Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Đừng Nghĩ Quá Khứ, Đừng Nghĩ Tương Lai

17/11/201209:19(Xem: 8938)
07. Đừng Nghĩ Quá Khứ, Đừng Nghĩ Tương Lai

ĐỪNG NGHĨ QUÁ KHỨ, ĐỪNG NGHĨ TƯƠNG LAI

Cư Sĩ Nguyên Giác

Năm cũ trôi qua, năm mới bắt đầu... Đầu xuân là những ngày ông bà mình gọi là thời điểm cần để “ôn cố tri tân” – nghĩa là ôn lại các chuyện cũ và tìm biết cái mới, hay nói bằng ngôn ngữ thời nay là, để rút kinh nghiệm năm cũ và vạch hướng đi cho năm mới.

Chuyện đời thì như thế, nhưng trong chuyện đạo thì nghe âm vang nhiều người nói rằng đừng nên nghĩ nhớ chuyện cũ, và đừng nên mơ tưởng suy tính chuyện tương lai, và rằng chỉ nên sống với hiện tại thôi. Có thực rằng sống đạo phảỉ là sống “một kiểu hiện sinh” như thế? Có thực rằng cần phải xóa sổ những ngày hôm qua, và phải dẹp hết những bữa hôm kia trong đầu... mới gọi là tu? Có thực rằng cần phảỉ dẹp bỏ mọi suy tính về ngày mai, về tuần sau, về năm sau... mới gọi là tu?

Người ta có thể dẫn ra bản Kinh Nhất Dạ Hiền Giả do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch... và nói rằng thôi hãy bỏ hết chuyện của hôm qua và ngày mai đi, và chỉ nên sống với hiện tại thôi.

Trong nhiều diễn đàn Phật Giáo và tuổi trẻ cũng nghe âm vang những lời khuyên tương tự. Cách viết tuy khác biệt chút ít, nhưng tư tưởng kể như là một. Sau đây là cách diễn đạt ở ba diễn đàn tuổi trẻ Phật Giáo:

- Đừng nhớ chuyện quá khứ, đừng mơ chuyện tương lai, hãy sống vì hiện tại.

- Đừng gặm nhấm quá khứ. Đừng vọng tưởng tương lai. Hãy sống tốt ở hiện tại.

- Đừng nuối tiếc quá khứ, đừng quá lo lắng cho tương lai, và hãy sống tốt ở hiện tại.

Có thực rằng, Đức Phật đã dạy đơn giản như thế không? Chắc chắn là có những gì nhầm lẫn nơi đây. Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, tại sao nhiều lần Đức Phật kể chuyện tiền thân của ngài và của nhiều vị tăng ni? Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, tại sao Đức Phật nhớ tới 5 người bạn đồng tu ở vườn Lộc Uyển, nên đã tìm lại để thuyết Tứ Diệu Đế và đưa 5 vị trở thành các đệ tử đầu tiên? Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, vậy thì những gì thuộc về ký ức và trí nhớ để làm chi? Nếu không nghĩ nhớ chuyện quá khứ, tại sao Chư Vị A La Hán hơn hai ngàn năm trước đã mấy lần kết tập kinh điển, đã cùng vận dụng trí nhớ để tụng đọc lại lời Đức Phật dạy trong quá khứ và bây giờ chúng ta còn có giáo pháp là nhờ khả năng “nhớ chuyện quá khứ” tuyệt vời của các vị Thánh Tăng thuở đó?

Mặt khác, nếu không bàn chuyện tương lai, tại sao Đức Phật tiên tri về Đức Di Lạc sẽ lên cõi trời Đâu Suất, tiên tri về các thời mạt pháp tương lai, tiên tri về tuổi thọ chúng sanh đời vị lai? Nếu không dặn dò chuyện tương lai, tại sao Đức Phật dạy trong Kinh Di Giáo: “Các thầy Tỳ kheo, sau khi Như Lai diệt độ phải trân trọng tôn kính tịnh giới...” (bản dịch của Hòa Thượng Trí Quang).

Có thực rằng Đức Phật dạy là chỉ nên tập trung vào giây phút hiện tạị hay không?

