Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bố thí thiêng liêng và bố thí phàm tục

28/11/201511:43(Xem: 9912)
Bố thí thiêng liêng và bố thí phàm tục

BỐ THÍ THIÊNG LIÊNG VÀ BỐ THÍ PHÀM TỤC 
trong Phật giáo Theravada
(Don sacré et don profane dans le Theravada)
Parawahera Chandaratana
Hoang Phong chuyển ngữ

 

hoa-thuong-parawahera-chandaratana-1954-
Hòa thượng Parawahera Chandaratana



Lời giới thiệu của người dịch

            Trong kinh Pháp Cú có câu "Sabba danam dhammadanam jinati" có nghĩa là "Hiến dâng Đạo Pháp - hay Sự Thật - vượt hơn tất cả các hiến dâng khác", thế nhưng sự hiến dâng đó quả khó thực hiện bởi vì cần có một chút vốn liếng nào đó để có thể hiến dâng. Tuy nhiên dường như mỗi người trong tất cả chúng ta đều sẵn có một thứ vốn liếng mang tính cách bẩm sinh, đấy là tình thương yêu trong trái tim mình. Tình thương đó đôi khi cũng không quá mơ hồ và trừu tượng mà có thể hiện ra rất cụ thể qua nếp sống và cung cách hành xử của chính mình, đấy là quyết tâm mang lại sự "an toàn" và "không sợ hãi" cho tất cả chúng sinh, kể cả những côn trùng nhỏ bé. Việc bố thí sự "không sợ hãi" và hiến dâng sự "an toàn" cho tất cả chúng sinh thật hết sức đơn giản: chỉ cần tuân thủ giới luật "không sát sinh", và đấy cũng là giới luật quan trọng nhất trong Phật giáo.

           Dưới đây là một bài viết của Hòa Thượng Parawahera Chandaratana về ý nghĩa của sự bố thí trong Phật giáo Theravada. Ông là một nhà sư Tích Lan, xuất gia từ lúc mười tuổi và hiện trụ trì một ngôi chùa Phật giáo Theravada trong vùng ngoại ô bắc Paris.  

            Chủ đề của bài viết này là do đại học Phật giáo Âu Châu đề nghị với tôi. Thật ra chữ dana - bố thí - không mang một thực tính nào cả, do đó không có gì khác biệt giữa các tôn giáo. Tất cả các tôn giáo đều xem sự bố thí như là một hình thức tu tập thật căn bản.

            Tuy nhiên, phải thú nhận rằng việc bố thí không thấy nêu lên trong "Con đường cao quý của tám điều đúng đắn" (Bát chánh đạo), và cũng không thấy nói đến trong số 37 điều kiện cần thiết để đạt được Giác Ngộ (bodhipakkhiya dhamma) (Tam thập thất đạo phẩm). Việc bố thí có thể đã bị gác sang một bên, chỉ vì việc thực thi bố thí tự nó không tức khắc và cũng không trực tiếp giúp gì vào việc thực hiện Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế). Theo giới luật Phật giáo thì việc bố thí hướng vào một lãnh vực khác hơn. Thực thi bố thí không phải là con đường đưa đến giác ngộ, mà đúng hơn chỉ là một cơ sở cần thiết góp phần phát huy lòng nhiệt tâm giúp mình loại bỏ những sự ô nhiễm (ích kỷ, tham lam, bủn xỉn...) trong tâm thức mình.    

            Mặc dù sự bố thí không phải là một trong số các yếu tố trực tiếp liên hệ đến con đường giải thoát, thế nhưng ít ra nó cũng dự phần vào việc giúp người tu tập thăng tiến trên con đường đó, vì thế cũng không nên xem nhẹ hay đặt yếu tố này sang một bên. Vai trò quan trọng của việc bố thí đã được Đức Phật đưa lên hàng đầu trong nhiều phép luyện tập. Đối với phép luyện tập thăng tiến tuần tự theo từng cấp bậc về sự quán triệt Dhamma (Đạo Pháp), thì việc thực thi bố thí giữ một vai trò tiên quyết, và trong số ba thái độ hành xử thiết yếu mang lại công đức cho người tu tập (Dana - Sila - Bhavana-punnakiriyavatthu) (Bố thí - Trì giới/Tuân thủ giới luật - Cư xử đạo đức) thì bố thí được đặt lên hàng đầu. Đối với bốn phương tiện chủ yếu trợ giúp kẻ khác (sangahavatthuDana - priyavacana - atacariya - samanattata(Bố thí - Thương yêu - hành xử vì lợi ích của kẻ khác - hòa mình để giúp đỡ kẻ khác) thì bố thí cũng là phương tiện quan trọng nhất và đồng thời cũng đứng đầu trong số mườiparamis (thập ba-la-mật) tức là mười điều "hoàn hảo".

            Đối với Phật giáo, dana - việc bố thí - giữ một vai trò thật quan trọng, bởi vì nếu ngay từ lúc mới khởi sự tu tập mà không thực thi việc bố thí thì sẽ không thể nào có thể đạt được sự giải thoát hayNibbana (Niết-bàn).

            Nibbana (tiếng Phạn là Nirvana) có nghĩa là sự hủy diệt các thứ ô nhiễm. Có ba thứ ô nhiễm ngăn chận việc thực thi bố thí. Ô nhiễm thứ nhất là lobha: ham muốn dâm dục, thèm khát và ghét bỏ(tức là các hình thức bám víu rất mạnh khiến tâm thức mình bị khép kín, không thể hình dung được ý nghĩa của sự bố thì là gì). Ô nhiễm thứ hai là dosa: sự giận dữ (giận dữ đi ngược lại với lòng từ bi). Ô nhiễm thứ ba là moha: tức là vô minh (sự u mê tâm thần không cho phép mình nhận thấy được bản chất khổ đau của thế giới). Chỉ cần một trong ba thứ ô nhiễm hiện ra là cũng đủ để ngăn chận chúng ta thực thi dana - bố thí. Ngày nay và cả vào thời đại của Đức Phật cũng thế, nhiều người giàu có cũng không hề thực thi dana, dù họ trông thấy trước mặt những cảnh huống cần được trợ giúp cấp bách. Đôi khi họ còn tìm cách ngăn cản kẻ khác không nên bố thí. Sự bám víu đó gọi là tanha và lobha(tanha: thèm khát, bám víu, lobha: bủn xỉn, bần tiện). Trong khi đó thì bản chất đích thật của hành động bố thí - dana - là sự buông xả.   

            Trong xã hội của chúng ta ngày nay thì người ta thường bố thí là nhằm chờ đợi một sự hồi đáp tương xứng, nói một cách khác là thực thi dana là nhằm mục đích tìm kiếm lợi lộc.  Đấy không phải là một hành động bố thí đúng nghĩa của nó mà đúng hơn chỉ là một hình thức đầu tư. Chỉ có sự buông xả mới có thể giúp chúng ta thực thi dana, tức là một sự bố thí đúng nghĩa của nó, có nghĩa là không chờ đợi một sự hồi đáp nào. Dù trong bất cứ trường hợp nào thì các tư duy hiện ra trong tâm thức mình liên hệ với hành động bố thí, giữ một vai trò vô cùng quan trọng giúp mình tinh khiết hóa hành động bố thí của mình (không biết mình bố thí cho ai, bố thí những gì và cũng không hề ý thức được chính mình lại là người đã bố thí. Thái độ đó của người tu tập phản ảnh các khái niệm căn bản và sâu xa của Phật giáo: đó là "không có cái ngã", "tánh không" và "bản chất ảo giác" của mọi hiện tượng).   

            Một số người làm việc từ thiện để được nổi tiếng, một số khác thì tìm cách vứt bớt các vật thừa thãi trong nhà. Cũng có nhiều người bố thí là để tìm cách vớt vát thanh danh của mình khi đã bị quá nhiều tai tiếng. Tất cả những hình thức dana ấy không có gì là dana cả. Sự bố thí đích thật không mong chờ lợi lộc, cũng không dòm ngó xem của bố thí của mình được người khác sử dụng ra sao. Động cơ thúc đẩy sự bố thí phải là lòng từ bi. Đức Phật dạy như sau: "Para dukke sati sadunam hadaya kampanam karoti ti karuna", có nghĩa là : "Khi trông thấy sự khổ đau của người khác thì con tim mình co thắt lại". Đấy là dấu hiệu cho thấy lòng từ bi (karuna) của mình đang bùng lên. Dana trong trường hợp đó là dana đích thật, bởi vì nó không chờ đợi một sự biết ơn nào cả (khi con tim co thắt lại thì đấy cũng đã là một sự bố thí rồi, duy nhất chỉ có sự tham lam và thèm khát trong tâm thức mình là nghĩ đến lợi lộc. Do đó nếu mình chỉ biết bám víu vào sự tham lam và thèm khát thì con tim mình sẽ bị bỏ quên và trở nên vô cảm, nó sẽ không còn biết co thắt là gì nữa). Sự bùng lên của lòng từ bi đó có thể bất thần biến thành một hành động bố thí, có thể là thuộc lãnh vực tinh thần hay vật chất. Thể dạng tâm thức vào đúng lúc thực thi bố thí giữ một vai trò quan trọng hơn là chính hành động bố thí (tác ý bên trong tâm thức sẽ trực tiếp và tức khắc tạo ra nghiệp in đậm trên dòng tri thức mình, trong khi đó tác động bên ngoài của hành động bố thí ấy sẽ còn liên hệ và tùy thuộc vào tâm thức người nhận và bối cảnh đang xảy ra, và cả các cơ duyên sẽ xảy đến sau này trong tương lai, đối với người nhận cũng như đối với mình - sự vận hành của nghiệp rất phức tạp là vì thế).

Các cách bố thí của những người theo Phật giáo Theravada

            Đức Phật qua các tiền kiếp cũng đã từng thực hiện nhiều việc từ thiện. Các câu chuyện trongJakata (Bổn Sanh Kinh) đã nhắc đến nhiều tấm gương bố thí của Ngài. Khi còn là một người Bồ-tát, Đức Phật đã từng hiến dâng các bộ phận của cơ thể mình để thay cho những người đau ốm. Đức Phật từng nói lên tầm quan trọng và hiệu quả của hành động thực thi dana. Trong các tiền kiếp, là một người Bồ-tát, Ngài đã từng thực thi nhiều việc từ thiện nhưng không hề chờ đợi một sự hồi đáp nào. Các hành động đó gọi là "paramita" có nghĩa là sự "hoàn hảo". Paramita thứ nhất gọi là dana paramita(Hán dịch là "bố thí ba-la-mật" tức là sự "bố thí hoàn hảo"). Có tất cả mười paramita (Thập Ba-la-mật)mà người Bồ-tát phải hoàn tất trước khi có thể đạt được sự thật Tối Thượng (tức là sự Giác Ngộ, có nghĩa là quán thấy được Sự Thật của mọi hiện tượng). Tóm lại paramita là các hành động đạo hạnh thực thi bởi một người Bồ-tát. Người Bồ-tát là người hoàn tất được sự buông bỏ tuần tự tất cả những giá trị vật chất, hầu giúp mình thực hiện thể dạng của Phật (trong đoạn này có hai điểm đáng lưu ý. Thứ nhất là kinh Jataka là một bộ kinh được "trước tác" và sau đó đã được "thêm thắt" và "sửa chữa" nhiều lần từ thế kỷ thứ III trước Tây Lịch. Bản cuối cùng và dứt khoát được ghi chép bằng tiếng Pa-li vào thế kỷ Thứ III sau Tây Lịch, gồm 547 câu chuyện thuật lại các tiến kiếp của Đức Phật. Các câu chuyện này không được xem là do Đức Phật thuật lại, mà đúng hơn phản ảnh ít nhiều các chuyện cổ tích và huyền thoại Ấn Độ mang tính cách giáo dục luân lý và đạo đức. Tuy được ghi chép bằng tiếng Pa-li thế nhưng Phật giáo Tích Lan không xếp kinh này vào Kinh Tạng, trong khi đó Phật giáo Miến Điện thì lại xếp kinh này chung trong Kinh Tạng - trong tập Khuddakha Nikaya/Tiểu Bộ Kinh. Điểm đáng lưu ý thứ hai là khái niệm về người Bồ-tát là một trong các khái niệm chủ yếu của Đại Thừa Phật giáo, cũng đã được nêu lên trong kinh Jataka cũng như một số các kinh khác bằng tiếng Pa-li. Tóm lại có thể xem kinh Jataka như là một "phương tiện thiện xảo").

            Các tín đồ trong những quốc gia theo Phật giáo Theravada luôn nhìn vào tấm gương của người Bồ-tát để thực thi bố thí hầu mang lại công đức cho mình. Trong cõi samsara (cõi luân hồi) tức là trong kiếp sống hiện tại của mình, nếu bố thí thì tất sẽ gặt hái được công đức. Một người không thực thidana thì sẽ chẳng có gì để hưởng. Đức Phật giảng rằng hành động tốt sẽ mang lại kết quả tốt, hành động xấu sẽ mang lại kết quả xấu.

            Tham gia các buổi lễ hoặc các sinh hoạt từ thiện do người khác tổ chức cũng là một cách biểu lộ từ tâm của mình. Trong các nước Phật giáo, sự tham gia đó thường được thể hiện dưới nhiều hình thức, như khích lệ hay phụ giúp những người tham gia tích cực hơn vào các hành động từ thiện, họ ngợi khen nhau bằng những lời như "sadhu, sadhu!" (tiếng Pa-li có nghĩa là "hoan nghênh", "hoan nghênh!", hoặc cũng có nghĩa là "đúng lắm!", "tốt lắm!"với ý nói lên sự biết ơn của mình về một hành động nào đó. Tất cả những người tham gia vào một công tác thường đồng loạt thốt lên những lời ấy(để cùng khuyến khích nhau. Nói chung hưởng ứng hay khích lệ cũng mang một tinh thần bố thí, là một cách giúp mình xô sập những bức tường ích kỷ mà mình thường nấp phía sau).

            Vào những dịp lễ, nhất là lễ Phật Đản, dân chúng thành thị cũng như thôn quê đều chuẩn bị những gói quà để biếu tặng người nghèo, nào là quần áo, quà bánh, và cả những gì mà họ thường thiếu thốn quanh năm. Quà biếu cũng được mang đến các bệnh viện và những nơi chăm sóc người khuyết tật.

            Trong các ngày lễ đó mọi người nguyện sẽ tuân thủ tám giới luật (thay vì năm giới luật như thường lệ), và đó cũng là một hình thức dana bởi vì mình dành ra được một bữa cơm chiều mà mình không ăn để hiến dâng cho người khác (người thế tục phải tuân thủ tối thiểu năm giới luật: 1-không giết hại, 2- không trộm cắp, 3- không tà dâm, 4- không nói dối, 5- không say sưa, hoặc mười giới luật, tức là giữ gìn thêm năm giới luật nữa: 6- không ăn quá bữa - tức chỉ ăn bữa trưa, 7- không hát xướng, vui chơi, 8- không trang điểm, xức nước hoa, 9- không ngủ giường cao, nệm êm, 10- không dính dáng đến chuyện tiền bạc. Trong các ngày lễ nếu giữ được tám giới, thì giới thứ sáu là không ăn gì cả sau bữa cơm trưa, và nhờ đó mình sẽ dành ra bữa cơm chiều cho người nghèo).

            Ngoài ra tham gia vào việc cúng dường cho người tu hành cũng là một hành động dana đặc biệt được xem trọng trong các nước theo Phật giáo Theravada. Người thế tục thường mời các vị tỳ kheo về nhà mình để được dịp hầu tiếp họ, biếu họ quần áo, thuốc men, và các thứ cần thiết khác, hầu mang lại công đức cho mình, và với các công đức đó thì mình lại mang ra để hiến dâng cho những người thân đã khuất. Các dịp như thế cũng thường được tổ chức khi có người qua đời trong gia đình(trong quá khứ Đề-bà Đạt-đa/Devadatta, đệ tử và em họ của Đức Phật chủ trương một số điều khoản khắt khe, trong số này có các điều khoản như: không được tham dự các bữa ăn do người thế tục mời, chỉ ăn những gì mình khất thực; không được nhận quần áo do người thế tục cúng dường, chỉ mặc quần áo may bằng những tấm vải rách nhặt được, v.v.).                   

            Tại hầu hết các nước theo Phật giáo Theravada người thế tục thường thực thi một phép danagọi là "sangha dana" có nghĩa là hiến dâng cho Sangha (Tăng đoàn)Sangha dana là một cách trợ giúp cho toàn thể những người xuất gia, không nhắm vào một cá nhân nào. 

            Chữ "Sangha" (Tăng đoàn) có thể hiểu theo ba góc cạnh khác nhau:

            1- Sangha có nghĩa từ chương là "nhiều hơn một người".

            2- Savaka Sangha có nghĩa là tập thể những người tu hành đã được thụ phong ở một cấp bậc cao. Người thế tục có thể mời các vị này về nhà mình hoặc đích thân đến chùa để thực thi dana. Đó là một sự cấp dưỡng vật chất góp phần trợ giúp những người phải sống thiếu thốn nơi chốn chùa chiền. Các buổi lễ hiến dâng do người thế tục tổ chức thường là để tưởng nhớ đến những người thân quá cố và hồi hướng công đức của mình cho họ, và đồng thời thì đấy cũng là những dịp trợ giúp Sangha(Tăng đoàn) (các hình thức sinh hoạt này cũng rất phổ biến trong  Đại Thừa Phật giáo).

            Sở dĩ các lễ dana được tổ chức là vì người ta không thể biết được là những người thân quá cố của mình nay đang ở đâu: trong những nơi sung sướng không cần đến một sự chăm sóc nào, hay là phải lang thang trong cảnh nghèo đói, mong chờ sự trợ giúp và tình thương yêu.

            Người ta gọi các chúng sinh "peta" (tiếng Phạn là preta, là các sinh linh đói khát) hay "bhuta"(spirit/ghost/ma quỷ) sống trong các cõi khổ đau. Các sinh linh ấy sẽ tức khắc hiện ra mỗi khi có các buổi lễ dành cho họ, thế nhưng chúng ta không sao trông thấy được họ bằng mắt thường.

            Những người bố thí trong trường hợp này phải giữ một tâm thức tinh khiết, không một thoáng giận dữ, bám víu hay bất kính nào, v.v., thì mới tạo được công đức để hồi hướng cho những người quá cố (đây cũng là một điểm cần lưu ý: theo Phật Giáo Theravada sau khi chết thì quá trình tái sinh sẽ diễn tiến ngay tức khác. Do đó sự hồi hướng ở đây có nghĩa là hồi hướng cho thể dạng tái sinh của những người thân của mình. Nếu mở rộng sự suy luận hơn nữa thì chúng ta cũng có thể hiểu rằng các thể dạng chúng sinh đang hiện hữu chung quanh chúng ta trong lúc này - chẳng hạn như các súc vật, các người nghèo đói, các kẻ hung dữ, khủng bố, sát nhân, những người hiền lành, đạo đức, cao cả, đáng kính,... - cũng có thể là các thể dạng tái sinh của những người thân quá cố của mình)

            3-Ariya sangha hay Tăng đoàn Cao Quý: Có nghĩa là gồm những người đã vượt được giai đoạn đầu tiên trên con đường mà Đức Phật đã vạch ra - họ có thể là người thế tục hay là người tu hành của bất cứ một tôn giáo nào.

            Giai đoạn đầu tiên của con đường gọi là "bước vào dòng chảy" gồm có việc tẩy trừ ba trong số mười thứ chướng ngại: 1- tin vào một linh hồn toàn vẹn và thường hằng ("cái tôi" hay cái ngã), 2- sự hoang mang (có nghĩa là sự xao lãng: chúng ta sống trong ảo giác với tất cả các thứ xúc cảm phát sinh từ những thứ ấy, thế nhưng chúng ta thì lại luôn có cảm giác là mình "tỉnh táo"), 3- tin vào sự tinh khiết hóa bằng các lễ lạc bên ngoài. 

