Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thái độ của người tu tập PG đối với sự đau đớn

21/04/201420:23(Xem: 12335)
Thái độ của người tu tập PG đối với sự đau đớn

ajahn-brahm3

Thái độ của người tu tập Phật Giáo đối với sự đau đớn

Ajahn Brahmavamso

Hoang Phong chuyển ngữ



Lời giới thiệu của người dịch:



Bài thuyết giảng dưới đây của nhà sư Ajahn Brahmavamso Mahathera là một trong loạt những bài viết về chủ đề "Quan điểm của Phật Giáo đối với sự đau đớn và bệnh tật". Các bài trước đây là:

- Đức Phật thuyết giảng về sự đau đớn (Kinh Sallata Sutta)

- Cái chết là một thứ bệnh ung thư (Ajahn Liem)

- Y khoa cũng chỉ là phép luyện đan (Dilgo Khyentsé Rinpoché)

- Không nên trì hoãn sang ngày hôm sau (Eihei Dogen)

Nhà sư Ajahn Brahmavamso Mahathera còn được các người chung quanh gọi tắt một cách thân mật là Ajahn Brahm, tên thế tục là Peter Betts, sinh năm 1951 tại Luân Đôn trong một gia đình nghèo. Ông đỗ tiến sĩ về Vật Lý Lý Thuyết năm 1960 khi mới 19 tuổi, tại đại học Cambrigde, là một trong các đại học danh tiếng nhất của nước Anh. Sau khi ra trường ông dạy học được một năm và sau đó nhân một chuyến viếng thăm Thái Lan ông biết được Phật Giáo và xin xuất gia. Năm 23 tuổi ông được thụ phong tỳ kheo tại ngôi chùa đồ sộ và nguy nga Wat Saket ở Bangkok. Sau đó tình cờ ông gặp được nhà sư nổi tiếng của Thái Lan thời bấy giờ là Ajahn Chah Bodhinyana Mahathera và đã trở thành đệ tử của nhà sư này.

Sau chín năm tu học thật khắc khổ theo truyền thống "Tu Trong Rừng" với nhà sư Ajahn Chah trong một khu rừng trên miền bắc Thái, ông được Hiệp Hội Phật Giáo Miền Tây Úc Châu (Buddhist Society of Western Australia) đặt trụ sở ở thành phố Perth mời làm phụ tá cho nhà sư Ajahn Jagaro. Một năm sau thì nhà sư này xin rút lui và nhường chức chủ tịch cho ông. Ajahn Brahm vận động, quyên góp và xây được một ngôi chùa trên một thửa đất rộng 393 000 m² trong công viên quốc gia Serpentine thuộc vùng phía nam thành phố Perth. Ngôi chùa mang tên là Bodhinyana là tên của thầy ông và đã quy tụ được một tăng đoàn đông đảo nhất nước Úc.

Bài chuyển ngữ dưới đây được ông thuyết giảng ngày 2 tháng 6, năm 2006 tại giảng đường của Hiệp Hội Phật Giáo Miền Tây Úc Châu (Buddhist Society of Western Australia) với tựa đề Dealing with Pain, bản tiếng Pháp mang tựa là L'Attitude Bouddhiste face à la douleur do Luc Guillard dịch.



AjahnBrahm

Bài giảng của nhà sư Ajahn Brahmavamso





Tôi rời Singapore đến đây từ hôm qua và đang bị trúng thực. Suốt đêm hôm qua tôi ốm liệt giường, và ngay trong lúc này thì bao tử vẫn còn không tốt lắm. Cách nay không lâu có một người hỏi tôi như thế này: "Thái độ của người tu tập Phật Giáo trước sự đau đớn trên thân xác và các nỗi đau buồn trong cuộc sống nên là như thế nào?" Tôi nghĩ rằng câu hỏi ấy có thể là một chủ đề lý thú cho buổi nói chuyện tối hôm nay.

Bàn thảo với nhau về sự đau đớn không hề mang tính cách tiêu cực, bởi vì dù mình là ai, sinh sống ra sao, và dù nghĩ rằng mình đang khoẻ mạnh, thế nhưng nhất định vào một ngày nào đó mình cũng sẽ ốm đau, phải chịu đựng sự đau đớn, hoặc gặp phải những cảnh huống đau buồn. Một hôm có người nói với tôi rằng: "Là một nhà sư tất nhiên là ông hành thiền đều đặn và sống đạo đức nên nhờ đó ông sẽ không bao giờ ốm đau". Người ta cứ tưởng rằng hễ là một người tu hành thì sẽ không đau ốm và không bao giờ chết! Thế nhưng đối với một nhà sư hay một người thế tục thì cũng như nhau cả, thỉnh thoảng ốm đau là chuyện bình thường. Tuy nhiên đối với trường hợp một nhà sư thì mọi sự có khác hơn, bởi vì người này có cả một lô các phương pháp luyện tập giúp mình chủ động sự đau đớn trên thân xác và cả các khó khăn trong cuộc sống. Do đó sự đau đớn nhất định sẽ không mang lại cho chúng ta (Ajahn Brahm xem những người ngồi nghe đều là những người tu hành như mình và ông đã gọi chung tất cả là "chúng ta") cảm tính tiêu cực hay một sự trầm cảm nào, hơn thế nữa đau đớn dù có xảy ra cũng sẽ là một dịp giúp chúng ta tập chủ động nó, vượt lên trên nó và thoát ra khỏi nó - chẳng hạn như chúng ta vẫn cảm thấy khoẻ mạnh nhưng bao tử thì có thể là đang quặn đau!

Đức Phật đã thuyết giảng như thế nào về sự đau đớn? Ngài bảo rằng sự bất an của chúng ta gồm có hai thể dạng khác nhau - theo tôi thì sự khẳng định này chính là một trong các chiếc chìa khóa quan trọng nhất trong giáo huấn của Ngài, giúp chúng ta hiểu được sự đau đớn là gì và phải làm thế nào để thoát ra khỏi nó. Ngài dạy rằng sự đau đớn gồm có hai thứ: một trên thân xác và một trong tâm thần; đối với sự đau đớn trên thân xác thì khó có thể làm làm gì khác hơn, thế nhưng đối với sự đau đớn trong tâm thần thì trái lại người ta có thể biến cải được nó, và đấy cũng lại là thể dạng đau đớn quan trọng hơn cả. Thật vậy, thái độ tâm thần đôi khi rất mạnh và có thể làm cho sự đau đớn trên thân xác hoàn toàn tan biến hết. Tôi nghĩ rằng quý vị cũng đã từng được nghe nói đến trường hợp của các lực sĩ dù bị thương nhưng vẫn tiếp tục tranh đua, rồi sau đó thì mới cảm thấy đau và biết là mình đã bị gẫy xương chân hay xương tay. Các trường hợp như thế cũng đã từng xảy ra với tôi nhiều lần trong cuộc sống, và cũng chính nhờ đó mà tôi hiểu rằng tâm thần có thể tạo ra các tác động rất mạnh, và cường độ của sự đau đớn trên thân xác thì tùy thuộc rất nhiều vào thái độ [tâm thần] của mình.

Lúc còn là sinh viên, một lần tôi bị cảm thật nặng. Không sao đến trường được, phải giam mình trong gian phòng sinh viên, tôi cảm thấy cơn bệnh thật gay gắt. Bên cạnh chẳng có ai chăm sóc; không ngủ được và cũng không ngồi lên được... Bất ngờ có một người gõ cửa và thúc hối: "Mở cửa! Mở cửa!". Tôi đành phải gượng dây và lết ra mở cửa. Hóa ra là một người giao hàng mang đến cho tôi một giàn âm thanh nổi mà tôi đã đặt mua từ trước. Tôi đặt ngay vào máy một đĩa nhạc mà tôi ưa thích nhất, và chỉ nửa giờ sau - quả thật hết sức bất ngờ - bệnh cảm của tôi biến mất! Nửa giờ trước đó, hai mắt còn cay xè, vừa ho lại vừa nghẹt mũi..., thế nhưng sau khi nghe xong đĩa nhạc thì tất cả các triệu chứng ấy đều hoàn toàn biến mất, tôi đã khỏi bệnh! Chuyện ấy không nhất thiết là một phép lạ, mà đơn giản chỉ là một cái gì đó trong tâm thức tôi đã biến đổi khác đi. Tôi không hề ngụ ý khuyên quý vị cứ nghe một đĩa nhạc mà quý vị ưa thích thì bệnh cúm mà quý vị có thể gặp phải sau này tất sẽ được chữa lành (!) - mà đúng hơn tôi chỉ muốn nói là một sự thay đổi thái độ [tâm thần] có thể chữa lành cho quý vị. Thành phần tâm thần của sự đau đớn là thành phần quan trọng hơn cả. Mỗi khi cảm nhận một sự đau đớn thì thông thường người ta dồn tất cả sự chú tâm của mình vào chỗ ấy và bám chặt vào đấy. Tôi tin rằng các bác sĩ chữa trị đều biết chúng ta thường hay thổi phồng một cách quá đáng sự đau đớn của mình. Sự đau đớn tất nhiên phát sinh từ nội tâm, thế nhưng nếu cứ làm cho các thớ thịt chung quanh chỗ đau căng thẳng thêm thì cũng chỉ là cách khiến cho sự chấn thương càng gia tăng thêm mà thôi. Thông thường chỉ cần phát huy một thái độ cởi mở và tạo ra sự thư giãn thì cũng đủ để khiến cho sự đau đớn trên thân xác giảm xuống một cách đáng kể. Do đó nếu càng tìm cách chống lại sự đau đớn thì lại càng làm gia tăng thêm tính cách tiêu cực của nó. Nếu chúng ta thét lên với sự đau đớn: "Hãy cút đi! không được dây dưa ở đây nữa", thì nó lại càng trở nên gay gắt hơn và trở thành một sức mạnh bất khả trị và không sao kham nổi.

