Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02.Veḷuvana (Trúc Lâm Tịnh Xá)

26/10/201316:34(Xem: 29055)
02.Veḷuvana (Trúc Lâm Tịnh Xá)

Mot cuoc doi bia 02


Veḷuvana

(Trúc Lâm Tịnh Xá)





Bước qua cổng thành bắc, theo con đường uốn lượn giữa hai dãy núi Vaibhāra và Virgūḷa, không bao lâu là đã đến Trúc Lâm: Cả một khu rừng trù mật trải rộng cả mấy chục dặm, không những lắm tre trúc mà còn rất nhiều loại cây thân mộc, thân thảo xanh lam lục biếc. Lại có hồ nước Kālaṅdaka lớn rộng, trong xanh đủ loại súng sen ngoạn mục.

Đức Thế Tôn tản bộ cùng với ba tôn giả Kassapa đi thăm thú các nơi. Ở đâu cũng gặp sóc và thỏ. Ở đâu cũng thơm ngát hương hoa, hương lá, hương thiên nhiên trong lành dễ chịu. Một số hang động có thể ở được nhưng không thể chứa nhiều người. Vấn đề là phải dựng lợp cả ngàn cốc liêu rải rác, các công trình vệ sinh, ăn ở, sinh hoạt cho chư tăng vào mùa mưa sắp đến...

- Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Uruvelā-Kassapa thưa – Tuy công việc thật là bộn bề nhưng không phải là không làm được. Dù sao, chúng đệ tử đã quen thuộc với đời sống khổ hạnh; và hiện tại, ở đâu, làm gì cũng thanh tịnh và an vui cả!

- Ừ, ông nói đúng! Đức Phật mỉm cười – Như Lai rất hài lòng về tâm, về trí mà các ông đã thành tựu! Tuy nhiên, từ rày về sau, các ông hãy chịu khó chăm chuyên hướng dẫn hội chúng tu tập, để cho các khả năng về định, về tuệ nhất là trí phương tiện của họ được sâu và rộng hơn nữa. Cái ấy cần cho giáo pháp. Vấn đề cốc liêu và mọi tiện nghi sinh hoạt liên hệ, từ rày về sau là bổn phận của cư sĩ, là trách nhiệm của cư sĩ, các ông khỏi phải quan tâm!

Buổi chiều, đức vua Seniya Bimbisāra và tùy tùng lại đến, ông thưa trình một việc quan trọng:

- Bạch đức Tôn Sư! Đêm qua, đệ tử nằm mơ, nằm mơ mà y như thật, có một bầy ma quỷ, đông lúc nhúc, hiện đến bên giường, ỉ ôi, tỉ tê than khóc, chúng la to những tiếng rất kỳ dị, đệ tử không hiểu ngôn ngữ ấy! Âm thanh lắp bắp không được rõ ràng cho lắm, dường như là: Mayamassu dukkhita peta...” thì phải! Nghe xong, đệ tử bèn hỏi: “ Quý vị là ai? Đến khóc lóc với ta như vậy là có ý gì?” Thế rồi, chúng hiện hình cho đệ tử thấy. Thật là ghê sợ. Thân hình của chúng chỉ là những bộ xương khô được bao bên ngoài một lớp da mỏng màu xám, màu xanh đen, màu tím bầm trông rất quái dị. Đứa cao thì cao như cây thốt nốt, như cây tre gai; thấp thì như đứa trẻ lên ba, như cây xương rồng không gai. Đầu của chúng như những trái bầu non phơi khô, mắt của chúng thụt sâu vào bên trong như những cái hố đầy máu, đầy ghèn; cổ nhỏ và dài như cây kim, như cọng rơm; tóc dài như chùm cỏ dính bùn gớm ghiếc thả xuống tận lưng, tận bụng, bụng là những cái trống cơm, trống chầu... Chúng không có áo quần, và có lẽ đã không có gì ăn từ muôn triệu kiếp rồi. Thật là kinh khiếp, ghê sợ nhưng cũng thật là đáng thương hại!

