Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 15

18/10/201320:37(Xem: 11494)
Phần 15

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 2
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 15

71/Niệm Phật
72/ Mối tình thân hữu
73/ Dắt nhau xuống giếng
74/ Bồ Tát và Mãng Xà Vương

Niệm Phật

Ngày xưa, có một phú ông rất sùng mộ đạo Phật. Phú ông xuất tiền xây cất một ngôi Chùa cực kỳ nguy nga tráng lệ. Ông già hảo tâm ấy lại có tính hiếu kỳ. Sau khi hoàn thành ngôi Bảo điện ông già muốn có một điểm gì đặc biệt khác thường nên ông chạm trổ một bức hoành phi thật đẹp và khắc sáu chữ vàng “Nam mô A Di Ðà Phật” bằng chữ phạn rồi treo trước chánh điện. Những học giả và bô lão trong làng đều chịu không biết là chữ gì. Họ rất thánh phục Phú ông, cho Phú ông là một học giả uyên bác, thông hiểu cả Phạn ngữ. Kỳ thật thì Phú ông đã nhờ một Pháp sư người Ấn Ðộ viết cho sáu chữ đó.

Ðược thiên hạ trầm trồ khen ngợi bao nhiêu thì tính hiếu kỳ tự đắc của Phú ông càng bị kích thích bấy nhiêu. Một hôm, ông cho viết sáu chữ ấy lên các tấm bảng gỗ kèm theo mấy hàng chữ bản xứ ở dưới: “Nếu ai đọc được mấy chữ này tôi sẽ gả con gái cho làm vợ và chia một nửa gia tài”. Ðoạn Phú ông cho dựng những tấm bảng đó khắp nơi trong vùng và mỗi nơi cắt một người đứng gác.

Sau khi những tấm yết thị được dựng lên các học giả, văn gia, thi sĩ và nho sinh nô nức đến xem, nhưng không một ai đọc được cả.

Một ngày nọ có chàng thanh niên bán chiếu tên Hoàng Kim Ấn, đi qua một nơi có dựng bảng, thấy rất nhiều người đang chen lấn nhau vào xem chữ, dĩ nhiên là ai cũng ôm một bầu hy vọng to tướng trong lòng. Tò mò, chàng bán chiếu cũng cố len lỏi để vào cho được. Nhưng khi đến nơi, nhìn lên tấm bảng chàng chẳng hiểu cái quái gì, chỉ thấy mấy dòng chữ ngoằn ngoèo như giun bò, chàng thất vọng quay ra. Song, lúc chàng vừa quay ra thì không may đầu đòng gánh của chàng đụng ngay vào trán của một văn sĩ đang đứng bên cạnh. Hoàng Kim Ấn hoảng hồn la lên “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Lập tức người đứng gác bảng tóm lấy cổ chàng và nói: “Ðúng người này rồi”. Hoàng Kim Ấn chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cứ van lạy để xin lỗi vì trót vô ý để đòn gánh đụng vào trán nhà văn. Nhưng người gác nhất định không buông tha chàng, và vội vàng đưa chàng về trình với Phú ông. Chàng bán chiếu vẫn kêu van lạy lục xin tha, nhưng người gác lại nói:

- Anh này thật dại dột, sắp được vợ đẹp và giàu sang đến nơi rồi mà không biết, còn cứ xin tha mãi! Bộ anh sợ vợ hay sao?

Hoàng Kim Ấn càng hoang mang ngơ ngác thêm không hiểu chi hết và cứ bước theo người gác về nhà Phú ông.

Chả là Hoàng Kim Ấn là một Phật tử rất kiên thành. Mặc dầu nhà nghèo, học ít, không được đọc kinh sách, nhưng chàng rất tin Phật, nên chỉ trì sáu chữ Nam mô A Di Ðà Phật và lúc nào cũng nhớ Phật, niệm Phật, dù đi đứng, nằm, ngồi không bao giờ quên cả. Niệm Phật đối với chàng đã thành một thói quen. Mỗi khi gặp nguy hiểm, hay việc gì ngoài ý muốn của chàng, chàng lại niệm Phật to hơn. Do đó, lúc vô ý để đòn gánh của mình đụng vào tránh nhà văn sĩ, chàng cất tiếng niệm danh hiệu Phật, mục đích để cầu cho việc đó được vô sự. Nhưng không ngờ sáu chữ chàng niệm lại đúng với sáu chữ viết bằng chữ Phạn ở trên bảng, nên người đứng gác tưởng chàng biết những chữ ấy, nên liền tóm lấy cổ chàng rồi lôi cổ chàng về để Phú ông gả con gái cho. Khốn nỗi chàng bán chiếu không hiểu cứ tưởng là người ta bắt đi để mang “gông” vào cổ, vì đã làm sứt trán của nhà văn lúc nãy nên cứ kêu xin tha tội hoài!

Khi về tới nhà Phú ông, chàng bán chiếu mới vỡ lẽ là chàng được tôn lên hàng “học giả” để cùng sánh vai với tiểu thư, con gái Phú ông để cùng ca khúc “Phượng cầu Kỳ Hoàng”. Chàng bán chiếu thấy bàn tay của định mệnh xếp đặt lắm việc kỳ diệu quá. Bất giác chàng khẽ ngâm hai câu đối để ghi lại một biến chuyển trong quãng đời chàng mà chàng cho là vô cùng huyền bí:

“Phúc chủ, lộc thầy, bát tất con hiền, con thận,

Thơm tay, may miệng, hà tụ phụng thỉnh, phụng chư”.

Từ đó, Hoàng Kim Ấn sống cuộc đời trưởng giả, nhưng hàng ngày chàng vẫn không quên công việc niệm Phật của quãng đời bán chiếu hồi xưa.

Một hôm, vì trái nắng trở trời, vợ chàng cảm gió. Cũng tưởng chỉ qua loa, nào ngờ mỗi ngày bệnh tình mỗi trầm trọng, cứ sốt li bì, không thuốc nào khỏi. Hoàng Kim Ấn đâm lo và lúc nào cũng ngồi bên giường bệnh nhân để niệm Phật. Vừa niệm, chàng vừa đưa tay thoa từ đầu đến chân của tiểu thư, và huyền diệu thay! Hễ chàng đưa tay đến đâu là nàng cảm thấy nhẹ nhõm đến đó. Chẳng bao lâu, vợ chàng bình phục hẳn. Thật là đã “may miệng” lại “thơm tay”.

Từ đó, Hoàng Kim Ấn nổi tiếng là một “Ðại y sư” thành danh lừng lẫy, đồn đến tai Vua.

