Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Câu chuyện đi đứng

10/03/201418:31(Xem: 8923)
Câu chuyện đi đứng
minh_hoa_quang_duc (246)

CÂU CHUYỆN ĐI ĐỨNG


Chân Hiền Tâm

Chuyển động biểu kiến của mặt trời
Mặt trời lên ở phương Đông, giữa trưa ở tại đỉnh đầu rồi ngả dần về phương Tây và mất bóng. Ngày nào cũng theo chu trình đó mà đi. 21/3 mỗi năm, mặt trời ở thiên đỉnh xích đạo. Những tia sáng mặt trời chiếu vuông góc với tiếp tuyến bề mặt trái đất ở xích đạo. Sau đó nó di chuyển dần lên chí tuyến Bắc và ở thiên đỉnh chí tuyến Bắc vào ngày 22/6.
Ba tháng sau nó lại ở thiên đỉnh xích đạo lần hai. Rồi sau đó chuyển dần về chí tuyến Nam và lên thiên đỉnh ở chí tuyến Nam vào ngày 22/12. Và cứ thế tiếp tục chu trình của mình…Khi chuyển động quanh mặt trời, trục của trái đất luôn nghiêng với mặt phẳng quỹ đạo một góc 66033’, thành khi đứng ở bề mặt trái đất, ta thấy mặt trời dịch chuyển từ xích đạo lên chí tuyến rồi trở về lại xích đạo v.v… mà thật không hề có sự dịch chuyển. Người ta gọi những chuyển động thấy bằng mắt mà không thực có đó là chuyển động biểu kiến[1].

Sự dịch chuyển của các hình toán học
Không có một chuyển động nào ở đó. Chỉ là những tấm hình rất phẳng. Trên đó, một mặt phẳng tròn màu xanh được trang điểm bằng những hình thoi màu đỏ nối tiếp nhau, xếp thành hình vòng tròn, nhỏ ở trung tâm và lớn dần lên ở bìa phẳng hình tròn. Một hình chữ nhật màu vàng được trang điểm bằng những hình oval xanh, lớn bé không đều, được xếp dọc tạo thành những hình trụ xoay vòng. Rồi những vòng hoa văn như bánh xe được đặt sát nhau v.v…[2]. Chúng được xắp xếp theo một cách mà khi nhìn vào, tất cả như đang dịch chuyển.
Mọi thứ đang chuyển dịch dù bản thân chúng không hề chuyển dịch. Chỉ nhờ sự kết hợp khéo léo giữa các hình ảnh toán học, màu sắc và cách nhìn của người xem mà thấy chúng dường như đang chuyển dịch không ngừng. Tôi in những hình ảnh đó ra giấy. Trên một mảnh giấy bóng cũng có mà in thành hình trắng đen cũng có. Tất cả những dịch chuyển đều biến mất. Chẳng còn gì ngoài những hình ảnh phẳng lỳ, không có chuyển động. Đó không phải là chuyện lạ. Bởi nhân duyên tạo hình thay đổi thì cái quả nhận được cũng thay đổi theo. Trong thế giới này, có bao nhiêu chuyển động được nhìn thấy bằng mắt mà thật không hề có chuyển động như những gì mình đã từng thấy?

“Không đến cũng không đi” của Trung Luận
Trong phẩm Phá đến đi, Bồ-tát Long Thọ nói kệ:

Đã đi không có đi
Chưa đi cũng không đi
Lìa đã đi chưa đi
Đang đi cũng không đi.

Diễn tả sự chuyển dịch trong ba thời một cách rất mộc mạc. Đã, là những gì thuộc về quá khứ. Chưa, là chuyện chưa tới ở vị lai. Đang, muốn nói đến việc xảy ra trong hiện tại. Cả ba thời đều không có đi. Tức không tìm thấy sự chuyển dịch trong cả ba thời.

Hì…
Chỗ động ắt có đi
Trong ấy có đang đi
Không đã đi chưa đi
Nhưng đang đi có đi.

Ít ai chịu chấp nhận những thứ đang hoạt động ì xèo trước mắt là không. Chuyển động trong quá khứ và vị lai có thể nói không, vì một thì chưa có và một thì không còn hiện diện. Nhưng hiện tại, không thể phủ nhận những gì đang diễn ra trước mắt. Đang đi nhất định có đi vì ở đó đang có sự chuyển động. Song Bồ-tát Long Thọ nói không. Ắt phải có vấn đề để bàn luận.

