Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương sáu

14/10/201310:29(Xem: 13279)
Chương sáu

coitroi1



Chương sáu

Thôi, chuyện tạm ngưng ở đây há. Tôi nói vậy để dọ thử phản ứng của nàng chứ tự thâm tâm, tôi thấy vẫn còn hứng cảm để kể tiếp. Không dễ gì có một người chịu khó lắng nghe câu chuyện tù tội nhàm chán quen thuộc trên xứ sở này như nàng.

Nàng lắc đầu nguầy nguậy một cách trẻ con, như một đứa trẻ phụng phịu đòi quà, bắt tôi phải tiếp tục. Nàng không muốn rời tôi để đi ngủ thì tôi cũng muốn ngồi lại đây để kể chuyện.

Chúng tôi đã uống khá nhiều trà, có chia tay để ai về phòng nấy cũng chẳng làm sao ngủ được. Nhất là tôi. Tôi biết rằng tôi đang cố gắng chạy trốn một sự thực. Ngồi nói chuyện với nàng, tâm ý tôi sẽ bận bịu, không còn chỗ trống để sự thực đó hiện bày. Tôi chưa đủ can đảm để đối diện với sự thực ấy. Tôi sợ nằm một mình trong căn phòng kia. Tôi sợ bóng đêm bao vây mình gợi dậy hình ảnh mình không dám nghĩ đến. Tôi sợ cô đơn. Tôi sợ rất nhiều thứ… Tôi muốn ngồi với nàng, dưới ánh sáng của ngọn đèn nê-ông đêm nay cho đến khi mặt trời mọc. Vậy là tôi lại tiếp tục kể chuyện.

Ó

Không có bất cứ một dấu hiệu tự do nào cho trường hợp bị giam của tôi. Đối với nhà nước, tôi là kẻ phạm trọng tội và thuộc thành phần nguy hiểm nhất của chế độ. Tu sĩ các tôn giáo là những kẻ nắm được quần chúng bằng đạo đức và uy tín của họ–trong khi người cộng sản chỉ biết dùng vũ lực để chèn ép, nhưng vẫn không sao thu phục được nhân tâm. Người cộng sản thù ghét và sợ hãi thành phần tu sĩ là vì thế. Đó là chỉ nói đến những tu sĩ thuần túy, chưa hề lên tiếng hay có thái độ phản đối chế độ; chứ còn tu sĩ như tôi, từng lập hội này hội nọ chống nhà nước, lại cộng tác với lực lượng võ trang Phục quốc, thì nhà nước còn ghét cay ghét đắng hơn nữa. Cho nên, tôi chỉ là người tù mới bị bắt giam ba tháng, chưa kết thúc chuyện khai cung, chưa được phép liên lạc với gia đình bên ngoài, chắc chắn không có hy vọng gì về vấn đề tự do. Mơ ước tự do của tôi chỉ là phản ảnh hão huyền của một thứ tâm thức tội nghiệp đang lẩn quẩn trong một xác thân tù hãm.

Loay hoay với ước muốn tự do trong vài ngày, tâm tôi mới thực sự quay về với đời sống tù trước mắt. Tôi phải tiếp tục đối diện với những vấn đề thực tế hơn: cơn đói và sự thèm thuồng chất ngọt. Hai thứ này hành hạ tôi khá nhiều mỗi khi tôi nhìn thấy kẻ khác ăn uống hoặc bị hâm nóng một thứ gì làm bốc mùi lên. Kể cũng lạ! Tôi đã từng tập nhịn đói nhiều ngày không ăn lúc còn ở chùa. Vậy mà bây giờ, mỗi ngày đều có ăn một vài chén cơm với muối hay tương, vẫn cứ thèm thuồng ăn uống một cách thảm thương! Ôi, cơn đói thiếu triền miên trong tù đã làm cho nhiều bạn tù trong phòng giam này trở thành những người hèn mọn, mất tư cách. Mà ngay cả những bạn tù có gia đình thăm nuôi, không đến nỗi đói thiếu, cũng vô tình bị buộc phải trở thành những người tồi tệ không kém: tằn tiện, bủn xỉn một cách nhỏ mọn hoặc kiêu kỳ phách lối một cách bất nhân. Ngồi một chỗ, tôi quan sát kỹ lưỡng cử chỉ và câu nói của từng người bạn tù đối xử với nhau. Và đôi khi tôi bật cười một mình. Tôi biết mọi người, dĩ nhiên là kể cả tôi, đang bị một con ma hành hạ. Nó chẳng phải là con ma đói, ma khát, ma thèm, ma keo kiệt, ma kiêu căng gì đâu. Tất cả những thứ ma nói trên chỉ là tiểu yêu. Con ma quỷ quyệt và ranh mãnh nhất, sinh sản bao thứ tiểu yêu kia chính là con ma dục vọng.

Mặc dù có bạn tù giúp đỡ phần nào về “thực phẩm” (đúng ra chỉ là các thứ gia vị muối trắng hoặc nước tương), sức khỏe của tôi cũng không khá hơn được. Tôi vẫn cứ ốm tong ốm teo vì thiếu dinh dưỡng. Đôi lúc tôi thấy xây xẩm chóng mặt, muốn ngất xỉu vào những ngày nóng bức. Cũng may là thể chất và ý chí của tôi cũng thuộc loại chai lì nên không chịu ngã quị bởi cái khó khăn thuần vật chất. Tôi tự nhắc nhở mình mỗi giờ mỗi phút như thế. Đối với đạo nhân, thiếu ăn hay thiếu dinh dưỡng không phải là “chướng ngại” gì to lớn trong việc hành đạo. Đôi khi chúng lại còn là những duyên lành giúp đỡ (thuật ngữ Phật giáo gọi là trợ duyên) đạo nhân cái cảm thức nhạy bén và sâu xa hơn về nỗi khổ và niềm đau cũng như sự tương quan giữa xác thân và ý chí. Càng đói thiếu thực phẩm, càng khô gầy về thể xác, tôi càng thấy ý chí mình vươn mạnh hơn lên.

