Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đừng nghĩ quá khứ, đừng nghĩ tương lai

08/02/201410:38(Xem: 9085)
Đừng nghĩ quá khứ, đừng nghĩ tương lai

Phat_Thich_Ca_12ĐỪNG NGHĨ QUÁ KHỨ,

ĐỪNG NGHĨ TƯƠNG LAI

Cư Sĩ Nguyên Giác

Năm cũ trôi qua, năm mới bắt đầu... Đầu xuân là những ngày ông bà mình gọi là thời điểm cần để “ôn cố tri tân” – nghĩa là ôn lại các chuyện cũ và tìm biết cái mới, hay nói bằng ngôn ngữ thời nay là, để rút kinh nghiệm năm cũ và vạch hướng đi cho năm mới. Chuyện đời thì như thế, nhưng trong chuyện đạo thì nghe âm vang nhiều người nói rằng đừng nên nghĩ nhớ chuyện cũ, và đừng nên mơ tưởng suy tính chuyện tương lai, và rằng chỉ nên sống với hiện tại thôi. Có thực rằng sống đạo phảỉ là sống “một kiểu hiện sinh” như thế? Có thực rằng cần phải xóa sổ những ngày hôm qua, và phải dẹp hết những bữa hôm kia trong đầu... mới gọi là tu? Có thực rằng cần phảỉ dẹp bỏ mọi suy tính về ngày mai, về tuần sau, về năm sau... mới gọi là tu?

Người ta có thể dẫn ra bản Kinh Nhất Dạ Hiền Giả do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch... và nói rằng thôi hãy bỏ hết chuyện của hôm qua và ngàỳ mai đi, và chỉ nên sống với hiện tại thôi. Trong nhiều diễn đàn Phật Giáo và tuổi trẻ cũng nghe âm vang những lời khuyên tương tự. Cách viết tuy khác biệt chút ít, nhưng tư tưởng kể như là một. Sau đây là cách diễn đạt ở ba diễn đàn tuổi trẻ Phật Giáo:

-Đừng nhớ chuyện quá khứ, đừng mơ chuyện tương lai, hãy sống vì hiện tại.

- Đừng gặm nhấm quá khứ. Đừng vọng tưởng tương lai. Hãy sống tốt ở hiện tại.

- Đừng nuối tiếc quá khứ, đừng quá lo lắng cho tương lai, và hãy sống tốt ở hiện tại.

Có thực rằng, Đức Phật đã dạy đơn giản như thế không? Chắc chắn là có những gì nhầm lẫn nơi đây. Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, tại sao nhiều lần Đức Phật kể chuyện tiền thân của ngài và của nhiều vị tăng ni? Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, tại sao Đức Phật nhớ tới 5 người bạn đồng tu ở vườn Lộc Uyển, nên đã tìm lại để thuyết Tứ Diệu Đế và đưa 5 vị trở thành các đệ tử đầu tiên? Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, vậy thì những gì thuộc về ký ức và trí nhớ để làm chi? Nếu không nghĩ nhớ chuyện quá khứ, tại sao Chư Vị A La Hán hơn hai ngàn năm trước đã mấy lần kết tập kinh điển, đã cùng vận dụng trí nhớ để tụng đọc lại lời Đức Phật dạy trong quá khứ và bây giờ chúng ta còn có giáo pháp là nhờ khả năng “nhớ chuyện quá khứ” tuyệt vời của các vị Thánh Tăng thuở đó?

Mặt khác, nếu không bàn chuyện tương lai, tại sao Đức Phật tiên tri về Đức Di Lạc sẽ lên cõi trời Đâu Suất, tiên tri về các thời mạt pháp tương lai, tiên tri về tuổi thọ chúng sanh đời vị lai? Nếu không dặn dò chuyện tương lai, tại sao Đức Phật dạy trong Kinh Di Giáo: “Các thầy Tỳ kheo, sau khi Như Lai diệt độ phải trân trọng tôn kính tịnh giới...” (bản dịch của Hòa Thượng Trí Quang). Có thực rằng Đức Phật dạy là chỉ nên tập trung vào giây phút hiện tạị hay không? Câu trả lời nên là: Không đúng hoàn toàn như thế. Đọc lại Trung Bộ Kinh, trong kinh thứ 131, đúng là Đức Phật có nói gần gần như thế. Bản dịch từ tiếng Pali sang Anh ngữ của đại sư Thanissaro Bhikkhu dịch với nhan đề là “Bhaddekaratta Sutta: An Auspicious Day,” và Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là “Kinh Nhất Dạ Hiền Giả.”

