Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

39. Với Chàng Thanh Niên Nô Lệ

15/03/201406:19(Xem: 29428)
39. Với Chàng Thanh Niên Nô Lệ
Mot cuoc doi bia 02

Với Chàng Thanh Niên Nô L





Sau mấy ngày đức vua Pāsenadi (Ba-tư-nặc) quy giáo đức Phật; và sau câu chuyện mười sáu giấc mộng của đức vua đã được hai vị đại đệ tử thay nhau giải đoán thì các quan đại thần, quý tộc, danh gia và khá đông thành phần trí thức trong xã hội tìm đến Jetavana để tìm hiểu môn giáo pháp lạ lùng này! Một mình, đức Phật không thể tiếp kiến hết được, hai vị đại đệ tử phải thay nhau để trả lời nhiều câu hỏi phức tạp rồi dẫn dắt họ có cái thấy biết đúng đắn. Các vị thượng thủ trưởng lão khác cũng bận bịu cho việc xuất gia từ lớp này đến lớp khác, căn cứ theo các điều kiện được thọ đại giới đã được chế định tại Trúc Lâm.

Thấy tình hình Jetavana như vậy là tạm ổn. Hôm kia, đức Phật thông báo là ngài phải rời Sāvatthi để đi về phương nam, chỉ chừng một trăm vị tỳ khưu tháp tùng, trong đó có tôn giả Sāriputta, Ānanda và thị giả Upavāna. Tôn giả Mahā Moggallāna và các vị trưởng lão khác tùy nghi phân bố đi hành hóa các phương.

Phía nam Sāvatthi, xa về phía ngoại ô, trong xóm nhà tồi tàn ổ chuột của cư dân nô lệ chiên-đà-la – có gia đình người thanh niên làm nghề hốt phân, nạo vét mương cống bẩn thỉu. Chàng tên là Sunīta. Tuy là tầng lớp tiện dân dưới đáy xã hội nhưng chàng là một con người tốt, sống đời lương thiện. Cha mẹ mất sớm, gia tài để lại là một chòi tre rách nát, vài dụng cụ bằng sắt, vài đòn gánh, triên gióng cùng năm bảy cái ghè lớn nhỏ để đựng phân, tải phân, đội phân khi có công việc. Phía đầu làng, gần con lộ chính là những gia đình lao động chân tay với đủ mọi thứ nghề nghiệp trong xã hội. Họ có đẳng cấp cao hơn Sunīta. Lúc có công trình, chính giai cấp này cung cấp việc làm cho giới nô lệ. Mỗi nghề như vậy được quần tụ lại một nơi, trở thành một phường hay một làng. Cho nên có phường chuyên nghề xây dựng, chuyên nghề mộc, phường chuyên nghề đóng xe, nghề ráp cửa, nghề khắc gỗ; làng nghề đúc kim khí, làng nghề làm dụng cụ lao động các loại, làng nghề gốm; nghề làm vòng hoa, nghề giết súc vật, thợ may, thợ nhuộm... Họ thuộc giai cấp thủ-đà-la, có cả nghiệp đoàn thầy thợ, phân ra các nghề nghiệp khác nhau, rất có tổ chức. Từ khi đức vua Pāsenadi cưới cô con gái người làm tràng hoa phong làm hoàng hậu thì giai cấp này đặc biệt được xã hội tôn trọng, vị nể. Vả chăng, mọi công trình xây dựng và kiến thiết từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc đều ở trong tay của họ. Nhân công lao động cũng chỉ có được ở nguồn này. Khi có nhiều công việc xem ra quá nặng nề hoặc hôi hám bẩn thỉu thì giai cấp thủ-đà-la kêu gọi lớp tiện dân nô lệ đến làm việc với tiền công rẻ mạt chỉ đủ ăn vừa bụng một người. Do vậy, tiện dân chiên-đà-la không có khả năng sửa sang nhà cửa, tiện nghi sinh sống cũng như cải thiện chuyện ăn, ở, mặc...