Thật là một sự trùng hợp ly kỳ. Cũng trong thời gian trái nắng, trái gió ấy. Công chúa cũng lâm bệnh, và bao nhiêu danh y đã được triệu vào để trị liệu cho Công chúa, nhưng đều vô hiệu. Khi tiếng tăm của Hoàng Kim Ấn được đồn đến Hoàng cung, lập tức nhà vua hạ chiếu chỉ vời chàng vào để chữa cho Công chúa. Nhận được chiếu chỉ, Hoàng Kim Ấn cảm thấy bối rối, lo sợ, sợ vì không biết miệng chàng còn may không nữa? Câu niệm Phật biết có còn hiệu nghiệm để chữa bệnh cho Công chúa nữa không? Mặc dầu lo sợ, song không cách nào để khước từ mệnh lệnh của nhà Vua, bởi vậy chàng đành “nhắm mắt đưa chân” và chỉ tin tưởng vào sức vạn năng của một câu niệm Phật chí thành, đã đến chỗ nhất tâm bất loạn.

Khi tới Hoàng cung, Hoàng Kim Ấn được đưa ngay vào phòng bệnh của Công chúa. Chàng đuổi hết người hầu cận ra ngoài. Trong phòng chỉ còn có chàng và Công chúa. Bây giờ chàng bắt đầu chữa cho Công chúa bằng phương thần dược: Miệng chàng niệm Phật, tay chàng thoa vào đầu và mình mẩy Công chúa. Công chúa ngạc nhiên và không thấy y sư cho uống thuốc gì cả, mà trong người thì cứ thấy nhẹ nhàng dần, rồi cuối cùng như một chiếc đũa thần hễ tay Hoàng Kim Ấn đưa đến đâu là bệnh hết đến đấy. Mừng và lạ quá, Công chúa chạy vào tâu với Hoàng hậu và Ðức Vua. Nhà Vua thấy con mình bình phục mau quá cũng hết sức ngạc nhiên và trong bụng nghĩ thầm Hoàng Kim Ấn đúng là “Thánh sư”.

Nhà Vua hạ lệnh mở yến ăn mừng và khoản đãi “Thánh sư”. Trong bữa tiệc không thiếu một thứ gì, đủ cả sơn hào hải vị. Trong lúc rượu đã ngà ngà, Nhà Vua nhìn ra sân, nơi có đắp một con rồng thật lớn nói với Hoàng Kim Ấn:

- Trẫm đố khanh biết trong miệng con rồng kia có cái gì? Nếu khanh nói đúng, Trẫm sẽ cho làm phò mã và gả Công chúa cho, bằng không trẫm bắt tội!

Nguy to rồi, nếu lần này mà cái miệng của chàng hết “may” thì đến “du địa phủ”. Ðầu óc Hoàng Kim Ấn lúc này thật là rối tùng xòe, như một túi bòng bong vậy. Chàng tự nghĩ: “Nếu không nói đúng, chắc mình phải chết, còn nếu nói đúng thì cái nghĩa “tào khang chi thê” mới làm sao đây?”. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Ðúng cũng khổ mà không đúng thì chết. Chàng cứ băn khoăn lo lắng, tự nghĩ đời tàn, bất giác chàng than một câu để thương cho số phận: Hoàng Kim Ấn! Nhưng chàng vừa dứt lời thì bỗng nhà Vua vỗ tay reo và truyền gọi Công chúa ra dâng cho chàng một ly rượu. Hoàng Kim Ấn ngơ ngác, không hiểu ra sao. Chàng còn đang ngơ ngác thì nhà Vua nói:

- Khanh nói đúng, thật là Thánh sư! Trẫm có cất chiếc “Hoàng Kim Ấn” trong miệng rồng đó! Kỳ diệu biết bao! Tưởng mình chết đến nơi, kêu tên mình lên để than thở cho số phận, không ngờ tên mình lại trùng với tên có giấu bằng vàng ròng của nhà Vua, chết thì thoát rồi, còn việc phò mã và lấy Công chúa thì sao? Hoàng Kim Ấn vập đầu xin nhà Vua tha cho tội đó, viện lẽ mình đã có vợ và phải giữ trọn đạo thủy chung. Nhà Vua cảm khích vì người có tiết nghĩa, không nỡ ép buộc, liền ban thưởng thật trọng hậu rồi sai cận vệ đưa tiễn về nhà…

Huyền diệu và linh nghiệm thay sáu chữ Nam mô A Di Ðà Phật khi được phát ra với niềm chí thiết, chí thành và nhất tâm bất loạn!

NGƯ ÔNG

Ví dù muôn đắng ngàn cay,

Một câu niệm Phật tan ngay cấp kỳ!...

Niệm Phật dứt bỏ oán thù,

Lòng không hung dữ ngục tù đâu vương?

Niệm Phật mở rộng lòng thương

Oan thân bình đẳng tai ương nào vào?

Mối tình thân hữu

Nắng vàng buổi chiều dịu lại, phảng phất trên các ngọn cây xanh của rừng rậm. Gió nhẹ thổi mặt nước hồ khẽ gợn sóng, rung rinh những bóng cây cao hai bên bờ in hình trong đáy nước.

Trong khung cảnh những buổi chiều êm mát này của chốn núi rừng, một con linh dương đang thong thả uống từng ngụm nước trong. Nó hình như đang chờ đợi. Nó nghĩ đến một chiều trước đây, nó làm quen với chàng rùa cùng chị chim gõ kiến. Cả hai bạn nó đều cùng cư trú ở bờ hồ này và thường về vào cái giờ mà nó đến uống nước. Lâu rồi thành quen nhau. Rồi chuyện trò qua lại trở nên thân thiết, mỗi lần mà một con nào đến trễ là những con kia trông đợi và tỏ vẻ lo lắng.

Nhưng kìa linh dương ngẩng mặt lên mừng rỡ vì chàng rùa, đã bò gần đến và trên cành cây chị gõ kiến cũng đã reo lên những tràng tiếng dài. Câu chuyện của rừng sâu, của lưng trời, của bờ nước, được trao đổi cùng nhau. Trong lúc linh dương cúi thấp xuống gần sát chàng rùa và chim gõ kiến đang gạt những con nhện vẩn vơ trên bộ lông linh dương mướt màu nâu lợt. Cho đến khi mặt trời khuất sau trái núi đằng xa, linh dương rời hai bạn để trở vào bên trong đám cây rậm rạp.

