Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Làm sao để ta sống lạc quan ?

09/03/201418:06(Xem: 10431)
Làm sao để ta sống lạc quan ?


minh_hoa_quang_duc (6)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TA SỐNG LẠC QUAN?


Phật pháp có thể giúp chúng ta có sự hiểu biết chân chính về sự tốt xấu, phải quấy, đúng sai của cuộc sống. Con người thế gian thường có cái nhìn đối với đời sống không ngoài hai vấn đề là bi quan và lạc quan. Bi quan là sao? Bi là buồn chán, thương xót. Bi quan là quan niệm nhìn đời sống trên thế gian này không có gì vui, tất cả đều chán chường, sầu thảm. Người bi quan lúc nào cũng có những nét suy tư, đăm chiêu, nản chí; có thái độ không muốn làm việc dấn thân đóng góp mà cũng không thích vui chơi, trác táng và họ trở nên thụ động, khép kín. Lạc quan là quan niệm thoải mái, vui vẻ, chấp nhận những gì có được trong hiện tại hoặc các việc đã qua, đang tới hay sắp đến. Đối nghịch với lạc quan là bi quan.

Trong thực tế cuộc sống, ai làm người cũng không muốn mình là kẻ bi quan, chán đời vì người bi quan lúc nào cũng sống trong tâm trạng buồn chán. Người bi quan hay sống về nội tâm, họ cảm thấy mình kém may mắn, tự cho rằng mình được sinh ra dưới các vì sao xấu bởi một bàn tay vô hình nào đó đã sắp đặt và định đoạt số phận của họ.

Con người hơn hẳn các loài vật nhờ có suy nghĩ, hiểu biết, nhưng cũng chính sự suy tư không đúng sự thật về cuộc đời sẽ giết chết lần mòn cuộc sống của người bi quan trong từng giây phút. Nhất là những con người sinh ra đời trong hoàn cảnh không được thuận lợi, tốt đẹp cho lắm về mọi mặt, họ thường suy nghĩ vẩn vơ mà không có hướng đi cùng mục đích rõ ràng. Họ mang lấy mặc cảm thua sút mọi người, do đó thường hay lẫn tránh đám đông hay ít tham dự vào sinh hoạt của cuộc sống cộng đồng xã hội.

Cuộc sống của con người lúc nào cũng mang hai yếu tố thể xác và tinh thần. Người bi quan thường bắt đầu trong hoàn cảnh không được may mắn, cảm thấy thua sút mọi người nên hay mặc cảm, tự ti, tránh né. Nội tâm của họ hoạt động rất mạnh bởi những suy tư thiếu hiểu biết dẫn đến thái độ chán chường, bi quan và nản chí.

Thái độ bi quan vì không nhìn thấy được lẽ thật nên họ cảm thấy bất an bởi những quan niệm đời người ngắn ngủi, mạng sống tạm bợ vì ai cũng sẽ chết, chính vì vậy mà họ ủ rũ, đăm chiêu, buồn thảm và lo lắng, sợ hãi.

Có nhiều người do không nhìn xa hiểu rộng nên thấy đạo Phật có vẻ bi quan, yếm thế bởi những tập tục hủ lậu có tính cách mê tín như xin xăm, bói toán, coi ngày giờ tốt xấu, dâng sớ cúng sao giải hạn. Những tập tục tín ngưỡng này đi ngược lại với học thuyết nhân quả của đạo Phật bởi sự xâm nhập của tư tưởng đạo lão, đạo Khổng của Trung Quốc trong thời Tam giáo đồng nguyên. Một số người tu sĩ tuy vẫn biết đó không phải là văn hóa Phật giáo theo lời Phật dạy nhưng vì phương tiện quá đà mà làm mất đi niềm tin của nhiều người.