Sunīta nghe tin về đức Phật và giáo hội tăng đoàn đã lâu; và cũng đã nhiều lần, chàng đứng núp sau các lùm cây nhìn những vị sa-môn y áo vàng rực, thanh thản trên các ngả đường. Ai trông cũng dịu hiền và dễ mến. Nhưng chàng chưa bao giờ dám đến gần dù năm bảy cái đòn gánh. Sáng nay cũng vậy, vừa đội một ghè phân băng qua con lộ để xuống một bờ ruộng thì Sunīta trông thấy một đoàn sa-môn y vàng. Không biết tránh đi đâu, hoảng loạn, sợ hãi quá, chàng vội lặn “ùm” xuống một mương nước, lấy rong bèo phủ trùm lên đầu... Qua kẽ hở của những lá bèo, Sunīta trông thấy một vị sa-môn tướng hảo sáng ngời như một vị đại phạm thiên, từ đường lớn, bước gần lại bên bờ nước, cách chỗ chàng chừng hai đòn gánh thì dừng lại...

- Này Sunīta, con trốn đi đâu? Như Lai muốn nói chuyện với con mà!

Sunīta tưởng tai mình nghe lầm! Không! Đúng rồi, vị ấy đang nói chuyện với mình! Ôi! Cái giọng nói dịu dàng như giọng nói của người mẹ hiền! Nhưng chàng cứ im thin thít, không dám đáp, không dám trả lời.

- Không sao đâu con, Sunīta! Như Lai biết tên của con đấy! Như Lai còn biết rất nhiều kiếp trước của con nữa! Con là một người rất tốt bụng, rất lương thiện! Đừng ngại ngùng gì nữa, hãy lên đây để nói chuyện với Như Lai!

Lúc đức Phật bước tới bờ nước để hỏi chuyện chàng nô lệ đội phân thì tôn giả Sāriputta, Ānanda và thị giả Upavāna đồng bước lại. Hội chúng tỳ-khưu tăng cũng dừng lại, vây quanh lớp xa, lớp gần. Thế rồi, dân chúng quanh vùng, hai bên đường làng, nghe thấy chuyện lạ cũng ùn ùn đổ đến...

Nghe giọng nói dịu dàng, hiền từ của đức Phật đến lần thứ ba, Sunīta mới dám nói:

- Bạch ngài sa-môn! Thân thể con hôi hám, áo quần con dơ dáy; con lại thuộc vào giai cấp hạ tiện nữa nên con sợ ô uế đến ngài. Thật con không dám bước lên đâu!

Đức Phật mỉm cười, cất giọng phạm âm cho ai ở xa cũng có thể nghe được:

- Ừ! Sunīta! Đúng là thân thể con hôi hám, áo quần con dơ dáy, con lại thuộc giai cấp hạ tiện – nhưng con không thể nào làm cho ô uế đến Như Lai và giáo đoàn thanh tịnh của Như Lai được đâu mà sợ! Trái lại là khác nữa, này Sunīta!

Ngưng một chút, đức Phật tiếp:

- Con lại muốn hỏi tại sao mà con không dám hỏi chớ gì? Ừ, Như Lai sẽ nói đây, Như Lai sẽ giải thích vì sao! Vì đối với Như Lai và đệ tử của Như Lai thì ô uế bên ngoài không quan trọng bằng ô uế bên trong. Cái ô uế bên trong mới đáng sợ, mới đáng xa lánh, mới đáng nhờm gớm! Này Sunīta! Ai sống với tâm địa độc ác, bạo tàn, hung dữ, giết người giết vật là ô uế! Ai sống với tâm địa xan tham, xảo quyệt, trộm cắp, lường gạt của người là ô uế! Ai sống với tâm tà vạy, tà hạnh, bất chánh là ô uế! Ai sống mà nói dối, nói láo, nói thêu dệt, nói lời ác độc, nói hai lưỡi mới là ô uế! Nói ngắn gọn, cái gốc của mọi ô uế trên đời này là bởi tham lam, sân hận và si mê, này Sunīta!

