Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 07

18/10/201320:22(Xem: 11518)
Phần 07

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 2
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---
Phần 07:
31/ Nên kính trọng người già cả đức hạnh
32/ Mê hoặc bị tai nạn
33/ Bố thí vật thực
34/ Lời thệ nguyện
35/ Cái đuôi chó xoắn ruột gà

Nên kính trọng người già cả đức hạnh

Thuở Ðức Phật còn tại thế, một hôm chư Tăng hội lại rất đông để hầu Phật. Nhiều Thầy Tỳ kheo choán chỗ rộng lớn, có vị một mình chiếm hai hoặc ba chỗ. Ðại Ðức Xá Lợi Phất đến sau, không có chỗ ở, đành phải ở ngoài trời. Khuya lại đi kinh hành gặp Ðức Thế Tôn, Ðức Thế Tôn đã biết chuyện ấy, nhưng để đến khi gặp đức Xá Lợi Phất, Ngài hỏi tại sao ở ngoài đồng. Ðại Ðức Xá Phất mới bạch rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Vì con đến trễ nên không có chỗ nghỉ”.

Nhân chuyện ấy, sáng ngày Ðức Thế Tôn mới cho họp chúng và nhắc một tích như vầy :

-Về thời quá khứ, tại rừng Tuyết Lãnh có một cây vừng to, nơi cây vừng ấy là nơi tụ họp của ba con thú và cũng là ba người bạn thân: Chim đa đa, khỉ và tượng. Ba con thú ấy chơi với nhau rất thân nhưng không biết ai lớn ai nhỏ. Ba con mới nói với nhau rằng: “Chúng ta chơi với nhau như vầy chưa đủ vì chúng ta thiếu phép cung kính nhau, vì không biết kẻ lớn người nhỏ để chỉ dạy nhau, vâng lời nhau. Vậy trong chúng ta biết cây vừng này từ bao giờ?”.

Tượng đáp: “Này các bạn, trong khi tôi còn là tượng con, mẹ tôi dẫn đi ăn thì cây vừng này còn ở dưới bụng tôi. Tôi biết cây vừng từ khi ấy.

Khỉ đáp: “Này các bạn, khi tôi còn bú, tôi ngồi trên đất, không cần phải ngước đầu lên, cũng có thể dùng miệng cắn ngọn cây vừng này được. Vậy tôi biết cây vừng này từ khi ấy”.

Chim đa đa đáp: “Còn tôi, khi trước ở bên kia có cây vừng to, tôi ăn trái vừng về đại tiện nơi đây nên mới có cây vừng này”.

Từ ấy về sau, khỉ, tượng tôn chim đa đa lên làm anh cả, cả hai kính trọng vâng lời chỉ bảo. Khỉ và tượng vâng lời chim đa đa lánh ác làm lành, nên sau khi chết đều được sanh về cõi trời.

Sau khi nhắc tích này Ðức Thế Tôn mới dạy các Tỳ Kheo:

“Này các Thầy Tỳ kheo! Loài thú mà nó còn biết kính trọng nhau thay huống chi các Thầy, xuất gia hành theo giáp pháp chân chánh của Như Lai sao không biết kính trọng nhau?...”.

Thông Kham

Sự vui mừng của người xuất gia, chỉ khi nào chánh pháp được thường trú lan rộng, đau buồn khi chánh pháp bị xyên tạc suy vong.

Mê hoặc bị tai nạn

Thưở xưa, có một vị tỳ kheo bị tẩn xuất, ảo não buồn rầu, than khóc mà đi. Dọc đường gặp một con quỷ. Con quỷ này phạm pháp cũng bị Tỳ Sa môn thiên vương tẩn xuất. Con quỷ hỏi vị Tỳ Kheo:

- vì sao ngài buồn rầu than khóc?

- Tôi phạm việc trong Chúng Tăng, bị Chúng Tăng tẩn xuất mất hết sự cúng dường của tất cả đàn việt. Tiếng xấu bị đồn khắp gần xa, nên tôi buồn rầu than khóc!

