Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Định

18/12/201508:58(Xem: 6792)
Thiền Định

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Sīlaguṇa-Mahāthera)

NHẶT LÁ RỪNG XƯA
Tủ sách Huyền Không Sơn Thượng

(Phật lịch 2558 – 2015)

Thiền Định
(Samatha-bhāvanā)

 

Bhāvanā nghĩa là tiến hành, tiến triển, phát triển về tinh thần; samatha nghĩa là yên tĩnh, vắng lặng; cả cụm từ samatha

-bhāvanā nghĩa là thực hiện sự yên tĩnh, vắng lặng mà ngày nay dịch là thiền vắng lặng, thiền chỉ hay là thiền định.

Từ khi thiền Đông độ từ Đạt Ma - Huệ Năng hình thành và phát triển; và sau này sang Nhật Bản biến thành thiền Zen, sang Việt Nam từ thời Tỳ-ni-đa-lưu-chi - đệ tử của tam tổ Tăng Xán; rồi sau này là Lâm Tế, Tào Động... thì thiền ấy có sợi chỉ đỏ xuyên suốt là thiền minh sát (vipassanā), thiền tuệ hay tuệ quán có từ Tứ Niệm Xứ thời Phật. Và dường như ở đâu, các chi phái thiền tông xưa cũng như nay, người ta chẳng mặn mà gì với thiền định cho lắm. Nếu không muốn nói là nhạo báng thiền định!

Và có lẽ sớm nhất trong lịch sử thiền tông, ngay trong Pháp Bảo Đàn, tổ Huệ Năng cho ngồi thiền là chỉ làm cho “đầu xương thối”, hoặc: “Trụ tâm quán tịnh là bệnh chứ không phải thiền”. Và rõ nhất là câu kệ của Ngoạ Luân: “Ngoạ Luân có biệt tài. Cắt đứt trăm tư tưởng. Đối cảnh tâm không khởi. Bồ-đề ngày càng tăng” thì được Huệ Năng đối lại: “Huệ Năng chẳng biệt tài. Chẳng dứt trăm tư tưởng. Đối cảnh, tâm cứ khởi. Bồ-đề làm sao tăng”.

Thế thì tại sao con đường thực hiện Đạo Đế là Bát Chánh Đạo, mà Bát Chánh Đạo chính là Giới (ngữ, nghiệp, mạng), Định (tấn (1), niệm, định) và Tuệ (kiến, tư duy)? Đấy là những yếu tố “cần và đủ” để thành tựu chánh trí, giác ngộ, giải thoát; vậy thì tại sao người ta cười chê định, hẳn là có lý do nào chứ?

Thời Phật, khi ngài đắc hai tầng thiền cao nhất là Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng ngài cũng từ bỏ. Đêm tu tập để thành đạo, đức Phật nghĩ: “Đối với bát định tự ngàn xưa ta đã thuần thục. Tuy nhiên, phương pháp đi vào các định ấy có sự dẫn đạo mạnh mẽ của dục tham và sở đắc; do vậy, khi an trú các tầng định cao nhất thì bản ngã và tham ưu nó vẫn còn nằm ẩn ở đấy dưới dạng tiềm miên”. Rồi ngài chợt nhớ lại: “Thuở 5 tuổi theo vương phụ dự lễ hạ điền, ta đã ngồi kiết-già yên tĩnh, để tâm thức trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ mà ta đã và định rất dễ dàng! Vậy thì sao ta không đi vào từ định này, tức là ly dục, ly sở đắc, ly bản ngã để đi vào các tầng thiền xem nó ra sao?”

