Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc ‘Thiền Tập’ Của Cư Sĩ Nguyên Giác

24/05/201406:41(Xem: 15550)
Đọc ‘Thiền Tập’ Của Cư Sĩ Nguyên Giác

ducphatthichca

Đọc ‘Thiền Tập’ Của Cư Sĩ Nguyên Giác:
Bản Đồ Tu Thiền Hữu Ích Cho Mọi Căn Cơ
Huỳnh Kim Quang



Đạo Phật là đạo giác ngộ. Giác ngộ là thấy tánh. Muốn thấy tánh thì tu thiền, như đức Thích Ca Mâu Ni do thiền dưới gốc cây Bồ Đề mà giác ngộ thành Phật. Cho nên, mục đích tối hậu của thiền Phật Giáo là thành Phật, là giác ngộ chân tánh. Vì vậy, Thiền Tông chỉ nói đến “kiến tánh thành Phật,” không nói gì khác.

Nhưng không phải ai cũng có đủ căn cơ để tu thiền mà kiến tánh thành Phật ngay trong sát na hiện tiền, hay chí nữa cũng là trong đời này. Cho nên, trong Thiền Tông cũng có đốn ngộ và tiệm tu, cũng có Nam Năng và Bắc Tú. Thậm chí thâm tín Phật Pháp như Vua Lương Võ Đế thì có mấy ai, vậy mà trước câu nói trực chỉ của Tổ Sư Đạt Ma “Xây chùa, tạo tượng đều không có công đức,” cũng không thể tự mình mở lối lên Thiếu Thất! Vì lẽ đó, để độ người hữu duyên theo căn cơ sai biệt, thiền cũng khai mở nhiều cửa phương tiện từ sơ cơ tiệm thứ điều tức, điều thân, điều tâm, đến hốt nhiên đại ngộ ngay nơi chiếc lá rơi.

Ngày nay thiền trở thành liệu pháp trị bệnh thân tâm một cách hữu hiệu được phổ biến khắp mọi nơi trên thế giới, từ bệnh viện y khoa, công ty thương mại đến trường học và quân đội. Có thể nói chưa bao giờ thiền được đại chúng hóa như bây giờ. Tuy nhiên, theo quy luật xã hội, cái gì được đại chúng hóa thì không tránh khỏi trở thành sản phẩm xã hội, mà đã là sản phẩm xã hội thì khó giữ được phẩm chất tinh ròng và nguyên vị của nó. Đó chính là trong cái được có cái mất! May thay, còn có những người ngày đêm âm thầm gìn giữ tinh yếu của thiền như các thiền sư chân truyền trong các thiền viện thâm nghiêm, hay như cuốn “Thiền Tập” của Cư Sĩ Nguyên Giác.

Tác phẩm “Thiền Tập” được Cư Sĩ Nguyên Giác biên dịch cách nay vài năm và lâu nay được đăng trong trang nhà của Thư Viện Hoa Sen tại địa chỉ: http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-44_4-15163_5-50_6-1_17-81_14-2_15-2_10-426_12-1/thien-tap.html ; hoặc trên trang nhà Quảng Đức ở địa chỉ: http://quangduc.com/a29746/thien-tap-cu-si-nguyen-giac-bien-dich và nhiều trang mạng Phật Giáo khác.

Một trong những đặc điểm của cuốn “Thiền Tập” của Cư Sĩ Nguyên Giác là tác phẩm này chứa đựng một bản đồ toàn diện về pháp môn thiền từ bước đầu căn bản chỉ dạy cách ngồi thiền, cách điều tức, điều thân và điều tâm, đến những phương thức thiền tập diệu dụng cao siêu của cả ba truyền thống Phật Giáo: Tây Tạng, Nam Truyền, và Bắc Truyền. Đó là đặc điểm bởi vì có rất ít hay đúng hơn rất hiếm sách viết về tu thiền bằng tiếng Việt mà có đầy đủ pháp môn từ sơ cơ đến thượng thừa như vậy.