Với tư cách một nhà sư Phật Giáo tôi luôn phản ứng ngược lại với cách hành xử thường tình. Thông thường mỗi khi bị đau đớn hành hạ thì người ta tìm cách thoát ra khỏi nó. Khi ngón tay bị bỏng thì tự động người ta rút tay ra khỏi chỗ nóng; hoặc nếu bị muỗi đốt thì gãi. Dù là đối với bất cứ một sự khó khăn nào xảy ra thì người ta cũng đều hành xử theo cung cách đó, và thông thường thì đấy cũng chỉ là cách khiến cho tình trạng đau đớn trở nên tồi tệ hơn. Trong cuộc sống, tôi không tìm cách tách ra khỏi sự đau đớn có nghĩa là trốn tránh các sự bất ổn trên thân xác hay trong tâm thần, mà tôi luôn hành xử ngược lại. Nếu biết hướng tâm thức mình một cách thật tự nhiên vào sự đau đớn và không hối hả tìm cách lẩn tránh nó, thì tâm thức cũng sẽ trở nên thân thiện hơn với sự đau đớn ấy và không tìm cách chống lại nó. Tâm thức sẽ làm quen với nó thay vì hận thù nó. Đấy là nguyên tắc căn bản mà quý vị nên đem ra áp dụng trong cuộc sống của mình: hãy mang lại hòa bình và chớ bao giờ gây ra chiến tranh. Hãy tỏ ra mình là một người hiếu hòa, không những đối với tình trạng gây hấn trên thế giới mà cả với cuộc chiến mà mình đang dàn ra để đối đầu với hiện thực trong cuộc sống của chính mình; đấy là cuộc chiến mà quý vị đang bung ra để chống lại đớn đau, bệnh tật, và đôi khi cũng để chống lại các vấn đề khó khăn xảy ra bên trong tâm thần mình hay bên ngoài xã hội (quả là một lời khuyên thật đẹp: nếu không đủ sức hiếu hòa với những sự bất toại nguyện tức là các kẻ thù thật nhỏ nhoi trên thân xác và trong tâm thức mình thì làm thế nào có thể mang lại hòa bình trên toàn thế giới đươc). Chúng ta tuyên chiến với tất cả những thứ ấy: "Mọi sự không được phép xảy ra như thế..., Không thể để cho chuyện ấy xảy ra như thế được, tôi phải giải quyết ngay mới được... Này đau đớn, ta cấm mi không được lẩn quẩn nơi này nhé! Này bệnh tật, mi phải cút đi ngay! Này căng thẳng thần kinh, mi phải tan biến đi tức khắc!" Chính thái độ tiêu cực đó sẽ nuôi dưỡng và làm gia tăng thêm sự đau đớn. Thế nhưng cũng có một giải pháp khác: "Đau đớn đấy à, xin chào đón bạn! Cám ơn bạn đã đến với tôi, cho tôi được tỏ bày tình thân với bạn. Đau đớn ơi, tôi quý trọng bạn như một người bạn chân tình nhất của tôi".

Tôi tập cách hành xử đó từ khi còn là một tỳ kheo trẻ ở Thái Lan. Cuộc sống bên cạnh thầy tôi là Ajahn Chah thật hết sức gay go. Thầy tôi không bao giờ cho phép một tỳ kheo hơi tí đã kêu đau! Chúng tôi sống trong một ngôi chùa trong một khu rừng trên miền bắc Thái, khí hậu thật nóng bức và ẩm ướt. Khổ nhất là muỗi quá nhiều - không biết bao nhiêu là muỗi! Mỗi tối sau khi mặt trời lặn thì phải ngồi thiền dưới một gốc cây, và mỗi khi ngồi xuống thì cứ như là cắm một tấm biển với hàng chữ "Nhà hàng ăn mở cửa". Những chiếc đầu trọc nhẵn thín của chúng tôi là những sân bay thật thuận tiện cho đàn muỗi hạ cánh! Dường như chúng biết được chúng tôi là những người phi-bạo-lực và sẽ không đập bẹp chúng như những người khác, nên cứ thế mà chúng tha hồ! Tôi là một trong số các tỳ kheo Tây Phương đầu tiên tu học ở đây, do đó đàn muỗi cũng tự do thưởng thức món ăn Tây Phương (mỉm cười). Tôi đoan chắc rằng chúng không khỏi kháo nhau rằng "Này, cứ đến khu rừng ấy thì sẽ nếm được món ăn Tây Phương!" (mỉm cười).

Thật hết sức khủng khiếp. Một hôm tôi đếm trên cánh tay tôi có đến hơn năm mươi con muỗi - tôi không nói ngoa! Chỉ cần một con muỗi thôi cũng đủ làm cho mình ngứa ngáy, nếu năm mươi hay sáu mươi con muỗi đốt mình một lúc thì hãy cứ tưởng tượng xem tình trạng sẽ căng thẳng đến mức độ nào! Không có gì che thân, không có màn cũng không có kem thoa cho đỡ ngứa... Các tỳ kheo Thái Lan hầu như không hề bị muỗi đốt, trong khi đó thì đàn muỗi cứ tìm những người Tây Phương chúng tôi mà tha hồ thưởng thức. Một hôm chúng tôi kéo nhau đến tìm vị thầy chúng tôi là Ajahn Chah để xin đổi giờ hành thiền hầu tránh muỗi đốt. Thầy chúng tôi trả lời ngắn gọn bằng cách nhắc lại cho chúng tôi về ý nghĩa của chữ "ajahn" là gì - có nghĩa là người thầy hay là người giảng dạy - và bảo với chúng tôi rằng: "Kể từ giờ phút này các bạn đã có một người thầy mới là Ajahn Muỗi, nên nhớ rằng người giảng dạy cho các bạn trước đây là Ajahn Chah nay không còn phải là thầy của các bạn nữa". Thật là một bài học tuyệt vời cho tất cả chúng tôi! Và cứ thế chúng tôi phải tu học với Ajahn Muỗi... Thế nhưng đấy cũng lại là cách giúp chúng tôi thu đạt được nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn so với sách vở, nơi trường ốc hay việc nghe giảng. Nếu muốn chủ động sự đau đớn hoặc các cảnh huống khó khăn thì phải học trong cuộc sống của chính mình. Phải hiểu rằng nếu càng lo âu thì lại càng khiến cho mình trở nên căng thẳng hơn và càng làm cho các khó khăn trở nên trầm trọng hơn. Nếu biết tạo ra cho mình một sự thư giãn thật sự hầu giúp mình buông xả tất cả, thì các khó khăn cũng sẽ biến mất.

Những gì đã trở thành thói quen đối với tôi - và thật ra thì đấy cũng chính là cách đã giúp tôi hành thiền một cách đúng đắn - ấy là sự chú tâm vào hơi thở. Mỗi khi tập trung được sự chú tâm thì mình cũng sẽ không còn cảm thấy lo lắng hay suy nghĩ đến các chuyện khác nữa; trái lại mỗi khi tâm thức đánh mất sự chú tâm thì tức khắc sự đau đớn và các chứng đau đầu (các sự suy nghĩ và lo sợ) sẽ hiện ra. Sau một thời gian tập luyện thiền định, tôi học được phép lắng sâu vào một thể dạng mà mình không còn cảm nhận được thân xác của mình nữa mà chỉ duy nhất cảm thấy một sự an bình tỏa rộng. Sau khi vừa xuất ra khỏi thể dạng lắng sâu ấy thì tôi nhận thấy một hiện tượng khá bất ngờ: dường như đàn muỗi bám trên hai cánh tay tôi đều ngủ say, bởi vì chẳng có một con nào đốt tôi nữa.

Lúc bấy giờ tôi cứ nghĩ rằng thiền định có khả năng giúp thân xác chống lại sự ngứa ngáy [vì bị muỗi đốt], thế nhưng vài năm sau đó thì tôi mới vỡ lẽ ra là muỗi đánh hơi được mình là nhờ vào khí carbon điôxít (CO²) tiết ra từ các lỗ chân lông. Vì thế nếu sự hoạt động sinh học của cơ thể càng mạnh thì muỗi càng dễ nhận biết được sự hiện diện của mình. Dưới một khía cạnh khác thì nếu mình càng lo sợ, căng thẳng và bực bội vì bị muỗi đốt thì đấy sẽ là cách càng nói lên với chúng: "Cứ đến đây! Tao đang ở đây này!". Trái lại nếu chúng ta tạo được sự thư giãn và buông xả hoàn toàn, thì các sinh hoạt sinh học cũng theo đó mà giảm xuống và đàn muỗi cũng sẽ khó nhận biết được sự hiện diện của mình. Trong lúc hành thiền tôi luôn phát huy sự thư giãn và an bình, không quan tâm đến bất cứ gì xảy ra, ngoại trừ việc chú tâm vào hơi thở, do đó các sự sinh hoạt sinh học cũng giảm xuống... và cũng chính nhờ đó mà tôi đã trở thành vô hình đối với đàn muỗi! Sở dĩ chúng không còn đốt tôi nữa là vì chúng không còn trông thấy tôi ở đâu cả. Quả đấy là một bài học đáng quan tâm. Đàn muỗi tập cho tôi biết thiền định và đồng thời cũng giúp tôi nhận thấy ảnh hưởng tích cực của thể dạng thư giãn đối với các sự bực dọc và đau đớn.