            Chính vì thế mà Đức Phật đã từ chối không nhận chiếc áo mà người mẹ nuôi tự tay may cho mình, vì cho rằng hiến dâng tức là nhắm vào toàn thể Tăng đoàn Cao Quý, và Ngài thì cũng chỉ là một thành phần trong Tăng đoàn ấy mà thôi.

Cung cách bố thí

            Kinh điển (chẳng hạn như kinh A. iii, 172) (tức là kinh Sappurisadana Sutta/"Món quà do một người chân thật hiến dâng" -  Tăng Chi Bộ Kinh - AN V.148. Bài kinh nêu lên năm cách hiến dâng của một người ngay thật và đạo đức) thường đề cao cung cách bố thí. Thái độ và thiện chí giữa người cho và người nhận sẽ tạo ra cả một thế giới và cái thế giới đó không tùy thuộc vào giá trị của món quà bố thí.

            Sakkaccam danam deti: Phải hiến dâng như thế nào để người nhận không cảm thấy tủi nhục, bị chạm tự ái hay bị tổn thương. Những người nghèo khó cầu xin một sự trợ giúp thường hay cảm thấy ngại ngùng, vì thế bổn phận của người cho là không được làm cho cảm tính ấy trở nên không sao chịu đựng được, khiến cho người nhận cảm thấy cái gánh nặng của mình càng nặng nề hơn.

            Cittikava danam deti: Món quà bố thí phải được hiến dâng với tất cả sự ân cần và kính trọng. Người nhận phải cảm thấy được sự quý mến của người cho đối với mình. Nếu một món quà được hiến dâng với tình thương yêu thì những mối dây thân ái sẽ buộc chặt giữa người cho và người nhận.

            Sahattha deti: Phải tự tay hiến dâng. Đích thân hiến dâng sẽ mang lại được nhiều điều tốt lành hơn. Sự tận tình sẽ tạo ra một sự tương kết giữa người cho và người nhận; và đấy cũng là những gì cần phải có trong xã hội. Sự tương trợ và lòng rộng lượng chân thật sẽ giúp cho xã hội đoàn kết hơn.

            Na apaviddham deti: Không nên bố thí những gì không giá trị. Chỉ nên hiến dâng những gì ích lợi và thích nghi.

            Na anagamanaditthiko deti: Không nên hiến dâng với một thái độ nghiêm khắc khiến sau đó người nhận không còn dám xin nữa.

            Bố thí với niềm tin (saddaya: devote (saddaya: devotedly, faithfully/chân tình, thành thật, chân thật) là một cách bố thí mà kinh điển thường đề cao (kinh A. iii, 172) (tức là Kinh Suppurisadana Sutta đã được ghi chú trên đây). Nhất là khi hiến dâng cho người xuất gia thì phải thật thành tâm và kính cẩn, và xem đấy là cả một niềm vui cho mình.

            Mỗi khi đứng trước một cảnh huống ngặt nghèo thì phải bố thí ngay, không do dự một chút nào (kalena deti(kalena: bất thường, keti: hiến dâng, biếu tặng, có nghĩa là một sự cố gắng thêm ngoài sự dự trù của mình). Những sự bố thí kịp thời thật hết sức quan trọng vì sẽ làm nhẹ bớt đi sự lo lắng của những người đang gặp cảnh khó khăn không lối thoát. Phải bố thí với tất cả tình nhân ái, duy nhất chỉ nhằm vào mục đích giúp đỡ kẻ khác đang trong hoàn cảnh khó khăn thế thôi (anuggahacitto danam deti).

            Việc bố thí luôn đòi hỏi sự chú tâm, không gây ra tổn thương cho mình cũng như người khác(attanam ca paran ca anupahacca dana m deti). Đức Phật dạy rằng phải thật thận trọng và kín đáo khi hiến dâng (viceyyadana m sugatappasattham). Khi nào tin chắc rằng việc bố thí của mình sẽ mang lại sự an vui cho kẻ nhận thì hãy nên làm. Nếu thấy việc bố thí của mình, vì một lý do nào đó, có thể gây tổn hại đến sự an vui của kẻ khác, thì không nên làm. Bố thí với sự thận trọng đó gọi là sự bố thí của một người đáng kính (sappurisadana(sappurisa có nghĩa là một người tốt, đáng kính phục). Cách mà mình bố thí sẽ làm gia tăng giá trị của vật bố thí. Dù không đủ khả năng hiến dâng những món quà đắt giá, thế nhưng qua cách hiến dâng mình cũng có thể biểu lộ được sự lo lắng của mình trước cảnh huống khó khăn của người nhận.   

            Đức Phật có nêu lên ba cách bố thí nên làm:

            1- Amisa dana(amisa: thực phẩm) Bố thí bằng hiện vật. Tất cả các tôn giáo đều thực thi rộng rãi cách bố thí này. Rất nhiều các tổ chức tôn giáo và xã hội rất tích cực trong việc bố thí thực phẩm, quần áo, nơi ăn chốn ở cho người nghèo và những người tị nạn. Cách bố thí này có thể qua trung gian của các Tăng đoàn, hoặc qua sự giúp đỡ của tư nhân hay cơ quan nhà nước. Tuy nhiên cũng phải theo dõi xem những gì mình bố thí có đến tay người nhận hay không. Đức Phật dạy rằng việc bố thí này thật đáng nên làm. Thế nhưng trên thực tế nếu muốn biến ý nghĩ bố thí trở thành một hành động, tức là trở thành sự thật, thì không phải là chuyện hiển nhiên và ai cũng làm được. Vì thế mỗi người phải vượt lên trên sự thiếu thiện chí của mình, có nghĩa là phải loại bỏ được sự ích kỷ, là hậu quả của các cảm tính tham lam, giận dữ, keo kiệt và vô tình.     

            2- Abhaya dana(abhaya: sự an toàn, không sợ hãi)  Sự bố thí này có thể thực thi dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong xã hội có nhiều người mang bệnh trầm trọng có thể thiệt mạng, do đó chúng ta nên mang lại sự an lành cho họ bằng cách hiến máu, hoặc một bộ phận trong cơ thể của mình: chẳng hạn như mắt, thận, và cũng nên xem đấy như là một bổn phận mà mình phải làm. Nếu các điều kiện sức khỏe cho phép thì cũng nên hiến dâng các bộ phận khác của cơ thể. Đấy là một hình thức dana thật đáng quý. Tôi xin nêu lên trường hợp sau đây. Năm 1998, có một nhà sư Tích Lan sức khỏe bình thường, đọc trên báo thấy có một người bệnh trong giai đoạn chót, cần phải ghép thận, nhà sư này bèn liên lạc với bệnh viện và cho biết rằng mình sẵn sàng hiến một quả thận. Người phụ nữ được ghép thận theo Thiên Chúa giáo. Đã là một người bệnh thì dù là theo Ấn giáo, Phật giáo hay bất cứ một tôn giáo nào thì cũng chỉ là một bệnh nhân như nhau. 

            Ngoài ra, trường hợp xin mua lại một con vật đang bị đưa đến lò sát sinh cũng là cách cứu mạng sống cho một chúng sinh. 

            3- Dhamma dana (Đạo Pháp hay Sự Thật): Sự hiến dâng này vượt hơn tất cả các sự hiến dâng khác có thể có trên địa cầu này. Hiến dâng Sự Thật là cách giải thích Giáo Lý cho các người khác nghe, giúp họ tránh khỏi các ngõ ngách sai lầm trong cuộc sống, và hướng họ vào con đường Đạo Đức. Đấy là cách giúp họ trông thấy những gì đạo hạnh và những gì vô luân. Hiến dâng Sự Thật cũng có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như đứng ra tổ chức các buổi hội thảo và bàn luận về Dhamma (Đạo Pháp); hoặc góp phần ấn tống sách mới, hoặc in lại sách cũ, hoặc nếu có thể thì thành lập các trung tâm quảng bá Giáo Huấn của Đức Phật. Thật vậy, nếu chưa hiểu đượcDhamma là gì thì quả hết sức khó cho chúng ta đến gần với Sự Thật được. Vì thế nên phải quảng bá Giáo Huấn ấy của Đức Phật. Tuy nhiên chính Đức Phật cũng nhận rằng chỉ có những người thông thái mới quảng bá được Giáo Huấn ấy của Ngài, đối với những người còn kém thì việc ấy sẽ khó khăn hơn, và dù bất cứ trường hợp nào cũng không được xem đấy là một hình thức truyền giáo. Bốn câu thơ sau đây trong kinh Pháp Cú phản ảnh thật rõ rệt sự hiến dâng này: 

- Sabba danam dhammadanam jinati: Hiến dâng Đạo Pháp vượt hơn tất cả các hiến dâng khác.

- Sabbam rasam dhammarasam jinati: Hương vị của Sự Thật vượt hơn tất cả các hương vị khác.

- Sabbam ratim dhammarati jinati: Niềm hân hoan trong Sự Thật vượt hơn tất cả những niềm hân hoan khác.

- Tanhakkhayo sabbadukkham jinati: Sự tắt nghỉ của sự thèm khát sẽ chiến thắng tất cả mọi khổ đau.

            Những người hội đủ khả năng giải thích, khai trí và thuyết phục kẻ khác quả là hiếm, vì thế các kinh sách về Đạo Pháp là những gì thật cần thiết trong việc quảng bá Giáo Huấn của Đức Phật. Vì lý do này nên tôi mong rằng những ai muốn tưởng nhớ đến những người thân quá cố hãy góp phần ấn tống sách về Đạo Pháp và mượn dịp này để ghi thêm tên và đưa chân dung của các người thân quá cố của mình vào các trang cuối sách. Tuy nhiên thói tục thường thấy vẫn là cách lưu giữ một ít tro hỏa táng của người quá cố, hoặc dựng đài kỷ niệm (dựng bia hoặc khắc tên ?) để tưởng nhớ đến họ. Cúng  dường Tăng đoàn hay ủng hộ một cơ quan từ thiện cũng là một cách nói lên sự thương nhớ của mình đối với người quá cố. Dầu sao thì các hình thức cúng dường và bố thí đó cũng không sánh bằng sự hiến dâng Giáo Lý nêu lên Sự Thật.

