Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tập tu

19/03/201419:34(Xem: 9173)
Tập tu

minh_hoa_quang_duc (64)Trong đời tôi, dường như ngoài việc được (hay bị) má tôi đẻ sớm, trước khoảng thời gian dự định thường lệ, chín tháng mười ngày cho một bào thai, mọi chuyện khác đều đến với tôi rất muộn màng. Yêu muộn mà tu cũng muộn!. Sinh ra trong một gia đình theo truyền thống Lão Khổng, quân xử thần tử thần bất tử bất trung, «Phu xử phụ tệ, phụ bỏ phu là bất nghĩa»... Tôi lớn lên theo khuôn thước của nhân nghĩa lễ trí tín, được rèn luyện bằng những câu ca dao tục ngữ ba má tôi thường ví von. Các mẫu ngụ ngôn, hoặc những câu chuyện đời nhan nhản xảy ra ở chợ, ở bến xe... là đề tài ba má tôi đem răn dạy các con.

Tôi cũng học từ những lầm lỗi do chính mình sau những lần ăn roi mây của ba tôi. Những cái lỗi mà đầu óc non nớt của một đứa trẻ, thích gì làm nấy, dọc phá tìm tòi đủ thứ mới lạ chung quanh. Tuổi mới lớn, tim óc nguyên khôi như tờ giấy trắng, đâu biết đã có những luật lệ từ bao đời của ông tổ bà sơ, bậc người lớn... Những định lệ được mệnh danh vì đạo đức, từ truyền thống, chồng chéo ràng rịt, chận trước ngăn sau, đè lên đầu lên cổ một tâm hồn vô tư vô tội vạ! Chuyện yêu thương trai gái thuở tuổi trăng tròn của chị em tôi, là điều bị ba má tôi cấm kỵ như một việc gì vô cùng xấu xa, tội lỗi. Tôi còn nhớ hình ảnh chị hai tôi, nước mắt lã chã, đòn roi tơi tả vì yêu!

Trong gia đình tôi, nhang đèn cúng quảy chỉ rình rang vào những ngày giỗ ông bà nội ngoại. Phật, Chúa, dường như tôi chỉ nghe người ngoài nhắc đến. Ngoại trừ câu cầu nguyện «Nammô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát, cứu khổ cứu nạn độ chúng sanh», má tôi lẩm bẩm mỗi khi bà chứng kiến một việc gì đó không may xảy ra, chẳng hạn như khi thấy một tai nạn xe cộ, hoặc đi ngang qua những người tàn tật ăn xin. Má tôi chỉ xin xỏ Quan Âm. Tôi chưa bao giờ nghe bà kêu gọi Phật. Riêng đối với một đứa khá ngổ ngáo như tôi, chỉ tin và để nằm lòng những gì nếm hoặc rờ mó được. Dù lắm lần nếm phải bao vị đời đầy cay đắng, đôi lần phỏng tay vì thử «lửa» ...

Các kinh nghiệm thực tiễn, mắt thấy tai nghe vẫn là những điều tôi lấy đó làm tin. Phật pháp đối với tôi, là một điều gì vô cùng mơ hồ. Hơn thế nữa, sáu câu vọng cổ mùi mẫn của «chuyện tình Lan và Điệp», lấy nước mắt của bao thanh thiếu niên, và nhiều câu chuyện thật mà tôi được nghe lõm bõm, đã cho tôi những ý tưởng rất tiêu cực về Đạo Phật: Vào chùa vì thất tình, vì chán đời, vì muốn trốn quân dịch... Rồi, cuối cùng Lan chết sau khi tu!!!... Cá nhân tôi, từ nhỏ đến lớn, chưa từng tơi tả vì thất tình, cũng chưa chán quá độ cái cõi đời lắm kẻ chê nầy. Tôi lại là đàn bà con gái, không phải tòng quân... nên cửa chùa xa tôi thăm thẳm. Tôi không thấy mình có lý do, không dây mơ rễ má liên hệ nào để bước vào chùa, để tu.

«Áo mặc sao qua khỏi đầu» là cái câu từ đó tôi bị lấy chồng. «Định mệnh trong tay ta», «Tận nhân lực mới tri thiên mệnh» ... như ba tôi đã dạy là những câu tôi lấy làm tâm niệm, theo đó mà tự lực cánh sinh, nên không bao giờ tôi biết cầu nguyện. Dù thuộc làu câu Quan Thế Âm má tôi thường dùng, nhưng tôi không áp dụng. Tôi nghĩ Quan Âm ở đâu sẵn để đến giúp và giúp bằng cách nào? Dịp Tết, tôi và vài người bạn đến chùa xem thiên hạ đông vui. Tôi đứng nhìn vào chánh điện, ngắm tượng Phật về phương diện mỹ thuật chứ không lạy Phật. Thiên hạ cầu nguyện nhang khói mịt trời, lụp xụp lạy tượng.

