Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những người xưa năm cũ

31/10/201406:39(Xem: 7252)
Những người xưa năm cũ


lotus_2

Những người xưa năm cũ


1973...

Mùa Xuân ta lên núi

Hăm hở làm sơn ̣̣đồng

Bỏ con đường khói bụi

Cho sách vở vời trông...

Rời mái trường Vạn Hạnh, còn đang lang thang dạy giờ ở các trường Bồ-đề, ngong ngóng một xuất học bỗng du học, tôi bất ngờ bị Sư Bà áp giải lên núi, sau lời phán quyết chắc nịch: “Con phải học một khóa tu Thiền ba năm với Thượng Tọa, xong rồi muốn đi đâu cũng ̣̣được... Còn bây giờ, dứt khoát là…Không!”.

Buổi sơ ngộ, tôi ấp úng:

- Sư Bà sợ con du học sẽ hoàn tục nên ép con lên núi tu cho... bảo đảm. Riêng con thì dù ở đâu, con cũng thấy bất an… Con không chịu nỗi sự trống rỗng, luôn phải bám vào một cái gì đó…như…một cuốn sách.. chẳng hạn… Con không tìm thấy Niềm vui trong đời sống xuất gia lẫn thế tục..

Thầy kiên nhẫn nghe chúng tôi nói hồi lâu, ôn tồn dạy:

- Thầy không trách các tu sĩ hoàn tục vì người ta sống ở đời phải có Niềm vui. Niềm vui của thế gian là ngũ dục, Niềm vui của tu sĩ là pháp vị… Không tìm được phạ́p vị, người ta phải trở lại thế gian là lẽ đương nhiên...

Và, tôi đã quyêt định bay lên núi để tìm… pháp vị.

HAI

.

... “Ta giã từ tri thức

Lên núi làm mục đồng

Giữa đường hư nẻo thực

Tìm dấu…lắm gai chông...”

Đầu mùa an cư, tháng 4-1974 tôi bị “tống” lên thiền viện Bát Nhã theo đúng cả hai nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. So với tu viện Chân Không uy nghi, bề thế, Ni viện Bát Nhã mới ở bước đầu xây dựng, cơ ngơi gồm một nhà tiền chế có ba gian: chính giữa thờ Phật, bên phải là phòng khách - dành riêng cho quý Trưởng lão Ni - bên trái rộng gấp đôi là tổ ấm của chúng tôi: những cô Ni ngơ ngác ở đủ lứa tuổi.

Ngoại trừ Sư cô Như Bảo, khoảng trên 50 tuổi, người thay mặt Sư Bà quán xuyến các công trình đang xây dựng và chị Diệu Thông là người đã thọ Tỳ kheo Ni giới; bọn chúng tôi lèo tèo có mấy đứa, sắp hàng theo hệ thống quân giai như sau: Cô Diệu Chánh tuổi ngoài 30, Chị Thuần Trí, Giải Thiện, Hạnh Giải, Thanh Tịnh, bé Hạnh Pháp...

Sau an cư Ni giới tứ phương lục tục kéo về gia nhập khá đông, trong khi cơ ngơi củ Ni viện vẫn bất Tăng bất giảm. Từ Saigon có cô Tắc Trung, chị: Từ Thanh, Minh Tứ, Như Đức, Hải Liên… dân Đà-Lạt là cô Mỹ Đức, Mỹ Nguyên, Huệ Trí, Hạnh Huệ; gốc Huế là Minh Ánh, Như Ngữ, Như Tuệ... đó là chưa kể đến lượng khách Ni và Phật tử nữ mỗi tháng đến cư ngụ mộ tuần khoảng vài chục người…

Chúng tôi ngoan ngoãn theo sự xắp xếp của thầy cùng Sư bà, dồn hết thời gian và tâm lực để chuyên tu, mỗi ngày tọa thiền bốn thời, nghiêm trì 10 giới căn bản, chấp hành chặt chẽ thanh quy . Ngoài các y phục tối cần thiết, chúng tôi không giữ tiền bạc tài sản riêng, không ăn quá ngọ (kể cả kẹo bánh), không nằm giường cao chiếu rộng (có đâu mà...nằm?), đoạn tuyệt hẳn với gia đình, bè bạn, sách vở... Chỉ nghe Thầy giảng kinh rồi ung dung hành trì chứ không cần học thuộc lòng hay trả bài, thi cử (thật tuyệt diệu với những kẻ lười biếng cỡ tôi và Giải Thiện)...

Chúng tôi không hề tự ái khi phải bú thép dòng pháp nhũ cùng chư Tăng bên Tu Viện Chân Không, vì trong Lễ Thỉnh Nguyện hằng tháng, chúng tôi luôn có thầy ngồi chủ tọa khuyên răn dạy dỗ và bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể rủ nhau đến thất thầy mè nheo và trình các kiến giải hết sức... con nít của minh. Đó là chưa kể đến chuyện chúng tôi hưởng được hai nguồn tài lộc hậu hỷ: 1- từ Sư bà Thiền Đức, dù rất bận rộn chuyện chùa và Ni bộ ở Saigon nhưng vẫn luôn thăm nom, chăm chút và tiếp tế lươngthực cho lũ con gái háo ăn trên núi; 2- từ những nắm tiền dấm dúi của thầy với lời dặn dò: “Các con nhớ mua thức ăn tươi, đầy đủ bổ dưỡng... vì chủ trương của thầy là đào tạo Tăng tài chứ không phải Tăng tàn!”