Làm sao nói đang đi
Mà có sự kiện đi
Nếu lìa sự kiện đi
Đang đi không thể được.
Nếu nói đang đi đi
Người ấy ắt có sai
Lìa đi có đang đi
Đang đi đi một mình.

Á à… Nói không đi, không phải là phá bỏ cái anh đang thấy là không. Những gì anh đang thấy không phải không, nhưng đó chỉ là cái thấy trong mộng. Vì là mộng, nên tuy thấy có đi có đến mà thực thì không đi không đến. Ngay khi mộng đã không. Tỉnh mộng đương nhiên hết. Nói không, là muốn nói những chuyển động, tuy thấy có đó mà chỉ như huyễn như hóa, không có chất thực, không có thực tánh.

Vì không pháp nào có thực tánh, nên hiện tại, vật lý không thể tìm thấy ở chuyển động một giá trị mang tính phổ quát. Trạng thái đứng yên hay chuyển động của một vật chỉ mang tính tương đối. Nó lệ thuộc vào vị trí của người quan sát. Người ngồi trên xe đạp sẽ thấy đường đi của đầu van là một chuyển động tròn đều quay quanh trục bánh xe. Người đứng bên vệ đường sẽ thấy đầu van chuyển động theo dạng hình cong lúc lên cao, lúc xuống thấp. Quỹ đạo của chuyển động mang tính tương đối. Một xe lửa đang chạy với vận tốc 40km/h. Người ngồi yên trên xe lửa sẽ có vận tốc là 0 đối với xe lửa, nhưng với người đang đứng ở vệ đường, người ngồi yên đó đang có vận tốc là 40km/giờ. Nghĩa là vận tốc trong chuyển động cũng mang tính tương đối[3].

Cho nên, muốn khảo sát một chuyển động không thể khảo sát chung chung mà phải dựa vào một thứ gọi là hệ quy chiếu. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là phải khảo sát trong một duyên nhất định nào đó. Tức chuyển động là pháp nhân duyên. Nhân duyên thì “Pháp do nhân duyên sinh/ Ta nói tức là không”[4]. Đó là lý do vì sao Bồ-tát Long Thọ nói đang đi cũng không đi. Là muốn nói mọi chuyển động tuy thấy có mà không có tự tánh.

Bài kệ, không nói đến hệ quy chiếu cũng không nói đến vận tốc, chỉ lý luận đơn giản rằng: Làm sao nói đang đi mà có đi? Nếu nói đang đi có đi, tức cho nó có tự tánh, thì nó phải đáp ứng đủ ba điều kiện là tự có, độc lập và thường trụ[5]. Nhưng mọi chuyển động không có thứ nào tự có hay độc lập. Vì đều là pháp nhân duyên. Đều phải nương vào pháp khác mới hiện tướng được. Như “đang đi”, phải nương vào sự kiện đi mới có “đang đi”. Không thể không có sự kiện đi mà nói có đang đi. “Đang đứng” cũng phải nương vào sự kiện đứng mới nói “đang đứng”. Không có sự kiện đứng mà nói có đang đứng, là trông gà hóa cuốc. Vì thế, kệ nói “Nếu lìa sự kiện đi/ Đang đi không thể được”. Không có “sự kiện” đi thì “đang đi” không thể thành lập.

Như vậy, điều kiện để một chuyển động được cho là có, là nó phải đang xảy ra. “Đang đi”. Nhưng cái đang xảy ra đó là pháp nhân duyên, vì phải nương vào pháp khác mới hiện thành được. Pháp nhân duyên, “Ta nói tức là không”. Vật lý hiện đại đã nói đến cái gọi là không-thời gian liên thể. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nói: “Thực tế, chúng tạo thành một cặp rất thống nhất mà sự vận động của chúng luôn bổ sung cho nhau”[6]. Thời gian và không gian bây giờ không còn được xem là những thực thể độc lập như thời Newton.

Hãy chú ý đến mấy từ “độc lập” mà các vị đã dùng để nói về thời gian. Nó giúp chúng ta hiểu câu “Đang đi đi một mình”. Nếu bạn thấy có một chuyển động đang diễn ra và bạn cho nó có, tức có thực tánh, là bạn đang dùng quan điểm của Newton để nhìn sự vật, cho thời gian và không gian là những thực thể độc lập với nhau và độc lập với vật.

