Tôi gặp anh trong lần đến thăm một người bạn ngày cuối tuần. Trông anh phúc hậu, nói chuyện có duyên với dọng nói ấm áp, dễ nghe. Mỗi người chúng tôi kể những câu chuyện của mình, trao đổi về phương pháp và kinh nghiệm tu tập. Anh cũng vậy. Tôi giật mình khi anh nói về gia đình anh. Hóa ra trước mặt tôi là người đàn ông của một gia đình công giáo nòi.
Anh tên là Tốt, Nguyễn Văn Tốt, hiện đang định cư tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Gia đình anh ngày trước sống xã ở Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Anh kể về vùng đất mà ngay gần đó là nhà thờ Lái Thiêu. Rằng cha mẹ anh là dân công giáo. Ông bà anh cũng là công giáo chính gốc.
Tôi bất ngờ khi nghe anh kể về thời gian khi anh học trong trường dòng. Rằng nếu mọi sự suôn sẻ anh sẽ thành mục sư. Ấy vậy mà có sự chuyển biến thời thế và anh không tiếp tục học trường dòng nữa.
Bước ngoặt trong tâm linh xảy ra năm 23 tuổi. Đêm nọ, anh mơ thấy Quán Thế Âm Bồ Tát. Chuyện rất lạ bởi anh nhìn thấy Ngài rất rõ, trong khi anh và gia đình không hề có ai theo đạo Phật. Cá nhân anh cũng không biết gì, không có khái niệm gì về Đạo Phật và các vị Phật và Bồ tát. Cũng trong khi mơ anh nhìn thấy trên sân khấu có dòng chữ “tu tâm, dưỡng tánh, cúng dường tam bảo”. Ấn tượng mạnh đến mức câu nói ấy anh nhớ mãi. Nhớ đến mãi sau này, đến tận ngày nay.
Mấy hôm sau anh tình cờ đi qua một cửa hàng tạp hóa. Tự nhiên anh nhìn thấy bức ảnh ngài Quán Thế Âm Bồ Tát giống hệt hình ảnh mà anh từng năm mơ bữa trước. Anh giật mình và hỏi chủ cửa hàng. Người chủ cửa hàng cho biết không biết bức ảnh đó của ai và nếu như muốn anh có thể lấy. Anh cầm bức ảnh về và không thể tin nổi sự linh nghiệm của một giấc mơ. Thế là anh bắt đầu thờ Ngài.
Một thời gian sau có người tặng anh cuốn kinh A Di Đà. Thế là anh bắt đầu tụng. Gọi là tụng chứ anh nói rằng anh chỉ đọc thôi. Không chuông, không mõ. Cứ thế hàng ngày anh tụng đọc.
Lại nói về người vợ. Vợ anh vốn là người không theo đạo nào cả. Tuy nhiên khi lấy chồng, theo quy định của công giáo, bắt buộc phải học giáo lý và trở thành người có đạo. Điều lạ rằng, từ ngày anh “tình cờ” trở thành Phật tử, tụng kinh, thờ Phật vợ anh cũng theo luôn. Sau này sinh con, nuôi con, con anh cũng theo đạo Phật.
Tôi hỏi anh về lịch trình công phu hàng ngày anh nói rằng các buổi sáng anh tụng kinh Lăng nghiêm tối tụng kinh A Di Đà, hay phẩm Phổ môn hoặc 1 kinh khác. Riêng các ngày mồng một và rằm anh luôn lễ Phật sám hối. Anh cũng nói rằng khi tụng kinh anh chỉ đi chuông chứ không gõ mõ, tránh sự dị nghị của hàng xóm và người thân.
Anh cũng kể rằng vợ anh rất tín tâm. Chị là người đóng vai chính trong việc đi chợ mua đồ dâng và cúng Phật.
Tôi hỏi ý kiến của anh về căn nguyên tại sao lại chuyển từ công giáo sang đạo Phật, anh cười bảo rằng chắc chắn do chủng tử từ kiếp trước. Anh nghĩ rằng kiếp trước anh đã là Phật tử nên bây giờ khi gặp được đạo Phật liền quay về ngay và rất hài lòng về việc này. Anh rất thích đạo Phật ở chỗ cửa chùa luôn rộng mở, không có quy định bắt buộc ngày giờ tụng kinh, đi lễ. Tất cả là tùy duyên.
Câu nói của anh làm tôi giật mình và buồn cười đó là “theo đạo Phật tốn kém hơn”. Rằng nếu ở nhà thờ Phật thường có dâng bông, dâng hương và trái cây hay bánh trái, trong khi bên công giáo, không cần mua trái cây hay bất cứ thứ gì để dâng lên cúng lễ. Bên công giao đi nhà thờ cũng không dâng bông không dâng trái cây hay bánh kẹo trong khi vào chùa hầu như ai cũng dâng đò cúng, ít nhất là mồng một và ngày rằm.
Tôi nghe qua các câu chuyện anh kể và biết rằng anh thích nhất luật nhân quả. Đây là vấn đề rốt ráo và đã ảnh hưởng nhiều nhất đến cách sống, sinh hoạt và làm việc của anh. Anh cho rằng nếu ai cũng biết đến điều này thì xã hội sẽ rất tốt đẹp. Và anh rất thích tuyên truyền và nói về vấn đề nhân quả với bất cứ ai và ở bất cứ đâu. Anh cũng có rất nhiều câu chuyện do chính anh biết hay trải nghiệm.
Tôi thích nhất câu nói của anh rằng, chúng ta cùng là con một nhà tức là đang ăn cùng nồi cháo. Nếu nồi cháu ngon, bổ thì ai cũng được hưởng. Nếu nồi cháo có thuốc độc thì ai cũng chết, kể cả người liếm thìa hay vét nồi. Anh nói rằng chỉ có một con đường duy nhất là sống tốt, sống thiện, phải tu tâm dưỡng tánh như đúng câu nói đã hiện lên sân khấu nơi anh đi diễn trong giấc mơ năm xưa.
Khi tôi hỏi về 2 tôn giáo: công giáo và Phật giáo anh nói rằng, mặc dù bây giờ anh là Phật tử và không còn là người của công giáo nhưng 2 tôn giáo này như bên nội và bên ngoại của 1 gia đình, rằng gia đình cần phải đoàn kết, rằng tuyệt đối không được nói xấu nhau. Chỉ có như vậy mới có được một gia đình hạnh phúc.
Người đàn ông mà tôi may mắn được gặp tên là Tốt thực sự là tốt bụng. Tôi cảm nhận rất rxo qua các câu chuyện của đời anh và những việc anh đang làm. Tôi giật mình khi biết anh sinh năm 1962, tức đã hơn 50 tuổi. Ngắm lại tôi mới thấy, quả thật anh trẻ hơn hẳn so với tuổi. Trước đây anh Tốt là là diễn viên cải lương còn bây giờ là 1 đạo diễn. À ra là vậy.
Rời buổi gặp gỡ, trong đầu tôi vẫn nhớ mãi về anh. Tôi mong gặp lại anh trong thời gian tới. Nhất định có ngày tôi sẽ mời anh làm khách mời trong các chương trình Phật giáo mà tôi đang tâm huyết.
Tôi vui lắm, anh có biết không, anh Tốt ơi.
TS Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà