Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Người biết bảo vệ mình

14/05/201508:46(Xem: 6822)
Người biết bảo vệ mình

Phat Thich Ca_4

NGƯỜI BIẾT BẢO VỆ MÌNH
Bài giảng của TT. Thích Thái Hòa
Ngày 14-01-2015, tại văn phòng FDI, Hà Nội.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Xin đại chúng giữ gìn trang nghiêm cho tâm được yên lắng để nghe pháp thoại. Quý vị cùng với tôi thực tập, theo dõi ba hơi thở vào và ra.
Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào;
Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra. 

Thưa toàn thể đại chúng, hôm nay làngày 24 tháng 11 năm Giáp Ngọ, tức là ngày 14-01-2015, tại văn phòng FDI, Hà Nội.Tôi và thầy Từ Niệm được Ban Giám đốc và Ban Điều hành công ty FDI, Hà Nội mời đến đây để chia sẻ pháp thoại với đề tài “Người biết bảo vệ mình”

đến toàn thể nhân viên đang làm việc tại văn phòng FDI, Hà Nội này. Xin quí vị hãy lắng nghe!

Muốn biết bảo vệ mình thì chúng ta phải có ba chất liệu:

1- Trí đức
Thế nào là người biết bảo vệ mình? Chúng ta muốn bảo vệ chúng ta thì chúng ta phải biết bảo vệ cái không phải của chúng ta. Nếu, chúng ta chỉ biết bảo vệ mình mà không biết bảo vệ cái không phải của mình thì chúng ta sẽ không bao giờ bảo vệ được mình. Bởi vì, chính chúng ta được tạo nên bởi cái không phải của chúng ta. Bản thân của chúng ta được tạo nên bởi những gì? 

 

Chúng ta được tạo nên bởi chất rắn, chất lỏng, chất nhiệt, chất khí và bởi tâm thức. Cho nên, chúng ta muốn bảo vệ chính mình thì chúng ta phải bảo vệ chất lỏng, chất rắn, chất nhiệt, chất khí và bảo vệ tâm thức của chúng ta. Khi đó, chúng ta mới bảo vệ được chính chúng ta. Bởi vì, chính ta không phải là của ta mà chúng ta quan hệ với những yếu tố không phải của chúng ta để tạo nên chúng ta. Đây là một sự hiểu biết mà Phật giáo cống hiến cho tư duy con người, cho cái thấy về con người của chúng ta.

Chúng ta muốn bảo vệ chính mình thì chúng ta phải bảo vệ gia đình của mình. Gia đình của chúng ta có cha mẹ, vợ chồng, anh chị em và con cái. Bởi vì, trong đời sống con người không thể thoát ra được sự quan hệ huyết thống. Bản thân của chúng ta không thể thoát ra được năm yếu tố: rắn, lỏng, nhiệt, khí và tâm thức. Nếu không có năm yếu tố đó sẽ không bao giờ có ta.

Về gia đình, nếu không có cha mẹ thì sẽ không có con cái. Không có vợ chồng, chúng ta sẽ không có con cái. Cho nên, chúng ta muốn bảo vệ chúng ta ở trong phạm vi bản thân thì chúng ta phải biết bảo vệ: chất rắn, chất lỏng, chất khí, chất nhiệt và tâm thức. Chúng ta muốn bảo vệ chúng ta qua hình ảnh của gia đình thì chúng ta phải bảo vệ cha mẹ, anh chị em,vợ chồng, con cái thì chúng ta mới bảo vệ được mình.

Qua quan hệ xã hội cũng vậy, chúng ta muốn bảo vệ đời sống của chúng ta thì chúng ta phải biết bảo vệ những gì trong quan hệ xã hội của chúng ta. Tiến thêm một bước nữa, chúng ta muốn bảo vệ gia đình mình thì phải biết bảo vệ sự quan hệ xã hội qua sự bảo vệ môi trường và môi sinh. Nếu môi trường bị ô nhiễm thì cả xã hội đều bị ô nhiễm, gia đình chúng ta cũng bị ô nhiễm. Gia đình bị ô nhiễm thì tất cả mọi thành viên trong gia đình đều bị ô nhiễm.

Không ai cho rằng, người không có khả năng bảo vệ mình để cho môi trường sống của mình bị ô nhiễm, môi trường sống của gia đình bị ô nhiễm, môi trường sống của xã hội của mình bị ô nhiễm mà được bảo toàn. Cho nên, quý vị phải biết rằng, mình phải bảo vệ mình qua những cái không phải mình, đó chính là sự hiểu biết rất lớn, có một trí tuệ rất lớn. 

 

Thường thường, con người không nhận ra được điều này, cho nên, phần nhiều cứ tưởng rằng, mình bảo vệ mình thì cứ ích kỷ thu góp quyền lợi về cho mình để bảo vệ được mình. Đó là một sự hiểu biết sai lầm rất lớn. Chính sự sai lầm đó, khiến chính bản thân mình bị gia đình ruồng bỏ. Mình chỉ bảo vệ gia đình mình thôi, mình không biết những gia đình chung quanh và xóm giềng thì gia đình mình sẽ bị mọi người chung quanh ruồng bỏ. Mình chỉ biết bảo vệ đất nước mình thôi mà xâm lăng các đất nước khác thì sẽ bị thế giới khinh bỉ và ruồng bỏ. Đó là điều hiểu biết rất cơ bản mà những người có căn bản trí thức phải biết.

Ở nơi công ty FDI này, chính là môi trường để các thành viên trong công ty tương tác hoạt động với nhau. Nếu quý vịkhông bảo vệ môi trường này thì môi trường sinh hoạt của gia đình mình cũng sẽ bị thiêu rụi. Quý vị không bảo vệ được môi trường này thì  chính mọi sinh hoạt bản thân của quý vị ở trong môi trường này sẽ ô nhiễm. Môi trường hoạt động của quý vị bị ô nhiễm, thì môi trường sinh hoạt ở nơi gia đình của quý vị cũng bị ô nhiễm và sự ô nhiễm này sẽ lan tỏa ra xã hội và những đối tác của mình.

Vậy, muốn bảo vệ công ty FDI này, quý vị phải làm gì? Quý vị phải biết đem trí đức mà bảo vệ môi trường đang hành hoạt của quý vị. Không có trí đức chúng ta sẽ không có khả năng bảo vệ môi trường mà chúng ta đang thao tác, hoạt động quan hệ từ gia đình đến xã hội. Quan hệ từ một phạm trù không gian nhất định là đất nước của chúng ta, rồi mở rộng ra sự quan hệ toàn cầu. Nhưng, nếu chúng ta không biết bảo vệ chúng ta, không biết bảo vệ những cái không phải của chúng ta, thì chúng ta sẽ không thành công trên con đường của chúng ta đang làm, chúng ta sẽ không có thành công trong đời sống của mình. Điều này quý vị phải lưu ý!

Giả dụ, công ty FDI này làm việc không có uy tín hoặc bị mất uy tín với các đối tác, môi trường này họ không tin tưởng thì kinh tế bản thân và kinh tế gia đình mình sẽ như thế nào? Ấy là câu hỏi mà quý vị luôn luôn đặt ra trước mặt, để tự cảnh giác chính mình.

Hoặc quí vị không cần công ty FDI mà qua làm việc với một công ty khác, qua môi trường khác thì quý vị sẽ thấy có sự khó khăn từ ba tháng đến một năm. Sau đó mới khởi nghiệp trở lại thì chuyện đó không phải đơn giản. Vậy, tại sao chúng ta đang có những gì mình đang có mà mình không biết chăm sóc, nâng cấp? Chúng ta  mở rộng nó ra bằng sự hiểu biết trong sáng củachính mình, bằng sự quyết tâm và bằng tất cả tấm lòng của mình. Cho nên, chúng ta muốn bảo vệ mình thì phải bảo vệ ai? Đó là phải biết bảo vệ cái không phải của mình. Chỉ có những người thông minh, có trí đức mới làm được công việc bảo vệ này. Nhưng thử hỏi ai là người trong chúng ta mà không thông minh?

Tôi nói trong phạm vi về chuyện tình cảm. Mình yêu ai không những mình để ý đến người mình yêu mà còn phải bảo vệ những cái không phải là của người mình yêu nữa thì tình yêu của mình mới được trọn vẹn. Ví dụ, anh A yêu chị B mà chỉ biết chị B thôi, vào nhà chị B mà chỉ biết chị B không thôi, không biết cha mẹ chị B,không biết anh chị em của chị B thì liệu tình yêu của anh A và chị B có được hoàn toàn không? 

 

Dứt khoát không được hoàn toàn. Cho nên, A muốn yêu B, thì A phải biết bảo vệ cái không phải là A, mà còn phải biết bảo vệ cái không phải là B nữa.Thân cận gần gũi cái không phải B, đó là cha mẹ, anh chị em của B. Khi đó, cha mẹ, anh chị em của B có cảm tình với A sẽ động viên B, tạo điều kiện để B thương A và tạo điều kiện để A đi tới với B một cách êm đẹp, nhẹ nhàng, A sẽ được bảo hộ bởi những cái không phải là A, như vậy A yêu B mới thật sự thành công. Nên, A thương B, có nghĩa là A phải thương C và D, thương cái không phải của B. Đây không phải là triết lý mà là đạo lý mình phải biết bảo vệ qua những liên hệ với những người không phải là mình nhưng thật sự có phần hỗ dụng cho mình.

Cũng vậy, chúng ta hãy trở lại với công ty này. Muốn bảo vệ FDI, thì chúng ta phải biết bảo vệ các đối tác với FDI. Phải bảo vệ bằng cách nào? Đối với khách hàng, chúng ta phải nhiệt tâm, nhiệt tình. Điều gì chưa rõ ràng thì phải hỏi cho cặn kẽ để giúp đỡ họ. Chúng ta giúp đỡ khách hàng có nghĩa là chúng ta đang giúp đỡ mình. Một hợp đồng không rõ ràng thì mình phải làm cho rõ ràng, đừng lập lờ. Bởi vì, hợp đồng không rõ ràng thì chỉ thành công tức thời, ngay sau đó sẽ thất bại. 

 

Ví dụ,trong một hợp đồng, anh Bắc, anh Bình và các nhân viên thấy hợp đồng có sơ hở chỗ nào, có lợi cho FDI mà thiệt hại cho khách hàng, thì phải điều chỉnh ngay để cả hai đều có lợi. Đừng có thu lợi cho FDI mà thiệt hại khách hàng thì trước sau gì khách hàng cũng rời bỏ mình, công việc làm ăn thọ mạng giữa hai bên rất ngắn. Cho nên, chúng ta bảo vệ công ty FDI có nghĩa là chúng ta phải biết bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà rõ ràng là khách hàng không phải là FDI. 

 

Nhưng,chính chúng ta bảo vệ quyền lợi của khách hàng, bảo vệ sự trung thực, có lợi cho khách hàng thì chúng ta cũng đang làm lợi cho chúng ta. Đây là sự bảo vệ mình qua cái không phải mình về mặt doanh nghiệp. Theo lời Phật dạy, sự bảo vệ đó gọi là trí đức. Trí đức là đạo đức sinh khởi từ trí tuệ, chính đạo đức đó được bảo vệ bằng trí tuệ, nên thọ mạng được lâu dài. Kinh doanh chúng ta không đem sự gian dối, lợi hại để bảo vệ sinh mệnh của công ty mà đem trí đức để bảo vệ sinh mệnh của công ty. Đây là điều mà các nhà doanh nghiệp cần phải học.

