Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

28. Cuộc Chiến Với A-Tu-La Thiên

14/03/201423:46(Xem: 33513)
28. Cuộc Chiến Với A-Tu-La Thiên
blank
Cuộc Chiến
Với A-Tu-La Thiên

Từ đỉnh Sineru, vua trời Sakka đưa tầm mắt xa rộng nhìn thiên quốc ngọc ngà, châu báu, cao sang, mỹ lệ của mình. Ôi! Nó hiện ra như một giấc mộng tuyệt vời. Ba mươi ba tòa bảo tháp lấp lánh muôn màu, muôn sắc nhô lên giữa vùng mây ngũ sắc huyền hoặc, diệu kỳ.

Và ô kìa! Là thần dân của ngài. Chúng chư thiên nam nữ thấp thoáng, lấp lóa cánh vàng, cánh bạc, cánh hồng, cánh tía... tha thướt xiêm y bay lượn, rong chơi đây đó. Chúng trẻ trung, hồn nhiên, đẹp đẽ và tươi mát như cả một công viên hoa bướm rộn rã trong nắng xuân. Chúng ngây thơ không biết rằng, thiên quốc này vừa xảy ra một cuộc chiến tranh với bọn quỷ A-tu-la thiên. Nhưng may nhờ mưu kế sử dụng “mỹ tửu”, vua trời Sakka đã dẹp xong cuộc chiến tranh ấy.

Ôi! Cái bọn A-tu-la thiên cứng đầu và ngoan cố lắm. Suốt đời chúng chỉ thích đánh nhau, đánh nhau là niềm vui của chúng. Dẫu ta tạm thời đuổi chúng đi rồi, nhưng chắc thiên quốc của ra cũng khó bề yên ổn được vì rượu trời ấy không say được lâu. Tỉnh dậy, chúng không biết là bằng cách nào ta đã quăng chúng xuống dưới biển ấy. Nếu biết, chắc chúng sẽ vô cùng tức giận. Lũ a-tu-la thiên lúc phẫn nộ thì ghê gớm lắm, thần lực của chúng có thể đốt cháy cả cõi trời thanh bình này. Ôi! Nguyện cầu thiên pháp hộ mệnh chúng ta.

Thiên nhạc từ đâu đó dặt dìu, êm dịu vẳng lại cắt đứt dòng suy nghĩ của Đế Thích. Nó lảnh lót, réo rắt tuôn ra những giai điệu làm hoan hỷ và tươi vui lòng người. Khi những khúc nhạc trời vẳng lên thì cả không gian đều như ngưng lắng lại, một làn gió, một đám mây đi qua cũng phải bâng khuâng, xao xuyến. Và ồ! Mùi hương nào đây mà lạ lùng, mà ngất ngây, mà diệu vợi đến thế? Hôm trước, Đế Thích đã ngỡ ngàng bước vào rừng hoa mạn-thù và ngài đã sửng sốt trước vẻ đẹp trẻ trung, yêu kiều và hồn nhiên của các cô tiên nữ. Và mùi hương nào ở đây mà cũng thấm đẫm, sực nức cả hoa viên? Mùi hương kỳ diệu ấy như được tứa ra từ cây cỏ, từ xiêm y, từ những hạt sương lóng lánh trăm màu, từ những hạt bụi phấn li ti, bồng bềnh khói sương, nước mây thiên quốc.

Ôi! Thiên lạc! Dẫu cả trăm lần, vạn lần tưởng tượng cũng không hình dung ra được một phần lạc thú của cảnh giới nầy dành cho những kẻ miệt mài tinh cần với công đức. Phước báu này ta và các bạn của ta xứng đáng được hưởng. Các bà vợ của ta cũng xứng đáng được như vậy.

Trời Đế Thích chợt mỉm cười hài lòng khi thấy sự diệu kỳ của nhân quả.

Phu nhân Sudhammā cúng dường một cái tháp nhọn chạm trổ công phu thì giờ đây, cái cung điện bảo tháp của nàng được trả lại hằng ngàn cái tháp nhọn tầng tầng lớp lớp bằng thất bảo vô song. Phu nhân Sucittā kiến tạo một công viên đẹp đẽ cho mọi người du thưởng thì nàng được trả lại không biết bao nhiêu là công viên sang trọng, xinh xắn, bội phần diễm lệ hơn.

