánh đồng mênh mông trống vắng sừng sững hiện ra.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]