Con quỷ bảo vị Tỳ kheo:

- Tôi có thể làm cho Ngài được cúng dường nhiều, và tiếng xấu tiêu tan. Ngài có thể đứng trên vai tả của tôi. Tôi sẽ đội Ngài đi trên hư không. Người ta chỉ thấy ngài mà không thấy hình tôi. nếu Ngài được cúng dường nhiều, trước phải chia cho tôi!

Con quỷ kia tức thời mang vị Tỳ kheo đi trên không đến nơi địa phương mà Thầy Tỳ kheo đã bị tẩn xuất. Bấy giờ mọi người trong địa phương ấy trông thấy, đều lấy làm kinh ngạc, cho là người đắc đạo có thần thông, lại cùng nhau truyền tụng: “Chúng Tăng vô cớ, lại tẩn xuất oan uổng một vị Ðạo nhân chân chính”.

Ðồng thời cùng nhau đến ngôi chùa này trách mắng Chúng Tăng, và đưa vị Tỳ kheo ấy trở lại ở trong ngôi già lam, lại cúng dường hơn xưa rất nhiều vị Tỳ kheo này lãnh thọ cúng dường áo cơm, tài vật được bao nhiêu, đều phải chia sớt cho con quỷ, không làm trái với lời cam kết khi trước.

Thế rồi, một ngày khác, con quỷ này lại cõng vị Tỳ kheo du hành trên hư không. Hôm ấy, lại rủi ro gặp người quen thuộc của Tỳ Sa môn Thiên Vương, quỷ rất kinh hoảng ném bỏ vị Tỳ kheo, chạy trốn thục mạng. Vị Tỳ kheo bị quăng xuống đất, thân hình tan nát phải mạng chung tức khắc…

Ðạo Lược

Nên tạm lánh trong chốc lát người nóng giận và xa lánh vĩnh viễn kẻ giả dối.

Bố thí vật thực

Thuở xưa, bên cõi Thiên Trúc, có năm anh em phú thương kia cử hành một cuộc lễ tế long trọng, và nhằm cơ hội này mới tổ chức một cuộc bố thí vỉ đại giúp mọi người nghèo khổ.

Ai ai đều hoan hỷ và đồng thinh tán dương cuộc bố thí hy hữu, số tài vật thí ra thật nhiều, quá sức tưởng tượng.

Cuộc lễ vừa chấm dứt thì từ đâu một con chồn đèn lại chạy đến. Nửa thân của chồn đã trổ màu vàng lóng lánh và nửa thân thì lông còn giữ màu xám như thường. Chạy đến dưới đàn hành lễ, chồn lăn tròn dưới mặt đất mấy vòng, rồi đứng dậy nói cùng mấy người dự lễ như vầy:

- Các anh chị đều phạm tội vọng ngữ cả! Nào có hiến tế chi đâu?

- Sao ngươi dám quyết là chẳng có? Gia chủ đã thí cho kẻ nghèo vô số tài vật ai lại còn chẳng biết! Này ngươi phải nhớ rằng đây là cuộc bố thí hy hữu trên cả thế gian.

Nghe nói như vậy, chồn đứng nhóng hai chân, rồi chậm rãi nói rằng:

- Các anh hãy lắng tai nghe, tôi thuật lại chuyện này! Trước đây, trong một làng hẻo lánh, có hai vợ chồng cư sĩ kia rất nghèo mà phải nuôi cả con và dâu. Họ nghèo đến nước túng thiếu trọn năm và nhờ láng giềng thương xót mà giúp đỡ không biết bao nhiêu lần.

Vận rủi dập dồn. Từ đâu không ai rõ, hạn hán thoạt xảy đến, thiêu hủy hết cỏ cây. Nạn đói lan tràn khắp thôn quê và thành thị trong ba năm liên tiếp. Thật là vận khứ lôi vang tiến phước bia! Gia đình của cư sĩ đã lâm vào cảnh khốn cùng không bút nào tả được. Cả nhà đã nhịn đói trọn ba ngày.

