Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuỗi Nhân Duyên (T.T.Nhật Hưng)

04/04/201411:12(Xem: 28484)
Chuỗi Nhân Duyên (T.T.Nhật Hưng)






Kể từ khi mon men đến cửa chùa, tôi thường nghe hai chữ Nhân Duyên. Nghe đi nghe lại hoài hai chữ đó bắt đầu nhập vào tâm trí tôi lúc nào không biết. Nhưng với thời gian, tôi nhận thêm rằng, nhân duyên không chưa đủ mà phải hội đủ nhiều nhân duyên kết hợp lại thành Chuỗi Nhân Duyên mới có kết quả. Giống như trồng cây, nắm hạt mầm trong tay, phải đợi ngày đẹp trời gieo xuống đất, tưới nước, có nắng và phù hợp thời tiết nữa thì mới lên cây rồi trổ hoa, trổ trái.

Nếu luận về nhân duyên như vậy thì việc tôi hân hạnh biết và quen với Thượng tọa Thích Nguyên Tạng cũng từ kết hợp nhiều nhân duyên để hôm nay tôi mới có bài viết này.

Từ lâu rồi, lâu lắm, tôi không nhớ là bao giờ, ngày tháng năm nào, thỉnh thoảng tôi cứ thấy trên màn hình Computer, đấng lang quân của tôi hay mở Trang Nhà Quảng Đức để xem hình, tìm tòi đọc bài gì đó, rồi khoe với tôi: Em ơi, tới đây xem Tu Viện Quảng Đức ở Úc nè. Tu Viện đẹp quá. Quý Thầy bên đó sao giỏi quá. Thật mừng cho Phật giáo”.Tôi chỉ ừ hử ghé mắt nhìn cho biết để vừa lòng chàng và thấy ngôi chùa có đẹp thật, tôi cũng thờ ơ như từng ngắm nhìn bao ngôi chùa lớn, đẹp ở hải ngoại chẳng ăn nhập gì với tôi. Khi chưa để tâm thì có...nhét bao điều cũng vô ích thôi. Tuy nhiên đối với tôi, vẫn như là hạt giống, chàng giao tôi...cất tủ chẳng biết khi nào gieo.

Thế rồi đến một ngày, vào đầu năm 2013, nhân có chuyến Hoằng Pháp do Hòa Thượng Thích Như Điển tổ chức đi thuyết giảng ở các quốc gia ở Âu Châu, trong đó có đến giảng tại quốc gia Thụy Sỹ nơi tôi đang định cư. Đọc danh sách trong ban giảng huấn tôi thấy có Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng ở Úc, người mà chồng tôi khen trước đây, từng...cấy chủng tử vào đầu tôi, đặc biệt nữa Thượng Tọa được công cử giảng thuyết cho khóa tu học của anh em Gia Đình Phật Tử Thụy Sĩ mà tôi tham dự hằng năm. Bấy giờ “hạt mầm” mà tôi cất bấy lâu mới có cơ hội để nghĩ đến. Chỉ mới lờ mờ nghĩ thoáng thôi, rồi tôi thưa với chồng tôi, vị Thầy mà chàng nói đây phải không. Thế nhưng, khóa học đó, tôi vẫn chưa có duyên gặp được Thầy vì lộ trình của Thầy thay đổi.

Nhưng đã gọi là duyên, có lẽ kết từ bao đời thì cuối cùng tôi cũng gặp được Thầy vài tháng sau đó trong buổi thuyết giảng khi phái đoàn Hoằng pháp Âu Châu giảng thuyết tại Tu Viện Viên Đức, Đức quốc, cách nhà tôi độ 2 tiếng xe hơi. Nhìn danh sách của phái đoàn giảng huấn, tôi nhận ra toàn “cao thủ võ lâm” đã thôi thúc tôi tham dự, nếu không, coi như mất ¾ cuộc đời!