            Việc hiến dâng thực phẩm gồm năm chủ đích khác nhau: mang lại sự sống (không thực phẩm thì không sao sống được), vẻ đẹp (thiếu ăn thì thân xác héo mòn) (trái lại trong các xã hội tân tiến ngày nay, người ta thường quá béo phì vì ăn quá nhiều, vậy hãy nên chia sẻ miếng ăn với kẻ khác thì mình sẽ xinh đẹp hơn, cả thân xác lẫn tâm hồn), hạnh phúc (thiếu ăn sẽ đau ốm), sinh lực (thiếu ăn sẽ yếu đuối), và sau hết là trí thông minh (thiếu ăn thì bộ não sẽ không vận hành bình thường được). Bất cứ một hành động nào cũng đều mang lại kết quả của nó, người bố thí nhận được công đức từ những vật bố thí, người nông dân gieo những hạt giống tốt thì sẽ được mùa.    

            Do đó đối với việc bố thí luôn phải giữ một tâm thức thật tinh khiết: tinh khiết trước khi bố thí, trong lúc đang bố thí, và sau khi đã hoàn tất hành động bố thí. Dana đích thật phải là một sự buông xả. Sự đích thật đó gọi là paramita có nghĩa là sự hoàn hảo.

            Thực thi bố thí thì một ngày nào đó mình sẽ nhận được - ngay trong kiếp sống này hoặc trong các kiếp sống sau - các kết quả tốt lành mang lại từ sự bố thí đó. Thế nhưng nếu sau khi bố thí thì lại hối tiếc về việc bố thí của mình, thì mình và cả những người thân thuộc của mình không ai sẽ hưởng được những gì mà mình đã gieo.

            Thực thi từ thiện (dana) là một trong các phép tu tập sơ đẳng nhất của Phật giáo. Đó là cách tạo ra cho mình một số vốn liếng công đức tức là một số kamma (nghiệp) lành. Khi nào số vốn liếng đó được ghép thêm với các phẩm tính đạo đức khác và các kết quả mang lại từ sự luyện tập tâm thức, thì vốn liếng đó sẽ càng trở nên phong phú hơn, hầu giúp mình thoát khỏi samsara (cõi luân hồi), có nghĩa là sẽ không còn xoay vần bất tận trong các chu kỳ hiện hữu nữa. Ngay cả đối với những người đã hoàn toàn bước vào con đường giải thoát thì cũng cứ nên tiếp tục bố thí, bởi vì sự bố thí ấy sẽ mang lại thêm cho mình sự giàu có, vẻ đẹp, và những niềm hân hoan cho phần còn lại của kiếp nhân sinh này của mình. Nếu một người Bồ-tát (Bodhisattva) với tất cả lòng nhiệt tâm của mình, sẵn sàng hiến dâng một bộ phận của cơ thể hay bất cứ một thứ gì khác hầu giúp đỡ mọi người, thì đấy gọi làdana parami có nghĩa là một sự bố thí hoàn hảo ở cấp bậc cao nhất.

            Bố thí là một hành động tốt như tất cả các hành động tốt khác, có nghĩa là sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Đó là sự vận hành tự nhiên của nghiệp hay là quy luật "nguyên nhân hậu quả" mà Đức Phật giảng dạy. Bố thí sẽ mang lại cho mình nhiều điều thuận lợi trong kiếp sống hiện tại và cả trong các kiếp sống tương lai. Hơn nữa ngoài lòng thiện tâm ra, nếu chúng ta biết phát huy được một cung cách bố thí đúng đắn thì công đức mang lại sẽ còn gia tăng gấp bội.   

            Số lượng công đức gom góp được tùy thuộc vào ba yếu tố: mục đích tinh khiết của người bố thí, tâm thức tinh khiết của người nhận và giá trị vật chất của món quà bố thí. Căn cứ vào các yếu tố đó chúng ta có thể tiên đoán được kết quả sẽ mang lại cho mình trong tương lai, nói một cách khác là một giao kèo tốt sẽ mang lại kết quả tốt, một giao kèo xấu sẽ mang lại kết quả xấu. Vì thế chúng ta cũng nên cố gắng tạo cho mình các kamma (nghiệp) tốt, càng nhiều càng hay. Điều này có nghĩa là phải giữ một tâm thức tinh khiết khi bố thí, phải chọn những người xứng đáng để bố thí, và vật bố thí thì cũng phải thích nghi và giá trị.   

Bố thí trong kinh điển Sutta

            Anguttara Nikaya (Tăng Chi Bộ Kinh) nêu lên năm sự bố thí thượng thặng của các bậc Thánh Nhân trong quá khứ (kinh A.iV, 246). Giá trị của năm sự bố thí ấy không ai có thể phủ nhận được trong quá khứ và kể cả sau này trong tương lai. Người tu hành ẩn dật cũng như các vị Bà-la-môn tất cả đều phải thán phục các giá trị ấy. Năm sự bố thí ấy chính là cách tuân thủ thật thận trọng Năm Giới Luật(không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa nghiện ngập. Tuân thủ năm giới luật cũng là một cách bố thí, một cách hiến dâng sự sống, niềm an vui và sự hài hòa cho tất cả chúng sinh đang hiện hữu chung quanh mình). Tôn trọng năm giới luật là một cách mang lại tình thương yêu và biểu lộ lòng nhân từ của mình đối với tất cả chúng sinh. Nếu một người biết ý thức từng hành động của mình hầu mang lại sự an toàn và không sợ hãi cho các chúng sinh khác, thì đấy sẽ là sự hiến dâng cao quý nhất. Sự hiến dâng ấy không phải chỉ là để hướng vào con người, mà còn cho tất cả chúng sinh.  

            Trong Anguttara Nikaya (Tăng Chi Bộ Kinh), Đức Phật có nêu lên ba ngọn lửa phải được đốt lên với tất cả sự thận trọng và tôn kính (kinh A.iv, 44) (tức là kinh Aggi-Sutta/Bài kinh về ngọn lửa, PTS, iv, 44-46, là một bài kinh quan trọng nói về phi-bạo-lực trong Phật giáo. Có thể xem kinh này trên Thư Viện Hoa Sen). Ba ngọn lửa ấy là: ahunayyaggi (ahunay: có nghĩa là một người hiếu đễ, aggi là ngọn lửa)gahapataggi (gahapati: người chủ gia đình/householdervà dakkhineyyaggi (dakkhini: có nghĩa là một người thông thái, sáng suốt, đáng kính/worthy). Đức Phật giải thích rằng ahuneyyaggi ở đây có nghĩa là bậc cha mẹ, là những người phải được kính yêu và chăm sóc. Gahapataggi có nghĩa là (người chủ gia đình) phải chăm sóc cho vợ, con, những người làm công và giúp việc (trong câu này có thể nhà sư Parawahera Chandaratara có ý tránh không sử dụng chữ "người chủ gia đình"/householder/gahapataggi rất quen thuộc trong kinh sách để không nhắc đến vị thế trên trước của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội vào thời bấy giờ, mà chỉ nói đến là phải "chăm sóc vợ con và những người làm công". Quả tế nhị và đáng phục!)Dakkhineyyaggi là những người tu hành đã đạt được bậc Arahant (A-la-hán), tức là những người đã bước được vào con đường loại bỏ các thể dạng tâm thần tiêu cực. Họ là những người phải được chăm sóc và kính trọng, tương tự như canh chừng một ngọn lửa thiêng. Trong kinh Maha-Mangala Sutta (kinh A. iv, 44) (Kinh Đại Phúc hạnh) cho biết rằng chăm sóc miếng ăn chỗ ở cho cha mẹ mình là một cách hành xử mang lại thật nhiều công đức mà bất cứ một người thế tục nào cũng có thể làm được (kinh SN 262-263) (Thích Nhất Hạnh có dịch kinh này và gọi là kinh "Kinh Phước Đức", có thể xem trên Thư Viện Hoa Sen - hoặc tra cứu: Sn, 2.4, hoặc PTS: Sn 258-269).

            Vua xứ Kosala (xứ Kiều-tát-la, thuộc vùng bắc Ấn và Nepal, là một trong 16 nước hùng mạnh nhất trên bán lục địa Ấn Độ vào thời đại của Đức Phật. Nước lân bang với xứ Kosala là Maghada/Ma-kiệt-đà, nằm ở mạn đông bắc Ấn trong vùng vịnh Bengal. Hai nước này thường gây chiến với nhau, và cả hai thường được nhắc đến trong rất nhiều bài kinh) có hỏi Đức Phật nên bố thí cho ai? (kinh S.i, 98)(tức là kinh Issattha Sutta/Kinh về Thuật bắn cung, SN, 3.24, hoặc PTS, S, i.98). Đức Phật trả lời rằng nên bố thí cho những ai có thể mang lại được hạnh phúc cho người bố thí. Vua xứ Kosala lại hỏi tiếp: Vậy thì phải bố thí cho ai để có thể mang lại kết quả nhiều nhất? Đức Phật cho biết là cần phải phân biệt hai câu hỏi (các câu tóm lược trên đây không được đầy đủ và chính xác so với bài kinh gốc, xin xem thêm cách giải thích về kinh này trong phần ghi chú dưới đâyvà trả lời rằng bố thí cho những người đạo đức thì sẽ mang lại được nhiều kết quả. Ngoài ra Đức Phật còn cho biết thêm là việc bố thí sẽ còn mang lại nhiều kết quả hơn nữa nếu hướng vào những người ẩn tu đã loại bỏ được năm thứ chướng ngại tâm thần (nirvarana(có nghĩa là các thể dạng u mê và bấn loạn/obscuration, disturbance)và phát huy được đạo đức, sự tập trung, trí tuệ, sự giải thoát và sự ý thức đạo đức về sự quán thấy thể dạng giải thoát (sila, samadhi, panna, vimutti, vimuttinanadasan).