Khi nào tạo được sự thư giãn thì các sự căng thẳng cũng sẽ tan biến hết. Mỗi khi cảm nhận được một sự đau đớn xảy ra ở một chỗ nào đó trên cơ thể thì thay vì nên hình dung ra sự đau đớn ấy và hướng nó vào một bầu không gian thật rộng lớn hầu loại bỏ nó, thì người ta lại dồn tất cả tâm thần của mình vào đúng chỗ đau ấy. Cách hành xử đó chỉ khiến cho các tác động tiêu cực trở nên mạnh mẽ hơn. Tốt nhất nên phân tán các giác cảm đau đớn ra khắp thân thể, có nghĩa là hành xử ngược lại với thói quen thường thấy là tìm cách khử trừ nó.

Tại sao tôi lại phải phân tán sự quặn đau trong bao tử của tôi ra khắp thân thể: từ hai tay đến hai chân và lên đến cả đầu? Bởi vì mỗi khi phát huy được một sự tỏa rộng thì mình cũng sẽ buông xả được mọi sự căng thẳng. Nếu được phân tán rộng ra thì sự đau đớn cũng sẽ trở nên nhẹ đi và bớt gay gắt hơn. Khi bắt đầu phát huy sự tỏa rộng ấy (một hình thức thiền định) thì người ta sẽ cảm thấy sự đau đớn biến thành một khối nước đá và sau đó là một đám mây trên trời, đám mây càng lúc càng trở nên nhẹ hơn và tỏa rộng ra cùng khắp vũ trụ, và sau cùng sẽ trở nên thật mỏng rồi tan biến hết. Theo tôi thì đấy là một phương pháp thật hữu hiệu giúp mình vượt lên trên sự đau đớn, bởi vì đau đớn không hề là một thể dạng đi ngược lại với [sự chuyển động chung của] mọi sự vật mà trái lại luôn phù hợp với bản chất [tự nhiên] của chúng (sự đau đớn cũng là một hiện tượng - dharma - như tất cả các hiện tượng khác, không nên tìm cách chống lại sự vận hành tự nhiên của nó mà phải thỏa hiệp với nó, cùng chuyển động với nó, và nhờ đó mình sẽ nhận thấy nó liên hệ với mình nhưng không phải là thuộc của mình và cũng không phải là chính mình).

Mỗi khi tập trung sự chú tâm vào hơi thở thì quý vị cũng sẽ cảm thấy sự đau đớn thuộc bên ngoài [hơi thở]. Tôi thường so sánh hiện tượng này với màn ảnh của chiếc máy truyền hình: mỗi khi bắt đầu mở máy thì quý vị sẽ trông thấy cả cái khung bao quanh màn ảnh, và quý vị cũng có thể trông thấy cả bức tranh treo bên trên máy truyền hình và biết đâu cả chiếc máy đọc DVD đặt bên dưới máy truyền hình nữa. Thế nhưng vài phút sau thì quý vị không còn trông thấy (để ý đến) cái khung của màn ảnh nữa, và quý vị cũng sẽ không trông thấy cả bức tranh cũng như chiếc máy đọc DVD. Quý vị không còn nhận biết được những gì xảy ra chung quanh màn ảnh của chiếc máy truyền hình nữa. Tất cả những gì mà quý vị trông thấy chỉ là các hình ảnh [hiện ra trên màn ảnh của máy truyền hình].

(Sự kiện đó biết đâu cũng có thể giúp mình tiết kiệm được khá tiền! Ngày nay người ta thích mua máy truyền hình với màn ảnh phẳng thật to, thế nhưng trên thực tế thì dù là với một chiếc máy truyền hình có màn ảnh to hay một máy truyền hình thuộc loại xách tay với màn hình nhỏ hơn, thì các hình ảnh hiện ra trong tâm thần của quý vị cũng giống như nhau. Sự nhận thức khi đã tập trung vào một hình ảnh nào đó thì nó cũng sẽ trở thành một với hình ảnh ấy (xin lưu ý đây cũng là nguyên tắc về phép quán tưởng trong Kim Cương Thừa: quán tưởng cực mạnh vào một vị thần linh sẽ trở thành chính vị thần linh ấy)! Do đó không cần phải tốn kém để mua một màn ảnh thật to!). Những điều tôi nêu lên với quý vị thuộc vào lãnh vực tâm lý nhưng cũng là sự thật. Nếu quý vị nắm vững được sự kiện ấy thì tất quý vị cũng sẽ học được thêm một phương cách thứ hai giúp mình vượt thoát khỏi sự đau đớn: tức là cách chú tâm vào một đối tượng khác hơn và đặt đối tượng này của sự chú tâm vào bên trong tri thức của chính mình. Tôi luyện tập thiền định đã nhiều năm và tôi luôn đặt hơi thở vào tâm điểm của sự chú tâm của tôi..., và đối với sự đau đớn thì tôi đặt nó ra bên ngoài (hơi thở của tôi)! Tất nhiên là sự đau đớn lúc nào cũng hiện diện thế nhưng nó chỉ thuộc bên ngoài. Tiếp theo đó quý vị cứ tiếp tục duy trì sự chú tâm, thật kiên trì và vững vàng, càng được lâu càng tốt, cho đến một lúc nào đó - quý vị không biết đấy là lúc nào, thế nhưng quý vị biết chắc là nó đã xảy đến với mình - thì các giác cảm đau đớn bỗng tự nhiên biến mất. Tôi nghĩ rằng sự kiện ấy đã từng xảy ra với tôi khi tôi còn là một sinh viên trẻ và trong lúc đang nghe đĩa nhạc mà tôi yêu thích. Tôi chăm chú nghe nhạc đến độ mà các giác cảm đau đớn của tôi hoàn toàn biến mất.

Đôi khi sự đau đớn cũng có thể quá mạnh và mình có cảm giác là không sao có thể tách rời ra khỏi nó được - thật vậy sớm muộn một ngày nào đó mỗi người trong chúng ta đều sẽ phải đối đầu với một sự đau đớn cực mạnh như thế. Trong trường hợp này chúng ta sẽ không thể hòa nhập với nó được mà phải tìm cách trốn chạy. Tôi không ngụ ý nói đến các thể dạng đau đớn đại loại như cảm cúm hay đau bụng, mà là những thứ đau đớn kinh niên, rất khó để làm cho chúng biến mất. Đấy là những thứ khổ đau dai dẳng, kéo dài hết giờ này sang giờ khác, mà y khoa phải bó tay không sao làm giảm bớt được. Nếu quý vị còn nhớ những gì tôi giải thích trên đây về hai thể dạng khác nhau của sự đau đớn, thì tất quý vị cũng sẽ đoán được sự đau đớn ấy là gì? Có hai thứ đau đớn khác nhau: một trong tâm thần và một trên thân xác. Khổ đau trong tâm thần là thứ khổ đau khiến chúng ta phải thốt lên: "Tôi đau khổ quá nhiều rồi. Này khổ đau ơi, mi hãy cút đi thôi! Tại sao tôi lại phải gánh chịu những đớn đau như thế này?". Thật ra thì thái độ hành xử đó chỉ khiến cho sự đau đớn trở nên trầm trọng và nặng nề hơn mà thôi. Nếu quý vị đã thực sự thành công trong việc buông xả và loại bỏ được các sự đề kháng trong tâm thức mình, thì việc đối đầu với các thứ đau đớn trên thân xác sẽ hết sức dễ dàng. Thật vậy, đối với các khó khăn do hai thể dạng khổ đau trên đây mạng lại, thì chín mươi phần trăm là do các phản ứng tâm thần tạo ra, mười phần trăm còn lại là do các sự đau đớn trên thân xác.

Do đó khi nào việc đối đầu với các khổ đau tâm thần đã bắt đầu mang lại hiệu quả thì tất nhiên chúng ta cũng sẽ thực hiện được rất nhiều tiến bộ trong việc mang lại cho mình sự an bình, giúp mình tận hưởng sự vui sống, có nghĩa là không còn phải thường xuyên sống trong tình trạng đề kháng và căng thẳng thần kinh. Chúng ta phải luôn tự nhắc nhở: "Tôi phải hành xử ra sao trước sự đau đớn của tôi? Tôi phải phản ứng bằng cách nào? Tôi phải giữ thái độ như thế nào đối với các giác cảm đau đớn ấy?"

