Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

20. Mùa An Cư Thứ Mười Hai

26/11/201320:37(Xem: 30755)
20. Mùa An Cư Thứ Mười Hai
mot_cuoic_doi_tap_4
Mùa An Cư Thứ Mười Hai

(Năm 576 trước TL)

Kệ Thơ Cảm Xúc
Của Một Thi Sĩ


Sau mùa mưa năm thứ mười một, rất nhiều vị tôn túc trưởng lão từ nhiều phương đến hầu Phật tại Trúc Lâm. Nhưng ngài thì lại đi luôn, lúc phương này, mai phương khác, thỉnh thoảng trở lại làng Ekanāḷā gần núi Dakkhiṇāgiri để giáo hóa học chúng ở đấy.

Đầu tháng nắng nóng, đức Phật trở lại Trúc Lâm thì thấy dường như có mặt gần đủ các vị trưởng lão. Nhân tiện ấy, đức Phật yêu cầu chư trưởng lão họp bàn để đúc kết lại một số học giới được chế định tại Kosambī, Jatavana và thời gian vừa qua tại Veḷuvana. Công việc này chỉ cần ba hôm là xong - nhưng do chư vị trưởng lão như hai vị đại đệ tử, Mahā Kassapa, Upāli, Ānanda phải đọc tụng nhiều lần cho nhiều nhóm học chúng nên phải kéo dài cả tuần lễ.

Chiều hôm đó, đột ngột tôn giả Aññā-Koṇḍañña từ hồ Mandākinī(1)tại Himalaya tìm về đảnh lễ đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ, tôn giả còn cúi xuống dùng miệng hôn bàn chân đức Thế Tôn, dùng tay xoa bóp chân ngài, rồi phủ phục tâu rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử là Aññā-Koṇḍañña! Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử là Aññā-Koṇḍañña! Đệ tử thọ phần đã mãn, xin đức Thế Tôn cho phép đệ tử được nhập diệt.

Đức Phật yên lặng một lát rồi hỏi:

- Vậy thì ông sẽ xả bỏ ngũ uẩn ở đâu, này Aññā-Koṇḍañña?

- Ở hồ Mandākinī, Himalaya, bạch đức Tôn Sư!

Đại chúng lặng người. Tôn giả là bậc tôn túc trưởng lão, là người đắc quả A-la-hán đầu tiên trong giáo pháp của đức Phật. Tôn giả là vị bà-la-môn trẻ tuổi nhất trong tám vị bà-la-môn uyên bác đoán tướng cho thái tử thuở ngài vừa đản sinh được năm ngày. Ai cũng đưa lên hai ngón tay, ý nói, với ba mươi hai tướng quý của bậc đại nhân, thái tử sau này sẽ chọn lựa hai con đường, nếu xuất gia thì đắc quả Phật, nếu ở tại gia, làm vua, sẽ trở thành bậc Chuyển luân Thánh vương. Riêng bà-la-môn trẻ, thông thái, chừng hai mươi lăm tuổi là Koṇḍañña, đưa lên một ngón tay, và khẳng định rằng, thái tử chỉ đi theo một con đường, là sẽ xuất gia và đắc quả Chánh Đẳng Giác.

Thế rồi, khi thái tử vừa chớm có ý định xuất gia - thì trong giới bà-la-môn ở kinh thành, có xôn xao tin đồn, Koṇḍañña đã rủ bốn người con của bảy vị bà-la-môn năm xưa đi xuất gia, tập sống đời phong sương khổ hạnh để sau này gặp lại thái tử. Đấy là Vappa, Assaji, Mahānāma, Bhaddiya. Như vậy, khi Phật thành đạo, Chuyển Pháp Luân tại Vườn Nai thì Koṇḍañña đã sáu mươi tuổi. Và tôn giả là người đắc quả A-la-hán đầu tiên, được chư thiên tán thán vang động gọi là Aññā-Koṇḍañña (A-nhã Kiều Trần Như)(1). Vào hạ thứ hai của đức Phật, chính tôn giả về tìm gặp chị gái Mantānī của mình, thuyết phục bà cho đứa cháu trai là Puṇṇa, con của bà xuất gia theo Phật tại Trúc Lâm. Và chính tôn giả đã đích thân trao giới và hướng dẫn Puṇṇa tu tập đắc quả vị A-la-hán cùng với thắng trí, biện tài, được đức Phật tán dương trước hội chúng là “Đệ nhất thuyết pháp” trong hàng Thanh Văn. Không bao lâu sau, tỳ-khưu Puṇṇa trẻ tuổi này đã thu phục, giáo giới năm trăm tỳ-khưu và hội chúng này luôn sống trong rừng, ai ai cũng tán thán ca ngợi về hạnh viễn ly, thiểu dục, thiền định. Tất cả đấy là nhờ công lao nhũ mẫu của tôn giả Koṇḍañña cả. Sau đấy, tôn giả thường ẩn cư ở Himalaya, suốt mười hai năm, tại hồ Mandākinī, lâu lâu mới về thăm đức Phật một lần, lâu lâu nhận một trách nhiệm nào đó do đức Phật giao phó; xong bổn phận, ngài lại về rừng. Đức hạnh sáng rỡ như mặt trăng. Tôn giả sống ở đây được chư thiên trong vùng vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ. Có con voi chúa Chaddanta luôn luôn ở bên cạnh phục dịch, hầu hạ, kể cả cúng dường các loại trái cây. Lại có thiên tử Nāgadatta hết lòng hộ độ các nhu yếu khác...

