Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trị liệu ung thư bằng chánh niệm

26/03/201406:39(Xem: 11216)
Trị liệu ung thư bằng chánh niệm
Tri Lieu Ung Thu

Trị liệu ung thư bằng chánh niệm là một tập sách ghi chép lại kinh nghiệm của thầy Chân Pháp Đăng về quá trình trị liệu thành công căn bệnh ung thư ruột già của thầy mà không sử dụng những phương pháp y khoa hiện đại như hóa trị, xạ trị…. Đó là những phương pháp trị liệu bằng lối sống chánh niệm, liên quan mật thiết tới một đời sống thân thiện với môi trường thiên nhiên, sử dụng thiên nhiên và năng lượng trong lành từ thiên nhiên làm liều thuốc chính chữa lành căn bệnh.

Thông qua hành trình vượt qua cái chết, thầy Chân Pháp Đăng muốn chia sẻ với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ tinh thần lạc quan, bình tĩnh đối diện với bệnh tật, sống chánh niệm, sống tỉnh thức trong từng phút giâu để tiếp xúc với những gì là lành mạnh và trong mát của đời sống này. Hành trình kỳ diệu chiến thắng bệnh tật, cùng lối sống lành mạnh, hòa hợp với thiên nhiên của thầy là một bài học quý cho mỗi chúng ta.

Đặc biệt khi mà xung quanh chúng ta đời sống hiện đại đang ngày càng có xu hướng cướp đi những phút giây trong lành của mỗi người, và con người ngày càng phải đối diện với nhiều thứ bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư. Cuốn sách giống như một vị cứu tinh nhỏ, một ánh sáng phía cuối đường hầm cho những ai đang đối diện với căn bệnh ung thư kinh khủng, và là liều thuốc quý cho thân nhân, bạn bè của họ, là nguồn động viên, là tấm gương mà mỗi người chúng ta đều có thể học tập theo.

Mở đầu cuốn sách, Thầy Chân Pháp Đăng chia sẻ: “Tôi chia sẻ các phương pháp điều trị ung thư không phải để khoe khoang kiến thức về bệnh tật, y khoa và thiền học. Thú thật, tôi không biết gì về bệnh tật và y khoa. Cách đây hai năm rưỡi, tôi bị ung thư ruột già. Có lẽ khối u này nằm trong cơ thể tôi từ lâu rồi, nhưng tôi bắt đầu đau ở bụng phía bên phải khoảng bảy tháng. Có lúc cơn đau dữ quá, cơ thể tôi lên cơn sốt ngay trong mùa Đông mà mùa Đông bên Mỹ lạnh lắm. Mỗi lần đau quá, tôi đặt hai bàn tay lên chỗ đau cho đến khi cơn đau bớt xuống, đó là cách em tôi chỉ cho tôi.

Trải nghiệm
Tôi chia sẻ các phương pháp điều trị ung thư không phải để khoe khoang kiến thức về bệnh tật, y khoa và thiền học. Thú thật, tôi không biết gì về y khoa. Cách đây hai năm rưỡi, tôi bị ung thư ruột già. Có lẽ khối u này nằm trong cơ thể tôi từ lâu rồi, nhưng tôi bắt đầu đau ở bụng bên phải khoảng 7 tháng. Có lúc cơn đau dữ quá, cơ thể tôi lên cơn sốt ngay trong mùa Đông mà mùa Đông bên Mỹ lạnh lắm. Mỗi lần đau quá, tôi đặt hai bàn tay lên chỗ đau cho đến khi cơn đau bớt xuống, đó là cách em tôi chỉ cho tôi.

Tôi bảo là tôi không biết gì về y khoa và bệnh tật là một sự thật, vì tôi hoàn toàn không biết rõ mình bị bệnh nặng như vậy. Tôi lại không thích đi khám bệnh, tôi không có niềm tin và thiện cảm với cách khám bệnh máy móc của một số đông bác sĩ. Tôi thành thật xin lỗi các bác sĩ, bởi tìm ra một bác sĩ có lòng, lương tâm, thì giờ và kiến thức sâu sắc về tật bệnh thật là hiếm.

Mỗi lần đau nặng, tôi tuyệt thực vài ba ngày. Khoảng hai tháng trước khi giải phẫu, tôi ăn cũng không được gì, bởi mỗi lần ăn, tôi thường bị đau ở đường ruột, do thế tôi thường hay ăn cháo oatmeal và uống nước trái cây. Có một chuyện làm tôi hơi băn khoăn là sức lực của tôi đi xuống thật nhanh, làm việc nặng chỉ trong vòng hai giờ là tôi đã cảm thấy mệt nhừ, và cơ thể tôi sút cân thấy rõ. Tuy vậy, tôi không có cảm giác lo lắng và sợ hãi. Tôi vẫn sống vui mỗi ngày, vẫn làm việc thường xuyên và đi hướng dẫn các khóa tu khắp nơi, cho tới lúc về Việt Nam để lo công việc cho gia đình thì cơn đau trở nên dữ dội. Lần đầu vào bệnh viện Trung Ương Huế, họ khám sơ sơ rồi cho ba loại trụ sinh, uống vào tôi càng đau thêm nữa, bụng tôi sưng lên thật lớn.

Cuối cùng, tôi gọi điện thoại để nói rõ cơn đau cho bác sĩ Tôn Thất Cầu. Tôi may mắn quen được bác sĩ, bởi vợ bác sĩ thường lên Chùa Từ Hiếu nghe tôi giảng vào ngày Chủ Nhật. Bác sĩ đề nghị tôi vào cấp cứu ngay! Nhờ bác sĩ giới thiệu và quen biết những người trực phòng cấp cứu nên tôi được khám rất mau. Họ nội soi và thấy một khối u thật lớn ở ruột già. Khối u to bằng quả trứng vịt, vì thế cho nên các bác sĩ bảo: “Thầy phải giải phẫu ngay trong tuần này.” Sau khi cắt khối u và cùng nhau hội chẩn, các bác sĩ kết luận: “Nó là một khối u ác tính giai đoạn thứ ba. Miệng khối u đã mở ra cho nên một số cực nhỏ phần trăm tế bào ung thư đã đi vào máu, vì vậy thầy phải hóa trị trong vòng một tháng sau khi mổ.”

Tôi có linh cảm rằng nếu trị theo phương pháp hóa chất thì tôi sẽ không thể nào vượt qua cơn bệnh nguy hiểm này. Hơn nữa tôi quá yếu, không thể chịu đựng thêm một việc điều trị nào bằng y khoa phương Tây. Tôi biết cơ thể cần nghỉ ngơi, thư giãn mà không nên tiếp xúc với các loại kim, dây hay làm các xét nghiệm, lấy máu, uống thuốc Tây… Tôi luôn tin tưởng nơi khả năng tự trị liệu của cơ thể, vì thế tôi quyết định không dùng hóa trị dù bác sĩ tìm mọi cách để khích lệ tôi. Tôi quyết định trị bệnh cho mình bằng thiền định cùng với các loại thuốc cỏ cây hiền lành.

Hiện giờ, tôi cảm thấy khỏe hơn bao giờ hết. Năm ngoái về Mỹ làm giấy tờ, tôi có đi phòng mạch chụp catscan thì bác sĩ không tìm thấy một khối u nào trong cơ thể, thử máu thì máu tôi rất tốt. Tôi tin chắc là tôi đã lành bệnh hẳn. Nghĩ tới nhiều người đang đau đớn bởi bệnh ung thư nên tôi thao thức muốn chia sẽ kinh nghiệm điều trị tự thân với bạn bè, bà con và mọi người bằng sự thực tập chánh niệm qua các phương pháp hiền lành. Mong sao những ai lỡ bị ung thư cũng có cơ hội trị liệu mà khỏi phải đi ngang qua sự đau đớn trong thể xác hoặc chết một cách oan uổng.

Cuốn sách này có ba phần:

- Phần đầu là các phương pháp trị liệu bằng chánh niệm mà tôi gọi là trị liệu (healing).


- Phần hai là nếp sống chánh niệm, nghĩa là sống trong tỉnh thức để tiếp xúc với những gì lành mạnh, tươi mát trong sự sống có công năng nuôi dưỡng thân tâm mà tôi gọi là nuôi dưỡng (nourishing).

Hai phần này hổ trợ cho nhau, trị liệu bệnh tật cần tiếp tục nuôi dưỡng an lành cho thân tâm. Cho nên sống tỉnh thức thật quan trọng để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.

- Phần ba là bài phỏng vấn của Thầy Pháp Lữ về tình hình sức khỏe và cách điều trị lúc tôi trở về Làng Mai sau cơn đại giải phẫu và trị liệu ở Thủ Đức mà tôi gọi là bệnh tật là món quà.

Sự thật là nhờ đi qua cơn bệnh tôi mới mở con mắt để thấy rằng sức khỏe là quý nhất trên đời, tôi biết trân quý sự sống của chính mình và người thương. Nhờ tật bệnh, tôi mới buông bỏ gần hết những tham vọng, tranh chấp, tìm cầu trong cuộc sống và trở về tiếp xúc với sự sống đang xảy ra trong hiện tại. Tôi thực sự thưởng thức từng hơi thở, mỗi bước chân, vì khi bị cắt ruột già tôi thở không được, và khi nằm bệnh viện suốt hai tuần tôi không thể nào đi được. Chú ý tới con bướm, tia nắng, nụ hoa, ngọn lá, tôi thấy cái gì cũng đẹp, đáng quý và dễ thương. Cám ơn đời cho tôi thêm một ngày để sống yêu thương.

Anh không chết đâu!
Sư anh ơi! Sư anh hãy cố gắng lên nhé. Sư anh về với Sư Ông và tăng thân. Sư anh nhớ tu tập để vượt qua giai đoạn sinh tử này. Đó là lời từ giả của sư cô Thuần Khánh, em của Pháp Đăng qua điện thoại. - Vâng! Sư em đừng lo! Tuy nhiên, sư anh sẽ nhớ lời sư em. Sư anh sẽ sống mãi và sẽ trở về quê hương.

Sư cô thầm thì: - Mong gặp lại sư anh ở Lang Mai. Chắc chắn thế! Sư anh không chết đâu! Tôi lên tiếng trả lời điện thoại em mình trong lúc nhìn các bác Phật tử đang rưng rưng nước mắt tiễn đưa, rồi tôi nhẹ nhàng an ủi: - Các cô, các chú, các bác kính thương! Thế nào thầy cũng sẽ lành bệnh và trở về với tăng thân Huế. Các cô, các chú, các bác đừng khóc nữa!

