Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Cây Bồ Đề Ānanda

04/12/201319:07(Xem: 26500)
03. Cây Bồ Đề Ānanda
mot_cuoc_doi_tap_6

Cây Bồ Đề Ānanda


Từ khi kinh thành Sāvatthi có hai tu viện lớn là Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên và Đông Phương Lộc Mẫu – nơi nào cũng có sức chứa hằng ngàn vị tỳ-khưu - thì đức Phật thường lui tới cả hai nơi trong những lúc họp tăng hay thuyết giảng những bài pháp quan trọng đến tứ chúng hoặc riêng cho chư tỳ-khưu tăng ni. Tuy nhiên, chỗ đức Phật hằng lưu trú nhất vẫn là Kỳ Viên tịnh xá.

Cứ mỗi độ sau mùa an cư, đức Phật lại ra đi. Chư vị đại trưởng lão như hai vị đại đệ tử, tôn giả Mahā Kassapa, tôn giả Upāli... đôi lúc cũng cùng với hội chúng tỳ-khưu đệ tử của mình cũng rời Kỳ Viên hay Đông Phương làm những cánh hạc du phương, thong dong vô trụ xứ.

Hôm kia, vào khoảng mùa an cư thứ hai mươi bốn của đức Phật tại Kỳ Viên tịnh xá; và có lẽ cũng đã suy nghĩ cặn kẽ, trưởng giả Cấp Cô Độc tìm gặp tôn giả Ānanda, rồi thưa:

- Thường thường, sau mỗi mùa an cư, tịnh xá Kỳ Viên trông đìu hiu và hoang vắng lắm, tôn giả có biết thế không?

Tôn giả Ānanda nhè nhẹ gật đầu:

- Đức Tôn Sư ra đi, chư vị đại trưởng lão và chúng tỳ-khưu cũng ra đi, thì có lẽ ở đây rất là trống vắng. Đó là sự thật, thưa trưởng giả!

- Cứ mỗi buổi sáng, cứ mỗi buổi chiều, cận sự nam nữ hai hàng đến Kỳ Viên tịnh xá với hoa, với đèn, với trầm, với những vòng hoa, tràng hoa... họ đi quanh một vòng, không biết đặt vào đâu - thế là họ đặt tất cả vật cúng dường ấy ngoài hương phòng của đức Thế Tôn, đảnh lễ hương phòng rồi ra về. Chúng chất thành từng đống, từng đống, ngày này sang ngày khác, đến hư mục và thối rữa. Trên mỗi khuôn mặt, dường như ai cũng có một nỗi buồn khó tả khi không có mặt đức Thế Tôn!

- Đúng là vậy rồi, thưa trưởng giả!

Ngần ngại một lát, trưởng giả thưa tiếp:

- Những mong tôn giả thưa thỉnh với đức Thế Tôn, rằng là, xem có nơi nào khác để hai hàng cận sự có thể đến lễ bái, cúng dường trong lúc đức Thế Tôn bận đi du hóa phương xa, không có mặt ở Kỳ Viên tịnh xá, nhưng vẫn được xem như là đang có sự hiện diện của ngài.

Tôn giả Ānanda nhíu mày:

- Có phải trưởng giả muốn hỏi, một nơi nào đấy, có cái biểu tượng gì đấy - được xem như là vẫn có mặt đức Đạo Sư ở Kỳ Viên?

- Đúng là vậy! Trưởng giả xoa tay, nở nụ cười hoan hỷ - Tôn giả đã nắm bắt rất chính xác ý nghĩ và ước nguyện của đệ tử vậy.

Thế là vào dịp thuận lợi nhất, tôn giả Ānanda vào hầu Phật. Và sau đó, câu chuyện đã diễn ra như sau:

- Bạch đức Thế Tôn! Có bao nhiêu vật biểu tượng - được xem như là có sự hiện diện của đức Thế Tôn - để chúng sanh có thể đến đấy để lễ bái, cúng dường (cetiyāni)?