Câu trả lời nên là: Không đúng hoàn toàn như thế.

Đọc lại Trung Bộ Kinh, trong kinh thứ 131, đúng là Đức Phật có nói gần gần như thế. Bản dịch từ tiếng Pali sang Anh ngữ của đại sư Thanissaro Bhikkhu dịch với nhan đề là “Bhaddekaratta Sutta: An Auspicious Day,” và Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là “Kinh Nhất Dạ Hiền Giả.”

Bản Anh ngữ của đại sư Nanananda lại dịch là “Bhaddekaratta Sutta: The Discourse on the Ideal Lover of Solitude.” Cả hai đều là một kinh thôi.

Đây là một kinh dạy pháp thiền quán tuyệt vời. Khi đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Phật nơi đây đã dạy pháp an tâm, trong đó tâm sẽ hoàn toàn không dính mắc, không trụ vào bất kỳ pháp nào – cho dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại.

Trong kinh, Đức Phật dạy, “Quý vị không nên theo đuổi quá khứ và mơ tưởng tương lai.”

Bản của đại sư Thanissaro dịch là, “You shouldn't chase after the past or place expectations on the future.

Bản của đại sư Nanananda dịch là, “Let one not trace back the past or yearn for the future-yet-to-come.”

Bản HT Minh Châu dịch là, “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng.”

Tất cả chỉ có một nghĩa: giữ tâm vô sở trụ, đừng dính mắc tâm vào quá khứ hay tương lai.

Hoàn toàn không có nghĩa là đừng nghĩ tới quá khứ hay đừng nghĩ tới tương lai. Thực tế, ngay khi bạn suy nghĩ tới quá khứ thì lập tức hành động suy nghĩ là việc của hiện tại; tương tự, ngay khi nghĩ chuyện tương lai, hành động nghĩ đó chính là cái hiện tiền trước mắt và trong thân mình.

Bản kinh này ghi rõ thêm lời Đức Phật rằng, học nhân đừng nên để tâm nuối tiếc các niềm vui gì về sắc, về thọ, về tưởng, về hành, về thức của quá khứ.

Kế tiếp, kinh này ghi lời Đức Phật dạy rằng, học nhân đừng nên mơ tưởng các niềm vui gì về sắc, về thọ, về tưởng, về hành, về thức của tương lai.

Bản Kinh Nhất Dạ Hiền Giả trong khi dạy pháp an tâm, sau khi phá bỏ các trường hợp học nhân dính mắc tâm vào pháp quá khứ, và sau khi phá bỏ cách dính mắc pháp tương lai, liền tiếp theo là yêu cầu phá bỏ luôn các tâm dính mắc vào pháp hiện tại.

Đặc biệt, đây cũng là một pháp đốn ngộ: có một trường hợp tích truyện Pháp Cú, sau khi nghe Đức Phật nói là hãy buông “bỏ quá, hiện, vị lai...” chàng diễn viên nghề xiếc có tên là Uggasena còn đang lơ lửng đứng trên đầu cột hát xiếc giữa phố đã lập tức đắc quả A La Hán và được thần thông, khi chưa hết màn biểu diễn xiếc. Không hề trải qua thời gian tu học hay ngồi thiền nào? Đúng vậy, theo kinh thì như thế. Có nghĩa rằng, Đức Phật đã dạy pháp môn phá bỏ tâm quá khứ, phá bỏ tâm vị lai, phá bỏ tâm hiện tại. Hoàn toàn không có nghĩa gì như chúng ta thường nghe là đừng nghĩ quá khứ, đừng nghĩ tương lai và hãy nghĩ hiện tại...

Như thế, Kinh này cũng gợi nhớ tới một công án về Thiền Sư Đức Sơn (782-865) chuyên giảng Kim Kim Cang, không tin chuyện các sư dạy pháp thiền đốn ngộ, nên đã về phương Nam để tìm tranh luận. Khi tới Lễ Châu, gặp một bà già bán bánh rán, mới hỏi mua cho đỡ đói. Thấy sư gánh bộ Thanh Long Sớ Sao, bà già nói là sẽ hỏi một câu, nếu sư trả lời được thì sẽ được cúng bánh.

