Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dấu Lặng Của Đạo Phật Trong Văn Hóa Nhật Bản

26/01/201616:45(Xem: 8633)
Dấu Lặng Của Đạo Phật Trong Văn Hóa Nhật Bản

Trần Kiêm Đoàn 

 


DẤU LẶNG CỦA ĐẠO PHẬT

TRONG VĂN HÓA NHẬT BẢN

 a-japan_buddhist_01


          Một đời người thường cần đến ba năm đầu của tuổi thơ để học nói. Nhưng chưa hề nghe nói là người ta bỏ ra bao năm để học nghe. Bởi vậy, lịch sử nhân loại đã vinh danh rất nhiều nhà hùng biện, trạng sư, diễn giả, thuyết khách tài ba vì nói hay, nói giỏi mà chẳng có một “nhà nghe” - thính giả hay văn giả chẳng hạn - tài danh nào vì biết nghe giỏi được nhắc đến. Điều này có nghĩa là người ta có thể chỉ cần ba năm để học nói, nhưng bỏ ra cả đời vẫn chưa thể học nghe. Phải chăng vì thế mà khi có người hỏi thiên tài âm nhạc Beethoven về nốt nhạc nào là nốt có âm thanh hay nhất trong âm nhạc, Beethoven đã trả lời: “Dấu lặng!”.

Bát-nhã Tâm kinh là một Dấu Lặng tuyệt vời và tuyệt đối trong khu rừng đại ngàn chân ngôn của Phật giáo. Chân là không còn vọng, là vị thế trung đạo im lìm vô hình vô ảnh của vạn sự. Càng dựa vào hình tướng, màu sắc, âm thanh đời thường chừng nào thì càng gần phàm, xa thánh; gần động, xa tịnh chừng ấy.

Tại sao đạo Phật truyền vào Trung Hoa thành động mà khi vào Nhật Bản thành tịnh hay tĩnh?

Nếu xét về mặt lịch sử tâm lý xã hội thì hiện tượng động và tĩnh là hai mặt không rời nhau của vạn sự. Đó một tiến trình giao hòa của điệu sống tự nhiên và nếp sống tất nhiên.

Đạo Phật đến Trung Hoa khi tư tưởng vô vi trong Đạo Đức kinh của Lão Tử, khuynh hướng phiêu dật trong Nam Hoa kinh của Trang Tử và giềng mối chỉn chu trong Tứ thư, Ngũ kinh của Khổng Tử đang trở thành nếp nghĩ hàng trăm năm của toàn xã hội. Họ phải vận dụng đạo Phật như một phương tiện động để đánh thức mạch sống “vô ký ngủ quên” thuần Trung Quốc đang dật dờ trong cung đường triết lý!

Ngược lại, Phật giáo vào Nhật Bản khi trào lưu tư tưởng của dân tộc hải đảo này đang nóng hổi với niềm tự hào đầy ngã tính của con cháu Thái Dương Thần Nữ. Bên cạnh đó, dòng cuồng lưu năng động của Thần đạo, Võ sĩ đạo và Lãnh chúa đang dâng trào. Nhật Bản đã vận dụng Phật giáo như một dòng suối tươi mát êm đềm làm điều hòa cơn sóng động đang dâng lên trong cả giới bình dân và quý tộc.

Tôi được trang bị một cảm nghĩ như trên khi chuẩn bị đặt chân lên đất Nhật lần thứ hai cách lần đầu 30 năm.

Ngồi chờ chuyến bay lúc nửa đêm từ San Francisco tới Tokyo, tự nhiên tôi nhớ đường bay về Việt Nam. Lần này, nghĩ đến chuyến đi nửa tháng, nhưng sẽ không ghé về Việt Nam như những lần trước, tự nhiên tôi cảm thấy lòng nao nao. Trong nỗi nhớ quê hương, tôi thường nhớ mẹ, nhớ Huế, nhớ những ngôi chùa cổ, rồi mới nhớ một nơi nào đó ở Việt Nam.

Uống ly cà phê “Starbucks 2 shots” nồng đậm như cà phê… chồn giữa một tối mù sương Buôn Mê Thuột, nhìn những dãy ghế hành khách ngái ngủ, tôi muốn giữ mình tỉnh táo nên bước ra hành lang để gọi điện thoại cho bạn bè. Nhớ người bạn thân già hơn tôi một tuổi, nhưng gần lên chức “cố…” vì đã có cháu nội cao ngồng và đang đau nặng ở Huế, tôi bấm số gọi. Anh ta là một “Tôn Tẫn” đối với tôi trong thế giới du lịch với những bình luận rất dí dỏm ngay đối với những nơi mà anh chưa bao giờ đặt chân đến.