- Tất thảy có ba, này Ānanda! Đức Phật giảng giải – Thứ nhất, những vật có liên hệ đến thân thể (sārikira) của Như Lai, như ngọc xá-lợi sau khi Như Lai nhập diệt. Thứ hai, những vật có liên quan đến những đồ dùng riêng (pāribhogika) của Như Lai, ví như y và bát... Thứ ba, những vật như tượng trưng nhằm để tưởng nhớ (uddesika), ví như cây Bồ Đề, kỷ niệm nơi chốn Như Lai chứng ngộ đạo quả vô thượng!

- Đệ tử hiểu rồi! Tôn giả Ānanda thưa tiếp - Về việc thứ nhất, khi đức Tôn Sư còn tại tiền thì đâu có xá-lợi để tôn thờ? Tuy nhiên, có thể xây dựng ngôi bảo tháp tượng trưng được không, bạch đức Tôn Sư?

- Không thể được, này Ānanda! Bảo tháp ấy chỉ được kiến tạo khi Như Lai nhập diệt rồi; và khi ấy, tất thảy thịt, xương, gân, da, tim, não, máu, mồ hôi, lông, tóc của Như Lai... sau khi thiêu đốt, chúng biến thành ngọc, được gọi là ngọc xá-lợi – thì sự lễ bái cúng dường ngọc xá-lợi ấy mới có ý nghĩa, mới có phước báu, này Ānanda!

- Thế còn đồ dùng riêng, bạch đức Tôn Sư ?

- Cũng tương tự vậy, nghĩa là sau khi Như Lai Niết-bàn rồi – mới nói lên được ý nghĩa biểu tượng của nó.

- Vậy thì chỉ còn cây Bồ Đề, kỷ niệm nơi thành đạo của đức Đạo Sư, là có thể thiết lập ngay hiện tại này để mọi người có thể chiêm bái, cúng dường?

- Đúng vậy, này Ānanda! Hãy trồng đi! Làm được như vậy là xem như Như Lai luôn có mặt tại Kỳ Viên tịnh xá.

Sau cuộc hội kiến ấy, tôn giả Ānanda thuật lại câu chuyện cây Bồ Đề với trưởng giả Cấp Cô Độc, với bà Visākhā, với đức vua Pāsenadi...

Tôn giả Mahā Moggallāna tinh minh ngàn dặm, biết chuyện ấy, đã sử dụng thần thông, nhanh mắt, nhanh tay vươn chụp một hạt bồ-đề chín muồi đang rơi từ cây xuống rồi trao ngay cho tôn giả Ānanda, mỉm cười nói:

- Hãy tìm một chỗ tương thích trong khuôn viên tịnh xá để gieo ươm liền tay đi, hiền giả!

Biết được sự hệ trọng của vấn đề cùng ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng của nó, tôn giả Ānanda lắc đầu :

- Không! Công đức này hãy để dành cho bậc nhân chủ Kosala! 

Tức tốc, tôn giả Ānanda bộ hành vào cung, mang hạt bồ-đề ấy trao cho đức vua Pāsenada rồi nói :

- Chính bệ hạ mới là người xứng đáng gieo ươm hạt bồ-đề này như ngọn cờ chiến thắng tâm linh.

- Không! Không! Tôi không dám nhận cái vinh dự ấy đâu!

Nói thế xong, suy nghĩ một lát, đức vua Pāsenadi mặc đồ đại lễ, cùng với quần thần lên những cỗ xe bốn ngựa đến trao hạt bồ đề ấy cho trưởng giả Cấp Cô Độc, nói rằng :

- Chính trưởng giả là người khởi tâm đầu tiên. Vậy công đức và phước báu này không ai có thể giành phần của trưởng giả được.

Khi mọi người có mặt đầy đủ tại Kỳ Viên tịnh xá, tôn giả Ānanda chỉ chỗ gieo ươm rồi, nhưng trưởng giả Cấp Cô Độc vẫn có vẻ chần chừ - thì một giọng phạm âm từ đâu đó vẳng lại :

- Hãy đặt hạt xuống lỗ đi, này Sudatta! Mọi người nhường nhau, cuối cùng, hạt bồ-đề nằm trong tay ông! Vậy, về tình, về lý, về đạo, về đời đều trọn hảo cả!

