Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trái bom chổng ngược

17/04/201506:46(Xem: 8765)
Trái bom chổng ngược
Trai Bom Chong Nguoc (1)

Trái bom chổng ngược

 
Nguyên Đạo


Mười lần như chục, hôm nào gặp bữa ăn trưa trong căng-tin có món xúc-xích là mấy người đồng nghiệp Đức của tôi hay nói đùa bằng một câu triết lý cà rởn rằng: trên đời này cái gì cũng có đầu có đuôi, có thủy có chung, duy chỉ cây xúc-xích là có hai đầu. Có ông nhạc sĩ người Đức Stephan Remmler còn viết ra một bài tình ca nổi tiếng theo tựa đề ấy là: Alles hat ein Ende nur die Wurst hat zwei. Câu nói vui, nói ra để cười với nhau. Xúc-xích là món ăn rất phổ biến của người Đức, to nhỏ đủ cỡ, có mặt mọi nơi, từ tiệm ăn tay cầm cho đến các món ăn nấu trong nhà hàng với nhiều gia vị khác nhau, với rau xanh, cải đỏ hay kèm bột cà ri, mù tạt v.v... Người Việt mình khi ăn thì thấy lạ nhưng hơi chán, ăm cho qua bữa. Nhưng thôi, hãy bỏ qua chuyện ăn uống, tôi chỉ xin mượn câu nói đùa ấy để nói rằng, một trái bom rơi xuống đất cũng có hai đầu giống hệt nhau (tôi dốt đặc chuyện vũ khí, chỉ nhìn thấy hình vỏ bom như thế). Mà đã gọi là có hai đầu quay ra hai hướng thì làm sao ai sao biết được hướng nào đi tới, hướng nào chạy lui, hướng nào công phá, hướng nào bình an!

Nếu được phép chọn lựa, tôi sẽ chọn hướng „thiện“ như quả chuông trong ngôi Chùa nghèo này đây.

 

Chuyện quả chuông lạ đời ở ngôi Chùa làng.

 

Một buổi sáng đẹp trời nọ, nhân duyên đưa chúng tôi bước vào sân Chùa Phước Ấm ở Bình Triều, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Một ngôi chùa nghèo, khiêm tốn trong một làng quê cũng rất nghèo và khiêm tốn. Vì thế hôm ấy chúng tôi có phối hợp cùng các bác sĩ của Tuệ Tĩnh Đường Chùa Pháp Lâm thành phố Đà Nẵng đến khám bệnh và tài trợ cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo ở đây. Phái đoàn thiện nguyện có khoảng 30 người, gồm 7 bác sĩ (1 vị từ Đức), 1 bác sĩ siêu âm, 2 đông y sĩ và những y tá, chuyên viên y dược cũng như quý Sư Cô Chùa Hương Sơn. Trong ngày hôm đó đoàn từ thiện đã khám bệnh và phát thuốc cho 497 con bệnh. Bạn nói rằng, chuyện cũng không có gì là đặc biệt, là lạ đời, vì hằng năm có bao nhiêu đoàn từ thiện làm công việc ấy. Bạn có lý, đúng là như thế! Hơn nữa ở đất nước Việt Nam chúng ta có hàng vạn những ngôi Chùa nghèo trong những làng quê nghèo như thế. Kể sao cho hết!

Trai Bom Chong Nguoc (1)

Cái lạ và gây ấn tượng mạnh trong chúng tôi khi bước vào sân Chùa Phước Ấm hôm ấy chính là quả chuông này đây: quả chuông Chùa làm bằng vỏ một trái bom.

Ta thử tưởng tượng, trái bom này có thể đã từng rơi xuống giữa vùng quê cằn cổi này, đã nổ tung dữ dội và khiếp đảm, rồi cũng đã từng có bao mạng người ngã xuống vì sức công phá của nó. Bây giờ thì nhiều nơi trên đất nước này người ta đang trưng bày những vỏ bom như vậy để nói về tội ác bên này bên kia, hay kể lể về chiến tranh, ấp ủ lòng thù hận. Nhưng ở đây, ở dưới mái chùa Phước Ấm chiếc vỏ bom này không tầm thường như thế. Nó đã biến thành một quả chuông ngự trị tại mái hiên Chùa, mỗi đêm gióng lên giữa tiếng ngân nga của chú tiểu độ khoảng mười tuổi, vọng theo lời kinh trầm bỗng của sư phụ chú là Thầy Trụ Trì Thích Bảo Ân. Mà Thầy Trụ Trì cũng còn rất trẻ, ước chừng chưa đến bốn mươi.