Nhưng ý chí thực ra là cái gì vậy? Nó vươn lên để làm gì? Tôi tự hỏi nhiều lần mỗi khi hai mắt mỏi mệt muốn nhắm lại vĩnh viễn cho yên phận với ngàn thu. Rồi tôi mở bừng mắt ra, tự trả lời: nó là con ma dục vọng từng chiếm lĩnh nội tâm con người; nó muốn tồn tại bằng bất cứ giá nào, nên nó kêu gọi và thúc đẩy sự chiếm hữu. Khi nào khuynh hướng chiếm hữu được đáp ứng thỏa mãn thì điều này đã tự chứng minh sự tồn tại của dục vọng. Hoặc ngay cả khi chưa có sự chiếm hữu và thỏa mãn, ngay cả khi nỗi khao khát hãy còn nằm trong dạng thái một thứ động lực hay tiềm lực, nó vẫn chứng tỏ sự hiện hữu của con ma dục vọng ấy. Người ta sẽ nói là ý chí muốn sống, hay bản năng sinh tồn… những cái thúc đẩy con người trồi dậy để tự vệ. Nhưng dù có đặt thêm cho nó hàng trăm cái tên khác nhau tùy theo khuynh hướng vươn lên và thể cách biểu hiện của nó, chẳng hạn khát vọng, tham vọng, tham muốn, ái dục, tự ngã, bản ngã, lòng vị kỷ… thậm chí những đức tính và thái độ có những tên gọi đẹp đẽ như khiêm cung, ít muốn và biết đủ, lòng thương xót tội nghiệp, phong cách lịch sự nhã nhặn… tôi vẫn cứ thấy rõ chúng là những biểu hiện khác nhau của cùng một thứ bản chất: dục vọng. Học kinh Phật, tôi biết dục vọng thường ra vào năm cửa ngõ: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Nay tôi nhìn thấy rõ ràng hơn: không phải nó chỉ muốn đi bằng các cửa ngõ “quang minh chính đại” ấy mà còn biết tùy theo lúc theo cảnh mà chọn lựa lối đi của nó nữa. Khi tôi chận đánh và ngăn cản nó ở năm cửa ngõ nói trên, nó có thể chui qua những cửa sổ nhỏ hơn; ngăn bít các cửa sổ này, nó lại tinh quái len lỏi và sinh xuất từ những khe hở bé xíu khác (có khi được coi là những đam mê tao nhã: thưởng hoa, uống trà, đọc sách, ngắm cảnh, hút thuốc, thèm một viên kẹo nhỏ…). Mà sự ra vào của dục vọng nơi các khe hở bé xíu này mới thực là tinh tế, đến nỗi đôi khi tôi đã tự an lòng rằng nó đã chết đi rồi, kẻ thù quỷ quyệt của bãi chiến nội tâm! Nhưng thực ra, nó vẫn còn đó. Cánh cửa lớn hay nhỏ chẳng phải là điều quan trọng. Dục vọng sẵn sàng xuất nhập qua bất cứ ngõ ngách nào, miễn là có lối đi cho nó vận hành là đủ. Và một khi nó còn vận hành, êm nhẹ hay bạo tợn, thì nó còn tồn tại. Kẻ ít tham muốn hay người nhiều tham muốn đều như nhau, Họ giống nhau ở một điểm là chưa thực sự giải thoát. Và nếu có khác nhau thì không khác ở kết quả dẹp trừ dục vọng mà chỉ khác trên mặt hiện tượng, nghĩa là chỉ sai biệt ở cung cách chọn lựa lối đi cho dục vọng của mình mà thôi. Sự chọn lựa đó tạo thành những dáng vẻ đa thù của đời sống xã hội. Từ nhà đạo đức cho đến tên ăn cướp, đều tuân hành mệnh lệnh của dục vọng. Kẻ thấp hèn thì thường nghênh ngang chọn lối đi rộng lớn; người thanh cao thì mạnh dạn chui rúc qua những kẻ hở (hoặc nói cho đúng hơn: kẻ nghênh ngang chọn lối đi rộng lớn thì bị coi là xấu xa nhỏ mọn; còn người công khai chui rúc qua những kẻ hở thì được ca tụng là nhà đạo đức thanh cao!).

Nhận thức được điều đó, tôi tập trung tất cả con người và thời giờ của mình ra để chiến đấu với nó. Trận chiến này, tôi từng áp dụng triệt để vào những ngày còn tụ tập ở chùa Long Tuyền Hội An, từ sau năm 1975, nay mới có cơ hội bày ra lại một cách quyết liệt hơn. Suốt ngày tôi chỉ nhìn vào tâm tôi, bất cứ cái manh động nào của tự ngã chồi dậy, tôi đều điểm mặt đặt tên cho nó. Nó như một tên trộm chịu khó và có quyết tâm tấn công vào một ngôi nhà rộng có nhiều ngõ ngách, thất bại ngả này thì lại tìm ngả khác, nhưng khi bị chủ nhà phát hiện thì chỉ biết lặng lẽ rút lui. Cứ như vậy trong suốt nhiều ngày, tâm tôi thanh tịnh trong suốt như một phiến băng. Hầu như suốt ngày đêm, chỉ có một niềm vui lặng lẽ to lớn, tràn ngập trong lòng. Không còn một thúc dục nào. Không còn một vọng tưởng nào. Không còn một ý niệm nào. Chỉ có một tâm thức mang mang không bợn một chút duyên trần. Ngay cả xác thân tôi, cũng trở nên nhẹ hẫng, khinh khoái. Vào những ngày ấy, đã có khi tôi nghĩ, “kể từ hôm nay, ta không còn hãi sợ bất cứ tên giặc trong hay giặc ngoài nào.” Nhưng rồi ngay cả cái ý niệm tự hãnh và hài lòng với chiến công dẹp trừ dục vọng ấy, cũng bị tôi mổ xẻ, điểm mặt. Và trong tôi chỉ còn một cái tâm vắng lặng như hư không.

***

Mới đó đã đến tuần cuối cùng tháng 8 dương lịch. Như vậy, kể từ khi bị bắt đến nay, tôi đã ở tù gần bốn tháng. Tôi đã có trên một trăm ngày ăn cơm với muối và thỉnh thoảng được chút tương hột. Có khi cả muối và tương của bạn tù giúp cho cũng hết nhẵn nên phải ăn cơm không trong nhiều ngày, vắt cơm lại thành một nắm nhỏ cho dễ nuốt. Có khi phải ăn cơm với muối bọt trong cái bình muối dùng để đánh răng của kẻ khác. Mấy anh bạn tù chính trị dù quý mến tôi cách mấy cũng không sao đùm bọc tôi đến cùng được. Vài người bạn tù chính trị thân nhất mới biết rằng sở dĩ tôi chưa liên lạc được với bên ngoài chẳng qua là do hồ sơ của tôi chưa kết thúc. Dưỡng và Quái, là hai trong số những bạn tù chính trị chơi thân với tôi nhất, có khi đã nói với tôi với giọng bất lực: “Phải chi thầy Khang ăn mặn được thì đỡ biết mấy. Tụi này có món này món nọ muốn chia sớt cho thầy mà không dám.” Có lẽ trong cách nói ấy, họ thử gợi ý xem tôi có chịu ăn mặn (tức là ăn thịt cá) hay không. Nhưng đầu óc bảo thủ của tôi nghĩ rằng đã vượt qua được trên trăm ngày thì tiến tới nữa, chịu đựng thêm nữa, có sao đâu. Vậy là tôi lắc đầu, quyết định là cứ ăn chay để giữ cái thể diện tối thiểu của một tăng sĩ Phật giáo Bắc tông. Tôi có bệnh rũ liệt cả tay chân, ghẻ chóc cùng mình, chết lên chết xuống, cũng không sao, không ai để ý gì lắm đâu; nhưng nếu tôi dùng thịt cá của bạn tù cho hoặc nhận nước mắm nấu bằng tép khô của trại thì cả phòng sẽ trố mắt lên, sửng sốt, xầm xì, mai mỉa, trêu chọc, rồi tiếng đồn sẽ lan đến tai các cán bộ, đến các phòng giam khác, đến xã hội bên ngoài, và biết đâu chừng lại đi vào một trang báo trang sách nào đó của cán bộ văn hóa nhà nước. Tôi không thích vậy. Dù cho tôi có đởm lược chịu đựng dư luận đến đâu, tôi cũng không đủ dày mày dày mặt làm mang tiếng chung cho tập thể tăng sĩ mà tôi từng tham dự.

Rồi bất chợt sáng hôm ấy, sau gần một tháng rưỡi được yên thân không bị gọi ra ngoài khai cung, tôi bị cán bộ Hón gọi tên và đưa ra đến dãy văn phòng chính của trại. Đến một phòng nằm ở đầu dãy, Hón bảo tôi đứng chờ ở hành lang rồi bước vào trong. Chỉ một lúc ngắn, Hón trở ra ngay với một cán bộ xấp xỉ năm mươi tuổi. Viên cán bộ này mặc áo sơ mi ngắn tay màu vàng, quần tây màu cà phê, mang mắt kiếng mát, trông có vẻ khác với lối ăn mặc thông thường của những cán bộ mà tôi từng tiếp xúc (thường là áo sơ mi dài tay màu trắng với quần xanh hay đen). Da ông xạm đen, dáng trung bình, người rắn chắc, nét mặt vui tươi cởi mở. Ông bước đến chỗ tôi, cúi đầu chào một cái thật nhanh như thể ông sợ người khác bắt gặp. Hón quay đi. Viên cán bộ mời tôi bước theo ông. Phòng ông chia làm hai gian, trước và sau. Phần trước có một dãy bàn dài với nhiều ghế, chắc là dùng để họp. Phần sau chính là văn phòng riêng của ông. Nhiều tủ hồ sơ bao quanh một cái bàn làm việc lớn chất đầy giấy tờ. Cửa sổ nhỏ bên hông không đủ soi sáng căn phòng, ông bật cái đèn nê-ông lên.