Chàng thanh niên nô lệ nghe như uống từng lời, từng chữ vào lòng. Cả đời, chàng chưa bao giờ được nghe những điều như thế. Tâm trí chàng như được mở ra. Cánh cửa giai cấp và truyền thống đã đóng chặt kiếp bần cùng nộ lệ của chàng, dường như chưa có một ánh sáng mặt trời nào len vào đấy được!

- Này Sunīta! Giọng của đức Phật dịu dàng rót vào tai chàng – Con đội phân nhưng con đâu có giết người, giết vật? Con đội phân nhưng con đâu có lường gạt trộm cắp của ai? Con đội phân nhưng con đâu có tà vạy, tà hạnh và bất chánh? Con đội phân nhưng con đâu có dối láo ngôn lời, ác khẩu với một ai? Như thế, chứng tỏ rằng, trong con có mầm giống thanh tịnh; nếu mầm giống ấy biết bón phân, tưới nước, biết cách chăm sóc thì mai sau nó sẽ phát triển trở thành một con người tốt đẹp, hiền thiện xiết bao, này Sunīta!

Cho đến lúc này, Sunīta mới mạnh dạn mở lời:

- Bạch ngài sa-môn! Vậy thì con chưa đến nổi ô uế! Là giai cấp tiện dân nhưng con chưa dám có những tâm địa ô uế như thế! Con cũng muốn tốt đẹp và hiền thiện vì cái mầm giống ấy ở trong con cũng có tí chút; nhưng bón phân là thế nào, tưới nước là thế nào, chăm sóc là thế nào, quả thật con chưa hiểu!

- Muốn bón phân, tưới nước, chăm sóc cái mầm giống tốt đẹp có hiệu quả thì con phải sống đời sa-môn khất sĩ như Như Lai và như hội chúng sa-môn của Như Lai đứng xung quanh đây! Con có muốn như thế không, Sunīta?

- Con có ước mơ cũng không thể được! Ai mà cho kẻ khốn nạn như con xuất gia, sống đời sa-môn khất sĩ khi con là kẻ ở cuối cùng, tận đáy của mọi giai cấp?

- Như Lai sẽ cho con xuất gia. Như Lai sẽ hoan hỷ đón nhận con. Tại sao vậy? Vì giáo hội của Như Lai không có giai cấp, không phân biệt giai cấp! Giáo hội của Như Lai là giáo hội bình đẳng cho tất thảy mọi hạng người trong xã hội. Hãy nghe đây! Sunīta! Mỗi một con sông đều có tên. Trăm con sông đều có trăm tên gọi khác nhau. Nhưng khi trăm con sông ấy về biển cả rồi thì chúng hòa trộn với nhau, trở thành biển lớn, tên của trăm con sông sẽ không còn nữa. Giáo hội của Như Lai cũng tương tợ vậy. Những sa-môn khất sĩ, hằng ngàn sa-môn khất sĩ, có người xuất thân thái tử, hoàng tử, vương tử, bà-la-môn gia chủ, tướng lãnh, tổng trấn, quý tộc, danh gia, triệu phú, thương gia, thợ thuyền... nhưng khi về sống trong giáo hội thanh tịnh rồi... thì các giai cấp kia không còn tồn tại, không ai gọi tên nữa – mà chỉ đơn giản là một sa-môn sống đời vô sản, bần hàn, thiểu dục, tri túc... để tu tập, để bón phân, để tưới nước, để chăm sóc cho cái mầm giống hiền thiện, này Sunīta! Không có giai cấp khi máu ai cũng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt ai cũng mặn như nhau, này Sunīta!