Thật thú vị biết chừng nào, giữa những tiếng chuông phát ra từ cái vỏ bom này được chen lẫn với giọng ngân nga ngây thơ của chú tiểu mười tuổi ấy (mà tôi chưa kịp hỏi tên) với những câu kệ chuông như:

Nghe chuông ngân, lòng nhẹ lâng / Trí huệ phát, Bồ Đề sanh

Lìa địa ngục, thoát hầm lửa / Nguyện thành Phật, độ chúng sanh …

Tôi thật sự xúc động vì hai hình ảnh tuy trái ngược nhưng lại hỗ tương giữa hai đầu mối ý nghĩa của một sự vật kia - một quả bom cho chiến tranh và một cái vỏ bom cho những lời cầu nguyện hòa bình. Tôi thực sự thấm thía lời kinh: Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn – biển khổ mênh mông, nhưng nếu biết quay đầu lại thì sẽ thấy được bờ bến. Trái bom đã quay đầu biến thành quả chuông Chùa. Vậy sao con người chúng ta vẫn mãi đảo điên tạo ra chiến tranh sát hại lẫn nhau? Sao không biết quay đầu lại? Khi nào thì quay lại? Bến bờ ấy vẫn chờ ta.

Lúc này người ta đang nói nhiều về chiến tranh và hòa bình. Chiến tranh đang xảy ra liên miên tại khắp nơi trên trái đất. Chiến tranh đang bùng nổ dữ dội ở Jemen, ở Ukraine, ở Irak, ở Israel… Đó là chiến tranh có súng đạn vũ khí hẳn hòi. Chiến tranh cũng đang xảy ra ở mọi nơi, ở đường phố, ở công sở, ở trường học v.v… Đó là một loại chiến tranh mà ta không thấy vũ khí cầm tay, chỉ có bom đạn chôn kín trong lòng, cũng là một loại chiến tranh vô cùng nguy hiểm. Người ta hô hào trên báo chí, trên đường phố, trên truyền thông truyền hình chống chiến tranh. Người ta lên án chiến tranh nhưng trong lòng vẫn đầy rẫy nghi kỵ và hận thù. Xin hãy đừng như thế! Chiếc chuông ở ngôi Chùa quê và nghèo này chở theo một thông điệp lớn, nó muốn nói với chúng ta rằng: xin hãy thôi đừng chống chiến tranh, xin hãy gạt qua một bên chuyện hận thù và hãy xin hết lòng cổ vũ cho hòa bình. Đừng phí sức đi đả đảo chiến tranh mà hãy hết lòng hoan hô hòa bình. Hòa bình trong từng mỗi con người của chúng ta trong mọi khi mọi lúc. Hòa bình tự trong tâm của mỗi người. Nghe chuông ngân, lòng nhẹ lâng, dù đó là tiếng chuông phát ra từ vỏ một quả bom. Cũng thế, đức Phật đã từng nói: Tâm bình thế giới bình. Hãy bắt đầu từ mình trước, hãy bắt đầu đóng góp cho hòa bình bằng sức nhỏ nhoi của mình, đừng mất công theo nhóm này, chống chuyện nọ việc kia, chỉ vì chiêu bài chống chiến tranh. Có khi cuộc chiến này chưa tàn thì tự trong nó đã nẩy mầm nhiều cuộc chiến khác, biết chống đến bao giờ mới xong! Giáo lý đức Phật từng khuyên ta rằng: đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối, hãy đứng dậy thắp ngọn đèn lên. Ánh sáng đến thì tức khắc bóng tối sẽ tự tiêu tan. Xin hãy bắt đầu bằng những việc trước mắt ta, ví dụ như bằng một buổi thiền tọa, bằng một thời kinh, bằng một câu niệm Phật… hay chỉ một nụ cười, một hành vi thân thiện.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí về giải trừ vũ khí (theo Thư Viện Hoa Sen), Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có phát biểu rằng: Không thể thực hiện được sự giải trừ vũ khí bên ngoài, nếu không có sự giải trừ vũ khí từ trong nội tâm mình. Bạo lực làm phát sinh ra bạo lực. Chỉ có sự an bình trong tâm thức mới có thể mang lại một cuộc sống thanh thản và phi-đối-nghịch. Sự giải trừ vũ khí toàn cầu là một trong những giấc mơ tha thiết nhất của tôi. Thế nhưng đấy cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi...

