Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

32. Những Bài Pháp Quan Trọng

14/03/201418:43(Xem: 26961)
32. Những Bài Pháp Quan Trọng

Mot_Cuoc_Doi_01

32. Những Bài Pháp Quan Trọng
Tại Lộc Uyển
Dành Cho Thành Phần Ưu Tú







Có lẽ duyên ở Bārāṇasī vậy là vừa đủ. Bây giờ còn là mùa mưa, nước sông Gaṅgā dâng cao, tràn bờ, việc đi khất thực bắt đầu khó khăn, lều xá tạm cư cần phải làm thêm cho đủ chỗ sáu mươi người, đức Phật bàn tính với năm vị trưởng lão để sắp xếp, cắt đặt công việc ăn ở. Tuy nhiên, chỉ ít hôm sau là mọi công việc lại trở nên dễ dàng. Các gia đình thương gia, thân quyến và gia nhân của các vị công tử tìm đến. Sau khi thấy không thuyết phục được con em của mình, chủ của mình, mà ngược lại, họ bị thuyết phục nên đã tự động cho người mua vật liệu, ra tay làm cốc liêu chỗ này, chỗ kia cho các ngài! Rồi vấn đề thiếu y, thiếu bát và những vật dụng cần thiết, các gia đình dâng cúng đầy đủ cả.

Thời gian ở đây, những lúc trời tạnh ráo, đức Phật cho Koṇḍañña triệu tập Tăng chúng để giảng những thời pháp quan trọng. Mặc dầu các vị, hội chúng độc thân trí thức và quý phái, thành phần tinh ba của xã hội đã là bậc A-la-hán cả; nhưng những chi tiết pháp và luật áp dụng vào đời sống thì họ còn cần phải học hỏi nhiều.

Đức Phật giảng một bài pháp liên hệ đến việc hướng tâm đúng, tức là như lý tác ý (yoniso-manasikāra) ở trong mọi thời, ở trong mọi lúc. Hướng tâm giống như bánh lái của một con thuyền, bánh lái hướng về phương nào thì con thuyền sẽ đi theo hướng ấy. Cũng vậy, hướng tâm sai lệch, phi như lý tác ý (ayonisa-manasikāra) thì toàn bộ thân tâm sẽ sai lệch, mọi cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức đều phải bị lệch lạc. Như Lai cũng nhờ vào sự hướng tâm đúng đắn, chân thực này, là yếu tố quyết định để đắc quả Chánh Đẳng Giác. Sau này, lúc du hành giữa cõi ta-bà, lúc thuyết pháp độ sinh, các thầy tỳ-khưu phải thường tỉnh thức, giác niệm điều ấy và cũng thường chỉ giáo cho mọi người điều quan trọng ấy.

Bài pháp thứ hai, đức Phật tuyên bố, hiện nay, ngài và hội chúng tỳ-khưu ở đây đều đã thoát khỏi mọi kiết sử buộc ràng ở cõi người cũng như cõi trời; đã không còn dính mắc bất kỳ một lưới võng nào của dục hữu, dục tham, dục ái dù thô tháo hay tế vi. Cuối thời pháp, có một số câu hỏi liên hệ về nhân và quả, tâm và cảnh của các cõi, đức Phật đã cặn kẽ mở rộng nhãn quan và kiến văn cho chư đệ tử bằng cách sử dụng thần thông cho họ thấy ngay trước mắt các cảnh giới từ Địa ngục cho đến Tha hóa tự tại thiên cùng nhân quả nghiệp báo của chúng. Riêng các cảnh giới thuộc thiền định, sắc và vô sắc, đức Phật dạy nên tu thiền định, năm vị trưởng lão sẽ hướng dẫn cho họ, sẽ tức khắc thấy ngay các cảnh giới ấy trong tâm của mình.