Chúng ta thường tự nhủ như sau: "Đau đớn không được phép xảy đến với tôi, chuyện đó không thể xảy ra ra được", chính vì thế nên đôi khi chúng ta cũng có thể sẽ cảm thấy mình là kẻ phạm tội (nói dối). Do đó tôi cũng thường hay bày ra một vài phương cách trắc nghiệm. Trong một buổi họp tôi nêu lên câu hỏi như sau: "Trong số quý vị ngồi đây, nếu có vị nào chưa từng biết đau ốm là gì thì xin đưa tay lên!". Không có một người nào đưa tay lên cả. Thật vậy, thỉnh thoảng tất cả chúng ta cũng đều đau ốm, chuyện ấy thật hết sức bình thường - dù cho các xã hội tân tiến ngày nay chối bỏ mọi bệnh tật và [gián tiếp] tạo ra cho chúng ta cảm tính là nếu như bệnh tật [chẳng may] xảy đến với mình thì đấy là một sự bất bình thường, và đấy cũng chính là lý do giải thích thái độ [sai lầm] của chúng ta đối với sự đau đớn, bệnh hoạn và các khó khăn [tâm thần] (chúng ta không chấp nhận sự đau đớn, bệnh tật và các đớn đau tâm thần như là những hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và bình thường): chúng ta xem các thứ ấy là những gì thật xấu xa từ căn bản, và đấy chính là một sự sai lầm rất lớn của chúng ta (câu này mang ý nghĩa rất quan trọng: chúng ta xem sự đau đớn và bệnh tật là những gì lệch lạc và xấu xa, là nguyên nhân mang lại mọi thứ tai hại cho mình. Thế nhưng đau đớn và bệnh tật nào có gì là xấu xa đâu, đấy cũng chỉ là những gì do mình muốn và do mình gây ra cho mình thế thôi - tức là nghiệp của mình do chính mình tạo ra cho mình. Dưới một khía cạnh khác thì đau đớn, bệnh tật và các khó khăn tâm thần cũng chỉ là các hiện tượng - dhamma/dharma - tương tự như tất cả các hiện tượng khác trong vũ trụ. Nếu cho rằng mọi hiện tượng đều hàm chứa Bản Thể của Phật, thì đớn đau, bệnh hoạn và các khó khăn tâm thần của mỗi người trong chúng ta cũng đều hàm chứa Phật Tính hay Chân Như. Nếu hiểu được như thế thì các xúc cảm trong tâm thức và thái độ của mình trước những khổ đau của riêng mình và cả của kẻ khác sẽ trở nên khác hơn).

Những người mang bệnh ung thư thường cảm thấy mình phạm vào một sự lầm lỗi nào đó. Tại sao chúng ta lại cứ có cái cảm giác tội lỗi ấy về những sự đau đớn và bệnh tật xảy đến với mình trong cuộc sống? Những nỗi khổ đau tâm thần ấy chỉ là những gì được đem ghép thêm vào các hiện tượng xảy ra một cách thật tự nhiên. Dù quý vị chỉ ăn gạo lứt, chăm lo thiền định, tập thể dục đều đặn và ăn toàn rau trái, thế nhưng không phải vì thế mà quý vị sẽ không bị ung thư và tránh khỏi cái chết!

Trước khi xuất gia, tôi thường xuyên tập luyện du-già (yoga) và mỗi tuần đều theo dõi chương trình truyền hình về phép luyện tập này. Người hướng dẫn có thân hình thật mềm dẻo và sức khoẻ thật tốt, thế nhưng sáu tháng sau khi được thụ phong tỳ kheo thì tôi hay tin người này qua đời vì chứng nhồi máu cơ tim. Quả hết sức khó tin, bởi vì trước đó người này hoàn toàn khoẻ mạnh! Tiếc thay bệnh tật và đau đớn là thành phần bất khả phân của sự sống, vì thế nếu các thứ ấy có xảy ra với mình thì dù có tạo ra thêm các cảm giác tội lỗi trong tâm thần - tức là xem đấy như là một thứ gì đó không suôn sẻ và không được phép xảy đến với mình - thì cũng sẽ chẳng hề mang lại một chút lợi ích nào cho mình cả.

Nếu quý vị là những người thường xuyên đến đây (tức là tại giảng đường này) thì tôi xin quý vị không nên nói với vị bác sĩ của mình như thế này: "Tôi không được khoẻ lắm: tôi đang đau đúng vào chỗ này/tôi cảm thấy đang ốm nặng", mà phải nói như sau: "Tất cả thật bình thường, tôi lại ốm đau nữa rồi bác sĩ ạ" (cười). Khi nào quý vị còn nuôi dưỡng thái độ tiêu cực đối với sự đau đớn, thì đấy cũng chỉ là cách mà quý vị biến nó trở thành nặng nề hơn thế thôi. Hãy tự nhắc nhở mình là ốm đau là chuyện bình thường, bị ung thư là chuyện bình thường, mọi người đều chết là chuyện bình thường, thỉnh thoảng nếu cảm thấy đau đớn đôi chút thì cũng là chuyện bình thường. Không nên nghĩ rằng các chuyện ấy là bất-bình-thường hay là một sự sai lầm, và cũng không nên nghĩ rằng đấy là một sự xấu xa. Từ bên trong tâm thức mình, hãy chấp nhận thể dạng [tự nhiên] ấy của sự sống và nghĩ rằng mình thừa sức để đối phó với nó và chủ động nó. Nên hiểu rằng trốn tránh là một cách quay lưng lại với thể dạng ấy, và một khi đã quay lưng lại với nó thì tất quý vị sẽ không sao nhận ra được những gì khiến mình phải bỏ chạy! Chỉ khi nào đối đầu với khó khăn thì mình mới có thể nhìn thấy nó, và nếu có trông thấy nó thì mình mới có thể khám phá ra những gì thật diệu kỳ giúp mình có thể khắc phục được nó, vượt lên trên nó và loại bỏ nó, hầu mang lại sự giải thoát cho chính mình.

Nếu đối đầu với sự đau đớn thì mình mới ý thức được các khó khăn do nó mang lại, và hình dung được sự sợ hãi tâm thần thật nặng nề mỗi khi phóng tưởng vào tương lai: "Tôi sẽ không còn lưu lại chốn này lâu dài nữa". Quý vị đang hiện diện nơi này, ngay trong giây phút này, thế nhưng những gì khiến cho sự đau đớn không sao kham nổi chính là ý nghĩ cho rằng nó sẽ còn tiếp tục từ phút giây này sang phút giây khác, từ giờ này sang giờ khác và từ ngày này sang ngày khác (nghĩ rằng căn bệnh sẽ không bao giờ lành). Chính sự chuyển động tâm thần hướng vào tương lai là nguyên nhân khiến cho sự đau đớn trở nên không sao chịu đựng nổi. Đôi khi sự hồi tưởng về những nỗi đớn đau trong quá khứ cũng có thể khiến cho mình lo sợ, vì nghĩ rằng biết đâu chúng sẽ lại tái diễn trong tương lai. Cứ mỗi lần nhìn vào những giây phút hiện tại thì mình lại dựa vào những gì đã xảy ra trong quá khứ hoặc những gì mang lại bởi các sự phóng tưởng vào tương lai, và cứ mỗi lần như thế thì các sự đau đớn tâm thần xảy ra - mà quý vị [cố tình] làm gia tăng thêm - sẽ tạo ra cho mình một tình huống thật nặng nề. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể hành xử khác hơn, tức có nghĩa là phải tập dừng lại trong giây phút hiện tại với sự đau đớn trên thân xác đúng vào những giây phút ấy. Trước đây tôi cũng đã có dịp kể cho quý vị nghe một câu chuyện với chủ đề trên đây về một vị tỳ kheo trong ngôi chùa của chúng tôi. Ông ta có hai hàm răng trong tình trạng hư hỏng cả. Thật ra tôi cũng không hiểu được tâm trạng của ông ta ra sao, chỉ biết rằng ông ta chán ngấy việc chầu chực các vị bác sĩ nha khoa. Một hôm ông ta bất thần tự mình nhổ bật một chiếc răng. Chúng tôi hỏi ông ta: "Tại sao lại làm như thế?", ông ta trả lời: "Khi đã quyết định tự làm một mình, thì sẽ chẳng có gì là khó khăn cả. Tôi chỉ cảm thấy đau trong hai giây và ngay sau đó thì hết!" (nhờ người khác giải quyết sự đau đớn của mình thì phải cầu cạnh và chờ đợi, và cũng chỉ là một cách kéo dài thêm sự đau đớn của mình mà thôi. Đấy là chưa nói đến những thứ khổ đau tâm thần kèm theo sự chờ đợi và cầu cạnh đó mà mình có thể tạo ra thêm cho mình. Tự giải quyết sự đau đớn của mình bởi quyết tâm của mình sẽ nhanh chóng và dứt khoát hơn. Câu chuyện tuy đơn giản và khá dí dỏm thế nhưng rất sâu sắc).