Trong mọi lãnh vực, tất cả anh chị em đã có sự thông minh rồi thì theo sự gợi ý của thầy, các anh chị em cứ như thế mà triển khai. Cho nên, từ đạo đức sinh khởi trí tuệ.Trí tuệ đó có khả năng bảo chứng cho đạo đức. Mà có đạo đức thì có được sự lâu dài.

Đôi lúc, chúng ta mới kinh doanh mình phải chấp nhận sự thua thiệt hay thua lỗ. Nhưng trong cái thua lỗ đó, mình có thể có cơ hội để thể hiện tính chất chân thật của mình, có cơ hội thể hiện tài năng của mình thì mình cũng chấp nhận sự thua thiệt đó trong một thời gian. Sau thời gian thua thiệt đó, chúng ta sẽ có khả năng thao tác để biểu lộ tài năng và đức hạnh thì đối tác sẽ tin tưởng và hết lòng hợp tác làm ăn với mình. Mình cũng hết lòng hợp tác với họ thì thọ mạng của công ty FDI sẽ được lâu dài. Có những trường hợp chúng ta phải chấp nhận thua thiệt về mình trong vài tháng để thể hiện thao tác của mình thì đó là cách bảo vệ của mình bằng trí đức. Có nghĩa là từ cái đức của đạo đức mà sinh ra trí tuệ và tài năng. Chúng ta phải nhìn được như thế mới là người có chiến lược.

Có nhiều người chưa làm hoặc làm chưa có thành quả mà đòi hưởng lợi thì thành quả đó chỉ èo ọp không được lâu dài. Đây là điều mà tất cả những người tu tập cũng như tất cả những người đảm nhiệm các vai trò trong xã hội phải ý thức được để làm tốt hơn trong vai trò và trong nhiệm vụ của mình. Đó là chất liệu của trí đức. Chúng ta phải học hành, nghiên cứu như thế nào để mình thật sự có trí đức, có nghĩa là đức sinh ra từ trí tuệ thì trí tuệ đó mới là trí tuệ thật sự. Trí tuệ ấy mới sinh ra hoa trái bình an cho mình. Trí tuệ đó có khả năng bảo vệ mình.

Vậy, muốn bảo vệ mình thì phải làm gì? Bảo vệ những gì không phải của mình. Ví dụ, vị trưởng phòng kế toán, muốn bảo vệ phòng kế toán của mình thì phải bảo vệ những gì? Bảo vệ những gì không phải kế toán là mình phải hỗ trợ cho những phòng khác. Chính khi mình hỗ trợ cho phòng khác thì những phòng đó sẽ cung cấp tư liệu cho mình một cách chính xác, mình làm kết toán một cách chính xác, từ đó sẽ được sự tín dụng của mọi người.

Hoặc, người làm tài chánh, muốn bảo vệ mình thì mình phải bảo vệ cái gì? Bảo vệ những gì không phải của mình là người kế toán, người giao hàng, người vận chuyển, tất cả mọi người đó mình đều phải bảo vệ. Bởi vì, những người đó đều tương tác với nhau và tương tác với mình. Chỉ có những người thông minh và trí đức mới nhận ra được điều này!

Ví dụ, người đặc trách ngành hàng-không không phải chỉ biết vai trò hàng-không của mình thôi đâu, mà còn phải biết đến những phòng khác, không có những ngành khác thì làm sao có phòng hàng- không. Phải có sự di chuyển hàng dưới đất, mới đưa tới cho công việc của ngành hàng-không. Người ngành hàng-không chỉ biết vai trò của người hàng-không mà không biết đến vai trò người của những ngành khác, thì cái biết chưa trọn vẹn. Mình phải biết nhữngthuận lợi và khó khăn của những người đang hoạt động ở những ngành khác để chia sẻ và cảm thông, khiến những người kia có cảm giác dễ chịu với mình, để cho họ đem nhiệt tâm làm những công việc của họ một cách hoàn hảo là họ cũng đã, đang và sẽ giúp mình. 

 

Quý vị có thấy được điều này không? Khi đã thấy được điều này rồi, thì từ Tổng giám đốc, Giám đốc, các Trưởng phòng và các nhân viên đang hoạt động trong công ty đều có liên hệ đến mình và đều là của mình. Nhân viên các ban ngành đều thân thiết với mình, nhìn nhau với cặp mắt trực diện, thương yêu,có những gì sẵn sàng chia sẻ cho nhau. Đó là người có sự thông minh trong côngviệc.

Có nhiều người hỏi, tại sao thầy Thái Hòa đi tu, hoặc các Phật tử đi tu. Tôi thấy rằng, đi tu có gì là ghê gớm lắm đâu! Tu có nghĩa là mở rộng không gian nhận thức. Từ không gian nhận thức mở rộng ra, thì không gian tâm hồn cũng từ đó mà mở rộng ra và không gian hành động của mình cũng mở rộng ra. Đời sống như vậy tự nó sẽ rất có ý nghĩa! Cho nên, đi tu như vậy không phải chỉ dành riêng cho thầy Thái Hòa, cho thầy Từ Niệm, cho người lớn tuổi hoặc cho người trẻ mà quyền lợi của tất cả mọi người. 

 

Bởi vì là con người, ai cũng muốn mở rộng không gian nhận thức cho mình, mở rộng không gian hiểu biết của mình. Từ đó, nó sẽ mở rộng không gian tâm hồn. Mở rộng không gian tâm hồn thì ai cũng mong muốn. Mở rộng không gian tâm hồn, chính là mở rộng tình cảm. Tâm hồn càng rộng lớn, thì tình cảm càng mênh mông và cao quí. Tình cảm cao quí là tình cảm chân thật và ai cũng cần tình cảm chân thật để sống.

