Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu Sử Ngắn Của Đại Sư Tông Khách Ba

03/10/201507:54(Xem: 10188)
Tiểu Sử Ngắn Của Đại Sư Tông Khách Ba

Tiểu Sử Ngắn Của Đại Sư Tông Khách Ba


Alexander Berzin, tháng Tám, 2003
một phần dựa vào bài giảng của Geshe Ngawang Dhargyey
 Dharamasala, Ấn Độ

 Lozang Ngodrub dịch; Chân Thông Tri hiệu đính

www.berzinarchives.com

 

Tiểu sử của một lama vĩ đại được gọi là “namtar” (rnam-thar), một tiểu sử mang tính cách giải thoát, vì nó tạo nguồn cảm hứng cho người nghe noi theo gương của ngài để đạt được giải thoát và giác ngộ. Tiểu sử của ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) (rJe Tsong-kha-pa Blo-bzang grags-pa) (1357-1419) thật sự gây nhiều cảm hứng.

Lời Tiên Tri Và Tuổi Thơ

Cả Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và Guru Rinpoche đều tiên tri sự ra đời và thành tựu tâm linh của Tông Khách Ba. Vào thời Đức Phật, một cậu bé thuộc về tiền kiếp của Tông Khách Ba đã cúng dường Đức Phật một chuỗi tràng hạt bằng pha lê và đã được Ngài ban cho một vỏ ốc xà cừ. Đức Thích Ca đã tiên tri rằng Đức Văn Thù Sư Lợi (Manjushri) sẽ giáng thế thành một cậu bé ở Tây Tạng, sẽ thành lập Tu Viện Ganden và cúng dường một vương miện cho tôn tượng của Đức Phật. Ngài đặt tên tương lai của cậu bé là Sumati-kirti (Blo-bzang grags-pa, Lozang-dragpa). Guru Rinpoche cũng tiên tri một vị tăng có pháp danh Lozang-dragpa sẽ sanh ra gần Trung Hoa, sẽ được xem là hóa thân của một đại Bồ tát và sẽ tạc một tượng Phật theo biểu tượng Báo thân (Sambhogakaya).

Một số dấu hiệu trước khi Tông Khách Ba chào đời cho thấy ngài sẽ là một con người vĩ đại. Ví dụ như cha mẹ của ngài đã có nhiều chiêm bao cát tường rằng con mình là hóa thân của Đức Quán Âm (Avalokiteshvara), Đức Văn Thù Sư Lợi (Manjushri) và Đức Kim Cương Thủ (Vajrapani). Vị thầy tương lai của ngài, Chojey Dondrub-rinchen (Chos-rje Don-grub rin-chen), được Yamantaka cho biết trong một linh kiến rằng ngài (Yamantaka) sẽ đến Amdo (A-mdo, Đông Bắc Tây Tạng) vào một năm nào đó và trở thành đệ tử của mình.

Tông Khách Ba ra đời ở Tsongkha (Tsong-kha), Amdo, năm 1357, là đứa con thứ tư trong sáu đứa con trai. Sau khi Tông Khách Ba ra đời được một ngày, Chojey Dondrub-rinchen gởi đại đệ tử của ngài mang lễ vật, một bức tượng và một bức thơ đến cho cha mẹ của ngài. Một cây gỗ đàn hương đã mọc lên ngay chỗ dây cuống rốn của ngài rơi xuống đất. Mỗi chiếc lá có hình ảnh tự nhiên của Đức Phật Sư Tử Hống (Buddha Simhanada, Sangs-rgyas Seng-ge sgra) trên đó, vì vậy nên được gọi là Kumbum (sKu-‘bum), một trăm ngàn hình ảnh tôn thân. Tu Viện dòng Gelug (Cách-lỗ) tên là Kumbum, sau này đã được xây dựng ngay tại đó.

Tông Khách Ba không phải là một đứa trẻ bình thường. Ngài không bao giờ hư hỏng.  Ngài đã thực hiện bồ tát hạnh theo bản năng và cực kỳ thông minh, luôn luôn muốn học hỏi tất cả mọi điều. Lúc ba tuổi, ngài thọ giới cư sĩ với Đức Karmapa thứ Tư, Rolpay-dorjey (Kar-ma-pa Rol-pa’i rdo-rje) (1340-1383). Không lâu sau đó, cha của ngài thỉnh mời Chojey Dondrub-rinchen đến nhà của họ. Vị lama này ngỏ ý sẵn sàng lo lắng cho việc học của cậu bé, và cha cậu vui vẻ đồng ý. Cậu bé ở nhà học với Chojey Dondrub-rinchen cho đến bảy tuổi. Chỉ cần nhìn thầy đọc, ngài đã biết đọc theo bản năng mà không cần được dạy.