Ý nghĩ phải nhổ một cái răng cũng đã làm cho mình sợ hãi: sợ ngay từ lúc còn đang trên đường đến phòng nha khoa, chỉ cần nghĩ đến là tí nữa đây mình sẽ phải nhổ răng thì gương mặt cũng đã nhăn lại. Điều này cho thấy là mình đang phải đối đầu với sự đau đớn thuộc lãnh vực tâm thần, bởi vì ngay trong lúc đó thì mình chưa cảm thấy gì cả (chưa đến phòng nha khoa). Ý thức được sự kiện đó là cách giúp mình nhận thấy vai trò của tâm thần thật là quan trọng: hai giây đau đớn không nghĩa lý gì so với hàng giờ chờ đợi và lo sợ trước khi đến lượt mình ở phòng nha khoa, có đúng thế hay không? Điều đáng lưu ý đối với sự đau đớn trên thân xác là người ta không thể biết được là nó sẽ diễn tiến như thế nào từ phút này sang phút khác. Nhiều người tham dự các khóa thiền định rất ngạc nhiên khi nhận thấy mình đạt được nhiều kết quả thật bất ngờ, hoặc nhận thấy các sự đau đớn thật gay gắt của mình bỗng nhiên tan biến hết. Các kinh nghiệm đầu tiên của tôi về sự kiện này là có một lần tôi đau răng khủng khiếp - tất nhiên là tôi cũng đau răng như tất cả mọi người khác - và cũng chính trong dịp này tôi đã nhận thấy được sức mạnh vô biên của tâm thức. Một cơn đau thật khiếp đảm, có thể nói là khiếp đảm nhất trong cuộc sống của tôi. Lúc đó tôi đang tu học trong một ngôi chùa giữa rừng sâu: không điện thoại, không nha sĩ, một viên thuốc aspirin cũng không có. Chỉ biết là phải chịu đựng thế thôi. Đến đêm sau khi mọi người đã đi ngủ, cơn đau lại càng hoành hành gay gắt hơn nữa. Không sao ngủ được, tôi cố gắng ngăn chận cơn đau bằng phép tập trung vào hơi thở. Tôi phát huy sự chú tâm thật mạnh, thế nhưng cơn đau cũng quá mạnh, nó cứ tiếp tục gõ vào cánh cửa của tri thức tôi. Sau khoảng nửa giờ thì tôi không còn chịu đựng được nữa, tôi bước ra ngoài để thiền hành, thế nhưng chỉ đi được vài phút thì tôi phải phóng chạy! Không sao giữ được sự trầm tĩnh! Sau cùng thì tôi "hát vang", tôi tụng thật to các bài kinh bằng tiếng Pa-li.

Dầu sao thì tôi cũng phải thú nhận rằng lúc ấy tôi mới vừa được thụ phong tỳ kheo được một hay hai năm gì đó, và trước đó thì tôi cũng vừa rời khỏi phòng thí nghiệm vật lý ở đại học Cambridge, và tất nhiên là lúc bấy giờ với tư cách một người trí thức, tôi không hề tin vào các chuyên dị đoan mang tính cách "thiêng liêng", và cho đấy chỉ là những thứ ngu ngốc của những người Phật Giáo tầm thường (nay thì đã khác). Thế rồi tôi cứ tiếp tục hát vang - thật thế khi đã rơi vào cảnh tuyệt vọng thì người ta có thể làm bất cứ chuyện gì! Sau vài phút thì tôi không còn hát được nữa mà phải thét lên với tất cả hơi sức của mình! Trong cuộc sống không sao tránh khỏi những lúc tuyệt vọng khi sự đau đớn vượt hơn cả sức chịu đựng của mình. Tuy không còn biết phải làm gì thế nhưng người ta vẫn còn đủ sức để tự nhủ rằng tôi không sao chịu đựng lâu hơn được nữa (nếu vẫn còn đủ sức để tự nhủ rằng không sao chịu đựng được lâu hơn nữa thì cũng có nghĩa là mình vẫn còn đang đủ sức chịu đựng để thực hiện một cái gì đó). Chính những giây phút đó trong cuộc sống sẽ thật hết sức hệ trọng, bởi vì đấy có thể là chiếc chìa khóa mang lại cho mình sự bừng tỉnh tâm linh. Tôi bỗng nghĩ đến những lời của thầy tôi là Ajahn Chah mà tôi cũng đã có dịp lập đi lập lại trong giảng đường này: "Hãy xả bỏ! Hãy cứ buông ra!". Đôi khi trong cuộc sống người ta phải chiến đấu chống lại một bức tường, chống lại một sự đau đớn, và chỉ còn lại một giải pháp cuối cùng là buông ra, buông xả tất cả. Tôi xin kết thúc câu chuyện bằng sự buông xả đó của tôi - một sự buông xả thật sự. Chỉ vài giây sau khi tôi buông xả thì cơn đau của tôi bỗng nhiên biến mất. Cứ như là một phép lạ, tôi không còn cảm thấy một chút đau đớn nào nữa. Thay vào đó, hiện ra một sự an bình kỳ diệu. Chẳng phải là một kinh nghiệm tuyệt vời hay sao! Khi đã buông xả được một cách thật sự thì kết quả sẽ hiện ra ngay. Đang trong giây phút này thì mình đang đau đớn khủng khiếp, thế nhưng bước sang giây phút sau đó... thì không còn một chút đau đớn nào nữa cả! Tôi bèn ngồi xuống để thiền định hầu kéo dài thể dạng an bình ấy.

Tôi cũng xin nêu lên một điều thật quan trọng liên quan đến câu chuyện trên đây, chẳng qua là vì có nhiều người cho biết rằng họ buông xả - "Tôi buông xả! Đúng thật là như thế, tôi buông xả hết!!! (họ hét to lên với tôi như thế) - thế nhưng chẳng mang lại một kết quả nào cả". Họ phàn nàn: "Này ông Ajahn Brahm, tôi làm đúng theo lời ông bảo thế nhưng chẳng có hiệu quả gì. Toàn là những chuyện thêu dệt". Không, tôi không bịa chuyện đâu, đúng thật là như thế. Vấn đề là quý vị không buông xả một cách thật sự đấy thôi, quý vị chỉ mang ra sử dụng một kỹ thuật mới lạ mà quý vị vừa học được để tìm cách giúp mình loại bỏ sự đau đớn (buông xả phải phát sinh từ lòng từ bi trong đáy tim mình và trong nơi sâu kín nhất của tâm thức mình. Sự buông xả không phải là một phương tiện hay một kỹ thuật mà mình có thể học được từ bên ngoài. Cũng tương tự như thế, việc hành thiền phải được thúc đẩy bởi lòng từ bi của mình đối với chúng sinh và cả chính mình, hành thiền không phải là một kỹ thuật hay một "phép" luyện tập với mục đích mang lại sư an lạc và sức khoẻ, đấy chỉ là cách nuôi dưỡng cái tôi của mình cho béo phì thêm mà thôi). Buông xả không đơn giản là một hành động mà còn phản ảnh cả một thái độ hành xử giúp mình chủ động sự đau đớn. Nếu thật lòng muốn buông xả thì phải đủ sức để nói lên chẳng hạn như thế này : "Đau đớn ơi, nếu muốn thì bạn cứ lưu lại với tôi mãi mãi nhé!" - và phải hiểu được thật sự ý nghĩa của câu nói ấy là gì (khi nào chưa hội nhập được với sự đau đớn, thì nó vẫn còn là một đối tượng của tâm thức mình, là một thứ gì đó thật xấu xa, khác với mình và là... kẻ thù của mình. Khi nào sự đau đớn đã trở thành người bạn của mình và cũng là chính mình, thì khi đó mình mới có thể thân thiện với nó được). "Bạn cứ gay gắt hơn nữa nếu bạn muốn và dù bạn có đối xử với tôi như thế nào, thì cánh cửa của con tim tôi luôn mở rộng để đón chào bạn. Bạn cứ lưu lại với tôi, cứ gay gắt với tôi đi..., tôi xin được chào đón bạn". Điều này rất khó thực hiện, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta thật nhiều can đảm và cả lòng từ bi - đó là lòng từ bi đối với sự đau đớn - hầu giúp mình đón nhận nó như là thành phần của sự sống [của chính mình]. Chuyện ấy hoàn toàn không có gì là bất-bình-thường cả. Tại sao mình lại phải thù ghét sự đau đớn để mà thét lên: "Tao không còn muốn nhìn thấy mặt mày một tí nào nữa". Nếu quý vị muốn cho khổ đau được giữ cái quyền hiện hữu của nó, thì quý vị cứ để cho nó đến với quý vị và lưu lại với quý vị: đấy mới đúng là cách giúp quý vị buông xả thành phần tâm thần của sự đau đớn. Đấy là cách buông xả bản chất tiêu cực của sự đau đớn luôn đi đôi với sự ta thán, và nhờ đó tâm thức sẽ được giải tỏa, thân xác được thư giãn và đau đớn sẽ tan biến hết. Quả là một kinh nghiệm kỳ thú. Nếu thực hiện được kinh nghiệm ấy một lần, thì tất nhiên sau đó mình cũng sẽ hiểu được dễ dàng hơn là phải làm thế nào để kiểm soát sự đau đớn trong trường hợp không còn cách nào khác hơn. Tóm lại là mỗi khi cảm nhận được sự đau đớn thì không nên tìm cách chống lại nó - bởi vì đấy chỉ là cách tạo ra thêm sự căng thẳng và làm gia tăng thêm sức mạnh tiêu cực - mà phải buông xả nó, làm thân với nó, đối xử tử tế với nó. Chẳng phải là chúng ta có thừa lòng từ bi hay sao (nếu sự đau đớn - tức là nghiệp tiêu cực của mình - quá nặng thì phải biết yêu thương nó, thoả hiệp với nó và xem nó là bạn của mình, đấy là cách hóa giải sự tệ hại của nó. Tìm cách chống lại nó và xem nó là kẻ thù chỉ là cách tạo ra cái vòng xoay vần bất tận của sự hiện hữu, trói buộc mình với nó).

