Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Câu chuyện đi đứng

10/03/201418:31(Xem: 8862)
Câu chuyện đi đứng
minh_hoa_quang_duc (246)

CÂU CHUYỆN ĐI ĐỨNG


Chân Hiền Tâm

Chuyển động biểu kiến của mặt trời
Mặt trời lên ở phương Đông, giữa trưa ở tại đỉnh đầu rồi ngả dần về phương Tây và mất bóng. Ngày nào cũng theo chu trình đó mà đi. 21/3 mỗi năm, mặt trời ở thiên đỉnh xích đạo. Những tia sáng mặt trời chiếu vuông góc với tiếp tuyến bề mặt trái đất ở xích đạo. Sau đó nó di chuyển dần lên chí tuyến Bắc và ở thiên đỉnh chí tuyến Bắc vào ngày 22/6.
Ba tháng sau nó lại ở thiên đỉnh xích đạo lần hai. Rồi sau đó chuyển dần về chí tuyến Nam và lên thiên đỉnh ở chí tuyến Nam vào ngày 22/12. Và cứ thế tiếp tục chu trình của mình…Khi chuyển động quanh mặt trời, trục của trái đất luôn nghiêng với mặt phẳng quỹ đạo một góc 66033’, thành khi đứng ở bề mặt trái đất, ta thấy mặt trời dịch chuyển từ xích đạo lên chí tuyến rồi trở về lại xích đạo v.v… mà thật không hề có sự dịch chuyển. Người ta gọi những chuyển động thấy bằng mắt mà không thực có đó là chuyển động biểu kiến[1].

Sự dịch chuyển của các hình toán học
Không có một chuyển động nào ở đó. Chỉ là những tấm hình rất phẳng. Trên đó, một mặt phẳng tròn màu xanh được trang điểm bằng những hình thoi màu đỏ nối tiếp nhau, xếp thành hình vòng tròn, nhỏ ở trung tâm và lớn dần lên ở bìa phẳng hình tròn. Một hình chữ nhật màu vàng được trang điểm bằng những hình oval xanh, lớn bé không đều, được xếp dọc tạo thành những hình trụ xoay vòng. Rồi những vòng hoa văn như bánh xe được đặt sát nhau v.v…[2]. Chúng được xắp xếp theo một cách mà khi nhìn vào, tất cả như đang dịch chuyển.
Mọi thứ đang chuyển dịch dù bản thân chúng không hề chuyển dịch. Chỉ nhờ sự kết hợp khéo léo giữa các hình ảnh toán học, màu sắc và cách nhìn của người xem mà thấy chúng dường như đang chuyển dịch không ngừng. Tôi in những hình ảnh đó ra giấy. Trên một mảnh giấy bóng cũng có mà in thành hình trắng đen cũng có. Tất cả những dịch chuyển đều biến mất. Chẳng còn gì ngoài những hình ảnh phẳng lỳ, không có chuyển động. Đó không phải là chuyện lạ. Bởi nhân duyên tạo hình thay đổi thì cái quả nhận được cũng thay đổi theo. Trong thế giới này, có bao nhiêu chuyển động được nhìn thấy bằng mắt mà thật không hề có chuyển động như những gì mình đã từng thấy?

“Không đến cũng không đi” của Trung Luận
Trong phẩm Phá đến đi, Bồ-tát Long Thọ nói kệ:

Đã đi không có đi
Chưa đi cũng không đi
Lìa đã đi chưa đi
Đang đi cũng không đi.

Diễn tả sự chuyển dịch trong ba thời một cách rất mộc mạc. Đã, là những gì thuộc về quá khứ. Chưa, là chuyện chưa tới ở vị lai. Đang, muốn nói đến việc xảy ra trong hiện tại. Cả ba thời đều không có đi. Tức không tìm thấy sự chuyển dịch trong cả ba thời.

Hì…
Chỗ động ắt có đi
Trong ấy có đang đi
Không đã đi chưa đi
Nhưng đang đi có đi.

Ít ai chịu chấp nhận những thứ đang hoạt động ì xèo trước mắt là không. Chuyển động trong quá khứ và vị lai có thể nói không, vì một thì chưa có và một thì không còn hiện diện. Nhưng hiện tại, không thể phủ nhận những gì đang diễn ra trước mắt. Đang đi nhất định có đi vì ở đó đang có sự chuyển động. Song Bồ-tát Long Thọ nói không. Ắt phải có vấn đề để bàn luận.