Một hôm kia, một người thợ săn lảng vảng đến rừng này. Hắn mang theo cung tên giáo mác đầy đủ. Hắn lần theo dấu chân linh dương và khám phá ra chỗ linh dương thường hay đến uống nước. Hắn núp vào một bụi rậm chờ đợi.

Trưa đã qua rồi, mặt trời đã chết về phương tây. Mệt mỏi hắn đứng dậy, ra khỏi bụi, nhìn hồ nước, nhìn cái gốc cây rồi bỏ đi nơi khác. Trong óc hắn đang chuẩn bị một kế hoạch sát hại gì đây? Ngày mai hắn trở lại. Hắn đào đất thành hục nhỏ, ở mỗi hục hắn đặt một chiếc bẫy rồi khỏa đất lại liền láng. Nó còn bỏ thêm lên vài chiếc lá để không ai để ý tới những dấu đất mới ở trên đường. Nó khôn ngoan đoán trước những chỗ mà linh dương sẽ để chân tới mà đặt bẫy. Xong đêm ấy nó quanh sang đường khác, đi trở về, hẹn sáng mai trở lại để trói chặt bốn chân linh dương xỏ vào đầu gậy quẩy về. Từ trước đến nay, chưa lần nào nó đặt bẫy mà không đánh được con thú nào. 

Nắng vàng buổi chiều dịu lại, phảng phất trên các ngọn cây xanh, linh dương thong thả bước đi. Nó lánh một đôi dấu lạ trên đường và tiến đến bờ hồ để gặp hai bạn thân thiết. Vừa uống từng ngụm nước, nó vừa kể chuyện của rừng sâu trong lúc chàng rùa và chị gõ kiến lắng tai nghe.

Gió mát quá thành ra cả ba đều muốn kéo dài thời gian gặp gỡ. Ðến khi linh dương từ giã bạn ra về thì trời đã gần tối. Trong rừng sâu, đêm đổ xuống rất mau, đường đất chỉ trông thấy mờ mờ. Linh dương đang đi bỗng sụp một chân xuống, nó nhảy lướt tới, nhưng không kịp nữa rồi, một cái gì giữ chặt chân nó. Nó giựt mạnh và nghe chân càng bị thắt chặt thêm. Nó biết là nó bị mắc bẫy rồi. Cảnh tượng như thế này đã in sâu vào trí nó. Chính cha nó, trước đây đã bị trói chặt chân sau, khi dẫn nó đi ăn, hồi nó còn nhỏ lắm. Rồi liền sau đó hai người dữ tợn từ bụi rậm nhảy xổ ra, vật ngã cha nó, trói chặt bốn chân, khiêng đi trong lúc nó chạy lùi lại xa, đứng nhìn theo, nước mắt tuôn trào, đến nỗi nó không còn thấy gì nữa.

Giờ đây đến lượt nó, nó nhìn ra hai bên cây là tối đen, không có hai người tàn ác đó nhưng nó cũng đoán biết là chính loài người đã gây ra tai ác này. Tại sao con người lại tìm cách giết nó, giết gia đình nó, trong lúc chúng nó không làm gì hại ai cả.

Nó giật mạnh chân lần nữa. Sợi dây càng thắt chặt hơn trước nó làm tê cả bắp đùi. Nó kêu cứu khe khẽ. Trong rừng lúc này, tiếng kêu của nó thật không lợi gì cho nó vì loái thú dữ có thể theo đó mà tìm đến. May quá là chim gõ kiến nghe được liền chạy đến ngay. Tội nghiệp quá! Nó nhìn quanh quẩn hồi lâu quanh linh dương mà chẳng tìm được cách nào để cứu bạn. Thấy bạn lo lắng, linh dương không lộ vẻ đau đớn nữa. Rồi bỗng gõ kiến bay đi. Chim vất vả lắm mới tìm được chỗ rùa. Rùa đoán biết được việc chẳng lành vì từ đầu hôm đến nó thấy nóng lòng không sao ngủ được. Gõ kiến vừa nói xong, rùa vội vã giục đi. Gõ kiến dẫn đường. Rùa bò theo sau, nhanh gấp mấy lần ngày thường. Ðường tối mò, hai ba phen rùa ngã lăn lóc, nhưng rồi cũng trở dậy được, bò theo kịp bạn.

Tới nơi rồi, rùa không khỏi đau lòng khi nghe linh dương thở mệt nhọc, và rờ thấy chiếc dây thừng to đang xiết chặt chân bạn. Rùa bắt đầu thử sức nó mổ vào sợi dây thừng. Dây thừng bằng gai bền chắc, làm tê cả hai hàm răng. Nó mổ nhát thứ hai. Lần này dây thừng bị xơ ra đôi ba sợi ngoài nhưng hàm răng rùa cũng rung rúng.

Rùa ngậm dây, nghiến từng sợi nhỏ. Chậm, nhưng chắc chắn và ít đau. Công việc phải làm xong trong đêm nay. Gõ kiến suốt đêm canh chừng, và rùa không một chút nghỉ ngơi, cắn đứt từng sợi trong lúc linh dương chịu đau giữ cho dây căng thẳng.

Gần sáng, dây thừng đã đứt quá nửa, việc cắn dây dễ làm hơn trước, nhưng rùa đã mệt quá sức rồi. Có nhiều lần rùa gục đầu vào dây không cử động được. Nhưng rùa cố tỉnh lại để nghiến đứt thêm một vài sợi con nữa.

Trời sáng hẳn, thật khó lòng giải thoát cho linh dương trước khi người thợ săn đến. Phải làm thế cho tên tàn ác đến chậm, gõ kiến vụt bay đi. Chi tìm ra nhà người thợ săn vào lúc hắn bước ra cửa mang theo tất cả những đồ dùng sát hại của hắn. Gõ kiến bay đến trước hắn, kêu lên những tiếng buồn thảm nhất. Tên thợ săn ngẩng đầu lên lẩm bẩm, chửi rủa. Hắn cho là điềm xấu nên vội quay lại. Khá lâu rồi mà không thấy hắn ra. Nhưng kìa hắn đã lách cửa sau, định tiến bằng đường khác. Rất nhanh, chim bay tới trước mặt hắn và kêu lên ai oán. Hắn nhìn lên chửi rủa rồi lại đi trở vào.

