Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

24. Củng Cố Pháp Và Luật

19/03/201407:55(Xem: 26280)
24. Củng Cố Pháp Và Luật
blank

Củng Cố Pháp Và Luật



Mùa mưa thứ ba mươi chín, đức Phật an cư tại Đông Phương Lộc Mẫu. Do năm nay cả hai đại tu viện tại Sāvatthi đều đông đúc do chư tăng các nơi đổ về nên đức Phật bảo hai vị đại đệ tử và chư trưởng lão tổ chức thuyết giảng nhiều lần, nhiều lớp để củng cố pháp và luật. Có một số giới luật cần phải chế định thêm. Có một số tri kiến về giáo pháp trong các cuộc tranh luận giữa chư tỳ-khưu với nhau cần phải được minh giải.

Đầu tiên, chư vị trưởng lão cùng ngồi với nhau để tuyên đọc lại tất cả những giới luật từ lớn đến nhỏ và từng trường hợp, lý do chế định, xảy ra trong hoàn cảnh, nhân vật cụ thể nào. Việc này phải mất suốt mấy buổi chiều, sau đó, tôn giả Upāli và tôn giả Ānanda thay nhau tuyên đọc lại cho đức Phật xét duyệt.

Sau khi đức Phật đồng ý, từ cơ sở giới luật đọc tụng này, chư vị trưởng lão họp đại chúng tỳ-khưu tăng, ni bắt phải học thuộc; nơi nào không có khả năng học thuộc thì tuyển chọn một số tỳ-khưu tăng ni có trí nhớ tốt, học thuộc để làm luật sư trong các buổi lễ Uposatha và tụng giới bổn Pātimokkha. Cách làm này có kết quả khả quan, được đức Phật khen ngợi.

Việc thứ hai trong hạ này nữa, là điều chỉnh một số tri kiến về giáo pháp. Quả thật, do tăng đoàn phát triển lớn mạnh, xa rộng trong nhiều quốc độ, biên cương và hải đảo nên nơi nào không có mặt thường xuyên các bậc trưởng lão vô lậu thì tri kiến về giáo pháp dễ bị nghiêng lệch.

Trong buổi hội họp riêng của chư đại trưởng lão, tôn giả Sāriputta, Mahā Moggallāna, Mahā Kassapa, Upāli, Anuruddha, Bhaddiya, Nandiya, Ānanda... đã đúc kết để đưa ra một số tri kiến có đúng, có sai nhưng cũng cần phải được giải minh cho chính xác:

- Các pháp vô tự tính nên các pháp là “không”.

- Vì là “không” nên các pháp là mộng, huyễn, bào, ảnh.

- Không những “cái không”, mà “cả có cả không” đều không nói lên ý nghĩa nào cả.

- Nói “không” cái kiểu “trống không” là không được, nói “không” là “cái gì không”?

- Không có cái “không” nào tự dưng biến thành “có” cả.

- “Không” là “không có cái có cũng không có cái không”.

- “Không”, không phải là “không có”, ví dụ có cái hư không, ngoan không.

- Do các pháp vô ngã, vì Niết-bàn vô ngã nên Niết-bàn vô thường!

- Các pháp “bất sinh bất diệt”.

- Không phải “bất sinh bất diệt” mà là vì “vô sinh nên bất diệt”.

- Các pháp vô thường nên cái “vô thường ấy là thường”.

- Cái lạc của Niết-bàn là “thường lạc”.

- Sau khi thấy rõ vô ngã, cái mà vị hành giả chứng nghiệm phải là “chân ngã”...

Sau khi đưa ra một số tư tưởng thường gây nên các cuộc tranh luận đó đây, chư đại trưởng lão rùng mình. Quý ngài không ngờ, giáo pháp dị giản, như thực như chơn của đức Phật lại rơi vào tròng những luận tri, luận thức, luận vấn, luận kiến, luận chấp phức tạp như thế.

Chư vị trưởng lão thấy vấn đề quan trọng quá nên họ đến trình bày lại toàn bộ lên đức Phật và xin ngài tùy nghi, tùy thời, tùy phương tiện giảng nói cho đại chúng.

