Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lệ Trời rơi xuống

12/07/201306:44(Xem: 7136)
Lệ Trời rơi xuống

hoa_hong (4)
LỆ TRỜI RƠI XUỐNG, LỆ NGƯỜI NỞ HOA

Huệ Trân

Mưa từ đêm qua. Mưa rả rich khi tôi bắt đầu ngồi thiền, và quá nửa đêm thì ầm ầm thác đổ! Cả không gian mênh mông chìm trong mưa. Mưa đang là chúa tể, đang khiến mọi loài khuất phục, nhưng nếu tách rời ra, mưa chỉ là từng hạt lệ trời, và lệ trời rơi xuống, biết đâu chẳng khiến lệ người nở hoa!

Tôi mở cửa gỗ, chỉ đóng cửa lưới, để được nghe tiếng mưa rơi. Tôi từng ngồi nghe mưa rơi trên mái ngói, nhưng nơi đô thị, chỉ là âm thanh của tiếng mưa chạm ngói, xen lẫn tiếng xe cộ vội vã trong dòng đời luôn vội vã.

Tiếng mưa rừng trong đêm không thế. Như bước chân thiền hành của hành giả chánh niệm, mỗi bước đều cảm nhận từng tế bào nơi bàn chân chạm vào đất. Và dấu chân trên đất ấy thật vững chãi, thật rõ ràng “Đây là bước chân tôi thiền hành. Phút giây hiện tại này, tôi đang thiền hành, dấu chân tôi đang in trên mặt đất, tâm tôi đang an lạc thảnh thơi, tôi đang thở và tôi biết, tôi đang sống. Không gì có thể quan trọng hơn phút giây này vì nếu tôi không biết hiện diện phút giây này, ấy là phút giây này tôi đã không đang sống!”

Mưa lớn mà vẫn từ tốn như thế. Chỉ mưa và đất trời, rừng và cỏ, quấn quít nhau, ôm ấp nhau nên mưa rừng Bedford mà như cả vũ trụ đang mưa. Tôi rất thích câu thư pháp ở phòng ăn Xóm Mới “The tears I shed yesterday have become rain”Hạt lệ tôi rơi xuống hôm qua, nay đã thành mưa. Mưa như thế thì có phải cơn mưa ấy đã là lệ trời quyện vào lệ người để hiển lộ sự chuyển hóa không ngừng trong tương quan trùng trùng vũ trụ.

Sự có mặt của tôi, đang ngay trong em hiện hữu. Và em ơi, em có mặt đây là em đang có tôi, dù ngày mai tôi có đi xa …

Rồi mưa cũng ngớt dần, nhỏ dần. Qua màn đêm sẫm tối, tôi vẫn lờ mờ thấy hình dáng Tôn Tượng Quán Thế Âm sừng sững giữa hồ sen. Thế đã đủ để tôi yên tâm, đóng cửa, vào giường ngủ.

Khi tôi thức giấc, mưa vẫn rơi. Khung trời trắng xóa, mịt mờ trong màn mưa ẩm đục. Tôi chỉ có một cái nón lá, mà với mưa thế này, từ phòng lên chánh điện cũng đủ ướt nhẹp. Ướt thì không sao, nhưng nếu vì ướt mà bệnh thì một mình nơi chốn hoang vu này, chắc cũng hơi phiền. Tôi đành ngồi trong phòng, thay vì tụng kinh, thì trì kinh.

Hôm nay, tôi đã muốn tụng kinh Pháp Hoa, bèn mặc áo tràng, ngồi ngay ngắn trên bồ đoàn, mở Diệu Pháp Liên Hoa Kinh và bắt đầu trì kinh theo tiếng mõ là mưa rừng thánh thót.

Có lẽ đây là lần đầu tôi cảm nhận mưa gõ mõ. Một mình trên ngọn đồi hoang vu, mỗi ngày, tôi như mỗi nhận được quà tặng quý giá. Lạ rằng, những quà tặng này chúng ta từng có từ khi cất tiếng khóc chào đời, nhưng lại chưa đủ duyên biết là mình có!

“ Yomosugara

Hotoke no michiwo

Tazunereba

Waga kokoro ni zo

Tazune irikeru” (*)

Suốt đêm dài,

Nếu ta tìm kiếm

Con đường Như Lai

Tìm hoài sẽ gặp

Tâm mình chứ ai!

Mưa gõ mõ thật đều, nhịp nhàng và thanh thản khiến tôi trì kinh được an lạc bội phần. Từng trang, từng trang, tới phẩm “Hóa Thành Dụ” thì mưa chậm lại rồi dứt hẳn. Chắc mưa cũng muốn tôi tạm dừng ở đây. Dù chỉ là hóa thành, nhưng cái tâm khởi nghĩ “dừng lại nghỉ ngơi” là tức thời cái thân như khỏe khoắn hơn. Từ vô lượng kiếp, Chư Phật đã rõ tâm chúng sanh như thế mà khổ nhọc, nhẫn nại bày ra muôn phương tiện hầu dẫn dắt bầy con khờ dại qua được bờ bên kia!

