Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Chi Tiết Dị, Đồng Về Đức Phật Lịch Sử Sakyā Gotama

18/12/201509:15(Xem: 8827)
Những Chi Tiết Dị, Đồng Về Đức Phật Lịch Sử Sakyā Gotama

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Những Chi Tiết Dị, Đồng 
Về Đức Phật Lịch Sử Sakyā Gotama

 

Sau khi bộ đại sử đức Phật Sakyā Gotama “Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt” 6 quyển, 3000 trang được in ấn và phổ biến trên các trang mạng Phật học, được đọc lại trên các trang Pháp Âm, và được độc giả đọc nhiều nhất là “thuvienhoasen.org” ở Mỹ và “quangduc.com” tức là Tu viện Quảng Đức ở Úc – tôi, tác giả, nhận được khá nhiều câu hỏi về những chi tiết lịch sử, có những dị biệt, mâu thuẫn nơi này và nơi khác. Điều ấy cũng đúng thôi, vì đã trải qua trên 2600 năm, mà trong đó là khẩu truyền suốt 4 lần kết tập, và lần thứ năm, tại Tích Lan, khoảng năm 450-502 trước Tây lịch mới được khắc chép lên là Bối, thì thử hỏi, ai dám chắc tư liệu của mình là chính xác, là duy nhất đúng về đức Phật lịch sử?

Do vậy, trước những thắc mắc của chư độc giả, tôi xin rất thận trọng để nói rằng, tư liệu tôi dựa vào để viết đa phần thuộc Tam Tạng Pāḷi văn, và một số nguồn được lấy từ tiếng Anh cùng một hệ Nam tông; và do vậy, chắc sẽ có những điểm dị biệt nào đó. Tôi không dám chắc những chi tiết lịch sử ấy nó đúng hơn các nguồn khác, nhưng mà nó hợp lý, nhất quán và không mâu thuẫn nhau. Trong tinh thần ấy, tôi xin được trả lời một số câu hỏi được xem là phổ biến nhất:

A- Đây là nguyên văn lá thư của quý sư cô:

“Chúng con vẫn biết, có rất nhiều những nguồn sử liệu về Đức Phật lịch sử. Bắt đầu chỉ là sự khẩu truyền, trải qua thời gian quá dài, lại thêm là sự lưu truyền trải rộng theo nhiều hướng khác nhau, tất nhiên không tránh khỏi “chệch choạc” khi đem so sánh đối chiếu.

Cho đến nay, sử liệu Phật giáo xem như có hai nguồn rất phân biệt: Nam truyền và Bắc truyền. Quan điểm về Đức Phật cũng có hai hướng khác nhau: Đức Phật lịch sử và Đức Phật huyền thoại. Tùy vào lòng tin của từng người, chúng ta có quyền tin và chấp nhận theo nguồn sử liệu nào: Nam truyền hay Bắc truyền; hoặc chấp nhận quan điểm lịch sử hay Đức Phật huyền thoại. Nếu chúng ta đã tin và chấp nhận: “Đức Phật là nhân vật có thực …”, (có ghi chép thành lịch sử với những niên đại cụ thể…) thì những niên đại lịch sử này khi xâu chuỗi lại thiết yếu phải có sự “logic” hợp lý của nó. Vậy mà … rất nhiều chi tiết trong sử sách lại cứ như “chồng chéo” với nhau.

Thí dụ:

- Theo Nam truyền thì Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 29 tuổi, 6 năm tu khổ hạnh, thành đạo năm 35 tuổi;à Khi trở về thăm hoàng tộc, con trai là La Hầu La 7 tuổi = chi tiết hợp lý.

- Theo Bắc truyền thì Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 19 tuổi, 5 năm đi tìm đạo, 6 năm tu khổ hạnh, thành đạo năm 30 tuổi…. à Khi trở về, La Hầu La 7 tuổi = Chi tiết không hợp lý.

Kính bạch Hòa Thượng!

Khởi nguyên của “Khối nghi” của chúng con là khi chúng con tìm hiểu về Sự ra đời của Bát Kỉnh pháp, dò tìm nhiều nguồn sử liệu, chúng con bất ngờ khám phá ra những chi tiết “không nhất quán” về tuổi tác của Ngài A Nan. Cũng cùng trong một quyển “Phật pháp bách vấn”, Tổ Tư vấn Báo Giác ngộ trả lời bạn đọc về tiểu sử của Bà Gotami và tiểu sử của Ngài A Nan … đem đối chiếu với nhau thì lộ ra chi tiết: Bát kỉnh pháp ra đời, Ni giới được thành lập 5 năm sau ngày Phật thành đạo, là nhờ Ngài A Nan cầu xin giúp đỡ, mà lúc đó thì Ngài mới 5 tuổi và 25 tuổi mới làm thị giả cho Phật!!

Kính bạch Hòa Thượng!

Chúng con thật sự không có khả năng nghiên cứu những bản kinh nguyên bản, chúng con chỉ tìm học trên những tài liệu – là công trình nghiên cứu của các học giả, của các Bậc tôn túc….