Người sống lạc quan là người luôn có thái độ sống tốt và tử tế với tất cả mọi người, luôn vui vẻ, yêu đời. Do đó, trong mối quan hệ giao tế làm ăn họ giao dịch rất dễ thành công và được nhiều người kính mến, yêu thương và tôn trọng. Chính thái độ sống lạc quan sẽ giúp chúng ta tự tin đối mặt với những khó khăn mà cố gắng tìm ra giải pháp để khắc phục hậu quả không tốt. Chính vì thái độ sống lạc quan sẽ giúp chúng ta dễ dàng làm chủ được bản thân và nắm bắt mọi tình huống khó khăn để giải quyết kịp thời. Ta chỉ cần lạc quan yêu đời thì coi như mình nắm chắc 50% cơ hội thành công và phần còn lại là do sự cố gắng và thiện chí của chúng ta.

Chính vì vậy, chúng ta hãy luôn sống với tinh thần lạc quan để đón nhận niềm vui cuộc sống và hãy tìm cách chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau để được an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi, sẽ có lúc chúng ta vấp phải sai lầm và thất bại đó có thể làm chúng ta chùn bước mà bỏ mặc, phó thác số phận cho cuộc đời. Nếu quá bi quan thì chúng ta sẽ đánh mất niềm tin về nhân quả và rất có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt để làm mới lại chính mình. Khi con người luôn sống lạc quan sẽ không bao giờ thất vọng, buồn phiền mà cố gắng tìm cách khắc phục dù trong những lúc khó khăn nhất.

Sự phát triển để nhân loại được tồn tại là một cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập nhau. Cuộc sống này luôn luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu, có tích cực là phải có tiêu cực, có vui là phải có buồn, có sinh là phải có tử, có thiện là phải có ác,… Những mặt đối lập luôn tồn tại song song với nhau trên thế gian này, chúng ta hãy nhận thức sáng suốt để hiểu rõ điều đó mà vui vẻ lạc quan làm những gì có lợi ích cho nhân loại. Có những chuyện làm cho ta được hài lòng vừa ý, lại có những chuyện khiến cho ta đau buồn khổ sở nhưng đó là những điều không thể thiếu để tạo nên cuộc sống.

Phật dạy trong bầu vũ trụ bao la này từ con người cho đến muôn loài vật đều có sự nương tựa vào nhau, không tách rời nhau theo nguyên lý duyên sinh. Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, sự tồn tại của mặt này phải lấy sự tồn tại của mặt kia làm tiền đề cho nhau. Có nhiều người được thành công trong khoảng thời gian dài nhưng đến khi thất bại lại bị suy sụp tinh thần và sống trong tuyệt vọng. Trong cuộc sống sự thành công và thất bại là hai điều kiện luôn đồng hành với nhau, bởi nhân quả đã gieo trong quá khứ và hiện tại nên mới có người tốt-kẻ xấu.

Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự phát triển để thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Nếu không có mâu thuẫn đối kháng thì sẽ không có sự tiến bộ. Có nhiều khi vì những mâu thuẫn trong cuộc sống mà ta quyết tâm phải vươn lên vượt qua số phận tối tăm. Chính những mâu thuẫn đó lại giúp chúng ta mạnh mẽ hơn để đạt được thành công. Nếu nhìn nhận cuộc sống theo quan điểm đúng đắn của nhà Phật thì sẽ thấy cuộc đời là một chuỗi nhân duyên đan xen chằng chịt diễn ra rất logic, không có gì là vô lý cả.

Có một anh chàng nọ làm nghề lái xe sống rất lạc quan yêu đời, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng không buồn lòng, nản chí. Trong một tai nạn bất ngờ anh bị cưa mất một chân, bạn bè đến thăm mới hỏi cuộc sống của anh lúc này ra sao, anh vui vẻ trả lời “bây giờ chỉ tốn tiền mua một chiếc giày mà thôi”. Rõ ràng, người lạc quan dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm cho họ thất chí, nản lòng mà sinh ra buồn khổ bởi mọi thứ đến với ta tốt hay xấu đều do nhân quả chi phối.