Bạch đức Thế Tôn! Chúng là ai? Và bây giờ chúng đệ tử phải làm gì?

- Như Lai biết! Đức Phật mỉm cười – Và còn biết nhiều hơn thế nữa! Cái câu mà đại vương nghe không rõ, có nghĩa là chúng ngạ quỷ than khổ, than đói! Việc này không những liên quan đến đại vương mà còn nhân duyên với ba thầy Kassapa cùng một ngàn vị tỳ-khưu ở đây nữa!

Nói thế xong, đức Phật cho tụ họp Tăng chúng rồi kể lại chuyện tiền thân của họ: “Vào một thời lâu xa trong quá khứ, cách đây đã vô lượng kiếp rồi, có một vị Chánh Đẳng Giác ra đời, ngài hiệu là Phussa. Hôm ấy, đức Phật ngự về kinh đô để độ cho phụ vương ngài tên là Seyyasena. Đức vua có đức tin rất vững mạnh và cũng vô cùng kỳ lạ: Ngài chỉ muốn độc quyền cúng dường tứ sự hằng ngày, chỉ muốn hưởng phước một mình chứ không cho ai xen dự vào cả! Thế là từ hoàng cung đến khuôn viên rừng cây xanh đẹp nơi đức Phật và chư tăng tạm cư, nhà vua cho làm hai bức bình phong bằng cây và bằng vải ngăn bít hai bên, giữa là để làm lối đi về của đức vua và hằng ngàn người phục vụ việc trai phạn cúng dường!

Nhà vua còn có ba vị hoàng tử, em đức Phật, được nhận trọng trách dẹp loạn ở biên cương. Họ đều là kẻ trí tài, võ dõng nên trong tay chỉ có một ngàn dũng sĩ, với thời gian ngắn đã bình định được cõi bờ, cư dân xa xôi được yên ổn. Vua cha tỏ lời khen ngợi và muốn thưởng một phần thưởng xứng đáng cho công lao của họ, nghĩa là tùy ý họ lựa chọn, muốn gì được nấy!

Hoàng tử thứ nhất có năm trăm thuộc hạ, hoàng tử thứ hai có ba trăm thuộc hạ, hoàng tử thứ ba có hai trăm thuộc hạ, trong một thoáng đã hội ý với nhau: Chúng con không xin ngai vàng, đất đai, châu ngọc, mỹ nữ mà chỉ xin được thay nhau cúng dường đức Phật và chư tăng trong bảy mùa an cư! Đức vua giật thót mình như đỉa phải vôi, cương quyết không cho, yêu cầu xin cái khác. Các vị hoàng tử cũng cương quyết giữ ý mình, nói xa nói gần, một vị minh quân phải xem trọng chữ tín, không thể thất hứa được. Thế rồi, mỗi bên rút lui mỗi ít, và muôn đời, chỉ phải biết luồn trôn kim: Cả ba vị hoàng tử được cúng dường trong một mùa an cư!”

“Thời ấy, thuộc nhiều đại kiếp quả đất trước - Đức Phật kể tiếp - tuổi thọ của loài người có nhiều muôn tuổi, dân chúng đông đúc chứ không ít ỏi như bây giờ. Thánh chúng của đức Phật Phussa luôn đoanh vây mấy chục ngàn vị. Hãy thử tưởng tượng cả núi thực phẩm hằng ngày, hãy thử tưởng tượng hằng chục ngàn người phục vụ hằng ngày! Ba vị hoàng tử giải quyết khá thuận lợi và chóng vánh. Tất cả gia đình của các hoàng tử, gia đình của mọi chiến sĩ phải đảm đang việc phục vụ bên ngoài. Còn nữa, tài sản của ba hoàng tử được giao cho một vị trọng thần liêm khiết và uy tín nhất để trông coi sổ sách thu chi hằng ngày; rồi tất cả bà con, quyến thuộc, kẻ ăn, người ở của vị ấy cùng đảm nhận việc chợ búa mua sắm vật thực, bếp núc... Riêng ba hoàng tử và một ngàn chiến sĩ tùy tùng thì xin được vào tịnh xá, kề bên Phật, thọ bát quan trai giới, nghe pháp và tu tập thiền định!

