Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Thương Nhiều Khổ Nhiều

27/11/201320:13(Xem: 26565)
10. Thương Nhiều Khổ Nhiều
mot_cuoc_doi_tap_5

Thương Nhiều Khổ Nhiều



Tỳ-khưu Rāhula, con trai của đức Phật Niết-bàn lúc hai mươi mốt tuổi; và những chuyện xảy ra tại đại giảng đường tịnh xá Kỳ Viên hôm đó không mấy chốc trở thành câu chuyện bàn tán của nhiều người với những ý nghĩ khác nhau, nhận định khác nhau mà cảm xúc cũng khác nhau. Rồi chúng đọng lại nơi mấy câu hỏi sau đây: Rāhula chết trẻ quá là vì sao? Tại sao đức Phật lại có vẻ tự tại, an nhiên như thế được? Với tình cảm của mẹ và con, vậy trưởng lão ni Yasodharā không biết có buồn chăng? Trạng thái tâm lý của trưởng lão ni Gotamī ra sao? Còn bài kệ thơ thì được tán dương nhiều nhất, và hiện tượng biến mất thân rồi Niết-bàn ở cung trời Đao Lợi thì ai ai cũng tấm tắc khen khả năng thắng trí của Rāhula.

Hôm kia, đứa con trai một của một gia chủ mệnh chung, người cha đau khổ quá, không ăn, không uống, bỏ công bỏ việc, ngày ngày đi đến nghĩa địa thiêu xác khóc lóc, thở than: “Con ở đâu, con ơi! Con ở đâu, đứa con một thương yêu của tôi?”

Có một người bạn tốt bụng, mách bảo rằng:

- Nghe sa-môn Gotama có một đứa con trai năm nay hai mươi mốt tuổi vừa mới mất. Vậy ông thử đi yết kiến ngài xem thử ngài có đau khổ, tiếc thương, sầu muộn như ông không?

Nghe lời, đến tịnh xá Kỳ Viên, người gia chủ được gặp đức Phật; sau khi chào hỏi lấy lệ, ngồi xuống một bên, ông nói:

- Sa-môn Gotama có một người con trai vừa mới mất, sao tôi thấy ngài bình thản và tươi tắn quá vậy?

Đức Phật mỉm cười:

- Vì thấy rõ các pháp hữu vi là vô thường nên Như Lai an nhiên, tự tại trước cảnh người đi, kẻ ở, sự sống, sự chết; còn ông thì thân thể tiều tụy, sắc mặt xanh xao, có vẻ như ông đang sầu não quá lắm, có phải thế không, này gia chủ?

- Thưa sa-môn Gotama! Tôi không sầu não sao được khi đứa con trai thương yêu nhất của tôi đã mất. Nó chết đi là nó lấy luôn trái tim của tôi, niềm ước mơ của tôi và cả sự sống của tôi nữa!

Đức Thế Tôn gật đầu:

- Phải rồi! Tình cảm đời thường là như vậy đó! Thương yêu(1)sinh đau khổ, thương yêu sinh sầu não!

Người gia chủ lắc đầu:

- Không! Với ai thì tôi không biết! Nhưng đối với tôi, với đứa con trai của tôi thì có thương yêu tôi mới có được niềm vui và hạnh phúc trên cuộc đời này!

Đức Phật lặp lại:

- Đây là sự thật: Thương yêu là nguồn gốc của sầu bi, ưu não, thống khổ trên cuộc đời, này gia chủ!

Không vừa lòng, không hoan hỷ câu trả lời của đức Phật, người gia chủ run rẩy bước chân, chống gậy bỏ đi; ông lang thang nơi các hè phố rồi ngồi ké xuống bên một đám đánh bạc đang đổ xúc xắc.

Người gia chủ nắm tay một người:

- Xin lỗi ông bạn, cho tôi hỏi một câu: Có phải có thương yêu mới có niềm vui và hạnh phúc không?

- Đúng vậy, ông bạn!

Người gia chủ kể lại chuyện của mình rồi kết luận:

- Thế mà sa-môn Gotama lại bảo là “thương yêu sinh đau khổ, thương yêu sinh sầu não!”

Đám đánh bạc nhất loạt cười vỡ ra, phụ họa:

- Ông sa-môn Gotama nói thế là sai rồi!

- Có yêu thương mới có cuộc đời này!

- Đúng thế! Đúng thế! Bởi vậy nên chúng tôi mới thương yêu hai bà vợ, ba bà vợ và con cái thì cả bầy, cả đàn đông vui như họp chợ!