Trong thời gian này, Chojey Dondrub-rinchen ban cho cậu bé lễ quán đảnh Ngũ Hộ Phật Chakrasamvara (Five-Deity Chakrasamvara, Dril-bu lha-lnga), Hevajra, Yamantaka và Kim Cương Thủ (Vajrapani). Đến bảy tuổi, ngài đã học thuộc lòng toàn bộ nghi thức của các lễ quán đảnh này, đã hoàn tất khóa nhập thất Chakrasamvara, thực hiện pháp tự-quán-đảnh, và có một linh kiến về Đức Kim Cương Thủ. Ngài thường nằm chiêm bao thấy A-đề-sa (Atisha, Jo-bo rJe dPal-ldan A-ti-sha) (982-1054), một dấu hiệu cho thấy ngài sẽ sửa đổi sự hiểu lầm về Phật pháp ở Tây Tạng và khôi phục tính thuần tịnh của giáo pháp, kết hợp Kinh điển và Mật điển, như A-đề-sa đã làm.

Vào lúc bảy tuổi, Tông Khách Ba thọ giới Sa di với Chojey Dondrub-rinchen và  nhận pháp danh Lozang-dragpa. Ngài tiếp tục tu học ở Amdo với vị lama này cho đến mười sáu tuổi, rồi đến U-tsang (dBus-gtsang, miền Trung Tây Tạng) để tu học thêm. Ngài không bao giờ trở lại quê nhà. Chojey Dondrub-rinchen ở lại Amdo, nơi ông thành lập Tu Viện Jakyung (Bya-khyung dGon-pa) ở phía Nam của Kumbum.

Những Năm Đầu Tu Học Ở Miền Trung Tây Tạng

Ở miền Trung Tây Tạng, trước hết, Tông Khách Ba tu học tại một tu viện của phái Drigung Kagyu, nơi ngài theo học truyền thống Đại Thủ Ấn Drigung (Drigung mahamudra) gọi là “sở hữu năm” ("possessing five", phyag-chen lnga-ldan), y khoa và học hỏi thêm nhiều chi tiết về bồ đề tâm. Năm mười bảy tuổi, ngài đã trở thành một y sĩ lành nghề. Rồi ngài học Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Filigree of Realizations, mNgon-rtogs-rgyan, Phạn ngữ Abhisamayalamkara), các bản văn khác của Đức Di Lặc, và Bát nhã ba la mật (phar-phyin, far-reaching discriminating awareness) tại một số tu viện của phái Nyingma (Ninh-mã), Kagyu (Ca-nhĩ-cư), Kadam và Sakya (Tát-ca), và học thuộc lòng các bản văn trong vòng vài ngày. Năm mười chín tuổi, ngài đã được xem là một đại học giả.

Ngài tiếp tục đi đến các tu viện danh tiếng nhất của các truyền thống Phật giáo Tây Tạng, tu học năm đề tài chánh của chương trình huấn luyện Geshe và các hệ thống học thuyết Ấn Độ, tranh luận về các đề tài này và dự thi môn tranh luận. Ngài thọ nhận các giáo huấn Kadam Lam-rim (Lam-rim, Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ theo Kinh điển), cũng như vô số lễ quán đảnh và giáo huấn Mật điển, kể cả Lamdray của truyền thống Sakya (Lam-‘bras, Đường Tu và Kết Quả), Sáu Pháp Du Già của Naropa theo truyền thống Drigung Kagyu (Na-ro’i chos-drug, six yogas of Naropa), và Thời Luân (Kalachakra). Ngài còn học sáng tác thơ, chiêm tinh học và cách tạo dựng mạn đà la (mandala). Trong tất cả các môn học, ngài chỉ cần nghe một bài giảng giải một lần thôi là đã hiểu và nhớ một cách hoàn hảo – như trường hợp của Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn.