Tại khóa học, được sự giới thiệu của Hòa Thượng Như Điển để mọi người, nhất là người cầm bút biết nhau; sau một buổi sinh hoạt, Thầy Nguyên Tạng gặp tôi nói: Thầy có nghe HT Như Điển kể về chị, một trong những cây bút nữ của Báo Viên Giác. Từ đây, xin chị hoan hỷ gởi bài để đóng góp cho Trang Nhà Quảng Đức nhé!”.Tôi dạ vâng nhưng lòng thì chưa biết liệu sao vì tôi chưa có khái niệm gì về website hay trang nhà gì cả. Tuy vậy, sau khóa học, khi viết xong bài tường thuật, tôi mò mẫm tìm địa chỉ mail của Thầy trong trang nhà rồi gởi bài. Đó là lần đầu tiên, tôi cầm chìa khoá mở cánh cửa website để bước thêm vào thế giới văn minh hiện đại của ngành công nghệ tin học!

Bài gởi đi, được Thầy online xong gởi cho đường link, tôi mở ra đọc được một đoạn thì... đứt đuôi. Mò mẫm mãi, mù tịt, vì chưa rành, không tìm thấy cái...đuôi của bài viết đâu, có thể do đường truyền internet bị cắt, có thể do server của website bị down, nên không đọc được nữa, tôi đành bỏ cuộc, coi như...nghỉ chơi luôn với cái gọi là website hay trang nhà gì đó!

Thế nhưng đã bảo, có duyên thì việc gì đến phải đến. Vài tháng sau đó nữa, nhân viết bài tưởng niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm (Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc)viên tịch cần phổ biến rộng rãi ngay trên...trang nhà cho nóng hổi - lại trang nhà nữa - thế là đang muốn...nghỉ chơi, tôi lại phải mon men tới...làm lành! Lại tìm địa chỉ mail của Thầy Nguyên Tạng để gởi bài! Lần này, sau khi online xong, gởi lại link thông báo bài đã vào mạng và Thầy có viết cho tôi thêm vài câu: Xin chị cho Thầy tất cả những bài viết, truyện của chị cùng gởi một hình chân dung và đôi nét về chị để Thầy đăng vào trang tác giả”. Lời ân cần của Thầy như thế đã đánh động tâm trí tôi, nhưng chưa bằng câu Thầy ghi chú: Thầy còn nhớ chị có những bài viết về nỗi gian lao vất vả khi mới bước chân của người tỵ nạn đến Thụy Sĩ đầu những năm 80, nhớ gởi luôn cho Thầy!”.Tôi ngạc nhiên, đó là bài “Cánh Chim Lạc Đàn(xem bài này) tôi viết đã hơn mười năm sao Thầy ở tận mãi Úc Châu lại biết đến mà còn nhớ rõ?! Bài viết này nói lên tâm trạng của kẻ tha hương với bao nỗi nhớ nhung da diết quê nhà, còn bỡ ngỡ lạc lõng với cuộc sống mới, chưa quen với không gian, thời gian và khí hậu lạnh lẽo nơi xứ người, phải nỗ lực phấn đấu hết mình để đứng vững và tiến tới, phải chăng Thầy đã trải nghiệm để cảm thông?!

Để cảm kích tấm lòng của Thầy, tôi bắt đầu lục lọi, gom góp lại tất cả những bài viết tản mác nằm ở đủ mọi máy từ Computer bàn, đến Laptop, USB, và cả một số bài thời viết tay tôi đã phiền Ban Biên Tập báo Viên Giác Đức quốc gởi lại cho và nhờ cô bạn văn Hoa Lan thân thiết...hóa phép mẫu chữ... của năm một ngàn chín trăm hồi đó cho phù hợp với mẫu chữ tiếng Việt hiện tại (mời xem tất cả).

Cùng với các bài tôi chuyển đi, tôi luôn nhận lại từ Thầy những bài viết, truyện...rất bổ ích của nhiều tác giả khắp thế giới và cả những thông tin, sinh hoạt, không chỉ của Tu viện Quảng Đức mà còn khắp mọi nơi nữa, giúp tôi thêm kiến thức về Phật Pháp.Từ đó, tôi không còn bỡ ngỡ xa lạ như nai vàng ngơ ngác mà bước từng bước chập chững, nhẹ nhàng vào thế giới văn minh của cái gọi là trang nhà, website, qua đó tôi lùng sục, tìm tòi...biết thêm về Thầy Trụ trì Tu Viện Quảng Đức là Thượng Tọa Tâm Phương (bào huynh của Thầy Nguyên Tạng), là người khai sơn, xây dựng tu viện hơn 20 năm qua tại Úc; biết thêm nhiều...hiền sĩ dưới trướng của hai Thầy, đã hết lòng đóng góp xây dựng tu viện về mọi mặt đã đưa Tu Viện Quảng Đức rạng rỡ như ngày nay.