Nếu quý vị thực hiện được điều ấy một cách đúng đắn thì nhất định quý vị sẽ phải kinh ngạc trước các kết quả mang lại. Thành phần tâm thần của sự đau đớn luôn là thành phần gay go nhất phải chịu đựng. Dầu sao thì một ngày nào đó quý vị cũng sẽ không tránh khỏi sự đau đớn đưa đến cái chết của quý vị. Chẳng phải là quý vị rồi cũng sẽ chết hay sao? Đối với phần đông quý vị thì giây phút đó quả thật là không thú vị chút nào. Thế nhưng nếu quý vị tập nhìn thẳng vào sự đau đớn ngay từ bây giờ thì quý vị sẽ mang lại cho mình một cái chết thật êm thắm và thanh thản sau này. Dù đang phải gánh chịu sự đau đớn thế nhưng quý vị vẫn mỉm cười, vẫn quý trọng sự sống và vẫn tiếp tục tận hưởng những phút giây cuối cùng bên cạnh những người thân. Tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng đó nhiều lần, nhất là đối với những người hành thiền nắm vững được một ít hiểu biết về Dhamma (Đạo Pháp) (tức là giáo huấn của Đức Phật và cũng có nghĩa là quy luật thiên nhiên, hay là sự thật đang bao quanh chúng ta) và ý thức được là tâm thức và thân xác luôn liên hệ với nhau. Một vài người trong số họ ở trong tình trạng sắp lìa đời thế nhưng các bác sĩ chữa trị không hề biết được những gì đang xảy ra trong tâm thức họ. Họ đang tận hưởng những giây phút cuối cùng của đời mình một cách thật an bình. Chẳng phải là tuyệt vời hay sao khi được chứng kiến cảnh tượng như thế. Những gì xảy ra trước mặt mình thật đáng khích lệ và đồng thời cũng cho thấy những gì mà tâm thức có thể thực hiện được. Tôi xin kể cho quý vị nghe về câu chuyện của một trong các vị anh hùng trong lịch sử mà tôi rất ngưỡng mộ. Vị này không phải là một người Phật Giáo mà là Thiên Chúa Giáo, đó là Thánh Laurent. Tôi rất yêu quý vị này vì thái độ rất quyết liệt và không tuân theo các giáo điều có sẵn (Thánh Laurent: cha mẹ gốc người Pháp sinh ở Tây Ban Nha vào năm 210 hay 220. Đi tu tại thành phố Zaragoza cũng ở Tây Ban Nha và trong dịp này ông gặp được Giáo Hoàng Sixtus II. Ông được Giáo Hoàng phong chức phó tế và được giao phó trọng trách quản lý kho tàng của Giáo Hội Thiên Chúa La Mã. Bất thần vào năm 257 hoàng đế La Mã là Valerianus ban hành một loạt sắc lệnh ngược đãi người Thiên Chúa Giáo trên toàn thể đế quốc La-Mã thời bấy giờ, tức bao gồm hầu hết Âu Châu và vùng Địa Trung Hải. Giáo Hoàng Sixtus II và ông, cả hai đều bị bắt. Đức Giáo Hoàng bị giết ngay, thế nhưng người La-Mã tạm tha cho Laurent chờ tịch biên xong kho tàng của Nhà Thờ. Ông bèn lén đem hết kho tàng bố thí cho người nghèo. Ông bị xử tử bằng cách nướng trên một vĩ sắt. Mạn phép dài dòng là vì bài giảng này là cho người Tây Phương mà phần đông đều biết về câu chuyên trên đây. Thánh Laurent được mệnh danh là vị Thánh của người nghèo khổ. Không giữ được của thì cho người nghèo!). Thời bấy giờ những kẻ như ông ta tất khó mà tránh khỏi tai họa. (Cứ như tôi đây mà sống vào thời ấy, và nói lên những gì như tôi thường nói với quý vị vào mỗi tối thứ sáu như hôm nay, thì có lẽ tôi cũng chẳng sống lâu được!). Vậy hãy xem vị Thánh Thiên Chúa Giáo đáng kính bị nướng trên vĩ sắt như thế nào. Dầu sao thì chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ có dịp nếm thử những sự đau đớn ấy (ngày nay người ta xử tử nhân đạo hơn, chẳng hạn như bằng cách bắn, chặt đầu, thắt cổ hay tiêm thuốc vào mạch máu..., như thế chết nhanh hơn và ít đau đớn hơn). Quý vị có bao giờ bị phỏng tay hay chưa? Quý vị còn nhớ sự đau đớn ấy như thế nào không? Hãy tưởng tượng xem sự đau đớn ấy sẽ nhân lên gấp bao nhiêu lần nếu quý vị bị nướng trên vĩ sắt. Quý vị tất sẽ phải đau đớn rất nhiều. Thế nhưng con người ấy vẫn hoàn toàn giữ được khả năng tâm thần và một sự thanh thản thật đáng phục. Trước khi bất tỉnh ông ta còn kêu lên như sau: "Lật tôi sang bên khác, bên này đã chín rồi!". Tôi chỉ còn biết nói lên sự kính phục của tôi đối với con người ấy thế thôi, không phải chỉ vì ông đã vượt lên trên sự đau đớn thân xác mà còn vì lòng từ bi của ông ta nữa: ông đã nói lên một lời khôi hài cuối cùng giúp cho những kẻ nghèo khổ đang bao chung quanh được thư giãn (xử từ bàng cách "tùng xẻo" của các vua chúa Đông Phương cũng chẳng thua kém gì).

Câu chuyện đã xảy ra như thế, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tự hỏi là có thể tin được hay chăng? Theo những gì mà tôi đã trình bày trên đây thì tôi nghĩ rằng khi nào tạo được một sự thư giãn thật sự thì mình cũng sẽ buông bỏ được sự sợ hãi tâm thần. Tiếp theo đây tôi sẽ nêu lên một khía cạnh tác động khác của thiền định đối với sự đau đớn: khi tâm thần không căng thẳng thì các luồng luân lưu trong cơ thể sẽ luân chuyển dễ dàng hơn, giúp khai thông bất cứ một sự bế tắc nào. Theo sự hiểu biết của tôi về kinh sách Phật Giáo xưa - mà tôi vẫn thường xuyên đọc - thì Đức Phật có nói đến các dòng luân lưu trong cơ thể. Khi các dòng luân lưu này bị bế tắc, thì các khó khăn sẽ xảy ra ngay; các y sĩ của ngành y học cổ truyền Ấn Độ cũng có nói đến hiện tượng này. Tôi có đọc một bài viết nói về vị y sĩ của Đức Đạt-lai Lạt-ma được một bệnh viện ở Mỹ mời đến để trắc nghiệm. Các khoa học gia muốn tìm hiểu về phương pháp chẩn bệnh của ngành y học cổ truyền Ấn Độ. Họ nhờ ông chẩn đoán bệnh cho một số người nhưng không hé răng cho ông biết trước là họ bệnh như thế nào, thế nhưng kết quả do ông đưa ra thật chính xác, chỉ khác trên phương diện thuật ngữ mà thôi. Ông cho biết là các dòng khí lực của người bệnh bị bế tắc ở các điểm nào trong cơ thể. Y học cổ truyền của Trung Quốc gọi các điểm này là "chi" (còn viết là "qi").

Mỗi khi ốm đau thì các kinh mạnh dẫn truyền khí lực bị bế tắc, thế nhưng nếu quý vị lại còn tạo ra thêm tình trạng căng thẳng thì cũng chỉ là cách làm cho chúng bị bế tắc thêm. Sở dĩ quý vị không tạo được cho mình sự thư giãn là vì quý vị luôn tìm cách chống lại các sự đớn đau trong cuộc sống, do đó các quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể không sao tiến hành thuận lợi được. Thế nhưng cũng có thể hành xử ngược lại (tức là tạo ra sự thư giãn). Nhiều lần tôi đã chứng nghiệm được sự kiện này trong khi hành thiền (khai thông kinh mạch bằng thiền định). Trong các khoá ẩn cư tôi thường bảo với các người tham dự hãy cố gắng tạo cho mình một sự thư giãn thật sự và đúng nghĩa của nó trước khi hành thiền. Không bao giờ được hành thiền với một sự ép buộc, phải thật nhẹ nhàng và cởi mở, phải mở rộng hai cánh cửa của con tim mình. Nhiều người tham dự cho biết là họ cảm thấy hiện ra một số các điểm tỏa nhiệt trong cơ thể. Sự kiện đó thật hết sức kỳ thú. Một hôm có một phụ nữ tham dự hỏi tôi: "Việc hành thiền của tôi diễn tiến một cách thật thanh thản, thế nhưng không hiểu tại sao lưng tôi bỗng nhiên nóng rực lên?". Tôi hỏi lại bà ấy: "Vậy trước đây bà có từng bị đau lưng hay không?". Bà này vô cùng ngạc nhiên: "Này Thầy Ajhan Brahm, vậy thì ông đọc được sự suy nghĩ trong đầu tôi rồi. Tại sao ông lại biết là cách nay hai năm tôi bị tại nạn lưu thông?". Tôi nào có đọc được sự suy nghĩ của bà ấy đâu! Sư thật là như thế này. Quý vị bị chấn thương ở lưng, thế nhưng quý vị lại không tạo ra được một sự thư giãn cần thiết để giúp cơ thể tự chữa lành lấy nó. Trong khi ẩn cư và nhờ vào việc hành thiền bà ấy tạo được cho mình sự thư giãn giúp cho khí lực của cơ thể dồn vào chỗ đau, vì thế nên bà ấy cảm thấy nóng ran. Sau khi các sự cảm nhận ấy (cảm giác nóng ran) xảy ra thì các người hành thiền thường cho biết thêm là họ cảm thấy rất dễ chịu; tóm lại đấy là quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể. Khi nào quý vị thật sự thực hiện được thể dạng buông xả thì sự đau đớn và các khó khăn khác cũng sẽ gỉảm dần và tan biến hết (khi đã tạo được sự "thư giãn" hay thực hiện được "thể dạng định"/samatha, tức là một thể dạng "hòa nhập" thì bất cứ gì cũng có thể xảy ra với người hành thiền: từ sự lâng lâng, sảng khoái, thanh thản, đến các cảm giác phúc hạnh, kể cả các ảo giác đủ loại..., thế nhưng đấy cũng chỉ là các tác động liên hệ với các xung năng phát sinh từ nghiệp của mỗi cá thể, đấy chưa phải là sự giải thoát. Người hành thiền phải hiểu rằng không được dừng lại ở thể dạng hòa nhập đó mà chỉ nên xem đấy là các điều kiện cần thiết giúp cho trí tuệ có thể bùng lên).