* Quyển “Sự tích Đức Phật Thích Ca” của Trần Hữu Danh (NXB Văn Học 2009):

- A Nan là em chú bác với Phật, nhỏ hơn Phật 19 tuổi (Trang 480)

* Quyển “Suối nguồn diệu giác” của HT Thích Thanh Quang (NXB Tổng hợp Tp HCM 2009):

- A Nan sinh vào đêm Đức Phật thành đạo, chư thiên reo mừng, trời đất chuyển rung, khắp nơi hoan lạc cho nên vua Thiện Giác mới đặt tên cho hoàng tử mới chào đời là Ananda, Khánh Hỷ (Trang 271).

* Quyển “Sử 33 vị Tổ Ấn Hoa giảng giải” của Hòa Thượng Thích Nhật Quang (NXB Tổng hợp Tp HCM 2013):

- Tổ A Nan: Ngài là con vua Hộc Phạn, dòng Sát đế lợi, em con nhà chú của Phật Thích Ca (sanh sau Phật 30 năm), đến năm 25 tuổi xin theo Phật xuất gia (trang 33).

* Quyển “Con người giác ngộ” của Hòa Thượng Thích Phước Tú (NXB Tôn giáo 2009):

- Ngài xuất gia tìm đạo năm 19 tuổi ( mùng 8 tháng 2 âl Ngài thành đạo năm 30 tuổi (trang 8).

* Trên Thư viện hoa sen con tra tìm được: Mười Vị Đệ Tử Lớn của Phật - Nguyên tác Hán Văn: Tinh Vân Pháp Sư; Việt dịch: Cư Sĩ Hạnh Cơ và biên soạn phần Phụ Lục. Hiệu đính: Nữ Cư Sĩ Tịnh Kiên.

....Từ đó tôn giả làm thị giả thường xuyên cho Phật. Lúc đó tôn giả khoảng trên 20 tuổi. (Theo các niên đại đã được chính thức công nhận về tiểu sử đức Phật, tính ra, tôn giả A Nan được chọn làm thị giả thường xuyên cho Phật lúc 35 tuổi, và đã hầu hạ Phật cả thảy 25 năm. - Chú thích của người dịch).

Ngoài ra, còn nhiều quyển sách khác chúng con đã đọc, thí dụ: Đường xưa mây trắng và Trái tim của Bụt của TS Thích Nhất Hạnh, Đức Phật và Phật pháp, Phật và Thánh Chúng... Khi ấy chúng con không lưu tâm đến những chi tiết này, mà hiện tại thì những quyển sách ấy chúng con không có trong tay nên không thể xem lại.

Kính bạch Hòa Thượng!

Chi tiết mà Hòa Thượng cho biết: “Ngài A Nan đồng tuổi Phật” quả thực là điều vô cùng mới mẻ mà chúng con mới được biết đến. Nhưng, từ đó suy ra:

- Nếu Ngài A Nan đồng tuổi với Phật thì khi Phật 55 tuổi già yếu, cần chọn thị giả tuổi còn trẻ để hầu cận, giúp việc, chăm sóc Phật,  A Nan cũng 55 tuổi, đâu còn ở tuổi trẻ trung để đảm trách công việc của thị giả như tiêu chuẩn các Đại đệ tử đề ra?

- Bà Kiều Đàm Di đi xuất gia 5 năm sau ngày Phật thành đạo, lúc đó A Nan 40 tuổi, nhưng khi đó A Nan vẫn chưa làm thị giả cho Phật, (Mãi đến 55 tuổi A Nan mới làm thị giả).

Kính bạch Hòa Thượng!

Trên đây chỉ là những suy nghĩ tìm hiểu nhằm làm sáng tỏ điều chúng con còn thắc mắc. Hòa Thượng đã từ bi chỉ dạy thì kính mong Hòa Thượng chỉ dạy cho trót. Hòa Thượng có thể dạy cho chúng con biết một số sách cần tìm đọc thêm, chúng con vô cùng cảm tạ”.

Tóm tắt lá thư trên, có bốn câu hỏi:

1- Thái tử Siddhattha xuất gia năm 29 tuổi, 6 năm tu khổ hạnh, thành đạo năm 35 tuổi; khi trở về thăm hoàng tộc, con trai là La Hầu La 7 tuổi = chi tiết hợp lý.

2- Tôn giả Ānanda, bao nhiêu tuổi ngài xuất gia, lúc nào?

3- Bà Gotamī xuất gia và sự ra đời của Bát Kỉnh Pháp.

4- Ngài Ānanda làm thị giả lúc đã 55 tuổi có hợp lý không?

Khi tôi viết MCĐMVNN theo dạng tiểu thuyết lịch sử thì tư liệu rất nhiều, rất nhiều... để tiện việc so sánh, đối chiếu, lựa chọn. Nhưng cuối cùng, khi muốn lấy địa danh, tên, tiểu sử của chư vị Thánh Tăng, Thánh Ni, tôi dừng lại nơi quyển “Dictionary of Pāḷi proper names” vì người ta nghiên cứu rất khoa học, có truy nguồn chư kinh điển, chú giải khá tin cậy.

Bây giờ, tôi xin trả lời có vẻ khái quát một chút vì câu này nó dính vào câu khác:

1- Thái tử Siddhattha ra đời cùng tuổi với ngài Ānanda, Yasodharā... là dựa theo tư liệu:

- Ānanda: Ngài đến cõi đời từ cung trời Đẩu Suất, cùng một ngày sinh với Bồ Tát (chỉ thái tử Siddhattha), cha là đức thân vương Amitodana (em vua Suddhodana –Tịnh Phạn vương), dòng Sākya - dịch thoát từ đoạn: He cames to earth from Tusita and was born on the same day as the Bodhisatta, his father being Amitodana the Sākyan, brother of Suddhodana – xem “Dictionary of Pāḷi proper names” Q.1, trang 249.