Chúng tôi cũng ít tiếp xúc với chư Tăng bên Chân Không, dù mỗi tháng có 14 buổi học cùng dưới mái Thiền Đường... Nhưng, sơ bộ, chúng tôi cũng biết được hầu hết các tên tuổi của các vị thuộc hàng “chúng sở tri thức” .

Trước hết là ba ông anh và em của Tuệ Đăng, vì suốt 4 năm Đại học cùng nhau tôi và Tuệ Đăng đã có quá dư thời gian để trao đổi sơ yếu lý lịch của gia đình mình. Và theo gien di truyền của nữ giới: “một người biết thì cả thế giới đều phải biết!”… Để thêm phần long trọng, chúng tôi không quên đặt biệt hiệu đi kèm phương danh quý tánh của khổ chủ (bất kể họ có bằng lòng hay không)... Chẳng hạn như: Người khó tánh nhất Chân Không là thầy Tri sự Thiện Đức - anh họ của cô Chánh, người khó tương đương thường ̣đi chung là thầy Định Huệ - cả hai luôn luôn có đôi mắt “hình viên đạn” mỗi khi bắt gặp chúng tôi bước chân vào lãnh địa Chân Không để thăm dò, xin xỏ…

Ngược lại, người dễ chịu nhất trần gian là thầy Phước Tú - một trong các vị tiền bối thuộc lớp học trước - đã từng âm thầm đầu trần chân trụi, vai vác đá, đắp lại con đường lên núi cho dân Bát Nhã chúng tôi không bị té bổ nhào mỗi khi tải đồ đạc. Thầy cũng rất dễ mủi lòng trước bộ dạng ăn chực thiểu não kinh Niên của Ni giới nên: “Xin gì cũng được, mượn gì cũng cho, có gì cũng chia”….(Xui xẻo thay, phước bất trùng lai”, Thầy đã bị đưa xuống Thường Chiếu lập chùa trước khi chúng tôi kịp phác thảo chương trình nhờ vã dài hạn)... Ông thầy cao lớn nói tiếng Huế (coi bộ khó khăn) nhưng hiền queo là thầy Trí Chơn; ông Thầy hiền khô, trong kho có gì cũng khai, rất dễ xin thức ăn hay mượn thau, thùng… là thầy Phước Hiệ̣n.

Hạnh Pháp thì gọi thầy Phước Tịnh là Ông Thầy “ ăn tương” vì` từ hồi lên núi, ăn phải khạp tương bị mốc, gương mặt duyên dáng của ổng bỗng dưng nổi mụn tùm lum…( Phần tôi, dù từng gặp hai Thầy Giác Thanh và Phước Tịnh từ hồi còn học Vạn hạnh, nhưng vẫn gọi thầy Phước Tịnh là… “Thầy mặt mụn “ vì từng nghe bà Năm Osawa nói “Sư phụ cưng ổng nhất… núi!”…

Bốn mươi năm đã trôi qua, khi viết những dòng chữ này, tôi chân thành gởi đến hòa thượng Phước Tịnh tại Tu Viện Lộc Uyển -USA một lời sám hối. Ước mong sao nhờ công đức sám hối này, nếu có tái sinh trong loài người, tôi sẽ không bao giờ có gương mặt bị nổi mụn vì dám… phạm thượng đến cao danh một bậc cao Tăng thuở còn Niên thiếu)… Riêng thầy Minh Nghĩa, tôi và chị Đức đều nhất trí gọi là ông thầy “nhắm mắt” vì trong các thời học kinh, thầythường ngồi kiết già và nhắm tít mắt (có trời mới biết là ổng có ngủ gục hay không!...)

Thật là khiếm khuyết nếu chúng tôi không được gửi lòng tri ân đến ba vị thị giả trẻ tuổi khôi ngô tuấn tú của Chân Không là: Thông Hải, Thông Thiền và Thông Huyền. Họ chính là những tiểu sư huynh chân chính luôn nhìn Ni giới chúng tôi bằng những cặp mắt đầy thân tình ấm áp. Nói nào ngay, tôi cũng đã nhiều lần lợi dụng mối thân tình ấy để chia bớt phần ăn của thị giả, mỗi khi ba tôn giả này xách cà-mên hầu thầy từ khu thiền thất xuống.

Ngày tháng dần qua, các ước mơ của tôi mỗi ngày một nâng cấp cao hơn, đã vươn đến lưng chừng núi: Phía sau thất Thầy, nơi có 3 chiếc thất nhỏ xinh xắn, dành riêng cho các Đại sư huynh: Phước Hảo, Đắc Pháp, Nhật Quang đang nhập thất trong sự ngưỡng mộ vô vàn của tứ chúng đương thời... Với vách núi chập chùng sau lưng và biển xanh trải dài trước mặt, khung trời thơ mộng của các Thiền sư trong Cổ sử đã thấp thoáng hiện về trong tầm mắt chúng tôi:

“Giữa lưng chừng núi, một gian nhà

Môt nửa cho mây, một nửa: ta

Đêm qua, gió thổi, mây bay mất

Gẫm lại, ai nhàn bằng...chính ta!”