Cả cô bạn tôi cũng lâm râm khấn vái cho cậu con lười biếng ham chơi được thi đậu... Lúc đó tôi chỉ lắc đầu và thầm tội nghiệp hy vọng mỏng manh của cô nàng. Phật pháp hoàn toàn không có mặt trong ý nghĩ của tôi. Cho mãi đến gần cuối năm 2007, sau ngày tôi mất mẹ, khi tôi đã ở cái tuổi ngoài năm mươi, khi duyên đến, tôi bắt đầu tập tu, dù tu muộn.

Tôi phải cám ơn những người ấn tống sách Phật. Chính từ những quyển sách nầy, tôi đi vào Đạo. Số là, tình cờ sau lần cầu siêu cho mẹ tôi ở chùa, tôi chọn vài quyển biếu không đem về đọc, lấp cho đầy thời gian cuối tuần không làm việc, mà cũng không còn mẹ để thăm nom chăm sóc. Lại thêm các trang Web Phật giáo trong và ngoài nước đã từng bước, từng ngày từng giờ đưa tôi đến với đạo Phật ...

Từ đó, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Nghiệp, Nhân Quả, tinh thần Vô Thường Vô Ngã Vô Tác, thuyết Mười Hai Nhân Duyên, lục độ Ba La Mật, tánh Không ... cuốn hút tôi như nam châm. Tôi bắt đầu đi chùa, nhìn tượng Phật bằng cái nhìn khác hơn và bắt đầu lạy Phật. Lạy với đầu cúi xuống thật thấp, thoạt đầu, tôi nghĩ là mọi người tỏ lòng kính phục Phật, người đã dám từ bỏ nhung lụa vàng son, sống đời khổ hạnh để tìm ra những nguyên lý giải khổ cho nhân loại. Cúi đầu đụng đất, nghĩa là phục sát đất. Sau nầy, khi rõ hơn, lạy Phật không nông cạn như tôi đã hiểu trong những tháng cuối năm 2007. Tôi phục Phật, không phải phục vừa vừa, mà phục lăn một trí tuệ siêu việt kèm theo lòng từ bi mênh mông không ngằn mé đối với chúng sanh.

Nhà tôi ở gần chùa Pháp Bảo. Hơn hai mươi năm lái xe đi làm qua lại ngang chùa, qua lại thờ ơ! Lâu lắm rồi, có một lần tôi vào thư viện chùa định mượn sách về đọc, xui rủi hôm ấy thầy có chuyện gấp nên phải khoá thư viện. Lúc đó trái tim dễ xúc động kèm theo lòng tự ái ngút trời của tôi bị tổn thương kha khá. Tôi thầm nghĩ: «Bộ ông Sư sợ mình chôm sách hay sao?». Lần khác, tôi đến một chùa nọ định hỏi đôi điều về đời và đạo, thì lại gặp giờ các thầy nghỉ trưa! Tôi thiết nghĩ: công viên chức, những người lao động mệt ứ hự, mệt tóe khói thì cần nghỉ trưa để đở quạu với bần dân, hoặc để phục hồi sức lực. Cửa chùa luôn rộng mở và các thầy nhàn hạ, sao không thể có một thầy thức trực để đón một vài người muốn «bỏ tà quy chánh», cho nhân gian bớt một kẻ khổ đau?! ... Thôi thì, cái đầu câu nệ của tôi được dịp dèm pha, phê phán về sự ngủ nghỉ kỹ lưỡng của các thầy!

Khi cái duyên chưa đến thì như thế đấy! Và khi duyên đến thì phật tử sơ cơ nầy, trong thời gian ngắn từ khi biết đạo, đã quay một góc 180 độ. Quy y Tam Bảo: Phật-Pháp-Tăng và tháng Năm, 2008. Tôi như căn nhà tối om om được sao xẹt, như bé Alice được lạc vào wonderland đầy kỳ hoa dị thảo. Tôi hồ hởi thưởng thức Đạo Phật bằng hết thảy sáu căn: mắt nhìn Phật (không phải tượng) bằng tất cả lòng thương kính. Mũi ngửi hương nhang và hoa quả trên chánh điện. Tai nghe chuông mỏ, kinh kệ. Lưỡi nếm thường xuyên các món chay ngon đáo để trong chùa (người ta thường nói ăn chực ngon hơn ăn nhà). Thân lạy sùm sụp, ngồi bán kiết già vừa mỏi vừa tê (là thế ngồi mà, dưới mắt nghề nghiệp, rất ư là không nên, trên phương diện cơ thể học và sinh lý học). Ý tâm đã bớt vô minh ngu độn với tham chấp của thế gian, dù tôi vẫn là kẻ phàm chính cống.