Tất cả mọi công việc đều xuôi chèo, mát mái, tiến triển thuận lợi; chỉ duy có một việc phát sanh. Ấy là con, là cháu của những người phục vụ bếp núc, khi thấy những món ăn thượng vị, loại cứng, loại mềm chúng đòi ăn, khóc la om sòm! Thấy vật thực quá nhiều, lại thương con thương cháu nên lén lấy cho chúng ăn. Ngày này sang ngày khác, chẳng ai để ý, họ lại đem về nhà để cả nhà cùng ăn! Đúng ra, đấy là vật thực đã có tác ý cúng dường đến đức Phật và chư vị thánh tăng; khi các ngài chưa thọ dụng mà tự ý lấy ăn trước thì tội rất trọng! Cái tội rất trọng này là do nhân quả nghiệp báo nó làm việc; là do không có phước mà thọ dụng phước lớn, thọ phước không phải của mình, được xem như trộm cắp phước! Do cái quả báo ấy mà rất nhiều thân nhân, quyến thuộc, kẻ ăn, người ở của vị lão thần thuở xưa bị đọa làm thân ngạ quỷ chịu khổ, chịu đói, chịu lạnh trải qua mấy kiếp quả địa cầu rồi! Vào thời đức Phật Kassapa, vị Phật có trước Như Lai, thấy rõ nhân duyên tội báo của chúng ngạ quỷ ấy, đã có nói với chúng rằng:“Khi nào trên địa cầu nầy xuất hiện một vị Chánh Đẳng Giác hiệu là Sākya Gotama thì ba hoàng tử thuở xưa cùng một ngàn chiến sĩ sẽ đắc quả A-la-hán trong giáo pháp ấy; vị lão thần thuở trước do đức liêm khiết, trong sạch, công chính sẽ làm vua nước Māgadha, tên là Seniya Bimbisāra. Các ngươi vốn là quyến thuộc của đức vua anh minh ấy; và chỉ có oai lực công đức của đức vua ấy mới có khả năng cứu các ngươi khỏi khổ, khỏi đói, khỏi rét lạnh của kiếp ngạ quỷ mà thôi!”

Đức Phật kể chuyện xong, ai cũng lạnh cả người. Trong hội chúng thánh nhân chưa ai có khả năng túc mạng thông nhớ đến nhiều kiếp quả địa cầu như đức Phật nên bây giờ họ mới thấy rõ nhân duyên từ quá khứ như thế nào!

Đức vua Seniya Bimbisāra bàng hoàng, im lặng giây lâu:

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử đâu có biết mình có oai lực công đức gì mà cứu họ?

- Có đấy! Đức Phật mỉm cười – Chúng ngạ quỷ không ăn được vật thực của loài người, không mặc được những tấm sārī gấm vóc, tơ lụa của nhân gian! Chúng chỉ ăn và mặc được cái phước mà thân nhân quyến thuộc hồi hướng đến cho họ! Đại vương có khả năng thiết lễ đặt bát vật thực, cúng dường vải vóc đến Tăng chúng rồi sau khi thọ nhận, Tăng chúng sẽ chú nguyện, hồi hướng phước báu ấy đến cho chúng ngạ quỷ! Cúng dường vật thực thì chúng ngạ quỷ sẽ được ăn no, cúng dường vải vóc thì chúng ngạ quỷ sẽ được mặc ấm! Chúng ngạ quỷ ấy vốn là quyến thuộc của đại vương, thì chỉ có oai lực đại vương mới cứu họ được; Như Lai và Thánh chúng chỉ làm phận sự của người đưa thư, nhận phước và trao phước mà thôi vậy!