Tông Khách Ba luôn luôn có tâm xả ly mạnh mẽ. Ngài có lối sống vô cùng khiêm tốn và trì giới thanh tịnh. Ngài thành tựu thiền chỉ (shamatha, zhi-gnas, tâm trạng tĩnh lặng) và quán (vipashyana, lhag-mthong, tâm trạng nhận thức một cách sâu sắc) một cách dễ dàng, nhưng chẳng bao giờ thỏa mãn với việc học hay trình độ thực chứng của mình. Ngài tiếp tục du hành và xin thọ nhận các giáo huấn hết lần này đến lần khác, kể cả giáo huấn về cùng một bản văn. Ngài đã tranh luận và tham gia các kỳ khảo thí tranh luận với các đạo sư thông tuệ nhất vào thời của ngài. Một trong những vị thầy chánh của ngài là Rendawa (Red-mda’-ba gZhon-nu blo-gros) (1349-1412), một đạo sư phái Sakya. Tông Khách Ba sáng tác bài Migtsema (dMigs-brtse-ma) để tán thán ông, nhưng ông lại hồi hướng nó lại cho ngài. Sau này, nó trở thành lời kệ được trì tụng nhiều lần cho hành trì guru yoga về Tông Khách Ba.

Hoằng Pháp Và Sáng Tác Trong Những Năm Đầu

Tông Khách Ba bắt đầu hoằng pháp vào những năm của tuổi hai mươi, và bài pháp đầu tiên của ngài là A-tỳ-đạt-ma (abhidharma, mdzod, các đề tài kiến thức đặc biệt). Mọi người đều kinh ngạc về sự uyên bác của ngài. Ngài cũng bắt đầu sáng tác và nhập thất nhiều hơn. Không bao lâu, ngài đã có nhiều đệ tử. Dù một số bài tường thuật nói rằng Tông Khách Ba thọ giới Tỳ kheo năm 21 tuổi, nhưng không chắc chắn việc này đã xảy ra vào năm nào. Có lẽ nó xảy ra trễ hơn, trong những năm của tuổi hai mươi.

Có một lúc, ngài đã tu học và phân tích toàn bộ Kangyur (bKa’-‘gyur) và Tengyur (bsTan-‘gyur) – các giáo huấn trực tiếp của Đức Phật (Kinh điển) và các luận giải của Ấn Độ, đã được chuyển ngữ. Sau đó, ngài đã viết Chuỗi Tràng Hạt Vàng Của Giảng Giải Xuất Sắc (A Golden Rosary of Excellent Explanation, Legs-bshad gser-phreng), một bản luận giải về Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Filigree of Realizations), vì vậy là về Bát nhã ba la mật. Ngài đã tổng hợp và thảo luận về toàn bộ hai mươi mốt bản luận giải của Ấn Độ. Trong bất cứ tác phẩm nào do ngài sáng tác, ngài đã chứng minh bằng các trích dẫn từ toàn bộ văn học Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng, so sánh và thậm chí hiệu đính các bản dịch khác nhau với lời bình. Không như các học giả trước đây, ngài không bao giờ né tránh việc giải thích những đoạn văn khó khăn và tối nghĩa nhất trong bất cứ bản văn nào.

Bình thường, mỗi ngày, Tông Khách Ba có thể thuộc lòng mười bảy trang sách hai mặt tiếng Tây Tạng, mỗi mặt có chín hàng chữ. Một lần nọ, một số học giả tổ chức kỳ thi học thuộc lòng, để xem ai là người có thể học thuộc nhiều trang sách nhất, trước khi mặt trời lên ngang ngọn phướn trên mái nhà của tu viện. Tông Khách Ba đã thắng với kỷ lục bốn trang mà ngài đọc thuộc lòng một cách trôi chảy, không sai sót gì. Người đứng hạng nhì chỉ có thể thuộc lòng hai trang rưỡi một cách loạng choạng.

Không lâu sau đó, Tông Khách Ba bắt đầu ban các lễ quán đảnh và thuyết pháp Mật tông, đặc biệt là cho phép hành trì (rjes-snang, jenang) pháp tu Diệu Âm Thiên Nữ (Sarasvati dByangs-can-ma), liên quan đến trí tuệ. Ngài cũng tiếp tục tu học Mật điển, đặc biệt là pháp Thời Luân (Kalachakra).