* * *

Khi quay về lại Đức, tôi tò mò vào đọc trang web của Chùa Phước Ấm (www.chuaphuocam.com), tôi thấy Đại Đức Bảo Ân đã âm thầm làm việc ấy nhiều năm qua. Đến đầu năm 2015, ngoài những thời khóa thường nhật và định kỳ, Chùa đã tổ chức được 30 khóa tu niệm Phật, mỗi khóa có gần cả trăm người tham dự, dù một nửa Phật Tử phải ngồi ngoài sân Chùa trong những ngày nóng nực vì chánh điện Chùa còn quá chật. Thầy cũng đang sửa sang miếng đất sau Chùa để xây dựng một khu nhà gọi là Trung Tâm Niệm Phật. Trung Tâm chưa xây nhưng đã thấy những hạt giống Tín, Hạnh, Nguyện trong giáo lý Tịnh Độ phảng phất quanh đây. Cuối tháng 3/2015 Chùa Phước Ấm đã bắt đầu phát quang dọn dẹp khu đất sau Chùa để khởi công xây dựng. Thiện hữu nào muốn phát tâm đóng góp công đức xin vào trang web này để có thể đọc chi tiết thư kêu gọi:

http://chuaphuocam.com/tin-noi-bat/tam-thu-thong-bao-ve-viec-trien-khai-xay-dung-trung-tam-niem-phat-2015.html

 

Chuyện „hồi đầu thị ngạn“ nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật Giáo là chuyện chàng Vô Não trong thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Những đoàn hành hương Phật tích Ấn Độ khi đến viếng thăm Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana) của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở thành Xá Vệ (Savatthi) đều thấy tháp kỷ niệm của Đại Đức Bất Hại (Ahimsaka) nằm chếch phía bên phải gần khu Tịnh Xá.

Xin gom vài nguồn tài liệu và ghi lại câu chuyện ấy để chúng ta cùng thưởng lãm và ngẫm suy.

 

Chuyện tên sát nhân Angulimala (Vô Não) và Đại Đức Ahimsaka (Bất Hại)

 

Một ngày kia đức Phật cùng đệ tử đi khất thực đến thành Xá Vệ nước Ma Kiệt Đà. Ngài ngạc nhiên vì cảnh hoang vắng lạ thường, một không khí sợ hãi bao trùm cả khu phố. Đức Phật bèn hỏi thì được biết rằng, trong những ngày qua dân chúng đang kinh hoàng vì sự xuất hiện của tên cướp Vô Não trong khu rừng gần đấy.

Vô Não (Angulimala) xuất thân từ gia đình dòng dõi Bà La Môn, thân phụ từng làm quan đại thần trong triều đình. Khi sinh ra cha mẹ đặt tên chàng là Bất Hại (Ahimsaka). Sau theo thầy học đạo và chính thầy bảo anh ta phải giết được 100 người, cắt 100 đốt ngón tay út đeo thành một xâu thì sẽ có những quyền phép kinh hoàng. Từ đó Vô Não trở thành một tên cướp điên cuồng và nhờ có sức mạnh vô song nên quân lính thành Xá Vệ không thể trừ khử được.  Vô Não có thể chạy nhanh như ngựa, mạnh khỏe như voi và hung ác như cọp beo. Vòng đeo cổ của Vô Não đã xâu được 99 đốt tay, chàng đang đi tìm người thứ 100 nhưng ai nấy đều khiếp sợ lảng tránh không dám bén mảng đến khu rừng. Có lần Vô Não định giết mẹ mình để cho đủ số 100. Biết được tin này đức Phật bèn quyết định phải tìm đến gặp Vô Não ngay để ngăn chận một tội ác tày trời là giết cha giết mẹ. Hôm ấy Ngài thong thả một mình đi vào khu rừng của hung thần kia, dù có rất nhiều lời can ngăn.

