Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vì sao tôi là Sa Di

15/08/201406:52(Xem: 9972)
Vì sao tôi là Sa Di

Sa DiSau thời kinh, ở phương đông trời cũng vừa ửng sáng. Sa di Thiện Thiên như thói quen đi mở hết các cánh cửa sổ của chánh điện cho ánh sáng và gió sớm lùa vào. Chẳng bao lâu toàn chánh điện đã chan hòa ánh sáng báo hiệu một ngày như mọi ngày sinh hoạt của tịnh xá Ngọc Hưng. Chánh điện tịnh xá Ngọc Hưng nền tráng xi-măng, có những đường nứt thật rõ. Gần bục thờ được trải 4 chiếc chiếu nylon để tăng chúng lễ lạy hai thời công phu. Nhìn từ cuối chánh điện, tượng Đức Bổn sư Thích Ca và những đồ thờ bằng kim loại sáng bóng như mới được đánh dầu đồng trong dịp Đản Sinh vừa qua.
Thầy trụ trì, pháp hiệu Giác Trí đưa tay thoa đầu, một cử chỉ thường thấy khi Người đang suy nghĩ một vấn đề nào đó. Bỗng thầy quay lại nhìn một lượt các môn đệ, đôi mắt thầy dừng lại ở chú Thiện Thiên khiến chú nầy bối rối cúi mặt xuống.
Thầy cất tiếng hỏi:
“Thiện Thiên, con có bị bệnh gì không, sao lúc nầy ta thấy con gầy đi nhiều lắm?”
Thiện Thiên không nhìn thẳng vào mắt sư phụ, chàng có cảm tưởng như thầy mình đã biết rõ chuyện gì đã xảy ra trong mấy tuần qua. Chú Thiện Thiên nói nhỏ:
“Bạch thầy, con thấy trong người vẫn khỏe, không có triệu chứng đau ốm gì ạ!”
“Ừ, vậy tốt” – Thầy Giác Trí trả lời.
Cùng lúc đó thầy nghiêng đầu ra dấu cho tất cả đi về phía sau; nơi ấy một gian nhà lợp tôn, hai mái, một bên là phòng trai tăng, bên kia là phòng ngủ dành cho tăng chúng. Phòng trai tăng có kê một dãy bàn ăn dài từ đầu tới cuối phòng; bàn được quét lớp sơn màu lam dày để khỏi thấm nước và cũng để che dấu sớ ván. Hai bên là những chiếc ghế dài bằng ván, hình như do tay ngang tự đóng lấy – những sơ hở kỹ thuật cho người ta cái quyền nghĩ như vậy. Cuối phòng trai soạn được chia làm hai ngăn phân biệt: một bên là nhà bếp, bên kia là phòng tắm và nhà vệ sinh. Tất cả cơ ngơi của tịnh xá Ngọc Hưng đã để lộ một ngôi chùa nghèo như nhiều ngôi chùa nghèo khác trong hệ thống Phật giáo Khất sĩ nằm rãi rác trong các làng mạc miền nam Việt Nam. Cái nghèo đã theo về với buổi ăn sáng hôm nay – một rổ khoai mì luộc và dĩa đường để tùy nghi “nhập khẩu”, mỗi người một chén cơm không độn và một trái chuối, trước khi ra đồng làm việc. Cơm nước tại chùa do bác Tư Hợp phụ trách. Vợ bác Tư chết vì bom, hai người con đi lính hai bên nhưng cả hai đều tử trận. Bác lo không người thờ cúng nên về chùa làm công quả may ra chuyển được phần nào nghiệp “cô đơn” trong những kiếp khác.
chu tieu han quoc2
Chú Thiện Thiên vào chùa tu sau khi xong chương trình cử nhân khoa học điện toán. Chú đã từ chối di dân sang Mỹ do người anh ruột làm giấy bảo lãnh. Chọn một tôn giáo để tinh thần thăng hoa giữa một xã hội manh nha bước sang nền kinh tế thị trường để bắt kịp với đà phát triển của cộng đồng thế giới, giữa những hứa hẹn xán lạn là một việc làm khó khăn, một thái độ dứt khoát. Tuy nhiên, nếu cuộc đời bằng phẳng, không gặp chướng duyên thì có lẽ ai cũng có thể tu được. Chú Thiện Thiên mới xuất gia vừa tròn hai năm, khi ngồi thiền, tâm chú vẫn còn giao động như sóng triều, theo dõi hơi thở để quay về nội tại, là một việc làm cực kỳ phức tạp. Cho đến bây giờ chú mới hiểu được câu nói của sư phụ ‘Phật đạo không phải quan niệm, mà là tu niệm’. Chú Thiện Thiên nghĩ rằng sư phụ đã biết rõ chuyện gì xảy ra mấy tuần nay nên hồi sáng Người hỏi làm chú lúng túng vô cùng.
Cả tháng nay, sư phụ Giác trí cắc cớ bảo chú Thiện Thiên đi hóa duyên về một hướng khác. Hóa duyên là thuật ngữ lệch ‘tùy duyên khai hóa’ dưới hình thức khất thực. Tay bưng bình bát, tay lần chuỗi, chân bước khoan thai như bao lần trước đó chú Thiện Thiên đã đi ở những nơi khác khi mới xuất gia. Hôm nay là ngày thứ ba, chú đi đến một thị trấn mà hầu hết dân chúng là những người không hề có chút cảm tình nào với các tu sĩ Phật giáo, nếu không muốn nói là thù ghét. Điều nầy sư phụ chú Thiện Thiên không phải không biết, nhưng có lẽ ngài muốn chính chú Thiện Thiên cần kinh qua.
Đi sâu vào thị trấn buổi sáng khi mặt trời vừa lên khỏi dãy phố bên kia đường. Ánh nắng ban mai chiếu xiên, chiếc bóng nhà sư áo nâu ngã dài trên tường. Thỉnh thoảng chiếc bóng lại tắt khi mặt trời khuất sau đám mây thưa. Chú Thiện Thiên bước đều và đang chú tâm vào từng thiện niệm, bỗng tiếng cửa sắt nghiến lên sát bên tai, cắt ngang dòng tư tưởng, người đàn bà lớn tuổi vừa mở cửa hàng vừa nói lớn:
“Mới mở cửa là gặp ngay đồ phải gió, không biết cả ngày nay có bán được cái gì không đây!?”.

chu tieu han quoc
Tiếng càm ràm còn văng vẳng, chú Thiện Thiên vẫn khoan thai bước. Đi một đoạn, một cậu thanh niên râu quay nón, mặt đỏ gay, hơi thở nặc nồng mùi rượu. Cậu thanh niên nhặt một cùi bắp trên vỉa hè làm mấy con ruồi đang bu xác mía gần đấy bay lên vù vù, cậu dơ cùi bắp trước mặt, tay kia tự dở nắp bỏ cùi bắp vào bình bát của sa di Thiện Thiên, cậu khoái chí cười hô hố băng qua bên kia đường đi vào con hẻm mất hút làm vài người chứng kiến ngơ ngát. Trong một phút rất nhanh, chú Thiện Thiên nỗi giận, tim chú đập thình thịch trong lồng ngực, mặt nóng bừng, miệng muốn thốt lên những lời rủa sả cái tên vô lại, chú muốn rượt theo đấm vào mặt thứ người mất dạy. Nhưng trong lúc ấy, bên tai chú văng vẳng lời sư phụ vọng về ‘Phàm làm việc gì, trước phải xét đến hậu quả của nó’. Ngay lúc đó chú Thiện Thiên dừng bước, tập chú vào hạnh hỷ xả của Phật Di lặc, phải mất nhiều phút đồng hồ, tâm mới trở lại bình thường. Câu nói ‘phàm làm việc gì, trước phải xét đến hậu quả của nó’ không mới mẽ gì. Nó là một bài học đã có từ ngàn xưa, HT Thiện Hoa với sự giúp đỡ của Phật tử Võ Đình Cường đã chép thành sách. Thầy Giác Trí trụ trì tịnh xá Ngọc Hưng có thói quen nhắc đi nhắc lại câu nói nầy trong những lúc giảng dạy đệ tử, hôm nay chú Thiện Thiên đem ra áp dụng thấy lợi lạc vô cùng – chú đã khống chế được một cơn giận vừa phát khởi.