Phu nhân Sunandā dụng tâm làm hồ suối thì bây giờ không biết bao nhiêu là hồ suối tráng lệ, mỹ miều chầu quanh cung điện. Nơi nào cũng bảy báu chói ngời. Nơi nào cũng chim hót, suối reo, hoa nở, trái chín mọng đầy cành. Rồi nào thì hoa sen, hoa súng thù thắng mà mỗi cánh hoa chứa hàng ngàn đóa hoa mà hương sắc thì không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ thế gian. Rồi nào là từng lớp sóng bảy màu lấp lánh những hạt cuội bảy màu. Những lan can, chuông gió, đàn đá, ghế ngồi, nhạc trời... ở đâu cũng gặp, ở đâu cũng tự hiện ra khi muốn dừng chân uống trà, uống rượu...

Thế còn phu nhân Sujātā, giờ ở đâu? Nàng thác sanh vào cõi nào? Than ôi! Vì giới, thí, tuệ của nàng không đồng đẳng, vốn bị khiếm khuyết nên chẳng thể hóa sanh lên đây để thọ hưởng phước báu thiên lạc. Vậy lúc nào thuận duyên, ta sẽ dùng oai lực của một thiên chủ tối cao để tìm kiếm, nhắc nhở nàng tu tập công đức ngõ hầu lai sanh tái ngộ.

Đế Thích ngước mắt lên từ vùng suy tưởng. Một bóng mây lướt nhanh từ phương đông, hiện hình một vị thiên nam trang sức như một chiến sĩ, sáng ngời vũ khí xuất hiện.

- Tâu thiên chủ! Chúng lại đến!

- Ai? Cái gì?

- Thưa, là đội quân của A-tu-la vương, có lẽ chúng lên để phục thù. Hiện chúng như bầy kiến đang từ lưng chừng núi bò lên. Chúng còn xuất hiện ở mặt biển phía Đông, phía Nam, khí thế sôi sục, bừng bừng như vừa uống rượu trời...

- Sao nữa? Bình tĩnh lại! Cứ từ từ mà thuật lại.

- Thưa! Ôi! Lửa, khói, những binh khí có răng cưa, có móc nhọn, có những vòng, những khoen, những trục nằm ngang, nằm giữa... Chúng đang giương cao vũ khí, rầm rộ, khí thế bạt sơn, xẻ núi... Kinh khiếp! Thật kinh khiếp! Xin thiên chủ hãy ban thiên lệnh!

Không lay động như đỉnh Sineru, không lay động như Ba Mươi Ba tòa bảo tháp, Đế Thích nhìn vẻ hốt hoảng của vị thiên nam, là chiến sĩ trưởng của ngài. Ôi! Đấy là dũng lực của một chiến sĩ trưởng ư? Nhưng biết làm sao được, chúng không quen đánh nhau. Chúng chỉ ưa trang điểm hoa hòe, hoa sói đủ loại diêm dúa trên người để du hí với các nàng phấn hồng tiên nữ mà thôi. Chúng chỉ quen hội hè, tiệc tùng, đàn ca, xướng hát. Nay đánh cờ núi tây, mai khiêu vũ biển bắc! Họ đẹp và trẻ trung, thanh xuân của những chàng trai, cô gái mười sáu tuổi, suốt đời không ốm bệnh, già yếu, hay lão suy. Chúng trường xuân miên viễn.

Thế rồi, họ, tiên nam, tiên nữ thường du hành như những đám mây bay về thung lũng bạc, thung lũng xanh, đeo đủ loại trang sức ngọc ngà, vòng hoa và chập chờn như bướm lượn. Hai mươi vạn vị chư thiên nam của ta đều như thế. Và mấy muôn triệu vị tiên nữ của ta cũng đều là như thế. Chúng hóa sanh lên đây là để hưởng phước báu, để vui chơi dục lạc chứ không phải để cầm trượng, cầm đao, cầm kiếm. Chúng sinh ra để ăn mặc, trang sức cho đẹp để rong chơi thỏa thích. Bàn tay của chúng chỉ biết gảy đàn, đánh cờ, ôm nhau khiêu vũ và bưng những ly rượu trời. Bọn A-tu-la sẽ dễ dàng tha thứ cho chúng. Còn tiên nữ thì chúng sẽ bắt làm vợ, làm hầu thiếp, tỳ nữ, làm hoa, làm cảnh, ca vũ nhạc kịch.