Tôi ngừng trì kinh, nhưng vẫn ngồi yên trên bồ đoàn, nhìn nắng đang lên dần, qua khung cửa kính. Rừng vừa tắm gội, chắc mát mẻ, tinh khôi lắm!

Không gian không có nhiều ngăn che nên đất trời thế nào là rõ ngay thế nấy. Khi mưa tầm tã thì cứ mưa, mà mưa dứt, nắng lên, thì lập tức óng vàng, ấm áp. Tôi mở cửa, bước ra ngoài, nghĩ rằng bây giờ đi thiền hành dọc theo lối sỏi, chắc thư thái lắm. Con đường ngoằn ngoèo, một bên là rừng thông, một bên là đồng cỏ, tưởng như đi mãi cũng không thấy cuối đường. Tôi đang hát nho nhỏ, một bài thiền ca thì bỗng nghe thấy tiếng xe hơi sau lưng. Đó là hai vợ chồng hàng xóm, người Da Đỏ. Họ dừng xe, tôi dừng bước. Chúng tôi chào nhau. Hiếm khi được thấy bóng người và chào người ở nơi này!

- Chúng tôi xuống phố, cô có cần gì không?

Họ đã đôi lần hỏi tôi như thế, và tôi thường trả lời “Cám ơn, tôi không cần gì cả”. Nhưng hôm nay bỗng nghĩ, sao không cùng đi với họ, cũng là dịp để trao đổi tình hàng xóm với nhau hơn.

Trên đường, người vợ kể đủ thứ chuyện, còn người chồng chỉ vừa lái xe, vừa tủm tỉm cười, thỉnh thoảng lại nói cái câu thường nói, chẳng dính gì vào những câu chuyện người vợ đang kể. Đó là “Khi nào cô cần gì, cứ gọi, chúng tôi hay xuống phố lắm!” Tôi cám ơn, tuy biết rằng tôi chẳng có nhiều nhu cầu, chắc sẽ chẳng gọi đâu!

Trong tiệm bách hóa, khi họ mua nước uống, bánh kẹo, thì tôi đến kệ thuốc, hỏi mua thuốc thoa trên da, ngăn muỗi mòng. Khi lên đây, tuần đầu chưa thấy gì, còn ngồi trên cỏ nữa, nhưng có lẽ nay muỗi rừng mới nhận ra là có một “con mồi” từ đâu hiện diện. Chúng đốt hồi nào không hay, chỉ khi thấy ngứa thì đã nổi mụn đỏ rồi!

Người bán hàng tìm quanh rồi đưa cho tôi một lọ, bảo thoa vào nơi bị đốt. Tôi hỏi:

- Có thuốc gì thoa trước trên da để ngừa đừng bị đốt không?

Người đó lại tìm quanh rồi bảo:

- Không có. Nhưng thứ này sẽ giảm ngứa và mụn đỏ không sưng to.

Tôi hơi ngạc nhiên vì văn minh y học thời nay mà không có thuốc ngừa muỗi mòng, chỉ khi bị đốt rồi mới có thuốc giảm ngứa thôi. Tôi cầm lọ thuốc, cười thầm khi chợt nghĩ rằng nhân loại hàng ngàn năm đau khổ, cũng có ngừa được đâu. Còn tệ hơn, là sau khi chịu điều khổ này, tưởng đã biết, lại hăng hái tìm cái khổ khác mà lao vào, cứ triền miên như thế!

Trên đường về, ông hàng xóm bỗng chỉ phía trước, bảo:

- Bờ sông kia đẹp lắm, cô có muốn xuống xem không?

Tôi chưa kịp trả lời thì Sue (bà vợ) đã tán đồng ngay (sau, tôi mới biết là đã đến cữ bà muốn hút thuốc lá!)

Chúng tôi ngồi trên hàng ghế gỗ, ven sông, còn Sue thì ngồi dưới gốc cây với điếu thuốc cháy đỏ trên tay. Croky (tên ông chồng) giới thiệu với tôi:

- Đây là sông Ohio, qua bờ bên kia là Indiana. Mỗi tuần hai lần chúng tôi qua đó mua thuốc và đi chợ. Bên đó có một cửa hàng, cái gì cũng rất rẻ. Thường thì chúng tôi qua đó buổi trưa, để ăn pizza. Bên đó có tiệm pizza ngon lắm, cô có muốn cùng đi thì lần tới chúng tôi qua đón. Mà gọi pizza thì cô có thể nói họ làm với rau và nấm thôi, là ăn chay đấy!

