Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giải hạn hay giải nghiệp

11/02/201408:59(Xem: 10977)
Giải hạn hay giải nghiệp
Phat_Duoc_Su

GIẢI HẠN VÀ GIẢI NGHIỆP


Thích Phước Đạt

Vào những ngày đầu năm, bên cạnh việc gặp nhau chúc tụng nhau những điều an lành, tự nhiên không ai bảo ai, mọi người đều háo hức lên chùa dâng lễ cầu an, ước nguyện mọi chuyện tốt đẹp đến với mình, với gia đình và với mọi người thân; mong sao những khổ đau, nghiệp chướng, báo chướng, tội chướng… được tiêu trừ; hay như dân gian thường nói, là đi chùa giải hạn, giải nghiệp đầu năm để được phúc lành, được an khang thịnh vượng.

Và như thế, việc đi chùa là việc làm hướng thiện mà mỗi người con Phật đều mong muốn khát khao thực hiện ngay từ đầu năm. Cho nên, ngay từ mồng một Tết đến hết tháng Giêng, đâu đâu cũng có những người náo nức lên chùa với niềm hân hoan và lòng thành kính. Điều đó cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên, vì đi chùa đầu năm với tâm mong muốn giải hạn, giải nghiệp là nhu cầu tâm linh tất yếu của con người; điều này cần phát huy trong ý niệm khát khao hướng thiện của người Phật tử, mong muốn chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt để được an lành hạnh phúc.

Thật vậy, thuyết nhân quả và thuyết nghiệp của đạo Phật là một trong những giáo nghĩa vừa sâu sắc vừa bình dị giúp con người lý giải nghiệp nhân, nghiệp quả của mọi chúng sinh và cũng là nguyên lý thực tiễn hướng dẫn con người sống theo phương thức có khả năng giải kết, giải hạn để vượt thoát khổ đau; những giáo nghĩa và nguyên lý ấy rất là khoa học, rất công bằng; nghe qua thì đơn giản và dễ hiểu, nhưng thực ra lại phức tạp hơn là chúng ta tưởng.

Chúng ta thường nghe ông bà nói “Gieo nhân gì, gặt quả ấy”, hay “Ở hiền gặp lành”; “Gieo gió gặt bão”… Rõ ràng quy luật nhân quả vận hành trong đời sống thường nhật được nhìn nhận như là một chân lý đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi xã hội. Từ đó, con người hiểu rằng mình là chủ nhân ông của nghiệp, là người phải chịu trách nhiệm trước những hành động, lời nói, ý nghĩ của mình. Hẳn nhiên, con người, tự thân cũng phải thừa hưởng kết quả, hay nói khác đi là thọ nghiệp, đối với những gì mình đã tạo, đã làm với chính mình và cộng đồng xã hội. Và vấn đề cần bàn là con người phải biết tạo nghiệp lành và nỗ lực đoạn trừ những nghiệp xấu, cái mà ông cha ta đúc kết là phải giải hạn và giải nghiệp trong mọi thời gian, nhất là thời điểm khởi đầu cho một năm mới.

Quy luật nhân quả là quy luật công bằng không sai lệch được. Tuy nhiên, không thể khẳng định rằng quả nào nhân ấy hoặc nhân nào quả ấy, vì lẽ muốn biến thành quả, nhân đã gieo cần hội tụ đủ duyên. Và đây chính là điều mà mọi Phật tử cần nhận thức cho rõ, vì nhận thức đúng đắn sẽ trang bị cho con người một niềm tin vô hạn, rằng chúng ta không phải lệ thuộc quá khứ, mà trái lại con người có thể tác động trở lại quá khứ, dù đó là một quá khứ đầy tội lỗi, bằng những nghiệp thiện và cực thiện mà người đó làm trong hiện tại và tương lai. Đồng thời, con người đó lại biết thường xuyên tu tập tâm, khiến cho tâm mình trước đây nhỏ hẹp, vị kỷ trở thành rộng lớn và vị tha; tâm mình vốn tán loạn, nay trở thành định tĩnh và tập trung, tâm mình vốn hay nghĩ ác, nay hoàn toàn chỉ suy nghĩ thiện và hướng thiện…