Khi nghiệp chướng trả dần thì phước duyên đến ào ào. Tôi đã được tham dự Lễ An Cư Kiết Hạ của các Tăng Ni vào tháng Bảy năm nay tại chùa Linh Sơn, tiểu bang Melbourne. Đó là lần đầu tôi nghe tên Kinh Pháp Hoa (Diệu Pháp Liên Hoa), và được các Thầy giảng một mạch hết 28 phẩm trong mười ngày ngắn ngủi. Trong kinh nầy Phật cho biết ai ai trong kiếp người đều có Phật tánh ẩn tiềm. Phật Thích Ca chỉ là thể hiện của Phật đã thành từ vô lượng kiếp, giáng trần để cứu độ chúng sanh trong cõi ta bà đầy khổ đau, vật vả với vô minh và tham ái. Tôi bắt đầu chùi sáng viên ngọc Phật đã từ bi trao tặng. Càng phủi bớt bụi trần, càng xa rời những thể loại được xem là thú vui hạnh phúc của thế nhân, thêm thì giờ trầm mặc, tôi càng thấu hiểu và thưởng thức một loại hạnh phúc tự tại tuyệt vời.

lam_kim_loanBác sĩ Lâm Kim Loan tại Linh Thứu Sơn, Ấn Độ (tháng 11/2008)


Tháng Mười Một vừa qua, tôi lại đủ duyên được tham dự chuyến hành hương Phật Tích, Tứ Động Tâm vùng Bắc Ấn, một chuyến đi thật động tâm, do Thầy Thích Nguyên Tạng của Tu ViệnQuảng Đức Melbourne và đạo hữu An Hậu Tony Thạch tổ chức. Một đoàn người khoảng trăm mạng, trong đó có Phật Tử mới tinh, mới cắt chỉ nầy. Đầu năm ngoái tôi đã đặt chân đến Mumbai, thành phố thịnh vượng nhất của Ấn Độ. Tôi mang về một ấn tượng Bombayvới những tà sari đầy màu sắc và nạn nhân mản của thế giới. Chẳng bù lần nầy, hướng về Lâm Tì Ni (Lumbini) nơi Phật đản sanh. Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) với Khổ Hạnh Lâm, nơi Phật sáu năm tu hành xác trong một động nhỏ được tượng trưng bằng một hình vóc ốm đói xanh xao, và Kim Cang Toà Bồ Đề, nơi Phật toạ thiền bốn mươi chín ngày đắc đạo. Thành phố Varanasi linh thiêng với sông Hằng, Vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi Phật chuyển Pháp Luân đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như về triết lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Thành Tỳ Xá Ly (Kusinnagar) nơi Phật nhập Niêt Bàn. Ngoài ra đoàn còn được viếng thăm các danh tích khác như núi Linh Thứu, Trúc Lâm Tịnh Xá, Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, đại học Na Lan Đà, các Bảo Tháp những Đệ Tử lỗi lạc của Phật như Ananda, Xá Lợi Phất ... và các chùa Việt Nam. Ấn tượng là đoàn hành hương gần trăm phật tử với áo tràng chỉnh tề, từng bước từng bước đều đặn, miệng niệm nam mô đồng loạt, thiền hành quanh các Phật tích.