Thiện Thiên tiếp tục đi, cả thị trấn đều mở toang cửa, hàng quán bày ra bán mặc dù chưa có nhiều người mua. Thị trấn nầy chú Thiện Thiên nhiều lần đi ngang qua nhưng chỉ ngồi trên xe. Mấy ngày nay đi hóa duyên sa di Thiện Thiên mới nhận ra mọi người đều nói giọng Bắc. Cũng như hai ngày trước đó, chú Thiện Thiên đi gần hết buổi sáng mà không hề có ai bố thí hoặc chận lại hỏi một lời. Những cặp mắt lạnh lùng, xa lạ ngồi trong quán nhìn ra. Những câu nói đại khái như: ‘ Tu gì mà tu’, ‘Cái thứ không chịu đi làm, cứ chờ người khác cho ăn’ Bà khác trả lời: ‘Để chúng đói meo cho biết’. Đi gần hết dãy phố, một cô gái mặc áo dài trắng, tay dắt xe đạp đi ngược chiều, trong chiếc giỏ trước tay lái có hai ổ bánh mì gói giấy cột chung bằng sợi dây thun. Cô gái chận chú Thiện Thiên lại hỏi trổng:
“Tôi gọi ông bằng gì?”
“Mô Phật, thí chủ có thể gọi bất cứ tên gì thí chủ muốn gọi”
Miệng trả lời nhưng mắt chú Thiện Thiên vẫn nhìn xuống đất. Cô gái hỏi một cách tinh nghịch:
“Tôi gọi ông là ông đạo nhé. Ông đạo có biết là khi nói chuyện với người khác mà không nhìn thẳng vào mắt người đó là một việc làm không được tế nhị cho lắm không?”
“Mô Phật, tôi biết nhưng tôi thường chọn cách không tế nhị nầy với người khác phái”
“Khác phái có liên hệ gì đến việc nhìn thẳng hay nhìn xuống?
“Mô Phật, dạ có đấy.”
“Thôi được! ông đạo nhìn thế nào cũng được. Ông có làm việc không, hay chỉ đi ăn xin?”
“Mô Phật, ở tự viện chúng tôi vẫn làm việc như mọi người bình thường đấy”
“Ông đạo đi như vậy lấy ai lao động?”
“Mô Phật, chúng tôi chia nhau kẻ lao động người đi hóa duyên. Khất thực là một môn tu của đạo Phật chứ không phải thuần túy đi xin ăn, nếu ai muốn nghĩ là ăn xin thì cũng chẳng sao, nếu ai hỏi đạo chúng tôi sẽ giải đáp, gọi là bố thí pháp”
Thấy hai người nói qua nói về, nhiều người bắt đầu vây quanh nghe ngóng. Cô gái hỏi tiếp:
“Người ta nói đạo Phật là đạo yếm thế, tiêu cực có đúng không?”
“Mô Phật, đạo Phật quan niệm đời là bể khổ, tự mình tu tập, rèn luyện thân tâm để thoát khổ, tự mình hoán chuyển nghiệp duyên để từ mê đến ngộ, không cầu cạnh vào một đấng thần linh nào, không van nài sự cưú độ của bất cứ ai thì làm sao bảo rằng yếm thế hay tiêu cực, theo tôi đó chính là hành động rất tích cực.”
“Ông đạo có tin vào Thượng đế không?
“Mô Phật, dạ không!”
Câu “dạ không” của chú Thiện Thiên làm cho mấy người đứng chung quanh nhìn nhau lắc đầu. Họ thì thầm với nhau “tà đạo...tà đạo”
Cô gái hỏi:
“Thượng đế là đấng vạn năng – trọn tài, trọn trí và trọn lành. Ngài sinh ra vạn vật mà trong đó con người giống hình ảnh của ngài. Ngài đã hy sinh người con độc nhất để chuộc tội cho thế gian. Ngài thưởng, phạt phân minh khi tận thế. Tại sao ông lại không tin?”
“Mô Phật, quan niệm có một Thượng đế cá thể nắm quyền sinh sát trong tay, thưởng phạt tùy ý, đều là những đức tin không lấy gì chắc. Bởi vì, nếu có một Thượng đế như vậy thì ngài thật chẳng công bình, mà đôi khi còn tàn nhẫn nữa. Và nếu hình ảnh ngài được tiêu biểu bằng những hậu duệ xấu xí, đen đúa, đói khát chỉ còn da bọc xương như con người tại các nước Phi châu thì dù chúng ta có can đảm gán cho ngài, ngài cũng không muốn chấp nhận.”
“Tại sao ông đạo lại nói Thượng đế chẳng công bằng và tàn nhẫn trong khi ngài thương yêu chúng ta. Khi sinh ra loài người là ngài đã ban ủy cho sự lựa chọn giữa thiện, ác, tốt, xấu...?”
“Mô Phật. Theo thí chủ thì tại sao thí chủ sinh ra trong một gia đình sang trọng, giàu có, được mặt mày sáng sủa, xinh đẹp trong khi có những cô gái khác cùng thời sinh ra trong gia đình hàn vi, hạ tiện, xấu xí. Có những thai nhi mới chào đời đã phải chết yểu chẳng ai biết chúng có tội tình gì. Nếu có một ‘Thượng đế trọn tài’ thì Ngài đã chẳng làm ngơ trước những đói khát, thống khổ triền miên của những dân tộc ở trên hành tinh nầy, trong khi đó có những dân tộc khác thì thức ăn thừa mứa không làm gì cho hết. Một Thượng đế theo thí chủ có đủ quyền phép sinh, sát như vậy thì Ngài có quyền cảm hóa nhân loại hết tội lỗi như lật bàn tay. Khoan nói Ngài hi sinh đứa con, một công thức khá vất vả, mà với quyền năng như Ngài là việc làm không cần thiết. Hãy nhìn kết quả sau 2000 năm với sự hi sinh ấy nhân loại có bớt đi tội lỗi hay không? Và nếu có một ‘Thượng đế trọn lành’ thì những thiên tai không bao giờ xảy ra. Đồng thời ngài sẽ chận đứng ngay những kẻ có ý đồ chế tạo vũ khí, hoặc dùng vũ khí có khả năng hủy hoại những sản phẩm của ngài. Và có một ‘Thượng đế trọn trí’ thì việc tạo dựng nếu có sẽ hoàn hảo hơn nhiều.
Cô gái và mọi người vẫn vây quanh chú Thiện Thiên. Có người bất mãn nói lớn:
“Thôi các ông các bà ơi, nghe lời tầm bậy tầm bạ của mấy cha thầy chùa sẽ có tội với Thiên Chúa, tớ đề nghị giải tán đi. đi...đi...”
Vừa nói người ấy vừa khoát tay, nhưng dường như không ai chịu dang ra. Vòng đai mỗi lúc một kín hơn. Cô gái khi nãy vẫn tay vịn tay lái xe đạp, mà thực ra cô không cần vịn, chiếc xe vẫn đứng nguyên vì hai bên có người đứng chật ních. Cô lấy một ổ bánh mì thịt định bỏ vào bình bát nhưng chợt thấy trong ấy có một cùi bắp cô gái ngạc nhiên hỏi”
“Trong bình có cái gì vậy?”
