Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tìm hiểu về pháp phục PGVN

16/08/201311:36(Xem: 14157)
Tìm hiểu về pháp phục PGVN
Mao_HiepChuongNói đến pháp phục của Phật giáo, chúng ta thường đề cập đến pháp phục của người xuất gia, bao gồm pháp phục nghi lễ và pháp phục thường nhật. Pháp phục Phật giáo được xem là hình thức thể hiện thân giáo, đó là pháp tướng bên ngoài của người xuất gia nên các chế tài trong luật nghi quy định rất rõ về các hình thức của pháp phục.

Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam bao gồm nhiều hệ phái, trong đó có hệ phái Bắc truyền (Bắc tông). Kế đến là hệ phái Nam truyền (Nam tông) và Khất sĩ. Do tính đặc trưng về pháp phục của từng hệ phái có nhiều điểm khác nhau về hình thức cũng như màu sắc, dẫn đến pháp phục Phật giáo Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Trong khuôn khổ của bài này, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với ba hệ phái Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ nhằm tìm hiểu rõ hơn về pháp phục cũng như sự thống nhất trong pháp phục nghi lễ của các hệ phái Phật giáo Việt Nam.

Pháp phục Phật giáo Bắc tông

Trong Luật Nghi ghi rằng : "Phật chế ba pháp y là áo mặc duy nhất của Tăng đồ khi thọ giới và cũng để làm trang phục hoạt dụng thường ngày như hành lễ, thuyết pháp thọ trai, khất thực..., vì đó là y phước điền, y giải thoát trong giới đức tinh nghiêm biểu hiện sự trang sức, là lễ phục đẹp nhất của người tu sĩ Phật giáo".

Tuy nhiên, khi truyền sang Trung Hoa, Phật giáo đã có nhiều biến đổi bởi Phật giáo Bắc truyền (Đại thừa) mang tư tưởng cách tân, nhập thế, đi sâu hòa nhập vào xã hội. Vào đời nhà Đường, Phật giáo phát triển ngày càng mạnh mẽ dẫn đến những cải biến quan trọng về lễ phục. Lúc này, ngoài pháp phục còn xuất hiện mão, hia trong lễ phục nhằm trang trọng hóa tướng mạo của người sử dụng khi hành lễ, thuyết pháp... Trên dòng chảy Phật giáo Trung Hoa xuống phía Nam đã để lại Việt Nam nhiều dấu ấn không chỉ trong lễ phục, mà còn cả một dấu tích văn hóa trong tiếp thu chọn lọc.

Từ đó, lễ phục Phật giáo Bắc tông được cải hóa theo từng vùng miền, phong tục khác nhau, và khi đến Việt Nam lại được cải hóa thêm một lần nữa. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào miêu tả chính xác về các loại lễ phục của Phật giáo Bắc tông. Nếu có đề cập cũng chỉ ở khía cạnh tượng trưng, như sách Bửu đỉnh hằng trì bí yếu chỉ toàn chương đời nhà Trần, có đề cập đến mũ Phật quang, nhưng chỉ điểm qua chứ không có hình vẽ hay mô tả gì. Toàn bộ y, mão đều là sự truyền thừa, chúng đệ tử y cứ phụng hành theo những gì chư Tổ để lại mà sử dụng và phát triển.

Pháp phục của Phật giáo Bắc tông Việt Nam hiện nay gồm : Pháp phục thường nhật và pháp phục nghi lễ. Pháp phục thường nhật chia làm hai loại : thường phục trong chùa và thường phục đi ra ngoài hoặc tiếp khách. Theo truyền thống, y phục mặc trong chùa chủ yếu là áo vạt hò và quần dài. Đây là kiểu áo mặc thường nhật của các tu sĩ thuộc hệ phái Bắc tông. Màu sắc chủ yếu là màu lam, nâu, vàng. Người mới xuất gia (chú điệu, Sa di) thì thường mặc bộ đồ vạt hò màu nâu hoặc lam. Khi ra đường thì mặc áo dài Nhật bình, màu lam dành cho chư Ni, màu nâu dành cho chư Tăng. Đối với những vị thọ đại giới, ngoài chiếc áo Nhật bình dài mặc khi ra đường, có thể mặc thêm loại áo tràng dài (còn gọi là thông y) khi ra đường hoặc tiếp khách. Về cơ bản thì màu sắc của áo tràng (Thông y) chỉ có hai màu. Lam dành cho chư Ni và màu nâu dành cho chư Tăng. Ngày nay, để tiện việc giao tiếp, hoạt động các công tác Phật sự..., chư Tăng mặc áo tràng màu vàng. Màu áo tràng này chỉ xuất hiện cách đây không lâu, nhất là trong giai đoạn thời kỳ hội nhập.