Chúng ta đừng có dại sống mà tham lắm tiền, nhiều của, địa vị lớn mà không ai dành cho mình một chút tình cảm thì cuộc đời sẽ trở nên cô đơn. Chúng ta phải mở rộng không gian hiểu biết, mở rộng không gian nhận thức để được gần gũi với các trưởng phòng. Trưởng phòng gần gũi với các nhân viên bằng tình cảm nhẹ nhàng thân thiện. 

 

Như vậy, tu không phải để dành cho ai mà cho tất cả. Nếu người nào sợ tu tập, người ấy sẽ bị rơi vào trong bóng đêm và người đó chỉ là một kẻ tầm thường sinh hoạt trong bóng đêm. Những người không có nhận thức căn bản thì kẻ đó chỉ biết dành giựt cơm áo của người khác và sẽ trở thành gánh nặng cho cuộc đời. Cho nên, chúng ta phải biết bảo vệ mình qua sự tu tập. Tu là để sửa mình, hoàn chỉnh qua tâm hồn để nâng nó lên vị trí cao hơn, tầm nhìn cao hơn thì cuộc sống sẽ thoáng hơn. Cuộc sống trở nên thoáng thì mình không bị đối ngại. Chúng ta nhìn cuộc đời thanh thản và nhẹ nhàng, mặc dù đối diện với bao khó khăn của công việc. 

 

Biết có khó khăn và biết đối diện với khó khăn, chúng ta sẽ học được những bài học thực tế rất lớn, đây là điều mà chúng ta cần phải thực tập. Nhờ thực tập như vậy, chúng ta sẽ trưởng thành. Trưởng thành ngay nơi những trải nghiệm của chính chúng ta. Nhờ vậy,chúng ta có khả năng đi trước và đi trên mọi người, có thể chỉ đạo và giúp đỡ cho mọi người.

Cái nhìn vượt tầm là cái nhìn của người lãnh đạo. Bởi vì lãnh đạo không phải là người chuyên môn mà là người biết kết hợp những người chuyên môn để những người chuyên môn góp phần đạo đức và trí thông minh để giúp cho công việc lãnh đạo của mình, ấy mới đúng là người lãnh đạo. Nên,người vai trò của người lãnh đạo là làm thế nào để gắn kết được các bộ phận trong công ty của mình và vận dụng tài năng của các thành viên của công ty cho mục đích chung. Người lãnh đạo phải làm thế nào để những người có khả năng; có chuyên môn tin tưởng và quý trọng khả năng lãnh đạo của mình, họ hết lòng đem chuyên môn đó giúp đỡ công việc lãnh đạo của mình.

Như vậy, người biết bảo vệ mình là người biết bảo vệ cái không phải của mình. Quý vị thực tập được điều đó là quý vị có trí đức ngay trong công việc của mình. Khi đã có trí đức, quý vị làm việc gì cũng cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái, cũng cảm thấy hạnh phúc và an lạc.

2- Đoạn đức (Tâm đức)
Đoạn đức có nghĩa là đức hạnh được sinh khởi từ sự đoạn trừ tính ích kỷ ở nơi tâm con người, đoạn trừ những nhận thức cục bộ, phiến diện nơi cái biết của con người. Muốn đoạn trừ được sự hiểu biết cục bộ ở nơi sự hiểu biết của mình, chúng ta phải chuyển hóa và thay đổi không gian nhận thức chật hẹp của ta. Tính ích kỷ nơi tâm ta sẽ làm cho chúng ta nghèo nàn và tù túng trong đời sống, khiến không ai có thể quan hệ được với mình.Tính ích kỷ của ta, khiến ta tới cơ quan làm việc cảm thấy buồn và cô độc. 

 

Tại sao mọi người trong cơ quan không ai muốn quan hệ với mình? Bởi vì, mình quá ích kỷ và ưa độc quyền. Sống ở đâu và với ai mà mình muốn trở thành người đứng thứ nhất hoặc cho mình là người quan trọng số một, thì sẽ không có ai muốn quan hệ với mình. Mình tự biến mình trở thành vô dụng. Số 1 không phải bỗng dưng mà có,nó có từ số 2, số 3, hoặc số 4… Nếu không có những con số này, thì số 1 cũng không thể nào có được. Không phải dùng số 1 để có số 1, chuyện đó chỉ là hư ảo, phi khoa học và phi thực tế. Cho nên, đoạn đức có nghĩa là đức hạnh sinh ra từ nơi sự đoạn trừ tâm ích kỷ và thay đổi cái tâm đó trở thành tâm vị tha, tâm vì người quên mình. Nên, đoạn đức cũng gọi là tâm đức.

Khi con người có tâm đức thì có khả năng nuôi dưỡng những gì mà mình đã tạo ra và làm nền cho sự phát triển của mình có cơ sở. Chúng ta muốn xây dựng và phát triển đời mình mà không có tâm đức thì có cơ sở nào để phát triển? Nếu, dùng thủ đoạn thì không ai thua ai, mà cũng không ai hơn ai. Nhưng, chỉ có tâm đức, buông bỏ tính ích kỷ nơi bản thân, buông bỏ tính độc quyền nơi tâm mình thì đó mới thật sự là người có tâm đức.Khi chúng ta có tâm đức thì không những con người mà ngay cả cọp beo cũng được mình thuần thục.

Trong Phật giáo cũng có những câu chuyện rất hay. Chuyện rằng, khi ngài Đạo Sinh nói chuyện với đá, đá gục đầu. Nên,người có tâm đức khi nói với đá, đá cũng rung động gục đầu. Người có tâm đức khi đi xa thì hoa lá cũng thương nhớ và úa tàn theo. Có nhiều người chủ có phúc đức, khi qua đời, cây cối trong vườn đều héo úa hoặc người đó sắp sửa có biến động bất thường xảy ra trong cuộc sống của họ thì ngay trước đó vài ngày cây trongnhà vườn của họ bỗng dưng đổi màu và khô héo, để báo cho người chủ sẽ có điều không hay xảy ra. Cho nên, người ta nhìn hoa lá trong vườn của nhà ai là đoán biết được sự suy thịnh của gia đình người đó. “Gia trung suy thịnh quan hoa diệp”.Muốn biết gia đình đó suy thịnh như thế nào thì phải nhìn hoa lá trong gia đình đó để biết.