Vậy là tin tức tôn giả Koṇḍañña xin nhập diệt được xôn xao bàn tán khắp mọi nơi, nhất là hai giới xuất gia và tại gia. Ai ai cũng cung kính, ngưỡng mộ, tiếc rẻ, cảm thán một bậc tôn túc đã ra đi, giáo hội đã mất đi một gốc cổ thụ tàn cao bóng cả.

Chiều tối hôm đó, đức Phật thuyết một thời pháp trước một hội chúng đông người chưa từng có, nói về công hạnh thù thắng của tôn giả, nói về nhân duyên nhiệm mầu khi tôn giả quy tụ bốn người con trai của bảy vị bà-la-môn xuất gia sống đời đạo sĩ để chờ gặp Phật, nói về lẽ sinh diệt, nói về sự xả bỏ ngũ uẩn không còn dư tàn của một vị A-la-hán, nói về hạnh phúc vẹn toàn của bậc đã diệt tận mọi khổ đau...

Cuối thời pháp, bất ngờ nhất, tỳ-khưu Vaṅgīsa bước ra đảnh lễ đức Phật để xin đọc một bài kệ thơ để tán thán công hạnh của tôn giả Aññā-Koṇḍañña.

Đức Phật hỷ xả gật đầu:

- Ừ, đọc đi, này ông thi sĩ!

Thế rồi, tỳ-khưu Vaṅgīsa ưỡn thẳng lưng dậy, con ngươi như có hai đốm sáng long lanh, ngước mắt lên cao rồi đảo quanh hội chúng một vòng; ông ta lấy hơi, sau đó, không biết ngôn ngữ chữ nghĩa ở đâu đó tự động trào vọt ra, trôi chảy như sông như suối:

“- Ôi! Tôn giả Koṇḍañña ơi!

Tôn giả Koṇḍañña ơi!

Thế là gốc đại thụ cao xanh sắp đổ rồi!

Thế là một ngôi sao tắt lịm giữa lưng trời!

Ôi! Núi nghiêng, đất sụp

Băng vỡ, tuyết tan

Hoa tàn, nguyệt khuyết!

Bởi ngọn lửa vô thường

Bởi sắc thân sinh diệt!

Nhớ tôn giả xưa,

Tuổi trẻ tài cao

Tinh minh thánh triết

Ba đãy Vệ-đà

Nổi danh thần đồng xem tướng

Một ngón tay đưa lên,

Thái tử mai sau thành Phật

Nên đợi chờ ngài gióng pháp chuyển luân

Đạo sĩ năm ông, khổ hạnh tinh cần

Với quyết chí nêu gương bồ-tát

Tại Vườn Nai, trang nghiêm thính pháp

Phật ngợi khen,

Añña-Koṇḍañña

Chứng ngộ đầu tiên

Añña-Koṇḍañña

Thoát khổ, thoát triền

Người trời tán dương

Tôn xưng, trân trọng

Rồi từ đấy

Sống đời thiêng liêng phạm hạnh

Quan sát thế gian, cứu độ tùy duyên

Mây trắng qua sông

Hành hóa khắp miền

Lúc rỗi việc, ẩn cư núi chúa

Có thớt tượng Chaddanta

Cúng dường trái quả

Có thiên tử Nāgadatta hầu hạ chu toàn

Hồ mẹ Mandākinī nước ngọt trong lành

Phô năm sắc

Súng sen hương thơm ngát

Mười hai năm non cao,

Biết thọ phần đã hết

Về Trúc Lâm phụng bái đức Tôn Sư

Hôn bàn chân ngàn căm của ngài,

Im lặng giã từ

Im lặng pháp

Im lặng tâm

Im lặng hư không

Để đi đến cõi vô sanh bất diệt

Có tam giải thoát môn(1)thênh thang rộng mở!

