Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngọc trong chéo áo

23/10/201408:39(Xem: 8410)
Ngọc trong chéo áo
ngoc

Bằng cách này hay cách khác, Đức Phật luôn gợi nhắc cho chúng ta rằng mỗi người chúng ta đều sở hữu các khả năng và phẩm chất tốt đẹp, cần phải biết vận dụng và phát huy để làm cho cuộc sống trở nên giàu sang hiền thiện, tránh mọi khổ đau và để thực nghiệm hạnh phúc an lạc. 
 
Trong bài kinh Nghèo khổ thuộc Tăng Chi Bộ, Ngài đơn cử câu chuyện một người nghèo túng về của cải vật chất nhưng không biết cách nỗ lực khắc phục tình trạng nghèo khó của mình nên phải liên tiếp rơi vào các cảnh ngộ khó khăn để nhắc nhở chúng ta về các tai họa khổ đau mà chúng ta sẽ phải đối diện, nếu không biết nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy các phẩm chất đạo đức và trí tuệ của mình.
 
Theo lời Phật thì một người nghèo khó về của cải vật chất mà không biết nỗ lực vượt khó thoát nghèo thì phải gánh chịu nhiều nỗi khổ chồng chất. Vì khi nghèo khó thì phải đi vay nợ và mắc nợ; vay nợ thì phải chấp nhận trả tiền lời cho chủ nợ; khi đến thời hạn trả tiền lời mà không thanh toán được thì bị người ta hối thúc, đốc thúc; rồi đi đâu cũng bị người ta truy tìm, theo sát gót; sau cùng là bị người chủ nợ bắt trói. 
 
Tương tự, một người nghèo về đạo đức và trí tuệ, nghĩa là không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn (tàm), không có lòng sợ hãi (quý), không có tinh cần tinh tấn, không có trí tuệ trong các thiện pháp, thì phải chịu mọi bất hạnh khổ đau lâu dài. Vì một khi không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, không có tinh cần tinh tấn, không có trí tuệ trong các thiện pháp thì con người sẽ dễ dàng rơi vào các hành vi ác, bất thiện về thân (sát sanh, trộm cắp, tà dâm), về lời (nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm), về ý (tham dục, sân hận, tà kiến); khi đã làm ác nghiệp rồi thì cố tình che giấu các hành vi xấu ác của mình; thế rồi bị những người khác biết và chỉ trích; và người ấy có đi đâu cũng mang theo mặc cảm tội lỗi hay bị ám ảnh bởi ác nghiệp của mình; sau cùng, khi thân hoại mạng chung phải bị trói buộc trong ác thú, đọa xứ, địa ngục do ác nghiệp mà mình đã làm. 
 
Nguyên văn lời Phật dạy:
 
“- Sự nghèo khổ, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời? Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
 
Khi một người nghèo khổ không có sở hữu, sống túng thiếu, phải mắc nợ. Mắc nợ, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời? Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
 
Khi một người nghèo khổ không có sở hữu, sống túng thiếu, sau khi mắc nợ, phải chấp nhận tiền lời. Tiền lời, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời? Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
 
Khi một người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu, phải chấp nhận tiền lời, và khi thời hạn đến, không trả được tiền lời, người ta hối thúc, đốc thúc người ấy. Sự hối thúc, đốc thúc, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời? Thưa vâng, bạch thế Tôn.
 
Khi một người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu, bị hối thúc, không trả được tiền lời, người ta theo sát gót truy tìm người ấy. Bị theo sát gót, bị truy tìm, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời? Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
 
Khi một người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu, bị theo sát gót, bị truy tìm, không trả nợ được tiền lời, người ta bắt trói người ấy. Sự bắt trói, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời? Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
 
Này các Tỷ-kheo, như vậy, nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; mắc nợ cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; tiền lời cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị hối thúc, đốc thúc cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị theo sát gót, bị truy tìm cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị bắt trói cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời.
 
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có lòng sợ hãi trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp; người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu trong Luật của bậc Thánh.
 
Nay chính người ấy, này các Tỷ-kheo, không có lòng tin trong thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có lòng sợ hãi trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp, làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời, làm ác hạnh về ý nghĩ. Ta gọi người ấy là người mắc nợ.
 
