Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương hai mươi ba

14/10/201311:43(Xem: 12053)
Chương hai mươi ba
coitroi2




Chương hai mươi ba

Thở phào một hơi thật dài, nàng ngước nhìn tôi với vẻ vừa thương tâm vừa trìu mến lạ. Mắt nàng rưng rưng lệ, nhưng mặt nàng tươi lên. Tôi biết nàng khóc sung sướng về sự tự do của tôi. Tôi có cảm tưởng nàng, chính nàng, mới là người đầu tiên, thấu hiểu, vui mừng và chia sẻ trọn vẹn được niềm vui tự do của tôi. Nhưng nỗi đau nặng trịch đè nghiêng một nửa tim tôi, nàng vẫn hồn nhiên chưa biết đến. Nàng lặp đi lặp lại hai lần, chúc mừng anh, em mừng cho anh… Rồi nàng để tự nhiên cho nước mắt xuôi thành dòng, chạy quanh hai gò má bầu bĩnh trắng hồng, rơi lã chã trên hai bàn tay đặt trên đầu gối. Nàng là người bạn mới nhất của tôi chứng kiến và chào đón bước chân trở về của tôi. Nàng đang sung sướng như thể chính nàng vừa được thoát ra khỏi cái phóng ảnh của nơi chốn khổ đau nhục nhằn mà tôi gieo vào trí tưởng nàng từ suốt đêm qua đến giờ. Chính nỗi sung sướng trong ngần đẹp đẽ ấy của nàng đã ngăn chận tôi, không cho tôi bộc lộ tiếp niềm đau to lớn mà tôi cố gắng đè nén, vùi chôn vào tận đáy sâu tâm mình. Tôi quyết định không nói nàng nghe. Tôi giữ niềm đau ấy lại cho tôi. Và trong khi ngồi im với nàng nơi căn phòng khách vắng lặng này, tôi một mình đào sâu xuống đáy tim, moi lên niềm đau khổ của tôi…

Ó

Trên đường ra cổng trại, tôi ngang qua chỗ một tốp tù chính trị án nhẹ đang dọn vệ sinh (vì tù chính trị án nặng đang còn bị giam nhà đá từ trước lễ Giáng Sinh cho đến qua Tết nguyên đán). Tôi bắt gặp ông Bình, ông trùm giáo xứ Tân Cang, cha ruột của ông Lương, lãnh tụ lực lượng Phục quốc, một người bạn tù già ở chung trại B5 Biên Hoà với tôi trước đây. Mới hôm qua, một bản danh sách bệnh nan y khác được anh Oai đi khám các phòng và lập, tôi có đề nghị ghi tên ông Bình vào. Danh sách mới lập, chưa cứu xét, nên ông hãy còn lum khum nhổ cỏ ở đây. Tôi hy vọng một ngày rất gần, ông cũng sẽ được tha. Thấy tôi đã cởi bỏ đồ tù, cầm tờ giấy bước về hướng cổng trại, ông ngước nhìn tôi với đôi mắt kinh ngạc khó hiểu. Ông không biểu lộ rõ nỗi vui hay gởi gắm một dấu hiệu chúc mừng nào với tôi, không biết là do ông sợ bị cai tù bắt phạt hay vì ông đang nghi vấn về sự tự do quá đơn giản của tôi. Một vài người tù chính trị án nhẹ khác, đa phần đều biết tôi, cũng nhìn theo tôi với những đôi mắt ngờ vực. Tôi chợt cảm thấy rằng sự tự do trước khi bị kết án và được mãn án của tôi có vẻ như một thứ đặc ân mà một người tù chính trị không nên đón nhận, vì đón nhận thì giống như bội phản những người cùng chí hướng với mình. Một người tù chính trị dưới chế độ cộng sản—mà ai cũng đoán là sẽ lãnh cái án rất nặng như tôi—mà chỉ bị giam tổng cộng có 613 ngày, chưa trọn hai năm, thì khó tin quá. Chính từ nơi đôi mắt ông Bình và những người bạn tù kia nhìn mình, tôi nhận ra ngay một cái gì oái oăm, phũ phàng hơn, đang chờ đón mình bên ngoài cánh cửa tù này. Nhưng mặc kệ, tôi thầm nghĩ, còn có nỗi khổ đau nào to lớn hơn nỗi đau của nô lệ tù hãm? Tôi đang được trả tự do, cho dù là thứ tự do tạm thời và đầy giới hạn. Tôi có lý do để tồn tại, để hân hoan thư thới bước ra khỏi khu nhà giam này.

Tôi xúc động đứng lại ở bên đường nhìn xe cộ và người ta qua lại tấp nập. Cái gì cũng có vẻ mới lạ và đáng yêu trong mắt tôi lúc này. Tôi lững thững rảo bước dọc theo quốc lộ, hướng về phía bến xe Long Khánh. Trước tôi, đã có người ra khỏi trại giam với bộ đồ tù rách nát, nói rằng “lo gì, cứ leo đại lên bất cứ chiếc xe đò nào, không ai đòi tiền mấy thằng tù đâu!” Tôi may mắn là không cần phải xin xỏ làm phiền bất cứ chiếc xe chở khách nào. Cái mũ lưỡi trai màu cà phê sữa mà Bảy tặng lại tôi hãy còn mới, áo sơ mi màu cà phê sữa và cái quần jean màu đen, cùng đôi giép da màu nâu cũng còn mới (vì ba thứ này đều ký gởi nơi kho hậu cần, chưa dùng tới). Tôi vừa ra khỏi trại tù là đã lột xác nhanh chóng thành một thị dân khá bảnh bao ở quận lỵ nhỏ bé này. Trong túi tôi còn lại một ít tiền để đi xe đò, như vậy tôi khỏi phải xin quá giang miễn phí như nhiều người tù khác.

Nhưng chưa kịp đến bến xe, tôi gặp ngay hai nhà tu trẻ đang dắt xe đạp từ tiệm sửa xe bước ra. Đó là Nguyên Phương và Nguyên Lộc, hai vị sư đệ đồng môn của Nguyên Lạc, bạn tôi. Họ nhận ra tôi ngay. Họ rủ tôi ghé vào chùa Long Thọ chơi và cho biết hôm nay đúng là ngày vía đức Phật Thích Ca Thành Đạo. Ai cũng nói tôi về đúng ngày Thành Đạo là điềm lành. Ở đây, các huynh đệ xúm xít thăm hỏi tôi, mua bún, rau tươi và đậu hủ chiên làm một tiệc nhỏ để đãi tôi bữa trưa. Tôi hỏi thăm Nguyên Lạc thì được biết anh đã bị tù vì tội vượt biên. Các huynh đệ rủ tôi ở chơi đến chiều cho khoẻ rồi hãy về Sài Gòn, nhưng tự dưng tôi thấy nóng ruột, muốn ra bến xe ngay. Có một thứ linh cảm gì đó khó hiểu làm bồn chồn khó chịu trong lòng tôi. Một cái gì đó lôi kéo tôi về phía trước, và một cái gì đó như rượt đuổi tôi ở phía sau. Tâm tôi bất an. Tôi nói lời từ giã với người ở chùa. Các bạn gom tiền biếu tôi, tôi từ chối cách mấy cũng bị họ dúi tiền vào túi.