Ôi! Đệ tử là kẻ vô văn phàm phu

Cảm thương mà trào lệ

Giọt nước sương trời

Rơi đọng giọt bi ai

Ôi! Lẽ tử sinh

Khó kham nhẫn kiếp người

Xin đảnh lễ gót chân tôn giả

Đệ tử là Vaṅgīsa

Với nỗi niềm băng giá

Ứng tác ngôn lời

Vụng về đưa tiễn

Xin đức Tôn Sư minh giám

Xin chư tăng minh giám!

Đọc xong bài kệ thơ, đi liền với cảm xúc của mình, nước mắt tỳ-khưu Vaṅgīsa tuôn chảy lặng lẽ. Rất đông người trong hội chúng còn phàm, đâu đó cũng nức nở khóc theo.

Đức Phật xóa tan không khí bi thương ấy, ngài nói:

- Thôi vừa rồi! Thôi đủ rồi! Để còn thời gian cho Añña-Koṇḍañña trở về trú xứ.

Hôm ấy, sau khi tôn giả Koṇḍañña dùng thần thông lực trở lại Himalaya thì tôn giả Anuruddha cũng xin phép đức Phật, dẫn năm trăm vị tỳ-khưu có thần thông, như đàn chim ưng vàng, vút qua hư không có mặt ngay tức khắc tại hồ mẹ Mandākinī.

Trên một tảng đá cạnh bờ hồ, tôn giả Koṇḍañña tọa thiền, lên xuống các định như thông lệ của chư vị A-la-hán, lên lại tứ thiền rồi chấm dứt thọ hành, đi vào vĩnh cửu. Chư thiên, thọ thần, muông thú khóc lóc thảm thiết. Khi nhục thân được hỏa táng, ai ai cũng lạ lùng, chiêm ngưỡng một đàn voi quỳ xung quanh lặng lẽ, con nào cũng đội hoa, trái quả hoặc cây lá lên đầu. Thiên tử Nāgadatta hóa hiện thành thân người, dẫn đầu một đoàn thiên chúng đến bên nhục thân, ai cũng cung kính chấp tay vái chào, sau đó, đặt vào giàn hỏa một lõi trầm hương của cõi trời, thơm đến tận mây xanh! Năm trăm vị tỳ-khưu âm giọng như sóng biển tụng đọc kệ vô thường, vô ngã.

Trong lúc ấy thì tại Vương Xá, đức vua Bimbisāra cùng các phú hộ, gia chủ cư sĩ hay tin hùn nhau, cấp tốc làm một ngôi bảo tháp bằng bạc ở bên sau Trúc Lâm tịnh xá. Khi xá-lợi được tôn giả Anuruddha cùng năm trăm tỳ-khưu gói trong tấm vải lọc nước mang về, đức vua Bimbisāra dâng cúng một bình nhỏ bằng vàng. Đến ngày, chính đức Phật tận tay đặt bình vàng đựng xá-lợi vào trong bảo tháp(1), tôn trí ở đấy để hai hàng cư sĩ trầm hoa lễ bái, phụng thờ.



(1)Tại Himalaya có 6 hồ lớn: Anotatta, Sīhapapātā, Rathakārā, Kaṇṇamuṇḍa, Kunālā, Chanddantā.

(1)Đây là ghi theo tạng Luật. Còn tạng Kinh Miến hay tạng Kinh Tích Lan đều ghi là Aññāsi Koṇḍañña.

(1)Không, vô tướng, vô tác.