“Mô Phật, là một cùi bắp tôi vừa ăn xong, chưa kịp liệng đi”
Cô gái lấy cùi bắp vứt đi, và bỏ ổ bánh mì thịt vào bình bát, cô kèm theo câu:
“Ông lý luận nghe xuôi tai lắm, ngày mai ông có đi lối nầy không?
“Mô Phật, cuộc đời vô thường, tôi chưa biết.”
Sau câu nói ấy, cô gái rẽ đám đông, một người đàn bà mặc quần jean xanh, tóc hớt ngắn như con trai, nhìn cô gái một hồi rồi bảo:
“Cùi bắp trong bình ông thầy chùa là thằng Định sáng say chiều xỉn con bà Nam bỏ vào lúc nãy. Có điều ông thầy chùa đã không hề chửi cho nó một trận còn nói với cô là ông ta vừa ăn xong. Hạnh ấy rất khó làm”, cô ta đưa tay che miệng nói nhỏ vào tai cô gái: “bên mình thì khác lắm. Nói thật với cô nhé, hôm trước ông cụ nhà tôi chỉ không xưng con với cha Phùng thôi thì cha đã đùng đùng nổi lửa, mặt đỏ như Trương Phi còn phun ra một câu hết sức trịch thượng ‘ông không kính cha thì làm sao kính Chúa’”. Cô gái gật đầu ra dấu đồng tình rồi hai người chia tay. Đám đông cũng dần dần giải tán.
Ngày hôm sau, cũng giờ giấc ấy, chú Thiện Thiên đi vào thị trấn, những đôi mắt lạnh lùng vẫn ném về phía chú như thường lệ. Khi đi gần đến chỗ gặp gỡ cô gái hôm qua, chú Thiện Thiên ngạc nhiên vì từ đằng xa chú đã thấy không những một cô mà tới năm bảy cô, chú vẫn ung dung bước đi và theo dõi hơi thở. Cô gái hôm qua ra chận lại:
“Ông đạo, ông vui lòng giải thích cho chúng tôi biết. Đạo Phật chủ trương nhân quả, tại sao có những người ăn ở thất đức, lường gạt, vặn cân bẻ móc nhưng mà họ vẫn giàu sang phú quý, sống lâu. Lại có những người ăn ở hiền lành, cầu nguyện Thượng đế mỗi ngày mà vẫn nghèo xơ xác, chết yểu nữa là khác”
Chú Thiện Thiên ngừng lại, hít một hơi thật sâu, trả lời:
“Mô Phật, đạo Phật không hề chủ trương nhân quả mà nhân quả, luân hồi, nghiệp duyên và sanh lão bệnh tử là những định luật tự nhiên, bất biến không có khởi đầu và cũng ïkhông kết thúc. Sau khi giác ngộ, đức Phật thấy được như vậy, ngài chỉ triển khai chúng để làm phương tiện giáo hóa chúng sanh. Ai hiểu được lý nhân quả có thể tránh được những hành vi phương hại đến kẻ khác, biết sống trong tinh thần từ bi, hỷ xả và dùng từ tâm, ái ngữ với tất cả mọi người. Trái lại người không tin vào nhân quả thì quan niệm con người và những thuộc tính liên hệ đều đã được an bài do một đấng toàn năng nào đó. Những hành động dù thiện hay ác cũng đều được hiểu là do tiền định, bất di bất dịch như sự hung hãn của con sư tử và sự hiền lành của một con nai. Còn người hiện nay ăn ở thất đức mà được giàu có, sống lâu, theo Phật giáo thì số phước báu tích tụ từ nhiều tiền kiếp để lại, khi phước báu ấy hết thì tai họa sẽ kéo theo. Cũng như những người hiện nay ăn ở hiền lành mà vẫn nghèo khổ, yểu tử là do nghiệp lực từ nhiều kiếp trước tạo nên, khi trả xong thì sự may mắn lại đến. Nếu người không tin vào tiền kiếp thì sự giải thích vừa rồi sẽ vô nghĩa. Đạo Phật tin vào thiện chí tu trì, sửa tâm, đổi mệnh hơn là tin vào sự cầu nguyện thần linh. Thật ra thần linh cũng như ta, không có quyền ban phước hay giáng họa cho bất cứ ai. Cũng như một học sinh phải cố gắng học để thi đỗ trước khi hi vọng ban giám khảo giúp đỡ. Cầu nguyện chỉ là một hi vọng chưa bao giờ chắc chắn.”
Một cô gái khác lên tiếng:
“Ông bảo đạo Phật không dựa vào thần linh, thế mà có ông Phật hứa là ‘hễ trước khi chết, niệm danh hiệu ông ấy mười lần thì ông phóng quang tiếp dẫn’ Điều nầy có mơ hồ lắm không?”
“Mô Phật, không chút mơ hồ nào bởi vì khi lâm chung nếu người đó còn có một tâm cảnh bình thản, biết buông xả tất cả và biết được thân xác nầy không phải là của ta, nó là một tập hợp của đất, nước, gió, lửa mà thôi. Vì thế nhất tâm bất loạn niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hay không cần niệm danh hiệu Phật mà nhất tâm quán chiếu vào hình ảnh của Đức Kitô thì ngài sẽ phóng quang tiếp dẫn đi vào cõi thiện. Nhưng cái khó ở chỗ là người không tĩnh tâm, từng tạo ác nghiệp thì lúc sắp lìa đời nghiệp chướng sẽ kéo về, chúng sẽ làm cho tâm loạn động, không thể nhất tâm”.
“Vậy, nhất tâm bất loạn là gì?” – Một người trong bọn hỏi.
“Mô Phật, nhất tâm bất loạn là: Khi quán tưởng vào một vật gì, tâm phải tuyệt đối thanh tịnh, tư tưởng không lăng xăng, phươngpháp hay nhất trong nhà thiền là theo dõi hơi thở để kéo tâm về không cho nó buông lung. Sau đó hướng tâm vào giai đoạn tĩnh thức để thực hành chánh niệm. Việc nầy cần kinh nghiệm thực hành hơn là lý luận.”
chu tieu han quoc3
Một cô khác tay cầm sẵn quyển ‘Phật Giáo Căn Bản Vấn Đáp’ lật mấy trang trên quyển sách nơi có làm dấu, đọc lướt qua một lần rồi hỏi:
“Đức Phật Thích Ca bất quá là con của một vị vua, làm sao so với Đức Kitô con của Thượng đế?”
“Mô Phật, Đức Phật Thích Ca là một con người bình thường như bao con người khác nhưng là một con người đã giác ngộ. Chưa ai đi so sánh Phật Thích Ca với Đức Kitô, vì hai lý do: Lý do thứ nhất, Phật Thích Ca sinh trước Chúa Kitô hơn năm trăm năm, làm sao so sánh một ông già 500 tuổi với một người mới sinh. Thứ hai, Phật Thích Ca đi rao giảng đạo từ bi gần nửa thế kỷ. Trong khi đó Đức Kitô truyền đạo cứu rỗi ba năm. Đức Kitô sống được ba mươi ba tuổi thì bị tuyên án tử hình cùng hai người khác vì tội phá hoại trị an trước ngày lễ Vuợt Qua của Do thái. Người ta có thể tìm thấy những lời dạy tương đồng giữa Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Socrates, v..v.., là bởi những vị nầy và Phật Thích Ca đã để lại cho đời một số phương pháp tu hành, những tư tưởng siêu việt thực tiễn chứ không để lại chỉ lời cầu nguyện. Người ta bảo Đức Kitô là con của Thượng Đế thì điều nầy tùy đức tin của mỗi người, mỗi tôn giáo. Theo Phật giáo, Thượng đế là một khái niệm siêu hình, là cưỡng tưởng cho những gì chúng ta chưa khám phá. Cũng như trẻ con không hiểu gì về điện học, chúng sẽ nghĩ là có con người đứng trong chiếc ti vi để đọc tin tức...
