Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

43. “Cái Một”

17/03/201409:16(Xem: 24218)
43. “Cái Một”
blank

“Cái Một”


Ðược biết rằng nàng là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, con của một thương nhân giàu có ở kinh thành Vương Xá, được học hành chu đáo nhưng phải lòng một tên cướp đang bị dẫn ra xử trảm ở pháp trường. Nàng tên là Bhaddā và tướng cướp tên là Sattuka(1).

Vì thương con, cha mẹ nàng phải hối lộ một ngàn đồng tiền vàng để nhờ người ta đánh tráo tên cướp, mang về nhà và sắp đặt một cuộc hôn nhân. Tiểu thư Bhaddā và chàng trai Sattuka bắt đầu sống chung với nhau trong cảnh vinh hoa phú quý. Chẳng được bao lâu, Sattuka khởi lên ác tâm, muốn giết nàng để lấy đi tất cả đồ nữ trang quý giá. Hắn lập mưu nói là muốn làm một cuộc lễ tạ ơn đến vị thần bổn mạng hộ trì, đấy là “ngọn núi thiêng của những tên cướp”(2)Hôm kia, sau khi sắm sửa lễ vật trọng thể, hắn dẫn nàng lên núi cao. Tại đây, Sattuka lột tất cả đồ trang sức của Bhaddā rồi định giết nàng. Hắn đã nói thật dã tâm của hắn. Chán nản người chồng ác đức, tương kế tựu kế, nàng giả vờ đưa mắt đắm đuối nói:

- Tôi yêu chàng lắm, chàng biết không?

- Ta biết!

- Chàng bảo chết thì thiếp sẽ chết. Nhưng xin chàng cho thiếp một đặc ân là được ôm hôn chàng lần cuối cùng!

- Được rồi! Nhanh lên!

Thế rồi, Bhadda ôm hôn Sattuka trước mặt, ôm hôn sau lưng rồi bất ngờ, nàng đẩy tên cướp xuống vực sâu tan xác.

Chư thiên, thọ thần trên núi thấy tên tướng cướp táng tận lương tâm, lại thấy trí thông minh đối trị kẻ ác một cách nhanh nhạy của nàng, họ thốt lời ca ngợi rằng:

“- Đừng có nghĩ rằng

Đàn ông khôn ngoan!

Phụ nữ thế gian

Khôn ngoan đâu kém!

Nơi này, nơi khác

Phụ nữ thế gian

Thông minh, lanh lợi

Đừng có nghĩ rằng

Đàn ông trí mưu

Hơn hàng phụ nữ

Biết rõ lợi, hại

Suy tính thiệt hơn

Phụ nữ hành động

Nhanh như sấm giật!”(1)

Ðã thấm thía tình duyên phản trắc, tiểu thư Bhaddā quăng đồ nữ trang xuống vực, xé rách y phục sang trọng, khoác một mảnh vải tìm đến một nhóm nữ đạo sĩ khổ hạnh thuộc phái Nigaṇṭha.

Các nữ đạo sĩ hỏi nàng:

- Cô muốn xuất gia khổ hạnh bậc gì?

- Thưa, bậc thượng!

Thế là thay vì cạo tóc bằng những bẹ nứa, người ta nhổ từng sợi tóc cho nàng, máu chảy thành dòng. Các nữ đạo sĩ lấy bùn đất dơ uế trát lên y áo của nàng, trao cho một cái bát bằng đất rồi dạy giáo pháp, tu tập, thiền định... Không bao lâu sau, cô gái bây giờ là nữ đạo sĩ đã chứng tỏ sự thông minh kỳ đặc, một ý chí sắt thép, một đầu óc siêu việt, một lý trí sắc bén nên sớm được đồng đạo nể phục. Người ta muốn nàng lên đường để xiển dương giáo pháp, đem chuông trống đi đánh xứ người. Từ đấy, nữ đạo sĩ sống đời ta-bà vô trú, không bao lâu đã nổi tiếng khắp nơi về tài hùng biện. Vì tóc của Bhaddā sau khi bị nhổ, mọc lên lại thì nó xoăn tít nên mọi người thường gọi nàng là Kuṇḍalakesā(1), nữ đạo sĩ “tóc quăn”.

Thế rồi, từ quốc độ này sang quốc độ khác, từ thành phố này sang thị trấn nọ, nữ đạo sĩ Kuṇḍalakesā lang thang không có trụ xứ, sống đời ta-bà khổ hạnh, người ta lại gọi nàng bằng một cái tên khác nữa là Jambuparibbājikā (hành giả châu Diêm-phù-đề)(2). Có điều đặc biệt là nữ đạo sĩ Kuṇḍalakesā đã trổ tài vô địch trong những cuộc tranh luận về các môn triết học, tư tưởng trong và ngoài truyền thống Vệ Đà; giương cao ngọn cờ minh triết cho một môn phái khổ hạnh, chủ trương diệt dục bằng lối sống khắc kỷ. Ðến ở đâu, nữ đạo sĩ cũng cắm lên đấy một nhành liễu xanh. Nhưng rồi, đến một lúc nào đó, nhành liễu này khô đi lại được thay bằng một nhành liễu mới, chẳng có ai dám nhổ nhành liễu để tranh luận với nàng nữa!