Từ bìa rừng đi chẳng được bao lâu thì đức Phật nghe rõ tiếng chân chạy thình thịch sau lưng Ngài. Đức Phật biết ngay là Vô Não đang rượt theo nhưng Ngài vẫn lặng yên chậm rãi bước đi. Vô Não vui mừng hét toáng lên và rượt theo bén gót. Nhưng kỳ lạ thay, con người đi trước mặt Vô Não không hề hoảng sợ mà vẫn cất bước khoan thai nhẹ nhàng, không hề đếm xỉa đến sự hiện diện của chàng ta. Như một con hổ tinh khôn trước phản ứng khác thường của con mồi, tên cướp Vô Não hơi có phần nao núng. Chàng ta dè dặt vì cho đến bây giờ ai gặp y cũng đều hoảng sợ kinh hoàng trong khi vị Sa Môn ốm yếu này lại bình thản, thậm chí không thèm quay lại nhìn chàng ta, chắc có thể có bẫy gì gài đặt để hại chàng chăng? Nếu để sụp bẫy thì chàng sẽ mất công toi bao nhiêu năm nay. Nghĩ thế nên Vô Não hét lớn lên:

- Người kia, hãy dừng lại ngay!

Đức Phật vẫn lặng yên bước đi tiếp. Vô Não thét càng lớn hơn:

- Ông Sa Môn kia, ta bảo ông dừng lại, dừng ngay lập tức!

Đức Phật vẫn khoan thai tiếp tục bước đều và từ tốn trả lời:

- Hởi chàng Vô Não, ta đã dừng lại từ lâu lắm rồi. Chỉ có nhà ngươi mới chưa chịu dừng đó thôi.

Tên cướp Vô Não ngạc nhiên và không hiểu gì cả nên lại đâm ra bối rối. Chàng ta tự hỏi, tại sao ông Sa Môn kia vẫn bước mà dám nói rằng đã dừng lại.

VoNao-Angulimla

Lòng đầy rẫy thắc mắc, tên cướp Vô Não nắm chặt thanh đao trong tay và phóng nhanh tới trước mặt chận đường Phật lại.

- Này ông Sa Môn, sao ông lại nói năng hồ đồ như thế. Ông nói ông đã dừng lại mà chân ông vẫn cứ bước, ông muốn gạt ta ư? Ông lại còn bảo ta không chịu dừng trong khi ta vẫn đứng đây đối chất với ông. Vậy thế nghĩa là sao, ông phải giải thích ta nghe thông suốt? Hay ông đang bày mưu mô quỷ quyệt gì đây?

Đức Phật nhìn thẳng vào mắt Vô Não trả lời:

- Được rồi, ta sẽ giải thích cho ngươi. Nhưng trước tiên nhà ngươi phải vứt bỏ thanh đao hại người kia đi đã.

Vô Não có hơi nao núng trước thái độ điềm tĩnh của Phật. Nhưng khi nhìn kỹ lại thân hình ốm yếu của vị Sa Môn trước mặt, chàng ta lượng sức mình chỉ cần dùng đôi tay khỏe mạnh này là chàng ta có thể bóp nát con người kia chứ đâu cần gì đến gươm đao. Nghĩ thế, chàng ném thanh đao về một góc bụi cây, và nói:

- Bây giờ ta đã vứt bỏ thanh đao rồi, ông Sa Môn phải trả lời ngay cho ta rõ. Chớ có chần chừ kéo dài đến trời tối, mong tìm kế hoản binh chăng?

- Này Vô Não, ta không bảo nhà ngươi vứt bỏ thanh đao ấy. Thanh đao ấy không tội tình gì cả, ngươi cứ nhặt nó lại đi. Ta muốn nhà ngươi vứt bỏ thanh đao hại người trong tâm của nhà ngươi kia!

Quá đỗi nhạc nhiên trước câu nói từ tốn của Phật, chàng Vô Não há hốc mồm đứng lặng thinh bất động. Đức Phật biết đã đến lúc, nên nói tiếp ngay:

- Hởi chàng Vô Não! Ta đã dừng chân và sẽ dừng chân mãi mãi. Ta đã khước từ, vứt bỏ không gây thương tổn cho một sinh vật nào. Còn nhà ngươi, bàn tay ngươi đang đẫm máu của đồng loại. Sao ngươi lại đem sự đau khổ hãi hùng cho người khác để mưu cầu hạnh phúc viễn vông? Vì thế mà ta bảo rằng Như Lai đã dừng còn Vô Não thì đang tiếp tục.