Có một vị lama vĩ đại nổi danh về việc giảng dạy mười một bản văn cùng một lúc. Một đệ tử đã thỉnh cầu Tông Khách Ba làm như vậy. Thay vì vậy, Ngài đã giảng mười bảy Kinh điển chánh, toàn bộ bằng trí nhớ, một bản kinh văn được giảng trong một buổi mỗi ngày, bắt đầu giảng tất cả các bản Kinh trong cùng một ngày và kết thúc tất cả trong ba tháng sau, cũng trong cùng một ngày. Trong lúc giảng dạy, ngài bác bỏ cách diễn giải sai lầm về mỗi bản kinh văn và thiết lập kiến giải riêng. Mỗi ngày, trong buổi thuyết pháp, ngài còn thực hiện lễ tự-quán-đảnh (self-initiation, bdag-‘jug) Yamantaka và tất cả các hành trì Mật điển khác.

Nếu chúng ta nhìn vào cuộc đời chỉ có 62 năm của Tông Khách Ba để xem ngài đã tu học, hành trì bao nhiêu (kể cả việc tạc tượng đất sét tsatsa), đã sáng tác, giảng dạy và nhập thất bao nhiêu thì có lẽ không ai có thể làm được như ngài, dù chỉ thực hiện một việc trong tất cả những điều này trong một kiếp.

Tu Học và Hành Trì Mật Điển Một Cách Sâu Sắc

Không lâu sau đó, Tông Khách Ba đã thực hiện khóa nhập thất dài đầu tiên về  Chakrasamvara, theo phái Kagyu. Trong kỳ nhập thất này, ngài đã thiền quán sâu sắc về sáu giáo huấn của Naropa và sáu giáo huấn của Niguma (Ni-gu’i chos-drug, Sáu Pháp Du Già của Niguma). Ngài đã đạt được thực chứng cao cả.

Sau đó, ở tuổi 34, Tông Khách Ba quyết định dấn thân vào việc nghiên cứu và hành trì sâu tất cả bốn cấp độ Mật điển. Như ngài đã viết sau đó, một hành giả không thể thật sự đánh giá cao tính thâm thúy của Tối Thượng Du Già Mật điển (anuttarayoga tantra), trừ khi họ đã hành trì và thấu hiểu ba cấp độ Mật điển thấp hơn một cách sâu sắc. Vì vậy, ngài lại có những chuyến đi xa, nhận nhiều lễ quán đảnh và giáo huấn về ba cấp độ Mật điển thấp hơn. Ngài còn nghiên cứu thêm về năm giai đoạn của giai đoạn viên mãn (five-stage complete stage, rdzogs-rim) của Guhyasamaja và Thời Luân.

Tu Học Và Nhập Thất Để Đạt Được Chứng Ngộ Vô Niệm Về Tánh Không

Tông Khách Ba còn tiếp tục nghiên cứu hành trì của Vòng Mật Điển Văn Thù Sư Lợi và Trung Quán (Manjushri Tantric Cycle and Madhyamaka) với Lama Umapa (Bla-ma dbu-ma-pa dPa’-bo rdo-rje) của phái Karma Kagyu. Vị đạo sư vĩ đại này nghiên cứu Trung Quán trong truyền thống Sakya và từ nhỏ, đã có linh kiến về Đức Văn Thù  Sư Lợi mỗi ngày, và Đức Văn Thù đã dạy cho ông một câu kệ mỗi ngày. Tông Khách Ba và ông đã trở thành cả thầy lẫn trò của nhau. Lama Umapa đã phối kiểm với Tông Khách Ba để xác định rằng giáo huấn mà ông thọ nhận qua linh kiến với Đức Văn Thù là đúng đắn. Điều này rất quan trọng, vì các linh kiến có thể bị ma quỷ ảnh hưởng.

Cùng với Lama Umapa, Tông Khách Ba thực hiện một kỳ nhập thất sâu rộng về Đức Văn Thù Sư Lợi. Từ đó trở đi, Tông Khách Ba nhận được chỉ giáo trực tiếp từ Đức Văn Thù qua các linh kiến thanh tịnh, và có thể nhận câu trả lời về những thắc mắc của mình từ Đức Văn Thù. Trước đó, Lama Umapa phải chuyển thắc mắc của Tông Khách Ba cho Đức Văn Thù.