Bài pháp thứ ba, đức Phật kể câu chuyện về một người thợ đóng bánh xe, làm hai bánh xe cho đức vua Pacetana thời xưa. Một bánh xe, người thợ cẩn thận, chú tâm, công phu làm trong sáu tháng ròng rã. Qua bánh xe thứ hai, do sự đốc thúc của nhà vua nên ông đã nóng nảy, vội vã chỉ làm trong sáu ngày thì xong. Khi chiếc xe được cẩn ngọc, dát vàng, rèm châu, sáo bạc lấp lánh sang trọng, do đôi ngựa thuần chủng kéo đi, chưa được nửa do-tuần, chiếc xe đã gãy ngã, sụp đổ. Khi quan sát, bánh xe thứ nhất vẫn kiên cố, vững chắc; bánh xe thứ hai có nhiều khuyết điểm ở vành, nan, trục nên bị đứt lìa hoặc gãy vụn. Cũng vậy, này các thầy tỳ-khưu! Các thầy tuy đã đoạn lìa phiền não, nhưng những tiền khiên tật, nghiệp, thói quen xấu được huân tập lâu đời vẫn còn hiển lộ đâu đó qua thân, khẩu, ý chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Những khuyết điểm, những khuyết tật này cũng cần phải chỉnh sửa trong thời gian dài mới ổn cố và toàn vẹn được. Nếu không, các thầy sẽ bị ngã nhào, không phải ngã nhào trên hành trình giải thoát mà ngã nhào ra khỏi phẩm mạo tăng tướng phạm hạnh vốn với thân khẩu ý toàn bích, không có một khiếm khuyết nào! Thế là đức Phật phải giảng nói rất kỹ về ngữ, nghiệp, mạng, ba tiết chế tâm sở cùng một số luật nghi, tế hạnh như là đời sống bất ly của một sa-môn trong giáo đoàn tỉnh thức, làm mẫu mực cho tứ chúng sau này y chỉ.

Cuối thời pháp thứ ba, có những câu hỏi liên hệ đến truyền thống tôn giáo cũ, hiện đang đóng đô và phát triển rầm rộ ở thành phố Bārāṇasī, quê hương của họ.

Về lãnh vực này, Yasa và bạn hữu, những người ở trong lòng hiện tượng và vụ việc đã trình tự, thay phiên nhau phác họa bối cảnh vừa khái quát vừa chi tiết rất là rõ ràng, mạch lạc. Họ nói rằng, Bārāṇasī là lãnh địa, là linh địa của tri thức Vệ-đà và Upanishad, tư tưởng nhân quả, tái sanh, luân hồi có đề cập thông qua nhưng bị chìm mất bởi bàn tay của các vị thần linh với sự thưởng phạt bất minh, tùy tiện. Ai cầu nguyện nhiều, tế lễ trâu, bò, cừu, dê hậu hĩ thì sớm được lên hầu hạ bên chân của các thần. Ai không tin, phỉ báng thánh thần hoặc lễ lạt có vẻ coi thường thì xem chừng bị đày xuống hỏa ngục! Cả một tập đoàn bà-la-môn chuyên nghiệp nắm độc quyền thần linh ở trong tay nên tha hồ bày ra các loại tế đàn: tiểu tế, trung tế, đại tế! Chưa thôi, việc gì cũng phát sanh lễ cả. Từ việc sinh đẻ, cưới hỏi, hỏa táng, cuộc đất, hướng nhà, ốm bệnh, bán buôn, đi buôn, đi xa, lên thuyền, lên ngựa, làm nhà, lạc thành, đầu tháng, cuối tháng, giữa tháng... tất tần tật đều có lễ, có các thầy bà-la-môn chủ trì, phán lệnh, truyền lệnh, rảy nước thiêng, đọc thần chú, bùa chú, pháp thuật... Rồi hiến tế thần nước, thần lửa và hằng trăm vị thần khác biết bao nhiêu là của cải, tài sản, đầu súc vật! Vì ai cũng muốn lên thiên đàng nên các thầy bà-la-môn bày ra việc bán mua ấy để kiếm lợi nhuận béo bở, sống vinh thân phì gia, vợ con đùm đề, hưởng thọ dục lạc mà ít đổ mồ hôi lại còn được ăn trên ngồi trước nữa! Thành phố Bārāṇasī, chưa có một nghề nào khỏe khoắn nhưng sang trọng, thịnh vượng và phát đạt bằng nghề thầy tu!