Điểm đặc biệt khác nữa là người biên dịch “Thiền Tập” là Cư Sĩ Nguyên Giác không phải chỉ là một học giả trên lý thuyết mà chính là một hành giả thiền trên bốn mươi năm và được truyền thụ trực tiếp từ những bậc thiền sư đạo cao đức trọng trong chốn thiền môn như Thiền Sư Tịch Chiếu, Viện Chủ Chùa Tây Tạng ở Bình Dương, Việt Nam. Cư Sĩ Nguyên Giác cũng là tác giả của cuốn “Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ,” được xuất bản trên hai mươi năm trước tại Hoa Kỳ, và hàng chục tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật khác về Phật Giáo.

Trong “Thiền Tập” của Cư Sĩ Nguyên Giác đề cập đến ba truyền thống thiền của Phật Giáo Tây Tạng, Nam Tông và Bắc Tông, với những pháp môn tinh yếu và phổ truyền nhất của mỗi hệ thống. Trong đó, với Phật Giáo Tây Tạng thì có pháp môn Đại Thủ Ấn, Đại Toàn Thiện; với Phật Giáo Nam Truyền thì có pháp môn Thiền Minh Sát; với Phật Giáo Bắc Truyền thì có pháp môn Thiền Mặc Chiếu, Thiền Công Án.

Đôi khi người mới tu thiền nghĩ rằng phép thở là bước đầu vào thiền nên không có công dụng mầu nhiệm gì lắm. Nhưng không, trong “Thiền Tập” cho chúng ta thấy về diệu dụng bất khả tư nghì của phép thở như sau:

“Mặc dù thiền tập hơi thở chỉ là bước đầu thiền tập, nó có thể rất là mãnh liệt. Chúng ta có thể thấy từ pháp tu này là chúng ta có thể đạt được an tĩnh nội tâm và sự an lạc chỉ bằng cách kiểm soát tâm, mà không dựa vào bất kỳ điều kiện bên ngoài nào. Khi dòng niệm lắng xuống, và tâm chúng ta tịch tĩnh, một niềm hạnh phúc sâu thẳm và sự an lạc tự nhiên khởi lên. Cảm thọ về sự an lạc và sự sung mãn giúp chúng ta đối phó với sự bận rộn và khó khăn của đời sống thường nhật.”

Khai thị về pháp đốn ngộ, “Thiền Tập” trích dẫn lời dạy của Thiền Sư Hám Sơn chỉ thẳng cội rễ của mọi pháp chỉ là “ảo giác và vô tự tánh,” tất cả đều “phóng hiện từ chân tâm,” như sau:

“Để thiền tập, ngươi trước tiên phải dẹp bỏ hết mọi kiến thức và hiểu biết, và chỉ nhất tâm đưa tòan lực của ngươi đặt lên một niệm. Tin vững chắc vào [chân] tâm của ngươi rằng, nguyên thủy nó thanh tịnh và sáng rõ, không một chút trì trệ nào hết – nó thì sáng và hoàn thiện, và bao trùm khắp Pháp giới. Trong tự tánh, thì không hề có thân, không hề có tâm, không hề có thế giới, mà cũng không hề có vọng niệm nào, không hề có bất kỳ thọ tưởng nào. Ngay trong khoảnh khắc này, chính ngay một niệm này tự nó đã là vô sinh. Tất cả mọi pháp đang hiển lộ trước ngươi bây giờ thực ra là ảo giác và vô tự tánh – tất cả vạn pháp đó đều là phản chiếu phóng hiện từ chân tâm của ngươi.”