Ngồi trên xe, tôi chợt nẩy sinh nghi ngờ về đợt trả tự do sáu người tù chính trị hôm nay. Có gì mờ ám chăng trong vụ trả tự do này? Tại sao họ không thả chúng tôi hai ngày trước cùng lúc với một trăm bốn mươi người trong danh sách tù nhân bệnh nan y? Phải chăng ồ ạt cùng ra khỏi nhà tù họ sẽ khó khăn trong việc phân biệt ai là ai, khó theo dõi và kiểm soát? Có chàng cán bộ công an nào âm thầm bám theo tôi trên đường từ đây về Sài Gòn rồi từ Sài Gòn ra Nha Trang chăng? Bám theo để làm gì? Để truy bắt những đồng phạm khác của tôi, hay để ám sát tôi bằng một cách nào đó?

Về đến Sài Gòn, chỗ duy nhất mà tôi muốn ghé vào để từ đó ra Nha Trang (theo lệnh ghi trên giấy tạm tha) là nhà của các chị ruột tôi, nhất là chị Thuần, người đi thăm nuôi tôi mỗi tháng. Nhưng tôi đến nơi thì thấy cửa khoá bên ngoài. Một người hàng xóm của chị tôi đã nhận ra tôi, ái ngại cho biết ba tôi đã mất hai ngày trước và các chị tôi đều kéo ra Nha Trang dự tang. Tôi loạng choạng rời chỗ đó, đi lang thang trên đường Trương Minh Giảng ồ ạt xe cộ.

Ba tôi mất thật rồi sao? Mới hôm nào, chưa đầy một tháng trước đây, ông lặn lội đường xa đến thăm tôi ở trại giam, khuôn mặt lo âu, đôi mắt buồn bã, thương cảm mà không nói nên lời, muốn ôm hôn con mà chỉ được ngồi xa mà nhìn, muốn nghe con bày tỏ ít nhiều thì chỉ được nghe yêu cầu mỗi một điều là làm đơn bảo lãnh nó về… Cho tới lúc này, tôi mới thấy là tôi bất công, vô tình, tàn nhẫn… đối với gia đình tôi, nhất là đối với ba tôi, người vừa mới nằm xuống, không còn cơ hội nào để tôi biểu lộ tình thương yêu và hiếu cảm của tôi nữa. Dường như trên đường xuất gia hành đạo của tôi, lòng từ bi đã được vận dụng và mở ra cho những con người đau khổ khác mà không đếm kể gì đến gia đình ruột thịt của mình. Có chăng một thứ bi mẫn vô điều kiện khi còn phân biệt kẻ thân với người sơ? Khi người xuất gia nghĩ tưởng chăm lo đến kẻ thân thuộc của mình mà lơ là người xa lạ thì ai cũng cười, cho rằng họ không làm đúng hạnh xuất gia; nhưng khi họ chăm lo cho người xa lạ mà bỏ lơ gia đình ruột thịt thì chẳng thấy ai chê cười mà còn ca ngợi nữa! Ca ngợi sự vô tư, không thiên vị! Có thực là vô tư không thiên vị chăng? Nếu vô tư thì người thân kẻ sơ đều thương yêu và đối xử như nhau chứ. Đàng này, tôi đã không màng gì đến niềm đau nỗi khổ của gia đình từ nhiều năm qua. Nói rõ hơn, tôi đã chưa lo việc báo hiếu một cách cụ thể như một đứa con thường tình đối với cha mẹ tôi trong giai đoạn khốn khó chật vật nhất của gia đình. Tôi lạnh lùng với ba tôi. Tôi không hề biết ba tôi thích gì, cần gì, yêu cái gì, muốn cái gì, nuối tiếc cái gì, mơ tưởng cái gì, hy vọng cái gì… Bây giờ nhớ về ông, tôi chỉ nhớ khuôn mặt hiền lành và đau khổ của ông, nhớ là ông luôn luôn muốn biểu lộ rằng ông rất thương tôi. Từ khi xuất gia rời xa gia đình, hình như tôi chưa bao giờ bày tỏ một cái gì cho thấy là tôi cũng thương ông vô cùng.

Tôi bước đi mãi, đi mãi, dọc theo lề phố rộng trong khi nắng chiều đuổi theo sau lưng. Tôi cúi gầm mặt xuống, dẫm trên bóng mình, bước tới. Chưa biết đi về đâu. Tôi vừa nghĩ đến ba tôi, lại vừa nghĩ đến một chỗ tá túc tạm thời cho qua đêm nay. Ai có thể chứa chấp tôi đây? Lệnh tha chỉ định nơi cư trú là nhà ba tôi ở Nha Trang, vậy thì có ai ở Sài Gòn này dám chứa chấp tôi! Mà một người tù chính trị, cho dù đã được trả tự do với một tờ giấy tạm tha, cũng khó lòng được người khác an lòng và vui vẻ đón nhận vào nhà họ. Các chùa lại càng khó hơn vì thường bị công an kiểm soát. Huống chi, ngoài tờ giấy ra tù, tôi chẳng còn bất cứ mảnh giấy tùy thân nào khác để chứng minh rằng tôi chính là người có tên trong tờ giấy tạm tha ấy. Ai cầm tờ giấy này lại không được! Chẳng lẽ ai cầm tờ giấy này thì đều là Vĩnh Khang cả sao? Ôi, hóa ra được tha rồi mà cũng chưa thực sự an toàn giữa cái xã hội mà đi đâu, ở lại đâu, cũng phải có giấy tờ chứng minh. Không chứng minh được thì lại bị bắt vào đồn bót công an...

Tôi thực sự là chẳng biết đi đâu. Lang thang một lúc, tôi mới sực nhớ rằng từ lúc vào tù, mối dây liên hệ giữa tôi với xã hội bên ngoài hầu như chỉ được kết nối qua những giỏ quà thăm nuôi, còn mọi thứ đều bị cắt đứt. Như vậy, ngoài gia đình ruột thịt của tôi ra, chỉ có người nào gởi quà thăm nuôi cho tôi thì người đó mới có thể đón nhận và vui mừng cho sự trở về của tôi mà thôi. Tôi nghĩ ngay đến Tửu và Như Tâm. Các giỏ quà gửi vào cho tôi lúc nào cũng có vài chữ của hai người này. Tửu đang ở đâu nhỉ? Tôi thực sự không nhớ, không biết. Mới chưa được hai năm mà sao đã quên hết vậy kìa! A, hình như anh ở chùa Bửu Đà, nhưng chùa ấy phức tạp lắm, người ra kẻ vào tấp nập, biết ai người tốt người xấu mà lường. Vả lại, quý thầy ở đó đều biết tôi ở tù, tôi vác mặt tới chỉ tổ làm họ e ngại. Thôi, vậy thì tìm Như Tâm. Như Tâm ở chùa Hoa Nghiêm. Chùa này tôi chưa hề đặt chân tới bao giờ nhưng biết nó nằm ở đâu. Nơi đó ngoài Như Tâm và Như Nguyệt bạn thân của cô ra, không ai biết mặt tôi, vậy thì dễ thở hơn. Tôi gọi một chiếc xích lô. Suốt dọc đường từ đường Trương Minh Giảng đến chùa Hoa Nghiêm, tôi chỉ lo nghĩ đến một chỗ tá túc qua đêm, hầu như quên khuấy chuyện ba tôi đã mất.