Những lời cảm tưởng hòa nước mắt của các đệ tử bộc bạch với thầy trưởng đoàn và phái đoàn. Bụi, ăn mày đủ hạng tuổi, ổ gà đầy đường, những con bò ốm đói ... cũng là những hình ảnh tôi mang về Sydney. Tôi còn đem về đôi ba điều, mà có lẽ, sống mang theo, chết cũng mang theo: Ngũ (không phải Tứ) Động Tâm nằm gọn ghẻ trên mười đầu ngón tay tôi của hai bàn tay chụm lại. Vườn Lâm Tì Ni, nơi Phật giáng sinh (hai đầu ngón tay cái). Khổ hạnh lâm (hai đầu ngón trỏ). Bồ Đề Đạo Tràng (hai đầu ngón giữa). Vườn Lộc Uyển (hai đầu ngón áp út) và Thành Câu Ti Na (hai đầu ngón út), nơi Phật nhập Niết bàn. Tôi còn mang thêm hành trang khác cũng không kém phần quan trọng. Đó là những lời nhắn nhủ chân thành và đầy tình của Đức Đạt La Lạt Ma: Các bạn và tôi có cùng một ông Thầy ; mỗi ngày hãy tu tập hành thiền để làm rõ thêm Phật tánh trong ta ; là những người lưu vong, chúng ta hãy cố gắng duy trì văn hoá dân tộc mình ...

Những ngày đầu trở về Sydney, mỗi lần chắp tay lạy Phật hoặc niệm Phật thiền hành, lòng tôi lại cuồn cuộn nổi trận phong ba. Nước mắt tha hồ rơi trên tay, trên áo. Tưởng chừng mình vẫn đang thiền hành quanh tượng Phật nằm nhập diệt ở Câu Ti Na, như đang chắp tay dưới cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thầy Nguyên Tạng đã cắt chút tóc của tôi và một số đạo hữu trong Lễ Thế Phát với ý nghĩa gieo duyên lành được xuất gia tu học trong tương lai mai sau ... Những lần đi Bụi (bushwalk), gió núi lồng lộng ở công viên quốc gia (National Park) ở miền Tây Sydney, mà tôi vẫn tưởng như mình còn nấn níu ngồi lại đỉnh núi Linh Thứu, nơi Phật giảng tuyệt kinh Pháp Hoa mấy ngàn năm xa xưa!...

Có lần thầy Nguyên Tạng kể cho phật tử trong đoàn nghe: «Khi người ngồi cạnh một người Ấn trong chuyến bay đến Ấn Độ, vị này hỏi thầy đi đâu. Thầy bảo là thầy trở về quê hương. Người đó ngạc nhiên vì thấy thầy mặt mủi của thầy không giống người Ấn chút nào. Thầy bèn giải thích thêm cho người đó hiểu là thầy đang trở về quê hương của Đấng Từ Phụ, mà quê hương của Đức Phật cũng là quê hương tâm linh của thầy». Lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động khi lập lại lời nói nầy của Thầy trưởng đoàn. Tôi nghĩ cả đoàn hành hương, dù mỗi người chia tay mỗi nẻo, trở về cuộc sống thường nhật áo cơm, nhưng những giọt nước mắt lóng lánh, giọng nói nghẹn ngào của tình thật sâu, nghĩa thật đầy ... đã để lại, mang về, tất cả dấu tích, kỷ niệm thiêng liêng từ đất linh Từ Phụ.

ananda_stupa

Hình ảnh phái đoàn hành hương Phật tích Ấn Độ
do Thầy Nguyên Tạng hướng dẫn vào tháng 11 năm 2008
(hình chụp bên cạnh Bảo Tháp Tôn Giả A-Nan ở thành Tỳ-Xá-Ly)
(xem thêm hình ảnh)

Tôi đi vào biển đạo mênh mông thật trể muộn cho một đời người, tóc đã hoa râm. Văn tự kinh điển tràn ngập qua các sách ấn tống, qua internet. Điều nào thắc mắc thì tôi ghi lại hỏi Thầy. Ngón tay chỉ mặt trăng. Thoạt đầu tôi nghĩ, ngón tay tượng trưng cho Thầy và mặt trăng là Phật Pháp. Bây giờ, tôi hiểu ngón tay là Pháp, mặt trăng là sự giác ngộ của chính mình. Một lúc nào đó, có lẽ ngón tay sẽ vô hình và trăng cũng không tướng...

Tôi tập ngồi thiền như một cách để kỹ luật cái tâm chạy rong lan man đã mấy chục năm trong cõi trần ai. Tôi không còn hối hả như bị ma đuổi vì đã hiểu về tính Vô Thường của đời sống và tánh Không của sự vật. Buông và bỏ dễ dàng hơn qua những bài học Tham-Sân-Si. Cái nhìn giữa ta và người được thay đổi và hỗ trợ bởi tinh thần Vô Ngã và tâm Từ Bi như Phật đã dạy ...

Cứ thế tôi rèn mình, dù người đưa ra giáo lý vi diệu nầy đã xa tôi thật xa. Sau chuyến hành hương, khoảng cách thời gian và không gian giữa Thầy và Đệ Tử đã được thu ngắn, thật ngắn. Và những ngày tháng nầy, tôi dành nhiều thì giờ hơn cho một việc: Tập tu.

