Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nửa bước quy y

24/10/201416:34(Xem: 6706)
Nửa bước quy y

nua buoc quy y

Chuyện kinh Phật kể rằng, tự ngàn xửa ngàn xưa, hằng hà sa kiếp trước, có con thỏ ngọc nọ thấy bầy đàn đang lúc giá rét cuối đông, chẳng kiếm được chút rau cỏ gì cho nguôi cơn đói bụng ; thỏ nọ liền “hưng khởi đại bi tâm” nhảy vào  đám lửa đang cháy rực hồng, tự biến thân mình thành thịt nướng cho bầy đàn ăn đỡ đói. Khi bầy đàn thỏ no nê thì cũng là khi thân thỏ nọ chỉ còn sót lại mấy miểng xương đen.

Phật biết đại bi tâm của thỏ từ đầu, bèn nhặt xương thỏ đem về cung quảng, phục sinh và đặt tên cho thỏ là NGỌC THỐ - có nghĩa là Thỏ Ngọc, một  sinh thể có đại bi tâm quý như ngọc; thứ ngọc Phật từng nói đến trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Bấy giờ, cuộc đời thỏ ngọc ngày đêm yên ả nơi cung trăng, tự thân sớm hôm trau dồi công dung ngôn hạnh khiến biết bao người chung quanh nâng niu, thương yêu chiều chuộng.

Thỏ ngọc ở cung trăng, lắm kẻ dưới trần  ngước mắt trông lên thấy thỏ đẹp như trăng, lắm người tin thỏ với trăng là một. Dung nhan thỏ khác gì với mấy cô tiên, khiến dưới trần lắm người mơ ước: ước gì mình sinh được cô con gái mỹ miều như thỏ ngọc kia.

Thế rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra: ngay nơi làng Cổ Tích, có đôi vợ chồng nọ, dày công tu nhân tích đức, nhân duyên nhiều kiếp vợ chồng hội tụ, khiến cho ngày kia họ sinh được cô con gái “mà dưới trần lắm người mơ ước” ấy.       

Ôi! Đúng là phúc ấm gia đình, vợ chồng vô cùng mãn nguyện nên đặt tên con là NGỌC THỐ. Mỗi khi ngắm nhìn con, họ nghĩ đây chính là thỏ ngọc nhà trời, thỏ từ cung trăng mà đến, thỏ với trăng làm một, thỏ đích thị là một vầng trăng rất thực, rất chơn, rất tròn, rất sáng… Từ đó mới xuất hiện duyên thơ. Thơ rằng:

Một vầng chơn nguyệt tỏ chơn tâm.

Vô ngại đại bi Quán thế âm .

Ngũ uẩn giai không vần chiếu diệu,

Tam đồ nhi huyễn điệu hành thâm.

Tinh mơ ngọc thố phô ngời ánh,

Lấp lánh kim ba rạng đúng tầm.

Nửa bước quy y về tự tánh…

Tung tăng tròn trĩnh hạnh quang lâm.

TRỤ VŨ

Rõ ràng đích thực đây là khí vị, là phong cách, là phong thái của tiền bối thi nhân Trụ Vũ, người sinh từ khoảng năm ba mươi của thế kỷ trước, thời mà tao đàn Việt Nam đã xuất hiện khá đông những thi nhân mới ảnh hưởng Tây phương, với những tên tuổi như Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Huy Cận…

Điều may mắn cho thế hệ chúng ta là đã chẳng những có thể thưởng thức những bài thơ đầu tay của Trụ Vũ từ những năm 1946 (với giải thưởng trang trọng về thơ do chính nhà văn Hải Triều Nguyễn Khoa Văn trao tặng), mà cho đến bây giờ vẫn còn có thể, nếu muốn, thưởng thức dòng thơ liên tục của chính tác giả này, bất tuyệt, không hề gián đoạn.

Quả vậy, dòng thơ Trụ Vũ đúng là một suối nguồn vô tận. Ông đã viết hàng chục ngàn bài thơ, hàng trăm ngàn câu thơ với tất cả mọi thể loại.

Với các nhà thơ, có thể khó nhất là thể loại thơ Đường luật. Nhưng với Trụ Vũ thì chỉ cần phẩy ngọn bút lên tờ giấy dó, ông có ngay một bài thơ tám câu năm vận vô cùng chỉn chu, lóng la lóng lánh như viên ngọc bích, không tỳ, không vết.