Ước mơ đó càng cháy bỏng hơn, khi Thầy cho phép chúng tôi được lập một thiền thất nhỏ ở phía sau thiền đường Bát Nhã… Nhưng, chiếc thất lá đơn sơ chưa kịp hoàn thành thì ngày 30 tháng 4-1975 đến... và tất cả thiền sinh chúng tôi - những người mới bước qua tuổi đôi mươi, không chừa một ai, đều phải gói ghém hành trang, hối hả ...xuống núi .

BA

Gót mòn mỏi giữa phù hoa

Bao phen người đã từng qua chốn này

Mơ hồ trong trận lá bay

Dáng ai đeo đá đạp chày năm xưa

Nghìn trùng sóng cỏ đong đưa

Trời xanh như những ngày chưa biết buồn

Trung tuần tháng 5 - 1975, chúng tôi đã có mặt tại khu rừng Viên Chiếu. với hào khí ngất trời của những kẻ “điếc không sợ súng” sắp theo thứ tự tuổi tác, gồm có cô Mỹ Nguyên, Hạnh Nhã, Hạnh Huệ, Chị Đức, tôi, Hạnh Giải và Giải Thiện. Chúng tôi mang hùng khí của các tướng soái tiên phuông đi mở mang bờ cõi bằng cách… nhổ cỏ lúa trên mấy thửa ruộng mà thầy chúng tôi đã cho người gieo trồng từ tháng trước. Bảy vị anh hùng ngày ra ruộng, đêm chui rúc, chen chúc ngủ trong chiếc chòi tranh chứa nông cụ khoảng 9m2 của thầy Thông Triệt. Hậu quả là mỗi sáng sớm, thay vì được nghe lời hô thiền thánh thót của Giải Thiện:

“Canh năm Bát Nhã chiếu vô biên

chẳng khởi một Niệm khắp tam thiên…”

Chúng tôi lại bị đánh thức bởi tiếng càu nhàu của cô Mỹ Nguyên:

- Ông Thủy này, sao đêm nào ông cũng nằm co như con tôm, gồ cái mông lên, ủi tôi lọt xuống đất hết vậy?

Nói không phải khoe chứ thật ra, Tôi đã tiên liệu trước tình trạng hiềm khích không đáng có này rồi..., nên trước ngày xuống rừng và sau khi chạy về Sài Gòn thọ đại giới, tôi đã lãnh sứ mạng ra đi, tìm kế… cất một cái nhà to và rộng hơn, để đại chúng có chỗ ngủ nghỉ và chuẩn bị đón 30 vị anh thư từ Bát Nhã đang háo hức đặt chân xuống rừng Viên Chiếu. Sứ mạng vĩ đại nầy không thể giải quyết bằng khối óc non nớt của một Tỳ-kheo-Ni vừa thọ giới, nên tôi phải về thăm nhà và vấn kế Ba tôi, thầm mong ông quên phức đi lời thề năm ngoái của “tráng sĩ Kinh Kha lúc sang sông dịch”: -“Con lên núi tu tới khi nào đắc đạo mới trở về thăm nhà nghen ba!”

Hệt đức vua Tịnh Phạn, ba tôi đón con bằng một tấm lòng từ ái vô biên (dù tôi chưa kịp thành…Phật). Hai đứa em gái tôi lăng xăng tìm năng lượng nạp cho bà chị ốm đói sau một năm ăn ngọ. Đợi tôi căng bụng xong, nhỏ em Út ngước đôi mắt trong veo nhìn Ba tôi, rụt rè nói:

- Ba ơi! Cho con theo chị Thủy tu nghen ba!

Cả nhà đều im lặng. Tôi hoảng hồn:

- Đi tu theo chị, làm ruộng cực lắm, em ở nhà đi học sướng hơn!...

Chị Hai tôi chen vô: - Ba với anh Hai mới đi mua cây sắt, tole dể dành sau này cất nhà cho nó còn chất trên xe chưa dở xuống, tính chừng nào nó lấy chồng sẽ cho… làm của hồi môn. Nó kén ăn như mèo, chưa biết nấu cơm, giặt bộ đồ còn chưa sạch, ở nhà chưa ai đụng tới đã khóc, vô chùa chịu gì nổi mà đòi đi tu!...

Vài thân bằng quyến thuộc kéo đến bàn ra, tán vào, không ngoài mục đích ngăn cản chí xuất trần của con bé. Nhưng dưới ánh mắt ngây thơ của tuổi 15 thì:

“Mắt ngây ngất trước khung trời lụa gấm

Muôn kỳ hoa dị thảo tỏa hương mời”…

Ai mà cản cho nổi!? Và tôi hớn hở ra đi với một xe cam nhông vật liệu cất nhà của ba cho, quà khuyến mãi là nhỏ em Út, ngơ ngác như một chú nai con. Nhìn vẻ hân hoan của hai chị em, ba tôi nóng ruột quơ vội cái nón, chạy theo con… bỏ lại sau lưng một gia đình rối ren trăm nỗi…