Hôm ấy, khoảng vài chục người có mặt tại phi trường, gồm các thầy Từ Hiếu, các sư em Diệu Trạm và các cô bác trong đạo tràng tổ đình Từ Hiếu. Các bác đã biết tin Pháp Đăng bệnh nặng trong buổi giảng hai hôm trước. Quý thầy mời tôi nói pháp thoại trước khi rời chùa Tổ. Tôi ngần ngại vì chưa biết mình có đủ sức hay không, bởi vì tôi chỉ mới xuất viện hơn tám ngày và mới được ăn cháo có hai ngày. Tuy nhiên, biết bao nhiêu tình cảm dành cho tăng thân suốt năm qua, tôi đồng ý với quý thầy. Các thầy, các sư cô nghe tin tôi nói pháp, ai ai cũng vui mừng!

Sáng chủ nhật ấy, các thầy, các sư cô đến nghe thật đông. Tôi nói bài pháp ngắn cho các em Thiện Tài đồng tử về hoa. Các em hãy dùng hoa để trang điểm cho cuộc đời. Bàn tay cũng là hoa, vì bàn tay có thể làm ra tình thương. Ánh mắt cũng là hoa, vì cái nhìn làm ra tình thương….Các cô bác trong đạo tràng đâu có biết là tôi đã có mặt tại chùa Tổ hơn mười ngày, bởi thế sau ngày chánh niệm, họ đến thăm rất đông. Người này thăm hỏi, người kia góp ý, người nọ quan tâm giúp tôi tìm cách điều trị ung thư. Đa số mọi người đều không muốn tôi điều trị bằng hóa chất. Các thầy đến chơi, an ủi, yểm trợ tinh thần, góp ý kiến về phương pháp trị liệu. Anh em nói chuyện, vui đùa, uống trà biểu lộ biết bao là tình. Tôi cảm động nhất là ánh mắt và lời nói của thầy Từ Đạo và thầy Từ Hòa biểu hiện đầy sự quan tâm và tình yêu thương.


Các sư em gái Diệu Trạm và Tây Linh thương tôi không thua gì các thầy, các sư chú ở Từ Hiếu. Mỗi ngày, các em nấu thức ăn thật ngon cho tôi mà tôi đã ăn được gì đâu! Các em hát cho tôi nghe. Các em biết tôi thích hoa Ti Gôn nên lần nào cũng đem hoa trang hoàng ở phòng của tôi. Hai sư cô Đức Nguyên và Thần Nghiêm tổ chức cho tôi ngồi chơi với các sư em. Các sư em nghe tin tôi bệnh nặng, không biết sống được bao lâu nên muốn tạo cơ hội để an ủi tôi. Các sư em mời tôi ăn cơm chiều, và tôi đã hát cho các sư em nghe bài "Ý Thức Em Mặt Trời Tỏ Rạng". Có em hỏi với ánh mắt xót thương: - Thầy có buồn không? Tôi trả lời: - Không đâu! Được ngồi với các sư em trong lúc này, sư anh vui lắm!
Một em khác tâm sự: - Hạnh phúc nào đang có trong lòng thầy?
Tôi trả lời:- Được ngồi bên các sư em. Được nhìn những khuôn mặt tươi sáng tỏa rạng niềm an lạc, thanh thoát từ các sư em là niềm vui của sư anh. Đang còn sống là niềm vui khác.
Một sư em trai tâm sự:- Sao dạo này sư anh cười hoài. Đúng là có chuyện lớn mới biết rõ sư anh mình.
Một sư em trai khác chia sẻ:- Bị bệnh ung thư mà thầy thường vui cười suốt thời gian ở chùa Tổ, con mới thấy sự tu tập của thầy thật sâu, chứ gặp người khác thì họ sẽ lo sợ biết chừng nào. Thầy làm cho con có niềm tin nơi đời sống tu tập.
Tôi tâm sự:- Sư em có biết không? Khi nghe tin bác sĩ báo mình bị ung thư, sư anh hơi trầm lặng một lúc, nhưng sau đó sư anh tìm lại niềm vui.

Bạn trẻ thân mến!
Tôi thường quán chiếu về phép cửu tưởng, tức là chín giai đoạn tan rã của thể xác, vì thế cho nên tôi chấp nhận cái tin ấy dễ dàng. Tôi thấy sống chết đã được ghi rõ ràng trong sách số mạng, xin thêm một phút cũng không được đâu, vì thế tôi buồn làm gì cho sầu khổ! Bụt cho tôi sống bao nhiêu năm thì tôi có cơ hội tu tập và gieo duyên Phật Pháp với mọi người bấy nhiêu. Đời cho tôi thêm bao nhiêu ngày thì tôi sống vui bấy nhiêu. Sống vui tươi và yêu thương suốt hai mươi năm qua trong lòng tăng thân là quá đủ rồi. Tôi thật sự thỏa mãn về đời sống của chính mình.

Suốt năm qua, tôi ở ẩn một mình nơi hoang đảo, đã có cơ hội tiếp xúc, hòa nhịp, thâm nhập với nắng mai, rừng cây, lá thu, không khí, thiên nhiên và niềm vui ấy không bao giờ mất đi. Có thể, tôi sẽ chết một ngày gần đây nhưng đó chỉ phần thể xác thôi. Thân thể sẽ về với cát bụi. Tứ đại sẽ về với tứ đại. Còn tâm linh tôi sẽ sống mãi với bạn bè, mọi người, gia đình, tăng thân, thiên nhiên và vũ trụ bao la. Nếu ra đi thì tôi sẽ về với cõi an lành. Tâm thức tôi biết rõ như thế về tâm thức của mình. Đặc biệt, tôi có niềm tin là mình sẽ lành bệnh. Bụt sẽ độ cho tôi sống mãi.

Bạn trẻ có biết không? Trong cơn đại giải phẫu, tâm tôi thật bình an và sáng suốt! Thân thể có nhiều đau nhức và cơ thể thật tiều tụy bởi tôi nhịn ăn, nhịn uống hơn hai tuần. Gia đình, ai cũng lo lắng cho tôi. Các em tôi thường có mặt tại bệnh viện để chăm sóc cho tôi. Sư Ông Làng Mai và các tăng thân khắp nơi đều cầu nguyện cho tôi. Ngày thứ nhất sau khi mổ, sư cô Thuần Khánh đã xuất hiện. Thấy trình trạng của tôi, sư cô lo lắm. Sự sống của tôi mong manh quá! Hình hài gầy yếu, tàn tạ quá độ. Sư cô an ủi tôi mà nét mặt lộ rõ sự lo lắng. Bỗng nhiên, tôi mỉm cười nói:
- Sư anh không sao đâu!

Ngày thứ hai sau khi mổ, tôi quá yếu. Bác sĩ không để ống dẫn lưu nên dịch và đờm giải ứ đọng trong dạ dày quá tải, làm cho bụng tôi căng lên thật lớn. Tôi đau đớn nơi vết mổ và khúc ruột nối. Cuối cùng, bác sĩ phải đặt ống dẫn lưu qua lỗ mũi vào đến dạ dày, vì thế tôi bị ói cả đêm. Mỗi lần ói là một đau nhức. Tôi vừa đau vừa mất ngủ, do đó thân thể càng thêm tiều tụy. Sáng hôm sau, sư cô Thuần Khánh vào thăm và hỏi một cách xót xa:
- Sư anh cảm thấy như thế nào, hở anh!?
Tôi trả lời có phần vừa đùa, vừa thương:
- Sư anh chưa chết đâu sư em, làm cho sư cô bật cười.
Tôi nói tiếp:- Chết chưa chắc là khổ, sống chưa chắc là vui. Khổ là vì thương tiếc, mất mát, lo sợ. Sư anh thương cho người ở lại. Sư em có biết không? Đau nhức trong thân thì không thể nào tránh được, nhưng đau khổ có thể vượt qua. Qua bờ là không có đau khổ bởi cơn đau, mổ xẻ, bệnh tật. Qua sông là không lo, không sợ, bình tĩnh, sáng suốt trong những lúc thử thách này.

Con cám ơn biết bao tình thương của gia đình, tăng thân và bạn bè. Tới lúc bệnh nặng, con mới thấy tình người có thật trong trái tim mỗi người. Cám ơn những đóa hoa Ti Gôn tươi thắm như tình yêu của mỗi người, tăng thân, gia đình, bạn bè. Không có tình yêu, khổ đau như thế này, con không thể nào vượt qua, bởi cơn đau quá lớn mà cũng bởi vì nỗi cô đơn, sợ hãi, lo lắng luôn có mặt trong tâm hồn. Vậy, qua sông phải có chiếc đò tâm linh bình lặng và tình thương che chở từ Thầy Tổ, Bụt, Bồ Tát, bạn bè, anh em, tăng thân và gia đình.

Con đường trị liệu
Bạn trẻ thân mến!
Cám ơn các bạn cùng tôi đi trên con đường nuôi dưỡng và trị liệu cho thân tâm (The way of nourishing and healing). Chuyến ‘journey’ này, chúng ta sẽ sống trong ý thức sáng tỏ là cơ thể có khả năng tự điều trị, vì thế tất cả bệnh tật có thể trị liệu bằng thiền định và chánh niệm. Con đường trị liệu này là chuyến đi vào tỉnh thức, tìm lại sự sống, thắp sáng tâm linh để chuyển hoá khổ đau, tật bệnh, cho nên chúng ta đi trên chuyến trị liệu, nhưng kỳ thực chúng ta tập dừng lại để sống, bắt gặp sự sống.

Bạn cũng biết rồi đó! Trong đời sống, tâm ta thường rơi vào trạng thái tối tăm, nửa mơ nửa tỉnh. Tâm ta thường bị kẹt vào ngục tù của hoài niệm quá khứ, hoặc mơ tưởng tương lai, hoặc suy tư, lo lắng, buồn tủi trong hiện tại, vì vậy tâm ta không nối liền được với thân. Chúng ta bị lạc ra ngoài sự sống (you are getting lost from life). Cũng thế, tâm hồn ta chỉ có mặt lu mờ, thiếu nhạy cảm, thiếu sáng suốt. Một nữa tâm hồn chìm vào vùng đen tối của tuyệt vọng, buồn chán, lo âu; một nữa tâm hồn trôi dạt về nơi chân trời xa xôi của quá khứ hoặc tương lai, cho nên chúng ta không thực sự sống đời sống sâu sắc.

Bạn có đang tự nhốt mình vào ngục tù của suy tư, lo lắng, giận hờn không? Bạn có bị mất hết cái tự do mênh mông của tâm hồn chưa? Nếu thế thì bạn đánh mất đi cái hòa điệu (harmony) với sự sống rồi. Bạn bỏ rơi cơ hội cho thiên nhiên nuôi dưỡng, trị liệu và yêu thương. Bạn có biết hay không? Thiên nhiên có một nguồn năng lương vô biên có thể nuôi dưỡng, trị liệu, yêu thương bạn.