Hôm nọ, bước chân ta-bà ấy đến kinh thành Sāvatthi (Xá Vệ), nữ đạo sĩ Kuṇḍalakesā cắm một nhành liễu ngay trước cổng thành. Một số trẻ em tò mò vây quanh...

Tôn giả Sāriputta, sau khi đi khất thực, trên đường trở về tịnh xá, thấy đám trẻ và nhành liễu, ngài dừng chân:

- Của ai đấy, các con?

- Của nữ đạo sĩ tóc quăn, thưa trưởng lão.

- Nữ đạo sĩ à?

- Dạ phải, nữ đạo sĩ tuy ăn mặc xấu xí, tóc quăn, nhưng đẹp lắm.

Tôn giả nói:

- Vậy thì các con hãy nhổ nhành liễu ấy và cắm ngược trở xuống!

- Chúng con sợ!

- Không sao, có ta đây! Khi nữ đạo sĩ hỏi, các con bảo là đệ tử của đức Thế Tôn đấy!

Ðám trẻ reo hò, chúng đến, không phải là cắm xuống hay nhổ đi mà là dẫm đạp lên nhành liễu, đá tung bụi, bẻ vụn nhành liễu, và quăng vất tơi tả đó đây.

Nữ đạo sĩ tóc quăn đi khất thực trở về thấy vậy bèn quát:

- Ai cả gan như thế?

- Không phải là chúng con mà là vị trưởng lão cao quý của chúng con, ngài đang đứng kia kìa!

Quay nhìn trưởng lão, nữ đạo sĩ Kuṇḍalakesā thấy một sa-môn tướng mạo đoan nghiêm, thần sắc thanh thoát và trầm tĩnh. Chợt dưng nàng cảm nghe hơi chột dạ. Nàng chưa biết ai, thấy ai lại toát ra được cái tự chủ và tự tin như thế.

- Có phải ông là đệ tử của sa-môn Gotama đấy không?

- Vâng, thưa nữ đạo sĩ!

- Ông chấp nhận một cuộc tranh luận không khoan nhượng chứ?

- Vâng, thưa nữ đạo sĩ!

- Ông có biết rằng chấp nhận tranh luận như thế là một sự mạo hiểm? Ông mà thất bại thì danh dự, tiếng tăm của ông và cả sa-môn Gotama sẽ biến thành mây khói?

- Tôi biết rõ, thưa nữ đạo sĩ!

Nhìn xung quanh, nữ đạo sĩ nói với mọi người:

- Vậy thì chiều nay, tại trú xứ Jetavanārāma của ông sa-môn Gotama, sẽ có một cuộc tranh luận về giáo pháp. Thành phố này, ai là người có tai, có óc thì hãy đến đấy mà nghe!

Tôn giả Sāriputta khiêm tốn:

- Ðúng vậy, chiều nay, tại cổng tịnh xá Jetavanārāma (Jetavanārāma), kẻ ngu hèn này xin được hầu đáp nữ đạo sĩ, một biện sĩ lỗi lạc!

Không mấy chốc, câu chuyện đồn đãi khắp cả thành Sāvatthi (Xá Vệ). Buổi chiều, người ta vây quanh khu đất trống trước cổng tịnh xá Jetavanārāma. Không những là dân chúng, cư sĩ các tôn giáo mà còn có bóng dáng hàng trăm đạo sĩ của nhiều giáo phái, hàng trăm vị tỳ-khưu đồng tham dự nữa.

Người ta bàn tán với nhau:

- Trên đời này, có ai tranh luận hơn vị trưởng lão đệ nhất của giáo hội đức Tôn Sư?

- Thật là một con đom đóm tí tẹo lại muốn khoe ánh sáng với mặt trời!

- Biết đâu có một kỳ nhân, dị sĩ xuất hiện?

- Eo ôi! Ðúng là đem trống đánh trước cửa nhà sấm!

Ðám đông chợt yên lặng khi nữ đạo sĩ tóc quăn xuất hiện. Mặc dầu y áo xộc xệch, vấy bẩn bùn đất nhưng cũng không che giấu được vẻ đẹp tuyệt trần của nàng.

Trong lúc ấy, tôn giả Sāriputta đang trình bày với đức Phật, việc nữ đạo sĩ tóc quăn đang muốn tranh luận, khiêu khích ở bên ngoài cổng Jetavanārāma tịnh xá, muốn xin sự chỉ giáo của ngài.