Nhờ bàn tay vạm vỡ của ba và sự góp ý của chúng tôi, một căn nhà có gác, lợp bằng tole liền kề với một mái lá được thành hình, nhưng dòm không giống… ai hết. Ba giải thích:

-Nhà này chỉ cất tạm để các con có chỗ mà canh tác… mấy cây đòn tay bằng gỗ thông tốt lắm, ba lót làm sàn để quý cô có chỗ ngũ, khi nào cất chùa mình lấy ra làm đòn tay, không sợ hư hao gì…

Chúng tôi hết sức hoan hỷ, dù sau trận mưa đầu tiên, nước từ mái tole chạy xuống mái lá, ồ ạt như chảy qua cái rỗ. Chúng tôi cấp tốc dở mái lá xuống, thầy cho tiền mua tole lợp lên toàn bộ, ngoại trừ gian bếp nhỏ xíu, dựng cheo leo ở bờ mương. Với số lá dừa thừa thải, Giải Thiện ra tay lợp vách sau lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột:

- Em ra ngoài chợ thấy người ta lợp vách bằng lá dừa rồi, dễ lắm…!

Chúng tôi xúm xít vây quanh tiếp sức. Chị Đức thắc mắc:

- Chị thấy vách lá người ta dựng phẳng phiu đẹp lắm… còn Giải Thiện lợp sao ngó giống… bộ lông của con đười ươi trong sở thú vậy?...

Giải Thiện gãi đầu:

- Em cũng thấy rứa…!

Cuối cùng chúng tôi cũng có một mái nhà che nắng mưa rộng rãi hơn chốn cũ, còn chiếc chòi tranh của thầy Thông Triệt, đã bị nước cuốn trôi sau một trận mưa lớn, y chang như thầy, đã từ giã chúng tôi không kịp thốt một lời tạm biệt.

Bốn

Mùa thu ta xuống núi

Rảo gót giữa bụi hồng

Áo trầm hương phất phới

Nơi phố thị người đông!

Những lời thơ trên, tôi làm khi còn ở Bát Nhã, đã gói ghém tất cả ước mơ của những thiền sinh non dại, hứa hẹn có một ngày, sau khi “hoát nhiên đại ngộ” sẽ “thõng tay vào chợ” thật hào hùng nhưng không kém phần thơ mộng… Nhưng, rủi ro thay, chúng tôi đã hạ sơn vào ngay mùa xuân của cuộc đời, tuy hừng hực sức sống của tuổi trẻ nhưng luôn vụng về khi phải đối phó với những tính cách mới mẻ, hoàn toàn không có ghi trong sách vở và kinh điển.

Giữa khu rừng Viên Chiếu, tình cảnh chị em chúng tôi giống hệt đám con nít mồ côi, bị bỏ vô rừng... cho Chằn tinh ăn thịt. Đám trẻ trong truyện kể thật khôn ngoan, gan dạ nên đã gạt được bà Chằn hung dữ, chiếm kho tàng... và trở nên giàu sang, no ấm. Còn… chúng tôi, chỉ mới bước vào trang đầu của câu chuyện cổ tích.

Thôi thì, hãy như người xưa nói: “Không cha bám chú, không mẹ thi bám vú dì”... Thầy tuy ở xa nhưng Thường Chiếu lại ở hơi... gần .Tục ngữ có câu: “quyền huynh thế phụ” chẳng rõ những người anh cả Thường Chiếu, đã đọc qua câu này chưa nhỉ?

Trong luật Tỳ-kheo-Ni, có ghi chuyện khi Di mẫu cùng 500 vị thuộc phái quần thoa đến xin Phật gia nhập Tăng đoàn, Phật đã từ chối vì: “Nữ giới mà đi tu, thọ mạng của Phật pháp sẽ giảm bớt một nửa!”... Ngài A-nan vồn giàu lòng bi mẫn, đã theo năn nỉ Phật nhiều lần... Và, tôn giả đã hỏi một câu, mà giá trị mỗi từ, nếu có thể tính bằng hiện vật, phải tương đương với...7 ao thất bảo hay hàng tỷ tỷ... tấn vàng ròng:

- Bạch Thế Tôn, phụ nữ có khả năng chứng đạo như nam giới không?

Đức từ phụ liền xác định:

- Như nhau không khác...!

Và ..., các Trưởng lão Ni tiền bối, đã không phụ lòng tin cậy của Đức Phật và ngài A-nan, Di mẫu với 500 vị tùy tùng, sau khi nhận Bát kỉnh pháp, được xuất gia, tu học đều chứng A-la-hán... đến khi được Phật cho phép nhập Niết-bàn chư Ni đã ngồi tĩnh tọa, dùng hỏa quang tam muội thiêu thân, “gửi nắm bụi hồng theo gió ngàn bay”... không thèm làm phiền đến một nhân viên hỏa táng nào... ( Ai không tin, có thể tìm đọc Trưởng Lão Ni Kệ… sẽ rõ).

Trong đoạn đường vừa qua, tôi đã từng gặp vài sư cô, chỉ dám mơ ước kiếp sau được chuyển làm Tăng… dù vị ấy đã từng học “Pháp Bảo Đàn Kinh” thuộc lòng đoạn:

“Ngũ Tổ hỏi:

- Ông ở đâu, đến đây làm gì?