“Mời ngồi đi, tự nhiên,” ông nói với giọng miền Nam rất thân mật, không chút kiểu cách, không chút trịch thượng.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế dựa quay lưng ra ngoài cửa phòng. Ông ngồi quay mặt ra, định nói câu gì đó nhưng rồi lại xoa xoa hai tay, sắp xếp lại mấy chồng hồ sơ trên bàn. Sắp qua sắp lại như thế nào đó mà cuối cùng, tôi có cảm tưởng là chẳng có gì khác với trước đó cả. Xong, ông đẩy mắt kiếng mát lên một chút, nói:

“Thầy là… anh là Vĩnh Khang, phải không?”

“Vâng,” tôi đáp.

“Tôi là Nguyễn Lâu, trưởng trại… À, à… hồ sơ của anh do ông Văn phó trại kết thúc từ tháng trước, tôi đã theo dõi kỹ lưỡng từ đầu đến cuối. Tạm thời… à, à… hôm nay tôi đặc trách làm việc với anh về chính sách và đường lối của nhà nước đối với phạm nhân…” nói đến đây, ông có vẻ hết lời, chẳng biết nói gì nữa.

Ông đứng dậy, bước qua cái bàn nhỏ đặt sát cửa sổ, bật nút cái lò điện nhỏ để nấu nước sôi, bốc một nạm trà bỏ vào bình tích; xong, ông quay lại chỗ ngồi, xoa xoa hai tay, lúng búng một vài chữ gì đó tôi không nghe rõ, rồi bất chợt, ông nói luôn một hơi dài:

“Đáng lẽ tôi sẽ thay mặt trại nói về đường lối chính sách của đảng và nhà nước cũng như của trại đối với anh, nhưng tôi nghĩ những cái đó chắc anh biết hết rồi, tôi không cần phải lặp lại làm gì.”

Tôi ngạc nhiên hết sức. Đây là lần đầu tiên một cán bộ cộng sản nói với tôi một câu “tiêu cực” như vậy. Thường thường thì họ cứ nói càn nói bừa, nói như vẹt những điều họ thuộc lòng, chẳng cần biết đối tượng trước mặt là ai, có muốn nghe hay không, đã biết hay chưa biết về những điều họ nói. Bổn phận của họ chỉ là nói. Nay ông trưởng trại giam tự kết luận trước là tôi đã biết hết rồi, khỏi cần phải nói, thì kể cũng lạ, và cũng mừng nữa! Phải, tôi mừng thầm, vì không cần phải tốn thì giờ ngồi nghe những khẩu hiệu.

Ông Lâu lại xoa tay, đứng dậy, đến bàn nước, châm nước sôi vào bình trà. Ông mang đến hai cái tách tráng men khá đẹp, đặt trên hai cái dĩa nhỏ đồng bộ. Một cho tôi, một cho ông. Rồi ông mang bình trà đến, đặt trên bàn giấy, mở nắp bình trà ra nhìn, rót một ít ra tách của ông để xem trà đã ra chưa. Tất cả động tác của ông đều có cái vẻ gì lúng túng. Tôi có cảm tưởng là ông rất e ngại hoặc có gì khó xử khi phải tiếp tôi.

“Chờ một chút cho trà ra… hút thuốc không? Hì hì, tôi không hút thuốc điếu, chỉ vấn thuốc rê thôi. Nhưng thuốc rê này ngon lắm, thuốc Tân Phú đó, hút còn ngon hơn 555 nữa,” ông bắt đầu tự nhiên.

Tôi xua tay từ chối cái hộp thuốc ông đưa tới và cám ơn ông bằng một nụ cười. Ông im lặng vấn thuốc khá lâu. Tôi cũng ngồi im chờ đợi. Một lúc, ông nói, khói thuốc bay theo tiếng ông từng chặp:

“Tuổi trẻ ai cũng có lần mơ ước đóng góp xây dựng đất nước, ai cũng mong đất nước sẽ như vầy như kia… Ba mươi năm trước, tôi cũng vậy chứ có khác gì đâu… Nhưng mà thực tế cuộc đời nó không phải như vậy, anh Khang đồng ý không? Cái ước mơ của mình nó càng đi ngược với thực tế chừng nào thì nó càng nguy hiểm cho mình chừng đó. Tôi nói vậy chắc anh Khang hiểu hết rồi. À, trà đậm rồi, uống miếng trà đi.”

Ông rót trà cho tôi, cho ông. Chúng tôi im lặng uống. Chốc chốc, ông lại đứng dậy rót thêm trà vào tách tôi, rồi ngồi xuống, tiếp tục uống trong im lặng. Tôi nghe tiếng gõ đều đặn của cái đồng hồ treo trên tường. Tiếng cái quạt máy kêu vù vù, cứ mỗi lần quạt ngang bàn làm việc của ông trưởng trại thì làm cho những góc giấy của các chồng hồ sơ há ra. Có tiếng điện thoại reo. Ông Lâu bắt lên:

“Vậy à, phải đi bây giờ sao? Chiều không được hả? Ừ, cứ tới đi,” ông cúp điện thoại, nhìn tôi một lúc như lựa lời. “Chút nữa tôi phải đi công tác chừng một tiếng đồng hồ, cũng có thể chừng nửa tiếng thôi. Tôi nhờ anh Khang làm cho việc này được không? Như vầy, trong khi tôi đi vắng, anh ngồi viết giùm một bản tự khai, kể lại những gi anh làm trong thời gian ở Long Thành, tức là cái vụ Phục quốc đó mà, được không?”

Dĩ nhiên là phải được rồi. Lần trước, ông Văn bắt tôi viết đi viết lại bao nhiêu lần cái bản tự khai cho đến khi nào ông không còn thắc mắc mới thôi. Ông Văn bắt buộc tôi viết, ra lệnh tôi phải viết, chứ đâu có “nhờ vả” lịch sự như ông trưởng trại này. Vậy là theo sự hướng dẫn của ông ấy, tôi trở ra cái bàn dài ở gian trước. Ông mang một xấp giấy trắng và một cây bút theo sau, đặt trên bàn, bảo tôi ngồi ở một cái ghế gần cánh cửa bước vào phòng làm việc của ông, mặt hướng ra phía một cửa sổ rộng không có chấn song. Rồi ông đem bình trà, cái tách, hộp thuốc rê với cái hộp quẹt ga, một cái gạt tàn, đặt trước mặt tôi:

“Anh cứ viết thong thả, khi nào xong thì xong, không cần phải gấp. Hút thuốc cho vui. Tôi mà ngồi làm việc hay viết cái gì là tôi hút dữ lắm. Tôi đi một chặp là về, vậy nha, xin lỗi nha.”