Trong kinh Hạt muốithuộc tuyển tập Tăng Chi I, Đức Phật đã đưa ra một ảnh dụ rất lý thú. Một ít hạt muối bỏ vào một ly nước nhỏ khiến cho ly nước mặn đó không thể uống được. Nhưng cũng một ít muối như thế bỏ vào sông Hằng, thì nước sông Hằng vẫn không bị mặn thêm. Cũng như vậy, một số người có tâm nhỏ hẹp như ly nước, thì dù anh ta có phạm một lỗi nho nhỏ, anh ta cũng cảm thọ khổ tới mức không chịu đựng nổi. Trái lại, một người có tâm rộng lớn như sông Hằng, thì một lỗi nhỏ như vậy tuy cũng làm cho anh ta khổ đau, nhưng anh ta vẫn chịu đựng được. Như vậy là tùy người có tâm rộng hay hẹp mà một nghiệp ác được tạo ra, đem lại quả báo khổ thọ khác nhau. Nhưng cần hiểu rằng không nhất thiết hễ đã tạo một nhân nhất định nào đó là chắc chắn sẽ có một quả nhất định nào đó. 

Lý do căn bản nhất là với một nghiệp nhân đã tạo, nghiệp nhân ấy phải kinh qua một thời gian và có đủ điều kiện (tức là các duyên) thì mới chín muồi thành quả. Đó là thuyết Dị thục mà sách Duy thức của đạo Phật thường nói đến. Dị thục là chín muồi mà đổi khác. Do thời gian khác nhau, do các duyên khác nhau cho nên một nhân khi đã chín muồi lại trở thành một quả dị thục, một quả đã chín mà đã đổi khác. Chúng ta thử nghiên cứu xem do những nhân duyên gì mà nghiệp nhân đổi khác khi biến thành quả. Trước hết và chủ yếu, có một nhân duyên thường xuyên tác động và tác động rất mạnh, đó chính là cái tâm của đương sự. Cái tâm đó có thể tác động rất mạnh, rất có hiệu quả nếu đó là cái tâm rộng lớn như sông Hằng (xem kinh Hạt muối – Tăng Chi I).

Cho nên, vấn đề giải hạn hay giải nghiệp mà người bình thường hay nói cần được hiểu là khi tâm chuyển thì nghiệp chuyển. Khi phạm tội, chúng ta chân thành sám hối, tâm chúng ta được an tịnh và chuyển sang hướng thiện. Chính cái tâm sám hối và hướng thiện giúp cho chúng ta chuyển nghiệp. Nếu tâm chuyển sang hướng thiện, nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, thì mọi sự gia hộ từ bên ngoài, từ Phật, Bồ-tát hay là từ chúng Tăng thanh tịnh, sẽ có hiệu quả hơn bao giờ hết. Cho nên, vấn đề căn bản ở đây là tâm. Nếu tâm chúng ta không bỏ ác, theo thiện, cứ tiếp tục nghĩ ác, nói ác và làm ác, thì mọi sự hướng nguyện sẽ không thành tựu. Chính vì vậy mà kinh Pháp Cú viết:“Kẻ thù hại kẻ thù – Oan gia hại oan gia – Không bằng tâm hướng tà – Gây ác cho tự thân” (Kệ 42) và “Điều mẹ, cha, bà con – Không có thể làm được – Tâm hướng thiện làm được – Làm được tốt đẹp hơn” (Kệ 43 – phẩm Tâm).