Tôn giả Sāriputta kết luận:

- Bạch Thế Tôn! Nếu chư vị giảng sư, pháp sư trong Tăng đoàn khắp cõi châu Diêm-phù-đề mà không nắm rõ, thấy rõ giáo pháp, khi họ gặp những câu hỏi tương tự, sẽ sinh ra những cuộc tranh luận; rồi không mấy chốc, phát triển thêm, nới rộng biên thì giáo pháp của đức Tôn Sư lại trở về với sáu mươi hai kiến chấp, sáu mươi hai luận điểm tư tưởng của bà-la-môn giáo muôn đời!

Đức Phật im lặng một lúc:

- Đúng vậy, ông nói đúng! Đối với những bậc vô lậu, giải thoát thì những tư tưởng như thế kia sẽ không dính vào tâm vị ấy, vì vị ấy biết rõ, thấy rõ “không” là gì, “có” là gì, “không tánh” là gì và Niết-bàn là gì! Nhưng khi sử dụng ngôn ngữ, nói năng thì chúng dễ rơi vào quan điểm, luận điểm kiến chấp cũ. Do vậy, Như Lai khuyên chư vị “không sử dụng tư tưởng để giải minh tư tưởng, không dùng lý luận để đối chọi lại với lý luận, không dùng cái đúng của mình để phanh ra cái sai của đối phương!” Như Lai nói vậy, chư vị có nắm bắt được “diệu ý” mà Như Lai muốn trao gởi không?

Câu hỏi của đức Phật trọng lượng nặng hơn quả núi Sineru đặt trong tâm trí họ. Mọi người im lặng.

Lát sau, chỉ có tôn giả Sāriputta trả lời:

- Không nên tranh luận bằng bất cứ phương cách nào, mà phải nên y cứ trên cái thực, cái thực của sự sống đang diễn ra, đang xảy ra để chỉ rõ cho đối phương thấy chân lý, bạch Thế Tôn!

Đức Phật mỉm cười hài lòng:

- Như Lai khen ông có trí tuệ nhanh nhạy, sắc bén. Tuy nhiên, hãy nghe Như Lai hỏi tiếp đây!

- Đệ tử xin nghe.

- Trở lại với mệnh đề tư tưởng đầu tiên: Các pháp vô tự tính nên các pháp là “không”. Câu ấy có đúng với giáo pháp của Như Lai? Và nó đúng là đúng như thế nào, nó sai là sai như thế nào? Vậy ông sẽ giải quyết vấn đề như thế nào mà không dùng tư tưởng để giải minh, không dùng lý luận để luận đối, không lấy cái đúng của mình để giải thích cho người ta?

Tôn giả Sāriputta nói:

- Với câu thứ nhất ấy, khả dĩ tránh được cả ba cách đối thoại trên, đệ tử sẽ có cuộc nói chuyện với họ, y cứ trên sự thật để trao đổi, bạch Thế Tôn!

- Ừ, ông nói chuyện với họ đi, Như Lai nghe đây.

Và đây là đoạn đối thoại ấy:

“- Bạn nói các pháp vô tự tính nên các pháp là không?

- Phải rồi!

- Một cái “đau” đến, cái đau ấy là một cảm thọ, có được xem là một pháp không?

- Nó là một pháp.

- Nó có“vô tự tính” không?

- Có, nó vô tự tính!

- Tại sao?

- Vì nó không ở lâu, và nó luôn thay đổi trạng thái!

- Đúng vậy! Bất cứ cái gì nó cũng không đứng yên, nó thay đổi luôn. Nhưng cái đau ấy nó “có” thật chứ?

- Vâng, nó có thật!

- Vô tự tính nên nó là không? Nhưng tại sao đau thì cứ vẫn là đau?

- Tôi không biết.

- Vậy thật sự là vẫn có đau?

- Vâng!

- Có đau là có khổ, là có dukkha?

- Đúng vậy!

- Bạn thấy chưa, tư tưởng của bạn không sai, nhưng nó sẽ rơi vào trò hý luận, rỗng không và vô ích nếu cứ ham nói mà không lo tu. Phải tu tập, phải chứng nghiệm, khi ấy bạn mới thực sự thấy rõ các pháp nó diễn tiến ra làm sao, mặt mũi của nó như thế nào? Phải quan sát để thấy rõ từ cái thực chứ đừng lý luận, đừng rơi vào các quan niệm, các quan điểm!”