Sư Đức Sơn đồng ý, bà liền hỏi: “Trong kinh Kim cương có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.’ Vậy Thầy muốn điểm tâm nào?”

Sư Đức Sơn lặng thinh, không đáp được. Bà già mới chỉ Sư đến tham vấn Thiền sư Long Đàm.

Câu chuyện về Sư Đức Sơn cho thấy các thiền sư cổ thời đã không để dính mắc một tâm nào hết, dù là tâm hiện tại. Trong khi đa phần lời khuyên thời nay lại bảo là chỉ nên nghĩ chuyện hiện tại; rõ ràng là ngộ nhận lớn.

Nơi đây, chúng ta sẽ trích bản Kinh Nhất Dạ Hiền Giả do ngài Thích Minh Châu dịch, các đoạn văn Đức Phật dạy về ba tâm này:

... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: "Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là hành của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy, "Như vậy, là thức của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là truy tìm quá khứ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: "Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là tưởng của tôi... Như vậy là hành của tôi... Như vậy là thức của tôi trong quá khứ"; và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không truy tìm quá khứ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào ước vọng tương lai? Vị ấy nghĩ: "Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy là tưởng của tôi... là hành của tôi... Như vậy là thức của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ước vọng trong tương lai.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: "Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là tưởng... sẽ là hành... sẽ là thức của tôi trong tương lai, "và không truy tìm hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ước vọng trong tương lai.

Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc, hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ; hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị Đa văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ... không quán tưởng... không quán hành... không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại...”(hết trích)

Trong Kinh Pháp Cú, nơi kệ ngôn 348, Đức Phật cũng đã dạy cho chàng cư sĩ Uggasena tương tự. Và ngay khi vừa nghe, trong còn lơ lửng trên đầu cột biểu diễn xiếc, chàng Uggasena lập tức đắc quả A La Hán và được thần thông.

Bản dịch từ Tạng Miến Điện bởi ngài Daw Mya Tin là: “Verse 348: Give up the past, give up the future, give up the present. Having reached the end of existences, with a mind freed from all (conditioned things), you will not again undergo birth and decay.”

Có thể dịch là: “Bài kệ 348: Buông bỏ quá khứ, buông bỏ tương lai, buông bỏ hiện tại. Đạt tới bờ bên kia (Pali: bhavassa paragu: người qua bờ bên kia, kết thúc sanh hữu, tức A La Hán), với tâm giải thoát mọi pháp dính mắc, con sẽ không còn sinh tử nữa.”

Bài kệ này trong bản Hán Văn của Pháp Sư Thường Bàn Đại Định là: “Xả tiền, xả hậu, Xả gian-việt hữu. Nhất-thiết tận xả, Bất thụ sinh tử.” (Nguồn: phapluan.com)

Trong cuốn Tích Truyện Pháp Cú Tập 3, xuất bản bởi Thiền viện Viên Chiếu, câu chuyện “Chàng Trai Có Cô Vợ Diễn Viên Nhào Lộn,” đã kể về trường hợp Đức Phật dạy pháp buông bỏ cho chàng trai Uggasena, trích:

“...Hôm ấy, từ sớm đức Thế Tôn quan sát thế gian và Uggasena xuất hiện trong tầm quán sát của Ngài. Thế Tôn tự nghĩ: "Người thanh niên ấy sẽ ra sao?” Ngay sau đó, Ngài biết được: "Con trai quan Chưởng khố sẽ đứng lơ lửng trên đầu sào kia để biểu diễn màn xiếc của chàng và đông đảo khán giả sẽ tụ tập xem. Vào thời điển ấy ta sẽ đọc bài kệ bốn câu. Nghe xong tám vạn bốn ngàn người sẽ được Pháp nhãn thanh tịnh, còn Uggasena thì đắc quả A la hán.”

Ngày hôm sau, lựa đúng giờ thích hợp, đức Thế Tôn cùng các Tỳ kheo lên đường vào thành Vương Xá khất thực.