Cụ thể như bài thơ Đường luật với năm chính vận ông đọc cho tôi nghe đây.

Lỡ gieo vận gần như là một tử vận, thế mà dòng thơ ông cứ như dòng suối hồn hậu tuôn chảy, bất chấp những chướng ngại do từ các niêm luật nhiêu khê ràng buộc của chính thể thơ luật này.

Phần lớn các nhà làm “thơ Đường”, của Trung Quốc – là nơi xuất xứ của thể thơ này –  cũng như ở nước ta, hễ khi lỡ tay gieo một vận khó, thì đều có thái độ “bỏ khó tìm dễ”. Có nghĩa là: thay vì tuân thủ chính vận, họ đã ngả theo thông vận. Riêng Trụ Vũ, trong hàng trăm bài thơ Đường luật của mình đã sáng tác, ông đều giữ đúng theo chính vận. Cụ thể, chẳng hạn như với bài Nửa Bước Quy Y này, năm vận (vận bằng, cuối câu) của nó là: tâm, âm, thâm, tầm, lâm. Như thế là hoàn toàn theo chính vận. Giữ đúng nếp chính vận như thế, nhất là giữ đúng một cách tự nhiên, một cách hợp lý, không hề là chuyện dễ dàng. Những nhà thơ lớn của nước ta, như Hồ Xuân Hương hoặc Nguyễn Khuyến chẳng hạn, cũng ít khi giữ đúng nếp chính vận như thế. Với nữ thi hào họ Hồ, bài thơ nổi tiếng Đèo Ba Dọi (tử vận), cũng chỉ giữ được 4 vận trong 5 vận mà thôi. 5 vận cuối của bài ấy, là đèo, leo, rêu, gieo, trèo. Đèo, leo, gieo, trèo thì đã đành là chính vận; nhưng rêu thì đã lạc sang thông vận mất rồi, giảm sự toàn bích đi rồi. Lại bài Thu Điếu của thi hào Nguyễn Khuyến, gồm 5 vận veo, teo, vèo, teo, bèo thì tuy đã thần tình giữ đúng 5 chính vận, song vẫn vướng vào chút khuyết điểm là lặp lại đến 2 lần chữ teo. Mà làm thơ, thì vướng một khuyết điểm nhỏ, cũng chẳng khác chi viên kim cương vướng thoáng bọt rồi. Đâu thể gọi là toàn bích nữa.

Tản mạn một thoáng cho vui. Nay chúng ta hãy trở lại với chính “bài thơ trong cuộc”, bài Nửa Bước Quy Y. Chúng ta hãy thưởng thức 2 câu phá, thừa:

Một vầng chơn nguyệt tỏ chơn tâm

Vô ngại đại bi quán thế âm.

Đã đành vần tâm và vần âm đã tròn trĩnh chính vận, nhưng đó chỉ mới là tròn trĩnh về hình thức – về âm vận. Nghĩa là chỉ mới tròn trĩnh về sự “ăn vần”. Nhưng cái tuyệt vời của hai câu phá thừa nói trên còn tuyệt vời hơn nơi chỗ “ăn ý”. Bởi chưng bản thân mỗi người khi cha mẹ sinh thành đã là chơn nguyệt, viên nguyệt, biểu hiện tính thể của chơn như, của chơn tánh, chơn tâm. Chơn tâm ấy là bản tâm nguyên vẹn  trong sáng, vô nhiễm của em bé sơ sinh, tâm ấy là tâm Phật, tâm ấy là tâm Bồ tát ma ha tát. Bản tâm ấy gắn với cái điển tự đốt thân mình, tự hiến thân mình do bản hoài đại bi tâm của thỏ ngọc ngàn xửa ngàn xưa, thế nên mới có câu thơ thứ hai thảng thốt thần kỳ tuyệt bích:

Vô ngại đại bi Quán thế âm.

Tiếp theo, là 2 câu thực. Người đã sống với đại bi tâm, học theo hạnh nguyện Đức Quán thế âm, ắt phải nhận ra ngay :

Ngũ uẩn giai không vần chiếu diệu.