(1)Thế kỷ thứ sáu, sau Tây lịch, ngài Buddhagosa có đến đây, ngài bảo là cái tháp bạc ấy vẫn còn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/09/2012(Xem: 13227)
"Heartwood of the Bodhi tree" (Cốt lõi của cội Bồ-đề) - Buddhadasa Bhikkhu, Hoang Phong chuyển ngữ
18/09/2012(Xem: 13096)
Qua bài viết này, người viết mong rằng sẽ góp một phần nhỏ kiến thức về ý nghĩa chân thật về Phật giáo đối với Phật tử đi chùa.
14/09/2012(Xem: 22178)
Thế giới đang sử dụng Thiền như thức ăn như nguồn sống không thể thiếu trong cuộc đời thường. Ngay ở nước Mỹ, quốc gia tân tiến bậc nhất về khoa học kỹ thuật cũng đã áp dụng Thiền như một phương thuốc trị liệu tâm lý.
14/09/2012(Xem: 8891)
Tất cả những pháp môn tu chỉ nhằm chuyển hóa tâm thức, vì chỉ có chuyển hóa tâm thức. Nhìn trên căn bản, mỗi người tu Phật cần thực hành hai phương diện. Thứ nhất, hành giả phải có khả năng rút khỏi xã hội một thời gian nhất định nào đó, có thể vài giờ, vài ngày, vài tháng hoặc vài năm... Thứ hai, có khả năng đem những kinh nghiệm từng trãi nơi tịnh tu vắng vẻ cống hiến lại cho cuộc đời, cho những người hữu duyên và cho chính cuộc sống hằng ngày mỗi chúng ta. Như hơi thở ra và hơi thở vào, cả hai đều cần thiết như nhau. mới phổ độ chúng sanh một cách chân thật.
14/09/2012(Xem: 9249)
Mấy năm trước, nhân dịp Đức Dalai Lama đến thăm thung lũng Lahoul nơi chúng tôi tu tập ở Ấn Độ; lúc đó Ngài trú lại một tuần để thăm viếng, ban lễ điểm đạo và giảng pháp. Sau buổi thuyết pháp dài mấy tiếng đồng hồ, tôi hỏi một phụ nữ Lahoul rằng: “Bác có biết Đức Dalai Lama giảng gì không?”. Bác gái trả lời: “Dạ, con không hiểu nhiều nhưng con biết Ngài giảng là, nếu ta có lòng từ bi thì đó là điều tốt”. Đúng vậy, cơ bản là như thế. Đâu có gì đáng nói hơn thế nữa phải không? Nếu chúng ta có lòng từ bi, điều đó không tốt lắm sao? Vậy từ bi nghĩa là gì?
12/09/2012(Xem: 6689)
Đã có một trong những sự phát triển sâu xa , xuất hiện từ thế kỷ 20 , tác động đến đời sống của hàng tỷ người , nhưng vẫn chưa được chú ý rộng rãi . Bên cạnh những biến đổi đầy ấn tượng về chính trị và xã hội , những phát triển về khoa học và công nghệ , cùng những hệ thống mới trong lãnh vực vận tải và truyền thông , các sử gia tương lai chắc chắn sẽ quan tâm đến sự tự do tương đối . Họ sẽ nhận thức rằng chính sự tự do tương đối đã trước hết diễn dịch rồi sau đó định hình cho cá tính của từng con người ; cuối cùng mang lại quyền tồn tại cho loài người . Tuy những yếu tố quen thuộc tạo nên tự ngã , như là tính cách sắc tộc , khu vực định cư , dòng dõi , gia đình …vẫn hiện diện , nhưng những yếu tố đó không còn quan trọng vì một chuỗi những yếu tố độc đặc mới xuất hiện trong thế kỷ 20 . Cho nên khi đã hoàn toàn chấp nhận các ý niệm dân chủ tự do như một bản chất thực nghiệm làm nền để xác định ý nghĩa của việc làm người , hiếm khi chúng ta xem xét những ý niệm đó đã làm biến đổi hình th
12/09/2012(Xem: 7677)
Phật giáo Đại thừa có rất nhiều Thần chú như Chú Đại Bi, chú Thủ Lăng Nghiêm, chú Chuẩn đề… mà Thần chú chỉ có trong Mật tông. Vậy lịch sử hình thành Mật tông như thế nào?
11/09/2012(Xem: 8232)
Người Phật tử khi đã hiểu đạo thì phải lấy hạnh khiêm tốn làm đầu, phải biết khiêm tốn thấp mình thưa hỏi đạo lý thì mới học được điều hay lẽ phải mà biết được cội nguồn của giác ngộ, giải thoát. Người Phật tử phải nên nhớ rằng muốn mình thật sự khiêm tốn thì ngay bước đầu chúng ta phải tập nhẫn nhịn đối với những việc trái ý nghịch lòng, nhẫn không có nghĩa là hèn nhát.
01/09/2012(Xem: 12555)
Phật tính [1] có thể là bản chất trống rỗng của tâm thức, mà trong trường hợp nào nó không là một thức. Nó cũng liên hệ đến tâm tịnh quang nguyên sơ là điều liên hệ hơn đến giáo huấn mật thừa tantra.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]