Pháp phục nghi lễcòn gọi là lễ phục, là những loại áo mặc bên ngoài khi thực hiện nghi lễ Phật giáo. Loại pháp phục này được quan tâm và chú trọng nhiều nhất, được chư Tăng, Ni Phật giáo Bắc tông gìn giữ đến ngày nay gồm ba y : Ngũ y, Thất y và Đại y, đều màu vàng sậm (màu phấn tảo). Đặc biệt, khác với các tông phái Phật giáo khác, Phật giáo Bắc tông ngoài ba y là lễ phục căn bản; mặc bên trong y còn có áo tràng màu vàng dành cho chư Tăng và màu u lam cho chư Ni, gọi là "áo hậu". Áo có hình thức giống áo tràng dài nhưng cổ tay áo rộng.

Ba y trên là những pháp phục của Tỳ kheo, nên những vị Sa di không được sử dụng khi chưa được thọ giới Cụ túc. Cho nên bên cạnh ba y của Tỳ kheo, còn có y của những vị Sa di, Sa di Ni và Thức xoa ma na, được gọi là y "Mạn điều", "Man y" hay là "Vô tướng y" (pháp y không điều), không có những ô ruộng phước trên y mà chỉ là một tấm vải may lại thành. Tuy nhiên, Sa di cũng được chia thành ba bậc : Một là khu ô Sa di (Sa di đuổi quạ), chỉ những em nhỏ xuất gia, chưa được mặc pháp y. Hai là hình đồng Sa di (Sa di chưa thọ thập giới) nên chưa được đắp y Mạn điều. Ba là Trì pháp Sa di (đã thọ thập giới) được đắp y Mạn điều, trở thành hàng ngũ dự bị trong đời sống Tỳ kheo chứ chưa phải là Tăng chính thức. Khi đắp y Mạn điều, phải quán chiếu bài kệ : "Đại tai giải thoát phục/ Vô tướng phước điền y/ Phi phụng như giới hạnh/ Quảng độ chư chúng sanh".

1. Ngũ yhay còn gọi là Y ngũ điều, tiếng Phạn gọi là An đà hội, Hán dịch là Trung túc y. Ngũ điều y cũng được gọi là y bậc hạ, bởi là y thấp nhất trong ba y của hàng tăng sĩ. Y còn có tên là Tạp tác y, tức là mặc y này để làm các công việc nặng nhọc trong chùa hay đi ra đường, phản ánh chức năng sử dụng của y. Ngoài ra, Ngũ điều y còn có tên là Nhẫn nhục y, có nghĩa là trau giồi tính nhẫn nhục của thân, ngữ, ý phát triển, khiến hàng phục được sân tâm, tham tâm, si tâm. Ngũ y được ghép lại từ 10 tấm vải với 5 đường dọc dài tượng trưng cho 5 điều. Trên mỗi điều, được chia thành hai ô : một ô ngắn và một ô dài, trong đó, ô dài tiêu biểu cho chất thánh, ô ngắn biểu thị chất phàm, nên người đắp y này Thánh nhiều mà phàm ít. Y này có tác dụng loại trừ được tham dục của tâm thức, làm cho thân được luôn thanh tịnh, nên đắp y này, làm cho ba nghiệp sát, đạo, dâm không xảy ra, ngăn ngừa được sự vọng động của tâm và ý. Khi đắp y, phải quán chiếu bài kệ : "Thiện tai giải thoát phục. Vô thượng phước điền y. Ngã kim đảnh đới thọ. Thế thế bất xả ly. Án tất đà da sa ha".

2. Thất ycòn gọi Y thất điều, tiếng Phạn gọi là Uất đa la tăng, Hán dịch là Thượng trước y. Thất y còn được gọi là Nhập chúng y với công năng là đắp y này để lạy Phật, để sám hối các tội lỗi, để tụng kinh, ngồi thiền, thọ trai, nghe kinh, làm lễ Tự tứ, làm lễ Bố tát. Y này có 7 điều gồm 21 tấm ghép lại, trong mỗi điều được chia làm ba, với hai ô dài và một ô ngắn. Khi đắp y, phải quán niệm bài kệ : "Thiện tai giải thoát phục. Vô thượng phước điền y. Ngã kim đảnh đới thọ. Thế thế thường đắc phi/ Án độ ba độ ba sa ha".