Với cái nhìn của những nhà vật lý hiện đại, thời gian không còn “đi một mình”, nó không tách lìa không gian. Và vật là thứ quyết định sự co dãn của chúng[7]. Chúng là pháp nhân duyên. Pháp do nhân duyên sinh, “Ta nói tức là không”. Vật lý hiện đại đã nói đến tính không độc lập của thời gian và không gian (là mặt nhân duyên của pháp), cũng nói đến tính không phổ quát của chúng (là mặt không có thực tánh của pháp), nhưng chưa thể thấu được cái gọi là thực tánh của nhân duyên. Như hàng Nhị thừa chưa nhận ra được thực tướng của Tứ đế, Thập nhị nhân duyên hay Niết-bàn. Chưa thấu được cái lý tất cả đều từ tâm sinh, đều lấy tâm vô sinh làm gốc. Đó là thứ mà nền vật lý hiện đại chưa thể hình dung, nhưng Trung luận đã bàn đến.

Mặt trời thấy có chuyển dịch mà thật không có chuyển dịch, chỉ vì trái đất xoay quanh. Đến đi vốn không đến đi mà thấy có đến đi, chỉ vì tâm động. Tâm động nên cảnh vật thấy đổi dời mà thật không có đổi dời. Lục Tổ nói: “Không phải phướng động. Không phải gió động. Tâm nhân giả động”[8].

“Đi” lấy “Đi mà không đi” làm nghĩa
Văn Thù hỏi cô Am Đề Già[9]:
- Sinh lấy gì làm nghĩa?
Am Đề Già đáp:
- Sinh lấy “Sinh mà không sinh” làm nghĩa.
Văn Thù hỏi:
- Sinh lấy “Sinh mà không sinh” làm nghĩa là sao?
Am Đề Già thưa:
- Nếu hay rõ biết bốn duyên đất, nước, gió, lửa chưa từng tự được, tuy có chỗ hợp mà chỉ tùy chỗ ứng hợp. Đó là nghĩa sinh.

Hỏi tiếp:
- Tử lấy gì làm nghĩa?
- Tử lấy “Tử mà không tử” làm nghĩa.
- Là nghĩa lý gì?
- Nếu hay rõ biết bốn duyên đất, nước, gió, lửa chưa từng tự được, tuy có chỗ ly mà chỉ tùy chỗ ứng hợp. Đó là nghĩa tử.

Rồi Am Đề Già hỏi Văn Thù:
- Đã rõ biết cái lý sinh là không sinh thì sao vẫn cứ sinh tử xoay vần?
Văn Thù đáp:
- Vì lực chưa đủ.

“Lực chưa đủ” là căn nguyên khiến mọi cái thấy trở thành hạn cuộc, không còn nhìn pháp đúng như chính nó. Cũng khiến cho kẻ dù đã thấu được cái lý “sinh mà không sinh”, “tử mà không tử”, vẫn chưa thoát được cửa ải sinh tử. Gốc là tâm, nên đất, nước, gió, lửa chưa từng tự được. Nói “tự” đó, là không do cái khác mà được. Nhưng có thứ nào không từ tâm sinh[10]. “Tâm sinh thì tất cả pháp sinh. Tâm diệt thì tất cả pháp diệt”[11]. Đâu có chủ thể để tự quyết cho thân phận mình mà nói tự được. Chưa từng tự được!. Sinh tử như thế thì đi đứng cũng không khác. Đều cùng một thể mà ra. “Đi” lấy “Đi mà không đi”làm nghĩa. “Đứng” lấy “Đứng mà không đứng” làm nghĩa. Hiểu không? Đừng nói là lực chưa đủ…

Hóa nhân thì không có đến đi
Thời Phật còn tại thế, có tín nữ tên Hằng Hà Thượng. Người ta gọi cô là Ưu-bà-di Hằng Hà Thượng[12]. Một lần, cô đến vườn Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ gặp Phật. Phật hỏi:
- Cô từ đâu đến?
Hằng Hà Thượng thưa:
- Bạch Thế Tôn! Nếu hỏi hóa nhân[13] “ngươi từ đâu đến” thì phải đáp ra sao?
Phật trả lời:
- Là hóa nhân thì không có đến đi cũng không có sinh diệt, làm sao nói đến đi?
Hằng Hà Thượng thưa:
- Bạch Thế Tôn! Các pháp không phải đều là hóa nhân sao?
Phật đáp:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời tín nữ đã nói.