Sư cô tri khách bảo tôi ngồi chờ ở bàn khách để cô lên lầu ba gọi Như Tâm. Bàn khách ở lầu hai, đặt ở khoảng hành lang trống giữa chỗ bậc cấp dẫn xuống tầng trệt và dẫn lên tầng thứ ba. Trời đã bắt đầu tối dần mà chẳng thấy ngọn đèn nào ở hành lang bật lên. Có lẽ nội qui của chùa này không cho tiếp khách ban đêm nên không có chuyện bật đèn hành lang. Thảo nào sư cô tri khách có vẻ không vui khi thấy tôi là một người nam đến chùa giờ này để đòi gặp một sư cô. Tôi thấy bứt rứt, khó chịu, chỉ mong gặp Như Tâm một chút rồi đi ngay, khỏi phiền ni chúng ở đây. Bây giờ tôi mới sực nhớ lại là trong luật, tăng đến chùa ni hay ni đến chùa tăng đều phải đi hai người trở lên, không được đi một mình. Dù tôi không còn là tăng nữa, cũng phải ý thức chuyện đó.

Chỗ tôi ngồi khá tối trong khi đèn ở phòng phát hành kinh sách gần đó thì sáng trưng. Ở khoảng đèn sáng, tôi thấy một thiếu nữ đang đứng nói chuyện với một sư cô. Thiếu nữ có mái tóc dài thả xuống ngang lưng. Khuôn mặt hơi bầu bĩnh. Đôi mắt to tròn đen láy nhưng đượm một vẻ buồn thầm kín. Đôi mắt buồn quen quen. Nét mặt quen quen. Dường như tôi đã bắt gặp cô một lần ở đâu đó. Hay chỉ là phóng ảnh của một thứ dục vọng nào chôn chặt trong tôi, bây giờ vùng dậy, tìm kiếm... Tôi nhắm mắt lại một lúc. Khang ơi, ba mi vừa mất, mi có nhớ chăng?

Như Tâm chưa kịp xuống thì sư cô và thiếu nữ từ phòng phát hành kinh sách đã bước ra, đi ngang chỗ tôi để chuẩn bị xuống lầu. Thấy tôi ngồi trong bóng tối, sư cô cố nhướng mắt nhìn, rồi lên tiếng hỏi:

“Ai vậy? Anh cần gặp ai?”

“Thưa, tôi cần gặp sư cô Như Tâm.”

“Đã gặp chưa, có ai đi kêu chưa?” sư cô lại hỏi.

“Thưa có một sư cô đi kêu nhưng lâu quá sao chẳng thấy cô Như Tâm xuống.”

Sư cô kia làu bàu gì đó trong miệng rồi nói:

“Anh tên gì nói tôi biết để tôi đi kêu.”

“Thưa, tên Khang, Vĩnh Khang,” tôi đáp.

“A, thầy Khang hả? Thầy đó sao?”

“Ơ... sư cô là Như Tâm đây hả?”

“Không, tôi không phải Như Tâm. Thầy không biết tôi đâu, nhưng tôi biết thầy chứ. Tôi là Như Liên. Thôi, thầy ngồi đây, tôi kêu Như Tâm rồi xuống ngay. À, em chờ chị một chút nghen,” sư cô quay qua nói với thiếu nữ, rồi bước nhanh lên lầu ba.

Thiếu nữ hơi dợm chân muốn theo sư cô nhưng nghĩ sao lại thôi, đứng lại tần ngần trước mặt tôi, đưa tay vén tóc, rồi cầm cuốn kinh hay cuốn sách gì đó lật lật xem xem trong bóng tối. Một lúc, thiếu nữ kéo chiếc ghế trống đối diện, vừa ngồi xuống vừa hỏi:

“Thầy khỏe không?”

“À... cũng thường,” tôi hơi lúng túng đáp.

“Không ngờ cuối cùng cũng được gặp thầy.”

“Cô biết tôi sao?”

“Biết cũng khá lâu rồi, nhưng chỉ biết qua cuốn Mây Hồng Nhẹ Baythôi chứ chưa bao giờ gặp thầy cả. Cuốn truyện đó của thầy, các chùa chuyền tay nhau đọc, có người chịu khó sao chép lại nữa, thích lắm. Thầy bây giờ... không còn ở chùa nữa hả?”

“Ừm... không còn nữa, từ hai năm trước rồi.”

“Vì đi vượt biên nên cải trang chứ đâu phải là... hoàn tục, phải không thầy?”

Tôi chưa kịp đáp thì sư cô khi nãy bước xuống, nói:

“Thầy Khang ngồi chơi một chút nữa nghe, Như Tâm xuống liền,” rồi quay qua thiếu nữ, “rồi, em về há! Chị đưa em ra cổng.”

Thiếu nữ thoáng dụ dự rồi đứng dậy, chào tôi, đi theo sư cô kia xuống lầu. Trong tôi thoáng một chút tiếc nuối khi chia tay với thiếu nữ ấy. Tiếc vì cả tôi và nàng đều không lưu lại một dấu hiệu nào để còn có thể gặp lại nhau.

Nhưng tôi liền dẹp ngay ý nghĩ đó, nhớ về cái chết của ba mình. Ba ơi, sao ba không chờ con về. Ba có làm giấy bảo lãnh cho con, phải không, cho nên con mới được về sớm đó mà. Cảm ơn ba. Nhưng... sao ba không ráng chờ đợi kết quả của tờ đơn bảo lãnh, hở ba? Con về được rồi đây này. Con được tự do rồi. Đều nhờ ba hết đó. Ba có vui không? Ba có vui không? Vui sao ba không sống lâu thêm để con còn có dịp nói chuyện với ba, vâng, còn rất nhiều chuyện cha con mình chưa kịp nói với nhau...

Một sư cô nào đó từ lầu ba bước xuống thang cấp, thấy tôi cô cũng nhướng mắt nhìn một cái rồi đi luôn. Chắc cô cận thị không nhìn ra tôi trong bóng tối. Tôi cũng không rõ đó có phải là Như Tâm không nên không dám gọi, vì đã hai năm rồi, tôi không dám chắc là tôi còn nhớ mặt Như Tâm. Vả chăng, những lần tôi gặp Như Tâm ở nhà bà Bàng, Như Tâm luôn chít khăn, nay ở chùa các sư cô đều để đầu trần, khó mà mường tượng ra mặt mũi Như Tâm thế nào trong bóng đêm. 

Sư cô đi dọc theo hành lang, qua phía phòng phát hành kinh sách rồi quay trở lại, vừa đi vừa lẩm bẩm:

“Có ai đâu!”

Cô trở lại ngang chỗ tôi ngồi, nhìn tôi lần nữa, rồi hỏi:

“Anh đi với ai vậy?”

“Tôi đi một mình. Tôi ngồi chờ sư cô Như Tâm.”

“Như Tâm đây nè, vậy có phải Khang đó không?”