Cũng vậy, khi chúng ta muốn biết công ty đó có đạo đức hay có liêm chính không thì khi bước vào là chúng ta sẽ biết ngay. Tại sao như vậy? Tại vì, công ty đó có tâm đức thì nó sẽ thể hiện ngay trong không khí của công ty đó. Người bình dân xưa có câu:

“Chó béo đẹp mặt chủ nhà
Nàng dâu rách rưới, mụ gia thẹn thùng”.

Nghĩa là nhìn nàng dâu biết tính cách của bà gia hoặc nhìn con chó thì biết tâm đức của chủ nhà.

Vậy, tâm đức của một giám đốc hoặc của một trưởng phòng phải như thế nào để có những nhân viên đều có tâm đức?

Tâm đức của chủ nhà phải như thế nào để cây cối trong vườn được xanh tươi? Tâm đức của chủ nhà như thế nào mà cây cối bị khô héo? Tất cả những điều đó đều biểu lộ ra từ tâm đức của con người. Trong Phật giáo gọi tâm đức như vậy là đoạn đức, nghĩa là cái tính ích kỷ nơi tâm cần phải được đoạn trừ để đạo đức sinh khởi.

Thành quả là do công sức của mọi người mà có được hoặc thất bại thì phải biết nhận lỗi về mình, chứ đừng nghĩ mình làm trưởng phòng mà khi thất bại thì đỗ lỗi cho người khác còn thành công thì nhận lấy về mình. Như vậy, thì làm sao là người có công đức được. Cho nên, khi thất bại, nhân viên của mình có gì sơ suất thì trưởng phòng phải đứng ra nhận lỗi. Các trưởng phòng có gì sơ suất thì phó giám đốc và giám đốc phải đứng ra nhận lỗi. Nhân viên, các trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc có điều gì sơ suất thì tổng giám đốc phải nhận trách nhiệm với các đối tác. Từ đó, mình chỉnh sửa lại, đó mới gọi à đoạn đức. 

 

Đoạn đức thành tựu thì tâm đức sinh khởi. Khi một người sống mà được sự che chở và bảo hộ nhau thì ai cũng sẽ đem hết tâm trí ra làm việc. Mỗi người đem hết tấm lòng cho công việc, tất cả mọi người đều trải lòng ra thì sẽ thành một khối. Trái lại, số đông mà một người chỉ trục lợi cho mình một ít thôi thì vài ngày, rồi đến vài tháng, năng suất hiệu quả sẽ bị giảm sút. Một vài năm sau, công ty sẽ bị giải thể. Vì vậy, người điều hành phải biết làm thế nào để khơi dậy tâm đức của người thuộc cấp của mình, đó là cách biết bảo vệ mình. Biết bảo vệ mình bằng cách sống với mọi người bằng bàn tay mở rộng.

Quý vị có thấy việc chìm tàu của học sinh ở Hàn quốc vừa rồi không, chắc quý vị cũng thấy rõ trách nhiệm của Ban điều hành trường của họ. Phó hiệu trưởng thấy sự việc như vậy liền tự tử. Thủ tướng Hàn quốc từ chức. Hành động đó là do họ có tâm đức. Theo luật pháp, trách nhiệm không quy lỗi về họ, nhưng về tâm đức thì họ thấy họ có trách nhiệm với tai nạn ấy. Ở Nhật Bản cũng vậy, vì thế đất nước họ mới phát triển mạnh.

Nếu, nhân viên của phòng kế toán sơ suất thì kế toán trưởng sẽ đứng ra nhận khuyết điểm với phó giám đốc. Sau đó, sẽ điều chỉnh sau. Nhưng, chúng ta điều chỉnh không phải bằng cách chỉ trích mà bằng cách nói chân tình, tâm sự với tính cách đồng nghiệp. Nói bằng cách như tì nhanh chị em. Tuy, mình có đủ thẩm quyền để la rầy, để kỷ luật, nhưng mình không nên sử dụng quyền đó. Mình phải có tâm đức để làm thay đổi cái tâm cẩu thả của nhân viên để nâng họ lên. Đó mới chính là người có tâm đức. Chúng ta rất cần điềunày!

3- Ân đức
Ân đức là đức hạnh do đạo đức sinh ra từ nơi tâm biết tri ân của mình, biết ban bố ân nghĩa cho mọi người. Quý vị làm cách nào để làm được điều đó?

Ví dụ, trưởng phòng hành chánh biết ngày sinh nhật của nhân viên mình, không chờ họ xin phép nghỉ hay mời mà mình phải thể hiện trước hoặc gợi ý trước như: “Ngày mai sinh nhật em cho anh tham gia với”.Quý vị thấy, mình có một người trưởng phòng như vậy có vui vẻ và hạnh phúc không? Người nhân viên đó sẽ rất hạnh phúc. Mình là trưởng phòng biết sẽ có chuyện đó xảy ra, tại sao mình không thể hiện trước? Nhưng muốn thể hiện thì quý vị phải thể hiện đúng với vị trí và chức năng của mình. Nếu quý vị lên giọng và chỉ trích thì từ ân trở thành oán. Tiềm năng của nhân viên đó sẽ mất đi. Khi tiềm năng mất thì khả năng cũng mất theo. Sau đó, mình có ý kiến gì thì họ cũng đã mất khả năng làm ra năng suất, hiệu năng công việc bị sút kém.