“Công an, công an” – Có tiếng la lớn.
Theo thói quen trong xã hội Việt Nam. dù không làm nên tội lỗi gì, nhưng hai tiếng công an cũng khiến cho người ta liên tưởng đến những phiền phức. Do đó đám đông từ từ giải tán. Có vài người níu kéo kề tai nhau nói lí nhí những gì không nghe rõ.
Con đường xưa trở thành quen thuộc, chú Thiện Thiên vẫn mỗi ngày đi hóa duyên. Hình như những lời chế giễu, cay cú cũng bớt đi rất nhiều, hoặïc cũng có thể khi nói ra không gặp phản ứng mà chỉ gặp một nụ cười nên người ta lười không thèm nói nữa. Thỉnh thoảng đôi ba người chận đường hỏi vài câu liên quan đến đạo Phật, một vài câu không được tế nhị, nhưng sa di Thiện Thiên vẫn mỉm cười. Tuy nhiên trong đó một việc đã xảy ra mấy tuần nay mà chú Thiên Thiên không dám nói cho sư phụ biết.
Sau những lần gặp gỡ, giải thích, tranh luận... thân mật. Sa di Thiện Thiên được một số cô cậu thanh niên của thị trấn mời về một căn gác. Lúc đầu họ ra chợ mua hũ tiếu về mời nhưng chú Thiện Thiên từ chối vì kiêng thịt cá, nên các cô tìm mua cho sa di Thiện Thiên thức ăn chay, nhưng trong ngôi chợ địa phương nầy, tôm, cá, mắm được coi là thức ăn chay, nên các cô lại chạy xe về hỏi lại Sa di Thiện Thiên cho rõ.
“Ông đạo cho biết thức ăn chay bên đạo Phật”
“Mô Phật, những gì không có sinh mạng động vật là được rồi,”
Người hỏi gật đầu rồi phóng xe lại ra chợ, cô khuân về ổ bánh mì, chai nước tương Chingsu và mớ rau sống đã trộn sẵn, đó là bữa ăn đầu tiên do nhóm thanh niên mời chú Thiện Thiên trên căn gác nằm trong thị trấn. Trên sàn căn gác, có trải 2 chiếc chiếu hoa, chú Thiện Thiện ngồi giữa, các cô cậu thanh niên ngồi nửa vòng tròn. Trong số đó chú Thiện Thiện nhận thấy cả cô gái dắt xe đạp chận hỏi lần đầu. Chú Thiện Thiên chưa biết ý định của nhóm người trẻ nầy muốn gì. Nhưng muốn gì thì muốn, một người tu không có gì để mất nên chú vẫn bình thản như gặp ngoài đường. Người thanh niên mời về nói trước.
“Sở dĩ chúng tôi mời ông về đây là vì không muốn ông đứng giữa đường bất tiện. Những người nầy đã từng nghe ông nói nên họ có ý cùng chúng tôi mời ông về đây. Chúng tôi có những câu hỏi hoàn toàn tôn giáo yêu cầu ông giải thích một cách thẳng thắn không việc gì phải ngại.”
“Mô Phật, xin quý vị cứ hỏi, chỗ nào biết tôi trả lời, chỗ nào không biết tôi về hỏi sư phụ hoặc các huynh đệ và sẽ trả lời trong những lần khác.”
Người Thanh niên móc trong túi áo tờ giấy học trò, anh mở ra nhìn vào rồi bắt đầu hỏi:
“Về vật chất, đạo Thiên Chúa đem văn minh đến cho nhân loại, đem phồn vinh cho thế gian. Về tinh thần, nếu có đức tin, đạo Thiên Chúa sẽ đưa linh hồn người chết về thiên đàng, sống hợp nhất và đời đời dưới ân sủng của Thiên Chúa. Như vậy có thể nói đạo Thiên Chúa là con đường duy nhất để con người trên trái đất tin theo, ông có nghĩ như vậy không?”
“ Mô Phật, quý vị là sinh viên, thanh niên trí thức, quý vị thông thạo lịch sử thế giới hơn tôi. Tuy nhiên, nếu nói Thiên Chúa Giáo đem văn minh đến cho nhân loại thì điều nầy chưa chính xác là bởi vì Thiên Chúa giáo quan niệm toàn thể hệ thống mặt trời và các hành tinh quay xung quanh trái đất, trái đất là trung tâm của vũ trụ. Khi Copernicus đưa ra bằng chứng là quan niệm trên sai, sự thực chính là trái đất quay xung quanh mặt trời, trái đất không phải là trung tâm vũ trụ, và ngoài thế giới của chúng ta còn có vô số thế giới khác trong vũ trụ, thì ông ta bị lên án là phỉ báng Thiên Chúa, phỉ báng giáo hội, phỉ báng những nhà thần học thông thái của giáo hội đã sáng tạo ra một nền thần học xoay quanh quan niệm trên, kết quả là ông ta bị thiêu sống. Đến khi Galileo công khai đồng ý với những khám phá của Copernicus, ông ta cũng bị giáo hội lên án là lạc đạo, bị ép buộc phải tự thú là những khám phá của mình sai, và bị giam tại gia cho đến khi chết. Phải đến 359 năm sau, nghĩa là cho đến cuối thế kỷ 20, giáo hội mới chính thức công nhận sự sai lầm của mình trong vụ xử án Galileo, và xá cho Galileo cái tội đã nói lên sự thật. Hiện nay các quốc gia tây phương đã ngăn chận không cho tôn giáo xen lẫn vào học đường – Phải chăng họ đã biết chắc những gì khoa học khám phá về vũ trụ sẽ khác hơn những gì nền thần học Thiên Chúa đã dạy, kể cả nguồn gốc con người. Không những thế, năm 1996 đức Thánh Cha John Paul II đã xác nhận “những kiến thức mới nhất dẫn đến việc phải chấp nhận thuyết tiến hóa hơn là một giả thuyết”. Nếu tiến hoá không còn là giả thuyết thì thuyết sáng tạo là gì. Có cái nầy, dĩ nhiên phải mất cái kia.

Còn phồn vinh cho nhân loại nhờ Thiên Chúa giáo thì không lấy gì bảo đảm. Các nước có số tín đồ Thiên Chúa đông đến 90% như Mễ tây cơ, Phi luật tân, Ba lan, Cu ba và các nước ở Phi châu, Nam Mỹ v.v...có phồn vinh đâu? Đừng nhìn Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đài Loan bằng lăng kính tôn giáo vì các nước nầy phồn thịnh là nhờ tài nguyên, nhờ tiến bộ công nghiệp. Nói một cách rõ ràng hơn, tôn giáo có khuynh hướng giúp trật tự xã hội, lành mạnh con người nhưng mình nó chưa đủ chất liệu làm cho phồn vinh quốc gia.
Nếu nói có đức tin khi chết sẽ lên thiên đàng sống đời đời là có thật thì đó là quyền tin của mỗi người, tùy tín lý của mỗi tôn giáo. Nhưng tôi cũng biết được tháng 7 năm 1999 Đức Thánh Cha có xác nhận rằng “thiên đàng không phải là nơi nào khác mà chính là tâm của chúng ta”.