Mặt trời đã lên cao, không chậm trễ được nữa, hắn hối hả tiến vào rừng mặc cho gõ kiến buông những lời oán trách tội ác trước mặt hắn, hắn đi nhanh như chạy, hắn nghĩ đến cách hả hê khi vật ngã con thú đã kiệt sức, đến những ly rượu hòa với máu tươi, đến đĩa thịt phay ưng ửng hồng màu máu. Hắn gần đến nơi rồi, con linh dương đang đứng ở đằng kia kìa. Ðích là nó đã mắc bẫy rồi. Tên thợ săn có cả sự thật để tự hà là xưa nay nó chưa lần nào đặt bẫy mà không bắt được một con mồi. Hắn thỏa thích không gì bằng.

Dây vẫn chưa chịu đứt, không lẽ công trình cả một đêm chỉ đưa đến kết quả thảm hại thế này ư? Trên cây gõ kiến giục quyết liệt. Rùa gom góp cả toàn lực cắn phát cuối cùng trong lúc linh dương giựt thật mạnh. Dây thừng đứt ngang. Một đoạn còn lại nằm cong queo trên mặt đất. Rùa ngã lăn ra ngất lịm đi. Linh dương không thể nỡ rời bạn. Nhưng không còn có thể trì hoãn nữa, nó vội vã lánh vào đám rậm lánh sang rừng bên cạnh. Tên thợ săn chạy như bay đến nhưng không còn đuổi kịp linh dương nữa. Hắn dậm chân tức tối. Hắn lượm hòn đá quăng vào bụi rậm để xua đuổi chim gõ kiến mà nó ghét cay ghét đắng. Hắn định dậm nát thân rùa cho hả dạ, nhưng suy nghĩ lại, hắn bắt rùa bỏ ngay vào cái giỏ nó đang mang sau lưng. Hắn thâu các bẫy lại và buồn bực trở về.

Người thợ săn đi được một quãng đường thì thấy phía trước mặt mình con linh dương đang đi thấp thỏm. Hắn mừng quýnh hắn đi nhanh hơn định bắt lại con vật mới sổ ra khỏi tay hắn. Hắn đến gần hơn, gần hơn. Hắn chạy nhanh lại, nhưng linh dương nhanh nhẹn lánh sang lối khác. Phía sau xa này rõ ràng tên đi săn nom thấy con linh dương đi thấp thỏm một cách đau đớn. Chân sau vẫn còn mang theo một đoạn thừng. Hắn lại rượt đuổi theo mà có cái gì nặng cứ đập thình thịch sau lưng hắn như muốn trì hắn lại. Thì ra, hắn nhớ lại là con rùa đáng đánh chết này đang bò ngom ngóp trong chiếc giỏ mang sau lưng hắn. Nếu không có cái giỏ này chắc chắn hắn đã bắt kịp con linh dương từ buổi đầu, hắn nghĩ như thế.

Ðàng xa, linh dương đi chậm lại, có lẽ linh dương đã mệt đừ rồi. Phải rồi! Vùng vẫy suốt một đêm, còn gì sức đâu mà chạy thi với hắn nữa. Tên thợ săn tin ở tài chạy của hắn lắm. Nhưng phải trừ bỏ cái giỏ bất tài vô tướng này. Hắn vội gấp tay, rút ra khỏi quai giỏ. Hắn quăng giỏ sang một bên và đuổi theo linh dương. Hắn tin rằng chỉ trong dây lát, con thú sẽ thuộc về hắn.

Nhưng khi hắn tới gần thì linh dương vụt lao nhanh sang đường khác và chạy như biến. “Ừ có giỏi thì cho mày gắng giỏi một lần cuối cùng này nữa”. Nghĩ thế rồi, tên thợ săn quên mệt đuổi theo.

Trong lúc này chim gõ kiến vẫn theo dõi cuộc đuổi của người thợ săn. Cho đến lúc người thợ săn mệt nhoài chạy theo linh dương mà tiến sâu vào rừng, thì gõ kiến dẫn linh dương đi ngõ tắt trở lại chỗ rùa. Ðến nơi linh dương thấy rùa lung túng trong giỏ mà thương lắm. Thật là may mà nó còn gặp lại bạn, ân nhân của nó ở đây. Không thì còn cách nào để đền đáp ơn cứu thoát. Linh dương chân đạp một quai giỏ, miệng cắn chặt vành giỏ. Nó giật một cái mạnh, xé rách một mảnh lớn. Rùa mừng rỡ bò ra khỏi ngục tù, gật đầu cám ơn bạn và đi luôn không thèm ngó lại cái giỏ xấu xí. Trên cành cây chim gõ kiến reo từng tràng dài vui vẻ.

Chiều hôm ấy, trong bầu trời yên tĩnh và mát mẻ bên bờ hồ quen thuộc, linh dương một tiền thân của Ðức Phật và hai bạn thân thiết cùng yên lặng để tưởng nghĩ đến tai nạn khủng khiếp vừa qua, giữa lúc mối tình thân hữu đang rạo rực bừng dậy từ mọi cõi lòng. 

QUẢNG HUỆ

Khi tai nạn gấp rút mới biết được lòng bạn, có đánh nhau mới biết kẻ yếu người mạnh, có luận nghị mới biết được người trí, lúc cơm thua gạo kém mới biết người có lòng nhân.

Dắt nhau xuống giếng

Xưa kia ở trong một khu rừng, có đàn khỉ tới khoảng 500 con, chúng rủ nhau tới một cây cổ thụ, trên bờ giếng.

Gặp ngay kỳ trăng, đến tối chúng trông thấy ở dưới đáy giếng nước rất trong và có bóng trăng. Chúng đều kêu rộ lên rằng: “Ôi! Chết rồi các anh em ơi! Nguy to rồi! Hôm nay mặt trăng rơi xuống giếng này rồi. Chúng ta phải tìm cách mò lên, không thể để thiên hạ bị tối tăm khổ sở được”.

Xôn xao nhảy nhót, cuống quít với nhau chưa biết làm cách nào, thì con khỉ chúa bảo các con kia rằng:

- Tất cả các anh em hãy yên lòng, tôi đã có cách. Việc này cũng không khó khăn chi, miễn là làm theo lời tôi.

Vậy tôi bíu lấy cành cây, rồi một anh bám lấy đuôi tôi, rồi cứ thế lần lượt bám đuôi nhau hết tất cả đàn, thế là chúng ta xuống được tới ngay đáy giếng.

Chúng đều cho là diệu kế, làm đúng như lời khỉ chúa. Khi gần xuống đến nơi bị nặng quá nên cành kia gãy, cả lũ đều rơi xuống giếng lúng túng không có lối lên, không người cứu vớt, kết cuộc cả lũ đều bị chết.

Bấy giờ ông Thần ở trên cây trông thấy, nói bài kệ rằng:

“Một con ngu dại đã xong,

Thương thay cả lũ cũng không biết gì.