Quỳ lạy năm vóc sát đất, đức vua Seniya Bimbisāra thốt lên:

- Ôi! Kỳ diệu làm sao, bạch đức Thế Tôn! Đệ tử sẽ hoan hỷ phát tâm thiết lễ đặt bát vật thực, cúng dường vải vóc, nhiều loại lễ phẩm phụ tùy khác đến đức Tôn Sư cùng Tăng chúng thánh hạnh suốt một tuần lễ tại hoàng cung. Ngoài ra, đệ tử cũng xin phát nguyện kiến thiết xây dựng toàn bộ khu Trúc Lâm nầy. Đệ tử sẽ cho làm ngay vài ngàn cốc liêu, đại giảng đường, thiền đường, nhà khách, nhà ăn, các công trình phụ về vệ sinh, nhà tắm, sân bãi, vườn cảnh, lối đi kinh hành, nhà kho, trạm xá... đâu đấy đều chu đáo và hoàn chỉnh để dâng cúng đến đức Tôn Sư và giáo đoàn, hy vọng sẽ phát triển lớn mạnh trong nay mai nữa! Hạnh phúc thay khi được làm người hộ pháp cho giáo pháp bất tử!

Đức Phật mở lời tán thán công đức vĩ đại của nhà vua, đồng thời khợi khen mô hình phác thảo tịnh xá Trúc Lâm như là công trình tôn giáo có giá trị thế kỷ tại đất nước này vậy.

Sau chỉ một ngày làm phước, cúng dường đức Phật và Thánh chúng như ý muốn, đêm ấy nhà vua nằm mộng thấy các vị trời rất cao sang và xinh đẹp, đồng hiện đến để tri ân và báo tin cho ông hay là họ đã no đủ, đã sung sướng, đã thoát kiếp ngạ quỷ, sinh làm chư thiên ở trong sự cai quản của Tứ đại thiên vương. Ngày hôm sau, với tâm trạng lâng lâng, nhà vua đến bạch Phật kể lại câu chuyện; nhân tiện, suốt cả sáu ngày liên tiếp, đức Phật thuyết về các cảnh giới, lần lượt trình bày về nhân về quả từ Địa ngục cho đến cõi trời Phi phi tưởng. Sau thời pháp, lệnh bà Videhi và hằng trăm người khác đắc quả Tu-đà-hoàn.

Đức vua ngày nào cũng hỷ lạc, khuôn mặt rạng rỡ; tức tốc truyền cho các vị đại thần có khả năng chuyên môn về thiết kế đã hoàn thiện bản vẽ đúng theo ý tưởng phác thảo của ông; sau đó, dự toán nhân công, vật liệu để xây dựng Trúc Lâm tịnh xá (Veḷuvanārāma) kịp thời cho đức Phật và thánh chúng an cư mùa mưa! Công việc được tiến hành ngay tức khắc...