Ai cũng biết đấy là ngôn lời động viên chính đáng của đức Thế Tôn. Trưởng giả Cấp Cô Độc không dám không nghe theo, bèn chấp tay thành kính vái giữa hư không, rồi đặt hạt xuống, khỏa đất lại, tưới nước lên - trước sự chứng kiến của hai vị đại đại đệ tử, tôn giả Ānanda, đức vua Pāsenadi và bà Visākhā... Từ đó, hạt bồ-đề nẩy mầm, phát triển xanh tốt. Cận sự hai hàng biết chuyện, ai cũng để tâm chăm bón. Một số người còn mang sữa bò, sữa dê cho cây uống nữa nên nó lớn nhanh như thổi.

Trưởng giả Cấp Cô Độc nghĩ đến người tạo thuận duyên cho ước mơ của ông được thành tựu - chính là vị thị giả của đức Tôn Sư – nên ông đặt tên là Cây Bồ Đề Ānanda!(1)

Ghi chú đặc biệt ở hạ thứ 24:

- Trong soạn phẩm “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Nhất Hạnh, và soạn phẩm “Sự tích đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni” của Minh Thiện - Trần Hữu Danh, ở hạ thứ 24 này có đề cập đến kinh “Bát đại nhân giác”. Đây là kinh của hệ phái phát triển, không có trong thời Phật. Lý do, bảy điều trước là tinh thần phổ quát của giáo pháp, nhưng điều thứ tám, nguyên bổn chữ Hán, có đoạn: “Phát đại thừa tâm. Phổ tế nhất thiết. Nguyện đại chúng sanh. Thọ vô lượng khổ”. Lưu ý cho: Thời Phật, không hề có từ “đại thừa”; và cũng không có tinh thần “nguyện thay chúng sanh, thọ vô lượng khổ”!

Nếu so sánh với Pāḷi văn thì Theravāda cũng có “8 pháp của bậc chân nhân”, tôi ghi ra đây để chúng ta cùng tham khảo, như sau: 1-Có đủ bảy diệu pháp: tín, tàm, quý, đa văn, tấn, niệm, tuệ. 2-Thân cận bậc chân nhân. 3-Tư duy hướng thiện và hướng thượng, bất hại cho mình và tha nhân. 4-Lý luận, thảo luận chân chánh không gây hại cho mình và tha nhân. 5-Mỹ toàn bốn khẩu thiện hạnh: không vọng ngữ, không ly gián, không ác độc, không vô ích. 6-Mỹ toàn bốn thân thiện hạnh: không sát, đạo, dâm, tửu. 7-Có chánh kiến (kiến, văn, giác, tri như thật). 8-Biết 8 cách bố thí của bậc chân nhân: Vật trong sạch, vật thượng hạng, đúng thời, phù hợp, có suy nghĩ, làm thường xuyên, tâm thanh tịnh, ba thời (trước, trong và sau) đều hoan hỷ.