Khiến được tướng, điều được binh của hai Thầy đó chính là khả năng của người vừa có tài vừa có đức vậy. Mà đức, không chỉ của bản thân đời này mà còn kết hợp từ bao kiếp trước mới thuận duyên được.

Nhân chuyến về Việt nam thăm gia đình và ăn Tết tại quê nhà, tôi lại có duyên gặp lại Thầy dịp Thầy về làm từ thiện cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung, Thầy lại gọi tôi giúp Thầy vì gia đình tôi cư ngụ tại miền Trung.

Đón Thầy tại phi trường Đà nẵng, Thầy khoan thai bước ra với chiếc valy kéo cùng với người anh ruột sinh sống tại Việt nam. “Phái đoàn” từ thiện cuối cùng chỉ có bốn người kể luôn anh tài xế.

Trên đoạn đường dài Đà nẵng - Huế - Quảng trị, giữa thời điểm giao mùa của miền Trung, nắng Xuân đã ngấp nghé bên thềm pha lẫn cái se lạnh của mùa Đông còn rơi rớt đâu đó tạo cho không gian mát mẻ dễ chịu. Ngồi trên xe, phía sau cùng bào huynh của Thầy, Thầy ngồi phía trước, tôi tranh thủ học...đạo với Thầy. Tôi thắc mắc đủ thứ, những điều căn bản đơn giản nhất mà một Phật tử luôn cho mình là thuần thành lại không biết, có đáng xấu hổ không?! Tôi đặt câu hỏi:

Thich Nguyen Tang-21

- Thưa Thầy, bên các Ni, cách xưng hô thế nào cho đúng với chức vụ cao thấp của một người tu? Con không phân biệt được Ni cô, sư cô, Ni sư, Ni bà, Sư bà....gì cả?

Thầy trả lời: Ni cô (Sa Di Ni) tương đương với Sa Di bên Tăng, Sư cô tương đương với Đại đức. Ni sư tương đương vớiThượng tọa. Sư bà hay Ni trưởng tương đương vớiHòa thượng.

- Còn sự khác biệt giữa Sa di và Tỳ kheo là thế nào, thưa Thầy?

- Một người tu, từ 14 đến 19 tuổi được thọ Sa di với 10 giới cấm sau khi đã học thuộc 2 thời công phu sáng chiều và 4 quyển luật Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách. Tỳ kheo từ 20 tuổi với 250 giới cấm. Riêng bên Ni thì 348 giới và gìn giữ bát kỉnh pháp, sau khi được truyền Tỳ Kheo, cả Tăng Ni đều được truyền luôn Bồ Tát Giới Xuất Gia. Muốn thọ giới phải có sự chấp thuận của Bổn sư và chờ khi có giới đàn do Giáo Hội tổ chức mới thọ được. Giới đàn như một sự truyền đăng tục diệm cho đời tu của mình. Đại giới đàn kéo dài cả tuần lễ, 3 ngày đầu là lễ Phật sám hối, 4 ngày sau là thi khảo hạch (thi viết bài và trả lời câu hỏi trực tiếp của Giới sư), giới tử nào đủ điểm đậu mới được đăng đàn truyền giới. Giới đàn còn được gọi là "Tuyển Phật Trường", có nghĩa "Trường tuyển người làm Phật".

- Bạch Thầy, nhưng con vẫn còn một chút thắc mắc, được thọ Sa Di từ 14 tuổi đến 20 tuổi. Vậy thì 21 trở lên đến 70, 80 tuổi mới đi tu, sẽ được miễn làm Sa Di hay sao ?