Trăng tròn vằng vặc trên kia,

Dắt nhau xuống giếng làm chi cực lòng”

TRÍ HẢI

Biết rõ ràng, nhưng sự thật là không, nên gọi là không, chớ không phải không biết.

Ôi nhân sanh mê muội,

Nhận khổ cho là vui,

Chấp ngã cho là thường

Mà lặn lội nơi non sầu bể hận.

Bồ Tát và mãng xà vương

Có một hôm, Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát cỡi mây chu du tay cầm bình Dương Chi, mình mặc áo bào trắng nhìn xuống và quan sát thế gian thấy người trần nào kêu cầu danh hiệu cứu khổ cứu nạn thì Ngài cứu độ.

Khi Ngài đến núi Phổ Ðà ở địa phận Triết Giang quận Nam Hải, thấy núi non tráng lệ, cây cỏ xanh tươi, chung quanh có bể bao bọc, thì Ngài lấy làm mãn ý và nghĩ rằng:

“Tại chốn này nên lập một đạo tràng trang nghiêm để mở mang Phật Pháp, khiến cho chúng sinh có nơi cầu phước cầu tuệ. Tuy nhiên, núi này lại thuộc La Môn Xà Vương, vậy ta thử xuống hỏi mượn điạ điểm của y xem sao?”

Nghĩ như thế, rồi Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát liền từ từ hạ mây giáng xuống núi Phổ Ðà.

Ðây nói về La Môn Xà Vương vốn là một con rắn tu hành đã hàng nghìn năm và đã có phép thần thông. Hôm đó rắn biết Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát đến mượn đất Phổ Ðà Sơn để mở ngôi đạo tràng, hắn muốn lánh mặt Bồ Tát, liền chui xuống đất để lộ cái đuôi ngoe nguẩy chọc lên trời, trong chẳng khác chi một cây cổ thụ cao chót vót mà không có cành có lá chi cả. Nhưng cái thủ đoạn thần thông nho nhỏ của y làm sao mà che mắt được vị Quán Thế Âm Bồ Tát là bậc đại trí tuệ, đại thần thông? Khi Ðức Quán Thế Âm xuống bên cạnh cây Xà Vương, liền vịn tay vào thân cây, mỉm cười và tự nói:

- Cây đại thụ này không cành không lá, chắc là đã chết khô rồi, ta há nên chặt đem về làm đồ dùng.

La Môn Xà Vương nghe thấy nói vậy thì hoảng hồn. Còn đang bối rối, lại nghe Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát nói:

- Xà Vương! Nhà ngươi không cần giả vờ ẩn dấu để trốn tránh ta. Ta có câu chuyện hay muốn nói với nhà ngươi đây!

La Môn Xà Vương nghe Bồ Tát nói thế, tự biết là trốn tránh không khỏi, liền rút đầu ra khỏi đất hỏi Bồ Tát muốn nói chuyện gì? Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát liền bày tỏ ý kiến muợn núi Phổ Ðà làm nơi thiết lập đạo tràng. La Môn Xà Vương nghe xong cự tuyệt ngay:

- Không được, đây là chỗ con con cháu cháu đời đời kiếp kiếp của rắn tôi dùng làm chỗ căn cứ để ở. Người có uy đức gì mà dám nghĩ đến chuyện mượn núi Phổ Ðà này của tôi.

Bồ Tát trả lời:

- Ta đây không có đại oai thần lực như Ðức Phật Tổ, nhưng vì ta thay người tế độ chúng sanh nên không thể không xin nhà ngươi bố thí cho chút phương tiện là mượn dãy núi này.

La Môn Xà Vương nghe rồi tỏ vẻ bất phục vì hắn nghĩ rằng: “Ta tu hành ít ra cũng có hàng ngàn năm nay và có phép thần thông quảng đại, liệu Quán Thế Âm Bồ Tát có thể đấu phép với ta được chăng?”. Nghĩ như thế rồi hắn liền nói với Bồ Tát:

- Nếu Bồ Tát chỉ biết đến Phật Tổ mà không cần đếm xỉa gì đến Xà Vương ta đây, thì đây không ngại gì mà không đấu phép với Bồ Tát một phen. Nếu Bồ Tát không thắng thì xin tự tiện rút lui đi nơi khác chớ đừng hy vọng gì mượn núi này.

Bồ Tát nói:

- Tốt lắm, nếu nhà ngươi không thắng nổi ta, thì núi này ta được tùy ý được dùng mà nhà ngươi không được hối hận ảo não chứ gì? Vậy nhà ngươi định đấu thứ phép gì đây?

La Môn Xà Vương gật đầu và mỉm cười:

- Ta đây không hối hận cũng không ảo não chi hết, miễn là Bồ Tát chịu thừa nhận rằng: Phàm đất đai trong núi này ta sẽ vươn mình bao bọc được đến đâu là ở trong khoảng đó, Bồ Tát không được mượn. Bồ Tát gật đầu, La Môn Xà Vương liền vận dụng thần công đại lực vươn mình dài ra khoanh lấy núi Ðà Sơn. Nhưng kỳ lạ thay! Bình thường hắn dùng phép vươn mình ít ra cũng quấn được tới ba lần, nhưng hôm nay trước mặt Bồ Tát phép thần thông của hắn tan mất, hắn cố hết sức vươn mình cho dài tưởng chừng như đứt cả đầu đuôi ra làm hai đoạn, thế mà mình vẫn không dài ra được chút nào. Lúc đó La Môn Xà Vương mới thấy sức thần thông của mình không bằng Bồ Tát nên có ý duyệt phục mà giải hòa rằng:

- Thưa Bồ Tát! Tôi thực có mắt mà không nhìn thấy núi Thái Sơn, đức thần thông của tôi quả không địch nổi Bồ Tát. Nhưng có một điều khó xử là: Con con cháu cháu gia đình, nhà tôi tôi biết ở chốn nào?

Bồ Tát vui vẻ trả lời:

- Nếu nhà ngươi phát tân hoan hỷ cho ta mượn núi này thiết lập đạo tràng thì nhà ngươi sẽ được công đức vô biên, còn con cháu nhà ngươi vẫn ở nguyên đây như cũ.

Xà Vương có ý ngần ngại không quyết?