Sau câu chuyện ấy, tôn giả Sāriputta kết luận:

- Đấy là cái cách đi từ sự thực để giải minh vấn đề của đệ tử đó, bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn chỉ giáo thêm?

- Ông đã nắm được cái lõi, này con trai!

Chư vị trưởng lão đồng tán thán:

- Tuyệt vời thay là trí tuệ như thực của tôn giả!

Đức Phật đưa mắt bi từ nhìn chư vị trưởng lão rồi nói:

- Đấy được gọi là phương pháp mà không có phương pháp, hy vọng chư vị đây đều là bậc đại trí thức, sẽ tùy duyên, tùy thời, tùy căn cơ, trình độ của học chúng, của người đối thoại, của từng nạn vấn mà linh động vận dụng khi minh giải cho mọi người về cái thực, sự thực ấy.

Tôn giả Ānanda chợt hỏi:

- Cái thực, cái sự thực ấy chúng ta trông thấy được, nghe được, ngửi được, nếm được, xúc chạm được, ý thức được ngay bây giờ đây, có phải vậy không, bạch đức Tôn Sư?

- Chính xác! Nó là cái toàn bộ căn trần thức, mười tám giới đang xảy ra, đang diễn ra, đang vận hành duyên khởi đó, này con trai út!

Chư vị đại trưởng lão, ai cũng nắm bắt được cái tinh lõi cả rồi. Tuy nhiên, đức Phật chợt hỏi thêm một câu nữa:

- Vậy mười bốn câu còn lại, chư vị có thể y cứ trên sự thật mà giải minh có được không?

Họ đồng trả lời:

- Tâu, vâng, được, bạch Thế Tôn!

- Chư vị là bậc vô lậu, cứ y cứ nơi thân, nơi tâm, nơi trí mình để chỉ cho người ta, nên Như Lai biết chư vị làm được. Nhưng ở đây, có Ānanda mới vào dòng, Như Lai chỉ ngại một mình ông ta thôi!

Tôn giả Ānanda tự tin đáp:

- Xin đức Tôn Sư hãy cho đệ tử thực tập.

- Ồ, được! Vậy thì nghe Như Lai hỏi đây. Trong các câu ở trên, có câu thứ mười bốn: “Cái lạc của Niết-bàn là thường lạc!” Ông làm cách nào chỉ rõ sự thật cho người ta thấy!

Rồi tôn giả Ānanda kể câu chuyện như sau:

“- Bạn nói lạc của Niết-bàn là thường lạc?

- Phải!

- Thường lạc là lạc mãi mãi, lạc hoài hoài, tiếp diễn đến vô biên, vô cùng?

- Phải vậy.

- Cũng có nghĩa là nó mãi lạc, mãi vui?

- Đúng vậy!

- Trong cái bát khất thực của bạn, thỉnh thoảng bạn cũng bắt gặp món ăn ngon thượng vị chứ?

- Thưa có!

- Bạn thích không?

- Vâng, rất thích, rất khoái khẩu!

- Thế “cái ngon”, “cái thích”, “cái khoái khẩu”, “cái lạc” ấy kéo dài được bao lâu?

- Thoáng lát thôi mà!

- Nếu cái ngon ấy, cái lạc ấy kéo dài một ngày thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?

- Làm gì có chuyện đó. Mà giả dụ nó kéo dài thì ai mà chịu nổi!

- Đúng vậy! Thế là chính bạn đã phủ nhận cái mãi lạc, mãi vui, cái thường lạc của bạn rồi đấy!”

Tôn giả Ānanda vừa chấm dứt đoạn đối thoại thì chư trưởng lão đồng khen ngợi:

- Thiện xảo lắm! Đa văn hiền giả!

- Ông Ānanda cũng nắm bắt được yêu cầu của Như Lai rồi, vậy là tốt quá rồi. Sự việc như thế là tạm ổn rồi. Nhưng Như Lai nhờ chư vị tìm cách mà chỉ sự thực giùm, khi có một số đông tỳ-khưu gặp việc gì cũng nói: “Ôi, ‘có có không không’ thôi mà! Ôi, có, không ấy như trăng trong nước, như hoa trong gương, như mộng huyễn bào ảnh cả!” Những câu phát ngôn ấy đúng hay sai với giáo pháp? Đúng là đúng ở chỗ nào, và sai là sai ở chỗ nào? Trong chư vị, ai có thể chỉ rõ chân lý ấy?