Buổi sáng kia vì đói quá, cư sĩ mới vét khạp gom nhóp được một nắm bột lúa mạch. Cư sĩ bèn đem hòa với nước lã, nấu chín thành bánh, chia ra bốn phần: cho mình, cho vợ, cho con và con dâu. Khi cả nhà xúm lại để ăn phần bánh tí ti cho đỡ đói, thình lình có ai gõ cửa. Cư sĩ vội bước ra mở và trông thấy một người khách lạ.

Nên biết rằng, theo cổ tục của xứ Thiên Trúc, thì bổn phận của gia chủ phải tôn trọng bất cứ khách nào đến nhà. Khách là hóa thân của Thượng đế thì phải kính nhường cho xứng địa vị cao quí ấy.

Vì bổn phận, cư sĩ cúi mình chào khách thưa rằng:

- Xin mời Ngài bước vào và chúc Ngài được vạn phúc.

Sau lúc khách đã an tọa, cư sĩ bèn đem dâng phần của mình. Khách dùng trong phút chốc là hết miếng bánh rồi nói rằng: “Thí chủ hại ta đó! Nhịn đói mười hôm, nay ăn một miếng bánh thì đói lại càng đói thêm”.

Nghe vậy, bà chủ nhà xin phép chồng đem luôn phần bánh của mình dâng cho khách. Nhưng cư sĩ biết vợ đã đói quá nên lòng chẳng nỡ… Bà vợ cố van lơn: “Tội nghiệp! Thấy ông đói quá, tôi thật cầm lòng không được! Ta hữu phúc có nhà có cửa, vậy ta có phận sự giúp kẻ lỡ đàng. Tôi là vợ, ông không còn chi thì tôi phải giúp thêm”. Bà liền dâng phần bánh của mình. Khách dùng luôn, rồi cũng than rằng chưa hết đói. Người con trai của gia chủ bèn thưa rằng: “Xin cha hãy dâng phần bánh của con đi! Ðó là con phải giúp cha thi hành nhiệm vụ”. Rồi khách lại dùng miếng bánh thứ ba mà cũng còn than đói. Người dâu của cư sĩ đem dâng luôn phần bánh của mình. Xong việc, khách mời vừa lòng, chúc phúc cho gia chủ rồi từ tạ ra đi…

Trong đêm ấy, cả gia đình bị đói cả nên kiệt lực. Bốn người đều qua đời.

Qua ngày sau, có dịp tạt qua làng đó, chính ta đây đã ghé vào cái nhà bất hạnh ấy. Thấy còn rơi rớt một chút bột trên mặt đất ta vội lăn mình trên bột, và bột ít quá nên sắc lông của ta mới trở màu vàng được có nửa phần thôi.

Than ôi! Từ đó đến nay ta bôn tẩu khắp bốn phương trời xa lạ, lòng thầm ước dự một cuộc hiến tế vĩ đại thứ nhì, nhưng mà ngày tháng trôi đi, đã biết mấy thu mà ta chưa mãn nguyện. Thứ bột vàng quí ấy dường như đã tuyệt trên cảnh sắc Ta bà… Hiện thời, màu vàng lóng lánh chỉ nhuộm được nửa thân ta. Vì cớ đó ta quyết rằng đây chẳng phải là một cuộc hiến tế thích đáng.

Trích chính bản Thanh Nguyên

Bố thí là vị dõng tướng điều phục giặc xan tham.

Lời thề nguyện

Ðã hơn một tuần nhật rồi, vị Thánh nữ buồn rầu ủ ê, ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, vì mẹ nàng vừa từ biệt cõi đời.

Gọi nàng là Thánh nữ, bởi vì nàng là một người tu hành đoan chánh, rất hiếu thảo với cha mẹ và tử tế với mọi người. Tuy nàng thuộc dòng dõi quí tộc Bà La Môn, song lại tu theo Phật giáo, ăn ở rất phúc hậu nên được nhân dân địa phương kính nể và mến phục mà tôn xưng là Thánh nữ.

Vị Thánh nữ thương mẹ lắm, song không phải là nàng thương vì mẹ nàng không còn ở cõi đời. Vốn là bậc tu hành chân chánh, nàng đã hiểu rõ lẽ sống chết như thế nào rồi. Ðối với nàng, sự sống chết thật ra không làm cho nàng bi lụy xót xa cho lắm, nhưng nàng thương mẹ vì một lẽ khác.