Người gia chủ hài lòng, đứng dậy, tự nghĩ: “Ít ra là giữa đám đánh bạc này và ta cũng có chung một tri kiến, một quan điểm! Ông sa-môn Gotama đã sai lầm, do sai lầm nên con trai của ông ta mất mà sắc mặt, thái độ, cử chỉ của ông ta vẫn điềm nhiên như thị!” Thế là vừa khóc lóc, vừa thở than, vừa đi chỗ này chỗ khác, người gia chủ vừa chê sa-môn Gotama có tri kiến sai lầm về yêu thương!

Không mấy chốc, câu chuyện ấy được đồn thổi khắp mọi nơi, truyền vào cung điện.

Đức vua Pāsenadi nói chuyện với hoàng hậu Mallikā:

- Này hậu! Ta nghe mọi người trong triều bàn tán là sa-môn Gotama có nói rằng: Thương yêu là cội nguồn của đau khổ và sầu não! Hậu nghĩ thế nào về câu nói lạ lùng ấy!

- Nếu đức Thế Tôn đã nói như vậy thì sự thật chắc phải đúng như vậy, tâu đại vương!

- Coi kìa! Đức vua chế nhạo - Thầy hát thì trò khen hay! Bạn diễn thì bầu vỗ tay! Đạo sư nói sao thì đệ tử hoan hỷ tán đồng một cách vô thức như thế! Nàng phải biết suy nghĩ, phải có chính kiến riêng của mình chứ?

Hoàng hậu Mallikā là một nữ thánh đệ tử, bà vốn có khả năng biết nhẫn nhịn, biết im lặng đúng lúc đúng thời khi chưa rõ đầu đuôi, thực hư câu chuyện. Hôm sau, hoàng hậu nhờ một viên quan nội thị bà-la-môn trẻ tuổi, học thức, thân tín, nhân danh bà đến Kỳ Viên đảnh lễ đức Phật và hỏi lại câu chuyện về ái luyến, về thương yêu phát sanh đau khổ, sầu não như thế nào! Và căn dặn ông ta phải ghi nhớ cho thật kỹ, không được bỏ sót tất cả những lập ngôn, đoản ngôn, ví dụ hoặc những giải thích, giải nghĩa về điều ấy của đức Đạo Sư, rồi thuật lại cho bà nghe.

Và đức Thế Tôn đã giảng thuyết về điều đó như sau:

“- Này bà-la-môn trẻ tuổi! Như Lai quả có nói tóm tắt như vậy: Thương yêu sinh đau khổ, thương yêu sinh sầu não! Và đấy đúng là chân lý, là sự thật trên đời này! Chuyện xảy ra không chỉ với con trai người gia chủ vừa mới mất mà xảy ra cho tất thảy mọi người. Một cô con gái mất mẹ. Một cậu con trai mất cha. Một người vợ mất chồng. Một người chồng mất vợ. Một người em mất anh. Một bé gái mất chị.... Nếu là càng thương yêu chừng nào thì lại càng sầu bi, ưu não chừng đó. Ai cũng khóc lóc, kêu gào than trời trách đất, đập tay, đập đầu như điên như cuồng...

Còn nữa, này bà-la-môn! Nếu là thương yêu, nhưng thương yêu gái và trai, nam và nữ trong tuổi thanh xuân thì có thể cường độ khổ đau và sầu não càng kinh khiếp hơn nữa. Tại kinh thành Sāvatthi này, không biết xảy ra bao nhiêu vụ, nam nữ thương yêu nhau, không lấy được nhau nên họ đã rủ nhau uống thuốc độc, đâm cổ nhau, nhảy sông tự vẫn! Họ nghĩ rằng, chỉ có vậy, chỉ có cái chết thì kiếp sau họ mới gặp được nhau nên vợ nên chồng!

Này bà-la-môn! Vậy đây là một pháp môn, một sự thật, một chân lý cần phải thấy rõ như thật: Dục ái, hỷ ái, tham ái, luyến ái... tất cả đều là ái; ái ấy đưa đến khổ đau, sầu muộn, thất vọng và tuyệt vọng... ngàn năm trước, ngàn năm sau cũng y như vậy!”

Sau khi nắm bắt trọn vẹn ngữ nghĩa đức Thế Tôn đã giáo giới do vị quan bà-la-môn trẻ tuổi thuật lại, hoàng hậu Mallikā lựa dịp thuận tiện nói chuyện với đức vua Pāsenadi:

- Ngày nào đại vương cũng ẵm bồng bé Vajirī(1), chắc đại vương thương yêu tiểu công chúa lắm nhỉ?