Chính Đức Phật khẳng định khi tâm chánh niệm và hướng thiện thì tâm đó có sức mạnh rất lớn; nó che chở, gia hộ, giúp ích cho chúng ta nhiều hơn là những gì mà những người thân thích với chúng ta như cha mẹ, bà con, anh em có thể giúp ích cho chúng ta. Trái lại, nếu tâm hướng ác, hướng tà, thì tâm ấy còn làm hại chúng ta hơn là kẻ thù hại chúng ta nữa. Có thể nói “tâm” là cơ sở và động lực giải nghiệp, giải hạn khổ ách đối với con người trong mọi không gian và năng lực chuyển nghiệp. Thế nên, thời Đức Phật còn tại thế, Phật đã hướng dẫn khai tâm cho tướng cướp Angulimala giải nghiệp, giải hạn để trở thành bậc hướng thiện; hay kỹ nữ Ambapali, một người đẹp sống quá nửa cuộc đời đồi trụy và hưởng lạc thế gian để trở thành bậc giác ngộ chánh đạo; hay Subhada là người sống với nhiều tà kiến ngoại đạo nặng nề, sau khi gặp được duyên lành, gặp được thiện tri thức thì tâm trở nên tỉnh ngộ và chuyển hướng mạnh mẽ theo con đường thiện, con đường giác ngộ và giải thoát. Không ai khác hơn, chính những người như Angulimala, Ambapali, Subhada… trong quá khứ đã từng tạo nghiệp chướng nhưng với sự nhiệt tâm nỗ lực tu tập, đã chuyển được nghiệp của họ và trở thành những người chứng đạt quả vị A-la-hán. Chánh pháp là như vậy, Đức Phật đã đích thân dạy như vậy, con đường mà người ta gọi là đi chùa hướng tâm giải hạn, giải oan hay giải nghiệp đúng với Chánh pháp là vậy. 

Nếu chúng ta không hiểu được vấn đề căn bản này, nếu tự tâm chúng ta không hướng thiện, nghiệp ác sẽ càng chồng chất nhiều lần, quả báo ác sẽ không thể nào tránh khỏi được. Kinh Pháp Cú dạy: “Không trên trời, giữa biển – Không lánh vào động núi – Không chỗ nào trên đời – Trốn được quả ác nghiệp” (Kệ 127 – phẩm Ác). Thế nên, người Phật tử cần phải hiểu rằng, những người sống ác, làm ác mà tâm không biết xấu hổ, không hối hận, không chuyển tâm từ ác sang thiện, không nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, thì như Phật dạy, dù anh ta có trốn ở trên trời, dưới biển, lánh vào hang sâu cũng không tránh được quả báo, nó đeo theo mình như hình với bóng. Đối với những người sống ác thành thói quen, thành cố tật thì tình hình là như vậy, quy luật nghiệp báo nhân quả tác động không sai lệch một ly tấc.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng, loại người sống ác thành thói quen, thành cố tật không phải là nhiều. Đại đa số người bình thường thì không như vậy. Ban ngày có thể làm ác, nhưng ban đêm nằm vắt tay lên trán, không ngủ được và hối hận những việc sai trái mình đã làm trong ngày. Đặc biệt là trong những trường hợp bản thân mình hay là người thân ốm nặng, hay là gia đình gặp chuyện rủi ro, hao tài tốn của, và đặc biệt hơn nữa là khi bản thân mình sắp chết, hay là có người thân sắp chết. Trong những trường hợp như vậy, tâm người ác dễ sinh sợ hãi, dao động, và có thể chuyển sang hướng thiện, dù là muộn màng nhưng còn hơn không.

Do đó, vai trò và tác dụng lớn của các lễ cầu an, cầu siêu hay là các buổi lễ kèm theo trai tăng, cúng dường Tam bảo; trong đó việc mời Tăng sĩ đến tụng kinh hộ niệm cho gia chủ được tai qua nạn khỏi hay là chết được siêu thoát, được sanh lên các cõi lành… là việc làm có ý nghĩa tâm linh cao cả và có tác dụng chuyển nghiệp cho những người đã tạo nghiệp sai lầm và bồi đắp phước đức cho những người đã tạo nhiều nghiệp thiện. Nhưng cần lưu ý, hiệu quả sẽ cao hơn và tác dụng lớn hơn khi đó ở đó có sự chuyển biến trong tâm người gia chủ hay là thân nhân người gia chủ với tất cả lòng chí thành.