Lúc còn sinh thời, mẹ nàng vốn theo ngoại đạo, tà giáo, không tin Phật pháp, không kính Tam bảo, không tin lẽ nhân quả, luân hồi, thường sát sanh hại vật, ăn ở tàn ác với mọi người, nói lời không chân thật… Ðã nhiều lần, nàng cố sức khuyên can, mong phát huy chánh kiến cho mẹ nhưng mẹ nàng không chịu tin theo.

Vì hiểu rõ lý luân hồi, nghiệp báo, nên nàng càng cảm thấy thương xót mẹ vô cùng. Nàng tin thế nào sau khi thác, mẹ nàng cũng bị đọa vào các đường ác như: Ðịa ngục, ngạ quỷ và súc sanh chứ chẳng không.

Nghĩ như vậy, rồi hai hàng nước mắt chan hòa, lòng đau như cắt. Bỗng nhiên đôi mắt vị Thánh nữ sáng ngời, trước mắt nàng hình ảnh Ðức Phật Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai hiện ra.

- Chỉ có Ðức Phật mới có thể cứu được mẹ ta. Ta hãy cầu nguyện nơi Ngài.

Sáng hôm sau, khi vầng thái dương vừa ló dạn, muôn chim ca hát vui mừng chào đón ánh bình minh, vị Thánh nữ Ba Là Môn thức dậy, nàng thu xếp hành trang và lễ vật, rồi khoan thai đi về phía chùa làng.

Sau khi dâng hương và lễ vật Thánh nữ ngước nhìn pho tượng Ðức Phật Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai oai nghi rực rỡ. Bất giác, nàng phục xuống chân Ngài, trong lòng thổn thức.

Nàng tự nghĩ: “Phật là bậc Ðại giác, đầy đủ trí tuệ. Song là bạc phước cho ta, nên không được gặp Ngài lúc Ngài còn trụ thế. Nếu lúc này Ngài còn tại thế, tất ta có thể hỏi được, mẹ ta bị đọa nơi nào?”

Còn đang suy nghĩ chưa dứt, bỗng một làn khói thổi mạnh, ngọn nến lung linh. Văng vẳng bên tai Thánh nữ, như có ai nói tiếng rất ngọt ngào:

- Hỡi Thánh nữ đang khóc lóc kia, hãy nín đi và nghe đây, ta sẽ chỉ bảo cho nơi mẹ con bị đọa.

Bàng hoàng như vừa tỉnh giấc mộng, Thánh nữ ngạc nhiên và hướng lên không trung và bạch rằng:

- Chẳng hay vị thần linh nào ứng hiện, xong rủ lòng thương xót mà giải cho con tấm lòng lo âu. Từ khi mẹ con mất đến nay, ngày đêm thương xót, không biết mẹ con bị đọa vào ngã ác nào?

Ở trên không lại có tiếng nói vang lên văng vẳng như tiếng chuông chiều:

- Hỡi Thánh nữ! Ta đây chính là Phật Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai mà con đang cúng dường và chiêm ngưỡng đó. Vì tấm lòng hiếu thảo gấp mấy thường tình của con, nên ta mới bảo cho con biết.

Thánh nữ nghe nói khôn xiết vui mừng, liền chắp tay quì lạy. Ðức Phật lại phán:

- Hỡi Thánh nữ Bà La Môn kia, sau khi cúng dường, hãy trở về tọa thiền nghiêm chỉnh mà niệm danh hiệu ta, thì sẽ thấy nơi mẹ con bị đọa.

Vì nóng lòng thương mẹ, Thánh nữ Bà La Môn vội vã làm lễ tạ Phật rồi ra về. Y theo lời phật dạy, Thánh nữ trang hoàng bàn thờ Phật và đối trước tượng Phật, nàng ngồi kiết già nghiêm chỉnh, miệng và tâm đều kính cẩn niệm danh hiệu Ðức Phật Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như Lai luôn luôn không dứt.