Lâm Kim Loan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/02/2021(Xem: 10387)
Văn học thời Trần là giai đoạn văn học Việt Nam trong thời kỳ lịch sử của nhà Trần (1225 – 1400). Văn học thời Trần tiếp tục và có nhiều bước tiến bộ rõ rệt hơn so với văn học thời Lý (1010 – 1225). Văn học thời Trần chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo. Tư tưởng Phật giáo chủ yếu trong văn học thời Trần là tư tưởng thiền học.
23/02/2021(Xem: 9197)
Trong nội dung của ấn bản lần thứ hai của quyển “Tư tưởng Phật giáo trong Văn học thời Lý”, chúng tôi vẫn giữ những điểm chính quan trọng của ấn bản lần thứ nhất. Tuy nhiên, chúng tôi đã sửa chữa và bổ sung một vài nơi. Chúng tôi đánh giá cao sự góp ý và phê bình của: GS Lưu Khôn (Cựu GS tại trường ĐHVK Saigon và Cần Thơ), GS Khiếu Đức Long (Cựu GS tại ĐH Vạn Hạnh), Ô. Nguyễn Kim Quang (Cựu học sinh Lycée Petrus Ký 1953-1960), cố Kỹ Sư Nguyễn Thành Danh (Vancouver, Canada). Trong khi viết quyển sách này lần thứ nhất vào năm 1995, chúng tôi đã được sự giúp đỡ và góp ý của các thân hữu: cố Hoà Thượng Thích Nguyên Tịnh (Cựu Trú trì Chùa Thiền Tôn, Vancouver, Canada), cố GS Nguyễn Bình Tưởng (Cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Vĩnh Bình, và Cựu Giám Học trường Trung Học Nguyễn An Ninh, Saigon), chúng tôi chân thành cám ơn quý vị này.
20/02/2021(Xem: 6495)
Thơ tụng tranh chăn trâu của thiền sư Phổ Minh gồm tất cả mười bài thơ “tứ tuyệt” cho mười bức tranh chăn trâu với các đề mục sau đây: 1. Vị mục: chưa chăn 2. Sơ điều: mới chăn 3. Thọ chế: chịu phép 4. Hồi thủ: quay đầu 5. Tuần phục: thuần phục 6. Vô ngại: không vướng 7. Nhiệm vận: theo phận 8. Tương vong: cùng quên 9. Độc chiếu: soi riêng 10. Song mẫn: cùng vắng
20/02/2021(Xem: 8885)
Kinh Hoa Nghiêm được giải thích là kinh đầu tiên khi Phật đạt chánh đẵng chánh giác sau 49 ngày thiền định. Sau đó người giảng kinh Hoa Nghiêm cho chư thiên và bồ tát là giảng bằng thiền định tâm truyền tâm nên im lặng suốt 21 ngày. Kinh Hoa Nghiêm nói về Tâm. Kế đến Kinh Lăng Già Phật cũng giảng cho Ma vương và ma quỷ sống trong hang động ở đỉnh núi Lăng Già. Phật giảng bằng tâm truyền tâm ấn nên không có nói bằng lời và giảng về Thức vì Ma vương không còn uẩn sắc nữa mà chỉ còn là tâm thức. Kinh Lăng già là giảng về Duy Thức Luận. (bài viết của cư sĩ Phổ Tấn)
20/02/2021(Xem: 5064)
Washington: Theo báo cáo của The Economist, Trong nỗ lực mới nhất nhằm thắt chặt vòng vây Tây Tạng, Trung Cộng đang buộc người Tây Tạng ít quan tâm đến tôn giáo của họ hơn, và thể hiện nhiệt tình hơn đối với chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tập Cận Bình lãnh đạo tối cao. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực phủ nhận vai trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi đời sống tôn giáo của người dân Tây Tạng để xóa bỏ danh tính của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cưỡng chiếm Tây Tạng vào giữa thế kỷ 20 sau thập niên 1950, và kể từ đó đã kiểm soát khu vực cao nguyên tại Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, Nepal, và Pakistan tại châu Á, ở phía bắc-đông của dãy Himalaya..
17/02/2021(Xem: 5264)