Rõ ràng : năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức; cơ cấu của thân và tâm khi chưa nhiễm bụi trần, tự thể nó đều vốn là KHÔNG, vốn là tịch chiếu, vốn là niết bàn.
hanhphuong

Bản thân hành giả khi đã quán chiếu được ngũ uẩn giai không, thì dẫu bị buộc hay tự nguyện dấn thân vào tam đồ bát nạn, những đường đi gập ghềnh, những khúc khuỷu gian nan cay đắng, những địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; những hỏa đồ, huyết đồ, đạo đồ...tất cả mọi trở lực... thảy đều là nhi huyễn, như mộng, như ánh chớp…

Đã dấn thân vào đời, vào cuộc hiện sinh với tâm nguyện dấn thân học theo hạnh nguyện của đức Quán thế âm  thì thảy đều như thế. Khi nguyện đã đi sâu vào trí tuệ Bát nhã thì ai cũng thảy đều như thế. Do vậy Trụ Vũ mới có câu tiếp này:

Tam đồ nhi huyễn điệu hành thâm.

Tam đồ đối ngũ uẩn, giai không đối nhi huyễn, chiếu diệu đối hành thâm... Kết cấu toàn bích của hai câu thực, chuyển mạch cho hai câu luận:

Tinh mơ ngọc thố phô ngời ánh,

Lấp lánh kim ba  rạng đúng tầm.

Mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều huyền ảo, hào quang nhật nguyệt lóng la lóng lánh những ánh sóng vàng, những tia ngọc bạc, ấy chính là biểu thị hạnh phúc tròn đầy nơi tâm nguyện bản hoài của hành giả đại bi tâm. Tư tưởng luận hay, cấu trúc từng cặp từ và nghĩa sóng sánh đối nhau thực như bạn bầu xứng đôi vừa lứa; như xuân xanh xấp xỉ tương phùng.

Sau hết, mời người đồng điệu hãy cùng bước vào hai câu kết thâm hậu của bài thơ :

Nửa bước quy y về tự tánh

Tung tăng tròn trĩnh hạnh quang lâm.

Thay vì cất bước, trẩy bước, nhớm bước, đặt bước… vào thể điệu hành thâm bát nhã, nhà thơ bảo hành giả chỉ cần “nửa bước” thôi – nửa bước dụng công quán chiếu về nửa bước khởi tâm, nhất cử nhất động vô phi thị niệm thì hành giả đã có thể tự mình trở về nương tựa CHÍNH MÌNH, đã tự mình là ốc đảo cho CHÍNH MÌNH, đã “ Nửa bước quy y về tự tánh”.

Đã quy y về tự tánh được rồi thì hai bàn chân tha hồ tung tăng trong chánh niệm, tha hồ tung tăng giữa ngũ uẩn giai không, tha hồ bay nhảy giữa tam đồ bát nạn, tha hồ đi về giữa ba cõi sáu đường.

Mỗi nửa bước, mỗi mỗi nửa bước của hành giả sẽ là tất cả các bước trên lộ trình hành thâm... bây giờ mỗi bước thảy thảy đẹp xinh, mỗi bước bây giờ thảy đều tròn trĩnh, thảy đều tỏa sáng hạnh phúc, an trú lạc pháp. Hiện thị đương chân.       

Đẹp thay! Mỗi từng giây phút giữa cuộc đời ánh sáng hạnh phúc đang đến với chính mình, tràn ngập trái tim mình, chơn tâm mình. Mỗi mỗi bước thảy đều “đúng tầm” cho ánh sáng quang lâm :

Tung tăng tròn trĩnh hạnh quang lâm.

Tư tưởng thi nhân thâm hậu, liễu ngộ tuệ giác thiền quán. Tình cảm, cảm xúc thi nhân sâu xa, trầm lắng. Người được tặng thơ hẳn cảm thấy vui một niềm vui của cảnh giới tri âm. Tôi mơ màng thấy người ấy đang chấp tay sen tịnh tâm thốt niệm: “Nam mô A di đà Phật”, ngay khi vừa cảm thụ.

Bản thân chúng tôi thật hạnh phúc khi được nhà thơ Trụ Vũ đọc cho nghe bài thơ. Sau khi đã lắng lòng, toàn tâm thưởng lãm từng câu chữ thơ ông, bất giác tôi cầm bút ghi lại những âm giai cung bực đang khởi phát, đang dội lên, đang vọng về trong tâm thức, rung động nơi trái tim :

Đã gặp nhau từ ngàn trùng sanh diệt

Biết nói răng chừ !