            Trong Sakkasamyutta (một tập kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh) (kinh S.i,233) Sakka (là vị đế vương của các thiên nhân/king of the devas, là một nhân vật huyền thoại, vai trò của nhân vật này là để nêu lên các câu hỏi và sau đó Đức Phật trả lời dưới hình thức các bài giảng) cũng lại nêu câu hỏi trên đây với Đức Phật: Nên bố thí cho ai để mang lại nhiều kết quả nhất? Đức Phật trả lời rằng bố thí cho Sangha (Tăng đoàn) sẽ mang lại được nhiều kết quả nhất. Đồng thời Đức Phật cũng nhấn mạnh rằng "Sangha" ở đây có nghĩa là tập thể những người đã bước vào con đường, đã thực hiện được những điều thánh thiện, đạo đức, sự tập trung và trí tuệ. Cũng xin lưu ý thêm là theo Vinaya (Tạng Luật) thì chữ "Sangha" được định nghĩa là một nhóm người tu hành đủ đông để tạo thành một tập thể, đảm trách các chức vụ khác nhau trong chốn chùa chiền (Vin, i, 319) (trong Tạng Luật). Tuy nhiên trong các kinh sutta (tức là các bài kinh trong Kinh Tạng) thì chữ "Sangha" lại có nghĩa là bốn cặp đôi gồm những người cao quý tức là tám người thật đặc biệt (purisayugani de cattari, purisapuggala d’attha), đó là: 1- những người đang trên đường bước vào dòng chảy, 2- những người sẽ còn quay lại thêm một lần (tái sinh thêm một lần nữa trước khi đạt được sự giải thoát cuối cùng), 3- những người sẽ không còn quay lại nữa (kiếp sống hiện tại là kiếp nhân sinh cuối cùng của họ), 4- và sau hết là những vị Arahant (A-la-hán) đã đạt được quả [ngay trong kiếp sống hiện tại này] (Phật giáo Theravada "phân chia" các thành phần trong Tăng đoàn theo bốn cấp bậc giải thoát (catur-ariya-puggala): 1- cấp bậcsotapanna: đang bước trên con đường đưa vào dòng chảy (đang trên đường tu tập, chưa đạt được gì cụ thể); 2- sacadagami: sẽ còn phải tái sinh thêm một lần nữa; 3- Anagami: sẽ không còn tái sinh nữa sau khi tịch diệt; 3- Arahant: đã đạt được quả A-la-hán ngay trong kiếp sống hiện tại).  

Các nguyên nhân thúc đẩy việc bố thí

            Kinh sách nêu lên nhiều nguyên nhân thúc đẩy việc bố thí. Anguttara Nikaya (Tăng Chi Bộ Kinh) (kinh A, iv, 236) đưa ra tám nguyên nhân như sau: 

1.  Asajja dana m deti: cho với chủ đích gây ra phiền hà, hoặc xem đấy là một cách gây hấn hay nhục mạ đối với người nhận.

2. Bhaya dana m deti: sự sợ hãi cũng có thể là một động cơ thúc đẩy một người đưa ra một đề nghị nào đó (ngày nay gọi là tống tiền).

3. Adasi me ti dana m deti: cho với mục đích đáp lại một ân huệ mà mình đã nhận được trước đó (sự biết ơn).  

4. Dassati me ti dana m deti: cho với hy vọng sẽ nhận được một ân huệ tương xứng trong tương lai(hối lộ).

5. Sadhu dana n ti dana m deti : cho vì xem đấy là một hành động tốt.

6. Aham pacami, ime ne pacanti, na arahami pacanto apacantanam adatun ti dana m deti : "Tôi làm bếp, họ không làm. Thế nhưng cung cách hành xử của tôi sẽ không đúng đắn nếu tôi làm bếp và ăn một mình mà không cho người khác ăn". Đây cũng là một hình thức mở rộng của tình nhân ái.

7. Imam me dana m dadato kalyano kittisaddo abbhuggacchati ti dana m deti : một số người làm việc từ thiện vì hiếu danh.

8. Cittalankara-cittaparikkarattham dana m deti : một số người làm việc từ thiện là nhằm tạo ra sự "sang trọng" và "tốt đẹp" cho tâm thức mình.

            Ngoài ra sự thiên vị (favoritism), thiếu thiện chí (dosa(ill will/có ý xấu) và ảo giác (moha) (suy nghĩ sai lầm) cũng được xem là các nguyên nhân thúc đẩy sự hiến dâng.  Đôi khi việc bố thí cũng có thể là một tập quán cha truyền con nối trong gia đình. Ham muốn được lên trời sau khi chết cũng là một động cơ thường thấy trong việc bố thí. Một số người cảm thấy vui thú khi bố thí, do đó việc bố thí đối với họ là để tạo ra cho mình một thể dạng tâm thức vui thích (kinh A.iv, 236) (sự phân tích các hình thức bố thí của các kinh trên đây không khỏi khiến cho chúng ta bàng hoàng vì ngay vào thời đại của Đức Phật cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, con người và xã hội cũng đã hết sức phức tạp. Do đó chúng ta cũng "cảm thấy" hiểu rõ hơn tại sao Đức Phật lại khuyên những người tu hành phải rời xa gia đình và làng mạc).

Amisa Dana và Dhamma dana (Hiến dâng thực phẩm và hiến dâng Đạo Pháp)

            Danam’ca dhammacariya ca (…) etam mangalam uttamam: Hãy phát lộ lòng từ tâm, hành xử lương thiện, đó là cách mang lại những sự tốt lành lớn lao. Hồi hướng công đức cho người quá cố cũng có thể xem là một hành động từ thiện (điều này cho thấy việc hồi hướng công đức rất phổ biến trong Đại Thừa Phật giáo cũng được thực thi rộng rãi trong Phật giáo Theravada). Người thân rót nước vào một cái bình cho đến khi nào không còn rót thêm được nữa (trong khi đang hành lễ) nhằm biểu trưng cho sự hồi hướng công đức và nói lên những ước vọng của mình đối với người quá cố, đồng thời xướng lên ba lần câu sau đây:

            "Xin hồi hướng công đức này đến cha mẹ tôi và mong rằng cha mẹ tôi sẽ được hạnh phúc"

            Sau cùng tất cả mọi người tham dự lễ cùng nhau đọc lên các tiết thơ sau đây:

1. Adasi me, akasi me, natimitta sakha ca me

petanam dakkhinam dajja pubbe katam anussaram.

2. Na hi runnam va soko va ya c’ anna paridevana,

na tam petanam atthay : evam titthanti natayo.

3. Ayan ca kho dakkhina dinna sanghamhi suppatitthita

digharattam hitay assa thanaso upakappati.

4. So natidhammo ca ayam nidassito,

petanam puja ca kata ulara,

balan ca bhikkhunam anuppadinnam,

tumhehi punnam pasutam anappakam

5. Yatha varivaha pura paripurenti sagaram,

evam eva ito dinnam petanam upakappati.

6. Unname udakam vattam yatha ninnam pavattati,

evam eva ito dinnam petanam upakappati.

7. Icchitam patthitam tuyham

Khippam eva samijjhatu

Sabbe purentu cittasamkappa

Cando pannaraso yatha.

1- Xin người đã khuất vẫn còn nhớ: "Trước đây đã từng giúp tôi nên người, ra sức nuôi nấng tôi, dù đấy là cha mẹ tôi, bạn hữu tôi, hay những người đồng nghiệp với tôi". Những người còn sống hôm nay luôn biết ơn và xin hồi hướng công đức mình cho người đã ra đi. Khóc than, ta thán, hay bất cứ một hình thức tang chế nào cũng chẳng ích lợi gì cho người quá cố, mà chỉ tạo ra thêm khổ đau cho người còn sống mà thôi.   

3- Thế nhưng người quá cố, với sự giúp đỡ của Sangha (Tăng đoàn), sẽ tức khắc thừa hưởng được sự hiến dâng này, trong hiện tại và thật lâu dài trong tương lai.

4- Đây cũng chỉ là bổn phận của những người thân còn tại thế, nói lên sự cố gắng tôn vinh người quá cố, mang lại sức mạnh cho người tu hành, và cũng là dịp giúp quý vị tạo được nhiều công đức cho mình.  

5- Tương tự như những dòng sông đổ vào đại dương, công đức tạo ra tại nơi này sẽ đến với những người thân đã ra đi.

6- Tương tự như những con suối từ đỉnh núi cao chảy xuống thung lũng, công đức tạo ra tại nơi này sẽ đến với những người thân đã đi xa. 

7- Cầu mong những lời ước nguyện thiết tha của tất cả quý vị sẽ được viên mãn, tròn đầy như một vầng trăng rằm.

Tại sao lại phải thực thi dana đối với người quá cố?

            Cách rót nước vào một chiếc bình trên đây chỉ là một hình thức lễ lạc, tượng trưng cho sự hồi hướng công đức của người còn sống cho người quá cố, tương tự như một hình thức dakkhina hay sự hiến dâng (dakkhina có nghĩa cúng dường). Toàn bộ nghi lễ này nhằm nói lên lòng biết ơn của những người còn sống, và để hồi hướng công đức của họ cho những người quá cố hầu giúp họ được thanh thản hơn nơi cõi bất hạnh mà họ đã phải tái sinh. Ngoài ra cũng còn có một nghi lễ ma chay khác gọi làmatakabana hay "bài giảng trợ giúp những người quá cố". Theo nghi lễ này thì một vị sư sẽ phải đích thân đến nhà người quá cố, và thường là ba ngày sau khi chôn cất (hoặc trong vòng bảy ngày), để đưa ra một bài thuyết giảng. Thân nhân và hàng xóm tu họp lại để nghe, và bài giảng thường kéo dài khoảng một tiếng. Sau khi thuyết giảng xong thì nhà sư mời toàn thể thân quyến đọc lên các tiết thơ hồi hướng công đức cho người quá cố (như trên đây). Ba tháng sau, người thân trong gia đình thường phải tổ chức thêm một buỗi lễ cúng dường Tăng đoàn (sanghika dana) như là một cách tạo dịp để tưởng nhớ đến người đã khuất. Sau đó thì cứ mỗi năm lại làm lễ này một lần. Tương tự như các nghi lễ trên đây, mục đích của nghi lễ cúng dường này là để hồi hướng công đức cho người quá cố.    