Nói rồi, ông quay bước ra sân. Cửa ra vào chỉ đóng một cánh. Cánh còn lại cho tôi nhìn thấy một chiếc xe hơi màu trắng đậu ở trước. Hình như đó là chiếc xe đã áp tải tôi và Thiện Đắc từ trại giam T20 ở Sài Gòn đến trại giam B5 này. Ông vừa lên xe là viên tài xế đã phóng xe đi ngay ra cổng, gấp gáp. Còn lại một mình, tôi không vội viết. Tôi nghe lời ông, thong thả, không gấp. Ông không bắt buộc viết nhanh, không ngồi trước mặt, không đi qua đi lại sau lưng, tội gì tôi phải gấp. Tôi viết cho xong mấy hàng đầu theo yêu cầu phải có của một tờ tự khai: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM. ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC. BẢN TỰ KHAI” rồi chống viết để đó, nhìn ra cửa sổ.

Lâu lắm mới được ngồi im một mình, nhìn mây trắng bay qua khung cửa sổ. Tôi không tận hưởng giây phút rảnh rỗi với khung cảnh mới này thì chốc nữa trở lại phòng giam tập thể, chung đụng với sáu mươi mấy gã đàn ông ồn ào nhốn nháo suốt ngày đêm, sẽ chẳng bao giờ có được cơ hội nữa.

Đúng ra thì lúc còn ở vùng kinh tế mới, thỉnh thoảng tôi cũng ngồi bên cửa sổ có mấy chấn song bằng tre của cái thảo am, ngước nhìn mây trắng bay qua; nhưng lúc ấy tôi chỉ thấy vui vui trong lòng một chút chứ chẳng có cái cảm nghĩ gì. Khi được tự do sống giữa một vừng rừng núi bao la, chuyện nhìn mây qua cửa là điều họa hoằn mới có. Bao giờ cảm thấy trong lòng tù túng, tôi chỉ cần bước ra sân là đã có thể hưởng được cả một bầu trời xanh ngát điểm vài bóng mây, đâu cần phải ngắm trời mây qua khung cửa chật hẹp. Cho nên, chỉ từ khi vào tù, tôi mới thực sự là quen thuộc với cảnh nhìn mây bay qua khung cửa sổ. Quen thuộc nhưng không phải lúc nào cũng giống nhau, dĩ nhiên. Khung cửa có cái lớn cái nhỏ, cái có song cái không song, cái thì cao cái thì thấp; vị trí người ngồi bên cửa có lúc gần lúc xa; tâm trạng người ngắm lúc thư thả lúc bồn chồn; dáng mây lúc hình này, lúc hình nọ, có cụm dày cụm thưa; trời cao có lúc quang đãng có khi xám xịt… Bao nhiêu yếu tố sai biệt đó đã có thể vẽ nên được nhiều bức tranh mới lạ, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng điều làm tôi thích thú nhất là lúc nào tôi cũng tìm thấy được con người và vận mệnh tôi trong sự chuyển dịch nhanh chóng và không ngừng của những tán mây lướt qua cái khuôn nhỏ của cửa sổ. Đứng ngoài trời, ở một vị trí khoảng khoát mà ngước nhìn mây, người ta có cảm tưởng là mây bất động hoặc nếu có chuyển động chăng nữa thì cũng chỉ là sự chuyển động lặng lờ của một khối bông sữa mênh mông hùng vĩ, hòa nhập trong cái vô cùng tận của vũ trụ, Trong khi đó, mây qua khung hẹp cửa sổ là những phiến nhỏ, những tiểu thể bị chia cắt, từng phần từng phần lướt qua một không gian bé xíu bằng những chớp nhoáng phù du. Vừa xuất hiện là đã choáng hết cả khoảnh trời hạn cuộc. Hút sau cạnh cửa thì đã biệt mù tăm dạng. Sự biến hiện vô thường ấy vừa khiến lòng tôi chùng xuống với một nỗi buồn thâm trầm về thân phận con người, mà kỳ lạ là nó cũng đồng thời đẩy tôi đến tận cùng cái chỗ mấp mé giữa thực tại và hư vô, để rồi nó cho tôi cái cảm thức hết sức lôi cuốn rằng nếu tôi buông mình vào bờ này thực tại hay bờ kia hư vô, tôi đều có thể nếm được cái hương vị mang mang vô cùng của tự tánh. Tất cả ý niệm về sự còn mất sinh diệt của tự ngã hay của một bóng mây ngang qua khung cửa hẹp, đều la ảo tưởng, đều là mộng tưởng…

“Chào đồng chí, thủ trưởng đâu rồi, cho tôi gặp ông ấy được không?” một giọng Bắc của anh cán bộ trẻ nào đó cất lên phía sau lưng tôi.

Tôi giật mình trở về với thực tế là tôi đang ngồi nơi cái bàn họp ở gian trước của văn phòng ông trưởng trại để viết bản tự khai. Tôi quay ngước lại trả lời người cán bộ mới vào:

“Ông ấy đi vắng rồi.”

Anh cán bộ bấy giờ mới nhìn rõ tôi, hơi giật mình, rồi bằng vẻ tò mò không giấu giếm, anh trố mắt nhìn tôi một lúc rồi bước ngang phía sau lưng tôi, tiến sâu đến cánh cửa phòng riêng mở vào bên trong, nơi bàn làm việc và cất chứa hồ sơ của ông trưởng trại. Anh đảo mắt nhìn rồi quay ra, tay khép cánh cửa lại, đến đứng cạnh tôi, nhìn xấp giấy trước mặt tôi:

“Đồng chí viết cái gì thế nhỉ? Ủa, là phạm nhân à, sao viết bản tự khai?”

Tôi chưa kịp nói gì, anh đã lầu bầu:

“Thủ trưởng này làm việc sao mà tắc trách sơ hở quá! Ai đời lại để phạm nhân ngồi một mình nơi đây chẳng ai coi ngó!”

Nói rồi anh hùng hổ bước qua bước lại, đến đóng cánh cửa sổ mà nãy giờ tôi đang thả hồn ngắm mây, xong anh ôm cặp rời khỏi phòng, không quên đóng cánh cửa ngoài mở sẵn từ nãy giờ.

Còn lại một mình, tôi định cúi xuống viết nhưng không viết được vì phòng khá tối. Chưa được hai phút sau, anh cán bộ trở lại, có cả Phương bước theo.

“Đấy, đồng chí coi, ông ấy để phạm nhân ngồi đây viết tự khai, cửa ngoài cũng mở, cửa sổ cũng mở, cửa kia cũng mở, cái phòng đầy hồ sơ và đủ thứ vật dụng linh tinh trong đó! Bây giờ đồng chí sắp xếp làm sao cho nó qua phòng khác hay ít nhất cũng cho người ngồi đây mà trông nó chứ!”

Phương thấy tôi thì ồ lên một tiếng:

“Không sao đâu, đồng chí bình tĩnh. Thủ trưởng biết phải làm cái gì mà. Anh Khang đây tôi cũng biết nữa. Không có gì đâu. Người của ổng lấy ra thì cứ để yên cho ổng, đụng vào làm gì. Ông ấy bảo anh ngồi đây hả anh Khang?”

“Vâng, tôi đâu có tự tiện được chứ,” tôi đáp.

Phương cười, nói với anh cán bộ kia:

“Yên chí đi mà. Thôi, ra ngoài này đi. Đồng chí gặp thủ trưởng có việc gì, tôi giúp được không?”

Họ cùng kéo ra ngoài. Phương không quên bật công tắc điện cho tôi có ánh sáng. Tôi cúi xuống viết thật nhanh bản tự khai. Một lúc lâu, Phương trở lại một mình. Bước ngang sau lưng tôi rồi đến mở tung cánh cửa sổ khi nãy bị viên cán bộ kia cẩn thận đóng lại. Từ cửa sổ, Phương quay lại, đối diện tôi, nhoẻn miệng nói:

“Đủ sáng chứ hả, anh Khang?”