Một bầu không khí mơ màng và trong ánh sáng bỗng hiện ra Thánh nữ Bà La Môn ung dung tiến bước đến một bờ biển mênh mông bát ngát. Nhưng lạ thay, nước biển lại sôi lên sùng sục. Trên mặt biển, làn sóng cuồn cuộn nhấp nhô rất nhiều thú dữ, hình dáng quái dị, hung ác, bay nhảy, bơi lặn tung tăng, tranh nhau xé xác hàng ngàn, hàng vạn người trôi nổi trong đó, đàn ông có, đàn bà có, tiếng rên la khóc lóc vô cùng thảm thiết: Những cảnh tưỡng diễn ra vô cùng tàn ác, dã man, rùng rợn, không nỡ nhìn lâu. Tuy vậy Thánh nữ chỉ thấy thương xót cho những kẻ bị thú dữ ăn thịt đó thôi, chứ lòng nàng không cảm thấy sợ hãi chút nào. Lòng Thánh nữ rất phân vân về cái cảnh tàn sát ghê rợn ấy, nàng định tâm nếu gặp người nào sẽ hỏi cho rõ nguyên do!

Bỗng từ đằng xa đi lại một người hình dáng kì dị, cổ quái. Tới gần Thánh nữ, người kia vội vã chắp tay vái chào mà rằng:

- Mô Phật! Bạch Bồ Tát, chẳng hay vì duyên gì mà Ngài lại tới đây?

- Thánh nữ vô cùng ngạc nhiên về cách xưng hô của người kì dị kia. Nàng bèn hỏi lại:

- Mô Phật! Chẳng hay Người là ai mà kêu tôi là Bồ Tát?

Người kia mỉm cười đáp lại:

- Mô Phật! Ðệ tử là Quỷ Vương Vô Ðộ, cai quản nơi này nên được biết rõ: Vào được cõi này, chỉ có các bậc Bồ Tát hoặc các tội nhân mà thôi. Cứ nhìn cốt cách ung dung của Ngài thì biết ngay Ngài là bậc Bồ Tát mới đủ thần thông để chứng kiến những cảnh ghê gớm ở chốn này mà chẳng chút sợ hãi.

Thánh nữ suy nghĩ giấy lát, rồi hỏi Quỷ Vương Vô Ðộc:

- Vậy đây là chốn nào?

- Bạch Bồ Tát! Ðây là từng bể thứ nhất vế phía Tây núi Ðại Thiết Vi.

- Phải chăng, trong núi Ðại Thiết Vi là địa ngục?

- Thưa vâng, trong núi Ðại Thiết Vi quả có địa ngục! - Tôi có việc muốn vào địa ngục có được chăng? Thánh nữ hỏi.

- Bạch Bồ Tát! Muốn vào địa ngục chỉ có hai cách: Uy thần và nghiệp lực. Ngoài hai cách ấy thì chẳng bao giờ vào được. Hiện nay Bồ Tát đang nhờ sức niệm Phật nên có uy thần, có thể vào được, song tôi muốn hỏi Bồ Tát muốn vào địa ngục có duyên cớ chứ?

Thánh nữ nghe Quỷ Vương Vô Ðộc hỏi, ngậm ngùi nhớ đến mẹ và liên tưởng đến những cực hình ghê gớm trong địa ngục. Nàng đáp:

- Tôi muốn đi tìm nơi mẹ tôi bị đọa. Mẹ tôi mới thác, không biết người bị đọa đến ngã nào?

Quỷ Vương Vô Ðộc phân vân giây lát, rồi hải Thánh nữ:

- Bạch Bồ Tát! Dám hỏi mẹ Ngài khi còn trên dương thế, hạnh nghiệp thế nào?

Thánh nữ gạt lệ đáp:

- Mẹ tôi vốn tin theo tà đạo, thường chê bai Tam bảo và tạo nhiều nghiệp dữ.

- Chẳng hay mẹ của Bồ Tát thuộc dòng dõi nào và tên họ là chi?

- Cha mẹ tôi đều thuộc dòng dõi Bà La Môn. Cha tôi tên là Thi La Thiện Kiến, mẹ tôi là Duyệt Ðế Lợi.