A-tu-la vương chỉ thù một mình ta mà thôi. Nó còn muốn thay ta làm thiên chủ, nắm quyền lực tối cao. Nhưng phước báu nào cho nó làm được như vậy? Rõ là tham vọng ngông cuồng. Mà thôi, tự ta sẽ dùng uy lực của mình để thử sức với bọn chúng xem sao rồi từ đó mà trù liệu.

Nghĩ thế xong, Đế Thích chợt mỉm cười vô sự, điềm nhiên khoát tay:

- Các ngươi cứ rong chơi đây đó! Ai đàn cứ đàn, ai hát cứ hát, ai với trò tiêu khiển nào thì cứ tiếp tục. Riêng các thiên hậu, thứ hậu, ngươi hãy hộ tống họ tạm thời lánh cư về mặt biển phương Bắc. Còn tất cả ở đây hãy để ta tự lo liệu.

Khi vị thiên chiến sĩ trưởng đi khuất, Đế Thích thiên chủ bước ra bao lơn, phất tay ra hiệu. Chốc sau, chiếc xe thù thắng Vejayanta(1)xuất hiện cùng vị trời đánh xe. Thế rồi, chiếc xe dài một trăm năm mươi do-tuần, phút giây như mây gió nổi cuồn cuộn, vượt hư không, vượt biển, lao trên những đọt sóng chận đứng được đợt tấn công đầu tiên của A-tu-la vương.

Sau chốc thoáng bị đẩy lùi, bọn A-tu-la lại tiến lên như vũ bão, nổi lửa, xô dạt những làn sóng, ào ạt, hàng hàng lớp lớp bao vây Đế Thích. Vị vua trời như lọt vào giữa trung tâm ruột xoáy của đại dương...

A-tu-la vương mặt đỏ như say rượu, hừng hực lao tới với hai chiếc búa bằng lửa, tung ngang, bổ dọc thật là kinh khiếp. Trời sụp. Biển sụp. Trăm trăm, ngàn ngàn chiến sĩ A-tu-la với khí thế dõng mãnh, chúng vọt qua biển, vọt qua những sườn đồi, tràn lên, tràn lên...

- Sức ta chỉ có thế thôi! Đế Thích thầm nghĩ - Địch làm sao nổi bọn A-tu-la hiếu chiến, hăng say mùi máu, hăng say đánh nhau? Chặn biển đông, chúng sẽ tràn biển tây. Chặn núi nam, chúng sẽ tràn qua núi bắc. Khi A-tu-la vương đã cương quyết trả thù, muốn chiếm đất đai và giành quyền bá chủ thì ta, với địa vị ngôi trời chí tôn thật như ngồi trên đầu sóng! Thôi, mất mặt mà làm gì! Thiên chủ mà làm gì! Nếu ta sử dụng hết thần lực thì tất thảy sinh mạng bọn A-tu-la này sẽ biến thành tro bụi. Mà quả là ta không nỡ làm thế!

Nếu phước báu của ta ngắn ngủi như giấc mộng đầu hôm thì bảo vệ có ích gì? Ta sẽ trốn thôi. Ta sẽ bay qua mặt biển phương bắc đón các thiên hậu, thứ hậu rồi đến tỵ nạn nơi các vị trời Đế Thích bằng hữu.

Nghĩ thế xong, thiên chủ nói rõ ý định của mình cho vị trời đánh xe nghe hiểu. Vậy là chiếc xe thù thắng Vejayanta chợt bốc cao từ vùng biển xoáy, thoát khỏi sự bủa vây của bọn A-tu-la.

Rồi như một cơn lốc vĩ đại, chiếc xe quạt trong không gian một cơn bão lớn, bỏ mặt biển, nó bay qua rừng cây lụa bông(1)với tốc độ như vệt chém. Chiếc xe bay đi nhanh quá, nó qua rừng cây mà dường như không có vật cản, chỉ như một ánh sao xẹt giữa hư không. Đế Thích thiên chủ thoáng nghe như có hằng trăm hằng ngàn tiếng chim kêu đầy tuyệt vọng.

- Này trời Mātali! Đế Thích hỏi - Chúng ở đâu vậy? Những tiếng chim kêu đầy thảm não kia?