- Thưa Bồ Tát làm sao để người và rắn ở chung cùng nhau. Bởi vì người sợ rắn, rắn sợ người, đôi bên nhất định phải tàn sát lẫn nhau mất. Nay Bồ Tát bảo con cháu tôi cứ ở nguyên núi này, thì tối thiểu tôi và Bồ Tát phải lập một điều ước: “Nếu giống rắn tôi con nào xâm phạm đến tín đồ phật giáo thì rắn đó sẽ do Bồ Tát xử phạt, nhược bằng tín đồ nào sát hại đến loài rắn chúng tôi thì tín đồ đó sẽ bị tôi bắt thường mạng, chẳng hai tôn ý nghĩ biện pháp đó như thế nào?”.

Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát nhận rằng Xà Vương nói đúng bè lập đính ước với Xà Vương. Từ đấy Phổ Ðà Sơn trở thành đạo tràng Quán Thế Âm Bồ Tát, chùa chiền được dựng lên rất nhiều, Tăng Ni cũng lại ở rất đông, những khách du lịch thập phương thấy núi này non xanh nước biếc hùng vĩ vô cùng, đều rủ nhau đến hành hương nghe giảng kinh Phật. Chỉ hiềm một nỗi chỗ nào chỗ nấy đều nhan nhản có rắn nhỏ rắn to ẩn nấp làm cho phải kinh hoảng hãi hùng. Tuy nhiên các rắn này đã nghe lời giáo thị của Xà Vương, cho nên kể hàng bao nhiêu năm chưa từng thấy rắn cắn một người nào. Trên núi cũng đã có cắm bảng cáo thị thông tri của nhà Chùa: “Các tín đồ và du khách không được làm hại rắn”. Cho nên đôi bên người và rắn bình an vô sự, không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Trên núi này có một số rắn nhân thường ngày nghe mõ sớm chuông chiều, cùng tiếng tụng kinh niệm Phật mà phát tâm tu hành rồi thoát khỏi kiếp rắn cũng không phải là ít.

*

Có một em nhỏ tên là Tiểu Ðinh thường quen tính chơi nghịch tinh quái, hay đi quấy phá tổ chim, bắt di, bắt sẻ về chơi, nghe nói phong cảnh trên núi Phổ Ðà rất đẹp, có nhiều chim muông thì có ý muốn lên đó sục sạo lung tung một phen cho hả dạ, đã mấy lần nó năn nỉ cha mẹ cho theo lên núi, nhưng vì thấy bản tính nghịch ngợm của nó nên lần nào cũng bị từ chối khiến cho Tiểu Ðinh trong lòng buồn rầu sinh oán cha mẹ. Một ngày kia Tiểu Ðinh quyết trốn cha mẹ một mình lên Phổ Ðà Sơn.

Khi đến chân núi thấy người đi lễ Phật rất đông lũ lượt qua lại như mắc cửi. Thiện nam, tín nữ cũng không quản đường xa trời nắng, không ngại đói khát mỏi mệt, đều theo nhau trèo lên núi với vẻ mặt cực kỳ thành khẩn niệm cầu. Tiểu Ðinh vội vã bước theo tới khi miệng khát, chân mỏi nó liền ngồi lên một cái ghế dài đặt trước cửa điện Tam Bảo. Lạ thay! Khi ngồi xuống, toàn thân cảm thấy mát mẻ lạ lùng nó nở một nụ cười mãn nguyện và lên tiếng khen chiếc ghế:

- Cha chả phiến đá đại lý thạch quý hóa làm sao, trên mặt có bao nhiêu là điểm điểm, chấm chấm coi thật sướng mắt và lại lạnh như băng sương, mát đến gan ruột khiến cho những người mỏi mệt ngả lưng lên trên thì tiêu hết được khí nóng nực và quên cả sự mỏi mệt đi đường, Tiểu Ðinh đang lẩm bẩm một mình khen chiếc ghế, bỗng có một người hành khất ở bên đường nghe thấy phì cười bảo Tiểu Ðinh:

- Hỡi người bạn nhỏ ngây thơ của tôi ơi! Thử nhìn lại chiếc ghế xem, nó không phải chiếc ghế làm bằng đá đại lý đâu. Ðó là lưng con mãng xà đấy, con mãng xà này đã tu hành hơn ba trăm năm nay rồi, nó phát nguyện lấy thân làm ghế để mọi người ngồi nghỉ chân, tiêu sự nóng nực trong khi leo núi mỏi mệt.

Tiểu Ðinh nghe xong nhảy phắt dậy, mặt trắng phệt cắt không còn một tí máu, nổi gai khắp người nó gương to đôi mắt rồi hỏi người ăn mày:

- Thế đầu rắn và đuôi rắn đâu sao không thấy?

Người ăn mày thấy Tiểu Ðinh vẫn còn run rẫy bất giác cười và nói rằng:

- Không những chiếc ghế này là con đại xà mà cả chiếc ghế đối nhiện cũng là đại xà nốt, vì hai con rắn này sợ thiện nam tín nữ trông thấy hình rắn mà sợ nên đầu nó chui vào trong cung Tam Bảo mà không ai nhìn rõ được; còn đuôi nó thì cắm sâu dưới đất. Tuy nhiên bạn đừng sợ, ở trên núi Phổ Ðà này rắn chưa từng hại một ai cả! Miễn là chúng ta đừng nghịch phá và ghết hại dòng họ rắn.

Tiểu Ðinh vẫn kinh hoảng ngắm đi ngắm lại một lần nữa thấy hai khúc rắn này dài ước mười trượng chẳng khác gì hai chiếc ghế dài đặt trước cửa điện Tam Bảo. Nhưng cái văn hoa bóng loáng đẹp như đá Ðại Lý đều là vẩy rắn có màu sắc như vân đá. Tiểu Ðinh sợ quá không dám ngồi nữa và kiếm đường lánh đi nơi khác. Tiểu Ðinh trốn nhà ra đi lẽ tất nhiên không mang theo đồ ăn, lại nhân chạy nhanh nhiều nên miệng khát dạ đói nôn nao chưa biết tính sao, thì may thay trên núi Phổ Ðà, trong Chùa thường vẫn sẵn có cơm chay nước vối, thiện nam tín nữ vào đó đói cứ việc ăn uống tự nhiên. Tiểu Ðinh mừng quá nhảy vào ăn uống cho đến thỏa thích, ăn rồi lại đi ngao du khắp núi. Chiều hôm đó nó vào ngủ trong chùa, nằm bên một cụ già. Hôm sau nó dậy sớm, nghe thấy cụ già ấy đang hỏi một vị sư phó:

- Xin Sư phó chỉ giáo cho câu chuyện này. Nguyên đêm qua vào khoảng nửa đêm tôi sực tỉnh dậy thấy bóng trăng le lói bên giường như tăng thêm cảnh mỷ lệ êm đềm của Phổ Ðà Sơn. Tôi liền bước ra khỏi phòng bồi hồi ngắm cảnh núi dưới trăng trong, bỗng nhiên tôi thấy xuất hiện một cây khổng lồ không cành không lá, cao vút ở giữa trời, chung quanh có rất nhiều các cây khác, tôi lại gần rờ vào cây khổng lồ thì thấy mát lạnh, tôi có trăm lạng vàng kim muốn mua cây đó của quý tự đem về chơi, vậy dám hỏi cây đó là cây gì và hiện giờ ở đâu?