Làm sao nói đang đi
Mà có sự kiện đi
Nếu lìa sự kiện đi
Đang đi không thể được.
Nếu nói đang đi đi
Người ấy ắt có sai
Lìa đi có đang đi
Đang đi đi một mình.

Á à… Nói không đi, không phải là phá bỏ cái anh đang thấy là không. Những gì anh đang thấy không phải không, nhưng đó chỉ là cái thấy trong mộng. Vì là mộng, nên tuy thấy có đi có đến mà thực thì không đi không đến. Ngay khi mộng đã không. Tỉnh mộng đương nhiên hết. Nói không, là muốn nói những chuyển động, tuy thấy có đó mà chỉ như huyễn như hóa, không có chất thực, không có thực tánh.

Vì không pháp nào có thực tánh, nên hiện tại, vật lý không thể tìm thấy ở chuyển động một giá trị mang tính phổ quát. Trạng thái đứng yên hay chuyển động của một vật chỉ mang tính tương đối. Nó lệ thuộc vào vị trí của người quan sát. Người ngồi trên xe đạp sẽ thấy đường đi của đầu van là một chuyển động tròn đều quay quanh trục bánh xe. Người đứng bên vệ đường sẽ thấy đầu van chuyển động theo dạng hình cong lúc lên cao, lúc xuống thấp. Quỹ đạo của chuyển động mang tính tương đối. Một xe lửa đang chạy với vận tốc 40km/h. Người ngồi yên trên xe lửa sẽ có vận tốc là 0 đối với xe lửa, nhưng với người đang đứng ở vệ đường, người ngồi yên đó đang có vận tốc là 40km/giờ. Nghĩa là vận tốc trong chuyển động cũng mang tính tương đối[3].

Cho nên, muốn khảo sát một chuyển động không thể khảo sát chung chung mà phải dựa vào một thứ gọi là hệ quy chiếu. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là phải khảo sát trong một duyên nhất định nào đó. Tức chuyển động là pháp nhân duyên. Nhân duyên thì “Pháp do nhân duyên sinh/ Ta nói tức là không”[4]. Đó là lý do vì sao Bồ-tát Long Thọ nói đang đi cũng không đi. Là muốn nói mọi chuyển động tuy thấy có mà không có tự tánh.

Bài kệ, không nói đến hệ quy chiếu cũng không nói đến vận tốc, chỉ lý luận đơn giản rằng: Làm sao nói đang đi mà có đi? Nếu nói đang đi có đi, tức cho nó có tự tánh, thì nó phải đáp ứng đủ ba điều kiện là tự có, độc lập và thường trụ[5]. Nhưng mọi chuyển động không có thứ nào tự có hay độc lập. Vì đều là pháp nhân duyên. Đều phải nương vào pháp khác mới hiện tướng được. Như “đang đi”, phải nương vào sự kiện đi mới có “đang đi”. Không thể không có sự kiện đi mà nói có đang đi. “Đang đứng” cũng phải nương vào sự kiện đứng mới nói “đang đứng”. Không có sự kiện đứng mà nói có đang đứng, là trông gà hóa cuốc. Vì thế, kệ nói “Nếu lìa sự kiện đi/ Đang đi không thể được”. Không có “sự kiện” đi thì “đang đi” không thể thành lập.

Như vậy, điều kiện để một chuyển động được cho là có, là nó phải đang xảy ra. “Đang đi”. Nhưng cái đang xảy ra đó là pháp nhân duyên, vì phải nương vào pháp khác mới hiện thành được. Pháp nhân duyên, “Ta nói tức là không”. Vật lý hiện đại đã nói đến cái gọi là không-thời gian liên thể. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nói: “Thực tế, chúng tạo thành một cặp rất thống nhất mà sự vận động của chúng luôn bổ sung cho nhau”[6]. Thời gian và không gian bây giờ không còn được xem là những thực thể độc lập như thời Newton.

Hãy chú ý đến mấy từ “độc lập” mà các vị đã dùng để nói về thời gian. Nó giúp chúng ta hiểu câu “Đang đi đi một mình”. Nếu bạn thấy có một chuyển động đang diễn ra và bạn cho nó có, tức có thực tánh, là bạn đang dùng quan điểm của Newton để nhìn sự vật, cho thời gian và không gian là những thực thể độc lập với nhau và độc lập với vật.