Tôn giả Mahā Moggallāna thưa:

- Câu này để cho đệ tử nói thay chư tôn trưởng lão, bạch Thế Tôn. Và đệ tử cũng có một đoạn đối thoại như sau:

“- Bạn nói ‘có có không không’ là nghĩa làm sao hở?

- Thì đấy, cái nào, pháp gì nó cũng có đó rồi không đó, khi nó ‘có’, khi nó ‘không’, thế thôi!

- Tôi muốn bạn nói cái cụ thể kìa! ‘Cái có cái không’ nào mà chúng ta cùng thấy tận mắt kìa?

- Dễ thôi! Ví như trăng trong nước!

- Tôi thấy trăng trong nước rồi. Sao nữa?

- Nó ‘có’ không?

- Tôi thấy là nó ‘có’.

- Bạn trật rồi. Có sao ta lại vớt lên không được?

- Thế là nó ‘không’ sao?

- Không sao được, tôi thấy nó bằng mắt đây này!

- Vậy, ‘có’ cũng trật mà ‘không’ cũng trật sao?

- Đấy! Các pháp đều như vậy đấy! Có có không không thật không biết thế nào mà lần! Nó không như mộng, huyễn, bào, ảnh là gì?

- Ý bạn muốn nói là nói gì cũng như nói trong mộng?

- Chính thị!

- Nghĩa là một pháp, một hiện tượng, một cái gì đó đang xảy ra đều là cái không thật?

- Chính thị!

- Bạn quả thật là một kẻ ngu ngốc!

- Sao bạn lại phỉ báng tôi?

- Đâu có! Câu nói của tôi, nó chỉ là một âm thanh thoáng qua, nó có có không không như mộng huyễn bào ảnh thôi mà!

Người đối thoại sụp lạy:

- Hóa ra là nó có thật! Xin tri ân hiền giả!

- Có thật nhưng mà nó diệt rồi!

- Thì câu phỉ báng ấy trở thành không.

- Ồ, hóa ra có, không ấy là định luật sinh diệt; đồng thời nó nằm nơi ý niệm của ta thôi!

Người đối thoại lắng nghe.

Vị kia nói tiếp:

- Xem nào! Khi ta nhìn trăng trong nước, nếu tâm ý khởi có là nó ‘có’,khởi không là nó không’! Cũng tương tợ vậy, lời phỉ báng kia mà chấp có – có cái này thì có cái kia,theo định luật duyên khởi – thì liền có ngay tham sân si, phiền não. Còn nếu ta khởi niệm không - không có cái này thì không có cái kia– thì tham sân, phiền não không sanh khởi. Trong trường hợp này, ‘cả có cả không đều có cả’đấy, ông bạn!”

- Tôi thấy rõ rồi! Vậy, ‘có, không’ đều là ‘có’ cả để ta giác ngộ lý duyên khởi trong thế giới tục đế. Còn tánh không, không phải là cái ‘không’ và có này, nó là cái bản chất như thực của chư pháp; nói cách khác, do nhờ tánh khôngnên các pháp mới được thiết lập!

- Đúng vậy! Cảm ơn bạn đã thấy”.

Tôn giả Mahā Moggallāna nói xong, đức Phật kết luận:

- Cách giải minh của Sāriputta có sử dụng lý luận, nhưng lý luận này lại được y cứ trên cái thực, xem ra cũng khả dụng. Đây được coi như là trường hợp thứ tư vậy.