Riêng đức Phật chiều nào cũng bận rộn nói đạo, thuyết pháp cho con em các gia đình quý tộc, quan lại, các giới cấp nhân sĩ; sau đó lại đến gia đình các thương gia, phú thương, và một số trí thức, học giả bà-la-môn. Giáo pháp mới lạ được mọi giới tiếp thu. Nhà vua đã được đức Phật và giáo pháp cảm hóa một cách sâu sắc và mầu nhiệm. Với số tuổi ba mươi mốt, đức vua đã đủ chững chạc để nhận chân giá trị luồng tư tưởng mới, vừa rọi sáng tâm trí, vừa đưa vào cuộc sống, cải cách chính sách, phổ cập cái hay cái đẹp đến cho mọi nhà. Hằng ngàn, hằng ngàn quan lại, chiến sĩ, thị dân noi gương nhà vua để theo đạo mới. Có lẽ trong số ấy cũng có một số xu thời, nhưng đa phần là sự tín thành hoặc bị thu nhiếp bởi nhân cách sáng rỡ, bởi đời sống thanh tịnh của đức Phật và chư vị thánh nhân. Giới hoàng gia, quý tộc, võ tướng (sát-đế-lỵ) bị thu hút vì tính cách cao thượng của các giá trị tinh thần, có thể đem ra áp dụng để phục vụ nhân quần, xã hội. Giới bà-la-môn nhân sĩ trí thức bị thuyết phục bởi sự chính xác, minh bạch, khúc chiết, sâu rộng của những tư tưởng triết học hàm tàng trong các buổi thuyết giảng của đức Thế Tôn. Giai cấp thương gia, phú thương, chủ ngân hàng, chủ nghiệp đoàn (vệ-xá) thì vô cùng ủng hộ giáo pháp vô thần trong sáng, chơn chánh ấy; vì rằng họ đã từng tốn kém, đứt ruột bỏ ra cả núi của cải tài sản, lễ phẩm, hằng trăm hằng ngàn cừu dê... để lo tiểu tế, trung tế, đại tế đến đủ mọi loại thánh thần huyễn hoặc mong được mua may bán đắt, hoạnh phát hoạnh tài! Rồi nuôi không cho bọn bà-la-môn ăn trắng, mặc trơn đú đởn với vợ con tì thiếp đùm đề từ trang trại bóc lột sức lao động tốp nô lệ nầy sang điền trang cướp giật không công nhóm nô lệ khác! Các giai cấp dưới như thợ thuyền, kẻ làm công, tiện dân lao dịch nặng nề, bẩn thỉu (thủ-đà-la, chiên-đà-la) thì vô cùng sung sướng được thấy mình có giá trị, đồng đẳng với các ông hoàng, bà chúa; ngay chính đức Phật, trước là một vị vua, một bậc tối thượng như vậy mà cũng ôm bát xin ăn trước cửa mọi nhà không phân biệt giàu nghèo, quý tiện! Quả thật, trong một thời gian rất ngắn mà đức Phật đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, mà, hào quang của ngài đã làm lu mờ tất cả các vị thánh thần trong truyền thống tôn giáo cổ xưa. Sự thành công này thật đáng kinh ngạc vậy!

Sự hoằng hóa thuận lợi là vậy, nhưng hôm kia, đức Phật nói chuyện với ba tôn giả Kassapa rằng, một giáo hội được gọi là hoàn toàn thì không chỉ có bấy nhiêu, nó còn cần phải hội đủ nhiều điều kiện, cần nhiều yếu tố nhân duyên khác hỗ trợ nữa! Mai này chúng ta còn cần nhiều đức vua hộ pháp, cần nhiều hoàng hậu, quý phi, thứ phi, công chúa, cần nhiều thánh đệ tử nam nữ cự phú hộ pháp... Về phía Tăng đoàn, chúng ta còn cần nhiều vương tử, Hoàng tử, đại thần, võ tướng, tổng trấn, quý tộc, học giả, nhân sĩ, bà-la-môn, thương gia, thợ thuyền, kẻ cùng đinh, gã thợ săn, người nuôi thú, người đánh cá... của nhiều tiểu quốc xuất gia; cần những sa môn đệ nhất về trí tuệ, đệ nhất về thần thông, đệ nhất về đầu-đà, đệ nhất về thuyết pháp, đệ nhất vể thiền định, đệ nhất về đa văn, đệ nhất về luật, đệ nhất về pháp, đệ nhất về độc cư, đệ nhất về mật hạnh, đệ nhất về phước báu... quy tụ nhiều tinh hoa phong phú, đa dạng như thế mới mong phát triển xa rộng được!