- Câu hỏi rất hay, giúp xóa tan những hiểu lầm của người đệ tử Phật. Đã là xuất gia, phải đi theo trình tự từ thấp đến cao, không ai được phép miễn cả, chỉ trừ Thánh Nhơn, nhưng ngay cả Lục Tổ Huệ Năng đã đắc đạo khi còn là một cư sĩ tại gia, nhưng sau đó phải được làm lễ xuất gia đàng hoàng mới ra hoằng pháp độ sinh. Nếu người đi tu trên 20 tuổi hoặc hơn, cũng phải có thời gian tập sự, học Kinh, Luật và giáo lý căn bản, từ một năm đến ba năm sau mới thọ Sa Di, và ba năm sau mới thọ Tỳ Kheo. Sau khi thọ Tỳ Kheo phải tham dự khóa An Cư tu học, từ đó mới tính tuổi Hạ. Tuổi Hạ được tính từ năm thọ Tỳ Kheo. Các vị Tỳ Kheo được tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng Toạ là đủ 20 tuổi Hạ và 40 tuổi Hạ là Hòa Thượng.

- Bạch Thầy, vừa rồi đọc đôi nét về Sư Cô Huệ Trân trên trang nhà, con thấy sau thọ Sa Di Ni thì là Tỳ Kheo, sao Sư Cô còn thọ giới "Thức Xoa Ma Na" sau Sa Di và trước Tỳ Kheo giới nữa ? Thức Xoa Ma Na là gì ?

- Giới này chỉ áp dụng cho bên Ni mà thôi. Thức Xoa Ma Na là tiếng Phạn, Tàu dịch là Học Pháp Nữ. Có nghĩa là trong 2 năm vị này phải gìn giữ 6 giới, không phạm phải giới nào, và phải thọ học giới pháp và oai nghi của một vị Tỳ Kheo Ni. Tập sự làm một Sư Cô. Nếu đầy đủ giới hạnh, vị này sẽ được Thầy Bổn Sư gởi đi thọ Tỳ Kheo Ni giới.

Được Thầy hoan hỉ trả lời, tôi hỏi tiếp nữa: Thưa Thầy, thế nào là đắc đạo và làm sao biết người tu đó đắc đạo?

- Đắc đạo là người tu tận trừ sạch sẽ phiền não và vô minh (kiến hoặc, tư hoặc) và ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Theo Phật giáo, đắc đạo là chứng đắc từ 1 đến 4 thánh quả đó là:1.- Tu Đà Hoàn; 2.- Tư Đà Hàm,3.- A Na Hàm, 4-. A La Hán. Sau đó là Bồ Tát và Phật. Ví dụ, ai tận diệt được 3 kiết sử đầu tiên là Thân kiến, Giới cấm thủ và Hoài nghi là đắc quả Tu Đà Hoàn nhập vào dòng Thánh....Cứ theo đó mà làm thước đo để biết đắc hay chưa.

Chao ôi, nghe những danh từ chuyên môn Phật học mà tôi cứ như vịt nghe sấm. Đến chùa đã mấy chục năm trời, tham dự Khóa Tu Học Âu Châu đã có tới 20 năm, tôi cứ tưởng mình sắp ... đắc quả rồi, tôi hỏi chỉ là để xác định thêm xem mình có đúng không mà thôi, té ra phải nhiều kiếp nữa may ra tôi mới chỉ mấp mé được tới chân thềm của quả Tu Đà Hoàn, vì chỉ nội trong tâm trạng của “Việt Kiều hồi hộp” đi trên quê hương, tôi đã hoài nghiđủ thứ. Một nỗi bất an không phải là vô cớ khi tôi nghe chính bạn bè, người thân tại quê nhà cảnh báo đề phòng: Nào là thực phẩm độc hại bị xịt thuốc, nào là coi chừng kẻ gian giựt dây chuyền, xách đầm; thậm chí Laptop, điện thoại di động ngồi trong nhà hay quán cà phê cũng có thể bị phỗng trên tay. Và thậm chí nữa làm từ thiện phải giao tận tay người nhận mới an toàn…Ôi, đúng là kiếp nào đó tôi vụng tu nên mới phải chịu kiếp nạn như thế.

Đến Huế bắt tay vào công việc từ thiện, Thầy đưa máy ảnh giao tôi công tác chụp hình. Nhìn Thầy...lặn lội đi hết địa điểm này đến địa điểm kia, hết Huế thẳng tiến ra Quảng Trị, phát quà tất cả 4 nơi (3 nơi tại Huế với mỗi nơi 100 phần quà. Nơi này đến nơi kia xa lắc. Một nơi tại Quảng trị 200 phần quà. Mỗi phần trị giá 300 ngàn đồng Việt nam). Thầy điều động phân phối giao tận tay người nhận mới an lòng khi sức khỏe của Thầy vừa mới bịnh xong mỗi ngày đã phải uống một vốc thuốc, tôi cảm nhận tinh thần trách nhiệm và lòng từ bi của một người tu nơi Thầy.