Thê rồi Siddhattha Gotama để tâm trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ, lát sau cả một khối thân tâm đã trở nên thuần nhất; không thấy trong, không thấy ngoài, không thấy ngã, không thấy ngã sở; ngài chỉ thấy hơi gió vào ra, càng lúc càng nhẹ, càng mỏng... Rồi dần dần, làn gió ấy chợt trở nên sáng trong... Siddhattha Gotama lần lượt đi vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, rồi tứ thiền một cách dễ dàng, dường như không có một gắng sức nào. Trú định một hồi, Siddhattha Gotama trở lại cận hành (2), ngài suy nghĩ: “Phải rồi, đầu tiên đi vào định này không có các dục, bản ngã và sở đắc thì sau khi chứng đạt nó thì ta cũng với tâm giải thoát, không dính mắc nó”. Với cảm nghiệm ấy, Siddhattha Gotama trú định trở lại, hoàn toàn vững chắc, kiên cố, ngài lại xuống cận hành, sử dụng tầm và tứ hướng tâm đến tiền kiếp... rồi đắc Túc mạng minh... rồi đắc Thiên nhãn minh. Cũng ở mức độ cận hành định, đức Phật quán Ngũ uẩn, Thập nhị nhân duyên, Tứ diệu đế rồi đắc Lậu tận minh, chứng quả Chánh Đẳng Giác.

Vậy là đã rõ. Đức Phật cũng sử dụng định nhưng là “định vắng lặng tham ưu, không có các dục, bản ngã và sở đắc” Do vậy, trong các Nikāya, khi mô tả định sơ thiền, ngài nói: “Ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ”.

Trong Thanh tịnh đạo, cho ta biết rằng, những người đắc định tứ thiền thường dễ dàng hướng đến thần thông (các thắng trí), lên 4 thiền Vô sắc hoặc tu tuệ quán để có chánh trí, giải thoát. Trường hợp khác, không cần tứ thiền, chỉ cần cận hành của sơ thiền rồi quay sang tu tập minh sát. Trường hợp khác nữa, người căn cơ thượng trí, không cần cận hành, mà đi thẳng vào minh sát cũng được, đây được gọi là “càn tuệ” hay“khô tuệ” (sukkha-pañña) (3): Đây là loại tuệ không có định, nói cách khác, là định ẩn trong tuệ. Và nếu vậy thì chẳng lẽ nào tất cả những người tu theo thiền tông đều là căn cơ thượng trí, không cần định cũng có thể “kiến tánh thành Phật” cả? Hy vọng đây không phải là câu hỏi tu từ!

Định là cần thiết, không có định không được. Có lẽ do những người tu thiền định, chấp định thì dễ bị rơi vào bản ngã, tham dục và sở đắc mà không hề biết. Có kẻ khi có hỷ lạc của thiền rồi dễ sinh dính mắc, không bước ra được. Cũng có kẻ có định rồi lại không sử dụng đúng mục đích “định năng sinh tuệ” mà lại sa-đà vào thần thông, phép lạ rồi nô lệ cho tham vọng ngông cuồng (như trường hợp Devadatta). Có những người đắc định khi đã quen, đã thấy an lạc, hạnh phúc trong “tháp ngà thanh tịnh” của mình rồi thì khó đi ra thế giới ngũ trần để học bài giác ngộ! Khó đi vào thế giới ngũ trược tương quan liên hệ để trau dồi những đức tính nhẫn, xả, từ, bi...! Nếu ở mãi trong tháp ngà, lâu ngày, thì cái tâm nó thu rút lại, biến thành thụ động, tiêu cực, ích kỷ, chỉ cần an toàn bản ngã thôi, thế gian mặc kệ! Vậy, vấn đề có lẽ là do cái định này, gọi là “thủ tịnh” mà các nhà Đại thừa hoặc Thiền tông chê là “tiêu nha, bại chủng” đây! (4) Mong rằng điều này là đúng để người ta khỏi hiểu lầm “tiểu thừa” một cách oan uổng! Chư vị Thanh Văn ai cũng phải quán, phải minh sát để thấy rõ ngã không, pháp không mới đắc quả được! Không ai có thể “thủ tịnh” ích kỷ mà có thể vào dòng!

Để kết luận, tôi có dạy một lớp thiền định trải qua ba năm, tôi thấy rõ lợi lạc bất khả tư nghì của nó. Xã hội bây giờ, con người hôm nay rất cần thiền định. Tôi thấy rõ thiền định có khả năng đối trị hiệu quả:
       - Những người dễ bức xúc do hoàn cảnh xung quanh.

- Nhưng người dễ xúc động, mềm yếu.

- Những người buông lung, phóng dật.

- Những người hay nóng nảy, bực bội.

- Những người hời hợt, hấp tấp, vội vã.

- Những người tính khí thất thường sớm nắng, chiều mưa.