Nghe đức Phật phác thảo chương trình hành động có tầm chiến lược như thế, cả ba vị tôn giả mới thấy rõ trí tuệ vượt bậc, tầm nhìn vượt bậc của ngài!

Lúc nhà vua cho các quan đại thần mang nhân công và vật liệu đến công trình, tôn giả Uruvelā-Kassapa hỏi đức Phật, là chư tăng có được phép giúp sức một tay trong việc xây dựng hay không?

Đức Phật đáp:

- Làm được nhiều việc lắm, này Uruvelā-Kassapa! Ngoài thì giờ đi trì bình khất thực, vào mỗi buổi chiều nên rút ngắn lại một ít thời gian học tập, công phu để phụ giúp việc này việc kia. Hội chúng bây giờ đều là bậc thanh tịnh, chưa có vấn đề; nhưng sau này sẽ đông đảo hơn thế; và khi mà có nhiều phàm tăng thì sẽ có những phức nhiễu, phức tạp nẩy sinh. Lúc ấy, Như Lai sẽ tùy nghi chế định những học giới...

Thế rồi, công trình xây dựng rộn ràng bắt đầu. Nadī-Kassapa và Gayā-Kassapa chiều nào cũng có mặt ở công trường để đốc thúc các vị Tăng trẻ trong mọi công việc. Trong lúc ấy thì lác đác những vị tỳ-khưu trong nhóm năm ngài Koṇḍañña, năm mươi vị của nhóm Yasa và bạn hữu, đang hoằng hóa ở các vùng lân cận đều trở về thăm và đảnh lễ đức Tôn Sư. Họ trình bày với đức Phật những khó khăn cùng những thuận lợi trên con đường hoằng hóa... Trong không khí ấy thì hai ngôi sao xuất hiện, trở thành cánh tay mặt, cánh tay phải của đức Tôn Sư để đẩy mạnh thêm bánh xe chánh pháp, đó là Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên)!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/06/2020(Xem: 7092)
Khóa Tu Học Mùa Dịch Corona tại Thụy Sĩ Trần Thị Nhật Hưng Để ngăn ngừa dịch bệnh Corona quái ác không có thuốc chữa, bùng phát từ đầu năm 2020, cả thế giới chung tay đối phó kêu gọi và ra lịnh mọi người cách ly. Không ai được tụ tập, mọi tổ chức hội họp lớn, nhỏ đã dự định đều phải đình chỉ. Người này người kia gặp nhau phải giữ khoảng cách 2 mét. Trong tình trạng đó, khóa tu học thứ 12 thường niên nhân dịp nghỉ lễ Thăng Thiên từ 21-24.5.2020 của anh em Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Thiện Trí-Thụy sĩ định tổ chức cũng cùng chung số phận. Mọi người an tâm nằm nhà nghỉ dưỡng với tâm trạng nuối tiếc.
10/06/2020(Xem: 6157)
Dương Lệ Quyên tuổi ngoại tứ tuần thuê nhà ở trọ, cha chết, chồng con không có, cuộc sống vất vả. MC Lỗ Dự gần đây có gặp gỡ Dương Lệ Quyên - cô gái từng là fan cuồng của tài tử Hong Kong Lưu Đức Hoa, để tìm hiểu về cuộc sống của cô hiện tại. Từng một thời điên cuồng theo đuổi Lưu Đức Hoa, Dương Lệ Quyên ở tuổi ngoài 40 giờ đây đã thay đổi nhiều về quan điểm, suy nghĩ. So với nhiều năm trước, trạng thái tinh thần của cô cũng tốt hơn, không bấn loạn, rối bời như trước.
08/06/2020(Xem: 7106)