Chú Thiện Thiên ngừng một chút, chú tiếp:
“Mô Phật, xin lỗi quý vị, tôi hơi nhiều chuyện, nhưng hỏi mà giải thích không cặn kẽ thì sẽ bị hiểu lầm.”
Những người ngồi chung quanh nhìn nhau, mỉm cười, nhưng hình như người đặt câu hỏi chưa thỏa mãn cho lắm với câu trả lời của chú Thiện Thiên. Đọc được tư tưởng ấy, chú Thiện Thiên dã lã:
“Mô Phật, các anh không nên nghe những gì tôi nói. Tôi với các anh chị là hai thực thể riêng biệt. Tôi không bao giờ kêu anh tin những gì tôi tin và có lẽ ngược lại anh cũng không muốn tôi tin những gì anh tin. Có một điều tôi biết rất chắc là đạo Phật chủ trương ‘văn – tư – tu’ còn đạo Thiên Chúa ‘phúc cho ai không thấy mà tin’.” Hai vấn đề đặt ra rất là rõ. Một bên là tự lực, nghĩa là tự mình nỗ lực tu tập bằng: văn là nghe, tư là suy nghĩ, tu là sửa. Một bên là tin vào tha lực, nghĩa là phải tuyệt đối tin vào quyền năng cứu rỗi của thần thánh mới là có phúc.
“Ông cho phép tôi hỏi tiếp:” – Người thanh niên lên tiếng.
“Mô Phật, thí chủ cứ hỏi:”
“Ông nói đạo Phật không dựa vào thần linh thì tại sao tín đồ Phật giáo đi chùa lễ lạy, cầu xin để làm gì.?”
“Mô Phật, tín đồ Phật giáo về chùa cầu xin cho mua may, bán đắt, cầu cho phát tài, phát lộc, sống lâu, hạnh phúc, cho thăng quan tiến chức, đi buôn thì một vốn mười lời đều là những người chưa biết đạo Phật là gì. Họ là những người mê muội, những người nầy đôi khi tự cho là Phật tử nhưng không hề học hỏi kinh Phật, không hề nghe giảng của các vị cao tăng. Họ cứ tưởng ăn chay tháng vài lần đương nhiên họ là Phật tử, tự cho mình cái quyền hiểu đạo. Trong kinh đức Phật có dạy “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Không tự mình đốt đuốc mà đi thì muôn đời vẫn sống trong mê muội. Nói một cách khác, tất cả việc cầu cạnh chỉ là trợ duyên cho những điều tốt, điều thiện đã làm. Nghiệp lực mới là đầu mối dẫn ta đến đau khổ hay hạnh phúc, dẫn ta đến giàu sang hay hèn hạ. Chính thân, miệng, ý của chúng ta là nguyên nhân tạo tác vậy thì đi cầu một người khác giúp cho thân ta bớt tự cao, tự đại, kiêu căng, ganh ghét. Miệng bớt lời ác độc, nói vu oan hảm hại người. Ý bớt điều phương hại kẻ khác v.v...liệu có thực tế chăng?”
Tất cả chú tâm nghe sa di Thiện Thiên giải thích, một người lên tiếng hỏi: “Tôi nghe nói vì không cần trình độ văn hóa trước khi xuất gia, nên những nhà sư Phật giáo phần đông kém kiến thức”
“Mô Phật, thí chủ muốn nói kiến thức đời hay kiến thức đạo?”
“ Cả hai”
“Mô Phật, đạo Phật chú trọng vào giác ngộ, mà giác ngộ, không dành riêng cho bất cứ ai; nhà bác học, không thể giác ngộ nhiều hơn anh tiều phu. Hương vị giải thoát như một liều thuốc chữa bệnh – người có kiến thức, hoặc không đều mắc bệnh như nhau. Tuy nhiên, sau khi chứng ‘túc mạng thông’, Đức Thích Ca đã thấy vô số đời trước của mình và cả của người. Ngài thuyết giảng gần nửa thế kỷ, đã để lại cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia vô số lời giáo huấn. Để tránh sự chung đụng bất chánh, về lề lối cư xử với phụ nữ, đức Phật có nói: ‘Khi gặp người nữ lớn tuổi, ta hãy xem như mẹ mình, khi gặp người bằng tuổi ta hãy xem như chị ruột mình, khi gặp người nhỏ tuổi ta hãy xem như em gái mình’. Đó là một chút thí dụ về cách xử sự của người nam. Còn xã hội đức Phật đã nhìn con người một cách bình đẳng, ngài nói: ‘Trong dòng máu cùng đỏ, trong dòng nước mắt cùng mặn, con người đều có quyền như nhau’. Trong đời đức Phật vẫn có hàng nữ giới hoặc nhỏ tuổi xuất gia. Ai tu, người ấy chứng, nhưng tiếp nhận lại tùy vào căn cơ. Quả đúng như vậy, khi xuất gia đạo Phật không phân biệt trình độ, miễn người đó có duyên với đạo hay không. Khi vào chùa, quý vị đó đều được học hỏi kinh, luật và luận. Những hàng trưởng tử Như Lai khi đi hoằng pháp đều có một số kiến thức đạo đức căn bản. Ngày nay đạo Phật đã có những trường Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẵng v.v...để đào tạo tăng ni. Hơn nữa, đạo Phật nặng về hành trì, sau khi hành trì nhuần nhuyễn trí tuệ khai mở giúp cho hành giả dễ dàng thăng tiến tánh giác. Câu chăm ngôn “tự giác, giác tha” đã khiến cho hàng trưởng tử Như Lai biết mình đã thể nhập trí tánh trước khi giáo hóa.
Thỏa mãn với lối giải thích của sa di Thiện Thiên hay không, điều ấy Thiện Thiên không biết. Tuy nhiên trong bầu không khí vui tươi, không gợn chút buồn phiền, khó chịu đã làm cho sa di Thiện Thiên bớt lo ngại như khi mới bước chân vào căn gác. Trong thời gian giải lao, sa di Thiện Thiên vẫn ngồi bán già tại chỗ, quán tưởng. Còn các cô, cậu sinh viên kia tản mác vài ba người một nhóm bàn tán. Mươi phút trôi qua, có tiếng gọi nhau, tất cả đều ngồi vào vị trí cũ.
Trong số ấy có một người lên tiếng hỏi:
“Chúng tôi mời ông về nhà có bất tiện không?”
“Mô Phật, tôi rất hân hạnh được các anh chị đưa về hỏi đạo, tôi nói có điều gì không vừa ý, kính mong các anh chị tha lỗi cho.”
“Ông không nói gì quá đáng cả, thực tế ông chỉ giảng theo những gì ông biết và như vậy dễ dàng thỏa mãn người nghe. Tôi muốn hỏi thêm ông vài câu nữa.”
“Có cách nào so sánh giữa hai tín lý?”
“Mô Phật, môn tôn giáo tỷ giảo có thể giúp anh chị biết thêm về tín lý của các tôn giáo khác ngoài tôn giáo mình đang theo”
“Nhưng giáo hội không muốn chúng tôi làm thế”
“Mô Phật, bây giờ là thế kỷ 21 chứ đâu còn như thời trung cổ. hơn nữa đọc sách là để mở mang kiến thức, tôi nghĩ cấm đọc là lối diễn giải lệch lạc của một số chức sắc đấy thôi chứ không giáo hội nào lại cắc cớ đi cấm tín hữu đọc sách.”
“Ông có thể cho tôi một vài so sánh đại khái”
“Mô Phật, thí chủ muốn so sánh tín lý nào?”