“Tôi đây.”

“Trời ơi, Khang về thật hở? Thật không? Sao mà về hay quá vậy!” Như Tâm kéo chiếc ghế đối diện, ngồi xuống, giọng run un.

“Thì bệnh nặng, người ta cho về để chữa.”

“Thật hả Khang?” cô cứ hỏi.

“Thật chứ sao không. Chứ ai ngồi trước mặt cô?”

Như Tâm cười, một lúc cô hỏi:

“Họ có cấp cái giấy gì cho Khang không?”

“Có, lệnh tạm tha,” tôi móc túi lấy tờ giấy ra, đưa cô, rồi bất chợt thấy buồn.

Tôi cảm thấy là Như Tâm có vẻ chẳng tin tôi, không mong đợi sự tự do của tôi. Tôi nản lắm, muốn từ giã cô ngay. Nhưng cô cứ cầm tờ lệnh tha của tôi mò mẫm đọc tới đọc lui kỹ lưỡng trong bóng tối, nên tôi cứ ngồi đó, im lặng chờ. Đọc xong, cô trả tờ giấy lại cho tôi. Và chúng tôi im lặng. Phải một lúc lâu, cô mới hỏi:

“Khang mới được về hồi chiều nay thôi, phải không? Vậy bây giờ Khang về đâu?”

“Họ bắt buộc phải về Nha Trang.”

“Biết rồi, nhưng Khang đâu có đi Nha Trang liền bữa nay được, vậy tối nay Khang về đâu, nhà chị Thuần hở?”

Tôi im lặng. Một lúc, tôi đứng dậy nói lời giã từ. Như Tâm cũng im lặng, không nài, không cản, cũng không còn thắc mắc là tôi sẽ đi đâu đêm nay. Bằng nỗi e ngại phiền lụy đến kẻ khác, tôi cho rằng cô và có thể là những người bạn nào khác của tôi, sẽ không ai muốn gặp và tiếp xúc với tôi nữa. Mọi người sẽ thủ thế, sẽ sợ hãi và xa lánh tôi. Ừ thôi, thì cũng được đi. Tôi luôn luôn mong ước mọi người được an lạc thì không lý do nào tôi tìm đến họ để gieo nghi kỵ và sợ hãi. Tôi sẽ không phiền ai đâu. Tôi sẽ đi. Sau khi gặp Tửu để thăm hỏi mọi chuyện xảy ra ngoài xã hội trong hai năm qua, tôi sẽ đi. Đi đâu không cần biết. Có thể đi rông cho đủ ba tháng, không có chỗ nào để sống yên thì quay trở lại trại cải tạo, tiếp tục làm anh thư ký quèn của bệnh xá...

Tôi đi vài bước thì nghe tiếng Như Tâm đứng nơi cầu thang hỏi vói theo:

“Tối nay Khang về đâu?”

“Chưa biết nữa. À, Như Tâm biết Tửu bây giờ ở đâu không?”

“Ở nhà anh Cường. Ừ, Khang đến ở tạm với Tửu được đó. Nhà anh Cường ở trong hẻm đường Ngô Tùng Châu, quận Nhứt. Khang biết chỗ đó không?”

“Biết, nhưng không chắc là còn nhớ chỗ. Cô có địa chỉ không?”

“Không, nhưng chỗ nhà của Thanh Nga đầu hẻm, Khang đi thẳng vào khoảng hai trăm thước, nhìn bên trái có cái chuông treo đầu cái hẻm nhỏ, đó là lối dẫn vào nhà anh Cường. Vào đó thì Khang biết rồi chứ gì?”

Tôi gật đầu, cám ơn cô rồi xuống lầu. Nhà Thanh Nga là nhà nào nhỉ? Tôi có bao giờ biết nhà cô đào Thanh Nga đâu kìa!

Tôi ra đến giữa sân thì sư cô Như Liên đã tiễn thiếu nữ kia đi và đang một mình bước vào, cười chào tôi, tôi chào lại rồi thẳng bước.

Đêm chụp xuống khu phố nghèo vừa lên đèn. Những trụ điện hắt ánh đèn vàng vọt xuống mặt đường đầy rác rưới và bụi bặm. Tôi bước thật nhanh, cố nhớ lại căn nhà của anh Cường, nơi tôi có đến thăm vài người bạn tu ẩn nấp trên căn gác gỗ nhỏ từ hai năm trước. Tôi tưởng tượng Tửu gặp tôi sẽ mừng lắm. Tửu là bạn thân của tôi từ năm chúng tôi còn học ở Phật học viện Quảng Nam và chung lớp ở trường Bồ Đề Hội An. Tửu cũng là Đoàn phó Đoàn Phật Tử Phụng Đạo do tôi sáng lập. Có lẽ anh cũng là người duy nhất trong số bạn thân của tôi, đến nhà chị Thuần để lo tiếp viện thăm nuôi tôi mỗi tháng. Hy vọng Tửu sẽ không sợ hãi tôi. Nhưng không biết anh Cường, người chủ căn nhà mà Tửu đang xin tá túc, có vui vẻ đón nhận tôi vào nhà anh, cho tôi ngủ tạm một đêm không?

Tôi vừa bước nhanh vừa miên man suy nghĩ thì có tiếng máy xe Honda nổ xình xịch phía sau. Chiếc xe có vẻ như đang chạy chầm chậm và bám sát phía sau tôi. Gì đây? Phải chăng đã đến lúc một anh công an nào đó ra tay thủ tiêu tôi, tạo một hoạt cảnh cướp bóc hay tai nạn gì ở khoảng đường khá vắng này? Tôi rời xa chỗ lòng đường, định bước sát về phía hành lang của khu phố thì có giọng một người nữ gọi:

“Khang ơi!”

Tôi quay lại thì thấy thiếu nữ ban nãy tôi gặp ở chùa Hoa Nghiêm. Cô dừng xe lại bên lề đường chờ đợi tôi bước đến.

“Khang đi đâu vậy?” Cô hỏi nhỏ khi tôi đứng gần.

“Ơ... đi tới nhà bạn.”

“Chỗ nào, để em chở Khang đi,” nàng nói dứt khoát, có vẻ như không nghĩ rằng tôi sẽ từ chối.

“Ở đường Ngô Tùng Châu, khoảng gần công viên gì... gần nhà Thanh Nga... nhưng tôi định đi bộ một khoảng rồi thuê xích lô.”

“Thôi, đừng đón xích lô, em nói nhỏ Khang nghe nè, có công an giả đò đạp xích lô nữa đó nghe. Anh lên xe đi. Hay anh muốn lái? Anh lái xe này được không?”

“Được, nhưng bỏ lâu quá, ngại lắm. Cô cầm lái đi.”

Tôi ngồi phía sau, tay vịn vành yên, cố giữ một khoảng cách để không đụng chạm vào người cô. Thiếu nữ phóng xe đi. Gió đêm nhè nhẹ gửi hương tóc dịu dịu ngây ngây của cô đến cánh mũi phập phồng rung động của tôi.

“Sợ người ta chú ý nên không dám gọi bằng thầy, chỉ gọi tên để họ nghĩ rằng mình quen nhau từ lâu. Đừng có la nghe.”