Không có thời gian nào để dạo phố hoặc tham quan dù sau Quảng Trị đến Hội An, nơi có thành phố cổ nổi tiếng vào lúc 20 giờ tối. Chương trình lại tiếp tục sáng sớm hôm sau vô Quảng Ngãi (thành phố gia đình tôi đang cư ngụ) nơi có chùa Viên Giác - nhưng người dân quen gọi chùa Thình Thình - tọa lạc trên núi Thình Thình, một ngọn núi có tích khi ta dậm chân sẽ phát ra tiếng thình thình.

Chùa Thình Thình, núi Thình Thình.

Ai lên đến đó cho mình hỏi thăm.

Vì đâu nên tiếng nên tăm.

Để cho miếng đất ngàn năm thình thình.

Nhưng truyền thuyết còn cho là, chỉ người nào ác đi mạnh trên mặt núi mới phát tiếng thình thình. Còn tôi...hiền mà, hèn gì...dộng chân chứ không phải...dậm chân chả thấy phát tiếng gì cả.

Con đường lên núi Thình Thình thật cam go khúc khuỷu. Cơn mưa hôm nào làm đường lên núi nhão nhoẹt, xe cứ tụt xuống hoặc lún bánh vô cùng vất vả. Nhưng cuối cùng cũng đến nơi. Thầy lên viếng chùa, thăm Sư cụ Trụ trì đã 104 tuổi, cúng dường và giao tịnh tài do Hòa Thượng Huyền Tôn trao gởi (xem hình).

Sau chùa Thình Thình, xe lại tiếp tục lên một núi khác thăm chùa Thiên Ấn, nơi có chiếc giếng Phật huyền bí và chiếc chuông thần linh thiêng (xin xem thêm bài Sự Tích Giếng Chùa Thiên Ấn Quảng Ngãicủa cùng tác giả).

Tu_Vien_Quang_Duc (4)Tu_Vien_Quang_Duc (8)

Một điều đặc biệt khiến tôi vô cùng cảm động, Thầy đã ghé nhà thăm Thân phụ tôi đã 103 tuổi. Ba tôi tuy rất minh mẫn và khỏe mạnh nhưng mắt kém và nặng tai. Ba chỉ lờ mờ hỏi tôi ông Sư hả, ông Sư ở Úc đến hả với một nét mặt vô cùng hoan hỉ.

Bây giờ, qua Chuỗi Nhân Duyên, tôi không còn xa lạ với Trang Nhà Quảng Đức nữa, và dù không gian cách trở nhưng với công nghệ tin học, qua mạng lưới Internet mà Thầy Nguyên Tạng gọi “Siêu xa lộ thông tin” tôi vẫn có thể thăm tu viện, thăm Thầy cùng biết được mọi sinh hoạt Phật giáo không chỉ riêng tu viện mà cả thế giới nữa.

Tôi ở xa, chưa một lần đến Úc, nhưng nhìn thấy qua hình ảnh của tu viện nguy nga và đồ sộ trên mạng, tôi biết rất rõ là để có được ngôi Phạm vũ trang nghiêm như thế này, cả hai Thầy đã đánh đổi bao công sức, gian lao khó nhọc, nỗ lực kiên trì, và nhất là tạo tín tâm để cộng đồng Phật tử gần xa cùng nhau để hỗ trợ mới có thành quả như thế.