Thiền định là đem tâm trở về với thân. Thiền là thức dậy, tỉnh dậy, giống như bạn thức dậy sau giấc ngủ vùi. ‘Thức dậy’ để tìm lại bạn, để cảm nhận sự sống, tiếp xúc với hơi thở, bước chân, nụ cười, nắng mai, lá vàng, người thương...Bạn hãy dừng lại sự suy nghĩ. Bạn ngưng lại lo âu. Bạn chấm dứt cái tâm bất an, lăng xăng, vọng động, lo sợ. Nhờ thế, tâm bạn trở nên nhạy cảm, sáng suốt. Bạn mở tâm hồn ra để hòa quyện với năng lượng bình an, tươi mát và linh động của sự sống. Bạn sẽ cảm nhận rõ về sự có mặt của bạn và những gì đang xảy ra trong từng giây phút. Thức dậy trong từng giây phút chứng tỏ bạn đang còn sống, đang có sự sống và đang tiếp xúc với sự sống. Đó là cái nghệ thuật, cái tinh ba cho một nếp sống khỏe mạnh (An art of a healthy life).


Bây giờ, bạn thở và cảm nhận không khí mát mẻ nhé. Mở mắt ra, bạn có thấy bầu trời xanh, có nắng vàng long lanh trên mỗi chiếc lá nụ hoa không? Bạn có thấy hoa thượt dượt đang nở rộ bên ngoài cửa sổ không? Bạn có thấy hoa cúc vàng tươi đang nở sáng trong vườn bên kia không? Bạn có cảm được nắng mai thường sưỡi ấm da thịt của bạn, và đôi mắt của bạn long lên màu nắng không? Tiếp xúc với nguồn năng lượng an lành, tươi mát, hạnh phúc đang có mặt bàn bạc trong thân tâm, nơi sự sống, thiên nhiên và cả vũ trụ bao la, bạn sẽ được nuôi dưỡng và trị liệu những bệnh tật, khổ đau trong cơ thể và tâm hồn. Bạn nhớ mỉm cười nha!...

Thiên nhiên trị liệu
Bạn trẻ thân mến!

Tôi vẫn khỏe và mập hơn lúc còn ở Việt Nam. Có lẽ, tôi lành hẳn cơn bệnh rồi, bạn ạ! Trước đây, tôi luôn luôn suy nghĩ và có niềm tin rằng mình sẽ lành mạnh, bởi thế tôi sống vui trong suốt thời gian ba tháng điều trị ở Thủ Đức. Mùa xuân năm nay, tôi trở về Làng Mai sau khi đi ngang qua một cơn đại giải phẫu với nhiều đau nhức và điều trị một thời gian tại Việt Nam. Tôi bị ung thư ruột già. Bác sĩ Tôn Thất Cầu, trưởng khoa ung bứu ở bệnh viện Trung Ương Huế bảo tôi nên điều trị bằng hoá chất, nhưng tôi muốn trị bằng thiền định và các loại thuốc cỏ cây thiên nhiên.

Sau hơn hai mươi năm tu học, tôi tin tưởng nơi Bụt và pháp môn của Bụt do Thầy tôi trao truyền. Tôi dùng năng lượng chánh niệm để sống vui trong lúc điều trị. Tôi tin các bác sĩ nhưng mình tin ở giáo lý của Bụt nhiều hơn, nghĩa là sống chết đều do nghiệp, xin thêm một ngày cũng không được thì hơi đâu mà lo lắng. Hơn nữa tôi đã quán chiếu về cái chết nhiều năm, và sống chết chỉ là việc thay áo cũ thành áo mới, đổi xác trà cũ thành trà mới. Chỉ thế thôi! Sống được ngày nào vui ngày đó, vì thế tôi vui tươi, cười nói, ca hát suốt ngày và trở nên yêu đời hơn bao giờ hết.

Bây giờ ở Pháp, tôi đi bộ mỗi ngày, vừa nhìn cảnh đẹp núi đồi thiên nhiên, vừa thở không khí trong lành và đợi mặt trời xuống để thưởng thức cảnh hoàng hôn hồng tím. Vào ngày đẹp trời, tôi đi bộ dài hơn tám cây số theo con đường đến ngã ba Xóm Hạ, quẹo qua lâu đài, đi đến đường qua Xóm Mới, quay trở lên đường về lâu đài Thenác. Ngày nào có nhiều mây, tôi đi bộ qua Xóm Đoài, con đường dài khoảng hai cây rưỡi số, đi về cũng được hơn bốn cây số. Đi bộ giúp cơ thể của tôi tiếp nhận được nhiều sinh tố D từ tia nắng mặt trời để điều trị ung thư. Tôi đang thực tập theo đề nghị của bác sĩ Lương Vinh Quốc Khanh. Ở Pháp mặt trời thật quý! Nó thuộc về vùng Bắc Âu cho nên mặt trời có nhiều tia hồng ngoại gửi theo trong nắng nhiều sinh tố D. Mặt trời ở đây không có nóng thiêu đốt như mặt trời ở các nước nhiệt đới, và cái nắng ấm áp chứ không gay gắt như nắng ở quê nhà.

Tôi vừa đi vừa mở tung hết cánh cửa tâm hồn và cơ thể cho thiên nhiên đi vào nuôi dưỡng và trị liệu. Tôi thấy rõ nắng có công năng trị liệu. Gió chiều, không khí, trời xanh, lá rừng, bông hoa đều có công năng trị liệu... Tóm lại, tất cả năng lượng trong thiên nhiên đều có công năng trị liệu. Thiên nhiên là thuốc quý nhất trong các loại thuốc. Chánh niệm là năng lượng tỉnh táo, ý thức, bén nhạy nên sự cảm nhận của thân tâm với các loại năng lượng như nắng, gió, không khí, bình an, tươi mát, tĩnh lặng trở nên rõ rệt. Khi tâm ý không còn hoạt động lao xao, trở về với trạng thái yên tĩnh thì nó có thể tiếp xúc được với mọi hiện tượng hình sắc, kể cả năng lượng trong sự sống. Khi tâm thức xao động thì nó mờ ám bởi sự rung động (vibration), do đó nó không thể bắt được làn sóng trị liệu của thiên nhiên và sự sống. Tôi tập sống với tâm không suy nghĩ, không lo âu, không tính toán. Luôn luôn nhớ rằng tôi chỉ còn một ngày để sống, vì vậy tôi tập sống trân quý sự sống thật sự.

Không biết thiên đàng của Chúa Trời có đẹp hay không? Nhưng cảnh tượng ở nơi đây sao đẹp đến lạ lùng! Nó đẹp đến huy hoàng, mây trời màu sắc rực rỡ, thiên nhiên xanh mướt mát mẻ, đồi núi chập chùng yên tĩnh! Xóm Thượng là thiên đường tuổi thơ của tôi. Về đây, tôi tiếp xúc lại nhiều kỷ niệm của thời còn là một sư chú. Sư Ông Làng Mai đặt tên cho tôi là sư chú Pháp Đăng, và tôi tự đặt cho mình nhiều tên khác nữa trong ấy có sư chú Thạch Lang, sư chú Châu Linh, Suối, Lang, Tình Lang, Chàng Đá, Tuyết Sơn... Ngồi đâu, tôi cũng bắt gặp bóng hình của sư chú Thạch Lang. Sư chú đã từng ngồi ngắm mặt trời lặn, đã từng đi chơi khắp nơi, đã từng ngồi thiền nơi đồng cỏ, bên hồ sen, dưới cây tùng... Sư chú đã từng ngồi hàng giờ vẽ cái hồ số tám dưới thung lũng của nhà thờ Thenác bằng sơn màu…Tuy nhiên, tôi không đánh mất mình trong quá khứ đâu mà an trú thật bền trong hiện pháp, cho nên tôi cảm thấy vui và thấy rõ thân tâm càng ngày càng khỏe mạnh.

Cánh đồng ánh sáng
Bạn trẻ thân mến!
Trên chuyến đi sức khỏe này, tôi sẽ chia sẻ một vài hướng dẫn thực tập để bạn biết cách bước từng bước thong thả, nhẹ nhàng trong chuyến đi khám phá và thâm nhập vào sự sống. Sự hướng dẫn này không phải là chân lý, là giáo điều, mà là các con đường thực tập, tập luyện, giống như phương pháp vật lý trị liệu dùng cho các bệnh nhân tai biến. Những phương pháp trị liệu này cũng không phải là cái đích cuối cùng. Thật sự chuyến đi điều trị này không có mục đích gì cả, mà là cuộc trở về với bạn. Bạn hãy cùng tôi bước đi cho vui tươi, trong thanh thản, đừng mong đợi gì cả. Chính niềm vui tươi trên suốt chuyến đi là một liều thuốc trị liệu rồi.

Con đường trị liệu đầu tiên là đi vào hiện tại. Bây giờ ở đây là điểm hẹn của bạn đối với sự sống. Bạn là sự sống, và bạn có ước hẹn với sự sống. Lỗi hẹn, bạn mất sự sống, do đó bạn sẽ không được nuôi dưỡng và trị liệu. Sự sống luôn luôn biểu hiện ngay trước mắt bạn. Hiện tại là cõi đang là (this is it). Hiện tại là cánh đồng ánh sáng, là cõi sáng lung linh, linh động, có nắng, có lá, có cây, có chim ca, có suối reo...

Vào hiện tại, tâm bạn sáng lung linh nên bạn tiếp xúc được với nắng, lá xanh, hoa thắm, trời xanh, mây trắng... Chạm vào một tia nắng, bạn bước vào cánh đồng lung linh ấy. Chạm vào lá xanh, bạn về với hiện tại. Một tiếng chim ca đưa bạn về với cõi ánh sáng, một ngọn gió mát đánh thức bạn dậy để bước vào cánh đồng...

Hiện tại là mảnh vườn tuổi thơ, nơi ấy không có dấu vết của suy tư, lo lắng, buồn tủi, trách móc, giận hờn, tuyệt vọng. Về với hiện tại, bạn sống mỗi giây mỗi phút trong mảnh vườn thơ ngây, hồn nhiên, trong sáng. Bạn trở thành em bé thơ ngây, sống hết mình, ăn hết mình, uống hết mình, ngủ hết mình, chơi hết mình, không suy tính, không lo âu.

Vào cõi sáng, bạn thấy tất cả đều mới mẻ, cái gì cũng lạ. Ồ! Nắng lạ, con kiến lạ, ngọn lá lạ... Bạn thấy nắng long lanh và cảm giác ấm áp trên da thịt. Bạn thấy bướm bay, bạn đưa mắt nhìn theo đường bay của bướm, bạn trở thành bướm, và cả hai đứa đang bay lượn để khám phá thế giới bí mất của loài hoa.