Qua điện thoại, anh cho tôi một lời khuyên: “Tinh thần quốc gia cực đoan Nhật mà không có bom nguyên tử của Mỹ trói lại thì giới quân phiệt sẽ biến Nhật thành một đạo quân Mông Cổ tự nướng mình trên lưng ngựa hay phơi thây giữa sa mạc trên đường xâm lăng hai phần ba thế giới.

Nhưng sau khi bại trận rồi mà không có tinh thần Phật giáo thì Nhật đã trở thành một chiến trường du kích đầy máu lệ chứ làm sao tỉnh táo để vươn lên hàng cường quốc kinh tế số một như ngày nay…”.

Trăm nghe không bằng một thấy. Tôi muốn học hỏi bằng quan sát và tìm hiểu thực tế về đôi nét ảnh hưởng của Phật giáo trong nếp sinh hoạt xã hội Nhật, nơi có chùa Vàng đầy huyền thoại, có tượng Phật đồng ở Nara lớn nhất thế giới, có những vị thiền sư làm rạng rỡ cửa thiền và hàng vạn ngôi chùa trải qua nhiều thế kỷ còn tồn tại đến ngày nay.

Ngày đầu đến viếng Kyoto, kinh đô hơn nghìn năm của Nhật Bản, cuốn sách bìa dày của ai quên trên ga tàu lửa tốc hành có cái tên làm tôi chú ý “Kyoto Thành Phố Thiền” (Kyoto City of Zen) của Judith Clancy. Sau đó, những chiều mưa đi trên các con đường phố thưa người, tôi cảm thấy thành phố này vừa có cái vẻ u trầm của Huế, vừa có những góc phố “rất Sài Gòn” bởi những túm dây điện chằng chịt trên nóc những cột đèn có dáng vẻ của thế kỷ trước. Nhưng tôi vẫn chưa tìm ra cái chất “Thiền” của thành phố này ở đâu mà có và tính thiền được thể hiện như thế nào. Mặc dầu với con số 1.600 ngôi chùa Phật giáo và 500 đền thờ Thần đạo (Shinto) trong một thành phố đã tạo nên một khái niệm hình tướng đầy… nội lực thâm hậu về đời sống tâm linh phong phú của vùng đất này. Nhưng suốt mấy ngày bươn chải đi thăm viếng các chùa, tôi thất vọng não nề. Sinh hoạt Phật giáo tại Nhật Bản ngày nay đang lắng xuống bề sâu. Đạo Phật không còn là đối tượng để chiêm bái, cầu xin mà đã hòa quyện vào chất men và điệu sống của cuộc sống hằng ngày đầy bon chen bươn bả của một xã hội kỹ nghệ năng động hàng đấu thế giới. Hầu hết chùa viện không còn dáng vẻ linh tự mà là “kế tự”. Một vẻ đẹp siêu mẫu để chiêm bái hơn là để tu học, hành đạo.

Chùa chiền mang dấu vết cổ kính của thời xa xưa thì vắng vẻ và trở thành nơi du lịch với nhiều hình thức buôn bán quà kỷ niệm cho du khách bốn phương.

Chùa có người trụ trì - quản lý thì sống kiểu thầy chùa cha truyền con nối nhưng hầu hết đã nhạt đi tính chất trầm mặc, thiêng liêng của cửa thiền thuần túy vì qua nhiều thế hệ, các chùa ấy đang biến thành an dưỡng địa của thế giới mộ bia.

Những chùa có Tăng đoàn với các vị tu hành nghiêm cẩn thì phần lớn trở thành những đơn vị tịnh tu biệt lập. Phật tử và quan khách bên ngoài rất khó được đến thăm viếng, tiếp xúc với các tu sĩ theo tinh thần… cửa thiền rộng mở.

Trong lúc đó, hơn 80 phần trăm người Nhật đều tự nhận rằng họ vừa theo Thần đạo vừa là người theo đạo Phật. Rõ ràng văn hóa Nhật Bản được phát triển và gắn
liền với văn hóa Phật giáo và Thần đạo như câu nói dân gian xứ này: “Sinh theo Thần, chết theo Phật”.