Chư vị trưởng lão hoan hỷ thọ trì lời dạy thuộc đỉnh cao của giáo pháp nhưng lại là thiết thực hiện tại mà ai cũng có thể chiêm nghiệm, quan sát được trong đời sống tương duyên, tương quan của mỗi người, của mỗi hành giả học Phật và tu Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/11/2017(Xem: 7723)
Hành Trình Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo, Nếu nói về việc học, việc tu của chư Tăng Ni Phật Giáo thì tự ngàn xưa Đức Phật đã là một bậc Thầy vĩ đại đảm trách làm một Hướng đạo sư cho mọi người quy về. Trên từ những vị xuất gia, dưới đến vua, quan và thứ dân, ai ai cũng một lòng quy ngưỡng về giáo lý thậm thâm vi diệu ấy. Mục đích chính của việc tu tập là thoát ly khỏi cảnh giới khổ đau nầy, để trở về với bản lai diện mục thanh tịnh, giải thoát của mỗi người. Đức Phật cũng đã từng nói rằng: “Ta chỉ là một Đạo Sư”, nghĩa là một kẻ dẫn đường. Kẻ dẫn đường ấy chính là Thầy của chúng ta và bất cứ ai trong đời nầy dẫn được ta đi vào Đời hay vào Đạo đều là Thầy của chúng ta cả.
30/10/2017(Xem: 11483)
Giữa tháng 9 năm 2017, chúng tôi đi Paris, nước Pháp, để thăm gia đình và bạn bè, đã 10 năm chưa có dịp gặp lại. Thi và tôi đã để ra 3 ngày đi thăm vợ chồng người bạn của Thi khi còn học ở trường Trung học Gia Long - Saigon, vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Chị Hồng và anh Ngọc đang ở tại thành phố Oberhausen. Đây là thành phố nằm trong vùng kỹ nghệ sông Ruhr thuộc tiểu bang NordRhein- Westfalen, phía Tây-Bắc nước Đức.
30/10/2017(Xem: 10106)
Dưới đây là bài viết của Lạt-ma Denys tóm lược một số các bài thuyết giảng của chính tác giả tại ngôi chùa Tây Tạng Karma Ling, tọa lạc trong vùng núi Alpes trên đất Pháp. Bài viết nêu lên một sự hiểu biết mang một tầm quan trọng vô song trong Dharma/Đạo Pháp của Đức Phật, đó là khái niệm "Tương liên, tương tác và tương tạo" giữa tất cả mọi hiện tượng dù vô hình hay hữu hình, thuộc thế giới bên ngoài hay bên trong tâm thức một cá thể. Tiếng Pa-li gọi khái niệm này là Paticca-samuppada, tiếng Phạn là Pratitya-samutpada, tiền ngữ "pratitya" có nghĩa là "lệ thuộc vào" [một thứ gì khác], hậu ngữ "samutpada" có nghĩ là "hiện lên" hay "hình thành"..., Các ngôn ngữ Tây Phương gọi khái niệm này là: Interdependence, dependent origination, dependent arising, dependent co-production, conditioned co-production, conditioning co-production, v.v.; kinh sách Hán ngữ gọi là "Lý duyên khởi". Có thể tạm dịch sang tiếng Việt là "Nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo", tuy nhiên cũng có thể gọi vắn
27/10/2017(Xem: 10415)
Là người sống ở thế gian, có ai tránh khỏi một đôi lần gặp bất trắc, tai ương lớn hay nhỏ. Nhỏ như chuyện bất hoà khó chịu xảy ra liên tục với người xung quanh. Nhỏ như yêu thương người này ghét bỏ người kia một cách tự nhiên, hay người này cực khổ chăm sóc nuôi dưỡng người kia mà bị người kia càm ràm nặng nhẹ gây khó dễ hết chuyện này sang chuyện khác, hoặc chính bản thân mình đau ốm bệnh hoạn triền miên chạy chữa khắp nơi mà không dứt bệnh. Lớn như chuyện con cái trong nhà không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, ra ngoài xã hội quậy phá phạm luật chịu cảnh tù tội khiến kẻ làm cha làm mẹ chịu nhiều lo âu và đau khổ.
26/10/2017(Xem: 9900)