“ Dĩ nhiên là Thiên Chúa Giáo và Phật giáo.”
“Mô Phật, khả năng tôi rất hạn hẹp nếu chỗ nào tôi nói không đúng mong quý vị bổ túc cho. Ở đây tôi không so sánh hai giáo lý mà chỉ đưa ra một tín lý, còn tín lý kia tôi tin rằng chắc quý vị đã nắm vững. Giải thoát quan chủ yếu Phật Giáo là vượt ra ngoài dục vọng, mà nguồn gốc của dục vọng là vô minh, vô minh là không sáng suốt, mông muội, u mê, không hiểu lẽ thật. Phật Giáo không thừa nhận thế giới quan thần quyền và cũng không thừa nhận quyền sinh sát do một đấng vô hình nào đó mà chỉ là sự phối hợp nhân duyên, sở cứ của nhân duyên là do ý chí của ta. Do đó muốn được giải thoát, con người phải tự mình chém đứt những nhân duyên xấu ác, nghĩa là diệt hết dục vọng. Không ai có thể giúp ta diệt trừ dục vọng nếu ta không có quyết chí làm thế. Nghĩa đen của Niết Bàn là “dập tắt” hoàn toàn dục vọng, là trạng thái an tĩnh giải thoát tuyệt đối chứ không phải là nơi chốn sinh sống như một số lạc dẫn. Tuy nhiên, đề tài nầy không đơn giản giải thích trong một vài phút. Gần nửa thế kỷ giảng dạy, lúc nào Đức Phật cũng gieo vào lòng người một ý chí dõng mãnh để tự diệt dục. Và dễ hiểu nhất là mối quan hệ nhân quả. Nguyên nhân và hậu quả.”
Như tìm được một câu hỏi đắc ý, một thanh niên chận ngang:
“Như vậy có phải là Thượng Đế đang cầm cân nẩy mực trong quan niệm nhân quả?”
“Mô Phật, như tôi đã trình bày trước đây, nếu bất cứ việc gì không biết hoặïc chưa biết được thì chúng ta bảo đó là Thượng đế, hóa ra Thượng đế đồng nghĩ với u mê. Nhân quả là một thực thể tự nhiên như ta gieo một hạt giống trên đất tốt, thời tiết, phân bón, nước, bắt sâu, nhổ cỏ v.v... là những nhân duyên để cho cây chóng lớn, cây sẽ cho ta quả ngon ngọt để ăn, không cần ông Thượng đế nhúng tay vào. Con người và vạn vật cũng thế; tiến trình từ sinh ra, lớn lên, lành thiện hay hung ác được các môi trường xung quanh tác động như những nhân tố gây nên quả. Một con hổ được nuôi ở nhà, cái bản tánh hung dữ của nó sẽ mất đi, một con mèo liệng vào rừng, nó trở nên hung dữ mới có thể sống còn. Đó là bản năng, là sự thích ứng môi trường, không cần một ông Thượng đế điều khiển những việc trong môi trường tự nhiên đó. Vạn vật xung quanh ta đều theo quy trình: sinh – trụ – dị – diệt. Tạm giải thích như thế nầy: Sinh là sinh ra, trụ là tồn tại, dị là thay đổi rồi diệt là mất đi. Một ngày nào đó trên trái đất nầy không còn dưỡng khí để thở thì con người và những sinh vật nào bị chi phối bởi oxygen sẽ từ từ biến mất mà không cần sự nhúng tay của bất cứ thiên thần nào. Loài khủng long, hoặc những động vật khổng lồ tiền sử nay không còn là bởi nó không thể và không còn thích ứng với loại dưỡng khí bây giờ. Những thuộc tính tự nhiên từ vật nhỏ li ti đến thái dương hệ không cần một ông Thượng đế cầm cân nẩy mực. Nói một cách gần gũi nhất, cha mẹ dạy con những điều hay lẽ phải ở đời, dạy trồng trọt để mưu sinh, nhưng cha mẹ chưa bao giờ dạy con việc gối chăn, thế mà con người trưởng thành vẫn tự làm được việc chưa hề dạy.
Tôi sẽ không so sánh hai vị giáo chủ vì tôi đã trả lời cho câu hỏi tương tự trước đây, mà tôi chỉ nêu lên vài khác biệt để quý vị có thể nắm bắt được hai tín lý. Thứ nhất: Thiên Chúa Giáo dạy rằng con người là do Thượng đế sinh ra, mang hình ảnh của ngài. Ai tin và tuân phục sẽ sống đời đời trên nước Thiên Đàng và ai không tin thì sẽ không được cứu rỗi. Thiên Đường và Hỏa Ngục là những thế giới hiện hữu. Thiện, ác không phải là yếu tố để đi về hai cõi trên.
Phật giáo thì ngược lại: Con người sinh vào hành tinh nầy là do một thiện duyên từ nhiều kiếp trước, muốn được tiếp tục thăng hoa, con người cần nỗ lực tu dưỡng. Nhân và quả là hai yếu tố căn bản để tu thân, sửa mệnh. Thiên Đường và Địa Ngục hiện ở thế gian nầy chứ chẳng phải đâu xa: Thí dụ cho rõ: có những con người phải đi moi thức ăn trong thùng rác, phải đợi người ta ăn xong để dành nhau chút nước phở thừa. Nắm xương co rúm dưới màn đêm lạnh lẽo nơi đầu đường xó chợ; Về vật chất đã không đủ nuôi thân, về tinh thần không đủ tư cách để người khác kính nể. Thế giới họ không địa ngục là gì? Họ đâu muốn thế, nhưng nghiệp xấu (nguyên nhân) đã gieo từ kiếp nào nay đành nhận (hậu quả) như thế. Ngược lại, có những con người sống như vua như chúa, quyền cao chức trọng, vợ đẹp, con ngoan hạnh phúc tràn trề, họ muốn thứ gì cũng được; thế giới của họ không phải là Thiên Đường ư? Nhưng Phật giáo quan niệm Thiên Đường và Địa Ngục vừa kể đều là giả tạm, trạng thái an tịnh vĩnh viễn và thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi gọi là Niết Bàn, đó mới là mục tiêu lời dạy của Đức Phật. Tóm lại pháp môn tu của Phật giáo là thực nghiệm, quán chiếu chứ không nặng thờ tự, lễ bái và cầu nguyện. Trong đạo Phật, con người tự mình tu tập, không ai có thể tu giùm cho ai”
Câu trả lời của chú Thiện Thiên đã phần nào giải tỏa thắc mắc của anh chị em thanh niên trên căn gác họ mời về. Cô gái lần đầu chận hỏi Sa Di Thiện Thiên sau nầy được biết tên là Trang Đài hỏi:
“Chúng tôi mới hiểu sơ về Phật giáo, nhưng theo ông...ồ không...thầy thì thực hành quán chiếu có khó lắm không, điều kiện gì để tập”
“Mô Phật, thiền là phương pháp tu tập, hướng dẫn con người tập buông xả những ràng buộc vật chất, tập làm quen với quan niệm những gì ta có hôm nay chỉ tùy duyên tan, hợp. Chính cái thân ta cũng không thật, bởi nó chỉ kết hợp của tứ đại. Những thứ ấy chênh lệch là bệnh hoạn kéo đến. Lục phủ, ngũ tạng đều không phải của ta, nó muốn hỏng lúc nào thì hỏng. Con người thường quan niệm thân nầy của ta, vật nầy của ta, tài sản nầy của ta nên không chịu buông. Thiền là trước tiên hãy tập cho tâm ta bớt chấp, tập thực hành tất cả hạnh lành, tập bỏ điều ác. Muốn như vậy, phương pháp tốt nhất là chọn một nơi yên tỉnh, ngồi ngay ngắn tập theo dõi hơi thở.
