Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

45. Từ Hạ Thứ Hai Mươi Hai Đến Hạ Thứ Bốn Mươi Bốn

17/03/201409:33(Xem: 27045)
45. Từ Hạ Thứ Hai Mươi Hai Đến Hạ Thứ Bốn Mươi Bốn
blank
Từ Hạ Thứ Hai Mươi Hai
Đến Hạ Thứ Bốn Mươi Bốn

(566 đến 544 trước TL)

Chính Thức Ban Bố
Giới Luật Căn Bản
Thanh Tịnh (Pātimokkha)


(Từ sau khi tôn giả Ānanda chính thức làm thị giả, không tìm thấy bất cứ một tư liệu lịch sử nào nói đến từng năm một, sau hạ thứ 21 cho đến khi đức Phật Niết-bàn. Vậy, từ thời điểm này về sau, người biên soạn không đi theo từng mùa an cư nữa, mà chỉ ghi lại những câu chuyện, những sự kiện, những chi tiết lịch sử xét ra là quan trọng trải dài trong suốt hai mươi bốn năm còn lại của đức Tôn Sư. Dù đã khổ công tìm nhiều nguồn tư liệu để so sánh, đối chiếu, chọn lọc; và dù làm việc nghiêm túc, cố gắng thế nào cũng không tránh khỏi trường hợp nhầm lẫn về không gian và thời gian; đôi nơi còn phải giả định hoặc hư cấu cho câu chuyện được liền lạc, xin độc giả thông cảm. Trân trọng).


Chính Thức Ban Bố

Giới Luật Căn Bản

Thanh Tịnh (Pātimokkha)

Trong mùa an cư lần đầu tiên tại “Lâu đài của mẹ Migāra” (Migāramātupāsāda) hoặc “Đông Phương Lộc Mẫu tu viện” (Migāramātā-pubbārāma), đột ngột đức Phật bảo tôn giả Ānanda cho triệu tập tất thảy chư vị thánh tăng từ bậc hữu học đến bậc vô học, nhất là chư đại trưởng lão đang ngụ tại kinh thành Sāvatthi để chính thức ban bố giới luật căn bản thanh tịnh (Pātimokkha) làm y chỉ cho tăng ni từ đây về sau.

Như chúng ta đã biết, sau nạn đói tại Verañjā, hạ thứ mười hai, tôn giả Sāriputta thưa thỉnh đức Phật ban bố một bộ luật hoàn chỉnh, cụ thể là những giới luật căn bản thanh tịnh để giữ gìn tăng ni trong đời sống phạm hạnh, nhưng đức Phật chưa chuẩn y.

Hồi đó, đức Phật đã nói là:

“- Giới luật căn bản và đầy đủ (cụ túc) không thể hình thành trong một hai ngày, mà phải trải qua năm tháng, thời gian khi có những trọng tội, những ô uế phát sanh ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng phạm hạnh. Ví dụ, cụ thể có giết người mới chế định tội để trục xuất kẻ giết người. Ví dụ, cụ thể có trộm cắp mới thiết chế tội để trục xuất kẻ trộm cắp. Khi nào tăng ni chúng quá đông và những hiện tượng sau đây phát sanh, lúc ấy Như Lai mới chính thức ban bố giới luật căn bản (Pātimokkha):

- Lúc nào chư tăng ni không được giáo dục chu đáo, chẳng chịu tu tập một cách căn bản có hiệu quả thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

- Lúc nào chư tăng ni chưa đặt đúng trong tâm, chưa hướng chơn chánh đến mục đích giác ngộ, giải thoát; chỉ mong chứng đắc các định, tu tập các thắng trí, các năng lực thần thông thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

- Lúc nào chư tăng ni chưa đặt được bàn chân vào mảnh đất Bất Tử - mà chỉ mãi lo trau dồi kinh pháp cho làu thông, uyên bác để hy vọng làm giảng sư, pháp sư thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

- Lúc nào đời sống vật chất thịnh mãn, do đó, danh vọng và lợi dưỡng lại trở thành mơ ước hoặc mục đính của một số tỳ-khưu tăng ni thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

- Lúc nào mà của cải, tài sản, y phục vải vóc, giường nệm, tấm đắp... đa phần đều là vật trân quý nằm đầy kho lẫm các đại tịnh xá, các tu viện thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

Hiện tại, chư tăng các nơi đã đông đúc, phàm tăng cũng rất nhiều, những hiện tượng mà Như Lai vừa kể, theo đó, có nẩy mầm, đang nẩy mầm, có phát sanh nhưng chưa trầm trọng lắm. Có thể vài ba năm tới, từng bước, từng bước, chúng ta sẽ hình thành bộ luật căn bản này. Cứ hễ một người vi phạm cụ thể chúng ta chế định một học giới. Hai người vi phạm cụ thể chúng ta chế định hai học giới ...