3. Đại ytiếng Phạn gọi là Tăng già lê, Hán dịch là Hiệp. Hiệp y có nghĩa là cắt rọc từng miếng rồi hợp lại may thành y. Trùng y là may chồng nhiều lớp vải bị cắt ấy lên nhau. Đại y cũng được dịch là Tạp toái y. Tạp toái vì số điều của nó rất nhiều : từ 9 - 25 điều. Theo Luật tạng quy định, đắp Đại y vào ba trường hợp sau : vào cung vua, thăng tòa thuyết pháp và đi khất thực.

Đại y gồm có 3 loại và 9 phẩm bậc : Bậc hạ có 3 y và mỗi điều của nó được chia làm ba với hai ô dài và một ô ngắn : Y hạ hạ : 9 điều, gồm 27 tấm ghép lại. Y hạ trung : 11 điều, gồm 33 tấm vải ghép lại. Y hạ thượng : 13 điều, gồm 39 tấm vải ghép lại. Bậc trung có 3 y và mỗi điều của y được chia làm bốn với ba ô dài và một ô ngắn : Y trung hạ : 15 điều, gồm 60 tấm vải ghép lại. Y trung trung : 17 điều, gồm 76 tấm vải ghép lại. Bậc thượng có 3 y và mỗi điều của y được chia làm năm với bốn ô dài và một ô ngắn : Y thượng hạ : 21 điều, gồm 105 tấm vải ghép lại. Y thượng trung : 23 điều, gồm 125 tấm vải ghép lại. Đặc biệt, Y thượng thượng có thể là màu đỏ còn gọi là "Tử y". Người sử dụng y thượng thượng phải là những bậc cao tăng (tuổi tác, đức hạnh, phước trí). Y này thường chỉ được sử dụng trong những dịp đại lễ Phật giáo nên rất ít phổ biến trong nghi lễ thông thường. Riêng Tỳ kheo Ni cũng sử dụng ba y giống như Tỳ kheo Tăng, nhưng khi sử dụng Đại y thì hầu như chỉ sử dụng đến Thập ngũ điều y trở xuống và đó cũng là một sự tôn trọng của hàng Ni chúng đối với chư Tăng. Khi đắp Đại y, phải quán chiếu bài kệ : "Thiện tai giải thoát phục. Vô thượng phước điền y. Phụng trì như lai mạng. Quảng độ chư quần mê. Án ma ha ca bà ba tra tất đế sa ha".

Sự phân chia ô dài, ngắn trên một điều y có ý nghĩa là nhiều ô dài biểu hiện sự ngày càng tăng trưởng chất Thánh; còn ô ngắn thể hiện cái tính phàm phu chúng sanh đang ngày càng ít. Trong Giới Đàn Kinh chép : "Người xuất gia đắp Đại y với ý nghĩa là dứt tâm si của ý nghiệp. Do đó, khi đắp ba y : Ngũ y, Thất y, Đại y là biểu hiện sự dứt sạch hết thảy tâm tham, tâm sân và tâm si". Bên cạnh đó, đắp Đại y còn để chống đỡ với thời tiết mùa Đông, vì chúng được may chồng nhiều lớp, bảo dưỡng thân thể để làm Phật sự, hóa độ quần mê.

Trong lễ phục Phật giáo Bắc tông, ngoài ba y còn có mão (mũ) được sử dụng trong quá trình thực hiện nghi lễ : Thuyết pháp, đăng đàn truyền giới, chẩn tế bạt độ âm linh... các loại mão thông dụng được tổ tổ tương truyền cho đến ngày nay :

1. Mão Hiệp Chưởngcòn gọi là Liên hoa ấn. Mão có hình dạng giống như hai bàn tay chắp lại hình búp sen mang ý nghĩa biểu hiện trí tuệ và phước đức, nên còn có tên gọi khác là mũ phước và trí. Trên mũ luôn có có sáu đường viền tượng trưng cho sáu Ba la mật : 3 đường bên phải là phước đức gồm : Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục; 3 đường bên trái là trí tuệ gồm : Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.