Croky thật chu đáo. Và lúc dời bờ sông, lại bất ngờ đề nghị:

- Bây giờ còn sớm, mình qua đó cho cô biết cây cầu mới. Thành phố tốn rất nhiều tiền và thời gian, mấy năm mới vừa xong đấy.

Những hương lộ quanh đây đều mang số. Nhìn bảng bên đường, tôi biết đang đi trên 1226. Con đường uốn khúc với bai bên là rừng thông xanh mướt. Qua khỏi rừng thông, rẽ vào hướng bắc 421 thì bắt đầu lên dốc. Thỉnh thoảng lại thấy một nhà thờ nhỏ bên đường, hàng quán đơn sơ, người dân đi bộ thong thả, đời sống nơi đây như chẳng có gì vội vã “Lững thững đến, lững thững đi. Tử sinh vẫn đó, cần chi vội vàng”

Rồi cầu Madison xuất hiện. Tên cây cầu bỗng bật lên trong trí tôi một điều gì đó đã từng nghe qua? A! không biết đây có phải là cây cầu mà cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, tựa đề “The Bridge of Madison Country” của tác giả Robert James Waller đã được quay thành phim năm 1995 với hai tài tử lừng danh Clint Eastwood và Maryl Streep? Nếu đúng, thì chính nơi đây đã chứng kiến một chuyện tình buồn, nhưng cảm động của chàng nhiếp ảnh viên trẻ tuổi đi săn ảnh thiên nhiên cho tạp chí National Geography. Chàng đã dừng lại bên cầu, gặp một thôn nữ và hỏi thăm đường. Cái phút giây định mệnh đó đã là tiếng sét của cuộc tình nồng cháy theo đuổi họ suốt hai mươi bốn năm sau, dù hai người ở hai phương trời cách biệt!

Tôi đã đọc cuốn sách này, nên khi thấy được quay thành phim, bèn rủ bạn, lấy vé đi xem. Nào ngờ chủng tử đó nằm yên trong Alaya thức, để khi tình cờ chạm tới thì bật lên ngay! Và càng không thể ngờ là ở tuổi cuối đời, tôi lại lang thang tới đúng nơi này, một nơi mà trước đây tôi chẳng hề để ý là nó nằm ở đâu trên bản đồ thế giới!

Xe chầm chậm lăn bánh. Sông Ohio xuôi chảy dưới chân cầu. Sông rất dài, qua nhiều đô thị, nhưng chiều ngang thì khiêm nhường, từ bên này, có thể lờ mờ nhìn thấy bên kia. Tuy thế, muốn thực sự đặt chân tới Indiana thì phải hoặc lên xe, hoặc xuống thuyền và khởi sự di chuyển mới sang được Bờ Bên Kia, mới là Đáo Bỉ Ngạn. Nếu chỉ ngồi bên này, sẽ chỉ nhìn thấy bên kia qua trí tưởng. Mà trí tưởng thì chỉ là ảo tưởng! Nếu chúng ta chưa qua được Bến Giác chỉ vì ta chưa quyết tâm khởi bước xuống thuyền, vượt Sông Mê!

Tôi nói với đôi bạn già hàng xóm như thế. Họ nhìn nhau, rồi nhìn tôi. Nhưng chỉ dăm sát na thôi, dường như hiểu ra, họ cùng cất cao giọng, thay nhau nói:

- Hay! Hay! Đúng vậy! Phải đi mới tới chứ!

Không biết họ hiểu sâu bao nhiêu điều tôi muốn chia sẻ, nhưng nhận định được như vậy cũng đủ để tôi hoan hỷ xác định thêm:

- Đức Phật từng dạy như thế.