Nội dung tác phẩm dựa trên một bức tranh nổi tiếng có tên là “Thanh minh thượng hà đồ” (nghĩa là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh”) của nghệ sĩ Trương Trạch Đoan vào thời nhà Tống cách đây hơn 1000 năm. Thiên tài Albert Einstein đã từng nói: “Nghệ thuật thật sự được định hình bởi sự thôi thúc không thể cưỡng lại của người nghệ sĩ sáng tạo”. Và một nghệ sĩ điêu khắc người Trung Quốc – Trịnh Xuân Huy đã chứng minh điều đó qua kiệt tác nghệ thuật của ông trên một thân cây dài hơn 12 mét. Chắc chắn bạn sẽ phải ngạc nhiên về một người có thể sở hữu tài năng tinh xảo đến như vậy!
17/02/2021(Xem: 5696)
Một quán chiếu về những ánh lung linh trên bề mặt một hồ nước gợn sóng lăn tăn bởi làn gió nhẹ. Một con sông khổng lồ của si mê tin tưởng sai lầm tâm-thân là tồn tại cố hữu tuôn chảy vào hồ nước của việc hiểu sai cái "tôi" như tồn tại cố hữu. Hồ nước bị xáo động bởi những làn gió của tư tưởng phiền não chướng ngại ẩn tàng và của những hành vi thiện và bất thiện. Sự quán chiếu ánh trăng lung linh biểu tượng cho cả trình độ thô của vô thường, qua sự chết, và trình độ vi tế của vô thường, qua sự tàn hoại từng thời khắc thống trị chúng sanh. Ánh lung linh của những làn sóng minh họa tính vô thường mà chúng sanh là đối tượng, và quý vị thấy chúng sinh trong cách này. Bằng sự ẩn dụ này, quý vị có thể phát triển tuệ giác vào trong vấn đề chúng sinh bị kéo vào trong khổ đau một cách không cần thiết như thế nào bằng việc điều hướng với tính bản nhiên của chính họ; tuệ giác này, lần lượt, kích hoạt từ ái và bi mẫn.
16/02/2021(Xem: 4562)
Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ. Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ. Tuy thế dựa vào bài Lịch sử và ý nghĩa của chuông trống Bát nhã do thầy Thích Giác Duyên viết đã đăng trong Thư Viện Hoa Sen, khiến chúng ta biết được người Trung Hoa đã dùng chuông vào đời nhà Chu ( thế kỷ 11 Trước CN – 256 Trước CN ). Riêng việc chuông được đưa vào các chùa chiền ở Việt Nam từ thời nào người viết không biết có tài liệu nào đề cập đến không?
14/02/2021(Xem: 5153)
Pháp Hoa kinh là vua của các kinh vì ở vào thời kỳ thứ 5 trong lịch sử đạo Phật. Lúc bấy giờ là cuối đời thọ mạng của đức Phật nên kinh giảng của người mang toàn bộ tính chất của đạo Phật do người thuyết pháp. Có hai cốt lỏi của kinh Pháp Hoa là Phật tánh và Tri kiến Phật. Phật tánh đã được tóm lược trong bài Nhận biết Phật tánh cùng tác giả. Tri là biết, kiến là thấy, biết thấy Phật là gì? Biết là tuệ giác người dạy cho chúng ta và thấy là thấy đại từ bi của Phật. Đó là trí tuệ và từ bi là đôi cánh chim đại bàng cất cao bay lên trong tu tập. Chúng ta nghiên cứu trí tuệ của toàn bộ đạo Phật một cách tổng luận để tư duy, về phần từ bi chúng ta đã hiểu qua bài Tôi Học kinh Pháp Hoa đồng tác giả. Trí tuệ đạo Phật có gồm hai phần triết lý đạo Phật và ứng dụng. Tri kiến Phật là nắm hết các điểm chính của đạo Phật theo lịch sử của thời gian. Chúng ta hãy đi sâu về tuệ giác.
14/02/2021(Xem: 4719)
Ta hãy tự thoát ra khỏi thân mình hiện tại mà trở về lúc ta mới được sanh ra. Trong phút giây đặc biệt đó ta là gì? Ta vừa được chào đời, được vỗ mông để bật tiếng khóc là phổi ta hoạt động, mọi chất nhớt trong miệng được lấy ra và không khí vào buồng phổi: ta chào đời. Thân ta lúc đó là do 5 uẩn kết tạo từ hư không, 5 uẩn do duyên mà hội tụ. Cơ cấu của thân thể ta là 7 đại đất nước gió lửa không kiến thức. Cơ thể ta mở ra 6 cổng (căn) để nhập vào từ ngoài là 6 trần để rồi tạo ra 6 thức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]