Trong lúc nhập thất, Tông Khách Ba cảm thấy mình không có sự thấu hiểu đúng đắn về Trung Quán và Guhyasamaja. Đức Văn Thù khuyên ngài nên nhập thất dài hạn, rồi thì ngài sẽ hiểu được những điều ngài đã ghi chép từ các chỉ giáo của Đức Văn Thù. Vì vậy, sau khi hoằng pháp một thời gian ngắn, Tông Khách Ba đã nhập thất bốn năm với tám đệ tử thân cận ở Olka Cholung ('Ol-kha chos-lung). Các vị đã hành trì 100 000 lạy ba mươi lăm bận, mỗi bận hành trì cho ba mươi lăm vị Phật của pháp sám hối, và cúng dường 100 000 mạn đà la mười tám bận, với nhiều pháp tự-quán-đảnh Yamantaka và nghiên cứu về bồ tát hạnh trong Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra, mDo phal-cher). Sau đó, các ngài có một linh kiến về Đức Di Lặc.

Sau kỳ nhập thất, Tông Khách Ba và các đệ tử trùng tu một pho tượng vĩ đại của Đức Di Lặc tại Lhasa, đó là công hạnh đầu tiên trong bốn công hạnh lớn của ngài. Rồi các ngài lại nhập thất thêm năm tháng nữa. Sau đó, Lama Lhodrag Namka-gyeltsen (Lho-brag Nam-mkha’ rgyal-mtshan) thuộc phái Nyingma, người đã liên tục có linh kiến về Đức Kim Cương Thủ (Vajrapani), đã mời Tông Khách Ba, và hai vị trở thành cả thầy lẫn trò của nhau. Ông đã trao truyền Kadam Lam-rim và khẩu truyền về tôn chỉ của các dòng truyền thừa cho Tông Khách Ba.

Tông Khách Ba muốn đến Ấn Độ để tu học thêm, nhưng Đức Kim Cương Thủ khuyên ngài nên ở lại Tây Tạng, vì ngài sẽ tạo nhiều lợi lạc ở đó hơn, nên ngài đã ở lại. Ngài quyết định sau này sẽ sáng tác Đại Luận Về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ (A Grand Presentation of the Graded Stages of the Path, Lam-rim chen-mo) về trình tự đường tu theo Kinh điển, rồi đến Đại Luận Về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ Theo Mật Điển (A Grand Presentation of the Graded Stages of the Tantra Path, sNgags-rim chen-mo) về trình tự hành trì của bốn cấp độ Mật điển.

Sau đó, Tông Khách Ba thực hiện một kỳ nhập thất sâu rộng về giai đoạn viên mãn của Thời Luân, và sau đó là một năm nhập thất về Trung Quán. Mặc dù đã tu học nhiều về Trung Quán và Không tuớng từ các vị thầy của mình, ngài chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn với mức độ giảng giải ấy. Trước khi thực hiện khóa nhập thất dài một năm, Đức Văn Thù đã khuyên ngài nên dựa vào luận giải Trung Quán của ngài Phật Hộ (Buddhapalita, Sangs-rgyas bskyangs). Tông Khách Ba đã làm theo lời khuyên và nhờ vậy, trong lúc nhập thất, ngài đã đạt được đầy đủ thực chứng vô niệm về tánh Không.

Dựa trên thực chứng của mình, Tông Khách Ba đã hoàn toàn tu chỉnh lại sự hiểu biết của giáo huấn Trung quán-Cụ Duyên về Không tướng và các đề tài liên quan mà các vị thầy và đạo sư thông tuệ đã thấu hiểu trong thời của ngài. Về phương diện này, ngài là một nhà cải cách cấp tiến, có can đảm vượt qua niềm tin đương thời, khi cảm thấy nó không thỏa đáng.

Sự cải cách giáo pháp của Tông Khách Ba luôn luôn nghiêm túc dựa trên luận lý và việc tham khảo Kinh điển. Khi thiết lập kiến giải riêng của mình thành ý nghĩa sâu sắc nhất của các giáo pháp vĩ đại từ Ấn Độ, ngài không hề vi phạm sự gắn bó và quan hệ gần gũi với các vị thầy của mình. Xem các vị thầy của mình như Phật không có nghĩa là chúng ta không thể vượt qua các vị về phương diện thực chứng. Tsenzhab Serkong Rinpoche đời thứ Hai có giải thích điều này bằng thí dụ sau đây.