Bản Anh ngữ của đại sư Nanananda lại dịch là “Bhaddekaratta Sutta: The Discourse on the Ideal Lover of Solitude.” Cả hai đều là một kinh thôi. Đây là một kinh dạy pháp thiền quán tuyệt vời. Khi đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Phật nơi đây đã dạy pháp an tâm, trong đó tâm sẽ hoàn toàn không dính mắc, không trụ vào bất kỳ pháp nào – cho dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại. Trong kinh, Đức Phật dạy, “Quý vị không nên theo đuổi quá khứ và mơ tưởng tương lai.”

Bản của đại sư Thanissaro dịch là, “You shouldn't chase after the past or place expectations on the future.

Bản của đại sư Nanananda dịch là, “Let one not trace back the past or yearn for the future-yet-to-come.”

Bản HT Minh Châu dịch là, “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng.”

Tất cả chỉ có một nghĩa: giữ tâm vô sở trụ, đừng dính mắc tâm vào quá khứ hay tương lai.

Hoàn toàn không có nghĩa là đừng nghĩ tới quá khứ hay đừng nghĩ tới tương lai. Thực tế, ngay khi bạn suy nghĩ tới quá khứ thì lập tức hành động suy nghĩ là việc của hiện tại; tương tự, ngay khi nghĩ chuyện tương lai, hành động nghĩ đó chính là cái hiện tiền trước mắt và trong thân mình.

Bản kinh này ghi rõ thêm lời Đức Phật rằng, học nhân đừng nên để tâm nuối tiếc các niềm vui gì về sắc, về thọ, về tưởng, về hành, về thức của quá khứ. Kế tiếp, kinh này ghi lời Đức Phật dạy rằng, học nhân đừng nên mơ tưởng các niềm vui gì về sắc, về thọ, về tưởng, về hành, về thức của tương lai. Bản Kinh Nhất Dạ Hiền Giả trong khi dạy pháp an tâm, sau khi phá bỏ các trường hợp học nhân dính mắc tâm vào pháp quá khứ, và sau khi phá bỏ cách dính mắc pháp tương lai, liền tiếp theo là yêu cầu phá bỏ luôn các tâm dính mắc vào pháp hiện tại.

Đặc biệt, đây cũng là một pháp đốn ngộ: có một trường hợp tích truyện Pháp Cú, sau khi nghe Đức Phật nói là hãy buông “bỏ quá, hiện, vị lai...” chàng diễn viên nghề xiếc có tên là Uggasena còn đang lơ lửng đứng trên đầu cột hát xiếc giữa phố đã lập tức đắc quả A La Hán và được thần thông, khi chưa hết màn biểu diễn xiếc. Không hề trải qua thời gian tu học hay ngồi thiền nào? Đúng vậy, theo kinh thì như thế. Có nghĩa rằng, Đức Phật đã dạy pháp môn phá bỏ tâm quá khứ, phá bỏ tâm vị lai, phá bỏ tâm hiện tại. Hoàn toàn không có nghĩa gì như chúng ta thường nghe là đừng nghĩ quá khứ, đừng nghĩ tương lai và hãy nghĩ hiện tại...Như thế, Kinh này cũng gợi nhớ tới một công án về Thiền Sư Đức Sơn (782-865) chuyên giảng Kim Kim Cang, không tin chuyện các sư dạy pháp thiền đốn ngộ, nên đã về phương Nam để tìm tranh luận. Khi tới Lễ Châu, gặp một bà già bán bánh rán, mới hỏi mua cho đỡ đói. Thấy sư gánh bộ Thanh Long Sớ Sao, bà già nói là sẽ hỏi một câu, nếu sư trả lời được thì sẽ được cúng bánh.