Về hiện tại, bạn quên tất cả những gì không cần thiết, những nỗi băn khoăn, lo lắng, mong muốn trong cuộc sống. Bạn trở thành ánh sáng, bạn là ánh sáng. Tâm bạn hiện hữu rõ ràng, tâm bạn sắc bén, tâm bạn bừng sáng, tâm bạn nhạy cảm với tất cả những gì đang có mặt trong sự sống. Bạn là nắng, bạn là gió, bạn là tiếng chim ca, bạn là bãi cỏ xanh… Vào hiện tại, cái thấy của bạn trực tiếp, trong suốt, thơ ngây. Cây là cây, lá là lá, người thương là người thương... Tâm bạn dừng lại mọi suy nghĩ, tính toán, vẽ vời mà không còn tạo tác bất cứ một cái gì nữa. Bông hoa hiện nguyên hình bông hoa. Người thương hiện thành người thương thật sự.

Bạn không đòi hỏi, phán xét, trách móc người thương mà chỉ muốn ôm ngươi thương vào lòng. Bạn thấy người ấy bằng tâm cởi mở, hồn nhiên, vô tư. Người thương và bạn sẽ đến lại gần nhau, cảm giác sự có mặt nhẹ nhàng cho nhau mà không còn một gợn gì ngăn cách, lo sợ, nghi ngờ. Vì không có ý niệm nên bạn không có đòi hỏi, do đó khổ đau, giận hờn cũng không hiện hữu. Vào cõi sáng, cánh cửa tâm hồn bạn mở rộng cho sự sống để được nuôi dưỡng, để yêu thương, và để lòng xót thương, sự cảm thông, tình yêu thương tuôn chảy thành dòng suối mát ngọt ngào trong tâm hồn của bạn.

Bạn có cảm thấy hơi ấm của nắng mai không? Bạn có nghe tiếng chim ca không? Bạn có thấy bông hoa bồ công anh đang nở vàng tươi không? Bạn có dõi theo được chiều dài của hơi thở không? Bạn có chú ý đến bước chân không?... Các câu hỏi này giúp bạn thức dậy để thực nghiệm chuyến đi vào hiện tại.

Bạn có thể gọi hiện tại là chân như, niết bàn, chứa toàn là ánh sáng lung linh, có nghĩa là cái cõi vượt thoát thời gian, không gian, không bị ràng buộc bởi bất cứ cái gì. Cõi ánh sáng này đáng lý không thể diễn tả được, bởi vì nó là cái đang là, nó là như thế (this is it). Nắng đang rơi, hoa đang nở, gió chiều mát, lá vẫy gọi, chim hát ca, mẹ cười, em tươi, bước chân, hơi thở... Mời bạn bước vào cõi sáng ngay. Mời bạn tiếp xúc với hiện tại. Mời bạn thưởng thức năng lượng lành mạnh của sự sống.

Tất cả sự mầu nhiệm trên không vướng víu vào cái gì cả, dù cái ấy là tư duy, tính toán, tình cảm hoặc cái vẽ vời của tâm bạn. Sự sống cũng không dính líu gì tới cái vui buồn, thương ghét, tuyệt vọng, bệnh tật của bạn. Sự sống sáng ngời! Sự sống hiện thực! Sự sống lung linh! Sự sống trong suốt! Sự sống tươi vui! Vào hiện tại, bạn cảm được cái rung động của sự sống, thấy nghe hết các màu sắc, hình ảnh, âm thanh và cảm được năng lượng an lành, mầu nhiệm của thiên nhiên. Chim không ngừng hát ca, gió thường vi vu, cỏ xanh, hoa thắm, trời trong, mây bạc... Sự sống chưa bao giờ xa rời bạn. Sự sống là một kho tàng năng lượng hiền lành, mát mẻ, khỏe mạnh. Không khí nuôi dưỡng và trị liệu, nắng ấm nuôi dưỡng và trị liệu, thiên nhiên nuôi dưỡng và trị liệu... Bạn hãy mở tâm hồn ra để bước vào hiện tại và làm một cái nhảy đẹp vào cõi sáng. Ồ! Tuyệt!

Thuốc tinh thần
Hạnh phúc là nguồn năng lượng, là những viên thuốc tinh thần nuôi dưỡng thân tâm. Hạnh phúc không phải là một ý niệm. Hạnh phúc không phải là một cái gì ở ngoài sự sống trong tương lại mà bạn phải đi tìm hay mong cầu. Bụt dạy: “Hiện pháp lạc trú’ có nghĩa là sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.” An trú trong hiện tại, trở thành một với sự sống, là cánh cửa đi vào hạnh phúc. Hạnh phúc là sự cảm nhận nhạy bén, sự tiếp xúc trực tiếp với điều kiện hạnh phúc, nghĩa là tâm bạn cảm (feel) được hạnh phúc, nếm (experience) được hạnh phúc, tương tự như bạn nếm một món ăn ngon, cảm được sự mát mẻ của gầu nước giữa trưa hè.

Thở là hạnh phúc. Uống nước là hạnh phúc. Nước làm mát mẻ cả cơ thể đang khô héo của bạn. Đi tiểu là hạnh phúc. Mỉm cười là hạnh phúc. Nhìn lá thu rơi là hạnh phúc... Hạnh phúc là sự tiếp xúc, giao cảm trong suốt giữa tâm bạn và thiên nhiên, giữa tâm bạn và mọi hiện tượng trong sự sống. Có sự tiếp xúc là có sự trị liệu và nuôi dưỡng. Nhiều người suốt đời cứ lên đường bôn ba đi tìm hạnh phúc, càng tìm càng mệt mỏi, càng thất vọng, càng xa hạnh phúc. Hạnh phúc không phải ‘một cái’ để đi tìm, bởi vì điều kiện hạnh phúc luôn luôn có mặt dàn trải khắp nơi, bên trong thân tâm cũng như bên ngoài sự sống. Hơi thở là điều kiện hạnh phúc, không khí là điều kiện hạnh phúc, trái tim là điều kiện hạnh phúc, thức ăn là điều kiện hạnh phúc, và bạn có muôn ngàn điều kiện hạnh phúc như thế.

Vậy, bạn thở vào, thở ra đi thắp lên ý thức về hạnh phúc. Bạn thử nếm vị ngọt thơm tho của ly trà đang nằm trong bàn tay bạn. Bạn thưởng thức ly cà phê đi. Bạn ăn cơm có ngon không? Trái tim bạn còn đập bình thường, bạn có hạnh phúc không? Có khối bạc trong tay mà tâm hồn bất an, không an trú nơi sự sống thì bạn cũng có cảm giác buồn chán, lạc lẻo, tuyệt vọng như thường. Thức ăn, thức uống của người giàu thường là cao lương mỹ vị; còn người dân nghèo chỉ có vài con cá, đĩa rau muống, bát canh. Người giàu vừa ăn vừa bàn tính công việc, lo đủ thứ chuyện sắp tới, nói điện thoại, bực tức với nhân viên, liên hệ với hợp đồng này kia... Người này ăn nhưng không cảm giác rõ thức ăn ngon, cũng không ý thức rõ về thân thể béo phệ, mệt mỏi, căng thẳng của mình. Công việc kéo phăng sự cảm giác về đời sống và thân tâm của ông. Người này chỉ biết có một điều là làm ra cho thực nhiều tiền.

Trong khi đó, người dân nghèo chẳng có gì để tính toán, lo âu. Đời sống lam lũ nhưng đơn giản, vì thế tinh thần ông an ổn. Cũng cùng ăn, người này nếm được vị ngon ngọt của rau muống, bát canh và hưởng được mùi vị thơm lừng của món cá kho. Đây là một ví dụ cụ thể cho bạn thấy điều kiện hạnh phúc chưa hẳn đưa lại hạnh phúc mà tùy cách cảm nhận của bạn. Bạn có hẹn với sự sống trong giây phút hiện tại. Nếu bạn không có an lạc, hạnh phúc trong hiện tại thì đợi đến khi nào bạn mới có? Cái gì rào cản không cho bạn có hạnh phúc ngay bây giờ? Bạn đang bị bệnh à! Tôi cũng vừa mới bị bệnh ung thư. Ai mà không có bệnh hởi bạn. Đi trong cuộc đời, bạn không thể nào tránh được bệnh tật.

Bệnh tật là cái lý thường nhiên của mọi loài, hễ có thân là có bệnh. Bạn hãy tin vào công năng tự trị liệu của thân tâm mà đừng để cho tâm bạn rơi vào tuyệt vọng. Tuyệt vọng là thuốc phiện, là thuốc độc, và nó sẽ làm cho cơ thể bạn bị tê liệt, nó sẽ tàn phá sạch hệ thống miễn dịch và đề kháng của cơ thể, vốn là cơ cấu quan trọng nhất để trị bệnh. Sự thật, con người khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Tại sao thế? Tại sao bạn có quá nhiều điều kiện hạnh phúc mà bạn khổ nhiều hơn vui? Bởi tâm bạn rất dễ vọng động, thường phóng ra ngoài, bỏ thân lại một mình bơ vơ. Tâm bạn phóng như ngựa hoang, chuyền cành nhanh như khỉ vượn, đứng ngồi không yên như con cóc, chỉ cần một ý nghĩ thôi cũng đủ đưa tâm đi rất xa, chỉ cần một hình ảnh thôi cũng tạo ra bao nhiêu là ảo tưởng...

Có lúc, tâm bạn ở một trạng thái ngược lại với vọng động là vô cảm, chai lì, tê liệt. Nếu tâm bạn vô cảm, lo âu, quên lãng, tối tăm thì bạn không thể nào cảm nhận được hạnh phúc. Có đôi mắt sáng mà không cảm thấy hạnh phúc thì thiệt thòi cho bạn. Có đôi chân để đi chơi, chạy nhảy, di chuyển khắp mọi nơi mà không nhớ hạnh phúc thì uổng cho đời bạn. Có cha mẹ, gia đình mà không cảm được hạnh phúc, đến khi ở một mình xa nhà mới cảm hết nỗi bơ vơ, trống vắng, thiếu thốn tình thương và sự ấm áp của gia đình...

Có lúc tâm bạn trở nên máy móc. Có lẽ vì đời sống nhanh cho nên cái gì bạn làm cũng phải nhanh, vì thế cái tập khí nhanh làm cho đời bạn trở nên máy móc. Ăn không còn cảm giác nữa, vừa ăn vừa làm việc, vừa nói chuyện, vừa dùng máy điện tử. Đời bạn không có ý nghĩa, không có sức sống, bạn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng... Cả hai trạng thái này đều không đưa lại hạnh phúc cho bạn.

Làm sao để nhiếp tâm? Làm sao có thể thay đổi tập khí vô cảm và máy móc ấy? Bạn nhớ chú ý tới hơi thở, bước chân thường xuyên mới có khả năng nhiếp được tâm ý. Hơi thở là nhịp cầu nối tâm lại với thân. Hơi thở sẽ mở tâm hồn ra để bạn trở nên nhạy cảm, tỉnh táo, sáng suốt. Bạn chỉ cần để ý từng bước chân mỗi khi đi, thì tâm bạn dừng lại ngay sự rong ruỗi. Bước chân sẽ đưa tâm về với thân nên bạn cảm được sự mát mẻ của lòng đất. Đơn giản vậy đó, nhưng nếu bạn thực tập hết lòng thì hiệu quả ngọt ngào đến thật bất ngờ.