Chúng ta cần trộn nhiều vật liệu với nhau, như bột, bơ, sữa, trứng, v.v... để làm một cái bánh. Các vị thầy chỉ ta cách làm bánh và nướng một vài cái bánh cho chúng ta. Bánh có thể rất ngon và có thể ta rất thích chúng. Nhờ vào lòng tử tế của thầy, giờ đây, chúng ta đã biết cách làm bánh. Điều này không có nghĩa là ta không thể có vài sự thay đổi, thêm vài vật liệu khác vô và làm những cái bánh ngon hơn cả bánh của thầy mình. Khi làm như vậy, chúng ta không có ý bất kính đối với thầy. Nếu các thầy là những vị thật sự hội đủ các phẩm hạnh cao quý, họ sẽ tùy hỷ đối với việc cải thiện công thức làm bánh của ta và thưởng thức những cái bánh mới với chúng ta.

 

Các Công Hạnh Cao Cả Khác

Sau khi hoằng pháp thêm một thời gian, Tông Khách Ba lại nhập thất, lần này cùng với thầy của ngài là Rendawa, và viết hầu hết tác phẩm Lam-rim chen-mo. Trong kỳ nhập thất này, ngài có một linh kiến về A-đề-sa và các đạo sư dòng truyền thừa Lam-rim trong suốt một tháng, làm sáng tỏ nhiều thắc mắc của ngài. Kế đến, ngài đã nghiên cứu thêm về sáu hành trì của Naropa và Đại Thủ Ấn với phái Drigung Kagyu. Trong mùa mưa sau đó, ngài đã giảng dạy giới luật (vinaya,‘dul-ba) một cách rất rõ ràng, và điều này được xem là công hạnh lớn thứ hai của ngài.

Sau khi hoàn tất tác phẩm Lam-rim chen-mo, Tông Khách Ba quyết định giảng dạy đầy đủ hơn về Mật điển. Tuy nhiên, trước tiên, ngài viết các luận giải sâu rộng về bồ tát giới và Đạo Sư Ngũ Thập Kệ Tụng (Fifty Stanzas on the Guru, Bla-ma lnga-bcu-pa, Phạn ngữ Gurupanchashika), để nhấn mạnh hai đề tài này là nền tảng của hành trì Mật điển. Rồi trong khi tiếp tục giảng pháp, ngài đã sáng tác Ngag-rim chen-mo (Đại Luận Về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ Theo Mật Điển) và nhiều luận giải về Guhyasamaja. Ngài còn viết về Yamantaka và các bản văn Trung Quán Luận của Long Thọ (Nagarjuna).

Hoàng Đế Trung Hoa mời ngài làm gia sư hoàng gia cho ông, nhưng Tông Khách Ba từ chối, viện cớ rằng ngài đã quá già và muốn nhập thất.

Trong hai năm kế tiếp, Tông Khách Ba đã giảng dạy Lam-rim và Mật điển một cách rộng rãi và sáng tác Cốt Tủy của Diễn Giải Xuất Sắc về Ý Nghĩa Diễn Dịch và Ý Nghĩa Tối Hậu (The Essence of Excellent Explanation of Interpretable and Definitive Meanings, Drang-nges legs-bshad snying-po), về ý nghĩa tối hậu và ý nghĩa diễn dịch của học thuyết Đại thừa. Vào năm 1409, lúc 52 tuổi, ngài đã khai mạc Đại Lễ Cầu Nguyện Monlam (Monlam Great Prayer Festival, sMon-lam chen-mo) tại chùa Jokang (Jo-khang) ở Lhasa. Ngài đã cúng dường một vương miện bằng vàng cho pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, như một lời tuyên bố rằng giờ đây, đó là một pho tượng của Báo thân (Sambhogakaya), không chỉ là Hóa thân (Nirmanakaya) của Đức Phật. Báo thân của chư Phật sống cho đến khi tất cả chúng sanh đều được giải thoát khỏi luân hồi, trong khi Hóa thân thì chỉ sống trong một thời gian ngắn. Điều này được xem là công hạnh lớn thứ ba của ngài. Sau đó, các đệ tử xin ngài đừng vân du quá nhiều và họ đã sáng lập Tu Viện Ganden (Ganden Monastery, dGa’-ldan dGon-pa) cho ngài.