- Những người không tập trung tâm ý vào công việc được.

- Những người làm việc quá căng thẳng.

- Những người thần kinh yếu, dễ mất bình tỉnh, thiếu tự chủ.

- Những người bệnh tim, bệnh thận, rối loạn tiêu hoá.

- Những người lao tâm, lao lực quá nhiều...

Nói tóm lại, còn rất nhiều nữa, nhiều nữa... thiền định có công năng tuyệt vời là để cho thân tâm hoàn toàn được nghỉ ngơi, lấy lại sinh lực đã mất đi, nó điều chỉnh toàn bộ cái gì trục trặc hoặc xơ cứng của các tế bào làm cho khí huyết lưu thông, âm dương thuỷ hoả trở lại cân bằng. Có nghĩa cả thân và tâm đều được lợi ích. Tuy nhiên, tất cả sự “tuyệt hảo” trên nó chỉ có tính năng đối trị, đáp ứng tình thế nhất thời. Nếu dừng lại ngang đó, tự mãn ngang đó, lâu ngày sẽ trở thành căn bệnh khó chữa, lại sinh chấp thủ, bản ngã, sở đắc, dục tham... rồi sẽ bị thiên hạ cười chê và nhạo báng thì phải chõng tai, “thuận nhĩ” mà nghe vậy!

Làm thế nào, bao giờ, TUỆ ĐỊNH cùng có, cùng song hành, cùng phát triển tính năng đặc thù của nó để chấm dứt “khổ đau tham sân phiền não” ngay tại đây và bây giờ mới được đức Phật khen ngợi như trong Kinh Lời Vàng 384:

“- Khi người tuệ, định đủ đầy

Bờ kia sẽ đạt ở đây, tức thì

Bao nhiêu thằng thúc đoạn ly

Là sa-môn đã liễu tri, tỏ tường” (5). 

Ghi chú:

(1) Tấn có thể nằm riêng, khi thêm năng lực cho Giới, khi thêm năng lực cho định, khi thêm năng lực cho tuệ.

(2) Trong định thì không có tầm tứ, phải trở lại cận định, có tầm tứ tức là có tư duy và quan sát mới “nghĩ suy” và “nhìn ngắm” được.

(3) Sukkha có nghĩa là khô, khô khan vì tuệ giải thoát này không có định, có nghĩa là không có khả năng tu thần thông để du hí, không có thánh định để nghỉ ngơi, tịnh dưỡng 5, 7 ngày gì đó!

 (4) Còn những ai chê chư vị A-la-hán là “tiêu nha, bại chủng” thì cứ xem đời sống của chư vị Thanh Văn, như chư vị tôn giả Sāriputta, Moggallāna, Mahā Kassapa... một đời phụng sự nhân quần thì hãy suy nghĩ lại, nếu không sẽ bị “rút lưỡi” đấy!