Thật ra, không chỉ có Ānanda đồng sinh với thái tử, mà còn 6 nhân, vật khác nữa, đó là Yasodharā, Kāludāyi, ngựa Kiền Trắc, Sa-Nặc, Cây Bồ Đề và Bốn hầm châu ngọc. Ví dụ, muốn xem Ya-du-đà-la: Bà còn có nhiều tên khác như Rāhulamātā, Bhaddakacca, Bimbādevi... ; sinh cùng ngày với Bồ Tát và về làm vợ ngài lúc nàng 16 tuổi (She was born on the sames day as the Bodhisatta... married him (Gotama) at the age of sixteen) - Xem Sđd, Q2. trang 742. Muốn xem thêm để biết: Khi thái tử sanh, có 7 nhân và vật đồng sanh: Đó là Cây Bồ-đề, Mẹ của Rāhula, Bốn hầm châu ngọc, voi, ngựa Kiền Trắc (Kanthaka), Sa-nặc (Channa) và Kāludāyī (On the sames day seven other being were born: The Bodhi-tree, Rāhula’s mother, the four Treasure-Troves, his elephant, his horse Kanthaka, his charioteer Channa and Kāludāyī – (Xem Sđd. Q1. trang 789) – Lưu ý, trong đoạn văn vừa rồi có điểm cần đính chúnh, phải thay “elephant” bằng Ānanda như những nơi khác.

- Thái tử xuất gia năm 29 tuổi: Xem đoạn văn sau đây để biết thái tử đã sống 29 năm trong 3 tòa cung điện Ramma, Suramma, Subha trong 3 mùa như thế nào: The Bodhisatta is reported to have lived in the household for twenty-nine years a life of great luxury and excessive ease, surrounded by all imaginable comforts. He owns three palaces – Rama, Suramma and Subha – for the three seasons (Xem Sđd. Q1. trang 789).

- Siddhattha tìm đạo gặp hai vị thầy rồi khổ hạnh 6 năm: Đó là đạo sĩ Āḷāra-Kālāma và Uddaka-Rāmaputta. Vì không tìm thấy sự giác ngộ, giải thoát rốt ráo nên ngài mới đi đến ngôi làng Senānī tại Uruvelā, và tại đây, trong 6 năm, ngài đã thực hành khổ hạnh... (Xem một đoạn văn khá dài... He then goes to Senānīgāma in Uruvelā and there, during six year, practises all manner of severe austerities, such as no man had previously undertaken – Sđd, Q1, trang 792).

2- Vậy là đúng năm 35 tuổi: Đức Phật sau khi thành Đạo, ngài xuống Vườn Nai (Lộc Giả), độ năm anh em đạo sĩ Koṇḍaññā, độ công tử Yasa cùng 55 bạn hữu – như vậy là có 60 vị thánh tăng A-la-hán đầu tiên, thành lập giáo hội đầu tiên, ngài khuyên, mỗi người hãy đi hoằng hóa mỗi phương, đừng đi chung nhau, vì lợi ích cho chư thiên và nhân loại. Đức Phật cũng đi, ngài trở lại Uruvelā độ 3 anh em đạo sĩ Kassapa thờ thần lửa cùng 1000 đồ chúng của họ. Đức vua Bimbisāra dâng cúng Trúc Lâm tịnh xá (Rājagaha), và đức Phật nhập hạ đầu tiên ở đây, có thêm hai vị đại đệ tử Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna Mục-kiền-liên) năm ngài 36 tuổi. Đên năm an cư thứ hai, ngài mới trở về thăm quê hương có viên đại thần Kāludāyī (bạn, đồng sanh thuở trước) thỉnh mời. Thế là lúc này, Rāhula đúng 7 tuổi. Ở tại quê nhà 2 tháng, đức Phật 3 lần độ vua cha đắc quả từ Tu-đà-hoàn, sang Tư-đà-hàm lên đến A-na-hàm và bà Gotamī đắc quả Tu-đà-hoàn. Cũng lần này, đức Phật cho Rāhula xuất gia Sa-di và tôn giả Sāriputta làm thầy tế độ. Đức Phật cũng bảo hoàng tử Nanda xuất gia luôn trong dịp lễ cưới của ông.

Trở lại Vương Xá, lúc đức Phật dừng chân tại khu rừng Anupiya thì 6 ông hoàng dòng Sākya cùng người thợ cạo Upāli tìm đến xin xuất gia (With these he returns Rājagaha, stopping on the way at Anupiya, where Anuruddha, Bhaddiya, Ānanda, Bhagu, Kimbila and Devadatta, together with their barber, Upāli, visit him and seek ordination – xem Sđd, Q1, trang 796... còn nhiều chi tiết hơn thế nữa).

Vậy tôn giả Ānanda xuất gia trong mùa an cư thứ hai của đức Phật (Ānanda entered the Order in the second year of the Buddha’s ministry, to gether Sākyan princes, such as Bhaddiya, Anuruddha...)