Với cái nhìn của những nhà vật lý hiện đại, thời gian không còn “đi một mình”, nó không tách lìa không gian. Và vật là thứ quyết định sự co dãn của chúng[7]. Chúng là pháp nhân duyên. Pháp do nhân duyên sinh, “Ta nói tức là không”. Vật lý hiện đại đã nói đến tính không độc lập của thời gian và không gian (là mặt nhân duyên của pháp), cũng nói đến tính không phổ quát của chúng (là mặt không có thực tánh của pháp), nhưng chưa thể thấu được cái gọi là thực tánh của nhân duyên. Như hàng Nhị thừa chưa nhận ra được thực tướng của Tứ đế, Thập nhị nhân duyên hay Niết-bàn. Chưa thấu được cái lý tất cả đều từ tâm sinh, đều lấy tâm vô sinh làm gốc. Đó là thứ mà nền vật lý hiện đại chưa thể hình dung, nhưng Trung luận đã bàn đến.

Mặt trời thấy có chuyển dịch mà thật không có chuyển dịch, chỉ vì trái đất xoay quanh. Đến đi vốn không đến đi mà thấy có đến đi, chỉ vì tâm động. Tâm động nên cảnh vật thấy đổi dời mà thật không có đổi dời. Lục Tổ nói: “Không phải phướng động. Không phải gió động. Tâm nhân giả động”[8].

“Đi” lấy “Đi mà không đi” làm nghĩa
Văn Thù hỏi cô Am Đề Già[9]:
- Sinh lấy gì làm nghĩa?
Am Đề Già đáp:
- Sinh lấy “Sinh mà không sinh” làm nghĩa.
Văn Thù hỏi:
- Sinh lấy “Sinh mà không sinh” làm nghĩa là sao?
Am Đề Già thưa:
- Nếu hay rõ biết bốn duyên đất, nước, gió, lửa chưa từng tự được, tuy có chỗ hợp mà chỉ tùy chỗ ứng hợp. Đó là nghĩa sinh.

Hỏi tiếp:
- Tử lấy gì làm nghĩa?
- Tử lấy “Tử mà không tử” làm nghĩa.
- Là nghĩa lý gì?
- Nếu hay rõ biết bốn duyên đất, nước, gió, lửa chưa từng tự được, tuy có chỗ ly mà chỉ tùy chỗ ứng hợp. Đó là nghĩa tử.

Rồi Am Đề Già hỏi Văn Thù:
- Đã rõ biết cái lý sinh là không sinh thì sao vẫn cứ sinh tử xoay vần?
Văn Thù đáp:
- Vì lực chưa đủ.

“Lực chưa đủ” là căn nguyên khiến mọi cái thấy trở thành hạn cuộc, không còn nhìn pháp đúng như chính nó. Cũng khiến cho kẻ dù đã thấu được cái lý “sinh mà không sinh”, “tử mà không tử”, vẫn chưa thoát được cửa ải sinh tử. Gốc là tâm, nên đất, nước, gió, lửa chưa từng tự được. Nói “tự” đó, là không do cái khác mà được. Nhưng có thứ nào không từ tâm sinh[10]. “Tâm sinh thì tất cả pháp sinh. Tâm diệt thì tất cả pháp diệt”[11]. Đâu có chủ thể để tự quyết cho thân phận mình mà nói tự được. Chưa từng tự được!. Sinh tử như thế thì đi đứng cũng không khác. Đều cùng một thể mà ra. “Đi” lấy “Đi mà không đi”làm nghĩa. “Đứng” lấy “Đứng mà không đứng” làm nghĩa. Hiểu không? Đừng nói là lực chưa đủ…

Hóa nhân thì không có đến đi
Thời Phật còn tại thế, có tín nữ tên Hằng Hà Thượng. Người ta gọi cô là Ưu-bà-di Hằng Hà Thượng[12]. Một lần, cô đến vườn Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ gặp Phật. Phật hỏi:
- Cô từ đâu đến?
Hằng Hà Thượng thưa:
- Bạch Thế Tôn! Nếu hỏi hóa nhân[13] “ngươi từ đâu đến” thì phải đáp ra sao?
Phật trả lời:
- Là hóa nhân thì không có đến đi cũng không có sinh diệt, làm sao nói đến đi?
Hằng Hà Thượng thưa:
- Bạch Thế Tôn! Các pháp không phải đều là hóa nhân sao?
Phật đáp:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời tín nữ đã nói.