Không có đến đi vì tất cả đều là hóa nhân. Đều là sở hiện của tự tâm, như ngủ rồi mộng. Trong mộng thấy có đến đi mà thật là không có đến đi. Cho nên, Hằng Hà Thượng trả lời:
- Nếu các pháp đều như hóa nhân, sao Thế Tôn còn hỏi con từ đâu đến?
- Người huyễn hóa thì không đến đường ác, không sinh lên trời, không chứng Niết-bàn. Hằng Hà Thượng, cô cũng vậy sao?
- Bạch Thế Tôn! Nếu con thấy thân khác với huyễn hóa mới có thể nói đến đường ác, sinh đường thiện và chứng Niết-bàn. Con không thấy thân khác huyễn hóa, sao lại nói đến đường ác và chứng Niết-bàn? Bạch Thế Tôn, như tánh Niết-bàn, rốt ráo không thể sinh thiện ác đạo cùng bát Niết-bàn. Con thấy thân con cũng như vậy.

À, té ra… thấy có tới lui dịch chuyển như hiện nay là tại chưa sống được với cái thật, chưa nhận ra được cái gọi là thân huyễn hóa, tâm vọng tưởng. Cảnh trong mộng vẫn còn thật khi người ngủ chưa hết mơ. Bởi còn chấp sắc thân và tâm vọng động này là thật nên chưa thể thoát được cái nhìn rơi vào nhị biên phân biệt. Nhị biên không trừ thì chưa thể nhận ra sự huyễn hóa của thân tâm. Cứ tưởng lầm những hình ảnh toán học kia thật có chuyển dịch mà không thấy mặt nhân duyên kết hợp của chúng. Lìa nhân duyên ấy ra, chuyển dịch hoàn không. Vì tánh nó vốn không.

- Không phải cô đang hướng đến Niết-bàn giới đó sao?
- Bạch Thế Tôn! Nếu đem lời hỏi này hỏi chỗ vô sinh thì thế nào?
- Vô sinh là Niết-bàn.
- Bạch Thế Tôn! Các pháp không phải đều đồng với Niết-bàn sao?
- Đúng vậy! Đúng vậy!

Lần thứ hai, Đức Phật xác nhận lời nói của Hằng Hà Thượng là đúng. Các pháp đều đồng với Niết-bàn. Bởi tánh các pháp chính là tâm vô sinh. Tâm vô sinh và Niết-bàn không hai không khác. Nhập Niết-bàn, chính là trở về thể nhập lại thể tánh vô sinh của chính mình, cũng là cội nguồn từ đó phát sinh vạn pháp.

Cái gọi vô sinh đó, chính là Tri kiến Phật nói trong Pháp hoa, là Tướng không nói trong Bát-nhã, là Bát bất của Trung luận, là Chân như của luận Đại thừa khởi tín v.v…[14] Tất cả pháp đều đồng cái cội gốc ấy, đều đang ở trong Niết-bàn.

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đã đồng với Niết-bàn, sao còn hỏi con “Cô không đang thú hướng niết bàn giới sao?”.

Niết-bàn không lìa tâm mà có thì sao còn hỏi con chuyện thú hướng. Ngay nơi cái tâm vọng động phân biệt này mà dừng đi những chấp trước phân biệt thì Niết-bàn vô trụ xứ liền đó. Niết -bàn này không đồng với Niết-bàn của Nhị thừa, thấy có sinh tử để ly, Niết-bàn để vào. Niết-bàn này là tự thể vô sinh của tất cả pháp. Nhập Niết-bàn chính là sống lại được với tánh thể vô sinh ấy.
Sống được với tánh thể vô sinh ấy thì thấy tất cả những gì có tướng đều là hư vọng. Tuy thấy đến đi mà thật không có đến đi. Tuy thấy chuyển động mà thật không có chuyển động. Nói theo Trung luận thì “Không đi đến cũng không phải không đi đến”. “Không đi đến” vì tự thể vốn không. “Không phải không đi đến” vì mê tình chưa hết, đủ duyên liền hiện, không thể nói không.
________________________________

[1]http://diavinhlong.forumvi.com/t267-topic.