Người ấy do nhân che giấu ác hạnh về thân, về lời, vế ý, khởi lên ác dục: “Mong rằng không ai biết ta làm”; suy nghĩ rằng: “Mong rằng không ai biết ta làm”; nói rằng: “Mong rằng không ai biết ta làm”; cố gắng với tác động về thân, nghĩ rằng: “Mong rằng không ai biết ta làm”. Người ấy, do nhân che giấu ác hạnh về thân, về lời, về ý như vậy, Ta gọi là tiền lời gia tăng.
 
Và các đồng Phạm hạnh thuần thành nói về người ấy như sau: “Tôn giả này có làm như vậy, có sở hành như vậy”. Đây Ta nói rằng người ấy bị hối thúc, đốc thúc. Rồi người ấy đi đến rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, các ác thiện tầm câu hữu với hối lỗi hiện hành. Đây Ta gọi là bị theo sát gót, bị truy tìm.
 
Nay chính người ấy, sau khi làm ác hạnh về thân, sau khi làm ác hạnh về lời, sau khi làm ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, bị trói buộc trong trói buộc của Địa ngục, bị trói buộc trong trói buộc của loài bàng sanh. Và này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một trói buộc nào khác lại khắc nghiệt như vậy, lại ác liệt như vậy, lại làm chướng ngại như vậy cho sự chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, này các Tỷ-kheo, giống như sự trói buộc địa ngục hay sự trói buộc các loài bàng sanh”(1).
 
Các so sánh lưu nhắc về hệ quả khổ đau giữa hai cái nghèo, nghèo về vật chất và nghèo về đạo đức, trong câu chuyện:
 
- Nghèo túng, thiếu thốn về vật chất được ví như không có lòng tin (về nhân quả thiện ác); không có xấu hổ (đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác); không có sợ hãi (đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác); không có tinh tấn (từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác và làm các việc thiện về thân, về lời, về ý); không có trí tuệ (phân biệt rõ về thiện ác, nhân quả thiện ác).
 
- Mắc nợ là đồng nghĩa với thân làm ác (sát sanh, trộm cắp, tà dâm), miệng nói ác (nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm), ý nghĩ ác (tham dục, sân hận, tà kiến).
 
- Tiền lời được xem là tương đương với thái độ cố ý che giấu các ác hạnh về thân, về lời, về ý mà mình đã làm.
 
- Bị hối thúc, đốc thúc được ví như sự chỉ trích phê bình của người khác về các hành vi xấu ác mà mình đã làm, đã tích tập.
 
- Bị truy tìm, theo sát gót là đồng nghĩa với các ý nghĩ xấu ác đi đôi với mặc cảm lỗi lẫm luôn hiện hữu ám ảnh tâm tư người ấy dù ở đâu hay đi đâu.
 
- Bị bắt trói được xem là đồng nghĩa với sự tái sanh trong địa ngục hay loài bàng sanh sau khi chết.
 
Nhìn chung, Phật nêu cái nghèo về của cải vật chất và các hệ quả khổ đau đi kèm với nó để nhắc nhở chúng ta cái nghèo về đạo đức và trí tuệ gắn liền với các hậu quả khổ đau do tình trạng nghèo kém đạo đức và trí tuệ mang lại. Hẳn nhiên, nghèo về của cải vật chất thì rất khổ(2). Nhưng nghèo về đạo đức và trí tuệ lại càng khổ hơn, vì đó là nguyên nhân của mọi bất hạnh khổ đau không ngừng tiếp diễn dưới các hình thức tái sanh không may mắn của con người ở trong vòng sinh tử luân hồi(3). Nhận thức được điều đó thì mỗi người cần phải nỗ lực tìm cách khắc phục và vượt qua mọi tình huống nghèo khổ.
 
Câu chuyện nhấn mạnh về trình trạng nghèo khổ nhưng gián tiếp gợi nhắc cho chúng ta về khả năng và cách thức thoát khỏi nghèo khổ, giúp cho chúng ta biết cách xây dựng cuộc sống giàu sang, hiền thiện, hạnh phúc, an lạc. Đó là nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy các phẩm chất đạo đức và trí tuệ tự nội – niềm tin, lòng hổ thẹn, lòng sợ hãi, tinh tấn và trí tuệ trong các thiện pháp. 
 