Không có đến đi vì tất cả đều là hóa nhân. Đều là sở hiện của tự tâm, như ngủ rồi mộng. Trong mộng thấy có đến đi mà thật là không có đến đi. Cho nên, Hằng Hà Thượng trả lời:
- Nếu các pháp đều như hóa nhân, sao Thế Tôn còn hỏi con từ đâu đến?
- Người huyễn hóa thì không đến đường ác, không sinh lên trời, không chứng Niết-bàn. Hằng Hà Thượng, cô cũng vậy sao?
- Bạch Thế Tôn! Nếu con thấy thân khác với huyễn hóa mới có thể nói đến đường ác, sinh đường thiện và chứng Niết-bàn. Con không thấy thân khác huyễn hóa, sao lại nói đến đường ác và chứng Niết-bàn? Bạch Thế Tôn, như tánh Niết-bàn, rốt ráo không thể sinh thiện ác đạo cùng bát Niết-bàn. Con thấy thân con cũng như vậy.

À, té ra… thấy có tới lui dịch chuyển như hiện nay là tại chưa sống được với cái thật, chưa nhận ra được cái gọi là thân huyễn hóa, tâm vọng tưởng. Cảnh trong mộng vẫn còn thật khi người ngủ chưa hết mơ. Bởi còn chấp sắc thân và tâm vọng động này là thật nên chưa thể thoát được cái nhìn rơi vào nhị biên phân biệt. Nhị biên không trừ thì chưa thể nhận ra sự huyễn hóa của thân tâm. Cứ tưởng lầm những hình ảnh toán học kia thật có chuyển dịch mà không thấy mặt nhân duyên kết hợp của chúng. Lìa nhân duyên ấy ra, chuyển dịch hoàn không. Vì tánh nó vốn không.

- Không phải cô đang hướng đến Niết-bàn giới đó sao?
- Bạch Thế Tôn! Nếu đem lời hỏi này hỏi chỗ vô sinh thì thế nào?
- Vô sinh là Niết-bàn.
- Bạch Thế Tôn! Các pháp không phải đều đồng với Niết-bàn sao?
- Đúng vậy! Đúng vậy!

Lần thứ hai, Đức Phật xác nhận lời nói của Hằng Hà Thượng là đúng. Các pháp đều đồng với Niết-bàn. Bởi tánh các pháp chính là tâm vô sinh. Tâm vô sinh và Niết-bàn không hai không khác. Nhập Niết-bàn, chính là trở về thể nhập lại thể tánh vô sinh của chính mình, cũng là cội nguồn từ đó phát sinh vạn pháp.

Cái gọi vô sinh đó, chính là Tri kiến Phật nói trong Pháp hoa, là Tướng không nói trong Bát-nhã, là Bát bất của Trung luận, là Chân như của luận Đại thừa khởi tín v.v…[14] Tất cả pháp đều đồng cái cội gốc ấy, đều đang ở trong Niết-bàn.

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đã đồng với Niết-bàn, sao còn hỏi con “Cô không đang thú hướng niết bàn giới sao?”.

Niết-bàn không lìa tâm mà có thì sao còn hỏi con chuyện thú hướng. Ngay nơi cái tâm vọng động phân biệt này mà dừng đi những chấp trước phân biệt thì Niết-bàn vô trụ xứ liền đó. Niết -bàn này không đồng với Niết-bàn của Nhị thừa, thấy có sinh tử để ly, Niết-bàn để vào. Niết-bàn này là tự thể vô sinh của tất cả pháp. Nhập Niết-bàn chính là sống lại được với tánh thể vô sinh ấy.
Sống được với tánh thể vô sinh ấy thì thấy tất cả những gì có tướng đều là hư vọng. Tuy thấy đến đi mà thật không có đến đi. Tuy thấy chuyển động mà thật không có chuyển động. Nói theo Trung luận thì “Không đi đến cũng không phải không đi đến”. “Không đi đến” vì tự thể vốn không. “Không phải không đi đến” vì mê tình chưa hết, đủ duyên liền hiện, không thể nói không.
________________________________

[1]http://diavinhlong.forumvi.com/t267-topic.

[2]http://thinhupro.wap.sh/anhao/anhao

[3] http:// thuvienvatly.com

[4] Nói trong phẩm Phá Tứ đế. Vì sao nói “Pháp do nhân duyên, là không” thì trong phẩm Phá nhân duyên, Luận chủ đã dùng lý luận cho thấy nhân duyên sinh là không, là vô sinh. Đây, dùng phần hệ quả đó mà nói.

[5] Quy ước khi nói về pháp có tự tánh.