Vô Não càng nghe càng thêm bối rối. Chàng im lặng, lặng lẽ nhìn đấng Đạo sư hồi lâu. Thái độ từ ái cùng dung mạo phi phàm của Ngài khiến chàng cảm thấy an tâm và lấy lại được sự bình tĩnh khi xưa. Chàng thầm nghĩ: „Trước đây hồi còn thơ ấu, ta có nghe thiên hạ đồn rằng Sa Môn Cồ Đàm là một bậc giác ngộ. Ngài có một dung nhan sáng rỡ và một giọng nói rất là từ hòa thân ái, có lẽ đây là Ngài chăng?“. Nghĩ vậy nên Vô Não hỏi ngay:

- Thưa … ngài có phải là Sa Môn Cồ Đàm không? Là con của đức vua Tịnh Phạn?

- Đúng ta đây, này Vô Não! Con đã biết tự vứt bỏ thanh gươm đẫm máu kia trong con, có nghĩa là con đã vứt bỏ con đường lầm lạc cũ. Bây giờ con có cần Như Lai giúp đỡ điều gì không?

Vô Não xúc động tột độ, tự nhiên không biết có sức mạnh nào khiến chàng quỳ xuống và thưa:

- Bạch Sa Môn Cồ Đàm. Đã từ lâu, con không hề quỳ lạy một ai, mà ngược lại ai thấy con cũng run rẩy quỳ mọp van xin được tha mạng. Con đường này không ai dám lai vãng một mình, mà thiên hạ thường rủ nhau đi từng đoàn hàng trăm người. Bạch Sa Môn! Con đã từng nghe rằng có những sinh vật bị khắc phục bằng võ lực hay roi vọt. Nhưng con, một con thú hoang đàng cuồng dại, lại được chế ngự bởi một người không gươm dao hay roi vọt. Bạch Sa Môn! Hình bóng từ ái của Người đã khiến con muốn trở về với con đường thuần lương sống yêu thương và giúp đỡ đồng loại như những ngày xa xưa, lúc con chưa điên loạn… Nhưng ai, ai có thể cho phép chở che và giúp đỡ một con người như con – người đã hại cả trăm nhân mạng?

- Này Vô Não! trên thế gian này có hai hạng người được xem là thanh tịnh: hạng thứ nhất là người không hề gây tội lỗi, hạng thứ hai là kẻ gây tội nhưng biết ăn năn và không bao giờ tái phạm. Nếu lòng con tha thiết muốn hoàn lương thì Như Lai sẽ giúp con toại nguyện.

- Bạch Sa Môn, con không dám nghi ngờ gì về lòng từ bi bao la của Ngài đối với con. Nhưng con đã gây tạo một ác nghiệp mà có lẽ không một ai trên thế gian này dám làm. Làm sao con có thể ước mơ làm đệ tử của Sa Môn Cồ Đàm, một người mà suốt đời chưa hề làm xúc não bất cứ ai?

- Này người thanh niên! Ví như có một gian phòng tăm tối suốt cả nghìn năm dài. Nếu muốn thắp sáng cho nó, con cần phải đốt bao nhiêu ngọn đèn và mất bao nhiêu lâu để dẹp cho nó tươm tất?

- Bạch Sa Môn, bóng tối dù đã ngự trị căn phòng suốt nghìn năm nhưng chỉ cần mỗi một ngọn đèn được thắp lên thì bóng tối sẽ tan ngay, và thời gian để dọn dẹp căn phòng thì tùy thuộc vào việc siêng năng hay biếng nhác của người ấy.

- Cũng vậy, này thanh niên, dù con đã sát hại bao nhiêu đồng loại, nhưng nếu con thành tâm cải hối, thắp lên ngọn đèn bằng ánh sáng trí huệ của con thì bóng tối ác nghiệp u mê sẽ tan biến ngay. Con vẫn có cơ hội ngộ đạo như bao nhiêu người khác. Đó là điều mà Như Lai xác quyết với con.

- Bạch Như Lai, vậy từ đây con xin nguyện hối cải bỏ ác làm lành, theo Như Lai học đạo giải thoát. Kính mong Như Lai từ bi thu nhận con làm đệ tử.

Đức Phật hứa khả nhận Vô Não làm đệ tử. Vô Não liền theo Phật về tịnh xá Kỳ Viên, cạo bỏ râu tóc, và từ đấy rất mực tinh cần, ngày đêm siêng năng tu tập.

Nhắc lại việc dân chúng thành Xá Vệ lúc ấy chưa hay tin đức Phật đã thu phục được tên cướp khát máu. Họ dâng biểu lên Vua Ba Tư Nặc yêu cầu trừng trị tên cướp. Nhà Vua thân chinh điều khiển binh tướng đi diệt họa cứu dân. Trên đường ngang qua Tịnh xá, tiện thể nhà Vua ghé vào chào đức Phật.