Ví như ông thầy thuốc, khi thấy một người bị bệnh, ông ta phải nghiên cứu, phải nhìn, quan sát, hỏi, nghe rồi xem mạch, sau đó mới bốc thuốc chẩn trị được. Bệnh này, phương này, bệnh khác, phương khác. Tùy bệnh cho thuốc. Có vết thương mới mổ xẻ, không vết thương mổ xẻ làm gì. Có bệnh mới có thuốc, không bệnh thì bốc thuốc làm gì. Pháp cũng y như vậy mà luật cũng phải y như vậy. Cứ thế, một trăm bệnh có một trăm toa thuốc, hai trăm bệnh hai trăm toa thuốc, dần dần nó sẽ toàn mãn, cụ túc - cụ túc giới là như thế đó, này con trai trưởng!”

Biết đức Chánh Đẳng Giác bao giờ cũng có cái thấy toàn diện, lúc tuyên bố điều gì cũng đúng lúc, đúng thời nên mở đầu buổi họp hôm ấy, tôn giả Sāriputta thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Kể từ hạ thứ mười hai tại Verañjā đến nay đã gần mười năm. Bây giờ tăng ni hai chúng quá đông, và những tệ nạn, những hoen ố phát sanh nơi này nơi kia cũng đã đến lúc phải được chấn chỉnh, ngăn ngừa hầu giữ gìn nếp sống phạm hạnh. Đây đúng là lúc xin đức Tôn Sư chính thức ban bố giới luật căn bản thanh tịnh (Pātimokkha) làm y chỉ cho mai sau.

Tôn giả Upāli thưa tiếp:

- Thật ra, trước mùa an cư tại Verañjā hai năm, tại Jetavanārāma, vào hạ thứ mười, nhân vụ xử phạt hai nhóm tỳ-khưu ở Kosambī, đức Thế Tôn cũng đã thiết chế một số giới luật tuy chưa phải là những tội lớn nhưng đã có tội danh, tội chứng rõ ràng. Bạch đức Thế Tôn! Hôm ấy, nếu đệ tử nhớ không lầm, thì đệ tử đã đúc kết được tất thảy 87 điều cho tăng và 117 điều cho ni rồi. Trải qua mười năm, những giới điều này đã có con số khá lớn. Nếu hôm nay, bổ túc thêm thì bộ luật cho cả tăng và ni càng hoàn chỉnh.

Đức Phật gật đầu:

- Đúng là vậy, này Sāriputta, này Upāli! Bao nhiêu năm qua có lẽ đã có nhiều học giới cho mỗi bên tăng, ni; nhưng đa phần là những học giới liên hệ đến cách ăn nói, đi đứng, cách mặc y, mang bát, cách ở trong tịnh thất, ra ngoài xóm, cách thu thúc, giữ gìn phẩm mạo, tăng tướng...(1)mà thôi.

Đưa mắt nhìn khắp đại giảng đường, thấy có mặt khá đầy đủ chư thánh tăng từ hữu học đến vô học, nhất là chư vị đại trưởng lão các tịnh xá, tu viện kinh thành Sāvatthi - đức Phật nói tiếp:

- Thật ra, các tệ trạng hoen ố, xấu xa đã xảy ra rồi. Cách đây nhiều năm, tại Vesāli, tại Rājagaha, tại Sāvatthī hoặc tại Kosambī... có nhiều tỳ-khưu đã phạm những tội lớn, nhưng do phạm lần đầu, khi chưa có luật định nên Như Lai hoặc chư vị trưởng lão chỉ răn đe, cảnh cáo hay khuyến giáo chứ chưa trừng phạt đúng tội. Nay đã đúng thời nên phải đúc kết toàn bộ để đưa vào luật định, từ tội lớn đến tội nhỏ để làm giềng mối, kỷ cương từ rày về sau.

- Đúng vậy, thưa đức Tôn Sư.

- Bây giờ Như Lai yêu cầu chư vị trưởng lão lần lượt nhớ lại, kể lại từng trường hợp, kể từ chuyện đầu tiên xảy ra tại Vesāli, về tỳ-khưu Sudina Kalandakaputta. Cụ thể là, như mấy hôm nay, chư tăng đang bàn tán xôn xao, chê cười ông tỳ-khưu ấy; chuyện ấy ra sao, Upāli có nghe biết rõ không?