- Bạch Tổ, con là người Lãnh Nam đến đây chỉ để làm Phật!

- Ông là người Lãnh Nam, tiếng nói còn chưa rõ ràng, sao dám đến đây học đòi làm Phật ?

- Bạch Tổ, thân này tuy với Hòa thượng bất đồng, nhưng Phật tính có gì sai khác.

Và, kết quả thật khả quan, ngũ Tổ đã truyền y bát cho Huệ Năng, chàng trai đầy lòng tự tin, tuy không thuộc hàng danh gia vọng tộc, nhà giàu, đẹp trai, học giỏi!

Chư Tăng Thường Chiếu đã từng học bản “Pháp Bảo Đàn Kinh” cùng chúng tôi dưới mái thiền đường Chân Không, chắc chắn thế nào cũng hiểu rõ điều đó chứ! Vậy mà...vậy mà...

Theo báo cáo của các sư em, Thầy Minh Dũng đã trêu chúng tôi là... dân làng Cùi (có nghĩa là chúng tôi mất khả năng lao động, muốn sinh tồn phải đi ăn chực xin ăn chực...chớ gì!). Còn thầy Định Huệ phũ phàng hơn, đã treo bảng cấm - khi thấy chúng tôi bước vô lãnh địa, ấp úng mượn... nông cụ - ông đã xua tay hét lớn:

- Nói cho mà biết, anh em chúng tôi không phải là thánh… Chúng tôi còn phải tu hành…Từ nay, sau 5 giờ, cấm các cô không được tới đây, nghe rõ chưa!

Dĩ nhiên là chúng tôi nghe rõ và biết còn rõ hơn! Nhưng, tại sao thầy lại không biết Viên Chiếu là đứa em sinh non ngày non tháng? Trong khi Thường Chiếu đã có cơ ngơi vững chải thì chúng tôi vẫn chưa có một mái nhà tươm tất che mưa? Muốn đến Thường Chiếu chúng tôi phải đi bộ một đoạn đường dài… Lúc trở về giữa rừng đêm tăm tối... biết đâu còn có “chó sói chằn tinh” xuất hiện?

Ấy, đừng tưởng là Ni giới chúng tôi nhiều chuyện, các sư em tôi “thêm mắm dặm muối”, “chuyện ít xít ra nhiều” mà lầm. Ngay bản thân tôi, cũng đã từng có một kinh nghiệm nhớ đời với ông sư huynh khó chịu đó.

Thuở ấy, chúng tôi mới được chia mấy công đất để trồng đậu phọng ở cách Thường Chiếu một con suối… Vừa trồng lúa trong rừng, chúng tôi còn phải chia đôi dân số đi tỉa đậu và trồng khoai lang trên mảnh đất mới. Tôi và Hải Liên thường được cắt phiên trấn thủ nơi đây.

Gặp kỳ đổi tiền đầu tiên, chúng tôi phải túc trực chờ đợi ngoài Ủy ban. Đến chiều tối, đang lục tục kéo nhau về, tôi bỗng nghe tiếng thầy Định Huệ từ đằng sau hỏi vọng tới:

- Viên Chiếu đổi tiền được chưa?

Tôi dừng bước để hồi đáp rồi tiếp tục đi. Bỗng dưng, thầy hét lớn:

- Đứng lại, mấy cô đi phía trước đứng lại hết, nghe tôi nói đây…

Chúng tôi cùng dừng chân, thầy cất tiếng thật to:

- Hồi nãy, tôi kêu cô Thủy là để hỏi chuyện tiền bạc, chứ không có gì hết, mấy cô đừng có hiểu lầm... Xong rồi, mấy cô đi đi…

Sư cô Như Thành ngạc nhiên:

- Tụi này đói bụng muốn chết, phải đi riết về, có ai để ý gì đâu, thầy?

Tôi vừa tức cười, vừa tức mình…thầm cầu nguyện kể từ nay, đừng bao giờ phải gặp mặt ông thầy kỳ quái đó.

Nhưng, “oan gia... ngõ hẹp”... Ngay hôm sau, khi đang lúi húi vỡ giồng lang trước sân, tôi bỗng nghe tiếng nói của ổng thật to sau lưng:

- Thành quả... khiêm tốn quá ha...

Tôi chết lặng, nước mắt chực trào ra…Phải chi tôi có thần thông để độn thổ cùng mấy củ khoai lang èo uột, chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái một chút… Đây là bằng chứng không thể chối cãi về khả năng trồng tỉa dở ẹt của mình: khoai lang của chúng tôi chỉ tốt lá chứ không tốt củ.

Chiều hôm đó, khi đang xịt thuốc trừ sâu trên mấy công đậu phọng, thì Thông Thiền chạy qua, nhỏ nhẹ nói :

- Chị để em xịt thuốc cho… Dòm mấy chị làm, các sư huynh em tội nghiệp… nên cho em sang đây phụ một tay...