- Nhất định vậy rồi! Là cục cưng của ta đó!

- Thiếp cũng vậy! Mỗi ngày không nhìn được tiểu công chúa, thiếp ăn không được, ngủ không được!

- Ừ, ta cũng như vậy đó!

- Đại tướng quân Bandhula(2), tri âm, tri kỷ của đại vương, đại vương cũng dành cho ông ta sự thương yêu rất đặc biệt?

- Đúng vậy, không sai!

- Thế còn thiếp? Thiếp có nằm trong danh sách tình cảm thương yêu của đại vương như thế chăng?

- Có chứ! Hơn tất thảy những sự thương yêu kia là khác! Nàng là trái tim, là hơi thở của ta đó!

- Còn dân chúng Kosala và Kāsi(3)thì sao? Đại vương có thương yêu họ không?

- Có chứ! Ta cũng thương yêu họ lắm!

Hoàng hậu tủm tỉm cười:

- Đúng là sự thương yêu của một đức vua vĩ đại có trái tim vĩ đại! Nhưng nói dại, lỡ có chuyện gì bất trắc, nguy hại xảy ra cho tiểu công chúa; bất trắc, nguy hại xảy ra cho đại tướng quân Bandhula; bất trắc nguy hại xảy ra cho thiếp; bất trắc, nguy hại xảy ra cho hai nước Kosala và Kāsi... thì chắc đại vương sầu bi, ưu não lắm!

- Ừ, chắc ta không sống nổi!

Đến đây, hoàng hậu Mallikā bây giờ mới kết luận, tuy ngôn ngữ dịu dàng mà như lưỡi gươm báu găm cứng vào đá:

- Chính vì vậy, chính liên hệ những sự tình như vậy, sự thật như vậy mà đức Thế Tôn, bậc trí giả, bậc kiến giả, bậc lợi tuệ, bậc đại tuệ, bậc đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã tuyên bố sự thật ngàn đời: Thương yêu sinh đau khổ, thương yêu sinh sầu não đó, tâu đại vương!

Đức vua Pāsenadi nghe người lạnh ngắt, bàng hoàng, thảng thốt khi thấy rõ sự thật, ông lắp bắp:

- Cảm ơn hậu! Xin vô cùng cảm ơn hậu! Đấy là sự thật muôn đời không thể chối cãi, thế mà ta dám mạo phạm chế nhạo nàng, tất là nói xấu đức Tôn Sư, bậc thầy vô thượng của ta...

Nói thế xong, đức vua Pāsenadi lật đật sai nội thị lấy vương bào, mũ miện, thiết lập một bàn thờ trầm hương, đèn sáng, đặt theo hướng chùa Kỳ Viên. Đâu đấy đã xong, đức vua đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay vái đức Phật rồi thốt lên ba lần cảm hứng tôn kính sau đây: “Đệ tử xin đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác!”(1)



(1)Từ kinh ái sanh - Piyajātika sutta(Kinh 87 - Trường bộ kinh).

(1)Còn có tên là Vajirī, Vajirā, Vajirakummārī - sau này, đức vua gã cho cháu mình là vua A Xà Thế.

(2)Chuyện của vị tướng quân này kể sau, ông ta có bà vợ trùng tên với hoàng hậu Mallikā.

(3)Nước này có kinh thành Bārāṇasī - là thuộc quốc, là chư hầu của Kosala.