Đến mùa an cư thứ tư, đức Phật về thăm vua cha lần thứ hai khi ông đang bị bệnh. Đức Phật đã độ vua cha đắc quả A-la-hán và sau đó là ông qua đời. Sau lễ hỏa táng, cả ba lần bà Gotamī xin xuất gia nhưng đức Phật từ chối. Tuy nhiên, khi đức Phật trở lại Trúc Lâm, Vương Xá cho kịp an cư mùa mưa lần thứ năm, lúc đang dừng chân tại Vesāli tại Sảnh Đường Nóc Nhọn (Kūṭāgārasālā), thì bà Mahāpajāpati Gotamī cùng các công nương dòng Sakyā đã tự động cạo đầu, mang y và bát bộ hành từ Kapilavatthu, trải qua 45 do-tuần (mỗi do-tuần 16 cây số) tìm đến Vesāli xin xuất gia (The women cut off their hair, don yellow robes and follow him thither). Đức Phật vẫn không thay đổi ý định (The Buddha would not change his mind).

Nhìn thấy chư mệnh phụ với vẻ mặt chán nản, thất vọng, ứa lệ, chân cẳng sưng phồng đang đứng ngoài Sảnh Đường Nóc Nhọn (Kūṭāgārasālā), tôn giả Ānanda xúc động vào bạch Phật xin cho họ xuất gia – nhưng cả ba lần, đức Phật đều từ chối. Sau đó, tôn giả Ānanda “thay đổi chiến thuật”, hỏi đức Phật là nữ giới có khả năng thành đạt đạo quả hay không? Khi đức Phật đáp là có thì tôn giả sử dụng biện tài xin cho họ xuất gia. Cuối cùng đức Phật chấp thuận...(Đấy là phỏng dịch từ đoạn: Ānanda found the women dejected and weeping, with swollen feet, standing outside the Kūṭāgārasālā; having what had happened, he asked the Buddha to grant their request. Three times he asked and three times the Buddha refused. Then he changed his tactics. He in quired of the Buddha if women were at all capable of attaining the Fruits of the Path. The answer was in the affirmative, and Ānanda pushed home the advantage thus gained. In the end the Buddha allowed women to enter the Order subject to certain conditions. They expressed their great gratitude to Ānanda). Sau đó, đức Phật có trình bày lý do, nói rõ cho tôn giả Ānanda biết rằng, đáng ra là giáo pháp sẽ được tồn tại một ngàn năm, nhưng nếu có nữ giới xuất gia thì thời gian tồn tại của giáo pháp chỉ còn năm trăm năm! (The Sāsana would have lasted athousand years, but now it would last only five hundred) – Theo chú giải thì một ngàn năm là tồn tại“chánh pháp”, còn sau đó là “tượng pháp” ; còn nếu tính cả thời “mạt pháp”, thì thay vì mười ngàn năm thì nay chỉ còn năm ngàn năm!

3- Về Bát Kỉnh Pháp: Đức Phật bảo rằng, nếu người nữ chấp thuận thọ trì 8 điều kiện (eight condition) thì giáo hội sẽ mở cửa cho họ. Đấy là vào hạ thứ năm của đức Phật, vào giáo hội tỳ-khưu-ni được thành lập, tại Vesāli.

8 điều kiện, Bát Kỉnh Pháp thì Nam Bắc Tông đều tương tự nhau:

1- Tỳ-khưu-ni dầu một trăm tuổi hạ cũng phải chào hỏi, đứng dậy, đảnh lễ thầy tỳ-khưu tăng – dù vị này mới xuất gia trong ngày hôm ấy.

2- Tỳ-khưu-ni mỗi năm phải tìm về an cư ở gần một trung tâm có tỳ-khưu tăng để được bảo vệ và nương tựa.

3- Cứ mỗi tháng hai kỳ, sau khi làm lễ bố-tát (Uposatha), tỳ-khưu-ni phải tìm đến tỳ-khưu tăng để học hỏi, nghe lời giáo giới.

4- Sau khi hành lễ Tự Tứ (Pavārana) tại trú xứ của mình, tỳ-khưu-ni phải đến chỗ tỳ-khưu tăng để làm lễ ra hạ một lượt nữa - để kiểm thảo xem trong ba điều thấy, nghe và nghi mình có lầm lỗi điểm nào chăng.

5- Tỳ-khưu-ni phạm “tăng tàn” , đã xưng tội, đã chịu phạt cấm phòng tại trú xứ của mình – còn phải xưng tội trước tỳ-khưu tăng nữa.

6- Nữ giới tử trong thời gian tập sự, thọ trì sáu giới (Sikkhamānā) trong thời hạn hai năm - phải cầu xuất gia thọ đại giới trước cả hai chúng tăng ni.

7- Bất luận trong trường hợp nào, tỳ-khưu-ni cũng không có quyền nặng lời chê bai, thóa mạ hay chỉ trích tỳ-khưu tăng.

8- Tỳ-khưu-ni không được quyền giáo giới, giảng dạy tỳ-khưu tăng, nhưng sám hối với tỳ-khưu tăng thì được!