Trước khi Phật đặt chân vào thành, tại chỗ biểu diễn, Uggasena đưa tay ra dấu chào trả tiếng vỗ tay của khán giả. Và giữ thăng bằng trên đầu cột, chàng bay lộn bảy vòng trong không, đặt chân trở lại trên đầu cột và đứng giữ thăng bằng ở đấy. Đúng lúc này, đức Thế Tôn vào thành, và do sự xếp đặt của Ngài, khán giả quay nhìn Ngài thay vì nhìn Uggasena biễn diễn. Thấy khán giả không còn quan tâm đến mình nữa, Uggasena vô cùng thất vọng. Chàng nghĩ: "Ta phải mất một năm mới luyện được màn biểu diễn này. Thế mà đức Thế Tôn vừa đặt chân đến thành, khán giả đã bỏ ta quay lại chiêm ngưỡng Ngài. Buổi biểu diễn của ta thế là hoàn toàn thất bại. "Phật đọc được tư tưởng của chàng liền bảo Trưởng lão Mục- kiền liên:

- Ông hãy đến bảo con viên Chưởng khố ta muốn xem chàng biểu diễn tài nghệ.

Tôn giả đến bên cây cột nói với chàng diễn viên:

Này, Uggasena

Diễn viên xiếc tài ba!

Hãy phô trương tài nghệ,

Cống hiến dân thành ta.

Uggasena nghe vậy vô cùng hoan hỉ: "Chắc đức Thế Tôn muốn xem tài năng của ta.” Nghĩ vậy, chàng liền đáp, trong lúc vẫn đứng lơ lửng trên đầu cột:

Hãy xem tôi, Mục Kiền Liên Tôn giả!

Bậc đại trí, bậc đại thần thông!

Tôi trổ tài cống hiến đám đông

Và làm họ cười reo thỏa thích

Từ trên đầu cột chàng tung mình lên không, quay lộn mười bốn vòng rồi đặt chân trở lại, giữ thăng bằng trên đầu cột.

Đức Thế Tôn bảo:

- Này Uggasena, người trí phải biết cởi bỏ buộc ràng của thân ngũ uẩn trong quá khứ, hiện tại và vị lại. Như vậy, người ấy mới thoát được sanh, già, bệnh, chết.

Ngài nói kệ:

(348) Bỏ quá, hiện, vị lai,

Đến bờ kia cuộc đời,

Ý giải thoát tất cả,

Chớ vướng lại sanh già.

Phật nói xong, tám vạn bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh, con trai quan Chưởng khố đắc quả A la hán và được thần thông ngay khi chàng còn đứng lơ lửng đầu cột.

Chàng tụt xuống, tiến tới trước đức Thế Tôn, năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ Phật và xin được gia nhập Tăng đoàn. Phật đưa tay nói: "Hãy đến, Tỳ kheo!" Chàng liền biến thành một vị Trưởng lão chừng sáu mươi tuổi, với đầy đủ tám vật dụng tùy thân. Các Thầy Tỳ kheo hỏi Trưởng lão:

- Này huynh Uggasena, huynh leo từ cây cột ba chục thước xuống mà không sợ sao?

Uggasena đáp:

- Chư huynh đệ, tôi chẳng sợ chút nào. Chúng Tỳ kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, Uggasena nói "Tôi chẳng sợ chút nào" là nói điều không thật. Ông ấy phạm việc dối trá.

Phật bảo:

- Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo như Uggasena đã diệt trừ tham ái, không còn lo âu sợ hãi gì nữa.”(Nguồn: thuvienhoasen.org)

Tới đây, chúng ta có thể thắc mắc, rằng vì sao trong các bản kinh xưa, Đức Phật dạy xả ly tất cả các pháp dính mắc ở ba thời quá, hiện, vị lai... mà bây giờ bỗng nhiên trở thành cách nói đầy hiện sinh kiểu như “đừng nghĩ chuyện quá khứ, đừng nghĩ chuyện tương lai, chỉ nên nghĩ tới hiện tại tuyệt vời...”

Ai đã biến hóa lời dạy của Đức Phật trở thành lời khuyên kiểu thế gian như thế? Ai đã xóa đi lời dạy của Đức Phật rằng phải qua bờ bên kia, rằng phải xả ly buộc ràng ngũ uẩn (trong quá, hiện, vị lai), rằng phải thoát khỏi sanh già bệnh chết... để rồi dính mắc vào cái hỷ lạc của tâm hiện tại?