- Thưa thiên chủ! Vị trời đánh xe (saṅgāhaka) tâu - Chiếc xe của chúng ta xuyên qua rừng như vết chém, hằng trăm hằng ngàn thân cây lụa bông gãy đổ, đứt lìa rơi xuống biển sâu. Rừng cây lụa bông này là quốc độ của loài kim xí điểu (Garuḷā)(2). Tổ của chúng bị bắn tung tóe, lũ chim non thì số chết, số bị thương, số không còn nơi ẩn náu.

- Vậy hả? Thế thì quay lui, tức khắc quay lui! Nghe đâu, một vạn do-tuần là rừng cây lụa bông này. Đừng vì mạng sống, vì thiên quốc của ta mà giết hại sanh mạng, phá hoại tổ ấm an lành của chúng sanh khác.

Hãy quay lui! Ta sẽ nộp mình cho quỷ dữ A-tu-la vương. Thân ta dẫu có bị nghiền ra tro bụi cũng không trả hết nợ sanh mạng cho sự vô tâm lầm lỡ nầy.

Ôi! Hỡi những con chim non vô tội, quả thật ta vô tâm, không cố ý, hoặc ta chỉ vô tình và ngu ngốc phạm giới sát mà thôi!

Thế rồi, vị trời Mātali tức tốc quay lui, tránh rừng cây lụa bông, lao xe bay nhanh về cung Ba Mươi Ba bằng lối khác.

A-tu-la vương và chiến sĩ đang uống rượu liên hoan, say men chiến thắng, tâm thần đang phấn khích, chưa ổn định, thấy chiếc xe của Đế Thích trở về và ông ta với thái độ bình thản và sắc mặt an nhiên, suy luận rằng:

- Chắc chắn các Sakka từ thế giới khác hay tin nên mang quân đến tiếp viện. Khi chạy trốn, chúng trốn hướng này, lúc trở lại, chúng đi hướng này! Như vậy, rõ ràng là chúng ta đã bị bao vây, không hồ nghi gì nữa!

Vì đinh ninh như vậy nên bọn A-tu-la rần rần bỏ chạy như đàn ong vỡ tổ, phút chốc không còn một mống. Khí giới đủ loại quăng bỏ ngổn ngang.

Đế Thích thiên vương đi vào thành với thiên chúng đoanh vây, mừng vui chào đón. Trong sát-na ấy, đất nứt ra và địa giới của thiên quốc trồi lên cao thêm một ngàn do-tuần.

Đế Thích thiên chủ đứng trang nghiêm nhìn ngắm phước báu kỳ lạ, tự nghĩ rằng:

- Có lẽ đây là do nhân từ tâm và bi tâm mà ta nhường nhịn, chịu thua bọn A-tu-la! Và có lẽ cũng do từ tâm và bi tâm, ta thà nạp mạng sống mình cho ác chủ tể còn hơn là biết mà vẫn sát hại rừng kim xí điểu!

Do vậy, Đế Thích càng có tâm bất thối đối với thiện pháp. Từ đấy, ngài ra lệnh bảo vệ sự an toàn sanh mạng cho loài rồng, loài kim xí điểu, loài cưu-bàn-trà cùng loài dạ-xoa trong thiên vương bốn cõi.

Còn từ nay, thiên quốc sẽ hoàn toàn thanh bình vì địa giới của A-tu-la đã trở nên quá xa xôi, không còn sợ bọn chúng quấy nhiễu nữa.

Dưới chiếc lọng trắng, Đế Thích thiên chủ ngồi trên ngai thiên bảo trải một tấm nệm bằng vàng mịn rộng một do-tuần. Ngài trị vì vương quốc quang vinh, làm những công việc của vua chư thiên, hỗ trợ loài người, bảo vệ thiện pháp trong khả năng, thiện chí và oai lực của mình.

Đã đến lúc Đế Thích thấy mình phải cứu độ phu nhân Sujātā, cô vợ bé bỏng vì thiếu phước nên không cùng lai sinh đồng đẳng.


(1)Theo kinh thì nói Vejayanta là tòa lâu đài (Vejayanta- pāsāda) của Đế Thích - mà trong một lần, đức Moggallāna đã dùng ngón chân cái làm cho rung rinh - nhưng theo Pháp cú thì Vejayanta lại là chiếc xe (Vejayanta - ratha).

(1)Simbalī - đôi nơi dịch là loại cây chỉ tơ - rừng cây này ở dưới núi Tu Di (Sineru), là trú xứ của Kim xí điểu. Đây là loại chim thiêng, thường bắt rồng (Nāga) làm thức ăn.