Tại Tu Viện Ganden, Tông Khách Ba tiếp tục giảng dạy, sáng tác (đặc biệt là về Chakrasamvara), và nhập thất. Ngài đã ủy thác việc xây dựng chánh điện lớn của Ganden, với một tượng Phật vĩ đại và các mạn đà la ba chiều bằng đồng của  Guhyasamaja, Chakrasamvara và Yamantaka. Điều này được xem là công hạnh lớn thứ tư của ngài. Ngài tiếp tục việc sáng tác và cuối cùng, có tổng cộng mười tám bộ  tác phẩm sưu tập, với sáng tác về Guhyasamaja là nhiều nhất.

 

Viên Tịch

Tông Khách Ba viên tịch ở Tu Viện Ganden vào năm 1419, lúc 62 tuổi. Ngài đã thành tựu giác ngộ sau khi viên tịch bằng cách đạt được huyễn thân (illusory body, sgyu-lus), thay vì mang thân trung ấm. Điều này nhấn mạnh nhu cầu giữ gìn đời sống độc thân nghiêm ngặt của các tăng sĩ, bởi vì giác ngộ trong đời này đòi hỏi việc hành trì với một vị phối ngẫu ít nhất là một lần.

Trước khi viên tịch, Tông Khách Ba trao tặng mũ và tăng bào của mình cho Gyeltsabjey (rGyal-tshab rJe Dar-ma rin-chen) (1364-1432), người đã trở thành chủ tọa pháp tòa trong mười hai năm sau đó. Điều này bắt đầu truyền thống Chủ Tọa Pháp Tòa Ganden (Ganden Throne Holder, dGa’-ldan khri-pa, Ganden Tripa) là vị trưởng dòng Gelug. Vị chủ tọa pháp tòa kế tiếp là Kaydrubjey (mKhas-grub rJe dGe-legs dpal-bzang) (1385-1438), người mà về sau đã có năm linh kiến về Tông Khách Ba. Điều này làm sáng tỏ những nghi ngờ và giải đáp các thắc mắc của ông. Dòng truyền thừa Gelug đã hưng thịnh kể từ đó.