Quan sát thực tế: một ngôi nhà ở, hay một đơn vị gia cư truyền thống, thường có bàn thờ Thần đạo đối diện với cửa chính và bàn thờ Phật được thiết trí sâu vào bên
trong. Người Nhật thờ Thần đạo như người Việt thờ tổ tiên. Chỉ khác nhau là Thần đạo Nhật được xem như một sức mạnh truyền thống và tổng hợp các thần linh để ngự trị và chinh phục, còn tổ tiên người Việt thuộc về dòng tộc và kế thừa. Cho nên vị thế thờ tự của người Việt là sự kết hợp “tiền Phật hậu linh”. Nghĩa là trong cùng một bàn thờ thiết kế tượng Phật trước và tổ tiên ông bà ở vị trí phía sau; trong lúc người Nhật thì “tiền trấn, hậu phù”. Nghĩa là thờ Thần để giữ gìn, đối trị với thế lực xâm chiếm và thờ Phật để phù trợ, cứu giúp. Phật và Thần song song mà riêng biệt, mỗi bên có một vị thế riêng. Thần giúp giữ cửa, Phật giúp tu hành. Có thể nói Phật và Thần lo hai mặt khác nhau của đời sống. Cho nên trong suốt hơn nghìn năm lịch sử Phật giáo Nhật Bản khi thịnh, khi suy nhưng Thần và Phật kết hợp nhau ở thế hỗ trợ, tương hòa trong đời sống tâm linh của người Nhật.

Đến đời vua Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tenno (1852-1912), nhà vua đã mở ra một cuộc duy tân triệt để và cổ xúy cho một tinh thần quốc gia đầy tự hào và quyết đoán. Riêng trong lĩnh vực tôn giáo thì đến mức quốc gia cực đoan. Thần đạo trở thành đại quốc giáo và Phật giáo bị cấm cản, giới hạn nặng nề. Có thể nói đây là thời kỳ pháp nạn do thế lực chính trị cầm quyền tác động rất hiếm xảy ra trên đất Nhật.

Thế kỷ XX, bộ máy chiến tranh do giới quân phiệt Nhật cầm đầu đã đưa cả một nước Nhật vào những cuộc viễn chinh xâm lăng Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, gây ra những tội ác chiến tranh khủng khiếp như tàn sát, hãm hiếp, bóc lột, ngược đãi người dân nơi chiếm đóng.

Thế giới la ó vì hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 giết chết hai vạn người; nhưng yên lặng khi nạn đói năm Ất Dậu 1945 xảy ra tại Việt Nam do quân đội Nhật trực tiếp gây nên (bỏ lúa trồng đay, lấy lúa đốt than, chở lúa gạo về Nhật, không cho chuyển lúa gạo từ Nam ra Bắc) đã làm cho hai triệu người dân Việt chết đói trong cảnh địa ngục trần gian.

Nhưng giới cầm quyền hiếu chiến chỉ là thiểu số. Người dân Nhật thấm nhuần tinh thần văn hóa Phật giáo qua nhiều thế hệ đã nhận ra lý duyên khởi và luật nhân quả đã tác động như thế nào lên nước Nhật nên đã nhận chịu sự đầu hàng như một hậu quả đương nhiên của những cuộc viễn chinh đấy máu lệ. Sau cuộc bại trận năm 1945, giới quân phiệt Nhật thoái trào, người dân không đối kháng quyết tử với phe thắng trận tạm thời chiếm đóng như tiên liệu mà ngược lại, họ để cho hận thù lắng xuống, cùng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh như ngày nay. Thần đạo đã thay Thiền đạo làm chiến tranh nhưng đã bị thua cuộc và mang thương tích nặng nề. Thiền đạo mặc nhiên về lại, lặng lẽ băng bó vết thương và an hòa cuộc sống.

Phật giáo Nhật Bản đang trải qua một thời kỳ chuyển biến phức tạp trong thời đại mới, bởi vì thế hệ trẻ Nhật đang say sưa theo đuổi sự nghiệp và tay nghề chuyên môn hơn là quan tâm về tôn giáo. Gần đây, thế giới bên ngoài tỏ ra ngạc nhiên trước hiện tượng giới trẻ Nhật đang chuyển mình từ nếp sinh hoạt truyền thống qua kiểu cách sinh hoạt của một xã hội kỹ nghệ bị lung lay đời sống tinh thần và bất chấp sự ràng buộc của đạo lý cổ truyền. Các hiện tượng tuổi trẻ khủng hoảng đã xảy ra và có khuynh hướng tăng dần tại Nhật như: hưởng thụ cá nhân, thất vọng tự tử, cổ xúy giới tính, vợ chồng không con, thoát ly đời sống gia đình…