 (5) Yadā dvayesu dhammesu, pāragū hoti brāhmaṇo, athassa sabbe saṃyogā, atthaṃ gacchanti jānato.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/07/2024(Xem: 1863)
Dù tại gia hay xuất gia, chúng ta đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi, không chịu tìm hiểu xem Đức Phật dạy những gì để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, tìm hiểu xem đâu là chánh pháp, điều gì là Chánh kiến thì khổ đau vẫn hoàn đau khổ, theo đạo Phật như thế thì không lợi lạc gì bao nhiêu và.. có khác chi bao người không biết đến Phật Pháp?
18/07/2024(Xem: 1762)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Với tâm niệm: ''Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật'', vào ngày hôm qua, các thành viên hội từ thiện chúng con, chúng tôi đã tiếp tục thực hiện một buổi thiện sự chia sẻ cho dân nghèo khúc ruột miền Trung. Kính mời Đại chúng xe bản tường trình từ Cố Đô Huế.
04/07/2024(Xem: 2258)
Trong tâm niệm:''Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật'', hội Từ thiện Trái Tim Bồ Đề vừa thực hiện hoàn mãn thiện pháp tại quê nhà, chia sẻ chút Phước lành đến những người mù lòa, khuyết tật, khó khăn.. Xin gửi chư vị vài hình ảnh buổi Từ thiện tại chùa Thiện Thệ do Ni Sư Thích nữ Huệ Lạc, thành viên của Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đề tại VN tường trình ! (June 27 2024)
27/06/2024(Xem: 1859)
Trong nhiều bài pháp tôi đã viết, thì thường đề cập đến vấn đề làm phước, tích phước, tích đức, hay tu thiện... Và trong cuộc sống hàng ngày nếu gặp ai có duyên tu hành tôi cũng khuyên họ làm như thế. Tuy nhiên, không phải ai chúng ta nói họ cũng nghe, vì họ không tin có kiếp trước kiếp sau, không tin hoàn toàn nhân quả tội phước...
18/06/2024(Xem: 1869)
Phần này bàn về các cách dùng cái đồng, kính, gương - chiếu kính, soi đồng, soi gương từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời.
06/06/2024(Xem: 2074)
Hạnh phúc thay Đức Phật giáng sinh Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh Hạnh phúc thay tăng già hòa hợp Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu (Kinh Pháp cú phẩm Phật Đà 194) Trước khi Đức Phật ra đời, Ngài đã mang một hoài vọng lớn cho cuộc đời này rồi. Cho nên trong Trường Bộ Kinh có ghi: Ta ra đời vì lợi ích, an lạc cho số đông, vì lợi ích an lạc cho chư thiên và loài người. Đây là hoài vọng của chư Phật nói chung hay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng.
12/05/2024(Xem: 8933)
Thời gian gần đây hiện tượng sư Thích Minh Tuệ tu theo hạnh Đầu Đà đi bộ từ Nam chí Bắc đã được quần chúng đủ mọi thành phần ngưỡng mộ. Họ chờ đón sư ở dọc đường, cúi đầu hoặc quỳ xuống lòng đường để đảnh lễ, tặng đồ ăn thức uống, có khi tháp tùng sư một đoạn đường dài. Có khi họ tụ tập quanh sư tại nơi nghỉ chân, có khi là nghĩa địa, một ngôi nhà hoang, hoặc dưới tàng cây, ngồi quanh sư để nghe sư thuyết pháp hoặc vấn hỏi một số vấn đề. Đặc biệt tại Thanh Hóa có cả xe chở mấy chục học sinh Tiểu Học, tung tăng chạy tới để chiêm ngưỡng và vái lạy sư. Và lần đầu tiên một vị sư thuyết pháp tại một nghĩa địa.
08/03/2024(Xem: 3435)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Bát cháo sữa của nàng thôn nữ Sujata tuy giá trị rất nhỏ, nhưng mang lại lợi ích cho nhân loại và quả địa cầu này là rất lớn, vì nhờ đó mà Sa-môn Gautama không chết do kiệt sức trong giai đoạn cần khổ tu hành. Cũng vậy, những giúp đỡ nho nhỏ, từ thiện nho nhỏ, đôi lúc có giá trị lớn & ý nghĩa lớn đối với những mảnh đời khốn khó..
29/02/2024(Xem: 4644)
Một trong những Phúc Lành cao thượng! Bạn biết chăng? May mắn lớn nhất của cuộc đời, chẳng phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là bạn gặp được những người có thể dẫn bạn đi đến 1 nền tảng cao hơn. Thật ra hạn chế sự phát triển của bạn, không phải là trí thông minh hay học lực, mà là các mối quan hệ trong cuộc sống, mối quan hệ trong công việc.
27/02/2024(Xem: 2188)
Kính thưa chư Tôn đức, chư vị thiện tâm và pháp hữu . Dân gian VN ta có câu: ''Lễ lạy quanh năm, không bằng tạo Phúc rằm tháng giêng?'' Vì sao thế? Vì ngày mùng 1 là ngày đầu tháng nhưng đêm lại tối đen; còn ngày Rằm lại có trăng sáng sủa. Trong một năm, ngày rằm đầu tiên là rằm tháng giêng nên người ta mới rủ nhau tạo phúc. Cùng trong ý niệm đó, xin chia sẻ với chư vị thiện pháp Rằm Thượng Nguyên tại quê nhà, qua lời tường trình của Ni Sư Thích nữ Huệ Lạc, thành viên của Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đề tại VN!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]