2. Mão Tỳ Lư, mão ghép bằng ba mảnh với sáu hình giống cánh sen. Mỗi mặt đều có những đường viền chạy xung quanh xếp theo sự uốn lượn của mũ. Mặt trước của mũ có ba chữ "Án Dạ Hồng" ở chính giữa, mặt sau may chữ Vạn, mang ý nghĩa "Vạn đức câu viên", tức là tất cả vô số đức lành đều quy tập về ở nơi mũ này. Mỗi hình cánh sen trên mũ tượng trưng cho Lục độ bao gồm : Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Bên trên được kết đính bằng một tấm vải hình tròn và chia làm ba vòng, tượng trưng cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Hình tròn nhỏ ngoài có màu đỏ, được chia làm 4 phần bằng nhau, mỗi phần có 4 giọt nước tượng trưng cho Tứ niệm xứ và Tứ diệu đế. Trên cùng là chóp mão màu đỏ hình một cái núm nhỏ được cột bằng 8 sợi chỉ vàng biểu trưng Bát Chánh đạo.

3. Mão Quan Âm: Mão mang hình dáng và ý nghĩa giống mũ Hiệp Chưởng ở phần trên, phần dưới được kéo dài xuống đến nửa lưng. Mão Quan Âm thường được làm bằng gấm màu vàng hoặc màu đỏ sậm, trên đó có những chữ Thọ cách điệu trong những ô tròn (hay còn được gọi là đoàn thọ) hoặc là những chữ Phước. Mũ Quan Âm mang ý nghĩa cứu khổ chúng sanh bằng phước, trí, được xem là nguyện lực tầm thanh cứu khổ của Bồ tát Quan Thế Âm. Do đó người sử dụng mão này phải là những bậc cao tăng (tuổi tác, đức hạnh, phước trí). Mão thường chỉ được sử dụng trong những dịp đại lễ Phật giáo nên cũng rất ít phổ biến trong nghi lễ thông thường khác.

Ngày nay, cũng trên hình tướng căn bản như vậy, nhưng do xã hội đang ngày càng phát triển, ngành dệt may đã đạt đến trình độ tinh xảo, sản xuất ra nhiều loại vải khác nhau v.v..., đã đẩy mạnh sự bất đồng màu sắc trong lễ phục Phật giáo, làm cho lễ phục không còn một màu chính thống, chất liệu vải cũng khác nhau. Chỉnh đốn và thống nhất về màu sắc trong lễ phục Phật giáo Bắc tông là điều hết sức khó khăn đối với các ban ngành chức năng của Giáo hội, cụ thể là Ban Tăng sự. Những năm gần đây, Ban Tăng sự ít nhiều đã kêu gọi Tăng Ni thành phố mặc pháp phục cùng một màu sắc (màu vàng sậm), đây thật sự là một việc làm đẹp mà Phật giáo các nơi phải nhìn nhận và noi theo. Tuy nhiên, cho dù chưa thống nhất được màu sắc nhưng về cơ bản lễ phục không xa rời ba y từ xưa đến nay của Phật giáo. Đó là Ngũ y, Thất y và Đại y.

Pháp phục hệ phái Khất sĩ

Pháp phục và bình bát là tài sản thiêng liêng, quý báu của người xuất gia. Vì nó là phương tiện giúp cho Tỳ kheo an ổn trong sinh hoạt hàng ngày và phòng hộ thân tránh tham đắm dục lạc. Khi còn tại thế, Đức Phật vẫn luôn nhắc nhở, khuyến khích các Tỳ kheo hãy thường giữ bên mình 3 y và 1 bình bát. Ngài cũng tuyên bố rằng đó là pháp phục truyền thống của ba đời chư Phật.

Pháp phục của Phật giáo Khất sĩ gần giống với pháp phục của Phật giáo Nam tông nhưng lại khác về màu sắc. Theo Chơn Lý Luật nghi Khất sĩ quy định pháp phục của một vị Tỳ kheo gồm có 3 y : Y thượng bá nạp, y trung và y hạ. Người sơ cơ xuất gia chỉ được mặc bộ đồ màu vàng (kiểu áo vạt hò, quần dài). Riêng Sa di (đã thọ thập giới) được mặc ba y, nhưng y thượng (y trùm ngoài) phải may trơn, không có điều.