Đưa tâm trở về với thân, thân ở đâu thì tâm ở đó, chạm vào cõi hiện tại, thì bạn sẽ nếm được sự ngọt ngào của hạnh phúc. Càng an trú trong hiện tại, bạn càng cảm được sự sống, và bạn càng có hạnh phúc. Bạn sẽ được nuôi dưỡng bằng dòng suối vô tận của niềm vui, hạnh phúc. Lúc ấy, bạn là người hạnh phúc nhất trần gian. Ai trong các bạn cũng muốn có hạnh phúc trong đời sống. Con người muốn thế mà mọi loài, đến cỏ cây, đất đá cũng muốn có hạnh phúc. Hạnh phúc là mục đích của cuộc đời. Con đường trị liệu là cơ hội để nếm hương vị hạnh phúc, tiếp xúc với hạnh phúc. Ăn biết ngon là hạnh phúc. Uống nghe mát ngọt là hạnh phúc. Cảm được nắng ấm là hạnh phúc. Thấy lá vàng rơi là hạnh phúc. Bạn còn muốn gì nữa? Bạn thử có hạnh phúc ngay, hãy làm cho tâm vui lên (gladdening your mind), tỉnh táo lên (be awakening) , nhạy bén (be clarity) với sự sống. Chúc bạn thành công.

Nền tảng trị liệu
Bạn trẻ thân mến!
Trước khi chia sẻ tiếp về các phương pháp trị liệu, tôi muốn nói về chánh niệm. Chánh niệm là thần dược. Chánh niệm là cái năng lực nhạy cảm, là sức sống mãnh liệt, có khả năng tiếp nhận được nhiều nguồn năng lượng tươi mát, lành mạnh, nuôi dưỡng trong sự sống, cho nên chánh niệm chính là nền tảng của mọi trị liệu, cũng giống như thuốc trụ sinh có công năng trị được nhiều bệnh. Cái khả năng nhận biết những gì đang xảy ra trong từng giây phút, đạo Bụt gọi là chánh niệm (mindfulness), tỉnh thức (awake). Tỉnh thức là biết, là ý thức, là cảm nhận... Đưa tâm trở về lại với thân trong trạng thái hợp nhất, để thân tâm an trú trong từng phút giây là chánh niệm.

Chánh niệm là ánh sáng chiếu lên mọi hiện tượng trong sự sống, giống như ánh sáng mặt chiếu lên mọi loài, cỏ cây, hoa lá. Bệnh ơi, chào em! Đau nhức ơi, chào em. Buồn ơi, chào em! Lo sợ ơi, chào em... Rồi bạn dùng ánh sáng ấy ôm ấp, chấp nhận, vỗ về cơn bệnh, nhờ vậy cơn bệnh mới êm dịu, thuyên giảm từ từ. Chánh niệm là tâm của người mẹ chứa đầy tình thương. Tâm mẹ không phán xét, không trách móc, không đòi hỏi, mẹ dùng tình thương để ôm lấy đứa con tật bệnh của mình.

Bạn có thể sử dụng hơi thở, bước chân hay nụ cười để làm phát hiện năng lượng ý thức ấy. Chánh niệm được tạo ra không những trong thời gian thực tập thiền ngồi, thiền đi, mà còn được chế tác trong bất cứ sinh hoạt nào của đời sống hàng ngày như tưới rau, rửa bát, giặt áo, nấu cơm, lái xe, lau nhà, ăn cơm, uống nước, làm việc. Ăn biết bạn đang ăn thì chánh niệm có trong tâm bạn. Bước đi bạn ý thức từng bước chân, cảm thấy hai bàn chân hôn lên mặt đất thì ngọn đèn chánh niệm được thắp lên rồi...

Chánh niệm yếu ví như ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn. Chánh niệm mạnh ví ánh sáng rực rỡ của mặt trời. Tâm bạn có thể ví như căn phòng tối. Có chánh niệm, tâm bạn sẽ sáng lên, và không có chánh niệm, tâm bạn sẽ tối lại. Ánh sáng lờ mờ thì tâm bạn sáng loe lóe, và ánh sáng mạnh thì tâm bạn sáng rực lên.

Chánh niệm giống như là ngọn lửa hồng rực sáng có thể đốt cháy tất cả mọi tâm hành như buồn giận, lo sợ, tuyệt vọng... Có bao giờ bạn thấy ánh sáng của ngọn lửa chưa? Nếu bạn nào đã từng đi cắm trại thì trại hè nào cũng có một buổi lửa trại. Ngọn lửa ấy có hàng ngàn hoa lửa, đóm lửa bay lên cao sáng rực rỡ cả một vùng trời. Chánh niệm là năng lượng dùng để thắp lên ngọn lửa tâm, giống như cục bin hay dòng điện có thể thắp lên ánh đèn điện.

Chánh niệm bao giờ cũng là chánh niệm về một cái gì (mindfulness is always mindfulness of something). Ý thức bạn đang bình an. Ý thức bạn đang cô đơn. Ý thức bạn đang đau răng. Ý thức bạn đang đói bụng. Ăn là ăn cái gì? Ăn bánh mì, ăn cơm, ăn trái cây, chứ không thể ăn mà không có đối tượng. Trong duy biểu học, chủ thể xuất hiện cùng lần với đối tượng. Bạn thấy bông hoa, bởi vì bạn chú ý tới nó, cho nên bông hoa hiển lộ. Có lúc, bông hoa nở rộ bên hàng dậu, thế nhưng bạn không thấy, bởi vì tâm bạn không để ý tới bông hoa. Bạn nghe tiếng suối ca, bởi vì bạn chăm chú nghe tiếng ca của nó, cho nên con suối có mặt rõ rệt. “Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không”[1] là giáo lý nền tảng. Hành động nào cũng có đầy đủ cả chủ thể và đối tượng. Thương cũng thế, vui buồn cũng thế, chánh niệm cũng thế. Tâm cảnh nhất như.

Khi bạn chú ý tới hơi thở, thì đó là chánh niệm về hơi thở. Hơi thở ấy được gọi là hơi thở có chánh niệm. Khi bạn có ý thức về từng bước chân đặt trên mặt đất, thì đó là chánh niệm về bước chân. Bước chân ấy được gọi là bước chân có tỉnh thức. Vì thế thực tập hơi thở ý thức hoặc bước chân tỉnh thức là chế biến, nuôi dưỡng chánh niệm. Chánh niệm còn được duy trì thì tâm còn có mặt với thân. Và bạn đang thật sự có mặt trong từng giây phút và xúc tiếp với những gì đang xảy ra nơi này trong từng giây phút. Có ánh sáng chánh niệm bạn mới thật sự có mặt trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày và sống được sâu sắc những giây phút ấy.

Chánh niệm giúp bạn tiếp xúc với những gì mầu nhiệm trong bạn và chung quanh, những gì có khả năng nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa. Bệnh tật là em bé đang khóc, và cơn đau là tiếng khóc la. Khi cơn đau phát khởi, bạn không nên phản ứng bằng lo sợ, la hét, đi bác sĩ, uống thuốc giảm đau mà trở về ngay với hơi thở ý thức, chế tác năng lượng tỉnh thức, sáng suốt để ôm lấy cơn đau. Niềm đau ấy chỉ là nỗi đau thân xác, và nó muốn báo động cho bạn biết chuyện gì đang xảy ra trong cơ thể bạn.

Bạn dùng hai cánh tay ôm lấy cơ thể, đầu hơi cúi xuống như hình ảnh người mẹ ôm lấy người con để ôm ấp cơn đau, tật bệnh đang có mặt trong thân thể, hãy thực tập thở trong tư thế này nhiều lần. Bạn hình dung cơn đau, tật bệnh là em bé và cái tâm sáng suốt, tỉnh thức là bà mẹ. Mẹ ôm lấy em bé trong lòng vòng tay. Từ từ, hai nguồn năng lượng sẽ hòa tan vào nhau để đưa đến trị liệu. Bạn hãy ôm lấy cơn đau, bệnh tật như nâng ly trà trong lòng hai bàn tay. Bạn thở, mỉm cười và gọi tên cơn đau, tật bệnh. Bạn ôm nó nhẹ nhàng như bà mẹ ôm vào lòng đứa con thơ. Hơi thở có công năng ôm ấp cơn đau, tật bệnh, và bạn sẽ cảm thấy yên ổn, thế nào cơn đau, tật bệnh ấy sẽ từ từ vơi nhẹ mà thôi. Bạn thở liền đi!

Khi đau nhức quá, bạn có thể thực tập thiền đi, thiền chạy, thiền ngồi hoặc thiền chấp tác, miễn sao có khả ôm ấp cơn đau ấy. Bạn không nên đè nén cơn đau mà nhận diện, gọi tên và ôm ấp nó, hãy xem cơn đau như em bé bị thương. Ai trong chúng ta cũng từng là em bé, và có thể em bé ấy có nhiều vết thương trong thân thể và tâm hồn, hãy dùng năng lượng lành mạnh của bà mẹ để trị liệu cho em bé. Cơn giận hờn cũng là em bé bị thương khác đang khóc, bởi giận hờn, lo lắng, tuyệt vọng, bất an đều là tâm bệnh. Tâm bệnh thường là nặng nề và khó điều trị hơn thân bệnh. Ôm bé bị thương ấy đi bạn, giúp cho em bé bị thương trong bạn có cơ hội trị liệu.

Hồi bé, có bạn đã phải đi ngang qua những giai đọan khó khăn, bị bạc đãi, bị lạm dụng, bị hành hạ, bị đánh đập bởi người lớn trong ấy có cả bố mẹ, và những thương tích này vẫn còn tồn tại chưa lành. Phương pháp trị liệu là bạn phải có thì giờ trở về tiếp xúc với em bé ấy trong bạn, giúp chửa lành cho những vết thương ấy. Sử dụng năng lượng chánh niệm có mặt với em bé, ôm lấy bé, nói chuyện với bé, an ủi em bé... Bạn cũng tập quán tưởng bố mẹ cũng là em bé năm tuổi hay ba tuổi, rất mong manh, dễ bị thương tích như bạn hồi ba tuổi hay năm tuổi vậy. Thấy được bố mẹ trong hình tướng ấy, mong manh, dễ bị thương tích, bạn sẽ phát sinh được lòng thương xót. Bạn thấy được bố cũng có thể đã là nạn nhân của sự lạm dụng, hành hạ, đánh đập từ hồi còn ấu thơ thì chất liệu hiểu và thương trào ra trong trái tim, từ đó những vết thương xưa bắt đầu có cơ hội được chữa trị.