Đức Phật nói:

- Cô ta chính là đệ tứ công chúa Bhikkhudāyikā thời đức Phật Kassapa, ông có hướng tâm đến không?

- Vâng, có ạ!

- Ông có duyên với cô ta, hãy đưa cô ta vào dòng!

- Vâng, bạch đức Tôn Sư !

Đức Phật nói tiếp:

- Vậy thì ông đã biết rõ, trong bảy cô công chúa có duyên căn sâu dày thuở ấy, hiện tại đã có mặt tỳ-khưu-ni Khemā, tỳ-khưu-ni Uppavaṇṇā, tỳ-khưu-ni Dhammadinnā, đại thí chủ Visākhā, và cô này là Bhaddā-Kuṇḍalakesā; một thời gian ngắn tới đây sẽ xuất hiện Paṭācārā và Kisā-Gotamī nữa là đủ. Ông hãy đi làm công việc của mình đi, con trai!

- Tâu, vâng, bạch đức Tôn Sư !

Sau đó, tôn giả Sāriputta trang nghiêm, từ tốn từ trong tịnh xá bước ra.

Mọi người hồi hộp, yên lặng.

Nữ đạo sĩ Kuṇḍalakesā cất tiếng hỏi:

- Ngài lấy tư cách cá nhân mà tranh luận hay lấy tư cách giáo hội ông sa-môn Gotama mà tranh luận?

- Là cá nhân, thưa nữ đạo sĩ! Tư cách giáo hội thuộc về đức Tôn Sư. Không ai ở trên đời này có thể đại diện một đức Chánh Ðẳng Giác, thưa nữ đạo sĩ!

- Thế cũng được. Bây giờ cho tôi được hỏi đây. Ông sa-môn cần những câu hỏi có giới hạn hay không có giới hạn?

Tôn giả Sāriputta xót thương cho sự cống cao, ngã mạn của nàng nên nói:

- Ðối với tôi thì không thành vấn đề. Nhưng đối với nữ đạo sĩ thì nên đặt những câu hỏi sở trường nhất của nàng, có lợi nhất cho nàng!

- Tại sao?

- Như vậy sẽ giúp ích cho nữ đạo sĩ hơn. Vì tất cả mọi triết học, tư tưởng trong và ngoài truyền thống Vệ Đà tôi đều biết rõ, thấy rõ; nhưng về giáo pháp của đức Tôn Sư, nữ đạo sĩ không hề hay biết, dầu là một tí chút ở ngoài da!

Ðám đông cười ồ! Chỉ mới câu nói đầu tiên của trưởng lão, dường như đã minh định được sự hơn thua của cuộc tranh luận.

Nữ đạo sĩ Kuṇḍalakesā thấy mình bị xem thường nên tức giận quát gắt:

- Thôi đừng nhiều lời, ông sa-môn, hãy nghe ta hỏi đây!

Tôn giả ân cần nhắc nhở:

- Ðừng nôn nóng, hãy bình tĩnh! Hãy đặt những câu hỏi nào mà nữ đạo sĩ cảm thấy là hóc búa nhất về Vệ Đà và không Vệ Đà, cả về thiên văn, địa lý, đạo đức, thuật số, luận lý, ngôn ngữ... thế học, đạo học... hoặc về tất cả những gì mà đầu óc uyên bác của nữ đạo sĩ đã học hỏi được, đã do tư duy và trí năng thâu lượm có vẻ tâm đắc nhất!

Kinh sách không ghi lại nội dung chi tiết của cuộc tranh luận lý thú này, chỉ nói là nữ đạo sĩ đã cật vấn tôn giả Sāriputta một ngàn câu hỏi. Và không biết thời gian trải qua mấy ngày. Thật là kinh khiếp! Từng câu hỏi một, vị đệ nhất đại đệ tử như một nhà thông thái đã giải thích, phân tích, đi từ ngoài vào trong, đi từ trong ra ngoài; không những trả lời rất đầy đủ những câu hỏi của nàng mà còn làm cho nàng thấy rõ kiến thức nông cạn, hời hợt của mình nữa.

Nữ đạo sĩ say mê lắng nghe. Tất cả những ngạo khí thảy đều tiêu tan. Mọi sự khôn ngoan, sắc bén của nàng đều thui chột. Mọi kiến thức uyên bác của nàng rõ là trò trẻ con đối với tôn giả.

Cuối cùng, tôn giả hỏi:

- Còn câu hỏi nào nữa không, thưa nữ đạo sĩ?

Nữ đạo sĩ im lặng.

Tôn giả cất lời dịu dàng:

- Một ngàn câu hỏi nữ đạo sĩ đã hỏi và tôi đã đáp; vậy bây giờ tôi hỏi nàng nhé, một câu duy nhất thôi!