8 điều này, tôi cũng có những điểm tồn nghi. Đây là mới hạ thứ năm, điều 3,4 chưa đầy đủ; và điều 5 cũng chưa có – vì đến hạ thứ 12, khi tôn giả Xá-lợi-phất xin đức Phật ban bố giới căn bản thanh tịnh (Pāṭimokkha) nhưng đức Phật chưa chuẩn thuận; và bộ luật này chỉ hoàn thành từng bước một trong suốt 45 năm hoằng hóa. Vậy thì nếu có hình thức lễ bố-tát chắc cũng đơn sơ, lễ tự tứ cũng vậy, riêng tội “tăng tàn” thì chắc chắn chưa có, vì chỉ hình thành khi bộ luật căn bản Pāṭimokkha hoàn chỉnh. Lại nữa, Bát Kỉnh Pháp chế định để đối trị hoàn cảnh nữ giới thời bấy giờ thì hoàn toàn lợi ích và hoàn toàn thích hợp; nhưng thời đại ngày nay thì cũng nên thay đổi một số ít nội dung cho “phải lẽ” một tí. Đây là ý kiến riêng tôi, không đại diện cho ai cả!

4- Tôn giả Ānanda làm thị giả vào mùa an cư thứ 20-21 của đức Phật tại Kỳ Viên tịnh xá: Trong suốt 20 mùa an cư, đức Phật chưa có thị giả chính thức, khi là vị này, lúc là vị khác, ví dụ các vị: Nāgasamāla, Nāgita, Upavāna, Sunakkhatta, Cunda, Sāgata, Rādha, Meghiya... mà chưa có vị nào làm cho đức Phật vừa ý. Đi vào chi tiết thì dài dòng, là sau đức Ānanda được chư tôn trưởng lão đề cử thì đức Phật hài lòng! Vậy là suốt 25 năm còn lại của đức Phật, cũng là 25 mùa an cư, tôn giả Ānanda làm một vị thị giả rất mực trung thành, nghiêm túc, tinh cần trong bổn phận của mình. Đấy là chưa kể ngài còn là bậc học rộng, nghe nhiều...

Chỗ này tồn nghi: Đức Phật lúc ấy sức khỏe đã yếu, 55 tuổi, cần người phụ tá trẻ trung nhưng sao lại chọn ngài Ānanda cũng 55 tuổi? Đúng vậy, nhưng ta nên biết rằng, tôn giả Ānanda suốt đời không ốm bệnh, ngài thọ 120 tuổi, đồng với tuổi của Vị Tăng Hữu Bakkula (Ānanda lived to be very old: One hundred and twenty year; he is bracketed with Bakkula, as having lived to a great age – xem Sđd, Q1. trang 263). Chỗ này cần đính chính một chút, tôn giả Bakkula thọ đến 160 tuổi.

Trước đây tôi cũng thắc mắc điều này, nhưng khi tra lục nơi này nơi kia, thấy tôn giả Ānanda sức khỏe tốt cho đến 120 tuổi thọ, tôi không còn nghi ngở nữa.

Thưa quý sư cô,

Kiến thức tôi có hạn, vả lại tôi chỉ là người học Phật, tu Phật không phải là nhà nghiên cứu nên không tránh khỏi những sơ suất ở đâu đó. Quý sư cô chỉ nên xem đây chỉ là tư liệu như bao nguồn tư liệu khác để tham cứu, so sánh, đối chiếu mà thôi. Nhưng chắc chắc là nguồn sử liệu này đáng tin vậy vì nó không mâu thuẫn, “chệch choạc” nhau! Quý sư cô có thể tự mình biết đâu đúng, đâu sai; ví như tự điển Phật học của Đoàn Trung Còn nói là 14 năm sau đức Phật giác ngộ, bà di mẫu của ngài mới xin Phật xuất gia thì không thể tin được; vì như vậy thì bà Gotamī đã gần 100 tuổi!

B- Đây là nguyên văn lá thư thứ hai của quý thầy:

“Bạch Hòa Thượng! Con đọc trong chương Rừng Khổ Hạnh này, phát hiện có 1 chi tiết lịch sử mà HT viết khác so với các tài liệu khác mà HT không dẫn nguồn gốc sự khác biệt này. Đó là người dâng bát sữa cho Bồ Tát Sĩ Đạt Ta bên dòng sông Ni Liên Thiền, xưa nay ai cũng được dạy người dâng sữa là cô bé Sujata, con gái của 1 vị trưởng làng Senani trong làng Uu Lâu Tầng Loa, nếu không nói ngoa, nếu không có cô bé Sujata, chưa chắc gì chúng ta có Đạo Phật ngày nay, do dó công ơn của người dâng bát sữa năm xưa để cứu mạng Siddhatta quá lớn lao đối với chúng đệ tử Phật. Con đã đến thăm địa điểm lịch sử này 3 lần vào năm 2006, 2009 và 2011, mỗi lần đến con đều hướng dẫn phái đoàn đi kinh hành niệm Phật để cảm ơn ân nhân Sujata và giải thích rõ về câu chuyện cảm động xảy ra cách đây đúng 2602 năm, tính từ 2013 đến năm Phật thành đạo (589 trước TL) xin HT xem hình phái đoàn con viếng thăm phế tích Sujata đính kèm) nhưng theo HT thì người dâng sữa là cô bé Punna, người hầu của của Bà Sujata, xin HT hoan hỷ giúp con dẫn nguồn tư liệu về việc này, để độc giả không phải thắc mắc về chi tiết này.