- Đệ tử theo dõi chuyện ấy khá rõ, bạch đức Tôn Sư!

- Ông hãy nói đi, cho mọi người cùng nghe!

- Vâng! Tỳ-khưu Sudina Kalandakaputta vốn là con trai của một gia đình phú hộ tại Vajjī, nhân chuyến đi công việc ở Vesāli, được nghe pháp của đức Tôn Sư ở Đại Lâm vào hạ thứ mười ba, tại Sảnh Đường Nóc Nhọn bèn xin xuất gia. Sau rất nhiều khó khăn, do ông ta phát nguyện, một là xuất gia hai là chết nên gia đình cha mẹ phải miễn cưỡng bằng lòng. Sau khi thọ đại giới, tỳ-khưu Sudina mặc y phấn tảo(2), tu hành rất tinh tấn. Từ Vesāli, xuống Veḷuvanārāma, sau này lên Jetavanārāma, suốt tám năm trường, ông ta noi gương tôn giả Mahā Kassapa sống đầu-đà khổ hạnh được mọi người kính trọng, nể phục. Năm vừa rồi, tỳ-khưu Sudina về thăm gia đình ở Vesāli, cha mẹ tha thiết khẩn cầu Sudina để lại hạt giống (bījaka) để nối dõi tông đường. Do lúc ấy chưa có chế định giới luật căn bản thanh tịnh nên Sudina nghĩ là vô hại, chẳng có tội chi nên đã ba lần làm việc “đôi lứa” với người vợ cũ...

Tôn giả Sāriputta chợt hỏi:

- Sao tôn huynh biết rõ là ba lần?

- Thưa, chính tỳ-khưu Sudina tình thật kể lại.

Có một số tiếng cười nhẹ.

- Xin tôn huynh tiếp tục.

- Vâng! Tôn giả Upāli kể tiếp – Sau kết quả ấy, một đứa trẻ ra đời, và cũng chính do Sudina thuật lại và đã bị mọi người cười nhạo gọi tên bà vợ cũ của Sudina là “mẹ của chủng tử”. Chuyện xôn xao bàn tán mấy ngày hôm nay là vì vậy, bạch đức Thế Tôn.

Đức Phật nói:

- Xuất gia là ra khỏi căn nhà ái dục, phiền não. Tỳ-khưu Sudina do si mê không thấy, không biết nên làm cái việc để lại hạt giống, tưởng là vô hại. Từ rày về sau, phải chế định rõ, đấy là tội, tội trục xuất ra khỏi tăng-già (pārājikā). Chư vị hãy cùng thảo luận với nhau về các chi tiết liên hệ.

Tôn giả Sāriputta thưa hỏi:

- Thiết định, chế định một điều luật thì phải đi tuần tự từng bước một như thế nào, bạch đức Tôn Sư?

Đức Phật nói:

- Trong trường hợp này, có thể nó có thứ tự như sau: Tội thứ nhất là tội bị trục xuất khỏi tăng-già, không cho sống chung với tăng-già (pārājikā - bất cộng trụ) được chế định tại Đông Phương Lộc Mẫu tu viện(1), liên quan đến tỳ-khưu Sudinna trong hành động làm việc “đôi lứa” với người vợ cũ, phạm cả ba nghiệp thân, khẩu và ý. Trường hợp tỳ-khưu Sudina do không biết, do vi phạm lần đầu nên chỉ răn đe, khuyến giáo mà thôi. Nhưng sau này, khi xét tội, nó có thể có thêm nhiều chi tiết. Ví dụ, tội nào liên quan cả thân khẩu ý; tội nào chỉ có thân khẩu chứ không có ý; tội nào chỉ có ý chứ không có thân khẩu; tội nào chỉ có ý và thân không có khẩu; tội nào chỉ có ý và khẩu, không có thân; sáu trường hợp ấy cũng phải được minh định rõ ràng. Còn nữa, ví dụ điều luật này được quy định cho ai? Cho tất cả? Cho cả sa-di và sa-di-ni? Hay chỉ riêng cho tăng ni tỳ-khưu thuộc giáo hội, cả hiện tại và tương lai? Điều ấy phải nói trong luật định, phần chi tiết. Và ví dụ, cái gì đã kết thành tội, và có yếu tố nào chưa kết thành tội? Ai là người làm chứng? Ai thấy tận mắt, nghe nói lại hoặc đương sự tự thú tội? Và sau khi đã thành luật, lúc các vị luật sư đại diện tăng cật vấn người phạm tội phải nắm bắt cho chính xác, rõ ràng để phân biệt cái chánh, cái phụ, cái cốt yếu, cái không cốt yếu, cái quy kết thành tội trọng, cái có thể được gia giảm hoặc giảm khinh.Yêu cầu tối quan trọng là vị luật sư xử luật phải khách quan, trung thực, nghiêm minh hơn cả những ông quan tòa thế gian... Chư vị hãy nên nhớ như vậy.