Tôi ngước lên, đáp:

“Vâng, cám ơn,” và bất ngờ nhìn thấy thân hình của Phương, sau chiếc áo bà ba bằng lụa mỏng, phơi lộ ra giữa vùng nắng chói lòa từ cửa sổ rọi vào, hình dạng một chiếc đục bình hai bên cong vào một chút ở phần giữa, hay như hai vòng eo của thùng đàn ghi-ta… Tôi vội cúi mặt xuống, viết tiếp.

Phương cứ đứng đó. Tôi có cảm tưởng là cái bóng của cô đổ vào trang giấy trước mặt tôi, Tôi lại ngước lên nói:

“Cô mở cửa sổ cho tôi có ánh sáng nhưng rồi cô lại đứng che mất rồi.”

Phương cười nhẹ, nói:

“Ô, xin lỗi anh Khang,” nói rồi cô đứng dạt sang một bên, tiếp, “anh Khang hôm nay viết tự khai cho ông trưởng trại thì chắc chắn hồ sơ sắp kết thúc rồi đó.”

“Vậy hả?”

“Vâng, hồ sơ kết thúc ở đây rồi thì anh sẽ được liên lạc với gia đình để thăm nuôi hay gặp mặt. Nhưng còn chuyện ra tòa thì phải chờ bên viện Kiểm sát tỉnh cứu xét nữa.”

“Cám ơn cô cho biết điều đó.”

“Có gì đâu anh Khang. Bị can nào cũng có thể biết được điều đó mà, chỉ tại em… à, chỉ tại tôi biết anh Khang không rành mới giải thích cho anh thôi. Ô kìa, bàn tay anh Khang sao nhỏ xíu vậy há, lại trắng nữa, tay anh là tay con gái mà! Nhưng… hình như anh bắt đầu bị ghẻ rồi đó.”

Tôi mắc cỡ rụt tay lại, bỏ dưới gầm bàn, giống như đứa học trò nhỏ bị cô giảo quở về bàn tay dơ đầy bụi đất hay dính mực của mình. Phương cười, nói:

“Trong trại mà bị ghẻ thì cũng thường thôi. Anh chưa có thăm nuôi thì chắc là không có thuốc xức ghẻ? Để mai mốt tôi đem thuốc xuống phòng cho anh. Đâu, anh đưa tay tôi coi nào.”

Tôi ngập ngượng một lúc rồi để bàn tay lên bàn. Phương bước tới một bước cho gần hơn, nhìn rồi cầm bàn tay tôi, lật qua lật lại rồi chặc lưỡi, lắc đầu, không nói gì. Tôi chẳng hiểu ý nghĩa của những cái chặc lưỡi ấy của cô.

“Thôi, anh Khang tiếp tục làm việc há. Bữa nào Phương xuống phòng, đem thuốc xức cho anh. À, anh cần thuốc gì nữa không? Hay là… anh có cần cái gì không?”

“Không, cám ơn.”

Phương chậm rãi rời chỗ tôi, đến ngang cửa phòng cô đưa tay tắt điện (mà khi nãy cô bật lên cho tôi khi phòng bị anh công an kia đóng hết các cửa), nhìn tôi mỉm cười lần nữa, và đầu cô vẫn cứ lắc nhẹ như tiếc rẻ hay chua xót cho một điều gì.

Tôi cúi xuống tiếp tục viết một lúc nữa thì ông Lâu về. Từ sân, ông bước nhanh vào, ngang chỗ tôi thì đứng lại, hỏi:

“Anh đã xong chưa? Chưa xong thì cứ viết, thong thả, không gấp đâu. Viết đầy đủ là được rồi, không cần nhanh.”

“Tôi viết xong rồi,” tôi nói.

“Vậy hả? Tốt quá, thôi được, để tôi nói người ta đưa anh về lại phòng–này đồng chí, cho tôi một bảo vệ.” Ông bước ra bậc cửa nói với ai đó ở ngoài hành lang, xong quay trở lại, đến chỗ tôi, cầm bản tự khai lên, liếc sơ, nói nhỏ giọng, “cám ơn, cám ơn… dài như vầy mà anh viết nhanh quá, lại sạch sẽ rõ ràng nữa! Ở dưới đó, có việc gì cần, anh nói quản giáo là anh muốn gặp tôi nhé. Tôi cũng sẽ dặn tất cả cán bộ quản giáo là… thôi, tóm lại là khi nào muốn gặp tôi, anh cứ nói với quản giáo. Được rồi, anh theo cán bộ kia về phòng há.”

Tôi được một cán bộ đeo súng ngắn dẫn đi. Về khu trại giam, vừa bước vào văn phòng trực–nơi có một chiếc bàn dành cho cán bộ trực ngồi kiểm soát tù nhân mới xuất và nhập trại hoặc đi khai cung–tôi bất ngờ bắt gặp một dáng mặt quen thuộc của một tù nhân cởi trần mặc quần cụt, đang đứng trước mặt viên cán bộ trực. Đang cúi đầu bước đi, vừa suy nghĩ vớ vẩn gì đó, tôi không kịp nhận thức ra anh ấy là ai; đến khi anh bảo vệ bảo tôi đứng lại để bàn giao cho cán bộ trực, tôi mới ngước lên, nhìn kỹ lại thì sực nhận biết người ấy chính là Hiền, anh ruột tôi. Hai anh em tôi nhìn nhau, vừa mừng vừa tủi, cùng nở một nụ cười để chào thăm nhau. Nhưng viên cán bộ trực quát lên:

“Cười cái gì? Các anh muốn thông cung hả? Các anh quen nhau à? Anh ở Nha Trang mới chuyển trại đến đây mà quen với anh này hả? Sao các anh cười?”

Hai anh em tôi chưa kịp giải thích gì thì viên cán bộ đã hướng về tôi, hỏi:

“Mầy ở phòng nào?”

“Phòng 7,” tôi đáp.

“Đi vào mau,” cán bộ xua tôi đi nhanh.

Tôi không kịp nói gì với anh mình. Bước vào đứng nơi mái hiên bên ngoài phòng giam, chờ đợi cán bộ mở cửa vào phòng, tôi nghe như có lệ ứa trong lòng. Tôi luôn có cảm giác hoàn cảnh anh tôi phải gánh chịu hôm nay đều do một tay tôi gây nên dù rằng những gì anh ấy làm trước đây đều do anh tự nguyện. Anh là một nhà thơ hiền lành, ít nói. Hoàn cảnh đất nước biến anh thành một người cầm súng để bảo vệ mảnh đất miền Nam; rồi hoàn cảnh đất nước khi thống nhất hai miền trong chính thể mới lại biến anh thành một chiến sĩ văn hóa sử dụng ngòi bút của mình để lên tiếng thay cho những người dân yêu chuộng tự do và công bình. Anh em tôi ít khi nào có cơ hội để ngồi trao đổi riêng với nhau về tâm cảnh và mơ ước riêng của mỗi người, nhưng từ lúc cùng dấn thân trong các hoạt động chính trị, chúng tôi đã gần lại với nhau nhiều hơn. Bấy giờ tôi càng thấy rõ rằng quả thật đạo sĩ và nghệ sĩ lúc nào cũng gần gũi với nhau, không những ở khuynh hướng tìm hiểu và khai phá thực tại qua sự sáng tạo nghệ thuật hay khai mở thức tâm giác ngộ, mà còn ngay trong những hoài bão sâu kín đối với thực tại xã hội. Anh tôi đã tự nguyện dấn thân, chẳng phải do tôi khích lệ hay lèo lái gì; nhưng chính sự nhẹ dạ kết bạn và dễ tin người của tôi đã đẩy xô anh tôi vào hậu quả tù tội hôm nay qua sự giới thiệu vào tổ chức một đặc tình công an như Hân.