Đã biết rõ câu chuyện, đức Phật hỏi Vua Ba Tư Nặc:

- Này đại vương, nếu bây giờ dân chúng thông báo rằng tên cướp ấy đang ở gần đây thì đại vương tính sao?

- Bạch Thế Tôn! Con sẽ  cho quan quân giết hắn ngay để trừ mối nguy cho muôn dân.

- Nhưng nếu Vô Não cạo bỏ râu tóc xuất gia làm Tỳ kheo, thì đại vương sẽ đối xử với y như thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Nếu đó là một chuyện có thật thì con sẽ đầu thành đảnh lễ Như Lai. Ngài đã thắng được tên cướp không ai địch nổi mà chẳng cần dùng đến gươm đao. Nhưng con không tin rằng tên cướp kia lại có thể thay tâm đổi tánh cho được.

Đức Phật mỉm cười, đưa tay chỉ một Sa Môn trẻ tuổi, hình dung tuấn tú, uy nghiêm đang ngồi trầm tư trên một tảng đá gần hương thất bảo:

- Này đại vương! Vị Tỳ kheo có dáng điệu từ hòa kia trước đây mấy ngày được dân chúng gọi là hung thần rừng Jalini có tên là Vô Não.

Vua Ba Tư Nặc giật mình kinh ngạc hồi lâu mới nói:

- Bạch Thế Tôn! Nếu những lời nói trên không được thốt ra từ kim khẩu của Thế Tôn thì con không thể nào tin được. Bạch Thế Tôn! Xin cho con được diện kiến cùng tôn giả ấy.

- Đại vương cứ tự nhiên.

Vua Ba Tư Nặc bèn rời chỗ ngồi, e dè đến chỗ tôn giả Vô Não đang ngồi rồi vái chào và hỏi:

- Thưa tôn giả, ngài tên là gì?

- Tâu đại vương, tên của tôi là Bất Hại (Ahimsaka), nhưng vì một ác nghiệp trước ngày xuất gia nên mọi người đều gọi tôi là Angulimala, nghĩa là “Chuỗi ngón tay.”

- Thưa tôn giả, cha mẹ của ngài tên là gì?

- Tâu đại vương tôi là con trai của học sĩ Bhaggava và mẹ tôi tên là Mantali.

- Thưa tôn giả Bhaggava-Mantali, thời gian khoảng mười ngày trước đây, ngài ở đâu và làm gì?

- Tâu đại vương, tôi trú ngụ tại rừng Jalini và là tên hung thần ở vùng ấy.

- Bạch đại đức, thật là hy hữu! Thật là kỳ diệu! Xin đại đức cho phép trẫm được cúng dường y bát, thực phẩm và thuốc men cho ngài.

- Tâu đại vương! Tôi đã có đủ ba y áo, thực phẩm thì mỗi ngày các thí chủ cúng dường trong thời khất thực, còn thuốc men thì hiện giờ chưa cần đến.

Vua Ba Tư Nặc đảnh lễ tán thán đức Phật và cáo từ ra về, lòng nhẹ nhõm.

Và cũng kể từ ngày hôm ấy, tôn giả Angulimala càng thêm vững niềm tin, tinh cần tu tập, chẳng bao lâu thầy đắc quả A La Hán. Người ta muốn biết rằng tại sao một con người hung bạo, đầy dẫy nghiệp chướng như thế mà lại có thể đạt đến quả A La Hán, một quả vị mà các bậc hiền nhân đầy phước báu như tôn giả A Nan vẫn chưa chứng đắc.

Để giải đáp điều này, đức Phật đã dạy:

- Trên thế gian này, mọi người đều bình đẳng với nhau ở khổ đau cũng như giác ngộ. Thầy Angulimala trước kia là người hung bạo, đầy dẫy nghiệp chướng như thế, nhưng về sau thầy đã tinh cần miên mật phát huy trí huệ sẵn có của thầy, đánh bạt hết ác nghiệp, giống như vầng trăng ló dạng ra khỏi mây mù, chiếu sáng khắp thế gian.