- Vâng, thưa trưởng lão.

- Thưa nữ đạo sĩ! Nữ đạo sĩ hỏi huyên thuyên trên trời dưới đất. Bây giờ là câu hỏi của tôi: Gì là “Một”? Nói đi, nữ đạo sĩ! “Một” là gì nào?

Câu hỏi của tôn giả thật là lạ lùng không ai ngờ được. Ðại chúng sau một hồi lặng ngắt, chợt cười reo, thú vị. Nữ đạo sĩ bàng hoàng. Thời gian trôi qua. Nữ đạo sĩ toát mồ hôi! Mà tượng đá cũng toát mồ hôi!

Tôn giả Sāriputta chậm rãi thả từng tiếng một:

- “Một” mà nữ đạo sĩ cũng không biết thì đòi biết cái gì? Thế mà nữ đạo sĩ đòi biết trên trời dưới đất, đòi học hiểu tất cả tư tưởng, triết học trên đời này? Giả dụ như bây giờ tôi hỏi dễ hiểu hơn về “Cái Một” ấy? “Cái Một” gì, chỉ “Một Pháp”(1)thôi, mà tất thảy chúng sanh đều cần đến nó, nếu không có nó thì không thể tồn tại sinh mệnh?

Thời gian trôi qua...

- Tôi cũng chịu, tôi không trả lời được.

- Thế bây giờ tôi hỏi một “Cái Một” khác nữa, dễ dàng hơn nhiều! Đấy là “Cái Một” tối thượng, “Cái Một”(2)như là thực thể cuối cùng, hay là “Một Pháp” cuối cùng, tuyệt đối, “Cái Một” ấy là gì nào, thưa nữ đạo sĩ?

- Tôi cũng chịu luôn.

- Thế tôi có thể nói rõ hơn một chút, là “Cái Một” này nó sẽ chấm dứt tất thảy đau khổ và phiền não!

- Tôi chịu thua. Tôi hoàn toàn chịu thua rồi!

Tôn giả Sāriputta mỉm cười:

- Cảm ơn nữ đạo sĩ đã trả lời rất thành thật. Biết nói biết, không biết nói không biết, đấy chính là tư cách của một trí nhân, thật sự là một trí giả trên đời này. Tôi rất kính trọngvà ngưỡng mộ. Tuy nhiên, nếu nữ đạo sĩ từ bỏ giáo pháp ấy, cái giáo pháp rỗng không và phù phiếm của nàng, xuất gia dưới chân của đức Tôn Sư, rồi nàng sẽ biết cái “Một” ấy là gì.

Nghe vị sa-môn kia coi mình như trí nhân, như trí giả nữ đạo sĩ cảm nghe rất mát ruột, và cũng biết ông ta nhận xét đúng người, những vì bản tính cao ngạo cố hữu, bắt cô chưa chịu khuất phục ngay, cái tính cứng đầu chưa mềm dịu lại được. Cô nói:

- Nhưng tôi chỉ muốn biết cái “Một” ấy là gì ngay từ bây giờ thôi?

- Hãy trở thành một vị tỳ-khưu-ni, hãy học hỏi giáo pháp Thoát khổ; hãy tu tập, hành trì giáo pháp Thoát khổ, sau đó, nữ đạo sĩ sẽ tự trả lời cho mình về “Cái Một” ấy.

- Vậy hãy cho tôi gia nhập Ni chúng!

Thế là cuộc tranh luận chấm dứt. Khi được biết rằng người luận thắng nàng là đại đệ tử của đức Phật, bậc tướng quân Chánh Pháp, vị thượng thủ của giáo hội, nữ đạo sĩ không còn thấy xấu hổ nữa. Sau đó, tôn giả Sāriputta gởi nữ đạo sĩ Kuṇḍalakesā đến đức Phật(1). Thấy duyên cơ sâu dày, lợi căn, lợi tuệ của nữ đạo sĩ, đức Phật chỉ thuyết tóm tắt nhưng cốt lõi về uẩn, về xứ, về giới, về bất tịnh, về vô thường, về dukkha, về vô ngã(2).

Nữ đạo sĩ đắc pháp nhãn, nàng quỳ gối đi đến gần đức Phật hai tay chắp lên đỉnh đầu vô cùng tôn kính để xin được xuất gia.

Đức Phật chỉ nói đơn giản:

“- Này Bhaddā! Hãy đến đây!” (Ehi Bhadde!)(3)

Thế là nữ đạo sĩ đã trở thành tỳ-khưu-ni, bây giờ với tên gọi đầy đủ là Bhaddā-Kuṇḍalakesā, sau đó nàng về sống ở ni viện.