Có người cho rằng tu hành xây chùa lớn làm gì, sao không lên núi tu trong cái am…cỏ cho thanh tịnh vắng vẻ dễ đắc đạo. Vâng, điều đó quả không sai, nhưng tu như thế là tu cho riêng mình, tự giải thoát cho riêng mình. Đạo Phật có 84 ngàn Pháp môn để tu, tùy căn cơ trình độ để lựa chọn. Nếu muốn thực hiện Bồ Tát Hạnh, tu lợi tha, nghĩ cho người khác, sống cho tha nhân thì phải dấn thân với ước nguyện đem giáo Pháp, ánh sáng giác ngộ truyền bá nhân gian thì ngôi chùa lớn sẽ là phương tiện và phải thuận tiện nữa, thích hợp với đời sống của người dân, mới có thể hằng thuận chúng sanh được. Ngày xưa chính Đức Phật cũng chọn khu đất ven ô vắng vẻ thanh tịnh cùng tăng chúng tu tập nhưng không xa thành phố mấy để tạo sự dễ dàng đi lại cho quý Ngài đi khất thực và cũng giúp cho hàng đệ tử đến học Phật và hộ trì. Nhưng chùa lớn không có nghĩa là đã dấn thân mà chúng ta còn ghé mắt nhìn vào để qua đó thấy được mọi sinh hoạt trong chùa để định giá trị của ngôi phạm vũ đó, thì ở đây, cứ nhìn vào các bảng sinh hoạt, những buổi thuyết pháp cho người Việt và cả dân bản xứ, những lễ lạc qui mô qui tụ hằng ngàn người, và đặc biệt nữa qua Trang Nhà Quảng Đức đọc được….bao tác phẩm dịch thuật, cũng như những câu truyện ngắn đạo, đời, tiếng Việt có, tiếng Anh có v.v... và v.v... của Thầy Nguyên Tạng, không kể Thầy còn có tinh thần "cầu hiền”, tìm những người hiền với thiện chí trưng dụng đúng khả năng và đặt họ đúng vào vị trí của chiếc xe đang lăn để thêm lực cho bánh xe Chánh Pháp chuyển động thường vẫn là tác phong của người lãnh đạo tài ba, mà tâm lý người hiền thì mong gặp được minh chúa, chúng ta mới thấy công trình trồng sen trên tuyết(xem bài) vất vả thế nào, mới thấy sức làm việc của hai anh em Thầy dành cho Phật giáo VN ở hải ngoại.

Hòa Thượng Thích Như Điển (xem bài) có nói một câu tôi rất tâm đắc “Trong hàng tu sĩ cũng có hạt chắc hạt lép, chỉ cần vài hạt chắc Phật giáo đủ trường tồn và phát triển”, thì ở đây, không chỉ riêng hai anh em Thầy mà khắp mọi nơi nhìn chung đã có nhiều “hạt chắc” giúp cho Phật giáo nước nhà trong cũng như ngoài nước rạng rỡ như bây giờ! Đó là điều vui mừng lắm thay.

Nam Mô A Di Đà Phật

Viết tại Thụy Sỹ đầu năm 2014.