Thế rồi, đức Phật trình bày những tri kiến của đạo giải thoát: Như Lai không bao giờ muốn thành lập một tôn giáo mới. Ở trong truyền thống hoặc ở ngoài truyền thống, Như Lai đều không quan tâm. Vấn đề của Như Lai là con người, sự nhận chân như thực về con người cùng những tồn tại đau khổ của nó. Như Lai không bàn về tư tưởng, nhân tình, nhân văn, nhân bản đi liền với các nấc thang giá trị đã được con người định giá, xác lập, thiết lập có tính ước lệ từ ngàn xưa đến nay. Cái con người bằng xương bằng thịt cùng với cảm xúc, tư tưởng, tâm hồn, nhận thức ấy, tại sao lại lúc vui, lúc buồn, lúc hỷ, lúc lạc, lúc khát vọng, lúc bạo tàn... rồi đem đến đau khổ cho mình và cho người khác. Như Lai khảo sát con người ấy, thấy sầu bi khổ ưu não nơi con người ấy rồi tìm cách tốt nhất để pha chế một phương thuốc thoát khổ. Sự diệt khổ đã được tìm thấy. Giác ngộ, giải thoát đã được tìm thấy. Nay Như Lai đi khắp nơi để giảng nói về đạo lộ bất tử ấy. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Giáo pháp của Như Lai không có một vị thần linh nào, không có tế lễ, tắm nước sông Gaṅgā để tẩy sạch tội lỗi, hay rảy nước phép, nước thánh để tiêu trừ tai ương, hoạn nạn; không có bùa thuật huyền bí, không giết hằng trăm ngàn súc vật tế thần lửa, thần Kālī hoặc tế vị thượng đẳng thần nào để xin xỏ một cái gì. Không có giáng tội, ban phúc, không có bán mua, hứa hẹn kiếp này và kiếp kia. Lại càng không thành lập một đẳng cấp hoặc một tổ chức quyền uy linh thiêng hoặc thế tục nào cả. Chẳng tuyên truyền quảng bá cho một lý tưởng nào. Giáo pháp của Như Lai và các sa-môn của Như Lai thực hành theo trung đạo, thiểu dục và tri túc, đi xin ăn cửa mọi nhà, hoàn toàn vô sản và bần hàn, sống đời yểm ly và giải thoát tất cả những hệ lụy, phiền não của cuộc đời. Vô ngã, khiêm nhu, vắng lặng và trong sạch là đời sống của Như Lai và giáo hội của Như Lai.

Hội chúng trí thức lãnh hội rất nhanh nội dung tinh tủy của bài pháp. Tuy nhiên, có vị muốn hỏi cho rõ ràng hơn:

- Bạch đức Thế Tôn! Tắm nước sông Gaṅgā chỉ rửa sạch bụi bẩn, chứ không thể tẩy sạch các tội lỗi, các bà-la-môn thông thái cũng nói như vậy; nhưng họ còn nói rằng: Chỉ có lễ “thánh tẩy thiêng liêng” với những nghi lễ nghiêm túc, đúng đắn, kính thành mới mang đến hiệu quả rửa sạch tội lỗi do con người phạm tội gây nên!

Đức Phật bác bỏ quan niệm ấy, nói rằng, ác nghiệp và tội lỗi do chính ta tạo bằng thân, khẩu hay ý; vậy thì muốn hết tội, hết nghiệp để có được đời sống trong sạch, thì phải biết thanh tịnh hóa thân khẩu và ý! Chẳng có thần linh nào tham dự ở đấy cả!

Vị khác lại nói:

- Còn tục thờ thần lửa nữa, bạch đức Tôn Sư! Tập tục tế đàn lửa thiêng có từ kinh Vệ-đà, các bà-la-môn chuyên nghiệp tuân thủ và thực hành rất bài bản. Họ nói rằng, lễ nghi thờ cúng càng nhiều đầu và máu súc vật thì thần Agni mới mang phước quả ấy lên thiên giới để chứng minh cho lòng thành của gia chủ. Một số khác, nhất là quần chúng giáo đồ ngu muội lại tin tưởng ngây ngô rằng, lửa thiêng sẽ đốt cháy hết tội lỗi đối với ai thành kính thờ thần lửa; còn những lễ hỏa thiêu bên bờ sông linh thánh, có chủ tế, có tế vật, có cầu nguyện thì linh hồn người chết mới được siêu sanh! Nay nhờ đức Thế Tôn vén mở, chúng đệ tử mới hiểu đấy là trò ma mị của tập cấp tu sĩ chủ tế bà-la-môn buôn thần bán thánh!