Phần cuối của “Thiền Tập” Cư Sĩ Nguyên Giác giới thiệu và trích dịch bài Kinh “Bahiya Sutta” trong Tiểu Bộ Kinh kể chuyện Đức Phật dạy bài pháp khẩn cấp cho Người Áo Vỏ Cây chứng A La Hán ngay tức thì khi nghe Phật dạy và đã viên tịch không lâu sau đó. Bài pháp này cho thấy người nghe pháp Phật có thể đốn ngộ thánh quả tức thì ngay trong lời dạy của vị đạo sư. Xin trích lại đoạn Kinh mà Đức Phật dạy cho ngài Bahiya để độc giả tường lãm:

“Thế này, Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.

“Khi với ông, này Bahiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy… [nhẫn tới]… trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.”

Cư Sĩ Nguyên Giác viết trong “Thiền Tập” về sự chứng đắc qủa vị A La Hán tức thì của Người Áo Vỏ Cây:

“Nhưng, làm cách nào ngài Bahiya -- một người đời thường, chưa từng quy y hay thọ giới gì cả… mà lúc tìm nghe pháp thì vẫn còn mang phong thái ngọai đạo, với kiểu lấy vỏ cây làm áo, và được gọi tên bằng Bahiya Áo Vỏ Cây -- sau khi nghe bài pháp yếu vài câu lại có thể “hốt nhiên đốn ngộ” và xóa sạch ác nghiệp muôn đời ngàn kiếp để vừa khi bị bò húc chết là nhập Niết Bàn vô dư ngay? Có nghĩa là, ngay khi tâm vừa đốn nhập được, thì vô lượng nghiệp tội sẽ không còn ràng buộc được nữa? Như vậy, khỏang cách giữa một người đời thường cho tới ngôi vị Thánh Quả A La Hán thực ra chỉ cách nhau vài sát na tâm? Thực ra, ngài Bahiya đã tu từ vô lượng kiếp rồi, đã là một tỳ kheo từ thời Phật Ca Diếp. Không có gì là tự nhiên cả, và ngài Bahiya sau này được Đức Phật nói là trường hợp chứng đạo mau nhất, xuất sắc nhất.”

Có được khoảnh khắc “hốt nhiên đốn ngộ” thì phải tu từ vô lượng kiếp cho nên, thiền là phải tập, phải tu tinh tấn mỗi sát na, mỗi giờ, mỗi ngày trong đời sống. “Thiền Tập” là cuốn sách rất bổ ích cho mọi người, mọi căn cơ. Xin hãy vào các trang mạng trên để đọc “Thiền Tập” của Cư Sĩ Nguyên Giác và học cách thực tập thiền.