(2)Hoặc Garuḍā - Một trong bốn loại chúng sanh trong kinh điển - do chúng có lông sắc vàng nên dịch là kim xí. Ba loại khác là Rồng (Nāga), Dạ-xoa (Yakkha), Cưu-bàn-trà (Kumbhaṇḍa).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/02/2021(Xem: 5153)
Nội dung tác phẩm dựa trên một bức tranh nổi tiếng có tên là “Thanh minh thượng hà đồ” (nghĩa là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh”) của nghệ sĩ Trương Trạch Đoan vào thời nhà Tống cách đây hơn 1000 năm. Thiên tài Albert Einstein đã từng nói: “Nghệ thuật thật sự được định hình bởi sự thôi thúc không thể cưỡng lại của người nghệ sĩ sáng tạo”. Và một nghệ sĩ điêu khắc người Trung Quốc – Trịnh Xuân Huy đã chứng minh điều đó qua kiệt tác nghệ thuật của ông trên một thân cây dài hơn 12 mét. Chắc chắn bạn sẽ phải ngạc nhiên về một người có thể sở hữu tài năng tinh xảo đến như vậy!
17/02/2021(Xem: 5579)
Một quán chiếu về những ánh lung linh trên bề mặt một hồ nước gợn sóng lăn tăn bởi làn gió nhẹ. Một con sông khổng lồ của si mê tin tưởng sai lầm tâm-thân là tồn tại cố hữu tuôn chảy vào hồ nước của việc hiểu sai cái "tôi" như tồn tại cố hữu. Hồ nước bị xáo động bởi những làn gió của tư tưởng phiền não chướng ngại ẩn tàng và của những hành vi thiện và bất thiện. Sự quán chiếu ánh trăng lung linh biểu tượng cho cả trình độ thô của vô thường, qua sự chết, và trình độ vi tế của vô thường, qua sự tàn hoại từng thời khắc thống trị chúng sanh. Ánh lung linh của những làn sóng minh họa tính vô thường mà chúng sanh là đối tượng, và quý vị thấy chúng sinh trong cách này. Bằng sự ẩn dụ này, quý vị có thể phát triển tuệ giác vào trong vấn đề chúng sinh bị kéo vào trong khổ đau một cách không cần thiết như thế nào bằng việc điều hướng với tính bản nhiên của chính họ; tuệ giác này, lần lượt, kích hoạt từ ái và bi mẫn.
16/02/2021(Xem: 4435)
Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ. Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ. Tuy thế dựa vào bài Lịch sử và ý nghĩa của chuông trống Bát nhã do thầy Thích Giác Duyên viết đã đăng trong Thư Viện Hoa Sen, khiến chúng ta biết được người Trung Hoa đã dùng chuông vào đời nhà Chu ( thế kỷ 11 Trước CN – 256 Trước CN ). Riêng việc chuông được đưa vào các chùa chiền ở Việt Nam từ thời nào người viết không biết có tài liệu nào đề cập đến không?
14/02/2021(Xem: 4986)
Pháp Hoa kinh là vua của các kinh vì ở vào thời kỳ thứ 5 trong lịch sử đạo Phật. Lúc bấy giờ là cuối đời thọ mạng của đức Phật nên kinh giảng của người mang toàn bộ tính chất của đạo Phật do người thuyết pháp. Có hai cốt lỏi của kinh Pháp Hoa là Phật tánh và Tri kiến Phật. Phật tánh đã được tóm lược trong bài Nhận biết Phật tánh cùng tác giả. Tri là biết, kiến là thấy, biết thấy Phật là gì? Biết là tuệ giác người dạy cho chúng ta và thấy là thấy đại từ bi của Phật. Đó là trí tuệ và từ bi là đôi cánh chim đại bàng cất cao bay lên trong tu tập. Chúng ta nghiên cứu trí tuệ của toàn bộ đạo Phật một cách tổng luận để tư duy, về phần từ bi chúng ta đã hiểu qua bài Tôi Học kinh Pháp Hoa đồng tác giả. Trí tuệ đạo Phật có gồm hai phần triết lý đạo Phật và ứng dụng. Tri kiến Phật là nắm hết các điểm chính của đạo Phật theo lịch sử của thời gian. Chúng ta hãy đi sâu về tuệ giác.
14/02/2021(Xem: 4567)