Ai cũng lạnh người. Ai cũng cảm thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Để bảo tồn giáo pháp, để giữ gìn quy củ phạm hạnh quả thật không đơn giản. Do nhờ chư vị thánh đa phần là thành phần trí thức tinh hoa của xã hội thời bấy giờ; do trước đây nhiều vị từng là quan tổng trấn, quan tòa, nhiều vị từng đảm trách các công việc triều chính; và còn do sự làm việc tinh minh, mẫn cán – nên từ nền tảng ban đầu đó, họ đi từng bước tiếp theo...

Tôn giả Upāli sau đó, xin thưa tiếp một số trường hợp đã xảy ra liên hệ đến nhóm tội thứ nhất, cũng ở Đại Lâm, tại Vesāli, có vị tỳ-khưu dụ dỗ con khỉ cái để làm việc “lứa đôi”; có vị làm việc ấy với con nai cái, với xác chết nữ nhân ở nghĩa địa, với hàng chục trường hợp khác nữa.

Đức Phật xác nhận, chúng cùng thuộc một nhóm tội danh là bất cộng trụ.

Tôn giả Ānanda kể tiếp:

- Tiếp theo là chuyện xảy ra tại Vương Xá, liên quan đến tỳ-khưu Dhaniya, con trai người thợ gốm, ông ta đã tự ý, ngang nhiên lấy gỗ của đức vua Bimbisāra để xây cất tịnh thất cho mình. Hành động ấy đã cấu thành tội lớn, tội trộm cắp gỗ như vậy là thuộc bất cộng trụ, bạch đức Thế Tôn.

Đức Phật lại xác nhận:

- Đúng vậy!

- Cũng thuộc tội danh này, có nhóm tỳ-khưu Lục Sư lấy trộm màu nhuộm, vị tỳ-khưu lấy trộm vải choàng, lấy y của tử thi đang có ngạ quỷ gìn giữ, lấy trộm cơm trong cửa hàng, lấy trộm bánh nướng, táo, xoài...

Đức Phật lại xác nhận và nói tiếp:

- Từ rày về sau, ai phạm tội tương tự, đại diện tăng, từ bốn vị tỳ-khưu trở lên, sẽ xử phạt nghiêm minh, trục xuất khỏi tăng-già. Tuy nhiên, phải để ý, là vật trộm cắp ấy có giá trị hay không có giá trị? Vật ấy người ta đã quăng bỏ hay đang được giữ gìn? Nó khá phức tạp, đa dạng, rất nhiều hình thức khác nhau nên các vị luật sư cần thận trọng, xét hỏi chi ly, cặn kẽ khi định tội...

Tôn giả Upāli hỏi:

- Cặn kẽ, chi ly như thế nào, bạch đức Tôn Sư?

- Thứ nhất là phải xác định vật ấy là vật chưa được cho; và lấy đi nghĩa là đã di chuyển ra khỏi vị trí ấy. Thứ hai là phải xác định vật ấy là vật ở trên đất, trong đất, trên không, giữa khoảng không, ở vườn, ở rừng, ở ruộng, trong trú xá, trong làng, khe núi, bến đò, vật ký gởi... Thứ ba là giá trị vật ấy chừng năm xu (māsaka); nếu sờ vào thì phạm tội tác ác (dukkaṭa), làm lay động vậy ấy thì phạm trọng tội (thullaccaya), dời khỏi vị trí thì phạm bất cộng trụ.

Cả đại giảng đường yên lặng, chú tâm lắng nghe không bỏ sót một chữ, một câu nào.

Tôn giả Mahā Moggallāna kể tiếp:

- Chuyện xảy ra tại Vesāli, cũng tại Đại Lâm, Sảnh Đường Nóc Nhọn (Kūṭāgāra) liên quan đến nhiều vị tỳ-khưu đã đoạt mạng sống của nhau. Nguyên do là sau khi nghe thời pháp của đức Đạo Sư, nói về sự ô trược của thân, lửa của ngũ uẩn, tội của ngũ uẩn(1); có một số tỳ-khưu thiểu trí lại tưởng nhầm cái thân này tạo nên tội nên đã hỗ trợ cho nhau để giết nhau, dứt lìa mạng sống của nhau - có phải là thuộc tội bất cộng trụ thứ ba, bạch đức Tôn Sư?