Báo “Sức Khỏe” nói thái độ sống lạc quan yêu đời sẽ giúp chúng ta có thêm nghị lực sống, ý chí quyết tâm cũng như cách vượt qua stress và hơn thế nữa là tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Chắc bạn nghĩ đó là chuyện không thể phải không? Nhưng các nhà khoa học đã chứng minh thái độ sống lạc quan, tích cực sẽ kích thích việc sản sinh hormone Endorphin có tác dụng làm giảm đau và Serotonin giúp điều hòa tâm trạng. Hệ miễn dịch được tăng cường sẽ tăng sức đề kháng cho cơ thể và đây là một liều thuốc tự nhiên kỳ diệu. Ngược lại, thái độ bi quan, tiêu cực sẽ sản sinh Cortisol gây teo tế bào thần kinh và dẫn đến mất trí nhớ, kích thích tăng huyết áp và đường huyết, làm xơ cứng động mạch gây ra bệnh tim mạch. Bi quan tiêu cực thật sự là liều thuốc độc đối với cơ thể.

Khi chúng ta là một người bình thường có đầy đủ 6 căn, có cơm ăn áo mặc, có công ăn việc làm ổn định, có cuộc sống ấm no bên gia đình người thân và những người xung quanh thì chúng ta đã may mắn hơn nhiều người khác. Do đó, sống lạc quan với thái độ tích cực, yêu đời là chúng ta có cơ hội tốt để làm tròn bổn phận đối với gia đình và đóng góp lợi ích xã hội một cách nhiệt tình thì còn gì mà phải bi quan.

Thay đổi tư duy và tin sâu nhân quả là quy luật sống. Những ai chỉ biết bám víu và tiếc nuối vào quá khứ sẽ đánh mất mình trong hiện tại. Chúng ta tư duy tích cực để nhận ra bản chất của cuộc đời, nhờ vậy chúng ta biết cách làm chủ bản thân để không bị rơi vào trạng thái bi quan, chán nản.

Có nhiều người nói đạo Phật rất bi quan vì cho rằng “đời là bể khổ”, sự thật không phải như vậy. Người bi quan thường có thói quen nghĩ rằng việc sắp đến đều là xấu cả nên chán nản, không tin tưởng, hoặc mất niềm tin vào hiện tại và tương lai. Đạo Phật chỉ nói sống làm người thì phải chịu khổ về thể xác lẫn tinh thần. Giáo lý của đạo Phật được phát xuất từ kinh nghiệm dựa trên thực tế cuộc sống nhằm hướng dẫn cho chúng ta biết làm thế nào để thoát khỏi khổ đau tinh thần lẫn thể xác.

Những lời Phật dạy về con người, về cuộc đời chính là cách thức giúp ta suy tư, nghiệm xét, nhờ vậy ta có một hiểu biết chân chính để sống tốt hơn. Những người chưa biết đạo Phật thường nghĩ rất sai lầm, họ cho rằng đạo Phật là chán đời, bi quan, yếm thế, làm cho con người trốn tránh trách nhiệm đối với gia đình người thân và xã hội.

Đạo Phật nói “vô thường” để cho chúng ta thấy rõ được bản chất mọi hiện tượng sự vật không thực thể cố định mà cố gắng tu tập để sống tốt hơn và biết cách làm chủ bản thân. Nhiều người cứ nghĩ thân tâm và hoàn cảnh đều vô thường thì không nên siêng năng làm việc, nghĩ như thế thật là hiểu lầm lời Phật dạy. Chúng ta hiểu được lý vô thường thì mình sẽ bình tĩnh an nhiên trước những thay đổi bất ngờ và sẽ có thể không bị khổ đau chi phối nặng nề khi mất mát, chia lìa.

Hiểu được vô thường con người mới dám hy sinh tài sản của cải, hoặc hy sinh thân mạng để làm những việc có lợi ích chung. Thật ra, đạo Phật mới là đạo rất yêu đời vì biết rõ bản chất từ con người cho đến muôn loài vật đều chịu sự chi phối của vô thường. Con người thì sinh-già-bệnh-chết, hoàn cảnh sự vật thì thành-trụ-hoại-không, nhờ hiểu biết như vậy ta sẽ bớt buồn khổ khi sự việc đổi thay.