Về đời sống tâm linh, nếu có dịp tiếp xúc với giới trẻ Nhật Bản ngày nay để hỏi rằng, “bạn theo tôn giáo nào” thì giới thanh niên, sinh viên học sinh của Nhật sẽ im lặng cười trừ vì điều đó chẳng có gì đáng quan tâm với họ. Thế nhưng càng tiếp cận với sinh hoạt xã hội Nhật Bản, người ta càng nhận rõ hơn một điều rằng: Tinh thần Phật giáo đã hòa quyện và lắng vào bề sâu của đời sống Nhật. Hầu hết tuổi trẻ tỏ ra thờ ơ và lạ lẫm với tôn giáo, nhưng hành động ứng xử lại rất là “văn hóa Nhật”, một nền văn hóa thấm nhuần tư tưởng tĩnh lặng của Phật giáo và tính quyết đoán năng động của Thần đạo.

Một chiều mưa lâm râm, ngồi trước nhà sách trên đường Kunyo, nhìn những dòng xe toàn cả Toyota, Honda, Nissan… qua lại, tôi thấy những nhóm trẻ em tiểu học tung tăng trong giờ bãi trường đi dưới mưa phùn hơi lạnh theo từng nhóm nhỏ. Các em bé mang cặp sách đi trên đường phố, ríu rít hồn nhiên, chẳng có bóng người lớn nào theo dắt dìu chăm sóc. Chúng đi trên đường phố với dáng vẻ vui tươi và thanh thoát như đi trên sân cỏ xanh trước hiên nhà mình. Khi hỏi ra mới biết là cả nước Nhật đều như thế, không nghe ai quan tâm về nạn bắt cóc trẻ con, xâm phạm trẻ em bằng hình thức này hay hình thức nọ như tại các nước Âu Mỹ. Thỉnh thoảng có những bà mẹ hay người chị đi xe đạp, chở trẻ nhỏ trước và sau chiếc xe mỏng manh với chiếc dù mở rộng trên tay. Nhìn khuôn mặt họ lấm tấm nước mưa, nhưng toát ra nét mặt khoan hòa và tự tại, chẳng có biểu hiện nào vui buồn với phương tiện giàu nghèo, xe đạp hay xe hơi. Nhật là nước sản xuất xe hơi nhiều nhất thế giới mà Kyoto cũng là nơi có tỷ số người đi xe đạp cao nhất thế giới.

Chiều về, những nhóm người tuổi trẻ sau giờ tan sở cũng đi bộ với nhau từng nhóm nhỏ. Hình như tất cả đều mặc một kiểu đồng phục tự nhiên: Áo vét, quần tây,
giày da, cặp giấy màu đen; áo sơ-mi trắng đa số để hở cổ không đeo cà-vạt. Họ nói cười, vẫy tay nhau, gọi nhau ơi ới nhưng âm thanh vừa đủ cho nhau nghe, không làm phiền người công cộng.

Đêm về, tôi đọc Kyoto Thành Phố Thiền của Clancy nhưng tác giả chỉ chú tâm vào cây cảnh thiên nhiên và đền đài chùa viện với những nét hài hòa, tĩnh lặng như có riêng một linh hồn trầm lắng của thế giới thiền. Tôi đã sống nửa đời ở Mỹ, nơi có một đời sống kinh tế và xã hội thiên về động, nên theo sự quán niệm riêng mình thì “tính thiền”giúp cho đời sống cá nhân và sinh hoạt xã hội là cái tĩnh bên trong cái động và sự tỉnh táo ngay giữa dòng đời náo loạn. Chất thiền của Kyoto chính là tinh thần tĩnh lặng Phật giáo được nuôi dưỡng trong bản chất năng động Nhật Bản. Đó là một điệu sống hài hòa giữa thiên nhiên, con người, tư tưởng và tâm linh.