Trần Thị Nhật Hưng




Hình ảnh TT Nguyên Tạng ủy lạo tại Miền Trung



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/02/2019(Xem: 7288)
Thượng Tọa Horowpothane Sathindriya Thera hiện trú tại Trung tâm Thiền Định Phật giáo (Samadhi Buddhist Meditation Centre), ở Campbellfield, Victoria, Úc. Tất cả mọi người trong xã hội đều kiếm tìm hạnh phúc. Hòa bình, an lạc, thanh tịnh, thư giãn, tự tại và hạnh phúc là những điều chúng tôi muốn nói đến ở đây.
23/01/2019(Xem: 6580)
Chúng tôi quay trở lại Trung tâm Từ thiện và Hướng nghiệp Phật Tích lần thứ 3 trong năm 2018 với mục đích giao lưu và truyền động lực cũng như khát vọng vươn lên trong cuộc sống cho các em nhỏ sống tại trung tâm. Mỗi một lần đến Trung tâm Phật Tích chúng tôi đều luôn vô cùng bất ngờ và hạnh phúc bởi những gương mặt trẻ thơ, ngoãn ngoãn và đầy hoạt bát của các em
23/01/2019(Xem: 5647)
Đến dự lễ cúng Tất niên tại Chùa Tịnh Quang ở Suối Hiệp, được đọc và nghiền ngẫm lại "Mười Điều Tâm Niệm" ngay tại chỗ, tự dưng thấy hỗ thẹn vô cùng, thấy mình quá yếu đuối, hèn nhát, trước pháp Phật vi diệu mà mình đã từng được nghe, được đọc, được học. Lòng nặng trĩu, bèn lên chánh điện lạy sám hối...
23/01/2019(Xem: 7797)
Trong kho tàng văn chương truyền khẩu hay huyền thoại Việt Nam đã có nhiều chuyện duyên-nợ. Chẳng hạn chuyện tích Mưa Ngâu mà dân gian đã có thơ truyền tụng: Tục truyền Tháng Bảy mưa ngâu. Con Trời lấy đứa chăn trâu cũng phiền. Một rằng duyên hai là rằng nợ. Sợi xích thằng ai gỡ cho ra.
17/01/2019(Xem: 7681)
Có nhiều người cho rằng cầu an cầu siêu là mê tín dị đoan rồi chê bai ... đối với những người đi cầu an cầu siêu. Lại có không ít người chưa hiểu biết về chuyện cầu an cầu siêu rồi lại rất cuồng tín, thậm chí làm ra những việc còn mang nhiều tội lỗi hơn như việc giết hại sinh vật cúng tế, đốt nhiều vàng bạc .... rồi muốn cầu Phật Thánh Thần ... gia hộ, thế nhưng tất cả những người trên ấy đều vô minh không thể mang lại phước đức mà còn tốn tiền, tốn thời gian và mất tiền của đã không có phước mà phải mang thêm tội lỗi chồng chất.
17/01/2019(Xem: 6204)
Có những kỷ niệm ta tưởng đã được cất giấu tận đáy sâu tâm hồn và sẽ phải mờ theo thời gian, theo sự đổi thay, sự trưởng thành của ta , nhưng không .....nó không hoàn toàn mất đi ...mà thật ra vẫn tồn tại trong cơ thể ta qua những hình thức vật lý hay khuôn mẫu mà ta ứng xữ và đó cũng chính là nguyên tắc mà tôi đã học về nghiệp ....hay nói đúng hơn là những trải nghiệm trong cuộc đời ....
15/01/2019(Xem: 14979)
“Một nữ cư sĩ đến gặp vị thầy trụ trì và nói: "Bạch Thầy, Con không đi chùa nữa!" Vị Thầy hỏi: – Vậy à, Đạo hữu có thể cho thầy biết lý do không?
14/01/2019(Xem: 7802)
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - (phần 13) vài nhận xét về cách dùng tên bộ phận cơ thể ở phía dưới như lòng, bụng, dạ, ruột[1] cho đến vật âm mình! Nguyễn Cung Thông[2] Phần này bàn về một số cách dùng trong tiếng Việt như lòng, bụng, dạ, ruột thời các LM Alexandre de Rhodes và Jeronimo Maiorica sang An Nam truyền đạo. Đây là những ‘cầu nối’ để có thể giải thích một số cách dùng hiện đại. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đôn Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
14/01/2019(Xem: 6803)
Bài này là phần 4 trong loạt bài viết về hiện tượng đồng hóa âm thanh trong ngôn ngữ với tâm điểm là tiếng Việt. Phần 1 bàn về khuynh hướng đồng hoá âm thanh (phụ âm) qua các cách dùng ròng rọc < rọc rọc, phưng phức < phức phức, nơm nớp < nớp nớp, phấp phất/phất phới/phân phất < phất phất và khám bệnh < khán bệnh. Phần 2 bàn về khuynh hướng đồng hoá âm thanh (thanh điệu) qua các cách dùng Huyền Trang < Huyền Tảng/Tráng, Tịnh Độ < Tịnh Thổ. Phần 3 chú trọng vào cách dùng tẩm liệm so với tấn/ tẫn/tẩn liệm qua khuynh hướng đồng hoá âm thanh (phụ âm) như khán bệnh > khám bệnh. Bài này (phần 4) bàn về các dạng phong thanh (phong thinh), phong phanh và phong văn.
11/01/2019(Xem: 6232)
Trước khi bàn về ma, chúng ta thử định nghĩa xem “ma” là gì. Thông thường, ma là người đã chết hay người chết. Đang sống thì là người. Nhưng vừa chết một cái đã thành ma, thây ma. Chính vì thế đám ma là nghi thức hoặc tục lệ để khóc than, để tang, thăm viếng, tiễn đưa hoặc chôn cất, hỏa thiêu người chết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]