“Theo dõi hơi thở thì có lợi gì?”- Một người trong nhóm hỏi trổng.
Một cô đưa cùi tay hấc vào hông bạn, nói nhỏ:
“Con nầy. Mầy để ổng nói xong đã”
Sa di Thiện Thiên tiếp:
“Mô Phật, theo dõi hơi thở là lối tập chú tâm, không cho trí óc có thì giờ nghĩ ngợi lung tung. Thực hành lúc ban đầu phải cố gắng lắm mới làm được. Ngồi ngay thẳng, hai mắt nhìn vào nơi sóng mũi. Hít vào ta phải biết ta đang hít vào, thở ra, ta phải biết ta đang thở ra. Nghĩa là từ từ cột tư tưởng vào hơi thở thì tâm mới không tán loạn. Dĩ nhiên sau vài lần tâm sẽ xao lãng, nhưng quyết chí kéo nó về lại. Khi hít vào bắt buộc trí nghĩ theo: Từ mũi xuống tới rốn, vừa qua khỏi rốn, gọi là đang điền, ngừng một giây, tưởng tượng cho hơi thở chạy ra tứ chi. Thở ra nghe hơi từ tứ chi chạy lại về rốn, ngừng một giây, rồi cho hơi chạy lên mũi ra ngoài. cứ tiếp tục như thế. Chỗ nầy quý vị nên để ý, lý do tại sao thiền học lại dạy chúng ta buông xả, vì sở hữu càng nhiều, càng vướng mắc, khó tập trung. Nói một cách dễ hiểu, ông A có tới mười căn phố cho mướn, sẽ có mười lần lo lắng nhiều hơn ông B chỉ có một căn. Chị Tư có tới bốn đứa con thì sẽ có gấp đôi bận rộn hơn chi Tám có hai đứa. Đại khái ít sở hữu chừng nào thì tâm trí nhẹ nhỏm chừng đó trên mọi phương diện của cuộc sống”. Đạo Phật chủ trương giàu tinh thần, hơn là giàu vật chất. Và muốn diệt khổ, phải đoạn trừ tham sân và si.
Một câu hỏi khác được nêu lên:
“Thưa...tại sao đạo Phật khuyên người ăn chay, ăn chay có lợi gì?”
“Mô Phật. Vì đức hiếu sinh của Phật Tổ, giới đầu tiên ngài dạy là cấm sát sinh bao gồm sự giết hại mạng sống, bất kể mạng sống của thú vật hay con người. Cái lợi thứ nhất là không có một sinh mạng phải chết tức tưởi. Thứ hai là sức khỏe: không cần cho vào cơ thể ta những thớ thịt có tàng trữ những oán khí ngút trời khi con thú bị giết. Nếu ăn cả đời như thế sẽ khiến cho cơ thể ta xây dựng chồng chất oán khí sẽ khó giữ cho lòng thanh tịnh. Một cái dằm ghim vào ngón tay của ta, ta đã thấy đau rồi, huống chi bị chặt đầu lột da.”
“Ông có thể giúp chúng tôi thiền mà không cần đổi đạo được không?”
“Mô Phật, thiền là một môn tu tập, không phải là tôn giáo. Như tôi đã trình bày, hương vị giải thoát không phải của riêng ai. Đạo Phật chưa bao tìm cách đổi đạo người khác vì phẩm chứ không phải lượng.”
Đài Trang lên tiếng, lối xưng hô thay đổi theo sự đồng ý chung:
“Như vậy thầy có thể sắp xếp thời gian, mỗi tuần một lần hướng dẫn chúng tôi tập thiền được không?”
Sa Di Thiện Thiên mỉm cười:
“Mô Phật, điều nầy quý vị cho tôi về trình với sư phụ, rồi tôi sẽ trả lời sau.”
Sau nhiều lần ướm hỏi, chú Thiện Thiên chưa có dịp trình với sư phụ Giác Trí về việc có một lớp thiền nhỏ trên căn gát ở một thị trấn ngoại đạo xa xôi vào mỗi trưa chủ nhật trong mấy tuần nay. Tại tịnh xá Ngọc Hưng, nhiều huynh đệ bỗng dưng khi gặp cứ nhìn sâu vào mắt sa di Thiện Thiên như cố tìm kiếm trong đôi mắt ấy, trên khuôn mặt ấy để có thể phát hiện được điều gì kỳ lạ, hoặc là tự họ cảm thấy ở chú Thiện Thiên có điều gì đó khác hơn bình thường. Rõ ràng rồi, sa di Thiện Thiên bị xầm xì có thể đang có quan hệ không chính đáng với phụ nữ khi đi hoá duyên. Câu chuyện đã đến tai vị sư trụ trì, nhưng sư phụ Giác Trí không hề đá động đến. Câu hỏi sáng nay đã khiến chú thêm bối rối, mà bối rối cho nên các huynh đệ càng thấy sự nghi ngờ của họ càng đúng hơn. Riêng về phần sa di Thiện Thiên trót dại nhận lời, biết trình độ mình non kém, lại ngang nhiên đi làm công việc của một thiền sư. Trong khi đó có biết bao nhiêu huynh đệ cùng tịnh xá đã tu lâu năm, lảu thông luật luận, chưa ai dám cáng đáng. Nhưng việc ấy suy ra cũng không có gì đáng trách, việc phiền phức hơn có lẽ là việc khác.
Sau giờ giải lao, Đài Trang đến gần Thiện Thiên:
Thứ sáu tuần trước, nhân chuyến đi về quê ngoại ở Hàm Tân, trên đường trở về, hai chị em tôi có ghé vào tịnh xá của thầy:
“Mô Phật. Có vậy sao?”
“Vâng ạ”
“Mô Phật, thí chủ ghé để làm gì?- sa di Thiện Thiên hỏi.
Đài Trang hơi cúi đầu đáp:
“C..con...tôi, muốn thăm thầy chút thôi, và có một câu hỏi riêng”
Sa di Thiện Thiên mỉm cười.
“Mô Phật. Lát nữa, trước khi thiền, thí chủ hỏi để cùng nghe”.
“Dạ vâng ạ”
Sa di Thiện Thiên hơi khó chịu một tí. Một người con gái xa lạ đến tịnh xá để thăm một sa di. Điều đó sẽ khiến cho nhiều người đặt câu hỏi. chú Thiện Thiên nói:
“Mô Phật. Hôm ghé tịnh xá thí chủ đã nói gì?”
Sau khi liếc xung quanh không thấy ai, Đài Trang đổi cách xưng hô, thấp giọng:
“Em chỉ hỏi thăm thầy có khỏe không?”
“Thảo nào!” – Sa di mỉm cười gật gật đầu.
“Thầy nói thảo nào là cớ gì?”
“Mô Phật, không có gì”
Tiếng gọi nhau trở lại buổi thiền tập., Đài Trang lên tiếng:
“Ông có thể cho phép chúng tôi gọi ông bằng thầy”
Sa di Thiện Thiên:
“Mô Phật, có lẽ không cần thiết, tôi không xứng đáng nhận một danh xưng như thế. Tôi chỉ là một người bạn hướng dẫn cách theo dõi hơi thở, để hướng đến một tâm thanh tịnh.”
Đài Trang có cảm giác như sa di Thiện Thiên đã nghe câu cô nói lúc nãy nên mới dùng chữ bạn. Cô chuyển qua câu hỏi vui:
“Có khi nào những đệ tử của tịnh xá hoàn tục không?”