Phật giáo Nhật Bản kể từ khi du nhập từ Trung Hoa vào thế kỷ thứ VI, VII cũng đã trải qua nhiều thời kỳ biến động của lịch sử và xã hội. Sự kỳ thị lúc đầu tăng nhiệt độ thành thù nghịch về sau của Thần đạo Shinto, Lãnh chúa Shogun, Võ sĩ đạo Samurai đối với đạo Phật trải qua những thời kỳ nóng lạnh, đậm nhạt khác nhau. Có thể ví những thiền phái Phật giáo là những áng mây bay trong lúc tâm lý những người Nhật qua bao nhiêu thời kỳ, triều đại vẫn cần những cơn mưa lũ lớn. Nhưng những khát vọng của con người thì thay hình đổi dạng, biến hoại không ngừng mà những đám mây Phật giáo thì nghìn năm vẫn nhẹ nhàng, rỗng lặng như thinh không. Cứ thế, trong sự tương tác lâu dài, mây không tách rời khỏi nước, nhưng vẫn ở tầm cao nên không chìm xuống nước mà lắng vào bề sâu của tâm thức để trở thành nguyên động lực phát xuất hành động. Nhật là nước đầu tiên trên thế giới và trong toàn lịch sử nhân loại hứng chịu hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagashaki năm 1945. Thế nhưng một quốc gia bại trận, đầu hàng vô điều kiện đã vươn lên, vươn lên và vươn lên để đạt một vị thế hàng đầu về tính ưu việt của dân tộc và hàng thứ nhì về sức mạnh kinh tế trong vòng vài chục năm là do đâu?

Đến Hiroshima, một cảm giác ớn lạnh ở đâu từ trong không gian vắng lặng ùa đến khi tôi đứng trước tòa nhà kỷ niệm chỉ còn vòm mái trơ lại. Đó là dấu tích vật thể duy nhất còn trơ lại sau khi trái bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại thả xuống nơi này. Chỉ sau một ánh chớp, một trái bom chỉ cân nặng 65kg đã thiêu rụi hàng vạn người và biến cả lâu đài phố thị thành bãi tro tàn giữa buổi sớm mai ngày 9 tháng 8 năm 1945. Tôi đến viếng nơi này đúng 70 năm sau ngày biến cố. Trong số những
người Nhật là cư dân Hiroshima trong thời điểm bị ném bom nguyên tử sống sót và kéo dài tuổi thọ cho đến ngày nay, tôi gặp ông già Sakura. Ông bây giờ đã 82 tuổi. Ông ở dưới hầm của một ngôi chùa cổ phía bên kia sông chỉ cách nơi trái bom rơi xuống chừng 300 mét. Tôi ngạc nhiên vì ông không nói đến ác mộng, đến hận thù, đến những điều oan nghiệt mà chỉ nhẹ nhàng nói đến ý nghĩa của sự sống chết trong tâm tư của người dân Nhật. Theo ông, người Nhật vẫn còn là người Nhật như ngày hôm nay bởi văn hóa Nhật là một sự hòa quyện và tổng hợp khá nhuần nhuyễn giữa hai đối cực trái ngược nhau.

Hình ảnh Mặt trời tượng trưng cho nam tính, cực dương tuyệt đối lại biến thành Thái Dương Thần Nữ từ trong nguồn gốc truyền thuyết của Nhật. Thần đạo (Shinto) là tôn giáo dân gian của Nhật với tinh thần cứng rắn quyết đoán cực đoan, hiếu thắng, hiếu sát. Võ sĩ đạo (Samurai) lại dung hợp được với con đường từ bi, hỷ xả của đạo Phật. Cái “động” hung hãn của dòng tộc Lãnh chúa (Shogun) lại gặp sự an tịnh, sâu lắng của các phái thiền Lâm Tế, Tào Động.

Một nét độc đáo góp phần xây dựng truyền thống văn hóa Nhật Bản kể từ khi đạo Phật từ Trung Quốc truyền sang Nhật vào nửa đầu thế kỷ thứ VI là sự hòa điệu giữa hai khuynh hướng động và tĩnh trong tinh thần trị quốc an dân của các nhà lãnh đạo Nhật Bản. Điển hình là truyền thống thường xuyên thăm viếng, tham khảo của các lãnh chúa, tướng quân, đạo trưởng Võ sĩ đạo với thiền sư các tông phái mỗi khi có sự khủng hoảng hay xung đột về chính trị và xã hội. Có lẽ thú vị nhất trong pho Phật giáo sử luận của Nhật Bản là các cuộc đối đầu căng thẳng giữa các thiền sư đạo cao, đức trọng và các tướng quân, lãnh chúa uy quyền lẫm liệt. Gươm anh linh đời thường và gươm tâm linh trí tuệ bao giờ cũng đụng nhau loảng xoảng lúc đầu nhưng hết thảy đều kết thúc bằng sự hóa giải trong bầu không khí đầy thiền vị của một chung trà.