 

Nhận diện yêu thương

Vậy cốt lõi đích thực của cuộc sống là yêu thương chứ không phải hận thù. Nhờ tình thương rộng lớn mà Đức Phật đã độ chàng Vô Não và giúp dân chúng tránh thảm họa. Khi ta vừa cất tiếng chào đời ta đã nhận bao nhiêu tình yêu thương của cuộc đời. Suốt cuộc sống ta cũng được ấp ủ với bao nhiêu thương yêu. Núi rừng mở rộng thêm khung trời xanh, mặt đất cho cây trái, dòng sông cho nước mát, vân vân và vân vân. Nếu không có những thứ đó làm sao ta sống được? Nhưng nhiều khi do quá bận rộn cho những cuộc đấu tranh với đời ta quên nó mất. Đức Đạt Lai Lạt Ma lại khuyên ta: Trang sức đẹp nhất mà quý vị đang có chính là tình thương yêu và lòng từ bi. Nếu quý vị tìm hiểu những gì có thể giúp mình đạt được hạnh phúc và mang lại an vui, thì quý vị tất sẽ phải nhận thấy trước hết là chúng liên quan chặt chẽ với các phẩm tính con người mà quý vị đang cố gắng trau dồi trong tâm hồn quý vị, và sau đó là cách suy nghĩ của tâm thức quý vị.

Lòng từ kia, tình thương ấy đã có sẵn trong ta, chỉ cần làm hiển lộ ra thôi. Để kết luận, xin mượn lời thi sĩ qua bài thơ Yêu Đi. Bài thơ này thi sĩ Hàn Long Ẩn mới sáng tác, còn thơm mùi mực và mới được đăng trên trang nhà Hoa Vô Ưu:

 

Yêu đi - Hàn Long Ẩn

 

Yêu đi nhé, nếu không là sẽ muộn
Thời gian trôi chẳng đợi một ai đâu
Như mây bay, gió thoảng, nước qua cầu
Ngày sẽ hết khi mặt trời giã biệt

 

Hãy yêu mình và yêu đời tha thiết
Yêu cỏ cây hoa lá, chim muông
Yêu con sâu, cánh bướm, chuồn chuồn
Yêu giọt nắng ban mai, yêu cơn mưa chiều cuối phố

 

Yêu tiếng khóc, yêu nỗi buồn nhăn nhó
Yêu nụ cười, yêu hạnh phúc đam mê
Yêu phồn hoa phố thị, miền quê
Yêu trẻ nhỏ, yêu cụ già tóc bạc

 

Yêu giọng nói, yêu lời ca tiếng hát
Yêu câu thơ, trang sách tuổi học đường
Yêu tóc dài, tóc ngắn cũng yêu luôn
Yêu chiếc nón ngày hè, yêu chiếc khăn mùa lạnh

 

Yêu kẻ giàu sang, yêu những mảnh đời bất hạnh
Yêu bậc tri thức, yêu người ít học dại khờ
Yêu sum vầy, yêu chia cách bơ vơ...
Yêu tất cả vì kiếp người ngắn lắm!

 

Đừng gieo rắc chi thêm hận thù, rối rắm
Hãy bao dung, yêu hết thảy muôn loài
Yêu hôm nay và yêu cả ngày mai
Yêu, yêu nữa, đến ngàn sau, yêu mãi!

 

(theo http://www.hoavouu.com/a40113/yeu-di)

Xin cám ơn những vầng thơ đáng yêu và tuyệt vời ấy của thi sĩ. Xin hãy yêu nhau đi, kẻo muộn!

 

--

Mùa Phật Đản

Nguyên Đạo – Văn Công Tuấn

www.vancong.com

 