Tôi là người đáng tội nhất. Tất cả an nguy của những người khác có liên hệ đến tôi, đều là do một mình tôi gánh chịu. Tôi phải gánh chịu. Tôi tự giao cho mình trách nhiệm ấy. Vâng, tôi phải gánh chịu tất cả.

***

Bây giờ là tuần thứ tư của tháng 8, chỉ còn vài ngày nữa là tới đợt thăm nuôi cuối tháng. Đợt thăm nuôi cuối tháng 8 là một trong những đợt thăm nuôi có nhiều hy vọng nhất của tù nhân. Không phải chỉ hi vọng được thăm nuôi và gặp mặt thân nhân mà còn hy vọng được trả tự do nữa, vì sau ngày 30 tháng 8 ấy hai ngày thì đúng vào dịp lễ Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam–ngày 2 tháng 9, cái ngày mà nhúm cộng sản Việt Nam thao túng tổ chức Việt Minh, ma lanh đứng lên cướp chính quyền Việt Nam khỏi tay quân đội Nhật sau vụ hai quả bom nguyên tử khiến Nhật đầu hàng Đồng minh năm 1945. Nhà nước cộng sản thường nhân những dịp lễ lớn (như sinh nhật ông Hồ Chí Minh, lễ Quốc khánh, Tết Nguyên đán), trả tự do cho một số tù để những người tù này cảm thấy mang ơn Bác và Đảng. Cho nên, những ngày cuối tháng 8 là những ngày đầy hy vọng. Đã có một vài người trong phòng 7 được trả tự do thực. Bắt đầu từ ngày 23 tháng 8, mỗi ngày đều có người được gọi tên cho về. Phòng giam được rộng rãi hơn, nhưng cũng vì cái tự do của người khác mà mình không được dự phần, nó cũng trở nên trống vắng buồn tẻ hơn.

Ngày 25 tháng 8, Khoa gọi tôi ra ngoài “làm việc”. Nơi hai cái bàn lớn thô kệch sơn màu đỏ nằm dưới bóng râm của mấy cây trứng cá, tôi thấy đầy một tốp công an vận đồng phục, kẻ ngồi người đứng, bàn tán nói chuyện sôi nổi. Thấy Khoa đưa tôi từ xa đến, họ ngưng tiếng ồn, cùng quay nhìn. Khoa đưa tôi hướng về phía họ. Đến nơi tôi mới thấy rằng nơi hai chiếc bàn với bốn cái băng ghế dài mà chỉ có một anh công an mập mạp, cỡ bốn mươi tuổi, có lẽ là người chỉ huy, ngồi chễm chệ một mình trên một băng ghế; những người còn lại, chừng mười lăm người, đều đứng xúm xít chung quanh. Họ quan sát tôi từ đầu đến cuối, xầm xì to nhỏ. Khoa đến trước mặt viên công an kia, nói:

“Báo cáo đồng chí, đây là Vĩnh Khang, tức là Thích Tâm Quang đó.”

Anh công an mập ra dấu bảo tôi ngồi xuống ở băng ghế đối diện. Tôi ngồi xuống.

“Anh thực sự là Thích Tâm Quang hả?”

“Vâng,” tôi đáp.

“Trẻ quá vậy đó! Anh có biết là anh làm phiền chúng tôi lắm không hả?” viên công an nói với giọng hơi đùa. Cả tốp công an đứng sau đều cười. Viên chỉ huy có vẻ sung sướng được đàn em hỗ trợ bằng tiếng cười, hứng thú hỏi tiếp:

“Anh đi tu bao lâu rồi?”

“Mười lăm năm,” tôi đáp.

“Dữ vậy đó. Tức là anh đi tu trước năm 1975 chứ không phải mới sau này?”

“Vâng.”

“Bộ ở chùa dạy anh hoạt động phản cách mạng hả?”

“Không, chùa chỉ dạy tôi nên nói, làm và suy nghĩ đúng với sự thật.”

“Vậy thì sự thật đó có quan hệ gì đến chuyện hoạt động phản cách mạng đâu kìa, sao anh lại đi phản cách mạng?”

“Từ sự thật đó mà suy ra, tôi thấy cái gì bất công thì tôi nói là bất công, thấy cái gì đau khổ thì tôi nói là đau khổ, thấy cái gì sai thì biết là sai, thấy cái gì đúng thì biết là đúng. Rồi tôi quyết định nói và làm những gì tôi nghĩ là đúng.”

“Ôi chà, nói gì mà lòng vòng quá. Anh có tài giảng đạo, viết văn, làm báo… tôi biết, nhưng không cần phải văn chương triết lý ở đây. Tôi chỉ muốn hỏi là… là… thôi, dẹp đi, khỏi cần nữa. Thế tôi hỏi anh, hôm Tết vừa qua, anh bỏ Long Thành chạy đi đâu, sao không chịu ra đầu thú để rồi bây giờ lại bị bắt vào đây vậy hả?”

“Tôi về Sài Gòn thăm bà con sau khi lo xong công chuyện ở chùa ba ngày Tết.”

“Chứ không phải có ai thông báo cho anh biết để anh trốn sao?”

“Không.”

“Anh đi đường nào, vào lúc nào mà chúng tôi không thấy? Anh ở chùa có học phép thuật gì không vậy hả?”

Cả tốp công an cười ồ lên theo giọng hỏi đùa của viên chỉ huy. Tôi cũng cười theo, nhưng không trả lời.

Những người cộng sản vô thần này đa phần xuất thân từ thôn quê, ít học, nên thường có thói quen suy đoán sự việc theo xu hướng thần bí. Cứ việc gì xảy ra mà vượt khỏi khả năng suy luận thì lại ngờ đó là do huyền thuật tâm linh. Trước đây, ở trại T20, Hùng công an cũng đã thay mặt tốp trinh sát Sài Gòn hỏi tôi một câu tương tự chỉ vì họ không bắt được tôi sau suốt một ngày canh gác bao vây khu xóm nhỏ nơi tôi ẩn náu. Họ là những người mê tín dị đoan, tin tưởng thần quyền nhiều nhất, nhưng cứ làm bộ chống lại thần quyền. Tính chất mê tín thần quyền thực ra chỉ có thể nẩy nở trong giới bình dân thiển cận. Vậy mà rồi chính giới này lại phải đứng ra phát động chiến dịch bài trừ mê tín, tiêu diệt thần quyền. Cái buồn cười nhất trong xã hội cộng sản chủ trương vô thần là ở chỗ đó. Họ không biết rằng cây đa đầu làng sở dĩ linh thiêng là do niềm tin của dân làng đặt vào đó, chứ không phải vốn tự nó có sự linh thiêng; cho nên thay vì dẹp bỏ sự mê tín, họ lại đi chặt cây đa, phá nơi thờ tự, diệt Phật, chống Chúa. Rốt cuộc thì mê tín vẫn cứ là mê tín. Lòng người còn mê thì có thể đẻ ra muôn vạn thần linh chứ nói gì chỉ một thần linh! Đó là lý do tại sao Karl Marx, Lenine, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh… trở thành thần thánh để “sống mãi trong sự nghiệp” của họ.