Trong những cảnh ngộ đặc biệt như vậy, tâm người gia chủ thường rất ăn năn, hối hận, sợ hãi, dễ cảm xúc, và nhạy bén; do đó mà dễ dàng chuyển biến từ hướng ác sang hướng thiện. Tâm hướng thiện, đó là điểm căn bản quyết định tác động lớn của các buổi lễ. Nếu tâm không chuyển thì nghiệp không thể chuyển được. Điều khó khăn là người sống ác, lúc gần chết thường bị hôn mê, gia đình thân nhân vì không hiểu đạo lại bối rối, la hét, than vãn ồn ào, khiến cho tâm người sắp chết đã rối loạn và hôn mê lại càng rối loạn và hôn mê thêm. Nếu người sắp chết, trước khi hôn mê mà được Tăng Ni và thiện tri thức hiểu đạo hộ niệm, trong một khung cảnh trang nghiêm, không ồn ào, người sắp chết được nhắc nhở về những việc thiện mình đã làm, được nghe vài bài kinh đọc bằng tiếng Việt, ngắn và dễ hiểu, bỏ tà kiến, thì tâm của người đó có thể chuyển biến, và nghiệp cũng chuyển theo. Người đó đáng lẽ sanh vào cảnh giới xấu, thì lại được sanh vào cõi tốt đẹp hơn, nhờ phước đức đã tạo. Đó là sức mạnh của cái mà nhà Phật gọi là nghiệp vào lúc gần chết (Cận tử nghiệp). Người chết không đủ sức để hành động bằng thân, thậm chí cũng không nói được, mà chỉ tạo ra ý nghiệp mà thôi. Ý nghiệp đó rất mạnh, có thể quyết định hướng tái sanh, dù là hướng thiện hay hướng ác, cũng đều rất mạnh. 

Do đó, vấn đề là nếu là gia đình Phật tử, hiểu đạo, thì phải bài trí một khung cảnh thật sự yên tĩnh và trang nghiêm, để cho con người sắp chết có thể chết trong thanh thản, yên ổn với tiếng chuông, tiếng mõ và sự hộ niệm của chư Tăng Ni và các bạn lành. Người sắp chết được thân nhân và bạn lành nhắn nhủ về những điều thiện mà anh ta đã từng làm, tốt hơn nữa là thân nhân tiếp tục làm nhiều công đức như bố thí, phóng sanh và hồi hướng những công đức đó cho người sắp chết có được một cái chết yên ổn, và có được một đời sống kiếp sau tốt đẹp, thì chắc chắn người ấy sẽ được chuyển nghiệp.

Vậy là mọi người đều có khả năng giải hạn, giải nghiệp cho chính mình, chứ không phải ai khác. Với niềm tin bất động vào Phật Pháp Tăng, mỗi người sẽ được an lạc hạnh phúc khi tâm hướng thiện, làm các việc lành. Trong không gian đầm ấm của những ngày đầu năm, mọi người, mọi vật đều như đẹp lên, tươi lên. Một năm bắt đầu bằng mùa đầu tiên, đó là mùa xuân; một mùa trong năm đầu tiên bắt đầu bằng một tháng, mỗi tháng lại bắt đầu bằng một ngày… Mong rằng mỗi ngày mỗi người đều có tâm niệm chuyển đổi nghiệp trong ý niệm thiện lành. Hiểu như vậy, việc khởi tâm hướng nguyện kỳ an, giải nghiệp, giải hạn trở thành một nhu cầu tất yếu của một đời người. Cuộc sống sẽ tốt đẹp lên nếu bất cứ ai cũng hành thiện để đạt nhiều ước nguyện trong năm. Mọi người không chỉ được phát tài, phát lộc mà còn tận hưởng được nhiều điều ngọt ngào của niềm vui hạnh phúc từ các giá trị yêu thương do con người tạo ra. „