- Phải rồi! Đức Phật nói tiếp - Nói rộng ra về nhóm tội này, là một vị tỳ-khưu cố ý giết người bằng bất kỳ lý do nào, trường hợp nào, hoàn cảnh nào đều được quy kết về tội danh bất cộng trụ. Ví dụ như bào chế thuốc cho người khác uống chết. Ví dụ chỉ cách cho người ta giết nhau. Ví dụ, đặt sẵn khí giới để người khác thuận tay giết nhau. Ví dụ, ca tụng sự chết, nói rằng sống có ích chi, sự sống là xấu xa, là đê hèn, là tội lỗi, vậy chết là tốt nhất... Tất cả đấy đều thuộc nhóm tội bất cộng trụ, nhưng còn tùy thuộc tội thân, tội khẩu, tội ý thế nào đó để gia giảm hay tăng trọng...

Tôn giả Sāriputta thưa tiếp:

- Sự việc cũng xảy ra cũng tại Vesāli, nhiều vị tỳ-khưu ở bờ sông Vaggumudā đã khoe pháp bậc thượng nhân đến các cận sự nam nữ. Các vị tỳ-khưu ấy nói rằng, mình không còn tham sân si, mình đắc thiền sắc giới, đắc thiền vô sắc giới, mình có thần thông, mình có được ba cái giác, có tám cái giác, mình đã Nhập Lưu hoặc mình đã có mấy đạo, mấy quả... Rồi vị ấy cố ý nói cho cận sự nam nữ nghe và tin điều ấy để người ta kính trọng mình, cúng dường cho mình – trong lúc, sự thật các vị ấy chẳng đắc được gì cả dù là một thiền chứng nhỏ nhoi! Tất cả hình thức ấy, trường hợp ấy có phải thuộc nhóm tội thứ tư không, bạch đức Tôn Sư?

- Đúng vậy! Đức Phật lại gật đầu. - Tuy nhiên, có trường hợp khác, khi vị ấy có đắc pháp cao nhân thật, có đắc thiền, đắc quả thật; và vị ấy nói ra sự thật ấy nhằm giáo huấn môn đệ, đồ chúng để họ noi gương thì không phạm tội.

Tôn giả Upāli chợt mỉm cười, như nói lạc đề:

- Trong năm an cư ấy, cả vùng Vesāli, Vajjī đều lâm vào nạn đói kém, cho nên nhóm tỳ-khưu nào về đảnh lễ đức Thế Tôn trông họ cũng ốm o, xanh xao, teo tóp, mặt và tay nổi đầy gân vì thiếu vật thực. Nhưng cái nhóm tỳ-khưu ở bờ sông Vaggumudā ấy, khi về đến Đại Lâm trông ai cũng phương phi, béo tốt, đỏ hồng, da láng lẫy, sắc diện rạng rỡ, căn quyền sung mãn... Bậc trí nhìn là biết liền. Hóa ra, chúng đã tà mạng, kheo pháp bậc thượng nhân để kiếm cơm, kiếm áo! Chúng đã cướp thức ăn thượng vị cứng mềm, mồ hôi nước mắt của chị, của anh, của chồng, của cha, của mẹ những cận sự có tín tâm nhưng si cuồng và thiểu trí. Hôm ấy, đức Thế Tôn đã khiển trách chúng thật nặng nề - nhưng trông cái bản mặt của họ, lớp da nó dày quá!

Có khá nhiều tiếng cười nhỏ.

Tôn giả Sāriputta đúc kết lại:

- Vậy thì tóm lại, như đức Tôn Sư đã dạy và chư trưởng lão đã lắng nghe, đã tiếp thu – thì, cả nhóm bốn tội ấy, nói rõ là hành dâm với nhiều hình thức khác nhau, trộm cắp với nhiều đồ vật khác nhau, giết người với nhiều phương cách khác nhau, khoe pháp bậc thượng nhân bằng nhiều cách nói, gợi ý khác nhau – chúng đều thuộc về nhóm tội bất cộng trụ (pārājikā) thì bị trục xuất khỏi tăng đoàn...

Tôn giả Upāli thắc mắc:

- Nếu luật sư sau khi xét tội, thấy có một vài chi tiết phạm tội “chưa trọn vẹn”, có nghĩa là chưa cấu thành trọn vẹn ba nghiệp thân, khẩu, ý thì tội ấy phải trở thành tội danh khác, ở trong điều luật khác hay sao, bạch đức Thế Tôn?