Ta hãy tự thoát ra khỏi thân mình hiện tại mà trở về lúc ta mới được sanh ra. Trong phút giây đặc biệt đó ta là gì? Ta vừa được chào đời, được vỗ mông để bật tiếng khóc là phổi ta hoạt động, mọi chất nhớt trong miệng được lấy ra và không khí vào buồng phổi: ta chào đời. Thân ta lúc đó là do 5 uẩn kết tạo từ hư không, 5 uẩn do duyên mà hội tụ. Cơ cấu của thân thể ta là 7 đại đất nước gió lửa không kiến thức. Cơ thể ta mở ra 6 cổng (căn) để nhập vào từ ngoài là 6 trần để rồi tạo ra 6 thức.
14/02/2021(Xem: 5279)
Nhân đọc bài về tuổi già của Đỗ Hồng Ngọc Bác sĩ y khoa, tôi mỉm cười. Mình cũng thuộc tuổi già rồi đấy!! Các bạn mình cũng dùng chữ ACCC= ăn chơi chờ chết vì vượt qua ngưỡng tuổi 70 rồi. Vậy theo BS Ngọc là làm như vậy cũng thực tế đó nhưng có thật là hạnh phúc tuổi già không? Bạn có đủ hết, con cái thì hết lo cho chúng được nữa rồi, chúng tự lo lấy chúng. Tiền bạc thì hết lo được nữa rồi có bấy nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.
14/02/2021(Xem: 4777)
Phật giảng thuyết có ba phương cách: a. Giảng trực tiếp như các kinh đạo Phật Nguyên thủy, b. Giảng bằng phủ định, từ chối là không và phủ định hai lần là xác định tuyệt đối. c. Giảng bằng biểu tượng, đưa câu chuyện cánh hoa sen hay viên ngọc trong túi người ăn mày để biểu tượng hoá ý nghĩa sâu xa của kinh. Phương cách thứ ba này là kinh Pháp Hoa. Có nhiều biểu tượng nhưng nổi bật nhất là cánh hoa sen là biểu tượng kinh Pháp Hoa.
10/02/2021(Xem: 9500)
Long Khánh là một thị xã ven Đô, Phật giáo tuy không sung túc như các Tỉnh miền Trung Nam bộ, nhưng sớm có những ngôi chùa khang trang trước 1975, do một số chư Tăng miền Trung khai sơn lập địa. Hiện nay Long Khánh có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hiển Mật hay còn gọi là chùa Ruộng Lớn tọa lạc tại Thị xã Long Khánh, chùa Huyền Trang, tọa lạc tại ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang,.…Nhưng điều đáng nói là một ngôi Tam Bảo hình thành trong vòng 5 năm,khá bề thế. Qua tổng thể kiến trúc và xây dựng, không ai ngờ hoàn hảo trong thời gian cực ngắn, đó là Tịnh xá Ngọc Xuân, do sư Giác Đăng,đệ tử HT Giác Hà, hệ phái Khất sĩ, thuộc giáo đoàn 5 của Đức thầy Lý.
08/02/2021(Xem: 4881)
Hình ảnh con trâu tượng trưng cho tâm ý của chúng sinh. Mỗi người ai cũng đều có một con “trâu tâm" của riêng mình. Và cứ như thế pháp chăn trâu được nhiều người sử dụng, vừa tự mình chăn vừa dạy kẻ khác chăn. Vào cuối thế kỷ mười ba, thời nhà Trần, trong THIỀN MÔN VIÊT NAM xuất hiện một nhân vật kiệt xuất. Đó là Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Tung, ông là một thiền sư đắc đạo. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử này.
08/02/2021(Xem: 4122)
Sau khi đạt được Giác ngộ, Đức Phật nêu lên Bốn Sự Thật và sự thật thứ nhất là "Khổ đau". Khổ đau ẩn chứa trong thân xác, bàng bạc trong tâm thức của mỗi cá thể con người và bùng ra cùng khắp trong thế giới: bịnh tật, hận thù, ích kỷ, lường gạt, đại dịch, bom đạn, chiến tranh... Sự thật đó, khổ đau mang tính cách hiện sinh đó, thuộc bản chất của sự sống, gắn liền với sự vận hành của thế giới. Sự thật về khổ đau không phải là một "phán lệnh" hay một cái "đế", cũng không mang tính cách "kỳ diệu" gì cả, mà chỉ là một sự thật trần trụi, phản ảnh một khía cạnh vận hành của hiện thực.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]