            Do đó nghi lễ trên đây còn được gọi là lễ cúng dường người quá cố (mataka-dana(mataka có nghĩa là người chết và cũng có nghĩa là vật thực cúng dường những người đã khuất). Ý nghĩa của nghi lễ này là người quá cố có thể đã phải tái sinh trong các cõi bất hạnh (chẳng hạn như cõi peta tức là cõi ngạ quỷ đói khát) và đang chờ mong người thân còn sống hồi hướng công đức cho mình, bởi vì nay họ là các sinh linh peta nên không sao tạo được công đức cho mình (chẳng hạn như tái sinh dưới thể dạng những người hung dữ, nham hiểm...hoặc thuộc hàng súc vật, v.v., nên không thể thực hiện được những điều đạo đức). Sự đói khát triền miên của họ chỉ có thể giảm xuống nhờ vào sự cúng dường và hồi hướng. Do đó người ta gọi các sinh linh này là: "các sinh linh sống nhờ vào sự bố thí của kẻ khác" (paradatta-upajivi). Tục lệ cúng dường này bắt đầu có từ thời kỳ Đức Phật còn tại thế. Một hôm vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) bị một đám người thân quá cố tái sinh thành quỷ đói peta quấy phá, lý do là vì vị vua này chểnh mảng không cúng dường Đức Phật để hồi hướng công đức cho họ. Nhờ Đức Phật khuyên bảo nên vua Bimbisara bèn thực thi lễ hiến dâng, nhờ đó đàn quỷ đói được hạnh phúc hơn nên không còn quấy phá nữa (kinh Khp A. 202f; và kinh PvA 19ff). Vào dịp này Đức Phật đã thuyết giảng bài kinh Tirokuddha Sutta (Pv 1.5, PTS Pv 14-25. Các lời nguyện cầu xướng lên trong nghi lễ cúng giỗ người quá cố trên đây mượn ý trong bài kinh này. Độc giả có thể xem trên mạng bản dịch tiếng Anh mang tựa là "Hungry Shades ouside the walls" của Thanissaro Bhikkhu, và bản Việt dịch của H.T. Thích Minh Châu mang tựa là "Kinh ngoài bức tường"). Kinh này còn cho biết rằng nếu thực thi các lễ trên đây (có thể hiểu như là các lễ cúng cô hồn) thì các sinh linh được hưởng sẽ mang lại những điều tốt lành cho những người cúng dường họ. Các nghi lễ này mang nhiều nét gần với nghi lễ sraddha(nguyên nghĩa của chữ này là lòng tin tưởng /faith, confidence) của Ấn giáo. Chủ đích của nghi lễ này, và cũng là theo ý của Đức Phật, thì chỉ có các người thân thuộc quá cố tái sinh dưới thể dạng quỷ đói (peta) mới hưởng được các phẩm vật của lễ cúng dường này (kinh A. v, 269ff). 

Kinh Ratana sutta

6. ye puggala attha satam pasattha

cattari etani yugani hontu

te dakkhineyya sugatassa savaka

etesu dinnani mahapphalani

idampi sanghe ratanam panitam

etena saccena suvatthi hotu

6- Có bốn thể loại môn đệ trung thành được phân chia thành tám cấp bậc,

tạo thành bốn cặp (tức là Tăng đoàn), và được những người đạo hạnh hết lời tán dương,

Họ là những người xứng đáng được hưởng sự hiến dâng,

Những gì cúng dường cho họ sẽ mang lại quả lành to lớn,

Viên ngọc quý đó chính là Tăng đoàn.

Mong sao nhờ sự thật ấy (Tăng đoàn), tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc.

(Sau khi trình bày về các nghi lễ cúng dường người quá cố và các chúng sinh trong các cõi đói khát, tức là các cách bố thí mang tính cách dân gian và phàm tục, thì nhà sư Parawahera Chandaratana nêu lên phân đoạn 6 trên đây trong kinh Ratana Sutta (ratana có nghĩa là viên ngọc quý/viên bảo châu, biểu trưng cho Tăng đoàn) thay cho lời kết luận. Phân đoạn này gián tiếp nói lên việc cúng dường cho Tăng đoàn cũng là một hình thức "cúng dường" (bố thí) mang tính cách thiêng liêng. Thật vậy chăm lo cho Tăng đoàn là một cách gián tiếp chăm lo cho Dhamma (Đạo Pháp), giúp đỡ Tăng đoàn là một cách góp phần bảo toàn và quảng bá Dhamma. Thế nhưng người thế tục cũng phải hiến dâng với tất cả sự chân chính và tinh khiết, và ngược lại người xuất gia cũng phải hồi đáp lại bằng sự chân chính và tinh khiết, bằng cách hiến dâng cho người thế tục sự hiểu biết thâm sâu và nếp sống đạo đức của chính mình. Cả hai - người thế tục cũng như người tu hành - đều góp phần cùng mang lại công đức cho nhau. Độc giả có thể xem toàn bộ kinh Ratana Sutta (SN 2.1 hoặc SN 222-238) trên mạng do Pyadassi Thera dịch: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.2.01.piya.html)

Vài lời ghi chú của người dịch

            Điểm nổi bật nhất trong bài viết trên đây là thuộc phương diện hình thức, đó là cách triển khai chủ đề hoàn toàn dựa vào kinh điển bằng tiếng Pa-li, tức là các kinh sách căn bản và xưa nhất của Phật giáo. Điều này hết sức tương phản với vô số các bài viết và bài giảng thường thấy hiện nay chỉ dựa vào các sự "suy diễn" cá nhân, hoặc nêu lên các hình thức đạo đức thông thường trong xã hội, và cho đấy là Phật giáo hay là những lời Phật dạy. Thiết nghĩ đôi khi sự nhiệt tình quá đáng có thể đưa đến sự thiếu thận trọng, làm phương hại đến giá trị của toàn thể Phật  giáo.  

            Về phương diện nội dung tác giả nêu lên các hình thức bố thí khác nhau, từ thiêng liêng cho đến phàm tục, không nhất thiết là trong Phật giáo Theravada mà có thể xem là của cả toàn thể Phật giáo nói chung. Điều này cho thấy là ngoài việc từ thiện mang tính cách đại chúng - mà tất cả các tôn giáo và các tổ chức xã hội thực thi - Phật giáo còn thực thi những hình thức bố thí thiêng liêng thật sâu sắc và rộng lớn. Vậy bố thí thiêng liêng là gì?

            Trước hết là hiến dâng Sự Thật - tức là Dhamma hay Đạo Pháp - cho tất cả chúng sinh, nhưng cũng thật quan trọng là phải hiểu rằng đó không phải là một cách cải đạo bất cứ ai cả mà chỉ là bổn phận của người tu tập phải mở rộng lòng từ bi của mình hướng vào tất cả chúng sinh, hầu giúp họ và mong họ tìm thấy con đường giúp mình tự giải thoát khỏi những khổ đau của chính mình. Thế nhưng sự bố thí đó đôi khi cũng khá khó thực hiện, bởi vì nó đòi hỏi người hiến dâng phải tạo được cho mình một chút vốn liếng hiểu biết và tu tập nào đó trước khi có thể mang ra hiến dâng cho kẻ khác. Thế nhưng cũng có một thứ bố thí thật kín đáo, siêu việt và vô cùng quý giá mà mọi người đều có thể làm được, đó là cách tuân thủ Năm Giới Luật sơ đẳng và căn bản nhất của Phật giáo (không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say sưa nghiện ngập), vì đấy là một cách gián tiếp hiến dâng sự sống và mang lại sự an vui cho tất cả chúng sinh.

            Nếu chúng ta có thể hình dung ra một thế giới không có một khẩu súng nào, một viên đạn nào, một lò sát sinh nào, không có một thể chế chính trị nào, một đảng phái nào, một nguyên thủ quốc gia nào, một người làm chính trị nào, một tôn giáo nào, một con người nào gây ra chiến tranh và hung bạo, nói dối, tham nhũng, tìm cách ăn hối lộ và làm giàu, ép buộc để tà dâm với trẻ con và người lớn, ăn chơi và nghiện ngập ma túy, thì tất chúng ta sẽ hiểu được rằng việc giữ gìn ngũ giới là một sự hiến dâng cao cả và thiêng liêng biết dường nào, chẳng những cho con người mà còn cho tất cả chúng sinh. 

            Đối với việc hiến dâng mang tính cách đại chúng thì đấy là các hình thức lễ lạc, các sự tin tưởng, các thói tục dân gian. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận sự lợi ích của các cách bố thí phàm tục đó. Kinh sách cũng có nói đến các cách bố thí này, thế nhưng cũng có thể hiểu rằng đấy là các trường hợp mà Đức Phật thuyết giảng như là các "phương tiện thiện xảo", hoặc cũng có thể đấy là các "thêm thắt" và các hình thức "lệch lạc" ảnh hưởng bởi các bối cảnh văn hóa, xã hội trên dòng phát triển của Phật giáo. Chúng ta hãy thử nhìn chi tiết hơn về vấn đề này bằng cách nêu lên thí dụ về một trong các bài kinh được dẫn chứng trong bài viết trên đây, đó là bài kinh Issattha Sutta (SN 3.24, hoặc S, i. 98) thuật lại câu chuyện về vua xứ Kiều-tát-la tham vấn Đức Phật về vấn đề nên bố thí như thế nào thì tốt nhất.

            Nghĩa từ chương của chữ Issattha, tựa của bài kinh, là Cung tên, nhà sư người Mỹ Thanissaro Bhikkhu dịch là Archery Skills, tạm dịch ra tiếng Việt là Thuật bắn cung, Hòa Thượng Thích Minh Châu thì dịch là Kinh cung thuật. Thế nhưng sau khi đọc hết bài kinh thì chúng ta sẽ không thấy bất cứ một câu nào hay một chữ nào nói đến cung tên cả. Vậy phải hiểu như thế nào về tựa của bài kinh này? Chúng ta hãy tạm đặt thắc mắc này sang một bên và trước hết hãy tìm hiểu xem nội dung của bài kinh là gì, có liên hệ gì đến cung tên hay không.