Hoặc ví dụ, nhân viên có cha mẹ bị bệnh,đi làm trễ mình phải hỏi rõ lý do và giúp đỡ. Sau đó, thông báo với các nhân viên trong phòng để cùng giúp đỡ. Người trưởng phòng hành xử như thế, làm sao mọi người không quý trọng. Đằng này, đã không hiểu rõ hoàn cảnh của nhân viên lại còn hống hách, chỉ trích và chỉ biết điều khiển mọi việc theo máy móc. Xã hội nhânbản và nhân văn không cần biến con người thành máy móc mà biến máy móc thành con người. Xã hội nhân văn điều khiển con người bằng ân đức, bằng tuệ giác. Con người dùng computer để điều khiển xã hội, chứ xã hội không nên dùng computer để điều khiển con người. 

 

Thời gian vừa qua chúng tôi đi Nhật đến thăm một ngôi chùa ở Tokyo, nhưng khi đến cửa chùa, cửa chùa tự động đóng mà chúng tôi chỉ trễ chưa đầy một giây. Ở nước Nhật mọi công việc đều điều khiển bằng computer. Giả như, có một người Nhật đứng ở cửa hỏi rằng: “Quý Ngài từ đâu tới? và chúng tôi trả lời tới từ Việt Nam”, thì chắc chắn người Nhật ấy sẽ không đóng cửa mà mời chúng tôi vào trong chánh điện để cầu nguyện. Nếu trong công việc ta chỉ biết làm việc theo nguyên tắc mà thiếu tính linh hoạt, thì mọi người trong công ty sẽ trở thành máy móc. Ngày nay con người của các nước công nghiệp bị bệnh tâm thần và tự vẫn cũng khá nhiều, vì con người bị áp lực bởi máy móc. Con người chỉ có thể hiểu được con người, khi nào chúng ta có trái tim thật sự của con người.

Người lãnh đạo cũng vậy, phải thật sự đúng là đàn anh, đàn chị chứ không phải sử dụng anh chị với tính cách máy móc. Điều khiển với tính cách máy móc thì một đứa trẻ lên bốn tuổi, nó cũng có thể điều khiển được, nếu nó thạo một chút về khoa học kỹ thuật. Nó chỉ cần ngồi tại chỗ để bấm nút là điều khiển cả toàn cầu.

Ngày nay, ý thức con người trên thế giới ngày càng kiệt quệ: “Thực dụng mà vô dụng”, vì chỉ biết sử dụng bằng máy móc. Điều hành một công ty mà sử dụng bằng computer thì đúng là không có tình người. Cho nên, ngoài nguyên tắc đã quy định với nhau trong công ty, chúng ta còn phải có tuệ giác, còn phải có linh hoạt, còn  phải có tính nhân văn, nhân bản. Nếu, mình điều hành bằng computer thì mọi người đến đây chỉ là sự đối phó cho xong việc, tinh thần làm việc ngày càng bị xơ cứng. Cho nên, muốn bảo vệ mình thì phải dùng ân đức để bảo vệ và phải biết thi ân.

Muốn bảo vệ mình thì phải bảo vệ bằng ân đức, có nghĩa là ban ân đức tới cho mọi người và sẵn sàng yểm trợ cho họ những nhu cầu mà họ cần. Bảo vệ những người quanh mình không phải chỉ biết bảo vệ cá nhân người ấy, mà còn phải biết bảo vệ gia đình của họ, cả vợ chồng, con cái,cha mẹ của họ nữa.

Như vừa rồi, khi ra Hà Nội lần trước, chị Phượng Liên xin thầy cầu nguyện cho chị Ngọc khi chị mới mang thai. Lần này ra, thầy chưa kịp nói chuyện gì thì chị Phượng Liên cũng đã xin thầy cầu nguyện cho chị Ngọc “mẹ tròn con vuông”. Chị Phượng Liên làm việc đó một cách tự nhiên. Do cái tâm đức của chị đối với Ngọc, đối với tất cả nhân viên. Đó là một ân đức. Khi một người điều hành công việc mà biết thương nhân viên có nghĩa là họ cũng thương luôn con cái, cha mẹ và vợ hay chồng của các nhân viên. Bởi vì, gia đình của họ có an toàn thì họ mới được an toàn để chăm lo công việc của công ty. Cho nên, người điều hành luôn luôn phải có ân đức, phải biết thi ân cho người khác, ban ân cho người khác, yểm trợ cho người khác thể hiện ân nghĩa của mình đối với người.

Điều quan trọng nhất nữa là phải làm thế nào để có người kế thừa mình. Nếu quý vị đã có tài giỏi, có trí đức, có đoạn đức, có ân đức nhưng sau này không có người kế thừa thì rất uổng phí. Cho nên,quý vị phải nghĩ tới đàn em của mình, thấy người nào có tài đức thì sẵn sàng huấn luyện, bàn bạc chia sẻ để lỡ khi mình đau ốm hoặc có chuyện gì bất thường xảy ra thì sẽ có người kế thừa. Thường thường, trong xã hội những người có chức quyền hay đấu đá nhau.Trưởng phòng với phó phòng, giám đốc với phó giám đốc hay tranh chấp nhau. Giám đốc thì sợ phó giám đốc tranh chiếc ghế của mình. Trưởng phòng thì sợ phó phòng không biết lúc nào thì hất mình ra khỏi ghê. 

 

Vì thế, xã hội ngày càng trở nên rối loạn. Sống mà cứ đề phòng nhau thì làm sao mà gọi là đoạn đức,trí đức và ân đức được. Bảo vệ kiểu như thế thì không có giá trị gì, trước sau gì thì mình cũng sẽ không giữ được chiếc ghế lâu dài, mà khi mình bị mất chức thì mọi người sẽ nhìn mình bằng con mắt khinh bỉ, và coi thường những gì liên hệ với mình.