[2]http://thinhupro.wap.sh/anhao/anhao

[3] http:// thuvienvatly.com

[4] Nói trong phẩm Phá Tứ đế. Vì sao nói “Pháp do nhân duyên, là không” thì trong phẩm Phá nhân duyên, Luận chủ đã dùng lý luận cho thấy nhân duyên sinh là không, là vô sinh. Đây, dùng phần hệ quả đó mà nói.

[5] Quy ước khi nói về pháp có tự tánh.

[6] Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, Phạm Văn Thiều dịch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

[7] Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, tr.86 ghi: “Thời gian đã mất đi tính phổ quát của nó. Cũng như không gian, thời gian trở nên đàn hồi. Nó dài ra hay co ngắn lại tùy thuộc vào chuyển động của người đo nó”.

[8] Pháp bảo đàn kinh, phẩm Tự Thuật.

[9] Mẫu truyện này được lấy từ kinh Lăng nghiêm tông thông, Thiền sư Nhẫn Tế dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo.

[10] Trong luận Đại thừa khởi tín trực giải, Đại sư Hám Sơn giải thích: Tâm, do bất giác mà hiện Năng kiến cùng Cảnh giới tướng. Cảnh giới tướng, chỉ cho hư không và tứ đại.

[11]Luận Đại thừa khởi tín, Bồ-tát Mã Minh.

[12]Kinh Đại Bửu Tích quyển VI, Phẩm Ưu-bà-di Hằng Hà Thượng, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch.

[13] Người do ảo thuật biến ra, bóng trên tường .