Phụ lục: Một vài hình ảnh trong Ngày Khám bệnh Phát thuốc tại sân Chùa Phước Ấm.Trai Bom Chong Nguoc (7)Trai Bom Chong Nguoc (6)Trai Bom Chong Nguoc (5)Trai Bom Chong Nguoc (4)Trai Bom Chong Nguoc (3)Trai Bom Chong Nguoc (2)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2020(Xem: 12370)
Thuở xưa đức Quán Thế Âm Chọn nơi đây chốn sơn lâm tuyệt vời Mở mang Phật pháp giúp đời Đạo tràng xây dựng cho người tu tâm, Núi tên là Phổ Đà Sơn Có vua rắn nọ vẫn thường ở đây
06/11/2020(Xem: 11150)
Lái buôn tên gọi Tàu Dư Mỗi năm gần Tết thường ưa mang hàng Đi xa, đến một xóm làng Bán buôn quen biết đã hằng bao năm Vì chàng tính chẳng khó khăn Cho nên công việc kiếm ăn dễ dàng
06/11/2020(Xem: 9450)
Thiền sư thường huấn luyện trò Tự mình diễn tả ý cho rõ ràng. Có hai thiền viện trong làng Mỗi nơi đều có một chàng thiền sinh Vừa trai trẻ, vừa khôn lanh Theo thầy hầu cận, học hành từ lâu.
05/11/2020(Xem: 11110)
Bắt đầu năm 1989, theo học lớp Cử nhân Văn Khoa của Trường Đại Học Tổng Hợp (nay là trường Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn tại đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM, Việt Nam), tôi thích trầm tư đắm mình trong những giây phút tuyệt vời ở góc chùa hoặc thư viện của trường để mặc cho chữ nghĩa danh ngôn bất hủ dẫn dắt mình trong vẻ đẹp của nhân cách hướng thượng.
05/11/2020(Xem: 5699)
Mặc dù đạo Phật chưa bao giờ phát triển một phong trào truyền giáo, nhưng ánh sáng như Nhật Nguyệt, Từ bi, Trí tuệ, Hùng lực của Đức Phật đã tỏa chiếu khắp muôn nơi trong suốt gần 26 thế kỷ: trước nhất là Đông Nam Á, rồi xuyên qua Trung Á đến Trung Hoa và vùng còn lại là của Đông Á và cuối cùng đến Tây Tạng, Bhutan và các vùng xa hơn ở Trung Á.
04/11/2020(Xem: 5378)
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 ​​diễn ra vào thứ Ba, ngày 3 tháng 11 năm 2020, là cuộc bầu cử tổng thống thứ 59 liên tục bốn năm một lần trong lịch sử Hoa Kỳ. Cuộc bầu cử này bầu chọn một tổng thống và phó tổng thống. Khi công dân Mỹ đi bỏ phiếu và các lá phiếu được tính cho cuộc bầu cử Tổng thống, cũng như các cuộc tranh cử cấp quốc gia và tiểu bang khác, nhiều vị giáo thọ và cộng đồng Phật giáo đang cung cấp các buổi tu tập thiền định trực tiếp và ảo. Trong khi gần như tất cả các sự kiện sẽ được tổ chức trực tuyến do đại dịch Covid-19, một số sự kiện trực tiếp được lên kế hoạch ở không gian ngoài trời.
04/11/2020(Xem: 8394)
LỜI GIỚI THIỆU TẬP THƠ NHẠC “LỐI VỀ SEN NỞ” TỪ THƠ CỦA THÍCH NỮ GIỚI HƯƠNG Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng Nhị vàng bông trắng lá xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. (Ca dao Việt Nam)
04/11/2020(Xem: 5544)
Trước màn hình computer, lướt qua hàng loạt hình ảnh ngập tràn cảm xúc giữa nạn nhân bão lũ, các đoàn từ thiện của chư Tăng ni và quần chúng tự phát. Với cái sống và chết đang đe dọa trong vùng thiên tai, thế mà bao tấm lòng phương xa miền Nam vẫn can đảm ngập lặng trong nước, chìm đắm trong mưa và gió lạnh, để đến trao tận tay những phần quà tình nghĩa. Ca sĩ Thủy Tiên quên cả ăn, uống vội hộp sữa cho qua cơn đói. Tô mì ăn liền nóng hổi cũng tranh thủ dưới vành nón che mưa, hình ảnh đẹp hơn cả khi bảnh bao dưới ánh đèn màu trên sân khấu; ôi, cái đẹp tuyệt trần tình người mà bao lâu Thủy Tiên đã thấm đượm tinh thần từ bi nơi cửa Phật.
04/11/2020(Xem: 5422)
Ở trong một ngôi nhà do nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc xây dựng gần thủ đô Lhasa của Tây Tạng, một trong những thành phố cao nhất thế giới, anh Sunnamdanba một cư dân nói với các nhà báo nước ngoài, trong một chuyến du lịch do chính phủ tài trợ về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cải thiện đời sống đến mức nào, và tôn giáo đã trở nên không liên quan.
03/11/2020(Xem: 4894)
Phước Hoa Mây Vẫn Trắng Cỏ Cây Lá Vẫn Xanh Ngàn Năm Hương Sen Tỏa Vườn Ươm Mộng Pháp Lành
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]