Thánh nữ vừa dứt lời, Quỷ Vương Vô Ðộc vội vã chắp tay đảnh lễ Thánh nữ mà rằng:

- Mô Phật! Bạch Bồ Tát! Xin Bồ Tát chớ bi lụy nữa và hãy hoan hỉ trở về cho. Bà Duyệt Ðế Lợi rất may mắn. Tuy bà có phạm nhiều tội ác bị đọa vào địa ngục Vô Gián, song nhờ lòng hiếu thảo của Bồ Tát, hết lòng tu phước, bố thí, cúng dường, nên được sanh lên cõi trời từ ba hôm nay rồi. Chẳng những một mình bà, mà tất cả những tội nhân trong địa ngục Vô Gián hôm ấy đều hưởng chung sự vui sướng ấy cả.

Quỷ Vương Vô Ðộc vừa dứt lời. Thánh nữ vui sướng quá, bất giác ra khỏi cõi tiền định. Nàng bừng tỉnh đứng dậy, chạy trước bàn thờ Phật làm lễ và phát lời thề nguyện rất to tát và chân thành:

- Con xin thề nguyện rằng mãi mãi về đời sau này, nếu còn chúng sanh nào còn có tội khổ, con sẽ mở rộng phép phương tiện mà giải thoát cho họ và con cũng thề nguyện đời đời kiếp kiếp sẽ tu theo pháp của Phật, làm hạnh của Bồ Tát để độ hết chúng sanh và chỉ thành Phật khi nào hết thảy các chúng sanh đều thành Phật.

Lời thề nguyện vang lên như tiếng sắt chạm vào nhau, cương quyết và hùng mạnh, ghi sâu vào tâm khảm vị Thánh nữ chí hiếu và dư âm còn vang dội vào tâm tư muôn triệu tín đồ của Ðức Phật trong muôn triệu thế hệ sau này.

Vị Thánh nữ nói trên là tiền thân ngài Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.

Y Chu Nguyễn Long Tiếp

Đôi đường nhân hiếu vẹn hóa đôi,

Vằng vặc gương soi ức vạn đời.

Tích trượng phá tan bao cửa ngục,

Minh châu chiếu sáng mọi chân trời.

Ðộ sanh nhiều kiếp không sờn dạ,

Cứu mẹ hai phen thật hiếm người.

Bể khổ vì còn chưa tát cạn,

Con thuyền tế độ vẫn còn bơi.

Cái đuôi chó xoắn ruột gà

Ngày xưa, có một anh rất nghèo, cùng quẫn đến mức không tiền mua vật thực để sống lây lất với vợ con dưới mái tranh xơ xác.

Ngày kia, đang lúc than van số phận hẩm hiu cùng vợ, anh ta sực nhớ có nghe ông bà thuật rằng: “Ai có phước nhờ thần linh phò trợ thì được cấp vô số bạc tiền”. Do đó, anh bèn thành tâm cầu Trời khấn Phật ban cho cái phúc hy hữu. Khấn vái xong, anh bèn cất bước ra đi khỏi làng, lang thang cùng rừng khắp núi.

Rồi một buổi sáng nọ, bước chân đưa anh ta đến gần một động đá cheo leo dựa triền non, kề bên một vực thẳm. Một dị nhân đang ngồi luyện phép. Anh ta sụp lạy lia lịa. xin ban cho mình một vị Thần linh. Thấy lạ, dị nhân mới hỏi cớ sự.

- Bạch Thầy! con xin thỉnh một vị Thần linh, mong thầy thương xót mà ban cho ân huệ đó.

- Người chớ khá nghĩ đến chuyện ấy! Trở về đi! Bữa sau anh nghèo lại tìm đến than van, quỳ lạy dị nhân, cố sức nài nỷ cho được một vị thần linh. Chung cuộc bị khấy rầy quá, tham thiền không được, dị nhân buộc lòng phải nhận lời thỉnh cầu và nói rằng:

- Thôi, ta cho ngươi phép này! Hễ đọc câu thần chú của ta truyền thì Thần linh hiển hiện và thi hành mọi việc ngươi xin. Nhưng ngươi phải nhớ kỹ lời ta dặn mới được! Là các Thần linh thì hung tợn lắm. Phải cắt việc cho Thần linh mãi mãi thì người mới yên thân, nhược bằng không có việc để cho Thần ở không, thì Thần vật ngươi lập tức.