1. Y thượnglà loại y choàng bên ngoài có màu vàng sậm, được may bởi nhiều mảnh vải nhỏ ghép lại với nhau. Y thượng có chiều dài 2m70, chiều ngang 1m80, mặc vấn chừa vai và cánh tay phải. Khi ra đường thì phải mặc trùm kín (gọi là y lum). Mỗi vị Tỳ kheo chỉ được phép có một y thượng. Mỗi năm vào ngày 15-7 âm lịch mới được phép đổi y. Y thượng thường được mặc khi lễ Phật, Bố tát, truyền giới...

2. Y trunglà loại y mặc giữa thân người, gồm một tấm vải nguyên màu vàng sậm, có kích thước chiều dài 2m, bề ngang 70cm, không may bìa (xếp lai), kết mỗi bên hông một nút quai thắt. Mỗi vị chỉ có một y cũ và một y mới. Y trung của Ni lưu có bề dài 1m, bề ngang 70cm, được may theo kiểu áo vạt hò có cánh tay, ống tay, đính, lai, bâu, nút vai thắt, phải có xương sống và vai vuông.

3. Y hạlà tấm vải nguyên, có bề dài 2m, bề ngang 1m may dính lại, thành ra vuông vức 1m. Bìa trên 10cm, bìa dưới 5cm, màu vàng sậm. Tăng mặc xếp từ hông đến nửa ống chân, Ni mặc dún rút từ hông đến ngang mắt cá chân. Mỗi vị chỉ được phép có một y cũ và một y mới.

Ngoài 3 y ra, vật thường được mang theo bên mình vị Tỳ kheo đó là chiếcbình bát. Bình bát là đồ để đựng thức ăn, khi khất thực và khi thọ trai. Thông thường bình bát được làm bằng đất, có vị làm bằng nhôm, thau, hông bình bát tròn 6 tấc, miệng rộng, sơn đen, lăn sáp bên ngoài, nắp đậy bằng nhôm trắng, nhẹ. Túi đựng bình bát bằng vải, cùng với màu y. Túi bát tròn vừa cái bát, có nắp phủ lên, có quai 1 tấc bề ngang, bề dài khi mang choàng vào vai trái thì miệng túi bát phải ngang dây lưng chăn.

Về màu sắc pháp phục của hệ phái Phật giáo Khất sĩ, ba y phải cùng một màu (màu vàng sậm). Hiện nay, tất cả các tăng sĩ Phật giáo Khất sĩ gần như mặc đồng bộ màu vàng sậm. Mỗi năm, khi đến mùa Tự tứ, Phật tử dâng y đều phải thống

Pháp phục hệ phái Phật giáo Nam tông

Mỗi tôn giáo đều có sắc phục riêng của mình, nhằm nói lên tính thống nhất biểu tượng, có tổ chức. Có người nói chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng nhờ chiếc áo mà phân biệt được tôn giáo, thầy tu. Một tôn giáo sinh hoạt tốt phải có tổ chức thành công nhiều mặt, trong đó sắc phục cũng không thể nào thiếu. Đức Phật xuất hiện ở Ấn Độ trong một bối cảnh đa tôn giáo, nhưng Ngài khéo sử dụng tôn giáo có trước thời ngài và vận dụng trí tuệ, từ bi và sự giác ngộ của Ngài để phát huy Phật giáo, nhằm mục đích làm lợi ích cho chư thiên và loài người.

Trong sự phát huy Phật giáo, Đức Phật đã kiện toàn rất nhiều lãnh vực cho phù hợp với Tăng đoàn và Giáo hội. Y phục và giới luật là vấn đề khá lớn trong Tăng đoàn thời Đức Phật và những điều đó tới tận nay vẫn còn tồn tại trên thế giới. Ở đây, chúng tôi xin đề cập vài nét về y phục theo truyền thống Phật giáo Nam tông VN.

Về xuất xứ, Tương ưng bộ kinh và Luật tạng Pali kể lại, một lần kia Thế Tôn và số đông Tỳ khưu đi hoằng pháp tới một cánh đồng, Thế Tôn hỏi Đại đức có thấy cánh đồng hay không ? Đại đức thưa có. Vậy Ananda hãy vẽ y phục của chư Tăng giống như cánh đồng vậy. Thế là Ananda vâng lời Thế Tôn thực hiện. Vì ruộng lúa có lợi ích cho con người, còn y phục, ẩn dụ phước điền của chư thiên và loài người.