(1)Đây là cây bồ-đề lịch sử có tuổi thọ lớn nhất, hiện nay vẫn còn sống tại Sahet Mahet - Jetavana cũ. Sang Ấn Độ, người biên soạn có đến đảnh lễ cây Bồ Đề này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/05/2011(Xem: 12730)
Nhận lời mời của quý vị, hôm nay có duyên cùng quý vị bàn về tam quy y trong Phật pháp tại Bờ biển Vàng (Golden coast) Queensland- Australia. Ðối với Phật pháp đây là đề tài rất quan trọng, là chỗ nhập môn tu học của chúng ta. Trước khi nói đến tam quy, đầu tiên phải có nhận thức chính xác về Phật pháp.
21/05/2011(Xem: 7658)
Ý tưởng về bồ đề tâm thật không thể nghĩ bàn! Nó khiến cho tất cả những công việc nào không liên quan đến việc làm lợi lạc cho chúng sanh trở nên buồn chán và bất toại nguyện. Ta thật sự sẽ không còn hứng thú hay thưởng thức được đời sống của mình, ngoại trừ công việc đầy ý nghĩa này. Tất cả mọi thứ khác sẽ trở nên vô nghĩa, trống rỗng và không có thực chất.
20/05/2011(Xem: 7213)
Ta cần có những thiện hạnh để chấm dứt những dục vọng vô độ và việc coi mình là quan trọng; cách hành xử tránh điều độc hại như thuốc độc...
19/05/2011(Xem: 16673)
Hầu như ai đến phố Bolsa cũng từng thấy một khất sĩ mà nhiều người gọi là “ông sư ở Phước Lộc Thọ.” Ông mặc bộ áo cà sa vàng, khoảng 40 tuổi, tay ôm bình bát, mắt nhắm nghiền như đang thiền định. Ông đứng từ sáng đến chiều, ngày này qua ngày nọ bất kể thời tiết nóng hay lạnh. Phố Bolsa sáng sáng thường có các nhà sư đi khất thực bên ngoài những cửa tiệm, đặc biệt trong khu chợ ABC ở góc Bolsa và Magnolia. Họ xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần, xong biến mất như đã hoàn tất một giai đoạn trên con đường tu tập.
18/05/2011(Xem: 21429)
Con được biết - không chắc đúng không - hôm nay 28-4, là ngày Sinh Nhật Sư Phụ tròn 88 tuổi nên con viết vội đôi dòng kính chúc Sư Phụ luôn Phước Thọ tăng long, bách niên thọ thế để hàng đại chúng Bảo Vương của chúng con nói riêng và Giáo hội nói chung luôn có được bóng mát chỡ che tinh thần và trí tuệ của một trong số rất ít còn lại hàng đại lão hòa thượng của PGVN. Riêng con vẫn còn đó một đại tự điển sống về Phật học tinh hoa cũng như về lịch sữ Việt Nam thời cận đại.
15/05/2011(Xem: 7357)
Nhân quả đồng thời được nói một cách cô đọng trong kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm… và rải rác trong các kinh điển Đại thừa. Có lẽ người đầu tiên dùng thành ngữ “nhân quả đồng thời” là Đại sư Trí Khải (thế kỷ thứ 6) trong Pháp Hoa Huyền Nghĩavà trong các tác phẩm Thiên Thai tông của ngài, y cứ trên kinh Pháp Hoa. Thành ngữ này cũng là một giáo lý chính yếu của Hoa Nghiêm tông vào thế kỷ thứ 7. Nói một cách vắn tắt và đơn giản, nhân quả đồng thời là quả giác ngộ, quả Phật vốn đã nằm nơi nhân tu hành để đạt đến giác ngộ, để thành Phật. Nhân của thành Phật là “nhân địa pháp hạnh của Như Lai” được nói trong kinhViên Giác:
14/05/2011(Xem: 14265)
Xuất phát từ một nhận thức có tính thuyết phục về đạo Phật, quyển "Thuần Hóa Tâm Hồn" được viết với một văn phong hiện đại, trong sáng và tinh tế; nghiêm trang nhưng vẫn đan xen đôi nét hóm hỉnh.
14/05/2011(Xem: 7013)
Phật Đản lại về, cuối xuân đầu hạ, cây đủ lá xanh tràn trề sức sống, hoa sen rộ nở đóa đóa diệu hồng, trắng mát, tỏa hương khoe sắc, như đón bậc vĩ nhân...
12/05/2011(Xem: 6307)
Hầu hết mọi người Phật tử Việt Nam đều không những có nghe biết mà còn thường xuyên sử dụng từ ngữ “Phật sự” Nhưng chính vì được nghe biết và sử dụng quá thông thường, cho nên, đôi khi chúng ta lại không có cơ hội để suy nghiệm về ý nghĩa thâm diệu của nó để ứng xử một cách kiến hiệu trong đời sống thường nhật. Cũng vì lý do này đã dẫn đến việc đánh mất tinh thần cốt tủy trong các Phật sự mà chúng ta đã, đang và sẽ thực hiện.
11/05/2011(Xem: 5396)
Sống ở đời, chúng ta ai cũng có những nỗi khổ niềm đau, dù ít hay nhiều. Bởi thân thể ta đau nhức là khổ, giận hờn là khổ, tiếc thương cũng khổ… Có rất nhiều yếu tố làm cho ta khổ, nhưng chung quy mọi khổ đau đều xuất phát từ chính mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]