(1)Câu này chính là “Namo tassa Bhagavato, Arahato, SammāSambuddhassa”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/01/2016(Xem: 8361)
Mary Reibey sinh năm 1777 ở Anh. Mới hai tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ rồi lớn lên ở trại mồ côi. Trốn chạy cuộc sống khắc nghiệt đói khát và cực khổ, Mary trở thành đứa trẻ bụi đời có thành tích bất hảo, chẳng bao lâu sau cũng sa lưới pháp luật. Năm 1791, Mary mới 14 tuổi bị bắt vì tội trộm ngựa, cộng với nhân thân lắm tiền sự, Mary bị cho án 7 năm lưu đày sang Úc, lúc bấy giờ là đảo nhà tù của Anh. Sau một năm lênh đênh trên chuyến tàu biệt xứ, Mary cập bến Sydney năm 1792 khi mới 15 tuổi.
28/01/2016(Xem: 6107)
Cách đây một tháng tôi nhận được tin nhắn của người em họ tên Công về trường hợp con trai của bạn ấy, một trẻ sơ sinh đặt tên là Quang Minh. Quang Minh sinh ngày 01/12/2015, sinh sớm 8 tuần so với dự định, khi sinh ra bé nặng 1,7kg và phải nằm trong lồng kính gần một tháng tại Phụ sản Trung Ương, Hà Nội.
28/01/2016(Xem: 7964)
Câu chuyện về một chú khỉ chăm sóc một chú chó con bị bỏ rơi như con của mình đang khiến cộng đồng mạng tại Ấn Độ cảm động.
27/01/2016(Xem: 12142)
(Năm Bính Thân kể chuyện “Tiền Thân Đức Phật”) Ch.1: TỪ TỘI NÀY TỚI TỘI KHÁC
26/01/2016(Xem: 8105)
Một đời người thường cần đến ba năm đầu của tuổi thơ để học nói. Nhưng chưa hề nghe nói là người ta bỏ ra bao năm để học nghe. Bởi vậy, lịch sử nhân loại đã vinh danh rất nhiều nhà hùng biện, trạng sư, diễn giả, thuyết khách tài ba vì nói hay, nói giỏi mà chẳng có một “nhà nghe” - thính giả hay văn giả chẳng hạn - tài danh nào vì biết nghe giỏi được nhắc đến. Điều này có nghĩa là người ta có thể chỉ cần ba năm để học nói, nhưng bỏ ra cả đời vẫn chưa thể học nghe. Phải chăng vì thế mà khi có người hỏi thiên tài âm nhạc Beethoven về nốt nhạc nào là nốt có âm thanh hay nhất trong âm nhạc, Beethoven đã trả lời: “Dấu lặng!”.
26/01/2016(Xem: 7500)
Tôi còn nhớ như in câu chuyện hồi nhỏ, năm tôi học lớp 7. Thầy giáo ra một bài toán rất khó mà không ai giải được. Tôi, một đứa học trò thường đứng top nhất nhì lớp, thường xung phong lên bảng. Nhưng hôm đó thật sự là một bài toán hóc búa. Không ai tìm ra được lời giải. Kể cả tôi. Bài toán khó đó đã “ám” tôi từ lúc tan học cho đến khi về đến nhà. Ăn xong cơm tôi vội lao vào giải tiếp. Nhưng vẫn không tìm ra đáp án. Đến lúc đi ngủ, bài toán đó vẫn lảng vảng trong đầu tôi. Tôi thiếp đi trong suy nghĩ về bài toán. Và trong giấc ngủ, tôi mơ mình đã tìm ra phương án giải bài toán đó.
25/01/2016(Xem: 13851)
Em đừng mãi loay hoay tìm chỗ đứng Cần hỏi mình rằng: '' phải Sống làm sao? '' Vẫn có đấy, những người trong thầm lặng Cúi xuống tận cùng mà hồn lại thanh cao!.
24/01/2016(Xem: 8060)
Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài viết về một phụ nữ Pháp thật phi thường là bà Alexandra David-Néel (1868-1969), đăng trên tập san "Hướng nhìn Phật giáo" (Regard Bouddhiste, số l1, năm 2015). Trong Phật giáo có rất nhiều phụ nữ siêu việt và khác thường, xứng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và kính phục, mà bà Alexandra David-Néel là một trong những người phụ nữ ấy. Bài chuyển ngữ dưới đây là bài thứ ba trong một loạt bài với chủ đề "Phật giáo và người phụ nữ":
23/01/2016(Xem: 9261)
Hãng tin AP mới đây đã dẫn lại 3 cuộc trả lời phỏng vấn của Tổng thống Obama với các thành viên trên mạng Youtube. Trong một cuộc phỏng vấn kéo dài 35 phút, một thành viên trên Youtube có tên Ingrid Nilsen, hay còn gọi là Missglamorazzi, đã hỏi ông Obama về những món đồ có ý nghĩa đặc biệt với ông và đề nghị ông chia sẻ vài điều về chúng.
23/01/2016(Xem: 6708)
Bất cứ quốc gia nào, xã hội nào cũng có những loại tín ngưỡng truyền thống do nhiều thế hệ lưu lại. Một quốc gia có tuổi càng cao, có chiều dài lịch sử càng nhiều, gắn liền với nền văn hóa bản địa là có một số tín ngưỡng bản địa. Riêng Việt Nam, tín ngưỡng nhân gian gồm có: - Tín ngưỡng phồn thực - Tam phủ, Tứ phủ - Thờ động vật và thực vật - Tín ngưỡng sùng bái con người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]