Sư Đức Sơn đồng ý, bà liền hỏi: “Trong kinh Kim cương có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.’ Vậy Thầy muốn điểm tâm nào?” Sư Đức Sơn lặng thinh, không đáp được. Bà già mới chỉ Sư đến tham vấn Thiền sư Long Đàm. Câu chuyện về Sư Đức Sơn cho thấy các thiền sư cổ thời đã không để dính mắc một tâm nào hết, dù là tâm hiện tại. Trong khi đa phần lời khuyên thời nay lại bảo là chỉ nên nghĩ chuyện hiện tại; rõ ràng là ngộ nhận lớn. Nơi đây, chúng ta sẽ trích bản Kinh Nhất Dạ Hiền Giả do ngài Thích Minh Châu dịch, các đoạn văn Đức Phật dạy về ba tâm này:

... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: "Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là hành của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy, "Như vậy, là thức của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là truy tìm quá khứ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: "Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là tưởng của tôi... Như vậy là hành của tôi... Như vậy là thức của tôi trong quá khứ"; và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không truy tìm quá khứ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào ước vọng tương lai? Vị ấy nghĩ: "Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy là tưởng của tôi... là hành của tôi... Như vậy là thức của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ước vọng trong tương lai.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: "Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là tưởng... sẽ là hành... sẽ là thức của tôi trong tương lai, "và không truy tìm hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ước vọng trong tương lai.

Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc, hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ; hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị Ða văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ... không quán tưởng... không quán hành... không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại...”(hết trích)

Trong Kinh Pháp Cú, nơi kệ ngôn 348, Đức Phật cũng đã dạy cho chàng cư sĩ Uggasena tương tự. Và ngay khi vừa nghe, trong còn lơ lửng trên đầu cột biểu diễn xiếc, chàng Uggasena lập tức đắc quả A La Hán và được thần thông. Bản dịch từ Tạng Miến Điện bởi ngài Daw Mya Tin là: “Verse 348: Give up the past, give up the future, give up the present. Having reached the end of existences, with a mind freed from all (conditioned things), you will not again undergo birth and decay.” Có thể dịch là: “Bài kệ 348: Buông bỏ quá khứ, buông bỏ tương lai, buông bỏ hiện tại. Đạt tới bờ bên kia (Pali: bhavassa paragu: người qua bờ bên kia, kết thúc sanh hữu, tức A La Hán), với tâm giải thoát mọi pháp dính mắc, con sẽ không còn sinh tử nữa.” Bài kệ này trong bản Hán Văn của Pháp Sư Thường Bàn Ðại Ðịnh là: “Xả tiền, xả hậu, Xả gian-việt hữu. Nhất-thiết tận xả, Bất thụ sinh tử.” (Nguồn: phapluan.com)

Trong cuốn Tích Truyện Pháp Cú Tập 3, xuất bản bởi Thiền viện Viên Chiếu, câu chuyện “Chàng Trai Có Cô Vợ Diễn Viên Nhào Lộn,” đã kể về trường hợp Đức Phật dạy pháp buông bỏ cho chàng trai Uggasena, trích:

“...Hôm ấy, từ sớm đức Thế Tôn quan sát thế gian và Uggasena xuất hiện trong tầm quán sát của Ngài. Thế Tôn tự nghĩ: "Người thanh niên ấy sẽ ra sao?” Ngay sau đó, Ngài biết được: "Con trai quan Chưởng khố sẽ đứng lơ lửng trên đầu sào kia để biểu diễn màn xiếc của chàng và đông đảo khán giả sẽ tụ tập xem. Vào thời điển ấy ta sẽ đọc bài kệ bốn câu. Nghe xong tám vạn bốn ngàn người sẽ được Pháp nhãn thanh tịnh, còn Uggasena thì đắc quả A la hán.”

Ngày hôm sau, lựa đúng giờ thích hợp, đức Thế Tôn cùng các Tỳ kheo lên đường vào thành Vương Xá khất thực. Trước khi Phật đặt chân vào thành, tại chỗ biểu diễn, Uggasena đưa tay ra dấu chào trả tiếng vỗ tay của khán giả. Và giữ thăng bằng trên đầu cột, chàng bay lộn bảy vòng trong không, đặt chân trở lại trên đầu cột và đứng giữ thăng bằng ở đấy. Ðúng lúc này, đức Thế Tôn vào thành, và do sự xếp đặt của Ngài, khán giả quay nhìn Ngài thay vì nhìn Uggasena biễn diễn. Thấy khán giả không còn quan tâm đến mình nữa, Uggasena vô cùng thất vọng. Chàng nghĩ: "Ta phải mất một năm mới luyện được màn biểu diễn này. Thế mà đức Thế Tôn vừa đặt chân đến thành, khán giả đã bỏ ta quay lại chiêm ngưỡng Ngài. Buổi biểu diễn của ta thế là hoàn toàn thất bại. "Phật đọc được tư tưởng của chàng liền bảo Trưởng lão Mục- kiền liên:

- Ông hãy đến bảo con viên Chưởng khố ta muốn xem chàng biểu diễn tài nghệ.