Cũng ngay trong ngày hôm ấy thôi, trong lúc rửa chân, nàng thấy nước tan chảy rồi thấm dần trong đất, tư duy chơn chánh phát sanh: “Rồi ra các ‘hành’ cũng tương tự như thế!” Tìm một chỗ yên vắng, nàng minh sát nội tâm, thấy rõ các uẩn sinh diệt ra sao, vô thường, vô ngã ra sao; và nàng đã nhanh nhạy đắc quả A-la-hán cùng với các thắng trí.

Trong không gian tịch mịch, vắng lặng cả nội tâm và ngoại cảnh, đêm ấy, tỳ-khưu-ni Bhadda-Kuṇḍalakesā soi chiếu lại từng cuộc đời, từng mảnh đời, từng cảnh giới, những hoan lạc, những đau thương, những nụ cười, những nước mắt... Trong mù sương chập chờn, bóng dáng nàng hiện ra, nửa có nửa không, kiếp thú, kiếp người, công chúa, hoàng hậu, nông dân, kẻ nô lệ đói nghèo, kiếp ngạ quỷ, kiếp thọ thần, kiếp chư thiên, phạm thiên... chúng lật ra rõ ràng trước mắt như những lượn sóng nhấp nhô vô tận giữa đại dương sinh tử.

“- Ôi! Đã từ xa xăm hằng trăm kiếp quả địa cầu, hóa ra ta là một cô gái thật xinh đẹp, là tiểu thư của một thương gia đại phú, tỏa sáng xung quanh đủ loại châu báu hiếm có trên đời. Duyên may làm sao ta lại có đức tin, và ta đã quỳ dưới chân, phủ phục dưới chân và nương tựa đời mình nơi đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara!

Hôm nọ, đức Đại Hùng tuyên dương một tỳ-khưu-ni xinh đẹp, tên là Subhā; và ngài bảo vị ấy là tối thắng trong tất cả Ni chúng có “thắng trí nhạy bén” (khippābhiññā) nhất!

Hoan hỷ vô cùng mà cũng ngưỡng mộ công hạnh của vị tỳ-khưu-ni ấy vô cùng; ta lại đặt bát lớn, cúng dường lớn cả tứ sự nữa, sau đó, ta đã phát nguyện thành lời, mong sau này tu tập để có được thành quả mỹ mãn như vị tỳ-khưu-ni Subhā kia vậy!

Đức Oai Âm mỉm cười như một vầng trăng sáng dịu, tiếng nói của ngài như rót nước ngọt của cõi trời vào tai của ta vậy:

“- Này cô gái hiền lành! Ước nguyện ấy rồi sẽ được tựu thành do công đức phước quả mà con đã cúng dường Tam Bảo với tâm tịnh tín trong sạch và sáng ngời như maṇi châu. Như Lai đọc được như thế. Rồi con sẽ được hạnh phúc, an lạc trong nhiều kiếp sống, và cuối cùng sẽ viên mãn niềm vui siêu thế Niết-bàn”.

Nghỉ hơi nhắm mắt một lát rồi đức Tôn Sư lại mở mắt ra, nói tiếp:

“- Một trăm đại kiếp về sau, thời gian không dài lắm mà cũng không ngắn lắm, sẽ có một đức Chánh Đẳng Giác ra đời, vị ấy thuộc dòng dõi đức vua Okkāka, tộc Sākya, họ Gotama sẽ xuất hiện trên thế gian. Và rồi con sẽ trở thành một nữ Thanh Văn, sẽ được tuyên dương là ‘đệ nhất về thắng trí sắc bén’ trong giáo pháp của đức Đạo Sư ấy!”

Đúng như đức Đại Giác tuyên bố. Sau kiếp sống ấy, ta không còn rơi vào bốn khổ cảnh mà cũng không còn rơi vào cõi người tầm thường hay đói khổ nữa. Các cảnh giới chư thiên, ta thường được làm hoàng hậu của vị thiên vương ở đấy. Nó kế tiếp nhau. Ban đầu, ta hóa sanh lên cõi trời Đao Lợi, sau đó là Đẩu Suất, rồi Dạ Ma, rồi Hóa Lạc Thiên, rồi Tha Hóa Tự Tại. Khi sinh xuống cõi người thì ta thường được làm hoàng hậu của các vị quốc vương danh vọng lớn và quyền lực lớn.

Nhờ nhân duyên gieo trồng nhiều phước báu, ta lại gặp được đức Chánh Đẳng Giác khác nữa, đó là đức Thế Tôn Kassapa! Thuở ấy ta lại là một vị công chúa con đức vua Kikī, kinh thành Bārāṇasī, quốc độ Kāsi; và phụ vương ta lại là đại thí chủ của đức Phật cùng tỳ-khưu tăng ni đại chúng mấy chục ngàn vị.