- Đúng vây! Đấy là điều mà Như Lai sắp nói đây. Trong bốn tội lớn ở trên, cả ba nghiệp thân, khẩu và ý đều có xen dự vào đấy cả, đều phạm tội cả, sẽ cấu thành tội danh pārājikā. Nhưng nếu cả bốn tội lớn ở trên, không phạm ba nghiệp, mà chỉ phạm hai, ví dụ chỉ thân và khẩu, không có ý; hoặc chỉ ý và khẩu, không có thân... thì Như Lai quy định vào một nhóm tội khác, được gọi là Saṅghādisesa, tức là tội danh “tăng tàn”. Những tội tăng tàn tức là tội mà làm cho đời sống phạm hạnh bị hư mục, tan nát, hủy hoại, làm cho tăng phải hoen ố, tàn mạt. Vậy chư vị hãy thảo luận, đưa ra từng trường hợp cụ thể, đã xảy ra, để mọi người cùng quyết nghị, thiết định nên tội danh này...

Đến đây, tôn giả Sāriputta thưa:

- Đã có xảy ra rồi, bạch đức Tôn Sư. Chính đệ tử, chư vị trưởng lão Mahā Moggallāna, Mahā Kassapa, Upāli đã xử lý nhưng chỉ có tính cách răn đe, khuyến giáo... hôm nay mới chế định luật.

- Ừ, ông kể lại đi!

- Đầu tiên, việc xảy ra ở Jetavanārāma mấy năm về trước, tỳ-khưu Seyyasaka phạm tội trọng thứ nhất nhưng chưa phạm trọn vẹn cả thân, khẩu và ý – nên bây giờ được ghi vào tội danh tăng tàn (saṅghādisesa) này!

Tôn giả Mahā Moggallāna gật đầu:

- Đúng vậy! Hôm đó chúng ta cũng chỉ mới răn đe!

- Cũng xảy ra tại Jetavanārāma – Tôn giả Upāli thưa tiếp - Tỳ-khưu Udāyi, xảy ra trong nhiều thời gian khác nhau, ông ta phạm tội danh này liên tiếp bốn lần. Một lần, phạm tội bằng thân, ví dụ như rờ rẫm người khác giới. Lần khác, phạm tội bằng khẩu, tức là nói lời sàm sỡ, trăng hoa hay hoa tình với nữ giới. Lần khác nữa, cũng phạm tội bằng khẩu, nói rằng, người nữ phục dịch, hầu hạ nhục dục cho mình là có phước. Lần thứ tư, cũng ông tỳ-khưu này làm “mai dong” cho nam nữ thành vợ chồng... Vậy, bạch đức Thế Tôn! Cả bốn trường hợp này có được xác nhận trong nhóm tội danh “tăng tàn” chăng?

- Như Lai xác nhận! Đức Phật gật đầu rồi nói tiếp – Kể cả chuyện tự ý xây cất tịnh thất cho mình cũng không được. Năm nọ tại Vương Xá, Như Lai đã khiển trách nhóm tỳ-khưu Āḷavi đã tự ý xây cất tịnh thất cho mình mà chưa được sự chấp thuận của tăng, nó cũng rơi vào nhóm tội danh này.

Tôn giả Mahā Kassapa thưa:

- Tương tự vậy là chuyện tỳ-khưu Channa đã tự ý làm một tịnh thất rất lớn, quá quy định của tăng, tại Kosambī - có lẽ cũng nằm trong mục tội danh saṅghādisesa.

Tôn giả Ānanda trình bày thêm:

- Kể cả tội cáo gian nữa. Tại Vương Xá, nhóm tỳ-khưu Mettiya, Kummajaka đã hai lần cáo gian vị thánh sa-di Dabba-Mallaputta phạm tội bất cộng trụ - như vậy cả hai trường hợp đều rơi xuống tội danh tăng tàn rồi...

Đức Phật lại gật đầu xác nhận.

Thế là suốt cả bảy ngày, chư thánh tăng đã đưa ra từng trường hợp một rồi đúc kết lại, trong đó có bốn nhóm tội thuộcbất cộng trụ, chín nhóm tội thuộc tăng tàn(1)cùng một số nhóm tội khác nữa.