Sunīta phủi đám rong bèo trên đầu, bụm hai tay lên đầu, vái lia lịa:

- Con hiểu, bạch ngài sa-môn! Mắt con đã sáng ra, đã có một ngọn đèn! Trí con cũng sáng ra, ở đó cũng có một ngọn đèn! Con thật là hạnh phúc, được sống cuộc đời mới, làm một hạt bụi đi theo gót chân trần của ngài!

Đức Phật mỉm cười. Các vị tôn giả và hội chúng tỳ-khưu cũng mỉm cười! Ôi! Là những nụ cười thanh lặng và siêu thoát! Dân chúng xung quanh thì hò reo sung sướng khi thấy đức Phật nắm tay chàng nô lệ kéo ra khỏi mương nước. Tôn giả Sāriputta và thị giả Upavāna trao bình bát cho người bên cạnh rồi bước nhanh lại. Cả hai vị giúp chàng thanh niên tắm rửa cho sạch sẽ. Tôn giả Ānanda định lấy chiếc y hai lớp của mình quàng cho Sunīta nhưng bên kia đường, một người thanh niên thủ-đà-la đội y và bát bước lại, gập đầu xuống:

- Bạch đức Thế Tôn! Con hay đến Kỳ Viên nghe pháp! Y và bát này là của con, con đã tự sắm sửa khi nào đủ duyên sẽ xuất gia. Nhưng hôm nay, con xúc động và sung sướng quá khi thấy đức Thế Tôn đã xóa bỏ giai cấp, nhận vào giáo hội thanh tịnh một thanh niên nô lệ. Sunīta là một người bạn tốt, làm việc gì cũng chu đáo, đàng hoàng; là niềm tin của tất cả thầy thợ chúng con. Con rất mừng cho Sunīta. Vậy y và bát này con tình nguyện dâng cúng để đức Thế Tôn làm lễ xuất gia cho Sunīta.

Đức Phật gật đầu chấp thuận và mỉm cười trong tâm vì cái duyên như thế này ngài cũng đã biết rồi. Sau khi Sunīta được cạo đầu, mặc y, mang bát thì tướng mạo sa-môn hiện ra, không còn tìm thấy đâu là hình bóng người thanh niên nô lệ nữa.

Đức Phật làm lễ xuất gia ngay cho Sunīta bên vệ đường trước sự chứng kiến của dân chúng địa phương và cả khách bộ hành, người đi ngựa, kiệu phương xa đủ mọi giai cấp trong xã hội dừng chân lại, tò mò, chỉ trỏ, luận bàn!

Sau đấy, tôn giả Sāriputta dẫn Sunīta trở lại Kỳ Viên tịnh xá để bàn giao vị tân tỳ-khưu cho các trưởng lão giáo giới, còn ngài sẽ bộ hành theo sau.

Thế là không mấy chốc, tin này được loan truyền ra, chấn động cả kinh thành Sāvatthi. Chuyện cũng đến tai đức vua Pāsenadi. Triều thần có người phản ứng, chống đối ra mặt; có người mỉm cười, có người im lặng.

Riêng đức vua thì nói với hoàng hậu Mallikā rằng:

- Hậu là giai cấp thủ-đà-la! Thuở trước, trẫm phong hậu làm chánh cung, dư luận nhân gian cũng ồn ào như vậy đấy. Trẫm đã cách mạng phá bỏ giai cấp từ độ ấy! Tuy rất âm thầm! Còn đức Tôn Sư, trẫm mang máng hiểu ngài cũng muốn phá bỏ giai cấp kể từ khi hóa độ kỹ nữ Ambapālī! Ngài lại rất công khai, đường đường chính chính; nhất là cho anh chàng nô lệ xuất gia ngay bên vệ đường, trước mắt bàn dân thiên hạ! Đáng phục! Thật đáng khâm phục!

Hoàng hậu Mallikā dè dặt nói:

- Có người, nhất là các giới cấp bà-la-môn, sát-đế-lỵ, các nhà giáo dục sẽ cho rằng đức Phật đã đảo lộn trật tự xã hội, không tôn trọng quy củ, truyền thống đạo lý từ ngàn xưa của cha ông, tâu bệ hạ!