Tinh thần Phật giáo phát tiết trong văn hóa Nhật Bản đã kết hợp với bản chất hung bạo mà hiền hòa của giống dân hải đảo vốn là tổ tiên của người Nhật để tác tạo một quan niệm sống vừa rát mặt với thực tế; nhưng cũng vừa quên mình để hy sinh cho một lý tưởng cao vời gần gũi với nguồn suối tâm linh. Người Nhật không sợ chết mà sợ sống một cuộc sống chẳng ra gì. Đó cũng là điều lý giải tại sao giới trẻ trong hàng ngũ quản lý và kỹ thuật chuyên môn cao cấp tại các thành phố lớn ở Nhật như Tokyo, Osaka… có tỷ số người tự tử cao nhất thế giới. Đồng thời, các cặp vợ chồng trẻ ở Nhật trong thập niên này quan niệm sống với nhau không có con ngày một tăng cao đến mức báo động.

Phật giáo tại Nhật Bản đang là một gia tài văn hóa ứng dụng và một nguồn suối tâm linh để chiêm nghiệm hơn là một tôn giáo đang phát triển và hành hoạt đầy lễ nghi và màu sắc như Việt Nam, Thái Lan, Tích Lan, Tây Tạng… hay các nước khác trong vùng Đông Á. Nơi xứ này, Phật giáo đang ở biên giới của một sự lắng đọng hay một trạng thái quay về. Bởi vậy, trong xã hội Nhật Bản ngày nay, Phật giáo thường vắng bóng trong những sinh hoạt vui nhộn như tiệc cưới, tiệc mừng, khao vọng. Nhưng hầu hết những sinh hoạt lễ nghi dành cho người mới qua đời hay thờ phượng lâu dài đều cầu đến Phật giáo.

Nhật Bản là một dân tộc có cá tính mạnh mẽ với khuynh hướng “Nhật hóa” tất cả những gì từ bên ngoài mang đến và nằm trong tay họ. Trong số các “đại đạo” nổi tiếng của văn hóa Nhật như: Thiền đạo, Trà đạo, Võ sĩ đạo, Thần đạo, Hoa đạo thì đa số là sản phẩm “Nhật bản quốc hữu hóa” từ nguồn gốc tinh túy của nước ngoài. Nhưng nét tinh xảo nhất của văn hóa Nhật là họ biết chắt lọc những gì họ cần và loại bỏ những gì không cần. Theo Phật giáo, họ không mặc nhiên cung thỉnh nguyên kinh điển Phạn tạng hay Hán tạng mà phải có riêng Nhật tạng để nương theo. Họ đã chọn sự tinh túy và phát huy tinh thần “tịnh trong động” của đạo Phật để hòa điệu với cái gốc văn hóa nặng tính chất thần quyền, võ sĩ đạo, tranh thắng, ngự trị và chinh phục của họ. Cho nên, nước Nhật đã có sự lợi lạc của tinh hoa Phật giáo hòa điệu với truyền thống dân tộc trong suốt mười lăm thế kỷ.

Trên quan điểm Phật giáo, khi một người đang sống giàu có, sang trọng, nổi tiếng… là khi người đó đang hưởng phước đức từ một gia tài được tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp ví như một trương mục tích lũy ở ngân hàng mà hạng mục cân đối tổng quát hiện tại (current balance) gọi là “nghiệp”. Nếu chỉ tiêu dùng mà không chịu gieo trồng, tái sản xuất hay tiết kiệm, chăm lo để dành thì nguồn phúc lợi sẽ theo đà rút ra tiêu dùng mà cạn kiệt và không chừng sẽ “vỡ nợ” giữa chừng. Người
ta có cảm tưởng như nước Nhật đang được thừa hưởng nguồn phúc lợi đó. Họ sẽ giàu thêm hay cạn kiệt là do chính họ chứ chẳng ai mang cho hay lấy bớt.