- Bạch Thầy, việc đó không sao cả. Tôi sẽ cậy Thần làm việc suốt đời không hết.

Xong đâu đó, anh ta quay trở xuống núi, băng vô rừng sâu, lập đi lập lại câu thần chú cho thuộc lòng. Nào ngờ thình lình một vị Thần hiển hiện trước mắt. Thần khổng lồ, hình thù dữ tợn, quát lớn rằng:

- Ta là Thần linh! Phải cắt việc lập tức! Ðể ta rỗi, ta nuốt sống ăn tươi một tòa cung điện!

- Xong cả!

- Ðem vàng bạc đây!

- Ðủ hết rồi đó!

- Phá rừng này dựng lên một đô thị!

- Ðã hoàn thành!

Ðến đây chàng ta phát sợ, run cầm cập, nghĩ thầm: “Biết cắt việc chi bây giờ? Làm như nháy mắt, ai xây trở lại cho kịp”.

- Cắt việc cho mau! Không thì ta nuốt sống!

Chàng ta hoảng hốt, không việc chi mà cắt, tức tốc chạy nhào lên động đá,quỳ lạy dị nhân, cầu xin cứu mạng.

- Chuyện chi vậy?

- Bạch Thầy, thần lẹ quá. Không còn việc đòi nuốt tôi.

Chàng ta vừa dứt lời thì Thần hiện đến ngay, toan nuốt sống, làm gã kinh hồn, chạy núp sau lưng dị nhân.

- Thôi, ta chỉ cho một cách. Con chó này có cái đuôi xoắn ruột gà. Ngươi lấy dao chặt đuôi nó, giao cho Thần uốn thẳng, mau đi!

Hắn lật đật chặt đuôi chó trao liền cho Thần.-“Kéo ra ngay”. Thần lảnh lấy đuôi chó, rán vuốt cho ngay, rồi buông ra thì xoắn lại như cũ. Thần lại vuốt đuôi chó lần thứ nhì rồi buông ra thì đuôi chó cũng xoắn lại in như lần trước. Làm lại, làm lại mãi, làm như thế ấy trong bao nhiêu lần không kể xiết… sau cùng, Thần bị kiệt sức chịu thua, nói lên rằng:” Bình sinh ta chưa gặp việc nào khó khăn như vầy! ta chẳng phải bất tài, nhưng cậy việc này thì ta chịu thua!”