Một vị khác nữa:

- Bạch đức Thế Tôn! Tắm rửa tội ở sông Gaṅgā, chúng ta chỉ thương xót cho đám dân cuồng tín dại khờ, dẫu sao họ cũng chưa làm hại ai! Thờ thần lửa cũng vậy, ít ra là họ cũng biết sợ hãi tội lỗi mà ngăn ngừa được một số việc ác. Cả hai hình thức tín ngưỡng trên có thể châm chước. Nhưng một đôi nơi tế người sống, và nơi nào cũng giết hại hàng ngàn, hằng vạn súc vật thì quả là tổn thương đến lòng trắc ẩn và lẽ công bằng của sự sống!

Đức Phật nhè nhẹ gật đầu:

- Các thầy đã hiểu đúng giáo pháp của Như Lai! Không ai có thể mua chuộc hoặc hối lộ vị thần linh nào để tẩy rửa ác nghiệp của mình; cũng không thể dùng sanh mạng của sinh linh vô tội để hiến tế cho mục đích tín ngưỡng mù quáng của mình. Động vật, súc vật các loại, bò bay máy cựa đều là chúng sanh, do nghiệp, do hậu quả của ác nghiệp mà noãn thai thấp hóa vào thân xác chúng sinh hạ đẳng. Mai này, trả xong nghiệp quả, chúng cũng có thể trở lại thân người hoặc tái sanh vào các cảnh giới khác. Giáo pháp của Như Lai xem sự sống là bình đẳng, phải có lòng thương yêu, bi mẫn đối với tất cả chúng sanh, không phân biệt.

Đức Phật kết luận:

- Tất cả cái gọi hình thức, lễ nghi, cầu khấn, tế tự cùng mọi cấm giới theo tập tục, phong tục, tập quán của truyền thống, của xã hội, của tín ngưỡng tôn giáo... chỉ có tính cách ràng buộc nhau trong những trật tự ngây ngô và niềm tin quy ước cuồng tín, thường tạo thêm gánh nặng và đau khổ cho nhau trong vô minh, kéo dài luân hồi sinh tử không bao giờ đưa đến giác ngộ, giải thoát. Đối với Như Lai, đấy là kiết sử, là giới cấm thủ, ngăn bít sự thăng hoa tinh thần, tiến bộ tâm linh. Một bậc thánh Tu-đà-hoàn, một vị Nhập lưu cũng đã cắt đứt được ba sợi dây trói buộc, đó là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ, các thầy biết rõ như vậy chứ?

Không có gì minh nhiên, minh triết hơn thế nữa. Ngoài tâm giải thoát, tuệ giải thoát, đức Phật còn tuần tự khai mở nhãn quan và kiến văn phong phú, đa diện cho chư vị thánh tăng dần dần biết vận dụng phương tiện trí trên con đường hoằng pháp lợi sinh.