            Vua xứ Kiều-tát-la hỏi Đức Phật nên mang vật hiến dâng để bố thí cho những nơi nào? Đức Phật trả lời rằng nơi mà tâm thức mình có thể tin tưởng được. Câu này nhà sư Thinassaro dịch rất đúng là: Where the mind feels confidencegreat king, trong khi đó thì H.T. Thích Minh Châu lại dịch là:Thưa đại vương, tại chỗ nào, tâm được hoan hỷ.

            Sau câu hỏi trên đây vua xứ Kiều-tát-la lại hỏi tiếp: Thế nhưng vật hiến dâng nên bố thí nơi nàothì sẽ mang lại được kết quả lớn lao nhất? Đức Phật cho biết là đặt câu hỏi như thế không đúng, mà phải nêu lên như thế này: Vật hiến dâng nên bố thí cho ai thì mới có thể mang lại được nhiều kết quả nhất?  Và sau đó Đức Phật cho biết là nên bố thí (hiến dâng) cho người nhiều đạo đức, hơn là cho người kém đạo đức. Sau đó Đức Phật hỏi ngược lại vua xứ Kiều-tát-la rằng nếu phải đối đầu với một cuộc chiến sắp bùng lên thì phải chọn người cầm quân nào giữa hai chiến sĩ trẻ sau đây: "một người không được huấn luyện, không quen trận mạc, vô kỷ luật, không thành thạo, sợ hãi, kinh hoàng, hèn nhát và sẵn sàng bỏ chạy, hay là chọn một người được huấn luyện, quen trận mạc, trọng kỷ luật, thành thạo, không sợ hãi, không kinh hoàng, không hèn nhát, không bỏ chạy". [...] Sau cùng Đức Phật kết luận như sau: "Cũng vậy, này đại vương, Nếu  một người từ bỏ gia đình để chọn một cuộc sống không nhà - dù mình là một người thuộc bộ tộc nào - và đã loại bỏ được năm yếu tố và trang bị cho mình năm yếu tố, thì những gì hiến dâng cho người ấy sẽ mang lại kết quả to lớn nhất. Vậy năm yếu tố mà người ấy đã loại bỏ được là gì? Đó là 1- tham dục, 2- tâm thức xấu xa, 3- lười biếng và đờ đẫn, 4- bồn chồn và lo lắng, 5- do dự. Đấy là năm yếu tố mà người ấy đã loại bỏ được. Và năm yếu tố mà người ấy đã trang bị cho mình là gì? Người ấy đã trang bị cho mình một tổng thể đạo đức vượt xa hơn cả sự luyện tập..., một tổng thể khả năng tập trung tâm thần vượt xa hơn cả sự luyện tập..., một tổng thể khả năng nhận định vượt xa hơn cả sự nhận định..., một tổng thể khả năng buông xả vượt xa hơn cả sự luyện tập..., một tổng thể khả năng hiểu biết và quán thấy được sự buông xả vượt xa hơn sự luyện tập. Đấy là năm yếu tố mà người ấy đã trang bị cho mình". [...] (theo bản dịch của Thanissaro Bhikkhu).

            Bài kinh trên đây cho thấy là cách hiến dâng cho những người đạo đức, thành đạt trong việc tu tập hầu tạo phương tiện cho họ giúp đỡ chúng sinh, là một cách hiến dâng thiêng liêng mang lại thật nhiều kết quả lớn lao, và ngược lại là cách bố thí phàm tục không tạo ra được các tác động có tầm ảnh hưởng rộng lớn.

            Đến đây nếu trở lại với tựa của bài kinh thì chúng ta sẽ có thể hiểu được "Thuật cung tên" mang ý nghĩa như thế nào? Thời đại đồ sắt chỉ bắt đầu vào thế kỷ thứ II sau Tây Lịch ở Ấn độ, và khí giới bằng sắt thì chỉ xuất hiện rộng rãi một thế kỷ sau đó tức là vào thế kỷ thứ III sau Tây Lịch trên bán lục địa này. Trước đó là thời đại đồ đồng, xuất hiện ở Ấn Độ vào khoảng 1.500 năm trước Tây Lịch. Đồng là một kim loại mềm, tương đối hiếm hoi, lại không làm được các khí giới như dao mác sắc bén. Tóm lại là vào thời đại của Đức Phật chiến tranh chủ yếu là dựa vào cung tên, do đó "Thuật cung tên",tựa của bài kinh, chỉ mang ý nghĩa bao quát tương đương với cách nói ngày nay là "Nghệ thuật chiến tranh" (art of war/l'art de la guerre), và do đó cũng có thể dịch tựa của bài kinh là "Thuật binh đao" tức có nghĩa là trong một cuộc chiến phải đưa khí giới cho người tài giỏi, cũng như trong việc bố thí thì phải chọn những người đạo đức và có khả năng để giúp họ hầu họ có thêm phương tiện để giúp đỡ kẻ khác. Sở dĩ dài dòng và nêu lên một vài chi tiết như trên đây là trước hết giúp chúng ta tìm hiểu một bài kinh được Đức Phật thuyết giảng đã hơn hai ngàn năm trăm năm trong một bối cảnh khác hơn ngày nay, sau đó là cho thấy cách mà Đức Phật thuyết giảng cho từng người, tùy theo trình độ và lãnh vực sinh hoạt của họ trong xã hội, hầu giúp họ dễ hiểu hơn, chẳng hạn như đối với một vị vua thì nói đến chiến tranh và người cầm quân. Các câu trích dẫn từ bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu trên đây được H.T. Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pa-li như sau: "Thế nào là năm chi được hội đủ? Vô học giới uẩn được hội đủ, vô học định uẩn được hội đủ, vô học tuệ uẩn được hội đủ, vô học giải thoát uẩn được hội đủ, vô học giải thoát tri kiến uẩn được hội đủ. Năm chi này được hội đủ". Đây là một cách dịch sang tiếng Hán Việt, không phải là tiếng Việt. Phật giáo Việt Nam bị bế tắc là ở chỗ đó. Người chuyển ngữ không hề có một thoáng ý nghĩ chỉ trích nào khi thốt lên điều này, mà chỉ ước mong tất cả chúng ta cần phải ý thức hơn nữa trước hết là để góp phần giúp chúng ta hiểu được Phật giáo là gì bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, và sau đó là để bảo vệ giá trị và sự tồn vong của Giáo Huấn Phật giáo nói chung.

 

            Ngoài ra trong bài viết trên đây, nhà sư Parawahera Chandaratana cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự báo hiếu của những người còn sống đối với cha mẹ và các những người thân thuộc đã qua cố, bằng các hình thức lễ lạc và tưởng nhớ, tổ chức trong gia đình cũng như nơi chốn chùa chiền. Ngày nay dường như không còn mấy ai cúng giỗ ông bà cha mẹ nữa, mà thường chỉ chăm chăm nhìn vào con cái để trách cứ chúng là bất hiếu và ngỗ nghịch. Thật hết sức rõ ràng là chúng có những cử chỉ và lời ăn tiếng nói khiến chúng ta không được vừa lòng. Thế nhưng thật ra không phải hoàn toàn là lỗi của chúng, bởi vì - ngoài nghiệp mà chúng phải mang - thì chúng ta cũng chỉ cung cấp cho chúng vật chất và mọi thứ tiện nghi, và quên mất đi là còn phải cho chúng những gì thiết thực và cao quý hơn, đó là tấm gương của chính mình.

            Nếu chúng ta chăm lo mâm cơm trong ngày giỗ cho cha mẹ, thắp một nén hương nhìn lên bàn thờ, rơm rớm nước mắt, thì đấy cũng là một tấm gương cho con cái nhìn vào. Hoặc một hôm nào đó tình cờ tìm được trong đáy ngăn kéo một tấm ảnh của cha mẹ mình đã ngả màu vàng với thời gian, khiến một giọt nước mắt lăn dài trên má, thì giọt nước mắt ấy cũng là một chút gì đó sẵn có trong con tim mình, không những giúp mình hiến dâng cho cha mẹ, gửi gấm cho con cái mình, mà sau này sẽ còn mang theo với mình.

            Trước khi chấm dứt những lời ghi chú này cũng xin thuật lại một giai thoại về vị thiền sư Nhật Bản Ryokan (1758-1831), suốt đời sống cô quạnh trong rừng núi. Ông có một người em trai nơi làng quê tên là Yushi, có một đứa con trai tên là Umanosuke rất hư hỏng, bất hiếu và ngỗ nghịch, cả làng ai cũng ghét, họ hàng thì lo buồn. Một hôm gia đình bỗng nghĩ đến việc thử tìm Ryokan để khuyên bảo đứa bé. Họ dò hỏi và tìm được ông sống trong một chiếc am cỏ heo hút trong khu rừng Kugami.

             

            Khi nghe câu chuyện hư hỏng của cháu, Ryokan rất đau buồn và vì thương em nên đã quyết định rời am vài hôm để về làng xem sao. Ngày đầu tiên về nhà người em, Ryokan không nói một lời nào cả. Hôm sau, họ hàng đến thăm và xì xầm với nhau rằng: "Nhất định hôm nay Ryokan sẽ giảng cho thằng Umanosuke một bài học", nhưng rồi ông vẫn tiếp tục giữ yên lặng và không hé môi. Sang ngày thứ ba, mọi người lại hy vọng Ryokan sẽ ngỏ lời khuyên bảo đứa cháu hư hỏng, nhưng Ryokan lại vẫn bình thản và yên lặng.

            Sáng ngày thứ tư, Ryokan chuẩn bị trở về am và trước khi đi ông chắp tay cáo biệt từng người rồi bước ra phía cửa. Ông cúi xuống cầm hai chiếc dép rơm, ngồi vào một chiếc ghế và quay lại nói với Umanosuke rằng:

            - "Này Umanosuke, con đừng phiền Bác nhé, con giúp Bác buộc lại đôi dép được không? Bác đã già rồi, sáng hôm nay Bác không khom xuống được để buộc dép”.