“Đâu có sao. Gọi tôi bằng tên đi, vậy thoải mái hơn. Tôi không còn ở chùa nữa, lại mang hình thức như vầy, gọi thầylàm gì cho thêm rắc rối, chỉ khiến kẻ khác thêm dị nghị mà thôi. Cô tên gì vậy?”

“Phương.”

“Lại là Phương,” tôi cười nói.

“Sao, trùng tên với bạn gái nào à?”

“Không phải bạn gái, mà là một cô cán bộ y tế tốt bụng.”

“Khang ở tù như vậy chắc cũng hai năm rồi hở?”

“Phương biết à?”

“Chỉ mới biết khi nãy thôi, do cô Như Tâm nói. Chuyện là như vầy: trên đường về nhà, em sực nhớ là chưa lấy địa chỉ của Khang nên quay trở lại chùa. Té ra cô Như Tâm nói Khang vừa mới ra. Em tưởng không có cơ hội gặp Khang nữa nhưng khi nghe cô Như Tâm cho biết sơ chuyện của Khang, em vội chào cô, lái xe chạy dọc theo mấy con đường gần chùa, rồi thấy Khang. Em nghĩ nên chở Khang đi thì tốt hơn. Ở tù mới ra chân ướt chân ráo, làm gì tìm được một chỗ qua đêm.”

“Cám ơn Phương,” tôi xúc động nói. Không ngờ Phương tinh tế hiểu ngay hoàn cảnh bối rối bất an của tôi trong đêm nay.

“Nếu Khang tìm nhà bạn không ra, hoặc vì lý do nào đó mà không ở lại nhà bạn được... thì Khang có thể đến chỗ em.”

Tôi im lặng. Tim tôi rộn rã lên khi nghe lời đề nghị của Phương, nhưng liền sau đó đã thoáng dậy chút nghi vấn. Sao dễ dàng vậy? Trong khi Như Tâm là bạn có quen trước thì e ngại đón tiếp tôi, còn Phương chỉ mới biết hôm nay, chỉ mới đâu chừng nửa giờ đồng hồ trước đó, lại sẵn sàng rước tôi về nhà cô. Đâu là động lực đẩy người bạn mới này đến với tôi? Cảm mến? Thương hại? Hay ý gì khác? Phương là ai? Làm gì?

“Nhà Phương ở đâu?”

“Ở đường Trần Hưng Đạo, cũng quận Nhứt. Em nói thật đó. Nếu anh không tìm được chỗ nào tốt, cứ đến em.”

“Sao Phương tốt với tôi vậy? Phương không sợ ư?”

“Sợ? Sợ cái gì chứ? Anh là người tù được trả tự do hợp pháp, anh đến ở tạm nhà em, có gì sai trái đâu.”

“Cái nguyên tắc đó chẳng có gì là đảm bảo cả. Người ta có đủ thứ lý do để bác bỏ chuyện hợp pháp của anh. Muốn hợp pháp thì lập tức trở thành hợp pháp, muốn bất hợp pháp thì lập tức trở thành bất hợp pháp. Chẳng cãi được đâu.”

“Nhưng chỗ em an toàn lắm. Chắc anh biết mà, Sở công an thành phố cũng nằm trên đường Trần Hưng Đạo; nhà em ở khá gần chỗ đó nên an ninh lắm. Càng gần chỗ nguy thì càng an.”

“Phương nói nghe oai như Tôn Tử đó nghe, chỉ sợ là... Kìa, hình như chỗ này, Phương quẹo vào đây đi.”

Phương im lặng cho xe chạy từ từ vào con hẻm rộng. Nhà cửa san sát nhau. Con nít chạy giỡn la hét om sòm. Người lớn bắc ghế ngồi chơi trước những cánh cửa mở rộng. Ai thấy chúng tôi chạy xe vào cũng giương mắt ngó. Cái xóm này, người lạ đi vào là biết ngay. Vậy mà nghe nói trong nhiều năm qua, anh Cường đã chứa chấp biết bao là thầy tu trẻ ở căn gác nhà anh, để lần lượt các vị này đều vượt biên. Anh đúng là một bồ tát hóa thân, lấy an nguy của gia đình mình ra mà bảo vệ các tăng sĩ tương lai của giáo hội.

“Đây rồi, ngừng đi Phương, chỗ đầu hẻm này. Có cái chuông nhỏ treo phía trước, đúng rồi. Thôi... cám ơn Phương nghe, tôi vào há, Phương về đi.”

“Không được. Anh vào tìm bạn anh, dù được hay không cũng ra đây cho em biết, em chờ ngoài này.”

“Phương ở ngoài này chẳng biết có an toàn không... hay là cùng vào?”

Phương ngập ngừng một lúc rồi gật đầu, dắt xe cùng tôi bước vào cái hẻm nhỏ mà tôi tin là dẫn tới nhà anh Cường.

Căn nhà có hàng rào gỗ bao quanh khoảng sân vuông nhỏ phía trước. Ánh đèn nê-ông trong nhà hắt ra cửa sổ cho tôi thấy thấp thoáng hai bóng người bên trong. Tôi đẩy nhẹ cánh cổng nhỏ, bước vào sát cánh cửa ra vào, bấm chuông. Một con chó nhảy chồm lên thành cửa sổ, sủa inh tai, rồi gầm gừ khi chủ nhà lên tiếng. Người ra mở cửa cho tôi là một người đàn ông trung niên, ốm, cao, để râu mép khá rậm. Tôi không nghĩ ông ta là anh Cường. Trong trí nhớ kém cỏi cũng như sự tưởng tượng của tôi, anh Cường hơi thấp người, không có râu, mặt hiền hòa phúc hậu, vui tính... chứ đâu có lầm lì vô cảm như người này. Người đàn ông chỉ ló nửa đầu ra cánh cửa mở hờ, lạnh lùng hỏi:

“Anh hỏi ai?”

“Xin hỏi có anh Tửu ở đây không?”

“Nhưng anh là ai?”

“Tôi... tôi là bạn của anh Tửu.”

“Bạn ở chùa đó phải không?”

“Phải.”

“Anh Tửu đi học Anh văn chưa về. Thường thì khoảng chín giờ rưỡi đêm mới có mặt ở nhà. Anh có thể trở lại vào ngày mai, khoảng sáng sớm thì dễ gặp hơn.”

“Cám ơn,” tôi nói nhỏ rồi rầu rĩ quay ra. Không biết có phải đó là anh Cường không. Nếu là anh Cường thì chắc là tôi sẽ không xin ở lại đâu. Dù sao, cũng phải gặp Tửu cái đã rồi hẵng tính.

Phương thấy tôi quay ra thì nói ngay:

“Không được phải không? Thôi, theo em về nhà em đi.”

“Không phải không được. Bạn tôi đi vắng chưa về. Chắc phải chờ đến chín rưỡi.”

Đạp cho nổ máy xe xong, Phương nói:

“Lên xe đi Khang. Mười giờ là giờ giới nghiêm công an có thể xét nhà và bắt những người cư trú bất hợp pháp vào giờ đó, anh trở lại đây nếu không có bạn anh, hoặc có nhưng bạn anh không dám cho anh ngủ lại thì anh đi đâu?”