Buổi chiều trước ngày từ giã Thành Phố Thiền Kyoto, tôi và bé Na, cháu gái út, đi trên con đường “Ngõ Triết” (Philosopher’s Path - tiếng Hán Nhật ghi trên bản đồ là “Triết học chi đạo”). Con đường 2km có đến năm ngôi chùa cổ. Chúng tôi đến viếng ba trong năm ngôi chùa nhưng chỉ thấy phong cảnh cây lá xanh mướt và rất hiếm bóng người. Đường nầy còn được triết gia danh tiếng Nhật Nishida Kitaro gọi tên là “con đường thiền định”. Phải chăng vì khung cảnh tĩnh lặng và khe nước trong vắt chảy hai bên bờ đá cổ có hai dãy cây hoa anh đào cổ thụ làm cho người ta có cảm tưởng như thân và tâm mình đều đang trôi chảy trầm tư từ vô thủy đến vô chung. Con đường thiền định của Nhật êm đềm quá. Tôi liên tưởng con đường rợp bóng hoa đào chiếu dọi sáng ngời dòng nước trong xanh chảy thong dong bên bước chân đoàn người đang bước mới là gia tài, là hình ảnh của linh hồn Phật giáo Nhật Bản. Tôi và bé Na đã vô tâm tới viếng ba ngôi chùa vắng vẻ để tìm bóng dáng tượng đài Như Lai nhưng không thấy gì hết và cũng chẳng có ai hết nên đã thất vọng quay về. Nơi đây, Phật không có trong chùa. Phật và Bồ-tát thiện hạnh cùng nghịch hạnh đang hỷ xả đi giữa đường phố, chánh niệm trên công trường, định tâm trong nhà máy để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tuyệt vời làm vinh dự cho tổ quốc và lợi lạc cho muôn người. Và, “những người muôn năm cũ” ấy cũng hiện hữu đâu đó trên con đường Ngõ Triết chiều nay.

 

TRẦN KIÊM ĐOÀN
 

Nguồn : Văn Hóa Phật Giáo Xuân Bính Thân. 1-2-2016 ( trang 14-17)

 