Trích chính bản Thanh Nguyên

Cuộc đời nào khác chi cái đuôi chó xoắn rột gà! Ðã bao thế kỷ lần trôi, con người vẫn rán sức uốn cái đuôi chó xoắn lại cho ngay, mà nó không thể nào ngay được cả. Buông ra, nó lại xoắn lại. Trò đời vẫn éo le, tình người vẫn đen bạc, kẻ đi trước phải học lấy bài học kinh nghiệm ấy, rồi người đi sau cũng khinh suất mà sa ngã vào cạm bẫy của dục tình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/05/2011(Xem: 12777)
Nhận lời mời của quý vị, hôm nay có duyên cùng quý vị bàn về tam quy y trong Phật pháp tại Bờ biển Vàng (Golden coast) Queensland- Australia. Ðối với Phật pháp đây là đề tài rất quan trọng, là chỗ nhập môn tu học của chúng ta. Trước khi nói đến tam quy, đầu tiên phải có nhận thức chính xác về Phật pháp.
21/05/2011(Xem: 7693)
Ý tưởng về bồ đề tâm thật không thể nghĩ bàn! Nó khiến cho tất cả những công việc nào không liên quan đến việc làm lợi lạc cho chúng sanh trở nên buồn chán và bất toại nguyện. Ta thật sự sẽ không còn hứng thú hay thưởng thức được đời sống của mình, ngoại trừ công việc đầy ý nghĩa này. Tất cả mọi thứ khác sẽ trở nên vô nghĩa, trống rỗng và không có thực chất.
20/05/2011(Xem: 7253)
Ta cần có những thiện hạnh để chấm dứt những dục vọng vô độ và việc coi mình là quan trọng; cách hành xử tránh điều độc hại như thuốc độc...
19/05/2011(Xem: 16730)
Hầu như ai đến phố Bolsa cũng từng thấy một khất sĩ mà nhiều người gọi là “ông sư ở Phước Lộc Thọ.” Ông mặc bộ áo cà sa vàng, khoảng 40 tuổi, tay ôm bình bát, mắt nhắm nghiền như đang thiền định. Ông đứng từ sáng đến chiều, ngày này qua ngày nọ bất kể thời tiết nóng hay lạnh. Phố Bolsa sáng sáng thường có các nhà sư đi khất thực bên ngoài những cửa tiệm, đặc biệt trong khu chợ ABC ở góc Bolsa và Magnolia. Họ xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần, xong biến mất như đã hoàn tất một giai đoạn trên con đường tu tập.
18/05/2011(Xem: 21477)
Con được biết - không chắc đúng không - hôm nay 28-4, là ngày Sinh Nhật Sư Phụ tròn 88 tuổi nên con viết vội đôi dòng kính chúc Sư Phụ luôn Phước Thọ tăng long, bách niên thọ thế để hàng đại chúng Bảo Vương của chúng con nói riêng và Giáo hội nói chung luôn có được bóng mát chỡ che tinh thần và trí tuệ của một trong số rất ít còn lại hàng đại lão hòa thượng của PGVN. Riêng con vẫn còn đó một đại tự điển sống về Phật học tinh hoa cũng như về lịch sữ Việt Nam thời cận đại.
15/05/2011(Xem: 7401)
Nhân quả đồng thời được nói một cách cô đọng trong kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm… và rải rác trong các kinh điển Đại thừa. Có lẽ người đầu tiên dùng thành ngữ “nhân quả đồng thời” là Đại sư Trí Khải (thế kỷ thứ 6) trong Pháp Hoa Huyền Nghĩavà trong các tác phẩm Thiên Thai tông của ngài, y cứ trên kinh Pháp Hoa. Thành ngữ này cũng là một giáo lý chính yếu của Hoa Nghiêm tông vào thế kỷ thứ 7. Nói một cách vắn tắt và đơn giản, nhân quả đồng thời là quả giác ngộ, quả Phật vốn đã nằm nơi nhân tu hành để đạt đến giác ngộ, để thành Phật. Nhân của thành Phật là “nhân địa pháp hạnh của Như Lai” được nói trong kinhViên Giác:
14/05/2011(Xem: 14331)
Xuất phát từ một nhận thức có tính thuyết phục về đạo Phật, quyển "Thuần Hóa Tâm Hồn" được viết với một văn phong hiện đại, trong sáng và tinh tế; nghiêm trang nhưng vẫn đan xen đôi nét hóm hỉnh.
14/05/2011(Xem: 7047)
Phật Đản lại về, cuối xuân đầu hạ, cây đủ lá xanh tràn trề sức sống, hoa sen rộ nở đóa đóa diệu hồng, trắng mát, tỏa hương khoe sắc, như đón bậc vĩ nhân...
12/05/2011(Xem: 6332)
Hầu hết mọi người Phật tử Việt Nam đều không những có nghe biết mà còn thường xuyên sử dụng từ ngữ “Phật sự” Nhưng chính vì được nghe biết và sử dụng quá thông thường, cho nên, đôi khi chúng ta lại không có cơ hội để suy nghiệm về ý nghĩa thâm diệu của nó để ứng xử một cách kiến hiệu trong đời sống thường nhật. Cũng vì lý do này đã dẫn đến việc đánh mất tinh thần cốt tủy trong các Phật sự mà chúng ta đã, đang và sẽ thực hiện.
11/05/2011(Xem: 5412)
Sống ở đời, chúng ta ai cũng có những nỗi khổ niềm đau, dù ít hay nhiều. Bởi thân thể ta đau nhức là khổ, giận hờn là khổ, tiếc thương cũng khổ… Có rất nhiều yếu tố làm cho ta khổ, nhưng chung quy mọi khổ đau đều xuất phát từ chính mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]