Chiếc y ngày nay chúng ta mặc là chiếc y theo luật tạng Pali quy định. Căn cứ theo Trưởng lão Ananda vâng lời Phật dạy vẽ chiếc y giống như thửa ruộng. Ý nghĩa người mặc chiếc y này tượng trưng cho phước điền của chư thiên và loài người. Thửa ruộng thì có nhiều bờ đê, nên y phục trong luật tạng cũng quy định như sau : Y 5 điều, y 7 điều, y 9 điều, y 11 điều.

Ở Việt Nam, chư Tăng Nam tông Kinh và Nam tông Khmer đa số mặc y 5 điều. Hình thức Tam y, bình bát vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn. Vị Tỳ khưu bên trong thì có Giới Định Tuệ, bên ngoài có tam y và nhất bát. Điều cảm động, tam y nhất bát của Đức Phật và Tăng đoàn thời xa xưa, ngày nay Phật giáo Nam tông Việt Nam vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn, không bị đồng hóa.

Pháp phục Phật giáo Nam tông không may thành quần, áo như phái Bắc tông mà chỉ dùng vải vàng hoặc nâu quấn, vắt trên người với các kiểu khác nhau. Có các hình thức sau đây:

Y nội: (còn gọi là y An đà hội) có tác dụng như quần áo lót gồm hai miếng vải (giống như y trung của hệ phái Khất sĩ). Miếng thứ nhất rộng 40cm, dài từ 1m - 1,5m vắt từ trước ngực qua vai trái, qua lưng, chéo xuống sườn phải. Ở gần hai đầu vải có dải nhỏ để buộc lại với nhau. Miếng thứ hai để nguyên khổ vải (từ 70cm - 90cm), chiều dài 1,5m, quấn quanh bụng, đầu vải giắt vào mép vải cho chặt (giống y hạ của Khất sĩ).

Y vai trái(còn gọi là y Uất đa la tăng). Y vai trái có chiều dài 2m70, chiều ngang 1m80 mặc vấn chừa vai và cánh tay phải. Khi ra đường, áo không được để hở vai và tay mà phải mặc trùm cả thân theo trình tự như sau : Quàng tấm vải từ sau lưng ra phía trước, hai mép vải luồn dưới hai nách, chụm hai mép vải ở trước ngực. Cho tay trái vào trong giữ ở đoạn vải cách ngực khoảng 40cm tạo một khoảng trống ở trước ngực. Y này thường mặc khi lễ Phật, kiết giới, Bố tát, thuyết pháp,...

Về màu sắc y phục chư Tăng, theo luật tạng Pali quy định là màu hoại sắc, nói cụ thể hơn là màu da bò, màu vàng đậm và màu măng cụt. Ở Việt Nam, ba màu vừa kể trên chư Tăng đều có mặc, nhưng chưa thống nhất và đồng phục, như Sa di phải mặc màu nào, Tỳ khưu phải mặc màu nào ! Về phía Ni giới Nam tông Việt Nam, hiện quý vị Ni đang sử dụng 3 màu : màu trắng (ảnh hưởng Thái - Khmer), màu hồng và màu nâu (ảnh hưởng Miến Điện). Tuy ba màu nhưng màu trắng lại chiếm đa số - pháp phục màu trắng và cộng thêm khăn giới màu vàng.

Tóm lại, y phục là để tô điểm cho oai nghi tế hạnh của người xuất gia. Đầu tròn, y phục và bình bát là thể hiện người xuất gia, tuy là hình thức nhưng chính nó giúp cho chúng ta tu tâm dưỡng tánh, chuyển mê khai ngộ. Người xuất gia chỉ có tam y, bình bát là tài sản. Tam y là để che thân, bình bát dùng để khất thực và nuôi mạng sống qua ngày, để thực hành đời sống phạm hạnh.