Cả bọn tự vổ tay, cười hô hố. Sa di Thiện Thiên điềm đạm trả lời:
“Mô Phật, có chứ, người nào không kham được, hoặc không thích tu thì xin sư phụ về nhà.”
“Vậy thầy có định về nhà không?”- Một cô hỏi.
“Mô Phật. Tôi chưa bao giờ có ý định đó, vì tôi vẫn còn thương lắm cuộc đời của một sa di.”
Trở lại việc sinh hoạt tại tịnh xá Ngọc Hưng. Sau khi dùng điểm tâm xong, tất cả mọi người ai lo phần việc nấy. Chú Thiện Thiên đến thưa chuyện cùng sư phụ:
“Thưa Thầy, mấy tuần nay con về hơi trễ vì có một nhóm người trẻ, họ là những thanh niên, sinh viên muốn biết về Phật pháp. Lúc đầu con run quá, nhưng họ là những người vui tính, tự trọng nên con bớt lo. Dần dà họ lại bảo con hướng dẫn ngồi thiền, con cũng hướng dẫn vài động tác căn bản. Có điều con chưa có dịp thưa với sư phụ nên con xin sám hối.”
Thầy Giác Trí đưa bàn tay đặt lên vai sa di Thiện Thiên:
“Con hãy hãy làm việc gì có lợi cho người và có lợi cho mình, tốt cho người và tốt cho mình, thiện cho người và thiện cho mình là cứ làm, không cần sám hối. Nhưng mong con nhớ cho câu “phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó.”
“Mô Phật, con xin đội ơn sư phụ và luôn khắc ghi những lời Thầy dạy.”
Chú Thiện Thiên chào sư phụ Giác Trí, vào trong thay đồ vác cuốc ra đồng, lòng hân hoan như một đứa trẻ. Bên kia bờ kênh, một con cò trắng vổ cánh bay lên, mất hút vào khoảng trời xanh bao la.

Thủy Lâm Synh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/11/2016(Xem: 10771)
Bài viết này [“Biểu nhất lảm Tam Tạng Kinh Điển Phật giáo” (An Overview of the Buddhist Tripataka)] nhằm cung cấp một cái nhìn duyệt qua kho tàng Kinh điển Phật giáo từ ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni [khoảng 560 – 480 trước Công Nguyên (tr. CN)] còn tại thế cho đến ngày nay. Đạo Phật đã có một lịch sử trên 2.500 năm.
06/11/2016(Xem: 7039)
Lần nọ của nawm xưa, chúng tôi tham gia 1 khóa tu tại Packchong, Thái Lan. Theo quy định của bất cứ khóa tu nào, nam ở riêng và nữ ở riêng, bất kể là vợ chồng hay mẹ con. Tôi ở cùng 1 người đàn ông phương tây trong 1 căn phòng cho khoảng hơn chục Phật tử. Người đàn ông này khá ít nói, rất nhẹ nhàng, tham gia nghiêm túc các thời khóa.
05/11/2016(Xem: 8922)
Chúng ta đều biết, giáo dục là công trình quan trọng hàng đầu cho mọi nền phát triển của xã hội văn minh. Giáo dục xây dựng tính nhân văn cho một quốc gia và làm thành nhân cách sống con người cao quý, thiện lành, đẹp đẽ và hạnh phúc cho từng cá nhân trên hành tinh này. Đạo phật đã có một bề dầy 26 thế kỷ của công trình giáo dục,
05/11/2016(Xem: 8207)
Hồi còn nhỏ, còn trẻ tôi ít khi nghe đến từ ly dị, cả một cái làng Trại Mộ, cả một xóm Cỏ May (nơi tôi sinh trưởng và lớn lên) không hề nghe đến cặp vợ chồng nào ly dị. Thỉnh thoảng vợ chồng các chị gái có lục đục kình cãi thì mẹ tôi khuyên:"Vợ chồng cũng giống như chén bát trong sóng, khi đụng đến thì phải khua thôi, tụi con mỗi đứa nhịn nhau một chút thì sẽ yên cửa yên nhà". Mẹ khuyên chừng đó thôi, anh chị nghe theo và gia đình không còn xào xáo nữa.
03/11/2016(Xem: 14839)
Chấp ngã là từ nhà Phật. Chữ Ngã, từ Hán我 thuộc bộ qua戈. Qua戈có nghĩa là cái mác; dụng cụ của người lính lúc xưa. Ngã 我 gồm chữ qua戈 bên phải và chữ thiên bên trái 千. Ta là tất cả, trong ta luôn có nghìn con dao, cái mác. Cái ngã là ghê vậy đó. Chiến tranh thù hận cũng vì cái ngã.
01/11/2016(Xem: 6898)
Báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân 2016, bài Huỳnh Kim Quang, “50 Năm Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ” có ghi lại việc Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã thu nhận nhiều đệ tử người Mỹ và trở thành vị Sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson kể về chuyến hành hương tới ngôi chùa mang tên “Thiên Ân”, do một đệ tử người Mỹ của Hòa Thượng Thiên Ân sáng lập trong hoang mạc. Lệ Hoa Wilson là một Phật tử, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, pháp danh Tâm Tinh Cần, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Ông bà có văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.
01/11/2016(Xem: 12861)
Ngày xửa ngày xưa, ở Ấn Độ cổ có một người đàn ông vì chán ghét cõi đời hiểm ác nên đã tìm đến cửa Phật, quy y Phật giáo. Tuy rằng thân đã xuất gia, nhập không môn, nhưng trong tâm ông vẫn quyến luyến ngoại giới
30/10/2016(Xem: 9838)
Là người đồng sáng lập Sen Việt (Phó CT HĐQT Sen Việt/Tổng GĐ Picas Art), cùng đạo diễn Điệp Văn (ĐV) tạo ra những tác phẩm Phật giáo & cho cộng đồng có giá trị, lý do nào Lâm Ánh Ngọc (LAN) đã bất ngờ kết thúc hợp tác với Đạo diễn ĐV & rút khỏi Sen Việt? - Dạ. Như thông tin N có đưa trên mạng cộng đồng, N kết thúc hợp tác vào tháng 5, nhưng vì vài lý do nên chưa thể thông báo đến mọi người sớm cho đến tận tháng 10. Tất cả được diễn giải ngắn gọn bằng câu "hết duyên do quan điểm và định hướng công việc không còn tiếng nói chung" là đủ ý nghĩa ạ, không thể giải thích gì thêm sẽ dài dòng rối rắm. N nghĩ rằng mỗi người sẽ có cảm nhận riêng cụ thể và tinh tế để hiểu cái hết duyên của LAN và đạo diễn ĐV là gì theo thời gian thôi.
28/10/2016(Xem: 6505)
Đối với người cư sĩ, ai cũng muốn có sự tiếp nối của mình tương lai. Bởi ước muốn tiếp nối, nên trong mỗi người luôn có hạt giống về tình dục và chức năng sinh sản. Tình dục và sinh sản là chức năng không thể phủ nhận. Mình không nên phủ nhận, nhưng mình cũng không nên nhầm lẫn tình dục với tình yêu. Tình dục có thể đem lại cảm giác vui sướng và gắn kết giữa hai người nếu ở đó có mặt tình yêu. Tình dục có thể trở thành tình yêu và ngược lại tình yêu là nguồn gốc nảy sinh tình dục. Cho nên có thể nói yêu rồi thương, hoặc thương rồi mới yêu là vì vậy.
25/10/2016(Xem: 15947)
Con về trời đổ mưa to - Thầy trao con một chiếc Ô che đầu- Con không cần trả lại đâu! - Giữ mà che lúc dãi dầu nắng sương..
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]