Một người mà không có và không biết nuôi dưỡng niềm tin (về lẽ thiện ác hay nhân quả thiện ác), không có và không biết nuôi dưỡng lòng xấu hổ (đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác), không có và không biết nuôi dưỡng lòng sợ hãi (đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác), không có và không biết nuôi dưỡng tinh tấn (từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác và làm các việc hiền thiện về thân, về lời, về ý), không có và không biết nuôi dưỡng trí tuệ (phân biệt rõ về thiện ác, nhân quả thiện ác) thì không thể thoát khỏi bất hạnh khổ đau do sự nghèo đói về đạo đức và trí tuệ mang lại. 
 
Trái lại, người nào biết nuôi dưỡng và phát triển lòng tin (về lẽ thiện ác), biết nuôi dưỡng và phát huy lòng xấu hổ (đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác), biết nuôi dưỡng và phát triển lòng sợ hãi (đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác), biết nuôi dưỡng và phát triển tinh tấn (từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác và làm các việc hiền thiện về thân, về lời, về ý), biết nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ (phân biệt rõ về thiện ác, nhân quả thiện ác) thì chẳng những không rơi vào bất hạnh khổ đau mà còn khiến cho mình trở nên hạnh phúc an lạc do sự giàu có về đạo đức và trí tuệ. Đây hẳn là thâm ý của Phật trong câu chuyện. 
 
Trong cách nói của Ngài, Đức Phật gọi một người nghèo khổ mà biết phát huy các phẩm chất tự nội để làm thăng hoa cuộc sống của mình là “người từ trong bóng tối đi ra ánh sáng”(4) hay “kẻ soi sáng cõi đời này”(5).
 
Nói tóm lại, tùy thuộc vào duyên nghiệp riêng biệt mà con người ta sinh ra ở đời thừa hưởng các điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, dù ở trong điều kiện hay hoàn cảnh nào thì mỗi người đều sẵn có trong mình tiềm năng giác ngộ hay các phẩm chất tự nội – lòng tin, lòng xấu hổ, lòng sợ hãi, tinh tấn và trí tuệ trong các thiện pháp - để có thể cải thiện và hoàn thiện chính mình, làm cho cuộc sống của mình trở thành giàu sang, hiền thiện, hạnh phúc, an lạc. Vấn đề là mỗi người cần phải biết vận dụng và phát huy các phẩm chất tốt đẹp ở trong chính mình. 
 
Kinh sách đạo Phật thường ví von: “ngọc trong chéo áo” mà để rơi vào vòng túng quẫn, hay“báu có trong nhà”mà cứ đi tìm của cải ở bên ngoài. Tất cả cách nói ấy chỉ để lưu nhắc một điều: hết thảy mọi người đều sở hữu các tiềm năng hay phẩm chất tốt đẹp, hãy biết dùng chúng để xây dựng cuộc sống giàu sang, hiền thiện, hạnh phúc và an lạc cho mình và cho mọi người. 
 
(TC. Văn Hóa Phật Giáo)
 
Chú thích:
 