Bạn trẻ thân mến!
Người không tu học thì hay tìm cách đè nén, trốn chạy hoặc khỏa lấp niềm đau của họ bằng cách tiêu thụ như ăn nhậu, xem hát, xem ti vi, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc, uống rượu, khiêu vũ, nói điện thoại... Đè nén và khỏa lấp như thế, nỗi khổ và niềm đau không có cơ hội được trình diện dưới ánh sáng của tỉnh thức để được trị liệu. Bạn nào cũng muốn trốn chạy niềm đau nỗi khổ, vì bạn có cảm tưởng sẽ bị tràn ngập bởi nỗi khổ niềm đau ấy. Con đường trị liệu này, bạn được hướng dẫn, trang bị bằng năng lượng của bà mẹ chánh niệm trên mỗi bước chân, hơi thở, nụ cười, vì thế bạn có đủ sức mạnh để trở về ôm ấp những nỗi khổ niềm đau. Ôm ấp nỗi khổ và niềm đau thì nó sẽ dịu xuống. Từ từ, bạn sẽ thấy nỗi khổ niềm đau này có gốc rễ nơi em bé bị thương ở trong bạn và ở trong bố mẹ...

Nuôi dưỡng và duy trì chánh niệm sẽ làm phát sinh ra năng lượng tập trung của tâm ý vào một đối tượng nào đó gọi là chánh định, vì thế chánh định còn có cái tên ‘tâm nhất cảnh’ nghĩa là tâm ở trên một đối tượng. Chánh định giống như cái đèn pha chiếu vào ca sĩ trên sân khấu để mọi người thấy rõ điệu bộ của cô như nhún, nhảy, mỉm cười... Chánh định như là ngọn lửa có thể đốt cháy mọi tâm tư, ý nghĩ, tình cảm không lợi ích của bạn. Cùng với chánh định, chánh niệm giúp bạn nhìn sâu vào bản chất của niềm đau để thấy được gốc nguồn của nó, và từ đó niềm đau được chuyển hóa tận gốc. Năng lượng chánh định nếu đủ hùng hậu sẽ giúp bạn khám phá được sự thật của niềm đau, tật bệnh ấy gọi là trí tuệ. Niệm, định và tuệ là ba nguồn năng lượng, ba loại ánh sáng được chế tác trong khi thực tập.

Mời bạn thực tập vài hơi thở.
Thở vài hơi thở cho khỏe nhẹ tâm hồn. Bạn có cảm nhận nắng ấm của tâm hồn không? Bạn có cảm giác không khí trong lành không?

Trị bệnh bằng thiền định
Thiền định là phương pháp trị liệu tuyệt vời nhất. Thiền định là sức mạnh tâm linh giúp gạn lọc tâm ý tiêu cực như phiền não, sợ hãi, lo lắng, đam mê, sầu muộn... Thiền định thắp sáng ý thức, tập trung tâm ý, dự trữ năng lượng giúp cơ thể phục hồi sức khỏe. Thiền định là nếp sống chánh niệm trong đời sống hàng ngày, tức là đi biết đi, ngồi biết ngồi, đau biết đau, buồn biết buồn... Thiền định có thể thực hiện trong mọi sinh hoạt của đời sống nhưng quan trọng nhất vẫn là ngồi thiền.

Ngồi thiền là cuộc trở về với bạn, sự sống và hiện tại. Ngồi thiền là đưa tâm rong ruổi trở về hợp nhất với thân ở trong trạng thái tĩnh lặng, do thế bạn trở thành sự sống, thâm nhập sự sống, cảm được chất liệu nuôi dưỡng từ sự sống. Cả con người bạn tỏa ra một sức sống tràn đầy từ đôi mắt, nụ cười, dáng ngồi.

Tuy nhiên, một số đông các bạn đang gặp nhiều khó khăn về phép ngồi thiền. Có lẽ, các bạn này chưa nắm rõ tư thế và nghệ thuật của phép ngồi thiền. Ngồi thiền là ngồi chơi. Ngồi chơi là ngồi thở. Nếu ngồi mà bạn không theo dõi hơi thở thì tâm ý bạn sẽ lén lút ra đi. Vì vậy “hơi thở là dây neo” giữ chiếc thuyền tâm ý ở lại với thân. Ngồi chơi cho vui, tức là ngồi không gồng gượng, không cố gắng, không gò bó, không căng thẳng, không mong cầu, do thế bạn sẽ ngồi được lâu, không bị nghẹt thở, không đau nhức, không mỏi mệt, không buồn ngủ. Phong cách ngồi chơi làm cho buổi ngồi thiền trở nên thoải mái, nhẹ nhàng và an lạc.

Thế ngồi vững nhất là ngồi kiết già, hai bàn chân chéo vào nhau, chân phải đặt trên bắp vế trái và chân trái trên bắp vế phải, gọi là thế ngồi hoa sen. Bạn ngồi xếp bằng hai chân trên một cái gối dày vừa đủ để giữ vững toàn thân. Nếu ngồi kiết già quá khó thì bạn có thể ngồi bán già, chỉ chân này chéo vào chân kia hay ngược lại. Nếu ngồi bán già vẫn còn khó thì bạn có thể ngồi khép hai chân đặt về phía trước hoặc muốn ngồi như thế nào cũng được, miễn là cảm thấy thoải mái. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà và hai tay chạm vào nhau bắt ấn thiền định.

Quan trọng là giữ lưng cho thẳng, buông thư mà không gồng cứng ngắt. Ngồi sao mà phần trên từ bụng trở lên của cơ thể hoàn toàn thư giãn, thả lỏng, thoải mái. Bạn có cảm giác cơ thể nhẹ như một sợi tơ. Nếu ngồi mà tư thế nặng nề, mệt nhọc, khó thở thì bạn phải điều chỉnh lại tư thế. Có thể sống lưng cong quá, bụng bị ép, cơ thể gồng gượng cho nên máu huyết, tim mạch, hệ hô hấp không lưu thông. Hai bên sống lưng là hai luồng năng lượng, có những dây thần kinh và nhiều huyệt mạch điều khiển tất cả hoạt động trong cơ thể. Bạn phải trả xương sống trở về trạng thái cong tự nhiên của nó. Hãy để xương sống thả lỏng như lúc bạn đi hay đứng thì thần kinh, máu huyết, mạch huyệt mới đả thông. Lúc ấy năng lượng trong cơ thể mới lưu chuyển giúp cho tâm thức thông suốt và an lạc.

Tại một vài thiền viện, thiền sinh không được động đậy trong khi ngồi thiền, dù chân bị tê nhức thế nào họ cũng phải cố gắng chịu đựng, điều này không cần thiết. Ngồi thiền là để có an lạc và hạnh phúc. Nếu một phần nào của thân thể bị đau nhức, tức là thân thể bạn muốn báo động điều gì đó. Bạn phải biết lắng nghe nó, không nên bắt cơ thể chịu đựng quá sức, vì làm thế có thể bộ phận ấy sẽ bị tổn thương.

Nếu chân bạn bị tê đau trong khi ngồi, bạn có thể tự động sửa lại thế ngồi cho thoải mái hoặc đổi chân dưới lên trên. Bạn vừa làm một cách nhẹ nhàng chậm rãi, vừa theo dõi hơi thở và từng cử động của thân thể thì tâm bạn vẫn an trú trong định. Nếu chân vẫn không hết đau làm bạn chịu hết nổi thì bạn có thể đứng dậy, đi thiền hành từng bước chậm rãi, đến lúc bạn thấy có thể ngồi lại được thì bạn ngồi xuống, miễn sao bạn đừng làm động niệm đến các bạn khác. Điều này không đến nổi gây trở ngại gì cho thiền tập mà ngược lại giúp bạn thực hành ngồi thiền có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn được khích lệ ngồi yên cho đến lúc hết giờ thiền tập.

Đôi khi bạn ngồi thiền là để chạy trốn cuộc đời, chạy trốn chính mình, giống như con thỏ chui vào hang của nó. Làm như vậy, bạn có thể tạm yên ổn trong một thời gian ngắn, nhưng khi ló đầu ra khỏi hang, bạn vẫn phải đối diện với những vấn đề thường nhật của bạn. Giống như khi bạn tu hành ép xác, bạn mệt nhoài và có ảo tưởng là bạn chẳng còn vấn đề gì nữa. Nhưng khi cơ thể bạn phục hồi sinh khí thì những vấn đề kia cũng kéo về theo. Bạn không cần tu gấp, chỉ cần tu cho thảnh thơi, đều đặn và hạnh phúc. Tu là một chuyến đi. Chuyến đi vô cùng tận. Chuyến đi không có đích. Bạn hãy biết đi chậm rãi trong thanh thản. Mỗi ngày bạn nhớ quán chiếu nhìn sâu vào lòng mọi sự mọi việc đang xảy ra. Thực tập như thế bạn mới có thể tiếp xúc được sâu sắc với cuộc sống muôn hình vạn trạng và biến đổi vô thường.

Hãy nhớ bí mật của ngồi thiền là ngồi chơi, ngồi thở, vì vậy bạn tập ngồi thiền khắp mọi nơi. Khi ngồi tại văn phòng hay trong xe hơi, bạn hãy nhớ ngồi thở. Ngay cả khi đi mua sắm tại một siêu thị đông người hay đứng chờ hàng dài trước nhà băng, ga tàu lửa, trạm xe buýt, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, bực dọc, bất an thì bạn có thể tập thở và mỉm cười để đừng bị chìm trong hoàn cảnh đó. Bạn hãy giữ sự thăng bằng cho thân tâm. Muốn có khả năng đối diện với bao phiền toái của cuộc đời, bạn cần trở về với bạn bằng hơi thở ý thức. Ở đâu, trong tư thế nào, đi, đứng, nằm, ngồi, bạn cũng nhớ tập thở. Tu là thở, tu là chơi, tu như chơi.

Ngồi thiền, bạn không suy nghĩ, không tính toán, không tạo tác gì hết mà chỉ thở, mở cửa tâm thức cho các hạt giống lưu chuyển. Bao nhiêu tâm ý đều được bạn nhận diện, bao nhiêu tình cảm đều cho tuôn chảy thông thương. Tâm thức bạn có nhiều dòng sông. Ngồi thiền như ngồi chơi bên bờ sông, bạn thấy rõ những gì đang trôi trên dòng sông ấy như cái thùng, cành cây, con thiên nga, cánh bèo... Ngồi thiền cũng thế! Bạn ngồi bên bờ sông tâm linh để nhìn dòng sông tâm ý cho rõ. Bờ sông tâm linh ấy là ánh sáng chánh niệm, thiền định được dựng lên từ hơi thở ý thức, bước chân tĩnh lặng, câu niệm Bụt, câu trì chú.