www.Trankiemdoan.net
Facebook: Trần Kiêm Đoàn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/05/2019(Xem: 6908)
Trong Phật giáo có hai loại thực tập căn bản Hiển Giáo và Mật Giáo. Cho đến giờ, chúng ta đang thảo luận về sự thực hành Hiền Giáo. Mục tiêu đặc biệt của Mật Giáo là để cung ứng một con đường nhanh hơn vì thế những hành giả đủ điều kiện có thể phục vụ người khác một cách nhanh chóng hơn. Trong Mật Giáo năng lực của quán tưởng được khai thác để hành thiền trong một sự thực hành gọi là bổn tôn du già. Trong sự thực hành này ta tưởng tượng:
27/05/2019(Xem: 6718)
Vào mỗi lần đại gia đình nhà tôi khi có dịp gặp mặt đầy đủ vào những ngày giỗ lễ lớn quan trọng và phù hợp với School holiday, tôi thường lắng tai nghe các con tôi trao đổi kinh nghiệm sống khi tiếp xúc và xã giao với các bạn bè hay trong công việc của chúng ( hai đứa con tôi mỗi gia đình ngụ tại hai thành phố khác nhau của Australia- Sydney / Melbourne) .
25/05/2019(Xem: 7966)
SỐNG TRỌN VẸN NHƯ THẾ NÀO Nguyên bản: How to practice the way to a meaningful life Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
20/05/2019(Xem: 8221)
Đến tận giây phút này, giờ phút ngồi trước máy tính gõ bàn phím, khi tóc đã bạc sương vào tuổi sáu mươi của đời người ngắn ngủi, tôi vẫn còn nhớ như in buổi học môn Văn của lớp 9/5. Thầy, tôi nhớ không lầm là thầy dạy thế, tạm thời đứng lớp thay cho thầy Xuân mới chuyển công tác, nên cái duyên kết dính với lớp của tôi rất mỏng manh. Buổi học đó thầy giảng đến bài “Các thể loại Thơ”, cứ mỗi thể thơ nhắc đến đều được thầy đưa ví dụ một bài thơ tiêu biểu, và đến thể thơ “Ngũ ngôn” thì thầy đọc ngâm: “Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu, giấy đỏ Bên phố đông người qua…”
17/05/2019(Xem: 7237)
Theo Yahoo News ngày 19/11/2018, nữ dân biểu Hồi Giáo ILhan Omar vừa đắc cử ở Minnesota (nơi đông đảo sắc dân Somalia) nói rằng bà sẽ tranh đấu để hủy bỏ lệnh cấm mang khăn trùm đầu tại phòng họp của Hạ Viện kéo dài đã 181 năm. Các dân biểu của Đảng Dân Chủ tuần rồi loan báo (vào Tháng Giêng 2019) họ sẽ thay đổi luật cấm choàng khăn tại đây mà điều luật này cũng có nghĩa là cấm đội khăn trùm đầu mà Bà Omar đang đội. Bà Omar còn nói rằng, không ai trùm chiếc khăn này lên đầu tôi. Đó là lựa chọn của tôi và nó được Tu Chính Án Số Một bảo vệ. (No one puts a scarf on my head but me, Omar wrote. “It’s my choice - one protected by the First Amendment.)
16/05/2019(Xem: 8581)
Từ Bi là căn bản của đạo, căn bản của tất cả pháp lành, như đã được Đức Phật thuyết trong kinh Đại Bát Niết Bàn: “Nếu có người hỏi gì là căn bổn của tất cả pháp lành? Nên đáp: Chính là tâm từ… Này thiện nam tử (Ca Diếp Bồ Tát)! Tâm từ chính là Phật tánh của chúng sanh, Phật tánh như vậy từ lâu bị phiền não che đậy nên làm cho chúng sanh chẳng đặng nhìn thấy. Phật tánh chính là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai (Đại Bát Niết Bàn, Tập I, Phẩm Phạm Hạnh (1999, PL2543), tr.520, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh). Vì thế, người con Phật không thể không thực hành hạnh từ bi.
14/05/2019(Xem: 16993)
Ở tuổi 65 của năm nay là tuổi bắt đầu đi xuống. Bệnh tật đã thể hiện ở thân và từ từ thì giờ dành cho Bác sĩ cũng như Nha sĩ nhiều hơn những năm trước; nhưng trong tâm tôi vẫn luôn cố gắng là lạy cho xong quyển 2 của bộ kinh Đại Bát Niết Bàn mỗi chữ mỗi lạy trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ tại chùa Viên Giác Hannover. Đó là tâm nguyện của tôi, mong rằng sức khỏe sẽ cho phép để thực hiện xong nguyện vọng đã có từ hơn 30 năm nay tôi vẫn cùng Đại chúng chùa Viên Giác tại Hannover trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ thường thực hành như vậy. Đây không phải là việc khoa trương, mà là một pháp tu, một hạnh nguyện. Do vậy tôi vẫn thường nói rằng: Nếu sau nầy tôi có ra đi, mọi việc khen chê hãy để lại cho đời; chỉ nên nhớ một điều là từ 50 năm nay (1964-2014) trong suốt 50 năm trường ấy tôi đã hành trì miên mật kinh Lăng Nghiêm vào mỗi buổi sáng tại chùa, tại tư gia hay trên máy bay, xe hơi, tàu hỏa v.v… và cũng trong suốt 30 năm (1984-2014) vào mỗi tối từ 20 giờ đến 21 giờ 30 trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ
12/05/2019(Xem: 8899)
Trong một kinh về tuệ trí hoàn thiện (bát nhã), Đức Phật đã đưa ra tuyên bố thậm thâm như sau: Trong tâm, tâm không tìm thấy được, bản chất của tâm là linh quang.
12/05/2019(Xem: 6638)
Kinh luận của Phật giáo nói với chúng ta rằng trên việc thực chứng tánh không, vọng tưởng về sự tồn tại cố hữu yếu đi, nhưng điều này không phải như sau một sự thực chứng đơn lẻ, ngắn gọn.
10/05/2019(Xem: 5839)
Y vàng thanh thoát chốn chùa chiền, Tỏa sáng niềm tin tỏa ánh thiêng Pháp lữ huân tu nền định tuệ Tăng thân trưởng dưỡng giới hương thiền An Cư thúc liễm ngời hoa giác Kiết Hạ tu trì rạng sắc liên K Nhưng tại sao lại khó như vậy ?có phải chăng, vì muốn được thân người, phải cả đời giữ gìn ngũ giới nghiêm ngặt:(1/ không sát sanh, 2/ không trộm cướp, 3/ không tà dâm. 4/ không nói dối, 5/ không uống ruợu). Nhưng vì sự hấp dẫn của “ngũ dục”(tài, sắc, danh, thực, thuỳ) để rồi thuận theo dòng vô minh, xem những tiện nghi vật chất trên thế gian này là trường tồn vĩnh viễn, là hạnh phúc muôn đời, xem những thành công về hình tướng là sự thành tựu chí nguyện, nên mặc sức để cho dòng đời lôi cuốn vào đường “thị phi”, “danh lợi” xem việc hưởng thụ “ngũ dục” là lẽ đương nhiên, là vinh dự và hạnh phúc. Từ đó lơ đểnhnăm điều cấm giới.Một khi sức giữ năm giới cấm, một cáchlơ là,mãi “lang thang làm kiếp phong trần, quê nhà ngày một muôn lần dặm xa”thì cơ hội kiếp sau làm lại được thân người,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]