Ồ! Thật là lạ lùng! Dầu là bèo dạt hoa trôi trong những dòng sông sinh tử các cõi, nhưng rồi cũng có nhân duyên hội ngộ một cách rất lạ lùng, kỳ diệu. Ta muốn nhắc đến những chị em của ta. Số là ta có bảy chị em. Tuần tự từ công chúa trưởng đến công chúa út là Samanī, Samaṇaguttā, Bhikkhunī, Bhikkhudāyikā, Dhammā, Sudhammā và Saṅghadāyikā. Trong đó ta là thứ tư, tên là Bhikkhudāyikā! Phụ vương ta là một đệ tử thuần thành của Tam Bảo nên đặt tên cho chị em ta thật là “kỳ cục” mà cũng thật huyền diệu. Tại sao vậy? Con gái sao lại không lấy sen, lấy sāla, lấy lài, lấy chiên đàn, lấy sắc, lấy hương hoặc lấy những đức tính dịu hiền của nữ tính mà đặt tên? Ngẫm ngữ nghĩa mà xem. Tuần tự tên gọi từ đầu đến cuối, có nghĩa là: Nữ sa-môn, Gìn giữ sa-môn (hạnh), Tỳ-khưu-ni, Nữ thí chủ (của) tỳ-khưu, Pháp, Thiện pháp và cuối cùng là Nữ thí chủ (của) Tăng-già!

Điều lạ lùng khác nữa là cả bảy chị em ta đều có đức tin vững chắc, đều nung nóng ý chí thiêng liêng muốn sống đời phạm hạnh; nhưng xin xuất gia thì phụ vương ta không cho, cương quyết không cho. Có lẽ phụ vương không có một mụn hoàng tử nào!? Có lẽ tên những người con gái là đã đầy đủ sa-môn, nữ sa-môn, giữ gìn hạnh sa-môn, nữ thí chủ, pháp, thiện pháp, hộ độ tăng-già ở trong cung điện rồi chăng!? Không sống đời xuất gia phạm hạnh được thì chị em chúng ta cũng cương quyết sống đời phạm hạnh tại gia, suốt đời thọ trì bát quan trai giới, bố thí, cúng dường, nghe pháp, học pháp và tu tập. Như vậy là suốt hai ngàn năm, chị em chúng ta đã sống độc thân, chỉ biết có việc kiến thiết, xây dựng cốc liêu cùng hộ độ đức Phật và tăng chúng mà thôi!

Sau kiếp sống ấy, cả bảy chị em chúng ta đều hóa sanh lên cõi trời Tusita(1). Hưởng hết phước báu của cõi trời, chị em chúng ta sinh xuống châu Diêm-phù-đề và thai sinh rải rác trong các quốc độ, hiện đều đang có mặt ở đây. Và dường như ai cũng tương đối mỹ toàn về sắc đẹp nhưng phước báu vật chất thì có khác nhau do biệt nghiệp của từng người. Hiện tại, kẻ trước người sau đều thành tựu viên mãn ước nguyện xưa cũ cả. Rồi ai cũng được trả lại phẩm vị đúng như hạnh nguyện của mình.

Xem nào! Đệ nhất công chúa Samanī (Nữ sa-môn) thuở xưa, bây giờ đã là nữ Thinh Văn Khemā, đệ nhất trí tuệ trong hàng ni chúng. Đệ nhị công chúa Samaṇaguttā (Gìn giữ sa-môn hạnh) thuở xưa, bây giờ đã là nữ Thinh Văn Uppavaṇṇā, đệ nhất thần thông trong hàng Ni chúng. Đệ tam công chúa Bhikkhunī (Tỳ-khưu-ni) thuở xưa, rồi sẽ trở thành nữ Thinh Văn Paṭācārā đệ nhất về trì luật. Đệ tứ công chúa Bhikkhudāyikā (Nữ thí chủ của tỳ-khưu) thuở xưa, bây giờ là ta đây, là nữ Thinh Văn Bhaddā-Kuṇḍalakesā, đệ nhất về thắng trí nhạy bén. Đệ ngũ công chúa Dhammā (Pháp) thuở xưa, rồi sẽ trở thành nữ Thinh Văn Kisā-Gotamī, đệ nhất về hạnh mặc y thô tháo. Đệ lục công chúa Sudhammā (Thiện pháp) thuở xưa, kiếp này đã là nữ Thinh Văn Dhammadinnā, đệ nhất về thuyết pháp. Đệ thất công chúa Saṅghadāyikā (Nữ thí chủ của tăng-già) thuở xưa, đời này đã trở thành vị đại thí chủ Visākhā đúng y chang là vậy!

Ôi! Nhiệm mầu thay là sự sắp đặt của nhân, duyên, quả và báo; và cũng nhiệm mầu thay khi bụi bặm phiền não không còn nữa! Khung trời giải thoát thật là xa rộng không thấy mé bờ!”