Ngồi thiền đúng cách giúp tâm sáng suốt nên bạn thấy biết rõ mọi hoạt động trong tâm ý. Bạn không xua đuổi mà không bám víu vào tâm ý nào dù đó là an lạc hay hạnh phúc, buồn tủi hay khổ đau. Bạn giữ tâm ý thoáng như hư không, sáng như buổi bình minh, yên như hồ nước tĩnh lặng. Bạn giữ lấy tâm hồn nhiên, tâm bản nhiên sáng lạng để nhận diện suy tư, tâm ý, cảm thọ và chuyển hóa đi những bế tắt, buồn đau, muộn phiền. Càng yên càng nhẹ, càng sáng càng thông, càng vô tư càng thoải mái. Có người nói thiền định đâu phải chỉ là ngồi, vì vậy bạn tập làm việc gì cũng là cơ hội sống thiền. Dù sao thế ngồi vẫn là tư thế vững chãi dễ đi sâu vào thiền định khai mở suối nguồn an lạc, thanh tịnh, thảnh thơi làm “thuốc an dưỡng” trị liệu cho thân thể và tâm hồn.

Suy nghĩ lành mạnh
Tôi đang dùng phương pháp tư duy tích cực, lành mạnh, trong sáng để điều trị ung thư. Suy tư là một loại hoạt động của tâm, có thể gọi là năng lượng. Suy tư là tiếng nói âm thầm trong tâm ý, có ảnh hưởng tới đời sống nội tâm, thân thể và tác động lên mọi người, mọi loài chung quanh.

Sau nhiều năm tu luyện, tôi thấy mỗi tư duy đều có ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động của thân thể. Suy nghĩ dễ thương thì cơ thể nhẹ nhàng, bình an. Suy nghĩ dữ dằn, lo sợ, thù ghét thì cơ thể bứt rứt, tạo năng lượng sôi sục trong máu huyết, tim đập nhanh và thường đưa tới mệt mỏi, đau nhức. Suy nghĩ xót thương thì cái nhìn dịu hiền làm cho cơ thể buông thư, ấm áp. Suy nghĩ bậy bạ, trần lụy, dâm dục thì cơ thể lên cơn sốt dục vọng, bất an, căng thẳng. Suy nghĩ trong sáng thì cơ thể thảnh thơi, nhẹ nhàng. Vậy, lấy cái tư duy trong sáng, dễ thương, lành mạnh, tôi giúp cho cơ thể mạnh khỏe, bình an, tạo ra năng lượng đề kháng để trị bệnh. Tôi rất tin vào phương pháp suy tư lành mạnh này.

Giáo sư Emoto Masaru là người Nhật Bản để ra mấy mươi năm nghiên cứu về nước. Giáo sư nói: “Nước là nền tảng, bản chất của sự sống.” Đời sống con người có liên hệ mật thiết tới phẩm chất của nước. Con người mạnh khỏe hay bệnh tật đều do nước trong hay nước đục. Điều công bố này ai cũng tin, bởi vì con người tiêu thụ nước nhiều nhất trong đời sống hàng ngày, và giáo sư đã đưa ra các hình ảnh chụp từ các nguyên tử nước càng làm cho mọi người tin tưởng và kinh ngạc hơn.

Nước bị ô nhiễm có nguyên tử không lành lặn, nó bị méo mó, bị bể ra từng mảnh nhỏ, nước sạch sẽ, trong lành có nguyên tử nguyên vẹn, hình đẹp như một bông hoa, một hạt tuyết, một ngôi sao. Hiện giờ có nhiều dòng sông trên thế giới đang bị ô nhiễm trầm trọng do con người thải vào sông quá nhiều chất độc hóa học, dầu mỡ, rác rến, nhất là các nước chậm tiến với đa số người dân không có ý thức trách nhiệm và kiến thức về môi trường. Nước bị ô nhiễm thì các loài thủy tộc sống trong đó cũng bị bệnh, vì thế khi con người ăn các loài ấy thì con người cũng bệnh. Lấy nước trong dòng sông ô nhiễm ấy để tưới vườn rau cải thì rau cải mang theo các chất độc hóa học, vì thế bệnh của con người một phần là do nguồn nước bị ô nhiễm mang lại.

Giáo sư làm cuộc thí nghiệm về nước với việc cầu nguyện. Lấy một ly nước ở dòng sông ô nhiễm, giáo sư cho các học sinh cầu nguyện khoảng 20 phút bằng bất cứ tín ngưỡng nào. Giáo sư bỏ ly nước ấy ở phòng đông lạnh, rồi lấy vài hạt băng trong ly nước ấy chụp hình thì nguyên tử nước trở lại nguyên hình, đẹp như một bông hoa, nghĩa là nước cũng cảm nhận năng lượng an lành của sự cầu nguyện. Giáo sư thử nghiệm nước với các loại âm nhạc. Lấy một ly nước “nguyên chất” gọi là “distilled water” cho nước nghe “nhạc dân ca” thì nguyên tử nước biến thành hình bông hoa, cho nước nghe “nhạc rock in roll” thì nguyên tử nước run rẩy bể từng miếng nhỏ...

Giáo sư lại thí nghiệm nước bằng cách dán lên ly nước các chữ khác nhau như “cám ơn nước” thì nguyên tử nước hạnh phúc đẹp hẳn ra, “tao giết mày” thì nước sợ hãi nên nguyên tử nước méo mó....Do thế, nước thật sự nhạy cảm! Nước có tâm thức vì vậy nước biết được ngôn ngữ, nghe được lời nói, âm thanh, cảm được năng lượng, ba động của suy tư, lời nói của con người. Bạn có thể nói rằng: Sự sống con người ảnh hưởng sâu đậm trên bản chất của nước và ngược lại. Nếu tâm con người lành mạnh thì nước trong trẻo hơn. Nếu con người biết cầu nguyện, khen ngợi, hát dân ca thì nước trong lắng trở lại. Và nếu con người biết cám ơn, biết bảo vệ, không xả rác, không thải các chất độc hại vào nước thì các dòng sông sẽ tự nhiên trong lành trở lại.


Thân thể con người chứa gần 70 phần trăm nước. Nếu nước ở ngoài nhạy cảm với ngôn ngữ, âm thanh, lời nói, suy tư, tình cảm thì nước trong thân thể con người cũng như thế. Điều này chứng minh rõ là môi trường, cách sinh hoạt, suy tư, nói năng của con người có nhiều nguồn năng lượng không lành mạnh tạo ra bệnh tật, bởi vì thời nay con người mang bệnh quá nhiều. Càng ngày bệnh tai biến càng nhiều do căng thẳng. Càng ngày bệnh ung thư càng nhiều do các chất độc hại. Càng ngày bệnh tâm thần càng nhiều do trầm cảm, bất an...
Tóm lại, ngoài bảo vệ môi trường sinh sống, bạn nên thực tập tư duy lành mạnh. Bạn gửi càng nhiều tình thương cho mọi người càng tốt. Bạn hãy nhớ tới hình ảnh cầu nguyện, lời “cảm ơn” của giáo sư Masaru mà nguyên tử nước trong lại đẹp hẳn ra, huống hồ gửi năng lượng an lành, tình thương, biết ơn tới con người thì chắc chắn con người sẽ mạnh khỏe. Bạn hãy suy tư lành mạnh như thế cho người thân, bạn bè, mọi người, mọi loài và thiên nhiên nữa nhé. Năng lượng lành mạnh sẽ làm cho cỏ xanh hơn, nước trong hơn, hoa thắm hơn, chim hót hay hơn, mẹ vui hơn, em khỏe hơn...Quan trọng hơn hết là mỗi ngày bạn hãy nhớ suy tư lành mạnh, dễ thương, tha thứ, vui tươi đối với chính bạn, bởi vì năng lượng tình thương, lành mạnh, sự tha thứ, niềm vui tươi sẽ tuôn chảy khắp châu thân, giúp cho thân thể mạnh khỏe, hệ đề kháng gia tăng, máu huyết lưu thông thì thế nào bạn cũng sẽ khỏe mạnh. Bạn hãy thử nghiệm vài suy tư lành mạnh xem thế nào!


Điều trị bằng sinh tố D
Bạn trẻ thân mến!

May mắn, tôi có nhiều bạn bè và tăng thân khắp nơi gửi nhiều tài liệu về cách điều trị ung thư. Một trong những tài liệu có liều thuốc được chế bằng lá cây Nha đam, mật ong và rượu. Lúc ấy, tôi đang ở Việt Nam nên không thể tìm ra rượu nguyên chất, bởi vì người ta pha chế rượu bằng các loại hóa chất hoặc cồn… Tôi biết thế nào cũng có rượu sạch chế biến bằng ngũ cốc nhưng tôi không quen ai để nhờ mua dùm loại rượu này nên đành dùng lá Nha đam và mật ong. Bác sĩ nói: “Rượu sẽ đưa thuốc vào trong máu dễ dàng hơn.”

Mỗi ngày, tôi đều có uống một viên sinh tố tổng hợp trong ấy có sinh tố B (B complex) bồi bổ máu, nâng cao đề kháng, có sinh tố D điều trị ung thư. Dưới đây là tài liệu về ung thư và sinh tố D mà bác sĩ Lương Vinh Quốc Khanh trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

“Trong tuyển tập nghiên cứu về bệnh Ung Thư (Critical Reviews in Oncology Hematology) được ấn hành bởi Elsevier, nhà xuất bản lớn nhất thế giới về khoa học và y khoa, có một chương nói về cách điều trị và phòng ngừa ung thư của hai Giáo Sư Y Khoa người Việt Nam: Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh và Bác Sĩ Nguyễn Thị Hoàng Lan. Nhân một cơ hội được đọc chương về Cách Dùng Sinh Tố D để trị Bệnh Ung Thư nói trên, người viết đã làm một cuộc phỏng vấn ngắn ngủi với Giáo Sư Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh.

Hỏi: Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân nào dẫn tới việc nghiên cứu về Sinh Tố D để trị và ngăn ngừa bệnh ung thư?
Đáp: Tôi đã nghiên cứu về sự liên hệ của sinh tố D và bệnh ung thư từ 20 năm nay. Tôi đã từng hợp tác nghiên cứu với một giáo sư nổi tiếng về Sinh tố D của Mỹ. Lý do dẫn tôi tới việc nghiên cứu này là một khám phá tình cờ. Trong lúc điều trị cho những người Việt Nam bị bệnh ung thư, tôi nhận thấy những bệnh nhân này có một đặc điểm chung là cùng thiếu Sinh tố D. Trước đó, tôi đã chia sẻ điều khám phá này với các vị thầy cũng như đồng nghiệp của tôi nhưng rất ít người đồng ý với ý kiến của tôi, có khi còn cho ý kiến ngược lại. Tôi nhớ khi tôi còn ở Đại Học UCLA và bắt đầu nghiên cứu về sự liên hệ giữa sinh tố D và căn bệnh quái ác này, ông thầy tôi gọi điện thoại cho tôi, chê trách là tôi không hiểu gì về sinh tố D cả. Ông thầy cho rằng người dân ở California không bao giờ thiếu Sinh tố D. Nhưng kết quả thực tế do tôi khám phá là các người bệnh ung thư ở California đều thiếu sinh tố D. Mãi sau này, ông thầy tôi mới xin lỗi vì không bao giờ ông nghĩ là các bệnh nhân ung thư đều thiếu sinh tố D.