Mới biết, không dễ gặp những bà già bán bánh như thời Thiền Sư Đức Sơn.

Cư Sĩ Nguyên Giác

Kinh sách liên quan:

KINH NHẤT DẠ HIỀN GIẢ- Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/10/2019(Xem: 9830)
Tâm thư kêu gọi trợ giúp em Đức, huynh trưởng GĐPT Phú Cát, Huế, Ở nhà máy HBI Huế có em Hồ Xuân Đức ( 140450), nhân viên may - Bộ phận Newstyle, cách đây cách đây 4 tháng, Đức phát hiện bị bệnh Wilson, một loại bệnh do di truyền gây ảnh hưởng gan, hệ thần kinh và kéo dài suốt đời. Mặc dù mới chỉ phát hiện cách đây 4 tháng, nhưng bệnh đã ảnh hưởng đến gan và hiện tại gan của em đã bị xơ ở giai đoạn cuối.
30/09/2019(Xem: 7069)
Nhà Thần kinh học người Ý - Do Thái đoạt giải Nobel 1986 " Khi già đi, thị lực con người kém đi ....nhưng sẽ NHÌN THẤY NHIỀU HƠN " Và gần đây tôi đã đọc được đâu đó rằng " Mỗi người già là một thư viện ". Lẽ ra câu nói trên đây chỉ đúng cho những bậc Cao tăng thiền Đức, khi các Ngài đã thâm sâu hiểu Đạo, nhưng các bạn ơi khi càng đi dần vào tuổi thu đông và khi tiếp xúc nhiều với tất cả các bạn cùng lứa tuổi và bạn sẽ thấy rằng nó đúng cho cả những người phàm phu như chúng ta nữa đó . Vì thật ra nếu con cái chúng ta muốn học hỏi kinh nghiệm từ bố mẹ chúng từ khi họ trải qua những khó khăn do cuồng lưu nghiệt ngã của cuộc sống trong đời và nếu họ chỉ cần muốn lưu trữ lại ..hẳn chứa đầy mấy tủ sách đấy , bạn ạ .
26/09/2019(Xem: 14875)
Nhằm tạo một cơ hội sinh hoạt chung để chia sẻ, truyền lửa cho nhau, và thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật, Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung, một buổi sinh hoạt CÓ MẶT CHO NHAU 2 sẽ được tổ chức tại Tully Community Branch Library, 880 Tully Rd. San Jose, CA 95111, vào lúc 2:30--5:45 chiều, Thứ Bảy, ngày 19 tháng 10, 2019. Buổi sinh hoạt này gồm có các tiết mục như sau:
12/09/2019(Xem: 6704)
HT Thích Nhất Hạnh trong phần đầu của TRÁI TIM CỦA BỤT có dạy : " Mọi người, ai trong chúng ta cũng có đủ mọi hạt giống, có những hạt giống trung thành và cũng có những hạt giống phản bội . Những hạt giống này phải được tu tập, tưới tẩm cho những cái ác không còn môi trường phát triển thì ta mới có sự chuyển hoá và giúp ích cho mọi người " Và nếu như Ngài đã dạy cách nghe một bài pháp thoại là Hãy khoan dùng Trí năng phân biệt của mình để nghe mà phải để cho mặt đất Tâm của mình mở rộng thênh thang cho mưa pháp thấm nhuần thì phải chăng thưởng thức âm nhạc cũng vậy ( tuy nhiên bản nhạc bắt buộc nằm đúng trong hướng đi của mình đã chọn chứ không phải bất cứ loại âm nhạc nào )
07/09/2019(Xem: 5934)
Không biết vận mệnh tôi luôn phải sống trong cảnh mà người ta gọi là " một kiểng hai quê " không ? Dù tôi không muốn thế nhưng từ bốn năm nay từ khi con trai cả tôi do nhu cầu nghề nghiệp phải sống luôn tại Sydney và mua được một ngôi nhà có đất thật rộng để cất thêm cho tôi một gian nhà nhỏ mà tôi xem đó như một nơi đi về trốn mùa đông thật lạnh của Melbourne hay là nơi trú ẩn cuối cùng trong những ngày tuổi già tàn tạ chờ vào nhà dưỡng lão thì nhiều người bạn nửa như trách khéo nửa như khuyên bảo rằng ...chính tôi đã tự tạo cho mình thêm mối ràng buộc vì phải đi đi về về mỗi năm ba bốn lần ...