Giang Phong
Ý kiến bạn đọc
21/09/201711:36
Khách
Hình mão hiệp chưởng minh họa trên là mẫu của chức sắc đạo cao đài, xin đổi lại cho đúng theo Phật giáo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/08/2010(Xem: 7603)
Sứ mệnh doanh nghiệp là hợp tác để cùng phát triển, cùng có lợi. Hợp tác mà một bên thắng và một bên thua giống như hình thức bóc lột thời phong kiến hay phạm giới ăn cắp. Trong một trò chơi mà ai cũng thắng thì ra về ai cũng thấy vui. Sứ mệnh doanh nghiệp là tái lập truyền thông giữa người với người, người và cộng đồng, người và thiên nhiên. Sự giao tiếp và truyền thông giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các phòng ban, giữa các nhóm làm việc và giữa môi trường bên trong và môi trường bên ngoài là nhiệm vụ nòng cốt của doanh nghiệp.
28/08/2010(Xem: 61637)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 6776)
Tiền bạc của cải là phương tiện trao đổi để sử dụng hữu ích trong mối quan hệ của đời sống như ăn uống, ngủ nghỉ là nhu cầu cần thiết của con người. Về cơ bản, con người là chúng sinh cõi dục, do dục mà được sinh ra và hiện hữu, con người cần có các nhu cầu ăn, mặc, ở, bệnh, nghỉ ngơi, giải trí, hoạt động đi lại, giao tiếp và thưởng thức các cảm xúc khoái lạc giác quan v.v…Con người không thể sống mà không ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí, thư giãn sau khi làm việc.
28/08/2010(Xem: 10355)
Khi sinh ra, chúng tôi lên tàu và gặp cha mẹ của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng họ sẽ luôn luôn đi về phía chúng tôi. Tuy nhiên, tại một số trạm cha mẹ của chúng tôi sẽ bước xuống từ xe lửa, để lại cho chúng tôi trong hành trình này một mình. Khi thời gian trôi qua, những người khác sẽ lên tàu; và họ sẽ có ý nghĩa anh chị em của chúng tôi là, bạn bè, trẻ em, và thậm chí cả tình yêu của cuộc sống của chúng tôi.
28/08/2010(Xem: 58367)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
28/08/2010(Xem: 8384)
Trước hết, tôi chân thành cảm tạ Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đã dành cho tôi vinh dự đọc một bài thuyết trình trong buổi lễ mãn khóa long trọng này. Tuy dạy học ở xa, tôi vẫn luôn luôn gần gũi Học viện, tưởng như đây là nơi gắn bó nhất với cuộc đời của mình. Ở đây, và chỉ ở đây, tôi mới tìm được khung cảnh đáp ứng đồng thời hai nhu cầu của tôi - nhu cầu tri thức và nhu cầu đạo đức. Trong các trường đại học mà tôi dạy ở xa, tôi có cảm tưởng như chỉ sống một nửa. Không khí mà tôi thở trong Học viện cho tôi được sống vẹn toàn cả hai nhu cầu. Tôi mong được sống vẹn toàn như vậy trong bài thuyết trình này.
28/08/2010(Xem: 8462)
Nếu chúng ta thọ năm giới, và khuyến khích mọi người trong gia đình ta thọ năm giới, thì ngày đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời ta, vì gia đình ta sẽ được duy trì, và cuộc sống gia đình đơn giản, tốt đẹp sẽ ảnh hưởng đến những gia đình khác trong xã hội.
27/08/2010(Xem: 19322)
1. Dạy con trẻ vạn lời hay, không bằng nửa ngày làm gương, làm mẫu 2. Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi; Con cái thích vòi mà không biết trả 3. Dâu, rể tốt cha mẹ được đề cao; Con cái hỗn hào đứt mười khúc ruột 4. Cha mẹ dạy điều hay, kêu lắm lời, bước chân vào đời ngớ nga ngớ ngẩn 5. Cha nỡ coi khinh, mẹ dám coi thường, bước chân ra đường không trộm thì cướp 6. Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han, bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng 7. Con trai chào trăm câu không bằng nàng dâu một lời thăm hỏi 8. Khôn đừng cãi người già, chớ có dại mà chửi nhau với trẻ
27/08/2010(Xem: 23636)
Còn nghĩ rằng “Đời là thế, vốn dĩ đời là thế”, “giữa cuộc đời cũng chỉ thế mà thôi”. Trước hiên nhà, lá rụng đầy sân, Chớm lộc mới, ngát hương đường cũ. Vậy nên: Hương xưa còn đọng trên đường, Ngàn lau lách ấy xem dường trinh nguyên. Âm ba tiếng hát đỗ quyên, Lung linh trăng nước xe duyên sơn hà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]