Mà cũng không trách họ được. Tôi nghe một chú tiểu ở chùa Long Quang trên kinh tế mới chạy về Sài Gòn cho biết rằng vào ngày 14 tháng giêng sau Tết vừa qua, công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với công an địa phương vây chùa để bắt tôi; mấy chú tiểu nói tôi đã đi Sài Gòn; công an không tin, hoặc nghĩ rằng nếu tôi đi Sài Gòn thì cũng về lại chùa vào buổi tối, nên họ cắt người ở lại đêm tại chùa để canh gác, chờ tôi lộ diện. Buổi khuya, có hai anh công an đói quá rủ nhau lên chánh điện lấy trái cây dâng cúng trên bàn thờ, ngồi ăn ngay trước Tổ đường. (Chùa tôi mái lợp bằng tranh, vách tô bằng đất; ngõ trước đi vào chánh điện có một cửa rộng ba mét, phía sau hai bên Tổ đường có hai cửa mỗi cửa rộng hơn một mét, cả ba cửa đều chỉ là ba cái khung vuông, không có cánh để đóng hay khóa, ai muốn vào thì vào, muốn ra thì ra). Ăn xong, các anh ngồi hút thuốc, xả vỏ chuối và rác rến bừa bãi trên chánh điện. Nhưng khi vừa bước ra khỏi chánh điện, bỗng dưng cả hai lại té lăn ra đất, ói mửa liên hồi, chân tay co giật như mắc kinh phong. Các đồng chí của hai anh vội tìm xe đưa các anh ra bệnh viện cấp cứu. Chuyện ấy có thể giải thích đơn giản rằng hai anh gặp một luồng gió độc nào đó từ trong khu rừng phía tây thổi qua, hoặc vào giờ giấc khuya lạnh như thế mà ăn nhiều trái cây, ăn đầy bụng, khó tiêu, bội thực thì phải ói. Nhưng đồng bào Phật tử địa phương cũng như mấy anh du kích ấp xã thì phải giải thích theo cách nghĩ của tín ngưỡng dân gian, chẳng hạn cho rằng mấy anh bị cô hồn các bác “vật”, hoặc bị long thần hộ pháp trừng trị để dằn mặt cái tội không tôn trọng nơi thờ tự trang nghiêm–thậm chí có người còn cho rằng các anh bị phạt vì cái tội đã dám tới chùa để rình bắt nhà sư trụ trì! Từ câu chuyện bị trừng phạt ấy, ắt hẳn là đồng bào địa phương được dịp thuật lại cho mấy anh công an nghe rằng trước đây có kẻ ăn trộm thùng phước sương của chùa, ra chưa khỏi tam quan đã bị vật té, dãy đành đạch dưới đất, chưa kịp khui thùng phước sương để lấy tiền cúng của thập phương bá tánh; một kẻ trộm khác lấy cặp chân đèn bằng đồng nơi bàn thờ Phật đem ra chợ huyện bán thì bị bắt, chân đèn trả lui lại cho chùa. Những chuyện này cộng thêm chuyện mấy anh công an trúng gió trúng thực, đã bồi thêm vẻ huyền hoặc linh thiêng của chùa Long Quang, và dĩ nhiên là cũng khiến cho các nhà vô-thần-mê-tín thầm kín nhìn tôi như một con người có linh thuật đáng sợ.

Thấy tôi chẳng nói gì, anh công an chỉ huy cười rồi đứng dậy, rời dãy bàn. Đám công an kia cũng lục tục kéo theo, ra khỏi khu vực trại giam, hướng về phía văn phòng trại. Chỉ Khoa ở lại, ngồi thay vào chỗ của viên chỉ huy khi nãy.

“Anh Khang nhập trại bao lâu rồi vậy?”

“Khoảng ba tháng,” tôi đáp.

“Nghe nói anh từ trại T20 Sài Gòn chuyển lên, phải không? Vậy là anh xa gia đình hơn ba tháng rồi.”

“Phải.”

“Anh có muốn liên lạc với gia đình không?”

“Dĩ nhiên là muốn.”

Ngập ngừng một lúc, anh nói tiếp mà mắt chớp lia chớp lịa, có vẻ như không muốn nhìn thẳng vào mắt tôi:

“Thường thì bị can phải học tập tốt và có tích cực đóng góp trong việc xây dựng đời sống trại giam thì mới được phép liên lạc thư từ với gia đình…”

“Vậy à? Tôi tưởng khai cung xong thì tất nhiên phải được quyền liên lạc chứ.”

“Ai nói với anh điều đó?”

“Ơ… tôi không nhớ rõ lắm… hình như là cán bộ phó trại hay trưởng trại gì đó,” tôi vừa nói xong thì nhớ ngay rằng người nói cho tôi biết điều đó chính là Phương chứ không phải hai ông cán bộ kia; tôi định chỉnh lại nhưng thấy cũng chẳng cần thiết gì, vì tôi nghĩ cán bộ nào nói lại chẳng được. Không ngờ cái uy của hai ông cán bộ kia lại khiến Khoa e dè. Anh có vẻ hơi lúng túng một chút, nhưng cuối cùng cũng đưa lý lẽ của anh:

“Trên nguyên tắc thì là vậy… nhưng đó là ở trên văn phòng, với ban chấp pháp, còn thực tế ở phòng giam dưới này thì lại khác. Anh thử nghĩ coi, nếu một người cứ bị phạm kỷ luật hoặc không chịu học tập tốt thì ban quản giáo chúng tôi làm gì cho phép viết thư về gia đình chứ hả?”

“Té ra là như vậy. Tôi không biết. Thôi thì khi nào anh thấy được thì cho tôi gởi thư, chưa được thì thôi.”

“Tôi chỉ nói cái thông lệ ở đây thôi, còn trường hợp anh thì được chứ. Trên đã thông báo cho chúng tôi biết là hồ sơ khai cung của anh đã kết thúc. Tôi cho anh biết để anh về phòng viết thư cho gia đình. Anh có giấy bút chứ hả? Nếu dưới đó không có thì nói tôi biết. Viết xong, nhờ trưởng phòng đem ra cho ban quản giáo duyệt lại rồi sẽ dán tem gởi đi cho anh.”

“Cám ơn…”

“Có điều… tôi muốn anh cũng chứng tỏ là anh sẵn sàng giúp đỡ ban quản giáo trong việc kiểm tra xây dựng sinh hoạt trong trại giam, buồng giam.”

“Nghĩa là sao?”

“Nghĩa là… nếu ở dưới phòng có chuyện gì lộn xộn, hoặc có thành phần nào đáng nghi là phản động, có âm mưu vượt trại trốn trại, chống lại ban quản trại… thì anh báo cáo lên cho chúng tôi biết sớm, được không?”

“Có nghĩa rằng tôi phải làm công việc báo cáo đó thì mới được liên lạc với gia đình à?”

“Không, không phải vậy. Đã nói là trường hợp của anh thì trại đã cho phép. Đây là cá nhân tôi và ban quản giáo nhờ riêng anh thôi. Có gì đâu, hễ trong phòng cỏ cái gì không bình thường thì khi thấy tôi, anh cứ việc giong tay xin ra ngoài gặp… rồi báo cáo tình hình.”

“Tôi nghĩ đó là công việc của các anh trưởng phòng, phó phòng. Tôi không quen và cũng không thích hợp để làm chuyện đó đâu. Nếu vì tôi không nhận việc mà anh không cho viết thư thì thôi vậy. Tôi đã bỏ gia đình đi xuất gia mười lăm năm rồi, nếu bây giờ không liên lạc cũng chẳng sao đâu.”

“Anh đừng nói vậy chứ. Tôi có nói rồi, anh đã được phép viết thư… Thôi, được, tôi đưa anh trở về phòng. Nhưng anh nên nhớ cho rằng bất cứ lúc nào anh muốn gặp để nói chuyện riêng với tôi, cứ việc giong tay lên nha.”