Tôn giả đến bên cây cột nói với chàng diễn viên:

Này, Uggasena

Diễn viên xiếc tài ba!

Hãy phô trương tài nghệ,

Cống hiến dân thành ta.

Uggasena nghe vậy vô cùng hoan hỉ: "Chắc đức Thế Tôn muốn xem tài năng của ta.” Nghĩ vậy, chàng liền đáp, trong lúc vẫn đứng lơ lửng trên đầu cột:

Hãy xem tôi, Mục Kiền Liên Tôn giả!

Bậc đại trí, bậc đại thần thông!

Tôi trổ tài cống hiến đám đông

Và làm họ cười reo thỏa thích

Từ trên đầu cột chàng tung mình lên không, quay lộn mười bốn vòng rồi đặt chân trở lại, giữ thăng bằng trên đầu cột.

Ðức Thế Tôn bảo:

- Này Uggasena, người trí phải biết cởi bỏ buộc ràng của thân ngũ uẩn trong quá khứ, hiện tại và vị lại. Như vậy, người ấy mới thoát được sanh, già, bệnh, chết.

Ngài nói kệ:

(348) Bỏ quá, hiện, vị lai,

Ðến bờ kia cuộc đời,

Ý giải thoát tất cả,

Chớ vướng lại sanh già.

Phật nói xong, tám vạn bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh, con trai quan Chưởng khố đắc quả A la hán và được thần thông ngay khi chàng còn đứng lơ lửng đầu cột.

Chàng tụt xuống, tiến tới trước đức Thế Tôn, năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ Phật và xin được gia nhập Tăng đoàn. Phật đưa tay nói: "Hãy đến, Tỳ kheo!" Chàng liền biến thành một vị Trưởng lão chừng sáu mươi tuổi, với đầy đủ tám vật dụng tùy thân. Các Thầy Tỳ kheo hỏi Trưởng lão:

- Này huynh Uggasena, huynh leo từ cây cột ba chục thước xuống mà không sợ sao?

Uggasena đáp:

- Chư huynh đệ, tôi chẳng sợ chút nào. Chúng Tỳ kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, Uggasena nói "Tôi chẳng sợ chút nào" là nói điều không thật. Ông ấy phạm việc dối trá.

Phật bảo:

- Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo như Uggasena đã diệt trừ tham ái, không còn lo âu sợ hãi gì nữa.

Tới đây, chúng ta có thể thắc mắc, rằng vì sao trong các bản kinh xưa, Đức Phật dạy xả ly tất cả các pháp dính mắc ở ba thời quá, hiện, vị lai... mà bây giờ bỗng nhiên trở thành cách nói đầy hiện sinh kiểu như “đừng nghĩ chuyện quá khứ, đừng nghĩ chuyện tương lai, chỉ nên nghĩ tới hiện tại tuyệt vời...” Ai đã biến hóa lời dạy của Đức Phật trở thành lời khuyên kiểu thế gian như thế? Ai đã xóa đi lời dạy của Đức Phật rằng phải qua bờ bên kia, rằng phải xả ly buộc ràng ngũ uẩn (trong quá, hiện, vị lai), rằng phải thoát khỏi sanh già bệnh chết... để rồi dính mắc vào cái hỷ lạc của tâm hiện tại? Mới biết, không dễ gặp những bà già bán bánh như thời Thiền Sư Đức Sơn.

Cư Sĩ Nguyên Giác

Kinh sách liên quan:

KINH NHẤT DẠ HIỀN GIẢ-Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/09/2011(Xem: 17139)
Với một sự sáng suốt tuyệt đối và một niềm thương cảm vô biên Ngài nhận thấy con người tác hại lẫn nhau chỉ vì vô minh mà thôi...
15/09/2011(Xem: 7547)
Đức Phật dạy chúng ta lấy hiếu làm gốc. Hiếu dưỡng cha mẹ là pháp môn căn bản rất lớn của đạo Phật, cũng làđiều kiện quan trọng cơ bản làm người. Chúng ta nghĩ thử ngay cả loài chim muông còn biết báo ân nuôi mớm. Nếu như chúng ta không hiếu dưỡng cha mẹ thì chẳng phải không bằng loài cầm thú hay sao?
15/09/2011(Xem: 9661)
* Trong thời mạt pháp, nếu chỉ tu môn khác không kiêm cầu Tịnh Độ, tất khó giải thoát ngay trong một đời. Nếu đời này không được giải thoát bị mê trong nẻo luân hồi, thì tất cả tâm nguyện sẽ thành hư tưởng. Đây là sự kiện thiết yếu thứ hai, mà hành giả cần lưu ý.
15/09/2011(Xem: 8465)
Ngài Achaan Chah là một trong những vị đại sư nổi tiếng của đất nước chùa tháp Thái Lan. Ngài duy trì lối tu học truyền thống như thời của Đức Phật còn tại thế. Sự minh triết và đức hạnh của một vị thiền sư đã làm cho danh tiếng của Ngài vươn xa tới nhiều châu lục. Hiện nay, pháp thiền của Ngài - Thiền Minh sát tuệ - đã lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm A Still Forest Pool(Tâm Tĩnh Lặng), do hai môn đệ người Mỹ của Ngài là Jack Kornfield và Paul Breiter đã kết tập từ những bài giảng của Ngài và được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên vào năm 1985. Mặc dù tác phẩm đã ra đời trên hai mươi năm, nhưng trí tuệ chân thực vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian. Bài giảng sau đây, người dịch trích từ tác phẩm trên và xin giới thiệu cùng bạn đọc.
15/09/2011(Xem: 8252)
Xưa, có người Bà la môn nọ ở với hai người vợ. Vợ đầu sinh được con trai, đã mười hai tuổi; vợ hai đang mang thai, sắp đến kỳ sinh nở, chưa rõ trai hay gái. Chẳng may Bà la môn nọ qua đời. Đứa con trai nói với bà hai rằng: “Tiểu mẫu! Tài sản mà cha tôi để lại, bao gồm vàng bạc hay thóc lúa..., tất thảy bây giờ đều là của tôi, tiểu mẫu không được gì hết!”.
14/09/2011(Xem: 12027)
Từ bi là điều kỳ diệu và quý giá nhất. Khi chúng ta nói về từ bi, thật đáng khuyếnkhích để lưu ý rằng bản chất tự nhiên của con người, tôi tin, là từ bi và hiềnlành. Đôi khi tôi tranh luận với bạn bènhững người tin rằng bản chất con người là tiêu cực và hung hăng hơn...Khi chúng ta nói về từ bi, thật đáng khuyến khích để lưu ý rằng bản chất tự nhiên của con người, tôi tin, là từ bi và hiền lành.
08/09/2011(Xem: 10664)
Sân hận và thù oán là hai trong số những người bạn gần gũi nhất của chúng ta. Khi còn trẻ, tôi đã có một mối quan hệ rất gần gũi với giận dữ. Cuối cùng tôi thấy nhiều sự bất hòa (!) với giận dữ. Bằng việc sử dụng ý thức thông thường, với sự hỗ trợ của từ bi và tuệ trí, bây giờ tôi có một biện luận đầy năng lực để đánh bại sân hận... Một cách tự nhiên, cảm xúc có thể tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, khi nói về sân hận hay giận dữ, v.v..., chúng ta đang đối phó với những cảm xúc tiêu cực.
07/09/2011(Xem: 7522)
Hôm nọ, một người giáo viên nổi tiếng quay trở về nhà sau bài thuyết trình quan trọng mà ông vừa trình bày trước một nhóm các đồng nghiệp đáng kính của mình, đang đi nhưng lòng ông say sưa với những lời tán thưởng mà thính giả đã dành tặng cho ông. Thói quan đã đưa ông đến con đường đi bộ dọc theo bờ biển. Đang tản bộ trên bờ biển thì ông bắt gặp một cậu bé.
04/09/2011(Xem: 14522)
DỄ là nói chẳng nghĩ suy KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra. DỄ làm đau đớn người ta KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương! DỄ là biết được Vô thường KHÓ, lòng cứ vẫn tơ vương cuộc trần, DỄ là độ lượng bản thân KHÓ sao dung thứ tha nhân lỗi lầm!
02/09/2011(Xem: 16082)
Có 2 người đàn ông bị bệnh nặng, ở cùng phòng bệnh viện. Một người đàn ông được phép ngồi trên giường để truyền dịch vào mỗi buổi chiều. Và chiếc giường này được đặt cạnh một cái cửa sổ. Ngườiđàn ông còn lại thì phải nằm trên giường suốt cả đời.Hai người đàn ông rất thường xuyên nói chuyện với nhau. Họ nói về vợ con, gia đình, nhà cửa, công việc, sự phục vụ trong quân đội, những nơi mà họ từng đi nghỉ mát…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]