"Tự do" là một thuật ngữ ngày nay thường nghe nói đến trong mọi lãnh vực: xã hội, chính trị, luật pháp, tín ngưỡng, ngôn luận, truyền thông và cả nghệ thuật. Thế nhưng đôi khi chúng ta cũng có thể tự hỏi tự do là gì, ý niệm về sự tự do phát sinh từ lúc nào trong lịch sử tiến hóa của nhân loại? Dường như trong các xã hội ngày nay ngày càng có khuynh hướng biến nó trở thành một lý tưởng, một quyền hạn thiêng liêng, như vậy thì tự do thật sự là gì, phải chăng là một thứ gì có thật?
02/06/2020(Xem: 8481)
Sáng thức dậy mở cửa nhìn ra đường thấy cảnh nhiều người qua lại tấp nập, xe cộ dập dìu xuôi ngược không hề ngưng như dòng nước chảy mãi không dứt; dòng đời cũng chỉ như thủy triều lên xuống mỗi ngày hai lượt liên lỉ kéo dài. Quan sát dòng người tất bật di chuyển ấy ta có thể tạm phân ra hai thành phần: thành phần khá giả và thành phần nghèo khó qua cách ăn mặc và phương tiện giao thông của họ rất dễ nhận ra. Có khi nào quí bạn tự hỏi tại sao nhìn số đông người lại biết thừa hay thiếu?
02/06/2020(Xem: 6024)
Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ trực tiếp với khán thính giả toàn cầu trong thời kỳ Quán đỉnh Đức Quán Thế Âm Tự tại Thế gian, được ban diệu pháp âm tại nơi cư trú của Ngài, Daharamsala vào ngày 30 và 31 tháng 6 năm 2020. Ảnh: Tenzin Jamphel. Dalailalama.com
31/05/2020(Xem: 7387)
Đôi khi một nụ cười lả lơi, một liếc mắt say đắm, một lần nắm tay bất chợt cũng có thể dẫn tới một tai họa vô cùng lớn lao. Cũng y hệt một tia lửa nhỏ có thể làm phựt cháy cả một khu rừng khổng lồ. Một thí dụ rất cụ thể: nếu ngài Anan sa ngã, số lượng kinh Phật có thể sẽ chỉ còn có phân nửa. Trí nhớ của ngài Anan rất mực siêu đẳng, nhớ hơn 10,000 Kinh Phật trong Tạng Pali.
29/05/2020(Xem: 12489)
Trưởng lão cư sĩ Hứa Triết (許哲, Teresa Hsu Chih, 7/7/1897-7/12/2011), trước danh Cư sĩ, danh tự tiếng Anh là “(Teresa, tiếng Trung: 德蕾莎)” tên tiếng Phạn là “Prema, (愛人)”, chào đời tại Sán Đầu, thành phố ven biển thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sinh thời, bà đến lớp tiểu học năm lên 27 tuổi, học Y khoa chuyên ngành Điều dưỡng ở tuổi 47, thành lập một Viện Dưỡng lão độc lập ở tuổi 67, học Yoga (瑜伽) ở tuổi 69, học Phật ở tuổi 90, dụng công học tiếng Trung ở tuổi 100, và 101 tuổi quy y Phật môn.
29/05/2020(Xem: 6464)
Tâm thế gian là tâm tràn đầy ham muốn ích kỷ, những ai luôn sống với tâm này sẽ huân tập nhiều tập khí, lậu hoặc gọi chung là nghiệp. Nghiệp thì có nghiệp xấu và nghiệptốt. Nhưng đa phần người ta dính nhiều với nghiệp xấu hơn là nghiệp tốt. Đã tạo nghiệp, thì phải chịu luân hồi sinh tử để thọ quả báo.
27/05/2020(Xem: 6354)
Bài viết, kỷ niệm 50 ngày thành lập Cộng đồng đa dạng văn hóa tín ngưỡng gồm 10 quốc gia ASEAN!
27/05/2020(Xem: 5069)
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm, kể từ khi Khánh thành Bảo tàng Khảo cổ Thung lũng Bujang (the Bujang Valley Archaeological Museum), tọa lạc tại Merbok, Kedah, một bang phía tây bắc của Bán đảo Malaysia.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]