***

Anh trưởng phòng, cho tôi một tờ giấy viết thư rứt ra từ một cuốn tập vở cho học sinh đi học; màu giấy vàng xì, đôi chỗ dính cả vỏ cây hoặc một thứ lông nhỏ của con gián hay dế gì đó; có chỗ lại nổi lên một cục bột hay cục gì cứng ngắt; có chỗ loang một khoảnh dầu mỡ hay nhựa cây màu lòng trắng trứng gà, mũi viết đến ngang đó thì trợt tới trợt lui, chẳng làm sao mà xuống mực. Nhưng không sao, giấy xấu cách nào thì cũng đọc được mà!

Trưởng phòng còn cho tôi một bì thư và cho mượn cây bút nguyên tử để viết thư. Anh dặn: đừng viết gì liên hệ đến những người trong tù hoặc những người đồng phạm, đừng than khổ, đừng tả cuộc sống trong trại, đừng nói gì bóng gió xa xôi… và nhớ đừng dán bì thơ lại, vì đó là công việc của quản giáo chứ không phải của người viết thư!

Lâu lắm tôi mới có dịp viết thư cho gia đình. Không phải từ lúc bị bắt mà từ lâu lắm rồi, lúc còn ở chùa Long Quang trên kinh tế mới. Trên ấy không có bưu điện nên tôi rất lười viết thư, vả lại thói quen của người xuất gia khiến tôi thấy cũng chẳng có gì quan trọng để viết cho gia đình ngoại trừ hỏi thăm sức khỏe mỗi người vào mỗi ba tháng, có khi sáu tháng hay một năm… Bây giờ viết gì nhỉ? Và viết cho ai đây? Ba mẹ và một số anh chị em của tôi ở Nha Trang, một vài anh chị lớn khác ở Sài Gòn. Suy tính một lúc, tôi quyết định viết cho hai người chị ở Sài Gòn. Họ sống trong một căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình. Thỉnh thoảng từ kinh tế mới về Sài Gòn, tôi vẫn thường đến đó để nghỉ trưa và thăm hỏi tin tức gia đình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/05/2017(Xem: 10805)
Một bác sĩ Ấn Độ tại California nói rằng ông đã chứng kiến địa ngục, đồng thời nghe tiếng kêu gào của những vong linh bị đọa đày ngay trong cuộc giải phẫu chính mình.
26/04/2017(Xem: 13161)
Đạo Phật là đạo của giác ngộ, giải thoát nên lúc nào cũng phát khởi tấm lòng vô ngã, vị tha với tinh thần từ bi và trí huệ. Trong suốt 49 năm hoằng dương Chánh pháp, đức Phật đem hết sự thấy biết của mình qua sự tu chứng, trải nghiệm thực tế, nhằm thức tỉnh và giác ngộ mọi người để có sự hiểu biết chân chánh bằng niềm tin nơi chính mình và tin sâu nhân quả. Kinh Kamala được đức Phật nói trong hoàn cảnh khi Ngài cùng các đệ tử đi đến thị trấn Kêsaputa của sắc dân Kalama thuộc nước Kôsala.
26/04/2017(Xem: 9563)
Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông hay còn gọi là Phật giáo phát triển trong thời đại hôm nay, đời sống của hàng xuất gia không dựa trên pháp khất thực như ngày xưa nữa, mà phải tự túc sinh hoạt dựa trên sự cúng dường của hàng cư sĩ tại gia. Chùa chiền ở các nơi phải bắt đầu tích trữ của cải vật chất để phục vụ đời sống Tăng Ni và thậm chí nhiều chùa còn chia sẻ của cải ấy cho nhiều gia đình đang gặp hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn. Cư sĩ không phải cúng thức ăn hàng ngày mà thường hộ pháp qua việc cúng dường tài vật để chùa tự sắp xếp lo liệu.
24/04/2017(Xem: 6569)
Theo Phật Giáo, tâm tư duy (Tâm phan, như vệ tinh quả đất, định tinh mặt trời, và vô lượng thiên hà) có thể sinh ra trong không gian thời gian, nhưng linh ảnh tâm (Lòng Bồ Đề, vũ trụ) vượt thời gian không gian.
24/04/2017(Xem: 10217)
Lời giới thiệu: Chúng tôi viết quyển sách này với mong muốn được trình bày theo cái hiểu và suy nghĩ của riêng mình. Kính mong rằng các bậc cao Tăng thạc đức niềm tình tha thứ nếu có chỗ nào sai xót. Chúng con hàng hậu học, vừa học, vừa tu vừa hướng dẫn lấy Kinh luật luận làm nền tảng. Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu biết rõ ràng về Phật giáo và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày. Chuyển nghiệp là quá trình nỗ lực làm cho phàm tính trong con người trở thành Thánh tính của bậc hiền.
24/04/2017(Xem: 11084)
Kiến thức khoa học gia tăng mỗi ngày theo cấp số nhân, nhưng những khám phá mới đặc biệt mang tính đột phá, thách thức nền tảng thực tánh của mọi hiện tượng là điều thật sự xa vời. Một lãnh vực đang là tâm điểm nghiên cứu cho nhiều bác sĩ và các nhà thần kinh học là sự liên hệ giữa tâm thức, não, và thần thức của con người.
24/04/2017(Xem: 9745)
Ai đã từng trải qua nhiều khắc khoải, khổ đau trong cuộc sống mà vẫn có lòng tốt và sự nhiệt tình, là nấc thang thăng tiến của các bậc hiền Thánh trong dòng đời nghiệt ngã, là kho tàng quý báu cho người biết chịu khó, kiên trì, bền chí, và cố gắng đứng lên sau khi thất bại; ngược lại, nó là hố sâu vực thẳm cho những kẻ hay ỷ lại, cầu cạnh van xin vào người khác, mà không chịu cố gắng nỗ lực vươn lên làm mới lại chính mình.
17/04/2017(Xem: 7138)
Một công dân Australia gốc Việt, anh Jimmy Phạm, giám đốc điều hành dự án KOTO ( Know One Teach One) tại Việt Nam từ 1999 đến nay, vừa thắng giải TJ Park POSCO của Hàn Quốc. TJ Park POSCO là giải được phát hàng năm, bao gồm bốn hạng mục khoa học, kỹ thuật, phát triển cộng đồng và học bổng. Năm nay anh Jimmy Phạm là ứng viên Việt Nam với tổ chức KOTO được đánh giá là một cơ sở từ thiện xã hội đạt tiêu chí sáng tạo, có hệ thống hoạt động hữu hiệu, có kết quả tốt đẹp, thực tiễn và bền vững.
17/04/2017(Xem: 6769)
Trong nội dung điều thứ ba (trong 108 điều dạy), Ngài Dalai Lama dạy rằng, “khi có kẻ gây ra tổn thương cho mình thì không nên do dự một chút nào cả, hãy tha thứ cho họ”. Dễ nói khó làm Đây là một việc làm tốt, thế nhưng không dễ làm chút nào. Ta có thể khuyên người khác thực hành điều này vì biết rõ nó đưa đến lợi ích cho nhiều người. Ta nghĩ rằng mình có thể tha thứ dễ dàng khi chưa “đụng chuyện”, khi chưa bị người làm tổn thương. Thế nhưng khi xúc cảnh, bản ngã bị chạm đến, ta nhói đau và sự tha thứ lúc này là cả một thử thách lớn.
13/04/2017(Xem: 8797)
Ngày 9/4/2017, tại tổ đình Phụng Nguyên – Seoul – Hàn Quốc, hội phật tử Việt Nam chùa Pháp Môn tại Hàn Quốc đã tổ chức đại lễ cầu siêu – tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ tử trận và đồng bào tử nạn để bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, đặc biệt là 64 liệt sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. Buổi lễ do sư cô Thích Nữ Giới Tánh – Giáo thọ hội Phật tử chùa Pháp Môn Việt Nam tại Hàn Quốc làm trưởng BTC.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]