Thường Chiếu giỏi hơn chúng tôi là nhờ có...Thông Thiền, xuất thân từ trường Nông Lâm Súc… Rút kinh nghiệm ngàn vàng đó, Hạnh Nhã tình nguyện về quê huơng miền Tây để học gieo mạ, cấy lúa...Chúng tôi bắt đầu biết “tầm sư học đạo” với bất cứ ai biết cầm cuốc trước mình…

Năm tháng trôi qua, chúng tôi dần dần trở thành những nông dân lành nghề và giỏi dang… Chúng tôi cũng khôn lớn hơn, để nghiệm ra rằng ẩn sau mấy câu nói khó nghe, nghiêm khắc của quý Thầy là những tấm lòng từ ái vô biên. Thực tế đã chứng minh cho thấy, tánh lo xa và cảnh giác cao độ của thầy Định Huệ không phải là vô bổ mà ngược lại, rất cần thiết cho sự số̀ng còn và phát triển của Tăng đoàn.

Từ dạo đó, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chuyền tay nhau, sao chép các tác phẩm của thầy dịch, để làm sách gối đầu giường. Trong số các gia bảo đó, tôi khắc cốt ghi tâm lời dạy của ngài Đại Huệ:

“Người đời thường sợ nghịch cảnh và ưa thuận cảnh. Cảnh nghịch giống như con dao đâm trước mắt, dễ thấy ...Chỉ cần một chữ nhẫn là xong. Cảnh thuận, như con dao đâm sau lưng, khó thấy khó biết nên không biết đường mà đỡ...”

*

Hôm nao bên bờ dốc

Nhẹ buông phiến lá hồng

Bờ cây khô nảy lộc

Mặt trời… rực phương đông

Lúc còn ở thành phố, trong những lần hóng chuyện, tôi thường nghe quý Sư bà nhắc đến thầy Nhật Quang ở Chân Không với tất cả sự trìu mến. Hình như, đó là một vị Tăng trẻ tuổi, đẹp trai và ăn nói rất mực dịu dàng. Điều tôi nể phục, thèm thuồng nhất là nghe đâu, thầy đã tham học Thiền đủ ba năm ở khóa trước và sẽ được Thầy Viện chủ cho nhập thất ba năm liên tục nữa. Trong chiếc đầu giàu tưởng tượng của tôi, thầy phải có hùng khí của Tổ Bồ-đề-đạt-ma pha trộn với một chút hào khí của các cao thủ võ lâm như… Trương Vô Kỵ hay Lệnh Hồ Xung, nhưng chắc là không thể đa tình… vì thầy là một vị Tăng đã có đạo lực vô cùng thâm hậu.

Nhưng, chẳng rõ có con yêu tinh nào hăm he bắt cóc Thầy nhắm rượu, để được sống hoài ngàn năm hay không, chứ chung quanh Thầy, tôi luôn bắt gặp một hàng rào bảo vệ chặt chẽ, còn hơn Đường Tam Tạng trên đường đi thỉnh kinh nữa.

Ngay đến Sư bà Thiền Đức, vị Hòa thượng Ni yêu kính của chúng tôi - khi ghé thăm Thường Chiếu, cũng đã ngoắc thân mẫu của Thầy lại, dặn dò:

- Bà Năm nhớ “kích” Thầy Nhật Quang với quý Thầy ở Thường Chiếu cho kỹ nghen… Ma i mốt Sư bà sẽ thưởng và gắn mề đay cho.

Bản thân tôi có một lần, tình cờ cũng bị lọt vào vòng vây của lực lượng xung kích đó.

Số là, cô TN- một nữ Phật tử lớn tuổi - có gửi tặng cho tôi và Thầy mỗi người một cái mền. được món quà quý, tôi lật đật ôm về Viên Chiếu, để dành ngắm chứ chưa dám xài… Hôm sau, có dịp ra Thường Chiếu, cô Năm gọi tôi lại, hỏi:

- Cái cô tặng ông Quang cái mền đó, già hay trẻ vậy cô?

- Già ngắt hà cô Năm ơi! Con chưa thấy ai xấu như cổ. Xấu còn hơn Chung Vô Diệm nữa... Ai mà gặp cổ một lần rồi, bảo đảm không muốn gặp lần thứ hai. Cô Năm yên tâm đi!

Vài hôm sau, cô Năm gặp tôi, kêu lại, phân bua:

- Tui gặp cô TN rồi... còn tơ và coi được lắm chứ hỏng tệ… như cô nói đâu!

- Ủa, sao kỳ vậy ta? Hỏng lẽ con nhìn lộn qua người khác. Nhưng cô Năm lo chi xa vậy ?Cổ có ̣đến đây thường đâu mà cô Năm sợ?

- Tui lo là không biết họ có bỏ bùa bỏ ngãi gì cho ông Quang không đây...

- Nếu sợ, cô Năm đem cái mền đó cho… Viên Chiếu đi, tụi con mà mê cổ, đi theo, càng đỡ tốn cơm.

Tôi không rõ số phận chiếc mền ra sao, nhưng nhờ nó, tôi chợt hiểu vì sao khi phỏng vấn công phu tu tập hằng đêm, thầy đã buồn rầu nói:

- Tối nào, khi đại chúng ngồi thiền, tui cũng đi lễ sám hối cho má tui… Cũng vì tui mà má tui tạo nhiều nghiệp không tốt…

Hóa ra, dù nội lực thâm hậu, thầy cũng có nỗi khổ tâm rất đỗi bình thường, y chang nhưng kẻ lười biếng (như tôi chẳng hạn).