Xin cảm niệm công đức của tác giả và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/09/2011(Xem: 7248)
Từ xưa đến nay, thế giới liên tục xảy ra bạo động chiến tranh, khủng bố, kỳ thị chủng tộc, bạo động giữa các tôn giáo, thì vấn đề kiến tạo nền hòa bình cho thế giới rất quan trọng. Nhưng vẫn chưa tìm ra một phương pháp thỏa đáng, trừ phi những quốc gia trên toàn cầu, cần phải thay đổi đường lối chính trị, văn hóa áp dụng tinh thần bất bạo động vào đời sống xã hội.
21/09/2011(Xem: 17173)
Với một sự sáng suốt tuyệt đối và một niềm thương cảm vô biên Ngài nhận thấy con người tác hại lẫn nhau chỉ vì vô minh mà thôi...
15/09/2011(Xem: 7589)
Đức Phật dạy chúng ta lấy hiếu làm gốc. Hiếu dưỡng cha mẹ là pháp môn căn bản rất lớn của đạo Phật, cũng làđiều kiện quan trọng cơ bản làm người. Chúng ta nghĩ thử ngay cả loài chim muông còn biết báo ân nuôi mớm. Nếu như chúng ta không hiếu dưỡng cha mẹ thì chẳng phải không bằng loài cầm thú hay sao?
15/09/2011(Xem: 9709)
* Trong thời mạt pháp, nếu chỉ tu môn khác không kiêm cầu Tịnh Độ, tất khó giải thoát ngay trong một đời. Nếu đời này không được giải thoát bị mê trong nẻo luân hồi, thì tất cả tâm nguyện sẽ thành hư tưởng. Đây là sự kiện thiết yếu thứ hai, mà hành giả cần lưu ý.
15/09/2011(Xem: 8503)
Ngài Achaan Chah là một trong những vị đại sư nổi tiếng của đất nước chùa tháp Thái Lan. Ngài duy trì lối tu học truyền thống như thời của Đức Phật còn tại thế. Sự minh triết và đức hạnh của một vị thiền sư đã làm cho danh tiếng của Ngài vươn xa tới nhiều châu lục. Hiện nay, pháp thiền của Ngài - Thiền Minh sát tuệ - đã lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm A Still Forest Pool(Tâm Tĩnh Lặng), do hai môn đệ người Mỹ của Ngài là Jack Kornfield và Paul Breiter đã kết tập từ những bài giảng của Ngài và được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên vào năm 1985. Mặc dù tác phẩm đã ra đời trên hai mươi năm, nhưng trí tuệ chân thực vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian. Bài giảng sau đây, người dịch trích từ tác phẩm trên và xin giới thiệu cùng bạn đọc.
15/09/2011(Xem: 8280)
Xưa, có người Bà la môn nọ ở với hai người vợ. Vợ đầu sinh được con trai, đã mười hai tuổi; vợ hai đang mang thai, sắp đến kỳ sinh nở, chưa rõ trai hay gái. Chẳng may Bà la môn nọ qua đời. Đứa con trai nói với bà hai rằng: “Tiểu mẫu! Tài sản mà cha tôi để lại, bao gồm vàng bạc hay thóc lúa..., tất thảy bây giờ đều là của tôi, tiểu mẫu không được gì hết!”.
14/09/2011(Xem: 12038)
Từ bi là điều kỳ diệu và quý giá nhất. Khi chúng ta nói về từ bi, thật đáng khuyếnkhích để lưu ý rằng bản chất tự nhiên của con người, tôi tin, là từ bi và hiềnlành. Đôi khi tôi tranh luận với bạn bènhững người tin rằng bản chất con người là tiêu cực và hung hăng hơn...Khi chúng ta nói về từ bi, thật đáng khuyến khích để lưu ý rằng bản chất tự nhiên của con người, tôi tin, là từ bi và hiền lành.
08/09/2011(Xem: 10687)
Sân hận và thù oán là hai trong số những người bạn gần gũi nhất của chúng ta. Khi còn trẻ, tôi đã có một mối quan hệ rất gần gũi với giận dữ. Cuối cùng tôi thấy nhiều sự bất hòa (!) với giận dữ. Bằng việc sử dụng ý thức thông thường, với sự hỗ trợ của từ bi và tuệ trí, bây giờ tôi có một biện luận đầy năng lực để đánh bại sân hận... Một cách tự nhiên, cảm xúc có thể tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, khi nói về sân hận hay giận dữ, v.v..., chúng ta đang đối phó với những cảm xúc tiêu cực.
07/09/2011(Xem: 7545)
Hôm nọ, một người giáo viên nổi tiếng quay trở về nhà sau bài thuyết trình quan trọng mà ông vừa trình bày trước một nhóm các đồng nghiệp đáng kính của mình, đang đi nhưng lòng ông say sưa với những lời tán thưởng mà thính giả đã dành tặng cho ông. Thói quan đã đưa ông đến con đường đi bộ dọc theo bờ biển. Đang tản bộ trên bờ biển thì ông bắt gặp một cậu bé.
04/09/2011(Xem: 14563)
DỄ là nói chẳng nghĩ suy KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra. DỄ làm đau đớn người ta KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương! DỄ là biết được Vô thường KHÓ, lòng cứ vẫn tơ vương cuộc trần, DỄ là độ lượng bản thân KHÓ sao dung thứ tha nhân lỗi lầm!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]