[6] Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, Phạm Văn Thiều dịch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

[7] Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, tr.86 ghi: “Thời gian đã mất đi tính phổ quát của nó. Cũng như không gian, thời gian trở nên đàn hồi. Nó dài ra hay co ngắn lại tùy thuộc vào chuyển động của người đo nó”.

[8] Pháp bảo đàn kinh, phẩm Tự Thuật.

[9] Mẫu truyện này được lấy từ kinh Lăng nghiêm tông thông, Thiền sư Nhẫn Tế dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo.

[10] Trong luận Đại thừa khởi tín trực giải, Đại sư Hám Sơn giải thích: Tâm, do bất giác mà hiện Năng kiến cùng Cảnh giới tướng. Cảnh giới tướng, chỉ cho hư không và tứ đại.

[11]Luận Đại thừa khởi tín, Bồ-tát Mã Minh.

[12]Kinh Đại Bửu Tích quyển VI, Phẩm Ưu-bà-di Hằng Hà Thượng, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch.

[13] Người do ảo thuật biến ra, bóng trên tường .

[14] Tên khác mà thể đồng. Tùy ở nhân hay quả mà thấy có khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/08/2021(Xem: 4154)
Sau sự xuất hiện của máy tạo oxy ở Indonesia, và được đến Hội Từ tế Phật giáo Indonesia, Pantai Indah Kapuk, Bắc Jakarta vào hôm thứ hai, ngày 26 tháng 7 năm 2021, 500 thiết bị máy tạo oxy (trong tổng số 5.000 đơn vị viện trợ) đã được bàn giao tượng trưng cho Ban Thư ký Nội các nước Cộng hòa Indonesia tiếp nhận vào hôm thứ ba, ngày 27 tháng 7 năm 2021, để xử lý Covid-19 tại Indonesia.
06/08/2021(Xem: 9743)
Cũng như chuông, trống cũng được coi như là một loại pháp khí không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của đa số dân tộc theo Phật giáo. Phật tử Việt Nam chúng ta rất gần gũi với thanh âm ngân vang thâm trầm của tiếng chuông; tiếng trống thì lại dồn dập như thôi thúc lòng người...Tại các ngôi chùa, trống Bát Nhã được đánh lên là để cung thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng tri buổi lễ. Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm. Bà kệ trống Bát Nhã được đọc như sau: Bát Nhã hội Bát Nhã hội Bát Nhã hội Thỉnh Phật thượng đường Đại chúng đồng văn Bát Nhã âm Phổ nguyện pháp giới Đẳng hữu tình Nhập Bát Nhã Ba La Mật môn Ba La Mật môn Ba La Mật môn.
06/08/2021(Xem: 4794)
Sư thăng tòa nói: "Linh quang độc chiếu (sáng tỏ), thoát hẳn căn trần, thể lộ chân thường, chẳng kẹt văn tự, tâm tính vô nhiễm, vốn tự viên thành, hễ lìa vọng duyên tức như như Phật". Có vị tăng hỏi: "Thế nào là pháp yếu của Đại thừa Đốn ngộ? Sư đáp: - "Các người trước ngưng các duyên, thôi nghĩ muôn việc, thiện và bất thiện, thế gian và xuất thế gian - tất cả các pháp chớ ghi nhớ, chớ duyên niệm - buông bỏ thân tâm khiến cho tự tại, tâm như gỗ đá chẳng còn phân biệt, tâm vô sở hành. Tâm địa nếu không thì Trí huệ nhựt tự hiển, như đám mây tan thì mặt trời hiện ra. Hễ ngưng nghỉ tất cả phan duyên, thì những hình thức tham sân, ái thủ, cầu tịnh đều sạch - đối với Ngũ dục, Bát phong chẳng bị lay động, chẳng bị kiến văn giác tri trói buộc, chẳng bị các cảnh xấu đẹp mê hoặc, tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, ấy là người giải thoát. Đối với tất cả cảnh giới, tâm chẳng tịnh chẳng loạn, chẳng nhiếp chẳng tán,thấu qua tất cả thanh sắc chẳng có trệ ngại, gọi là Đạo nh
06/08/2021(Xem: 5059)