Sáng ngày hôm sau, tỳ-khưu-ni Bhaddā-Kuṇḍalakesā tìm đến đảnh lễ đức Phật với một cảm xúc siêu thoát, như là một người con gái tri ân vị cha lành siêu thế.

Đức Thế Tôn biết chuyện gì xảy ra nên ngài mỉm nụ cười của pháp rồi đọc lên một bài kệ dị giản chỉ để mọi người nhắm đến cái thực mà tu tập:

“- Dẫu cho ngôn ngữ trăm ngàn

Nói lời vô ích chỉ bàn suông thôi

Tốt hơn, ít chữ, ít lời

Nghe xong tịnh lạc, sống đời vô ưu!”(1)

Tỳ-khưu-ni Bhaddā-Kuṇḍalakesā không biết nói gì, chỉ xác nhận một sự thật mà đức Phật đã giáo giới:

- Đệ tử cảm nghiệm rất rõ về điều đó, bạch đức Thế Tôn! Đệ tử đã được sinh ra trong giáo pháp vô tỷ!

Và khi đến đảnh lễ dưới chân tôn giả Sāriputta thì nàng xiết bao cảm kích, nói rằng:

- Nếu hôm ấy, đệ tử biết được trên đời có một giáo hội minh triết với những con người minh triết như thế này thì đệ tử sẽ không dám đặt ra một câu hỏi nào cả!

Tôn giả Sāriputta mỉm cười:

- Này Bhadda-Kuṇḍalakesā! “Cái một bất tử” ấy là gì nào?

Vị tân thánh ni lặng lẽ mỉm cười.

Tôn giả lại hỏi vui:

- Nó trụ chăng?

- Thưa, không phải!

- Nó trôi chăng?

- Thưa, không phải!

- Nó vừa trụ vừa trôi chăng?

- Thưa, không phải!

- Nó không trụ, không trôi chăng?

- Thưa, không phải! Bốn phạm trù tứ cú ấy đều chẳng nhằm!

- Cảm ơn Bhadda-Kuṇḍalakesā! Cô chắc chắn sẽ trở thành là một bậc thiện thuyết trong ni chúng!

Và đúng là như vậy! Không những thắng trí sắc bén mà còn ngôn ngữ biện tài, tỳ-khưu-ni Bhaddā-Kuṇḍalakesā đã làm cho Ni giới nổi tiếng, sáng rỡ trong suốt năm mươi năm tại thế, khi gót chân của nàng lang thang từ Aṅga, qua Māgadha, Vajjī, Kāsi và Kosala... để giáo hóa quần sanh...



(1)Chú giải Trưởng lão Ni kệ nói rằng, Sattuka vốn là con trai của quan thừa tướng đương triều, kinh thành Vương Xá, mang tật trộm cắp từ nhỏ, chịu không nổi, người cha đành phải đuổi đi.

(2)Dhp-a II 219 nói chỗ ấy có tên Coro-papāta (Vực thẳm trộm cướp).

(1)Thoát ý từ câu kệ Pāḷi: “Na hi sabbesu ṭhānesu puriso hoti paṇḍito, itthīpi paṇḍitā hoti tattha tattha vicakkhaṇā” “Na hi sabbesu ṭhānesu puriso hoti paṇḍito, itthīpi hoti lahuṃ atthavicintakā!”

(1)Theo Dictionary of Pāḷi Proper Names hoặc Dhp-a II, 225.

(2)Theo Dhp-a II, 223.

(1)Một pháp là vật thực. Tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường đều tồn tại nhờ vật thực. Giải thích thêm: Vật thực cõi dục giới là vật chất, thô hay tế. Vật thực cõi sắc giới, vô sắc giới là hỷ, lạc, xả, nhất tâm.

(2)Là Nibbāna.

(1)Theo Dhp-a II,225 thì tôn giả Sāriputta gởi nàng đến xuất gia tại Ni viện.

(2)Kệ Pāḷi: “So me dhammamadesesi khandhāyatanadhātuyo, asubhānicca dukhāti anatā’ti nāyako”.

(3)Đức Phật chỉ gọi tên cũ của nàng là Bhaddā; nhưng bhaddā cũng có nghĩa là một cô gái hiền lành, hạnh kiểm tốt - nên đôi nơi dịch là: “ Này cô gái hiền thục, hãy đến đây!” cũng được. Tuy nhiên, xin lưu ý cho: “Ehi Bhadde” hoàn toàn khác với “Ehi Bhikkhunī, Ehi Bhikkhave!” chỉ để dành cho các vị trưởng lão!

(1)Cung trời Đẩu Suất là theo chú giải, còn trong Trưởng lão Ni kệ thì bảo là cung trời Đao Lợi.