Các Đệ Tử

Một vài đệ tử thân cận của Tông Khách Ba đã sáng lập các tu viện để nối tiếp dòng truyền thừa và quảng bá giáo huấn của ngài. Trong khi Tông Khách Ba còn tại thế, Jamyang Chojey (‘Jam-dbyangs Chos-rje bKra-shis dpal-ldan) (1379-1449) đã sáng lập Tu Viện Drepung (Drepung Monastery, 'Bras-spungs dGon-pa) vào năm 1416, và Jamchen Chojey (Byams-chen Chos-rje Shakya ye-shes) (1354-1435) đã thành lập Tu Viện Sera (Sera Monastery, Se-ra dGon-pa) năm 1419. Sau khi Tông Khách Ba viên tịch, Gyu Sherab-senggey (rGyud Shes-rab seng-ge) (1383-1445) đã thành lập Trường Cao Đẳng Mật Điển Miền Hạ (Gyumay Lower Tantric College, rGyud-smad Grva-tshang) năm 1433, và Gyelwa Gendun-drub (rGyal-ba Ge-’dun grub) (1391-1474), sau khi viên tịch, đã được thụ phong là Đức Dalai Lama thứ Nhất, người đã sáng lập Tu Viện Tashilhunpo (Tashilhunpo Monastery, bKra-shis lhun-po) năm 1447.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/10/2010(Xem: 5978)
Chúng ta đã tìm Phật và tìm Pháp, nay phải đi tìm Tăng cho đủ Tam Bảo, nói cho đủ là Tăng già, phiên âm chữ Phạn Sangha có nghĩa là một đoàn thể sống chung với nhau ít nhất là bốn người, bỏ nhà đi tu, giữ đủ giới luật của Phật đặt ra, với tôn chỉ tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha, nhằm mục đích giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh.
19/10/2010(Xem: 6050)
Theo Phật học Từ điển thì danh từ Pháp có rất nhiều nghĩa, mà nghĩa rộng nhất và bao trùm nhất là định nghĩa: "Quỹ sinh vật giải, nhậm trì tự tánh", dịch nghĩa là những hình dáng cấu tạo, giải thích rõ một vật, nắm giữ tự tánh của nó, không cho lầm lẫm với vật khác.
19/10/2010(Xem: 6459)
Nhân mùa Phật Đản kỷ niệm đức Thích Ca giáng trần cứu độ chúng sinh, chúng ta hãy thử đi tìm Phật. Hầu hết mọi Phật tử đều thuộc lòng lịch sử Phật Thích Ca giáng sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia, trị vì thành Ca Tỳ La Vệ, nước Ấn Độ bấy giờ; ngài lớn lên lấy vợ, rồi xuất gia thành đạo, chuyển Pháp Luân cứu độ chúng sinh, nhập Niết Bàn ở vườn Ta La. Vậy câu hỏi Tìm Phật Ở Đâu thật là dễ, ai cũng trả lời được.
19/10/2010(Xem: 10995)
10 Hiện Tượng Bí Ẩn Trong Lịch Sử Chưa Thể Lý Giải 10 hiện tượng bí ẩn trong lịch sử mà đến nay các nhà khoa học vẫn không giải thích nổi. Nếu tính cả chuyến bay M370 của Malaysia thì đây được coi là hiện tượng thứ 11.
19/10/2010(Xem: 9443)
Y phục được xem là một trong bốn vật dụng thiết yếu đối với tu sĩ Phật giáo. Là vật dụng thiết yếu vì y phục giúp che kín thân thể, giúp cơ thể tránh khỏi sự xâm hại của "nóng, lạnh và ruồi muỗi," chứ không phải vì một mục đích nào khác. Nói cách khác, người xuất gia (cũng như mọi người) không thể không dùng đến y áo, chứ không dùng y áo làm thước đo cho một giá trị nào đó. Điều này hẳn nhiên không hoàn toàn đúng về sau, nhưng ít nhất nó được phản ánh trong giai đoạn đầu tiên.
18/10/2010(Xem: 9817)
Ðạo Phật quan niệm mỗi cấp bực của sự sống đều mang một Thức tương ứng: cấp vi trùng vi khuẩn cũng có Thức của nó, cũng như mỗi tế bào, mỗi mô sinh vật cũng thế...
18/10/2010(Xem: 8816)
Sự tàn phá do ảnh hưởng bởi lòng thù hận dễ nhận thấy, rõ ràng và tức thời, như là một niệm sân hận có mặt, lớn mạnh, tư nhiên chi phối hoàn toàn bạn và phá hũy sự an lạc cónơi bạn.
18/10/2010(Xem: 7420)
Phật pháp dù cao siêu vi diệu nhưng liệu có ích lợi gì cho tuyệt đại đa số người đời vốn bị nhiều ràng buộc và chịu nhiều hệ lụy trong thế gian? Người thực hành theo giáo pháp của Phật có nhất thiết phải ẩn dật, ly gia cát ái? Thực ra, đạo Phật không tách rời thế gian, luôn gắn liền với cuộc đời, quan tâm đến việc xây dựng hạnh phúc cho con người.
17/10/2010(Xem: 9309)
Nhà sư Đức pháp danh Saddhaloka (Hòa Thượng Tín Quang) được người Việt ở HK gọi là “ Thầy Tây Đức” đã được làm lễ an nghỉ ngày 5/1/2014 tại HK. Lễ tang ngài bắt đầu từ nhà tang lễ Hunghom kế tiếp tiến hành tại nghĩa trang Wo Hop Sek, vùng Tân giới (NT) sau đó mọi người sẽ dự bữa ăn chay tại tu viện Yuen Long hay còn gọi là chùa Yuen Long.
17/10/2010(Xem: 9482)
Hơn 6 tiếng xe lửa từ Aschaffenburg, tôi trở về đến nhà gần 10 giới tối. Lục đục tắm rửa, ăn chén súp nóng (do chồng nấu cho) huyên thuyên kể chuyện, rồi đánh răng... mãi gần 12 giờ khuya tôi mới lên giường đi ngủ. Sáng sớm hôm sau 6 giờ thức dậy sửa soạn đi... cày. Công việc ứ đọng của 2 ngày thứ 5, thứ 6 (lấy hè, cộng với công việc của thứ 2 đầy ắp trên bàn. Tôi một mình chịu trách nhiệm một phòng không ai thay thế). Ông xếp trước khi về văn phòng còn đứng đó chờ đợi, vẻ lo âu. Tôi trấn an ông:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]