Tôn giả Upāli đã công phu, chịu khó tuyên đọc lại tất cả những học giới trải qua hai mươi năm qua rồi nhờ chư vị trưởng lão cùng sắp xếp thành từng nhóm tội. Sau đó, tất cả đã chia thành bảy nhóm tội sau đây: Bất cộng trụ (pārājikā), tăng tàn (saṅghādisesa), trọng tội ( thullaccaya), ưng đối trị (pācittiya), ưng phát lộ (pātidesanīya), tác ác (dukkaṭa), ác ngữ (dubbhāsita). Nếu phạm tội bất cộng trụ thì không còn tăng tướng tỳ-khưu nữa, phải xả giới hoàn tục. Phạm tội tăng tàn thì bị phạt cấm phòng, sau đó phải có buổi sám hối có mặt từ bốn vị đến hai mươi mốt vị tỳ-khưu mới hết tội được. Còn năm tội sau, phải sám hối trước tăng, hoặc hai, ba vị tỳ-khưu.

Tất cả học giới suốt hai mươi năm qua, đa phần nằm trong hai nhóm ác ngữ và tác ác cũng đã được sắp xếp lại và thông qua.

Đức Phật, chư đại trưởng lão cũng phải để mất thêm ba ngày nữa, cho triệu tập chư trưởng lão thánh ni, dựa theo bộ luật căn bản của tăng (dẫu chưa đầy đủ), thêm, bớt cho hợp lý, cho tương thích để chính thức ban bố thêm bộ luật cho tỳ-khưu-ni nữa.

Vậy là bắt đầu từ hạ này trở về sau, trong các buổi sám hối, tháng hai lần, chư tăng ni bắt đầu có lễ tụng giới Pātimokkha, và từ từ đi vào nền nếp, kỷ cương.



(1)Được gọi chung trong nhóm “ thu thúc lục căn”, “chánh mạng thanh tịnh” và “quán tưởng vật dụng”.

(2)Paṃsukūla: Vải bó tử thi hoặc vải lượm từng tấm, từng mảnh nơi này và nơi kia, giặt sạch, nhuộm rồi may mặc - không thọ nhận vải mới, vải lành nguyên.

(1)Đây cũng chỉ là giả định. Vì trong Tạng Luật, tập yếu I, bản Việt dịch của tỳ-khưu Indacanda – nói rằng điều này đã được quy định tại Vesāli. Dĩ nhiên, đó là tư liệu đáng tin cậy, tuy nhiên, có một tư liệu khác, nói là tỳ-khưu Sudina tám năm sau mới về thăm gia đình, chuyện “hạt giống” mới xảy ra.

(1)Có nơi nói là đức Phật giảng về niệm đề mục tử thi, khen ngợi đề mục này... nên một số vị hiểu lầm là đức Phật ca ngợi sự chết.