Kinh Nghèo khổ, Tăng Chi Bộ.
Kinh Kùtadanta, Trường Bộ.
Kinh Chuyển luân Sư tử hống, Trường Bộ.
Kinh Tối tăm, Tăng Chi Bộ; Kinh Người, Tương Ưng Bộ.
Pháp cú, kệ số 172-173.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/10/2010(Xem: 9183)
Lẽ thường trong chúng ta, ai ai cũng đều có một cái “cái ngã”, hay “bản ngã”. Không những cái ngã của chính mình mà còn ôm đồm cái bản ngã của gia đình mình, của bằng hữu mình, của tập thể mình, của cộng đồng xã hội mình, của tôn giáo mình, của đất nước mình, và thậm chí cho đến cái bản ngã của chủ nghĩa mình; dù đó là chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm, hay chủ nghĩa hiện sinh...
09/10/2010(Xem: 9207)
Sáutu sĩ khổ hạnh quấn trên người những chiếc áo bạc màu bụi đường cùng nhau "tiến sâu vào lãnh thổ của xứ Ma-kiệt-đà"(Magadha) trong thung lũng sông Hằng (PhổDiệu kinh - Lalitavistara). Họ đixuyên ngang các thôn xóm và những cánh đồng xanh mướt. Chung quanh cảnh vật êm ảvà lòng họ thật thanh thản. Họ là những người quyết tâm từ bỏ gia đình để chọnmột lối sống khắc khổ, không màng tiện nghi vật chất mà chỉ biết dồn tất cả nghịlực để đi tìm bản chất của thế gian này và nguyên nhân đưa đến sự hiện hữu củachính họ.
06/10/2010(Xem: 7817)
Sở dĩ tôi nói tới ăn uống ở hàng đầu vì có thể tới 90 phần trăm những bệnh của con người là do ăn uống mà ra. Cơ thể ta luôn luôn giữ một mức độ thăng bằng trước những biến đổi ngoại cảnh. Ngoại cảnh có nóng hay lạnh, cơ thể vẫn giữ ở một mức độ 30 độ bách phân. Ngoại cảnh có làm tim ta đập nhanh hay chậm một chút nhưng sau đó cơ thể vẫn giữ ở mức độ 70 tới 100 nhịp tim mỗi phút. Cũng như vậy đối với huyết áp, số lượng máu, nồng độ của các chất hữu cơ hoặc vô cơ trong cơ thể. Ăn uống chính là đưa các chất ngoại lai vào cơ thể. Nếu đưa vào cho đúng cách, cơ thể sẽ được bồi dưỡng đầy đủ, hoạt động tốt. Nếu không cho đúng cách, hoặc quá nhi
06/10/2010(Xem: 17079)
Ngày nay, khái niệm An cư kiết hạ không còn xa lạ với những người đệ tử Phật. Theo Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma (q.4) giải thích nghĩa lý an cư như sau: “Thân và tâm tĩnh lặng gọi là an. Quy định thời gian ở một chỗ gọi là cư”.
06/10/2010(Xem: 8761)
Ngày Đức Thế Tôn dạy: “ không bao lâu nữa Ta sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn” Ngài A Nan lòng buồn vô hạn, với những nỗi lo hết sức chân tình, lo Phậtđi rồi lấy ai nương tựa, lo Phật không còn ai là người lèo lái con thuyền Phật Pháp, lo cho sự truyền thừa đạo mạch Phật Giáo mai sau.
05/10/2010(Xem: 8077)
Người tham muốn danh vọng, thì suốt đời giong ruổi theo quyền cao, chức trọng, danh thơm tiếng tốt. Họ bằng mọi thủ đoạn để lòn cúi hết chỗ này đến chỗ khác, cố mong được địa vị cao sang. Họ lao tâm, khổ trí, tìm đủ mọi cách để nắm giữ cho được cái danh vọng, hư ảo nhằm đạt được quyền lợi tối cao.
03/10/2010(Xem: 8114)
Người tham muốn ăn uống ngon hợp khẩu vị, thì suốt đời lân la bên cạnh những món ngon vật lạ, quanh quẩn bên những tiệc tùng, tìm khoái khẩu trong những rượu ngon, vị lạ nên phải giết hại nhiều các loài vật để bồi bổ cho mình.
03/10/2010(Xem: 17435)
Nhà Phật dạy chúng ta giác thẳng nơi con người, chớ đừng tìm cầu bên ngoài. Nếu giác thẳng con người rồi thì ở ngoài cũng giác, nếu mê con người thì ở ngoài cũng mê.
03/10/2010(Xem: 10317)
Những kẻ bị phiền não khổ đau, Phật giáo đã chỉ cho họ con đường dẫn đến hòa bình, và hạnh phúc vĩnh cữu cùng giúp họ giải quyết mọi vấn đề phiền toái của cuộc sống.
03/10/2010(Xem: 9857)
Hỷ là một trong bốn vô lượng tâm của nhà Phật. Hỷ là hoan hỷ, vui vẻ. Lòng người Phật tử bao giờ cũng hoan hỷ, và sẵn sàng san sẻ niềm hoan hỷ đó cho mọi người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]