Tông Câu-xá ngày nay không còn, mặc dù trước kia, tông ấy đã có một thời hưng thịnh với rất nhiều người tu tập theo. Tuy nhiên, ảnh hưởng sâu sắc của tông này cho đến nay vẫn còn rất rõ rệt trong Phật giáo. Tên gọi Câu-xá của tông này vốn được phiên âm từ tiếng Phạn là Kośa, có nghĩa là “kho báu”. Đây cũng là tên gọi một bộ luận nổi tiếng của Bồ Tát Thế Thân. Tên tiếng Phạn của bộ luận này là Abhidharmakoa-stra, phiên âm là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, và là giáo lý căn bản của Câu-xá tông. Bồ Tát Thế Thân sinh năm 316 và mất năm 396, sống gần trọn thế kỷ 4. Ngài là người được y bát chân truyền, làm Tổ sư đời thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ. Ngài là em ruột của Bồ Tát Vô Trước, người đã sáng lập ra Duy thức tông. Câu-xá tông là một tông thuộc Tiểu thừa, trong khi đó Duy thức tông là một tông Đại thừa. Ban đầu, ngài Thế Thân học theo giáo lý Tiểu thừa, thuộc Nhất thiết hữu bộ, là một trong 18 bộ phái Tiểu thừa đầu tiên của Ấn Độ đã phân chia sau khi Phật nhập diệt khoảng gần 200 năm. Ngà
23/10/2017(Xem: 29416)
Tin vui: Tế bào ung thư bị tiêu diệt trong 42 ngày bằng ly nước ép đã thành công ngoài mong đợi, cả thế giới đang mở tiệc để ăn mừng, Rudolf Breuss đã dành cả cuộc đời để tìm cách chữa bệnh ung thư và cuối cùng vị nhân sĩ người Áo này đã thành công.
23/10/2017(Xem: 102078)
Gần hai tuần qua chúng ta nghe tin tức phóng sự trên các hệ thống truyền thanh và truyền hình trên toàn quốc Hoa Kỳ về cảnh cháy rừng khủng khiếp ở vùng bắc San Francisco bang California. Theo báo cáo cách đây 4 ngày thì khoảng 250,000 km2 diện tích bị cháy (tương đương với diện tích tiểu bang New York). Nhà cửa bị cháy, 43 người chết, hơn 200 người mất tích, và gần 40,000 người phải di tản. Hiện nay đám cháy vẫn còn tiếp diễn nhưng ở một vài nơi cư dân di tản đã được phép trở về lại nhà của mình.
17/10/2017(Xem: 8621)
Văn hóa Phật giáo tại hội sách Frankfurt Book Fair lớn nhất thế giới 2017 Đây là lần đầu tiên 2 chúng tôi đi Đức và cũng là lần đầu tiên đến với hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair. Chúng tôi lại được Thầy của chúng tôi, TS Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp dẫn đi. Một tuần ở hội sách chúng tôi mệt lừ nhưng ai cũng hạnh phúc vì chúng tôi học được rất nhiều và hơn thế nữa những trải nghiệm từ nhiều góc độ làm chúng tôi trưởng thành hơn. Nhưng trong bài này, chúng tôi chỉ chia sẻ 1 góc rất nhỏ về văn hóa Phật giáo ở đây trong những ngày qua.
17/10/2017(Xem: 7879)
Niềm vui của việc gặp gở những người ta yêu, nổi buồn của việc mất mát người thân, sự phong phú của của những giấc mơ đầy sức sống, sự an bình của những bước chân qua khu vườn vào một ngày xuân, sự hoàn toàn an định trong một thể trạng thiền tập sâu xa – những thứ này và những thứ nọ giống như chúng cấu thành một thực tại kinh nghiệm của chúng ta về [tâm] thức. Bất chấp nội dung của bất cứ kinh nghiệm nào trong ấy là gì, thì không ai trong tâm nhạy cảm của họ có thể nghi ngờ về thực tại ấy.
15/10/2017(Xem: 11543)
Giới đàn là một trong những sinh hoạt đặc thù của Tăng-già, được quy định hết sức chặt chẽ trong Luật tạng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc thực hiện giới đàn chưa được quan tâm một cách nghiêm túc cần thiết. Sau đây là một trong những hiện tượng như thế. Từ lá thư hoài nghi của một tân giới tử Tỳ-kheo-ni… Vào một buổi chiều tháng 12 gần cuối nămdương lịch, người viết tới thăm Hòa thượng Luật sư Thích Minh Thông tại Giới đàn viện Huệ Nghiêm. Vì là chỗ Thầy trò, cũng là để học hỏi và trao đổi giới luật với ngài nên chúng tôi thường xuyênlui tới mỗi khi có dịp. Lần này vào thăm ngài, bàn trà chưa kịp rót ra như mọi khi thì Hòa thượng đã vội đến bàn làm việc, lục tìm trong chồng thư từ ra một bức thư chuyển phát nhanh. Hòa thượng trở lại bàn trà và mở lá thư ra đọc cho người viết nghe nội dung bức thư ấy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]