Với các thiền viện Ni sau này, tôi không rõ thầy đối xử ra sao, chứ với Viên Chiếu , thầy cưng như… em ruột. Bằng chứng là:

Khoảng đầu năm 76, thầy gọi tôi lại, đưa cho một tờ báo cũ, dặn:

- Mấy sư muội làm ruộng, dầm nước suốt ngày, cần phải đọc tờ báo này để biết cách giữ gìn vệ sinh cho thân thể. Cô xem đi rồi chuyền cho huynh đệ (nhất là mấy cô nhỏ như Hạnh Pháp, Hạnh Đoan)…

Thầy nói tự nhiên, ân cần như một bà chị dạy em chứ không phải là anh trai với em gái… Nhờ vậy, tôi mới dám ngồi bình thản nghe, nín thinh và nín...thở.

Năm sau, thầy lại nói riêng:

- Ngoại trừ ông già (tức là thầy Viện chủ) ra, các cô không được tin tưởng, gần gũi bất cứ người khác phái nào, dù là Tăng hay tục… không phải ai cũng là người tốt hết đâu… Mấy sư muội phải biết khôn để giữ mình và dạy dỗ em út…

Tôi hỏi lại:

- Ngay cả thầy, tụi con cũng không được tin nữa hả?

- Tui đã nói “trừ ông già ra, tất cả đều không được tin!”...

Tôi hoang mang nhưng không dám mở lời, chỉ im lặng ngồi nghe thầy giảng giải, thầm cảm ơn cuộc đời đã hào phóng ban tặng cho chúng tôi những cây cao bóng cả, che chở và dìu dắt chúng tôi qua những đoạn đường nhiều thăng trầm giông bão…

Cây im bóng, cõi binh an, có phải ?
Nắng dịu dàng trên đọt lá ban trưa
Bến sông nào không… mời chào từ áí
Người ngại ngùng, nên vẫn khát như xưa…

*



Sáu.

....Níu mây trắng giữa lưng đồi

Hỏi thăm cha đã da mồi hay chưa?

Cha ơi, cùng tử ngày xưa

Mỏi chân phiêu lãng vẫn chưa chịu về...

Giữa đồng ruộng Viên Chiếu, đã có lần tôi hỏi ân sư:

- Thầy nuôi nấng, dạy dỗ chúng con cực quá, rủi… tụi con làm không đúng kỳ vọng của Thầy, Thầy có buồn không?

Thầy đã đáp một câu ngoài dự tưởng của tôi:

- Thầy đâu có kỳ vọng gì nơi các con đâu?

Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, Thầy nói tiếp:

Thầy chỉ nghĩ đơn giản là… tổ chức cho tụi con có một chốn tu học thích hợp… Ngày nao các con còn tu, còn ăn chay, còn giữ được các giới cấm căn bản là Thầy mừng rồi. Nếu không có chỗ tu học, tụi con tan tác, mỗi đứa đi một nơi, tạo nghiệp không lành, Thầy mới buồn! Sau này, trong số các con, ai làm thêm được điều gì tốt, Thầy coi như mình có lời…!

Bốn mươi năm dài đã trôi qua như một chớp mắt. Đôi lần về thăm Thường Chiếu, tôi đứng ngơ ngác giữa ngôi thiền viện hoành tráng nguy nga, những người xưa năm cũ giờ tản lạc khắp nơi… Nếu không gặp người quen, tôi thường tìm một chỗ khuất, ngồi lặng lẽ. Từ khung trời tâm thức, những bóng hình tuổi trẻ của 40 năm xưa, từng người, từng người một… tươi cười bước ra…

“Và, ô kìa! Trước chiếc thất lá đơn sơ, Thầy của chúng tôi, đang ngồi hiền hòa giữa hàng hàng lớp lớp thanh niên Tăng, trầm hùng như núi lặng”…