Ngày xưa, có một người sống sung sướng trong cảnh vương giả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan mà vẫn quyết chí xả bỏ tất cả để ra đi tìm cầu chân lý giúp cho chính mình vượt thoát khổ đau. Trải qua một chặng đường dài trên 11 năm, Ngài đã tu chứng dưới cội Bồ Đề, biết cách làm chủ bản thân để thoát khỏi khổ đau sinh-già-bệnh-chết. Ngài thấy rõ ràng chúng sinh luân hồi sinh tử lăn lên lộn xuống trong 3 cõi 6 đường giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường là do chính mình gây tạo.

Nếu chúng ta là người vui vẻ, lạc quan, yêu đời thì khi nhìn thấy những chiếc lá rơi ta biết đó là sự tuần hoàn sự sống của cây bởi chúng ta đang nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng. Còn nếu ta là người bi quan luôn than thân trách phận, nhìn cuộc sống bởi một màu xám xịt thì ta sẽ thấy u buồn, sầu khổ trước những hiện tượng tự nhiên đó.

Khi chúng ta lạc quan thì cuộc sống của bản thân mình và người khác dễ dàng có sự cảm thông để giữ mối liên hệ thân thiết, càng sống lạc quan chúng ta càng có thái độ mạnh mẽ để vượt qua những vướng mắc của cuộc đời. Như chúng ta đã biết, thân và tâm của con người luôn có sự ảnh hưởng mật thiết với nhau, bất cứ một sự thay đổi nào về mặt tâm lý cũng sẽ ảnh hưởng đến thể chất và ngược lại.

Khi chúng ta sợ hãi một điều gì đó thì tim sẽ đập nhanh và tay chân run lẩy bẩy. Khi chúng ta cảm thấy bối rối, e thẹn trước mặt người bạn khác phái thì hai má bỗng đỏ ửng, chân tay trở nên luống cuống và cảm thấy thừa thãi. Cũng vậy, khi chúng ta bi quan, buồn phiền, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng một phần nào. Trái lại, khi ta sống lạc quan, vui vẻ thì sức khỏe sẽ tốt hơn rất nhiều. Thường những người cô đơn dễ rơi vào bế tắc và hay bi quan, chán nản dẫn đến sức khỏe tiều tụy mà mau chết sớm.

Cùng mang một căn bệnh như nhau nhưng người lạc quan có khuynh hướng mau lành bệnh hơn, trong khi đó kẻ bi quan dễ làm cho bệnh tật trở nên trầm trọng. Đó cũng là lý do vì sao bác sĩ luôn khuyến khích bệnh nhân phải cố gắng duy trì một thái độ lạc quan và không lo lắng, sợ hãi thì bệnh sẽ mau chóng hồi phục.

Mỗi sáng thức dậy chúng ta chỉ cần dành một chút thời gian để ngồi thiền, lạy Phật-Bồ tát thì coi như chúng ta đã thực tập một bài thể dục hoàn chỉnh làm cho thân và tâm cảm nhận trạng thái khỏe khoắn, thoải mái, yêu đời và sống lạc quan suốt cả ngày.

Trong cuộc sống, thái độ bi quan dễ khiến chúng ta nhìn mọi sự việc trên đời với một màu đen tối. Người bi quan sẽ dễ dàng đánh mất chính mình sau những vất vả, khó khăn vì họ nghĩ rằng không còn lối thoát. Chúng ta vì sao mà cảm thấy buồn phiền, chán nản với cuộc sống? Vì chúng ta chỉ thấy mặt xấu mà không thấy mặt tích cực. Rất nhiều người vì không tin sâu nhân quả, không tin vào khả năng của chính mình nên cái thấy còn hạn hẹp bởi lòng tham lam, ích kỷ, do đó dễ sinh ra bất mãn rồi đổ thừa tại, bị, thì, là… Không có bất cứ sự việc nào xảy ra trong cuộc sống mà không có những nguyên nhân chính đáng của nó.