“Vậy thì...”

“Đến chỗ em,” Phương dứt khoát.

Tôi lại leo lên xe, vịn cứng thành yên. Xe chạy một khoảng đường xa mà cả hai chúng tôi đều im lặng, chẳng ai nói với ai một lời nào. Tôi thấy lo quá. Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa biết rõ Phương là ai, sẽ chở tôi đi đâu. Chuyện trả tự do cho tôi là chuyện của ông công an K4, tỉnh Đồng Nai; nếu công an Sài Gòn không đồng ý chuyện thả tôi, muốn bắt lại, họ cũng có quyền bắt lại, tôi nói gì được với họ!

“Phương à... nếu tôi gặp Tửu thì chắc chắn là Tửu sẽ nói với anh Cường cho tôi ở lại một đêm.”

“Nhưng cái ông hồi nãy thấy có vẻ khó chịu quá. Ông ấy đâu muốn anh ở lại, bảo anh sáng mai trở lại mà.”

“Ông đó không phải anh Cường chủ nhà đâu, chắc là bà con nào của anh Cường đó. Hay là mình ghé vô quán cà phê nào ở đầu hẻm một lúc, để coi Tửu có chạy ngang không. Đến gần mười giờ mà không thấy Tửu về thì...”

“Sao anh không đến chỗ em, sáng mai đi hãy gặp Tửu?”

“Ơ... thấy ngại quá.”

Phương im lặng dừng xe lại nơi một quán cà phê có đèn màu, bàn ghế bày ra choán cả lề đường rộng phía bên kia đường Ngô Tùng Châu. Chúng tôi chọn một cái bàn gần phía con hẻm nhất.

“Em quên hỏi Khang dùng tối chưa,” ngồi vào bàn rồi, Phương nói.

“Chưa, nhưng không thấy đói, chỉ mong lo xong chỗ ngủ đêm. Ăn uống chẳng cần lắm đâu.”

Phương nhìn tôi, đôi mắt long lanh, lộ vẻ thương cảm.

“Anh có dùng mặn được không?”

“Được. Mấy tháng cuối cùng ở tù, tự dưng gia đình gởi thức ăn mặn vào, từ đó ăn mặn luôn. Có lẽ do Tửu hay Như Tâm đề nghị như vậy vì sợ tôi thiếu dinh dưỡng. Thôi, đừng bàn chuyện ăn uống nữa,” tôi bắt đầu muốn tìm hiểu Phương rõ ràng hơn, để ngộ nhỡ đêm nay không gặp Tửu, có thể tôi sẽ phải nhờ vả đến cô. “Phương đang đi học hở?”

“Khang nhìn em đoán em bao nhiêu tuổi mà bảo em còn đi học?”

“Mười chín hoặc hai mươi.”

“Em đâu mà trẻ dữ vậy Khang. Em hai mươi lăm rồi, đã thôi học từ lâu.”

“Vậy chắc Phương đang làm việc cho cơ quan.. nhà nước?”

“Ô, hạng như em chỉ vô dụng đối với nhà nước thôi. Hiện thời, em tự sinh sống bằng cách chạy thuốc tây, tức là mua lại thuốc tây của những người lãnh hàng nước ngoài rồi đem bỏ cho vài mối quen ngoài chợ. Công việc chỉ có vậy. Còn anh, chắc cũng cỡ tuổi em hở?”

“Hơn Phương hai tuổi. Phương họ gì vậy?”

“Họ Hà. Hà Thị Nam Phương.”

“Hà Thị Nam Phương? Tên hay quá! Ưm, tên em nếu chỉ đọc âm theo chữ Hán-Việt thì có cái nghĩa lạ lắm.”

Đâu là phương nam? Phương nam là gì?Anh muốn nói vậy, phải không?”

“Ừ, phải rồi, em cũng biết chữ Hán?”

“Em học lóm mấy sư cô ở chùa thôi. Em quen hết mấy sư cô ở chùa Hoa Nghiêm đó.”

“Thảo nào em cũng có nét gì giống như là sư nữ.”

Phương cười phá lên một cách hồn nhiên, rồi bất chợt giọng nàng chùng xuống, tay khuấy khuấy cái muỗng giỡn với mấy cục đá lạnh, nói:

“Có thực em có nét giống ni cô không? Giống chỗ nào, ở mái tóc này sao?” vừa nói nàng vừa đưa hai tay vấn tóc lên thành một búi nhỏ sau ót, dùng cái trâm hay cái kẹp gì đó trong giỏ xách, kẹp lại.

Tôi cười không nói. Chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn, gọi nhau bằng “anh, em” tự lúc nào không biết, nghe như thân nhau từ lâu. Nàng vừa có vẻ gì hồn nhiên như Như Như, lại vừa có vẻ gì lãng mạn một cách tinh nghịch như Mộng Huyền. Cả ba người đều ngang tuổi nhau và nhỏ hơn tôi hai tuổi. Cái tuổi đó không biết theo tướng số thì hợp hay khắc với tôi mà sao chỉ thấy phân cách, biệt ly... Hay chỉ vì chính tôi ngay từ cái tâm thức được trau luyện quen trong môi trường giới luật, đã tự cách ly, tự chối bỏ sự hiện hữu của tình yêu và nhan sắc?

Tôi vừa hớp cà phê vừa kín đáo nhìn kỹ lại nàng. Ngoại trừ đôi mắt ướt, tinh anh và rất đa tình, khuôn mặt nàng là hiện thân của một cái đẹp trong veo, đức hạnh. Cánh mũi cao, đầy đặn như là chừng mực để giảm chế và ngăn chặn không cho tình cảm bộc phát quá độ từ đôi mắt. Miệng cười rất từ bi, phóng khoáng. Nàng có vẻ là một sư nữ nhập thế, một người có đủ bản lĩnh nội lực để tự phác vẽ con đường và hướng đi của chính đời mình.

Phương im lặng khá lâu rồi bùi ngùi kể:

“Thực ra em có xuất gia ở chùa một thời gian, chẳng bao lâu đâu. Có tám năm thôi. Trước khi xuất gia, mỗi tháng em theo mẹ và bà nội đến chùa Hoa Nghiêm để sám hối. Sau, bà nội em mất, em thương nội nên đến chùa thường xuyên hơn để cầu siêu cho bà. Từ đó em quen quý sư cô nhiều hơn, được nghe giảng pháp, được đọc kinh sách, rồi dần dần nhận ra cái vẻ cao đẹp của con đường xuất gia... Em được ba mẹ cho xuất gia năm em mười bốn tuổi. Ở chùa Hoa Nghiêm cho đến năm em hai mươi hai, sắp sửa được thọ giới tỳ kheo thì gia đình em có chuyện,” nàng ngưng một lúc, cúi mặt xuống như che giấu nước mắt. “Mẹ em đòi dẫn cả nhà đi vượt biên, kéo cả em đi theo, nhưng em không chịu. Vì sao anh biết không?”

“Ờ... vì em chỉ muốn tu ở Việt Nam, không muốn xuất ngoại chứ sao.”