[14] Tên khác mà thể đồng. Tùy ở nhân hay quả mà thấy có khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2020(Xem: 6866)
Được biết đến nhiều nhất với tư cách là em gái cùng cha khác mẹ của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Nữ cư sĩ Maya Kasandra Soetoro-Ng đã trở thành tâm điểm chú ý, từ khi cô tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2007. Nữ cư sĩ Maya Kasandra Soetoro-Ng là một nhà nghiên cứu và giáo dục. Cô đã làm việc tại một số trung tâm, trường Cao đẳng và đã chứng tỏ mình là một học giả, một Phật tử.
20/10/2020(Xem: 5194)
Tổ chức Từ thiện Tây Tạng được thành lập tại Đan Mạch vào năm 1997, do Tôn giả Lakha, vị Lạt Ma, Triết gia, sáng lập và Chủ tịch Tổ chức Từ thiện Tây Tạng, người lãnh đạo tinh thần của khoảng 100.000 người Tây Tạng ở Batang, Đông Tây Tạng. Cư sĩ Tsering Thundup, cựu Hiệu trưởng Trường nội trú Tây Tạng ở Bắc Ấn Độ, phụ trách các hoạt động tổ chức phi chính phủ ở Dharamshala, Ấn Độ.
18/10/2020(Xem: 7773)
Các lời trích dẫn giáo lý của Đức Phật cùng các danh nhân khác thường thấy trên mạng, báo chí và tạp chí đủ loại tại các nước Tây phương. Dường như trong cuộc sống dồn dập tại các nơi này, một số người đôi khi cũng thích đọc một vài câu ngắn gọn nhưng sâu sắc, giúp mình suy nghĩ về xã hội, con người và sự sống nói chung.
17/10/2020(Xem: 6408)
-Tùy hỷ là vui theo, Tâm tùy hỷ là tâm tốt, tâm tốt thường thấy những điều chung quanh đều tốt, vì “người vui cảnh chẳng đeo sầu”, khi thấy người khác có cái gì tốt, cái gì đẹp, hiền lành được an ổn, hạnh phúc, thành đạt thì mình vui theo, như chính mình được và thấy họ làm điều phước thiện, đạo đức mình cố công giúp đỡ khiến họ được thành tựu. Vui cái vui của người, mừng thấy cái tốt của người sẽ là một sự thông hiểu, tạo được không khí an lành đầy chân thành hòa đồng trong tâm niệm hạnh phúc. Lúc đó tâm ta sẽ thấy an vui, nhẹ nhõm, thanh thoát cõi lòng, sống trong hiện tại rất là thư thái, ý nghĩa, nhiều lợi ích và được nhiều người thương yêu tôn kính và yểm trợ, tương lai chắc chắn sẽ hưởng được nhiều điều may mắn và tràn đầy phước đức.
17/10/2020(Xem: 8198)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Mấy hôm nay vì lo vận động giúp đỡ đồng bào thiên tai bão lụt Miền Trung nên chúng con, chúng tôi chậm trễ việc tường trình các thiện sự trên xứ Phật, mong chư vị cảm thông và hoan hỉ. - Trong tuần qua, chúng con chúng tôi đã thực hiện một buổi phát chẩn tại 2 ngôi Làng Kusa & Niranjan Village. Làng Kusa chính là ngôi làng có ngôi đền Kusa Temple, đánh dấu nơi mà ngàn xư Thế Tôn đã thọ nhận 8 bó cỏ của người nông phu, rồi từ địa đó Ngài đã mang cỏ về trải làm toạ cụ dưới Cội Bồ Đề và tu hành chứng Đạo. Hiện nay dân chúng nơi đây nói riêng và nhiều nơi trên xứ Ấn nói chung vẫn khổ sở vì Dịch Covid còn kéo dài lê thê, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nên kinh tế của xứ nay`
17/10/2020(Xem: 5718)
Vào ngày 11 tháng 10 năm 2020, Cộng đồng sắc tộc Rakhine tại Bangladesh (RCB), một tổ chức của người dân tộc thiểu số Rakhine đang sống tại Bangladesh, đã thành lập một chuỗi người và biểu tình trước Bảo tàng Quốc gia ở Dhaka, miền trung Bangladesh, để lên án tất cả các hành vi tra tấn dã man, cướp bóc, giết người và vi phạm nhân quyền do bạo lực quân sự của Myanmar gây nên. Cư sĩ Kyawo Nyin Rakhine, người tổ chức biểu tình, cho biết đây là lần đầu tiên một cuộc biểu tình được tổ chức bởi cộng đồng, chủ yếu là các Phật tử Rankhine ở Dhaka.
16/10/2020(Xem: 6349)
Trong cuộc phỏng vấn với UNESCO Courier, Thiền giả Yuval Noah Harari (liên kết bên ngoài), một nhà sử học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông là tác giả của các cuốn sách bán chạy thế giới Sapiens: Lược sử loài người (2014), Homo Deus: Lược sử tương lai (2016) và 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018). Bài viết của ông xoay quanh ý chí tự do, ý thức và trí thông minh và hạnh phúc, ông đã phân tích những hậu quả của cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Virus corona gây ra hiện nay có thể là gì, và nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác khoa học quốc tế và chi sẻ thông tin giữa các quốc gia.
16/10/2020(Xem: 6336)
Ma là một khái niệm mơ hồ, có người tin và có người không tin, tuy nhiên luôn là đề tài hấp dẫn đối với phụ nữ mặc dù các bà rất sợ ma nhưng lại thích nghe chuyện ma. Từ xưa đến giờ chưa ai thấy hình dáng, hình tượng con ma ra sao, thế nhưng trong tưởng tượng, mọi người phác họa ra những con ma vô cùng đa dạng, độc đáo.
15/10/2020(Xem: 5644)
Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người khác, Hoa Kỳ phải tiếp tục dẫn đầu trong việc duy trì tự do tôn giáo. Về vấn đề tôn giáo tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã nói rõ một điều hoàn toàn không rõ ràng: “Không có nhóm tôn giáo nào nằm ngoài tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
15/10/2020(Xem: 6695)
Cư sĩ Stephen Batchelor, một nhà văn Phật giáo đương đại, nổi tiếng với cách tiếp cận thế tục hay bất khả tư nghì đối với Phật giáo. Cư sĩ Stephen Batchelor coi Phật giáo là một nền văn hóa không ngừng phát triển của sự giác ngộ hơn là một hệ thống tôn giáo, dựa trên những giáo điều và niềm tin bất biến. Đặc biệt, ông tôn trọng các giáo lý về nghiệp báo và tái sinh để trở thành những đặc điểm của nền văn minh Ấn Độ cổ đại, và không nội tại đối với điều Đức Phật dạy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]