Thái độ sống lạc quan là điều cần thiết để giúp chúng ta sáng suốt nhìn thấy bản chất của cuộc đời là luôn đối lập nhau. Thái độ bi quan có thể khiến chúng ta nhìn đời hoàn toàn với một màu xám xịt, nhưng thái độ sống lạc quan lại giúp chúng ta làm việc có hiệu quả cao. Người bi quan làm việc một cách lề mề, chậm chạp nên công việc khó đạt được kết quả tốt đẹp. Nhiều khi công việc không đến nỗi vất vả, nhọc nhằn cho lắm nhưng vì bi quan nên họ tự tạo thêm áp lực cho mình.

Trong khi đó, những người sống lạc quan luôn hiểu rằng con người khó có thể làm nên những thành quả lớn lao nếu lúc nào cũng bi quan, chán nản về cuộc sống. Thái độ lạc quan của họ có ảnh hưởng hết sức tích cực đến tinh thần làm việc của nhiều người khác, nhờ vậy họ dễ dàng vượt qua những khó khăn, chướng ngại. Nói cách khác, chúng ta đừng bận tâm suy nghĩ quá nhiều đến những gì có thể xảy ra với mình mà hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp mình đang làm và hướng tới.

Có một thực tế mà chúng ta cần phải thừa nhận là khi chúng ta vui thì những người xung quanh cũng sẽ dễ dàng cảm thấy vui theo. Trái lại, khi chúng ta buồn thì người xung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mỗi sáng thức dậy ta luôn tâm niệm ngày hôm nay sẽ cố gắng sống với thái độ lạc quan vì ta đã tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.

Trong cuộc sống, nếu chúng ta sống lạc quan là đã thể hiện một con người có nhân cách đạo đức biết san sẻ yêu thương, nâng đỡ người khác khi gặp bất hạnh. Sống giữa cuộc đời nhiều oan trái bởi những tâm niệm tham lam, ích kỷ, ganh ghét, tật đố, thù hận do người khác đem lại thì chỉ có những người biết mở rộng tấm lòng mới có thể sống lạc quan.