Xin kể thêm một câu chuyện khác về một người đàn ông tham gia một khóa ẩn cư do tôi điều khiển. Nhiều người trong khóa học tìm tôi để phàn nàn về người này, vì trong lúc hành thiền người này thở rất ồn ào vả đã khiến toàn nhóm rất khó chịu. Tôi đành phải cho họ biết là người này bị ung thư ở mũi và đã đến giai đoạn chót. Không còn cách chữa trị nào nữa, y khoa đã bó tay, khóa ẩn cư này là dịp may cuối cùng của ông ấy. Tất nhiên là sau khi tôi tiết lộ chuyện này ra thì không còn ai than phiền nữa. Thế rồi trước khi khóa ẩn cư chấm dứt, người đàn ông ấy đến tìm tôi và nói rằng: "Thật hết sức lạ lùng, trong những lúc hành thiền tôi cảm thấy thật thư giãn, tôi nhận thấy dường như có một cái gì đó trong mũi tôi được giải tỏa". Sau nhiều tuần luyện tập người này cho biết là lần đầu tiên thở được bằng mũi, thế nhưng cũng chỉ được vài phút thì lại bị nghẹt. Bẵng đi một thời gian, tôi nghĩ rằng người này tất đã qua đời. Thế nhưng vài năm sau đó thì tôi lại gặp ông ta ở Sydney (một thành phố lớn ở bờ biển phía đông của Úc Châu). Ông ta tìm thăm tôi: "Ông có còn nhớ tôi không? Bệnh ung thư của tôi đã khỏi". Ngày nay chính ông ta đứng ra giảng dạy về thiền định! Những gì xảy ra thật đáng ngạc nhiên, thế nhưng tại sao lại có thể xảy ra như thế được? Khi nào quý vị thật sự thực hiện được sự thư giãn đúng nghĩa của nó, thì cơ thể sẽ phát động được khả năng tự-chữa-lành và sẽ giúp quý vị tránh khỏi mọi sự đau đớn. Tôi không bịa chuyện đâu: khi bắt đầu buổi nói chuyện tối hôm nay thì bao tử tôi quặn đau khủng khiếp, thế nhưng lúc này các cơn đau đớn đã giảm xuống và sắp chấm dứt. Thật hết sức kỳ diệu, dường như chúng ta có thể chủ động được sự đau đớn bằng một thái độ cởi mở, tức là không nghĩ đến quá khứ, chỉ biết rằng mình đang ở đây, đang hiện hữu trong giây phút này. Nếu quý vị không chống trả và làm dừng lại các tác động đề kháng tâm thần, thì chín mươi chín phần trăm sự đau đớn sẽ biến mất - đôi khi cũng có thể là một trăm phần trăm.

Thái độ hành xử đó cũng tỏ ra rất hiệu quả đối với các thứ khó khăn khác trong cuộc sống, chẳng hạn như bị mất việc, ly dị, có tang chế trong gia đình, có ý định tự tử... Khi phải đối đầu với các trường hợp ấy thì phải nghĩ ngay đến vai trò của tâm thần. Khi nào quý vị chủ động được các sự đớn đau ấy thì sau đó mọi việc xảy ra sẽ êm thắm hơn.

Vài lời ghi chú của người dịch

Dí dỏm, thẳng thắn, chân thật và giản dị, bài thuyết giảng trên đây của nhà sư Ajahn Brahmavamso Mahathera đã nêu lên thật sâu sắc các sự đau đớn xảy ra trong cuộc sống của mỗi người trong chúng ta. Không nhất thiết là phải trông thấy một người múa may ca hát trên đường phố hay một người bị tai nạn lưu thông máu me lênh láng, mới ý thức được sự đau đớn là gì: đau bụng, muỗi đốt, đau răng, cảm cúm... cũng đã là đau đớn rồi. Thế nhưng dù là đối với những sự đau đớn thô thiển và "lặt vặt" đó hay là những sự đau đớn tinh tế và sâu kín hơn phát sinh từ bản chất trói buộc của sự hiện hữu, thì chúng ta đều tìm cánh chống lại. Sự chống trả đó là một cách dàn quân để gây chiến với chính mình.

Chúng ta nào có thể vật lộn và gây chiến với chính mình trong suốt cuộc sống được. Cuộc chiến hay sự vật lộn ấy Đức Phật gọi là "mũi tên thứ hai" (Kinh Sallatha Sutta) mà mình tự bắn vào tâm thức mình. Sự đau đớn tâm thần đó sẽ tác động đến kẻ khác qua các mối quan hệ tương giao với họ dưới các hình thức xúc cảm đủ loại do mũi tên thứ hai gây ra. Bởi vì xúc cảm chỉ có thể dấy lên trong bối cảnh tương tác với người khác, chúng không hiện ra một cách đơn độc và vô cớ mà luôn phải cần đến một đối tượng - tức là những người khác trong bối cảnh sinh hoạt gia đình và xã hội - để có thể bùng lên. Nói cách khác thì những xúc cảm ấy là mũi tên thứ hai mà chúng ta nhắm bắn vào các người khác. Hằng ngày chúng ta bị không biết bao nhiêu mũi tên bắn trúng và đồng thời thì chúng ta cũng bắn ra không biết bao nhiêu mũi tên từ tâm thức mình nhắm vào người khác. Đấy là lý do cho thấy tại sao chiến tranh xảy ra không bao giờ ngừng trên thế giới và trong suốt lịch sử của nhân loại,.

Thế nhưng một số người cũng có thể cho rằng tầm nhìn ấy cũng chỉ có thể biểu trưng cho khía cạnh tiêu cực của xúc cảm mà thôi. Điều này rất đúng, bởi vì cũng có những mũi tên xuyên vào tim mình hay mình bắn trúng vào tim của người khác mà mình gọi là "tình yêu". Cái mũi tên "tình yêu" ấy sẽ làm phát sinh ra đủ mọi thứ phức tạp: từ thi phú, văn chương, nghệ thuật, phim ảnh, ca nhạc, cho đến quần áo, phấn son, thể dục thẩm mỹ... Phía sau các thể dạng "hạnh phúc" ấy tàng ẩn những khổ đau thật kín đáo. Đức Phật gọi đấy là cách tránh né sự đau đớn hay một hình thức bù đắp cho các sự đau đớn của chính mình. Thái độ hành xử đó được thúc đẩy bởi động cơ dục tính (Kinh Sallatha Sutta), mà chúng ta gọi trệch đi là mũi tên "tình yêu" đâm vào tim mình một cách thật "êm ái".

Bài giảng trên đây của nhà sư Ajahn Brahm nêu lên các hình thức đề kháng đó của chúng ta trước sự đau đớn, và đồng thời đưa ra một phương thức hành xử ngược lại, giúp chúng ta bẻ gẫy mũi tên thứ hai, khiến không còn một xúc cảm nào dấy lên được nữa, và đấy chính là cách mang lại sự an vui cho mình và hòa bình cho thế giới.

Trước khi chấm dứt và nhằm mục đích tìm hiểu thêm quan điểm của nhà sư đáng kính này về Phật Giáo nói chung, xin mạn phép trích dẫn một vài câu phát biểu của ông trong các bài thuyết giảng khác để cùng với người đọc suy tư:

- "Niềm phúc hạnh mang lại từ việc hành thiền vượt xa hơn các lạc thú dục tính"

- "Mục đích trong việc giảng huấn của tôi là giúp cho người nghe tự giải tỏa các thắc mắc cho mình và sẽ không còn cần đến những lời thuyết giảng của tôi nữa. Thế nhưng nếu cứ nhìn vào số người đến nghe ngày càng đông hơn, và như thế cũng đã từ lâu, thì sẽ phải hiểu rằng tôi là một người giảng huấn thật tồi"

- "Không có kinh sách nào gọi là thiêng liêng trong Phật Giáo cả, sự thiêng liêng là ở trong việc hành thiền" (lý thuyết không mang tính cách thiêng liêng, thiêng liêng chỉ có thể hiện ra khi tréo chân ngồi xuống)

- "Kết quả của một cuộc nghiên cứu thật nghiêm chỉnh đã cho thấy là việc cúng dường cho một nhà sư ít tốn kém hơn là nuôi một con chó. Vì thế mỗi gia đình nên có một nhà sư trong nhà"

- "Tại sao mình lại phải giao phó cho người khác quyền quyết định về niềm hạnh phúc trong nội tâm mình?"