(1)Pháp cú 100: “Sahassaṃ api ce vācā anatthapadasaṃhitā; ekaṃ gāthāpadaṃ seyyo yaṃ sutvā upasammati”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/07/2012(Xem: 9351)
Với Đức Phật, vì tình thương vô hạn đối với chúng sanh nên Ngài đã hy sinh tất cả để tìm cầu Thánh đạo. Sau khi đã ngộ đạo, Ngài lại chuyển vận bánh xe pháp...
25/07/2012(Xem: 8732)
Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu Kỳ 24 được tổ chức vào ngày 26.07 đến ngày 05.08.2012... HT Thích Minh Tâm
25/07/2012(Xem: 9529)
Không phải chúng ta hành thiền để được người khác mến phục, kính nể nhưng để đóng góp vào sự bình an của thế giới. Chúng ta làm theo những lời dạy của Ðức Phật...
25/07/2012(Xem: 7089)
1-Chúng ta hãy đem yêu thương vào nơi oán thù để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. 2-Chúng ta hãy đem tha thứ vào nơi lăng nhục để mọi oan khiên được dứt sạch theo thời gian. 3-Chúng ta đem tình thương vào nơi tranh chấp để hóa giải mọi xung đột hiềm khích phải quấy, tốt xấu, đúng sai trở thành hòa hợp. 4-Chúng ta đem ánh sánh chân lý trí tuệ từ bi vào nơi tăm tối u mê, lầm lỗi để chuyển hóa thành trong sáng hiện thực. 5-Chúng ta đem an ủi sẻ chia giúp đỡ vào nơi không có tình yêu thương chân thật để được bao dung và độ lượng. 6-Khi chúng ta biết tha thứ mọi lỗi lầm của người khác, tự nghiêm khắc với chính mình và ta chịu thiệt thòi một chút thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
24/07/2012(Xem: 11559)
Trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi điểm qua nhiều chủ đề trong tiến trình thảo luận của chúng tôi, vẫn còn một vấn đề đơn độc được đan kết lại suốt tất cả những thảo luận của chúng tôi, câu hỏi của việc làm thế nào tìm thấy hạnh phúc trong thế giới phiền não của chúng ta. Vì vậy, trong việc nhìn vào những nhân tố đa dạng ngầm phá hạnh phúc nhân loại suốt chiều dài của lịch sử, những nhân tố đã tạo nên khổ đau và khốn cùng trong một mức độ rộng lớn, không nghi ngờ gì nữa, chính là bạo động ở trong những nhân tố chủ yếu.
23/07/2012(Xem: 7057)
Mùa An Cư Kiết Hạ năm nay được tổ chức tại Chùa Bát Nhã - Văn Phòng Của GHPGVNTNHK, Hòa Thượng Thích Nguyên Trí phát tâm bảo trợ. Cũng như những năm trước, đông đảo Chư Tôn Đức Tăng Ni vân tập về trường hạ An Cư tạo thành quang cảnh nhộn nhịp như đàn chim khắp bốn phương bay về tổ ấm. Người mang xách, kẻ kéo vali quay quần bên nhau thăm hỏi, vui mừng như ngày hội. Từ Ôn Thiền Chủ, Ban Chức Sự trường hạ cho đến quí Thầy Cô, Sa Di khu ô đuổi quạ, đều hiện rõ nét mặt vui tươi, hân hoan, chào đón bằng ánh mắt niềm nở, nụ cười tự nhiên, thanh thản. Nhiều chiếc xe đổ người trước cổng tam quan, ai cũng nhìn thấy câu biển ngữ nền vàng chữ đỏ...
22/07/2012(Xem: 6299)
1-Người Phật tử chân chính luôn cung kính tưởng nhớ Phật, luôn thương yêu kính mến ông bà cha mẹ, vui vẻ thuận thảo với anh chị em và hay giúp người cứu vật. 2-Khi ta oán giận một ai đó, giống như mình đang ghim từng mũi kim vào thân này. Hãy học cách khoang dung và độ lượng để tâm ta được an tịnh trong từng phút giây.
20/07/2012(Xem: 11753)
Đức Phật dạy Bốn Thánh Đế này cho chúng ta để đắc chứng Niết-bàn, Thánh Đế Thứ Ba, chấm dứt hoàn toàn tái sanh và do đó cũng chấm dứt luôn Khổ.
13/07/2012(Xem: 9087)
TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU TRÊN CON ĐƯỜNG giải thoát và giác ngộ, chúng ta cần gặp một vị đạo sư chân chính đầy đủ phẩm chất. Để tìm thấy một người như vậy, đầu tiên ta cần hiểu các đặc điểm tiêu biểu của một con người như vậy. Khi chúng ta đến trường, chúng ta cần một người giáo viên tốt.
10/07/2012(Xem: 14918)
Đời vốn vô thường, nhân duyên nghiệp báo Hãy cùng nhau nương náo trọn kiếp người...Quảng Chánh
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]