Vấn đề thứ 2 là mối quan hệ giữa nàng Kỹ Nữ Ampapali & Thần Y Jivaka Komarabhacca

http://quangduc.com/p156a51315/33-than-y-jivaka-komarabhacca

http://quangduc.com/p157a51352/42-hoa-do-ky-nu-ambapali

Theo Sư Ông Nhất Hạnh (chương 33, quyển 2 Đường Xưa Mây Trắng, dựa vào Kinh Nikaya,Majjhima-nikaya 55: Jivaka-sutta; Tạp A-Hàm 622.),http://tuvienquangduc.com.au/TruyenNgan/197duongxuamaytrang.html, rằng Thần Y Jivaka (Kỳ Bà) là con trai của Kỹ Nữ Ambapali (người thành Tỳ Xá Li), đặc biệt, thần y Jivaka lại là con rơi của Vua Bimbisara, là anh hoặc em trai cùng cha khác mẹ của Thái Tử Ajatasattu ( A Xà Thế). Đây là chi tiết mới nhất về thâm cung bí sử của Vua Tần Bà Sa La.

Trong 2 chương trên của HT, con không thấy HT đề cập gì đến sự liên hệ huyết thống của 2 nhân vật lịch sử này.

Kính mong HT cho biết thêm chi tiết lịch sử mà HT Nhất Hạnh vừa công bố”.

Kính quý thầy,

Cảm ơn quý thầy đã lưu tâm về một số chi tiết lịch sử trong tác phẩm MCĐMVNN, cụ thể là chuyện nàng Sujātā dâng sữa cho bồ-tát, và chuyện liên hệ giữa kỹ nữ Ambapālī, đức vua Bimbisāra và thần y Jīvaka. Điều thầy thắc mắc cũng có rất nhiều người hỏi mà tôi chưa có dịp trả lời.

1- Chuyện thứ nhất:

Từ trước đến nay, bất cứ tư liệu nào cũng nói là nàng Sujātā (mà tàu âm là Tu-xà-đề) dâng sữa cho bồ-tát trong Rừng Khổ Hạnh. Điều ấy là đúng. Tác ý cúng dường là của nàng Sujātā, nhưng người trực tiếp mang sữa lại chính là cô ở gái, cô bé Puṇṇā đúng như tôi đã viết trong Rừng Khổ Hạnh mà thầy có nhắc đến. Chi tiết này tôi rút ở một tư liệu khá tin cậy: Nếu trong thư viện của quý thầy có quyển Dictionary of Pāḷi Proper Names, quyển 2, trang 1186, nơi tên Sujātā, có nói đến chi tiết ấy. Nếu quý thầy không có sẵn, tôi sẽ chép ra đây một đoạn.

Sujātā: Daughter of Senānī, a landowner of the village of Senāni near Uruvelā. She made a promise to the god of the banyan-tree near by that she would offer a meal of milk-rice to the god if she gave birth to a son. Her wish was fulfilled, the son was born, and she sent maid, Puṇṇā, to prepare the place for the offering.

This was on the very day of the Buddha’s Enlightenment, anh Puṇṇā, finding Gotama sitting under the banyan, thought that she was the tree-god present in person to receive the offering. She brought golden bowl and offered it to him...

Tuy còn nhiều đoạn khác nữa, nhưng như vậy cũng đã đủ làm tư liệu để tôi viết rồi. Còn có một số nguồn khác nữa, ít phổ biến, còn cho biết rằng, con trai của nàng Sujātā, tên là Yasa (không phải là công tử Yasa ở Vườn Nai đâu) sau này xuất gia, đắc quả A-la-hán; nàng Sujātā và vợ của Yasa sau này đắc quả Nhập Lưu.

2- Chuyện thứ hai:

Trung bộ kinh, kinh thứ 55 Jīvaka-Komārabhacca sutta, thầy mở mà xem, không có nhắc bất kỳ chi tiết nào, bảo rằng Jīvaka là con rơi của đức vua Bimbisāra với nàng Ambapālī cả. Tư liệu của tôi dùng thì có nói đến con rơi của hai vị ấy, nhưng lại là cậu con trai Vimala Koṇṇdañña, sau này xuất gia, có mặt trong Trưởng lão Tăng kệ.

Còn có một số chi tiết khác nữa.

Đức vua Bimbisāra có hoàng hậu là Kosaladevī, con gái của Mahākosala, em gái của vua Pāsenadi (Ba-tư-nặc), sau sinh thái tử Ajātasattu (A-xà-thế). Bà thứ hai, hoàng phi Khemā, sau xuất gia tỳ-kheo-ni, đắc A-la-hán quả, được tôn xưng là đệ nhất trí tuệ trong ni chúng. Bà thứ ba là Sīlava, thứ tư là Jayasena.

Bà thứ năm ít ai để ý, là kỹ nữ có tên là Padumavatī, ở tại Ujjenī, có một con trai với đức vua Bimbisāra  là Abhaya (Abhayarājakumāra). Có lẽ con sinh không chính thức nên bảy tuổi, bà mới gởi con đến cho đức vu. Ông hoàng Abhaya này mới chính là cha nuôi của thần y Jīvaka (Abhaya was Jīvaka’s natural father). Còn Jīvaka (Jīvaka-Komārabhacca) và cô gái giang hồ Sirimā (trong truyện Con gái đức Phật), là anh chị em, đều là con của bà  kỹ nữ Sālavatī  tại Rājagaha (Sālavatī: A courtezan of Rājagaha, she was the mother of Jīvaka-Komārabhacca and of his sister Sirimā).