Đức vua Pāsenadi cười rõ to rồi nói:

- Đạo lý à? Đạo lý à? Lấy bình phong đạo lý à? Con người lành tốt, hiền thiện mới là đạo lý đích thực, hậu à! Trẫm không đồng ý cái cách duy trì truyền thống ấy là đạo lý đâu! Cái đạo lý ấy là đạo lý hình thức, là cái đạo lý “rởm”, hậu à! Chính kiến của đức vua tối cao trong cuộc đàm đạo với hoàng hậu Mallikā, sau đó đến tai triều thần rồi không mấy chốc, lan khắp kinh thành. Thế là chỉ năm bảy ngày sau, dư luận im bặt!


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/12/2017(Xem: 8247)
Nhân tai là tai nạn do con người sống với nhau, đối xử với nhau bằng chất liệu tham, sân, si, kiêu mạn đem lại. Khi tai nạn đã xảy đến với mỗi chúng ta có nhiều trường hợp khác nhau, nhưng trường hợp nào đi nữa, thì khi tai nạn đã xảy ra, nó không phân biệt là giàu hay nghèo, sang hay hèn, trí thức hay bình dân, quyền quý hay dân dã và mỗi khi tai nạn đã xảy ra đến bất cứ ai, bất cứ lúc nào, thì đối với hai điều mà chúng ta cần lưu ý, đó là hên và xui, may và rủi. Hên hay may, thì tai nạn xảy ra ít; xui và rủi thì tai nạn xảy ra nhiều và có khi dồn dập. Vì vậy, món quà của GHPGVNTN Âu Châu do chư Tôn đức, Tăng Ni cũng như Phật tử trực thuộc Giáo hội tự mình chia sẻ, tự mình vận động và đã ủy cử T.T Thích Thông Trí – Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên của Giáo hội trực tiếp về đây để thăm viếng, chia sẻ với bà con chúng ta, trong hoàn cảnh xui xẻo này.
16/12/2017(Xem: 10329)
Lý Duyên Khởi gốc từ tiếng Pàli là "Paticca Samuppàda Dhamma", dịch là "tuỳ thuộc phát sinh, nương theo các duyên mà sinh". Tiếng Anh dịch là Dependent origination. Lý là nguyên lý hay định lý. Duyên là điều kiện. Lý Duyên Khởi có nghĩa là: "Tất cả những hiện tượng thế gian khởi lên là do nhiều điều kiện hay nhiều nhân nhiều duyên mà được thành lập." hay nói ngắn gọn: "Lý Duyên Khởi là từ điều kiện này khởi ra cái khác".
16/12/2017(Xem: 7836)
Viện nghiên cứu Y khoa và sức khỏe (INSERM) của chính phủ Pháp vừa công bố các kết quả thật khích lệ về các hiệu ứng tích cực của phép luyện tập thiền định của Phật giáo đối với việc ngăn ngừa bệnh kém trí nhớ Alzheimer và làm giảm bớt quá trình lão hóa của não bộ những người lớn tuổi. Hầu hết các nhật báo và tạp chí cùng các tập san khoa học tại Pháp và trên thế giới đồng loạt đưa tin này. Dưới đây là phần chuyển ngữ một trong các bản tin trên đây đăng trong tạp chí Le Point của Pháp ngày 07/12/2017. Độc giả có thể xem bản gốc trên trang mạng:
16/12/2017(Xem: 8421)