            Mọi người chờ đợi phản ứng vô lễ của Umanosuke, thì bất ngờ trước những lời nói ôn hòa và dịu dàng của Ryokan, Umanosuke đã quỳ xuống đất để buộc dép cho Ryokan. Bỗng nhiên cậu cảm thấy có gì ươn ướt trên gáy, đưa tay rờ cổ và ngẩng đầu lên, cậu chợt nhận thấy gương mặt của Ryokan chan hòa nước mắt. Ông đã khóc và một giọt nước mắt đã vô tình rơi xuống gáy của Umanosuke. Cậu ta cúi xuống tiếp tục buộc dép. Ryokan đứng lên và lẳng lặng ra đi, không nói thêm một lời nào nữa.

            Nhưng từ đó, gương mặt nhạt nhòa với đôi mắt tràn đầy từ bi và giọt nước mắt của Ryokan đã hoàn toàn biến cải Umanosuke. Cậu bé bỗng nhiên trở nên ngoan ngoãn và hiền lành, khiến cho gia đình và cả làng ai cũng mến yêu, nhất là cậu lại chịu khó học hành. Sau khi con thành đạt thì Yushi cũng cạo đầu đi tu. Sau này, khi Yushi qua đời được vài năm thì Umanosuke được dân làng đề cử lên làm xã trưởng, giữ chức vụ giống như cha và ông nội của cậu khi xưa. (trích trong quyển: "Ryokan, gã thiền sư Đại Ngu cô đơn trên con đường trống không", nhà xuất bản Văn Hóa Saigon, 2009. Độc giả cũng có thể xem quyển sách này trên Thư Viện Hoa Sen).

            Đôi khi chỉ cần một gịọt nước mắt rất phàm tục nhưng cũng có thể hiến dâng được một chút gì đó thật thiêng liêng cho cuộc đời này. 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 27.11.15

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Độc già có thể tìm xem bản gốc tiếng Pháp của bài viết trên đây của nhà sư Parawahera Chandaratana trên các trang mạng như:

 

http://www.buddhaline.net/Don-sacre-et-don-profane-dans-le

http://www.buddhachannel.tv/portail/spip.php?article2008&id_document=8505

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/02/2021(Xem: 5207)
Nội dung tác phẩm dựa trên một bức tranh nổi tiếng có tên là “Thanh minh thượng hà đồ” (nghĩa là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh”) của nghệ sĩ Trương Trạch Đoan vào thời nhà Tống cách đây hơn 1000 năm. Thiên tài Albert Einstein đã từng nói: “Nghệ thuật thật sự được định hình bởi sự thôi thúc không thể cưỡng lại của người nghệ sĩ sáng tạo”. Và một nghệ sĩ điêu khắc người Trung Quốc – Trịnh Xuân Huy đã chứng minh điều đó qua kiệt tác nghệ thuật của ông trên một thân cây dài hơn 12 mét. Chắc chắn bạn sẽ phải ngạc nhiên về một người có thể sở hữu tài năng tinh xảo đến như vậy!
17/02/2021(Xem: 5632)
Một quán chiếu về những ánh lung linh trên bề mặt một hồ nước gợn sóng lăn tăn bởi làn gió nhẹ. Một con sông khổng lồ của si mê tin tưởng sai lầm tâm-thân là tồn tại cố hữu tuôn chảy vào hồ nước của việc hiểu sai cái "tôi" như tồn tại cố hữu. Hồ nước bị xáo động bởi những làn gió của tư tưởng phiền não chướng ngại ẩn tàng và của những hành vi thiện và bất thiện. Sự quán chiếu ánh trăng lung linh biểu tượng cho cả trình độ thô của vô thường, qua sự chết, và trình độ vi tế của vô thường, qua sự tàn hoại từng thời khắc thống trị chúng sanh. Ánh lung linh của những làn sóng minh họa tính vô thường mà chúng sanh là đối tượng, và quý vị thấy chúng sinh trong cách này. Bằng sự ẩn dụ này, quý vị có thể phát triển tuệ giác vào trong vấn đề chúng sinh bị kéo vào trong khổ đau một cách không cần thiết như thế nào bằng việc điều hướng với tính bản nhiên của chính họ; tuệ giác này, lần lượt, kích hoạt từ ái và bi mẫn.
16/02/2021(Xem: 4496)
Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ. Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ. Tuy thế dựa vào bài Lịch sử và ý nghĩa của chuông trống Bát nhã do thầy Thích Giác Duyên viết đã đăng trong Thư Viện Hoa Sen, khiến chúng ta biết được người Trung Hoa đã dùng chuông vào đời nhà Chu ( thế kỷ 11 Trước CN – 256 Trước CN ). Riêng việc chuông được đưa vào các chùa chiền ở Việt Nam từ thời nào người viết không biết có tài liệu nào đề cập đến không?
14/02/2021(Xem: 5084)
Pháp Hoa kinh là vua của các kinh vì ở vào thời kỳ thứ 5 trong lịch sử đạo Phật. Lúc bấy giờ là cuối đời thọ mạng của đức Phật nên kinh giảng của người mang toàn bộ tính chất của đạo Phật do người thuyết pháp. Có hai cốt lỏi của kinh Pháp Hoa là Phật tánh và Tri kiến Phật. Phật tánh đã được tóm lược trong bài Nhận biết Phật tánh cùng tác giả. Tri là biết, kiến là thấy, biết thấy Phật là gì? Biết là tuệ giác người dạy cho chúng ta và thấy là thấy đại từ bi của Phật. Đó là trí tuệ và từ bi là đôi cánh chim đại bàng cất cao bay lên trong tu tập. Chúng ta nghiên cứu trí tuệ của toàn bộ đạo Phật một cách tổng luận để tư duy, về phần từ bi chúng ta đã hiểu qua bài Tôi Học kinh Pháp Hoa đồng tác giả. Trí tuệ đạo Phật có gồm hai phần triết lý đạo Phật và ứng dụng. Tri kiến Phật là nắm hết các điểm chính của đạo Phật theo lịch sử của thời gian. Chúng ta hãy đi sâu về tuệ giác.
14/02/2021(Xem: 4644)
Ta hãy tự thoát ra khỏi thân mình hiện tại mà trở về lúc ta mới được sanh ra. Trong phút giây đặc biệt đó ta là gì? Ta vừa được chào đời, được vỗ mông để bật tiếng khóc là phổi ta hoạt động, mọi chất nhớt trong miệng được lấy ra và không khí vào buồng phổi: ta chào đời. Thân ta lúc đó là do 5 uẩn kết tạo từ hư không, 5 uẩn do duyên mà hội tụ. Cơ cấu của thân thể ta là 7 đại đất nước gió lửa không kiến thức. Cơ thể ta mở ra 6 cổng (căn) để nhập vào từ ngoài là 6 trần để rồi tạo ra 6 thức.
14/02/2021(Xem: 5340)
Nhân đọc bài về tuổi già của Đỗ Hồng Ngọc Bác sĩ y khoa, tôi mỉm cười. Mình cũng thuộc tuổi già rồi đấy!! Các bạn mình cũng dùng chữ ACCC= ăn chơi chờ chết vì vượt qua ngưỡng tuổi 70 rồi. Vậy theo BS Ngọc là làm như vậy cũng thực tế đó nhưng có thật là hạnh phúc tuổi già không? Bạn có đủ hết, con cái thì hết lo cho chúng được nữa rồi, chúng tự lo lấy chúng. Tiền bạc thì hết lo được nữa rồi có bấy nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.
14/02/2021(Xem: 4832)
Phật giảng thuyết có ba phương cách: a. Giảng trực tiếp như các kinh đạo Phật Nguyên thủy, b. Giảng bằng phủ định, từ chối là không và phủ định hai lần là xác định tuyệt đối. c. Giảng bằng biểu tượng, đưa câu chuyện cánh hoa sen hay viên ngọc trong túi người ăn mày để biểu tượng hoá ý nghĩa sâu xa của kinh. Phương cách thứ ba này là kinh Pháp Hoa. Có nhiều biểu tượng nhưng nổi bật nhất là cánh hoa sen là biểu tượng kinh Pháp Hoa.
10/02/2021(Xem: 9543)
Long Khánh là một thị xã ven Đô, Phật giáo tuy không sung túc như các Tỉnh miền Trung Nam bộ, nhưng sớm có những ngôi chùa khang trang trước 1975, do một số chư Tăng miền Trung khai sơn lập địa. Hiện nay Long Khánh có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hiển Mật hay còn gọi là chùa Ruộng Lớn tọa lạc tại Thị xã Long Khánh, chùa Huyền Trang, tọa lạc tại ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang,.…Nhưng điều đáng nói là một ngôi Tam Bảo hình thành trong vòng 5 năm,khá bề thế. Qua tổng thể kiến trúc và xây dựng, không ai ngờ hoàn hảo trong thời gian cực ngắn, đó là Tịnh xá Ngọc Xuân, do sư Giác Đăng,đệ tử HT Giác Hà, hệ phái Khất sĩ, thuộc giáo đoàn 5 của Đức thầy Lý.
08/02/2021(Xem: 4931)
Hình ảnh con trâu tượng trưng cho tâm ý của chúng sinh. Mỗi người ai cũng đều có một con “trâu tâm" của riêng mình. Và cứ như thế pháp chăn trâu được nhiều người sử dụng, vừa tự mình chăn vừa dạy kẻ khác chăn. Vào cuối thế kỷ mười ba, thời nhà Trần, trong THIỀN MÔN VIÊT NAM xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Đó là Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Tung, ông là một thiền sư đắc đạo. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử này.
08/02/2021(Xem: 4158)
Sau khi đạt được Giác ngộ, Đức Phật nêu lên Bốn Sự Thật và sự thật thứ nhất là "Khổ đau". Khổ đau ẩn chứa trong thân xác, bàng bạc trong tâm thức của mỗi cá thể con người và bùng ra cùng khắp trong thế giới: bịnh tật, hận thù, ích kỷ, lường gạt, đại dịch, bom đạn, chiến tranh... Sự thật đó, khổ đau mang tính cách hiện sinh đó, thuộc bản chất của sự sống, gắn liền với sự vận hành của thế giới. Sự thật về khổ đau không phải là một "phán lệnh" hay một cái "đế", cũng không mang tính cách "kỳ diệu" gì cả, mà chỉ là một sự thật trần trụi, phản ảnh một khía cạnh vận hành của hiện thực.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]