Vị Sư phó nghe xong kinh ngạc bảo rằng:

- Làm gì có thứ cây đó, lão Tăng ở đây đã trọn ba mươi năm nay, nội các thứ cây thứ hoa ở trên núi này lão tăng đều biết hết không có cây nào như thế cả.

Cụ già nhất định cãi lại:

- Có mà, đêm qua tôi trông thấy rõ ràng và chính tôi rờ lên trên thân cây vừa nhẵn vừa mát thì làm sao Sư phó bảo là không có cây đó. Chẳng tin thì xin người cùng tôi đi tìm xem!

Giữa lúc hai người rủ nhau định đi thì Sư phó trụ trì khác nghe thấy liền vào xua tay ngăn lại:

- Các vị không cần phải đi xem, cây khổng lồ đó thật không có đâu. Ðêm qua, chắc rằng ông thấy La Môn Xà Vương hiện thân đấy. Ai thấy được Xà Vương thì ít lâu cũng gặp điềm hay, vậy tôi mừng cho ông đấy.

Cụ già nghe xong rất lấy làm vui mừng nhưng hãy còn bán tín bán nghi liền hỏi lại:

- Có thật như thế không? Nếu quả tôi sẽ gặp chuyện hay thì tôi nhất định thành tâm xây một tòa bảo pháp bảy từng để cúng dường.

Vị Sư phó trụ trì gật đầu đáp:

- Thật như thế đấy! Xà ở đây thì nhiều nhưng Xà Vương thì ít người trông thấy ông ạ. Chỉ ai có phúc mới được gặp mà thôi. Tiểu Ðinh ngồi bên cạnh nghe rõ đầu đuôi, bất giác trong lòng rất là thắc mắc về câu chuyện Xà Vương ở núi Phổ Ðà Sơn, cho là một chuyện thần kỳ quá sức.

Tiểu Ðinh lại bắt đầu đi theo thiện nam tính nữ vãn cảnh như hôm qua, mặc dầu nó đã được nghe chuyện thần bí của Xà Vương, nhưng vì trong lòng nó vẫn có bản tính sát sanh, cho nên khi đường đôi mắt trợn trừng, nhìn sau nhìn trước nhìn tả nhìn hữu, xem có con chim nào ở trên cành, hoặc chuồn chuồn, bươm bướm bay qua thì tìm cách bắt ném cho chết hoặc bắt về làm trò chơi cấu chân, bẻ cánh cho hả thích.

Ðến một đoạn đường nọ, có thấy một con bọ cạp đuổi theo một con rắn, nó dừng chân lại ngắm thấy rắn nhỏ sợ quá đang lao đầu cố chạy mà bò cạp thì hết sức đuổi theo. Tới một khe nước nhỏ, rắn nhanh như chớp bơi sang bờ bên kia, còn bò cạp vì không biết nên đành phải dừng lại nhìn theo rắn ta với vẻ thất vọng. Tiểu Ðinh thấy thế vụt nghĩ: “ Chuyện này hay quá ta! Ðể ta lấy cây bắc cầu cho con bò cạp qua khe sang đánh nhau với rắn coi chơi”.

Nghĩ rồi nó làm ngay, bò cạp qua sang được khe rồi thừa lúc rắn không để ý, sấn lại cắn luôn làm cho rắn đau đớn, quằn quại một lúc lâu, rắn lăn quay ra chết. Tiểu Ðinh nhìn sướng mắt reo lên rồi vừa đi vừa nhảy vừa ca hát, tỏ ra khoái ý.

Khi mặt trời gần lặn những ánh vàng rớt lại trên Phổ Ðà Sơn, phủ lên mọi vật tạo nên một màu vàng quắc thật đẹp mắt, Tiểu Ðinh tìm một ngôi chùa vào ngủ qua đêm, khi vào tới cửa, Tri khách lão Sư nhìn Tiểu Ðinh lắc đầu ra vẻ thương hại nói rằng:

- Em nhỏ ơi! Ta xem sắc mặt em có ám khí che phủ, ta e rằng tối nay em lại nghỉ ở đây, nhưng sáng mai em sẽ không còn sống để ra về nữa.

Tiểu Ðinh không hiểu câu nói trố mắt ra nhìn và hỏi lại:

- Thế là nghĩa làm sao, con không hiểu ý Thầy định nói gì?

Tri khách lão Sư nhìn Tiểu Ðinh chăm chú một hồi lâu rồi căn vặn hỏi:

- Em thử nghĩ gần đây em có làm một việc gì tổn đức không?

Tiểu Ðinh quả quyết trả lời:

- Thưa Thầy, con không hề làm một sự gì tổn đức cả.

Sư phó lắc đầu lần nữa:

- Em thử nghĩ lại một lần nữa coi, hoặc giả trên núi Phổ Ðà này trong khi đi đường em có sát hại một sinh vật nào không?

Tiểu Ðinh ngẫm nghĩ hồi lâu:

- Thưa Thầy! Hôm nay giữa đường con thấy một con bò cạp đuổi một con rắn nhỏ. Rắn nhỏ chạy đến bên khe nước bơi sang hồ bên kia. Bò cạp không lội được nước nên dừng, con liền nhặt một cành cây bắt qua bên kia làm cầu. Bò cạp nhờ đó qua được khe và đuổi rắn cắn, nhân thế mà rắn chết.

Tri khách lão Sư cau mày:

- Chao ôi! Nhân vì tội nghiệp đó thế nào mà em chẳng biết sắc mặt, việc này khó khăn lắm đấy. Không thể trốn thoát tay Xà Vương được. Nhân vì trên núi này, khi xưa Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đã lập qui ước với Xà Vương đòi thường mạng”. Vậy tối nay em sẽ chết về tay Xà Vương mất.

Tiểu Ðinh sợ quá cố van cầu:

- Xin Thầy cứu con với. Ba má con ở nhà chắc là đang trông đợi con lắm.