Có lẽ từng ấy cũng đáp ứng vừa phải những thắc mắc của quý thầy rồi.

C- Đây là câu hỏi khác: 

Theo truyền thống Bắc tạng và rải rác đó đây, trên các tạp chí Phật giáo, trên các trang mạng đều nói là đức Phật thiền định 49 ngày đêm dưới cội Bồ Đề mới đắc quả Chánh Đẳng Giác – còn trong tác phẩm MCĐMVNN thì hòa thượng nói là “49 ngày sau khi thành Đạo” rồi diễn tiến từng 7 ngày một, đức Phật làm gì, làm gì, ở đâu khá rõ ràng và rất hợp lý. Tuy nhiên, hòa thượng không ghi rõ nguồn nên chúng con không biết truy cứu, so sánh được.

Đầu tiên, tôi xin thưa rõ, là 49 ngày thiền định thì không thể giác ngộ, giải thoát được; vì định, dù là định sâu cách mấy thì nó cũng chỉ lắng yên tham sân, phiền não như đá giằn cỏ thôi. Lại nữa, nếu mà định sâu thì cả 6 căn đều bít hết, chỉ còn trạng thái nhất tâm và xả - trả về dòng chảy bhavaṅga như một giấc ngủ ngon không mộng mị. Tuy nhiên, hai tầng thiền cao nhất là “vô sở hữu xứ thiền” và “phi tưởng phi phi tưởng thiền”, Bồ Tát của chúng ta cũng từ bỏ vì nó không đưa đến tận diệt tham sân, phiền não. Nói như vậy để biêt rằng, thiền định không thể có tuệ được; phải từ thiền định, trở lại cận hành, có tầm có tứ, nghĩa là có tư duy và quan sát mới quán ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên để thấy rõ thực tánh vô thường, vô ngã của tâm và pháp được.

Điều thứ hai, tôi cũng xin thưa rõ, theo Tam tạng Pāḷi văn, chuyện 49 ngày sau khi thành Đạo đã trở thành chi tiết lịch sử đúng đắn, đương nhiên, không cần phải “tồn nghi” trong tất cả kinh điển của các nước Phật giáo Nam tông. Vì vậy mà tôi không ghi rõ nguồn. Nhưng muốn tìm nguồn thì trong Tam tạng Pāḷi đều đồng nhất; và nếu không có thì giờ, quý vị có thể tìm trong hai tư liệu sau, đều bằng tiếng Anh:

“Dictionary of Pāḷi Proper names” – Q1. trang 794 - ở đây chỉ ghi tóm tắt 4 tuần sau khi Phật thành Đạo.

- Cứ gõ Google: “Seven week after Enlightenment” thì có cả hàng chục trang Web. nói về 7 tuần ấy rất rõ ràng.