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 149
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/02/2021(Xem: 9551)
Trong nội dung của ấn bản lần thứ hai của quyển “Tư tưởng Phật giáo trong Văn học thời Lý”, chúng tôi vẫn giữ những điểm chính quan trọng của ấn bản lần thứ nhất. Tuy nhiên, chúng tôi đã sửa chữa và bổ sung một vài nơi. Chúng tôi đánh giá cao sự góp ý và phê bình của: GS Lưu Khôn (Cựu GS tại trường ĐHVK Saigon và Cần Thơ), GS Khiếu Đức Long (Cựu GS tại ĐH Vạn Hạnh), Ô. Nguyễn Kim Quang (Cựu học sinh Lycée Petrus Ký 1953-1960), cố Kỹ Sư Nguyễn Thành Danh (Vancouver, Canada). Trong khi viết quyển sách này lần thứ nhất vào năm 1995, chúng tôi đã được sự giúp đỡ và góp ý của các thân hữu: cố Hoà Thượng Thích Nguyên Tịnh (Cựu Trú trì Chùa Thiền Tôn, Vancouver, Canada), cố GS Nguyễn Bình Tưởng (Cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Vĩnh Bình, và Cựu Giám Học trường Trung Học Nguyễn An Ninh, Saigon), chúng tôi chân thành cám ơn quý vị này.
20/02/2021(Xem: 6840)
Thơ tụng tranh chăn trâu của thiền sư Phổ Minh gồm tất cả mười bài thơ “tứ tuyệt” cho mười bức tranh chăn trâu với các đề mục sau đây: 1. Vị mục: chưa chăn 2. Sơ điều: mới chăn 3. Thọ chế: chịu phép 4. Hồi thủ: quay đầu 5. Tuần phục: thuần phục 6. Vô ngại: không vướng 7. Nhiệm vận: theo phận 8. Tương vong: cùng quên 9. Độc chiếu: soi riêng 10. Song mẫn: cùng vắng
20/02/2021(Xem: 9265)
Kinh Hoa Nghiêm được giải thích là kinh đầu tiên khi Phật đạt chánh đẵng chánh giác sau 49 ngày thiền định. Sau đó người giảng kinh Hoa Nghiêm cho chư thiên và bồ tát là giảng bằng thiền định tâm truyền tâm nên im lặng suốt 21 ngày. Kinh Hoa Nghiêm nói về Tâm. Kế đến Kinh Lăng Già Phật cũng giảng cho Ma vương và ma quỷ sống trong hang động ở đỉnh núi Lăng Già. Phật giảng bằng tâm truyền tâm ấn nên không có nói bằng lời và giảng về Thức vì Ma vương không còn uẩn sắc nữa mà chỉ còn là tâm thức. Kinh Lăng già là giảng về Duy Thức Luận. (bài viết của cư sĩ Phổ Tấn)
20/02/2021(Xem: 5630)
Washington: Theo báo cáo của The Economist, Trong nỗ lực mới nhất nhằm thắt chặt vòng vây Tây Tạng, Trung Cộng đang buộc người Tây Tạng ít quan tâm đến tôn giáo của họ hơn, và thể hiện nhiệt tình hơn đối với chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tập Cận Bình lãnh đạo tối cao. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực phủ nhận vai trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi đời sống tôn giáo của người dân Tây Tạng để xóa bỏ danh tính của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cưỡng chiếm Tây Tạng vào giữa thế kỷ 20 sau thập niên 1950, và kể từ đó đã kiểm soát khu vực cao nguyên tại Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, Nepal, và Pakistan tại châu Á, ở phía bắc-đông của dãy Himalaya..
17/02/2021(Xem: 5547)
Nội dung tác phẩm dựa trên một bức tranh nổi tiếng có tên là “Thanh minh thượng hà đồ” (nghĩa là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh”) của nghệ sĩ Trương Trạch Đoan vào thời nhà Tống cách đây hơn 1000 năm. Thiên tài Albert Einstein đã từng nói: “Nghệ thuật thật sự được định hình bởi sự thôi thúc không thể cưỡng lại của người nghệ sĩ sáng tạo”. Và một nghệ sĩ điêu khắc người Trung Quốc – Trịnh Xuân Huy đã chứng minh điều đó qua kiệt tác nghệ thuật của ông trên một thân cây dài hơn 12 mét. Chắc chắn bạn sẽ phải ngạc nhiên về một người có thể sở hữu tài năng tinh xảo đến như vậy!
17/02/2021(Xem: 6281)