Huệ Trân

Thiên Di Am, chùa Chánh Pháp

Bedford, Kentucky

Thượng tuần tháng bảy, 2013

(*) Nguyên tác: thiền sư Ikkyu, Nhật Bản.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/09/2013(Xem: 9130)
Vầng trăng ai xẻ làm tư. Nửa in Bút Nữ, nửa soi gầm giường. Ai bảo Hoa Lan không biết làm thơ ? Không, cô nàng ngoài tài viết văn quyến rũ độc giả đưa vào mê hồn trận với những mối tình A Còng và Nghịch Duyên, cũng biết xuất khẩu thành thơ đấy. Nhưng thơ của nàng thì ôi thôi chẳng ai chịu nổi cả vì chỉ toàn đi chôm thơ của người khác rồi cải biên, tân trang lại cho đúng vần đúng điệu và cuối cùng nhận là thơ của mình.
17/09/2013(Xem: 9366)
Cuối cùng ngày mong đợi cũng đến: Hành hương Tích Lan 02.07.2011 - 14.07.2011. Từ Thụy Sĩ xa xôi, một mình lẻ loi như cánh chim lạc đàn, tôi tìm về tổ ấm nhập đàn cùng thầy, bạn, những người quen và những người chưa quen ở Đức. Một chuyến đi xa, hành hương đến một nước xa lạ chưa hề nghĩ có ngày đặt chân tới, tôi háo hức như đứa trẻ sắp được mặc áo mới, hay cô dâu sắp về nhà chồng. Chuyến bay cất cánh từ phi trường Frankfurt Đức quốc lúc 22.40 thuận lợi cho tôi đủ nhân duyên để tham dự chuyến hành hương này.
16/09/2013(Xem: 7789)
Vấn đề tôi nói hôm nay là một chữ XẢ. Quí vị biết ngược với xả là gì không? Là cố chấp, nắm chặt. Cố là chặt, chấp là nắm; cố chấp là nắm chặt. Khác với nắm chặt là buông bỏ.
16/09/2013(Xem: 8866)
Hồ Bodensee tiếp giáp ba nước Áo, Đức, Thụy Sĩ vẫn còn đó, nhà Thi Thi ( Thi Thi Hồng Ngọc ) vẫn còn kia, trái đất tròn vẫn luôn tròn không méo, cho nên, chúng tôi hẹn gặp lại nhau không khó.Chỉ khó chăng tại lòng người “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông „.Vâng, đúng vậy, tôi đã lừng khừng nửa muốn nửa không, ngán ngẫm khi nghĩ phải lủi thủi kéo valy một mình dù đoạn đường không dài, chỉ hai tiếng xe lửa từ nhà tôi qua Thi Thi rồi đến tu viện Viên Đức.
13/09/2013(Xem: 13504)
Mỉm cười không mệt, giận hờn mới mệt Yêu thương không mệt, ghen ghét mới mệt
13/09/2013(Xem: 11390)
Có lẽ Chủ tịch Jim Young Kim thấy nhân viên của World Bank (WB) đang bị sức ép thay đổi đè nặng lên vai nên đã đích thân mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới thăm và nói chuyện.
07/09/2013(Xem: 6925)
Vào những năm 1974-1996, khi ấy tôi còn ở một ngôi chùa tọa lạc ngoại vi Thành phố. Trước đó, ngôi chùa nầy có một lần trùng tu lại, vì nguyên thủy của nó chỉ xây dựng bằng phương tiện vật liệu nhẹ như; mái, vách tôn, cột, kèo bằng gỗ thao lao, nền chùa lót bằng gạch tàu trông vẽ đơn sơ, mặt sân đất thoáng rộng, dân cư chung quanh còn thưa thớt lắm, nên không gian ở đây còn yên tĩnh hơn bây giờ nhiều.
07/09/2013(Xem: 9037)
Như cuộc sống hiện giờ có ba việc ăn, uống, thở, trong đó chúng ta lo việc nào nhiều nhất? Thường người ta lo ăn nhiều nhất. Tối ngày chạy lo ăn, nhưng thật ra nếu nhịn ăn mấy ngày có chết không? Không chết. Kế đó là uống, nhịn uống hai ba ngày mới chết. Ðến thở, nhịn bao lâu chết? Trong tích tắc, thở ra mà không hít vô là chết. Vậy mà người ta lại quan trọng ăn với uống, còn thở ra sao thì không biết. Rõ ràng việc tối quan trọng lại lơ là, còn việc không quan trọng thì dồn hết tâm lực vào đó. Như vậy mới thấy cái lầm lẫn của chúng ta thật đáng thương.
06/09/2013(Xem: 8964)
Lý số, đông y là nghề của bố chồng tôi. Không rõ nhờ cụ thực tài hay tại hành nghề miễn phí, không nhận thù lao của khách nên khách của cụ khá đông. Một ngày, năm đó tôi vừa 23 tuổi, có một vị khách đặc biệt đến nhà giữa lúc bố tôi đi vắng. Vị khách tướng tá khác phàm, râu tóc bạc phơ, cốt cách như một tiên ông. Cụ mặc chiếc áo dài the, đầu đội khăn đóng như bố chồng tôi vậy, tay cụ cầm gậy trúc và tự xưng là bạn của bố tôi mặc dù xưa nay tôi chưa hề gặp cụ bao giờ. Tôi mời cụ vào nhà.
04/09/2013(Xem: 8987)
Con người ta có nhiều cái sợ, như sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ vợ hay chồng bỏ, sợ thất nghiệp, sợ nghèo, sợ đói, sợ nhiều thứ, v.v… Trong những cái sợ này có cả sợ ma. Không phải chỉ có con nít mới sợ ma mà nhiều người lớn cũng sợ ma. Muốn hết sợ ma thì cần phải suy tư về thực chất của sợ và ma.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com