Giáo pháp được giảng nói kỹ càng như thế mà đức Phật vẫn chưa yên tâm, ngài còn cắt đặt thành từng nhóm nhỏ, bảo Koṇḍañña phân công cho Bhaddiya, Mahānāma, Vappa và Assajī hướng dẫn cặn kẽ để cho định của họ càng thâm sâu và tuệ càng sắc bén thêm nữa. Trong lúc đó, đức Phật lại còn bận rộn vì những phái đoàn học chúng cư sĩ: Họ đến vì đủ mọi lý do, nhưng phần đông, sau khi nghe pháp, đã trở thành hai hàng cận sự nam nữ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 12318)
"Hỏi hay đáp đúng" (nguyên tác Anh ngữ: '' Good Question, Good Answer) là một trong nhiều tác phẩm phổ biến của Đại đức Shravasti Dhammika, một Tăng sĩ người Úc đã từng diễn giảng giáo lý Phật Đà trên đài truyền hình và đại học Úc
08/04/2013(Xem: 5845)
Khai Thị [ Tập 1 ] Đại Sư Tuyên Hóa Việt dịch: Ban Phiên Dịch Đại Học Pháp Giới, Vạn Phật Thánh Thành --- o0o --- --- o0o --- | Thư Mục Tác Giả | --- o0o --- Vi tính : Diệu Nga - Samuel Trình bày : Mỹ Hạnh - Nhị Tường
08/04/2013(Xem: 8154)
Có một tiểu hòa thượng mới đến thiền viện, anh ta chủ động đi gặp thiền sư Trí Nhàn, nói thành khẩn: - Con mới đến, xin sư phụ chỉ bảo con phải làm những gì. Thiến sư Trí Nhàn mỉm cười nói: - Trước hết, con hãy đi làm quen với chúng tăng trong chùa. Ngày hôm sau, tiểu hòa thượng lại đến gặp thiền sư, hỏi: - Chúng tăng con đã làm quen hết rồi, giờ phải làm gì?
08/04/2013(Xem: 8082)
Là một con người chúng ta phải có một mục đích cho cuộc sống. Kẻ không theo đúng con đường chính đáng của đời sống sẽ không bao giờ tìm thấy mục đích...
08/04/2013(Xem: 8788)
Nội dung cơ bản của Phật giáo, ở đâu cũng là một, mãi mãi vẫn là một. Phật giáo bắt nguồn từ đức Phật là bậc đại giác, tức là từ biển lớn trí tuệ và từ bi của đức Thích Ca ...
08/04/2013(Xem: 10644)
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường nghe hay thường quen miệng nói đến hai chữ "tu dưỡng’ chẳng hạn như:"Con nên tu dưỡng tánh tình để thành người có đức hạnh" hay:"Nó hư, vì khôn gbiết tu tâm, dưỡng tánh". Hai tiếng"tu dưỡng" thường đi đôi với nhau, nên chúng ta thấy mường tượng như chúng nó giống nghĩa nhau, có một phạm vi, một tác dụng riêng biệt. Tu là sửa, mà dưỡng là nuôi. Người ta sửa cái xấu, mà nuôi cái tốt_Sữa là trừ, mà nuôi là cộng; tu có tánh cách tiêu cực, dưỡng tánh có tánh cách tích cực. Một bên tiêu trừ cái xấu, một bên bồi bổ cái tốt. Một bên làm cho hết hư, một bên làm cho thêm nên. Mọi sự vật trong đời tương đối nầy đều có phần xấu và phần tốt. Đối với cái xấu ta phải tu, đối với cái tốt ta phải dưỡng. Chẳng hạn, khi ta trồng một cây gì, công việc của chúng ta có hai phần lớn: bắt sâu bọ, trừ nước phèn, nước mặn: đó là tu hay sửa. Bỏ phân, tưới nước ngọt, cho nó đủ thoáng khí và ánh nắng mặt trời: đó là bổ hay dưỡng. Tu bổ một cái cây, cho nó đơm hoa kết trái,
08/04/2013(Xem: 10122)
Tôi rất vui mừng, vì thấy mỗi ngày chủ nhật, quý vị bơ thì giờ quý báu, để đến chùa lạy Phật nghe kinh, Một giờ quý vị lạy Phật nghe kinh, thì ngày ấy hay tháng ấy quý vị tránh được việc dữ, làm được điều lành. Một người tránh dữ làm lành, thì người ấy trở nên hiền từ. Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì gia đình được hạnh phúc. Cả nước đều tránh giữ làm lành thì toàn dân có đạo đức, trở nên một nước thạnh trị. Cả nhơn loại đều tránh dữ làm lành, thì lo chi thế giới chẳng được đại đồng, nhơn loại không hưởng được hạnh phúc thái bình.
06/04/2013(Xem: 9759)
Phật Giáo đưa ra nhiều quan điểm khá khác biệt nhau về cái chết. Nếu đã có nhiều quanđiểm khác nhau thì tất nhiên cũng sẽ phải có nhiều phép tu tập khác nhau. Thếnhưng cái chết cũng chỉ là một hiện tượng duy nhất, vậy chúng ta hãy thử tìmhiểu xem tại sao Phật Giáo lại có nhiều quan điểm và nhiều phép tu tập như thế.
05/04/2013(Xem: 5440)
Hẳn bạn hay chú trọng những chuyện đưa tới sai lầm trong đời, hay ít nhất những gì xảy ra không như ý muốn. Dù khổ đau cứ tái diễn chúng ta vẫn phải tiếp tục phấn đấu vượt qua để đạt tới hạnh phúc và theo đuổi chúng ngay khi ta nghĩ tới.
05/04/2013(Xem: 7604)
Đức Phật là một đấng đại Từ Bi, Ngài xem tất cả chúng sinh mọi loài như con một. Lòng yêu thương chúng sinh của Đức Phật trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, như mẹ thương con, chỉ mong làm sao cho con mình được hết tất cả khó và hưởng tất cả vui, cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm nói ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]