Một quán chiếu về những ánh lung linh trên bề mặt một hồ nước gợn sóng lăn tăn bởi làn gió nhẹ. Một con sông khổng lồ của si mê tin tưởng sai lầm tâm-thân là tồn tại cố hữu tuôn chảy vào hồ nước của việc hiểu sai cái "tôi" như tồn tại cố hữu. Hồ nước bị xáo động bởi những làn gió của tư tưởng phiền não chướng ngại ẩn tàng và của những hành vi thiện và bất thiện. Sự quán chiếu ánh trăng lung linh biểu tượng cho cả trình độ thô của vô thường, qua sự chết, và trình độ vi tế của vô thường, qua sự tàn hoại từng thời khắc thống trị chúng sanh. Ánh lung linh của những làn sóng minh họa tính vô thường mà chúng sanh là đối tượng, và quý vị thấy chúng sinh trong cách này. Bằng sự ẩn dụ này, quý vị có thể phát triển tuệ giác vào trong vấn đề chúng sinh bị kéo vào trong khổ đau một cách không cần thiết như thế nào bằng việc điều hướng với tính bản nhiên của chính họ; tuệ giác này, lần lượt, kích hoạt từ ái và bi mẫn.
16/02/2021(Xem: 4808)
Nói về pháp khí, nhạc khí của Phật giáo là nói đến chuông, trống và mõ. Trong ba pháp cụ đó. Tiếng chuông chùa đã gợi nguồn cảm hứng không ít cho những văn, thi sĩ. Hiện nay rất ít tài liệu nói về nguồn gốc của chuông, trống và mõ. Sự kiện trên khiến các học giả nghiên cứu về chuông, trống, mõ gặp trở ngại không nhỏ. Tuy thế dựa vào bài Lịch sử và ý nghĩa của chuông trống Bát nhã do thầy Thích Giác Duyên viết đã đăng trong Thư Viện Hoa Sen, khiến chúng ta biết được người Trung Hoa đã dùng chuông vào đời nhà Chu ( thế kỷ 11 Trước CN – 256 Trước CN ). Riêng việc chuông được đưa vào các chùa chiền ở Việt Nam từ thời nào người viết không biết có tài liệu nào đề cập đến không?
14/02/2021(Xem: 5414)
Pháp Hoa kinh là vua của các kinh vì ở vào thời kỳ thứ 5 trong lịch sử đạo Phật. Lúc bấy giờ là cuối đời thọ mạng của đức Phật nên kinh giảng của người mang toàn bộ tính chất của đạo Phật do người thuyết pháp. Có hai cốt lỏi của kinh Pháp Hoa là Phật tánh và Tri kiến Phật. Phật tánh đã được tóm lược trong bài Nhận biết Phật tánh cùng tác giả. Tri là biết, kiến là thấy, biết thấy Phật là gì? Biết là tuệ giác người dạy cho chúng ta và thấy là thấy đại từ bi của Phật. Đó là trí tuệ và từ bi là đôi cánh chim đại bàng cất cao bay lên trong tu tập. Chúng ta nghiên cứu trí tuệ của toàn bộ đạo Phật một cách tổng luận để tư duy, về phần từ bi chúng ta đã hiểu qua bài Tôi Học kinh Pháp Hoa đồng tác giả. Trí tuệ đạo Phật có gồm hai phần triết lý đạo Phật và ứng dụng. Tri kiến Phật là nắm hết các điểm chính của đạo Phật theo lịch sử của thời gian. Chúng ta hãy đi sâu về tuệ giác.
14/02/2021(Xem: 5021)
Ta hãy tự thoát ra khỏi thân mình hiện tại mà trở về lúc ta mới được sanh ra. Trong phút giây đặc biệt đó ta là gì? Ta vừa được chào đời, được vỗ mông để bật tiếng khóc là phổi ta hoạt động, mọi chất nhớt trong miệng được lấy ra và không khí vào buồng phổi: ta chào đời. Thân ta lúc đó là do 5 uẩn kết tạo từ hư không, 5 uẩn do duyên mà hội tụ. Cơ cấu của thân thể ta là 7 đại đất nước gió lửa không kiến thức. Cơ thể ta mở ra 6 cổng (căn) để nhập vào từ ngoài là 6 trần để rồi tạo ra 6 thức.
14/02/2021(Xem: 5933)
Nhân đọc bài về tuổi già của Đỗ Hồng Ngọc Bác sĩ y khoa, tôi mỉm cười. Mình cũng thuộc tuổi già rồi đấy!! Các bạn mình cũng dùng chữ ACCC= ăn chơi chờ chết vì vượt qua ngưỡng tuổi 70 rồi. Vậy theo BS Ngọc là làm như vậy cũng thực tế đó nhưng có thật là hạnh phúc tuổi già không? Bạn có đủ hết, con cái thì hết lo cho chúng được nữa rồi, chúng tự lo lấy chúng. Tiền bạc thì hết lo được nữa rồi có bấy nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]