Hỏi: Điều đáng mừng là sinh tố D có thể mua tại bất cứ dược phòng nào, phải không?
Đáp: Thật ra không phải cứ là sinh tố D thì có thể mua tự do tại các dược phòng. Có nhiều loại sinh tố D. Loại sinh tố D dùng để chữa bệnh ung thư phải có toa bác sĩ mới mua được. Loại cần toa bác sĩ này tốt gấp 10 lần các loại thông thường. Mấy loại mua ngoài chợ không có giá trị. Bản thân tôi khi chữa trị cho người mắc bệnh ung thư, đều dùng loại cần toa bác sĩ. Yếu tố này, thoạt đầu, cũng không được các đồng nghiệp khác đồng ý. Ngay chính ông thầy tôi cũng phản ứng khi được biết tôi chuyên dùng loại sinh tố D cần toa bác sĩ. Ông Thầy tôi cũng thắc mắc hỏi tại sao tôi chỉ cho toa mua loại này, sao không cho họ xài loại bán ngoài chợ. Các khảo cứu sau này cho thấy chỉ có loại sinh tố D cần toa bác sĩ, vì chỉ có loại ấy mới bám vào tế bào và tác dụng trên tế bào ung thư.

Hỏi: Khi tôi còn đi học, tôi được nghe nói là các yếu tố tiền sinh tố D nằm dưới da, có đúng không?
Đáp: Đúng thế, các yếu tố tiền sinh tố D3 nằm dưới da. Nhờ tia ultra violet của mặt trời, các yếu tố này biến thành 25-sinh tố D3. Các chất 25-sinh tố D3 này vào tới thận biến thành 1,25-sinh tố D3. Chính 1,25-sinh tố D3 này mới có tác dụng trên cơ thể. Chất tiền 24,25-sinh tố D3, nếu không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì không thể biến thành 1,25-sinh tố D3. Nhưng cũng có trường hợp luôn ở dưới ánh nắng mặt trời nhưng vẫn thiếu sinh tố D3. Khoảng 1/3 đến phân nửa dân số sinh sống ở Sub-Sahara Phi Châu và Trung Đông được xem là thiếu sinh tố D. Như những người da đen, họ thường thiếu sinh tố D vì da họ đen quá làm cản tác dụng biến tiền sinh tố D thành sinh tố D3. Mũ che nắng, Sunblock cũng cản tia tử ngoại (UV) nữa. Da của người lớn tuổi cũng cản tia tử ngoại. Tế bào da của người lớn tuổi cũng không phát triển, thì người lớn tuổi cũng sẽ thiếu sinh tố D.

Hỏi: Còn yếu tố nào làm thiếu sinh tố D không?
Đáp: Người Việt Nam thường bị viêm gan, các tế bào gan giảm đi, thì việc thay đổi từ 25-sinh tố D sang 1,25-sinh tố D3 cũng giảm đi. Đau thận cũng làm giảm thiểu sự biến hóa 1,25-sinh tố D3. Một điều cần lưu ý là có nhiều người phơi nắng rất nhiều cũng thắc mắc tại sao tôi thiếu sinh tố D. Phơi nắng nhiều quá, thì lại làm một lớp da ngoài bị cháy đi, biến thành lớp cản không tiếp nhận tia hồng ngoại tuyến (UV) nữa. Do đó việc đem người bệnh ung thư đi phơi nắng cũng gặp một trở ngại là không biết độ nắng là bao nhiêu thì tốt.

Hỏi: Bác sĩ có thể nói thêm về quan hệ giữa sinh tố D và bệnh ung thư như thế nào được không?
Đáp: Sinh tố D liên quan đến ánh nắng mặt trời. Vùng nào nhiều ánh nắng mặt trời thì ít ung thư. Vì thế những vùng càng xa xích đạo bao nhiêu thì càng thiếu sinh tố D, như vùng cực Bắc âu thì thiếu sinh tố D rất nhiều. Người ta thấy có một liên hệ mật thiết giữa sinh tố D và bệnh ung thư, những người thiếu sinh tố D thì có tỷ lệ bị ung thư cao hơn người có nhiều sinh tố D. Như ở Norway, có nhiều county, những county ở cực Bắc thì tỷ lệ ung thư cao hơn vùng county phía Nam, nơi mà người ta giàu sinh tố D hơn người cực Bắc. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng của thời tiết: Mùa đông ít ánh nắng mặt trời, nên số người bị ung thư tăng lên rất nhiều, mùa hè thì giảm đi. Điều quan trọng là nếu dùng sinh tố D trong việc điều trị thì hy vọng khỏi bệnh càng cao.

Cám ơn bác sĩ. Mong rằng đây là một khám phá mới đem lại nhiều hy vọng cho những người mắc phải cơn bệnh của thần chết này.”
________________________________

[1] Kinh Trung Đạo Nhân Duyên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/12/2013(Xem: 9406)
Đây là một đề tài khá phức tạp và dễ bị hiểu lầm. Có câu nói: ‘Hành trình ngàn dặm khởi đầu bằng một bước đi (a journey of a thousand miles begins with a single step). Vì vậy, vấn đề cần phải nêu ra là khi nào và từ đâu chúng ta bắt đầu cất bước trên con đường tâm linh? Đa phần chúng ta đi tìm con đường tâm linh cho mình khá trễ. Trễ là do mình không cảm thấy nhu cầu cần thiết cho tâm linh lúc trẻ vì quan niệm rằng chùa chiền không thể nào giải quyết được những ưu phiền, đau khổ trong cuộc sống của tuổi trẻ. Chùa là dành cho những người lớn tuổi, xế chiều. Họ cần đến chùa là để vun bồi phước đức như làm việc thiện, bố thí, công quả .v..v… để ‘sau này’ được hưởng phước tốt lành.
09/12/2013(Xem: 6714)
Gia đình nghèo kia có ba người: Bố – Mẹ – và Con trai. Họ sống âm thầm và bình lặng trong một thôn làng hẻo lánh, người Bố đi làm thuê để kiếm cơm gạo nuôi gia đình, người mẹ lo việc bếp núc, trồng mấy luống rau, và chăm sóc con. - Một buổi trưa hè nắng nóng, người mẹ trên đường từ chợ về nhà chợt nhặt được một trái cam ai đó đánh rơi bên đường, cơn khát và mệt nhọc dường như tiêu tan khi bà nghĩ đến miếng cam ngọt lịm và mọng nước. Nhưng nghĩ đến đứa con ngoan ngoãn chẳng mấy khi được ăn hoa trái thơm ngon, bà liền lau sạch trái cam và cất vào túi.
09/12/2013(Xem: 8373)
Giáo lý đạo Phật không chỉ nói về những vấn đề “xuất thế”, mà Đức Phật cũng đã rất chú trọng về vấn đề “nhập thế” - hoàn thiện nhân cách trước khi đạt được thánh cách - giúp cho tất cả chúng ta một phương pháp ứng xử phù hợp với đạo lý làm người, tạo nên một nhân cách sống. Nhân cách sống đó, dù bất cứ ở đâu và bất cứ thời điểm nào, cũng có thể ứng dụng và mang lại những kết quả tốt đẹp...
09/12/2013(Xem: 8504)
Có thầy trò một nhà kia làm nghề hát xiệc. Người thầy là một người đàn ông góa vợ và người học trò là một cô gái nhỏ tên là Kathullika. Hai thầy trò đi đây đó trình diễn để kiếm ăn. Màn trình diễn của họ là người thầy đặt một thanh tre cao trên đỉnh đầu mình, trong khi bé gái leo dần lên đầu cây rồi dừng lại trên đó, để người thầy tiếp tục đi trên đất. Cả hai thầy trò đều phải vận dụng sự tập trung tâm ý đến một mức độ khá cao, để giữ thăng bằng và để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra.
09/12/2013(Xem: 7486)
Tự thủy uyên nguyên, khắp các loài chúng sanh cùng với Phật đồng một tâm, tức cái tâm tánh tuyệt đối, chơn thường, vắng lặng, trong trẻo, tròn đầy, trùm khắp, không lay không động, không đến không đi, không sanh không diệt, vô thỉ vô chung, cực linh cực mầu, hay sanh các pháp. Do Phật tâm thanh tịnh, vắng lặng, huyền mầu, nhưng lại khéo sanh vạn pháp, nên cổ đức mới tạm mượn lời mà đặt tên, gọi cái tánh huyền mầu đó là "chơn không diệu hữu", tức từ cái tánh linh diệu trong trẻo, không một vật mà pháp pháp tuỳ duyên trùng trùng sanh khởi.
09/12/2013(Xem: 7610)
Nguyện là mong cho, cầu mong cho, ước mong rằng… Khi nguyện cho người khác được hạnh phúc, chính ta liền có được hạnh phúc. Tại sao như thế? - Khi nguyện cho người khác hạnh phúc, chính trong lúc đó tâm ta thoát khỏi những tình cảm tiêu cực như đố kỵ, ích kỷ, ghét bỏ… Khi ấy chúng ta xóa bỏ được, dù chỉ là tạm thời, sự phân biệt chia cách kiên cố giữa ta và người khác. Chính sự thoát khỏi những ràng buộc tiêu cực nặng nề này đưa chúng ta đến miền đất chung của hạnh phúc.
08/12/2013(Xem: 10368)
Bodh Gaya (Bihar), Ngày 3, tháng 12, năm 2013 – Lễ trùng tụng Tam tạng thánh điển quốc tế đã cử hành tại Bồ Đề Đạo Tràng thuộc tỉnh Bihar, Ấn độ. Hàng ngàn chư Tăng và Phật tử trên toàn thế giới đang tham dự buổi lễ này. Buổi lễ 10 ngày được tham dự bởi chư Tăng và Phật tử từ các quốc gia như Bangladesh, Căm bốt, Ấn độ, Nepal, Miến điện, Thái lan, Tích lan và Việt nam sẽ chấm dứt vào ngày 12 tháng 12 năm 2013.
08/12/2013(Xem: 32024)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
07/12/2013(Xem: 21997)
Phật Ngọc, ước nguyện hòa bình thế giới
07/12/2013(Xem: 10617)
Các Phật tử nam lắng nghe chăm chú, các Phật tử nữ lặng nhìn, nghe Hòa thượng khai thị. Có lẽ ai nấy cũng chạnh lòng khi biết rằng, chính tại ngôi chùa Cực Lạc Cảnh Giới này, TT. Hạnh Nguyện đang ngày đêm nguyện cầu chư Phật, hộ pháp gia hộ cho công trình xây dựng Chùa Cực Lạc Cảnh Giới sớm thành tựu, và là nơi nương tựa, tu học tâm linh quan trọng của bà con Phật tử Việt Nam ở hải ngoại.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]