Dấu chân xưa du hóa, một mảnh trời bao dung, gởi những lời vàng ngọc hương xưa bay khắp cả cung trời. Từ xứ Ấn, nơi thánh tích niềm tâm linh Tôn Giáo Phật Đà, Bậc Cha Hiền Đấng Như Lai Thích Ca truyền giáo, khai sáng nguồn tâm nuôi dưỡng chủng tánh cho chư vị Thánh giả Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, hay chư vị Thiên thần Long vương, Trời người quy kính, nghe Đấng Như Lai thuyết giảng, từ gốc nhìn sâu lắng, từ pháp tu thực hành, nên Vua Quan, dân chúng ở xứ Ma Kiệt Đà, xứ Kiều Tất La, vang khắp dòng suối chảy Hưng Long Chánh Pháp nơi xứ Ấn. Có chư vị Thập đại đệ tử lớn, các vị Thánh Tăng tu tập chứng nghiệm, đạt thánh quả A-La- Hán. Tôn Giả A- Nan nối truyền Kinh Tạng nghe thông thuộc ghi nhớ không sót một câu, Tôn Giả Đại Ca Diếp nối truyền Y bát tâm tông Phật trao, làm đệ nhất Tổ sư truyền thừa, vị Luật sư Tôn giả Ưu Ba Ly, và 500 vị A- La-Hán, kết tập Kinh điển Giáo lý mà Đấng Như Lai thuyết trình qua 49 năm hành hóa độ sinh, Tôn Giả A- Nan là vị trùng tuyên Kinh Tạng, Tôn Giả Ưu-Ba-
05/08/2021(Xem: 3758)
Neil Lindsay, Phó Chủ tịch Amazon Affiliate (một chương trình tiếp thị liên kết) hỏi rằng, anh muốn đóng góp chung cảnh với ai tại Cannes Lions, lập tức anh nghĩ đến Thiền giả Yuval Noah Harari, nhà sử học Do Thái, tác giả 3 cuốn sách nổi tiếng “Sapiens”, “Homo Deus” và “21 Lessons for the 21st Century” vừa có bài viết trên Financial Times về tương lai thế giới sau đại dịch Covid-19 và những lựa chọn của nhân loại.
04/08/2021(Xem: 3857)
Đây là lần đầu tiên, trường Đại học Dongguk tổ chức buổi Thiền Trà đạo thành kính tưởng niệm Thiền sư Vạn Hải (1879-1944), cũng là kỷ niệm Ngài nhập học vào ngày 29 tháng 6 năm 1944, Ngài từng là cựu sinh viên Đại học Dongguk, là Hiệu trưởng cựu sinh viên đầu tiên, nay Ngài đã trở về trường cũ của mình sau 77 năm. . . Trường Đại học Dongguk đã tổ chức buổi lễ Thiền Trà đạo thành kính tưởng niệm Thiền sư Vạn Hải tại Chính Giác Viện vào lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 29 tháng 6 năm 2021.
03/08/2021(Xem: 4252)
Trong một văn bản độc quyền bằng tiếng Pháp, Thiền giả Yuval Noah Harari, một nhà sử học người Israel, giáo sư Khoa học Lịch sử tại Đại học Hebrew của Jerusalem, trường đại học lâu đời thứ hai ở Israel, sau trường Technion. Ông là tác giả của các quyển sách bán chạy nhất thế giới “Sapiens: Lược sử loài người” (2014), “Homo Deus: Lược sử tương lai” (2016) và “21 bài học cho thế kỷ 21” (2018). Bài viết của ông xoay quanh ý chí tự do, ý thức, trí tuệ và hạnh phúc. Nhìn lại năm đặc biệt này. Sau một năm khám phá khoa học và những thất bại chính trị, chúng ta có thể rút ra bài học gì cho tương lai?
03/08/2021(Xem: 7560)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào thứ 6 (July 30 2021) tuần vừa qua, Hồi từ thiện Bồ Đề Đạo Tràng chúng con, chúng tôi vừa thực hiện một đợt phát quà hỗ trợ cho 250 hộ bà con lao động nghèo tại quê hương VN nhân hoạn nạn Dịch Covid bùng phát. Kính mời quí vị đọc nguyên văn lời Tường trình của Ni Sư Huệ Lạc sau đây!
03/08/2021(Xem: 4970)
NGUYỆN CẦU ĐỂ LÀM NGUÔI CƠN SỢ HẢI VÌ BỆNH DỊCH Những vần thi kệ đã cứu tu viện Sakya khỏi bệnh tật *** *** Nguyện tất cả những tật bệnh quấy rầy tâm thức của chúng sanh, Và những thứ do kết quả từ nghiệp chướng và những điều kiện tạm thời, Chẳng hạn như những tổn hại do quỷ thần, đau ốm, và sức mạnh thiên nhiên, Không bao giờ xảy ra khắp mọi nơi trên thế giới này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]