Cho nên, chúng ta phải biết bảo vệ mình bằng cách nhìn thấy đàn em của mình, người nào có tài năng hoặc có khả năng thì mình đào tạo cho họ. Không những đào tạo trong phạm vi của mình mà phải đưa đi các công ty khác, hoặc ra nước ngoài để họ học hỏi và có tầm nhìn cao hơn. Tôi nghĩ ở nơi môi trường công ty FDI này, quý vị có thể có điều kiện để mở rộng đối tác với toàn cầu, chứ không phải trong phạm vi của Hà Nội hay của Sài Gòn.

Thầy và chị Pháp Nguyên đã từng đi nước ngoài, mọi người ở công ty đối tác nước ngoài nghe chị đến nước họ, họ liền đến thăm và rất kính nể, vì chị Pháp Nguyên làm việc rất nhiệt tình với họ. Điều này không phải tôi nghe mà chính tôi thấy và những người đã từng đi nước ngoài với chị Pháp Nguyên cũng thấy như tôi thấy vậy. 

 

Khi qua Bắc Kinh, đối tác FDI ở Bắc Kinh nghe chị Pháp Nguyên tới là họ tìm cách đến để gặp chị và thăm sư phụ của chị. Họ đã gửi quà tặng mặc dù chị Pháp Nguyên từ chối. Khi đến Thượng Hải, Hoa Kỳ, Úc… tôi cũng thấy khách hàng đối tác của chị Pháp Nguyên đối xử với chị Pháp Nguyên rất tử tế và nhiệt tình. Họ tặng quà, chị từ chối, tôi nói với chị con cứ nhận, vì đó là tấm lòng của họ. Nếu từ chối sẽ không có lợi cho họ mà cũng không có lợi cho mình. 

 

Cũng có lần chị Pháp Nguyên giúp sư cô Diệu Đáo chuyển tượng Phật và Pháp khí qua Hoa Kỳ đến công ty đối tác ở New York. Công ty này nghe tin chị Pháp Nguyên giúp đỡ cho cô Diệu Đáo chuyển hàng đến chùa Di Lặc ở Los Angeles, đối tác đó đã phát nguyện yểm trợ, họ đã chuyển hàng từ New York đến Los Angeles mà không lấy bất cứ một chi phí nào. Cho nên, người lãnh đạo biết thi ân, thì ân đức đó bay đi rất xa và có ảnh hưởng rất tốt.

Quý vị thấy, danh tiếng của công ty FDI không phải chỉ hạn hẹp ở Sài Gòn hay Hà Nội mà ở khắp cả toàn cầu. Đó là nhờ sự khôn khéo của anh Nghĩa, chị Pháp Nguyên và các anh chị em của công ty FDI này. Mỗi người góp một tay mới tạo được uy tín như vậy. Đó là điều đáng mừng! Tương lai sẽ có triển vọng, nếu các anh chị em nhiệt tình với công việc, từ từ sẽ có người thay từ vị trí này lên vị trí khác, phải thay đổi nhịp nhàng để có nhiều kinhnghiệm, có nhiều thao tác khác nhau, khiến khi ra xã hội gặp khó khăn ở lãnh vực nào mình cũng nắm vững được. 

 

Có thể ở vị trí này trong nước, khi thì vị trí khác ở nước ngoài, khi thì đối tác với khách hàng ở trong nước, khi thì đối tác với khách hàng ở nước ngoài, mình luôn luôn thay đổi vị trí để trau dồi khả năng cho nhau. Đừng bám vào một điều gì duy nhất, khiến trở nên nghèo nàn. Khi nhân viên FDI đã được học hỏi rộng lớn như vậy, thì thế hệ con cháu của nhân viên FDI cũng có điều kiện để phát triển. Đã có điều kiện học hỏi ở đây rồi, bây giờ muốn đi du học thì các đối tác ở nước ngoài sẽ sẵn sàng giúp đỡ cho con cháu của FDI là điều rất dễ hiểu.

Nói tóm lại, người biết bảo vệ mìnhthì phải biết bảo vệ những gì không phải của mình. Đó là người có trí đức.

Muốn bảo vệ mình thì phải loại trừ tính ích kỷ, tự kiêu, sở đắc trong con người mình. Đó là người có tâm đức.

Muốn bảo vệ mình thì phải biết ban bố ân nghĩa cho mọi người. Đó là người có ân đức.

Chúng ta phải thực tập ba chất liệu đó thì chúng ta sẽ bảo vệ được mình. Khi bảo vệ được mình thì bảo vệ được những người chung quanh và bảo vệ được những gì liên hệ với mình.

Sau khi nghe pháp thoại này, quý vị ứng dụng vào đời sống thì nhân cách của quý vị sẽ được nâng cao. Chính quý vị là người tự biết bảo vệ mình.