Con người sống lạc quan là con người biết tự vươn lên vượt qua chính mình để ngày càng sống tốt hơn. Người sống bi quan sẽ dễ dàng làm nản lòng nhiều người khác nên sống lạc quan có thể giúp mọi người vượt qua mặc cảm tội lỗi và làm mới lại chính mình. Ngay cả những người đang chìm sâu trong cơn tuyệt vọng, thậm chí muốn tự tử để kết liễu cuộc đời vì cảm thấy không có lối thoát do bi quan, chán nản thì chính lạc quan là liều thuốc bổ giúp họ vượt qua số phận tối tăm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/06/2014(Xem: 18788)
Đây là tập sách do chúng tôi biên soạn, đặc biệt, là những bài mang tính cách lễ nghi hành trì. Những bài, do chúng tôi biên soạn gồm có: “Oai nghi của một tu sinh, những nghi thức dành cho khóa tu, bài hát sinh hoạt đạo tràng”. Ngoài ra, còn có những bài sám, nghi thức lạy thù ân, mà chúng tôi đã sưu tập kết hợp lại để vào trong tập sách này.
30/05/2014(Xem: 9761)
Báo Tuổi trẻ cách đây ít ngày có đăng câu chuyện về một người Mỹ có một cô con nuôi gốc Việt ở với ông từ hồi còn bé , nhưng cô ấy vẫn nói tiềng Việt nhu một người Việt Nam thuần túy . Điều tôi muốn nói đây không phải về người con nuôi gốc Việt , mà về ông cha nuôi người Mỹ . ông ta là thi sĩ và là giáo sư đại học , tên Bruce Weigl.
30/05/2014(Xem: 11017)
Tôi được gặp và quen thầy Pháp Bảo vào năm 1999 trong dịp đi lễ Vu Lan tại chùa Thuyền Lâm cùng với ba mẹ. Lúc đó thầy còn là chú và tôi hay gọi là chú Tấn. Sau thời gian dài vào tu học ở Sài Gòn, trong chuyến thầy ra Huế kỵ tổ ở chùa Thuyền Lâm, tôi mới gặp lại thầy Pháp Bảo. Trong câu chuyện hỏi thăm, lần đầu tiên tôi nghe thầy tâm sự về gia đình thầy. Trong lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi xúc động đến kỳ lạ khi nghe câu chuyện về mẹ và anh chị em của thầy. Tôi thật sự rất khâm phục và tự hào về tình cảm thương yêu, hiếu kính của gia đình thầy.
28/05/2014(Xem: 8618)
Thật ra nếu không yêu thương thì làm sao sống được? Xã hội bây giờ có nhiều người tự tử, trong đó có rất nhiều người trẻ, đó là vì họ không có khả năng thương yêu. Thương yêu trước hết là thương yêu cuộc đời. Phải yêu cuộc đời thì mới sống được. Cuộc đời ở trong cơ thể mình, trong tim mình, ở xung quanh mình. Chán đời thì không sống được. Vì vậy chúng ta phải thực tập “yêu đời”. Sự sống là một cái gì rất quý giá.
27/05/2014(Xem: 7900)
Tôi tiễn tuần cũ với 2 sự kiện quan trọng: thứ 7 là buổi nói chuyện với mấy trăm bạn trẻ mới đi làm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình về chủ đề “Tư duy để thành công” và chủ nhật là chia sẻ với vài trăm phật tử tỉnh Hòa Bình về chủ đề “Giàu và nghèo”. Niềm vui thật giản đơn khi bằng cách này hay cách khác tôi đã chia sẻ những lời Phật dạy với bất cứ ai có thể. Đối với tôi, việc này cũng như ăn, cũng như cách mình nạp năng lượng, nhưng chỉ có khác là không ăn bằng miệng mà bằng não, bằng tâm. Đầu tuần tôi nghe tin nhạc sỹ Thuận Yến qua đời và đám tang diễn ra sáng thứ 3. Giật mình!
27/05/2014(Xem: 17386)
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số bài võ cổ truyền Bình Định tại võ đường Chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) để các bạn tham khảo, nghiên cứu và học tập...
24/05/2014(Xem: 15420)
Đạo Phật là đạo giác ngộ. Giác ngộ là thấy tánh. Muốn thấy tánh thì tu thiền, như đức Thích Ca Mâu Ni do thiền dưới gốc cây Bồ Đề mà giác ngộ thành Phật. Cho nên, mục đích tối hậu của thiền Phật Giáo là thành Phật, là giác ngộ chân tánh. Vì vậy, Thiền Tông chỉ nói đến “kiến tánh thành Phật,” không nói gì khác.
22/05/2014(Xem: 7695)
Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo: -Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy
21/05/2014(Xem: 8731)
Tôi gặp anh trong lần đến thăm một người bạn ngày cuối tuần. Trông anh phúc hậu, nói chuyện có duyên với dọng nói ấm áp, dễ nghe. Mỗi người chúng tôi kể những câu chuyện của mình, trao đổi về phương pháp và kinh nghiệm tu tập. Anh cũng vậy. Tôi giật mình khi anh nói về gia đình anh. Hóa ra trước mặt tôi là người đàn ông của một gia đình công giáo nòi.
19/05/2014(Xem: 8361)
Rất nhiều người người nói “Tôi muốn được hạnh phúc nhưng lại không biết làm sao”. Họ không hề cảm thấy hạnh phúc hoặc nếu có thì chỉ thoáng thấy hạnh phúc nhưng rồi lại cảm thấy bất toại nguyện và cô đơn hoặc trải qua cảm giác trống vắng trong một thời gian rất lâu. Nguyên nhân ở đâu và cách thức để có hạnh phúc là gì. Liệu chăng có phải là tình yêu thương với tất cả những ai quanh mình, mọi chúng sinh trên thế gian này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]