“Không phải,” nàng lắc đầu nguầy nguậy. “Nếu đi được cả gia đình thì em mừng, bản thân em được qua Mỹ thì em cũng vui, cũng tu được bên đó chứ. Đàng này, em phải ở lại vì em không thể bỏ ba em trong trại cải tạo được. Đi hết thì ai thăm nuôi ba, tuốt ngoài Bắc. Cho nên, em nói mẹ cứ dẫn hai đứa em trai của em đi trước, em sẽ ở lại với ba. Đó, nguyên do là vậy. Ban đầu em phải về nhà sống một thời gian với gia đình trước khi mẹ và hai đứa em lên đường, để phòng hờ họ đi không thành công, đồng thời giữ lại căn nhà của ba. Đến khi biết chắc mẹ và hai đứa nhỏ qua được trại tỵ nạn Galang, Nam Dương một cách an toàn, em có ý định bán căn nhà để có thể rảnh tay trở lại chùa, lại có tiền thăm nuôi ba dài lâu, khỏi mất công coi giữ. Trong thời gian chờ bán nhà, mẹ em đem hai đứa nhỏ qua được Mỹ rồi bất ngờ cho biết bà không thể chờ đợi ba được nữa, và đã lấy chồng khác bên đó. Em giận quá, không nhận quà hay liên lạc thư từ gì với bà nữa. Rồi em dành dụm vốn, tự nuôi mình vừa lo thăm nuôi ba... Câu chuyện của em là như vậy. Nghe chán quá hở anh.”

“Đừng nói vậy. Hoàn cảnh em đáng thương lắm. Em thật có hiếu với ba. Em có cơ hội báo hiếu, phụng dưỡng ba... em sẵn sàng bỏ đường tu để lo cho ba... Những việc em làm, anh không bao giờ làm được.”

Phương im một lúc, nhìn tôi, có vẻ suy nghĩ. Nàng chưa hiểu tôi muốn nói gì. Nàng không biết tôi có người cha vừa mất, chỉ mới cách đây hai ngày thôi.

“Mấy giờ rồi vậy Phương?”

“Sắp chín giờ rưỡi rồi. Hay anh vào đó một lần nữa xem sao. Có thể nhắn bạn anh là sáng mai anh tới, được không?”

Tôi im lặng, đứng dậy. Phương lại chở tôi vào con hẻm, đậu ở trước cửa nhà anh Cường, chờ đợi. Tôi bấm chuông lần nữa. Lại gặp anh chàng râu mở cửa. Thấy tôi, anh nói ngay, không chờ tôi hỏi:

“Anh Tửu chưa về, không chừng chẳng về đêm nay đâu. Bây giờ sắp mười giờ rồi,” vừa nói vừa đưa đồng hồ tay lên xem.

“Vậy xin hỏi anh có phải anh Cường không ạ?” tôi hỏi nhanh.

“Không, tôi là cháu của ổng. Ổng đi làm chưa về, phải mười giờ rưỡi mới có mặt ở nhà.”

“Vậy thôi, cám ơn anh.”

“Anh có muốn nhắn gì không?”

“Ơ... không cần đâu.”

Tôi quay ra với Phương. Phương vui mừng ra mặt, liền nổ máy xe, nói:

“Cuối cùng em cũng rước được anh.”

Tôi lại leo lên xe, ngồi phía sau, vịn thành yên. Nghe hương tóc nàng thơm bay. Phương thì vui lắm, nàng bắt đầu nói huyên thuyên:

“Anh cứng đầu quá à! Phải chi nãy giờ anh đồng ý với em thì bây giờ anh đã đánh một giấc ngon rồi, đâu còn chạy ngoài đường như vầy. Ra tù từ sáng đến giờ mà anh còn chưa kịp nghỉ ngơi nữa. Thôi, quẳng hết gánh lo âu đi anh. Bây giờ về nhà em, nghỉ ngơi, đừng suy nghĩ gì nữa. Mọi chuyện ngày mai hãy tính. À, anh có nhớ những gì anh viết trong cuốn Mây Hồng Nhẹ Baykhông? Đọc cuốn đó từ ba năm trước, lúc mới rời chùa, em đã ước gì có thể rước anh chàng tu sĩ trẻ lang thang khờ khạo trong truyện đó về nhà em từ lâu rồi. Em không muốn anh lang thang không có chỗ ăn chỗ ngủ như anh chàng trong truyện đâu. Khờ như anh... làm sao mà sống nổi trong xã hội này. Trước sau gì lại bị người ta gạt nữa! Em sẽ bảo vệ anh, không để ai gạt anh nữa đâu.”

Ó

Nhà Phương là một căn lầu hai tầng, chiều ngang không rộng lắm, nhưng khá sâu vào phía trong. Phương mở cửa sắt, tôi đẩy xe vào. Nàng kéo cửa sắt khóa lại cẩn thận.

“Còn ai ở nhà này ngoài em ra không?” tôi e ngại hỏi.

“Dĩ nhiên là không rồi. Em ở có một mình, đã kể anh nghe rồi. Để em dẫn anh lên lầu. Ở dưới này là phòng khách với nhà bếp. Các phòng ngủ đều ở trên lầu. Đây, theo em. Nè, anh có thể nghỉ ở phòng này, hồi đó là của hai đứa em trai của em. Thỉnh thoảng có mấy sư cô bạn em ghé ngủ đêm cũng nghỉ ở phòng này. Phòng em kế bên. Phòng rộng bên kia là của ba mẹ. Xa hơn nữa là chỗ thờ Phật và ông bà tổ tiên. Anh không có đồ thay... em lấy tạm mấy bộ pi-gia-ma cũ của ba em hồi đó, được không? Hay là anh muốn mặc đồ tu của em cho thoải mái. Thường em vẫn mặc đồ vạt hò ở nhà đó anh.”

“Thôi, thôi, cho anh mượn đỡ đồ của ba em rồi chỉ cho anh phòng tắm.”

“Được rồi, chờ em tí.”

Tôi ngồi trên một chiếc giường, chờ đợi Phương lấy áo quần. Phòng của hai cậu em trai Phương có hai giường nệm nhỏ, hai đầu giường kê hai cái bàn học. Cửa sổ ở giữa còn đóng kín. Phòng sạch sẽ như được quét dọn hàng ngày. Cách Phương hỏi chọn áo quần cho tôi có vẻ tự nhiên, vô tư, xem tôi như người anh lớn trong nhà khiến tôi yên lòng. Tôi đang có đại tang. Tôi không muốn một thứ tình cảm nào tấn công làm rung động tôi trong thời gian này. Tôi còn chưa kịp có thời giờ để tưởng nhớ hay tụng niệm cho ba tôi.

“Sao anh có vẻ buồn vậy. Đây, đồ này chắc anh mặc vừa. Khăn và bàn chải đánh răng này chưa xài qua. Em đưa anh qua phòng tắm nghe.”

Nàng bước vào trước, dọn sơ ba cái đồ linh tinh gì đó, ôm gọn trong lòng rồi quay ra, nói:

“Từ ngày mấy ổng vô, điện nước cúp hoài, mấy ống nước hư ở đâu chẳng rõ, chỉ có rô-bi-nê này là còn chảy, cho nên em hứng vào lu và thùng phuy để tắm chứ không xài vòi sen hay bồn tắm được nữa. Thôi, anh cứ tự nhiên há, để em đi làm thức ăn.”