Quán tự tại hành thâm mới biết

Mối tình thơ chơn nguyệt vô dư.

 HẠNH PHƯƠNG

27/8/2014

Giáp Ngọ - Phật lịch 2558

 

 

HẠNH PHƯƠNG

HOÀNG KIM BÍNH    Ấp Suối Cát 1- Suối Cát – Xuân Lộc – Đông Nai.

ĐT 0985.734.265

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/12/2012(Xem: 7277)
Người đời ai cũng muốn tìm cầu hạnh phúc, nên chạy đuổi theo tiền của, sắc đẹp, danh vọng, quyền thế, ăn uống và ngủ nghỉ… Họ lầm tưởng rằng sẽ được vui sướng lâu dài, nhưng cuối cùng vẫn phải gánh chịu nhiều đau khổ!
23/12/2012(Xem: 5123)
Chử Đồng Tử là người Phật tử Việt Nam đầu tiên. Ông sống cùng cha là Chử Cù Vân tại Hưng Yên trong thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch. Một hôm, nhà cháy, chỉ còn chiếc khố hai cha con thay nhau mặc. Khi rời nhà, Chử Đồng Tử mặc khố và cha phải ở nhà, và ngược lại
19/12/2012(Xem: 9409)
Kinh thành đá Gia Na là thạch kinh có quy mô lớn nhất trên thế giới, với các tảng đá ma ni trên đó khắc lục tự chân ngôn và các loại kinh văn, là thắng tích văn hóa hiếm thấy.
10/12/2012(Xem: 8557)
Nhạc phẩm “Để gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn không phải từ đầu đến cuối đều có chất “Đạo nhập thế” được lồng ghép trong nhạc. Có câu, có đoạn, ý tưởng triết lý đạo Phật hiện rõ.
08/12/2012(Xem: 4477)
Bài này sẽ tập trung nói về đề tài, một vài cách tiếp cận các nguồn nghiên cứu Phật học Anh ngữ. Và qua đây, thử khảo sát một vài thắc mắc thường gặp. Đặc biệt, chúng ta sẽ dò tìm dấu tích Kinh Kim Cương, một kinh căn bản của Tổ Sư Thiền, trong Tạng Pali.
06/12/2012(Xem: 6463)
Do sức ép của công việc, sức ép của mọi thứ trong xã hội đã làm thay đổi cấu trúc đời sống sinh hoạt gia đình truyền thống mà các sắc dân ở các nơi đã phải đối diện.
04/12/2012(Xem: 5164)
Một hôm, một Thiền sư phải qua sông. Sư bước lên một chiếc đò của một cô lái đò xinh đẹp. Sau khi thuyền cặp bến, cô lái thu tiền từng ngườì như bình thường, chỉ trừ nhà sư bị cô lái đò đòi tiền gấp đôi.
02/12/2012(Xem: 4478)
Sáu ba-la-mật là Bồ-tát hạnh. Bồ-tát hạnh gồm có hai sự tích tập: tích tập phước đức là làm lợi lạc cho người khác và tích tập trí huệ là xóa tan bóng tối vô minh để đi đến sự sáng tỏ hoàn toàn của tâm thức.
01/12/2012(Xem: 5886)
Lời giới thiệu — Đây là một trong bốn tiểu luận của Tỳ kheo Bodhi trong cuốn “Facing the Future” viết năm 2000 tại Tích Lan. Tỳ kheo Bodhi, thế danh là Jeffrey Block, người Hoa Kỳ, sinh năm1944. Đại sư đã đến với Phật giáo năm 1965, khi lần đầu tiên gặp Hòa thượng Thích Minh Châu tại khuôn viên trường Đại học Madison, tiểu bang Wisconsin, trước khi đến học cao học tại Claremont, California. Đại sư đã thuật lại cuộc gặp gỡ này trong bài viết “LẦN ĐẦU TIÊN TÔI GẶP MỘT NHÀ SƯ“→ đã được đăng tải trong Vườn Đào.
27/11/2012(Xem: 6176)
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika dạy các Tỷ kheo: - Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng không phải Thánh và hội chúng bậc Thánh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567