Bài viết này để nói thêm một số ý trong Bát Nhã Tâm Kinh, cũng có thể xem như nối tiếp bài “Suy Nghĩ Từ Bát Nhã Tâm Kinh” (1), nhưng cũng có thể đọc như độc lập, vì phần lớn sẽ dựa vào đối chiếu với một số Kinh Tạng Pali. Bài viết cũng không có ý tranh luận với bất kỳ quan điểm nào khác, chỉ thuần túy muốn đưa ra một số cách nhìn thiết yếu cho việc tu học và thiền tập. Bài Bát Nhã Tâm Kinh từ nhiều thế kỷ được đưa vào Kinh Nhật Tụng Bắc Tông chủ yếu là để cho mọi thành phần, kể cả bậc đại trí thức và người kém chữ, biết lối thể nhập vào Bản Tâm (nói theo Thiền) hay vào Tánh Không (nói theo Trung Quán Luận). Nghĩa là, để văn, để tư và để tu. Không để tranh biện kiểu thế trí. Bài này cũng sẽ nhìn theo cách truyền thống của Phật Giáo Việt Nam.
06/12/2017(Xem: 11273)
Dưới đây là một bài giảng ngắn của Lạt-ma Denys Rinpoché, một nhà sư người Pháp. Ông sinh năm 1949, tu tập theo Phật giáo Tây Tạng từ lúc còn trẻ, vị Thầy chính thức của ông là nhà sư nổi tiếng Kalu Rinpoché (1905-1989), ngoài ra ông còn được thụ giáo thêm với rất nhiều vị Thầy lỗi lạc khác như Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, Dudjom Rinpoché, Kangyr Rinpoché, Pawo Rinpoché X, Dilgo Khyentsé Rinpoché, Karmapa XVI, v.v. Hiện ông trụ trì một ngôi chùa Tây Tạng tại Pháp và cũng là chủ tịch danh dự của Tổng hội Phật giáo Âu Châu.
06/12/2017(Xem: 7930)
Được sự thương tưởng của quí vị thiện hữu, chúng tôi vừa thực hiện xong một số giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận khu vực Bồ Đề Đạo Tràng & Nalanda tiểu bang Bihar India. Đây là Public Well Hand-pump nên cả làng có thể xài chung, bớt đi rất nhiều nỗi nhọc nhằn trong mùa hạ vì phải đi lấy nước ngoài sông xa. Kính mời quí vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.
04/12/2017(Xem: 8763)
Khóa tu sẽ được diễn ra trong 2 ngày 06-07/01/2018 (Thứ Bảy – Chủ Nhật) do CLB Nhân Sinh tổ chức cùng với các đơn vị tham gia đồng hành với dự kiến sẽ có hơn 500 bạn trẻ, sinh viên, học sinh…tham dự tại Bảo Lộc – Đà Lạt – Lâm Đồng.
04/12/2017(Xem: 8750)
Kính chia sẻ cùng chư Tôn Đức, chư pháp lữ, và quí thiện hữu một số hình ảnh trong mùa TIPITAKA (Đại Tạng Kinh PaLi) khai hội tại Bồ Đề Đạo Tràng. Gồm có các nước Phật Giáo tham gia trùng tụng Đại Tạng như : Nepal, Sri-Lanka, Lao, Campuchia, ThaiLand, Myanmar, Việt Nam, Bangladesh, India, International... Chương trình được khai mạc trang trọng vào ngày 2 Dec, và cho đến ngày 12 Dec- 2017 là bế mạc.
03/12/2017(Xem: 6321)
Lời nói đầu tiên, chúng tôi xin được tri ân thầy Thông Giới trụ trì chùa Địa Tạng, đã từ bi hỗ trợ và tạo mọi điều kiện dễ dàng cho việc hoằng pháp của chúng tôi tại ngôi chùa Địa Tạng trang nghiêm này. Sau đó, cám ơn những lời giới thiệu ưu ái của thầy dành cho "Hội Thiền Tánh Không" cũng như cho bản thân chúng tôi.
03/12/2017(Xem: 6950)
Mỗi năm có ba ngày Rằm lớn: Rằm tháng Giêng còn gọi là Rằm Thượng nguyên (Thượng ngươn); - Rằm tháng Bảy còn gọi là Rằm Trung nguyên (Trung ngươn); và Rằm tháng Mười còn gọi là Rằm Hạ nguyên (Hạ ngươn), Tết lúa mới.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]