Dội nước lạnh vào người, tôi bắt đầu thấy tỉnh táo, nhẹ nhàng trong lòng. Hình như đến tận giây phút này, tôi mới thực sự ý thức được toàn vẹn nỗi hạnh phúc to lớn của sự tự do mà đáng ra tôi có quyền đón nhận từ hồi chiều. Trên đoạn đường từ Long Khánh về Sài Gòn, tôi đã mường tượng là sẽ được sự chia sẻ mừng vui của các chị trong gia đình hay của bạn bè thân, nhưng tôi đã không gặp ai. Niềm vui chưa kịp bùng vỡ ra đã phải nén lại bởi nỗi đau mất đi người cha hiền, cộng thêm nỗi lo âu về một chỗ nghỉ đêm. Bây giờ tôi đứng đây, một mình trần truồng trong phòng tắm, quên khuấy luôn tất cả mọi người, tôi nhìn tôi trong kiếng và nhoẻn miệng cười một mình. Vâng, tôi phải sống. Cho dù ba tôi có nằm xuống bằng cách thế nào đi nữa, ông vẫn mong như thế. Tôi phải sống.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/05/2017(Xem: 10805)
Một bác sĩ Ấn Độ tại California nói rằng ông đã chứng kiến địa ngục, đồng thời nghe tiếng kêu gào của những vong linh bị đọa đày ngay trong cuộc giải phẫu chính mình.
26/04/2017(Xem: 13161)
Đạo Phật là đạo của giác ngộ, giải thoát nên lúc nào cũng phát khởi tấm lòng vô ngã, vị tha với tinh thần từ bi và trí huệ. Trong suốt 49 năm hoằng dương Chánh pháp, đức Phật đem hết sự thấy biết của mình qua sự tu chứng, trải nghiệm thực tế, nhằm thức tỉnh và giác ngộ mọi người để có sự hiểu biết chân chánh bằng niềm tin nơi chính mình và tin sâu nhân quả. Kinh Kamala được đức Phật nói trong hoàn cảnh khi Ngài cùng các đệ tử đi đến thị trấn Kêsaputa của sắc dân Kalama thuộc nước Kôsala.
26/04/2017(Xem: 9563)
Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông hay còn gọi là Phật giáo phát triển trong thời đại hôm nay, đời sống của hàng xuất gia không dựa trên pháp khất thực như ngày xưa nữa, mà phải tự túc sinh hoạt dựa trên sự cúng dường của hàng cư sĩ tại gia. Chùa chiền ở các nơi phải bắt đầu tích trữ của cải vật chất để phục vụ đời sống Tăng Ni và thậm chí nhiều chùa còn chia sẻ của cải ấy cho nhiều gia đình đang gặp hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn. Cư sĩ không phải cúng thức ăn hàng ngày mà thường hộ pháp qua việc cúng dường tài vật để chùa tự sắp xếp lo liệu.
24/04/2017(Xem: 6570)
Theo Phật Giáo, tâm tư duy (Tâm phan, như vệ tinh quả đất, định tinh mặt trời, và vô lượng thiên hà) có thể sinh ra trong không gian thời gian, nhưng linh ảnh tâm (Lòng Bồ Đề, vũ trụ) vượt thời gian không gian.
24/04/2017(Xem: 10217)
Lời giới thiệu: Chúng tôi viết quyển sách này với mong muốn được trình bày theo cái hiểu và suy nghĩ của riêng mình. Kính mong rằng các bậc cao Tăng thạc đức niềm tình tha thứ nếu có chỗ nào sai xót. Chúng con hàng hậu học, vừa học, vừa tu vừa hướng dẫn lấy Kinh luật luận làm nền tảng. Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu biết rõ ràng về Phật giáo và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày. Chuyển nghiệp là quá trình nỗ lực làm cho phàm tính trong con người trở thành Thánh tính của bậc hiền.
24/04/2017(Xem: 11084)
Kiến thức khoa học gia tăng mỗi ngày theo cấp số nhân, nhưng những khám phá mới đặc biệt mang tính đột phá, thách thức nền tảng thực tánh của mọi hiện tượng là điều thật sự xa vời. Một lãnh vực đang là tâm điểm nghiên cứu cho nhiều bác sĩ và các nhà thần kinh học là sự liên hệ giữa tâm thức, não, và thần thức của con người.
24/04/2017(Xem: 9746)
Ai đã từng trải qua nhiều khắc khoải, khổ đau trong cuộc sống mà vẫn có lòng tốt và sự nhiệt tình, là nấc thang thăng tiến của các bậc hiền Thánh trong dòng đời nghiệt ngã, là kho tàng quý báu cho người biết chịu khó, kiên trì, bền chí, và cố gắng đứng lên sau khi thất bại; ngược lại, nó là hố sâu vực thẳm cho những kẻ hay ỷ lại, cầu cạnh van xin vào người khác, mà không chịu cố gắng nỗ lực vươn lên làm mới lại chính mình.
17/04/2017(Xem: 7138)
Một công dân Australia gốc Việt, anh Jimmy Phạm, giám đốc điều hành dự án KOTO ( Know One Teach One) tại Việt Nam từ 1999 đến nay, vừa thắng giải TJ Park POSCO của Hàn Quốc. TJ Park POSCO là giải được phát hàng năm, bao gồm bốn hạng mục khoa học, kỹ thuật, phát triển cộng đồng và học bổng. Năm nay anh Jimmy Phạm là ứng viên Việt Nam với tổ chức KOTO được đánh giá là một cơ sở từ thiện xã hội đạt tiêu chí sáng tạo, có hệ thống hoạt động hữu hiệu, có kết quả tốt đẹp, thực tiễn và bền vững.
17/04/2017(Xem: 6769)
Trong nội dung điều thứ ba (trong 108 điều dạy), Ngài Dalai Lama dạy rằng, “khi có kẻ gây ra tổn thương cho mình thì không nên do dự một chút nào cả, hãy tha thứ cho họ”. Dễ nói khó làm Đây là một việc làm tốt, thế nhưng không dễ làm chút nào. Ta có thể khuyên người khác thực hành điều này vì biết rõ nó đưa đến lợi ích cho nhiều người. Ta nghĩ rằng mình có thể tha thứ dễ dàng khi chưa “đụng chuyện”, khi chưa bị người làm tổn thương. Thế nhưng khi xúc cảnh, bản ngã bị chạm đến, ta nhói đau và sự tha thứ lúc này là cả một thử thách lớn.
13/04/2017(Xem: 8797)
Ngày 9/4/2017, tại tổ đình Phụng Nguyên – Seoul – Hàn Quốc, hội phật tử Việt Nam chùa Pháp Môn tại Hàn Quốc đã tổ chức đại lễ cầu siêu – tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ tử trận và đồng bào tử nạn để bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, đặc biệt là 64 liệt sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. Buổi lễ do sư cô Thích Nữ Giới Tánh – Giáo thọ hội Phật tử chùa Pháp Môn Việt Nam tại Hàn Quốc làm trưởng BTC.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]