03/09/2019(Xem: 6807)
Ngày cuối tuần tôi thường rất thư giản vì không phải tuân vào kỷ luật của riêng mình ( phải thi hành đúng chương trình đã thiết lập ) giở lại chồng CD cũ, vô tình được nghe lại bản nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy thật hay " Một bàn tay " do Duy Quang hát ( người con cả của Ông cũng đã qua đời trước Ông ) rồi lại nghe tiếp Duy Khánh với " Những bàn chân " lòng tôi chợt chùng xuống và thương cảm cho thân phận con người ....và chợt nhận ra đôi khi mình thật ích kỷ để ban tặng một lời khen , một lời cám ơn đến những người đã mang nghệ thuật âm nhạc giúp ta thư giản... giải trí quên hết đi những bận rộn ưu tư của cuộc đời ....
01/09/2019(Xem: 6809)
Tôi cảm ơn những người tổ chức tạo cơ hội để nói chuyện và chia sẻ với mọi người, đặc biệt với giới trẻ. Tôi cũng cảm ơn chính tôi, đặc biệt là thân thể tôi. Một vài ngày qua, tôi có vấn đề với cuống họng của tôi, vì thế tôi phải uống thuốc, nhưng rủi ro thay tôi uống quá liều và nó trở nên trầm trọng. Tôi đã ngủ mười tiếng đồng hồ vào buổi tối và tôi cảm thấy rất khỏe khoắn hôm nay.
30/08/2019(Xem: 7389)
Gần đây không hiểu sao tôi lại rất thích thú khi đọc được trên trang mạng những đề tài như LÃO GIẢ AN CHI ( Già có được an không ? ) . Có lẽ đã đến lúc không còn mơ mộng viễn vông rằng không ai có thể đi ngược lại với dòng chảy của thời gian và đến một lúc nào đó chúng ta cần phải ý thức được về vị thế của mình khi về già nếu như chưa có được " một chút tài sản thế gian lẫn tài sản tâm linh" nghĩa là vào lúc về hưu rồi phải làm sao có được nơi trú ẩn thuận tiện , không nợ nần và còn có thêm một chút vật chất phòng khi giao tế và hành thiện tu bồi phước và có cơ hội tu tập những đạo lý hầu làm tư lương khi trở về một nơi nào đó ...sau khi xả bỏ thân phàm phu này . Vì chỉ có Huệ ta mới có thể làm Phước được, nhưng nếu để Huệ mãi còn non kém mà không chịu tu tập thêm thì sẽ một ngày nào đó , ta xài hết Phước rồi thì vẫn mãi ở trong sinh tử luân hồi ....
23/08/2019(Xem: 7346)
Ngày lễ Vu Lan trong Đạo Phật là ngày “Phật Hoan Hỷ”, ngày “Tự Tứ”. Tăng, Ni tập trung vào sự tu niệm và thỉnh cầu những bậc trưởng thượng chỉ dạy mọi lỗi lầm để mình thành tâm sám hối.
23/08/2019(Xem: 6058)
Huyền thoại thường nghe: tu thiền dễ bệnh khùng khùng điên điên. Sự thực: y khoa Hoa Kỳ từ nhiều thập niên đưa ra các cuộc nghiên cứu chứng tỏ lợi ích của thiền tập. Sự thực nữa: trong hàng chục triệu người khùng khùng điên điên trên khắp thế giới, đại đa số không biết gì về Phật giáo. Thêm sự thực nữa: Phật giáo gần với khoa học hơn bao giờ hết, trong khi hầu hết các tôn giáo khác đều hoang tưởng với các tín lý vô căn cứ… và hoang tưởng là một dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]