Hết

----------- 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/11/2017(Xem: 11760)
Các đối tượng vật chất mà chúng ta nhìn thấy là tương đối chứ không có một thực tại khách quan; chúng là những biểu hiện của tâm. Chúng có mặt trong những hiện khởi cảm giác của tâm. Không có thực tại riêng biệt nằm ở đâu đó bên ngoài.
21/11/2017(Xem: 13115)
Hàng năm, từ trung tuần tháng 12 dương lịch, các tự viện khắp nơi đều hoan hỷ chuẩn bị tổ chức các khóa tu để cúng dường lễ vía Đức Phật A Di Đà, vị Phật đã phát 48 đại nguyện cứu độ chúng sanh, vị Phật gần gũi trong tâm tưởng Phật tử khắp năm châu bốn biển, bất luận mầu da, tiếng nói, bất luận giầu nghèo, sang hèn, bất luận nam nữ, già trẻ ….
21/11/2017(Xem: 7818)
Mưa nhẹ trong đêm. Lắng tai thật kỹ mới nghe được tiếng rơi tí tách bên ngoài qua khung cửa kiếng đóng kín. Hàng cây cao rũ lá ướt trên các nhánh khô gầy đầu thu. Đèn đường lặng soi trên những vũng đọng. Côn trùng im tiếng. Không có tiếng đập cánh của chim đêm. Không có tiếng chân người dẫm xào xạc trên lá. Cũng không có tiếng động cơ nào của xe cộ trên đường. Hơi thở nhẹ như tơ trời. Nhẹ như hư không.
14/11/2017(Xem: 11789)
Dưới đây là bài phỏng vấn Giáo sư Trung Quốc Ji Zhe (汲 喆/Cấp Triết) về tình trạng Phật giáo ngày nay tại quê hương của ông. Bài phỏng vấn được đăng trên nhật báo "Le Monde" của Pháp ngày 9 tháng 9 vừa qua với tựa: "Đức Phật mặc áo màu đỏ" (Bouddha en habit rouge), và đồng thời cũng được đưa lên trang mạng của tờ báo này, nhưng lại mang tựa khác: "Tại Trung Quốc, chính quyền công cụ hóa Phật giáo đổi mới" (En Chine, le pouvoir instrumentalise le renouveau bouddhiste).
10/11/2017(Xem: 8811)
Trong các tổ chức, cộng đồng, quốc gia trên thế giới, nơi nào cũng có phép tắc luật lệ riêng mà thành viên thuộc các tổ chức đó hay người dân thuộc cộng đồng hay quốc gia đó bắt buộc phải tuân thủ. Mục đích của luật lệ là nhằm giữ cho cộng đồng có được trật tự, ngăn ngừa giảm thiểu những tai ương tội ác do kẻ xấu cố tình gây ra.
05/11/2017(Xem: 7844)
Hành Trình Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo, Nếu nói về việc học, việc tu của chư Tăng Ni Phật Giáo thì tự ngàn xưa Đức Phật đã là một bậc Thầy vĩ đại đảm trách làm một Hướng đạo sư cho mọi người quy về. Trên từ những vị xuất gia, dưới đến vua, quan và thứ dân, ai ai cũng một lòng quy ngưỡng về giáo lý thậm thâm vi diệu ấy. Mục đích chính của việc tu tập là thoát ly khỏi cảnh giới khổ đau nầy, để trở về với bản lai diện mục thanh tịnh, giải thoát của mỗi người. Đức Phật cũng đã từng nói rằng: “Ta chỉ là một Đạo Sư”, nghĩa là một kẻ dẫn đường. Kẻ dẫn đường ấy chính là Thầy của chúng ta và bất cứ ai trong đời nầy dẫn được ta đi vào Đời hay vào Đạo đều là Thầy của chúng ta cả.
30/10/2017(Xem: 11587)
Giữa tháng 9 năm 2017, chúng tôi đi Paris, nước Pháp, để thăm gia đình và bạn bè, đã 10 năm chưa có dịp gặp lại. Thi và tôi đã để ra 3 ngày đi thăm vợ chồng người bạn của Thi khi còn học ở trường Trung học Gia Long - Saigon, vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Chị Hồng và anh Ngọc đang ở tại thành phố Oberhausen. Đây là thành phố nằm trong vùng kỹ nghệ sông Ruhr thuộc tiểu bang NordRhein- Westfalen, phía Tây-Bắc nước Đức.
30/10/2017(Xem: 10212)
Dưới đây là bài viết của Lạt-ma Denys tóm lược một số các bài thuyết giảng của chính tác giả tại ngôi chùa Tây Tạng Karma Ling, tọa lạc trong vùng núi Alpes trên đất Pháp. Bài viết nêu lên một sự hiểu biết mang một tầm quan trọng vô song trong Dharma/Đạo Pháp của Đức Phật, đó là khái niệm "Tương liên, tương tác và tương tạo" giữa tất cả mọi hiện tượng dù vô hình hay hữu hình, thuộc thế giới bên ngoài hay bên trong tâm thức một cá thể. Tiếng Pa-li gọi khái niệm này là Paticca-samuppada, tiếng Phạn là Pratitya-samutpada, tiền ngữ "pratitya" có nghĩa là "lệ thuộc vào" [một thứ gì khác], hậu ngữ "samutpada" có nghĩ là "hiện lên" hay "hình thành"..., Các ngôn ngữ Tây Phương gọi khái niệm này là: Interdependence, dependent origination, dependent arising, dependent co-production, conditioned co-production, conditioning co-production, v.v.; kinh sách Hán ngữ gọi là "Lý duyên khởi". Có thể tạm dịch sang tiếng Việt là "Nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo", tuy nhiên cũng có thể gọi vắn
27/10/2017(Xem: 10522)
Là người sống ở thế gian, có ai tránh khỏi một đôi lần gặp bất trắc, tai ương lớn hay nhỏ. Nhỏ như chuyện bất hoà khó chịu xảy ra liên tục với người xung quanh. Nhỏ như yêu thương người này ghét bỏ người kia một cách tự nhiên, hay người này cực khổ chăm sóc nuôi dưỡng người kia mà bị người kia càm ràm nặng nhẹ gây khó dễ hết chuyện này sang chuyện khác, hoặc chính bản thân mình đau ốm bệnh hoạn triền miên chạy chữa khắp nơi mà không dứt bệnh. Lớn như chuyện con cái trong nhà không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, ra ngoài xã hội quậy phá phạm luật chịu cảnh tù tội khiến kẻ làm cha làm mẹ chịu nhiều lo âu và đau khổ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]