- "Sự sống tương tự như một bông hoa: nở ra được một vài ngày và các cánh hoa sau đó sẽ phải rơi xuống, thế nhưng đấy lại là cách giúp cho đất trở nên phì nhiêu hơn hầu giúp cho các bông hoa khác có thể vươn lên trong tương lai"

-"Nếu ai đó có hỏi tôi sẽ đi về đâu sau khi chết, thì tôi sẽ trả lời rằng có ba nơi mà tôi có thể đến được ấy là: Karrabatta, Pinnaroo và Fremantle" (tên của ba nghĩa địa của thành phố Perth, nơi tọa lạc của ngôi chùa Bodhinyana của nhà sư Ajahn Brahm)

- "Một số người chỉ trích Phật Giáo là chỉ biết trốn chạy hiện thực. Tôi xin trả lời với họ rằng: Thật đúng, các bạn đã hoàn toàn hiểu được sự tinh túy của Phật Giáo là gì!" (theo giáo lý Phật Giáo bản chất của "hiện thực" là sự đau đớn, bất toại nguyện và thể dạng trói buộc của sự hiện hữu, và cũng là Sự Thật Thứ Nhất trong số bốn Sự Thật Cao Quý. Không chấp nhận bản chất ấy của "hiện thực" chính là cốt lõi của Phật Giáo)

- "Tôi sẽ phải phản ứng ra sao nếu một người nào đó vứt kinh sách Phật Giáo vào lỗ cầu? Thật hết sức hiển nhiên: tôi sẽ gọi người ấy là một người thợ ống nước"

- " Dù bạn là ai và dù bạn có làm gì đi nữa, thì cánh cửa của con tim tôi cũng luôn mở rộng..."

"Càng biến mất đi thì bạn sẽ càng được hạnh phúc và hân hoan hơn, càng hiện hữu ít đi thì bạn sẽ càng cảm nhận được sự giác ngộ dễ dàng hơn"

- "Nếu bắt buộc phải nói lên ý nghĩa của sự sống là gì thì sẽ phải nói như thế này: "Bạn thật xứng đáng được hạnh phúc" (kính trọng kẻ khác, nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác, mang lại hạnh phúc cho kẻ khác, yêu thương kẻ khác: chính là ý nghĩa của sự sống. Chữ từ bi đã bị lạm dụng quá nhiều và đã trở thành một sáo ngữ)

- "Nếu bạn không tin vào sự tái sinh, thì cũng chẳng sao cả. Bạn sẽ tin điều ấy trong kiếp sống sau"

- "Chớ bao giờ để cho đức tin trở thành một chướng ngại ngăn chận sự thật"

Bures-Sur-Yvette, 21.04.14

Hoang Phong chuyển ngữ

Ý kiến bạn đọc
13/03/201503:24
Khách
cho mình xin bản text bằng tiếng anh với
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/01/2025(Xem: 59)
Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng-Ni cùng các huynh đệ đồng môn pháp lữ. Kính thưa toàn thể quý Phật tử và thân bằng quyến thuộc trong và ngoài nước! Sư Cô Thích Nữ Diệu Phước, thế danh Phan Thị Niềm ( Mẫu thân của chúng con/chúng tôi), sinh năm 1940 và mãn duyên trần lúc 15 giờ 40 phút ngày 21 tháng 1, 2025 (nhằm ngày 22 tháng 12 năm Giáp Thìn), thọ thế 85 tuổi.
26/01/2025(Xem: 857)
CHIA SẺ PHẬT PHÁP: TẠO PHƯỚC BẰNG TẤM LÒNG và HỌC ĐỨC KHIÊM TỐN. Âm Đức và Dương Đức: Xin mời quý vị đọc những đoạn thơ bên dưới và cùng chúng tôi cố gắng thực tập:
26/01/2025(Xem: 424)
NGÀY XUÂN NHỚ VỀ KỶ NIỆM BÀI CA CỔ: “ LỜI NGUYỆN CẦU TRÊN ĐẤT NƯỚC VẠN XUÂN” Trong những ngày cả nước đang náo nức, rộng rã chuẩn bị đón mùa xuân mới, Xuân Ất Tỵ 2025 - Phật lịch 2568. Là một người con Phật, yêu Dân Tộc, yêu Đạo Pháp thiết tha từ những ngày ấu thơ và trưởng thành qua các đoàn thể thanh niên Pht giáo thuần túy, cho đến tận hôm nay; đóng góp cho thành quả chung qua khả năng chuyên môn, nhất định của mình. Do vậy trong long người viết cũng rộng ràng với mùa xuân không kém, đặc biệt với khía cạnh lịch sử Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam (PGVN) , điều đó càng trở nên sâu đậm, nhiều ý nghĩa hơn.
25/01/2025(Xem: 257)
Tôi sinh ra đời khi Thế chiến thứ hai bắt đầu bùng nổ tại Âu châu. Thế nhưng tại một tỉnh lỵ nhỏ bé tại miền Nam trên quê hương tôi, nơi tôi sinh ra đời, thì người dân vẫn sống yên lành. Thật ra gốc gác của gia đình tôi ở thật xa nơi này, tận miền Bắc. Cha tôi là một công chức trong chính quyền thuộc địa, được thuyên chuyển về cái tỉnh lỵ này một năm trước khi tôi ra đời. Tuy thế, khi lớn lên tôi vẫn cứ xem cái tỉnh lỵ bé tí xíu đó là cả một góc quê hương gần gũi và thân thiết nhất đối với tôi, nơi mà người ta chôn buồng nhau của mẹ tôi và cái cuống rốn của tôi.
25/01/2025(Xem: 758)
Xuân về, mong đời một cõi an nhiên! Ngày 25 tháng chạp, khi Trời còn nặng hơi sương, tôi thức dậy sớm để cùng gia đình chuẩn bị tảo mộ ông bà, một phong tục thiêng liêng của người Việt Nam. Buổi sáng, tôi theo dì đi chợ, chợ hôm nay đông hơn mọi ngày, không khí Tết đã về trên những nẻo đường, tấp nập và nhộn nhịp. Sau khi đi chợ về, cậu làm một mâm cơm để cúng, xin ông bà cho phép cháu con được động vào mồ mả, rồi tôi và người trong gia đình bắt đầu quét dọn, nhổ cỏ, lau mộ, những nén nhang trầm tỏa làn khói ấm làm cho không gian nơi yên nghỉ của ông bà tổ tiên càng trở nên linh thiêng, ấm cúng.
25/01/2025(Xem: 434)
Từ đâu có tham, sân, sợ hãi, niệm? Nguyên Giác Trong Thiền Tông thường nói rằng khi ngọn đèn sáng thắp lên, thì bóng tối của vô lượng kiếp sẽ biến mất. Hình ảnh đó còn được giải thích là, khi người tu thấy được ánh sáng của bản tâm, nơi không có gì được bám víu, thì vô lượng nghiệp xấu đều biến mất. Kinh điển giải thích điểm này thế nào?
22/01/2025(Xem: 668)
Vần Thơ Tiễn Biệt Bạn Hiền Phật tử Nguyễn Thị Truyên Pháp danh: Quảng Hoa (1957-2024)
22/01/2025(Xem: 419)
(Lời giới thiệu của Nguyên Giác: Phật Giáo chưa bao giờ biến mất khỏi Ấn Độ. Phật Giáo chỉ tàng hình, hội nhập vào văn hóa Ấn Độ. Bài viết nhan đề "Theory That Buddhism Vanished From Its Birthplace, India, Is Being Challenged" [Lý Thuyết Nói Rằng Phật Giáo Biến Mất Khỏi Nơi Xuất Phát, Ấn Độ, Đang Bị Thách Thức] là của P. K. Balachandran, một nhà báo Ấn Độ kỳ cựu làm việc tại Sri Lanka cho các cơ quan truyền thông địa phương và quốc tế và đã viết về các vấn đề Nam Á trong 21 năm qua. Bài này trên tạp chí Eurasia Review, nhận định về sách "Casting the Buddha: A Monumental History of Buddhism in India" [Đón Nhận Đức Phật: Một Lịch Sử Hùng Vĩ của Phật Giáo tại Ấn Độ) của tác giả Shashank Shekhar Sinha]. Sau đây là bản Việt dịch.)
21/01/2025(Xem: 406)
Khoa học hiện đại đã cho thấy là tình trạng sạch sẽ của răng và miệng (oral hygiene - tiếng Anh) có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người. Ca dao tục ngữ tiếng Việt cũng đề cao tính chất của hàm răng như ‘răng long đầu bạc; thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng; cái răng cái tóc là góc con người …’, qua đó ta có thể thấy được phần nào vẻ đẹp (ngoại hình) và sức khoẻ toàn diện con người. Trong truyền thống người Việt, chăm sóc răng không đòi hỏi gì nhiều: từ nhỏ thì dùng tăm, khi lớn thì dùng cau khô ...v.v...
21/01/2025(Xem: 757)
Khoa học hiện đại cho thấy là sức khoẻ con người tuỳ thuộc vào các vận động thường ngày, cụ thể như tập thể dục, đi bộ nhiều hay ít chẳng hạn. Tuy là một hoạt động nhỏ nhặt ít ai để ý đến, nhưng đi bộ lại đem đến cho ta những lợi ích to lớn không lường cho sức khoẻ con người. Điều này cũng được ghi nhận trong các tài liệu Phật giáo cổ đại, thí dụ như trong cuốn Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện của pháp sư Tịnh Nghĩa, soạn vào đầu thập niên 690. Bài này chú trọng đến điều 23 trong 40 điều[2] (hay chương) của tài liệu trên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]