Rất cảm ơn quý thầy. Trân trọng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/08/2021(Xem: 4064)
Sau sự xuất hiện của máy tạo oxy ở Indonesia, và được đến Hội Từ tế Phật giáo Indonesia, Pantai Indah Kapuk, Bắc Jakarta vào hôm thứ hai, ngày 26 tháng 7 năm 2021, 500 thiết bị máy tạo oxy (trong tổng số 5.000 đơn vị viện trợ) đã được bàn giao tượng trưng cho Ban Thư ký Nội các nước Cộng hòa Indonesia tiếp nhận vào hôm thứ ba, ngày 27 tháng 7 năm 2021, để xử lý Covid-19 tại Indonesia.
06/08/2021(Xem: 9608)
Cũng như chuông, trống cũng được coi như là một loại pháp khí không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của đa số dân tộc theo Phật giáo. Phật tử Việt Nam chúng ta rất gần gũi với thanh âm ngân vang thâm trầm của tiếng chuông; tiếng trống thì lại dồn dập như thôi thúc lòng người...Tại các ngôi chùa, trống Bát Nhã được đánh lên là để cung thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng tri buổi lễ. Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm. Bà kệ trống Bát Nhã được đọc như sau: Bát Nhã hội Bát Nhã hội Bát Nhã hội Thỉnh Phật thượng đường Đại chúng đồng văn Bát Nhã âm Phổ nguyện pháp giới Đẳng hữu tình Nhập Bát Nhã Ba La Mật môn Ba La Mật môn Ba La Mật môn.
06/08/2021(Xem: 4696)
Sư thăng tòa nói: "Linh quang độc chiếu (sáng tỏ), thoát hẳn căn trần, thể lộ chân thường, chẳng kẹt văn tự, tâm tính vô nhiễm, vốn tự viên thành, hễ lìa vọng duyên tức như như Phật". Có vị tăng hỏi: "Thế nào là pháp yếu của Đại thừa Đốn ngộ? Sư đáp: - "Các người trước ngưng các duyên, thôi nghĩ muôn việc, thiện và bất thiện, thế gian và xuất thế gian - tất cả các pháp chớ ghi nhớ, chớ duyên niệm - buông bỏ thân tâm khiến cho tự tại, tâm như gỗ đá chẳng còn phân biệt, tâm vô sở hành. Tâm địa nếu không thì Trí huệ nhựt tự hiển, như đám mây tan thì mặt trời hiện ra. Hễ ngưng nghỉ tất cả phan duyên, thì những hình thức tham sân, ái thủ, cầu tịnh đều sạch - đối với Ngũ dục, Bát phong chẳng bị lay động, chẳng bị kiến văn giác tri trói buộc, chẳng bị các cảnh xấu đẹp mê hoặc, tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, ấy là người giải thoát. Đối với tất cả cảnh giới, tâm chẳng tịnh chẳng loạn, chẳng nhiếp chẳng tán,thấu qua tất cả thanh sắc chẳng có trệ ngại, gọi là Đạo nh
06/08/2021(Xem: 4969)
Dấu chân xưa du hóa, một mảnh trời bao dung, gởi những lời vàng ngọc hương xưa bay khắp cả cung trời. Từ xứ Ấn, nơi thánh tích niềm tâm linh Tôn Giáo Phật Đà, Bậc Cha Hiền Đấng Như Lai Thích Ca truyền giáo, khai sáng nguồn tâm nuôi dưỡng chủng tánh cho chư vị Thánh giả Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, hay chư vị Thiên thần Long vương, Trời người quy kính, nghe Đấng Như Lai thuyết giảng, từ gốc nhìn sâu lắng, từ pháp tu thực hành, nên Vua Quan, dân chúng ở xứ Ma Kiệt Đà, xứ Kiều Tất La, vang khắp dòng suối chảy Hưng Long Chánh Pháp nơi xứ Ấn. Có chư vị Thập đại đệ tử lớn, các vị Thánh Tăng tu tập chứng nghiệm, đạt thánh quả A-La- Hán. Tôn Giả A- Nan nối truyền Kinh Tạng nghe thông thuộc ghi nhớ không sót một câu, Tôn Giả Đại Ca Diếp nối truyền Y bát tâm tông Phật trao, làm đệ nhất Tổ sư truyền thừa, vị Luật sư Tôn giả Ưu Ba Ly, và 500 vị A- La-Hán, kết tập Kinh điển Giáo lý mà Đấng Như Lai thuyết trình qua 49 năm hành hóa độ sinh, Tôn Giả A- Nan là vị trùng tuyên Kinh Tạng, Tôn Giả Ưu-Ba-
05/08/2021(Xem: 3673)
Neil Lindsay, Phó Chủ tịch Amazon Affiliate (một chương trình tiếp thị liên kết) hỏi rằng, anh muốn đóng góp chung cảnh với ai tại Cannes Lions, lập tức anh nghĩ đến Thiền giả Yuval Noah Harari, nhà sử học Do Thái, tác giả 3 cuốn sách nổi tiếng “Sapiens”, “Homo Deus” và “21 Lessons for the 21st Century” vừa có bài viết trên Financial Times về tương lai thế giới sau đại dịch Covid-19 và những lựa chọn của nhân loại.
04/08/2021(Xem: 3771)
Đây là lần đầu tiên, trường Đại học Dongguk tổ chức buổi Thiền Trà đạo thành kính tưởng niệm Thiền sư Vạn Hải (1879-1944), cũng là kỷ niệm Ngài nhập học vào ngày 29 tháng 6 năm 1944, Ngài từng là cựu sinh viên Đại học Dongguk, là Hiệu trưởng cựu sinh viên đầu tiên, nay Ngài đã trở về trường cũ của mình sau 77 năm. . . Trường Đại học Dongguk đã tổ chức buổi lễ Thiền Trà đạo thành kính tưởng niệm Thiền sư Vạn Hải tại Chính Giác Viện vào lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 29 tháng 6 năm 2021.
03/08/2021(Xem: 4158)
Trong một văn bản độc quyền bằng tiếng Pháp, Thiền giả Yuval Noah Harari, một nhà sử học người Israel, giáo sư Khoa học Lịch sử tại Đại học Hebrew của Jerusalem, trường đại học lâu đời thứ hai ở Israel, sau trường Technion. Ông là tác giả của các quyển sách bán chạy nhất thế giới “Sapiens: Lược sử loài người” (2014), “Homo Deus: Lược sử tương lai” (2016) và “21 bài học cho thế kỷ 21” (2018). Bài viết của ông xoay quanh ý chí tự do, ý thức, trí tuệ và hạnh phúc. Nhìn lại năm đặc biệt này. Sau một năm khám phá khoa học và những thất bại chính trị, chúng ta có thể rút ra bài học gì cho tương lai?
03/08/2021(Xem: 7435)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào thứ 6 (July 30 2021) tuần vừa qua, Hồi từ thiện Bồ Đề Đạo Tràng chúng con, chúng tôi vừa thực hiện một đợt phát quà hỗ trợ cho 250 hộ bà con lao động nghèo tại quê hương VN nhân hoạn nạn Dịch Covid bùng phát. Kính mời quí vị đọc nguyên văn lời Tường trình của Ni Sư Huệ Lạc sau đây!
03/08/2021(Xem: 4887)
NGUYỆN CẦU ĐỂ LÀM NGUÔI CƠN SỢ HẢI VÌ BỆNH DỊCH Những vần thi kệ đã cứu tu viện Sakya khỏi bệnh tật *** *** Nguyện tất cả những tật bệnh quấy rầy tâm thức của chúng sanh, Và những thứ do kết quả từ nghiệp chướng và những điều kiện tạm thời, Chẳng hạn như những tổn hại do quỷ thần, đau ốm, và sức mạnh thiên nhiên, Không bao giờ xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]