Tri khách lão Sư lắc đầu than thở:

- Ðó là tội nghiệp do con gây ra, Thầy không có cách nào cứu được.

Tiểu Ðinh rỏ hai hàng lệ ròng ròng, túm chặt lấy vạt áo vị Sư mà van lơn không chịu bỏ ra một phút.

- Nhất định Thầy cứu được con và từ nay con nguyện sẽ vâng lời cha mẹ, không bỏ nhà đi chơi và con nguyện xin làm người hiền lành không dám giết hại sinh linh nữa. Con không bắt chim, bắt bươm bướm chuồn chuồn nữa.

Tri khách lão Sư cúi đầu nghĩ ngợi hồi lâu rồi từ từ nói:

- Em ơi, giờ đây Thầy chỉ biết hết sức vì em mà tụng kinh trước Chư Phật Bồ Tát, để nhờ công đức tụng kinh may ra cứu thoát oan nghiệp này không, ngoài ra cũng còn phải nhờ phúc đức của nhà em cứu thêm. Ngoài cách đó ra, Thầy không còn phương pháp nào cả.

Tiểu Ðinh gật đầu lia lịa tỏ vẻ hết lòng cảm khích và nhất thiết y theo lời tri khách Sư phó xếp đặt cho. Tri khách Sư phó liền thả dây cho cái chuông lớn treo ở trước cửa Tam Bảo hạ thấp xuống và bảo Tiểu Ðinh núp vào trong niệm Phật luôn mồm, còn Sư phó thì khêu đèn đốt hương mở kinh rồi quỳ trước bàn Phật tụng kinh.

Quái lạ thay! Khi trông vào kinh điển tri khách rất lấy làm ngạc nhiên vì cả quyển kinh không nhìn thấy một chữ nào cả, khi cầm dùi gõ mõ thì mõ cũng chẳng kêu. Tri khách Sư phó, ba lần gõ, ba lần xem vào kinh mà trước sau vẫn nguyên tình trạng như thế thì trong lòng lấy làm sợ hãi muôn phần, thật là định nghiệp của đứa nhỏ không thể trốn thoát được.

La Môn Xà Vương lúc đó ở ngoài tiến vào phía quả chuông quẩn ba vòng chung quanh quả chuông và từ từ buông ra và lặng lẽ ra khỏi cửa Tam Bảo biến mất.

Tri khách lão Sư thấy Xà Vương đi rồi, liền chạy mau đến kéo chuông lên thì trong quả chuông chẳng thấy Tiểu Ðinh đâu, mà chỉ thấy còn sót lại một vũng máu và một mớ tóc. Vị Sư nhắm nghiền hai mắt lại miệng niệm:

- A Di Ðà Phật và tự lẩm bẩm một mình:

- Ðịnh nghiệp không thể chuyển được. Ðịnh nghiệp không có cách nào chuyển được, làm ra thời phải chịu lấy, nhân quả tơ hào không sai! Há chẳng đáng cẩn thận lắm ru?

Tri khách lão Sư vì việc Tiểu Ðịnh hiếu sát nên tụng kinh niệm Phật luôn trong ba ngày để cầu cho vong hồn Tiểu Ðinh được sớm giải thoát về nơi Cực Lạc.

PHẠM NGỌC KHUÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/10/2013(Xem: 39978)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
17/10/2013(Xem: 30163)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
17/10/2013(Xem: 25806)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 41242)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
16/10/2013(Xem: 19320)
Có lẽ, trong thời gian qua, trong cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ dù chưa dư thừa với đa số, nên con người cần một cái gì đó về đạo đức tâm linh, muốn trở về nguồn cội, nên tưởng nhớ nhiều về tổ tiên ông bà mà gần gũi nhất là cha mẹ, anh em huyết thống. Tập sách nhỏ này, tôi viết để tưởng nhớ mẹ tôi, nhưng may mắn trong cái riêng ấy lại hòa nhập được với cái chung của những tấm lòng hiếu kính. Do đó, rất nhiều người tâm đắc muốn có, muốn đọc, có người vừa gọi điện vừa khóc, tôi cũng chạnh lòng nhớ mẹ mà khóc theo, đa số qua điện đàm yêu cầu tái bản, vâng lời, tôi cũng cố gắng tái bản 2 lần rồi.
14/10/2013(Xem: 19424)
Nàng thở ra một hơi thật dài, mặt sáng lên, vui mừng nói: “Bây giờ em mới thực sự hết lo về chuyện cô cán bộ ấy. Nhưng không biết cô ấy và ông thầy kia có thoát được thật không hay là cuối cùng lại bị bắt? Em lo cho họ quá.” “Hy vọng họ thoát, vì từ đó về sau, không nghe cán bộ hay tù nhân trong trại đá động gì tới họ nữa.”
12/10/2013(Xem: 20074)
Có những ngày trong đời, người ta thả trôi lòng mình theo dòng cuốn dập dềnh bất định của bao cảm giác. Vui thì cười nói hồn nhiên, lộ vẻ sung sướng, buồn thì mặt dàu dàu cúi xuống để nước mắt rơi thành dòng. Điều đó chẳng có gì lạ, Còn vui buồn, còn cười khóc được thì hãy còn là con người.
11/10/2013(Xem: 10175)
Bệnh ( 病 ) là thuật ngữ chung cho cả Đông lẫn Tây y, Bệnh là là một cảm giác đau đớn, cả thể xác lẫn tinh thần. Bệnh là 1 trong 4 cái khổ ( Sanh 生, Lão 老, Bệnh 病, Tử 死 )của chúng sinh mà Phật đã dạy. Mà đã là chúng sinh thì ai cũng phải bệnh, hôm nay ta còn trẻ khỏe, nhưng một ngày nào đó khi đã đến tuổi già cũng phải nếm trải 1 đôi lần bị bệnh, hoặc hơn thế nữa. Bệnh là do Âm Dương mất cân bằng, Ngũ hành tương khắc, Tứ đại không hòa, bệnh khổ là một quy luật chung ở góc độ nhân sinh quan. Bệnh có thể chia ra 3 yếu tố :
11/10/2013(Xem: 9420)
Trước hết phải là sự độ lượng ...
11/10/2013(Xem: 10889)
Khi Phật còn tại thế, Ngài thường dạy các đệ tử như sau: _ Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà người xuất gia cần phải tránh xa: + Một là đắm say các dục vọng, tham muốn thấp hèn, thô bỉ, có tính cách phàm phu tục tử, không dẫn đến đức hạnh Thánh nhân, không liên hệ đến mục đích tu tập, giác ngộ, giải thoát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]