Đệ tử kính ghi
Liên – Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/05/2015(Xem: 9029)
Bàn về lòng vị tha - một ấn phẩm dày 900 trang do Matthieu Ricard - nhà khoa học, nhà sư người Pháp viết và được Nhà xuất bản Nil tổ chức ấn hành. Bài phỏng vấn sau đây được thực hiện bởi Mạng nghiên cứu Cles.com với chính tác giả.
14/05/2015(Xem: 9964)
“Để có hạnh phúc chân thật, bạn phải chuyển hóa những năng lượng tiêu cực do chính bản năng của bạn tạo ra, phải tìm lại bản chất chân thật của hợp thể con người bạn mà đất trời đã trao tặng”, thầy Minh Niệm, tác giả cuốn Hiểu về trái tim, cộng tác viên của Giác Ngộ từ nhiều năm nay, mở đầu cuộc trò chuyện với Giác Ngộ khi phóng viên hỏi về “hạnh phúc chân thật” mà thầy đề cập trong sách. Tiếp tục cuộc trò chuyện, ĐĐ.Thích Minh Niệm cắt nghĩa thêm:
08/05/2015(Xem: 12868)
Lúc mọi người muốn ông ta chứng minh lời mình nói là đúng, ông ta liền cao giọng nói như thách thức Đức Phật: “Đức Phật quả thực Người có linh, hãy xuống đây, trước mặt rất đông mọi người hãy ban phước hay giết chết tôi đi, thì tôi sẽ tin là người thực sự có tồn tại”, ông ta cố ý lặng yên chờ mấy phút nữa, đương nhiên là Đức Phật không xuống để ban phước hay giết chết ông ta. Ông ta liền nhìn mọi người xung quanh và nói “mọi người thấy rồi đấy, Đức Phật vốn dĩ là không tồn tại”.
07/05/2015(Xem: 8653)
Steve Jobs (1955-2011), người sáng lập Hãng Apple Computer, đã có lúc tu tại Ấn Độ, trong bài nói chuyện với các sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Stanford năm 2005, kể ba câu chuyện như là lời nhắn nhủ thân tình với những sinh viên tốt nghiệp, sắp bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời:
07/05/2015(Xem: 7361)
Tâm linh là sự kiện phi vật thể, đối lập với duy vật. Hầu hết các tôn giáo đều mang tính chất tâm linh; tín ngưỡng tâm linh của các tôn giáo không thuần nhất, tùy trình độ, căn cơ và khuynh hướng của mỗi loại tín ngưỡng mà có chánh tín và tà tín.
07/05/2015(Xem: 13747)
(Bộ kinh Milindapanha xuất hiện vào khoảng năm trăm năm sau Phật Niết-bàn, do ngài Pitakaculàbhaya ở trung Ấn Độ trước thuật bằng tiếng Pàli. Nội dung kể lại những câu hỏi, đáp giữa vua Milinda và tỳ kheo Nàgasena. Những câu hỏi thì đa trí, sắc bén mà lời giải đáp lại thâm sâu, quảng kiến, lợi tuệ; nhiều khi chỉ là những ví dụ cụ thể, bình dân, giản dị, rất bổ ích cho các nhà học giả, người nghiên cứu, kẻ đa nghi cũng như sự học Phật của các hàng hậu tấn.) - Thưa đại đức! Trẫm nghe rằng giáo hội của Đức Tôn Sư trong sạch, quý báu, cao thượng lắm phải chăng? - Tâu, vâng. - Trong giáo hội ấy, tất cả Tăng chúng và Ni chúng đều là người đã chứng đắc các quả vị thanh tịnh cả chăng?
06/05/2015(Xem: 8490)
Đời sống là một chuỗi những câu chuyện xen lẫn nhau, không phải là những khái niệm. Khái niệm thì khác xa với sự thật. Do vậy, một câu chuyện được kết cấu với tình tiết phong phú và có ý nghĩa thì gần gũi với đời sống thực tế. Đó là lý do tại sao chúng ta dễ dàng liên hệ với đời sống qua các câu chuyện hơn là những lý thuyết trừu tượng. Và đó cũng là lý do mà thầy Ajahn Brahm - tu sĩ người Anh, Tu viện trưởng rừng thiền Bodhinyana và là Giám đốc hội Phật học Tây Úc - chọn cách giảng dạy, trình bày pháp thông qua những câu chuyện.
01/05/2015(Xem: 8679)
HỎI: Tôi vì học tập và công việc nên sống xa nhà, hiện đang ở trọ một mình. Gia đình tôi thờ Phật, trước đây mỗi ngày tôi đều tụng kinh, lạy Phật. Hiện nơi tôi ở trọ cách chùa rất xa, việc đến chùa lạy Phật hàng ngày rất khó khăn. Gần đây, tôi được người quen tặng một bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, tôi vui lắm và mong được thờ Ngài trong phòng để tiện tụng niệm, lễ bái. Nhưng tôi rất băn khoăn vì phòng trọ rất nhỏ hẹp, bạn bè thường hay tới chơi, đôi khi có cả bạn trai của tôi đến nữa. Xin hỏi, tôi thờ Bồ-tát có trong phòng trọ có được không? Nếu được thì quy cách như thế nào để không phạm lỗi bất kính?
01/05/2015(Xem: 30256)
Một tập sách với tựa đề như trên, trong xã hội hiện nay, không có gì đặc biệt; so với Kito giáo tại Việt Nam, cũng là việc làm bình thường, vì hàng năm, một số giáo xứ thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn giáo lý và hôn nhân cho thế hệ trẻ từ tuổi 18 trở lên; nhưng đặc biệt của tập sách nầy nằm trong hai lĩnh vực: 1/ Phật giáo chưa từng xuất hiện sách hoặc lớp hướng dẫn về hạnh phúc gia đình, mặc dù có những kinh điển nói qua vấn đề nầy, quá tổng quát, chưa thích ứng với từng cảnh trạng của từng xã hội biến thái khác nhau hiện nay. 2/ Sách không trực tiếp dạy giáo lý như các lớp “giáo lý và hôn nhân” của các giáo xứ, nhất là giòng Tên; nhưng sách hướng dẫn tháo gỡ nhiều vấn đề mắc mứu liên quan đến tâm lý xã hội và đạo đức nhà Phật.
30/04/2015(Xem: 12731)
Quán Âm Tình Vô Lượng Mẹ về với những yêu thương Dịu dàng trên sóng trùng dương Mẹ về Mắt buồn xót cõi đời mê Dáng Từ phủ khắp sơn khê .. Mẹ ngồi Con tim Mẹ chứa cõi đời Lắng sâu như lượng trùng khơi dạt dào Tình Người vời vợi trăng sao Đường trần bóng Mẹ ngọt ngào chở che..
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]