(1)Các vị kết tập sư, các nhà nghiên cứu thường không để ý đến sự diễn tiến thời gian nên nói các buổi sám hối, chư Tăng thường tụng đọc Pātimokkha! Hãy lưu ý cho, ngay chính vào thời điểm này, 13 tội Tăng tàn cũng chưa hình thành đầy đủ. Ví như tội thứ 10, Devadatta chia rẽ Tăng! Xin thưa, tối thiểu vào khoảng sau hạ thứ 40 của đức Phật, khi A-xà-thế giết vua cha, tiếm ngôi thì mới xảy ra chuyện Devadatta âm mưu chia rẽ Tăng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/02/2012(Xem: 8769)
Gần đây, một tạp chí Phật Học có đăng thư một độc giả hỏi vị giáo thọ phụ trách, "Tôi vừa mới được quy y và bắt đầu học Phật, tôi thấy con đường này mênh mông quá. Tôi có một khó khăn là không biết mình nên bắt đầu từ nơi đâu đây? Những giáo lý về sanh diệt, tác ý, nghiệp quả, duyên sinh... cái nào cũng rất là quan trọng và cần thiết. Và tôi cũng được hướng dẫn ngồi thiền. Nhưng ngoài chiếc gối ngồi thiền ra, ta phải bắt đầu ở nơi đâu đây?"
05/02/2012(Xem: 7304)
Niệm Phật tức là tham thiền không phải hai pháp, ngay lúc niệm Phật, trước tiên phải buông bỏ hết thảy các thứ vọng niệm, tạp loạn phiền não, tham, sân, si...
05/02/2012(Xem: 7838)
Tất cả mọi người, mọi loài, mọi thứ trên hành tinh này đều đi về phía chết, phía không tìm, phía mà khi đang sống không mấy ai quan tâm. Trái đất không là ngoại lệ dù nó to lớn dềnh dàng đến đâu và quay tít như thế, cho dù sự đi về của nó vượt ngoài thời gian hạn hẹp, ngoài phạm vi hiểu biết của con người nhưng nó cũng phải đi về trên hành trình, quy luật của nó, không mảy may sai khác. Loài người không sinh ra trái đất nhưng có thể hủy hoại, giết chết trái đất. Loài người cũng có thể cứu sống trái đất, giúp trái đất trường thọ hơn, như đứa con hiếu thảo giúp bà mẹ vĩ đại của mình vượt trở ngại, ốm đau, bệnh tật; giúp trái đất xanh hơn, của để dành tươi tốt, ấm cúng yên bình, chốn dung thân các thế hệ kế tiếp của hằng ngàn ngàn sau. Đừng là những đứa con hư, cướp bóc, tàn phá mẹ mình đến khánh kiệt sức lực, tàn úa vì dục vọng hư huyễn, nhu cầu thái quá của chính mình.
04/02/2012(Xem: 8613)
"Giữ chánh niệm." "Sống trong giây phút hiện tại." "Chú ý đơn thuần." Trên con đường tu học, chắc chúng ta đều có nghe vềnhững lời khuyên này. Và nếu bạn có kinh nghiệm về thực tập thiền quán, những câu ấy là một tiếng chuông nhắc nhở chúng ta từ sáng đến khuya, rằng ta có thể tìm thấy tất cả những gì là chân thật ngay trong giờ phút hiện tại này.
04/02/2012(Xem: 7906)
Từ nhiều năm nay, Christian Maes đã đưalên mạng Internet (http://majjhima.perso.neuf.fr/) một tuyển tập dịch thuật gồm những bài kinh chọn lọctrong bộ Trung A Hàm(Majjhima Nikaya) tức là "Các bài thuyết giảng có chiều dài trung bình"và cũng là một trong số các bộ Kinh quan trọng nhất của Phật giáo nguyên thủy.
29/01/2012(Xem: 6926)
Dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn đề cao tinh thần đoàn kết bền chặt, luôn tạo nên một sức mạnh có thể vượt qua tất cả những thử thách chông gai, những nỗi áp bức nặng nề. Lịch sử đất nước ta đã trải qua biết bao thăng trầm, khi cam chịu nô lệ, lúc độc lập tự chủ, khi thống nhất một dải, lúc phân đôi sơn hà. Qua đó, lịch sử cũng đã để lại những trang sử oanh liệt, hào hùng cũng như những đêm dài đen tối nô lệ hàng thế kỷ. Do đó, con người Việt Nam vừa có tinh thần độc lập, tự cường rất cao, với tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn nên đã giành lại đất nước, đánh tan quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.
28/01/2012(Xem: 6099)
Dưới đây là phần chuyểnngữ toàn bộ chương I (tr.13-20) của một quyển sách nhỏ về Phật Giáo, mang tựa đề"Phật Giáo nhập môn" (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bảnGrancher, 2008). Tuy bàn về những vấn đề rất căn bản thế nhưng tập sách lại đượcviết bởi một triết gia Phật Giáo sâu sắc nổi tiếng hiện nay là Fabrice Midal.
26/01/2012(Xem: 6696)
ĐứcThích-ca Mâu-ni là vị Phật lịch sử và cách nay đã lâu lắm, đã khám phá ra một ConĐường thật độc đáo, đấy là Con Đường giúp chúng ta loại bỏ mọi khổ đau và tìmthấy một sự tự do đích thật. Sau khi khám phá ra Con Đường đó thì Đức Phật, lúcấy còn rất trẻ, đã hy sinh phần còn lại của kiếp nhân sinh cuối cùng của mình đểtrỏ cho chúng ta trông thấy Con Đường ấy bằng ngón tay của chính Ngài. Hôm naychúng ta là những người đang tu tập bằng cách hướng theo ngón tay của Ngài vàbước theo các vết chân của Ngài vẫn còn in đậm trên Con Đường ấy.
26/01/2012(Xem: 8132)
Trong đờisống hằng ngày, cho để nhận là một chuyện rất bình thường trong mọi sự trao đổilẫn nhau. Tôi trả tiền, tôi nhận món hàng. Vậy, chođể nhận là một quy luật tự nhiên hay còn là một nguyên tắc đạo đức? Đó là mộthành động tự nguyện, bất vụ lợi, xuất phát từ lòng thương người? Nhưng có điều chắc chắn là lòng vị tha bác ái, cho qua con tim, mới thật sự đem đến cho tanhiều hạnh phúc.
24/01/2012(Xem: 12500)
Hình tượng Đức Phật Di Lặc hiện hữu với nụ cười trên môi, dáng vẻ hiền hòa khiến ai nhìn vào cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng, hiền thiện và hoan hỷ hơn bao giờ hết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]